Đàn Bò Sữa |
Mới chín giờ sáng, nắng đã gắt. Lại một ngày nóng dữ. Hàng chục nữ tù nhân đổ năm bao tải chặt cứng những túi ni-lông ra cạnh bể nước trước phòng. Đó là những túi ni-lông gia đình các phạm nhân đựng quà gửi vào. Họ rửa sạch sẽ từng túi một, rải ra phơi khắp sân. Ngoài khoản ni-lông, còn có khoản dép nhựa. Tù ở các buồng chung phải đi chân đất. Giầy dép thu, vất vào kho. Ban giám thị Hỏa-Lò đem bán hai khoản này. Tiền thu được, mua lợn, nuôi cạnh nhà bếp. Bọn cấp dưỡng có trách nhiệm phải nuôi chúng bằng cơm tù, rau tù. Trong chuồng, lúc nào cũng ủn ỉn bảy, tám “ông ỷ” béo nục nịch. Thỉnh thoảng, quản giáo, công an võ trang lại thịt một “ông”, liên hoan. Tù không được một miếng. Mùa hè, sân gạch nóng bỏng. Tù không giầy dép, ngồi ăn quà, ăn cơm, chân dát rộp. Mùa đông, sân gạch lạnh ngắt, chân buốt giá, tê tím, như kim châm.
Chẳng mấy khi được ngồi ngoài hiên thoáng đãng, cạnh bể nước. Tha hồ vốc nước lên mặt, lên cánh tay, cho nó mát da, mát thịt. Các ả vừa thủng thẳng làm, vừa chuyện trò:
- Thằng bé tội quá. Gầy còm, ghẻ lở đầy mình.
- Hôm mới vào, trông nó kháu khỉnh. Cái mồm lúc nào cũng toe toét cười.
- Nó giống mẹ nó nhỉ. Tao cũng ước có một đứa con.
- Có con, để mày mang đầy nó vào tù với mày!
- Khổ thân thằng bé, mới có mười tháng đã là tù nhân rồi!
- Mẹ nó không có sữa nuôi nó.
- Ăn uống thế, mà đòi có sữa!
- Không ai có sữa hộp để cho nó.
- Dạo này, nó ốm, khóc quấy quá.
- Bố nó đi chiến đấu ở Căm-pu-chia, bị mìn chết. Mẹ nó chỉ có một bà chị. Bà này nghèo dớt mồng tơi, lại đông con, không dám nhận nuôi nó.
- Gia đình bố nó ở tận Quảng-Bình. Nghe đâu cũng đói lắm. Đường xá xa xôi. Tiền đâu tầu xe mà ra tận Hà-Nội đón nó về.
- Kể nó cũng liều. Là giáo viên, mà dám đem cả “Nghĩa vụ quốc tế” của Đảng ra chửi. Bị bắt là phải.
- Liều cái gì? Được tin chồng chết, nó đau khổ quá, hoá điên, mới làm vậy. Nó bảo vợ chồng nó yêu nhau lắm.
Tiếng mụ quản giáo, the thé:
- Mấy con đượi, nhanh tay lên, rồi vào. Đừng có lợi dụng ngồi mát, tán hươu, tán vượn với nhau. Bận sau, để những đứa khác làm. Không khiến chúng bay nữa. Có tí ni-lông, mà dềnh dàng, từ sáng đến giờ chưa xong. Quen thói nằm ngửa, ăn sẵn.
Các ả vội vã nhanh tay. Một lúc sau, xong việc, kéo nhau vào.
Đương ở ngoài, bước vào phòng như bước vào lò hấp. Phòng nữ tuy không quá đông như các phòng nam, nhưng cũng chật ních. Mùi cầu tiêu, mùi mồ hôi, mùi máu mủ ghẻ lở, lậu, giang mai, kinh nguyệt, quện vào nhau, lan tỏa. Tệ hơn phòng nam. Các ả đói meo, gầy teo, da dẻ nhăn nheo, ghét bẩn, đầu tóc bù xù. Những đường cong tuyệt mỹ trở thành những đường thẳng khẳng khiu. Không thể gọi là phái đẹp được nữa. Trừ những mụ tự giác, những mụ tham ô, buôn bán, và dăm bảy “nữ quái” trấn lột được của người khác mà ăn, là còn có da, có thịt.
Buổi chiều, đếm tù xong, mụ quản giáo khóa phòng lại. Trong phòng, gần hai trăm ả, kẻ cởi quần, kẻ cởi áo, nằm, ngồi ngổn ngang, lấy những miếng giẻ con, thấm máu mủ, ghẻ lở cho nhau. Mấy mụ tự giác, mấy nữ quái, phanh ngực, ngồi ở đầu phòng, gần cửa, chuyện trò.
Mụ trưởng phòng đã ngoài bốn mươi, nhưng vóc dáng thanh mảnh, trông còn tươi mát, bế đứa nhỏ trong tay, nựng:
- Cô thương cháu quá. Tí hon thế này, mà đã tù. Chỉ tại mẹ cháu trẻ người non dạ, ăn nói dại dột. Ngoan nào! Cô sẽ kiếm sữa cho cháu. Cười đi! Khổ thân cháu tôi quá. Ăn toàn cháo loãng. Mẹ nó có còn đường không? Cô giáo đừng ăn của con đấy nhé.
- Cảm ơn các chị thương cháu, cho nó. Em đâu nỡ ăn của con. Đường còn đủ nó ăn vài hôm nữa. Cháu nó ghẻ lở quá. Lại sốt. Em lo lắm. Ông y sĩ cho uống át-pi-rin, nó cứ ọe ra. Thuốc bôi ghẻ, thì đợi mãi chưa có. Nó quấy suốt đêm, không chịu ngủ. Gầy xọp đi. Không hiểu mẹ con em kiếp trước phạm tội gì, mà trời đầy đọa đến thế này. Bố nó bỏ mạng xứ người. Mẹ con em thì vào tù đã năm tháng rồi.
Nói xong, cô giáo ôm mặt, nức nở.
Mụ trưởng phòng an ủi:
- Đừng khóc nữa. Sẽ được về thôi. Trên thế nào cũng xét, chiếu cố cho mẹ con em. Em thật là dại. Bao nhiêu người chồng chết, con chết. Có ai dám cả gan chửi như em đâu. Em phải làm đơn, nhận hết khuyết điểm. Xin Đảng khoan hồng cho mẹ con em.
- Em đã nhận hết tội lỗi. Làm hai lá đơn rồi. Có thấy gì đâu. Thực ra, em không chửi. Em chỉ kêu khóc là “nghĩa vụ quốc tế” đã giết chồng em. Thế rồi, bị bắt ngay.
- Giữa trường học, mà kêu thế, ảnh hưởng lắm. Em phải thấy tội em nghiêm trọng.
Một nữ quái trẻ măng, thân hình thon thả, mặt trái xoan, mũi dọc dừa, da trắng mịn, đôi mắt to, đen láy, bĩu môi:
- Nói một câu như thế, mà cũng bỏ tù mẹ con người ta! Em cũng vậy. Có làm hại gì tới chế độ đâu, mà cũng bắt bớ. Em ngủ với bọn sứ quán Tây phương, thì việc gì tới Đảng? Em không có sức đi công trường đắp đường, gánh đá. Em kiếm tiền theo lối của em. Thuận mua, vừa bán. Có ăn trộm, ăn cắp của ai đâu.
- Mày là “phò tây” còn kiếm ra tiền. Bọn tao, ngày đi lao động, tối đi “kiếm thêm”, vẫn chưa đủ tiêu. Thế mà cũng tù ra, tù vào. Có lần, gặp thằng đểu. Nó đèo tao ra tận ngoại thành. Đã chơi quỵt thì chớ. Nó còn lấy cả quần, phóng xe đi mất. Lần ấy, may gặp một bác già cứu. Bác cho tao cái quần của bác, mặc quần đùi, đèo tao trở về. Tao nhớ ơn suốt đời. Tiếc rằng không gặp lại được bác ấy.
- Mày tưởng “phò tây” không nguy hiểm à? Mỗi lần ra vào sứ quán, tao phải nằm phục xuống sàn xe. Lần này, vừa ra khỏi xe, xuống đường, là bị “chôm” ngay. Còn bị nghi là gián điệp nữa!
Mụ trưởng phòng thở dài, nhớ lại thời xa xưa:
- Nói thực với các em, chị cũng tiếp Tây nhiều lắm. Chúng nó sang trọng, lịch sự. Cho chị nào tiền, nào ra-đi-ô, đồng hồ, xe đạp. Chị sống như một bà hoàng. Chị không phải lén lút như các em bây giờ đâu. Hồi đó, chị ở Hải-phòng. Bố Mẹ chị bán thuốc tây. Chị được ăn học. Nói tiếng Pháp khá trôi chảy. Chị tích cực hoạt động nên được kết nạp vào Đoàn. Chị được điều sang làm việc ở khách sạn Bắc-Kinh, gần ngang cầu Hạ-Lý. Đó là nơi các đồng chí chuyên gia y tế Tiệp-Khắc ở. Trước khi nhận công tác, chị được gặp một đồng chí trong Ban Bí-Thư thành-ủy, căn dặn là phải phục vụ các đồng chí chuyên gia hết mình. Đồng chí đó giơ ngón tay lên, nhấn mạnh: “Nhớ rằng phục vụ vô điều kiện. Thỏa mãn mọi yêu cầu của các bạn Tiệp. Chắc cháu hiểu chú muốn nói gì? Đây là công tác cách mạng. Đòi hỏi phải hy sinh. Bao đồng chí đã hy sinh cả cuộc sống cho cách mạng cơ mà. Nhiệm vụ của cháu rất vẻ vang”. Nhìn thấy người Tiệp họ ăn uống, mà thương cho các cán bộ của mình. Các loại thịt, các loại hải sản, thừa mứa. Bữa nào cũng phải đổ đi. Mứt sen mình biếu, họ chê ngọt, đổ đầy thùng rác. Cán bộ mình ăn có 18 đồng một tháng. Họ ăn những 180 đồng. Lại hưởng giá cung cấp, rẻ thối. Hoa quả, đồ hộp, bia rượu, không tính. Lương bác sĩ của họ hai nghìn đồng. Lương đầu bếp, sáu trăm đồng. Trong khi lương bác sĩ mình có sáu mươi đồng. Đầu tiên, chị tưởng có mình chị được giao trách nhiệm đó. Sau, chị mới biết có nhiều cô trẻ đẹp cũng làm như chị. Họ không làm việc ở khách sạn. Họ chỉ được ô-tô đưa tới vào buổi tối, hoặc buổi trưa. Tùy theo yêu cầu. Cô nào, cô ấy áo dài tha thướt, nước hoa thơm ngát. Trong đời phục vụ cách mạng của chị, chỉ có giai đoạn đó là vinh quang nhất. Mấy năm sau, chị được kết nạp vào Đảng. Được Đảng giới thiệu, cho lấy chồng. Lần này, bị tù, chỉ vì tham ô hai mươi tấn gạo. Nhân viên của chị ngồi bán hàng, đứa nào cũng giầu. Chúng nó ăn cò con, năng nhặt, chặt bị. Chẳng ai bắt được cả. Tiêu chuẩn nhân dân mười cân một tháng. Chúng cân cho chín cân rưỡi. Mỗi ngày, bán ra bao nhiêu là tấn gạo. Chúng kiếm vô số. Có điều, chúng phải biếu xén đủ mặt.
Nữ quái bất bình:
- Chị cũng làm như em, thì chị được coi là làm nhiệm vụ vẻ vang, được kết nạp vào Đảng. Em thì bị bêu rếu, bị bắt bỏ tù. Chẳng còn trời đất nào cả!
- Chị làm theo lệnh của Đảng. Còn em, là tự ý em. Khác nhau là ở chỗ đó. Nhưng thôi, chúng ta hãy tìm cách kiếm sữa cho thằng bé này.
Mụ đu đưa thằng bé, nựng:
- Khổ thân cháu cô. Còm quá! Thương quá!
- Ai mà chẳng thương. Nhưng những người có tiếp tế, không ai có sữa. Biết làm thế nào?
Nữ quái hớn hở:
- Em đã có cách. Tụi công an đi tuần ban đêm, biết chúng ta mùa hè không mặc quần áo. Chúng thường trèo lên chỗ song sắt trên cao nhòm vào. Thèm ứ tới tận họng. Tại sao chúng ta không giở nghề ra, kiếm sữa cho thằng cháu? Đêm, em sẽ ra đứng ở cửa dụ chúng. Thằng nào muốn đụng vào người em, em bắt phải đưa hai hộp sữa. Lão chánh giám thị ra lệnh bắt phải mặc quần áo. Làm như nghiêm lắm! Nhưng chính em, một lần đi tiểu ban đêm, nhìn thấy nó trèo lên, nhìn vào. Một hôm, em đi cung về, mắt lão hấp ha, hấp háy, vờ vẫn hỏi chuyện, còn giáo dục em. Mồm sặc hơi rượu.
- Lão ta đứt mạch máu não, chết hơn một tuần rồi. Lão đã trắng trợn tán tỉnh chị mấy lần. Đàn ông toàn một ruộc cả. Sáng kiến em hay đó. Bắt đầu ngay đêm nay đi.
Cô giáo nhìn nữ quái, ngập ngừng:
- Chị cảm ơn lòng tốt của em. Không ngờ em thương cháu đến như vậy. Nhưng chị không muốn em gặp phiền phức. Lộ chuyện, em có thể bị cùm.
Nữ quái cong cớn:
- Vì thằng bé, cùm, em cũng không sợ. Phục vụ nó còn tốt hơn phục vụ cách mạng!
Mụ trưởng phòng cười:
- Em nói xỏ xiên chị. Nhưng em nói đúng. Chị không giận. Nhớ phải thành công. Thận trọng một chút.
Đêm đó nữ quái ngồi ngay ở cửa. Cả phòng đã ngủ. Muỗi vo vo từng đàn, tha hồ hút máu trên tấm thảm người trần trụi, nham nhở ghẻ lở. Những tiếng mê sảng, thảng thốt, thỉnh thoảng bật ra, ú ớ, nức nở. Nghe tiếng giầy, nữ quái gục đầu xuống đùi gối.
- Đêm hôm không ngủ, ngồi ở đây làm gì?
Ả ngẩng đầu lên, cười:
- Báo cáo cán bộ, nóng quá, em không ngủ được. Ngồi đây cho thoáng một chút. Phòng bí quá.
Ả đứng lên. Chiếc áo không cài khuy tự động phanh ra. Hai tên công an không rời mắt khỏi hai trái tuyết lê chắc nịch, núm hồng hấp dẫn.
- Em có chuyện muốn báo cáo riêng với một trong hai cán bộ.
Một tên đưa mắt nhìn tên bạn, nói:
- Cậu ra ngoài canh.
Tên kia đi khỏi. Ả nói ngay, nũng nịu:
- Mấy hôm nay không có cơm. Em không ăn được bo bo. Em bị đau ngực lắm. Em muốn xin cán bộ hai hộp sữa.
Tên võ trang, giọng nhân đức:
- Phải cố mà ăn, giữ sức khỏe chứ. Được, ba giờ đêm mai, tôi sẽ cho sữa. Đau thế nào? Tù mà ốm đau là khổ lắm.
- Cảm ơn cán bộ. Em đau ở chỗ này. Nhức lắm.
Ả chỉ tay vào ngực. Tên võ trang thò ngay tay vào, mân mê.
Ả để yên khoảng một phút, rồi lùi lại:
- Thôi, em đi ngủ. Đêm mai, em đợi cán bộ. Nhớ cho em hai hộp sữa. Em sẽ đền bù lại thỏa đáng.
Ả đi vào.Tên võ trang đứng tần ngần một lúc, rồi bỏ đi.
Sáng hôm sau, như thường lệ, gã nhà bếp tới lấy thùng nước đặt ngoài cửa mang đi.
Mụ trưởng phòng gọi lại:
- Anh bạn cấp dưỡng, tôi muốn nhờ anh một việc.
Gã nhà bếp dừng lại, nhìn quanh, vẻ e ngại:
- Có việc gì, nói nhanh lên.
- Phòng tôi có một cháu bé mới mười tháng. Nó không ăn được. Chúng tôi có kẹo, bánh. Anh đổi dùm cho một hộp sữa để nó uống. Nếu có thể, anh kiếm cho ít kháng sinh. Nó sốt cao mấy hôm rồi. Ông y sĩ bảo trại hết thuốc kháng sinh, phải đợi. Anh làm phúc giúp hộ.
- Được, tôi sẽ cố.
Gã xách thùng về nhà bếp, nghĩ ngợi. Cánh nhà bếp thường được ông quản giáo phụ trách dẫn ra phố mua bán. Kiếm hộp sữa, không có gì là khó. Nhưng nội quy cấm ngặt việc liên lạc với các phòng. Mồm đàn bà bép xép. Lộ ra thì bị tống đi trại lập tức. Vợ gã phải mất mười cây vàng mới mua được chân làm bếp ở Hỏa-Lò. Gã cũng muốn giúp thằng bé. Nhưng bản thân gã quan trọng hơn nhiều. Không thể làm liều được. Còn chuyện thuốc kháng sinh, thì gã đã có sẵn. Ông y sĩ mới đưa cho gã ba chục viên tétra, dặn gã nghiền ra, rắc lên chỗ mông con lợn bị chuột gậm. Con lợn này béo quá, không đi đứng được. Cứ nằm ềnh ra. Ban đêm, chuột tới gậm mông ăn. Nhà bếp đã phải cấp tốc đan chiếc lồng bàn tre, úp lên nó. Cho thuốc thằng bé uống, nhỡ nó làm sao, thì đại họa. Thôi, việc thiên hạ, không nên bận tâm tới.
Đêm hôm đó, trước giờ hẹn, nữ quái đã đợi sẵn.
Tên võ trang hôm qua mò tới, cười nhăn nhở:
- Anh bận quá, chưa có thì giờ ra phố. Hẹn em đêm mai, khoảng một giờ. Tuy không phải phiên tuần tra của anh, nhưng vì em, anh sẽ mang sữa tới. Cho anh xem chỗ đau của em đi.
Nữ quái ức lắm, định chửi. Nhưng cố kìm lại. Vì hy vọng có hai hộp sữa đêm mai, ả chiều lòng, cho hắn mân mê một phút. Hắn hăng máu, đưa tay xuống phía dưới.
Ả lùi lại, nói nhỏ:
- Trong phòng có người vừa dậy. Hẹn anh tối mai.
Rồi đi vào, mặc tên võ trang đứng đờ đẫn ngoài song sắt.
Nữ quái về chỗ nằm, uất ức, mặt bừng bừng.
Mấy cô bạn nằm cạnh thì thào hỏi:
- Thế nào? Thất bại à?
- Gặp phải thằng bọ, chỉ muốn gỡ gạc, không muốn chi, phải không?
- Phải có cách nào chứ? Chẳng lẽ chịu lỗ với nó sao?
Nữ quái thì thầm, bàn tán kế hoạch tác chiến với mấy cô bạn. Tất cả đồng tình, quyết tâm phải làm bằng được. Phải thu hoạch lớn là đằng khác.
Sáng dậy, thấy không có sữa, mụ trưởng phòng than thở với nữ quái:
- Chị đã nhờ thằng nhà bếp. Nhưng nó sợ, không dám giúp. Em thì đã mất công toi hai đêm. Thôi, để chị xin phép bà quản giáo viết thư về gia đình. Chồng chị sẽ gửi sữa cho chị. Nhưng sớm nhất là tận cuối tháng mới có.
Nữ quái tươi cười:
- Chị cứ an tâm. Em hứa với chị đêm mai là có sữa. Có thể đêm nay đã có, không biết chừng.
Gần một giờ đêm, nữ quái đợi ở cửa. Ả đã mất hai đêm công cốc rồi, nên hận lắm. Ả nhất định không chịu thất bại. Gặp thằng đểu, ả phải đểu hơn. Vỏ quít dầy phải có móng tay nhọn.
Tên võ trang cay cú lại mò tới, tay không.
Ả đon đả:
- Em nhớ anh quá. Chỉ sợ anh không đến. Em đâu có phải vì hai hộp sữa, để em bỏ cả ngủ, chờ anh. Chỗ đau của em đã đỡ rồi. Nhờ anh xoa hộ lần này nữa là khỏi.
Tên võ trang vui mừng:
- Nếu em thật lòng yêu anh. Khi ra tù, chúng ta sẽ cưới nhau.
Hắn thò tay qua song sắt, say sưa xoa bóp. Hai tay nữ quái giữ chặt cánh tay hắn. Một cô bạn nấp sẵn ở bên tường nhẩy tới, nhanh như cắt, tháo chiếc đồng hồ đeo tay của hắn. Đó là nghề chuyên môn của ả. Tất cả diễn ra chớp nhoáng vài giây.
Nữ quái vểu mỏ, nói vào cái mặt nghệt ra của tên võ trang:
- Đồ bọ chó! Mỗi lần hai hộp. Đúng 11 giờ tối mai, mà không mang sáu hộp sữa tới, bà sẽ mang cái đồng hồ Seiko này báo cáo với Ban Giám-Thị. Bà không dọa mày đâu. Đúng 11 giờ, bà không thức đợi được!
Nói xong, ả bỏ vào phòng, không thèm nghe hắn ấp úng xin xỏ.
Sau khi nhận đủ sáu hộp sữa, giả lại đồng hồ cho tên võ trang, nữ quái đưa tất cả cho mụ trưởng phòng, vẻ đắc thắng:
- Chị giữ lấy. Mỗi ngày pha cho cháu nhỏ nửa hộp. Hết, em lại kiếm “con bò sữa” khác.
Mụ trưởng phòng thán phục:
- Công nhận em có bản lĩnh. Mưu kế thực. Xứng đáng với danh hiệu “nữ quái”. Bọn võ trang rồi sẽ khốn đốn với em.
- Từ nay trở đi, em phải chơi lối tiền trao, cháo múc. Không để rắc rối như lần này nữa.
Thằng bé có sữa uống, đã mập ra đôi chút. Mụ trưởng phòng kiếm được thuốc ghẻ, bôi cho nó. Ghẻ cũng đỡ. Không thuốc men gì, cơn sốt của nó cũng tự nhiên khỏi.
Cô giáo đưa con cho nữ quái bế, cảm động:
- Từ nay, em là mẹ nuôi của nó. Lớn lên, chị sẽ kể chuyện cho nó, bảo nó phải coi em như mẹ. Em đã cứu sống nó đấy.
Nữ quái nâng niu thằng bé trên tay, cười rất tươi. Ả vui trong lòng, vì thấy mình đã làm được một việc tốt.
Ngày lại ngày trôi đi. Trong vòng một tháng, đã có thêm ba tên võ trang nộp sữa cho nữ quái.
Mụ trưởng phòng cười vui:
- Đúng là một “đàn bò sữa”. Nữ quái chăn bò cừ thật!
Những ngày đầu tháng tám. Thời tiết nóng lạ thường. Mặt trời chói lóa dội lửa xuống. Tường, sàn xi-măng, mái ngói, phả hơi nóng ra, hầm hập, ngột ngạt. Trong phòng đầy người, mùi hôi tanh nồng lên.
Mụ quản giáo ngồi dưới quạt trần, cau có:
- Trời đất gì mà như cái lò lửa. Quạt máy chỉ toàn quạt hơi nóng vào người. Tắt mẹ nó đi. Đài nói nhiệt độ lên tới bốn mươi độ. Đợt nóng này còn kéo dài nhiều ngày.
Các nữ tù nhân, mình mẩy nổi mụn đỏ. Ngứa. Rát. Ban đêm không thể ngủ được. Thằng bé lại sốt cao. Át-pi-rin, sữa, uống vào, đều ọe ra. Rôm sẩy đầy người. Nó khóc tới nghẹt thở. Mẹ nó chỉ còn xương với da, mắt quầng thâm, ôm con, lo lắng. Mất ngủ nhiều đêm liền, quá mệt.
Một buổi sớm, cô giáo thiếp đi. Khi tỉnh dậy, thấy thằng con bé bỏng há hốc cái miệng nhỏ xíu, mắt trợn lên, bất động. Hai bàn tay tí hon nắm chặt. Cô sợ quá, ôm con vào lòng. Nó đã tắt thở. Cô hoảng loạn, kêu ầm lên, nước mắt dàn dụa:
- Con tôi chết rồi! Con tôi chết rồi!
Cả phòng xôn xao. Trưởng phòng, nữ quái, mấy ả nữa đổ xô tới. Nó đã chết thật. Cô giáo gục đầu vào ngực con, ngất xỉu. Nữ quái úp mặt vào hai bàn tay, nức nở.
Trưởng phòng nước mắt dòng dòng, ra cửa kêu:
- Báo cáo cán bộ! Phòng nữ có người chết!
Một lúc, mụ quản giáo cùng một tên tù tự giác tới. Mụ mở cửa, hỏi:
- Ai chết?
- Báo cáo cán bộ, thằng bé con.
- Đưa nó ra.
Trưởng phòng vào, định bế thằng bé ra. Mẹ nó đã tỉnh lại, ôm ghì con trong lòng, gào lên, điên loạn:
- Con của tôi, nó phải ở với tôi! Không ai có quyền đưa con tôi đi đâu!
Thấy cô giáo mắt trợn trừng, ôm chặt con không rời.
Trưởng phòng bối rối, dỗ:
- Em bình tĩnh lại. Cháu nó đã mất. Nên để người ta đưa đi chôn cất, cho nó được mồ êm, mả đẹp. Em giữ đây làm sao được. Nghe chị. Chị cũng đau khổ, thương cháu lắm.
Cô giáo ôm chặt con hơn:
- Không, không được, tôi phải giữ nó với tôi!
Mụ quản giáo ngoài cửa sốt ruột, bảo tên tự giác:
- Vào mang nó ra!
Tên tự giác vào phòng. Nó giật đứa bé khỏi tay cô giáo, đẩy cô ngã chúi xuống. Rồi ôm đứa bé đi ra. Cửa khóa lại.
Cô giáo vùng dậy, chạy theo, gào thét:
- Trả con tôi! Trả con tôi! Tôi tự tử chết!
Cô đập đầu vào song sắt. Trưởng phòng, nữ quái ôm chặt lấy cô. Máu từ đầu chảy xuống, hòa với nước mắt, đỏ lòm. Hai người khiêng cô vào, đặt lên sàn. Nữ quái xé áo mình, băng vết thương trên đầu, lau máu trên mặt cô.
Khi tỉnh lại, miệng cô lảm nhảm:
- Trả con tôi, trả con tôi. Con ơi, mẹ thương con quá!
Sợ cô giáo tự sát, suốt ngày, suốt đêm, nữ quái cùng mấy ả thay nhau ngồi bên, an ủi cô.
Sau cái đập đầu vào song sắt. Cô giáo không chết. Cô chỉ trở thành người mất trí. Lúc cười, lúc khóc, lúc ngồi thừ ra, lúc ôm túi quần áo trong tay như ôm con, hôn hít. Ngày nào cô cũng múa hát. Giọng cô khàn. Nhưng cô múa rất dẻo. Cô chỉ hát một bài duy nhất. Bài hát đã được các thầy, các cô dạy, từ thủa cô còn là một nhi đồng sáu, bảy tuổi. Cô vừa múa, vừa hát, miệng tươi cười:
Ai yêu bác Hồ-chí-Minh hơn các em nhi đồng
Bác chúng em, dáng cao cao, người thanh thanh
Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài
Bác chúng em, vì đất nước, quên thân mình
Bác nay tuy đã già rồi
Già rồi, nhưng vẫn vui tươi
Mong sao Bác sống muôn đời
Để dìu dắt nhi đồng thành người…
Bác chúng em, dáng cao cao, người thanh thanh
Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài
Bác chúng em, vì đất nước, quên thân mình
Bác nay tuy đã già rồi
Già rồi, nhưng vẫn vui tươi
Mong sao Bác sống muôn đời
Để dìu dắt nhi đồng thành người…
Một hôm, ăn cơm ngoài sân, cô đứng lên múa hát. Mụ quản giáo đương đọc tờ “Nhân Dân” cũng phải ngừng đọc, nhìn. Mụ khen cô múa hát giỏi. Thấy tờ báo có ảnh Bác Hồ to tướng, cô năn nỉ xin mụ quản giáo. Cô mất trí, nhưng hiền, không phá phách, mất trật tự. Mụ cũng thương hại. Mụ cắt hình Bác ở báo ra cho cô.
Từ đó, đêm đêm, cô đặt ảnh Bác ở đầu chỗ nằm, quỳ xuống, xụt xùi khóc lóc, cầu khấn: “Cháu lạy Bác. Chồng cháu đã hy sinh vì cách mạng. Bác thương tha cho mẹ con cháu! Mẹ con cháu biết có tội với Đảng rồi. Xin Bác khoan hồng, thương tha cho! ”
Nhìn cảnh tượng đó, trưởng phòng, nữ quái, nước mắt ứa ra.
Thế rồi, một sáng đầu tháng mười, ông y sĩ vào dẫn cô đi. Cô được đưa tới một trại giam người điên bên Châu-Quỳ, Gia-Lâm.
Trưởng phòng thì thầm với nữ quái:
- Chắc nó được đưa đi bệnh viện Việt-Đức điều trị. Bác Hồ phù hộ đấy. Bác thiêng lắm. Hôm Bác mất “Người tuôn nước mắt, Trời tuôn mưa” * cơ mà!
*Thơ Tố-Hữu.Nguyễn Chí Thiện