7/1/11

Cảnh sát Việt Nam đã đối xử thô bạo

Ông Christian Marchant bị hành hung gây quan ngại cho giới ngoại giao

2011-01-06
Cảnh sát Việt Nam đã đối xử thô bạo với ông Chirstian Marchant, một nhân viên của tòa đại sứ Hoa Kỳ khi ông này đến thăm Linh mục Nguyễn Văn Lý hôm 5 tháng 1 vừa qua.
AFP photo
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức HRW tại cuộc họp báo ở Jakarta hôm 23/7/2010.
Việc này có gây ra quan ngại gì cho những người cổ vũ cho nhân quyền không? Quỳnh Chi có cuộc nói chuyện với ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch.

Cảnh sát lộng quyền

Quỳnh Chi: Trước tiên xin cám ơn ông đã dành thời gian cho đài Á Châu Tự Do. Thưa ông Phil Robertson, cảnh sát Việt Nam đã đối xử thô bạo với ông Chirstian Marchant, một nhân viên của tòa đại sứ Hoa Kỳ khi ông này đến thăm Linh mục Nguyễn Văn Lý hôm 5 tháng 1 vừa qua. Việc này có gây ra quan ngại gì cho những người cổ vũ nhân quyền cũng như cho Human Rights Watch không ạ?
Phil Robertson: Hơn một năm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đã ghi nhận những trường hợp đáng lo ngại về cảnh sát Việt Nam dùng bạo lực. Chúng tôi thấy rằng việc này biểu hiện thêm rằng cảnh sát không bị kiểm soát. Việc này liên quan một phần đến việc chính phủ Việt Nam không bắt họ chịu trách nhiệm cho những hành động này, và vì họ đang nằm ngoài pháp luật.
Hậu quả là hình như cảnh sát có thể làm gì họ muốn làm. Không thể loại trừ trường hợp những cảnh sát này không biết họ đang hành hung người thuộc Đại sứ quán. Tuy nhiên, khi cảnh sát hành hung người, bất kể người nào, đều là không đúng.
Đây là một xu hướng thật đáng lo ngại bởi vì chúng tôi đã ghi nhận được rằng nhiều trường hợp cảnh sát bắt người rồi hành hạ trong lúc điều tra.
Ông Phil Robertson
Quỳnh Chi: Theo ông thì nguyên nhân sâu xa của việc này là gì và những cảnh sát này có được chỉ thị của ai không?
Phil Robertson: Chúng tôi chưa biết nguyên nhân nhưng mà vấn đề là tại sao cảnh sát lại tấn công một người muốn đến thăm một nhà bất đồng chính kiến? Tôi không nghĩ là ông Chirstian Marchant có ý đe dọa những cảnh sát này làm cho họ phải hành xử như vậy. Nếu mà cảnh sát cấm đến khu vực này thì có thể ngăn chặn khi ông Christian đến đó, chứ không thể dùng vũ lực được.
Đây là một xu hướng thật đáng lo ngại bởi vì chúng tôi đã ghi nhận được rằng nhiều trường hợp cảnh sát bắt người rồi hành hạ trong lúc điều tra. Theo một bản báo cáo chúng tôi đã đưa ra hồi tháng 9, có khoảng 15 thường dân bị chết trong lúc bị cảnh sát tạm giữ điều tra trong 1 năm qua. Trong đó, có những trường hợp họ dựng lên lý do là những người này tự vẫn, nhưng cũng có trường hợp cho thấy họ bị cảnh sát hành hạ.
Quỳnh Chi: Vừa rồi ông đã nêu lên rằng có nhiều người bị đánh đập và tử vong trong khi bị cảnh sát điều tra, vậy xin ông chia sẻ những gia đình này nên làm gì nếu thân nhân của họ là một trong những nạn nhân xấu số ấy ạ?
Phil Robertson: Thật ra tùy tình cảm và hoàn cảnh gia đình mà có hành động cụ thể. Cũng rất khó nói chung chung, nhưng tôi nghĩ là họ nên gởi thư khiếu nại và kêu gọi công lý ở mọi nơi. Và chúng tôi, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền sẽ ủng hộ họ nếu họ kêu gọi công lý.
Quỳnh Chi: Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XI vào tuần tới và luôn khẳng định “Dựa vào dân để xây dựng Đảng”. Ông có nghĩ rằng tình trạng công an đánh người và vi phạm pháp luật ngày càng tăng như thế sẽ làm quần chúng ngày càng xa rời nhà nước không?
Phil Robertson: Rất khó nói, bởi vì mỗi người sẽ có những suy nghĩ cũng như phản ứng khác nhau. Nhưng theo tôi, điều quan trọng là: chính phủ Việt Nam phải ngay lập tức có những hành động cụ thể để kiểm soát lực lượng cảnh sát, để đảm bảo rằng họ không lạm dụng quyền lực của mình, dù là đối với những người dân thường vi phạm luật giao thông hay những ai muốn bày tỏ quan điểm ôn hòa. Quyền của người dân là được chính phủ bảo vệ, và tại thời điểm này, việc chính phủ nên làm là kiểm soát lực lượng công an.

