28/3/12
"Tinh thần" vô cảm
Nguyễn Xuân Nghĩa
Ngày nay không một quốc gia văn minh nào trên thế giới này vô cảm với sinh mạng và các quyền lợi hợp pháp của công dân nước mình.
Các nước Mỹ, Anh, Pháp, Nhật… cho đến ngày nay vẫn tiếp tục tìm kiếm tin tức và hài cốt những công dân của họ, dù đã từ thế chiến thứ hai, hoặc chiến tranh Việt Nam.
Bằng mọi cách họ phải giải cứu các con tin là công dân nước họ bị bọn khủng bố bắt cóc ở nước ngoài, có thể phải bỏ ra hàng chục triệu USD tiền chuộc.
Chính họ cũng đang kêu gọi chính phủ nước khác tha án tử hình cho công dân của mình, dù công dân này có nguồn gốc từ cộng đồng nhập cư trong đó có cộng đồng ngừời Việt, khi công dân này phạm trọng tội tại nước ngoài.
Chính phủ và người Việt Nam ta thì sao?
Không biết từ bao giờ chính phủ và người Việt Nam chúng ta đã làm quen với thói vô cảm.
Việc Chính phủ, giới truyền thông và người dân trong nước phản ứng lấy lệ khi tàu chiến Trung Quốc bắn chết và bắn bị thương 9 ngư dân Việt Nam người Thanh Hóa vào năm 2005, khi đang đánh cá trên vùng biển chúng ta có nói lên rằng chúng ta đang vô cảm với chính người dân của chúng ta hay không?
Và mới đây nhất, tối ngày 29/6/2008 hai công dân Trung Quốc đánh đập đến chết một kỹ sư Việt Nam, ngay trên đất thủ đô của Việt Nam mà không có sự can thiệp (hoặc có nhưng quá muộn) có nói lên điều này không?
Sự kiện đau lòng này bắt buộc chính phủ nếu có lương tâm, trách nhiệm với công dân cũng như tất cả các công dân còn lương tri phải suy nghĩ.
Đây không phải là một nhát dao hoặc viên đạn trúng vào huyệt sinh tử để nạn nhân tử vong cấp tính, đến nỗi những người chứng kiến không kịp can thiệp.
Mà đây là một vụ hành hung, theo mô tả của truyền thông, từ các hành vi đấm đá đến cầm chân nạn nhân dốc ngược, đập đầu xuống đất cho đến tử vong ít nhất cũng kéo dài trên dưới 30 phút.
Giữa một đường phố đông đúc ở thu đô Hà Nội và giữa nạn nhân là người Việt và kẻ giết người là người Trung Quốc ( đang trong giai đoạn nhạy cảm) vậy những người đi đường, chứng kiến và đều là người Việt Nam ở đâu, sao không can thiệp?
Chúng ta đã là một cộng đồng vô cảm, vô cảm đối với cả người ruột thịt của mình.
Rất nhiều nhà nghiên cứu, nhiều tác giả đã phê phán “tinh thần” vô cảm của người Việt Nam chúng ta.
Xuất phát điểm của người dân chúng ta không phải là vô cảm. Cha ông ta đã để lại những câu ca: “ Bầu ơi thương lấy bí cùng/ tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Vậy; “tinh thần” vô cảm này xuất hiện từ bao giờ ?.
“Tinh thần” vô cảm của cộng đồng chúng ta có quan hệ gì đến một xã hội yếu kém tạo ra do một chính quyền yếu kém hay không?
Ai trả lời câu hỏi này?
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa
__________________________________
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét