23/9/11

Bức thư gửi Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN

Đỗ Xuân Thọ -

Đỗ Xuân Thọ
Thưa các bác - các bạn, Thọ đã gửi một bức thư tâm huyết cho Đảng. Hiện nay bức thư đó đã được đăng trên một số trang mạng. Chính vì điều này Thọ bị Viện Chuyên Ngành Cầu Hầm Kỷ Luật. Thọ hứa là sẽ ngưng viết blog. Trước khi dừng lại, Thọ đăng toàn bộ bức thư để đề phòng bị xuyên tạc lợi dụng. Thọ khẳng định một lần nữa là trung thành tuyệt đối với Dân Tộc Việt Nam, với Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập.

THƯ GỬI BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Kính gửi:
- Chi bộ viện Chuyên ngành Cầu Hầm,
- Đảng Ủy Viện Khoa học và Công nghệ GTVT
- Đảng Bộ Bộ GTVT
- Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam
Tên tôi là Đỗ Xuân Thọ, đảng viên thuộc chi bộ viện chuyên ngành Cầu Hầm thuộc đảng bộ Viện Khoa học và Công nghệ GTVT. Sau hàng chục năm suy nghĩ, nghiền ngẫm về Dân Tộc, về Đảng tôi viết lá thư này cho ban chấp hành Trung ương Đảng để trình bầy ý kiến của tôi về việc xây dựng Đảng ta thật sự vững mạnh. Kính mong các đồng chí đọc, suy nghĩ và xem xét
Theo tôi cần loại bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng và thay vào đó là Chủ nghĩa Dân Tộc
Chủ nghĩa Mác-Lênin là một thanh gươm, một thứ vũ khí mạnh hơn nghìn lần vũ khí hạt nhân mà Bác Hồ vô cùng kính yêu của chúng ta chọn vào lúc xu thế của thời đại là tiến lên CNXH để giải phóng dân tộc. Thanh gươm đó đã được Đảng ta kết hợp một cách nhuần nhuyễn với lòng yêu nước nồng nàn và ý chí dành độc lập của nhân dân ta. Hai đế quốc to là Pháp và Mỹ đã bị đánh bại trên mảnh đất hình chữ S này. Mãi mãi, đời đời con cháu của đất Việt ghi lòng tạc dạ điều này. Đó là bài học kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại. Thời đó tất cả các đảng viên xin vào Đảng chủ yếu vì lòng yêu nước vì máu dân tộc.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào xây dựng đất nước, CN Mác-Lênin đã bộc lộ các sai lầm ở cấp độ các tiên đề. Suốt trong thời bao cấp Đảng ta đã tiến hành xây dựng đất nước theo mô hình của CN Mác- Lênin một cách chính xác, không chê vào đâu được và chính vì thế nên đã kéo lùi lịch sử của dân tốc lại 20 năm! Đó là thời kỳ đen tối nhất của dân tộc...Tôi nghẹn lời không kể xiết những đau khổ mà những người dân đã phải trải qua....
Để xây dựng một cây cầu, chúng tôi phải tính toán thiết kế theo một Quy Trình nào đó. Nếu cây cầu đổ thì việc đầu tiên phải xem xét các kỹ sư đã thiết kế và thi công đúng Quy Trình chưa? Xem xét các viện khác, các cơ quan khác áp dụng cùng Quy Trình đó cầu có đổ không? Nếu xem xét thấy đội ngũ kỹ sư đã làm đúng Quy Trình mà cầu vẫn đổ; Nếu thấy các cơ quan khác cũng áp dụng quy trình đó và cầu cũng đổ thì theo một logic hiển nhiên rứt khoát phải đi đên một khẳng định là Quy Trình đó sai!!! Cũng như vậy, thời bao cấp Đảng ta đã làm đúng CN Mác-Lênin mà đất nước vẫn lầm than; các nước XHCN khác cũng đã làm chính xác mô hình của CN Mác-Lênin mà đất nước vẫn khủng hoảng!! Chúng ta cần dũng cảm chỉ ra rằng CN Mác-Lênin là sai!
Nhận ra sai lầm đó Đảng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới.... Đất nước bừng sáng.... Công cuộc đổi mới thực chất là công cuộc mà trong đó chúng ta giám đánh đổ những tiên đề của CN Mác-Lênin như đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản với giai cấp địa chủ, tư sản v.v... Chính vì chúng ta đang “phản bội” lại CN Mác-Lênin mà đất nước mới được như bây giờ. Giai cấp tư sản, địa chủ không nhưng không bị tiêu diệt mà còn được tôn vinh như những người anh hùng, những người bằng tài năng của mình đã mang lại hàng triệu công ăn việc làm cho người lao động. Chính họ đóng thuế cho nhà nước nhiều nhất. Chính họ là nội lực của dân tộc. Ở đây quy luật giá trị thặng dư của Mác đã sai toét vì Mác chưa tính đến tiền được làm ra bởi tài năng, trí tuệ của nhà tư sản.... Đảng viên cũng được khuyến khích “bóc lột” (mà thực chất là tổ chức, quản lý người lao động) để làm giầu cho bản thân và cho xã hội... Từ một đất nước đói ăn chúng ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới... Không thể kể xiết những thắng lợi to lớn của đất nước từ khi Đảng ta “phản bội” lại CN Mác-Lênin lãnh đạo dân tộc tiến hành công cuộc đổi mới....
Không chỉ phát triển kinh tế mà đời sống tinh thần của nhân dân ta cũng được Đảng ta lãnh đạo để "phản bội" lại CN Mác-Lênin, một chủ nghĩa vô thần, một chủ nghĩa cho rằng mình là duy vật triệt để nhất. (Thời bao cấp chúng ta đã phá tan các đền chùa... Trong nhà các đảng viên không có bàn thờ tổ tiên). Cuộc sống tinh thần của nhân dân đã trở về đúng quỹ đạo đó là cuộc sống tinh thần phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc. Những đền, miếu thờ những vị anh hùng dân tộc đã được khôi phục... các lễ hội tâm linh đã trở lại.... đạo Phật, đạo Thiên Chúa.... được tôn trọng... Chúng ta có thể kết nạp cả những người đi đạo vào Đảng... Ca Trù, dân ca quan họ Bác Ninh, cồng chiêng Tây Nguyên.. đã được thế giới công nhận là các di sản văn hoá nhân loại. Hàng loạt văn nghệ sỹ yêu nước nồng nàn và đầy tài năng hồi bao cấp bị trù dập vì có tư tưởng trái với CN Mác-Lênin đã được khôi phục danh dự... "Bọn Tiểu tư sản trí thức" được Đảng ta dần dần coi là bộ não của dân tộc...
Chúng ta đã “phản bội” lại chủ nghĩa Mác-Lênin để đặt quan hệ ngoại giao với các nước” đế quốc sài lang” như Mỹ, Nhật, Pháp,... Chúng ta đang hoà nhập nhưng không hoà tan. Bạn bè quốc tế ngày càng làm ăn với Việt Nam nhiều hơn...
Đất nước đang bừng sáng... Lòng dân yên ổn và hướng về Đảng.... Kinh tế đang phát triển... Dù không nói ra nhưng toàn thể Đảng viên hiểu rằng chúng ta cần gạt CN Mác-Lênin đi và thay thế bằng CN Dân Tộc.
Công cuộc đổi mới của Đảng ta lẽ ra sẽ đạt được những thành tựu còn to lớn hơn rất nhiều lần nếu như không có những đảng viên có chức, có quyền, có bằng Tiến sỹ (về CN Mác-Lênin), những người bảo thủ, kiên trì bảo vệ CN Mác-Lênin cản đường tiến lên của dân tộc. Họ vu cáo những người yêu nước nồng nàn chống lại Mác-Lênin là chống lại Đảng ta. Họ làm cho giai cấp Công, Nông nghĩ rằng chỉ có CN Mác-Lênin là đem lại quyền lợi cho Công nhân Nông dân nhưng giai cấp Công,Nông Việt Nam đã trải qua thời bao câp và họ đã quá hiểu cơ chế XHCN như thế nào rồi... Thôi mà, hỡi những người Macxit, đừng to mồm bảo Đảng ta ngu xi không hiểu được tư tưởng “vĩ đại” của Mác nên đã làm sai ý Mác trong thời bao cấp!!! Đảng ta rất thông minh và sáng suốt và chính vì thông minh và sáng suốt nên Đảng ta đã “phản bội” lại Mác-Lênin để tiến hành công cuộc đổi mới long trời lở đất đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam!!! Họ bảo vệ CN Mác-Lênin là bảo vệ cái ghế của mình. Họ đã làm cho Đảng ta nhiều lúc xác định mục tiêu chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam một cách sai lầm. Sau đây tôi sẽ chứng minh những nguy hại nếu còn đặt nền tảng tư tưởng của Đảng ta vào CN Mác-Lênin
Chủ nghĩa Mác-Lênin là nguyên nhân sâu xa gây nên sự mất đoàn kết trong Đảng do đó là nguyên nhân gây nên sự mất đoàn kết trong nhân dân. CN Mác-Lênin là tấm lá chắn cho bọn quan lại tham nhũng
Toàn Đảng toàn dân đang hướng vào mục tiêu: Dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Đê l àm được điều này thì công cuộc đổi mới càng phải được đẩy mạnh. Việc này đồng nghĩa với việc đẩy mạnh “phản bội” CN Mác-Lênin. Điều này tất yếu dẫn đến Đảng ta bị chia làm hai phe:
1) Phe Dân Tộc bao gồm những người không quan tâm tới việc thắng thua của một học thuyết nào đó, kể cả học thuyết Mác-Lênin. Tất cả chỉ quan tâm tới việc xây dựng đất nước Hùng Mạnh, tất cả vì Dân tộc Việt Nam.
2)Phe Bảo Thủ bao gồm những người kiên trì bảo vệ CN Mác-Lênin. Trong phe này có:
a)Những kẻ bảo vệ CN Mác-Lênin chỉ vì lợi ích cá nhân như những người đã trót làm TS về chủ nghĩa Mác-Lênin (vin quy bái tổ ở quê hương rồi) nay phải giữ thể diện, phải giữ ghế, giữ nghề kiếm cơm,
b)Những tên tham nhũng khét tiếng vì trong cơ chế XHCN chúng vơ tiền của nhân dân vào túi dễ nhất
c)Nhưng cũng có những người tin tưởng mù quáng vào CN Mác-Lênin như một số rất ít các vị lão thành cách mạng. Những bác này đồng nghĩa việc bảo vệ Đảng với việc bảo vệ CN Mác-Lênin. Đồng nghĩa việc yêu nước với yêu CNXH.
Ở đây chúng ta cần hết sức tỉnh táo để không bị rơi vào hoả mù của phe Bảo Thủ và rơi vào bẫy của bọn phản động muốn lật đổ sự lãnh đạo độc tôn của Đảng ta. Chúng ta không được nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để giải phóng dân tộc, Bác Hồ xem giải phóng dân tộc là mục đích tối thượng và CN Mác-Lênin là phương tiện, là vũ khí để thực hiện mục đích đó (vì thế mà Người đã bị Quốc Tế Cộng Sản III khai trừ). Thanh gươm Mác-Lênin lúc đó là thứ vũ khí vô địch của các nước thuộc địa vì nó chính là sức mạnh của thời đại-Thời đại XHCN. Thanh gươm đó chỉ dùng để giải phóng dân tộc và nói thẳng chỉ dùng được vào thời đại đó. Giờ đây chúng ta xây dựng đất nước, bằng thực tế thất bại xương mắu của thời bao cấp thời mà chúng ta thực hiện không chê vào đâu được mô hình CNXH, bằng thực tế thắng lợi không thể chối cãi của thời đổi mới, thời mà chúng ta kiên quyết vất bỏ những tiền đề cốt lõi của CN Mác-Lênin, chúng ta nhận ra rằng CN Mác-Lênin là sai!!! Thời đại cũng đổi thay :CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã sụp đổ theo đúng quy luật tất yêu của nó làm chúng ta càng khẳng định CN Mác-Lênin sai lầm ở cấp độ các tiên đề, sai lầm ở mức hệ thống. Chúng ta hãy dũng cảm nhìn sào sự thật: 80% đảng viên không tin hoặc không biết gì về CN Mác-Lênin!!! Chúng ta phải dũng cảm loại bỏ CN Mác-Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng ta và thay vào đó là CN Dân Tộc nếu chúng ta không muốn lừa dối 3 triệu đảng viên, không muốn nói dối hàng triệu sinh viên Việt Nam trong các bài giảng về CN Mác-Lênin, không muốn làm các nhà tư sản trong và ngoài nước phải rón rén đề phòng có ngày Đảng sẽ kích động giai cấp Công Nông “đào mồ” chôn họ. không muốn Đảng ta bị chia rẽ. Nếu lấy CN Dân Tộc làm nền tảng tư tưởng thì chúng ta sẽ có một tư duy vô cùng mạch lạc để lãnh đạo dân tộc ta tiến lên. Lúc đó Đảng ta sẽ trở thành trung tâm của khối đại đoàn kết dân tộc. Vì không còn lệ thuộc vào tính giai cấp nữa nên chúng ta sẽ chọn được cán bộ lãnh đạo là các “nguyên khí quốc gia” và trung thành tuyệt đối với tổ quốc với nhân dân với Đảng... Không thể kể hết những lợi ích khi chúng ta thật sự thành thật
Trong khi đó những người Bảo Thủ coi sự thống trị của CN Mác-Lênín quan trọng gấp nghìn lần sự hùng cường của Dân tộc. Họ ép Đảng ta phải xây dựng một nền kinh tế hết sức quái thai, hết sức mù mờ:” Nền Kinh tế Thị trường định hướng XHCN”. Đối với quân đội ta chúng cố gắng nèo kéo thêm một nhiệm vụ mơ hồ: chiến đấu vì CNXH. Chúng lập lờ giữa kẻ thù của Dân Tộc với kẻ thù của ý thức hệ Macxit. Chính vì chỉ quan tâm tới sự thống trị của CN Mác-Lênin chúng đã làm Đảng ta không phân biệt được bạn và thù. Chúng có thể bán những mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc cho Trung Quốc kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam (như Tổng bí thư Lê Duẩn khẳng định) chỉ vì chúng cùng ý thức hệ Macxit với chúng và đàn áp thâm độc những người yêu nước cháy bỏng nhưng chống Trung Quốc chống CN Mác-Lênin... Vì lẫn lộn giữa kẻ thù của dân tộc và kẻ thù ý thức hệ nên 10 tỉnh đã cho Trung Quốc thuê đất rừng, thuê bờ biển với diện tích bằng một tỉnh của nước ta trong thời hạn 50 năm... Chúng càng ngày càng thấy rằng cái cơ chế XHCN này là môi trường vơ tiền của nhân dân vào túi dễ nhất... Tuy nhiên chúng cũng thấy rằng không ai còn tin vào CN Mác-Lênin nữa nên chúng phải đem vị thánh của dân tộc, Bác Hồ vô cùng kính yêu làm tấm lá chắn cho CNMác-Lênin... Chúng ép Đảng ta phải ghi vào điều lệ Đảng rằng: Nền tảng tư tưởng của Đảng là CN Mác-Lênin để dễ bề quy kết các đảng viên trung thực, hết lòng vì Đảng vì dân tộc Việt Nam nhưng chống CN Mác-Lênin là chống Đảng
Bằng các lập luận trên chúng ta khẳng định Chủ nghĩa Mác-Lênin là nguyên nhân sâu xa gây nên sự mất đoàn kết trong Đảng do đó là nguyên nhân gây nên sự mất đoàn kết trong nhân dân cần loại bỏ
Lấy CN Dân Tộc làm nền tảng tư tưởng của Đảng là con đường duy nhất đúng đắn làm Đảng ta trở thành trung tâm của khối đại đoàn kết và lòng yêu nước nồng nàn của 84 triệu người dân sống trên mảnh đất hình chữ S và xứng đáng là người cầm lái độc tôn đối với dân tộc Việt Nam đưa dân tộc Việt Nam tiến lên đài vinh quang sánh vai với các cường quốc 5 châu.
Một câu hỏi tất yếu sẽ được đặt ra: CN Dân Tộc là CN như thế nào?
Sẽ tốn rất nhiều giấy mực để mô tả đầy đủ về CN Dân Tộc Việt Nam nên tôi chỉ nói vắn tắt các nét chính của CN này.
- CN Dân tộc Việt Nam là sự kết tinh của truyền thống giữ nước và dựng nước của dân tộc Việt Nam suốt từ thời các vua Hùng đến nay, đặc biệt là giai đoạn chống Pháp chống Mỹ và chống Trung Quốc xâm lược để giải phóng dân tộc; giai đoạn đổi mới để xây dựng đất nước
- CN Dân tộc Việt Nam là sự tiếp thu có chọn lọc những chủ nghĩa Dân tộc đã xuất hiện trên thế giới như ở Đức, Nhật, Do thái, Hàn Quốc v.v...
Tóm lại CN Dân tộc Việt Nam coi 84 triệu người VN như một cơ thể hoàn chỉnh. Trong đó bộ não bao gồm những người lao động chủ yếu bằng đầu như các nhà chính trị, các tướng lĩnh các trí thức, các chủ doanh nghiệp, văn nghệ sỹ v.v...; chân, tay là công nhân, nông dân, bộ đội, công an; Trái tim là CN Dân Tộc VN....
Trên đây là các nét chính, việc hoàn thiện nó là nhiệm vụ của các nhà Triết học Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta không nên cầu toàn. Chúng ta sẽ hoàn thiện dần... Rồi đây chúng ta còn phải xây dựng một triết học của chính dân tộc mình, một triết học “Made in Vietnam”....
Khi đặt CN Dân Tộc làm nền tảng tư tưởng, Đảng ta sẽ khơi dạy dòng mắu dân tộc mạnh mẽ của 84 triệu người dân VN. Vì đã loại bỏ tính giai cấp, chúng ta luôn luôn chọn được những người giỏi nhất, đức độ nhất vào các vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng. Đảng viên sẽ là những người giỏi nhất trong toàn dân (chứ không chỉ ở giai cấp Công,Nông)... Lúc đó Đảng là dân tộc và dân tộc chính là Đảng!
Vì chỉ còn quan tâm tới lợi ích, tới sự tồn vong của dân tộc, Đảng ta sẽ có một cái nhìn mạch lạc và thấu đáo để xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ Quốc. Chúng ta sẽ dễ dàng chỉ ra Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam (như Tổng Bí thư Lê Duẩn nói), dễ ràng nhìn thấy Nga, Mỹ, Nhật, EU là các đồng minh có thể giúp ta về kinh tế và quân sự khi chúng ta bị Trung Quốc xâm lược mặc dù các nước đó là "đế quốc sài lang". Chúng ta sẽ dễ dàng kết hợp được sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại... Chúng ta sẽ dễ dàng chỉ ra rằng để có nền kinh tế hùng cường chúng ta không thể dàn hàng ngang tiến lên mà phải tập trung vào những mũi nhọn như CN Thông tin, Đóng Tầu v.v.... và rằng nông nghiệp không phải là mũi nhọn, và rằng phải ngăn chặn triệt để hàng lậu từ Trung Quốc... rằng mô hình kinh tế của nước ta phải là mô hình của CN Tư bản...
.......
Không thể kể hết những ưu thế tuyệt đôi khi lấy CN Dân Tộc làm nền tảng tư tưởng của Đảng.
Chính vì những lẽ trên Đảng ta phải
Đổi tên Đảng Cộng Sản Việt Nam thành Đảng Lao Động Việt Nam; đổi tên nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thành nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà như Bác Hồ đã chọn
Đảng ta cần phải làm những điều trên ngay trong đại hội lần thứ XI này để Đảng ta thật sự vững mạnh, để dân tộc Việt Nam thật sự đoàn kết, để bạn bè quốc tế thật sự hiểu về ta và giúp đỡ ta, để cho nạn tham nhũng bị mất đi, để cho các cán bộ Đảng và Nhà nước là những người tài giỏi nhất, hết lòng vì dân vì nước và cuối cùng là để Việt Nam mau chóng trở thành một cường quốc
Trên đây là những ý kiến vô cùng tâm huyết của tôi, một đảng viên 30 tuổi Đảng, một cựu chiến binh đã chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị năm 1972 và được kết nạp vào Đảng ngay trên mâm pháo năm 1973, một người tuyệt đối trung thành với dân tộc Việt Nam, tuyệt đối trung thành với Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập, luôn luôn đau đáu những suy tư về đất nước, về Đảng để nghĩ cách làm cho dân tộc ta hùng mạnh. Tuy nhiên tôi không ít lần bị các đồng chí công an quy là phản động, là bất mãn với chế độ, là công thần vì cậy bố là người có công nuôi các lãnh tụ như Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt... Mặc dù vậy tôi thề sẽ vẫn kiên trì thuyết phục và đấu tranh đến hơi thở cuối cùng để loại bỏ CN Mác-Lê nin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng ta và thay vào đó là CN Dân Tộc. Tôi tin tưởng rằng có 80% đảng viên trong Đảng ủng hộ tôi
Kính mong các đồng chí đọc kỹ và xem xét.
Hà Nội, ngày 16-3-2010
Người viết
ĐỖ XUÂN THỌ
Email: tsdoxuantho(a)gmail.com
Điện thoại:0914119002
Địa chỉ cơ quan:Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, 1252 Đường Láng
Đống Đa Hà Nội
Địa chỉ nhà riêng: Số nhà 12 ngõ 1142 Đường La Thành Hà Nội

Vì sao nhà thơ Hữu Thỉnh hết lời ca ngợi những câu thơ tẻ nhạt của Trần Gia Thái

Trần Mạnh Hảo, làm thơ, viết văn, phê bình văn học
Tạp chí “Nhà Văn” số 9-2011 ( tạp chí của Hội nhà văn Việt Nam) trang 144 đến 146 có in bài “MỘT TẬP THƠ TƯƠI LÊN NHIỀU HI VỌNG” của nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam kiêm chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, ca ngợi hết lời tập thơ “Lời nguyện cầu trước lửa” (NXB Hội nhà văn 2011) của ông Trần Gia Thái – Tổng giám đốc Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội, kiêm chủ tịch Hội nhà báo Hà Nội. Bài viết trên của ông Hữu Thỉnh cũng vừa được trang mạng của nhà văn Phạm Viết Đào phổ biến, xin in kèm dưới bài viết này của chúng tôi để rộng dường dư luận.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam kiêm chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam
Vì chưa có tập thơ này của ông Trần Gia Thái trong tay, chúng tôi chỉ căn cứ trên những câu thơ được ông Hữu Thỉnh trích ra bình phẩm, ngợi ca để đánh giá bài viết khác thường này của ông Hữu Thỉnh thực hư ra sao.
Mở đầu bài tụng ca thơ Trần Gia Thái, ông Hữu Thỉnh lập ngôn, bằng cách xác định lại bản chất của thi ca.
Câu văn đầu tiên Hữu Thỉnh viết đã không chuẩn về tu từ: “Tôi kiên trì thói quen đọc thơ để hiểu người” (chữ nghiêng đậm do TMH nhấn mạnh). Nên chỉnh sửa câu văn này cho trong sáng tiếng Việt: “Tôi có thói quen đọc thơ để hiểu người”. Ngay sau đó, Hữu Thỉnh tung ra một quan niệm chưa chuẩn về thơ: “Bởi vì thơ là nghệ thuật ít giấu mình được nhất”. Thơ giấu mình tài lắm ông Thỉnh ạ. Có người tâm ác mà toàn làm thơ về sự ngay lành, thánh thiện. Có người tâm Phật mà thơ thì khẩu nghiệp, chướng tai. Có người giả dối còn hơn cuội mà thơ thì nói toàn chuyện thật thà. Người Trung Hoa từ thời thượng cổ đã có quan niệm: “Thi tại ngôn ngoại”, một định nghĩa rất hay và rất đúng về thơ. Người Việt ta từ xưa đã cho thơ là nghệ thuật kỳ ảo, diệu vợi, hàm súc, dư ba, ẩn chứa khôn cùng tình cảm tư tưởng của nhà thơ trong và ngoài câu chữ. Nói cho cùng, ngược lại với quan niệm chưa đúng của Hữu Thỉnh, thơ chính là nghệ thuật giấu mình, giấu tư tưởng tâm hồn, cảm xúc, thông điệp của nhà thơ tới muôn vàn mai hậu, để chỉ dành riêng cho tri âm tri kỷ thưởng thức mà thôi. Nếu cứ nói toẹt ra hết thì còn gì là thơ?
Hàng trăm năm đã trôi qua, dễ gì chúng ta đã hiểu hết nghệ thuật giấu mình, đa ngữ nghĩa, đa chiều kích, đa nội hàm của câu ca dao tuyệt vời: “Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”? Hàng trăm năm đã qua, dễ gì chúng ta đào hết được chiều sâu của tư tưởng tâm hồn Nguyễn Du giấu mình trong câu Kiều tráng lệ: “Bắt phong trần phải phong trần/Cho thanh cao mới được phần thanh cao”?
Cổ xúy cho lối thơ nói toẹt ra, phơi cạn kiệt mình trên trang giấy như những câu nói thông thường phi hình ảnh, phi hình tượng, đơn nghĩa để Hữu Thỉnh có “cơ sở lý luận” ca ngợi thơ của Trần Gia Thái là việc không thể làm ngơ. Chúng tôi sẽ chứng minh cụ thể sau.
Hữu Thỉnh tiếp tục lập ngôn không chuẩn về thơ: “Cho nên, trong các châm ngôn về sự viết, tôi quý nhất lời dạy này: “Chân thành là nghệ thuật cao nhất của thơ”” . Đại từ điển tiếng Việt (NXB Văn hóa &Thông tin 1999, trang 326) định nghĩa từ “Chân thành” như sau: “Chân thành tt. Thành thực, không khách sáo, không giả dối: tấm lòng chân thành, chân thành với bạn bè”. Thưa nhà thơ Hữu Thỉnh, chân thành là thái độ sống, đạo đức sống; nó không phải là nghệ thuật. Chỉ có kẻ quen sống giả dối mới coi chân thành là một nghệ thuật để đóng vở kịch thật thà đặng lừa tha nhân.
Thơ là nghệ thuật của CHÂN - THIỆN - MỸ. Nếu chỉ có CHÂN (thật, đúng), thậm chí kèm thêm THIỆN (tốt), thì chưa thể gọi là thơ được. MỸ (hay, đẹp) mới là phẩm chất cao quý nhất của thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung, chứ không phải “CHÂN THÀNH là nghệ thuật cao nhất của thơ” như Hữu Thỉnh nhầm lẫn. Nếu nghệ thuật đã đạt được yếu tố MỸ (hay, đẹp, xúc động) nó đồng thời đã mang được cả nội hàm CHÂN và THIỆN vậy. Những quan niệm A, B, C về mỹ học sơ đẳng này, người ta đã dạy cho học sinh từ thời trung học, ông Hữu Thỉnh chưa học qua hay sao? Nhất là Hữu Thỉnh từng làm các chức vụ quan trọng của đảng, nhà nước, từng đi đến các hội trường quan trọng để đọc diễn văn, để huấn thị, để khơi mào các hội thảo lớn về văn học nghệ thuật, về triết học, lẽ nào chưa thông bài học vỡ lòng mỹ học Mác-xít; rằng văn học nghệ thuật coi tính đảng, tính giai cấp, coi định hướng chính trị là bản lề, là cốt lõi nhất của tác phẩm, nhưng nếu nó không có tính nghệ thuật thì cũng chỉ có cách là …vất đi thôi. Bàn về thơ thì phải lấy tiêu chí câu thơ bài thơ có hay không, có đẹp không, có xúc cảm hàm súc dư ba không, nghĩa là có tính nghệ thuật không, chứ sao chỉ lấy sự chân thành làm thước đo quan trọng nhất của thơ như Hữu Thỉnh ngộ nhận?
Với những quan niệm sai lầm về thơ như thế này, nền thơ Việt Nam hôm nay quá bất hạnh vì Hữu Thỉnh thường là chủ tịch các ban giám khảo thi thơ văn, bình chọn thơ văn, chấm giải thơ văn trong tất cả các giải thưởng về thơ văn lớn nhỏ suốt 15 năm nay.
Ca ngợi Trần Gia Thái sống và viết theo quan niệm lấy chân thành làm nghệ thuật, làm gốc, làm “nguyên tắc nhất quán”; Hữu Thỉnh trích hai câu nói thông thường mạo nhận thơ của Trần Gia Thái ra khen:
“Thật đáng sợ khi mọi thứ đều trơn tuột
Và trong ta xúc cảm chết trong mồ”
(Sợ)
Thưa rằng, hai câu gọi là thơ trên của Trần Gia Thái chỉ là câu nói vụng về, dễ dãi, rằng sợ nhất là cái ta viết không có gì đọng lại, viết không cảm xúc. Câu nói rất tầm thường này không ai cần đặt ra khi cầm bút; vì đó là lẽ đương nhiên. Cũng như không ai đặt ra khi viết ta phải có giấy mực, hay phải có bàn phím máy tính. Một đứa trẻ đói bụng cần ăn, đâu có băn khoăn chuyện dông dài vô nghĩa rằng: “Thật đáng sợ nếu như ta nhịn đói / Và trong miệng ta cơm biến mất khi nào”.
Thế mà Hữu Thỉnh bình hai câu nói ngô nghê trên của Trần Gia Thái, coi đó là “nguyên tắc nhất quán”, đao to búa lớn như sau: “Đây là một quan niệm nghiêm túc nhưng nguy hiểm đấy Trần Gia Thái ạ. Bởi vì nó đòi hỏi sự hết mình, đòi hỏi sự tận cùng, đòi hỏi vô tận sự tâm huyết
(hết trích).
Khen ngợi kiểu rất phường tuồng ba câu gọi là thơ: sáo, nhạt, vô hồn của Trần Gia Thái, Hữu Thỉnh viết không đâu nhập vào đâu, như sau: “Khi yêu, anh cho ta thấy mọi cung bậc sắc màu, hương vị, thậm chí có thể đo được độ nóng của trái tim anh. Nào là trách móc, nào là nhớ nhung, nào là say đắm, và cái được nhất của anh là được một không gian, một từ trường của cảm xúc:
“Gần đến thế mà sao không tới nổi
Bến bờ ơi
Em ảo ảnh đến muôn nghìn”
(Ảo ảnh)
“Đây chưa hẳn đã là thất tình, càng chưa phải là tuyệt vọng. Ngẫm cho kỹ, đây là thước đo. Tôi không thấy mùi vị của sự chán nản, ngược lại, tôi nhận ra sự cao giá của người tình” (hết trích)
Than ôi, bình thơ theo kiểu đồng bóng, áo thụng vái nhau, chân giả lẫn lộn, bốc một tấc lên trời như Hữu Thỉnh là một cách treo cổ thơ hữu hiệu nhất vậy. Ba câu thơ dở kia của Trần Gia Thái đọc lên không thể nhịn cười, lại càng không thể nhịn cười khi Hữu Thỉnh khát quát “ảo ảnh” chính là thước đo. Cầm thước đo ảo ảnh siêu hình trên tay, Hữu Thỉnh đo thơ kiểu thày cúng thày mo đo hồn vía người ốm, thì thơ ơi, ta chào mi, mi chỉ còn nước biên sắc biến!
Để bình bốn câu thơ toàn nói của Trần Gia Thái sau đây, Hữu thỉnh lại bộc lộ một nhận thức sai về nghệ thuật làm thơ, khi ông viết: “Ở trong thơ, nói và hiểu là hai việc khác nhau. Đó là nghệ thuật phô diễn”. Thế thì chẳng lẽ THƠ lại là phường nói một đàng, hiểu nột nẻo, nói một đàng làm một nẻo hay sao? Không, thơ hay là thơ phải có nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen (hiểu) đi cùng câu chữ, bám sát lời thơ, trung thành với lời thơ, chứ không phải khác nhau với câu chữ như Hữu Thỉnh quan niệm. Từ cơ sở của hiểu đúng nghĩa đen, thơ bước vào hành trình nghĩa bóng; nghĩa là một lối hiểu và cảm đa chiều, tượng trưng, biểu cảm, nhòe mờ, mở rộng hiểu ra cõi dư ba, vô bờ, có cảm tưởng như phi ngữ nghĩa, phi lý trí, phi hiểu vậy. Có thể nói, thơ vừa đồng điệu với sự hiểu của thực-tại-lời (ngôn từ) vừa bước qua giới hạn của hiểu để vào thế giới ảo diệu, vô bờ của cảm, của hư ảo, siêu nhiên. Đó là một quá trình đồng thời chứ không phải bước một là hiểu, là nghĩa đen, bước hai là cảm, là nghĩa bóng.
Xin xem Hữu Thỉnh “thổi” Trần Gia Thái lên tiên: “Trần Gia Thái cho ta thấy biết bao nhiêu cung bậc của tình cảm anh khi yêu, kể cả khi anh nói nhún, anh tự ti, anh bơ vơ,mộng du, đau khổ…thì đấy là một trường tình, tất cả hiện ra, nhưng không một lần ta thấy anh nhỏ bé. Kể cả khi anh thú nhận:
“Cơn bão giữa lòng người
Cơn bão trong trời đất
Bão quật anh tơi bời
Giữa hai bờ còn? mất?
(Em đi)
Ôi, chàng trai si tình! Anh có thể bước đi không vững trong cơn say nhưng tình yêu của anh thật cường tráng”. (hết trích)
Thơ hết biết nên lời bình cũng một đồng một cốt, hết biết luôn? Chỉ có Hữu Thỉnh mới phát hiện ra thứ “tình yêu thật cường tráng” của thơ Trần Gia Thái mà thôi. Ôi “người yêu ảo ảnh”, nàng thơ sương khói của Trần Gia Thái lẽ nào lại nhận được lời tỏ tình rất phồn thực rằng, em yêu ơi, anh sẽ chứng tỏ ngay bây giờ cho em thấy tình yêu của anh rất chi là cường…tráng!
Hữu Thỉnh còn dùng nhiều lời có cánh rất ngoa ngôn, rất hoành tráng để ca ngợi những câu thơ vô cùng nhạt nhẽo và dễ dãi của Trần Gia Thái; hầu như coi ông này là một phát hiện về thơ nói thật, lấy thật là gốc, lấy thật làm thước đo, lấy sự nói toẹt ra làm tiêu chí hay dở. Có khi quên mất mình vừa viết như trên, Hữu Thỉnh bèn nói ngược với mình, rằng Trần Gia Thái lấy “ẢO ẢNH” LÀM THƯỚC ĐO”…Lạy trời, sự đãng trí của nhà bình thơ thật là cao qúy.
Xin trích lời tụng ca của Hữu Thỉnh với những câu thơ nước ốc quá nôm na, quá dễ dãi tầm thường của Trần Gia Thái như sau:
“ …Ở mảng thơ này, anh biến hóa sinh động, tươi tốt hẳn lên. Có lúc rất mộc: “Ổ rơm chân đất manh chiếu rách / Một mùa được mấy bữa no nê” (Sao mà nhớ). Có lúc xót xa, cay đắng: “Năm mươi ba tuổi ta bầm dập thương tích/ Đòn vu hồi từ những kẻ vẫn xưng là bạn là anh” (tuổi 53). Có lúc vô cùng thương cảm viết về người cha đã khuất:
“Cứ tưởng người đi dạo lúa dạo đồng
Người đi chở cát với vôi nồng
Người đi đội đá xây mương nối
Đong bát mồ hôi đổi cháo không
Bát cháo đồng chiêm cơ cực ơi
Nuốt vào cay đắng nuốt không trôi
Mồ hôi thì mặn nước mắt chát
Đeo đẳng đời cha từng giọt rơi
(Nhớ cha)
(hết trích)
Chúng tôi không dám trích lời Hữu Thỉnh khen ngợi thơ Trần Gia Thái thái quá làm đoạn kết cho bài viết tụng ca thứ thơ giả, thơ dởm của ông, sợ làm phiền thêm bạn đọc.
Bài viết “Một tập thơ tươi lên nhiều hi vọng” của Hữu Thỉnh hết sức sai về quan niệm thơ, lại bốc thơm một thứ thơ dở của Trần Gia Thái lên mây xanh, gây tai hại vô cùng cho định hướng thẩm mỹ thơ lớp trẻ. Bằng sự đánh tráo hay-dở, thật-giả trong thưởng thức thơ kiểu này, hình như ông Hữu Thỉnh muốn xui bọn trẻ cứ làm thơ như Trần Gia Thái, chắc chắn sẽ được giải thưởng lớn? Có phải đây là thời cái dở lên ngôi, cái xấu lên ngôi, cái giả lên ngôi hay không thưa nhà thơ Hữu Thỉnh?
Sài Gòn ngày 21-9-2011
T.M.H.