Đáng quan ngại

Quỳnh Chi: Cám ơn ông, ông có thể nêu cụ thể nhà nước phải kiểm soát cũng như đưa lực lượng cảnh sát vào khuôn phép bằng cách nào không ạ?
Marchant-centralHighland-250.jpg
Ông Christian Marchant trong một lần đến thăm dự án Cocoa do Hoa Kỳ tài trợ ở Tây Nguyên Việt Nam hồi đầu tháng 6-2010. Photo courtesy U.S. Embassy
Phil Robertson:
Nếu một cảnh sát bắt người rồi đánh người cho đến chết, viên cảnh sát đó phải bị truy tố và bị ngồi tù như bất kỳ một công dân nào phạm tội giết người. Nếu chính phủ không làm được điều này, có nghĩa là họ không đảm bảo được quyền công dân. Nếu việc này kéo dài, hậu quả như thế nào thì còn do người Việt Nam quyết định, nhưng Human Rights Watch sẽ tiếp tục lên tiếng cho những trường hợp vi phạm nhân quyền.
Quỳnh Chi: Vậy nếu như nhà nước không xử lý đúng mức các vi phạm của công an thì hậu quả có thể thấy được là gì thưa ông?
Phil Robertson: Tôi nghĩ là khi lực lượng công an nhân dân hành xử không theo pháp luật sẽ là một dấu hiệu hết sức đáng quan ngại. Bởi nếu chính phủ không xử lý thích đáng những vi phạm của công an, người ta sẽ nghi ngờ khả năng xử lý các vi phạm nhân quyền của chính phủ. Việt Nam đã ký vào các Công ước Nhân quyền Quốc tế nên phải tôn trọng nhân quyền.
Quỳnh Chi: Dạ vâng, vậy dưới góc nhìn của ông thì việc ông Christian bị hành hung như vậy có ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ không?
Phil Robertson: Hiện tại thì còn tùy thuộc vào việc Việt Nam trả lời và giải thích như thế nào với chính phủ Hoa Kỳ. Nó còn tùy là Việt Nam sẽ có hành động gì đối với Hoa Kỳ và đối với những cảnh sát viên đó. Nói chung việc này có ảnh hưởng đến ngoại giao 2 nước hay không, còn tùy vào Việt Nam nói gì và làm gì trong những ngày tới.
Nếu chính phủ không xử lý thích đáng những vi phạm của công an, người ta sẽ nghi ngờ khả năng xử lý các vi phạm nhân quyền của chính phủ.
Ông Phil Robertson
Quỳnh Chi: Xem ra thì Việt Nam sẽ phải có những giải thích rất chi tiết vì tôi được biết ông Christian là một trong những tùy viên ngoại giao giỏi của Hoa Kỳ đúng không ạ?
Phil Robertson: Rất là trùng hợp là ông Christian nắm một vai trò rất quan trọng trong các cuộc hội thoại về nhân quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Tôi còn biết rằng, ông Christian sẽ được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vinh danh là nhân vật xuất sắc trong việc thúc đẩy nhân quyền. Như vậy, ông Christian được vinh danh vì những hoạt động này nhưng lại bị cảnh sát Việt Nam hành hung. Do đó, phía Việt Nam cần điều tra kỹ càng cũng như có những giải thích thỏa đáng.
Quỳnh Chi: Câu hỏi cuối thưa ông, còn với ngoại giao các nước khác thì sự kiện này có ảnh hưởng ra sao?
Phil Robertson: Tôi nghĩ là sẽ có rất nhiều người đặt câu hỏi với chính phủ Việt Nam để tìm hiểu về việc ông Christian bị hành hung, bởi vì đây là lợi ích chính đáng của từng quốc gia. Như bạn đã biết, một trong những điều quan trọng của quan hệ quốc tế là việc những nhân viên ngoại giao không thể bị quấy nhiễu hay bị làm hại. Tôi cho rằng, hiện giờ rất nhiều nhân viên ngoại giao của các nước có trụ sở tại Hà Nội và TPHCM đang quan tâm về vụ việc. Lý do là làm sao họ biết được chắc chắn rằng sự việc tương tự không xảy ra với họ?
Chính vì thế, chính phủ Việt Nam không những nên giải thích với chính phủ Hoa Kỳ, mà còn phải giải thích với các Đại sứ quán và Lãnh sự quán ở Hà Nội cũng như TPHCM. Đồng thời, phía Việt Nam cũng nên cho biết làm cách nào để trong tương lai không xảy ra những việc tương tự.
Quỳnh Chi: Xin cám ơn ông về những ý kiến vừa rồi.

Theo dòng thời sự:

Việt Nam, một xã hội đã bị lưu manh hóa

Lê Diễn Đức –

Cách đây hơn một năm, trong tháng 2/2009, các báo An ninh Thủ đô, Công an Nhân dân… đăng tải lệnh truy nã Trần Xuân Ánh và Trần Đức Trang (anh trai Ánh), cùng 5 đối tượng khác. Cả 7 đối tượng đều liên quan đến vụ án giết người, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Ở cuối phần thông báo còn được viết thêm: “Trong số 7 nghi can có Trần Xuân Ánh (tức Ánh “Trọc”, 27 tuổi) từng là vận động viên wushu xuất sắc của đội tuyển nước ta, đoạt chức vô địch wushu châu Á năm 2000. Tháng 3/2007, Ánh bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù vì tội hiếp dâm trẻ em, vừa được đặc xá”.[1]
Trần Xuân Ánh và Trần Đức Trang đều ngụ ở Ngõ Thông Phong, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa.
Ngõ Thông Phong ở Đống Đa Hà Nội là địa chỉ lắm người biết và sợ không dám tới, có lẽ vì tập trung nhiều “anh hùng hảo hán”. Trong tháng 5 năm 2009, cơ quan cảnh sát điều tra quận Hai Bà Trưng, Hà Nội từng khởi tố vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc, trong đó có Nguyễn Ngọc Thắng, 24 tuổi, cũng trú ở ngõ Thông Phong. Những đối tượng của vụ án này nằm trong đường dây cá độ bóng đá quốc tế, mà Tổng Giám đốc Bùi Tiến Dũng đã nổi tiếng vì đốt vài triệu đô la (vụ PMU 18).
Không biết quá trình điều tra, kết luận được công an tiến hành đến đâu và có phù phép gì, nhưng Ánh Trọc hiện nay vẫn sống khỏe và nhởn nhang ở thủ đô Hà Nội.
Một anh bạn tôi, vừa về Việt Nam qua kể chuyện, do có tình huống đặc biệt, anh đã có cơ hội gặp và uống bia với Ánh Trọc cùng cả đám đàn em tại một nhà hàng ở Hà Nội. Dịp Tết vừa qua, Ánh Trọc cho chở cả một xe tải bánh chưng tiếp tế cho những chiến hữu còn nằm trong các trại cải tạo.
Anh bạn cho hay, đám đàn em của Ánh Trọc là những tên lính chém thuê có tiếng ở Hà Thành, lúc nào trong mình cũng có dao găm, mã tấu. Chỉ cần thủ lĩnh ra lệnh “xin tí huyết” của ai đó thì có người bỏ mạng. Ánh Trọc thừa nhận với anh bạn tôi là bản thân hắn đã “hóa kiếp” ba người.
Tôi hỏi, chúng nó không sợ đi tù à? Sợ gì anh, mạng người ở Việt Nam rẻ mạt, nếu có tiền là “chạy” được. Có tội, ráng đi tù chút cho yên dư luận, rồi tính. Trong thời gian ở tù đã có đàn anh ở ngoài bảo bọc, đảm bảo cuộc sống trong tù yên ổn và sẽ chung tiền rút ngắn thời gian cải tạo qua các đợt ân xá, đặc xá. Mọi thứ đều có giá sẵn – Anh bạn tôi nói chắc nịch. Tuy nhiên, anh giải thích thêm rằng, về tội hình sự thì tội gì cũng có thể “chạy” được, miễn có đủ tiền, trừ buôn lậu lớn ma túy, vì rất có thể tội này nằm trong lĩnh vực chống tội phạm quốc tế mà Việt Nam đã ký kết văn kiện nên nhà cầm quyền không dám vung tay quá.
Anh bạn còn cho hay, người ta đồn rằng, giới đệ nhất giang hồ Hà Nội có đường dây chạy án, giảm hình phạt rất hữu hiệu, thậm chí thông qua cầu quan hệ với giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh, đệ tử của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, một trong vài người đang mon men giành chiếc ghế Tổng Bí thư Đảng CSVN trong Đại hội XI năm sau.
Thực ra cũng không hoàn toàn là tin đồn. Vào tháng 4/2009, một người ký tên Nguyễn Tiến, tự giới thiệu “hiện đang công tác tại Công an Hà Nội, với gần 30 chục năm thâm niên công tác, trải qua nhiều đời giám đốc” đã viết đơn công khai gửi lãnh đạo ngành công an Việt Nam tố cáo giám đốc Nguyễn Đức Nhanh. Bức thư đã được phát tán trên mạng làm sôi động dư luận, có đoạn viết:
Từ khi ông Nguyễn Đức Nhanh lên làm giám đốc thì việc chạy chức, chạy quyền đã trở thành phổ biến, đương nhiên, với bất kỳ ai muốn lên giữ vị trí lãnh đạo, dù nhỏ nhất là phó công an phường. Việc bổ nhiệm, luân chuyển đều do ông Nhanh quyết định hết. Các đồng chí Phó giám đốc đều không có vai trò gì….”
Ông Hải, trưởng phòng cảnh sát giao thông đang làm thủ tục nghỉ hưu, thấy có nhiều người muốn vào vị trí lãnh đạo này, ông Nguyễn Đức Nhanh thông qua một số đệ tử bắn tin ra giá, ai muốn lên trưởng phòng cảnh sát giao thông thì phải nộp 1 triệu đô la. Đã có người nộp 1 triệu đô và đã được ông Nhanh chấm chọn làm trưởng phòng cảnh sát giao thông…”
Đám cưới con trai ông Nguyễn Đức Nhanh cũng là đám cưới kỳ cục, sặc mùi xã hội đen nhất từ trước đến nay. Ngoài việc tổ chức linh đình diễn ra 03 ngày liền vói lượng khách lên đến mấy nghìn người, ông Nhanh còn sai mấy đệ tử là những tên trùm xã hội đen (chơi với ông Nhanh từ khi ông ta còn là trưởng phòng cảnh sát điều tra) cầm thiệp mời đến gặp những tên có máu mặt trong giới xã hội đen, trùm buôn lậu, đòi nợ thuê, bảo kê, nói là ông Nhanh mời nhưng yêu cầu không được đến dự đám cưới. Mời cưới mà không cho đến dự đám cưới thì chỉ có là yêu cầu nộp tiền, gọi là ‘mừng vọng cháu’. Trung bình mỗi phong bì ‘mừng vọng cháu’ này không dưới 3000 USD. Nhiều tiền nên con trai ông Nhanh (Nguyễn Đức Quang) đã trở thành tay chơi khét tiếng Hà Nội (chỉ cần lên mạng Internet gõ Nguyễn Đức Quang thì sẽ có nhiều bài, ảnh phản ánh việc ăn chơi của Nguyễn Đức Quang)”.[2]
Trước khi có đơn tố cáo này, ông Nguyễn Đức Nhanh đã được biết đến qua các sự kiện không kém phần ầm ĩ như vụ Bùi Tiến Dũng “cho mượn” chiếc xe Land Cruiser mang biển số phát lộc 31A 6226, vụ đâm xe ở Láng-Hòa Lạc và vụ “Vàng Anh”…
Anh bạn cho biết, tại các quán nhậu ở Việt Nam, nói xấu quan chức chính quyền có vẻ không ai để ý, nhưng đừng có viết lách, đừng dính vào mấy ông hoạt động chính trị. Chúng nó biết thối nát cả, nhưng không muốn bị đưa mặt chuột là ánh sáng công luận, đặc biệt là dư luận quốc tế.
Nói về xã hội mà trong đó đổi trắng, thay đen, người chân chính, biểu hiện lòng yêu nước trở thành người có tội, quan chức là những kẻ vừa ăn cướp ngày, vừa la làng, thành phần lưu manh vẫn được xung quanh nể phục nếu lắm tiền và quen biết các vị tai to mặt lớn, anh bạn tôi kể thêm về trường hợp chủ nhân nhà hàng Hương Cảng ở Hà Nội.
Cậu công tử của cựu chủ nhân nhà hàng này còn trẻ măng mà xài tiền vào loại có máu mặt trong giới ăn chơi ở Hà Thành. Đi nhậu, cậu ta phải uống các loại rượu Cognac XO cỡ một chai 10 triệu đồng trở lên.
Nhà hàng Hương Cảng khai trương đầu thập niên 2000, tại quận Hoàn Kiếm. Tiếng tăm Hương Cảng lập tức nổi như cồn không phải chỉ vì tọa lạc ngay giữa quận kinh doanh sầm uất nhất thủ đô và các món cao lương, mỹ vị đặc biệt, mà còn là nơi có phòng hát karaoke với các mỹ nhân được chọn lọc kỹ càng, sẵn sàng phục vụ khách sộp, từ các đại doanh nhân đến các quan chức đầu ánh bạc, túi tiền lấp lánh ánh kim. Chủ nhân được dân tình gọi là Hùng Thọt, ở khoảng tuổi 50, gốc Hoa, xuất thân nghèo khó, chạy sang tị nạn ở Hong Kong, rồi lại trở về Việt Nam làm ăn.
Anh bạn tôi cho rằng, nhà ở của Hùng Thọt có thể nói là nhà tư đẹp và giá trị nhất Hà Nội hiện nay, vì nằm sát Bộ Văn hóa, từ phố cổ nhìn ra Hồ Gươm, gần như trên một đường thẳng Tháp Rùa – Đền Ngọc Sơn – Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Cậu công tử của Hùng Thọt từng tuyên bố với đám bạn hữu rằng, trụ sở của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cao mấy tầng thì nhà tao cao chừng ấy!
Ở Việt Nam, những ai bắt cơ hội làm giàu nhanh trong thời mở cửa, bất luận làm gì, đều phải dính tới sự bất lương, chí ít cũng cúi luồn hối lộ để xúc bạc và được yên thân, cho nên trong người luôn có tội. Bởi vậy, ai tưởng bở, nhảy vào lãnh vực kinh doanh nào mà không “biết người, biết ta”, lại thêm tính hoắng huýt, nổ, sớm muộn gì cũng bị đánh, không vì tội này thì tội khác. Lưới tình báo của công an và Tổng Cục II của quân đội lồng lộng với đủ mưu mô tinh xảo, khó lòng thoát. Vụ Trịnh Vĩnh Bình (Việt kiều Hà Lan), vụ Nguyễn Gia Thiều (Việt kiều Pháp) hay vụ gần đây nhất, ba Việt kiều Mỹ bị tố cáo đút lót quan chức Việt Nam để kiếm hợp đồng buôn bán vũ khí, là những ví dụ nhớ đời cho những Việt kiều thích về Việt Nam làm ăn. Sân chơi của Việt Nam có các chủ và được khoanh vùng cho từng chủ, phạm vi to nhỏ tùy theo ảnh hưởng quyền lực của các đại ca trong Bộ Chính trị, các ông chủ lại luôn luôn nhìn ngó nhau. Hãy lượng mình trước khi liều mạng đi vào hang cọp!
Hùng Thọt vốn nhạy bén, khôn ngoan, biết dừng đúng lúc, nên sau một thời gian tiền đã vào như nước, cách đây vài năm nay đã đóng cửa nhà hàng Hương Cảng và chuyển hướng làm ăn khác. Thiên hạ nói rằng, Hùng Thọt thường kín tiếng, hiện đang giữ cả vai trò xuất nhập nội cung Ba Đình, còn hơn cả “Thuyết buôn Vua” trong vụ PMU 18.
Đi máy bay của Vietnam Airlines, trên các món quà tặng hành khách hạng Business có ghi dòng chữ “Hương Cảng”, thì đấy là do Hùng Thọt cung cấp. Hùng Thọt và con trai đang làm ăn trong những dịch vụ béo bở của Hàng không Quốc gia Việt Nam và đang quản lý một hãng kinh doanh xe hơi lớn, đưa từ Trung Quốc qua.
Nghe kể, tôi thắc mắc, tình trạng xã hội Việt Nam nhiễu nhương ghê tởm như vậy, làm sao người lương thiện có thể sống được. Một anh bạn khác nói, muốn sống ở Việt Nam thì đừng suy nghĩ gì cả, chấp nhận thực tế. Thời chiến tranh bước ra khỏi nhà gặp anh hùng, còn bây giờ gặp quân lừa đảo. Hãy cảnh giác với tất cả, kể cả những người khi nghe họ nói tưởng là như bạn. Cả xã hội đã bị lưu manh hóa.
Rất dễ hiểu vì sao một số hiếm hoi những người giữ được nhân cách, dám nói lên tiếng nói phản kháng với chính quyền, không những bị bộ máy công an đàn áp mà ngay cả người thân, bạn bè, hàng xóm cũng vô cảm, thậm chí cô lập, dè bỉu và lăng nhục.
Đồng tiền, văn hóa nô lệ và sợ hãi, cùng chủ nghĩa hưởng thụ vật chất thấp hèn đã làm hỏng gần như tất cả mọi thành phần trong xã hội Việt Nam dưới mấy chục năm cai trị của nhà nước cộng sản. Nhiều người than nó làm hỏng luôn cả nhiều vị chân tu, vì bây giờ người đi chùa cúng quả, lấy lộc toàn thuộc giới giàu có và thân nhân các quan chức lớn. Anh bạn tôi đã to tiếng một trận khi cậu công tử của Hùng Thọt nói tỉnh bơ: “Trong trái tim tôi không có chỗ cho người nghèo!”.
Cho nên đừng ngạc nhiên khi trong các vụ dân chúng tập trung ôn hòa để phản ánh những sai trái của nhà cầm quyền như vụ của Giáo dân Thái Hà, Giáo xứ Đồng Chiêm hay các tu sĩ ở Tu viện Bát Nhã, đám lưu manh, côn đồ trà trộn quậy phá, gây mất trật tự nhằm tạo cớ cho công an dùng vũ lực trấn áp và vu khống.
Tương tự như việc sai khiến lưu manh, côn đồ ném cứt, ném đá vào nhà của các ông Hoàng Minh Chính, Hà Sĩ Phu, bà Trần Khải Thanh Thủy… hay đóng kịch “nổi loạn” trong các vụ đấu tố những người bất đồng chính kiến, chỉ cần công an nháy mắt với giới đàn anh trong giới xã hội đen là xong. “Xin tí huyết” chúng còn nói như không, thì mấy cái vụ này chỉ là đồ bỏ.
Ngày 29/03/2010
© 2010 Lê Diễn Đức
© 2010 talawas

Hãy gọi chúng cho đúng tên loài chó mang bản sắc Việt Nam!

Lê Diễn Đức 
Thành tích nổi bật
Trong năm 2010 lực lượng “an ninh nhân dân” của Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 60 tuổi. Những cuộc duyệt binh ầm ĩ, màu mè đã diễn ra tại một số thành phố lớn.
Nhưng cũng trong năm 2010, cái gọi được là “an ninh nhân dân” đã có “thành tích” nổi bật về đàn áp nhân dân với tính chất cực kỳ côn đồ, hung hãn, độc ác và dơ bẩn.
Trước hết, thành tích khủng bố “chính thống” nhân danh “chuyên chính vô sản”: bắt giữ hơn hai mươi nhà bất đồng chính kiến và các bloggers, trong đó có 14 người bị xử tù bất công; phá hoại hàng trăm trang web cổ vũ cho dân chủ và nhân quyền; không ngừng ngăn chặn các trang mạng xã hội khác.
Tiếp đến, khủng bố dồn dập, vì tiền, dọn dẹp hậu quả do chính Đảng Cộng sản Việt Nam gây ra trên địa bàn cả nước: đàn áp thẳng tay mọi cuộc phản kháng, kiến nghị của nông dân, giáo dân bị cướp đoạt đất đai trắng trợn và bất nhân.
Từ đầu năm đến cuối năm, công an cũng đã liên tục sử dụng bạo lực, ngang ngược đánh đập, gây chấn thương nặng, hoặc gây tử vong cho dân chúng. [1] Hai trong các trường hợp đau lòng nhất là vào tháng 5/2010, tại xã Tĩnh Hải (Nghi Sơn, Thanh Hóa) nạn nhân bị bắn chết là em Lê Xuân Dũng, mới 12 tuổi (cùng một nạn nhân khác là anh Lê Hữu Nam) và cuối tháng 7/2010, em Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi, bị đánh chết tại đồn công an huyện Tân Yên (Bắc Giang), khiến hàng ngàn dân chúng căm phẫn kéo nhau lên đập phá trụ sở Ủy ban Tỉnh, đòi giải thích nguyên nhân của cái chết oan ức.
Khốn nạn hơn, trong các sự vụ đánh, giết người, bọn lưu manh mặt người dạ thú còn cố tình bao che tội ác bằng cách vu khống cho nạn nhân, ngụy tạo kết quả khám nghiệm tử thi. Trước áp lực của dân chúng, những tên tội phạm chỉ bị xử lý qua loa nhằm trấn an dư luận, sau đó dường như chìm hết vào quên lãng. Chưa một tên tội phạm nào trong năm nay được đưa ra tòa án xét xử công minh. [2]
Bản chất và phương châm sống phụng sự quan thầy của an ninh cộng sản Việt Nam trong năm 2010 đã được đúc kết rõ rệt qua nội dung của tấm bích chương kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2010): “Công an Nhân dân chỉ biết còn Đảng còn mình”. Điều này được diễn giải nôm na là “còn Đảng còn quyền, còn Đảng còn tiền”!
Và vì phương châm trên của chúng, tôi ngờ rằng nhà văn Dương Thu Hương so sánh lực lượng công an như là bầy chó béc-giê trung thành của chúa Đảng, e chừng quá sang trọng.
Béc-giê là loại chó có gốc từ châu Âu. Những tay công an da vàng, mũi tẹt ngu xuẩn nghe theo lời Đảng Cộng sản Việt Nam đàn áp dân lành vô tội, tay không tấc sắt, những người đã chịu hy sinh, gian khổ trong chiến tranh và xây dựng đất nước để đưa chúng lên đỉnh quyền lực - không xứng được xem là những con chó béc-giê. Chúng thuộc giống chó hạ cấp nhất, với bản sắc Việt Nam nhất: giống chó nhà quê ăn tạp, đợp cả cái thứ bẩn thỉu mà ông chủ của chúng phóng uế ra.
Rồi sẽ có ngày...
Gieo gió sẽ có ngày gặp bão, đời cha ăn mặn đời con khát nước! Đó là những đúc kết của nhân loại. Tôi không mê tín nhưng tôi tin vào luật nhân quả đối với con người. Tôi tin ở hiền sẽ gặp lành. Tội ác chống lại nhân dân sẽ không bao giờ bị phôi pha theo thời gian, sẽ không thể che giấu hay gột rửa được, mà ngược lại sẽ bị nguyền rủa muôn đời.
Những con chó của Đảng Cộng sản Việt Nam rồi sẽ có ngày phải trả giá cho việc làm của mình.
Sau khi xóa bỏ chế độ cộng sản, mặc dù là nước cựu cộng sản duy nhất có hiến pháp cấm tồn tại chủ nghĩa cộng sản, nhưng vì không thể đưa những người cộng sản lên Mặt Trăng mà phải sống chung, nhà nước dân chủ Ba Lan đã không có chính sách trả thù tất tật những ai đã phục vụ trong guồng máy cộng sản, mà chủ yếu nhắm vào giới công an, an ninh mật vụ.
Những người trực tiếp gây nợ máu với nhân dân đều bị đưa ra tòa án xét xử, còn những người khác thì bị khống chế bởi hai đạo luật: Luật Thanh Lọc và Luật cắt giảm lương hưu trí.
Luật Thanh Lọc mở đầu bằng đoạn khẳng định bản chất của an ninh mật vụ: “Xác quyết rằng, công việc hoặc sự phục vụ trong các cơ quan an ninh của nhà nước cộng sản, hoặc sự hỗ trợ của những cá nhân đối với các cơ quan đó trong việc cung cấp các thông tin chống lại phe đối lập dân chủ, công đoàn, hiệp hội, nhà thờ và các hiệp hội tôn giáo, vi phạm quyền tự do ngôn luận và hội họp, vi phạm quyền sống, tự do, sở hữu tài sản và sự an toàn của công dân, đã liên đới chặt chẽ với sự vi phạm nhân quyền và quyền của công dân, nhằm bảo vệ quyền lợi của chế độ cộng sản toàn trị”.
Vì thế, để bảo đảm cho việc phân công chức năng, bổ nhiệm chức vụ, nghề nghiệp cần đến niềm tin công chúng, Luật Thanh Lọc bắt buộc những ai làm việc trong bộ máy nhà nước ở vị trí lãnh đạo mọi ngành, từ trung ương tới địa phương, phải tự khai báo và sau đó Tòa án Thanh Lọc thẩm tra, phán quyết xem có hợp tác với an ninh cộng sản hay không. Bất cứ ai, không có ngoại lệ, nếu bị phát hiện đều phải từ chức.
Ông Jozef Oleksy, Thủ tướng Ba Lan trong năm 2004 là một trong nhiều ví dụ bị tòa án phát hiện khai không đúng sự thật và đã phải từ chức.
Từ đầu năm 2010, Ba Lan còn thực hiện thêm việc cắt giảm lương hưu trí của các cựu nhân viên an ninh cộng sản. “Hệ thống của chế độ cộng sản chủ yếu dựa trên mạng lưới rộng lớn của các cơ quan an ninh nhà nước, trong thực tế làm chức năng của công an chính trị, bằng cách sử dụng những phương pháp bất hợp pháp, vi phạm các quyền cơ bản của con người” - Bộ luật này viết.
Bộ luật cắt giảm lương hưu trí cũng nhấn mạnh rằng, nhân viên của các cơ quan an ninh cộng sản thực hiện các nhiệm vụ của mình để “bảo vệ một hệ thống quyền lực vô nhân đạo", "đã được hưởng nhiều đặc ân về pháp lý và vật chất. Chế độ đã cho phép họ gây tội ác mà không hề bị quy kết trách nhiệm và bị trừng phạt bởi pháp luật".
Theo luật này, thay vì tỷ lệ 2,6% như từ trước, cựu nhân viên an ninh cộng sản làm việc trong giai đoạn 1944-1990 chỉ được hưởng tỷ lệ 0,7% cho một năm làm việc (tỷ lệ bình thường là 1,3).
Trong thực tế, hầu hết các quan chức cộng sản khi còn tại vị và trước khi chế độ cộng sản bị sụp đổ đã kịp vơ vét cho riêng mình. Số tiền hưu trí bị cắt giảm có thể không làm ảnh hưởng đến đời sống vật chất của họ nhưng là hình phạt tinh thần nhục nhã trong con mắt của quần chúng mà họ phải ôm theo xuống mồ, cùng với sự hổ thẹn của con cháu và gia đình.
Gái có công chồng chẳng phụ
Tuy nhiên, luật cắt giảm lương hưu trí không liên quan đến những cựu nhân viên an ninh đã từng giúp đỡ phe đối lập dân chủ. Một trong những trường hợp này là ông Adam Hodysz. Ông đã từng báo cho phe đối lập dân chủ về các kế hoạch đàn áp của an ninh cộng sản và khi bị phát hiện ông đã phải chịu án tù 6 năm.
Nhật báo Ba Lan “Rzeczpospolita” hôm 21/12 đưa tin ông Lech Walesa cựu lãnh đạo cao nhất của Công đoàn Đoàn kết đã xác nhận theo yêu cầu của một cựu sĩ quan an ninh cộng sản, ông Stanislaus Rybinski, rằng, ông đã hợp tác với phong trào dân chủ.
Việc xác nhận của ông Lech Walesa sẽ giúp cho viên cựu sĩ quan an ninh này không nằm trong danh sách những người bị cắt giảm lương hưu trí. - “Tôi sẽ còn viết xác nhận thêm cho một số những người đã giúp chúng tôi. Những người đứng về phía chúng tôi, những người đã được kiểm tra bởi “người của chúng tôi”. Chúng ta không nên đối xử tệ với họ (...) Nếu không có những người này từ phía bên kia, chúng ta sẽ còn phải chịu đựng chế độ cộng sản lâu thêm” – Lech Walesa nói.
Chính vì đọc tin trên đây mà tôi viết bài này.
Cũng như nhà văn Dương Thu Hương, mặc dù vô cùng căm ghét công an cộng sản, tôi không có ý cho rằng “toàn thể các sĩ quan công an đều là bọn mafia, đều là quân cướp. Bởi, nói như vậy là vu khống, là hàm hồ. Nói điêu thì trước hết, kẻ nói phải chịu hình phạt theo luật nhân quả. Trong đám công an, không thiếu những người trung thực, theo ngôn ngữ bình dân, người tử tế. Chỉ có điều họ đã trở thành thiểu số và họ gần như vô năng”.
Nhưng dù là thiểu số, gần như vô năng, tôi tin rằng vào thời điểm thích hợp những con người còn chút lương tri này sẽ có những hành động thích ứng!
Nhà cầm quyền Hà Nội lúc này chỉ còn tin vào nòng súng. Nhưng bất kì kẻ cầm súng nào cũng có lúc chết vì chính thứ vũ khí mà họ sử dụng. Bởi vì, chẳng có thứ vũ khí nào tự động nhả đạn. Vũ khí nào cũng cần bàn tay của con người, dù là bàn tay bấm nút chiến tranh hạt nhân hay bàn tay cầm dao găm, súng lục. Khi con người đã nhìn rõ sự thật, khi họ không còn bị huyễn hoặc bởi các trò mị dân, khi họ hiểu họ là ai và họ có thể làm chủ số phận của họ bằng cách nào, lúc ấy, các nòng súng sẽ đổi hướng”. [3]
Đúng vậy! Họ sẽ đổi hướng, chĩa ngược họng súng vào tập đoàn đểu cáng, lưu manh khoác áo, đội mũ “do dân, vì dân”. Để một ngày nào đó họ không phải cắn rứt lương tâm, không phải sám hối tội ác và bị mặc cảm ô nhục với thế hệ tương lai. Để họ sẽ được quần chúng nhìn nhận và cư xử lại với lòng bao dung, có tình, có nghĩa. Như nhân dân Ba Lan. Như cựu Thủ lĩnh Công đoàn Đoàn kết Lech Walesa. ■
---------------------------
[1]: Bạn đọc có thể tham khảo “thành tích” của công an “nhân dân” trong năm 2010 qua một số link dưới đây được đưa tin bởi báo “lề phải”:
- http://vnexpress.net/GL/Phap-luat/2010/03/3BA1A229
- http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201014/20100330000957.aspx
- http://www.tienphong.vn/Phap-Luat/193176/Dung-lai-hien-truong-vu-CSGT%C2...
- http://dantri.com.vn/c20/s20-359452/so-bi-csgt-duoi-mot-nu-sinh-dam-vao-...
- http://www.tienphong.vn/Phap-Luat/193394/CSGT%C2%A0ruot-duoi-nguoi-vi-ph...
- http://phapluatvn.vn/channel/4757/201007/Mot-cong-dan-tu-vong-sau-khi-ro...
- http://www.baomoi.com/Info/Bac-Giang-cong-bo-nguyen-nhan-chet-nguoi-tai-...
- http://phapluattp.vn/2010081012491380p0c1015/vu-nu-sv-bi-ban-thung-dui-o...
- http://www.truyenhinhviet.net/2010/11/video-clip-bat-gai-mai-dam-tai-kha... - vân vân...
[2]: Trong bài “Chân tướng Giám đốc công an Bắc Giang Phạm Văn Minh và nguyên nhân của cuộc bạo loạn” viết trên Weblog của mình (đã bị tin tặc phá hủy) trong những ngày cuối tháng 7/2010 nóng bỏng của Bắc Giang sau cái chết của em Nguyễn Văn Khương, tôi đã phân tích và đưa ra dẫn chứng về những hành động gian dối nhằm chạy tội của công an trong việc khám xét tử thi nạn nhân. Có thể xem tại link: http://www.danchimviet.info/archives/15399
[3]: Các đoạn trích từ bài “Để gọi tên sự vật một cách rõ ràng” của Dương Thu Hương
© 2010 Lê Diễn Đức
© 2010 Radio Free Asia

Comments

Loài CHÓ mang bản sắc.......

Gọi Họ là CHÓ thì e rằng không khách quan!Tuy nhiên với tôi thì khẳng định Họ là những nhân tố Mù Quáng để gom&trừng trị nạn nhân khi vào tay chúng(CSG.Thông-CA.hình Sự và các Trại Tù).Còn Loại CA hành chính thì chỉ bộc lộ bản chất có quyền mà thôi!Nhưng nói gì thì chúng vẫn là kẻ mất hết lương tri mà Thượng Đế cho Họ bộ óc cấy ghép virus XHCN!Thế nên phải kết luận rằng :Bởi XHCN hay thể chế CNXH này tạo ra mà thôi cho những nhân tố CA này!!Cũng như Chế Độ của VNCH Cảnh Sát không mất nhân tính đến độ như vậy??Lời nhận định này nếu có sơ sót gì mong các bạn châm chế cho.Thân Ái,Saigon 27/12/2010-9h'50.

Hậu quả của một lực lượng công an ngu xuẩn, bị lưu manh và côn đồ hóa!

Như vậy là vào đầu năm mới 2011, ngành công an, an ninh “chỉ biết còn Đảng còn mình” của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam đã có “món quà” quý dâng lên đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11: hành hung một nhà ngoại giao của Hoa Kỳ đang công tác tại Việt Nam.

Đây là một tiền lệ nguy hiểm, đúng hơn là một scandal ô nhục, rất hiếm hoi trong quan hệ ngoại giao quốc tế.

Trong ngày 6 tháng 1, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chính thức gửi kháng thư đến Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội và Đại sứ quán Việt Nam tại Washington, phản đối mạnh mẽ sự vụ công an Việt Nam tại thành phố Huế đã có thái độ thô bạo, xô đẩy, làm chấn thương ông Christian Marchant, tùy viên chính trị của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.

Con vẹt mái của Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga trong cuộc họp báo chiều 06/01 nói Việt Nam đang “xem xét sự việc” và “Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện cho ngoại giao đoàn hoạt động, nhưng các viên chức ngoại giao nước ngoài cũng cần phải tuân thủ pháp luật nước sở tại”.

Đã từng làm việc nhiều năm ở Sở Ngoại vụ và Tổng lãnh sự quán Ba Lan tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi biết được một số nguyên tắc cơ bản đối với các nhà ngoại giao làm việc tại Việt Nam.

Ngoài mục đích tới thăm linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý, một nhân vật bất đồng chính kiến, đã được tạm trả tự do để chữa bệnh nhưng đang chịu chế độ quản thúc tại Huế, ông Christian Marchant đã không có hành vi nào khác trái với pháp luật Việt Nam.

Nếu không có gì thay đổi, trong thời gian làm việc tại Việt Nam, tôi chưa bao giờ được nghe truyền đạt, chỉ thỉ hoặc khuyến cáo của cơ quan chủ quản rằng, pháp luật của CHXHCN Việt Nam cấm các nhà ngoại giao thăm viếng dân chúng nước sở tại, kế cả người đang bị chế độ quản chế.

Ông Christian Marchant chỉ bị cáo buộc không “tuân thủ pháp luật” khi đi ra khỏi khu vực đăng ký cư trú (cụ thể trong trường hợp này là Hà Nội) mà không có sự đồng ý của phía Việt Nam.

Mỗi khi các viên chức ngoại giao thực hiện công vụ tại các địa phương khác, cơ quan ngoại giao nước ngoài phải viết công hàm cho phía Việt Nam thông báo và rất ít khi bị từ chối cấp giấy phép đi đường.

Tôi không nghĩ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã không thực hiện điều này.

Hơn nữa, tất cả nhân viên ngoại giao làm việc ở bất kỳ quốc gia nào cũng được hưởng đặc quyền ưu đãi, miễn trừ và quyền bất khả xâm phạm thân thể.

Không vì vậy nhân viên ngoại giao mặc nhiên trở thành con Trời, vi phạm pháp luật mà không bị trừng phạt. Trường hợp vi phạm pháp luật của nước sở tại nhưng tội phạm không thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng (được ghi trong thỏa thuận riêng rẽ giữa hai nước hoặc quốc tế), thông thường họ sẽ bị trục xuất về nước và bị xét xử theo pháp luật của nước đó.

Tuy nhiên, bất luận trong trường hợp nào, các nhà ngoại giao cũng được pháp luật của nước sở tại bảo vệ an toàn và an ninh thân thể theo công ước Vienne về Quan hệ Ngoại giao năm 1961 mà CHXHCN Việt Nam đã ký kết.

Cũng chính vì vậy mà các nhà ngoại giao mang hộ chiếu bìa đỏ của CHXHCN Việt Nam đã khai dụng triệt để quyền ưu đãi miễn trừ để chuyển hàng lậu từ Ba Lan về Việt Nam hay qua Nga trong những năm cuối của thập niên 80 và đầu thập niên 90. Trong thời kỳ này, thuê người mang hộ chiếu đỏ làm “cửu vạn” trở thành dịch vụ phổ biến với sự cạnh tranh gay gắt giữa các tướng soái (tiếng lóng chỉ các doanh nhân thành đạt ở Nga và Đông Âu). Nhiều nhân vật cao cấp trong các đoàn đại biểu của chính phủ Việt Nam qua Ba Lan cũng đã sẵn sàng tham gia các thương vụ béo bở “chả phải làm gì” mà bỗng dưng có tiền này!

Chúng ta còn nhớ sự kiện chuyển người bất hợp pháp trong những năm 70 ở Cộng hòa Dân Chủ Đức. Biên phòng Đông Đức có lần đã bắt quả tang đại sứ Cuba “anh em” giấu hai phụ nữ trong cốp đựng hành lý của xe hơi để chở qua Tây Đức với giá 50 ngàn Mác. Vi phạm nghiêm trọng luật pháp Đông Đức, với người dân bình thường có thể bị án tù chung thân, thậm chí bị tử hình, ngài đại sứ Cuba cũng chỉ bị trục xuất về nước.

Một trường hợp cách đây không lâu với Thứ trưởng Ngoại giao CHXHCN Việt Nam Lê Văn Bàng. Khi còn làm Đại sứ tại Hoa Kỳ, đi bắt sò ở vùng cấm, ông Bàng đã vi phạm luật pháp của nước sở tại. Tuy có giữ lại xét hỏi nhưng khi biết ông Bàng là đại sứ Việt Nam, có thân phận ngoại giao, cảnh sát chỉ khuyến cáo nhẹ nhàng, còn phía chính phủ Hoa Kỳ dường như không đả động chính thức gì về việc này.

Tôi cho rằng, ông Christian Marchant đã không có thái độ nào chứng tỏ “không tuân thủ pháp luật” Việt Nam. Ông chỉ làm cái việc mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không muốn, không thích. Lộ trình của ông chắc chắn đã được thông báo cho nhà chức trách Việt Nam. Bởi vì, đi máy bay từ Hà Nội vào sân bay Phú Bài, rồi thuê xe đến số 69 đường Phan Đình Phùng, nơi Linh mục Nguyễn Văn Lý đang chữa bệnh, khi tới nơi, ông Christian Marchant đã thấy nhiều công an chực sẵn và ngăn cản không cho ông thực hiện công việc của mình.

Có quyền ngăn cản để giải thích, lời qua tiếng lại có thể xảy ra, nhưng dẫn tới xô xát, có hành vi hung bạo, làm chấn thương ông Christian Marchant, công an Việt Nam đã vi phạm luật pháp và thông lệ quốc tế dành cho các nhà ngoại giao.

Tôi không tin rằng những nhà lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản Viêt Nam lại ngu dại đến mức chỉ thị cho thuộc cấp tại Huế thẳng tay với nhà ngoại giao Hoa Kỳ như vậy. Đây là hậu quả tất yếu của một lực lượng an ninh đã bị côn đồ và lưu manh hóa.

Trong bài “Hãy gọi chúng cho đúng tên loài chó mang bản sắc Việt Nam” [1] trên RFA Blog này, tôi đã có bài vừa phân tích, vừa chứng minh bằng cả dư luận trong nước về “thành tích” lưu manh, côn đồ của công an Việt Nam trong năm 2010. Hiện tượng công an đánh đập, gây chấn thương hoặc tử vong cho dân thường trở nên thường xuyên và hầu như chưa có kẻ phạm tội nào được đưa ra xét xử minh bạch.

Thật khó tưởng tượng hành vi nào hèn mạt, dơ bẩn hơn trong một chế độ mà công an thản nhiên mặc cho bọn lưu manh ném cứt đái vào nhà cụ Hoàng Minh Chính, một nhà cách mạng lão thành, cựu Giám đốc trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, cựu Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lenin, chỉ vì cụ có ý kiến khác với chính quyền!

Thản nhiên, vô cảm hay là chính quyền bắt tay với xã hội đen?

Không bỗng dưng mà có đơn nặc danh gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, được cho là của người trong ngành công an, tố cáo Nguyễn Đức Nhanh, giám đốc công an Hà Nội, đã “mời” các tay chân đàn anh trong xã hội đen dự đám cưới cậu ấm Nguyễn Đức Quang. Mời nhưng cấm không được bén mảng, chỉ cần gửi phong bì với ba ngàn đôla “mừng vọng cháu”!

Ở một bài khác, “Việt Nam một xã hội đã bị lưu manh hóa”, viết trên Talawas Blog [2], tôi có nói về nhân vật Ánh Trọc (tức Trần Xuân Ánh ngụ ở Ngõ Thông Phong, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội), trùm đâm thuê chém mướn khét tiếng của Thủ đô Nghìn năm Thăng Long, nhởn nhơ, ngông nghênh ra sao ngoài vòng pháp luật, dù hắn đã “hóa kiếp” ít nhất 3 người và có lệnh truy nã.

Trả lời phỏng vấn của Quỳnh Chi, phóng viên RFA hôm 6/1, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) nói:
“Hơn một năm nay, Human Rights Watch đã ghi nhận những trường hợp đáng lo ngại về cảnh sát Việt Nam dùng bạo lực. Chúng tôi thấy rằng việc này biểu hiện thêm rằng cảnh sát không bị kiểm soát. Việc này liên quan một phần đến việc chính phủ Việt Nam không bắt họ chịu trách nhiệm cho những hành động này, và vì họ đang nằm ngoài pháp luật”.
“Hậu quả là hình như cảnh sát có thể làm gì họ muốn làm. Không thể loại trừ trường hợp những cảnh sát này không biết họ đang hành hung người thuộc Đại sứ quán. Tuy nhiên, khi cảnh sát hành hung người, bất kể người nào, đều là không đúng”.
 
“Đây là một xu hướng thật đáng lo ngại bởi vì chúng tôi đã ghi nhận được rằng nhiều trường hợp cảnh sát bắt người rồi hành hạ trong lúc điều tra. Theo một bản báo cáo chúng tôi đã đưa ra hồi tháng 9, có khoảng 15 thường dân bị chết trong lúc bị cảnh sát tạm giữ điều tra trong 1 năm qua…”.
 
“Tôi cho rằng, hiện giờ rất nhiều nhân viên ngoại giao của các nước có trụ sở tại Hà Nội và TPHCM đang quan tâm về vụ việc. Lý do là làm sao họ biết được chắc chắn rằng sự việc tương tự không xảy ra với họ? Chính vì thế, chính phủ Việt Nam không những nên giải thích với chính phủ Hoa Kỳ, mà còn phải giải thích với các Đại sứ quán và Lãnh sự quán ở Hà Nội cũng như TPHCM. Đồng thời, phía Việt Nam cũng nên cho biết làm cách nào để trong tương lai không xảy ra những việc tương tự”. [3]

Kết luận

Tôi đã gặp và phỏng vấn Lê Phước Tuấn, một người mang hai dòng máu Việt-Mỹ, đã đả thương ông Nguyễn Quốc Huy, một thành viên trong phái đoàn Thủ tướng Phan Văn Khải đến thăm Hoa Kỳ vào năm 2005.

Cú đấm của Tuấn - như Tuấn tâm sự với tôi - như là sự trút hận, nhưng không nhắm vào cá nhân ông Nguyễn Quốc Huy, mà là nhắm vào cái chế độ rêu rao đạo đức, bình đẳng xã hội nhưng đã khinh bỉ, bạc đãi và đẩy số phận những người con lai xấu số trong chiến tranh Việt Nam tới bần cùng.

Mặc dù cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ đã vận động tư pháp và quyên góp tài chính thuê luật sư tốn kém hàng chục ngàn đô la, Lê Phước Tuấn vẫn bị ngồi tù gần 14 tháng về tội phạm hình sự và tiếp theo là tình trạng có thể bị Tòa án Di Trú trục xuất về Việt Nam.

Trong nhiều năm qua Tuấn đã bị Tòa án Di Trú quần cho lên bờ xuống ruộng vì phải chịu sự giám sát chặt chẽ về chỗ cư trú, hạn chế đi lại và thường xuyên phải ra hầu tòa. Mãi đến tháng 6/ 2009, tòa án mới phán quyết cho Tuấn ở lại Hoa Kỳ nhưng phải chịu sự quản chế (probation).

Một phó thường dân (chưa phải công dân Hoa Kỳ) gây thương tổn đến thân thể một nhà ngoại giao Việt Nam (cấp thấp) đã bị luật pháp Hoa Kỳ xử phạt như vậy.

Còn công an cộng sản Việt Nam - người đại diện cho công quyền – hành hung, làm chấn thương nhà ngoại giao của Đại sứ quán Hoa Kỳ, sẽ được luật pháp Việt Nam xử lý ra sao?

Chúng ta hoàn toàn kiên nhẫn chờ xem cái vụ “xem xét sự việc” mà Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam tuyên bố sẽ đi đến đâu! ■