Hai phóng viên Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ và Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên bị mang ra toà xét xử vào ngày 14 và 15 tháng Mười.
Một số ý kiến cho rằng, vụ xử sẽ không diễn ra công khai, trong khi một luật sư thì nói là cơ quan bảo vệ pháp luật đã “làm trái nguyên tắc nền của luật hình sự” ngay từ thời điểm bắt tạm giam và khởi tố 2 phóng viên. Biên tập viên Thiện Giao có bài ghi nhận sau đây.
Một vài ngày trước, và kéo dài cho đến đêm trước khi vụ xử 2 phóng viên bắt đầu khai diễn tại Hà Nội, giới báo chí Việt Nam cho rằng họ đang làm việc trong một “bầu không khí căng thẳng.”
Lúc 2 nhà báo này bị bắt, họ bị khởi tố với tội danh khác với tội danh bây giờ. Lúc đó, tôi đã viết một bài báo phân tích, khẳng định rằng khởi tố với tội danh đó là sai, vì họ không phạm tội ấy. Còn bây giờ, với tội danh mới, tôi không thể biết được là đúng hay sai, vì phải có chứng cứ mới. Tôi không được tiếp xúc, mà báo chí cũng không đăng tải.
Nhà báo Tạ Phong Tần
Hai phóng viên Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ và Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên bị đưa ra xét xử trong phiên toà dự trù kéo dài 2 ngày, 14 và 15 tháng Mười, với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà Nước.”
Cùng bị xét xử với 2 ông Chiến và Hải còn có 2 sĩ quan công an cao cấp thuộc Bộ Công An, một người từng mang quân hàm thiếu tướng, người kia mang quân hàm thượng tá.
Trong những ngày qua, trên mạng Internet, người ta thấy loan truyền một đoạn ghi âm dài được nói là âm thanh của một buổi “hội thảo” tại Ban Tuyên Giáo Trung Ương, trong đó có sự tham dự của ông Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, và 2 báo cáo viên là trung tướng công an Vũ Hải Triều và phó Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, Hoàng Nghĩa Mai.
Lý do bắt tạm giam
Trong đoạn âm thanh này, trung tướng Vũ Hải Triều nêu lý do bắt tạm giam 3 người, là thượng tá công an Đinh Văn Huynh cùng 2 phóng viên Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải.
“Có mấy lý do phải bắt giam 3 người này. Thứ nhất, đã không hợp tác cơ quan điều tra. Hai là, có dấu hiệu thông cung, và ba là, vận động dư luận. Sau khi cơ quan an ninh điều tra có báo cáo, được sự phê chuẩn của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, cơ quan an ninh điều tra đã ra lệnh bắt tạm giam 3 bị can này ngày 12 tháng Năm, 2008.
Việc cơ quan an ninh điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can, và áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam với 3 bị can nêu trên là có căn cứ, và đã được thực hiện theo đúng các qui định của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, theo đúng qui định của Luật Báo Chí và trình tự thủ tục giải quyết của một vụ án hình sự.”
Trái với nguyên tắc
“Cũng không hẳn là đúng với các qui định của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự.” Một luật sư đưa ra nhận định như vậy vào buổi sáng trước khi phiên xử bắt đầu.
Luật sư này, yêu cầu không nêu tên, nói rằng vì “thời điểm bắt tạm giam trùng với thời điểm khởi tố,” nên sự viện dẫn lý do “bất hợp tác, thông cung, và vận động dư luận” để bắt giam là “trái với nguyên tắc nền của luật hình sự.”
Luật sư này cũng nhấn mạnh thêm yếu tố “vận động dư luận” mà phía công an đưa ra làm lý lẽ bắt giữ. Ông nói, “phát biểu như vậy là thừa nhận dư luận có thể tác động lên hệ thống toà án.”
Một ngày trước khi phiên xử bắt đầu, theo nguồn tin riêng của chúng tôi, thì nhiều lãnh đạo của báo chí đã phải hội họp với các cơ quan chức năng. Và cuộc họp này diễn ra sau khi báo chí đã nhận được chỉ thị của Ban Bí Thư Trung Ương Đảng, do Bộ Thông Tin – Truyền Thông truyền đạt lại.
Những vụ này lại xảy ra ở thời điểm rất nguy hiểm. Chúng ta vừa phá hội trường Ba Đình xong, gây bức xúc trong dư luận. Chúng ta vừa họp Quốc Hội, việc sáp nhập Hà Tây và Hà Nội cũng gây rất nhiều bức xúc. Bây giờ thả Nguyễn Việt Tiến, bắt công an, bắt nhà báo, nó cộng hưởng dư luận rất nguy hiểm. Trong nghị quyết Đảng chúng ta bao giờ cũng có câu “lòng tin của dân vào Đảng bị giảm sút.” Thế những việc làm này rõ ràng cộng hưởng càng làm cho lòng tin của dân vào Đảng giảm sút hơn.
Một tham dự viên tại Hội Thảo
Được biết, hơn 21 nhà báo của nhiều tờ báo trên cả nước bị triệu tập ra Hà Nội trong nhiều vai trò khác nhau để phục vụ cho phiên xử. Trong số này, tờ Tuổi Trẻ bị triệu tập đông nhất, gồm một tổng biên tập, hai phó tổng biên tập, trưởng văn phòng đại diện Hà Nội, một biên tập viên và một phóng viên.
Nói chuyện với một nhà báo tự do và cũng là một blogger, là bà Tạ Phong Tần, thì bà nhận định rằng khó biết được tội danh mới với 2 nhà báo là đúng hay sai, vì “không có thông tin về chứng cứ.”
“Lúc 2 nhà báo này bị bắt, họ bị khởi tố với tội danh khác với tội danh bây giờ. Lúc đó, tôi đã viết một bài báo phân tích, khẳng định rằng khởi tố với tội danh đó là sai, vì họ không phạm tội ấy. Còn bây giờ, với tội danh mới, tôi không thể biết được là đúng hay sai, vì phải có chứng cứ mới. Tôi không được tiếp xúc, mà báo chí cũng không đăng tải.”
Bà Tạ Phong Tần cũng cho biết là bà không tin vụ xử sẽ diễn ra công khai, mà sẽ “giống y như vụ xử Điếu Cày cách đây vài tuần.”
Bất mãn lan rộng
Hành động và thời điểm bắt 2 nhà báo và 2 sĩ quan công an liên quan đến vụ PMU 18, theo như đoạn ghi âm cuộc hội thảo đã được đề cập, cho thấy một sự bất mãn lan rộng, ngay cả trong giới Đảng viên. Chẳng hạn, một tham dự viên tại Hội Thảo nói rằng “việc làm này rõ ràng cộng hưởng càng làm cho lòng tin của dân vào Đảng giảm sút hơn.”
“Những vụ này lại xảy ra ở thời điểm rất nguy hiểm. Chúng ta vừa phá hội trường Ba Đình xong, gây bức xúc trong dư luận. Chúng ta vừa họp Quốc Hội, việc sáp nhập Hà Tây và Hà Nội cũng gây rất nhiều bức xúc. Bây giờ thả Nguyễn Việt Tiến, bắt công an, bắt nhà báo, nó cộng hưởng dư luận rất nguy hiểm. Trong nghị quyết Đảng chúng ta bao giờ cũng có câu “lòng tin của dân vào Đảng bị giảm sút.” Thế những việc làm này rõ ràng cộng hưởng càng làm cho lòng tin của dân vào Đảng giảm sút hơn.”
Cho đến thời điểm bài viết này được thực hiện, nhiều người tin rằng, hai phóng viên sẽ không bị xử nặng, vì áp lực của dư luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét