6/3/12

Bệnh tật và cái chết của 4 văn nhân: Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Tường Tam

 
LTS: Tài liệu này là luận án tiến sĩ của bác sĩ y khoa Mạc Văn Phước làm tại Sài Gòn năm 1968. Đó là những khảo cứu nghiêm túc dưới góc độ y học liên quan tới cái chết của 4 nhân văn.
Tài liệu sau đó được thâu tóm lại thành một tiểu luận phổ thông và kèm theo những phụ chú mang tính cập nhật. Việc hiệu đính, phổ biến tài liệu này do chính tác giả- bác sĩ Mạc Văn Phước- khởi xướng, và người bạn tâm giao của ông là bác sĩ Đặng Ngọc Thuận thực hiện. Cả 2 cùng cư ngụ và hành nghề tại Montreal, Quebec, Canada.
Tập tài liệu được một cư dân khác ở Canada – tác giả Nguyễn Văn Lục- gửi đăng với mục đích mở đường cho loạt bài nghiên cứu sắp tới đây của ông trên trang nhà.
——————————————
Tất cả những gì dính dáng đến một danh nhân đều là phẩm liệu quí giá của lịch sử. Nhưng lịch sử chỉ ghi chép sự nghiệp và thân thế của các vị này. Còn những chi tiết về đời sống cá nhân thì ít khi đề cập tới.
Hơn nữa, theo phong tục Việt Nam thì người ta lại còn giấu giếm những chi tiết về bệnh tật, cái chết, nơi chon cất… thậm chí tên tục có khi cũng chỉ được ghi trong gia phả. Thí dụ đáng tiếc nhất là chúng ta không được biết Nguyễn Du thụ bệnh và qua đời ra sao?
Người tiên phong trong lĩnh vực lịch sử y học ở Việt Nam phải nêu tên BS Trần Văn Bảng. Ông là người đầu tiên viết loại bài này với “Bệnh Trạng và Cái Chết của Hàn Mặc Tử“ đăng trên tập san y học “Bulletin du Syndicat des Médecins” số 6 ra ngày 6-11-1959.
Nay cũng nhờ sự hướng dẫn của ông, chúng tôi tiếp tục làm công việc sưu tầm này và sẽ lần lượt đề cập đến những nhà văn, nhà thơ sau đây:
- Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
- Nguyễn Văn Vĩnh
- Phạm Quỳnh
- Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.
TẢN ĐÀ NGUYỄN KHẮC HIẾU (1888 – 1939)
I – Thân Thế:
Nguyễn Khắc Hiếu sinh năm 1888 ở làng Thượng Khê, huyện Bát Hạt, tỉnh Sơn Tây, Bắc Việt. Ông chết ngày 7- 6 -1939 tại Ngã Tư Sở, Hà Đông.
II – Tác phẩm:
Ta có thể chia ra nhiều loại như sau:
1) – Tiểu thuyết: Thề Non Nước , Trần Ai, Tri Kỷ, Giấc Mộng Con.
2) – Nghị luận: Tản Đà Tùng Văn, Tản Đà Văn Tập, Tản Đà Xuân Sắc.
3) – Giáo huấn: Lên Sáu, Lên Tám, Quốc Sử Huấn Môn, Đài Gương
Truyện, Đàn Bà Tàu.
4) – Tuồng chèo: Tây Thi, Lưu Nguyễn Nhập Thiên Thai
5) – Phiên dịch: Đường Thi, Kinh Thi, Đại Học, Liễu Trai.
6) – Thi ca: Khối Tình Con, Tản Đà Văn Vận
7) – Báo chí: Hữu Thanh, An Nam Tạp Chí và nhiều báo khác.
I I I – Con người và sở thích:
Nhiều nhân chứng và nhất là các văn hữu thời đại đã mô tả Tản Đà cho ta mường tượng như sau:
Lan Khai: Tản Đà người khỏe mạnh, đẫy đà hơi thấp, đầu đội chiếc khăn xếp không che kín mái tóc cắt theo kiểu bàn chẳi, mình mặc áo sa bóng… gương mặt nở nang thường đỏ hồng vì men rươu …môi mỏng lúc nào cũng cười… Tản Đà hay cười mà lại cười rất to.
Một nét đặc thù theo cụ Bùi Thiện Nhân, một người quen biết Tản Đà nhiều thì lúc nhỏ mắc bệnh đậu mùa nên mặt Tản Đà hơi bị rỗ hoa. Tuy nhiên điều này có nhiều chứng nhân khác phủ nhận.
Nguyễn Tuân và Phan Khôi: Tản Đà là một người thích hưởng lạc, thích tất cả những gì cái gì khoái khẩu như ăn nhậu, rượu chè, đồ nhắm, gia vị, thuốc lào…
Có một điều đặc biệt là Tản Đà không hút thuốc phiện, cũng không thấy ai nói Tản Đà thích đánh tổ tôm hay hát cô đầu.
IV – Bệnh tật:
Có thể nói Tản Đà mắc 2 bệnh kinh niên chính, đều do thói quen ăn uống bừa bãi hại sức khỏe mà ra: Bệnh sán và nghiện rượu.
1) Bệnh sán: Tản đà sở trường về các món ăn tươi ăn sống như: cá gỏi, cá nướng, thịt tái, hến sống cho nên ông rất có thể bị bệnh sán như Tam Lang kể lại.
Ta không biết Tàn Đà mắc bệnh sán nào , có lẽ là sán sơ mít vì người miền Bắc thường ăn thịt lợn. Bệnh sán có 2 loại:
- Toenia saginata do thịt bò tái gây ra
- Toenia solium do ăn thịt lợn sống như nem chua mà nem chua lại là một “món nhắm” rất tốt thì tất nhiên Tản Đà rất thích.
Sán sơ mít rất dễ biết vì dễ nhận thấy ngay trong phân như cái tên sán sơ mít mô tả.
Ngoài ra Tản Đà hay ăn gỏi cá thì cũng rất dễ bị sán gan (douves du foie) song đây là do suy đoán của chúng tôi thôi, vì bệnh này người miền Bắc ăn cá sống bị rất nhiều
2) Bệnh nghiện rượu: Tản Đà nghiện rượu là một sự kiện không ai chối cãi. Chúng ta không biết ông uống rượu từ hồi nào nhưng chắc chắn ngày nào cũng uống và ít nhất cả chục năm, một thời gian dư đủ để cơ thể bị nhiễm độc rất sâu nặng.
Về phần các loại rượu thì Tản Đà thích đủ các loại rượu kể cả rượu tây. Nhưng ông thích nhất Mai Quế Lộ và Văn Côi, hai loại rượu khá đắt tiền. Thường thường ông chỉ uống rượu ngang hoặc rượu ty. Rượu ngang là rượu do dân quê lén cất bất hợp pháp (cho nên còn gọi là rượu lậu) và rượu ty do các hãng rượu của nhà nước Bảo Hộ cất bán ở các đại lý gọi là Ty hay Fontaine (cho nên còn gọi là rượu phông ten)
Rượu ngang rất mạnh; tỷ lượng có thể lên đến 50 – 60%. Tản Đà hay uống rượu ngang có ngâm trái mơ. Hàng năm cứ đến mùa mơ khoảng tháng hai âm lịch, ông đi mua mơ về ngâm từng vò để uống dần. BS Trần Văn Bảng đã được mục kích Tản Đà nửa đêm ngồi uống rưọu mơ một mình tại tư thất ờ làng Văn Quán, Hà Đông. Suốt ngày đêm, ông phải tiêu thụ hàng chục chén.
Khái Hưng viết ‘’Tản Đà chỉ có duyên trong khi say. Không có hơi men, Tản Đà buồn rầu lạnh lẽo, còn chua chát nữa. Không mấy khi Tản Đà không say’’ Ta có thể suy luận ông nghiện rượu một cách trầm trọng.
‘’Đêm suông vô số cái suông suông,
Suông rượu, suông tình, bạn cũng suông‘’
Theo Khái Hưng thì cái ‘’suông rượu’’ của Tản Đà là cái ‘’suông‘’ nặng nhất. Vậy trước khi chết, ông có mắc những biến chứng của bệnh nghiện rượu kinh niên chưa? Nghiện rượu kinh niên quả thật có 2 biến chứng nặng: Loạn óc (psychose alcoolique) và chai gan (cirrhose hépatique).
Theo BS Trần Văn Bảng, trong thời gian từ 1920 đến 1925, Tản Đà hay đi chơi nhà nọ nhà kia, nay Hà Nội mai Hà Đông, Vân Đình, Ứng Hòa… Một thân hữu, ông Nghiêm Biền bấy giờ mới 14 tuổi, còn nhớ mỗi lần đến nhà chơi là Tản Đà uống rượu rất nhiều và ăn rất khỏe, có thể một lúc hết luôn một cái thủ lợn. Ta có thể cho rằng sự kiện ăn quá nhiều (boulimie) lại đi lang thang đó đây là những triệu chứng tinh thần mất thăng bằng, nhưng chưa thể nói là mất trí là điên được, cùng lắm là ngông cuồng hay lẩm cẩm mà thôi.
Thí dụ như câu chuyện Tản Đà đào nền nhà lên để trồng rau thom, chuyện đi Sầm Sơn tắm biển ăn hà sống trên bãi bể, chuyện múa kiếm say mê cho mình là Phạm Lãi, vợ là Tây Thi…Nguyễn Tuân cho những cái ngông này là lôi thôi, lẩm cẩm (bizarreries theo tâm trí học), có thể là do nghiện rượu mà ra. Tuy nhiên Tản Đà không phải là người mất trí loạn óc.
Khái Hưng viết: ‘’Tản Đà đau gan, trông da vàng đủ hiểu‘’ Da vàng là một tirệu chứng của nhiều bệnh, không cứ bệnh gan. Song Tản Đà nghiện rượu khiến ta nghĩ đến đau gan cũng đúng thôi.
Chai gan thuộc loại trì bệnh (maladie chronique, khác với cấp tính, maladie aigue) thường thấy ở người nghiện rượu làm cho cơ thể suy yếu dần dần, lá gan sơ héo sau một thời gian khá lâu có khi cả 2 – 3 năm, bụng sưng phồng lên vì chứa nước báng (ascite) nhất là người nghiện rượu uống nhiểu mà ít ăn nên thiếu chất đạm, đôi khi còn thêm phù thũng.
Thế nhưng Tản Đà thường rất khỏe mạnh và phàm ăn, hoàn toàn không thiếu thịt cá lại hay được bạn bè thết đãi. Thêm nữa ông chỉ vàng da trong mấy ngày cuối đời như sẽ tường thuật sau đây. Nếu ông có chết vì bệnh gan thì có thể do viêm gan cấp tính (hépatite aigue) chứ chắc chắn không phải vì sơ gan, héo gan, chai gan hay nóng gan gì cả.
V – Cái chết của Tản Đà:
1) Tường thuật về cái chết của Tản Đà : Chúng tôi xin kể ra
đây 3 nhân chứng đáng tin cậy về cái chết của Tản Đà.
a) Ngô Bằng Giực:
Vào khoảng tháng 5 Âm Lịch năm 1939, Tản Đà đi ăn giỗ ở Hà Đông về dọc đuờng cởi quần áo xuống tắm ở một cái ao gần nghĩa địa Quảng Thiện. Lúc bấy giờ buổi chiều nhưng trời còn đang nắng gay gắt. Do đó ông bị cảm, về nhà phát cơn sốt nặng, vàng da hơn 10 ngày sau thì qua đời.
b) Khái Hưng:
Hôm mồng sáu, được tin ông Tản Đà mệt nặng, tôi (Khái Hưng) đến Ngã Tư Sở thăm ông tại nhà riêng.
Một người đàn bà có tuổi ra mở cửa. Bà mếu máo bảo tôi: ‘’Nguy mất rồi, ông ạ!’’
Tôi cảm động nghẹn ngào, nhất là khi thấy bóng thi sĩ nằm co quắp trên tấm ghế ngựa quang dầu buông chiếc màn sô trắng, trong gian phòng trống trải trơ trọi một cái bàn siêu và hai cái ghế nát.
Bà Tản Đà ở phòng trong bước ra. Phòng trong có nghĩa là nửa gian nhà, cách gian ngoài một bức tường mỏng mảnh và một cái cửa không cánh không rèm.
Bà vừa mặc một cái áo lưong vào người vừa bảo tôi: ‘’Hôm qua tưởng đi rồi ông ạ! Phải tiêm thuốc hồi sinh mới tỉnh lại’’.
Rối bà đến bên giường, mở màn cúi xuống nói với chồng: ‘’Ông Khài Hưng đến thăm’’
Thi sĩ trừng trừng nhìn tôi, mất không chớp trong mấy giây: ‘’Ông Khái Hưng đấy mà ! ’’
Tản Đà gật đầu rồi giơ tay ra hiệu bảo anh người nhà vắt màn lên. Anh người nhà hầu chủ từ khi còn nhỏ đã khiến nhiều lần tôi tưởng tượng ra chú tiểu đồng mang bầu thơ túi rượu đi theo sau một thi sĩ trong các bức tranh thủy mạc của Tàu.
Tản Đà vẫn yên lặng nhìn tôi. Tôi hỏi bà Tản Đà:
- Thưa bà, ông mệt từ hôm nào?
- Thưa ông đã lâu. Nhà tôi đi ăn giỗ rồi bị cảm. Đã khỏi rồi phải lại.
Anh người nhà nói chen:
- Thưa ông, ông con mệt đã đã mười bốn hôm. Từ hôm mồng năm, hôm nay mười chin vị chi đúng mười bốn hôm.
Câu nói tỏ hết lòng của người đầy tớ trung thành. Anh đã tính nhẩm từng ngày ốm của chủ, và có lẽ đêm nào anh cũng túc trực bên giường bệnh.
Tôi đưa tay sờ trán người ốm. Một thứ lạnh ướt làm tôi rùng mình. Tôi có cảm giác như sờ vào một cái thây ma. Nhưng tôi gượng cưòi bảo thi sĩ:
- Không sao, thế nào rồi cũng khỏi. Trông sắc mặt bác tươi tắn và nhất là mắt
bác còn tinh thần. Thế nào cũng khỏi!
Một nụ cười hé nở trên cặp môi nhợt nhạt của nhà văn. Đó là lời cám ơn lặng lẽ. Hay đó là một câu thơ trào phúng ..?
Nhưng hy vọng dần dần trở lại trên nét mặt nặng nề. Và cả mắt lẫn miệng nhìn tôi đăm đăm. Tôi đoán đó là một câu hỏi và tôi trả lời:
- Bác đau gan. Trông da vàng đủ hiểu. Bệnh đau gan ngày nay người ta đã tìm đuợc thuốc chữa rất công hiệu.
Cặp mắt mở to, thi sĩ lắng hết tinh thần chăm chú nghe tôi. Rồi ông thốt ra một câu nói khẽ, lời nói thứ nhất mà tôi nghe thấy:
- Uống sâm có được không?
Tôi lắc đầu:
- Không được , bác ạ. Sâm trệ. Vả sâm thực tốt khó mua. Uống sâm giả hiệu chỉ thêm nguy hiểm.
Bà Tản Đà đỡ lời bảo chồng:
- Phải đấy mình ạ. Phần nhiều là sâm xấu.
Thi sĩ lại hỏi:
- Ăn cháo có được không bác?
Tôi cảm động, nhận thấy người sắp chết cố níu lấy sự sống:
- Được chứ.! Ăn súp cũng được.
Rồi tôi giơ tay từ biệt, nắm trong mấy giây bàn tay ướt lạnh như miếng thịt ướp nước đá:
- Chịu khó ăn cho chóng khỏe nhé. Mà khỏi rồi thì phải uống ít rượu thôi đấy!
Một nụ cười thứ hai lặng lẽ và tươi tắn đáp lại tôi.
Trưa hôm sau tôi đến thăm một lần nữa, lần cuối cùng thì Tản Đà đã mê man sắp từ trần.
(Trích Cái Duyên Của Tản Đà, Ngày Nay số 166)
c) Nguyễn Tuân:
…Cái ngày rất gần đây mà tôi (Nguyễn Tuân) trở lại căn nhà số 11 Ngã Tư Sở là ngày 7 Juin 1939. Tôi trở lại để không bao giờ gặp ông Tản Đà nữa.Tôi một kẻ ở, đến để ngắm chủ nhân đã là một người về.
Lúc bấy giờ quá giờ ngọ, gặp trưởng nam của ông mếu máo tin cho tôi biết rằng ông già cậu vừa mất. Thế là từ phút này, làng rượu đất Bắc mất một tửu đồ và tao đàn mất một vị nguyên soái. một thi nhân mà từ giờ chúng ta có quyền gọi sách mé là Tản Đà, là Nguyễn Khắc Hiếu không cần chữ đệm.
Tôi nghĩ đến một câu mà thi nhân đã gở miệng nói trong bữa tiệc rượu bún chả (nào ngờ là bữa tiệc vĩnh biệt) hôm đầu tháng trước tại một tửu điếm ở Cầu Mới Bờ Hồ:
- Này bác Tuân, làm thế nào mà lúc chết được để mả ở Hàm Rồng Thanh Hóa, ngay bên chỗ cầu treo. Ở đấy mát lắm :
Ai xui ta nhớ Hàm Rồng,
Muốn trông chẳng thấy, cho lòng khôn khuây….
…Tôi lại mừng cho thi nhân giữ được tiếng thơm tho trong sạch cho đến khi qua đời. Có lẽ vì lý do ấy mà Ông Trời đã sớm gọi người về. Người trích tiên đánh vỡ cái chén ngọc ở Tiên Cung, đã đến lúc mãn hạn đi đầy.
Cánh hạc đã bay lên vút tận trời: Năm mươi mốt tuổi đầu, thế cũng là đến cõi:
Của trời tham được có ngần ấy thôi!
Tôi nâng cốc rượu còn đầy, chỉ định nhớ chứ không thương một thi nhân vào cõi bất diệt.
Nhưng lúc tôi vào nhà, lòng tôi thắt lại vì Tản Đà đang hấp hối.
Và đang thở hắt ra, cứ đều đều, cứ nhẹ thế cho đến hơi thở cuối cùng. Hai môi khít lại, ông có nét mặt của một người chết khó khăn.
Phải, chung thân làm một người bất đắc chí: Sống đã chẳng được toại lòng, người nằm sớng sượt nơi đây khó mà đi cho nhẹ nhõm được. Tôi bắt đầu cảm thấy hơi lạnh.
Ở đầu giường bệnh, vẫn cái chồng sách cũ nát trên cái ghế mọt thay làm án thư và bên chồng sách đây có mấy trang bản thảo tập di cảo ‘’Trời ‘’.
Lẻ loi ở góc bàn vẫn cái hũ rượu.cáp giới ngày nọ. Tất cả, chỉ có thế thôi. Tất cả, chỉ có thế thôi. Với một đoàn thê tử yếu và đuối!
(Trích Chén Rượu Vĩnh Biệt
Tao Đàn, số đặc biệt, trang 36 -37)
2) Chẩn đoán cái chết của Tản Đà:
a) Có những sự kiện sau đây:
- Tản Đà nghiện rượu
- Tản Đà tắm ao giữa nắng chiều
- Tản Đà có phát sốt
- Tản Đà có vàng da
- Tản Đà chỉ hôn mê khi hấp hối
b) Căn cứ vào những điều kể trên, ta có thể đưa ra giả thuyết là thi nhân đã từ trần vì căn bệnh viêm gan cấp tính và lọai bỏ những nguyên nhân khác như :
- Cảm nắng (insolation hay sunstroke) thường bất tỉnh, hôn mê và co giật
- Chai gan, bệnh mãn tính do nghiện rượu mà ra, cơ thể dần dà suy yếu
- Viêm dạ dầy hay lá mía do nhiễm độc rượu thưồng ói mưa dữ dội, thổ huyết
- Tai biến mạch máu nảo, thưòng phài tê liệt, cấm khẩu, hôn mê…
- Suy tim tại rượu thường nghẹt thở, phù thũng, thiếu dinh dưỡng (Vit B1)
- Giảm lượng đường trong máu (do chức năng tạo đường của gan bị suy
sụp vì rượu) thường hôn mê ngay, co giật hay tê cứng.
Phụ chú:
1)Về cái chết của Tản Đà :
a) Chẩn đoán :
Viêm gan cấp tính có nhiều loại song thông thường nhất là viêm gan loại A và viêm gan loại B .
Vào thập niên 30, y học chưa phân biệt A với B chứ đừng nói C, D…thậm chí còn chưa có xét nghiệm chính xác cho ngay chính bệnh viêm gan nữa. Những thử nghiệm phức tạp về chức năng gan chưa thể có như ngày nay.
Công việc chẩn đoán thường chỉ dựa trên những triệu chứng lâm sàng như trong trường hợp của Tản Đà là nóng sốt và vàng da đưa đến hôn mê tử vong trong vòng 2 tuần lễ.
Viêm gan loại A được coi như thường dịch (endémie) ở Việt Nam vì bệnh này rất dễ lây qua nước miếng mà người Việt lại dùng đũa gắp thức ăn chung thay vì chia ra từng phần cá nhân như lối ăn của Phương Tây. Hầu hết bệnh nhân viêm gan loại A đều qua khỏi và vĩnh viễn hồi phục, không cần điều trị đặc biệt gì cả. Tuy nhiên bệnh nhân sẽ mang vi khuẩn loại A trong cơ thể và có khả năng reo rắc căn bệnh suốt đời (porteur sain de germes)
Như thế ta có thể tạm kết luận Tản Đả tử vong vì viêm gan loại B, cũng rất phổ biến ở Việt Nam mặc dù lây lan âm thầm qua máu hoặc tinh dịch. Loại này có thể ‘’nằm vùng‘’ tiềm tàng trong cơ thể dưới dạng viêm gan mãn tính. Ngày nay người ta phát hiện những trường hợp này bằng xét nghiệm máu.
Nhưng điều nguy hiểm là vi khuẩn loại B có khả năng ‘’vùng dậy’’ gây ra ung thư gan (hepatoma) hay quật khởi dữ dội trở thành viêm gan cấp tính nếu tình trạng miễn nhiễm của bệnh nhân bỗng nhiên suy kém như trường hợp Tản Đả tắm ao bị trúng nắng
Sự kiện tắm ao rồi sau đó bị sốt và vàng da khiến người y sĩ ngày nay có thể nghĩ một cách xác đáng đến hội chứng Weil, một căn bệnh hiếm lạ truyền từ gia súc qua người (zoonosis) Nguyên nhân bệnh do vi trùng Leptospira đào thải từ nuớc tiểu súc vật sang người qua trầy trụa ngoài da hay niêm mạc đường tiêu hóa .
Rất có thể Tản Đà đã tắm nước ao có trâu vầy và vì vậy có vi trùng nói trên. Loại vi trùng này đôi khi rất độc tàn phá gan thận người bệnh sau khi gây ra những cơn sốt ác liệt. Không thấy nói Tản Đà tiểu ra máu nhưng tắm ao, sôt dữ dội và váng da cũng đủ cho ta nghĩ đến hội chứng Weil (thường gọi là Leptospirosis dưới hình thức nhẹ, không chết người)
Chẩn đoán lâm sàng phải được xác định bằng thử nghiệm máu
b) Điều trị:
Dĩ nhiên ta không thể dùng những tiêu chuẩn hiện đại để phán xét phương cách Tản Đà đã được chữa trị ở thời điểm của ông.
Song thiết tưởng đây là một dịp để chúng ta thấy tổ chức y tế và ngành y khoa ngày nay đã khác hẳn khi xưa và chúng ta, những ‘’phó thường dân’’ bình thường chứ không cần phải là một danh nhân như Tản Đả, có may mắn được quyền đương nhiên thụ hưởng miễn phí
Một điều hiển nhiên trước tiên là ngày nay một người bệnh như Tản Đà không thể săn sóc chữa trị tại gia mà phải nhập viện trong khung cảnh một bệnh viện sạch sẽ khang trang. Khỏi nói đến môt quan niệm chưa thể có ở thời điểm Tản Đà, ấy là đơn vị săn sóc đặc chú (ICU: intensive care unit)
Tản Đà có gia đình thân cận săn sóc, không nói là điều trị được. Thuốc men do các nhân chứng kể lại chỉ thấy sâm và một mũi thuốc hồi sinh (?). Các ‘’tay nghề” của ngành y tế như thầy lang, y sĩ, y tá…không hề thấy đề cập đến, cho nên không có các xét nghiệm thông thường nhất như thử máu và thử nước tiểu, nói chi đến đo mức toan kiềm của máu, chuyền dung dịch…
Xin ghi thêm ở đây là hội chứng Weil ngày nay được chữa trị rất hiệu nghiệm bằng kháng sinh, nhất là Doxycycline (the antibiotic of choice)
1) Về bệnh nghiện rượu của Tản Đà: Căn cứ trên tiêu chuẩn ngày nay, ta không thể nói Tản Đà mắc bệnh nghiện rượu được.
a) Nhiễm rươu có nhiều mức độ:
- Tiêu thụ rượu (alcohol consuming) : Uống thường xuyên nhưng có thể thiếu hay nhịn được, không bị rượu hành và vẫn hoạt động bình thường. Nhiều công cuộc khảo sát cho rằng uống rượu nhất là rượu nho thường xuyên nhưng điều độ còn có khả năng kéo dài đời sống vì làm giảm múc độ cholesterol xấu trong máu, tránh được nhiều bệnh tim mạch.
- Uống rượu có cơn (binge drinking) : Vui bạn bè họ hàng, đôi khi uống một
trận say mềm rồi thôi. Thế nhưng chỉ một lần có khi cũng đủ nhiễm độc tùy sức chịu đựng của mỗi người. Mức độ trung bình 0.8 gam rượu trong 1 lít máu đủ cho tâm trí mất chức năng nhận thức (cognitive functions) rồi. Tối đa 3.g / L có thể gây rối loạn tâm thần (schizophrenic psychosis)
- Lạm dụng rượu (alcohol abuse): Uống lâu và uồng nhiều có thể gây nên tình trạng mất trí với ảo ảnh ảo thính (visual & auditive hallucinosis), thậm chí đưa đến mê sảng (delirium tremens) suy nhược tâm thần, lo sợ tháo mồ hôi, tim mạch đập nhanh. Nặng hơn nữa thì hoàn toàn mất hướng, dẫy dụa dữ dội, gây hấn bạo hành…
- Lệ thuộc rượu (alcohol dependence) bước qua giai đoạn nguy hại cho sức khỏe vì không có rượu không hoạt động gì được. Sáng sớm ngủ dậy thay vì bình thường uống 1 ly cà phê thì bệnh nhân phải làm ngay một ngụm ‘’cỏ nhác’’ chẳng hạn. Và nếu chẳng may thiếu rượu hay không tiêu thụ đủ liều lượng cần thiết thì rất dễ bị những triệu chứng ‘’cai rượu’’ (sevrage hay withdrawal syndrome) như run lẩy bẩy, mệt mỏi vô cùng đưa đến co giật, làm kinh.
- Nghiện rượu mãn tính (chronic alcoholism) là kết quả cuối cùng của chứng ‘’lệ thuộc rượu’’ vì độc tính của rượu đã tàn phá nhiều cơ quan của người bệnh về cơ thể và tâm thần như chai gan, viêm bao tử, viêm lá mía, viêm nhiều giây thần kinh (polyneuropathy) hội chứng Korsakoff (mất trí nhớ ngắn hạn được bù trừ bằng bịa đặt) hội chứng Wernicke (hư não bộ sinh liệt mất, đi đứng mất thăng bằng…) Thêm vào đó, phài kể những yếu tố xã hội như lục đục gia đình, khó khăn trong công ăn việc làm, túng thiếu thất nghiệp phải nhờ trợ cấp an sinh, thậm chí vô gia cư hành khất…
b) Xem thế, chúng ta chỉ có thể nói cùng lắm là Tản Đà mắc chứng ‘’lệ thuộc rượu’’ Muốn chứng minh ông nghiện rượu mãn tính chúng ta không thể dựa vào những nhân chứng ngoại y (extra-medical) đã kể trong luận án vì thiếu hoàn toàn mọi triệu chứng lâm sàng và khảo nghiệm kỹ thuật như quy định bởi những tiêu chuẩn y khoa ngày nay.
VI — Kết luận: Rượu và thơ:
Trăm năm thơ túi rượu vò
Ngàn năm thi sĩ tửu đồ là ai
Theo Khái Hưng, Tản Đà hết hơi men là buồn rầu, lạnh nhạt. Nhờ có rượu mới có hứng thú làm thơ. Không có rượu sẽ không làm gì được hết. Về phương diện y khoa thuần túy, ta có thể nói như vậy chứ không thể cho rượu là nguồn cảm hứng của thơ. Dù sao đối với y học rượu bao giờ cũng là một chất độc, chỉ làm hại cho cơ thể. Mà đã có hại cho cơ thể là phải làm suy giảm tinh thần, lý trí, làm kém trí nhớ. Do đấy năng xuất làm việc viết lách, suy tưởng cũng phải kém đi.
Người ta có thể lý luận rằng Tản Đà không có rượu thì không có thơ, có nghĩa rượu là nguồn thơ. Theo y học thì lập luận này không được đúng lắm: Tản Đà thiên bẩm có hồn thơ, nhưng sau bị lệ thuộc rượu. Không có rượu là thể xác và tinh thần bị tê liệt. Phải có rượu thì mới lấy lại được khả năng của lý trí.
Vậy rượu không gây được nguồn cảm hứng. Trái lại tại rượu mà nguồn cảm hứng không bền bỉ. cho nên nhà thơ lệ thuộc rượu chỉ sáng tác từng thời kỳ mà thôi. Không làm việc liên tục được nên không sáng tác được những tácphẩm trường thiên mà chỉ làm được những đoản thiên, cố nhiên vẫn có giá trí.
Tuy rượu không giúp thêm phần cảm hứng, nhưng chắc chắn có ảnh hưởng về xu hướng sáng tạo. Ta thấy thơ Tản Đà rõ ràng thuộc loại thơ ngông mà ngông vì đâu mà ra nếu không từ rượu : Khối Tình Con, Giấc Mộng Con v.v… đều điển hình cho thơ ngông của Tàn Đà.
Y Khoa cho rằng rượu là chất độc có thể làm hại cho nguồn cảm hứng. Trái lại các thi nhân nghĩ khác, cho rằng rượu giúp nhà thơ vượt thế giới thực tại để bước qua huyền ảo, tìm được nguồn cảm hứng.Theo Hàn Mặc Tử thì ‘’nhìn qua sự thực là mộng, nhìn qua mộng là thơ’’. Nếu quả vậy thì rượu đã đóng một vai trò quan trọng trong thi nghiệp của Tàn Đà.

NGUYỄN VĂN VĨNH (1882 – 1936)
I – Thân thế:
Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 30 – 4 – 1882 tại làng Phương Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, chết ngày 1 – 5 – 1936 tại Tchépone, Ai Lao.
I I -Sự nghiệp văn chương:
Ta có thể chia sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh làm hai phần:
1) – Nguyễn Văn Vĩnh ký giả:
a) – Năm 1907, ông làm chủ bút tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc Kỳ là Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo sau đổi tên là Đăng Cổ Tùng Báo..
b) – Năm 1908, ông sáng lập tờ báo Pháp văn Notre Journal đồng thời làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Notre Revue. Ông cũng lần lượt làm chủ bút các tờ Trung Bắc Tân Văn (1915), Nam Học Niên Khóa (1916) và Annam Nouveau (1931)
2) – Nguyễn Văn Vĩnh dịch giả:
Nguyễn Văn Vĩnh đóng góp nhiều cho văn hóa Việt Nam khi dịch sách chữ Hán hoặc chữ Nôm ra Quốc Ngữ.
Thế nhưng đóng góp lớn lao nhất của ông là quan niệm truyền bá tư tưởng mới của Âu Tây bằng cách dịch ra Quốc Ngữ những tác phẩm kinh điển của nền văn minh Pháp, ngõ hầu đúng là để nước mình mau tiến bộ.
Ông là người đứng ra hô hào lập hội dịch sách gồm các học giả họp tại Hội Quán Trí Tri ở Hà Nội.
Sau đây là những công nghiệp dịch thuật chính yếu của ông:
a) – Sách chữ Hán và chữ Nôm:
- Tam Quốc Chí ra Quốc Ngử.
- Đọan Trường Tân Thanh của Nguyễn Du bằng chữ Nôm ra Quốc Ngữ rồi ra Pháp văn
b) – Sách chữ Pháp ra Quốc Ngữ:
- Dân Ước (Contrat Social của Jean-Jacques Rousseau
- Vạn Pháp Tinh Lý (Esprit des Lois của Montesquieu)
- La Peau de Chagrin (Miếng Da Lừa của Honoré de Balzac)
- Người Biển Lận (L’Avare, kịch của Molière)
- Bệnh Tưởng (Le Malade Imaginaire, kịch của Molière)
- Trưởng Giả Học Làm Sang (Le Bourgeois Gentilhomme, kịch của Molière)
- Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ (Les Trois Mousquetaires d’ Alexandre Dumas)
- Hai Muơi Năm Về Sau (Vingt Ans Après d’Alexandre Dumas)
- Mai-Nuơng Lệ-Cồt (Manon Lescaut de l’Abbé Prévost)
- Tây-Lê-Mạc Phiêu Lưu Ký (Les Aventures de Télémaque của Fénélon)
- Ngụ Ngôn Lã-Phụng-Tiên (Les Fables de La Fontaine)
I I I – Bệnh tật lúc sinh thời:
Nguyễn Văn Vĩnh là người vạm vỡ khỏe mạnh. Ông sống rất điều độ, sáng nào cũng tập thể thao 20-30 phút, trời nóng cũng như trời lạnh.
Ông không uống rượu, không hút thuốc phiện. Ông chỉ nghiện thuốc lào và thích đánh tổ tôm. Chứng bệnh duy nhất là bệnh trĩ (hémorroides)
I V – Cái chết:
Vê cái chết của Nguyễn Văn Vĩnh, chúng tôi dựa vào những lời nói của hai nhân chứng :
1) – Bà Suzanne, kế thiếp của ông Vĩnh năm 1966 còn sống trong một
trang trại gần suối Lồ Ồ, Biên Hòa:
Đầu thập niên 30, khủng khoảng kinh tế toàn cầu khiến ông Vĩnh phá sản, Tất cả cơ nghiệp cầm cho nhà băng Crédit Foncier đều bị tịch thâu. Ông còn phải chờ ngày ra toà lãnh án vì tội vỡ nợ. Ông bèn trốn tránh sang Lào đồng thời đi tìm vàng với một người bạn tên là Clémenti. Lúc đó nhằm tháng Février 1936, ông ra đi rất khỏe mạnh nhưng 2 tháng sau trở về sức khỏe suy yếu vì mắc bệnh sốt rét rừng tuy đã được chữa trị tại Tchépone.
Về đến nhà ông được tin tòa xử vắng mặt và lên án ông phải ‘’ ở tù vì thiếu nợ’’. Ông bằng lòng ở tù, càng có thì giờ viết văn nhưng bà Suzanne không muốn chồng phải cảnh lao tù nên khuyên ông trốn lên mỏ vàng trở lại. Tại mỏ vàng cách Tchépone 3 ngày đuờng sông, sức khỏe ngày một suy kém vì khoảng giữa Avril mỗi ngày ông 2-3 lần tiểu tiện ra huyết màu đỏ sẫm, người gầy sọc ốm yếu, nóng sốt và da vàng.
Ông Clémenti đưa Nguyễn Văn Vĩnh xuống thuyền độc mộc trở về định ghé Tchépone trước khi về Hà-Nội chữa bệnh. Nhưng khi đến phạm vi làng Ban-San-Khup khoảng 6 giờ chiêu ngày 1er Mai 1936, ông Vĩnh đã trút hơi thở cuối cùng trên thuyền. Xác ông được đưa về Tchépone và tẩm liệm tại đây
2) – Bác sỹ Nguyễn Đình Hào, một thân hữu của ông Vĩnh năm 1966 cư ngụ tại đường Đề Thám, Saigon:
Khoảng Février 1936, khi Nguyễn Văn Vĩnh lần đầu tiên sang Lào tìm vàng thì BS Hào đang nhậm chức ở một y viện nhỏ bé của tỉnh Tchépone. Chính BS Hào săn sóc ông Vĩnh mắc bệnh paludisme với những triệu chứng rất rõ rệt mặc dầu rất tiếc là thiếu dụng cụ thí nghiệm nên không thể thử máu để xác nhận. Sau 1 tuần điều trị bằng Quinine, bệnh suy giảm rất nhiều. Ông Vĩnh từ giã để về Hà-Nội, tuy người còn yếu.
Sau đó BS Hào cũng về và ở luôn Hà-Nội không trở lại Tchépone. Ông Vĩnh thì lại trở lên mỏ vàng lần hai, bệnh rét rừng tái phát làm ông thiệt mạng. Lúc đó BS Hào không còn có mặt ở Lào nữa, song những chi tiết ông kể về bệnh malaria của ông Vĩnh tất nhiên có nhiều giá trị y khoa.
Phụ chú:
1) – Về cái chết của Nguyễn Văn Vĩnh:
Tản Đà và Nguyễn Văn Vĩnh sống cùng thời, song chết trong hai hoàn cảnh khác biệt hẳn. Tản Đà ngã bệnh tại gia lại không được điều trị gì nhiều ngoài một mũi thuốc khỏe. Trong khi đó trốn tránh nơi rừng thiêng nước độc, Nguyễn Văn Vĩnh ít nhất cũng được cứu mạng khi ‘’ngã nước sốt rét’’ lần đầu được BS Nguyễn Đình Hào chữa trị bằng Quinine.
Nói chung, ở thời điểm đó tổ chức y tế còn sơ khai, tây y chưa thông dụng nên xét nghiệm không có, điều trị còn thiếu sót.. Điển hình là trường hợp sốt rét của Nguyễn Văn Vĩnh nếu được uống thuốc ngừa, có thể bệnh đã không tái phát khi ông trở lại tìm vàng ở một vùng chắc chắn nhan nhản muỗi Anophèles .truyền nhiễm căn bệnh người này sang người kia. Ngày nay mỗi năm bệnh sốt rét còn đưa đến tử vong hàng triệu con người ở những nước thuộc thế giới thứ 3.
Đến đây chúng tôi xin mở một dấu ngoặc để nói về chuyện ‘’thiếu nợ phải ở tù’’. Ngày nay ở những nước tự do dân chủ tân tiến không còn chuyện này nữa mà người khai vỡ nợ còn được luật pháp che chở để có điều kiện sinh sống đầy đủ nhân cách. Cho nên có thể nói rằng Nguyễn Văn Vĩnh vì trốn nợ đi tìm vàng nơi rừng thiêng nước độc mà ‘’chết oan’’. Dĩ nhiên thời buổi nào, kỷ cương nấy!
2) – Về bệnh sốt rét của Nguyễn Văn Vĩnh:
Bệnh sốt rét do ký sinh trùng Plasmodium gây ra; có 4 loại nhất là 2 loại Plasmodium vivax thông thường dễ tái phát và Plasmodium falciparum rất nguy hiểm cho tính mạng vì hay làm tổn thuơng não bộ (malarial encephalopathy) và thận (hemorrhagic nephritis)
Sốt rét không lây thẳng người sang người mà tại muỗi cái Anopheles hút máu một bệnh nhân rồi nhả sang một người khác khi đốt tiếp khiến người này bị lây bệnh. Ở Việt Nam giống muỗi này sống trong rừng nên có tên sốt rét rừng. Tại các thành phố thường chỉ có loại muỗi Aedes nên không có sốt rét thành thị (urban malaria).
Ký sinh trùng Plasmodium cần muỗi có tuyến nườc miếng mới sinh sôi nẩy nở được. Anopheles cái có tuyến nước miếng trong khi Anopheles đực và Aedes đực hay cái đều không có nên không truyền bệnh sốt rét được.
Ký sinh trùng Plasmodium rất dễ nhìn ra dúới kính hiển vi nhất là với cách nhuộm mầu hiện đại. Chúng có một chu kỳ sống gồm nhiều giai đoạn sinh sản biến dạng khá phức tạp qua nhiều cơ quan trong người, đặc biệt là:
- Hồng cầu trong máu bị ký sinh trùng trong thời kỳ phát triển phá vỡ làm nhiều mảnh (hemolysis) gây chứng bần huyết vàng da vì hémoglobine thất thoát ra ngoài mạch máu. Nếu là P. vivax thì cứ 2 ngày có một cơn vỡ hồng câu như thế nên mới có tên sốt cách nhật. Triệu chứng lâm sàng là rét lạnh run lập cập, phát sốt dữ dội rồi xuất hạt như tắm, hết sốt song đuối sức rất mệt..
- Lá lách (thường mệnh danh là nghĩa địa của cơ thể) chứa chấp hồng huyết cầu chết và ký sinh trùng trong tình trạng tạm ngủ đôi khi qua rất nhiều năm, trở thành một khối lượng rất to gây ra chứng lớn lá lách (splenomegaly) rất dễ bị bể khi va chạm. Một thí dụ cụ thể là mang bệnh sốt rét kinh niên nhảy tắm sông chết vì bể lá lách gây xuất huyết nội trong màng bụng.
Nói chung bệnh sốt rét đã được chữa trị hữu hiệu từ lâu với Quinine, Quinidine rồi sau đó với Chloroquine, Primaquine, Mefloquine…phối hợp với kháng sinh như Tétracycline, Clindamycine…Những thuốc trên đây có thể dùng để phòng ngừa bệnh khá tốt với điều kiện uống thường xuyên hay cà tuần trước khi có khả năng nhiễm bệnh và nhiều tuần sau khi nhiễm bệnh.
Lý do sốt rét còn tàn phá nhiều nơi trên thế giới có thể là vì hiện nay chưa tìm ra thuốc kháng nhiễm (vaccine) ngõ hầu tiêm chích hay uống ngừa một cách quy mô. Hơn nữa nhiều quốc gia không có chương trình diệt trừ sốt rét, nhất là diệt muỗi như chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã thực hiện trước đây. Ngoài ra người dân quá nghèo ăn còn không đủ nói chi phải ngủ trong mùng hay ở trong nhà có mạng luới tránh muỗi!
Nói tóm lại, qua những điều sơ bản vừa trình bầy trên đây, ta có thể đoan chắc bệnh sử của Nguyễn Văn Vĩnh như sau:
- Lần đầu ông bị sốt rét do Plasmodium vivax gây nên và đã được BS Hào chữa trị thành công bằng Quinine. Chẩn đoán này không xác định đuợc bằng cách phát hiện ký sinh trùng dưới kính hiển vi nhưng P.vivax là loại ký sinh trùng thuờng thấy và những triệu chứng lâm sàng phù hợp với rét rừng cấp tính.
- Lần nhì có thể ông bị P.vivax tái phát vì không uống thuốc ngừa dài hạn dù là ký ninh sau khi đã khỏi bệnh trên phương diện lâm sàng. Chúng tôi e rằng ở thời điểm Nguyễn Văn Vĩnh quan niệm uống thuốc để ngừa sốt rét chưa được phổ thông hóa.
Song chúng ta có thể đoan chắc hơn nguyên nhân là do P. falciparum mà ra. Loại ký sinh trùng này độc địa hơn P. Vivax nhiều vì thưòng nhắm tấn công não bộ và các bộ phận tiết niệu. Ông Vĩnh bị nóng sốt, mê man và nhất là xuất huyết đường tiểu (hematuria) triệu chứng lâm sàng đặc tính (pathognomonic) của viêm thận do sốt rét cấp tình (malarial acute hemorrhagic nephritis)
Cơ chế của triêu chứng tiểu ra máu là vì trong chu kỳ biến dạng P. falciparum đã phá vỡ quá mau và quá nhiều hồng huyết cầu tràn nghẹt các ông dẫn tiểu gây viêm thận và nước tiểu đương nhiên bị nhuộm đỏ thẫm bởi hémoglobine của hông cầu bị vỡ.
Kết luận:
Ở Việt Nam xưa nay , cái nghiệp nhà văn không nuôi sống tác giả, ngay khi kinh tế phồn thịnhn nói chi đang lúc khủng khoảng. Với cái tài của mình,Nguyễn Văn Vĩnh lẽ ra phải có một đời sống vật chất dồi dào chứ đâu đến nỗi phải chết một cách đau thương xa gia đình quê hương, nơi rừng sâu núi thẳm.
Căn cứ vào lời dẫn chứng của BS Nghuyễn Đình Hào, ông chắc chắn mắc bệnh sốt rét rừng. Lần đầu tiên có lẽ do Plasmonium Vivax, ông may mắn được BS Hào ở Tchépone kịp thời chữa trị bằng ký ninh bình phục tuy sức khỏe còn suy kém. Lần thứ nhì có lẽ do Plasmonium Falciparum độc địa hơn nhiều và có thể khi trở lại mỏ vàng ông đã không uống thuốc phòng ngừa. Lần này thì bệnh rất trầm trọng. Theo lời bà kế thất Suzanne, ông đi tiểu ra huyết màu đỏ thẫm, da vàng, người gầy sọc mất hết sức trong có mấy ngày. Đây là biến chứng cấp tính của sốt rét (Fièvre bilieuse hémoglobinurique) làm người bệnh chết rất chóng.
Nguyễn Văn Vĩnh chết mới có 54 tuổi. Trước khi đi Lào, sức khỏe ông rất tốt, trí óc ông hoàn toàn minh mẫn. Nếu không có vụ đi tìm vàng, chác chắn ông vẫn sống khỏe để sáng tác và dịch nhiều sách nữa. Cái chết quá sớm của ông là một mất mát lớn lao cho nền văn học nước nhà.
(Còn tiếp)

THEO DÒNG SỰ KIỆN:
  1. Trên máy bay, ngồi phía cửa sổ nguy hiểm hơn?
  2. Linh hồn ‘Quân đội nhân dân’ lâm nguy
  3. Tàu ngầm Việt Nam – Nguy cơ mới cho quân xâm lược
  4. Thảm họa hạt nhân ghê rợn ở Nhật Bản nguy hiểm đến mức nào?
  5. Tuần lễ quốc tế vận cứu nguy Cồn Dầu, Bát Nhã và đòi nhân quyền
  6. Ai du nhập hiểm nguy? Làm gì để cứu nguy đất nước?

9 Phản hồi cho “Bệnh tật và cái chết của 4 văn nhân: Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Tường Tam[1]”

  1. LẠI MẠNH CƯỜNG says:
    Thưa đại huynh Mạc Văn Phước.
    và các đồng hương thân mến,
    Tham dự Hội nghị Quốc tế Y sĩ VN Tự do kỳ Ba tổ chức tại Paris vào cuối tháng 7/1991, rất may mắn tôi được nghe bài tham luận của ông thày cũ về môn Y khoa Phòng ngừa (Médecine préventive), nhưng ra ngoài này tôi lại coi ông như một đại huynh khả kính trong công cuộc chồng Cộng trường kỳ và gian khó. Đó là bác sĩ TỪ UYÊN định cư sau 1975 ở Canada “đất lạnh tình nồng” !
    Tôi vội vã xin ngay bản thảo bài tham luận để có dịp xử dụng sau này khi cần thiết. Đại huynh Từ Uyên vui vẻ chấp thuận.
    Thực ra anh em chúng tôi cũng không lạ gì nhau, bởi đã quen nhau khi cùng đi biểu tình chống Thanh lọc (screening) thuyền nhân Việt Nam ở Genève trước đó vài năm và bà vợ tôi khi sang chơi Canada đã từng gặp mặt ông.
    Ngày tháng trôi đi và tôi lại tình cờ ghé ngang trụ sở Hội Y tế Hòa-Việt (Het Medisch Comité Nederland) ở Amsterdam lần đầu (nhân đi dọ hỏi mua vé máy bay sang Mỹ), gặp được tay giám đốc quen thuộc và đã trao đổi tài liệu về y tế ở Việt Nam. Tôi đưa ra những bài viết của mình về VN và ngược lại ông này trao cho tôi tài liệu của hội trên, nhất là trong chiến dịch bài trừ sốt rét mà họ gặt hái được nhiều thành công đáng kể ở vùng cao nguyên, khiến uy tín của Hội tăng cao với ngay chính quyền CSVN và với chính quyền Hòa Lan, nên họ xin được nhiều tài trợ từ phía Hòa Lan cũng như dành được nhiều dễ dãi từ phía CS (đưa người VN qua huấn luyện ở Hòa Lan trong nhiều lãnh vực, như về y khoa phòng ngừa trong chiến dịch phòng chống Sốt Rét và sau này thêm chiến dịch phòng chống thiếu Vitamine A nơi trẻ con, phòng chống Lao …). Đáng kể nhất là cuốn sách VIETNAM: The Situation of Children and Women của UNICEF năm 1990, được xuất bản ở Hà Nội (sách in rất đẹp và công phu)
    Từ đó tôi miệt mài trong khoảng nửa năm, để viết một bài dài tựa đề HIỆN TRẠNG Y TẾ VIỆT NAM, và gửi đăng nhiều kỳ trên TẬP SAN Y SĨ CANADA, cũng như rút gọn để đăng một kỳ ở tờ Người Dân tại bang Cali, và những tờ báo cộng đồng nơi khác, như tờ Điểm Tin Báo Chí ở vùng Tây Tiệp (nay là Cộng hòa Tiệp; Czech Republic ); tập san của riêng lớp YKSG 67-74.
    Xin phép được ghi lại một số điểm chính yếu tôi đã viết về bệnh Sốt Rét ở Việt Nam vào thời điểm đó, nhất là có liên quan đến bình luận về bệnh trạng nhà học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
    1/
    Ở VN mỗi năm có khoảng một triệu người mắc bệnh SR và một trăm ngàn người (10%) phải nhập viện vì SR; riêng năm 1989 có trên hai ngàn (2.000) người tử vong vì SR trong cả nước. Gần ba phần tư dân số VN sống trong vùng có SR.
    (…)
    Thất bại nặng nề trong phòng chống SR được Hà Nội nêu ra :
    - thiếu tài chính cho vệ sinh phòng dịch.
    - muỗi Anopheles (đòn sóc) đề kháng với DDT và Plamosdium falciparum đề kháng Chloroquine.
    - thiếu hụt DDT và thuốc điều trị SR do mọi thứ phải mua theo giá thị trường từ khi khối Cộng ở phương Tây xụp đổ hàng loạt thật mau.
    - di dân nội địa (internal migration) cưỡng bức do chính sách kinh tế mới
    (…)
    Về mặt vệ sinh phòng dịch và điều trị SR ở VN cần chú ý ở các điểm chính yếu:
    - do khác biệt về môi sinh nên về dịch học cũng khác nhau tùy vùng, tùy nơi. Chẳng hạn ở các tỉnh phía Nam VN luôn luôn bị SR hoành hành, nhất là về mùa mưa, nhưng ở các vùng núi rửng miền Bắc sự lan truyền SR bị gián đoạn vào các tháng lạnh nhất trong năm, tức các tháng 12, 1 và 2.
    - có hơn 60 loại muỗi Anopheles được ghi nhận là tác nhân truyền bệnh SR tại VN, phần lớn có khuynh hướng trú ẩn ở trong nhà (indoors).
    - tác nhân gây bệnh có ba loại: Pl. falciparum/ vivax/ malariae. Pl. malariae thỉnh thoảng mới gặp một ca; Pl. vivax thường gặp (gấp hai lần hơn) Pl. falciparum ở ngoài Bắc, nhưng các tỉnh trong Nam thì ngược lại.
    - Pl. falciparum được xem là nguy hiểm nhất, vì thường gặp, hay gây những thể bệnh nguy hiểm chết người, và hay kháng thuốc. Để chữa trị SR do Pl. falciparum người ta phải dùng đến phương cách phối hợp thuốc (drug-combination).
    2/
    Bình luận thêm:
    2.1/
    Đúng như bác sĩ Phước viết, Pl, vivax hay gây tái phát SR. Lý do Pl. vivax còn khu trú trong gan một thời gian rất dài (Wikipedia: Persistent liver stages allow relapse up to five years after elimination of red blood cell stages and clinical cure.)
    Tuy nhiên, Pl. falciparum cũng gây tái phát dài dài, do bởi bệnh nhân bị muỗi đòn sóc liên tục đốt để hút máu.
    Cách định bệnh phân biệt dựa vào lâm sàng chỉ còn dựa vào các cơn sốt rét. Pl. vivax gây ra các cơn sốt rét định kỳ, nên có tên là sốt rét cách nhật. Tức ngày lên cơn SR ngày không ! Còn muốn rõ ràng thì duy nhất là, phải tìm ra ký sinh trùng này trong máu bệnh nhân.
    Nói khác đi, không thể dựa vào sự tái phát SR mà bảo rằng bị Pl. vivax được.
    Một cách cụ thể, định bệnh chắc chắn (diagnostic positif) phải được khẳng định (confirmer; confirm) bằng thử máu và tìm ra được loại Plasmodium nào trong máu bệnh nhân, nhất là đang trong cơn sốt rét ! Bởi cũng có thể bệnh nhân bị hơn một loại Plasmodium gây bệnh.
    2.2/
    Cũng đồng ý với bác sĩ Phước là Plasmodium falciparum là tác nhân thường gây ra các thể bệnh nặng. Nhưng bác sĩ Phước lại quên một điều không kém phần quan trọng. Đó là chứng G6PD (Glucose-6- Phosphate Dehydrogenase Deficiency)
    Wikipedia:
    Glucose-6-phosphate dehydrogenase deficiency is an X-linked recessive hereditary disease characterised by abnormally low levels of glucose-6-phosphate dehydrogenase (abbreviated G6PD or G6PDH), a metabolic enzyme involved in the pentose phosphate pathway, especially important in red blood cell metabolism. G6PD deficiency is the most common human enzyme defect. Individuals with the disease may exhibit nonimmune hemolytic anemia in response to a number of causes, most commonly infection or exposure to certain medications or chemicals. G6PD deficiency is closely linked to favism, a disorder characterized by a hemolytic reaction to consumption of broad beans, with a name derived from the Italian name of the broad bean (fava). The name favism is sometimes used to refer to the enzyme deficiency as a whole, although this is misleading as not all people with G6PD deficiency will manifest a physically observable reaction to consumption of broad beans.
    (…)
    Many substances are potentially harmful to people with G6PD deficiency, variation in response to these substance makes individual predictions difficult. Antimalarial drugs that can cause acute haemolysis in people with G6PD deficiency include primaquine, pamaquine and chloroquine. There is evidence that other antimalarials may also exacerbate G6PD deficiency, but only at higher doses.
    Tôi đã gặp những bệnh nhi G6PD bị nóng lạnh và được lang vườn chữa bằng thuốc SR nên bị tiểu ra huyết sắc tố (hémoglubinurie) đỏ sậm như nước giải khát Coca Cola !
    Tôi chưa gặp trường hợp nào ở người lớn, bởi chắc gì đã sống được tới già khi mắc chứng này chứ. Cho nên nếu quả thực cụ Vĩnh bị SR mà đái ra máu thì chắc chắn sẽ là thể nặng của Pl. falciparum, trong đó có một thể tôi từng gặp mang tên riêng Black Water Fever. Tuy nhiên như đã nói, ít ra phải xác định trong máu bệnh nhân có Pl. falciparum, cũng như đúng là tiểu ra huyết sắc tố (hémoglobine), chứ không phải tiểu ra hồng cầu (red blool cell)
    Wikipedia:
    Blackwater fever is a complication of malaria in which red blood cells burst in the bloodstream (hemolysis), releasing hemoglobin directly into the blood vessels and into the urine, frequently leading to kidney failure. The term “black water” fever was coined by the Sierra Leonean doctor John Farrell Easmon in his 1884 pamphlet entitled “Blackwater Fever.” Easmon was the first to treat cases of black water fever following the publication of his pamphlet.
  2. LẠI MẠNH CƯỜNG says:
    Thưa Ban biên tập Đàn Chim Việt,
    thưa blog chủ Nhật Tuấn
    và bà con thân mến,
    Tình cờ cách nay khoảng vài tuần tôi đọc được trong blog Nhật Tuấn, nhà văn nổi tiếng qua tác phẩm thời phản tỉnh phản kháng có tựa đề ĐI VỀ NƠI HOANG DÃ, cũng là em ruột nhà văn Nhật Tiến (tôi đã làm quen và rất thích qua truyện ngắn rất cảm động Chim Hót Trong Lồng), một đoạn ngắn về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
    Xin được repost lại đây, để cùng thưởng thức và tưởng nhớ đến vị chủ soái văn đàn Việt Nam buổi bình minh, khi tiếp xúc và tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa phương Tây.
    Kính cáo,
    Lại Mạnh Cường
    ====
    [trích]
    Chủ nhật, 04 tháng mười hai 2011
    CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN (KỲ 3)
    Trong 100 chân dung của Xuân Sách, có một trường hợp đặc biệt, đó là nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, đã mất từ 1939, quá xa trước cách mạng. Trong “Thi nhân Việt Nam” Hoài Thanh và Hoài Chân đã cung kính đặt Tản Đà lên ngồi ghế “chủ suý” của hội tao đàn, một người mở lối cho thi ca Việt Nam bước vào giai đoạn mới.Nhà văn Nguyễn Tuân cũng ca ngợi :” Trong chốn Tao Đàn, Tản Đà xứng đáng ngôi chủ suý, trong Hội tài tình, Tản Đà xứng đáng ngôi hội chủ mà làng văn làng báo xứ này, ai dám ngồi chung một chiếu với Tản Đà? ”
    Và Xuân Sách cung kính viết về cụ :
    “Văn chương thuở ấy như bèo
    Thương cụ gồng gánh trèo leo tận trời
    Giấc mộng lớn đã bốc hơi
    Giấc mộng con suốt một đời bơ vơ
    Ước chi cụ sống tới giờ
    Chợ trời nhan nhản tha hồ bán văn…”
    [hết trích]
  3. Lão Ngoan Đồng says:
    Thưa bà con,
    Xin có chút nhời bàn loạn nơi đây, gọi là múa rìu qua cửa Lỗ Ban !
    Mong được cao nhân chỉ điểm, nếu còn vụng về thô thiển. Cám ơn nhiều.
    1/
    Trước tiên, xin “động chạm” đến vị giáo sư niên trưởng (senior professor) của trường Y Khoa Sài Gòn là giáo sư TRẦN VĂN BẢNG, vốn là người bảo trợ luận án rất độc đáo nói trên cho bác sĩ Mạc Văn Phước.
    Có biết ít nhiều về giáo sư Bảng, ta mới hiểu rõ hơn từ đâu lại nảy nòi ra sự độc nhất vô nhị trong lịch sử luận án làng Y Sài Gòn trong khoảng thời gian 1954-1975.
    Cũng nên biết là trong cuộc “bỏ phiếu bằng chân” không tiền khoáng hậu 1954, một bộ phận quan trọng trong Ban giảng huấn trường Y Hà Nội di cư vào Nam để hợp nhất với ban giảng huấn có sẵn của trường Y Sài Gòn (trước đó chỉ là một bộ phận trực thuộc / annexe của trường Y Hà Nội) để thành lập nên trường Y Sài Gòn ngày một lớn mạnh (có thể nói là tân tiến và hiện đại hơn hẳn trường Y Hà Nội về mọi mặt, từ cơ sở đến chuyên môn) trong hai thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa ở miền Nam thân yêu.
    Dĩ nhiên đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của các giáo sư ngoại quốc đến từ Pháp, rồi từ Mỹ, trong đó có những vị đã gắn bó với vận mạng của trường trong nhiều năm dài, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng sinh viên và cả đồng nghiệp bản xứ.
    Cũng phải kể đến một ngoại lệ độc đáo là, một giáo sư người Bỉ thường được học trò và có khi cả đồng nghiệp Việt Nam gọi bằng cái tên thân thương “cha già”, bởi ông vốn dĩ là tu sĩ truyền giáo thuộc Dòng Tên (Jesuite) của Bỉ, tên là Lichtenberger. Ông vốn phục vụ ở Tàu, ở lại sau 1949 nên bị tù tội thời Mao, rồi bị trục xuất về Bỉ, ông lại xin sang phục vụ ở Việt Nam. Ông chỉ rời VN vài tháng trước khi miền Nam sụp đổ, do bởi bị Nhồi máu cơ tim / Infarctus du myocarde. Lớp chúng tôi, lớp duy nhất, đã tổ chức được một cuộc viếng mộ (thực ra là ngôi mộ tập thể của rất nhiều tu sĩ Dòng Tên Bỉ) và truy điệu ông ở một nghĩa trang yên tĩnh, nằm trong một ngôi làng rất xa thủ đô Bruxelles, nhân dịp họp lớp YKSG 67-74 lần thứ ba ở Âu châu vào năm 2007 ! Học trò cũ đến từ khắp nơi, Tây Âu, Úc, Mỹ và cả Việt Nam, đã thành kính tri ân vị thày khả kính và nổi tiếng thế giới về môn Di truyền học (Genetics), lẫn Mô học (Histologie), Phôi học (Embryologie). Ông là người đặt nền mòng các chuyên môn này cho trường Y SG.
    Giáo sư TRẦN VĂN BẢNG là nội trú đầu tiên (1936) của trường Y khoa Hà Nội, nghĩa là còn trước cả giáo sư Tôn Thất Tùng, không như tin từ Wikipedia hay báo chí của phía CS đưa tin. Về bằng chứng, tôi đã sưu tập rất nhiều, nhưng xin không nêu ra, vì mất nhiều chỗ và thì giờ, lại làm loãng ý chính ở đây. Tôi dành chuyện này khi kể về lịch sử trường Y khi có điều kiện.
    Ông làm giảng viên trường Y Hà Nội (1940-1946), rồi công chức ngành Y tế, di cư vào Nam 1954 và trở thành nhân viên ban giảng huấn cho đến khi rời khỏi VN.
    Ông là chuyên gia bệnh Cùi (Hủi) và coi như là đầu ngành Bệnh Nhiễm trùng (Maladies infectieuses) của trường Y, kiêm trưởng khu Bệnh Truyền nhiễm (Maladies contagieuses; Khoa Nhiễm theo tiếng gọi tắt thời CS) ở bệnh viện Chợ Quán (bao gồm những bệnh nguy hiểm hay lây, như bệnh Dịch Tả, Chó Dại, Uấn Ván, Bạch Hầu, Viêm Màng Não …) và dĩ nhiên cả khu bệnh Cùi.
    Tuy nhiên học trò lại biết đến ông nhiều qua tài văn chương thi phú. Vâng, ông dậy học trên giảng đường như một văn nhân chứ không phải là một giáo sư đại học trường thuốc. Khi tôi đang học năm thứ nhất học ông một vài giờ môn Triệu Chứng học (Sémiologie), ông vừa dậy vừa thi vị hoá bằng văn thơ thật vui. Học trò chỉ thấy mến thương, chứ không hề sợ ông (như sợ cọp khi phải tiếp xúc với các giáo sư lão thành đầu ngành).
    Riêng tôi kỷ niệm đáng nhớ nhất đời sinh viên là, khi một mình bước vào phòng thi vấn đáp (oral) kỳ thi tuyển nội trú vào năm 1973 ở giảng đường khu Ung thư bệnh viện Bình Dân, tôi thấy ông ngồi lẫn trong một số đại giáo sư Ban chủ khảo. Sau khi ngồi xuống ghế trước mặt Ban giáo khảo, tôi chỉ chú ý đến ông trong khi trình bày đề tài cấp cứu y khoa đã bốc được là Thai Ngoài Tử Cung (GEU = Grossesse Extra-utérine) trong hạn kỳ 5 phút, ngay sau 5 phút sửa soạn bài vở. Bởi ông quá “dễ thương”, trên khuôn mặt phúc hậu ấy là nụ cười mũm mĩm với cái đầu gật gù, như khuyến khích tôi hãy bình tâm mà trình bày đề tài sao cho thật xuông xẻ. Hình ảnh này tôi nhớ mãi, chả dám quên.
    Sinh thời giáo sư Bảng rất ham mê văn chương, xướng hoạ thi phú … có lẽ còn hơn cả chuyên môn Y ! Học trò và bạn đồng nghiệp, lẫn bạn thơ của ông hẳn là biết rõ biệt hiệu thi sĩ BẰNG VÂN vào trước năm 1975, hơn là giáo sư Trần Văn Bảng.
    Sau 1975 ông lấy thêm pennames như Lưu Văn Vong và Sĩ Ngông, để nói lên tâm trạng u uất của mình trước thời cuộc.
    Hãy thương cảm ông qua đề từ cho tác phẩm cuối đời “đồ sộ” (khoảng 600 trang) và lắm công phu của ông THƯ MỤC Y GIỚI VĂN THI NGHỆ SĨ
    Bạn ở lại, tôi đi trước nhé !
    Có thương nhau cứ để bên lòng
    Thở dài một tiếng là xong:
    “Chao ơi ! Tội nghiệp Sĩ Ngông chết rồi !”
    Hãy lưu ý là tác giả tác phẩm trên đề rõ mình là Bằng Vân Trần Văn Bảng đó nhe !
    Qua tác phẩm trên ta thấy ông có hai người đồng nghiệp rất tương đắc trong thơ văn. Đó là giáo sư Nhãn khoa NGUYỄN ĐÌNH CÁT của đại học Y khoa Sài Gòn và giáo sư thạc sĩ cơ thể bệnh lý [Anatomie pathologique/ (Surgical) Pathology] VŨ CÔNG HOÈ trường Y khoa Hà Nội.
    Trong một bài ngắn một trang A5, tựa đề “Vài nét về y-thi-sĩ Vũ Công Hoè”, viết vào mùa thu năm Giáp Tuất 1994 tại Paris, ta thấy ngay tình bạn chất ngất lẫn mến mộ trong đó với giáo sư Hoè:
    “Hồi tưởng lại quá trình y-nghiệp của tôi, tôi may mắn được huấn luyện, chỉ bảo, giúp đỡ, nhờ tay y-sư tầm vóc bác học, như thày Massias, b.s. Phạm hữu Chí, b.s Đặng Văn Ngữ, G.S Vũ Công Hoè. Tôi viết lời này với tất cả ngưỡng mộ và tri ân” (trg. 78, sách đã dẫn)
    Cũng qua đó ta biết rõ thêm về mặt thật giáo sư Tôn Thất Tùng:
    “Sau 30 năm, bạn bè gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Anh đọc cho tôi nghe mấy bài thơ ông làm, trong số có bài viết tặng Tôn Thất Tùng” (trg. 78)
    Và sau đó ông tiết lộ về bài thơ trên như sau (trg. 84; sđd):
    Tay ông tiến sĩ phất cờ hồng
    Trên ngực huy chương dán tứa tung
    Mổ bụng ông ra tìm chữ nghĩa
    Cao lương thì có chữ thì không
    Phần ghi chú bên dưới : “Bài này tác giả đọc cho tôi năm 1986, năm ông qua Paris. Coi về Tôn Thất Tùng trong bài Nguyễn Đình Cát trang 58.
    Nên biết là giáo sư Vũ Công Hoè là một đại giáo sư Việt Nam ngay từ thời Tây lận. Hai vị bác sĩ Việt Nam được gửi đi thi thạc sĩ đầu tiên vào năm 1948 là giáo sư Trần Quang Đệ và giáo sư Phạm Biểu Tâm. Ông Đệ học Y ở Paris (1927), nội trú các bệnh viện Paris (interne des hôpitaux de Paris) từ 1931-1935; về nước làm giải phẫu gia bệnh viện Chợ Rãy (1935-1945). Ông Tâm học Y Hà Nội, nội trú 8 năm (kỷ lục lâu nhất của trường Y Việt Nam), bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1947, để chuẩn bị cho năm sau đi thi thạc sĩ ở Paris cùng với ông Đệ, đều cùng ở môn Giải phẫu (Chirurgie) ! Theo tôi thiển nghĩ, chính quyền thực dân Pháp thời đó rút kinh nghiệm về sự khủng hoảng nhân sự lúc Nhật đảo chính và Việt Minh cướp chính quyền (giáo sư và bác sĩ Pháp bỏ trốn hay bị cầm tù) 1945, nên sau đó họ đã cấp tốc đào tạo nhân sự bản xứ, với hệ quả là tạo ra hai vị giáo sư thạc sĩ Việt Nam đầu tiên, một cho trường Y Hà Nội (thạc sĩ Tâm) và một Y Sài Gòn (thạc sĩ Đệ) ! Các vị này sẽ đầy đủ bản lãnh cũng như chức tước thi thố với đời như ta thấy.
    Đợt thứ hai đi thi thạc sĩ vào năm 1952 gồm có bác sĩ Nguyễn Hữu về môn Cơ Thể học (Anatomie), Đặng Văn Chung về Nội khoa (Médecine interne), Vũ Công Hoè về Cơ thể bệnh lý (Anatomie pathologique), Trịnh Văn Tuất về Khẩu Xoang (Stomatologie) vào năm 1952. (xin xem lại phần này cho chính xác)
    • LÃO NGOAN ĐỒNG says:
      2/
      TRONG SÁNG VIỆT NGỮ
      Xin mạn phép thưa ngay, tôi đao to búa lớn ở đây cho dzui là chính.
      Dân ta hay nói BỆNH TẬT, cũng như BỆNH HOẠN, bởi khi mắc bệnh là coi như bị tai họa, bị hoạn nạn do lắm khi tiền mất tật (vẫn) mang trong người.
      Từ ngữ TẬT thường dùng lẫn lộn với từ ngữ BỆNH; và ngay cả từ ngữ bệnh cũng lắm khi rất mơ hồ, khi mang ý nghĩa bóng bảy.
      Chẳng hạn ta nghe phê bình: Thằng này có bệnh dài dòng văn tự, nói dai nói dài nói dở nói dốt; thay cho tật xấu nói dai, tật dài dòng văn tự !
      hay: Tôi có cái bệnh thích hút thuốc lá, thích uống nhiều rượu; thay cho tật xấu thích uống rượu và thích hút thuốc.
      Trong văn thơ lại có câu cực hay: Gió mưa là bệnh của trời / Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng !
      Cũng bàn loạn luôn cho rõ ràng, Tật thường là XẤU, mang tính tiêu cực. Nhưng cũng có tật hay hay, dễ thương.
      Chẳng hạn khi suy nghĩ nàng thường có tật hay cắn môi dưới trong thật duyên dáng !
      Khi đọc đến một đoạn truyện hấp dẫn, nàng thường hay có tật gấp sách lại, nhắm mắt và ngả đầu ra sau một chút để tận hưởng …
      Hay có khi vô thưởng vô phạt ! Như tôi có tật hảo ngọt, thấy gái đẹp mà xà vào tán phét , hay đứng xa chiêm ngưỡng ….
      Những tưởng chỉ có Việt ngữ mới rắc rối tơ vò như thế, ai dè khi tôi tra cứu trong wikipedia định nghĩa thế nào là TẬT NGHIỆN RƯỢU mới thấy họ cũng khá lúng túng khi coi đó là bệnh như ri
      Alcoholism is a broad term for problems with alcohol, and is generally used to mean compulsive and uncontrolled consumption of alcoholic beverages, usually to the detriment of the drinker’s health, personal relationships, and social standing. It is medically considered a disease, specifically a neurological disorder, and in medicine several other terms are used, specifically “alcohol abuse” and “alcohol dependence,” which have more specific definitions.
      Như thế các ngài đốc sờ ngành Y chỉ xem là bệnh, khi tìm ra có triệu và dấu chứng rõ ràng, như tác hại gây nhiễu loạn thần kinh; còn kỳ dư chỉ nên gọi đó là “lạm dụng rượu” do “lệ thuộc vào rượu” !
      3/
      Đã nói về rượu thì xin bàn luôn một thể cho tiện việc nhà nước nhé.
      Nghiên cứu gia họ Mạc tên Phước (hay Phúc cũng rứa, tớ xỉn nên chả nhớ rõ) phán (hay phang) ngang xương rằng: Rượu ngang rất mạnh; tỷ lượng có thể lên đến 50 – 60%. Tản Đà hay uống rượu ngang có ngâm trái mơ. (sic)
      Ngoan tôi (thực chất chả ngoan tị nào) xin hoa chân múa tay phản đối đến cùng.
      Tại sao ư ?
      Làm gì ở ta có của rượu ngang nồng độ cồn mạnh đến thể ! Hơn cả whiskey, thậm chỉ qua mặt vodka cái vù !
      Cất rượu thủ công làm gì mà tinh khiết dữ thế cha nội ! Chỉ có chứa nhiều tạp chất (dường như nhóm aldehyde hay para-aldehyde) gây chóng mặt nhức đầu sau khi tỉnh thôi, cũng như tác hại lên gan lên óc thật nhiều.
      Thiệt đúng là miệng mồm nhà quan (đốc) có gang có thép thật đấy nhớ :-) !
    • LÃO NGOAN ĐỒNG says:
      4/
      Phần viết về cái gọi là “bệnh nghiện rượu” của thi bá Tản Đà thật là lôi thôi rắc rối, vì quá lủng củng, thậm chí cái nọ chửi bố cái kia, do không dứt khoát tư tưởng trong khi định bệnh phân biệt (diagnostic différentiel / differential diagnosis)
      Wikipedia:
      * Pháp ngữ: Le diagnostic différentiel est la méthode et le processus dynamique par lequel un médecin utilise la méthode scientifique, ses compétences (acquises à la faculté de médecine, à l’internat, les données de la littérature et le savoir issu de sa pratique quotidienne) pour prendre l’anamnèse, examiner le patient, et faire les examens appropriés pour déterminer la nature et la gravité de la maladie du patient.
      Ce processus vise à poser un diagnostic plus sûr, en différenciant l’affection du patient d’autres maladies qui pourraient avoir les mêmes symptômes ou des symptômes proches. Ce diagnostic se fait méthodiquement, tant en prenant en considération les éléments permettant d’exclure une maladie qu’en conservant ceux permettant de la confirmer. Le diagnostic différentiel peut néanmoins, parfois, aboutir à plusieurs hypothèses impossibles à départager.
      * Anh ngữ: A differential diagnosis (sometimes abbreviated DDx, ddx, DD, D/Dx, or ΔΔ) is a systematic diagnostic method used to identify the presence of an entity where multiple alternatives are possible (and the process may be termed differential diagnostic procedure), and may also refer to any of the included candidate alternatives (which may also be termed candidate condition). This method is essentially a process of elimination, or at least, rendering of the probabilities of candidate conditions to negligible levels. In this sense, probabilities are, in fact, imaginative parameters in the mind or hardware of the diagnostician or system, while in reality the target (such as a patient) either has a condition or not with an actual probability of either 0 or 100%.
      Differential diagnostic procedures are used by physicians, psychiatrists, and other trained medical professionals to diagnose the specific disease in a patient, or, at least, to eliminate any imminently life-threatening conditions.
      Differential diagnosis can be regarded as implementing aspects of the hypothetico-deductive method in the sense that the potential presence of candidate diseases or conditions can be viewed as hypotheses which are further processed as being true or false.
      Thật ra ta không thể trách nghiên cứu gia được nhiều, bởi như định nghĩa bằng Pháp ngữ, định bệnh phân biệt phải cốt yếu dựa vào vọng văn vất thiết theo Đông Y, còn theo Tây y phải khám lâm sàng (bằng hỏi bệnh và khám bệnh ngay tại giường bệnh) rồi kèm theo thử nghiệm thích hợp (thử máu, nước tiểu, dờm rãi …, chụp quang tuyến v.v…), trong khi nghiên cứu gia chỉ “chém gió” làm sao mà không lắm giả thuyết linh tinh đặt ra (Le diagnostic différentiel peut néanmoins, parfois, aboutir à plusieurs hypothèses impossibles à départager.)
      Còn định nghĩa theo Anh ngữ đó là phương pháp loại suy, nôm na kể ra thật nhiều và dùng lý luận hợp tình hợp lẽ mà loại bớt dần dần đi. Như thế cũng đừng trách nghiên cứu gia kể lể linh tinh, quá nhiều đến chóng mặt !
      Tuy vậy mình phải vững tay chèo, nếu không sẽ rơi vào mê lộ không lối thoát. Kinh nghiệm cá nhân cho tôi rõ:
      a/ Nghiện rượu thành bệnh thì dứt khoát sẽ ăn ít, thậm chí không thiết ăn uống nữa.
      Bởi rượu làm mất ăn ngon (appétit), cũng như rượu cho cơ thể khá nhiều năng lượng (énergie), đủ để cơ thể không cần thức ăn khác thêm nữa để lấy năng lượng. Dĩ nhiên rượu đó là nguồn năng lượng xấu, cho ra nhiều chất độc cho cơ thể và cơ thể cũng cần những chất cần thiết khác mà trong rượu không có.
      Uống như hũ chìm mà ăn uống đầy đủ chất đạm (trong thịt, cá …), thậm chí ăn nhiều hết cả cái thủ lợn thì khó mà bị chai gan bởi rượu lắm lắm. Mà không phải lúc nào cũng ăn như điên mà nói là bị bệnh ăn nhiều (boulimie). Và với thi nhân thì lại chỉ có đầu vào mà không có đầu ra, tức ăn rồi không móc họng cho nôn mửa ra ! (Làm thế là bị bà vợ chửi chết và sẽ không có cái thủ lợn nữa để nhậu đâu ạ. Trừ trường hợp bất đắc dĩ cho chó ăn chè thì được thứ tha hoàn toàn)
      Wikipedia:
      Bulimia nervosa is an eating disorder characterized by binge eating and purging or consuming a large amount of food in a short amount of time, followed by an attempt to rid oneself of the food consumed, usually by purging (vomiting) and/or by laxative, diuretics or excessive exercise. Bulimia nervosa is nine times more likely to occur in women than men (Barker 2003),even though vast majority of those with bulimia nervosa are at normal weight. Antidepressants, especially SSRIs, are widely used in the treatment of bulimia nervosa. (Newell and Gournay 2000).
      b/ Còn vàng da thì phải khám niêm mạc miệng, lưỡi và mắt (conjonctive); rồi lại xem nước tiểu và phân có vàng chăng ? Đâu thể cứ nhìn chung chung rồi la to: Ối làng nước ôi ông này vàng da. Chắc mắc bệnh gan !
      c/ bệnh nghiện rượu còn hay cho những cơn ụa hay ói khan vào buổi sáng (nausées matinales) mà tôi từng chứng kiến ở xóm mình. Ông này người gầy tong teo, nhất là hai chân và ngực, nhưng cái mặt và bụng phình to thật tương phản.
      Lắm khi trong ông ta thật buồn cười, bởi cứ như các bà bầu mắc chứng ói khan buổi sáng.
      Ôi còn nhiều cái kể ra không hết đâu. Như cái chứng NGÔNG thì lắm giai thoại ở làng văn lắm đấy. Cứ như Nguyễn Tuân nghe nói có lúc thiếu tiền đi vay; vay rồi vào cao lầu gọi món chim quay thưởng thức, nhưng lại chỉ ăn mỗi cặp giò chim rồi bỏ mứa lại tất cả !
      Ăn rồi viết bài viết báo tùm lum bàn loạn tài ăn chơi rách giời rơi xuống của mình. Thế mà có một lần bị một bà hàng (nhà quê) quen thuộc cho ăn chịu rồi chỉnh khéo, đại khái như ri: – Này ăn rồi hãy bé bé cái mồm lại. Ai lại dại dột như ông ấy (chỉ Nguyễn Tuân), cứ la to lên cho bàn dân thiên hạ biết tất. Chúng ghét (ám chỉ đám quan văn nghệ cầm chầu lúc đó), tìm cách cấm không cho sơi nữa.
    • LÃO NGOAN ĐỒNG says:
      Bổ túc:
      Xin nói thêm về cái bệnh Boulémie (Bulemia nervosa). Tại VN tôi chưa từng nghe nói về nó khi còn là sinh viên, nhưng từ khi qua đây tôi biết đến nó và ngày một nhiều với những bằng chứng hiển nhiên qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là truyền hình.
      Vâng ở phương Tây họ sợ béo (mập), vì họ thường hay mắc bệnh béo phì (obesitas / obesity). Nhất là về sau này giới khoa học lại “hù doạ” quá cân (overweight) sẽ có nguy cơ bị mắc nhiều chứng bệnh như bệnh về tim mạch, tiểu đường, … và làm cho cuộc sống chẳng những xuống cấp, mà còn rút ngắn tuổi thọ !
      Wikipedia:
      Obesity is a medical condition in which excess body fat has accumulated to the extent that it may have an adverse effect on health, leading to reduced life expectancy and/or increased health problems. Body mass index (BMI), a measurement which compares weight and height, defines people as overweight (pre-obese) if their BMI is between 25 and 30 kg/m2, and obese when it is greater than 30 kg/m2.
      Obesity increases the likelihood of various diseases, particularly heart disease, type 2 diabetes, obstructive sleep apnea, certain types of cancer, and osteoarthritis. Obesity is most commonly caused by a combination of excessive food energy intake, lack of physical activity, and genetic susceptibility, although a few cases are caused primarily by genes, endocrine disorders, medications or psychiatric illness. Evidence to support the view that some obese people eat little yet gain weight due to a slow metabolism is limited; on average obese people have a greater energy expenditure than their thin counterparts due to the energy required to maintain an increased body mass
      Cái đẹp giờ đây là gầy, có khi gầy dơ xương. Các bà các cô, nhất là các em tuổi teens, ăn chưa no lo chưa tới, ham muốn nhiều (ăn nhiều, ngủ nhiều, lắm bạn trai/gái ….), nhưng lại sợ mất đẹp do lên cân. Từ đó sáng tạo ra trò khỉ là, ăn cho đã miệng, rồi lẻn trốn vào WC mà móc họngm để nôn oẹ ra bằng hết !
      Cũng như bác sĩ Mạc Văn Phước đã bàn rằng ói mửa nhiều và dữ dội như trong nghiện rượu có thể gây ra hội chứng Mallory Weiss, đầu vào đầu ra quá mau như các em teens chơi kiểu trên cũng có cơ nguy rách màng nhày thực quản lan tận bao tử như chơi.
      Wikipedia:
      Mallory–Weiss syndrome or gastro-esophageal laceration syndrome refers to bleeding from tears (a Mallory-Weiss tear) in the mucosa at the junction of the stomach and esophagus, usually caused by severe retching, coughing, or vomiting.
      (…)
      It is often associated with alcoholism and eating disorders and there is some evidence that presence of a hiatal hernia is a predisposing condition. Forceful vomiting causes tear of the mucosa at the junction.
      Thiển nghĩ vào thời cụ Tản Đà cho đến thời tôi nữa, béo mập là “chuẩn mực” cho sự sung túc, no đủ, khá giả vì VN xưa nay là xứ nông nghiệp nhiệt đới, với nghèo nàn lạc hậu do con trâu đi trước cái cày và chiến tranh, với cường hào ác bá, quan tham, cùng với nạn đói đe doạ dài dài bởi thiên tai … Chưa kể tuổi già mà béo đến mang trống chầu trước bụng và cằm hai ba ngấn, lại được khen có tướng … phúc hậu !
      5/
      Bác sĩ Mạc Văn Phước bàn luận về Viêm gan siêu vi (Viral hepatitis) như sau:
      [trích]
      Viêm gan loại A được coi như thường dịch (endémie) ở Việt Nam vì bệnh này rất dễ lây qua nước miếng mà người Việt lại dùng đũa gắp thức ăn chung thay vì chia ra từng phần cá nhân như lối ăn của Phương Tây. Hầu hết bệnh nhân viêm gan loại A đều qua khỏi và vĩnh viễn hồi phục, không cần điều trị đặc biệt gì cả. Tuy nhiên bệnh nhân sẽ mang vi khuẩn loại A trong cơ thể và có khả năng reo rắc căn bệnh suốt đời (porteur sain de germes)
      Như thế ta có thể tạm kết luận Tản Đả tử vong vì viêm gan loại B, cũng rất phổ biến ở Việt Nam mặc dù lây lan âm thầm qua máu hoặc tinh dịch. Loại này có thể ‘’nằm vùng‘’ tiềm tàng trong cơ thể dưới dạng viêm gan mãn tính. Ngày nay người ta phát hiện những trường hợp này bằng xét nghiệm máu.
      Nhưng điều nguy hiểm là vi khuẩn loại B có khả năng ‘’vùng dậy’’ gây ra ung thư gan (hepatoma) hay quật khởi dữ dội trở thành viêm gan cấp tính nếu tình trạng miễn nhiễm của bệnh nhân bỗng nhiên suy kém như trường hợp Tản Đả tắm ao bị trúng nắng.
      [hết trích]
      - Bình luận:
      Sự thật mất lòng, nhưng ở đây cứ phải nói thẳng nói thật (bởi nửa sự thật không còn là sự thật nữa; hay lời nói dối trá bẩn thỉu nhất là lời nói dối có pha ít nhiều sự thật), định bệnh phân biệt bằng phương pháp loại suy kiểu này thiệt là … THẦY CHẠY !
      Therefore, NO COMMENT ANYMORE :-( !
  4. Dân đói says:
    Không biết ĐCV có cho đăng phần tiếp theo về Phạm Quỳnh và Nguyễn Tường Tam ? Kính
  5. LẠI MẠNH CƯỜNG says:
    Thưa Ban Biên tập và qúi đồng hương,
    1/
    Thú thực tôi đọc tiểu luận tuy thích thật đó, nhưng vì nó đi quá sâu vào chuyên môn, e rằng bà con “ngoại đạo” (y khoa) khó mà lãnh hội hết cái hay để bàn ra tán vào ! Thậm chí đến người gửi bài cậy đăng, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Lục, tôi ngờ rằng cũng chưa chắc đủ khá năng chuyên môn về y khoa để bình luận !
    2/
    Nhân dây tôi xin gửi lời cám ơn chân thành đến vị đàn anh khả kính MẠC VĂN PHƯỚC, người đã từng cố công sao chụp, rồi cấp tốc gửi cho tôi luận án nói trên của anh theo yêu cầu riêng, giúp cho tôi nghiên cứu thêm về cái chết của nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa và nhà cách mạng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (khi tôi nghe ông Lục đặt những giải thuyết linh tinh về bệnh tật có liên quan đến cái chết của Nhất Linh.)
    (Cũng xin mở ngoặc đơn nói thêm, ông Lục đã gây xì-căng-đan trong vài năm trước, khi ông giả định có mỗi quan hệ tình ái giữa nhà văn nữ Nguyễn Thị Vinh với nhà văn Nhất Linh, khi họ đi lưu vong ở Tàu và hai gia đình sống gần nhau. Con gái bà Vinh đã “mắng” ông Lục đặt điều bêu xấu mẹ bà. Chuyện nay tôi theo dõi trên web Đàn Chim Việt lúc chưa xảy đàn tan nghé chia hai thì phải).
    3/
    Như mọi người đều biết rõ, ĐCV không phải là một web chuyên ngành, cho nên tôi không thể gửi những tài liệu chuyên môn sẵn có, để tiếp tay mổ xẻ nghiên cứu của vị đàn anh khả kính Mạc Văn Phước.
    Tuy nhiên nếu được phép của Ban Biên tập (không ngại dài choán chỗ và quá chuyên môn), tôi xin chia xẻ một chút trao đổi của tôi với bạn đồng môn ngày cũ, để gọi là góp phần vào nghiên cứu nguyên nhân cái chết … (contribution à l’étude des causes de décès …) do bác sĩ Mạc Văn Phước dày công nghiên cứu trong nhiều thập niên.
    4/
    Trước tiên, xin bàn về căn bệnh sán lãi nơi thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, bác sĩ Mạc Văn Phước đã đề cập quá sơ sài về SÁN LÁ GAN qua một vài dòng ngắn ngủi:
    “Ngoài ra Tản Đà hay ăn gỏi cá thì cũng rất dễ bị sán gan (douves du foie) song đây là do suy đoán của chúng tôi thôi, vì bệnh này người miền Bắc ăn cá sống bị rất nhiều” (sic)
    Căn bệnh này trên thực tế xảy đến không phải là hiếm ở cả hai miền Nam Bắc nước ta. Đọc báo trong nước sẽ thấy Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng ở các địa phương báo cáo rất nhiều ca sán lá gan ở VN.
    - Wikipedia: Sán lá gan được coi là động vật gây ra bệnh sán lá gan ở các loài động vật ăn cỏ tại Châu Á và Châu Phi. Tại một số quốc gia, tỷ lệ nhiễm bệnh lên tới 80-100%.
    - Web Viện Dinh Dưỡng: Theo điều tra của Viện sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng tại một số tỉnh ở đồng bằng sông Hồng số người mắc bệnh sán lá gan nhỏ rất nhiều, có nơi tỷ lệ mắc lên tới 33%. Đây là một loại sán nhỏ (tên khoa học là Clonorchis sinensis) ….
    (…)
    Bệnh sán lá gan lớn (Fasciola hepatica) từ trước đên nay ít phổ biến hơn, nhưng hiện đang tăng đột biến ở nhiều địa phương và đang có khả năng lan rộng nên chúng ta phải hết sức cảnh giác.
    Theo ý kiến riêng tôi, tuy sán lá gan rất hiếm khi gây biến chứng nơi gan, nhưng cũng không loại trừ ở trường hợp đặc biệt có thể gây tổn hại nhiều nơi gan. Cũng chả khác gì trường hợp giun (đũa) chui ống mật khá phổ biến ở VN và gây ra biến chứng.
    Kính cáo,
    Lại Mạnh Cường
    ========
    PHỤ LỤC
    From: M.C. Lai
    Sent: Thursday, January 27, 2011 10:12 PM
    Subject: RE: Hỏi vài câu về bệnh // HỒI ÂM ÁNH // SÁN LÁ GAN LOẠI NHỎ !!!
    Thưa qúi hữu,
    Nhìn xuống bảng phân loại các bệnh do ký sinh trùng (parasitic diseases) dưới đây ta chóng cả mắt và nhớ lại thời sinh viên trường thuốc học môn này với giáo sư ĐỖ THỊ NHUẬN, M.D. Ký Sinh Trùng học (Parasitology) ở Mỹ hồi thập niên 60 và bà về nước làm trưởng khu bộ môn nay ở trường YKSG cho đến sau 1975 một thời gian mới đi Mỹ.
    Tôi học bà Nhuận môn nay suốt nguyên năm thứ hai niên khoá 1970-1971 và muốn khóc vì nó. Bởi khó nhớ và khi thực tập phải vẽ mẫu vật rất nhiều, nhất là ghi nhớ hình dạng và tên của từng loại bằng tiếng ngoại quốc. Giờ nghĩ lại mà vẫn còn kinh hãi.
    Tuy nhiên khi già đầu óc lú lẫn nhiều, tôi lại cố tìm cách khác mà nhớ, thay vì học thuộc lòng như cháo như lúc còn trẻ người non dạ.
    Cách nhớ của tôi là, quan sát ta thấy chia làm hai nhóm lớn theo hình dạng của ký sinh trùng:
    1/
    LOẠI MÌNH DẸP (Platyhelminth):
    1.1/
    DẸP NHƯ CHIẾC LÁ (Trematode; tiếng Pháp bình dân là Douve; tiếng Anh Fluke)
    Ở Việt Nam ta có một số loại, chủ yếu là Clonorchis sinensis ở ngoài Bắc và Fasciola Hepatica ở trong Nam. Hai loại này sống ở Gan nên ta gọi là Sán Lá Gan !
    Nguyên do là ăn gỏi cá sống như trường hợp Clonorchis sinensis; và ăn rau sống như trường hợp Fasciola hepatica.
    Loại Clonorchis sinensis thân hình nhỏ so với Fascila Hepatica có thân to, nên còn gọi là Fasciola gigantica ! Vì thế thời CS đã dịch thành sán lá gan nhỏ (Clonorchis sinensis) và sán lá gan lớn (Fasciola hepatica/gigantica)
    Ghi chú : Có bài báo ghi là, sán lá gan nhỏ còn có thêm loại Opisthorkis viverrini thường gặp ở miền Trung VN ! Hồi sinh viên tôi ko được học về điều này ! Trên thực tế tôi đã gặp một ca bệnh với Clonorchis sinensis !
    WIKIPEDIA
    Sán lá gan là một loài ký sinh trùng sống ký sinh ở các động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu ….
    Có hai loại sán lá gan: sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ.
    Sán lá gan được coi là động vật gây ra bệnh sán lá gan ở các loài động vật ăn cỏ tại Châu Á và Châu Phi. Tại một số quốc gia, tỷ lệ nhiễm bệnh lên tới 80-100%.
    Cơ thể sán lá gan hình lá, dẹp, dài 2 – 5cm, màu đỏ máu.
    1.2/
    DẸP DÀI NHƯ GIẢI RU-BĂNG hay “tếp” nhạc cassette (Cestoda = Tapeworm)
    Ở ta thường hay mắc phải loại sán bò (Taenia saginata) và sán lợn (Taenia solium)
    mà giới bình dân gọi là ăn thịt lợn hay thịt bò có gạo !
    Thỉnh thoảng một đoạn nhỏ trắng ngà sán bò hay lợn ngo ngoe rơi ra ngoài hậu môn, hay theo phân ra ngoài, nhưng đầu sán vẫn còn nằm trong ruột, nên coi như ko dứt bệnh
    Ngày xưa người ta uống thuốc số sán hình như tác động lên thần kinh trung ương làm con sán trở bất động và đầu nó không còn bám chặt vào trong thành ruột nữa, rồi nó theo nhu động ruột mà trôi tư từ ra ngoài. Bệnh nhân uống thuốc, nhịn đói và ngồi chờ cho toàn thân con sán từ đuôi đến đầu tuột ra khỏi hậu môn. Con sán bò và sán lợn dài cả thước, cho nên bên dưới hậu môn là chậu nước âm ấm để cho con sán cứ tưởng là còn trong bụng bệnh nhân, tiếp tục tự thả trôi ra ngoài cho đến khi cái đầu bé như đầu cây tăm ra sau cùng mới hy vọng khỏi bệnh. Người ta phải kiên nhẫn ngồi yên, bởi nghe nói lúc lắc mạnh thì sán đứt đội và cái đầu còn ở trong thì coi như công cốc.
    Đấy là tôi nghe mẹ tôi kể lại chuyện thời bà cụ chứ thời tôi ko thấy ai làm thế. Và cô Nhuận cũng ko dậy thế.
    Sau này có thuốc uống làm tiêu tùng con sán trong bụng luôn ! Nên sán tan trong phân ra ngoài thật thoải mái.
    Chỉ cần kiểm tra phân xem còn sán ko thôi.
    Dĩ nhiên ở ta còn nhiều loại sán lãi khác nữa, nhưng ko thông dụng.
    2/
    LOẠI MÌNH TRÒN (Nematode = Round worm):
    Ở nhóm này ta thường gặp loại giun đũa (Ascaris Lumbricoides), giun kim (Enterobius vermicularis), một số trường hợp giun móc (Ancylostoma duodenale) và giun chỉ (Filariasis) sau này ít gặp lắm.
    Lúc tôi là sinh viên thường gặp giun đũa và giun kim, một ca giun móc và chưa hề gặp hay nghe bạn bè nói về giun chỉ !
    Riêng tôi đã gặp giun đũa gây suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ; có khi quá nhiều làm thành một nùi gây tắc ruột ở bệnh nhi; cũng như có khi gây biến chứng, như khi giun chịu lên ống mật và nghẽn lưu thông mật, lên phổi gây hội chứng Loeffler !
    WIKIPEDIA :
    Löffler’s syndrome or Loeffler’s syndrome is a disease in which eosinophils accumulates in the lung in response to a parasitic infection.
    It was first described in 1932 by Wilhelm Löffler in cases of eosinophilic pneumonia caused by the parasites Ascaris lumbricoides, Strongyloides stercoralis and the hookworms Ancylostoma duodenale and Necator americanus.
    XƯA NAY TÔI CHƯA HỀ NGHE NÓI ĐẾN giun đầu gai Gnathostoma.
    Nay mới nghe nói đến lần đầu tiên ở VN trong bài báo do anh bạn Võ Hồng Vân gửi tới !
    Xin các đồng nghiệp trong và ngoài nước cùng bà thày Nhuận với các cao nhân bốn phương tám hướng cho thêm tin tức và ý kiến, để tôi mở rộng tầm mắt. Cám ơn rất nhiều.
    Kính cáo,
    Lại Mạnh Cường
    • LẠI MẠNH CƯỜNG says:
      Thưa Ban Biên tập và qúi đồng hương,
      Để soi rọi cho rõ hơn nữa về lịch sử chế độ thi tuyển nội trú của trường đại học Y khoa Hà Nội và Sài Gòn, tôi xin phép Ban Biên tập cho trích dẫn thư từ trao đổi của tôi với các đồng nghiệp ở hải ngoại, khi bàn tán về thân thế sự nghiệp của một số vị bác sĩ sau này trở thành những đại giáo sư của hai trường đại học này. Điển hình như ở ngoài Bắc xã nghĩa nổi tiếng có giáo sư Tôn Thất Tùng, được coi như sao Bắc đẩu với nhiều huyền thoại bao quanh; trong Nam có giáo sư Phạm Biểu Tâm,
      Wikipedia:
      TÔN THẤT TÙNG:
      Giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng (1912-1982) là một bác sĩ nổi tiếng ở VN và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan. Ông đuợc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Viện si Viện Hàn lâm Y học Liên Xô. Ông còn là một giáo sư, đào tạo ra nhiều thế hệ bác sĩ tài năng tại Truờng đại học Y khoa Hà Nội. Con ông, Phó Giáo sư, Viện sĩ, bác sĩ Tôn Thất Bách, cũng là một bác sĩ nổi tiếng, nguyên Hiệu truởng Truờng ĐH Y Hà Nội, nguyên Giám Đốc Bệnh viện Việt Đức, nguyên Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Quốc hội.
      Thời thanh niên
      Ông sinh ngày 10/5/1912 tại Thanh Hóa và lớn lên ở Huế. Xuất thân từ một gia đinh quý tộc nhà Nguyễn (thân sinh ông là cụ Tôn Thất Niên, Tổng đốc Thanh Hóa), nhưng ông không theo nghiệp học làm quan, do đó vào năm 1931, ông ra Hà Nội theo học tại truờng Trung học Bảo Hộ (tức truờng Buởi – trường Chu Văn An ngày nay). Năm 1935, ông học tại trường Y Khoa Hà Nội, một truờng thành viên của Viện đại học Đông Duong, với quan niệm nghề y là một nghề “tự do”, không phân biệt giai cấp.
      Lúc bấy giờ, Truờng Y Hà Nội là truờng y duy nhất của cả Đông Dương trước 1945, khi đó có lệ các sinh viên y khoa bản xứ chỉ đuợc thực tập ngoại trú, không đuợc dự các kỳ thi “nội trú”, do chính quyền thuộc địa không muốn có những bác si bản xứ có trình độ chuyên môn cao có thể cạnh tranh với bác si của chính quốc. Trong thời gian làm việc ngoại trú tại bệnh viện Phủ Doãn, ông đã rất bất bình với việc này và đã đấu tranh đòi chính quyền thực dân phải tổ chức cuộc thi nội trú cho các bệnh viện ở Hà Nội vào năm 1938 (?). Ông là nguời duy nhất trúng tuyển một cách xuất sắc trong kỳ thi khóa nội trú đầu tiên của truờng và mở đầu tiền lệ cho các bác sĩ nội trú nguời bản xứ (?).
      Cũng trong giai đoạn này, trong một lần phát hiện trong gan của một nguời bệnh có giun chui ở các đuờng mật, ông đã nảy ra ý tuởng dùng những lá gan bị nhiễm giun để phẫu tích co cấu của lá gan. Trong suốt thời gian từ năm 1935 đến năm 1939, chỉ bằng một con dao nạo thô sơ, ông đã phẫu tích trên 200 lá gan của tử thi để nghiên cứu các mạch máu và vẽ lại thành các sơ đồ đối chiếu. Trên cơ sở đó, ông đa viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa với nhan đề “Cách phân chia mạch máu của gan”. Với bản luận án này, ông đa đuợc tặng Huy chương Bạc của Truờng Đại học Tổng hợp Paris (mà Trường Đại học Y – Duợc tại Hà Nội lúc bấy giờ là một bộ phận). Bản luận án đuợc đánh giá rất cao và trở thành tiền đề cho những công trình khoa học nổi tiếng của ông.
      =====
      LMCuờng bình luận:
      Theo THƯ MỤC Y GIỚI VĂN THI NGHỆ SĨ của Bằng Vân TRẦN VĂN BẢNG trg 5 (do hai Hội Y giới VN Tự do ở Pháp và Canada ấn hành và xuất bản; giá bán lúc đó 25 Gia Kim hay 155 quan Pháp)
      Giáo sư TRẦN VĂN BẢNG
      bút hiệu: Bằng Vân, Luu Văn Vong, Sĩ Ngông
      (chú thích của LMC: hai bút hiệu sau là sau 1975)
      Sinh năm 1909, Đông Phú, Thanh Trì, Hà Đông Bắc Việt
      1915-18: học chữ Hán cho cha dạy
      1919-24: So học Pháp Việt, truờng Bắc Giang, Quảng Yên, Thanh Trì, Hà Đông
      1925-31: Tiểu, Trung học truờng Buởi
      1932-40: Đại học truờng thuốc Hà Nội
      1936: nội trú bệnh viện
      1940-46: giảng viên truờng Y Hà Nội
      1954: di cư vào Nam
      1956: tu nghiệp khoa bệnh Cùi Paris
      Huy chương vàng Y khoa 1940, Hà Nội
      Huy chương vàng bộ Y tế Sài Gòn
      Prix Marchoux cùi học 1962
      (còn nhiều lắm kể không hết)
      LMCuờng:
      Xua nay ai học truờng thuốc đều biết giáo sư lão làng (senior professor) Trần Văn Bảng, nhất là các nội trú như tôi đều hay biết nguời NỘI TRÚ ĐẦU TIÊN của truờng Y khoa Hà Nội là thày Bảng; cũng như các nội trú sáng chói một thời. Chẳng hạn quán quân nội trú là giáo sư Phạm Biểu Tâm, làm nội trú 8 (tám ) năm dài; nối tiếp là đàn anh Bùi Mộng Hùng, học trò ruột thày Nguyễn Hữu, giữ chức á quân với sáu năm nội trú (sau ngả theo CS khi anh Hùng đuợc học bổng du học qua Pháp); cùng các nội trú cực giỏi khác như Nguyễn Văn Nguyên (? ; chết lâu rồi ở VN), Hồ Hồng Phuớc (Phuớc tóc đỏ, ly dị vợ là chị bác sĩ cựu nội trú các bệnh viện Sài Gòn Tuờng Vân, để rồi lấy bà Hạnh Phuớc, chuyên về giải phẫu thẩm mỹ), Nghiêm Đạo Đại, Nguyễn Lương Tuyền, Lê Công Phuớc (Phước lãi, nổi tiếng học giỏi ngay từ thời còn học dự bị Y khoa theo lời kể lại của giáo su Đao Hữu Anh, phó khoa truởng Y SG truớc 1975), Nông Thế Anh … Tất cả nếu còn sống sót say cuộc đổi dời tháng 4 năm 1975, đều rất mau chóng đã trở thành những nhân vật thành danh trong giới y khoa bản xứ nơi họ xin tị nạn.
      Báo chí CS ca tụng Tôn Thất Tùng như sao bắc đẩu đất Bắc nói riêng và Tây Y ở VN nói chung, thật thối hơn kít. Có dịp tôi sẽ bổ túc thêm về cái nói phét về ông này. Giờ xin bàn truớc về các vị danh y nổi tiếng VN ngành Tây Y nhé. Kẻo đọc bên dưới nghe bọn báo CS ca tụng luôn ông giáo sư Hồ Đắc Di mà thấy tức … cuời bể bọng đái.
      A đây rồi tôi tìm ra được tài liệu viết về nội trú nội trang 58 trong sách thày Bảng đại khái như sau:
      “Kỳ thi tuyển nội trú bệnh viện là kỳ thi quan trọng, tưởng cũng nên nhắc tới để bổ túc quyền lịch sử Truờng Y khoa Hà Nội, Sài Gòn. Kỳ thi đầu tiên mở năm 1936. Trong ba năm 36, 37, 38 chỉ tuyển vỏn vẹn một nguời trong số hơn một chục ứng viên. Đến năm 1939. kỳ thi mở rộng, tuyển 10 nguời. Chức nội trú bệnh viện hồi đó sáng giá lắm, nên có người theo đuổi mãi, thi rớt ba kỳ, đến kỳ thứ tư, nhờ sự cởi mở, mới lọt vào được hàng ngũ nội trú.”
      Xem như thế ông thày Bảng đúng là nội trú đầu tiên của Y khoa VN tại Hà Nội ! Còn theo Wikipedia tiếng Viết (chắc là do CS hay dựa theo tài liệu CS viết) thì mãi đến năm 1938 Tôn Thất Tùng mới là nội trú, tức thua thày Bảng những hai năm. Chưa kể tội nói láo là từ năm 1935 TTT đã phẫu tích gan để nghiên cứu !
      MỘT CHÚT LỊCH SỬ Y KHOA ĐẠI HỌC ĐUỜNG SÀI GÒN (1954-1975) do giáo sư Trần ngọc Ninh viết (nhxb Hội Y Si VN ở Canada xuất bản 2002) nơi trang 27 và 28 cho ta một cái nhìn khái quát về “dàn đồng” của trường Y Hà Nội ngoài các giáo sư Pháp sau khi Việt Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến nên một số đông giảng viên lẫn sinh viên Y bỏ theo họ ra chiến khu:
      “Chúng tôi giúp giáo sư Huard để lập lại truờng Y khoa đại học Hà Nội mà chính ông gọi là Việt Nam. Một số sinh viên cu lần luợt trở về, anh Nguyễn Đinh Cát, anh Nguyễn Hữu, anh Trần Vỹ ở những lớp trên tôi, anh Hoàng Tiến Bảo, anh Nguyễn Văn Thọ, anh Lê Thế Linh ở những lớp sau tôi. Cung vào khoảng thời gian ấy thì ở Sài Gòn, giáo su A. Rivoalen và B. Joyeux lập ra một truờng Y khoa tại ngôi biệt thự số 28 đuờng Testard (sau đổi tên là đuờng Trần Qúi Cáp), giáo sư Trần Quang Đệ đuợc mời tham gia. Ở đây, các anh Nguyễn Luu Viên, Đặng Văn Chiếu, Nguyễn Văn Út, đã tốt nghiệp. Truờng Quân Y Việt Nam đuợc mở năm 1949 với giáo sư Trần Quang Đệ làm hiệu truởng, giáo sư Phạm Biểu Tâm làm phó. Anh Hoàng Văn Đức là sinh viên quân y đầu tiên.
      Bác si Phạm Biểu Tâm và giáo sư Trần Quang Đệ đuợc giáo su Huard dẫn dắt sang Paris thi thạc si (LMC ghi chú: 1948) và là những nguời VN thứ nhất đậu thạc si các đại học Pháp quốc (về Phẫu khoa), sau đó là các bác si Đặng Văn Chung (Nội Khoa), Vũ Công Hoè (Cơ thể bệnh học), Trịnh Văn Tuất (Nha Khẩu Xoang) và Nguyễn Hữu (Cơ thể học) (LMC ghi chú : vào năm 1952; lịch sử khéo sắp đặt hai ông Chung và Hoè ở lại Hà Nội còn hai ông Hữu và Tuất di cư vào Sài Gòn)
      Truờng Y khoa Hà Nội bắt đầu có bề dày từ đó.”
      LMCuờng: Như thế trong lúc Hồ Đắc Di và Tôn Thất Tùng đi theo Kháng chiến chống Tây thì các bạn đồng nghiệp của họ đã xây dựng đuợc sự nghiệp sáng chói qua sự trợ giúp của các giáo sư Pháp nổi tiếng như giáo sư Pierre Huard (chuyên thêm về Nhân chủng học, tức Dân tộc học. Ông là một nhà học giả đúng nghiã và Bình Nguyên Lộc trong tác phẩm viết về Nguồn gốc dân Việt đã trân trọng nhắc đến ông) cũng nhu giáo su Rivoalen.
      Cũng nhân đây tôi xin trích dẫn từ tác phẩm trên của giáo sư Trần Văn Bảng để mọi nguời biết hai danh y VN học giỏi nổi tiếng ở Pháp, nhưng đã về VN giúp nước. Đó là giáo sư TRẦN QUANG ĐỆ với bác si PHẠM HỮU CHÍ ! Tôi còn nhớ ở khu Nội khoa bv Chợ Rãy còn thấy tên khu nội khoa Nữ hình nhu mang tên bác si Chí thì phải.
      Giáo sư TRẦN QUANG ĐỆ
      Sinh 25/5/1905 Mỹ Long, Sa đéc trong một gia đinh trung nông
      Y khoa Paris từ 1927
      Nội trú các bệnh viện Paris 1931-1935
      Tốt nghiệp 1935
      1935-1945 y si giải phẫu bệnh viện Chợ Rãy
      1948 thạc si ngành giải phẫu
      1948-71 giáo sư đại học Y khoa Sài Gòn
      1964 … viện truởng Viện Đại học SG
      Từ trần 27-1-1997 tại Paris
      Bác si PHẠM HỮU CHÍ
      sinh 25/3/1905, Sàigòn, đậu tiểu học lúc mới 9 tuổi (lẽ ra 11 tuổi là ít)
      đậu tú tài 17 tuổi (1922)
      học Y ở Hà Nội tới năm thứ hai đi Pháp học Y tại Paris
      ngoại trú (externe) năm 1926 rồi nội trú (interne) hạng 10 trong số 90 thí sinh trúng tuyển
      14/6/1935 tốt nghiệp và làm bệnh lý truởng (chef de clinique ?) bệnh viện Paris.
      Muốn dự thi chức trên phải có quốc tịch Pháp, nhung vì học giỏi đuợc thày cung can thiệp cho ông đuợc đặc cách rồi thành lệ luôn, bởi ông nhất đinh ko nhập Pháp tịch, thày ruột phải vận động chính phủ hủy bỏ điều luật trên, mở đuờng cho sinh viên Việt sau này.
      Hè 1935 ông về VN nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm do Bộ Thuộc điạ nhờ cậy.
      Trở lại Pháp chuẩn bị thi thạc si thì ông bị bệnh, do bị lây từ bệnh nhân bệnh Scarlatine (tinh hồng ban ?) và chạy vào tim.
      Ông về VN điều trị và duỡng bệnh để tránh cái lạnh ở Pháp. Ông làm việc ở duỡng đuờng tu Đặng Vu Lạc và huớng dẫn sinh viên về Nội thuong, tổ chức các lớp học tối để luyện thị ngoại và nội trú.
      bệnh tim trở nặng nên ông mất 23/2/1938 lúc mới 33 tuổi.
      Bài thơ duy nhất ông để lại:
      PHẠM vi sinh tử dễ gì vong
      HỮU chí vô tài mạng vốn không
      CHÍ dốc mong đền on xã hội
      Than ôi ! để lại vết thương lòng

Tiếp theo phần I

LTS: Tài liệu này là luận án tiến sĩ của bác sĩ y khoa Mạc Văn Phước làm tại Sài Gòn năm 1968. Đó là những khảo cứu nghiêm túc dưới góc độ y học liên quan tới cái chết của 4 nhân văn.
Tài liệu sau đó được thâu tóm lại thành một tiểu luận phổ thông và kèm theo những phụ chú mang tính cập nhật. Việc hiệu đính, phổ biến tài liệu này do chính tác giả- bác sĩ Mạc Văn Phước- khởi xướng, và người bạn tâm giao của ông là bác sĩ Đặng Ngọc Thuận thực hiện. Cả 2 cùng cư ngụ và hành nghề tại Montreal, Quebec, Canada.
Tập tài liệu được một cư dân khác ở Canada – tác giả Nguyễn Văn Lục- gửi đăng với mục đích mở đường cho loạt bài nghiên cứu sắp tới đây của ông trên trang nhà.
————————————
PHẠM QUỲNH (1890 – 1945)
I – Thân thế:
Sinh năm 1890 lại quê nhà ở làng Thượng Hồng tỉnh Hải Dương, cuộc đời Phạm Quỳnh có thể chia làm hai phần: một giai đoạn viết báo và một giai đoạn làm chính trị:
1) – Giai đoạn viết báo:
Khởi đầu Phạm Quỳnh cộng tác với Đông Dương Tạp Chí của Nguyễn Văn Vĩnh từ năm 1913 nhưng năm 1917 ông đứng riêng ra lập tờ Nam Phong Tạp Chí.
Từ 1917 cho đến 1934 vị chi trong suốt 17 năm tờ Nam Phong ra đều đặn hàng tháng tất cả được 210 số. Trong giai đoạn này, Phạm Quỳnh viết rất nhiều, đủ loại và đủ lĩnh vực : Dịch thuật, khảo cứu, phê bình, truớc tác, bình luận, văn học, triết học , chính trị.
2) – Giai đoạn làm chính trị:
Từ 1934 đến 1945, ông phục vụ Nam Triều làm thượng thư Bộ Lại rồi thượng thư Bộ Giáo Dục.
I I – Văn nghiệp:
Chúng ta có thể xếp tác phẩm của Phạm Quỳnh làm nhiều loại khác nhau :
1) – Loại trước tác:
- Ba Tháng ở Paris (Nam Phong Tùng Thư, 1927)
- Muời Ngày ở Huế (Nam Phong, số 101)
- Một Tháng ỏ Nam Kỳ (Nam Phong số 17- 19 – 20)
2) – Loại phê bình :
- Một Tấm Lòng (Nam Phong, số 2)
- Mộng hay Mị, Phê Bình Giấc Mộng Con của Tản Đà (Nam Phong, số 7)
- Pháp Văn Tiểu Thuyết Bình Luận (Nam Phong, số 9)
3) – Loại dịch thuật
- Tuồng Lôi Xích ( Le Cid của Corneille, Nam Phong số 38-39)
- Hoà Lạc (Horace của Corneille, Nam Phong số 73-74-75)
- Ái Tình ( L’Amour của Guy de Maupassant)
- Ôi Thiều Niên (Ô Jeunesse của Corneille, Nam Phong, 1929)
- Đời Đạo Lý ( La Vie Sage của Paul Carton, Nam Phong 1929- 1932)
- Phương Pháp Luận (Discours de la Méthode của Descartes, N.P. sổ 3-4-5
- Cách Ngôn (Proverbes của Épictète)
4) – Loại khảo cứu:
- Văn Minh Luận ( Nam Phong số 42)
- Khảo cứu về các luân lý học thuyết của Thái Tây (Nam Phong từ số 92)
- Thế giới tiến bộ sử (Nam Phong từ số 51)
- Lịch sử về học thuyết của Jean-Jacques Rousseau ( Nam Phong từ số 104)
- Lich sử về học thuyết của Montesquieu ( Nam Phong từ số 108)
- Lịch sử về học thuyết của Voltaire (Nam Phong số 114 và 115)
- Học thuyết Auguste Comte (Nam Phong số 138)
- Học thuyết Bergson (Nam Phong số 150)
- Khảo cứu về tiểu thuyết (Nam Phong 1929)
- Pháp văn thi thoại : Baudelaire (Nam Phong số 6)
- Pierre Loti – Anatole France
- Phật giáo lược khảo (Nam Phong số 40)
- Phật giáo đại quan (Nam Phong 1921)
- Quan niễm về người quân tử trong đạo Khổng (Nam Phong 1928)
- Tục ngữ ca dao (Nam Phong số 46)
- Văn chương trong lố hát ả đào (Nam Phong số 69)
- Hán Việt văn tự ( Nam Phong số 107)
- Việt Nam thi ca (Nam Phong số 64)
5) – Tác phẩm viết bằng Pháp văn:
- La poésie Annamite (Nam Phong 1931)
- Le Paysan Tonlinois à travers son parler (Nam Phong 1931)
- L’ Idéal du sage dans la philosophie confucéenne
- Essais Franco-Annamites
I I I– Bệnh tật:
Theo lời thuật của bà Phạm Thị Hảo, trưởng nữ Phạm Quỳnh thì ông là người mạnh khỏe, cao 1,73m nặng 65kg (như có ghi trong căn cước). bị cận thị mắt phải – 3 dioptries, mắt trái – 0.25 dioptries, không hút thuốc không uống rượu, ăn uống điều độ và phải kiêng cữ vì bịnh đau bao tử.
1) – Bệnh trạng:
Do độ acide chlorydrique trong dạ dầy cao hơn bình thường nên Phạm Quỳnh hay ợ chua sình bụng , khi đói bụng đau ngầm ngầm chứ không bao giờ đau từng cơn dữ dội.
Chứng đau bao tử không bộc phát vì Phạm Quỳnh thấy cứ ăn xôi thì không bị đau và luôn uống Magnésie bismuthée. Vì thế ông chấp nhận kiêng cữ từ lúc còn trẻ. Ngày 2 bữa cơm nếp hoa75c ăn súp theo lối cơm tây.. Ngay những lúc yến tiệc trong triều, ông cũng kiêng cữ cẩn thận.
2) – Biến chứng:
Năm 1934, sau một bữa tiệc trong triều về đến nhà ông bị nôn mửa và thổ huyết. Gia đình nghi bị đầu độc nên mời y sĩ rửa ruột, ông qua khỏi và bệnh không tái phát.
3) – Suy luận :
Theo những triệu chứng đã kể như đau bụng khi đói, một lần thổ
huyết, và hiệu quả của việc ăn kiêng uống thuốc, chúng ta có thể nghĩ là Phạm Quỳnh bị bệnh loét bao tử không bộc phát (Ulcère gastro-duodénal latent) nhờ ông biết kiêng cữ và uống thuốc Magnésie bismuthée, mặc dầu thiếu những đặc tính rõ rệt như đau đúng giờ, đau theo chu kỳ ….
PHỤ CHÚ:
1) Về bệnh loét bao tử (peptic ulcer disease hay PUD) :
Y học ngày nay có nhiều khám phá kỳ thú vê căn bệnh này từ nguyên nhân đến điều trị. Chúng tôi xin kể ra đây một vài sự kiện mới mẻ đó, ngõ hầu sau đấy có thể bàn luận về bệnh trạng của Phạm Quỳnh một cách khoa học.
a) Nguyên nhân căn bản vẫn vì mức độ acide chloridrique và pepsine quá nhiều trong dạ dầy do nhiều yếu tố mà ra, trong đó phải kể mấy dữ kiện sau đây :
- Loét bao tử do uống thuốc hay ăn uống không lành mà ra. Thí dụ điển hình là
ngày xưa ai có nghĩ là thuốc chống nhức đầu thông thưòng như Aspirine lại có thể làm loét và chảy máu bao tử, nói chi đến những thuốc chống viêm thấp như Advil hay thuốc chống miễn nhiễm thuộc loại corticoides.
Ăn uống ai có cho là ăn cay ăn chua là độc địa, hút thuốc và uống rượu thường còn được ca tụng là biết hưởng đời, gây nguồn cảm hứng cho thi ca. Biết đâu là những độc chất đó rất tai hại cho bao tử và nhiêu cơ quan khác.
- Stres ulcer : Loét bao tử do stress, chấn thương thể chất hay tâm thần như khi bị phỏng nặng hay bị cảm xúc mạnh (choc émotionnel). Trong những trường hợp này, các triệu chứng thường ngấm ngầm vì bệnh nhân quá đau đớn (phỏng nặng chẳng hạn) hay quá lo nghĩ buồn phiền (ly dị, vỡ nợ…) không còn thấy đau bụng, ơ chua gì cả.
Đến khi bệnh đột nhiên bộc phát ra như ngất xỉu vì chảy máu đuờng tiêu hóa chẳng hạn, phải đưa vô bệnh viện khám nghiệm điều nghiên mới tìm ra căn nguyên là loét hay lũng niêm mạc bao tử !
- Vi trùng gây ra loét bao tử được khám phá vào năm 1983 và đặt tên là Helicobacter pylori. Loại vi trùng này khá đăc biệt vì có thể tồn tại và nảy nở trong một môi trường khắc nghiệt với cường độ acide rất cao.
Một nét đặc thù nữa của H. pylori là xét nghiệm hơi thở của bệnh nhân (breath test) nguời ta có thể phát hiện ngay được sự hiện diên của chúng trong bao tử, căn cứ vào khả năng của chúng có thể chế tạo ra urea.
Xét nghiệm này giá rẻ và dễ làm đến độ ngày nay các bác sĩ có thể thực hiện ngay trong phòng mạch như là một xét nghiệm dùng để thanh lọc bệnh nhân (screening test)
b) Khám nghiệm:
- Quang tuyến X thông dụng đã từ lâu, ngay cả ở Việt Nam. Chúng tôi lấy làm
lạ một nhân vật làm đến thượng thư trong triều như Phạm Quỳnh mà duờng như không bao giờ đuợc khảo nghiệm bằng phương pháp này để xác định chẩn đoán Loét Bao Tử.
- Nội soi bao tử bằng ống mềm (gastro-endoscopy) ngày nay gần như đã hoàn toàn thay thế quang tuyến X, vừa ít độc vì tránh đuợc phóng xạ, vừa chính xác lại có thể lấy dung dịch trong bao tử để phân tích (tìm trực tiếp H. pylori) hay hơn nữa làm sinh thiết để loại trừ khả năng bị ung thư bao tử.
c) Điều trị:
- Kiêng cữ dinh dưỡng vẫn là căn bản của cách điều trị bệnh loét bao tử. Ăn
xôi trên thực tế tỏ ra hữu hiệu tuy chưa ai chứng minh được là gạo nếp có chất gì khả dĩ kiềm hóa bao tử làm giảm cuờng độ acide như sữa tươi.
- Ngoài những thuốc antacids làm giảm cơn đau bao tử thường dùng xưa nay
(magnésie bismuthée Phạm Quỳnh uống thường xuyên tương đuơng với Pepto-Bismol hay Milk of Magnesia ngày nay), y học hiện đại xử dụng rất nhiều thuốc mới phát minh để điều trị tận căn bệnh loét bao từ.
Xin kể vài thí dụ như Tagamet thuộc loại ‘’H2 receptor antagonists’’, Losec thuộc loại ‘’proton pump inhibitors’’…Đăc biệt trong trường hợp loét bao tử do H. pylori uống phối hợp 2 thứ kháng sinh (Clarithromycine + Amoxicilline chẳng hạn) với 1 loại thuốc kể trên có nhiều khả năng khỏi bệnh vĩnh viễn.
- Ngày nay điều trị bằng thuốc men hữu hiệu đến độ rất ít khi phải dùng đến
phẫu thuật cắt bỏ bao tử (gastrectomy) trừ khi bị lũng thủng. Loét bao tử sinh chảy máu bộ phận tiêu hóa (digestive hemorrhage) cũng chỉ cần chuyền máu và chuyền tĩnh mạch một loại thuốc trên đây cũng đủ thoát hiểm.
4) Về riêng bệnh trạng của Phạm Quỳnh:
Một lần nữa chúng tôi khẳng định chúng ta không thể dựa trên những tiêu chuẩn ngày nay để phán xét cách chẩn đoán điều trị của người xưa. Nếu có so sánh thì mục đích chỉ để làm sáng tỏ vài nghi vấn hay nêu lên những tiến triển của tổ chức y tế hiện đại và ngành y học tân tiến ngày nay.
a) Chẩn đoán:
- Khó có thể khẳng định Phạm Quỳnh bị bênh loét bao tử khi không có một
bằng chứng cụ thể nào có tổn thương cơ thể (organic lesion) dù bằng điện quang chứ đừng kể soi bao tử. Nhưng ông bị chứng ‘’khó tiêu do chức năng’’ (dyspepsie fonctionnelle) thì đấy là một sự kiện chắc chắn, dựa trên những triệu chứng được tường thuật lại và tính hữu hiệu của cách điều trị do chính ông kiên trì áp dụng.
- Giai thoại ‘’ ói mửa và thổ huyết ’’ theo người nhà thì Phạm Quỳnh bị đầu độc,
song có lẽ ngộ độc thức ăn (food poisoning) thì đúng hơn. Ói mửa nhiều làm rách niêm mạc bao tử khiến chảy máu thổ huyết (Mallory-Weiss syndrome). Truờng hợp này không cần rửa ruột niêm mạc cũng tự nhiên lành trở lại.
Thế nhưng cũng có khả năng đây là một biến chứng bộc phát của hội chứng loét bao tử tiềm tàng từ lâu trong cơ thể, nhất là nếu thổ huyết màu đỏ tươi Trong trường hợp này, không nên rửa ruột vì có khả năng vết loét bao tử đã bị thủng (perforated ulcer) và rửa ruột có thể gây viêm nhiễm màng ruột (peritonitis) rất nguy hiểm cho tính mạng.
Dù là Mallory-Weiss syndrome hay perforated ulcer, khi thổ huyết màu đỏ tươi ngày nay không ai rửa ruột nữa mà nội soi bao tử bằng ống mềm ngay để chẩn đoán và chữa trị một lúc. Còn nếu nghi đầu độc hay ngộ độc, hành động ưu tiên là lấy đồ ói (vomitus) tìm chất độc hay vi trùng nhất là E. coli.
b) Điều trị:
Như đã trình bầy, nói riêng về cách chữa trị bệnh loét bao tử chúng ta phải nhìn nhận là y học đã tiến một bước rất xa. Chỉ cần xử dụng thuốc (uống hay chuyền tĩnh mạch) cũng đủ khỏi, khiến cho phẫu thuật trong bệnh này kể như đã được xếp vào dĩ vãng.
Chúng ta càng thán phục Phạm Quỳnh ờ một thời điểm ngành dinh dưỡng chưa có, thuốc men đơn giản mà đủ tài trí nghị lực để chế ngự đuợc căn bệnh khó tiêu mãn tính kinh niên ngõ hầu gây dựng cho sự nghiệp văn chương cũng như chính trị của mình.
I V – Cái chết của Phạm Quỳnh:
Vẫn theo lời bà Phạm Thị Hảo, năm 1945 Phạm Quỳnh đã vể hưu sống sống tại một ngôi nhà nơi bờ sông An Cựu, Huế. Ông có ý định quay lại với sự nghiệp văn chương.
Phong trào Việt Minh nổi lên, biểu tình lập chính phủ mới ồn ào tại Huế. Ngày 23 tháng 8 năm 1945 lúc 13 giờ, nhân viên chính phủ Hồ Chí Minh đến bắt Phạm Quỳnh đem đi giam tại Phủ Thừa ở Huế. Hai tháng sau, gia đình được tin ông bị bắn chết nhưng không biết ở đâu để tìm xác.
Mãi đến năm 1956, bà Hảo mới được gia đình T.T. Ngô Đình Diệm báo tin cho biết Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi và con trai là Ngô Đình Huân cùng bị bắn và chôn cùng huyệt tại Hát Phú cách Huế 20 cây số thuộc Quảng Trị.
Người chỉ huyệt chôn xác là ông lái đò năm xưa đã chở 3 nạn nhân đến nơi hành quyết. Ông lái đò kể lại ngày hôm đó (ông không nhớ rõ ngày nào năm 1945) ông phải chở 3 nạn nhân đến ven bờ sông, 2 người đã lớn tuổi và 1 thanh niên mặc quân phục Nhật Bản. Phạm Quỳnh bị bắn trước, rồi đến Ngô Đình Khôi và sau chót là Ngô Đình Huân. Xác cả ba bị vất xuống con kinh đang đào để dẫn nước vào ruộng
Ngày 28 Tết năm 1956, gia đình T.T. Diệm và gia đình bà Hảo ra Quảng Trị tìm hài cốt các nạn nhân. Khi đào lên thấy xác Ngô Đình Huân trước nhờ cái giây thắt lưng nhà binh Nhật. Rối đến hài cốt Ngô Đình Khôi bé nhỏ , sau cùng là hài cốt Phạm Quỳnh to lớn hơn.
Phạm Quỳnh nằm duới hai xương tay đưa sau gáy ôm lấy sọ bị bắn thủng với 7 phát súng lục. Gần đấy là cặp kính cận thị còn nguyên vẹn, gọng đồi mồi bị mục nát. Bà Hảo có cho chúng tôi xem đôi mắt kính và đem đi đo..
Di hài Phạm Quỳnh được đưa về an táng tại chùa Vạn Phước ở Huế.
KẾT LUẬN:
Trong số các nhà văn chuyên nghiệp có người mang bệnh kinh niên mà vẫn hăng hái làm việc vì sợ chết sớm mà không thực hiện được hay hoàn tất được những tác phẩm của mình.. Điển hình là Marcel Proust năm 50 tuồi lâm bệnh suyễn nặng. Biết không còn sống bao lâu, ông cố sức viết cho xong cuốn trường thiên tiểu thuyết ‘’Đi Tìm Lại Thời Gian Đã Mất’’ (À la Recherche du Temps Perdu) Khi được tin cả bộ sách gồm nhiều cuốn đã in xong và đã được bầy bán ở các tiệm sách, ông mới nhắm mắt trong lòng đầy an ủi mãn nguyện.
Phạm Quỳnh có một văn nghiệp phong phú và đa diện. Ông đạt được kết quả tốt đẹp như vậy nhờ ở tài năng thiên phú nhưng cũng nhờ ở năng xuất làm việc của ông. Đủ biết bệnh đau bao tử không hề cản trở công việc sáng tác của ông. Chính vì bị loét dạ dầy mà ông biết giữ gìn vệ sinh, ăn uống điều độ, không uống rượu không hút thuốc nên duy trì được khả năng suy tư, viết lách.
Là một học giả uyên thâm, Phạm Quỳnh đã kiên trì trước tác mặc dầu bệnh hoạn. Người ta đã tiếc cho văn học Việt Nam vì ông xoay hướng sang làm chính trị. Người ta thưong sót cho ông bị chết thảm vì do định mệnh.
Phụ chú : Chúng tôi không nghĩ như vậy. Phạm Quỳnh có tài trí nghị lực nên đã thắng được bệnh tật thành công rực rỡ trong văn nghiệp và quan trường nhưng đành bó tay chịu chết tức tưởi dưới gông cùm của một chế độ bạo tàn dựa trên một chủ thuyết ngoại lai bất nhân nhất trong lịch sử loài người. .

NHẤT LINH NGUYỄN TƯỜNG TAM (1908 – 1963)
I – Thân thế và sự nghiệp:
a) -Thân thế:
Sinh ngày 25 tháng 7 năm 1908 tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh
Hải Dương nơi ông nội Nhất Linh được bổ nhiệm làm tri huyện rồi hồi hưu ở tại đây. Quê nội Nhất Linh ở làng Cẩ Phô, huyện điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Quê ngoại ở ngay Huế. Ông chết ngày 7 tháng 7 năm 1963 tại Saigon
Năm 1927 ông sang Pháp du học và năm 1930 về nước với văn bằng Cử Nhân Khoa Học Giáo Khoa. Ông dạy học tại 2 trường Thăng Long và Gia Long trong có 2 năm rối bỏ để hoạt động văn chương và chính trị từ 1932 đến cuối đời.
b) – Văn nghiệp:
Văn nghiệp của Nhất Linh gắn bó với Tự Lục Văn Đoàn và 2 tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay.
Tự Lực Văn Đoàn được thành lập năm 1933 nguyên thủy có 6 thành viên là Nhất Linh – Khái Hưng – Hoàng Đạo – Thạch Lam – Tú Mỡ – Thế Lữ. Về sau có thêm Xuân Diệu – Trần Tiêu – Trọng Lang – Huy Cận – Thanh Tinh – Đoàn Phú Tứ.
Cơ quan ngôn luận của Tự Lực Văn Đoàn khởi đầu là tờ Phong Hóa bị đóng cửa vì châm biếm Hoàng Trọng Phu, sau mới là tờ Ngày Nay. Cả 2 tờ báo đều chú trọng về văn chương và trào phúng , hô hào âu hóa và đề cao chủ nghĩa cá nhân.
Các tác phẩm lớn của Nhất Linh có thể chia ra nhiều loại:
- Tiểu thuyết lý tưởng: Nho Phong (1924) , Quay Tơ (1923)
- Tiểu thuyết tranh đấu xã hội: Đoạn Tuyệt (1935) , Lạnh Lùng ( 1937) , Đôi Bạn (1938)
- Tiểu thuyết tâm lý; Bướm Trắng ( 1941) , Nắng Thu (1942), Dòng Sông Thanh Thủy (1930), Đi Tây (1935)
- Viết chung với Khái Hưng: Anh Phải Sống (1932) , Gánh Hàng Hoa (1934) , Đời Mưa Gió (1934)
c) – Hoạt động chính trị:
- 1938: Thành lập đảng Hưng Việt sau đổi tên là Đại Việt Dân Chính.
- 1941: Ngày Nay bị đóng cửa. Nhất Linh chạy sang Quảng Châu. Tại đây ông gặp Nguyễn Hải Thần và Hồ Chí Minh.
- 1943: Bị tù ở Liễu Châu khi được thả ra ông về Côn Minh tá túc với Vũ Hồng Khanh hoạt động trong Việt Nam Quốc Dân Đảng.
- 1944: Tại Liễu Châu ông được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban Chấp Hành Trung Ương Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội gọi tắt là Việt Cách.
- 1945: Tại Trùng Khánh ông sát nhập Đại Việt Dân Chính Đảng với Việt Nam Quốc Dân Đảng công khai ra mắt với danh xưng Mặt Trận Việt Nam Quốc Dân Đảng gọi tắt là Việt Quốc.
- 1946: Ông trở về Hà Nội, tổ chức hoạt động đối lập chính quyền Việt Minh, tham gia Quốc Hội khoá 1 đặc cách không qua bầu cử, giữ chức bộ trưởng Ngoại Giao trong chính phủ Liêp Hiệp Kháng Chiến, làm Trưởng Đoàn Việt Nam dự Hội Nghị Trừ Bị Đà Lạt đàm phán với Pháp, được đề cử làm Trưởng Phái Đoàn Việt Nam dự Hội Nghị Fontainebleau nhưng từ chối, viện lẽ lực lượng Việt Minh tấn công cơ sở Việt Quốc, sát hại và bắt bớ nhiều đảng viên.
- 1947: Ông bỏ trốn sang Hồng Kông, thành lập cùng Trần Văn Tuyên, Phan Quang Đán, Nguyễn Hải Thần… Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất ủng hộ Bảo Đại chống cả Pháp lẫn Việt Minh nhưng đế năm 1950 thì mặt trận này tan rã.
- 1951: Ông về nước, mở nhà xuất bản Phượng Giang, tái bản sách của Tự Lực Văn Đoàn và tuyên bố không hoạt động chính trị nữa.
- 1953: Ông lên sống tại Đà Lạt , “tu tiên” song ngầm chỉ huy Quốc Dân Đảng cạnh tranh với 2 phái khác cùng đảng.
- 1958: Ông trở lại Saigon, thành lập Mặt Trận Quốc Dân Đoàn Kết, ủng hộ cuộc đảo chính của Đại Tá Nguyễn Chánh Thi và Trung Tá Vương Văn Đông. Thất bại, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm quản thúc tại gia.
- 1963: Ông bị tòa gọi ra xét xử ngày 8 tháng 7 nhưng đêm 7 tháng 7 tại nhà riêng ông dùng rượu mạnh pha thuốc ngủ quyên sinh, để lại lời tuyệt mệnh trứ danh : ‘’ Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả ‘’
I I – Bệnh tật:
Lúc thiếu thời du học ở Pháp về, Nguyễn Tuờng Tam là một thanh niên đầy sức khỏe. BS Trần Văn Bảng đã ngạc nhiên khi gặp ông, một người mảnh khảnh, tráng kiện và lanh lợi. Thế nhưng sau này lúc mới 50 tuổi sức khỏe của ông đã sút kém nhiều. Thế Uyên viết về ông: “Tuần trước tháng 11 năm 1960 gặp Nhất Linh, một ông già đau ốm đầy vẻ suy tư” (Tạp chí VĂN số 6/1966
Làm sao không đau ốm được, sau mấy chục năm làm văn nghệ không nghỉ, làm cách mệnh lưu vong gian khổ. Tất cả những cực nhọc lo âu thất vọng đã chồng chất lên thể xác tâm thần ông. Dựa vào các nhân chứng, chúng tôi không lấy làm lạ khi nhận thấy ở ông 3 chứng bệnh sau đây:
1) – Nghiện thuốc lá (tabagisme):
Nhất Linh nghiện thuốc lá rất nặng . Ông hút luôn miệng, mỗi ngày ít nhất 2 bao Bastos. Đôi khi ông còn hút thuốc lào và dường như có thử á phiện nữa. Thật ra ông cũng như đa số các nhà văn, coi những thứ này như kick thích tố để tránh buồn phiền, gợi cảm hứng, thậm chí tăng năng xuất.
Y học thì lại cho rằng thuốc lá có độc chất làm giảm thọ con người vì hại tim và gây ra ung thư phổi. Ngoài ra thuốc lá cũng làm người hút bị viêm cuống phổi mãn tính, rãn buồng phổi khó thỏ kinh niên Song theo BS Nguyễn Văn Bổn người thực hành phẫu nghiệm, phổi Nhất Linh “chỉ đen vì bụi” (anthracose)
2) – Nghiện rượu (alcoolisme):
Nhiều nhà văn cũng ca tụng rượu như Tản Đà, Nguyễn Tuân, Nguyễn Khuyến, tin rượu bồi bổ thể xác và tinh thần, ngoài ra còn là nguồn thơ, nguồn cảm hứng. Nhất Linh cũng thích uống rượu, nhất là whisky nhãn hiệu Johnnie Walker (ông tự vẫn bằng thuốc ngủ pha trong rượu này)
Không biết ông nghiện rượu từ bao giờ và uống mỗi ngày bao nhiêu. Tường Hùng, cháu gọi Nhất Linh bằng chú, viết trong Văn số 6/1966: “Đã có dạo cứ mỗi buổi chiều Nhất Linh lại say rượu. Nhưng ông chỉ uống để ngủ và lúc say ông ngồi im nghĩ ngợi trong căn phòng không có ánh sáng…”
Thế Uyên, một người cháu khác, còn kể lại đôi khi ông bị khủng khoảng tinh thần, lên cơn loạn trí . Có lần ông đứng trước cửa nhà ở đường Lý Thái Tỗ, móc giấy tờ trong ví đưa cho mọi người xem, miệng nói lảm nhảm : “Lấy hết đi , xin các ông lấy hết đi. Đừng áp chế tôi !”
Theo y học rượu làm suy nhược tâm thần, suy giảm trí nhớ, phản xạ kém nhậy, chậm trễ. Rượu cũng làm tổn thương não bộ, đi đứng mất thăng bằng mất hường, thậm chí sinh loạn trí nữa. Nhưng thông thường nhất lâu ngày ruợu làm chai gan khiến gan bị suy. Quả thật, BS nguyễn Văn Bổn khi làm phẫu nghiệm thấy lá gan của ông có một “lằn chai” lớn (bande de sclérose)
3) – Suy nhược tâm thần (neurasthénie):
BS Nguyễn Hữu Phiếm đã dùng chữ neurasthénie để định bệnh tâm trí của Nhất Linh từ một thanh niên lanh lợi mới du học ở Pháp về đến bây giờ là một ông già đầy suy tư, cô đơn và tuyệt vọng. Ông bị ý nghĩ tự sát ám ảnh (obsédé par le suicide) và đã uống thuốc ngủ tự tử một lần nhưng không thành vì BS Phiếm kịp thời chữa chạy, rửa ruột và chích Strychnine. Số lượng thuốc ngủ kỳ đó ít nên ông bình phục ngay và vằi hôm sau đã đi họp hội Văn Bút.
Tú Mỡ ngay từ khi còn làm báo Phong Hóa đã ghi nhận về Nhất Linh như sau : ‘’ Tâm thần bị giao động nhiều, gần như bệnh. Cần phải đi dưỡng bệnh ‘’ Thủa ấy ông đã bắt đầu bị dầy vò vì sự bất lực của mình, trên vai mang gánh nặng của một kẻ sĩ trí thức yêu nước được mọi người kỳ vọng.
Nguyễn thị Vinh: ‘’Hằng ngày tôi ít dám nói chuyện với anh bởi vì trên guơng mặt anh toát ra một vẻ nghiêm khắc, trầm lặng, rất buồn bã. Ánh mắt luôn luôn nhìn về một cõi xa xăm, mọng lên nỗi chất chứa u sầu ’’
Trương Bảo Sơn: ‘’Phải chăng việc mất hai người em thân yêu như mất hai cánh tay đắc lực, đã làm cho Nhất Linh Nguyễn Tuờng Tam xót xa đau lòng khiến nhiều đêm ông đã âm thầm khóc một mình và chán nản, ngưng làm chính trị mất ba bốn năm trời, ẩn cư nơi núi rừng Đà Lạt ‘’
Nguyễn Tường Bách, người em út bác sĩ đã nhận xét tâm trạng anh mình như sau: ‘’Tang tóc khiến cho bệnh suy nhược thần kinh của Nhất Linh ngày càng nặng thêm. Một ngày năm 1950, tôi ra Hồng Kông thăm anh. Chỗ anh ở trên một sườn đồi, bên cạnh một con suối trong. Anh cũng đồng ý về nước với quyết tâm không tham dự chính trị nữa, ít ra trong giai đoạn này ’’
Nguyễn Tường Thiết, con trai nhà văn: ‘’Nhất Linh thường viết trong đêm khuya khoắt. . Nhiều khi thức giấc nửa đêm, tôi thường thấy qua khe cửa đèn trong phòng ông còn bật sáng. Có đêm lũ chúng tôi lòm còm bò dậy vì nghe tiếng khóc trong phòng cha tôi. Tiếng khóc lúc đầu còn nhỏ sau lớn dần như không kìm hãm đươc. Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Không ai có thể đoán biết ông khóc cái gì, ngay cả mẹ tôi. Nhưng khám phá này đã gieo vào tuổi thơ của tôi một ấn tượng mạnh mẽ rằng cha tôi là một người cô đơn và đau khổ. Ngoài ra những giấc mơ kỳ lạ và kinh hãi cũng được tôi hình dung thấy qua giấc ngủ của ông, qua cách ông trằn trọc ú ớ trong đêm khuya.’’
I I I – Cái chết:
1) – Bối cảnh:
a) – Nhất Linh đã chết như thế nào?
Ngày 6-7-1963, Nhất Linh nhận được giấy đòi phải trình diện tiểu đội Hiến Binh ở số 635 đường Nguyễn Trãi Saigon và được biết sáng thứ hai 8-7-1963 phải ra tòa vì tội tham gia cuộc đảo chánh 11-11-1960.
Duờng như từ trước ông đã có ý định tự vẫn vào ngày Song Thất (mồng 7 tháng 7 năm 1963) để đem một cái nhục cho họ Ngô và thúc đẫy quần chúng đảo chánh lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Trát tòa ông nhận đuợc đúng lúc để gíúp ông quả quyết thực hiện ý định của mình.
Ông viết di ngôn vào sáng chủ nhật 7-7-1963 Khoảng 4 giờ chiều hôm ấy, ông vừa ngồi uống Johnnie Walker vừa nói chuyện bình thường với con cái. Con trai ông là Nguyễn Tường Thiết tưởng ông uống rượu như mọi ngày để quên sự thế, nào ngờ ông có pha thêm độc dược để tìm cái chết, tránh khỏi tòa án chính quyền đương thời xét xử.
Khi BS Nguyễn Hữu Phiếm được mời đến thì Nhất Linh đã mê man bất tỉnh, hơi thở rất yếu. Ông bèn viết giấy tối khẩn gửi Nhất Linh vào bệnh viên Grall lúc 18:00 giờ, với lời ghi : ‘’ Tentavive de suicide avec substance inconnue ‘’ Vào đến bệnh viện, bác sĩ nhận bệnh tưởng như bệnh nhân đã chết rồi. Ông không thấy triệu chứng của một bệnh nào nên cũng nghĩ là tự vẫn bằng độc duợc. Thử nước tiểu thấy có thuốc ngủ tuy không rõ rệt.
Bệnh nhân tắt thở đêm 7-7-1963 rạng ngày 8-7-1963, lúc 01:15 giờ sáng.:
b) – Nơi an nghỉ:
Theo lệnh nhà cầm quyền, gia đình Nhất Linh phải chấp nhận cho phẫu nghiệm tử thi để tìm hiểu nguyên nhân cái chết, sau đó phải chôn ông gấp tại nghĩa trang chùa Giác Minh ở Gò Vấp, không cho đợi người con cả ở Pháp về chịu tang.
Phụ chú:
Năm 1975, Nguyễn Tường Thạch con trai thứ của Nhất Linh đã hỏa thiêu di cốt của cha rồi gửi bình tro tại chùa Kim Cương ở đường Trần Quang Diệu Saigon
Năm 1981 bà Nhất Linh sang Pháp đoàn tụ với các con rồi qua đời và an táng tại đó
Mãi đến năm 2001, con cháu mới quyết định rời di cốt Nhất Linh cùng vợ và con gái lớn về khu mộ dòng họ tại Hội An, Quảng Nam.
2) – Điều tra:
Sau đây là tóm tắt kết quả 2 cuộc giảo nghiệm y khoa thiết yếu trong việc điều tra cái chết của Nhất Linh.
a) – Phẫu nghiệm tử thi:
- Thi hành ngày 8-7-1963 hồi 16:00 giờ tại nhà xác bệnh viện Grall duới sự hiện diện của Biện Lý Tòa Án Saigon, Cảnh Sát Quận 1, Sở Giảo Nghiệm, Y Sĩ Trưởng Đô Thành, Thanh Tra Bộ Y Tế, Đại Diện trường Y Khoa, Y Sĩ Giải Phẫu bệnh viện Grall
- Phúc trình pháp y ký tên bởi 2 y sĩ giám định là BS Nguyễn Văn Bổn giải phẫu và BS Đào Huy Chân phụ tá:
Kết quả (trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ ghi những kết quả duơng tính mà thôi):
+ Phổi đen vì bụi (anthracose)
+ Bao tử đầy phân nửa thức ăn (đuợc cột 2 đầu và lấy nguyên vẹn ra với thức ăn để tìm chất độc tại Viện Giảo Nghiệm)
+ Gan phía dưới có một lằn chai to (bande scléreuse)
+ Gởi thêm đến Viện Giảo Nghiệm 25cc máu lấy trong tim, 30cc nước tiểu lấy trong bọng đái, 4cc nước đầu và xương sống (liquide céphalo-rachidien)
Kết luận:
+ Với những phương pháp khám nghiệm thông thường tại chỗ, không thấy thi hài có triệu chứng nào cò thể giải thích cái chết mau chóng của Nguyễn Tường Tam
+ Cần chờ xem kết quả việc tìm kiếm do các phòng và Viện Giảo Nghiệm.
b) – Thử nghiệm độc duợc:
- Thi hành ngày 15 tháng 7 năm 1963 tại Viện Pasteur, chiếu yêu cầu của Tòa Án Saigon ngày 10 tháng 7 năm 1963
- Phúc trình kết quả ký tên bởi BS Phạm Văn Tất, trưởng phòng :
+ Có hiện diện của chất barbiturique với một mức độ rất cao trong nước tiểu của Nguyễn Tường Tam
+ Sau khi kiểm nhận bằng microcrystalloscopie, có thể kết luận chất barbiturique này là loại Veronal
PHỤ CHÚ:
1) – Về bệnh tật của Nhất Linh:
a) – Nói chung nghiện thuốc lá và nghiện rượu không
gây ra hay chưa gây ra biến chứng gì trầm trọng cho Nhất Linh mặc dầu nhìn lại chúng ta thấy 2 dữ kiện đáng chú ý:
- Phẫu nghiệm tử thi Nhất Linh thấy phổi đen vì anthracosis, song bụi than đá (miner’s lungs) mới là nguyên nhân chinh của bệnh này. Hút thuốc chỉ làm cho bệnh trầm trọng thêm.
- Phẫu nghiệm tử thi cũng thấy gan Nhất Linh có một vết chai song thât sự ông chưa hề có một triệu chứng gì suy gan do chai gan vì rượu (alcoholic cirrhosis of the liver)
Chuyện Nhất Linh nói lảm nhảm rồi móc ví cho mọi người xem giấy tờ đáng làm cho chúng ta lưu ý hơn vì liên tưởng đến hội chứng Wernicke-Korsakoff do rượu gây ra.
Chuyện này khiến bà em gái Nhất Linh cho rằng ông anh mình ‘’điên’’ dù là điên khôn. Nhất Linh quả thật mắc chứng suy nhược tâm thần nhưng quan niệm ngày nay điên là phải mất hẳn khả năng tiếp cận thực tế như với schizophrenia chẳng hạn, nôm na có thể gọi là ‘’ khùng, rồ, điên thứ thiệt’’
b) – Nói riêng bệnh suy nhược tâm thần của Nhất Linh
lại khá trầm trọng. Từ ngữ ‘’neurasthenia’’ không mấy chính xác vì nghĩa quá rộng. Theo ngôn ngữ chuyên khoa tâm thần ngày nay thì phải gọi là ‘’mental depression’’ hay là bệnh ‘’trầm cảm’’.
Thông thưòng ta có thể phân bệnh trầm cảm làm 2 loại theo đó có thể chữa trị bằng thuốc men (antidepressants), tâm thần trị liệu.
(psychotherapy), tái phục hồi (rehabilitation)… hay phối hợp nhiều phương pháp.
- Trầm cảm nội xuất (endogenous depression) có tính cách di truyền vì không tìm thấy nguyên do gì cả, nên cũng rất khó chữa trị. Truờng hợp này dễ thành ‘’major depressive disorder’’ tạm dịch là ‘’trầm cảm cao độ’’. Bệnh nhân dễ mất tiếp cận với thực tế (psychosis).
- Trầm cảm ngoại xuất (exogenous depression) do hoàn cảnh khó khăn tạo ra (situational depression) hay cách phản ứng của bệnh nhân đối với nghịch cảnh (reactive depression). Trên nguyên tắc loại này dễ chữa trị hơn. Nguyên nhân hết, bệnh cũng tự nhiên khỏi.
Chúng tôi cho rằng Nhất Linh ở trong trường hợp này có nghĩa là tâm trí ông tuy suy nhược nhưng bao giờ cũng sáng suốt, song theo như chính ông (dixit) cuộc đời chính trị của ông là một chuỗi dài thất bại.
Nhà biên khảo Nguyễn Văn Lục kể lại giai thoại bức họa Nguyễn Gia Trí vẽ chân dung Nhất Linh phải bỏ dở vì bị đi tù. Khi đưọc thả ra, ông Trí định vẽ tiếp thì Nhất Linh không chịu và đòi cứ để nguyên như thế vì cho rằng bức họa dang dở giống như cuộc đời của ông, một tác phẩm không bao giờ hoàn tất được.
3) – Về cái chết của Nhất Linh:
a) – Trên phương diện y học, tự vẫn là một biến chứng
của bệnh trầm cảm gồm 3 giai đoạn:
- Ý định tự vẫn (suicidal ideation): BS Nguyễn Hữu Phiếm đã từng nhận xét là Nhất Linh bị ám ảnh bởi ý nghĩ tự sát từ lâu.
- Kế hoạch tự vẫn (suicidal planning): Chính Nhất Linh từng nói ‘’ Tôi mà tự tử thì chẳng ai biết tôi dùng loại độc dược nào’’ hay ‘’ Chỉ tạch một cái là xong’’.
- Toan tính tự vẫn (suicidal attempt): Chỉ cần một yếu tố phát đông (triggering factor) đủ mạnh là bệnh nhân thực hiện kế hoạch của mình. Trong trường hợp Nhất Linh yếu tố quyết định đó là cái trát đòi ông ra tòa.
b) – Trên phương diện chính trị lịch sử, nếu xét cơ chế
hành động Nhất Linh tự vẫn đơn thuần như một biến chứng bệnh hoạn, ta có thể đã coi thường hành động hi sinh cao cả của ông để thúc đẩy công cuộc lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.
Chúng tôi không nghĩ như vậy. Hành động sáng suốt của Nhất Linh vẫn giữ nguyên giá với tính cách tiêu cực của nó. Nếu ông không mắc bệnh trầm cảm, có lẽ ông đã chọn một cách đấu tranh khác có thể tích cực hơn nhưng thành quả cũng tương tự, tiếng vang không chừng lại thua.
KẾT LUẬN:
Nhất Linh là một nghệ sĩ trước khi là một chính trị gia. Rất có thể ông mường tượng vuốt ve một cái chết đặc biệt khác thường, một cái ‘’chết đẹp’’
Nếu quả thật vậy thì cái chết của ông không phải là cái chết tiêu cực của một bệnh nhân tâm thần. mà là cái chết đã được ông xếp đặt theo sở cầu của mình. Ông muốn cho cái chết của ông đạt được hai mục đích:
- Thứ nhất là để gây một tiếng vang trên thế giới và đánh một đòn nặng vào chính quyền Ngô Đình Diệm
- Thứ hai là để thỏa mãn cái sở cấu thiên tính nghệ sĩ của ông. Ông vừa uống
rượu vừa uống thuốc ngủ. Phải chăng ông muốn một cái chết say sưa êm đềm và cũng vui như một giấc mơ của nhân vật Thanh trong tac phẩm Dòng Sông Thanh Thủy vậy?
BS Mạc Văn Phước và BS Đặng Ngọc Thuận
Montreal, mùa Xuân 2011

THEO DÒNG SỰ KIỆN:
  1. Linh hồn ‘Quân đội nhân dân’ lâm nguy
  2. Tàu ngầm Việt Nam – Nguy cơ mới cho quân xâm lược
  3. Thảm họa hạt nhân ghê rợn ở Nhật Bản nguy hiểm đến mức nào?
  4. Tuần lễ quốc tế vận cứu nguy Cồn Dầu, Bát Nhã và đòi nhân quyền
  5. Tổ Quốc lâm nguy – Thậm chí nguy
  6. Ai du nhập hiểm nguy? Làm gì để cứu nguy đất nước?


5 Phản hồi cho “Bệnh tật và cái chết của 4 văn nhân: Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Tường Tam[2]”

  1. Quan Cong says:
    Nguyen vab Luc la nguoi ton tho Ngo dinh Diem,, Nguyen van Luc tim du moi cach gian tra de chung minh Nhat Linh chet vi mac benh tam than,loan tri .Do la mot cach chay toi cho che do Ngo dinh Diem,, nhambao chua cho Che Do Ngo Dinh Diem khong giet Naht Linh trong khi ai cung biet che do Ngo dinh Diem da chaun bai dua Nhat Linh ra toa lam nhuc Nhat linh khien Nhat Linh phai di den quyet dinh tu tu.. . Nguyen van Luc cach boi ban Nhat Linh de de biu danh du cua Nhat Linh , nham benh vuc cho che do khon nan Ngo dinh Diem
    Nguoi con trai ut cua Nhat Linh la Nguyen tuongThiet da len tieng de vach tran am muu luu manh cua Nguyen van Luc.. Luc la mot ten hen ha gian tra, vo liem si..
    Noi chung thang deo thanh gia nhu Nguyen van Luc viet lach bao gio cung doi tra .. Co the ke them 2 thang deo thanh gia viet lach doi gian la Ha tien Nhat va Tu Gan,.,Deo thanh gia vao nguoi thi tu nhien gian doi tho bi va voliem si,,
  2. Dao Cong Khai says:
    Cái chết vì chính trị thì nó luôn luôn có ý nghĩa chính trị, bệnh tật hay gì đó nhưng nguyên nhân chính là cái trát toà. Vấn đề là ý nghĩa chính trị ở đây tốt hay xấu cho Nhất Linh.
    Lịch sử xét xử ông ta như thế nào thì biến cố 63 và 75 đã bộc lộ cho người ta hiểu cả rồi. Rõ ràng ông ta muốn dùng cái chết của mình để lật đổ chế độ, Nhất Linh đã châm ngòi cho “Cách Mạng” mà cách mạng đó đã dẫn tới thảm hoạ cho đất nước như đã xẩy ra. “Đời tôi chỉ có thể để cho lịch sử xét xử”, lời nói đã bay đi thì không ai có thể thu lại được nữa.
    Trần Văn Đôn, Trần Thiện Khiêm, Dương Văn Minh … bỏ dân phải chịu đau khổ ở VN để chuồn qua đây; ai hỏi gì cũng trốn; muốn tự tử lắm nhưng không dám. Cũng để cho lịch sử xét xử. Bao nhiêu sinh viên học sinh họ muốn học hỏi lãnh tụ Cách Mạng của họ những con đường đưa đất nước tới vinh quang khi có dịp đối đáp với chế độ ở nơi công cộng như thế, nhưng lãnh tụ lại đi tìm cái chết, bí quá rồi phải nói vậy (lịch sử) cho oai!
  3. cslykhai says:
    phạm quỳnh bị giết vì là hội viên hội tam điểm vn khi sang pháp cùng vua khải định dự đấu xảo pa ri lại có hai lần ăn cơm ở nhà luật sư phan văn trường với nguyễn ái quốc là hội viên tam điểm pháp,mà quốc tế cs không dung thứ các hội viên tam điểm trong hàng ngũ của mình,đó là lý do cái chết của hoc giả phạm quỳnh,bằng chứng là bút tích của phạm quỳnh trên hai tớ lịch mà hoc giả pham quỳnh có ghi lại 2 lần đến nhà phan văn trường ăn cơm cùng nguyễn ái quốc ,2 tờ lịch này do bà con gái cụ pham quỳnh đã công bố ở pa ri
  4. Cong says:
    Chúng tôi cho rằng Nhất Linh ở trong trường hợp này có nghĩa là tâm trí ông tuy suy nhược nhưng bao giờ cũng sáng suốt
  5. D.Nhật Lệ says:
    Theo tôi,nhan đề luận án Y khoa như vậy rất dễ gây hiểu lầm là 4 nhà văn đều chết vì bệnh nhưng thật ra,
    xét kỹ thì chỉ có học giả PQ.là chết vì bị VM.thủ tiêu.Có lẽ vì tài liệu y khoa thì không nên dính líu đến nghi án chính trị,do đó đành phải dựa vào đa số nguời chết mà đặt đề tài chăng ?
    Luận án này có thể được xem như lời biện hộ thuyết phục và đáng tin cậy cho bài viết của cựu nhà giáo Nguyễn Văn Lục,trong đó ông ta đưa ra những nhận định về chứng bệnh thuộc tâm thần của văn hào Nhất Linh,khiến một số tác giả khác (có thiện cảm với nhà văn) đã kết án ông Lục khá gắt gao,nếu không muốn nói là thậm tệ như chưởi bới vào mặt ông NVL.
    Dĩ nhiên,văn hào NLchết vì.tự tử nhưng nguyên nhân tự tử cũng có sự góp phần chính và trực tiếp từ bệnh trầm cảm mà ra,nên giả định của nhị vị bác sĩ Phước & Thuận xem ra rất hợp lý và hợp tình !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét