13/3/10

Những Nét Dị Biệt của Hai Nền Văn Hoá Việt Mỹ

GS Xuân Vũ Trần Đình Ngọc

  Nặng Phần Trình Diễn

 Có những đám ma của người Việt nhất là những người chết là các ông già bà cả đông con nhiều cháu, lại sẵn tiền thì làm rềnh rang lắm.

Nguyên một cái vụ chụp hình, quay video, con cháu phải huy động những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, trả tiền bộn cho họ, chưa kể những máy chụp hình của người nhà, của con cháu đi theo linh cữu mà bấm lia lịa.

Một ông già tôi biết, chết ở quận Cam, California cách đây khoảng chục năm, người con lớn của ông ta khá giả nên dùng đến 2 dàn quay video cùng với hàng chục phó nhòm khác có nghĩa quay và chụp hết mọi góc cạnh, hết cả những ngày để người chết ở nhà quàn tối tối đọc kinh, quay cho đến khi nhân viên nhà quàn bỏ quan tài lên xe chở trở lại phòng lạnh.

 Hôm đưa quan tài vào nhà thờ để các Linh mục đồng tế (15 cha) dâng lễ thì còn long trọng nữa.(Có đám cố mời cho được Đức Giám mục địa phận, có như vậy mới oai, mới nổi nang.) Các chi tiết trong thánh lễ, từ bài giảng, lúc Linh mục dâng Mình Thánh và Máu thánh lên cao (sau lời nguyện biến bánh, rượu thành Mình, Máu Chúa mà lễ nào cũng y như lễ nào), lúc mọi người lên rước lễ, tóm lại dàn quay video không bỏ sót một chi tiết nhỏ nhặt nào làm như phải chụp, phải quay cặn kẽ như thế thì người chết (và người sống) mới toại nguyện!

Sau thánh lễ ở nhà thờ, quan tài và mọi người lên xe rùng rùng chạy ra nghĩa trang, ở đó lại thêm vài ba tiếng nữa mới xong.

 Quan tài còn để ở trên miệng huyệt nhờ mấy cây đòn ngang, bắt đầu là anh con cả vĩnh biệt cha với một bài dài thoòng kể lể đầu cua tai nheo, rồi anh con thứ, con thứ nữa, 5 cô con gái, bà mẹ...Vị Linh mục hay Hoà thượng được mời đi theo ra làm phép huyệt hoặc tụng kinh lần cuối đứng tê chân dưới cái nắng nung người mùa Hè Cali. May mắn lắm thì có người mang dù đi và một thanh niên đứng che dù cho Linh mục (hay Thượng toạ).

 Những người đi đưa ai chẳng thương người quá cố nhưng kể từ lúc động quan rồi di quan đưa vào nhà thờ (chùa) đến giờ đã hơn 3 tiếng, ai nấy đều uể oải, mỏi mệt và khát. Nhà hiếu có mang nước chai đi mời nhưng chỉ đỡ khát mà không đỡ mệt. Uống nước vào lại phải kiếm chỗ giải quyết cái bàng quang (bọng đái) cho nên chờ ném được hòn đất hay bông hoa vĩnh biệt người quá cố về đến nhà ít nhất cũng phải 1 rưỡi chiều. Người nhà hiếu ngồi coi cho nhà quàn lấp đất, về nhà sau đó vài tiếng nữa. Nghĩa tử nghĩa tận thật đấy nhưng mấy cụ cao niên không cách gì chịu đựng được lâu như thế bởi đã bắt đầu từ 9 hay 10 giờ sáng!

 Chung qui là từ cái tinh thần quá nặng phần trình diễn, muốn nổi, muốn trội, ai cũng phải thua mình, mình là hạng nhất trong vụ đó, để được nghe lời khen:

“Đám ma to quá, nguyên vòng hoa đã phải dùng bốn cái xe truck chở theo, chụp cả nghìn tấm hình, video quay cả mấy tiếng đồng hồ v.v...Mấy người con có hiếu quá!”

 Những lời khen tặng ấy có ích gì cho người chết không?

Không!

Có ích gì cho người sống không? Không!

Quay video và chụp hình nhiều như thế sau này có bỏ ra coi không? May ra được một lần! Thương người chết thì vẫn thương nhưng bỏ video ra coi lại đám ma, ít người coi trọn cuốn, coi đi coi lại cũng chỉ có vậy, hơn nữa bận tối mắt vì đi làm, thì giờ đâu mà coi. Có những cuốn video đám cưới, đó là việc vui mừng, có cặp chỉ quay cho lắm, chụp cho nhiều chứ không bao giờ giở ra coi lại được một lần. Nhiều cặp, video còn nguyên đó nhưng người thì đã chia tay, chia chân, chia nhà, chia xe rồi.


“Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ mừng thế! Trời mùa Thu Cali, suốt đời làm chia ly”!


Như vậy quay cho lắm để làm gì? Để lấy le với người quen mà thôi. Sao lại phí tiền và phí thì giờ thế? Nhiều người tự bào chữa:”Vì thói quen, người ta làm cho bố mẹ người ta, mình không làm, sau này ân hận!”


Nói thế thì đất nước mình muôn năm vẫn hủ lậu mà thôi. Nếu thấy cái gì dở phải dứt khoát bỏ ngay, cái gì hay thì duy trì và làm cho nó hay thêm, như vậy mới theo kịp người chứ!

Thời nay có nhiều người, họ không “chơi” kiểu đó nữa nhưng thông báo cho mọi người thân, sơ biết, nếu muốn phúng điếu hoa cho người quá cố thì xin dùng tiền đó bỏ vào cái quỹ này, quỹ kia để giúp các cơ sở từ thiện, các Cô nhi viện, các viện chữa trị Aids, phong cùi, ung thư v.v...Việc làm đó vừa tạo phúc cho người bỏ tiền, vừa làm mát linh hồn người quá cố lại chẳng hơn phí tiền vào hình ảnh, hoa hoét sao?

 Nếu muốn, dăm ba tấm hình chụp quan trọng về người chết từ khi nằm xuống, thiết nghĩ cũng đủ. Tất nhiên không ai không có một tấm hình khi còn trẻ trung, đẹp đẽ, khoẻ mạnh. Người còn sống dùng tấm hình ấy để thờ, để lưu niệm sau này mà lại hay hơn những tấm hình lúc đã nằm liệt giường.

 Người Mỹ không chụp hình, quay video trong đám tang. Họ rất sợ cái buồn, cái tang chế. Chôn cất xong rồi là họ gói những kỉ niệm lại, hình ảnh người chết cũng thu nhặt bỏ vào một cuốn album mà ít khi giở ra trừ những trường hợp đặc biệt như phải cho con cháu biết mặt mày ông bà nội, ngoại chúng v.v...

 CÓ NHỮNG TỤC LỆ TỪ NGƯỜI TÀU

 Người con trai cả ở Việt Nam khi xưa khi cha chết phải làm lều bên cạnh mộ cha ở ngoài đồng canh mộ 3 năm mà nhớ đến cha. Mỗi tối phải thắp hương cầu nguyện trước bài vị, đêm ngủ tại lều, ban ngày tới bữa thì về nhà ăn cơm rồi lại ra mộ. Nói rất ít, không cười, không tiếp bạn bè thân sơ. Có thể đem sách ra lều đọc còn những việc  khác thì không.

Khi cha chết cũng không được vui vầy ân ái với vợ, không đi đình đám, dự đám cưới, uống rượu, cười nói, mặc đồ không phải đồ tang. Người thường đi giầy, đi guốc nhưng những người có đại tang này phải đi chân đất. cấm mặc mầu đỏ và những mầu vui tươi vì trái với kẻ đang có tang chế. Cấm uống rượu, chơi bài bạc, dự các hội xuân, làng vào đám, hát quan họ v.v...Những thứ này bị coi là có hành động bất hiếu vì đã sớm quên cha.

 Sau khi mãn tang 3 năm anh ta mới được trở về nhà, rất hà tiện nụ cười vì nó không thích hợp với người đang để trở (tang); ai hỏi đến cha thì mặt đăm đăm thương nhớ, thờ cha từ trong lòng ra đến ngoài mặt, có người nào nhắc đến cha thì lại khóc.

Ngày tiễn cha ra phần mộ, anh ta phải mặc quần áo vải sô, đầu chít khăn sô, ngang lưng thắt một dây bện bằng tầu chuối, chân đi đất, quay mặt vào quan tài mà bước giật lùi (chứ không được đi như người thường, vì vậy đám ma xưa, nhìn vào là biết ai là con cả người quá cố).

 Mắt anh ta đỏ hoe vì khóc quá nhiều, ai hỏi gì cũng nhìn nhìn chứ không trả lời. Mọi việc lo liệu tang ma đã uỷ cho những người khác, anh ta đã cấm khẩu từ khi phát tang. Nếu phải cám ơn thân bằng quyến thuộc đi đưa, một người khác nói hộ anh ta, anh ta chỉ đứng bên cạnh và khi người kia nói xong thì sụp xuống lậy mọi người ba lậy để gọi là trả ơn đã đưa cha anh ra mồ cao mả dài!

 Những tục lệ đó chính là từ người Tàu. Minh tinh nhà tang, vàng mã, làm nhà trên mộ canh mộ cũng từ người Tàu. Có hiếu với cha mẹ là điều rất tốt nhưng những hủ tục này cần phải được cải thiện. Với xã hội ngày nay, ba năm canh mộ lấy tiền đâu mà ăn, mà nuôi con? Một mình người vợ sao có thể đảm đang nuôi cả gia đình? Vả lại canh mộ như vậy không giúp ích gì cho người chết và người sống mà chỉ phí thì giờ quí báu để lo cho người sống như các đứa con đang cần sự chỉ dạy của người cha, để là chỗ nương tựa của người vợ.

Đời người khi xưa rất ngắn, thường chỉ sống ngoài 50 đến 60 tuổi. Ba năm là 1/20 đời người, bỏ phí vô ích cho một công việc không cần thiết. Đó chính là hủ tục của người Tàu mà ta nhiễm lấy. Ba năm đó, tay một người đàn ông sản xuất biết bao lợi lộc cho gia đình mà vợ con cũng được nhờ cậy, vui vẻ. Bởi vậy, thấy cái gì sai phải dứt khoát và can đảm bỏ ngay thì đất nước mới tiến bộ được.

 Người Mỹ nhớ ngày sinh, không nhớ ngày tử. Họ chụp hình ngày đứa bé sinh ra, ngày nó đi học lần đầu, ngày nó tốt nghiệp High school, tốt nghiệp Đại học, ngày cưới, những ngày vui cuộc đời nó, đứa con đầu tiên và những đứa con sau này nhưng họ không chụp hình người ốm (bệnh) và người chết trừ những trường hợp cần phải làm một, hai tấm vì lí do gì đó chứ không phải để lưu niệm, lâu lâu đem ra ngó. Họ thích cái đẹp, cái khoẻ, cái vui. Họ không hoài cổ như người Việt. Khi nghe tôi nói có đám ma Việt Nam quay video tốn cả hơn chục ngàn đôla, họ trố mắt nghi ngờ. Khi tôi nói đó là sự thực họ mới tin và bảo, có lẽ những người nhà hiếu đó đã điên rồi hoặc không điên thì liệng tiền qua cửa sổ.

Tôi nói họ muốn mua cái danh hão nhưng khốn thay vẫn còn nhiều người thích cái danh hão đó! Họ chỉ sợ lúc họ chết, có ít người đi theo quan tài!

NGƯỜI VIỆT NAM THÍCH XÂY LĂNG


Chị tôi đã hơn 90 tuổi mất ở Việt Nam mấy năm nay, các con chị báo tin cho tôi. Tôi gửi các cháu chút tiền để phụ lo đám tang. Vì tôi không kịp dặn nên sau đám táng khoảng 4 tuần, tôi nhận được bao thư của các cháu con chị gửi cho tôi tấm ảnh chụp mộ chị đã xây, cao, chắc chắn và đẹp. Tôi gọi phôn về bảo ở Mỹ người ta không cần xây mộ như thế, đúng ra cũng không cần chụp hình gửi cho cậu vì ngôi mộ nào cũng gần giống như nhau, cậu có nhìn một lần rồi cũng bỏ vào trong ngăn kéo, chưa chắc đã có lần cậu giở ra coi lại lần thứ nhì mặc dù cậu thương mẹ các cháu lắm.

 Số tiền để làm việc đó đem giúp cho những kẻ nghèo khổ, cơ nhỡ hoặc tàn tật mà lại ích lợi hơn là xây mộ.

Tôi cũng viết thư cho các cháu nói, ở Hoa Kỳ người ta không xây lăng mộ. Vị Tổng Thống hay phu nhân nằm chung với thường dân hay các anh chiến binh trong nghĩa trang, mỗi ngôi mộ có một khoảng diện tích ngang 1m dài 2m, mộ nọ ở kế mộ kia, ở đầu cắm một cây thánh giá sơn trắng chiều cao khoảng một cánh tay, cây nào như cây nấy, chỉ khác ở trên có viết tên họ, và năm sinh, năm mất của người chết.


Người ta không nhìn thấy từ ngôi mộ, ai giầu, ai nghèo, ai quyền cao chức trọng lúc sống, ai thường dân. Trước mặt Thượng Đế chí tôn, ai cũng như ai, có hơn chăng là khi sống đã làm được những điều gì ích quốc lợi dân, giúp đỡ kẻ nghèo hèn hay chỉ là những kẻ phá hoại con người, đầu độc xã hội, đẻ ra những chủ thuyết mê lầm dối trá hòng bịp bợm nhân dân để vinh thân phì gia, hưởng lạc nhiều đời.


Họ là những người có ích cho nhân loại như bà bác học Marie Curie (1867-1934), nhà bác học Louis Pasteur (1822-1895), bác học Albert Einstein (1879-1955, thuyết tương đối), anh em ông Wright (người Mỹ, phát minh ra máy bay), nhà bác học Thomas Edison (1847-1931, nhà phát minh về điện) v.v... hay chỉ là những Hitler, Tần thuỷ Hoàng, Polpot, Xít-ta-lin, Lênin, Karl Marx, Engels, Hồ chí Minh, Ceausescu, Castro, Trần ích Tắc, Lê chiêu Thống và nhiều tên khác không thể kể ở đây v.v...để cho người đời thoá mạ nghìn năm?    


Lăng của Gia Long, của Minh Mạng, của Tự Đức và cả của Khải Định to và đẹp thật nhưng nó chỉ là những cái mả con cháu, đồng chí tôn vinh làm cho. Chúng sẽ tan ra tro bụi một ngày nào đó vì không có gì tồn tại với thời gian.


Nhưng nếu những ông vua này làm ích quốc lợi dân rõ rệt thì chẳng cần xây lăng, xây mộ làm gì. Cái lăng đẹp nhất, vững bền nhất, to lớn nguy nga hoành tráng nhất xây giữa lòng nhân dân Việt Nam như lăng Hai Vua Trưng, lăng Tổ Hùng Vương, lăng đại đế Quang Trung, lăng vua Lê Thái Tổ, lăng tướng Lý thường Kiệt hay lăng về văn học như lăng các thi hào Nguyễn Du, Nguyễn công Trứ, Cao bá Quát, Trần tế Xương, bà huyện Thanh Quan, Nữ sĩ Hồ xuân Hương v.v...Những cái lăng không có hình tướng, không xây bằng xi măng cốt sắt, nó chỉ mờ mờ ảo ảo ở trong tâm hồn người dân Việt thế mà nó tồn tại đến muôn đời, cho đến khi nào không còn một người Việt. Nào có ai xây cho các vị này một ngôi mộ to lớn như mộ của vua Minh Mạng hay Tự Đức đâu? Thế mà nó vẫn chình ình trong trí tưởng của mọi người đủ biết sự tốt lành, sự thiện hảo, cái đức sáng của con người không bao giờ bị xoá nhoà.Và, cái khác biệt của người này với người kia sau khi chết chính là cái lăng vô hình vô tướng đó.

 Chúa Kitô lúc giã từ cõi đời mà Ngài đã xuống để chuộc tội loài người, các môn đệ táng Ngài trong hang đá (sinh ra trong hang đá, chết trở về với hang đá) thiếu cả một cái khăn liệm cho đủ vải, không dầu thơm, không nhang đèn, không rẩy nước thánh, không có ca đoàn hát bài Requiem can in Paces, chỉ một hòn đá lớn chắn cửa hang, không ghi tên tuổi gì cả trái với lúc Chúa ở trên cây thánh giá còn có bảng để chữ INRI (vua Do Thái).

 Không hết mọi thứ nhưng Chúa đã sống lại vinh hiển, đã có đủ mọi thứ mà vua chúa đời này không thể sánh được! Nếp sống giản dị đơn sơ của Chúa, từ khi sinh ra cho đến khi sống lại không phải là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo và bắt chước ư? Để bắt đầu sống đạo, chúng ta hãy bắt chước cái tính giản dị ấy của Chúa trước nhất!

 Có nhiều Phật tử phải lặn lội sang Ấn độ tìm đến chỗ Phật Thích Ca thành đạo dưới tàng cây bồ đề. Nhiều Phật tử khác nói họ không cần đi vì Phật ở ngay trong tâm họ: Tâm tức Phật, Phật tức tâm. Đi hành hương xa nhưng cái tâm không lành, chuyên ăn gian nói dối, lường gạt bịp bợm thì chắc chăn không Phật nào chứng quả!

 Trở lại với dòng suy tư ở trên, trái lại, một kẻ phản quốc, một tên Việt gian, tên bịp quốc tế dù xây mười cái lăng thật lớn thật đẹp, lính gác cả nghìn, đèn đuốc cả triệu ngọn mỗi tối thì khi có dịp đi ngang qua, người dân cũng khinh bỉ nhổ nước miếng vào.

Đâu cứ nhất thiết xây lăng tẩm như Khải Định, một ông vua dốt nát và bồi Tây,  mà được kính trọng đâu! Nghĩ thế là quá lầm!

 VĂN HOÁ CÁI PHÒNG VỆ SINH

 Một cặp vợ chồng người Mỹ là bạn,  đi du lịch Việt Nam năm 2005 về bảo với tôi:

“Cái đáng phiền nhất là ở Việt Nam không có phòng tiêu, tiểu công cộng. Người đông đứng len chân, đi đâu cũng thấy người là người mà không có một cái nhà tiêu, tiểu công cộng. Dù không đói, cũng không muốn ăn nhưng để có chỗ giải quyết, tôi phải xẹt vào một nơi bán hàng gọi một món gì đó, ăn không ăn thì bỏ nhưng để có chỗ giải quyết “cái bầu tâm sự.”

Cá nhân Bút Xuân chưa về Việt Nam nhưng đã nghe rất nhiều những lời than, từ người đi du lịch và từ báo, Net.

Một cặp Mỹ khác bảo:

“Ở đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm có chỗ tiêu, tiểu công cộng nhưng người đứng hàng một chờ đến phiên coi mà nản. Nó dài hơn bất cứ chỗ xếp hàng nào chờ ăn. Tiền nộp trước (3 ngàn) ở bên ngoài, một người đàn bà đứng phát cho mình mảnh giấy chùi nếu mình nói đi đại tiện chứ không phải tiểu tiện. Một bà Ấn độ đứng trước vợ chồng tôi nhất định không chịu đi vì cho rằng mảnh giấy phát cho bà ta không đủ làm...việc. Phải gấp ba đó ít nhất. Còn chỉ có vậy thì nó không sạch, hôi thối không tiếp tục đi chơi được. Nhưng người đàn bà Việt đứng phát giấy bảo đủ rồi, không chịu phát thêm làm cái hàng không nhúc nhích lên một phân. Đang lúc đó thì ở phía sau tôi khoảng mươi người, một thằng bé độ 14, 15 tuổi, không rõ quốc tịch, đứng phẹt ra ngay tại chỗ. Phân và nước tiểu chảy xuống ống quần, xuống giầy vớ. Mùi thối xông lên lợm giọng! Thằng bé cuống quá tự động xông đến chỗ người đàn bà phát giấy đòi cả cuồng giấy để lau. Nó với bà này la nhau ỏm tỏi. Nghe nó nói người ta đoán nó là người Tây ban Nha, nó cùng đi với gia đình 5 người.

Ông bạn Mỹ của tôi nói tiếp, ông thấy nản quá nên hai vợ chồng ông bỏ hàng (line) đi kiếm cách khác. Vả lại, nghe một bà vừa từ trong phòng vệ sinh ra, nó dơ không tả nổi. Người ta phẹt ra ngay từ cửa vào, không có chỗ đặt chân, nhìn thấy sợ quá phải nín tè.

Từ thượng cổ đến nay, người Việt Nam ta theo Văn hoá người Tàu chỉ chú trọng đến ăn vào mà không quan tâm đến tiêu hoá ra. Vì vậy nạn đái đường ở đâu cũng có, vô phương cứu chữa.

Đái ở gốc cây, đái vào bánh xe đò, xe bus, đái ở góc tường khi nhìn trước nhìn sau không thấy có người, đái bất cứ chỗ nào có thể đái được. Trẻ con thì bố mẹ đứng canh cho chúng ỉa đái. Trút xong là tếch, mặc kệ hậu quả. Có người đã mỉa mai gọi là Văn hoá đái đường. Đàn ông đái đường khá dễ, đã đành, nhưng đàn bà cũng vạch ra trắng hếu. Mà là đại tiện chứ không phải đái đường. Giấy không có thì vài cái lá ở quanh hoặc nắm cỏ cũng xong, miễn là trút được bầu tâm sự ghê gớm. Một đám đàn bà ăn nhậu chung với đàn ông ở một vỉa hè nào đó ở Sàigòn hay Hà Nội, họ cũng uống bia nên có đầu vào phải có đầu ra; thế là mươi chị ngồi thành hàng chắn ngang cho vài chị ngồi tè ngay đó, sau đó đổi chỗ cho chị khác tè. Đường phố vì vậy hầu như chỗ nào cũng khai thối khủng khiếp. Mùa nóng, người đông, ngộp vì hơi người lại ngộp vì nước tiểu và phân người. Dân du lịch ngoại quốc đã quá sợ và họ nói thề không trở lại những thành phố này nữa.

 Người ta ước đoán thành phố Hà Nội và thành phố Sàigòn phải xây cả mấy chục cái phòng vệ sinh công cộng ở cạnh đường nhưng nay chỉ mới có vài cái mà tình trạng những kẻ sử dụng không được học công dân giáo dục, sử dụng bừa bãi nên có vài cái như ở đền Ngọc Sơn cũng như không!

 Các nhà thờ, chùa chiền khi xưa ở Việt Nam chưa có một nhà thờ hay chùa nào làm phòng vệ sinh dành cho giáo dân hoặc Phật tử lúc đến dự lễ.

Ngôi nhà thờ lớn nhất Đông Dương ở kế làng tôi là đại thánh đường Phú Nhai, tháp cao cả trăm mét, ngôi nhà thờ lớn như trái núi, mọi phòng ốc đều có chỉ không có phòng vệ sinh.

Ngày nay tôi ngạc nhiên khi nhớ lại có những đại lễ như lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội vào tháng 11 dương lịch, lễ Đầu Dòng kính thánh Đa Minh vào mùa Hè v.v...giáo dân khắp nơi qui tụ về cả trăm ngàn người, đã đành là có những cầu tiêu ở nhà tư nhân nhưng vào lúc lễ chầu, những người đang dự lễ bỗng chột dạ muốn giải quyết thì làm thế nào? Người ngay tại địa phương bỏ giờ chầu lễ đó chạy về nhà cũng là khốn đốn chứ đừng nói những người ở xa về dự lễ. Họ kiếm chỗ nào khuất khuất để đi tiểu thôi chứ chưa nói đến đại tiện. Thế mà cả trăm năm nay người ta vẫn sống như thế được. Hay thật!

 Từ đó tôi không nhớ ngày còn bé tôi đi lễ Phú Nhai sao tôi có thể ung dung dự chầu, lễ mà chẳng khi nào chột bụng cũng như mắc đi tiểu? Bàng quang quá tốt!

Có thể là lúc đó các cụ (vào thế hệ thầy và ông tôi, xây nhà thờ) không nghĩ đến làm phòng vệ sinh trong nhà thờ vì:

-        chưa có bàn cầu, mỗi nhà vẫn còn dùng một cái hố bắc hai cây gỗ ngang qua, người ngồi chồm hổm trên đó.

-        để làm sạch sau khi, phải xuống ao hay sông, chưa có giấy kể cả giấy báo (nhật trình). Cũng không có xà phòng.

-        Mọi việc xong, trước khi xuống cầu ao phải dùng cái bàn xúc gio (tro) đổ phủ xuống hố để bớt hôi. Có nhà không.

-        Vì những lý do đó, dù biết nhiều giáo dân đi lễ cần phòng vệ sinh cũng đành chịu. Đào một cái hố ở bên ngoài nhà thờ thì ruồi nhặng sinh ra chịu không nổi mà làm ở bên trong nhà thờ thì....ai lại làm thế?

-        Hình như tất cả đã quen đứng tiểu ở ngay các rãnh các giong, nên không e ngại những vụ đứng tiểu. Đàn bà khi xưa mặc váy rộng nên vẫn đứng tiểu được.

Từ đó, các giong, xóm xung quanh nhà thờ chắc là phải có nhiều nước tiểu đái xuống rãnh.

Ngay thánh đường Sàigòn khi xưa tôi thường đi lễ cũng không có một phòng vệ sinh, nếu tôi nhớ không lầm, vì tôi chưa cần phải sử dụng bao giờ. Các thánh đường miền quê thì chắc chăn là không có rồi. Giáo xứ Bắc tỉnh của tôi cũng có một ngôi thánh đường nhưng hình như thời đó không ai cần đến một phòng vệ sinh trong lúc chầu, lễ. Có lẽ một đôi lần, rất hiếm, tôi phải chạy về nhà vì chột dạ. Còn đi tiểu thì quá dễ, đi xa xa nhà thờ một chút là có bụi rậm ngay. Những người lớn làm sao thì trẻ con làm vậy!

 Ở Bắc Việt khi xưa, người ta rất quí nước tiểu. Nước tiểu để ngấu pha với phân người hoặc phân súc vật và nước làm thành một thứ phân bón cực tốt. Bón lúa hay rau cải, cây cối đều tốt miễn là phải để ngấu (3, 4 tháng) và pha với nước cho loãng ra.

 Ngày xưa, ở Bắc Việt, có những nhà, bạn mới vào tới cổng ngõ đã ngửi thấy mùi khai rồi.

Nồi hông chủ nhà sắp bên cạnh cổng cả chục cái, nếu bạn cần đi tiểu, đứng đó tiểu trước khi gặp chủ nhà. Nhà càng đông khách đến thì các nồi hông chứa nước tiểu càng mau đầy. Chủ nhà dùng nó cho lúa, cho rau, cho bắp. Có những nhà chứa bạc, họ bảo chỉ được lãi mấy nồi hông nước tiểu (từ con bạc). Ôi cái văn hóa đái đường của nước Văn Lang ngàn năm văn vật, 60 năm nay lại cộng thêm cái đỉnh cao trí tệ loài chồn này nói bao giờ cho hết?

(còn tiếp)

GS Xuân Vũ TRẦN ĐÌNH NGỌC 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét