HÀ NỘI (Người Việt ) - Ngày 17 tháng 1, 2012, các báo ở Việt Nam tường thuật cuộc tiếp xúc của ông Ðỗ Trung Thoại, phó chủ tịch thành phố Hải Phòng, khi ông này tới dự một cuộc “giao ban” với báo chí.
Căn nhà 2 tầng của gia đình ông Ðoàn Văn Quý và căn nhà lợp bổi của ông Vươn bị đốt phá, san phẳng sau vụ cưỡng chế ngày 5 tháng 1. (Hình: VNExpress)
Ngoài chuyện yêu cầu báo chí phải tự bịt miệng và không được đưa tin tiếp về vụ việc cưỡng chế trái luật kiểu cướp ngày đã đẫn đến người dân nổ súng nổ mìn khi bị dồn vào đường cùng, ông còn nói rằng hai ngôi nhà của anh em ông Ðoàn Văn Vươn đã bị san bằng chỉ vì “dân bất bình nên phá nhà ông Vươn.”
Mấy ngày gần đây, nhiều bài báo “lề phải” dẫn lời của một số người như nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Ðặng Hùng Võ, một số luật sư, cũng như trưng dẫn một số tài liệu chứng minh vụ cưỡng chế sai từ đầu. Rồi sự lên tiếng của ông Lê Ðức Anh, nguyên chủ tịch nước, 3 tướng lãnh quân đội CSVN nghỉ hưu, đều cho rằng nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng làm bậy, được sự hậu thuẫn của viên chức cấp thành phố và cả hệ thống tòa án, nên đã xảy ra sự chống đối.
Ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, vừa là người cầm đầu chính phủ, lại cũng là “đại biểu nhân dân” của Hải Phòng, thấy không thể nín thinh mãi, cũng ra lệnh nhà cầm quyền Hải Phòng điều tra toàn bộ vụ việc và báo cáo “kiểm tra làm rõ đúng sai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc cưỡng chế.”
Bộ Công An, theo tờ Pháp Luật, cũng cho hay “lãnh đạo bộ sẽ có cuộc họp để nghiên cứu vụ cưỡng chế và dùng súng chống trả lực lượng chức năng ở huyện Tiên Lãng.” Bộ Tài Nguyên Môi Trường thì “chính thức chỉ đạo Tổng Cục Ðất Ðai theo dõi vụ cưỡng chế đất tại Tiên Lãng để có những chỉ đạo cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ lĩnh vực quản lý của ngành.”
Bên cạnh đó, nhiều báo cũng loan tin “Mặt Trận Tổ Quốc VN” sẽ “lập đoàn giám sát vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng.”
Từ một chuyện xảy ra ở khu đầm nuôi cá của gia đình anh em ông Ðoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, đã trở thành đề tài phát biểu sôi nổi của rất nhiều giới khác nhau trong nước.
Phía nhà cầm quyền tự xã lên huyện tới thành phố đều nằng nặc nói làm đúng luật. Nhưng ngoài những ông này ra, ai cũng thấy các ông làm trái luật. Các ông viện dẫn Luật Ðất Ðai và nói mình làm theo đó nhưng ông Ðặng Hùng Võ bẻ ngược lại là không có luật nào của Việt Nam cho phép các ông tự ý tùy tiện cho thuê đất hay thu hồi, ngắn hạn hay dài hạn không chừng. Theo ông Võ, luật đất đai nói phải giao 20 năm không hơn, không kém. Hết hạn cũng không thu hồi mà giao tiếp tục. Ðằng này, nhà cầm quyền lấy lại để “giao cho ai thì giao.”
Chỉ vì ông Vươn khiếu nại, kiện tụng về sự trái luật của các ông suốt nhiều năm đã được hứa hẹn rồi bội ước nên mới xảy ra vụ việc chống cưỡng chế sáng ngày 5 tháng 1, 2012.
Báo Dân Trí ngày 18 tháng 1, 2012 có một bài viết đả kích ông Phó Chủ Tịch Ðỗ Trung Thoại là “vu oan cho nhân dân” phá nhà anh em ông Vươn. Báo chí Việt Nam cho hay hai căn nhà của anh em ông Vươn nằm ngoài chỗ bị cưỡng chế. Lúc đầu thì nhà cầm quyền địa phương nhìn nhận san phẳng vì nơi đó có những kẻ chống đối ẩn núp. Bây giờ ông phó chủ tịch tỉnh chối tội giùm.
Vào cái ngày định mệnh đó, khi đoàn cường chế hàng trăm người võ trang súng ống cùng mình đầy ra đó thì có thứ “nhân dân” nào dám tới đó mà “bức xúc”? Mà phá nhà người khác? Hình ảnh về vụ cưỡng chế công bố trên nhiều báo cho thấy hàng ngàn người dân đứng xem cưỡng chế bị Công an, Cảnh sát Cơ động chận từ xa, đâu có ai được tới gần.
“Tưởng sự dối trá đến thế là cùng nhưng vẫn chưa đủ khi gần đây, ông Phó Chủ Tịch UBND TP. Hải Phòng Ðỗ Trung Thoại lại nêu việc phá ngôi nhà của ông Quý là do... nhân dân bức xúc. Một sự vu oan giá họa, trắng trợn đổ tội cho nhân dân và đó là câu dối trá vô liêm sỉ nhất mà mình được nghe từ miệng một quan chức chính quyền cấp tỉnh.”
Báo Dân Trí ngày 18 tháng 1, 2012 viết: “Còn giả sử, vâng giả sử nếu do nhân dân bức xúc phá nhà ông Quý thì gần một trăm chiến sĩ công an, quân đội và nhiều vị lãnh đạo các cấp có mặt tại thời điểm đó tại sao không ngăn cản, bảo vệ? Trách nhiệm của công bộc đối với những người đóng thuế nuôi họ để đâu? Rồi ‘nhân dân bức xúc’ là ai? Tên tuổi là gì? Tại sao cho đến giờ chưa có ‘nhân dân bức xúc’ phá nhà nào bị truy tố vì tội phá hoại tài sản công dân? Ðó là chưa kể có nhiều bức ảnh đã ghi lại cảnh đập phá này.”
Bài viết này kết luận, “Ðổ tội cho nhân dân, vu vạ cho cấp dưới là vô liêm sỉ. Sự lèo lá, tráo trở đã không còn giới hạn.”
Lên tiếng trên báo Giáo Dục Việt Nam, Tướng Phạm Xuân Thệ phát biểu: “Bản thân ông Vươn là người được học hành tử tế, là một kỹ sư nông nghiệp, nên ông ta không dễ gì có những hành động tiêu cực, vi phạm pháp luật như vậy. Tôi cho rằng, nguyên nhân sâu xa nằm ở cách giải quyết của chính quyền địa phương và cần phải xem xét lại nghiêm túc vấn đề này.”
Còn Tướng Huỳnh Ðắc Hương, từng tới thăm gia đình ông Vươn năm 1999, nói rằng: “Những người như ông Vươn là tấm gương làm kinh tế mà các người dân ở nước ta phải noi theo. Và với tấm gương sáng như vậy, thay vì tạo điều kiện giúp đỡ, mà tổ chức cưỡng chế, hủy hoại tài sản của họ, thì tôi cho rằng những lãnh đạo địa phương không có tấm lòng.”
Tướng Phạm Xuân Thệ cho rằng những tráo trở của nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng toa rập với tòa án ở Hải Phòng “chẳng khác nào lợi dụng lòng tin của nhân dân vào chính quyền để làm tổn hại tới quyền lợi nhân dân.”
Trên báo điện tử của Dòng Chúa Cứu Thế ngày 18 tháng 1, 2012, đăng tải phóng ảnh Ðơn Kêu Cứu của ông Ðoàn Văn Vươn đề ngày 5 tháng 12, 2011 là ngày ông bị cưỡng chế tài sản. Khi vụ việc xảy ra thì ông cầm đơn đi kêu cứu với nhà cầm quyền Hải Phòng nêu ra các tráo trở của nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng.
Trong đó, ông trình bày cho thấy ngày 4 tháng 10, 1993 ông đã được huyện giao cho “khoanh vùng nuôi trồng thủy sản” 21 ha ở bãi biển Vinh Quang (phía tây Cống Rộc). Ðến ngày 9 tháng 4, 1997 thì được giao thêm 19.3 ha nữa. Nói là giao đất nhưng thật ra chỉ là những bãi bồi hoang vu không làm gì được. Ông và gia đình đã vay vốn, đầu tư cả sức người và tài sản để đắp đê làm kè chống chọi lại với sóng biển suốt nhiều năm trời mới tạo thành những khu đầm nuôi tôm cá và cây ăn trái.
Bỗng dưng ngày 7 tháng 4, 2009, trong đơn ông viết, ông Lê Văn Hiền, chủ tịch huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi khu vực nuôi trồng thủy sản của gia đình ông. Ông kiện ra tòa thì được yêu cầu hòa giải. Ngày 25 tháng 6, 2010, “Tòa án nhân dân” Hải Phòng gửi văn thư cho ông nói như sau: “Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng đã tạo điều kiện để các đương sự thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ án và ngày 9 tháng 4, 2010 tại trụ sở Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng ông nhất trí rút đơn kháng cáo và xin thuê lại đất theo quy định của pháp luật, đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng cũng nhất trí cho ông thuê lại đất theo quy định của pháp luật. Vì vậy Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng đã đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ kiện. Ðể được tiếp tục thuê đất, ông cần làm đơn (và hồ sơ xin thuê đất) gửi tới Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng để giải quyết theo thẩm quyền.”
Với văn bản này, nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng coi như không có kháng cáo và bản án sơ thẩm (cho phép cưỡng chế) có hiệu lực nên ông Lê Văn Liêm ra lệnh cưỡng chế cho dù bức thư của tòa án nói rõ là nhà cầm quyền huyện đã “nhất trí” cho ông Vươn tiếp tục thuê đất.
Báo Ðại Ðoàn Kết ngày 18 tháng 1, 2012 gọi những quyết định tráo trở của nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng là “những quyết định trời ơi.”
(TN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét