Giấy chứng nhận ... Người | |
Bùi Quang Minh Chungta.com | |
Câu chuyện trên chuyến xe khách dưới đây "Giấy chứng nhận làm... Người" được kể một cách hàm ý và bao quát nhưng với nghĩa văn hóa- giải trí và một thông tin thời sự pháp luật- xã hội tôi vừa đọc tại Vnexpress về "Trung tá công an bị tố đánh dân gãy cổ" (ngày 2/3/2011), "Cựu trung tá công an bị bắt để điều tra " (ngày 10/3/2011), tại Báo Công an Nhân dân "Khởi tố bị can nguyên Trung tá Nguyễn Văn Ninh, liên quan đến cái chết của anh Trịnh Xuân Tùng" (ngày 10/3/2011) đều viết tương đối cô đọng nhưng hơi khô khan, có vẻ giảm nhẹ tính chất vụ việc thành sự cố "nhỏ nhặt" và các phóng viên đều hoàn toàn không bày tỏ thái độ, quan điểm về sự việc đã diễn ra từ 10 ngày trước (ngày 28/2/2011). Hai câu chuyện nghệ thuật, thực tế xã hội khách quan nêu trên đều rất đáng để chúng ta suy ngẫm và đưa ra một vài kết luận ban đầu... Do nhịp sống hiện đại rất gấp gáp, thông tin tuôn chảy hàng giờ, những sự việc như thế này dễ bị ta bỏ qua, thờ ơ, vô cảm, không suy nghĩ gì. Sự thể chưa đủ giật gân, chưa đủ câu khách, chưa đáng phải chú ý ngay(?!). Đáng lẽ chúng ta phải rèn luyện thói quen tập trung, để tâm, nhận diện rõ những vấn đề của xã hội qua những tiêu cực, éo le, oan trái. Từ đó ta sống cân bằng hơn trong truyền thông, trong phản ứng và đề phòng. Hai câu chuyện được tôi lấy làm ví dụ, nếu suy xét kỹ sẽ thấy là những sự việc có ảnh hưởng đến sự sống, sinh mạng của con người, chính tôi, bạn và những người quanh ta rồi có thể sẽ gặp nhiều lần, gặp tức thì ngay sau đây. Trước hết, hai câu chuyện đều diễn ra công khai, thường nhật (một ở môi trường giao thông công cộng, một ở “nơi công quyền” cỡ nhỏ nhất là trên một chuyến tàu hỏa,...), ở mức độ quyền lực, mức độ trách nhiệm và tình huống khác nhau, với quy mô tham dự của nhân dân và nhóm công quyền, chức sắc khác nhau (một là các hành khách, người thương binh, cô soát vé, vị trưởng tàu; một là người lái xe ôm, người đi xem ôm, gia đình người bị nạn, trung tá công án, “dân phòng viên”, các chiến sĩ, cán bộ công an tại đồn CA…). Từ một vụ việc mang tính chất hành chính, ông Trịnh Xuân Tùng đã bị công an dùng dùi cui đánh vào gáy, rồi bị còng tay đưa về đồn công an. Khi được đưa vào Bệnh viện, ông vẫn bị khóa tay vào cáng và đã tử vong tại Bệnh viện Việt Đức... Gia đình nạn nhân vẫn chờ đợi sự nghiêm minh của pháp luật với vụ việc người dân lương thiện "ra đi" oan trái... Nhưng sự việc được xử lý vẫn rất chậm. Cho tới ngày 17/3/2011, CA vẫn chưa có kết luận pháp y và chưa cho gia đình vào thăm xác nạn nhân, để làm tang gia, chôn cất (?!) Nhưng may mắn là đến ngày 23/3/2011, công an đã thông báo với gia đình là sẽ trả xác nay mai để gia đình chôn cất! Và rồi đám tang của nạn nhân cũng diễn ra xuôn xẻ ngày 24/3/2011 với sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Ngành Công An cũng cử người "quan tâm", "chăm sóc" rất đặc biệt! Nhưng sẽ chỉ thật đáng quý và có trách nhiệm nếu ngành Công An làm rõ được cho gia đình nạn nhân và nhân dân: Ai là kẻ đã "mất nhân tính" và sớm minh oan cho nạn nhân xấu số, không để gia đình theo đuổi mãi quyết tâm đòi công lý với người thân đã khuất! Các tài liệu về Đặc điểm các nền văn hóa đa dạng đã xếp nước ta vào nhóm nước có nét văn hóa "biệt lệ về luật lệ" (khi đối sánh văn hóa thiên về phổ quát hay biệt lệ) nghĩa là: "Ai cũng muốn mình được ưu đãi riêng về pháp luật, nhưng lại muốn tất cả những người khác tuân thủ đúng pháp luật chung". Thói quen "biệt lệ về luật lệ" này cộng với tâm lý "coi mình hơn người" của giới công quyền đã làm nảy sinh ra bao nhiêu bức xúc, bất công, bi kịch oan trái ở nhiều quy mô khác nhau, cho dù họ đều đang thực hiện cơ chế "Nhà nước của dân, do dân và vì dân". Hành vi giới công quyền biểu hiện qua ngôn từ, thái độ và ứng xử minh chứng cho một thái độ, cách nghĩ bất bình đẳng, vẹo vọ, tiêu cực về con người. Họ tự coi mình là "bề trên", hơn người khác dù người khác lớn tuổi hơn, người khác là kẻ xấu còn mình là người tốt, mình là người có quyền hành, có trách nhiệm, có đạo đức, nắm quyền luật pháp/ diễn giải, luận tội công dân theo cách công minh nhất và thực thi công lý bằng mọi phương tiện đang có, trong thái độ không nhân nhượng, nghiêm khắc... Như vậy, với vỏ ngoài "chính đáng" là người được giao nhiệm vụ, giữ trách nhiệm thực thi công vụ, khá nhiều "công bộc" đi ngược lại đạo lý "tôn kính, hiểu biết và thương cảm lẫn nhau" với nhân dân, vi phạm đạo đức, kỷ luật ngành nghề, lạm dụng quyền hạn ác tâm, ác ý với người dân. Giới công quyền dễ bị kích động đột ngột, rơi rụng tính người, vô cảm, nhẫn tâm, ức hiếp, hành hung, tàn bạo đối với người dân, coi thân phận người dân như thân phận của "thú vật". Rất tiếc là những câu chuyện gây khổ, gây oan cho dân còn có sự tiếp sức của việc bao che, che dấu, thông tin không đầy đủ làm cho người dân, cùng lãnh đạo đất nước không kịp thời rút ra những bài học sâu sắc, nghiêm khắc. Đáng lẽ ra những câu chuyện như trên chuyến tàu hỏa, những chiếc "hố tử thần", cán bộ hành chính "hành dân", cán bộ công an đánh dân đến tử vong... phải là những tiếng chuông báo động "cấp 1" với tất cả chúng ta về nạn vô cảm, vô trách nhiệm, rơi rụng nhân tính trước ý nguyện, quyền lợi và quyền lực của nhân dân trong thực tế. Chậm trễ trong nhận thức tính trầm trọng cái thực tế này, coi thường, nhu nhược, giả dối trước cái đúng, bỏ qua trừng trị cái sai làm cho cái sai tiếp tục lấn át cái đúng trong xã hội ta như những câu chuyện minh họa vừa qua có lẽ chính là một sai lầm lớn nhất của chúng ta. (Bùi Quang Minh) |
3/4/11
Giấy chứng nhận ... Người
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét