16/7/11

Tuyên ngôn của Nông dân Trung quốc về vấn đề đòi lại ruộng đất

Nguyên tác của Lưu Hiểu Ba
Đoàn Thanh Liêm lược dịch
Trích trong sách “Triết lý con heo”, bản Pháp văn do nhà xuất bản Gallimard ấn hành năm 2011: La Philosophie du porc.
Vào cuối năm 2007, tại Trung quốc nông dân nhiều địa phương đã phát động một phong trào đòi lại quyền sở hữu ruộng đất. Điển hình là các trường hợp sau đây:
1 – Ngày 9 tháng Mười Hai, 40.000 nông dân ở Đông Nam Cương và ở 72 làng xã thuộc thị trấn Phúc Âm thuộc tỉnh Hắc Long Giang đã công bố cho toàn quốc biết rằng họ dành lại quyền sử dụng đất đai của mình. Sự việc diễn tiến như sau: Ngày 28 tháng Mười Một, hội nghị toàn thể dân làng đã quyết định đòi lại ruộng đất đã bị chiếm cứ. Ngày 29 họ đã ra đo đạc lại các cánh đồng. Ngày 30 họ chuẩn bị việc cấp phát đất cho nông dân, và ngày 3 tháng Mười Hai, việc phân chia ruộng đất đã chính thức khởi sự.
2 – Ngày 12 tháng Mười Hai, một cuộc tập hợp của 70.000 nông dân bị dời chỗ, trong 72 ngôi làng thuộc các huyện Đại Lý và Đông Hoàn và thị trấn Hoa Âm trong khu vực Tam Môn Hiệp ở tỉnh Thiểm Tây, cũng đã công bố rộng rãi trên toàn quốc rằng: “Chúng tôi, 70.000 nông dân của hai huyện và một thị trấn, ngày hôm nay đã cùng nhau quyết định đòi lại quyền sở hữu trên ruộng đất mà tại đó chúng tôi đã canh tác từ nhiều thế hệ nay. Chúng tôi sẽ tổ chức để trao lại cho nông dân cái quyền chiếm dụng vĩnh viễn trên diện tích bình quân mà họ sử dụng, và chấm dứt các hành vi chiếm đất do những cán bộ các cấp gây ra”.
3 – Ngày 15 tháng Mười Hai, trong làng Thịnh Trang, thị trấn Nghi Hưng thuộc tỉnh Giang Tô, 250 gia đình nông dân đã thông báo cho toàn quốc về: “Quyền sở hữu vĩnh viễn trên các thửa đất” và sự áp dụng nguyên tắc “Người cư ngụ sở hữu căn nhà của mình”. Làng Thịnh Trang đã có trên 5.000 năm lịch sử và từ nhiều triều đại, qua nhiều thế hệ, mỗi gia đình đều biết rõ ràng các thửa đất cày cấy được và các núi có tre bao phủ thì thuộc về ai. Các mảnh đất này xưa kia thuộc về cha ông chúng tôi, bây giờ phải được trả lại cho chúng tôi, và trong tương lai sẽ được trao lại cho con cháu chúng tôi: Tất cả mọi thửa đất của làng Thịnh Quang là tài sản vĩnh viễn của từng gia đình, những mảnh đất canh tác được và những núi có tre bao phủ, và cả những ngôi nhà do tổ tiên để lại thì phải trả lại tất cả cho người dân trong làng, để cho họ canh tác và phát triển”.
Trong mấy năm gần đây, tại Trung quốc đã có sự thảo luận sôi nổi về vấn đề ruộng đất ở nông thôn. Nhưng tiếng nói của chính giới nông dân thì lại không hề được chú ý đến. Và các trường hợp được ghi ra trên đây chứng tỏ rõ rệt là người nông dân đã cất cao tiếng nói của mình để cho toàn thể quốc gia nghe được tiếng kêu từ sâu thẳm lòng đất. Những tuyên ngôn này bắt nguồn từ truyền thống lịch sử, dựa trên thực tế và công lý đã mở ra một lỗ hổng nhằm phá bỏ cái hệ thống phi lý về quyền sở hữu ruộng đất bị áp đặt từ thời kỳ Mao Trạch Đông đến bây giờ. Rõ ràng là người nông dân đã bắt đầu ý thức mạnh bạo dứt khóat về quyền tự chủ của mình, khi họ tuyên bố: “Ruộng đất dưới chân chúng tôi không phải là tài sản của nhà nước, cũng không phải là tài sản của tập thể, đó là mảnh vườn của tổ tiên chúng tôi là những người đã sống trên đó từ nhiều thế hệ, đó là tài sản thuộc về những người nông dân chúng tôi”. Và, để bảo vệ chủ quyền của mình, họ đã không chịu quỳ gối để mà xin xỏ một ân huệ nào. Mà lúc này, họ đứng thẳng lên để xác định cái quyền sở hữu của mình: “Chúng tôi là chủ nhân ông duy nhất của thửa đất dưới chân chúng tôi, và chúng tôi muốn trọn quyền chọn lựa cách thức chúng tôi sử dụng các đất đai ấy theo đúng sở thích của riêng chúng tôi”.

A - Đảng cộng sản đã tước đoạt toàn thể tài sản của nông dân

Lịch sử Trung quốc có những chu kỳ thịnh suy kế tiếp nhau, khi đất nước yên hàn, người nông dân vẫn khổ cực; mà khi nước loạn, thì nông dân cũng vẫn lầm than. Nhưng dù dưới chế độ phong kiến quân chủ có tàn bạo và nhũng lạm đến mấy đi nữa, thì cũng không có sự bóc lột và áp bức tột cùng như dưới chế độ cộng sản. Với chính sách tập thể hóa và hợp tác hóa nông nghiệp, không một mảnh đất nào mà còn thuộc quyền sở hữu của nông dân nữa. Và chính quyền cộng sản đã trở thành sở hữu chủ duy nhất của đất đai, họ toàn quyền thao túng trên số tài sản đồ sộ này. Một khi người nông dân bị lấy mất hết ruộng đất, thì họ trở thành nông nô bị ép buộc phải sinh sống trong các công xã.
Họ bị biến thành cái máy chuyền máu sang cho công cuộc kỹ nghệ hóa điên rồ của chủ tịch Mao. Cái thảm họa của chiến dịch “Bước nhảy vọt” đã gây cho nông dân sự nghèo túng cùng cực đến nỗi hàng chục triệu người phải chết đói, và nhiều nơi đã xảy ra nạn ăn thịt người.

B – Nông dân vẫn là thành phần bị thiệt thòi nhất của đất nước

Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, thì có sự thay đổi với hệ thống “hợp đồng khoán đất với các hộ gia đình nông dân”, để cho nông dân nhận ruộng đất mà canh tác và họ được thụ hưởng những hoa lợi trên khu đất đó. So với thời trước, thì đây là điều tiến bộ, mà có người gọi đó là “cuộc cách mạng giải phóng người nông nô”. Nhưng về thực chất, đây mới chỉ là một thứ “giải phóng nửa vời”, vì người dân vẫn chưa có quyền sở hữu trọn vẹn trên thửa đất do mình khai thác. Các cán bộ của nhà nước vẫn còn hành xử quyền quản lý trên các đất đai đó, và họ đã cấu kết với giới kinh doanh để thâu mọi lợi ích do sự lên giá của mọi bất động sản được sử dụng cho mục đích thương mại và đô thị hóa.
Và trong một chế độ không có tự do báo chí, không có nền tư pháp độc lập, thì người nông dân không có tiếng nói, không được quyền thành lập những hiệp hội nông dân, mà họ chỉ có một cách duy nhất là viết đơn “thỉnh nguyện” (pétition) gửi lên chính quyền mà thôi. Nhưng vì các cán bộ họ bênh đỡ, bao che lẫn nhau, nên mọi khiếu nại của nông dân đều không được giải quyết thỏa đáng. Rút cục, người dân chỉ còn có một cách duy nhất để tranh đấu bằng những “phản kháng tập thể” (incidents collectifs). Cán bộ lại ra tay đàn áp tàn bạo.
Điển hình như vào ngày 6 tháng Mười Hai năm 2005, tại làng Đông Châu trên vịnh Hồng hải, thị trấn Sán Vĩ, tỉnh Quảng Đông, nhân cuộc tranh chấp về đất đai, chính quyền đã điều động hàng ngàn cảnh sát đến ném lựu đạn cay và xả súng bắn vào số trên 1.000 người dân biểu tình, khiến cho ít nhất là 3 người thiệt mạng và nhiều người bị bắt giữ.

C – Bị dồn vào thế cùng, nông dân phải tìm cách tự giải thoát lấy

Như đã trình bày ở trên về ba trường hợp tập thể nông dân đã tự phát đứng lên công bố xác định về quyền sở hữu ruộng đất của mình. Họ phải làm như vậy, vì không còn phương cách nào khác nữa để có thể giải quyết được tình trạng bế tắc đã kéo dài quá lâu ở địa phương. Xin ghi thêm chi tiết về các vụ phản kháng tập thể “ngoài luồng” này:
1 – Tuyên cáo của 250 gia đình nông dân tại làng Thịnh Trang, thị trấn Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô nhấn mạnh như sau:
“Dưới danh nghĩa phát triển những tiện nghi công ích và xây dựng thiết bị công cộng cho tập thể, những nhóm thế lực do sự cấu kết của giới kinh doanh và cán bộ địa phương đã dùng sức mạnh để chiếm đoạt đất đai của nông dân và xây cất trên đó những khách sạn, nhà hàng, vũ trường và những khu phố thương mại, tất cả chỉ vì lợi ích thương mại mà thôi. Vì lý do đó mà người nông dân đòi hỏi phải có sự giải thích: “Những chuyện này có liên quan gì đến công chúng? Có liên hệ gì đến quyền lợi của nông dân chúng tôi?”.
“Hôm nay, chúng tôi muốn đặt câu hỏi là: Đất nước này thuộc về ai? “Lợi ích công cộng” thuộc về ai? Tập thể thuộc về ai? Mỗi khi đất đai bị chiếm cứ, dân làng phản đối, ký kiến nghị, thì Chủ tịch xã và Chi bộ đảng lại nhân danh “tập thể” mà “đại diện” cho toàn thể nông dân bằng vũ lực… Cán bộ, cảnh sát, bọn mafia “liên kết với nhau để thi hành pháp luật”, bằng cách đánh đập, phá phách, cướp đoạt phương tiện sinh sống của chúng tôi. Và bọn mafia tuyên bố công khai rằng họ “nhân danh chính quyền để giải tỏa đất đai, các người phải tuân lệnh vô điều kiện. Kẻ nào chống lại việc làm này của họ, tức là chống lại nhà nước”. Rõ ràng đây y hệt như là tác phong của phường lũ cướp bóc ngày xưa vậy…”.
2 – Những nông dân tại thị trấn Phúc Âm đã hiểu rõ những gì núp đàng sau bức màn che của “nhà nước” và của “tập thể”, và trong tuyên cáo, họ đã ghi ra thật rõ ràng như sau: “Bởi vì từ lâu nay cái gọi là sở hữu tập thể đã làm mất hết ý nghĩa của quyền “Làm chủ trên đất đai” của người nông dân, và những viên chức cán bộ các cấp cùng với kẻ độc tài địa phương thị trấn Phúc Âm đã không ngừng nhân danh tập thể để chiếm đọat ruộng đất của nông dân và đem chia chác cho nhau. Họ đã ngang nhiên trở thành chủ nhân ông và nông dân thì biến thành người đi thuê mướn lại các thửa đất ấy. Vì thế mà nay chúng tôi đã đồng lòng quyết định là phải thay đổi cái lề lối chiếm dụng đất đai này, và thực sự áp dụng và bảo đảm cái vị thế làm chủ đất đai của các hộ gia đình và của các cá thể nông dân”.
3 – Tuyên ngôn của 70.000 nông dân trong vùng Tam Môn Hiệp cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi biết rằng bất kể luật pháp và chính sách của nhà nước quy định ra sao, thì việc kiểm soát đất đai cũng rất khó khăn. Một khi quyền làm chủ ruộng đất trở lại vào tay của nông dân, thì những thế lực ham hố lợi lộc sẽ không còn dám chiếm đọat, bởi lẽ các đất đó không phải là thứ đất đai tập thể nào đó nữa, mà là thuộc về những con người cụ thể rõ ràng. Và vì đất này là nguồn lợi sinh sống cho họ, nên người nông dân sẽ quyết tâm bảo vệ tài sản này mỗi khi bị uy hiếp. Một khi lực lượng nông dân được huy động, thì chính quyền trút được gánh nặng trong việc bảo vệ đất đai. Đó chính là cách thức giải quyết tận gốc rễ cho vấn đề tại nông thôn, và người nông dân có thể trở thành ngang hàng bình đẳng với người dân thành phố và thụ hưởng những thành quả của công cuộc hiện đại hóa nữa”.

D – Một cuộc cách mạng còn vĩ đại hơn nữa

Nếu ta coi việc nông dân xã Hiểu Cương, huyện Phong Dương, tỉnh An Huy cùng tự phát ký tên vào hợp đồng khoán đất với các hộ gia đình như là cuộc cách mạng thứ nhất trong quá trình giải phóng nông dân, thì bản tuyên cáo về quyền sở hữu về đất đai của nông dân tại ba địa phương nói trên là cuộc cách mạng thứ hai nhắm vào việc “tự giải phóng” (autolibération) của giới nông dân Trung quốc. Cuộc cách mạng thứ hai này còn vĩ đại và đi xa hơn cuộc cách mạng thứ nhất rất nhiều.
Những nông dân đã đưa ra bản tuyên ngôn này, thì họ có ý thức rất rõ ràng. Tiếng nói của họ không phải chỉ là tuyên cáo về ruộng đất của nông dân, đây còn là một tuyên ngôn về các quyền của tập thể giới nông dân Trung quốc nữa vậy.
L.H.B.
Đoàn Thanh Liêm dịch tóm lược, Costa Mesa, trung tuần tháng Bảy 2011
Admin gửi hôm Thứ Bảy, 16/07/2011
Bạn đánh giá bài viết này thế nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét