Huỳnh Ngọc Nga
Dù bạn là người nhạy cảm hay là kẻ có trái tim sắt đá, bạn sẽ không khỏi rùng mình sợ hãi khi nhìn thấy ông ta với thân thể gần như lõa lồ, mặt mày tái nhợt đầy những máu me và chung quanh ông ta mọi người đang reo mừng nhảy múa. Người ta nói họ đã lôi ông ta ra từ một ống cống như lôi một con chuột và họ đã hành hạ, đấm đá, làm nhục sinh lý ông ta trước khi cho vào đầu ông ta vài viên đạn gọi là thực thi công lý.
Chúng ta sẽ bảo đó là sự tàn nhẫn của người đối với người, nhưng những ai ân oán trong cái chết của ông ta họ sẽ bảo đó là sự tàn nhẫn đối với một con chó điên mà ngày 20/10/2011 là ngày chung cuộc của nó và cũng là ngày kết thúc cuộc nội chiến giữa chánh quyền và nhân dân Lybia sau gần một năm đổ máu. Không những thế, con người đó đã từng gây chết chóc bao lần tại nhiều nơi trên thế giới, từng làm xáo trộn đến quan hệ ngoại giao của chính trường Đông Tây và ảnh hưởng không ít đến sự sụp đổ của Berlusconi - Cựu Thủ Tướng Ý - với cuộc chơi trác táng mang tên gọi Bunga Bunga. Muốn biết rõ hơn, chúng ta hãy ngược dòng thời gian, lui về quá khứ để tìm hiểu cội nguồn của Muammar al-Gaddafi, người mà cố Tổng Thống Mỹ Ronald Reagan đặt cho biệt danh là Con Chó Điên Phi Châu.
Muammar al-Gaddafi hay gọi đơn giản là Đại Tá Gaddafi sinh ngày 7 tháng 6 năm 1942 tại Sirte, một vùng sa mạc của quốc gia Lybia, con út trong một gia đình nông dân, cha là Mohammed Abdul Salam bin Hamed bin Mohammed Al-Gaddafi, mẹ là Aisha Bin Niran. Tuy vậy, theo tờ Times thì rất có thể cha ruột của ông là một sĩ quan người Pháp. Thời niên thiếu ông thường được bạn bè gọi là Al-Jamil tức "người đẹp trai". Ông được trưởng thành trong nền giáo dục truyền thống hồi giáo và vào trường dự bị Sebha ở Fezzan từ năm 1956 đến năm 1961. Ông cũng chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng cách mạng của Gamal Abdel Nasser, tổng thống Ai Cập láng giềng (1918-1970), người đã dành độc lập cho xứ sở Kim Tự Tháp sau 72 năm lệ thuộc đế quốc Anh và cổ xúy phong trào thống nhất khối Á Rập. Năm 1961, Gaddafi bị trục xuất khỏi Sebha vì các hoạt động chính trị. Sau đó, ông vào viện Hàn Lâm Quân Sự ở Benghazi năm 1963, nơi đây ông và vài người bạn thành lập một nhóm bí mật với mục đích lật đổ chế độ quân chủ hiện thời của Lybia mà ông cho là có lập trường thân Tây Phương. Sau khi tốt nghiệp năm 1965, ông đến Anh quốc để học quân sự tại Staff College (hiện là Joint Services Command and Staff College) và về nước năm 1966 với tư cách một sĩ quan ủy nhiệm trong Signal Corps.
Ngày 1/9/1969, Gaddafi lãnh đạo một tổ chúc quân sự nhỏ làm một cuộc đảo chánh thành công không đổ máu lật đổ vua Idris I của Lybia, xoá bỏ chế độ quân chủ và thành lập nước Cộng Hòa Á Rập Lybia, lúc đó ông chỉ mới 27 tuổi và ước muốn trở thành một "Che Guevara" mới của thời đại. Gaddafi thay đổi chức hiệu của mình qua từng thời kỳ, từ chủ tịch lúc khởi đầu, đến Thủ Tướng vào năm 1970 và cuối cùng tự thăng chức mình từ quân hàm Đại Úy lên Đại Tá (thay vì Đại Tướng) kiêm Tổng Tư Lệnh quân đội để cai trị xứ sở theo đường lối của một nhà độc tài, lấy luật Hồi Giáo, kinh Coran làm cơ bản. Ông viết ra quyển Sách Xanh để nói rõ "triết học chính trị Hồi Giáo" của mình với nào những danh từ chủ nghĩa Quốc Gia Á Rập, chủ nghĩa xã hội Hồi Giáo, phúc lợi xã hội, dân chủ nhân dân trực tiếp, v.v.
Dù mang tư tưởng "đội đá vá trời" tạo dựng tương lai bằng con đường binh biến nhưng "Anh chàng đẹp trai" cũng vẫn là một người đàn ông bình thường cần có một mái ấm riêng tư, Gaddafi cưới một cô giáo tên Fatiha năm 1969, người ta đồn rằng hình như trước đám cưới hai người chưa từng quen biết nhau, khi đứa con trai đầu lòng của họ chào đời năm 1971 thì 6 tháng sau đó Gaddafi ly dị vợ để kết hôn với Safia Farkash, một cô y tá người Hung Gia Lợi mà ông đã quen khi có dịp đến Bosnia, nơi mà gia đình cô đã định cư từ bao đời trước. Gaddafi có tất cả 8 người con: Muhammad (1971) với Fatiha, và 7 người con với Safia Farash Sayf al-Islam (1972), Saadi (1973), Hannibal (1975), Aisha (1977) là con gái duy nhất, Mutassim (1977-2011), Saif al-Arab (1982-2011), Khamis (1983-2011). Cây xương rồng vùng sa mạc với tám nhánh gai tua tủa, cầm nắm vận mệnh quốc gia Lybia từ hành chánh đến chính trị, quân sự, văn hoá. Lybia là quốc gia lớn hàng thứ tư tại châu Phi và đứng hạng 17 trên thế giới (lớn gấp 5 lần Việt Nam chúng ta), với số lượng dầu hỏa được kể lớn nhất nhì trên thế giới nhưng so với các nước láng giềng có chung tiềm năng khai thác thì đất nước nầy có mức nghèo khổ và đời sống thu nhập của người dân khá thấp, tỷ lệ thất nghiệp ước tính 30% hoặc nhiều hơn. Lợi nhuận thu được từ dầu hỏa nằm trong tay Gaddafi cùng gia đình và một số tay chân thân cận, số tài sản khổng lồ đó được biển thủ qua khắp các ngân hàng lớn trên thế giới, các cổ phiếu, bất động sản...
Từ năm 1977, tuy mang danh là một quốc gia dân chủ trực tiếp với những cuộc đầu phiếu do dân bầu nhưng trên thực tế chính trị mọi quyền lực đều nằm trong tay Gaddafi và một số cố vấn thân tín. Tự do truyền thông, ngôn luận, hội họp, tôn giáo đều bị hạn chế. Các tổ chức nhân quyền bị cấm đoán. Người dân Lybia không có quyền thay đổi chánh phủ của họ. Sự chuyên chế đó tạo ra những làn sóng chống đối, khi ngầm ngầm, khi xuất hiện và đã bao nhiêu lần ông phải ra tay đối phó bằng bạo lực. Năm 1980 là năm mà các đội ám sát của ông đã giết 9 người Lybia đối lập mà trong đó có 5 người bị giết tại Italia. Dân tộc và bộ tộc thiểu số bị phân biệt đối xử dù trên danh nghĩa Gaddafi vẫn luôn kêu gọi đoàn kết hợp nhất châu Phi.
Muammar al-Gaddafi
Về đối ngoại, Gaddafi ảnh hưởng thuyết Liên Minh Á Rập của Gamal Abdal Nasser (Tổng thống Ai Cập của thập niên 60-70).
- Năm 1972, sau khi Nasser mất ngày 28/9/1970, ông kêu gọi 3 nước Ai Cập, Lybia và Syria thành lập Liên Bang các nước Cộng Hoà Á Rập nhưng vì quá nhiều bất đồng ý kiến nên sự việc không thành.
- Năm 1973, Lybia chiếm dải Aouzou của Chad và xâm lược nước nầy cho đến tháng 6 năm 1994 mới rút quân theo một phán quyết của Toà Án Công Lý Quốc Tế ra ngày 13/2/1994.
- Năm 1974, ông đề nghị sát nhập Lybia và Tunisia thành một, nhưng những khác biệt giữa đôi bên đã khiến họ trở nên thù địch.
Gaddafi cũng giữ một vai trò quan trọng trong những vụ khủng bố liên quan đến mối thù truyền kiếp giữa Israel và khối Á Rập. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ cho Tổ Chức Giải Phóng Palestine của Arafat và là nước đầu tiên ngoài Liên Bang Xô Viết nhận được các chiến đấu cơ Mig-25 của nước nầy dù quan hệ giữa hai bên vẫn còn nhiều xa cách. Ngoài ra, ông cũng tìm cách đưa ảnh hưởng Lybia đến các quốc gia Hồi Giáo, hưởng ứng các phong trào giải phóng tự xưng và hỗ trợ các cuộc nổi loạn ở Tây Phi, đáng chú ý là Sierra Leone và Liberia dù họ không có nhiều thiện cảm lắm với Lybia.
Cách suy diễn, tiếp cận, hành động của ông dẫn đến những diễn biến chính trị, quân sự, kinh tế với bên ngoài Lybia như sau:
- Trong suốt thập niên 1970, Lybia dính líu vào những âm mưu khủng bố, phá hoại tại các nước trong và ngoài khối Á Rập.
- Đến giữa thập niên 1980, Gaddafi được coi là người cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chẳng hạn vụ thảm sát tại Thế Vận Hội Olympics mùa Hè Munich năm 1972 của "Tháng 9 Đen" cũng như vụ nổ bom vũ trường Berlin năm 1986 làm thiệt mạng ba người và bị thương hơn 200 trong đó có một số là nhân viên Mỹ. Ông cũng bị nghi ngờ là đã chi tiền cho Carlos the Jackal để bắt cóc và sau đó thả ra một số bộ trưởng dầu mỏ của Arabo Saudi và Iran. Thêm vào đó, những biến chuyển tại Trung Đông giữa Mỹ, Irak, Iran từ những thập niên 80-90 mà Gaddafi luôn đứng về phía đối lập với Mỹ đã khiến Tổng Thống Mỹ đương thời là Reagan coi Lybia như một nước hiếu chiến và gọi ông là "Con Chó Điên Trung Đông" (thực sự Lybia ở Châu Phi chứ không nằm trong lãnh vực Trung Đông).
- Năm 1986 là năm có những xung đột dữ dội giữa Mỹ và Lybia khi Hoa Kỳ tấn công các tàu tuần tra của Lybia về vùng lãnh hải vịnh Sidra. Ngày 15/4/1986 cũng chính Ronald Reagan khởi xướng chiến dịch El Dorado Canyon bằng những cuộc ném bom vào các thủ phủ lớn của Lybia như Tripoli, Benghazi làm Lybia bị thiệt hại khá nặng nề về quân sự và nhân sự mà trong đó có cả cái chết của Hannah, con gái nuôi của Gaddafi. Nguyên nhân cuộc binh biến nầy là kết quả cuộc điều tra của Mỹ được biết chính phủ Lybia dính líu vào vụ phá hoại ngày 5/4/1986 một vũ trường tại Tây Bá Linh có nhiều quân nhân Mỹ lui tới thường xuyên. Dĩ nhiên là Gaddafi trả đủa lại bằng các hoả tiển bắn vào lực lượng hải quân Mỹ trên đảo Lampedusa của Ý nhưng chẳng gây thiệt hại gì vì hoả tiển rơi xuống biển.
- Trong thập niên 1990, Hoa Kỳ và Đồng Minh Châu Âu đã cấm vận kinh tế Lybia vì nước nầy đã từ chối cho phép dẫn độ sang Hoa Kỳ hay Anh quốc hai người Lybia bị tình nghi đặt bom làm nổ tung chuyến bay 103 của hảng hàng không PanAm trên bầu trời Lockerbie, Scotland. Qua trung gian của Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela và Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, năm 1999 Gaddafi đồng ý giao những nghi can nói trên tới Hoà Lan để xét xử theo luật Scotland và mãi đến tháng 8 năm 2003, sau khi các tên khủng bố bị kết án, Lybia mới chịu nhận "trách nhiệm" về vụ nổ bom Lockerbie và đồng ý trả trên 2,7 tỷ đô la cho gia đình 270 nạn nhân.
Nhờ vậy, các quốc gia Âu Châu và Liên hiệp quốc tháo lệnh cấm vận cho Lybia nhưng Mỹ vẫn giữ tên quốc gia nầy trong danh sách các nước hỗ trợ khủng bố. Vịn vào lý do đó, Lybia giữ lại 20% tổng số tiền bồi thường. Tháng 10 năm 2008 Libya trả $1.5 tỷ USD cho một quỹ được sử dụng để bồi thường cho các gia đình của:
1. Các nạn nhân vụ nổ bom Lockerbie với 20% còn lại;
2. Các nạn nhân người Mỹ trong vụ nổ bom vũ trường Berlin năm 1986.
3. Các nạn nhân người Mỹ của vụ nổ bom Chuyến bay 772 UTA năm 1989.4.
4. Các nạn nhân người Libya của vụ Hoa Kỳ ném bom Tripoli và Benghazi năm 1986.
Vì thế Mỹ đã tháo lệnh cấm vận và bãi bỏ mọi trường hợp kiện tụng bồi thường liên quan đến khủng bố của Lybia.
- Một chuyện tai tiếng khác liên quan đến vấn đề y tế khi năm 1999, năm y tá người Bulgarie và một bác sĩ Palestine bị cáo buộc cố tình cho 426 trẻ em bị nhiễm độc HIV và họ bị kết án tử hình ngày 6/5/204 tại toà án Lybia. Nhưng cộng đồng châu Âu can thiệp mạnh nên năm 2007 tất cả đã được giải thoát.
- Năm 2009 là năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của Gaddafi:
Trong hội nghị thượng đỉnh kỳ thứ 53 của Liên Minh Châu Phi ông đã được bầu làm chủ tịch và ông đã tự xưng mình là "Vua của những vị Vua tại châu Phi".
Tháng 9 năm đó, tại Venezuela, Gaddafi cùng Tổng Thống Hugo Chavez nước chủ nhà kêu gọi thành lập một Tổ Chức Hiệp Ước Nam Đại Tây Dương để đối đầu với NATO, xây dựng quyền lực riêng của Nam Mỹ - Châu Phi.
Ngày 23/9/2009 lần đầu tiên Gaddafi xuất hiện trước Đại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp quốc, xé bản sao Hiến Chương LHQ và lên án cơ cấu Liên Hiệp Quốc là "chủ nghĩa phong kiến an ninh" hay "Hội Đồng Khủng Bố", sự kiện nầy gây khá nhiều xáo trộn tại đó qua những cuộc biểu tình ủng hộ và phản đối ông.
Trước thế chiến thứ hai, Lybia là thuộc địa của Ý và được trả tự do khi liên minh Đức-Ý-Áo bại trận. Có lẽ vì thế mối liên hệ giữa Ý và Lybia có nhiều điểm đặc biệt, nhất là dưới thời kỳ lãnh đạo chính quyền của Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi. Ý mua dầu hỏa và khí đốt của Lybia, sửa sang đường xá, hệ thống cầu cống cho xứ sở nầy như trả món nợ bồi thường chiến tranh. Berlusconi ưu đãi Gaddafi như bạn thân, từng hôn tay ông ta như hôn tay một giai nhân và cũng học đòi ở ông ta những thú vui gây nhiều tai tiếng về gái đẹp dẫn đến sự xáo trộn trong guồng máy chính trị Ý và là một phần đưa đến sự sụp đổ của chính quyền nầy.
Nói đến Gaddafi mà không kể đến Đội Nữ Cận Vệ Đồng Trinh của ông ta thì quả là một thiếu sót lớn. Các cô vệ sĩ xinh đẹp nầy phải có sức khoẻ tốt, luôn kề cận bên ông và được huấn luyện cực kỳ gắt gao, sử dụng thành tạo các loại vũ khí hiện đại, lúc nào cũng có bên mình súng trường tự động Kalashnikov, trang phục hợp thời trang, sơn móng tay cùng màu với màu báng súng và phải luôn đi giày cao gót. Người ta nói, năm 1998, khi Gaddafi bị phục kích, một cô cận vệ đã hy sinh khi lấy thân mình chắn đạn cho ông ta. Những nữ vệ sĩ nầy không bao giờ lập gia đình và họ nguyện hiến dâng cả cuộc đời cho "Chủ nhân khả kính" của họ. Nhưng người ta không thấy họ đâu trong cuộc nổi dậy năm 2011 ở Lybia mà thay vào đó chỉ có các nam vệ sĩ.
Gaddafi thường ví von mình bằng những danh từ, hình ảnh cao cả và thường nói "Những kẻ nào không yêu mến tôi đều không đáng sống", ông vẫn huênh hoang cho rằng "Không có nước nào trên hành tinh nầy có nền dân chủ thực sự ngoại trừ Lybia".
Ôm hoài khư khư chiếc ghế tối cao trong chính quyền không cần bình bầu thay đổi, Gaddafi giống đa số các các lãnh tụ những quốc gia Nam Mỹ, châu Phi và Trung đông, người ta gọi họ là những nhà độc tài thời đại và dĩ nhiên họ có rất nhiều phần tử bất mãn chống đối, từ nội địa lẫn hải ngoại. Tháng 10 năm 1993 một số người trong quân đội đã tổ chức ám sát ông ta nhưng bất thành. Tiếp đó là những cuộc nổi loạn với những cuộc thanh trừng đẫm máu nhiều người chết, nổi bật nhất là Fathi Eljamihmi, một phần tử đối lập đã bị bắt từ năm 2002 vì kêu gọi dân chủ hoá thực sự cho Lybia. Những sự kiện trên khiến Gaddafi không tin tưởng lắm vào quân đội chính quy quốc gia, ông dùng lính đánh thuê để bảo vệ mình và gia đình, họ được trả lương hậu hỉnh bằng tiền bán dầu hoả mà Gaddafi đã bỏ túi riêng. Tuy nhiên, sau nầy người ta khám phá ra rằng ông ta đã trả tiền giả cho họ trong giai đoạn cuối cùng của ông.
Nhưng cuộc đời chẳng có gì tồn tại với thời gian, nhất là khi nó được xây dựng bằng thù hận, bất công. Các "Ngài" Tổng Thống, Thủ Tướng "muôn năm" không thể hưởng giàu sang khi muôn dân kêu đói. Và việc gì đến phải đến khi tháng 2 năm 2011, nước láng giềng gần cận với Lybia là Tunisie - xứ sở mà ngày xưa thời Trung Cổ người ta đã gọi đó là "giỏ bánh mì của đế chế La Mã"- người dân khắp nơi đổ về thủ đô Tunis biểu tình phản đối, đòi chính phủ phải từ chức chỉ vì giá bánh mì gia tăng vượt bực. Cuộc biểu tình ngày càng lan rộng, cảnh sát lúc đầu làm rào chắn chống lại dân chúng, nhưng những ngày sau họ lại ngã về phía dân và cuối cùng chính quyền đương nhiệm phải từ chức để mọi người chọn bầu chính phủ mới.
Như một bệnh truyền nhiễm dễ lây, Tunisia vừa yên thì Ai Cập - một láng giềng khác của Lybia với "Ngài Tông Tông" Murabak tại vị ghế Tổng Thống trên 30 năm - lại bị dân chúng ùn ùn biểu tình ngày đêm tại thủ đô Cairo yêu cầu Mubarak từ chức vì chính sách độc tài, tham ô nhũng loạn của ông ta. Murabak cũng hạ lệnh cho cảnh sát bắn vào dân khiến nhiều người chết và bị thương, hổn loạn kéo dài gần cả tháng và cuối cùng Mubarak đào tẩu nhưng bị bắt lại, hiện đang chờ ngày xét xử, dân Ai Cập hỉ hạ tổ chức tuyển cử tìm người xứng đáng hơn.
Vết dầu dân chủ lại tiếp tục loang, người ta đọc trên báo, nghe trên TV, radio tin tức những cuộc nổi dậy gần khắp các nước Trung Đông Khối Á Rập, từ Yeman đến Syrie, từ Syrie qua Iran và tùy sự can đảm trường kỳ của người dân mỗi nơi mà các cuộc biểu tình phản đối chống chính phủ hoặc tan theo sức mạnh đàn áp của chính quyền hoặc tiếp tục chịu đựng áp lực chờ ngày đạt kết quả. Tổng thống Mỹ Obama đã gọi thời điễm quan trọng của những cuộc bùng dậy nầy là "Mùa Xuân Á Rập", mùa xuân của ý thức dân chủ mà từ lâu các dân tộc đó chỉ "có tiếng mà chưa hề có miếng" bao giờ. Giữa những cuộc "lao xao dâu bể" người ta ngạc nhiên khi thấy Lybia bình yên, im hơi lặng tiếng nhưng mọi người cũng linh cảm sẽ xảy ra một biến cố nào đó, khác hơn và dữ dội hơn.
Sự chờ đợi không lâu, độ vài tuần sau người ta nghe tin thủ đô Tripoli của Lybia náo loạn khi người dân xuống đường phản đối chánh phủ, và như có sự đồng thuận với nhau, các thành phố lân cận khác cũng ùn ùn kéo về tham gia. Súng lại nổ, súng của chính quyền bắn vào dân. Sự phẩn nộ gia tăng, người ta liều chết chống cự và một lực lượng vỏ trang của nhóm nổi loạn được thành lập, gọi tắt là NTC (Hội Đồng Chuyển Tiếp Quốc Gia). Nhưng họ không chống nổi lại lực lược lính đánh thuê của Gaddafi, họ rút về các cứ điểm an toàn hơn và cầu cứu quốc tế. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhóm họp, sau nhiều lần tham khảo, ngày 19/3/2011, ngoại trừ Nga và Trung quốc đa số tại đây đồng ý ra Nghị Quyết 1973 thiết lập vùng phi vận (cấm bay) tại Lybia nhằm ngăn chận các cuộc oanh kích của Gaddafi vào nhóm nổi dậy. Sau đó 15 nuớc Châu Âu đưa không quân, hải quân tới thực thi vùng phi vận, phong tỏa hải phận nước nầy và không kích vào lực lượng quân sự của Gaddafi để hỗ trợ cho nhóm NTC.
Lybia chính thức bước vào tình trạng chiến tranh nội chiến và phe nổi loạn được sự giúp sức của NATO chống lại chính quyền, hổn loạn bao trùm khắp chốn, nhất là tại thủ đô, nơi Gaddafi còn trú ngụ. Nhiều nhân vật quan trọng trong chính quyền, quân đội và thể thao đã chuyển hướng sang phe nổi dậy trong đó có Ngoại Trưởng Moussa Koussa của Lybia đã đào tẩu sang Anh quốc, tất cả đều lên án Gaddafi tội bắn giết dân, bạo lực đối với phụ nữ, làm những điều của kẻ mất lương tri, lý trí. Tướng Oun Ali Oun buộc tội ông tội "diệt chủng" và kêu gọi binh lính, sĩ quan rời bỏ chính quyền. Mỹ và quốc tế kêu gọi Gaddafi ra đầu hàng và cho phép ông sống đời lưu vong nhưng nhà độc tài quyết liệt từ chối và nói nhất định sống chết trên quê hương mình.
Cuối tháng 8 năm 2011, Gaddafi chính thức bị lật đổ sau hơn 42 năm cầm quyền nhưng ông vẫn cầm cự chiến đấu. Đến giữa tháng 9 năm 2011, khoảng một nửa quốc gia trên thế giới chính thức công nhận Hội Đồng Chuyển Tiếp Quốc Gia Lybia (NTC) là chính phủ hợp pháp của nước nầy. Ngày 6/10/2011 Gaddafi lại ra mặt sau một thời gian ẩn mặt và kêu gọi "toàn dân biểu tình chống lại chính phủ lâm thời" nhưng chẳng ai hưởng ứng. Các cuộc oanh kích lại diễn ra dữ dội, thoạt đầu lính đánh thuê của ông có vẻ thắng thế nhưng trong tình trạng bị cô lập và nhất là thiếu sự ủng hộ của người dân nên quân ông bị tổn hại nặng nề; một số các con trai của ông bị tử nạn và bị bắt; ông rút về Sirte, nơi sinh quán và cũng là cứ điểm cuối của mình.
Ngày 20/10/2011 quân NTC tấn công Sirte, sau nhiều lần chống cự nhóm lính đánh thuê của ông hoàn toàn tan rã, Gaddafi bị thương và bị bắt gần Sirte trên đường trốn chạy. Theo các nguồn tin cho biết, người ta đã lôi ông ra từ trong một ống cống như lôi một con chuột với thương tích trên người. Kẻ cao ngạo ngày nào giờ đang cầu xin tha mạng nhưng một viên đạn đã bắn vào đầu ông và kết thúc cuộc đời của một người điên loạn vì tham vọng bởi bạo lực và danh vọng (cho đến bây giờ mọi người vẫn còn đang điều tra để biết ông chết vì bị bắn hay vì đạn lạc). Trước đó, có tin đồn rằng người ta đã làm nhục sinh lý ông giữa đám đông trước khi "công lý được thực thi". Mọi người reo hò nhảy múa mừng chiến thắng, binh sĩ NCT viết lên cống bằng sơn màu xanh hàng chữ "Nơi trốn của Gaddafi, con chuột cống" và chuyền nhau khẩu súng lục bằng vàng của ông ta. Thi hài của Gaddafi sau đó được đưa đến Misrata với hai vết thương trên ngực và thái dương, họ đặt xác ông trong phòng lạnh dùng để chứa thịt gia xúc cùng với thi thể của Mu’tasim, con trai ông. Thiên hạ khắp nơi đổ ra đường ăn mừng cái chết của ông, người ta dẫn con cái xếp hàng dài để được vào xem thi thể của kẻ đã thống trị họ trên 42 năm bằng máu, mồ hôi và nước mắt. Đến ngày 25 tháng 10, Gaddafi cùng con trai Mutassim và cựu bộ trưởng quốc phòng dưới chế độ cũ Abu Bakr Younis đã được đem chôn tại một nơi bí mật trong sa mạc, trái với mong muốn trong di chúc của Gaddafi là được chôn tại Sirte để được gần gủi bạn bè và người thân.
Gaddafi chết, nội chiến Lybia chấm dứt nhưng âm hưởng cái chết đó vẫn còn. Mọi nơi thở phào nhẹ nhõm như lúc hay tin Bin Laden bị xử quyết, nhưng Tổng thống Venezuela Hugo Chavez lại thương tiếc và gọi ông ta là "liệt sĩ", người ta có thể bảo đó là "ngưu mã khóc thương nhau". Thế gian nầy có bao nhiêu người, bao nhiêu ý và chuyện khen, chê bất đồng là chuyện thường tình nhưng khó ai phủ nhận câu nhân quả của cuộc đời, đem nhân ái trị dân sẽ được câu thương yêu bền vững, lấy bạo lực tham tàn ứng xử sẽ lãnh kết cuộc thảm thương. Gaddafi không phải là trường hợp đầu tiên trong lịch sử cận đại, chỉ tiếc một điều là bánh xe trước gảy mà vẫn còn bao kẻ tiếp bước trên lối mòn để gieo oan khiên cho chính người dân của họ. Sụ sụp đổ của chính quyền Tunisia, Ai Cập và cái chết của Gaddafi vẫn chưa thức tỉnh được những ai còn đang ôm tham vọng thống trị dài lâu quê hương mình, chinh phục thế giới nầy bằng bạo lực, vì vậy bên kia trời Trung Đông xứ Syria vẫn còn một nhà độc tài Assad đang tiếp tục mỗi ngày nả súng vào làn sóng biểu tình chống đối của người dân cũng như tại Iran, tổng thống Mahmud Ahmadinejad vẫn đàn áp các phe nhóm đối lập trong việc cai trị của mình, những nhà độc tài không chịu buông rơi chiếc ghế lãnh đạo mà họ đã giữ mấy mươi năm. Giữa sa mạc bụi vàng, cát nóng hậu thế sau nầy có ai còn nhớ đó là nơi an nghĩ của một nhà lãnh đạo hay chỉ bảo đó là nơi chôn vùi của một con chuột cống, một con chó điên. Buồn thay, thế giới nầy luôn có những con chó điên thích cắn xé dân tộc và tự hủy diệt linh hồn mình. Trong cái đảo điên đầy nghiệp chướng của miền Trung Đông đang sôi sục, "Mùa Xuân Á Rập" vẫn tiếp tục nở hoa, những đóa hoa dân chủ tuy muộn màng nhưng thiết thực với sắc thắm bằng máu của người dân.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsong.org.]
1/3/12
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét