22/8/11

BẤT ĐỘNG SẢN VÀ NHỮNG NHÓM LỢI ÍCH Ở HÀ NỘI

Người Quan Sát
 Làn sóng biểu tình trong mấy tháng qua ở Hà Nội đã khiến nhiều quan chức và đại gia ăn không ngon ngủ không yên. Trước mắt họ là mối nguy cơ về bất ổn chính trị đang dần hiện hữu, là khối tài sản vừa nổi vừa chìm của họ có nguy cơ bị vạ lây với số phận của nền chính trị.
 Những nhóm lợi ích nào?
Từ nhiều năm nay, bất động sản đã trở thành một “trụ cột” kinh tế ở Việt Nam. Nói chính xác, lĩnh vực này chưa hẳn có tác động mang tính quyết định đối với sự tồn vong của nền kinh tế, nhưng lại rất có ý nghĩa đối với sinh mạng của những nhóm lợi ích đặc thù.
Những nhóm lợi ích đó là ai? Đương nhiên thành phần đầu tiên của nó phải là những đại gia bất động sản có tên tuổi ở Hà Nội, những doanh nghiệp đã từng làm mưa làm gió trong cơn sốt đất nền giai đoạn từ giữa năm 2009 đến đầu năm 2011 như HUD (Tập đoàn phát triển nhà và đô thị), Sông Đà, Vincom, Vinaconex, Nam Cường, cùng một số đại gia tư nhân khác.
Còn thành phần thứ hai của nhóm lợi ích? Đây mới chính là vấn đề cốt yếu mà mấy năm nay báo chí trong nước thường đề cập nhưng hầu hết lại né tránh việc chỉ đích danh. Câu trả lời khá đơn giản: thành phần thứ hai là hệ quả của thành phần thứ nhất. Việc một phần trong số đại gia bất động sản ở Hà Nội (cũng là những đại gia có tầm chi phối đối với thị trường địa ốc trên phạm vi toàn quốc) là những công ty, tập đoàn thuộc nhà nước đã phản ánh mối quan hệ hữu cơ giữa nhóm lợi ích này với chính giới quan chức nhà nước liên quan – những nhân vật có chức vụ và có ảnh hưởng trong hệ thống các bộ và cơ quan ngang bộ như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước…, và cao hơn nữa là những quan chức trong Chính phủ.
Trong nhóm lợi ích bất động sản, cả hai thành phần đều là hệ quả của nhau, dựa vào nhau để cùng làm giàu và thao túng thị trường. Cái béo bở của các dự án đất đai cũng là chất bôi trơn kết dính giữa hai thành phần, dẫn đến sự hình thành một thứ chủ nghĩa thân quen trên phương diện xã hội học và chủ nghĩa tài phiệt trên phương diện thị trường. Từ năm 2000 đến nay, bất kể cái thị trường đó có được “định hướng xã hội chủ nghĩa” hay không, hiện tượng “chạy” dự án vẫn là một trong những đường hướng chiến lược, được phát triển thành một hệ thống nhiều chiến thuật tinh vi mà giới kinh doanh ở Hà Nội đã dành trọn tâm sức.
Cứ sau những cơn địa chấn có tính chu kỳ về nhà đất, sự phân hóa giữa nhóm lợi ích người giàu với nhóm lợi ích người thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở Hà Nội lại tăng vọt. Với con số thống kê được công bố chính thức của Tổng cục Thống kê Việt Nam, sự cách biệt giàu nghèo chỉ khoảng 9-10 lần. Nhưng gần như tương ứng với hiện trạng hố đen phân cực trong xã hội Trung Quốc đương thời, hố phân cách giàu nghèo ở Hà Nội hiện đã lên đến 60-70 lần.
Sau cơn sốt bất động sản tại Hà Nội vào năm 2007, người ta bắt đầu nghe nói đến một vài đại gia nhà đất có tài sản lên đến vài trăm triệu USD. Đó cũng là một mốc thời điểm quan trọng, minh chứng cho hoạt động đầu cơ ở Hà Nội đã được đẩy lên tầm rất cao, với việc nhiều đại gia bất động sản có chân đứng trong thị trường chứng khoán niêm yết và tạo ra sự lũng đoạn rất lớn đối với thị trường này. Dòng chảy của nguồn tiền đã tạo ra hiệu ứng “bình thông nhau” giữa thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản Hà Nội trong giai đoạn cuối năm 2006 – đầu năm 2007, dẫn đến hệ quả là tài sản của những người giàu có đầu cơ trên cả hai thị trường này đã được nhân lên hàng chục lần sau đợt tăng nóng của chứng khoán và kéo theo đó là bất động sản.
Tuy nhiên vào năm 2007, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn được “định hướng xã hội chủ nghĩa”, rất ít đại gia tự nguyện công bố hay khoe khoang tài sản của mình. Nhưng sau cơn sốt chứng khoán và địa ốc giai đoạn 2009-2011, cụm tính từ giả trang về ý thức hệ không còn được nhắc tới nhiều, báo chí trong nước đã ngồn ngộn bài phỏng vấn, thống kê và xếp hạng các đại gia, với số người có tài sản 300-500 triệu USD không phải chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nổi bật nhất, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng – chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup – đã lên đến gần một tỷ USD.
Giới người giàu và siêu giàu ở Việt Nam đã chính thức hình thành. Và cũng giống như hiện tượng người giàu ở Trung Quốc với 7/10 số tỷ phú đô la thuộc về những nhà đầu tư tài chính và bất động sản mà đã gây ra phản ứng căm thù của người thu nhập thấp ở Trung Quốc, người dân thường đã chuyển từ tâm lý xa cách sang thái độ ghét bỏ và oán giận đối với lớp người giàu đột biến ở Việt Nam.
 Chuẩn bị đào tẩu!
Lớp người giàu đột biến ở Việt Nam lại không chỉ được cấu thành bởi lớp đại gia. Nhiều, rất nhiều, có thống kê dư luận còn cho rằng số quan chức ở Hà Nội có tài sản từ 10 triệu USD trở lên có thể lên đến vài ba ngàn người, còn trên 100 triệu USD thì phải đến hang trăm người.
Một điểm khá trùng hợp là nếu năm 2007 là mốc thời điểm bắt đầu xuất hiện công khai hiện tượng đại gia bất động sản và tài chính ở Hà Nội, thì khoảng thời gian đó cũng là lúc trong nội bộ Đảng bắt đầu nổi lên câu hỏi về những đảng viên cao cấp có thu nhập bất thường. Thực ra, “bất thường” chỉ là từ ngữ hết sức nhẹ nhàng và “tế nhị”, chỉ phản ảnh một phần nhỏ nào đó trong chủ nghĩa thân quen đã được hình thành sau nhiều năm tháng ở Hà Nội. Còn trong thực tế, người dân đã khai triển từ ngữ đó thành một khái niệm đầy đủ hơn nhiều: tầng lớp tư sản đỏ.
Sự trùng hợp về thời điểm trên, cùng với vô số vụ việc báo chí và người dân phản ứng về nạn nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ chính quyền trong các thủ tục liên quan đến đất đai đã gia cố một cách rõ nét về hình ảnh của giai cấp tư sản đỏ. Đó chính là một nhóm lợi ích rất đặc thù trong xã hội đương thời.
Nguồn cơn dẫn đến quyền lợi của nhóm lợi ích tư sản đỏ chính là món “lại quả” có hệ thống và ngày càng lộ liễu từ giới đại gia bất động sản. Không hiếm những “dịch vụ” mà quan chức nhà nước kiếm được hàng triệu đô la cho mỗi vụ.
Từ những ngành kinh tế – kỹ thuật, nhóm lợi ích tư sản đỏ đã mở rộng sang cả lực lượng vũ trang, đặc biệt là ngành công an. Một hiện tượng rất phổ biến hiện nay là sự phân hóa quá lớn giữa một đa số cán bộ, chiến sĩ bị lệ thuộc vào đồng lương hẹp hòi với số tài sản kếch xù nhiều triệu đô la của một thiểu số sĩ quan cấp tá và tướng.
Nhóm lợi ích tư sản đỏ sẽ còn tồn tại đến bao giờ? E rằng sự tồn tại ấy là một phạm trù lịch sử, bởi nó đã được sinh ra và nuôi dưỡng bởi cơ chế nào thì chỉ đến khi cơ chế ấy mất đi, người dân mới có hy vọng nhìn thấy sự trả giá của những quan chức giàu bất thường và bất chính.
Một số trong nhóm người giàu bất thường và bất chính đó đang tập tành “lòng yêu nước” theo cách của quan chức Trung Quốc. Từ năm 1990 đến nay, khoảng 18.000 quan chức, cán bộ đã chuồn đi định cư ở nước ngoài, mang theo 120 tỷ USD  mà chính quyền Trung Hoa vừa buộc phải công bố.
Còn ở Hà Nội, không hiếm dư luận về chuyện ông này, bà kia đã lén lút gửi tiền bạc ở ngân hàng các nước Thụy Sĩ, Anh, Pháp, Úc, Canada…; đã đưa con cái và cả người nhà đi “du lịch” vô thời hạn ở nước ngoài…, để đến một thời điểm “nhạy cảm” nào đó, bản thân họ cũng sẵn sàng nhảy lên máy bay đi đến vùng viễn xứ.
Những dư luận như trên đã râm ran từ mấy năm nay, và càng trở nên rõ rệt từ đầu tháng 6/2011, vào lúc phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn bắt đầu khởi sự. Trong câu chuyện ngoài lề, một số quan chức và đại gia đã thầm thì với nhau là đang có một chính sách của Bắc Kinh là người Việt Nam mang dòng máu Hoa được bảo lãnh 20 người Việt khác; còn người thân cận với Trung Quốc được bảo lãnh từ 5-10 người Việt… Hẳn là những lời thầm thì ấy đã toan tính đến một hậu sự: nếu quân Trung Quốc xâm chiếm đất Việt thì ngay lập tức cần phải bán nước cầu vinh.
Nhưng chưa cần đến việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Làn sóng biểu tình trong mấy tháng qua ở Hà Nội đã khiến nhiều quan chức và đại gia ăn không ngon ngủ không yên. Trước mắt họ là mối nguy cơ về bất ổn chính trị đang dần hiện hữu, là khối tài sản vừa nổi vừa chìm của họ có nguy cơ bị vạ lây với số phận của nền chính trị. Có lẽ đã đến lúc phải thu xếp một nơi cư trú khác, khi ở Việt Nam không còn an toàn để làm ăn và chôn giấu của cải phi pháp…
Hiển nhiên nếu muốn, những cơ quan nội chính và tư pháp của chính quyền sẽ không quá khó khăn để kiểm chứng sự thật về những dấu hiệu ban đầu của sự đào tẩu của nhóm lợi ích tư sản đỏ và nhóm lợi ích đại gia – một sự thật mà những cơ quan này đã từng tiếp cận không chỉ một lần.
NQS
p/s : các ảnh trong bài chỉ có tính minh họa.
Tác giả gửi cho Quê choa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét