6/6/11

Lộng ngôn

Vâng, chỉ có thể nói là lộng ngôn. Qua đường dẫn trong entry trước tôi tìm đến đọc bài của tác giả Nguyễn Hoàng Đức viết về Ngô Bảo Châu. Trong bài viết, NHĐ viết “Với thành công được quốc tế công nhận, GS. Châu hoàn toàn xứng đáng là một bậc thầy của dân tộc”. Chưa bao giờ thấy một kẻ có chữ nghĩa mà lộng ngôn như thế!
NHĐ còn viết nhiều câu nâng bi rất kêu. Một trong những câu nâng bi là “GS Châu là một người trí thức có công trình siêu việt”. Một công trình có giá trị hẹp như thế mà gọi là siêu việt thì đúng là lộng ngôn. Ông lộng ngôn vì ông không am hiểu khoa học. Giải Fields trị giá 15.000 USD là giải dành cho nhà toán học trẻ, dưới 40 tuổi, để ghi nhận những cống hiến quan trọng (to give recognition and support to younger mathematical researchers who have made major contributions). Chú ý là công trình “quan trọng” nhé, chứ không phải “siêu việt”. Giải Fields không phải là “giải cao nhất giành cho toán học” như ông NHĐ hiểu. Giải cao nhất dành cho toán học là Giải Abel trị giá 992.000 USD.
Còn câu “quốc tế công nhận” là một lộng ngôn khác. Quốc tế nào công nhận? Công trình của NBC có không quá 100 nhà toán học trên thế giới hiểu. Trong giới khoa học quốc tế, ai biết NBC là ai? Ngay cả trong giới toán học cũng chẳng mấy ai biết NBC là ai, và cũng ít người quan tâm đến giải Fields. Ấy thế mà nói là “quốc tế” công nhận thì quả là lộng ngôn. Còn Bậc thầy dân tộc thì quả là đại lộng ngôn. Bậc thầy về cái gì? Đọc câu này sao nghe quen quen kiểu cha già dân tộc. Chao ôi, hợm hĩnh không tưởng nổi. Đây là triệu chứng của bệnh sùng bái cá nhân, bệnh thần tượng.
Tôi muốn bàn qua những điểm mà NHĐ nhắc đến như sau:
Có ý kiến bảo GS Ngô Bảo Châu là sặc mùi cơ hội.
Ý kiến nào, ai viết? Phải nói cụ thể. Viết như thế là xem thường người đọc. Nếu NBC có nắm lấy cơ hội để làm việc gì đó thì cũng chẳng có gì đáng trách. Ai cũng nắm lấy thời cơ và cơ hội. Người ta miệt mài nghiên cứu không chỉ vì lý tưởng quốc tế đâu, mà còn vì lợi lộc cá nhân nữa. Đừng đạo đức giả để nói là người ta dấn thân khoa học chỉ vì phụng sự khoa học!
Có người lại bảo nếu sợ hãi thì ai là người “sợ hãi”, hay chính GS Châu đang sợ hãi?
Không ai biết NBC sợ hãi hay không sợ hãi. Nhưng hành động không dám ký vào kiến nghị của nhóm bauxite cho thấy NBC thiếu can đảm mà cậu ta từng có trước đây. NBC từng viết thư cho Quốc hội phản đối dự án khai thác bauxite. Nay thì sau món quà căn hộ vincom thì cậu ta có thái độ khác. Thật ra, nếu cậu ta có sợ thì người ta cũng thông cảm được, vì nhà văn Nguyễn Tuân đã từng nói “biết sợ” để sống trong chế độ đó sao.
Có người bảo GS Châu nói Cù Huy Hà Vũ nói có điểm chưa thuyết phục, sao không chứng minh đi!
Đúng. Nếu nói không thuyết phục thì phải chứng minh bằng ít nhất một câu, một ví dụ. Nói khơi khơi như thế là vô trách nhiệm, là xem thường người đọc. Lại còn dùng cách diễn đạt Tây để tỏ ra khệnh khạng ta đây!
Có người nói, GS Châu nói vụ án là cẩu thả, nhưng vụ án đã được người ta lập kế hoạch tỉ mỉ đến từng chi tiết
Đúng. Người ta đã lên kế hoạch rất chi tiết để hạ nhục Cù Huy Hà Vũ. Còn NBC viết cẩu thả mà không nói cẩu thả cái gì thì đó là cái dở của cậu ta. Đừng bênh cái dở. Thật ra, đáng lẽ NBC phải nói rằng các quan tòa dốt luật thì chính xác hơn là “cẩu thả”. Vì dốt luật nên họ thiếu tự tin, vì thiếu tự tin nên họ chạy trốn tranh luận, và vì trốn tranh luận nên họ phải dùng đến đòn lưu manh. Nhà giáo Phạm Toàn nhận xét chí lý rằng đó là một phiên tòa lưu manh và ô nhục.
Tôi chỉ tiếc một người khá thông minh như Nguyễn Hoàng Đức mà cũng mắc bệnh thần tượng. Mới xong “câu cá” mà thấy một bệnh nhân như NHĐ cũng muốn giúp lắm, nhưng e rằng bệnh đã quá nặng và cần nhập viện để có đặc trị.

2 nhận xét:

  1. Giải Fields do International Mathematical Union (IMU) trao nên nói Ngô Bảo Châu được “quốc tế công nhận” cũng hợp lí. Chính IMU cũng nói rằng giải nầy được xem như Nobel toán học. http://www.icm2010.in/imu-prizes

    Nghiên cứu càng cao, càng sâu thì chuyên ngành càng hẹp. Những công trình đoạt giải Nobel thì cũng chỉ có những người cùng chuyên ngành hẹp hiểu thôi. Hiểu ở đây là hiểu cặn kẽ, chi tiết chứ không phải hiểu sơ lược.

    Thêm nữa, công trình bổ đề của NBC được tạp chí Time đánh giá là một trong mười khám phá khoa học nổi bật nhất năm 2009.

    Mà bác muốn đánh giá “công phu toán học” của Ngô Bảo Châu, bác nên tìm hiểu lí lịch khoa học (profile) của ổng. Chẳng hạn như có bao nhiêu bài báo? Đăng ở đâu? Bao nhiêu trích dẫn? Đạt những giải thưởng nào? Giải đó tầm cỡ ra sao? Đồng nghiệp đánh giá thế nào? Hehe… Chứ cứ nói không không thì muốn nói sao chẳng được.

    Bởi: Khách2 ngày 19/04/2011
    lúc 6:54 Chiều

    Giải Fields không thể là giải Nobel. Đơn giản thế thôi. Giới toán học có muốn nâng cũng không bằng. Còn bác muốn xem lý lịch NBC à? Đây nè:

    http://www.math.uchicago.edu/~ngo/cv.pdf

    Bác xem có tạp chí nào top không? Bác có thể tìm chỉ số H của NBC để biết “vĩ đại” ra sao không? Chắc không cần. Người biết khoa học nhìn qua là biết chứ. Đương nhiên là NBC bây giờ không cần tạp chí top, nhưng với lý lịch như thế mà NHĐ ca là “bậc thầy dân tộc” thì quá lộng ngôn, không biết gì sự mênh mông của khoa học. Toán có phải là khoa học?

    Bởi: bsngoc ngày 19/04/2011
    lúc 9:06 Chiều

    Không ai nói giải Fields là Nobel cả. IMU chỉ viết là generally considered the “Nobel Prize for mathematics”.

    Em không bình luận ý kiến ông NHĐ. Chỉ tập trung vào ý kiến “quốc tế công nhận” của bác thôi. Theo em, nói NBC được “quốc tế công nhận” thì chẳng có gì sai cả.

    Về bề dày khoa học, ta phải tính đến số lượng và chất lượng. Đúng là số lượng công trình của NBC đến thời điểm này ít, nhưng chất lượng của công trình bổ đề đã thuộc dạng đỉnh cao rồi. Em không hiểu gì về bổ đề đó, nhưng nó được giải Fields, được Time bầu chọn nên cho rằng nó đỉnh cao.

    Trả lờiXóa
  2. Thế nào là “Đỉnh cao” không dễ định nghĩa đâu bác. Chắc chắn không phải vì Time bầu hay cho giải Fields là cao. Theo tôi, đỉnh cao là tạo ra được một định hướng mới, là công trình được trích dẫn nhiều lần. Tôi là thầy thuốc, nhưng bạn tôi làm toán cho biết một công trình toán có khi được trích dẫn trên 10.000 lần và đó là “đỉnh cao”, là có ảnh hưởng. Còn công trình của NBC thì còn sớm quá, chưa đạt được cái đỉnh đó. Nhưng vẫn hy vọng. Nói về số lượng thì NBC chẳng là cái đinh gì. Nhưng nhà khoa học có khi chỉ cần 1 công trình có giá trị cao là đủ để lại tên tuổi cho đời. NBC là người như thế.

    Tôi không đánh giá bất cứ bảng xếp hạng nào của báo chí. Những cái top 10 khám phá, top 10 sự kiện chính trị, top 10 kinh doanh … chỉ là những trò tuyên truyền không hơn không kém. Bác phải hiểu cách làm đằng sau của những top 10 này thì sẽ thấy nó khôi hài thế nào. Họ hỏi khoảng 50 người trong ngành do họ chọn xem nên chọn cái nào làm top 10, và danh sách top do họ đưa ra.

    Tôi vẫn nói không có “quốc tế” nào công nhận NBC. Quốc tế là gì? Chỉ có những người trong chuyên ngành của cậu ta đang công nhận. Ngành nào cũng có văn hóa bộ lạc. Ngành toán cũng thế. Hội toán học cũng có bầu cử, cũng có phe phái. Phe này lên, vận động cho chuyên ngành của mình. NBC giỏi trong chuyên ngành rất hẹp. Ngành hẹp đó do thầy anh ta chọn, chứ anh ta đâu có chọn. Nếu đưa NBC sang chuyên ngành hẹp khác thì cậu ta cũng ú ớ mà thôi. Thông minh là một chuyện, may mắn là một chuyện khác.

    Nói như thế để thấy rằng không nên thần thánh bất cứ một cá nhân nào thái quá. NBC giỏi và thông minh. Điều đó không ai cãi. NBC có tâm xã hội. Điều đó tôi công nhận. Nhưng nói NBC là “bậc thầy dân tộc” thì tôi khinh kẻ nói đó. Rất khinh. Nói NBC là siêu việt. Tôi cười.

    Trả lờiXóa