22/8/11

Trở Lại Xứ Lào: thăm Tam Giác Vàng


Thursday, August 5, 2010


Phạm Đỗ Chí

Đã mười năm qua, tôi trở lại xứ này giống như quê hương cũ. Đây rồi vài khuôn mặt da vàng xạm đen quen thuộc giơ tay vẫy với câu chào địa phương dễ thương “Sa bài đi”. Phi trường Wattay mới làm xong cách đây vài năm trông tân kỳ hơn xưa rất nhiều cho cảm giác của sự tiến bộ. Ngoài những ngôi nhà nhỏ đổ nát, Vientiane có nhiều ngôi nhà gạch với kiến trúc cầu kỳ từ thời Pháp thuộc được sửa lại sừng sững uy nghi trong thành phố. Sự khác biệt nổi bật là những đường chính đều được làm lại đẹp và sạch, không có cảnh đường đất bụi mù như cách đây mười năm.

Chiếc taxi quẹo vào con đường đại lộ chính, được mệnh danh là “Champs-élysées”, giờ đây được trang điểm thêm một hàng đèn dài thật đẹp dẫn từ Phủ Tổng Thống đến “Arc de Triomphe” của Vientiane và một số chùa Phật giáo nguy nga. Khu phố này được xây lại mong gợi cảnh đại lộ hoàng hôn tráng lệ của Paris. Điều đặc biệt là có thêm vài ngôi chùa lớn đang xây, các đền chùa cũ đều được tô điểm lại mới và sáng chói mầu sơn son thếp vàng, cho thấy dân Lào rất sùng kính đạo Phật, chăm sóc chùa chiền dù trong cảnh kinh tế khó khăn phải thắt lưng buộc bụng, mức sống chung vẫn cơ cực và nhà cửa trong thành phố phần lớn vẫn mang vẻ nghèo nàn xưa.
Buổi sáng sau hôm đến, tôi dậy sớm dự một lễ địa phương lớn và hội chợ Thát Luồng. Đây là lễ hội tôn giáo hàng năm lớn nhất tại thủ đô với buổi lễ truyền thống Phật giáo tại điểm du lịch nổi tiếng nhất của thành phố: Thát Luồng (mang ý nghĩa là “Cái Tháp Của Mọi Người”). Từ 6 giờ sáng mọi người đã ăn mặc quần áo đẹp đem hương hoa và thức ăn đến cúng dường các vị sư, từ các bậc cao tăng đến những chú tiểu đã từ mọi nơi về tụ họp ở Viêng chăn. Buổi lễ được cử hành rất trang trọng với sự có mặt của các nhà lãnh đạo chính phủ trong lễ dâng hương truyền thống mở đầu, tiếp nối bởi tục lệ rất đẹp là dân chúng quỳ xuống dâng thức ăn gồm cả chay lẫn mặn (theo quan niệm Tiểu thừa Phật giáo) bỏ vào bình bát của các nhà sư ngồi dài theo các bờ tường với màu áo cà sa vàng rực rỡ khắp vùng đất thiêng này. Hội chợ được tổ chức khá thành công và làm tăng thêm không khí tưng bừng của lễ hội, cho thấy sự an vui phấn khởi và nếp sống thanh bình của nhiều tầng lớp dân chúng xứ Lào vốn mang danh là hiền hòa trong mắt du khách.

Thăm khu tam giác vàng
Ở Lào hai lần, lần trước trên bốn năm và lần này, tôi vẫn nghe nhiều huyền thoại về khu tam giác nổi tiếng này. Với ba cạnh tam giác gồm các nước Thái Lan (cạnh nơi tôi đang đứng nhìn), phía tay phải là cạnh do nước Lào và tay trái là cạnh do nước Miến Điện (trước là Burma nay đổi là Myanmar). Tôi vẫn ngần ngại không dám đến vì nghe nói từ nhiều năm trước đây là vùng hoạt động náo nhiệt của tổ buôn thuốc phiện và cần sa cũng như vũ khí. Đặc biệt là huyền thoại về một tay người Miến –Khun Sa-- trước đây đã lập một đại bản doanh gồm cả ngàn quân canh khu sản xuất chế biến thuốc phiện ở Mea Sa và là nguồn cung cấp khối lượng cần sa chính cho Tam Giác Vàng để bán sang các thị trường Âu Mỹ qua các nước Lào, Campuchia và Thái Lan. Nhưng bây giờ vì tuổi già tay đó đã chính thức đầu thú với chính phủ Miến và hiện được cung cấp một khu biệt thự lớn ở ngay thủ đô Yangon để “an hưởng tuổi vàng” với gia tài là khối vàng và tiền bạc tích tụ kếch sù. Từ đó các hoạt động sản xuất buôn lậu thuốc phiện cũng bớt đi và khu này đã từ từ được biến thành khu du lịch gồm vài khách sạn ở biên giới phía Thái Lan và khách sạn Paradise Resorts ở biên giới phía Miến Điện được chiếu cố thường xuyên vì có sòng bài “Casino Golden Triangle” được chính phủ Miến cho phép mở với nguồn vốn Thái Lan. Còn phía kia của Lào thuộc tỉnh Bokeo vẫn chưa có khách sạn hay đường sá mở mang.

Sông Mekong tại khu Tam Giác Vàng, phía bờ Thái Lan.
Vài hôm sau dịp cuối tuần, mấy người bạn Lào cho biết có quen một nhóm doanh nhân từ Malaysia định sang khảo sát vùng này để xin mở casino lớn ở vùng biên giới Lào và rủ tôi đi cùng xem cho vui. Tôi mừng rỡ gia nhập nhóm này vì từ lâu muốn đặt chân đến xem “miền đất huyền thoại” này. Chúng tôi khởi hành từ 7 giờ sáng ở Vientiane lái xe vượt chiếc cầu sang vùng biên giới Thái ở Nongkhai rồi đi Udon Thani, trực chỉ phía Tây Bắc về hướng Chieng Rai là đỉnh địa đầu của Thái Lan tiếp giáp Tam Giác Vàng, đi thêm 40 cây số nữa là đến vùng ranh giới của ba nước. Chuyến đi cười nói khá vui làm quên đường dài trên 10 tiếng. Lúc đến khách sạn thì trời đã tối mặc dù mới hơn 6 giờ chiều.

Chúng tôi mặc áo ấm vì trời khá lạnh độ 15 0C, lấy xe bus đi 5 phút chuyển sang một chuyến đò đi thêm 5 phút nữa để vượt một nhánh nhỏ và cạn của con sông nổi tiếng Mêkông là sang đến bờ khách sạn Paradise Resorts của xứ Miến. Lúc đầu có hơi thất vọng vì trông khu này quá nhỏ và trời tối đen xì chỉ nhìn thấy khu rừng âm u dày đặc bên cạnh khách sạn và con sông chỉ có đoạn ngắn nhỏ. Sang đến khách sạn thì chỉ có vài phòng đánh bài nhỏ đông nghẹt nhóm khách Á châu ngồi đánh baccarat.

Nhưng buổi sáng thức dậy, nhìn từ hàng hiên phòng khách sạn mới thấy vẻ đẹp thiên nhiên huyền bí của khu Tam Gíac Vàng này. Bên trái là khu rừng dày điểm thêm những rặng chuối, nhìn xa là những mái ngói đỏ của khu sòng bài xứ Miến và bên phải phía Lào chỉ có rừng núi cao nổi bật và hàng cây dài nằm bên kia dòng Mêkông nhiều chỗ đã cạn nước có thể đi bộ sang bờ xứ Thái. Cho thấy sự thiếu mở mang của Lào so với nước bạn láng giềng. Nhưng bây giờ với cố gắng của nhóm doanh nhân Malaysia này để xin một giấy phép mở casino mong thu hút thêm khách du lịch và tiền thuế do sòng bài mang lại, sự mở mang sẽ đến nhưng có phải trong chiều hướng mong muốn không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét