14/3/13


Vì sao Hội đồng Giám mục góp ý Hiến pháp?

Cập nhật: 10:40 GMT - thứ hai, 4 tháng 3, 2013
Hình minh họa
Hội đồng Giám mục Việt Nam nói phải 'xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính trị nào'
Trong Bản nhận định và góp ý gửi tới Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hôm 01/03, Hội đồng Giám mục Việt Nam không chỉ bày tỏ bất đồng với Điều 4 mà còn mạnh dạn nêu lên những mâu thuẫn, bất hợp lý trong cơ cấu chính trị tại Việt Nam và những hậu quả mà những mâu thuẫn, phi lý ấy mang đến cho người dân và đất nước.
Có thể nói từ trước tới nay chưa bao giờ các Giám mục Việt Nam thẳng thắn, công khai và mạnh dạn lên tiếng như vậy.
Điểm ‘tử huyệt’ của chế độ
Bản nhận định, góp ý của các Giám mục Việt Nam đã nêu rõ rằng “trong Hiến pháp không nên và không thể khẳng định một cách tiên thiên sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phái chính trị nào, vì chủ thể của quyền bính chính trị chính là nhân dân”.
Và vì vậy, cần “xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính trị nào, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, do dân bầu ra và là đại diện đích thực của nhân dân, chứ không phải là công cụ của một đảng cầm quyền nào”.
Với những nhận định rõ ràng và dứt khoát như vậy, một cách gián tiếp Hội đồng Giám mục muốn loại bỏ Điều 4 khỏi Hiến Pháp dù trước đó năm ngày, Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cho rằng những ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 là suy thoái đạo đức, lối sống.
Ngoài việc dám thẳng thắn điểm vào ‘tử huyệt’ của đảng Cộng sản, Bản nhận định và góp ý của các Giám mục còn nêu lên nhiều mâu thuẫn, phi lý trong cơ cấu chính trị ở Việt Nam và những mâu thuẫn, bất hợp lý ấy được thể hiện ngay trong nội dung của Hiến pháp.
Theo nhận định của HĐGM, chính những mâu thuẫn và phi lý ấy là “lý do lớn, dẫn đến tình trạng trì trệ và chậm tiến của Việt Nam về nhiều mặt. Các Giám mục kêu gọi phải có những thay đổi căn bản về “quyền con người”, “quyền làm chủ của nhân dân”, và về việc “thi hành quyền bính chính trị”, trong lần sửa đổi Hiến pháp lần này.
Tiếng nói chính thức, mạnh mẽ
Có thể nói đây cũng là lần đầu tiên các Vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo Việt Nam công khai và mạnh mẽ lên tiếng về một việc hệ trọng của đất nước, dân tộc như vậy.
"Một cách gián tiếp Hội đồng Giám mục muốn loại bỏ Điều 4 khỏi Hiến Pháp dù trước đó năm ngày, Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cho rằng những ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 là suy thoái."
Vào năm 2002, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có Thư ngỏ gửi lãnh đạo các cơ quan lập pháp của Nhà nước Việt Nam. Trong Thư ngỏ đó các Giám mục Việt Nam đã nhận định rằng để “xây dựng và phát triển một xã hội nhân bản, một xã hội không làm què quặt và hủy hoại con người”, cần phải “xóa giảm những khuyết tật hiện hữu của xã hội”, như “cơ chế xin-cho” và “phát huy những giá trị nhân bản làm cho con người ngày càng trở nên người hơn, sống xứng với phẩm giá của mình hơn”.
Đó lần đầu tiên kể từ năm 1975, Giáo hội Công giáo mới công khai và mạnh dạn nêu những vấn nạn trong xã hội, đặc biệt là cơ chế xin-cho. Tuy vậy, so với những điều được nêu trong Bản nhận định, góp ý lần này, thì nội dung Thư ngỏ đó nhẹ nhàng hơn nhiều.
Trong thời gian qua có một vài Giám mục như Đức cha Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Vinh, ký vào các kiến nghị của các nhân sỹ, trí thức về các vấn đề liên quan đến tình hình đất nước. Mới đây, Đức cha Nguyễn Chí Linh, Giám mục Thanh Hóa và Đức cha Ngô Quang Kiệt, nguyên Tổng Giám mục Hà Nội, cũng ký vào ‘Kiến nghị 72’.
Vào tháng 5 năm 2012, Ủy Ban Công lý và Hòa bình thuộc HĐGM đưa ra một bản “Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay”, trong đó đề cập đến một số vấn đề nhức nhối, hệ trọng liên quan đến nền kinh tế Việt Nam, luật đất đai, môi trường xã hội, chủ quyền quốc gia, pháp luật, sinh thái, vai trò của trí thức, giáo dục y tế và tự do tôn giáo.
Sáu tháng sau đó cũng Ủy ban này đã có “Bản phúc trình về tình hình công lý, hòa bình và nhân quyền trong xã hội Việt Nam hiện nay”, trong đó nêu rõ những tệ nạn đang xảy ra tại Việt Nam. Sau vụ xử các thanh niên Công giáo và Tin Lành tại Nghệ An mới đây, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh cũng đã lên tiếng “phản đối bản án phi pháp và bất công”.
Nhưng có thế nói dù rất thẳng thắn, mạnh dạn, những tiếng nói, nhận định hay phúc trình ấy được làm tương đối đơn lẻ, ở cấp thấp và mang tính nội bộ. Chẳng hạn, Bản phúc trình của Ủy ban Công lý không được gửi cho lãnh đạo hay cơ quan nào của Việt Nam mà gửi cho các Giám mục trong HĐGM Việt Nam.
Còn Bản nhận định và góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này được Đức cha Nguyễn Văn Nhơn và Đức cha Hoàng Văn Đạt – Chủ tịch và Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam – nhân danh HĐGM VN gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Tại sao vào thời điểm này?
Giáo hội đưa ra những nhận định, góp ý như vậy lúc này vì cũng như bao người dân, nhân sỹ, trí thức khác, từ lâu giáo dân, linh mục, tu sỹ và các giám mục Việt Nam thấy rõ những bất cập, phi lý ở Việt Nam và cảm thấy đã đến lúc phải chính thức lên tiếng.
"Sau vụ xử các thanh niên Công giáo và Tin Lành tại Nghệ An mới đây, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh cũng đã lên tiếng “phản đối bản án phi pháp và bất công”."
Chẳng hạn, Bản phúc trình của Ủy ban Công lý và Hòa bình đã nêu cụ thể bảy vấn nạn – nếu không muốn nói là tệ nạn – đang xảy ra tại Việt Nam, trong đó tình trạng “xử án bất công”, “dùng bạo lực để giải quyết các tranh chấp dân sự” hay “tham nhũng thành quốc nạn”.
Có thể nói những nhận định, góp ý của Hội đồng Giám mục lần này là kết quả của những ưu tư, lo lắng mà các Giám mục đã có từ trước.
Một yếu tố quan trọng khác làm các Giám mục Việt Nam lên tiếng đó là các Ngài ý thức rằng việc sửa đổi Hiến pháp lần này là một việc hệ trọng và cũng là một cơ hội có một không hai giúp Việt Nam có những thay đổi quan trọng để qua đó đất nước thực sự tiến tới tự do, dân chủ, giàu mạnh.
Ngoài ra, trong thời gian vừa qua người dân cũng như nhiều nhân sỹ, trí thức đã mạnh dạn lên tiếng góp ý và muốn có những thay đổi căn bản, quan trọng trong việc sửa đổi Hiến pháp lần này.
Và vì “không hề thờ ơ với tình hình đất nước” và muốn “góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng một đất nước phát triển vững bền, dân chủ và nhân ái” như hai Bạn nhận định của Ủy ban Công lý và Hòa bình nêu rõ, Giáo hội không thể im lặng trước sự kiện quan trọng như vậy.
Chọn đồng hành với Dân tộc
Một điểm đáng lưu ý nữa là Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng gửi bản nhận định và góp ý đó đến “nhân dân cả nước”.
Và trong phần kết luận, các Giám mục đã nêu rõ mục đính chính của những nhận định, góp ý ấy là muốn “góp phần xây dựng Hiến pháp cho hợp lý và hợp lòng dân”, cũng như “ước mong mọi người dân Việt Nam tích cực góp phần vào việc điều chỉnh Hiến pháp, phục vụ sự phát triển toàn diện và bền vững của dân tộc Việt Nam”.
Có thể nói, qua những nhận định và góp ý ấy, HĐGM Việt Nam muốn chính thức và rõ ràng bày tỏ rằng Giáo hội luôn đồng hành với người dân, với Dân tộc Việt Nam, luôn đứng về phía người dân và với tư cách công dân của mình muốn góp tiếng nói, góp phần của mình để qua đó những quyền căn bản của người dân được tôn trọng, dân tộc Việt Nam được phát triển toàn diện, bền vững.
Cũng nên nhắc lại rằng năm 1980, các Giám mục Việt Nam đã ra một Thư chung kêu gọi con cái mình “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” hay “đồng hành với dân tộc”. Văn kiện này được xem như bản định hướng cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam sau biến cố 1975.
Nhưng kể từ đó, cụm từ “đồng hành với dân tộc” luôn được chính quyền Việt Nam dùng và thường được diễn giải theo hướng có lợi cho mình. Theo cách diễn giải đó, có lúc dân tộc được đồng hóa với đảng, với chế độ. Và như vậy, đồng hành với dân tộc cũng có nghĩa là đồng hành với đảng, với chế độ, hay ít ra không được đi ngược với đường lối, chủ trương, chính sách của đảng.
Qua Bản nhận định và góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này và với việc yêu cầu “xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính trị nào” trong Hiến pháp, Giáo hội muốn có một Hiến pháp thực sự là ‘của dân, do dân và vì dân’, chứ không phải một Hiến pháp của, do hay vì bất cứ một đảng phái chính trị nào.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một trí thức Công giáo hiện làm nghiên cứu tại Viện Global Policy, London.

Tổ quốc cao hơn Nhà nước và Chế độ


Tổ quốc, có thể hiểu là đất nước do tổ tiên để lại, chỉ nơi sinh thành tổ tiên dân tộc ta; sinh thành tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mỗi con người.
Tổ quốc Việt nam là cội nguồn chung của mọi người Việt nam từ hàng ngàn năm nay. Vì thế, dĩ nhiên Tổ quốc không thể mang một ý thức hệ tư tưởng nào cả.
Tên Tổ quốc chỉ giản dị cho biết đó là Tổ quốc của dân tộc nào, ai có nguồn cội từ đâu. Trong quá trình Toàn cầu hóa, Nhà nước có thể mất đi, nhưng Tổ quốc sẽ vẫn luôn tồn tại.

Cộng đồng công dân

Mỗi một dân tộc đều cố gắng giữ gìn Tổ quốc như một đặc điểm nhận dạng trong cộng đồng công dân của Thế giới tương lai.
Theo một cách sử dụng khác, tổ quốc còn được dùng để chỉ nơi xuất phát, xuất hiện, là cội nguồn của một cái gì đó. Chẳng hạn, Liên Xô trước đây có thể được gọi là tổ quốc của chủ nghĩa xã hội Xô Viết.
Chủ nghĩa xã hội - cả về lý thuyết lẫn thực tế - vốn không hình thành trên đất nước Việt nam.
Vì vậy nước ta cũng không thể được vinh dự mang tên tổ quốc Việt nam Xã hội Chủ nghĩa.
"Việt nam có nghĩa vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền; đó cũng chính là cam kết của Việt nam để được kết nạp vào WTO"
Trước đây, vẫn có quan niệm trái ngược và vì vậy cũng khác biệt kiến thức về Nhà nước giữa một bên là các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa (XHCN) cũ và các nước có Nhà nước pháp quyền.
Tuy nhiên, kể từ khi trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO, Việt nam có nghĩa vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền; đó cũng chính là cam kết của VN để được kết nạp vào WTO.
Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, về mặt lý luận, trước hết dựa vào lý thuyết ba thành tố. Theo đó, Nhà nước là một hình thái tổ chức xã hội gồm ba thành tố là lãnh thổ, dân tộc và quyền lực tối cao.
Ba thành tố này là những điều kiện cần và đủ làm nên một Nhà nước. Bản chất Nhà nước vì thế không thể mang tính giai cấp, không mang ý thức hệ tư tưởng. Nó là trung tính.
Trong một Nhà nước pháp quyền, mọi thành viên của Nhà nước (cá nhân, tổ chức, các cơ quan công quyền và Nhà nước) đều bình đẳng trước pháp luật.
Nguyên tắc cơ bản nhất này sẽ hoàn toàn mất giá trị khi Nhà nước được xác định là Nhà nước của (hay ưu tiên) một ý thức hệ nào đó, hoặc là Nhà nước không phải của mọi người mà là của (hay ưu đãi) một thành phần, một nhóm nào đó trong xã hội.
Pháp luật là một khái niệm tổng quát chung và trừu tượng. Người ta khó mà bình đẳng theo những tiêu chí trừu tượng.

Không nên nhầm lẫn

Hiến pháp chính là tập hợp một cách hệ thống những nguyên tắc, chuẩn mực căn bản nhất, khái quát nhất để xác định cụ thể Pháp luật mà tất cả thành viên trong một Nhà nước đều thượng tôn phải được hiểu như thế nào. Hiến pháp, vì thế, phải phân biệt rõ ràng Tổ quốc, Nhà nước, Chế độ.
Nhà nước phải là một thực thể chung của tất cả thành viên sống trong một lãnh thổ xác định.
Trong chúng ta, có người theo đạo Phật, người theo đạo Thiên Chúa, có người theo đạo Hồi, người khác theo đạo Hòa hảo, người này theo chủ nghĩa Cộng sản, người kia theo chủ nghĩa Tự do...
Một Nhà nước là của chung vì vậy cũng không thể là Nhà nước của một ý thức hệ hay là sự ưu đãi của một nhóm người, một giai cấp.
Đức có Tòa án Hiến pháp độc lập với chính quyền
Phù hợp với lý luận về Nhà nước và ý nghĩa thực tế của nó, theo truyền thống, tên Nhà nước của đa số quốc gia là thành viên WTO (nghĩa là các nước đã hoặc đang xây dựng Nhà nước pháp quyền theo chuẩn mực của WTO) đều chỉ gồm tên gọi quốc gia và các bổ ngữ (nếu có) làm rõ hơn:
- Về ai là người sử dụng quyền lực Nhà nước, chẳng hạn: Cộng hòa (Republic. vốn từ tiếng La tinh cổ "res publica" nghĩa là việc của chung) như nước Cộng hòa Pháp, hay đối lập với nó là Vương quốc (việc nước là của vua), như Vương quốc Anh.
Cũng có thể nói thêm về nguyên tắc căn bản sử dụng quyền lực là nguyên tắc dân chủ như "Cộng hòa dân chủ“ và:
- Về hình thức tổ chức một Nhà nước như một đơn vị hành chính tập quyền duy nhất hay liên bang, chẳng hạn nước Cộng hòa Liên bang Đức.
Người ta cũng thường nhầm lẫn Nhà nước với Chế độ và đồng hóa chúng thành một.
Chế độ là toàn bộ cấu trúc, hệ thống tổ chức (trong Nhà nước) để thực hiện quyền lực Nhà nước theo những hình thức và phương pháp cụ thể của người cầm quyền nhằm đạt mục tiêu xác định của người mình.
Chế độ, vì vậy, có thể mang bản chất giai cấp, mang tính ý thức hệ tư tưởng.
Tổ quốc Việt nam có từ hàng ngàn năm nay.
Nhà nước Việt nam xuất hiện kể từ khi vua Hùng dựng nước.
Chế độ xã hội chủ nghĩa có từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. Như vậy, để phù hợp với lý luận, với ý nghĩa thực tế và với truyền thống dân tộc và quốc tế, cần sửa Hiến pháp 1992, lấy lại tên nước là nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa.
Bài thể hiện quan điểm riêng của Tiến sỹ Nguyễn Văn Nam, Đại học Humboldt, CH LB Đức, người hiện hành nghề luật ở Sài Gòn.

15/2/13


Đi tìm nét đẹp văn hóa ứng xử


Mộ "khóc"!

Tác giả: KỲ DUYÊN

Trên võ đài mang tên Cuộc đời này, người sống, người đã khuất vẫn đang buồn bã và đau đớn theo dõi trận đấu giữa hai võ sĩ mang tên: Đạo lý và kim tiền.
Ai đó đã gọi thời đại này là thời đại kim tiền.
Thật ra, kim tiền khiến ai cũng phải mơ ước, từ nhà nghèo đến tỷ phú, có tôi, có anh, có chị, chúng ta, chúng tôi... Thuở xưa, kim tiền từng lên ngôi với bài đồng dao "bất hủ": Tiền là tiên là phật/ Là sức bật tuổi trẻ/ Là sức khỏe tuổi già/ Làm đà cho danh vọng/ Làm lọng của nịnh thần/ Làm cán cân công lý/ Tiền là...hết ý.
Nhưng khi kim tiền... "dấn thân" vào xã hội thì nó ngày càng hiện lên với tất cả cái ma quái, ngạo mạn và tàn nhẫn. Nó khiến con người ta vô cảm trước đạo lý. Biến tình yêu thành tàn độc. Chỉ vì lợi ích của nó- kim tiền.
Mộ cổ quật lên...
Câu chuyện mới xảy ra cách đây không lâu, tại tỉnh Quảng Nam, khiến người dân khối phố 8, phường An Sơn (TP Tam Kỳ, Quảng Ngãi) hết sức phẫn nộ: Đó là việc một nhóm người, mạo danh giấy tờ chính quyền ký, bới tung một ngôi mộ cổ được xác định gần 300 năm tuổi tại đây.
Nghi ngờ động cơ và việc làm vô nhân tính này, người dân báo cơ quan chức năng. Việc đào mộ cổ đã hoàn tất ở một ngôi, không rõ những gì trong ngôi mộ này đã được mang đi. Chỉ ngôi còn lại may mắn, thoát khỏi số phận.
Những dòng chữ cổ của ngôi mộ 300 tuổi. Ảnh Dân Trí.
Điều không bình thường là bà Nguyễn Thị Thắm, một trong số những người tham gia đào trộm ngôi mộ cổ khai nhận, được thuê với giá 35 triệu của một người họ Hoàng ở Huế, và có cả một giấy phép do ông Nguyễn Thọ Pha, Phó Chủ tịch UBND phường An Sơn cấp.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Người Lao động ngày 7/3/2012, ông Pha khẳng định phường không cấp giấy cho ai đào hai ngôi mộ cổ này. Vậy đâu là thực, hư?
Nhưng chắc chắn chuyện này là thực: ông Trương Đình Cang, Chủ tịch UBND phường An Sơn, TP Tam Kỳ, Quảng Nam thừa nhận- khi bà Nguyễn Thị Thắm đến xin phép "bằng miệng" việc di dời mộ phần, ông đã đồng ý mà không biết chính xác phần mộ nằm chỗ nào?
Ôi chao, liệu đó có phải là một cách làm việc tùy tiện, cẩu thả, vô trách nhiệm và quan liêu không? Hay vì còn lý do gì? Vì mộ phần đó nằm trong địa bàn ông quản lý cơ mà.
Sự tham lam, vô cảm lại gặp thói quan liêu, tùy tiện, và "dễ dãi vô lý" chắc chắn đó là mảnh đất mầu mỡ cho tội ác.
Và tội ác đã diễn ra, dù không có người chết. Nhưng tội xâm phạm mồ mả, mà đây là mộ cổ, theo Điều 186/Bộ Luật Hình sự quy định, thì vẫn là tội ác.
Điều không bình thường nữa, tiếng là đào mộ, bốc cốt, nhưng sau khi đã đào tung mộ, nhóm người này lấy những vật gì đó dưới mộ rồi vội vã bỏ đi, để lại những mảng xương vương vãi. Bốc cốt, mà vất lại xương, thì nên hiểu động cơ đào mộ cổ là gì đây?
Hiện tượng đào mộ cổ, trộm cổ vật không phải hiếm. Tại Trung Quốc, mới đây, cảnh sát TP Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) phát hiện một vụ đào mộ cổ độc đáo. Ngôi mộ cổ được phán đoán của giới quý tộc triều đại nhà Đông Chu, đã được xếp hạng di sản văn hóa.
Bất ngờ nhất, cảnh sát phát hiện, bọn trộm đã đào một đường hầm tinh vi hình chữ L, dài 700 mét chạy thẳng đến khu mộ. Trước đó, bên trên, chúng ngụy trang thuê nhà để làm dưa cải thảo muối. Khi vụ việc vỡ lở, đồ vật trong ngôi mộ cổ đã "lìa trần". Nghề chơi lắm công phu, thì nghề... trộm quả cũng lắm công phu.
Còn ở Tam Kỳ, điều người dân ở đây bất an nhất là cái kết không biết "có hậu" không? Vì vụ đào trộm mộ cổ đã được chuyển lên Công an TP.Tam Kỳ xử lý theo pháp luật. Nhưng cầm đầu nhóm tội phạm- bà Nguyễn Thị Thắm lại là... người thân của ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Trưởng Công an TP.Tam Kỳ kiêm Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP này.
Rõ là bà Thắm đang ta về ta tắm ao ta
Thế nên, nói như truyện cổ Tam Quốc Chí, mọi việc, xin để hồi sau sẽ rõ.
Mộ "kim"... lấp xuống?
Chuyện mộ cổ hồi kết chưa biết ra sao, mới đây, dư luận xã hội lại sững sờ, rồi ồn lên vì chuyện mới xảy ra tại "Hà Nội: Hàng trăm ngôi mộ bị vùi lấp trong đêm" ở khu dân cư Tứ Kỳ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Thủ phạm vụ này là Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế CT Việt Nam.
Có lẽ, dư âm của vụ việc 30 ngôi mộ bị vùi lấp trong bùn thải chỉ trong một đêm, tại nghĩa trang Đồng Chưa, phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội) bởi hơn 600m³ bùn thải từ các công trình xây dựng chưa tan, nên sự phẫn nộ trước tin này, khỏi phải nói. Hàng trăm bài báo, trang mạng lên án.
Cũng hiếm có vụ việc nào mà thông tin nọ "choảng" thông tin kia, rối mù như canh hẹ. Nếu hôm trước, hàng trăm ngôi mộ bị chôn. Thì hôm sau là tin chỉ có... một ngôi. Nếu hôm trước là 90 ngôi mộ mất tích, hôm sau đã lên 100. Nếu hôm trước là tin chôn mộ, thì hôm sau là tin không hề có.
Người đọc vừa căng thẳng theo dõi, vừa không hiểu ra ngô ra khoai. Rõ là báo chí thời ...kim tiền cũng có khác! Trăm tin đua nở. Trăm bài đua tiếng!
Nhưng dư luận xã hội có quyền đặt câu hỏi: Vì sao việc làm sai trái của Công ty CT diễn ra ngay trước mắt mà chính quyền phường không có phản ứng gì? Và đâu là sự thật?
Những ngôi mộ bị vùi trong đất cát?
Hỏi ra mới biết, công ty này đã năm lần bị phường lập biên bản do chưa giải phóng mặt bằng, đã san ủi mở một tuyến đường chạy từ ngoài tiến sâu vào trong, gần nghĩa trang. Nhưng phạt thì phạt, san lấp cứ san lấp. Hậu quả, dân chịu. 262 ngôi mộ của dân bị bùn, nước tràn ngập mộ, chỉ còn "nhìn thấy mỗi cái que cắm đánh dấu" gây tâm lý phẫn nộ.
Phải chăng, coi thường những quy định của pháp luật là "chuyện thường ngày" của Công ty CT? Phải chăng phường không đủ sức mạnh? Hay cũng còn bởi lý do khác?
Một việc nằm trong thẩm quyền của một phường, thuộc tầm chỉ đạo của quận mà đến mức, Thành ủy, UBND TP Hà Nội phải "nhảy vào", thì cũng nên xem lại cả năng lực và uy lực của cấp quản lý chính quyền cơ sở.
Được biết, mới đây, Công ty CT ngỏ lời xin lỗi 77 hộ dân có mộ nằm trong khu vực dự án.
Chủ tịch phường Hoàng Liệt cũng xin lỗi dân vì "thiếu trách nhiệm để xảy ra việc làm sai trái của chủ đầu tư". Biết xin lỗi dân là tốt. Nhưng sẽ tốt hơn, giá như ông Chủ tịch phường không thừa sự quan liêu và tâm lý thiếu "nhạy cảm" của người lãnh đạo trước nỗi đau của dân.
Hai cái xin lỗi cộng lại, liệu có ra được một cái sửa lỗi đầy đủ? Mọi việc, xin để hồi sau sẽ rõ!
Mộ "khóc"?
Cuộc sống có người tốt, người xấu. Có việc thiện, việc ác. Thế nhưng, có hai câu chuyện thuộc phạm trù "cái Ác" gần đây đã khiến xã hội sốc nặng. Vì nó nằm ngoài sức tưởng tượng về...đàn bà, đến mức người ta phải "tôn vinh" hai vụ án khủng khiếp này là kỳ án. Nó chính là sự suy đồi của đạo lý.
Chắc chắn, hai vụ án này sẽ được các nhà chuyên môn đưa vào giáo trình của Luật Hình sự, giáo trình Pháp y, và những nhà tâm lý học sẽ còn phải tốn giấy mực "giải mã" về tâm lý con người nói chung, đàn bà nói riêng, vì tính chất dã man và bi thảm của nó.
Đau đớn thay, đối tượng mà hai người đàn bà này "ra tay" lại là người chồng từng yêu thương nhất mực, từng đầu gối tay ấp với họ. Tình yêu, tự lúc nào đã biến thành sự tàn độc?
Đó là vụ bà Trần Thúy Liễu "đốt" chồng- nhà báo Hoàng Hùng, và bà Dư Kim Liên giết chồng- trung tá công an Trần Luân Chuyên, bằng cách tiêm và cho uống thuốc độc, thuốc sâu đến chết.
Nếu câu chuyện của bà Trần Thúy Liễu "đốt" chồng ngày càng sáng tỏ, bởi trước đó có quá nhiều nghi vấn, ẩn khuất, thì vụ bà Dư Kim Liên, ngành chức năng dễ dàng phát hiện.
Bà Dư Kim Liên không biết có nghiện đọc Thủy Hử, có nghiền ngẫm cách giết chồng của ả Phan Kim Liên với ông chồng Võ Đại, vì người tình Tây Môn Khánh không?
Chỉ biết cách giết chồng của Phan Kim Liên trong sách cổ xa xưa còn thua xa về ý chí và cả thủ đoạn, mẹo mực của Dư Kim Liên thời hiện đại.
Không chỉ pha thuốc độc vào sữa cho chồng uống, rồi tiêm thuốc độc, bà ta còn đổ cả chai thuốc trừ sâu cho chồng chết hẳn. Ghê gớm hơn, còn soạn cả kịch bản  "giả điên" hòng đánh lừa cơ quan chức năng.
Chao ơi là... lá gan đàn bà. Là đạo nghĩa vợ chồng!
Nhưng Trần Thúy Liễn và Dư Kim Liên giống nhau ở một điểm, họ đều có một "người tình" ma quái, quyến rũ họ không sức nào cản nổi, đưa họ trượt dài vào con đường mê muội, trượt dài vào tội ác- đó là cờ bạc!
Dù bà Trần Thúy Liễu còn có một người tình bằng xương bằng thịt, người "chia ngọt sẻ bùi" cùng bà trong những canh bạc ở Campuchia. Và giờ đây, khi bà bị bắt, thì người tình này đòi người tình Trần Thúy Liễu 150 triệu đồng.
Tiền bạc đã khiến anh đi đường anh, ả đi đường ả! Sự bạc bẽo lại được trả bằng sự... bạc bẽo? Tình ơi cay đắng bao nhiêu là tình
Cái gì sẽ biện minh và cứu rỗi cho tội ác man rợ của hai người đàn bà, vốn được coi là chân yếu tay mềm?
Người ta nói, chết là hết. Nhưng với nhà báo Hoàng Hùng, và ông Trần Luân Chuyên, ngay cả khi chết đi rồi, họ vẫn không nhắm nổi mắt.
Bởi trên võ đài mang tên Cuộc đời này, người sống, người đã khuất vẫn đang buồn bã và đau đớn theo dõi trận đấu giữa hai võ sĩ mang tên: Đạo lý và Kim tiền.
Võ sĩ Đạo lý gầy guộc, xanh xao. Võ sĩ Kim tiền tráng kiện, ngạo mạn.
Huỵch! Võ sĩ Đạo lý, trong nháy mắt đã bị sóng soài-  knock out trước cú ra đòn của võ sĩ Kim tiền. Liệu có gượng dậy được không, Đạo lý ơi?
Cả đấu trường như chết lặng đi. Chỉ thấy cánh tay Kim tiền giơ cao. Gương mặt dương dương đắc chí. Thật là vàng, và thật là... chói lóa
Ở đâu đó, dưới đất cát, những nấm mộ đang "khóc"
Và nước mắt người đời, chảy ngược vào trong!