BVN đã định kết thúc câu chuyện về bà “Tiến sỹ” Đỗ Ngọc Bích, nhưng xem ra còn quá nhiều người mang tâm lý bức xúc với bài viết của bà “Tiến sỹ “ này.Thưa các thầy cô.
Trong số các bài gửi đến, có bài viết của nữ sinh viên T.N.L.A, cung cấp một vài chi tiết rất cụ thể về bà “Tiến sỹ”, kèm theo những bình luận liên quan đến cảm nhận của tác giả về hệ thống giáo dục mà tác giả đang là người trong cuộc.
Trân trọng cảm ơn bạn T.N.L.A., và xin được đăng lên để bạn đọc có thêm thông tin.
Bauxite Việt Nam
Tuần qua rất nhiều bài trên mạng bàn về “Tiến sỹ” Đỗ Ngọc Bích sau bài viết của bà trên Đài BBC lên án cái mà chị gọi là “chủ nghĩa dân tộc bài Hoa cực đoan”. Là những sinh viên đang còn ngồi trên ghế giảng đường, sau khi đọc các bài báo, chúng em nhận ra, các tác giả đều là các bậc khả kính. Vì vậy, chúng em xin phép gọi tác giả các bài báo là “Các thầy cô”.
Chúng em đã đọc rất kỹ những bài viết của các thầy cô, trong đó có bài than phiền rằng, hiện tượng Đỗ Ngọc Bích không là gì xa lạ, mà đó chẳng qua chỉ là sản phẩm mà nền giáo dục trong nước đã tạo ra. Với tư cách là “cái sản phẩm” mà “nền giáo dục trong nước đã tạo ra”, chúng em thực sự cảm thấy rất buồn.
Đúng như một bài báo đã viết, trong sách giáo khoa lịch sử thì “sử cách mạng” chiếm một tỷ trọng áp đảo. Không những vậy, chúng em còn đọc được một bài báo khác viết rằng, ngay trong những trang viết về “sử cách mạng” ấy còn viết theo quan điểm mao-ít.
Chúng em vào mạng tra cứu xem “Tiến sỹ” Đỗ Ngọc Bích là ai, thì có một phát hiện hết sức thú vị. Chúng em suy nghĩ mãi về “phát hiện” này, và cuối cùng xin mạnh dạn gửi đến Thầy Nguyễn Huệ Chi, để Thầy cung cấp thêm thông tin cho các bạn đọc của Bauxite Việt Nam. Thông tin chính xác về chị Bích là: chị ấy là sinh viên lớp tiếng Anh Khoá 35 (1991-1994) thuộc Khoa Tiếng nước ngoài của Trường Đại học Tổng hợp, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội. Chị Bích tốt nghiệp năm 1994, và không hề có background (nền học vấn) về Lịch sử (!)
Cựu sinh viên Khoa tiếng nước ngoài của Đại học Tổng hợp Hà Nội đã lập một website, trong danh sách có tên Đỗ Ngọc Bích: http://www.diginet.com.vn/ngoaingu/MemberList.asp. Xin các thầy cô và các bạn vào mạng để tìm hiểu thêm.
Qua website của các cựu sinh viên Khoa Tiếng nước ngoài, chúng em hoàn toàn không ngạc nhiên, đoán biết được lý do vì sao chị Bích được xuất hiện trên trang mạng của Đài BBC. Rất có thể, chị ấy đã nhận được sự giúp đỡ của người bạn đồng môn, là anh Ngô Quốc Phương, ký giả trong Ban Việt ngữ của Đài BBC, là sinh viên Khoá 33 cùng Khoa Tiếng nước ngoài (học trước chị Bích hai năm). Quý Thầy Cô có thể tìm được tên anh Ngô Quốc Phương trong danh sách cựu sinh viên của Khoa tiếng nước ngoài, và cũng đã được đăng trong cùng trang mạng này.
Với tư cách là một sinh viên học ngoại ngữ, chúng em xin thú thực, ở Việt Nam, phần lớn sinh viên theo học các ngành ngoại ngữ chỉ mới được học một vốn ngôn ngữ tối thiểu, đủ để làm một loại “thông ngôn” vào cỡ ... “dưới trung bình” thôi, cái nền văn hóa trong chương trình đào tạo ngoại ngữ quá mỏng, trong khi, đáng ra, dạy ngôn ngữ của một dân tộc phải là ... chuyển tải cho sinh viên cái nền văn hóa của cả hai dân tộc: dân tộc mình và dân tộc đó. Vì vậy, vốn hiểu biết quá mỏng về lịch sử và về dân tộc của chị Bích như thể hiện trong bài báo cũng là lẽ đương nhiên thôi.
T.N.L.A.
(Một sinh viên đang theo học một ngành ngoại ngữ ở Hà Nội)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét