Ngày 27/02/2012, tại Hà Nội, đảng CSVN đã khai mạc một hội nghị kéo dài trong ba ngày với 1000 đại biểu bao gồm bộ chính trị và ban chấp hành trung ương đảng tham dự. Nội dung trọng tâm của hội nghị này là thúc đẩy công tác thực thi nghị quyết của hội nghị Trung Ương Đảng CSVN kỳ 4, cuối năm 2011. Nghị quyết này nhận định: hệ thống Đảng đang suy thoái trầm trọng về lý tưởng chính trị, về tác phong đạo đức, về quan hệ giữa đảng và quần chúng… Nghị quyết Trung Ương 4 kêu gọi toàn đảng hãy tích cực tự phê, tự kiểm nhằm nỗ lực chỉnh đốn đảng. Đảng “ĐỐN” như thế nào đến độ vấn đề “CHỈNH” đảng trở thành dấu hỏi sống hay chết đối với CSVN? Sau đây là hai câu trả lời có tính tiêu biểu nhất:
Nương vào câu nói “Con sâu làm rầu nồi canh”, ông Trương Tấn Sang, đương kim chủ tịch nước CHXHCNVN đã mô tả bệnh “đốn” của CSVN bằng một câu nói rất nhiều hình ảnh: “Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là chết cái đất nước này”.
Ngày 26/02/2012, khi đề cập tới tình trạng suy sụp phẩm chất đạo đức của người CSVN, cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã dứt khoát khẳng định: “Nặng lắm rồi, như căn bệnh ung thư”.
A. Căn bệnh ung thư của đảng CSVN
Đặc điểm của bệnh ung thư là những nhọt ung thư xuất hiện bất ngờ và nhảy từ bộ phận này qua bộ phận khác trong cơ thể người bệnh với tốc độ và hình thái bất định. Đảng CSVN ngày nay chẳng khác nào một người bị bệnh ung thư. Sau nhiều năm sống dưới chế độ tư bản rừng rú, CSVN đã sản sinh ra trong “cơ thể” của đảng rất nhiều nhóm quyền lợi. Kiếm những món tiền nhỏ, con người chỉ cần hành động với tư cách cá nhân. Thế nhưng khi công việc làm ăn kiểu xã hội đen nâng lợi nhuận lên tới bạc triệu, bạc tỷ Mỹ kim, giới đại gia đỏ không thể không cấu kết với nhau thành phe, thành nhóm để bảo vệ và phát triển hành động phi pháp và tài sản phi pháp. Đó là ý nghĩa của tên gọi “Nhóm quyền lợi”. Quyền lợi bao giờ cũng gắn liền với cạnh tranh, gắn liền với ám hại lẫn nhau để tranh thắng. Mỗi nhóm quyền lợi là một nhọt ung thư. Nhọt ung thư trong đảng CSVN đã lan tràn từ địa phương lên tới trung ương. Không ai, kể cả đảng CS, có thể xác định số lượng nhọt ung thư trong nội tạng của đảng. Người ta chỉ biết thỉnh thoảng các nhọt ung thư lại nổi lên tử chiến với nhau: âm thầm nhưng “Máu Nhuộm Bãi Thượng Hải”. Ung thư trung ương chạm trán với ung thư Hải Phòng qua vụ Đoàn Văn Vươn (Quyết định thu hồi đất số 3307/QĐ-UBND của huyện Tiên Lãng ngày 24/11/2011) là một thí dụ điển hình. Mỗi chạm trán như vừa kể được ghi nhận như một hồi chuông báo tử đối với sinh mệnh chính trị của CSVN. Ông cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã rất hữu lý và sâu sắc khi xác định căn bệnh của đảng là bệnh ung thư. Nói tới ung thư là nói tới nỗi tuyệt vọng, nói tới cái chết không thể tránh né.
B. Đảng CSVN và phương pháp trị liệu bệnh ung thư
Hội nghị 27, 28, 29/02/2012 tại Hà Nội có mục tiêu “quán triệt nghị quyết Trung Ương 4”. Nghị quyết này nêu ra các vấn đề có trọng tâm chỉnh đốn đảng CS. Qua các hội nghị, các nghị quyết của CSVN, từ nhiều năm nay, công luận đã được nghe rất nhiều phương cách chữa bệnh ung thư cho đảng. Trong đó có hai phép trị liệu đáng chú ý nhất:
Một là tự phê, tự kiểm để chống thoái hoá.
Phép trị liệu này xây dựng trên thành tâm sám hối của cá nhân đảng viên. Tâm ở đây là lòng yêu Marx, yêu đảng. Marx là ai? Marx là nhân vật hoàn toàn xa lạ trước hiện tình Viêt Nam đang sống dưới chế độ tư bản rừng rú. Đảng ở đâu? Yêu đảng trung ương hay đảng địa phương? Đảng ở cấp nào cũng đầy dẫy mụt nhọt ung thư. Yêu đảng tức là yêu nhọt ung thư. Vả lại tự phê, tự kiểm là suy nghĩ và hành động của cá nhân đảng viên. Ngày nay cá nhân đảng viên đã bị (hay được?) triệt để tan biến vào những nhóm quyền lợi và vệ tinh của những nhóm này. Tế bào căn bản của đảng không còn là cá nhân đảng viên, thay vào đó là nhóm quyền lợi. Trong tình huống này làm gì có sự việc “nhóm quyền lợi” tự phê, tự kiểm.
Hai là phiếu tín nhiệm
Phiếu tín nhiệm là sáng kiến của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là hình thức cán bộ đảng viên cho điểm lẫn nhau để đặt vấn đề tiếp tục cầm quyền hay từ chức? Tại Việt Nam: Thăng quan tiến chức, đắc cử hay thất cử, đỗ đạt bằng này cấp kia… tất cả đều phải giải quyết theo sự luân chuyển tiền bạc bên dưới gầm bàn. Như vậy, phiếu tín nhiệm chẳng qua chỉ là cơ hội để giới tham quan kiếm thêm tiền. Tiền ít hay nhiều tuỳ theo “giá trị kinh tài” của chiếc ghế quan chức tại địa phương, nơi tác vụ phiếu tín nhiệm được tiến hành. Do đó “phiếu tín nhiệm” thay vì giúp đảng chỉnh đốn lại làm cho đảng đốn thêm.
Theo những phân tích ở trên: tự phê, tự kiểm và phiếu tín nhiêm hiển nhiên không thể là hai môn thuốc trị bệnh ung thư. Phải chăng hai môn thuốc vừa trình bày chỉ là hai liều nước lạnh? Biết vậy, nhưng lãnh đạo đảng vẫn buộc cán bộ đảng viên phải tiếp tục uống nước lạnh với chủ ý gây cho đảng viên ảo tưởng rằng bệnh ung thư của đảng đang được đảng chăm chỉ chạy chữa. Ảo tưởng kia giúp cho CSVN tạm an tâm sống qua ngày, sống theo kiểu chim đà điểu cắm đầu vào cát để trốn bão. Cắm đầu vào cát không thể làm tan biến đòi hỏi chỉnh đốn đảng. Mệnh lệnh của lịch sử nay đã rõ ràng: Chỉnh đốn hay là chết.
C. Kịch bản chỉnh đốn đảng dành cho CSVN
Đâu là kịch bản giúp đảng CSVN chỉnh đốn đảng một cách nghiêm chỉnh và hữu hiệu? Mục tiêu của chỉnh đốn đảng là làm cho mối quan hệ giữa đảng và quần chúng trở nên quan hệ đồng thuận trong hành động phục vụ lịch sử. Vả lại chỉnh đốn không thể là chỉnh đốn trong mơ. Chỉnh đốn phải là chỉnh đốn trong khung cảnh cụ thể nào đó của lịch sử. Lịch sử Việt Nam hiện đang mở ra trước mắt chúng ta bốn kịch bản để từ đó CSVN chọn ra một phương cách chỉnh đốn.
Kịch bản thứ nhất: CSVN tiếp tục sống trong nồi canh với “môt bầy sâu”. Bên ngoài nồi canh, Trung Quốc lặng lẽ nhưng quyết liệt thực hiện âm mưu thôn tính Viêt Nam. Ngay sau khi ổn định guồng máy cai trị trên “thuộc địa Việt Nam”, Trung Quốc sẽ quay ra hỏi tội đảng CSVN về sự việc đảng đã theo Liên Xô, phản bội Tàu, đánh lại Tàu những năm sau 1975. Đây là kịch bản mà CSVN không muốn chọn.
Kịch bản thứ hai: Người Tàu nổi tiếng về tài thương mãi. Con người thương mãi chuộng tính thực tế. Do tính thực tế kia rất có thể Trung Quốc theo gương Miến Điện trước Việt Nam. Trong tình huống này, bang giao Mỹ-Tàu sẽ đổi chiều. Mỹ không còn xem CSVN như công cụ quan trọng chống Tàu nữa. Mỹ lờ đi câu chuỵên “đồng minh chiến lươc Mỹ-Việt”. Người Tàu sẽ xâm chiếm Việt Nam bằng ma thuật kinh tế-tình báo. Quan hệ Việt Tàu trở lại kịch bản thứ nhất. Đây là kịch bản mà CSVN không muốn chọn.
Kịch bản thứ ba: CSVN theo Mỹ để đương đầu với Tàu. Thế nhưng trên con đường theo Mỹ, CSVN vẫn khư khư ôm lấy nồi canh với “một bầy sâu”. Trong hoàn cảnh này, chỉ sau vài năm ngắn ngủi, CSVN sẽ hiểu biết một cách cay đắng thế nào là “đồng minh chiến lược” và thế nào là “văn hoá đảo chánh” của người Mỹ. Đây là kịch bản mà CSVN không muốn chọn.
Kịch bản thứ tư: CSVN vừa theo Mỹ vừa thực hiện tiến trình dân chủ hoá Việt Nam một cách khoa học, kịp thời và chính xác. Điều này có nghĩa là CSVN cần tích cực chủ động tạo sinh hoat dân chủ cho toàn dân thông qua những cuộc bầu cử phổ thông, kín, và công bằng dưới sự giám sát không hạn chế của truyền thông trong và ngoài nước. Mọi cuộc bầu cử đều có hai kết quả: Một là người dân tín nhiệm đảng thì đảng điều hành đất nước với tư cách một nhà cầm quyền chính danh, chính thống. Hai là người dân không tín nhiệm đảng thì đảng thất cử. Nói là thất cử nhưng trong thực tế thất cử lại là cửa ngõ tốt đẹp nhất, êm ả nhất giúp đảng hạ cánh an toàn, giúp đảng không bị rơi vào tình cảnh bi thảm của triều đại Moammar Khadafi xứ Libya ngày 20/10/2011.
Không còn nghi ngờ gì nữa, kịch bản thứ tư là kich bản mà đảng CSVN nên chọn lấy và nhanh chóng biến nó thành hành động sống cụ thể. Đó là chân ý nghĩa của chỉnh đốn. Đó chính là lòng dân, là ý nước.
© Đỗ Thái Nhiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét