13/10/10

AI ĐÃ KHAI HỎA CUỘC HẢI CHIẾN TẠI HOÀNG SA NĂM 1974

AI ĐÃ KHAI HỎA CUỘC HẢI CHIẾN TẠI HOÀNG SA NĂM 1974 GIỮA HẢI QUÂN VIỆT NAM CỘNG HÒA VÀ HẢI QUÂN TRUNG QUỐC


Vua Trần Nhân Tông đã để lại di chúc như sau:" Các người chớ quên nước lớn thường làm điều trái đạo. Hoạ muôn đời của ta là nước Tàu. Họ không tôn trọng quy ước và biên giới. Luôn luôn bày đặt chuyện để gây hấn. Không thôn tính được thì gặm nhấm đất đai của ta. Vậy các ngươi phải nhớ lời ta dặn. Một tấc đất cũng không để lọt vào tay kẻ thù. Ðây là di chúc cho con cháu muôn đời".  (Trần Nhân Tông 1279-1293)

Đoàn Viết Ất quê Nam Định, di cư vào nam 1954, người chỉ huy pháo HQ 16 đã khai hỏa bắn vào tàu Trung Quốc...

Lời Nói Đầu
Tuần vừa qua, hai chiến hữu già của tôi ghé thăm Viện Bảo Tàng. Các bác Lương Văn Ngọ và Võ Ðại. Quí vị hỏi thăm qua loa nhưng thực tình là yêu cầu yểm trợ để cùng đánh trận Trường Sa. Sẽ tổ chức gây quĩ, đăng báo Mỹ để tuyên ngôn cho thế giới biết là quần đảo và hải phận Ðông Hải muôn đời phải là của Việt Nam ta. Vâng, chúng tôi sẽ chuẩn bị tài liệu để triển lãm, duyệt lại cuốn phim đem chiếu và xin viết bài này để góp phần giới thiệu với độc giả. Lẽ dĩ nhiên cần sự giúp đỡ của các chiến hữu Hải Quân về các tài liệu. Chuyện Hoàng Sa và Trường Sa nếu không có anh em hội Bạch Ðằng là không xong. Trưa thứ bảy, cuối tuần, hội Hải Quân đến họp tại Viện Bảo Tàng để thảo luận về việc thiết lập một sa bàn Hoàng Sa. Các bạn trao tặng bộ quân phục thuỷ thủ cùng rất nhiều hình ảnh và tác phẩm liên quan đến trận hải chiến 34 nằm về trước. Những tác phẩm viết về Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà và đặc biệt có trên mười tác giả viết về biến cố Hoàng Sa ngày 19/01/1974. Hồi ký của tư lệnh Hải Quân vùng 1, của vị chỉ huy hải đội Hoàng Sa, của trung tâm trưởng hành quân biển tại Sài Gòn, các hạm trưởng, sỹ quan trên chiến hạm tham chiến số 4, 5, số 10 và 16, của biệt kích trên đảo, sĩ quan truyền tin trên soái hạm, của thuỷ thủ trôi giạt trên biển, của anh em đoàn viên và địa phương quân bị bắt tù binh đưa về TC. Khối tài liệu hết sức phong phú trên ngàn trang phải đọc suốt cả tuần lễ chưa hết. Ðặc biệt trong khi quí vị cấp trên viết còn dè dặt thì anh em cấp dưới viết ra tất cả mọi chi tiết hết sức chân thật và rõ ràng. Những anh em mang đến tài liệu cho chúng tôi, ngày xưa vốn là các thiếu tá và cấp uý trẻ trung của biển cả, ngày nay tuổi đã về chiều mà tấm lòng nặng chĩu tâm tư khi nghe tin các hải đảo xa xôi lại một lần nữa rơi vào tay địch. Trong số các chiến hữu có mặt tại San Jose, chúng tôi đã gặp được một người, hết sức tình cờ và hết sức đặc biệt.

Đoàn Viết Ất, người chỉ huy pháo HQ 16 đã khai hỏa...
Ðó là Hải Quân Đại Uý Ðoàn Viết Ất, nguyên sĩ quan pháo thủ của HQ 16 mang tên danh tướng Lý Thường Kiệt. Năm 1974, khi con tàu rẽ sóng đi Hoàng Sa, Trung Uý Ất tưởng chỉ làm một chuyến hải hành tiếp tế như thường lệ, nào ngờ ông đã tham dự vào trận đánh lịch sử. Chuyến về trên con tàu bị thương với cõi lòng tan nát vì đã bỏ lại đồng đội trên hải đảo và biển cả. Trung Uý Ất cùng một số Hải Quân được tuyên dương anh hùng, thăng cấp đặc cách tại mặt trận. Ngày nay, ông Ất đang đóng vai một người dân tỵ nạn hiền lành sống rất bình dị bên cạnh chúng ta. Ai biết đâu con người ấy, ngày xưa cũng đã từng là một chiến sĩ dũng cảm của Hải Quân. Trong chiến trường, binh thư viết rằng khi lâm trận, cấp uý ở ải địa đầu là những người quyết định thắng bại. Trên các chiến hạm vào ngày đầu năm 1974, sống chết của con tàu trông cậy vào các Trung Uý chỉ huy pháo thủ. Trên chiến hạm HQ 16 vào buổi sáng hôm đó, số mạng trong tay Trung Uý Ất, ngồi bên cây đại bác 125 ly, nạp đạn chạm nổ, hướng thẳng vào đài chỉ huy của con tàu địch trước mắt. Sẵn sàng chuẩn bị bắn trực xạ.
Cuộc đời Ðoàn Viết Ất
Sau trận Hoàng Sa, miền Nam ca ngợi chiến công của Hải Quân anh hùng. Trong số các sĩ quan con sống mà được vinh thăng có Trung Uý Ðoàn Viết Ất. Ất người Nam Ðịnh, 54 theo cha mẹ di cư vào Sài Gòn. Sinh viên đại học Vạn Hạnh. Năm 20 tuổi vào Hải Quân. Học thêm Anh văn tại Sài Gòn rồi thụ huấn căn bản quân sự tại Quang Trung. Năm 70 được gửi đi học tại trường Hải Quân Hoa Kỳ khoá 4-OCS. Vào thời kỳ đó Sinh viên sỹ quan Hải Quân Ðoàn Viết Ất đã có dịp học lái tàu Mỹ tại vùng Vịnh Cựu Kim Sơn. Khi về nước, chuẩn uý Ất nhờ có đệ tam đẳng Thái cực đạo nên được làm huấn luyện viên võ thuật. Cuộc đời đưa đẩy, trải qua các đơn vị, lên thiếu uý rồi Trung Uý thì bắt đầu xuống HQ 16 làm sỹ quan trách nhiệm dàn pháo cho chiến hạm. Các vũ khí dưới tay gồm có cây 125 ly, lớn hơn cả đại bác 105 của bộ binh. Những cây 40 ly một nòng và cây 40 ly nòng ghép đôi. Các bách kích pháo. Súng cá nhân, áo giáp và nón sắt. Cùng với các đoàn viên xạ thủ đầy kinh nghiệm, Trung Uý Ất chỉ huy anh em vào nhiệm sở tác chiến với một tinh thần hăng hái rất hào hùng. Khi con tàu Lý thường Kiệt phải đoạn chiến về đến bến bờ quê hương, nhớ lại cảnh chiến hữu bị bỏ lại, lòng dạ hết sức não nề. Một năm sau theo hạm đội hải hành chuyến cuối cùng anh bỏ lại vợ con, vì vậy Đại Uý Ất quyết định từ giã Hải Quân tại Côn Sơn, xuống tàu trở lại Việt Nam. Ðây là một quyết định sai lầm phải trả giá 6 năm tù cải tạo trên miền biên giới Bắc Việt. Ngay sau khi được trả tự do, cựu Đại Uý Hải Quân đã có nhiều nơi móc nối để lái tàu vượt biên. Năm 1983 cả gia đình đến Bidong và sau cùng về định cư tại San Jose. Hai mươi năm qua chỉ làm một việc, cho một hãng. Nghề sửa máy điện tử. Bây giờ ông già 60 tuổi theo phái tu thiền tại gia, tuyệt thực mỗi buổi chiều. Buổi tối ngày15 tháng giêng năm 2008 đúng 34 năm trước sắp đến giờ khai hoả trận Hoàng Sa, công dân Mỹ gốc Việt tên Ất Ðoàn ngồi nhớ lại lúc con tàu lướt sóng vào vùng hải chiến giữa các đảo Vĩnh Lạc, Cam Tuyền, Quang Hoà và Duy Mộng.
Di chúc của tiền nhân
Với ngàn năm đô hộ giặc Tàu, Việt Nam trải qua bao phen chống xăm lăng. Từ nhà Hán, nhà Ngô cho đến giặc Mông Cổ. Rồi nhà Minh, nhà Thanh. Quân dân ta phải chống giặc Bắc phương suốt 4 ngàn năm lập quốc. Trận hải chiến cuối cùng vào đời nhà Trần cách đây 7 thế kỷ. Vua Trần Nhân Tông đã để lại di chúc như sau:" Các người chớ quên nước lớn thường làm điều trái đạo. Hoạ muôn đời của ta là nước Tàu. Họ không tôn trọng quy ước và biên giới. Luôn luôn bày đặt chuyện để gây hấn. Không thôn tính được thì gặm nhấm đất đai của ta. Vậy các ngươi phải nhớ lời ta dặn. Một tấc đất cũng không để lọt vào tay kẻ thù. Ðây là di chúc cho con cháu muôn đời".  (Trần Nhân Tông 1279-1293)
Trận Hoàng Sa
Vào lúc 10 giờ sáng ngày 19/01/1974, trận Hải chiến lịch sử giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà và Hải Quân TC diễn ra tại Hoàng Sa. Nguyên do vì sao ? Di chúc của vua Trần Nhân Tông để lại hơn 700 năm đúng từng chữ một. Vẫn là hoạ phương Bắc. Nước lớn không tôn trọng quy ước. Bày đặt chuyện gây hấn. Gặm nhấm đất của ta. Trận hải chiến hết sức anh hùng của lực lượng Hải Quân nhỏ bé VNCH đã khai diễn với anh khổng lồ TC. Trước khi nổ súng, chiến hạm 2 bên đã cài răng lược, vì vậy chỉ vài giây phút đầu tiên là quyết định trận đánh. Gần đến nỗi đại bác của ta bắn trượt tàu địch đã xéo qua tàu bạn. Trong vòng 30 phút đầu tiên, bên ta chiến hạm HQ 10 bị trúng đài chỉ huy và hoàn toàn bất khiển dụng. Hạm trưởng từ trần chết theo tàu, hạm phó ra lệnh đào thoát, sau đó ông chết trên xuồng cấp cứu vì vết thương quá nặng. HQ 16 sau khi hạ được một chiến hạm của địch cũng bị thương rất nặng. Hạm trưởng và thuỷ thủ đoàn cố cứu con tàu ra khỏi chiến trường. Bên địch có 2 chiến hạm bốc cháy và 2 tàu còn lại chịu thương vong nhưng vẫn còn chuyển vận. Những hình ảnh sau cùng ghi nhận được hết sức hào hùng nhưng đồng thời cũng hết sức thương cảm. Hải Quân đào thoát từ HQ 10 ngồi trên bè cấp cứu bị tàu địch bắn theo. Nhưng đặc biệt còn thấy chiến hữu từ chiến hạm không bỏ tàu vẫn tiếp tục tác xạ qua tàu địch. Bút ký của người còn sống có ghi rõ cả tên các thuỷ thủ Việt Nam đang bắn những viên đạn sau cùng. Nước biển trên đầu ngọn sóng làm nhạt nhoà nước mắt của những lính bỏ tàu. Truyện kể của những anh em từ hải đảo xuống bè di tản khi thấy bên ta bắn chiến hạm địch bốc cháy đã cùng nhau cất tiếng hát trên biển Hoàng Sa.
Bài ca bất hủ đó là bản Việt Nam, Việt Nam.
Hãy tưởng tượng giây phút lạ lùng giữa trùng khơi dậy sóng với lửa đạn vang trời, ai cất được tiếng hát ... nghe tự vào đời ... Việt Nam nước tôi ...
Năm 1974, dầu sôi lửa bỏng
Tháng giêng năm 1974 không phải là lúc Miền Nam thái bình thịnh trị. Hiệp Ước Ba Lê đã ký xong nhưng hai bên vẫn còn chiến đấu trong trận giành dân lấn đất. Với chương trình Việt Nam Hoá chiến tranh, Hoa kỳ đã rút hết quân về. Xa hơn nữa, ngay từ năm 1970, Mỹ đã tuyên bố dứt khoát không tham dự vào cuộc tranh chấp các hải đảo ở biển Ðông. Trong khi quân Mỹ rút thì Việt Nam Cộng Hoà bùng lên tia hy vọng mới. Tin biển Ðông có dầu làm tổng thống Thiệu nói với nội các là dường như Trời ngó lại. Một thùng dầu thô được lệnh đem lên đốt tại Nghĩa trang quân đội Biên Hoà trong buổi lễ tưởng niệm để linh hồn 16 ngàn tử sĩ phù hộ cho đất nước một tương lai tốt đẹp. Nhưng chính niềm vui ngắn ngủi đã nằm trong thiên tai. Trường Sa là nơi có nhiều triển vọng của kho tàng đáy biển. Muốn lấy Trường Sa thì TC phải thôn tính Hoàng Sa. Trong lúc VNCH còn phải lo trong nội địa thì TC cho Hải Quân đóng vai ngư phủ xâm nhập phía đông của quần đảo. Ðúng như vua Trần đã nói, chúng cứ gặm nhấm dần dần. Căn cứ vào địa lý nhân văn, căn cứ vào di tích lịch sử, căn cứ vào hiện trạng thềm lục địa, dứt khoát toàn bộ Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Từ ngàn xưa cho đến ngàn sau. Nhưng đất nước đang chiến tranh, sức đâu mà có đủ phương tiện trấn giữ cả trăm hải đảo cô quạnh giữa trùng khơi. Vì vậy, thừa nước đục thả câu, các quốc gia lân bang xâu xé. Từ Tàu đỏ của Bắc Kinh cho đến Tàu vàng của Ðài Bắc. Rồi Mã Lai, Indo và Phi luật tân đều nhào vô giành hải đảo. Nhưng có kế hoạch và tham lam nhất vẫn là người Tàu. Từ Tàu ngày xưa cho đến TC ngày nay, mộng bá quyền của người phương Bắc luôn luôn là cơn ác mộng của phương Nam.

Đô đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đang kể lại trận hải chiến Hoàng Sa

Châu Chấu Đá Voi
Ngày 15/01/1974 chiến hạm HQ 16 lên đường ra Hoàng Sa đưa địa phương quân Quảng Nam ra thay phiên trấn thủ lưu đồn. Ngày 17/01 khi đổ bộ lên đảo đã gặp Hồng quân. Từ trước đến nay vẫn gặp dân đánh cá xua đuổi là chúng bỏ đi, những lần này lại là Hải Quân TC. Ðô Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại tư lệnh Hải Quân vùng I cảm thấy chuyện bất thường. Nhân lúc tổng thống Thiệu ra kinh lý, nội vụ được trình trực tiếp.   Sau phần trình bày của vị tướng Hải Quân, ông Thiệu ngồi xuống lấy giấy bút viết tay trong 15 phút một bản văn lịch sử. Ðây là chỉ thị căn bản của trận hải chiến duy nhất đã xảy ra giữa Việt Nam và nước Tàu trong thế kỷ thứ 20. Tướng Thoại đã ghi lại trong tác phẩm "Can trường trong chiến bại" chương 16 đại ý như sau. Lệnh viết tay của trung tướng Thiệu chỉ thị áp dụng các biện pháp xua đuổi ôn hoà, bắn doạ cảnh cáo và sau cùng thì dùng vũ khí để bảo vệ lãnh thổ. Quyết không để mất một tấc đất nào. Tất cả mọi người hiện diện đều không có ý kiến. Các tướng lãnh và phái đoàn chính phủ tháp tùng không ai lên tiếng. Không có bàn thảo gì hết. Xem ra ông Thiệu hết sức cô đơn và cương quyết trong quyết định lịch sử rất có thể bùng nổ lớn mà không ai tiên đoán được. Vẫn theo bản tính của ông, không ra lệnh chi tiết về việc khai hoả. Không cần thảo luận về việc khả năng hùng mạnh của toàn thể Hải Quân TC. Chỉ riêng Hạm đội Hải Nam cũng có thể tung ra 10 chiến hạm phục kích vây chung quanh hạm đội Việt Nam và diệt gọn. Rõ ràng là một quyết định châu chấu đá voi, dựa trên tình tự dân tộc với mối thù từ ngàn năm trước. Sau cùng châu chấu cũng đành phải đá voi.
Hạm Đội Hà Văn Ngạc
Từ Sài Gòn đại tá Hà Văn Ngạc bay ra Ðà Nẵng nhận lãnh chức vụ chỉ huy cuộc chiến lấy lại Hoàng Sa. Ðô Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại tiễn ông đại tá Sài Gòn lên HQ 5, mang hiệu kỳ soái hạm lên đường. Chia tay trên cầu tàu căn cứ Ðà Nẵng, ông Thoại viết lại rằng đôi mắt chiến hữu nhìn nhau, cùng cảm thấy sắp có biến cốÔ lịch sử. Lệnh phải bảo vệ đất nước được ghi rõ ràng từ tổng tư lệnh. Quân xâm lăng lần này đâu có dễ thuyết phục. Hoàng Sa là con đường đi xuống Trường Sa, mỏ dầu tương lai của cả Ðông nam Á. Hoa Kỳ lại xác nhận là không can thiệp. Giặc Tàu chắc chắn sẽ không bỏ đi. Lính thuỷ Việt Nam với 4 con tàu cũ sẽ lâm chiến trong hoàn cảnh hết sức cô đơn trên biển cả mênh mông. Từ tướng cho đến quân, ai nấy đều biết rằng phải khai hoả trước. Không thể bắn cảnh cáo doạ dẫm gì hết. Tiên hạ thủ vi cường. Ðiều quan trọng là khai hoả vào lúc nào và ai sẽ là người ra lệnh khai hoả. Ðại tá Hà Văn Ngạc xuống con tàu mang tên danh tướng Trần bình Trọng, phen này nếu chẳng may sa vào tay địch chắc lại phải làm quỉ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc.
Khói Lửa Biển San Hô
Buổi sáng hôm đó trời trong sáng, vào lúc 10 giờ thì tàu hai bên đã gần nhau. Bên địch bên ta kèm nhau từng chiếc một. Ngẫu nhiên mỗi bên đều có 4 chiến hạm. HQ 16 có HQ 10 bên tay mặt làm thành phân đội số 2. Soái hạm HQ 5 đi với HQ 4 là phân đội 1 vòng xuống phía đông nam đánh vào đảo Quang Hoà. Lập tức 2 tàu địch tách ra ứng chiến. Hoả lực của hai bên tương đương, nhưng tàu địch tối tân hơn, chạy nhanh hơn, thân nhỏ sàn tàu thấp tạo thành mục tiêu di động và nhỏ bé hơn chiến hạm của Việt Nam. Các vị chỉ huy của bên ta đều dự trù sẽ nổ súng trước khai thác yếu tố bất ngờ. Vả lại, địch là kẻ xâm lăng, chiếm đất ta, ta có quyền nổ súng. Lúc đó Trung Uý Ất 24 tuổi, ngồi trấn thủ cạnh cây đại bác quyết định chiến trường 125 ly nòng dài. Phía trước mặt là 2 tàu chiến của TC chế ngự trước đảo Duy Mộng. Trung Tá Lê Văn Thự với con tàu Lý Thường Kiệt đã xoay trở mấy ngày qua nên quen thuộc với khu vực đầy bãi đá ngầm với san hô. Pháo đội trưởng rất tin tưởng vào dàn xạ thủ nhiều kinh nghiệm với những năm yểm trợ hải pháo cho bộ binh vùng duyên hải Trung phần. Các hạ sĩ quan đều vững tay nghề và tinh thần hết sức cao. Cũng có thể chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Thực sự thì cả hai bên đều chưa hề có kinh nghiệm hải chiến trên biển cả. Sách vở và chỉ thị dùng đạn xuyên phá nhưng Trung Uý Ất cho nạp toàn đạn chạm nổ. Gần thế này mà xuyên phá thì hỏng hết. Phải chạm nổ mới có kết quả. Lại có lệnh bắn yểm trợ cho bộ binh trên đảo trước. Mấy bác hạ sĩ quan thâm niên đến bên cạnh thì thào vào tai anh Trung Uý trẻ. Ta cứ nhằm vào đài chỉ huy mà ra tay trước. Nếu cứ phơi mình ra mà bắn yểm trợ lên đảo thì chết hết còn đâu mà yểm trợ bộ binh. Nhớ lại chuyện 34 năm trước, ông Ất kể rằng, chúng tôi cứ hướng vào đài chỉ huy của tàu địch. Ðịch di chuyển là các nòng súng 125 và 40 ly theo sát. Phía bên địch cũng quay súng hướng về chúng tôi như vậy. Giây phút nghẹt thở kéo dài. Lệnh từ soái hạm cho HQ 10 bắn trước. Nghe tiếng nổ là các tàu khai hoả đồng loạt. HQ 16 hạ được một tàu địch và phía bên phân đội 2 của HQ4 và 5 bắn cháy một tàu. Ngay sau đó thì HQ 10 bị địch bắn xập đài chỉ huy. Trong hải chiến, mục tiêu chính là đài chỉ huy, nơi tập trung bộ phận lái tàu, hệ thống điện, truyền tin. Kế tiếp là dàn pháo của tàu địch. Phần còn lại nằm dưới mặt nươcÔ, phải tấn công bằng thuỷ lôi nhưng chiến hạm không được trang bị. Súng bắn qua lại như mưa. Trung Uý Ất thấy rõ hai chiến hạm địch bốc cháy. Bên HQ 10 có lệnh bỏ tàu, tình thế rất bi thảm. Cùng lúc đó HQ 16 bị trúng thương nặng, lệnh bỏ tàu đã ban hành những sau đã kịp thu hồi và cố gắng xoay trở để rời khỏi chiến trường. Hai chiến hạm của phân đội 1 cũng đã trên đường triệt thoải khỏi vùng hải chiến. Hai chiến hạm địch còn lại cũng bị thương nặng nên không đủ sức truy kích. Nếu không chắc chắn HQ 16 không thể tiếp tục chiến đấu để tồn tại. Con tàu chỉ còn một máy, không có điện phải vận chuyển bằng tay, cố lết ra khỏi quần đảo Hoàng Sa. Rời khỏi trận địa khoảng 11 giờ sáng, Đại Uý Ất còn nhớ lúc 3 giờ chiều chưa ra khỏi chiến trường. Nhìn về phía sau thật xa vẫn còn thấy chiến hữu trên đảo vẫy tay gọi tàu vào đón. Con tàu không còn khả năng tự xoay trở nên đã đành đoạn bỏ lại đoàn viên tuyệt vọng mỗi lúc một xa dần. Sang ngày hôm sau toàn thể hạm đội Hải Nam của TC mới ào ạt tiến đến và bắt tất cả các quân nhân của ta đem về lục địa. Sau đó trao trả tại Hồng Kông. Còn các chiến binh thả trôi trên bè cấp cứu đã nhờ ngọn gió Ðông thổi vào đất liền, trôi giạt cho đến khi tàu buôn và ghe chài vớt được trả về cho đơn vị.
Giấc Mơ Của Ðại Uý Ất
Trung Uý Ðoàn Viết Ất với chiến công trên HQ 16 trong trận Hoàng Sa đã được đặc cách lên Đại Uý. Chính vì cấp bậc này, cộng thêm khả năng lái tàu Mỹ, ông được cộng sản gia tăng thêm 3 năm thành 6 năm cải tạo. Khi ra tù, lại nhờ khả năng lái chiến hạm nên bà con móc nối cho lái ghe vượt biên mới có cơ hội trở lại vịnh Cựu Kim Sơn quen biết từ năm 70.
35 năm sau, bác Ất quê Nam Ðịnh ngồi nhớ lại hình ảnh con tàu HQ 10 nằm trên biển san hô. Biết rằng bây giờ ta đánh thì không lại quân Tàu, những vật đổi sao rời, cũng có ngày nước Tàu chia năm xẻ bảy. Việt Nam hậu sinh lấy lại được Hoàng Sa sẽ trục con tàu anh hùng lên làm thành một đài kỷ niệm như người Mỹ đã làm ở Trần Châu Cảng xứ Hạ Uy Di. Ai mà biết giấc mộng đó sẽ không phải là thực. Trong khi chờ đợi, Đại Uý Ðoàn Viết Ất sẽ cùng Đại Uý Hải Quân Phạm Bách Phi làm một sa bàn Hoàng Sa cho Viện Bảo Tàng để con cháu thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam đến xem ông cha ta ngày xưa châu chấu đá voi ra làm sao.
Lệnh Khai Hoả
Khi đặt bút viết bài này có tựa đề là Lệnh Khai Hoả. Tác giả là một chiến binh lục quân chân đất, hoàn toàn không có kiến thức Hải Quân nên chỉ xin lạm bàn chút đỉnh. Lệnh khai hoả thực sự bắt đầu từ đâu và vào lúc nào? Ðô Đốc Kỳ Thoại viết trong chương sách về trận Hoàng Sa có ghi rằng đại tá Ngạc chỉ huy hạm đội xin ông lệnh khai hoả. Qua máy truyền tin tiếng súng bắn tại Hoàng Sa, đại tá Ngạc mở lớn cho ông Thoại nghe thấy. Bút ký của sĩ quan truyền tin trên HQ 5 cũng ghi rõ đoạn này. Tài liệu bằng Anh ngữ của đại tá Ðỗ Kiểm thuộc bộ tư lệnh Hải Quân Sài Gòn lại ghi rằng đại tá Ngạc điện thoại về xin lệnh khai hoả của đề đốc tư lệnh Hải Quân. Lúc đó tư lệnh đang trên đường bay ra Vùng I. Vì chuyện khẩn cấp nên đại tá Kiểm xin lệnh của đô đốc Diệp Quang Thuỷ có mặt tại bộ tư lệnh Sài Gòn. Nhận lúc họp bạn với anh em Hải Quân để viết lại câu chuyện làm phim, chúng tôi có dịp nói chuyện thêm chi tiết với đô đốc Thuỷ. Bây giờ đại tá Hà Văn Ngạc không còn nữa. Người viết chuyện tò mò muốn tìm hiểu đành phải suy nghĩ rằng trước khi nổ súng ông đã gọi bộ tư lệnh Hải Quân để xin phép trước. Qua Đô Đốc Diệp Quang Thuỷ ông được lệnh Sài Gòn. Sau đó ông cẩn thận xin lệnh Ðà Nẵng qua đô đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, và lệnh khai hoả bắt đầu. Tuy nhiên dù lệnh ra sao thì cũng chỉ qua giấy tờ và máy truyền tin. Lệnh khai hoả đích thực sau cùng trên chiến hạm bằng khẩu lệnh là của cấp uý như ông Trung Uý Ðoàn viết Ất. Lúc đó Trung Uý Ất mới 24 tuổi, dân Nam Ðịnh. Ông là người tin vào những chuyện số mệnh linh thiêng huyền bí. Dù rằng lệnh xuống theo hệ thống quân giai từ tổng thống, tư lệnh Hải Quân, tư lệnh Vùng, chỉ huy hạm đội, hạm trưởng rồi mới đến tai ông. Nhưng theo tiếng gọi từ nơi xa thẳm thì cái lệnh khai hoả đã bắt đầu từ vua nhà Trần. Bẩy trăm năm về trước Ðức Trần Nhân Tông đã ra lệnh bắn quân Tàu. Tư lệnh quân đội thời đó là Ðức Hưng Ðạo Đại Vương, Trần Quốc Tuấn. Có phải ngẫu nhiên hay không, vua quan nhà Trần thời đó cũng là người quê ở Nam Ðịnh, chẳng khác gì ông tỵ nạn vô danh Ðoàn Viết Ất ngày nay đang lưu lạc ở San Jose. Mỗi sáng vào sửa vài cái máy điện toán, bữa ăn trưa là lần cuối trong ngày. Chiều chiều ghé vào nhà con trai kèm bài cho cháu nội. Ông pháo thủ Hải Quân bỏ lại dàn đại bác từ hơn 30 trước ở cuối chân trời. Từ ngày đó đến nay chẳng bao giờ còn nghe thấy lệnh khai hoả của các cấp chỉ huy.

Cô giáo chửi học trò: đạo đức tồi hay phút lỡ lời?

Đang tâm tư chuyện góp ý kiến cho các văn kiện ĐH Đảng, việc ở tầm quốc gia đại sự, mà bàn đến bất cứ chuyện gì khác, đều dễ có cảm giác khập khiễng. Nhưng câu chuyện cô giáo dạy tiếng Anh "chửi" một học sinh lớp 11 chuyên Lý của trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) trong giờ học được ghi âm rồi tung lên mạng, đã và đang tạo ra nhiều phản ứng trong xã hội. Người phê phán và đánh giá đạo đức của cô giáo rất nhiều, rằng đã là giáo viên thì không bao giờ được phép chửi mắng học sinh, dù học sinh có hỗn láo đến mức nào đi nữa. Cũng đúng! Người trách cứ học sinh không lễ phép, không tôn trọng thầy cô cũng không ít, và rằng đã là học sinh thì cô giáo có như thế nào cũng không được có những hành vi vô lễ. Cũng không sai.
Chỉ có điều, kẻ ngoài cuộc, dù có nghe trọn vẹn file ghi âm đó, cũng không thể biết được bản chất cũng như tâm trạng thật sự của những người trong cuộc. Liệu cô giáo đó thật sự là người "tồi tệ", hay hành động của cô hoàn toàn là sự bột phát, cả chục năm mới diễn ra một lần? Cũng tương tự với bạn học sinh đã có thái độ bị đánh giá là "khiêu khích" ấy. Để đánh giá chính xác một hành vi, không thể chỉ nhìn riêng vào hành vi ấy, mà phải đánh giá cả con người. Nếu bản chất của họ xấu xa thì cần lên án mạnh mẽ, phải nhận sự "trừng phạt" đích đáng của pháp luật. Còn nếu đó chỉ là hành vi bột phát của những người tử tế bỗng có lúc hành xử tồi tệ, thì hành vi ấy rất cần được ứng xử với thái độ khoan dung. Dường như những người nặng lời phê phán cả cô giáo và học sinh, đã mặc nhiên xem cả cô giáo và học sinh ấy đều là những người xấu, mà quên mất rằng dù người tốt hay xấu cũng khó tránh khỏi những sai lầm, người tốt chỉ là người ít có hành vi xấu hơn mà thôi, thậm chí những người xấu mà có nỗ lực để trở nên tốt hơn thì rất cần được khích lệ, cổ vũ.
Nhưng nhìn từ góc khác, có thể thấy việc dư luận đưa ra rất nhiều đánh giá "nặng lời" với cả hai nhân vật cô giáo và học sinh, là bởi trong họ đang ẩn chứa quá nhiều bức xúc với thực trạng của giáo dục, sẵn bức xúc nên khi có chuyện thì tranh thủ "xả ngay". Hình ảnh của các thầy, cô giáo trong mắt xã hội không còn là những con người chuẩn mực về đạo đức và kiến thức, thậm chí chuyện các phụ huynh, học sinh bình luận về thầy cô giáo với những lời lẽ không tôn trọng đã là chuyện thường ngày ở huyện. Ngược lại, chuyện học sinh hư, học sinh hỗn láo cũng không phải chuyện hiếm. Thế nên dư luận rất dễ "quy chụp" luôn khi nghe file ghi âm (hoặc chẳng cần nghe file, mà chỉ cần nghe mọi người kể lại) rằng trường hợp này đích thị phải là một học sinh hư và một cô giáo không ra gì. Thế là tha hồ mà phê phán với thái độ phản ứng với cái xấu, như thể phản ứng đó sẽ khiến mình tốt hơn lên, mình chắc chắn là một học sinh rất ngoan, một cô giáo rất tử tế.
Học sinh trường Trần Phú: 'Chỉ định ghi âm để đổi giáo viên', Ảnh Audition English
Nỗi sợ hãi mang tên "ghi âm"
Thêm một điều cần bàn là cách xử lý có phần "lạ lùng" của Sở GD - ĐT Hải Phòng, khi thông báo "sẽ sớm ra văn bản yêu cầu các trường trong toàn ngành thực hiện điều lệ trường phổ thông, theo đó không cho phép HS sử dụng điện thoại, máy ghi âm, ghi hình trong giờ học". Đành rằng, việc tung ghi âm lên mạng là không nên, bởi sẽ dẫn đến những đánh giá không chính xác về dư luận với các nhân vật trong cuộc, trong khi có nhiều cách hành xử nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Theo giải thích của học sinh trường Trần Phú (đăng tải trên VietNamNet) thì "Một vài em lớp 11 chuyên lý chỉ muốn ghi âm lại những gì cô đọc sai, để rồi làm đơn yêu cầu đổi giáo viên". Từ một dự định rất nhẹ nhàng, rất đúng mực, nhưng "trời xui đất khiến" lại đúng hôm học sinh và cô giáo cư xử không đúng mực, dĩ nhiên cả hai không bao giờ ngờ lại có người đang bật băng ghi âm, càng không ngờ đến một ngày băng ghi âm ấy được đưa lên mạng, dẫn đến những hệ lụy buồn cho một lớp chuyên trong một trường chuyên.
Nhưng chỉ vì một câu chuyện không may, mà cấm đoán hoàn toàn việc sử dụng điện thoại, máy ghi âm, ghi hình trong lớp học, liệu có hợp lý? Không lẽ học sinh không được quyền ghi âm giờ giảng của giáo viên để phục vụ công việc học tập? Nếu đã cấm học sinh ghi âm, ghi hình trong lớp học, liệu có cấm nhân viên ghi âm các cuộc trò chuyện với sếp, đề phòng một ngày đẹp trời, bỗng nhiên lại có một tình huống "dở khóc dở cười" của một công ty nào đó, khi hình ảnh sếp nổi cáu mắng mỏ nhân viên với những lời lẽ không thật vừa tai bị tung lên mạng? Hay có khi cũng phải cấm luôn phóng viên ghi âm, ghi hình, phòng trường hợp lỡ mà người được phỏng vấn nổi cáu, có những lời lẽ không đàng hoàng? cứ suy luận kiểu đó thì không biết còn phải cấm ghi âm, ghi hình trong những trường hợp nào nữa?
Chi bằng, cứ công khai khuyến khích việc ghi âm ghi hình, có khi lại khiến thầy cô và học sinh phải ứng xử với nhau đàng hoàng hơn, sếp và nhân viên cũng tử tế với nhau hơn, người với người trong xã hội sẽ cẩn thận hơn với hành vi ứng xử của chính mình! Nghĩ xa hơn một tý, có một nơi rất cần khuyến khích việc ghi âm ghi hình, đó là những nơi có liên quan đến thủ tục hành chính, để hạn chế bớt những nhũng nhiễu, những phiền hà mà người dân phải gánh chịu khi có việc cần đến cơ quan công quyền.

Đảng viên "phó mặc"

Tác giả: KHÁNH LINH

Tại sao trong khuôn khổ các ĐH Đảng cơ sở hầu như thiếu vắng những ý kiến có thể tạo ra tranh luận? Có thật các Đảng viên đã thật sự đưa ra chính kiến của mình không? Đó là những tâm tư của Phát ngôn và hành động tuần này.

Gần với sự hoàn hảo...
Việc lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân vào dự thảo các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) trình Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng bắt đầu từ ngày 15/9 và sẽ kết thúc vào 31/10/2010. 45 ngày để tập hợp tâm huyết, trăn trở của toàn Đảng (trên 3 triệu đảng viên), toàn dân (trên 80 triệu người dân) cho những văn kiện đã được chuẩn bị bởi Ban chấp hành trung ương (với 160 ủy viên chính thức và 21 ủy viên dự khuyết).
Một "kênh" lấy ý kiến vô cùng quan trọng, hứa hẹn sẽ tập hợp đầy đủ ý kiến đóng góp của tất cả các đảng viên, chính là ĐH Đảng các cấp, từ cấp cơ sở đến cấp quận/huyện, giờ là thời gian của các đại hội cấp tỉnh/thành. Đại hội cấp nào cũng có bảng tổng hợp ý kiến góp ý được chuẩn bị rất công phu, rồi đại hội cấp nào cũng dành thời gian đáng kể để các đại biểu thảo luận trực tiếp tại hội trường. Nghĩa là, nếu một đảng viên thật sự nhiều tâm huyết, thật sư ưu tú (để được ĐH Đảng cấp cơ sở chọn đi dự ĐH cấp quận/huyện, rồi tiếp tục được ĐH đảng cấp quận/huyện bầu đi dự ĐH cấp tỉnh/thành), người đảng viên ấy đến giờ đã có tới 3 cơ hội được cùng những người đồng chí của mình "mài giũa" để có những ý kiến đóng góp của mình lần sau xác đáng hơn lần trước. Logic mà xét thì chính các đảng viên phải là người trăn trở nhiều nhất với các văn kiện của Đảng, và ĐH Đảng chính là cơ hội tốt nhất để họ thể hiện chính kiến của mình.
Thế nhưng, người viết bài này hình như chưa đủ may mắn, nên chưa một lần được chứng kiến ý kiến đóng góp thật sự "đột phá" tại ĐH Đảng cấp quận/huyện hay tỉnh/thành. Các báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý đều khẳng định "hầu hết ý kiến tham gia đều nhất trí cao với dự thảo văn kiện", rồi "dự thảo có cơ sở khoa học, phản ánh những vấn đề cơ bản và cụ thể từ thực tiễn, có định hướng chiến lược...". Nội dung góp ý cũng chủ yếu tập trung vào việc thêm, bớt những câu, chữ cụ thể, dù đó có là câu chữ quan trọng như việc bổ sung thêm "nạn tham nhũng" và "đặc biệt là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền".
Không trách mà Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh khi nhận xét một ý kiến đóng góp phải than rằng: "hoan nghênh Đà Nẵng, rồi kêu gọi giúp đỡ thì cũng được thôi, nhưng chưa thấy làm sao để tạo được đột phá".
Đại hội Đảng X, Ảnh website Đại học sư phạm HN
Nếu quan sát những gì diễn ra tại các ĐH các cấp, điều hiển nhiên phải nhận thấy là các văn kiện đã rất tốt rồi, chỉ sửa một số từ ngữ thôi là hoàn hảo. Tiếc là người viết bài này không có may mắn được xem tất cả các báo cáo tổng hợp ý kiến, để xem những đề nghị thêm, bớt kia có nhiều điểm tương đồng giữa các ĐH Đảng các cấp không? Không khéo ĐH này vừa đề nghị thêm, ĐH khác lại yêu cầu bớt, thì không biết những người soạn thảo văn kiện sẽ phải tiếp thu ý kiến theo kiểu gì? Báo cáo nào cũng khẳng định hầu hết đã nhất trí cao, nghĩa là theo nguyên tắc tập trung dân chủ thì nếu những người soạn thảo không tiếp thu ý kiến cũng không sao, vì ý kiến chỉ là thiểu số thôi, thiểu số phải phục tùng đa số là đúng nguyên tắc rồi.
...hay sự "phó mặc" của đảng viên?
Lạ thay, qua những kênh đóng góp ý kiến ngoài các ĐH Đảng các cấp, các ý kiến đóng góp lại mạnh mẽ hơn rất nhiều. Đã có rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị được tổ chức rộng khắp từ 15/9 đến giờ để lấy ý kiến của nhiều đối tượng, như Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), rồi Thành đoàn TP Hà Nội đã phối hợp với Báo Hà Nội mới tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp thanh niên Thủ đô...
Chẳng hạn, với buổi góp ý kiến do VUSTA tổ chức, chỉ đọc qua tường thuật của báo chí, đã dễ dàng bắt gặp những ý kiến rất quyết liệt, kiểu như "toàn bộ văn kiện lần này không có hơi thở thời đại nên không gắn với thời đại", rồi "Năm 2001, văn kiện đề ra ba đột phá, đến Đại hội X, ba đột phá trên tiếp tục được nhắc lại, nhưng bây giờ, sau 10 năm ta lại tiếp tục lặp lại ba đột phá mà không hề có thêm chút tiến bộ nào" (ý kiến của Thiếu tướng Lê Văn Cương), hay nói như GS Hoàng Tụy, "Cương lĩnh không thể hiện tinh thần đổi mới, vẫn toát lên như tinh thần cũ, không có gì thay đổi, khước từ những hướng mở để phát triển đất nước".
ĐH Đảng bộ thành phố thì khẳng định "dự thảo có cơ sở khoa học, phản ánh những vấn đề cơ bản và cụ thể từ thực tiễn, có định hướng chiến lược...", trong khi các chuyên gia độc lập lại bảo "toàn bộ văn kiện lần này không có hơi thở thời đại nên không gắn với thời đại"? ĐH Đảng bộ các cấp chỉ đề nghị thêm câu, bỏ từ, còn bên ngoài các ĐH Đảng bộ lại là những ý kiến đụng chạm đến những vấn đề cốt tử như dứt khoát từ bỏ mô hình quản lý kiểu Xô viết, chuyển đổi chiến lược phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng cường dân chủ trong Đảng và trong xã hội...


Vì sao lại có sự khác biệt kỳ lạ này? Những người đóng góp ý kiến độc lập, mạnh mẽ, không ngại "xưng danh" trên các diễn đàn chính thống kia, họ cũng là những đảng viên đấy chứ? Vậy họ khác gì với những đảng viên "ưu tú" đã được chọn lọc để đến dự ĐH Đảng các cấp không? Tại sao trong khuôn khổ các ĐH Đảng lại chỉ là những ý kiến đồng thuận, hoàn toàn thiếu vắng những ý kiến có thể tạo ra tranh luận? Có thật các Đảng viên đã thật sự đưa ra chính kiến của mình không? Hay đã thành thông lệ, các đảng viên chỉ "nói thật" trong các không gian "trà dư tửu hậu", hay khi họ đã về hưu, không còn bị "ảnh hưởng" quyền lợi khi phát biểu chính kiến? Những ý kiến đóng góp độc lập kia, dù có mạnh mẽ và thẳng thắn đến đâu, cũng rất dễ trở thành "thiểu số", nếu như các Đảng viên không thật sự phát huy quyền làm chủ của mình. Hơn 80 triệu người dân Việt Nam, không lẽ lại "phó mặc" cho chưa đến 200 người của Ban chấp hành trung ương, chưa kể chính các ủy viên ấy cũng rất có thể là cũng là những người ngại đụng chạm, nên sẽ "phó mặc" cho Bộ Chính trị!

"Hoàng thành gì mà chỉ thấy đất trống?"

Tác giả: KHÁNH LINH

Nếu làm được điều đó, tinh thần của mỗi người Việt Nam khi đến với Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long chắc chắn sẽ lên rất cao, họ sẽ như được tiếp thêm sức mạnh bởi cả 1000 năm lịch sử. Nhưng tiếc thay, chúng ta đã vội chạy theo số lượng các chương trình, sự kiện, nên bỏ quên một cơ hội tuyệt vời, cơ hội ngàn năm có một để chấn hưng dân khí.
Dấu son ngời sáng trong Đại lễ
Dù chưa thật sự là đại lễ của lịch sử, văn hóa, của những con dân đất Việt như mong ước, nhưng điều còn lại khi 10 ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội qua đi chính là: gương mặt văn hóa của thành phố Hà Nội quả thực đẹp hơn, nhờ sự hiện diện của Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Với rất nhiều người, di sản văn hóa thế giới vừa được công nhận vào ngày 1/8/2010 này chính là điểm nhấn quan trọng nhất của Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Giờ đây, để giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước về lịch sử lâu đời của Thăng Long - Hà Nội, chỉ cần đưa họ đến thăm quan khu du tích, để họ tận mắt nhìn những dấu tích của kinh thành cổ xưa qua nhiều thời kỳ.
Tận hưởng niềm vui hôm nay, nhớ lại những năm tháng thăng trầm của khu di tích từ khi được phát hiện với đầy ắp những "ngờ vực" tới ngày khẳng định được giá trị; nhớ lại những thời điểm khó khăn khi các nhà khoa học phải nỗ lực hết mình để giữ lại từng mét vuông đất của khu di tích; nhớ lại những ngày chạy đua với thời gian để kịp làm hồ sơ vừa đúng hẹn thời gian, vừa đạt chất lượng. Tất cả đều căng sức "chiến đấu" với mong mỏi Khu di tích phải được công nhận đúng dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, là "tặng phẩm có giá trị và ý nghĩa lớn lao kính dâng Đại lễ" và như lời GS Phan Huy Lê: cũng là cơ hội để hậu thế bày tỏ niềm kính trọng với các bậc tiền nhân đã dày công gây dựng và gìn giữ kinh thành Thăng Long suốt nhiều thế kỷ.
Nhưng từ một góc nhìn khác, chính nhờ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà Khu trung tâm HTTL nhận được sự quan tâm sâu sắc của cả trung ương và Hà Nội. Bởi nếu thiếu ý chí chính trị của các lãnh đạo thì dù các nhà khoa học có tâm huyết đến đâu, cũng khó mà có được khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long mở cửa đúng dịp Đại lễ để đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế tìm về với những dấu tích 1000 năm.
Cơ hội đối thoại với lịch sử
Mở cửa sáng 2/10, suốt 9 ngày đại lễ, Khu di tích đã đón một lượng khách tham quan khổng lồ, vượt quá mọi dự tính. Mỗi ngày, vài vạn người tiếp nối nhau vào thăm khu di tích từ sáng sớm đến tận giờ đóng cửa. Cả khu di tích rộng tới hơn chục hecta, nhưng đâu đâu cũng tràn ngập người, từ Đoan Môn, Điện Kính Thiên đến Hậu Lâu, từ phòng trưng bày Lịch sử nghìn năm từ lòng đất đến khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.
Riêng phần di tích bên 18 Hoàng Diệu, dù là tâm điểm của sự chú ý vì lần đầu tiên được mở cửa, nhưng luôn phải "khống chế" lượng người vào tại mỗi thời điểm, bởi di tích khảo cổ học quá mong manh, dễ bị tác động, nên phải sắp xếp để mỗi người đã vào trong phải có đủ thời gian đi một vòng di tích trên lộ trình nhất định. Vậy là nhiều du khách sau khi thăm quan xong các di tích trên mặt đất và phòng trưng bày hiện vật (phía bên Thành cổ Hà Nội), đã chấp nhận đứng xếp hàng ngoài cổng 18 Hoàng Diệu, để chờ đến lượt mình vào xem tận mắt các dấu tích thành quách.
Có mặt tại Hoàng thành những ngày đại lễ, bất ngờ bắt gặp những bộ trang phục dân tộc của những cụ bà lưng đã còng, gối đã mỏi, nhưng vẫn nhất quyết nhờ người nhà dắt tay để leo bằng được lên Đoan Môn. Hỏi ra mới biết cụ từ Sơn La xuống Hà Nội chỉ để một lần tận mắt nhìn thấy các dấu tích của Hoàng thành, chứ "không lẽ chỉ nhìn trên tivi hả cháu"?
Cảnh bà dắt cháu vào thăm Hoàng thành, cháu thủ thỉ đọc bà nghe những lời giới thiệu về từng thời đại; cảnh cụ ông và cụ bà cùng vào thăm khu di tích, cụ ông "cắm cúi" quay phim "để về nhà xem lại cho kỹ, chứ ở đây đông quá cháu ạ" khiến người viết bài không khỏi xúc động.
Mà nào phải chỉ có các cụ ông, cụ bà mới muốn cảm nhận không khí thiêng liêng nơi kinh thành xưa, từng nhóm bạn trẻ trong đồng phục "Tôi yêu Hà Nội" cũng tíu tít trầm trồ trước những viên ngói chạm trổ rồng, phượng tuyệt đẹp. Cả những cô, cậu bé xíu xíu cũng được bố mẹ, ông bà dắt vào thăm Khu di tích, ấy vậy mà các bé vẫn đi từ đầu đến cuối cùng bố mẹ, ông bà, tuyệt nhiên không thấy cảnh khóc đòi ra, như thể nơi chốn này cũng có gì đó rất cuốn hút chính các bé.
Đôi lần có mặt trong dòng người kín đặc nơi Cấm thành Thăng Long, bước trên những tấc đất dày đặc dấu ấn lịch sử, tưởng như dễ dàng bắt gặp đâu đây bóng của các vua, quan thời Lý, Trần, Lê,... lòng người viết bài không khỏi bồi hồi xúc động. Điều gì đã đưa hàng vạn người đến với khu di tích mỗi ngày, nếu không phải là nỗi mong mỏi được tận mắt nhìn thấy những dấu tích của lịch sử 1000 năm, để từ nay không còn những ngày bối rối không biết nghệ thuật thời Lý ra sao, thời Trần khác thời Lê thế nào? Một lần vào thăm khu di tích, bằng đọc biết bao cuốn sách lịch sử.
Lỡ một dịp chấn hưng dân khí
Tự hào khi thấy mình như đang "đối thoại" với tổ tiên, nhưng không khỏi băn khoăn, trăn trở, khi công tác hướng dẫn, thuyết minh đã không thể tổ chức chu đáo cho tất cả du khách vào thăm. Lý do bởi lượng người vào thăm khu di tích trong mỗi thời điểm quá lớn, vài chục hướng dẫn viên cũng không làm xuể, nên chỉ có thể tổ chức hướng dẫn cho khách đoàn.
Vậy là hàng vạn người chỉ biết dựa vào vài tấm biển giới thiệu chung cho mỗi điểm tham quan của khu di tích, nên mới có tình trạng "con đường lát gạch hoa chanh thời Trần" ngay dưới chân Đoan Môn bị khẳng định như đinh đóng cột là "thành cổ chứ còn gì nữa!", để rồi bị "vặc" lại "thành cổ đâu mà nhiều thế?".
Ngay cả khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, dù khách tham quan đã được tổ chức vào thành từng nhóm để có hướng dẫn viên giới thiệu, nhưng rất nhiều hướng dẫn viên chỉ là các bạn sinh viên tình nguyện của Khoa Đông Phương học, Đại học KHXHNV, nên chỉ có thể giới thiệu theo kiểu thấy giếng nước thì giới thiệu là giếng nước thời nào, rồi đây là gian nhà 3 gian, kia là dòng sông, chỗ nọ là cống nước.
Các dấu tích khảo cổ học lại chỉ là phế tích, rất "đơn sơ" trong mắt "người phàm", nên nghe giới thiệu một hồi, trong đám đông có tiếng xì xầm "Kinh thành gì mà chẳng thấy thành quách đâu cả, toàn bãi đất trống!". Nhiều người vì mệt lại không thấy gì hoành tráng, nên bỏ không theo lộ trình tham quan được sắp xếp mà đi tắt cho nhanh, ra rồi lại thắc mắc "chỉ có thế này thôi sao?".
Chứng kiến những phản ứng hồn nhiên nhưng rất thật của những con người chất phác ấy, người viết bài này không khỏi nuối tiếc, giá như việc giới thiệu được tổ chức kỹ lưỡng, khách tham quan được dẫn dắt bởi những chuyên gia sử học, khảo cổ học với kiến thức sâu, rộng, để mỗi người khi bước chân vào khu di tích sẽ cảm nhận được ngay chỗ mình đứng đây, xưa kia đã là cung điện nào? Nhà vua đã thiết triều ở đâu? Vua đi lại bằng lối nào? Những phế tích "đơn sơ" kia là của tòa ngang dãy dọc kinh thành ra sao? Để mỗi người khi đến với khu di tích như ngược dòng thời gian sống lại những thế kỷ 11, 12 của thời Lý, 13, 14 của thời Trần... rồi tùy vào tưởng tượng của mỗi người, họ sẽ thấy như mình được gặp đức vua Lý Công Uẩn hay Trần Nhân Tông, các danh tướng Lý Thường Kiệt hay Trần Hưng Đạo...
Nếu làm được điều đó, tinh thần của mỗi người Việt Nam khi đến với Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long chắc chắn sẽ lên rất cao, họ sẽ như được tiếp thêm sức mạnh bởi cả 1000 năm lịch sử. Nhưng tiếc thay, vì công tác chuẩn bị đã diễn ra quá vội vàng, vì Hà Nội chưa tập trung đủ nguồn lực và công sức để Hoàng thành Thăng Long thật sự là trung tâm của Đại lễ, thay vì hàng chục những chương trình ca nhạc na ná giống nhau,  thuần túy mang tính kỷ niệm.
Phải chăng chính Hà Nội cũng không ngờ, lòng dân lại hướng về kinh thành xưa nhiều đến thế? Chúng ta đã vội chạy theo số lượng các chương trình, sự kiện, nên bỏ quên một cơ hội tuyệt vời, cơ hội ngàn năm có một để chấn hưng dân khí.

Mạng chó và mạng người

Xin ai đó hãy bày tỏ sự khó chịu và hãy phê phán cái tít bài báo này sau khi đọc câu chuyện tôi sẽ kể dưới đây. Tại sao tôi lại mào đầu bằng những dòng cay nghiệt như vậy. Bởi vì lâu nay, chúng ta thường tỏ ra khó chịu và phê phán những cái tít kiểu như thế.
Cái tít này không phải là cái tít tôi vắt đầu suy nghĩ để giật gân "câu" bạn đọc. Bản chất câu chuyện là như thế và tôi không còn cách đặt một cái tít nào khác được.
Câu chuyện là thế này: lâu nay, nạn bắt trộm chó càng ngày càng lan rộng. Trước kia, những kẻ bắt trộm chó lợi dụng đêm tối dùng bả vứt cho chó ăn. Chó ăn phải bả thì hết đường chạy. Nhưng đến thời @ thì bọn bắt trộm chó dùng xe máy Nhật để thực thi "công vụ". Cùng với xe máy, bọn trộm chó dùng cả loại súng hơi đặc biệt. Bóp cò một cái là chó gục ngay. Bọn trộm chó cứ thế ung dung quấn băng dính vào mõm chó cho nó khỏi kêu, cắn khi tỉnh lại và bỏ vào bao tải lướt đi.
Ăn trộm chó ngày nay trở thành nghề của một số kẻ lười nhác mà lại thích có tiền tiêu. Thế là mua sắm một số đồ nghề để bắt trộm chó. Bắt trộm chó chỉ có thể bắt ở nông thôn vì người ta hay thả chó chạy rông ngoài ngõ, ngoài đường. Ở nhiều làng, vì mất chó nhiều quá mà người ta căm thù bọ bắt trộm chó vô cùng. Thế là họ thề "ăn tươi nuốt sống" bọn bắt trộm chó.
Hiện trường một vụ giết kẻ trộm chó tại TP Vinh, Nghệ An.
Báo chí đã từng đưa tin những kẻ bắt trộm chó bị người làng đánh cho tới chết. Nghe thật tang thương, thật đau lòng. Mới mấy tuần trước đây, những người ở xóm Trại của tôi đã đánh một thanh niên ăn trộm chó bất tỉnh nhân sự phải cấp cứu ở bệnh viện. Khi phát hiện ra kẻ bắt trộm chó, cả làng gọi nhau. Thế là già trẻ, trai gái vác gậy, vác dao vây bắt kẻ ăn trộm. Họ lao vào đấm đá như không còn biết trời đất là gì nữa. Đến ngày hôm sau, những người làng vẫn còn "hân hoan"  và "say sưa" kể về chiến công độc ác ấy.
Câu chuyện đau lòng bắt đầu từ đó và một thông điệp đen tối về nhân tính bắt đầu từ đó. Trước kia những người ăn trộm trong làng khi bị bắt sẽ phải đeo một cái biển trước ngực có dòng chữ: Từ nay tôi không ăn trộm nữa và phải đi dọc làng để răn dạy những kẻ hư hỏng. Ngày ấy đói ngèo hơn bây giờ cả trăm ngàn lần. Thế mà không ai nỡ đánh đến chết kẻ ăn trộm cả. Nếu có đánh cũng chỉ là người mất của đánh vài cái cho bõ tức mà thôi. Còn ngày nay, cả một đám đông lao vào đánh kẻ ăn trộm như đánh một con chó dại và lòng tràn ngập "sung sướng" và "hả hê".
Con người càng ngày càng vô cảm hơn và độc ác hơn. Người ta sẵn sàng bán thịt lợn hoặc gia cầm chết bệnh cho người khác, người ta ngang nhiên đổ chất thải làm ô nhiễm gây ra cả làng bị ung thư, người ta công khai bán cả thuốc chữa bệnh rởm, người ta vênh váo tài trợ với cái tên "từ thiện" cả sữa hết hạn xử dụng cho trẻ em, người ta chỉ vì mất một con chó mà đánh chết một mạng người....
Thế mà chẳng mấy người lên tiếng về những điều vô cảm và độc ác ấy. Mà khi có người lên tiếng thì lại bị phê phán. Thế mới là chuyện kỳ dị ở xứ sở chúng ta. Lẽ ra, người ta phải lên tiếng về sự vô cảm và độc ác ấy hơn tất cả những điều khác chứ. Nhưng thương thay, chuyện đó lại xẩy ra quá ít.
Câu chuyện đánh chết những kẻ trộm chó vì bất cứ lý do gì liệu có còn cách nói hay cách biện minh nào khác cho tội ác đó không. Hành động cả xóm, cả làng gào thét lao vào đánh cho tới chết kẻ bắt trộm chó chỉ còn một cách nói mà thôi. Đó là, chúng ta đã bắt đầu bước vào một thời đại mà con người tiếc một con chó bị bắt trộm hơn tiếc một mạng người.
Câu chuyện tôi đã kể xong. Bây giờ xin các ngài phán xét cái tít bài báo của tôi đi.

Nhật ký mướt mồ hôi của ông lão đi chơi đại lễ

Tác giả: NÔNG DÂN
Đang lúc ông cháu tôi lơ ngơ thì, bọn phe vé bắt đầu làm việc. Chúng xúm tới chìa ra những tấm vé, những giấy mời rao bán. Tôi thót tim khi nghe họ quát tới 4 triệu một cặp vé vào xem đêm biểu diễn này.

Năm nay tôi đã bước vào cái tuổi thất thập cổ lại hy, ở cái tuổi 70X này mà còn dại. Tôi dại thật sự! Dại vì không chịu nghe lời bà vợ già, và tôi suýt đánh mất cái mạng già này ở SVĐ Mỹ Đình. Số là tôi có thằng cháu cũng làm khá to ở Hà Nội, nó quý tôi lắm nên tặng một tấm giấy mời đêm cuối cùng của Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Nó bảo đêm ấy hay lắm, ngoài màn bắn pháo hoa nghệ thuật, chú sẽ được thưởng thức một đêm biểu diễn lung linh, huyền ảo...
Thú thực thì tôi cũng đã định ở nhà (Chương Mỹ) xem tivi cho xong. Tuổi già, ngại chen lấn xô bồ, hơn nữa bà xã nhất quyết không đi, bà ấy bảo: ra đó để hít bụi, hít mồ hôi người à, ở nhà gác chân xem tivi có phải sướng gấp vạn! Lúc ấy tôi nổi nóng, đúng là đàn bà, nói thế thì nói làm gì, người ta mất bao công sức mới được tận mắt xem trực tiếp, mới lại có giấy mời hẳn hoi... Nhưng nói thế nào bà xã già nhà tôi cũng không chịu đi, tức mình tôi tự đi, nhân tiện rủ thêm đứa cháu gái 8 tuổi cùng đi cho đỡ buồn.
Tất cả các ngã đường xung quanh sân vận động Mỹ Đình đều tắc cứng. Ảnh: Thu Nguyên
Và hành trình chơi Đại lễ của tôi bắt đầu từ 6h sáng. Hai ông cháu bắt xe ra đến Hà Đông đã 8h, đi có 20 km mà mất hơn hai tiếng? Chuyện này cũng bình thường, chuyện kẹt xe ở Hà Nội là hết sức bình thường - tôi tự nhủ và trấn an rằng: không được nản. Chỉ khổ cô cháu gái, háo hức quá nên nhất quyết đòi ông đưa đi Quảng trường Ba Đình xem duyệt binh. Ừ thì màn đó tôi cũng mê, thế là hai ông cháu nhịn ăn sáng (dự định ăn sáng ở Hà Đông), bắt taxi lên Lăng Bác. Thế nhưng còn cách đó đến vài cây số thì anh taxi dừng lại, lịch sự nói: ông cho con xin tiền, bắt đầu từ đây ông phải đi bộ, cấm đường ạ!
Tất nhiên đi bộ, tôi sợ gì đi bộ, hồi trai trẻ, tôi từng đi bộ 6 tháng trời, rách bốn đôi giày, ba bộ quần áo mà chả sao... Cứ cho là bây giờ tôi đã già nhưng cũng dư sức bước cái chỗ đường ngắn tí ấy, ngay cả cô cháu gái tôi đây là trẻ con nông thôn, cả ngày chạy băng băng trên đê đi bộ đã là cái thá gì. Thế là hai ông cháu hỉ hả đi bộ cho mát mẻ.
Nhưng tôi đã lầm! Sự sai lầm vẫn ở tuổi tác, cái thời tôi đi bộ ngày xưa nó khác, việc đi giữa rừng núi, suối sâu, vực thẳm có vẻ còn dễ hơn đi bộ giữa lòng thủ đô những ngày này. Kín đặc người! Kinh khủng người! Hai ông cháu nắm chặt tay nhau và nhích - nhích từng bước - nhẫn nại nhích từng bước... Mãi rồi thì cũng chạm đến đầu đường Hùng Vương. Và chỉ đến được đó thì tôi không thể đi được nữa. Đứa cháu ngoại tôi dù chân tay to khoẻ, suốt ngày chạy băng băng trên đê cũng phải chào thua. Nó mệt vì thiếu ôxi chứ không phải mỏi gối như ông ngoại nó. Hai ông cháu chọn mãi mới được một góc ngồi nghỉ và "nghe" duyệt binh. Hay thật, mất ngần ấy công đến đây chỉ để nghe duyệt binh thì ông cháu tôi có một trên đời!
Đường Mễ Trì, lối vào sân vận động Mỹ Đình tắn nghẽn lúc 6h30 tối. Ảnh: Thu Nguyên
Trước lúc đi, tôi đã chuẩn bị rất kỹ, cái bản tính lính trinh sát đã dạy tôi sự chuẩn bị cực kỳ chu đáo cho mỗi chuyến đi xa: nước, lửa, thuốc tăng lực, đồ ăn khô, dụng cụ y tế, quần áo dự phòng, và đặc biệt là tiền. Nói thực là tôi đã giấu bà xã già nhón lấy hơn 5 triệu đi chơi đại lễ. Tôi chuẩn bị nhiều tiền như thế không phải để ăn chơi mà là dự phòng. Thời buổi có tiền coi như yên tâm mọi thứ. Tôi gói ghém kỹ lưỡng, riêng tiền giắt cạp quần chắc nình nịch.
Nhưng ôi thôi! Khi sờ vào đó thì nó đã biến từ lúc nào! Đi toi hai suất lương hưu của tuổi già. Nói thực là tôi cũng chẳng tiếc tiền, chỉ sợ đứa cháu đòi ăn gì đó thì nguy, mà đến tận tối mới xem biểu diễn nghệ thuật cơ mà! Thế là cái bộ óc già nua của tôi hoạt động hết công suất, nhưng cũng may - may ở cái tính cẩn thận - tôi có điện thoại di động và gọi ngay cho ông cháu quý hoá đến cứu nguy.
Phải nói là thằng này yêu ông chú hết cỡ, gần tiếng đồng hồ sau nó có mặt ở đường Tây Sơn, mặt mũi nhễ nhại mồ hôi đón ông cháu tôi. Nó nhăn nhó bảo: sao chú dại thế, chen vào đây làm sao nổi, về nhà cháu xem tivi cũng được mà... Đang lúc bực tức suýt nữa tôi mắng nó. Xem tivi thì cần gì ông chú mày phải mò ra tận đây! Nhưng lúc này cãi lộn với nó là dại, tôi đành theo nó về nhà nghỉ ngơi ăn trưa, cũng để nó tiếp tế cho ít tiền.
Ăn trưa xong, định bụng ngủ một chút cho lại sức, nhưng đứa cháu ngoại lại nhằng nhẵng đòi đi chơi. Nó bảo, ra tận thành phố mà ngủ trưa thì ở nhà còn hơn. Thế là ông cháu tôi lại lên đường. Thằng cháu quý hoá không quên dúi cho ông chú 2 triệu gọi là tiêu chơi. Có tiền rồi, ấm bụng rồi, hai ông cháu tôi lại vi vu phố phường. Nhưng đi đâu bây giờ? Theo đề nghị của cô cháu gái thì chúng tôi ra công viên Thủ Lệ, nó vẫn thích ra chỗ ấy chơi. Nhưng vẫn là kín đặc người. Kinh khủng người! Người ở đâu ra lắm thế không biết, đang giữa trưa mà họ ngồi kín cổng, kín bên trong, kín các chỗ chơi... chen mãi tôi cũng mua cho cô cháu gái một vòng đu quay thì đã đến 2h chiều.
Ông cháu tôi lại tá hoả bắt taxi về Mỹ Đình, đây là màn chính phải xem, đi sớm cho đỡ đông người. Nhưng tôi đã lầm, tuổi già thường nhầm lẫn. Vẫn là kín đặc người. Kinh khủng người. Mới vào đường Trần Duy Hưng anh taxi đã phải dừng lại xin tiền. Ông cháu tôi lại được dịp quách bộ. Tôi cứ nghĩ không gian sân vận động Mỹ Đình rộng lớn - hình như rộng nhất Đông Nam Á nên sẽ thoáng đãng hơn. Lại sai lầm! Vẫn sai lầm! Vẫn kín đặc người. Họ cũng như ông cháu tôi, đi sớm cho đỡ tắc đường. Họ ngồi tràn lên cả lên thảm cỏ, vỉa hè, lan can... nơi nào ngồi được là ngồi. Ai nấy mặt nhễ nhại mồ hôi, biến đủ thứ mang theo thành quạt. Người già thì ngủ gà ngủ gật, trẻ con khóc oe oe...
Lạy ông trời, người đâu mà đông thế? Và lúc này cái không gian sân vận động Mỹ Đình trở nên bé tí hơn lúc nào hết, dòng người ngùn ngụt kéo về như chực nuốt chửng cái sân bóng lớn nhất Đông Nam Á ấy. Khổ nhất vẫn là những anh bảo vệ, các chiến sỹ công an. Họ quá mệt mỏi để canh giữ trật tự, ai nấy mặt tái nhợt, không đủ sức quát mắng dòng người nhốn nháo lộn xộn kia.
Đang lúc ông cháu tôi lơ ngơ thì, bọn phe vé bắt đầu làm việc. Chúng xúm tới chìa ra những tấm vé, những giấy mời rao bán. Tôi thót tim khi nghe họ quát tới 4 triệu một cặp vé vào xem đêm biểu diễn này. Tấm giấy mời trong túi tôi bắt đầu lung lay, thú thực đã mấy lần tôi định bán quách đi bắt xe về nhà vắt chân cùng bà xã già xem tivi cho sướng. Nhưng ngẫm thấy lại thấy hèn. Đã ra đến đây, phục sẵn từ chiều mà bỏ về thì hèn. Hơn nữa cô cháu gái lại đang hưng phấn biết ăn nói với nó thế nào.
Thế là hai ông cháu tôi chen được một góc nhỏ, khuất nắng ôm nhau chờ đêm biểu diễn nghệ thuật. Cũng may tôi chuẩn bị kỹ nên hai ông cháu không bị khát, không bị say nắng, không bị đói... Mãi rồi cũng đến lúc vào sân. Lần này tôi đã có kinh nghiệm, cởi áo bên ngoài, buộc chặt tay cháu gái, tay phải vạch lối đi, tay trái ôm khư khư chỗ tiền thằng cháu cho lúc trưa.
Cũng may tôi có sức khoẻ, cô cháu gái cũng thuộc loại trẻ con khoẻ nên không bị ngất sỉu khi tham gia cái màn chen lấn, xô đẩy hết sức nào loạn ở cổng ra vào. Người ken đặc như nêm, thở không ra hơi, nhiều vị ngất lịm vì thiếu ôxi, hoặc gào điên loạn vì sốc thần kinh. Riêng mấy anh bảo vệ, các chiến sỹ công an thì tím tái như tượng. Họ quá mệt nên không còn khách khí, cứ lăm lăm dùi cui, ai không nghe là quất!
Hai ông cháu thở phào khi tìm được chỗ ngồi. Cuối cùng thì cũng được xem điều mong đợi. Trước khi kể tiếp câu chuyện tôi xin mạn phép nói thật, tôi không phải nghệ sỹ, cũng chẳng am hiểu nhiều về nghệ thuật chỉ xem bằng trực giác của người bình thường, nhưng xin thưa màn biểu diễn tẻ nhạt vô cùng. Tất cả cứ lẵng nhẵng, nát vụn, ầm ì chẳng đâu vào đâu. Tệ nhất là cái tiếng kèn í e nghe đến ghê người. Không biết ngày xưa cụ Lý Công Uẩn có hay dùng loại kèn này không nhưng sao nghe nó ghê đến thế. Mà cứ nhè cái tiếng ấy mà tấu lên xé gan xé ruột chẳng hiểu để làm gì. Cũng may có hệ thống đèn la-de nó hút thị giác nên đỡ đi phần nào. Còn màn đồng diễn thì lung tung, chẳng hình gì ra hình gì, cố lắm mới nhìn ra mà vừa mới nhìn ra đã tan biến thành cái khác cứ như đánh đố người xem.
Đứa cháu gái tôi cứ hỏi: sao chẳng thấy họ xếp hình bông hoa hở ông, sao không xếp hình con rồng hở ông, sao không xếp hình trái tim hở ông? Họ đang xếp hình gì hở ông? Sao chẳng thấy tiếng nhạc thế hở ông??? Cứ thế nó hỏi làm tôi phát cáu quát rằng, xem đi hỏi gì lắm thế. Nó bĩu môi: "Không hiểu thì con mới hỏi chứ...". Thôi thì đợi xem pháo hoa vậy. Tôi tưởng mỗi mình nghĩ vậy, nhưng không phải, tất cả khán giả đều ngán ngẩm, lắc đầu chờ đợi màn pháo hoa.
Cũng may màn pháo hoa làm mãn nhãn người xem. Khi những bông hoa lửa rực sáng bầu trời thì người xem đã quên mất màn trình diễn trên sân, dù đạo diễn đã cố tình đan xen nghĩa là vừa bắn pháo hoa vừa biểu diễn nhưng khán giả chỉ ngửa cổ lên trời chứ chẳng ai thèm nhìn xuống sân nữa.
Buổi biểu diễn kết thúc. Rút kinh nghiệm, hai ông cháu tôi ngồi lỳ ở sân vận động, nhất định không ra. Nếu ra lúc này hai ông cháu tôi sẽ ngạt mà chết, có ngồi ở đây suốt đêm cũng chịu. Phải gần 2 tiếng sau, hai ông cháu tôi mới mò ra được khoảng sân lớn. Thằng cháu yêu quý mặt nhăn nhó đợi ở ngoài, và khi nó chở chúng tôi về đến nhà thì đã là 2h sáng. Kinh khủng!