1/3/12

Hiến Pháp Phải Gắn Liền Với Con Người Việt Nam

     Tác giả : Nguyễn Quang Duy
Muốn thiết lập một Thể Chế Tự Do Việt Nam cần một Hiến Pháp Dân Chủ điều này không cần phải bàn tới, nhưng có người vẫn tin rằng phải trở lại với Hiến Pháp 1946.
Trên diễn đàn BBC trước đây, người viết chứng minh rằng chính Hiến Pháp 1946 xây dựng nền tảng cho thể chế độc tài cộng sản. Các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong Hiến Pháp này không được rõ ràng. Nghị Viện (Quốc Hội) chỉ có Một Viện duy nhất và cũng chính Viện này lại bầu lên một Chủ tịch nước. Quyền hạn của chủ tịch nước được liệt kê ở Điều thứ 49, cho phép chủ tịch nước các quyền hạn tuyệt đối không thua gì Tổng Thống Hoa Kỳ.


Nhưng đến Điều thứ 50 lại ghi rõ "Chủ tịch nước Việt Nam không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc." Khi ấy Hồ chí Minh là chủ tịch nước, Điều 50 đặt ông Hồ trên cả Hiến pháp và Luật pháp quốc gia.

Ông Hồ còn kiêm nhiệm chủ tịch đảng Cộng sản. Điều 50 như vậy sửa soạn cho cả một guồng máy chuyên chính cộng sản thần thánh hoá biến ông thành nhà độc tài trong một thể chế chuyên chính toàn trị. Vì thế ông Hồ đã tùy tiện xé bỏ Hiến Pháp 1946 để thay bằng các Cương Lĩnh Đảng 1959, 1980 và 1992. Thật ra dưới chế độ cộng sản Hiến Pháp chỉ là hình thức. Mọi quyết định đều từ các Nghị Quyết Đảng và không ít Nghị quyết hòan tòan vi hiến, thí dụ Cải Cách Ruộng Đất, Cải Tạo Công Thương Nghiệp hay Nhân Văn Giai Phẩm.

Học theo gương Hồ chí Minh đặt chủ tịch trên Hiến Pháp trên Luật Pháp Quốc Gia, các cháu ngoan của “Bác” đặt Điều 4 vào Hiến Pháp thôn tính tất cả quyền lực nhưng chẳng ai “phải chịu một trách nhiệm nào”. Trường hợp Đại tá Công an Đỗ Hữu Ca vi phạm Hiến Pháp và luật pháp tấn công lương dân nhưng lại trở thành người điều tra xét xử, trong khi gia đình Đòan văn Vươn vì tự vệ lại phải tù. Nhờ tiếng súng của gia đình Đòan văn Vươn mới biết Hiến Pháp 1992 không có điều lệ nào cho phép quân đội (và cả công an) tham gia cưỡng chế đất đai. Hai lực lượng này là để bảo vệ dân chứ không phải để tấn công dân. Còn “luật đất” thì có nhưng nhà nước cộng sản không áp dụng mà chỉ dùng “luật rừng”. Tình trạng lộng quyền đã nói lên tình trạng khủng hỏang Hiến Pháp, khủng hỏang luật pháp và phá sản của guồng máy cai trị tại Việt Nam.
Hồ chí Minh còn sợ bị người dân lật mặt nạ phản quốc. Con và cháu “Bác” ngày nay thì vượt “Bác” ở chỗ không sợ cả tội phản quốc công khai bán nước cho Tầu.
Nhưng khuyết điểm lớn nhất của Bản Hiến Pháp 1946 là thiếu vắng “con người Việt Nam”. Một Hiến Pháp đúng nghĩa cho Việt Nam cần gắn liền với làng xã với con người Việt Nam.

Hiến Pháp Hoa Kỳ
Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ đã xác nhận "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Tư tưởng này là nền tảng cho Bản Hiến pháp Hoa Kỳ, nó đặt quyền người dân trên hết, còn quyền hạn của Chính phủ và Quốc Hội là những quyền do người dân ủy nhiệm.


Một mô hình tam quyền phân lập rõ ràng được đưa vào Hiến Pháp Hoa Kỳ. Quốc hội được trao quyền lập pháp, Tổng thống quyền hành pháp và Tòa án quyền tư pháp. Các quyền của mỗi nhánh lại được cân bằng và kiểm soát bởi các quyền của hai nhánh kia.

Hiến pháp Hoa Kỳ còn nêu rõ quyền hạn của các viên chức chính phủ. Các Nghị sỹ Dân Biểu chỉ được tiếp tục phục vụ nếu họ được tái bầu cử trong các cuộc bầu cử có định kỳ. Các viên chức bổ nhiệm phải được bổ nhiệm theo đúng Hiến Pháp. Nhờ Bản Hiến Pháp này Hoa Kỳ đã thiết lập một chính quyền Trung Ương Liên bang có thực quyền và thống nhất quyền lực đưa Hoa Kỳ từ những thuộc địa trở thành một cường quốc số một trên thế giới.

Cũng chính nhờ Bản Hiến pháp đặt quyền con người trên hết, dù xuất thân từ bất cứ nguồn gốc nào, mỗi người dân đều gắn bó với đất nước trong một niềm tự hào chung là công dân Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Và vì thế Hiến Pháp Hoa Kỳ đã trở thành một Hiến Pháp kiểu mẫu, một mô hình kiểu mẫu được nhiều quốc gia trên thế giới noi theo.

Hiến Pháp 1946 Thiếu Vắng Con Người Việt Nam
Trong bài “Viễn Tượng Việt Nam”, người viết có nhắc đến những người sọan ra Tuyên Ngôn Độc Lập 2-9-1945 đã sao chép những lời vàng ngọc trong Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ. Trước đó năm 1919 tại Hội Nghị Versailles, nhân Tổng Thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson tham dự và phát biểu về quyền tự quyết dân tộc, Nhóm Người Việt Yêu Nước Nguyễn ái Quốc đã gởi bản "Yêu sách của Nhân Dân Việt Nam" với yêu sách thứ bẩy mong người Pháp ban hành Hiến Pháp cho Việt Nam. Điều này cho thấy giới trí thức Việt Nam từ lâu đã hướng đến Hoa Kỳ như một quốc gia mẫu mực cho Việt Nam noi theo.


Hiến Pháp 1946 cũng được xây dựng dựa trên Hiến Pháp Hoa Kỳ như Điều 49 quyền hạn của Chủ tịch nước tương tự như quyền hạn của vị Tổng Thống Hoa Kỳ. Nhưng các điều khác trong Hiến Pháp này lại trái ngược như tam quyền không phân lập. Việc nghiên cứu tìm hiểu thêm về Hiến Pháp này sẽ giúp cho chúng ta nắm được một giai đọan lịch sử mà tòan dân vừa giành được độc lập đang hướng đến xây dựng một thể chế tự do theo khuôn mẫu Hoa Kỳ.

Điều cần nói Hiến Pháp Hoa Kỳ là mô hình xây dựng cho một quốc gia lớn gồm nhiều cựu thuộc địa và dân chúng xuất xứ từ nhiều nguồn gốc khác nhau nhưng tất cả đều ham muốn tự do và quyết tâm khai phá miền đất mới Hoa Kỳ.

Trong khi ấy Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp nhỏ. Vào năm 1946 có đến 90 phần trăm dân Việt sống ở nông thôn và cơ cấu hạ tầng của Việt Nam là làng xã. Người Việt luôn gắn bó với làng xã quê hương. Cho dù phải sống xa quê hương người Việt luôn hướng về làng mạc nơi ông cha họ đã khai phá gầy dựng. Chương V của Hiến Pháp 1946 đề cập đến cơ cấu và trách nhiệm Hội Đồng Nhân Dân và Ủy Ban Hành Chánh. Nhưng Chương này nhằm mục đích duy nhất là để Trung Ương cai trị địa phương và địa phương cai trị người dân.

Hiến Pháp 1946 cùng chung mục đích với Hiến Pháp Hoa Kỳ ở chỗ nó hướng đến việc tập trung quyền lực về Trung Ương. Tòan Bản Hiến Pháp 1946 thiếu hẳn sự kết hợp và tham dự của người dân địa phương vào việc hình thành chính sách và chiến lược quốc gia.

Đất và Con Người trong Mô Hình Phát Triển Quốc Gia
Đất, tài nguyên, tiền vốn, kỹ thuật, nhân lực và tri thức là các yếu tố chính trong một nền kinh tế quốc gia. Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp. Đến nay 70 phần trăm dân chúng vẫn sống tại thôn quê.


Theo Hiến Pháp hiện hành đất nông nghiệp không thuộc sở hữu nông dân mà thuộc sở hữu nhà nước. Nói cách khác người nông dân chỉ là những bần nông không ruộng không vườn. Dù họ đang sống trên mảnh đất do ông cha để lại, nhưng mảnh đất này đã bị đảng Cộng sản tước mất chủ quyền. Mất quyền sở hữu là mất động năng để người nông dân cần cù chăm sóc cho mảnh ruộng, mảnh vườn. Mất động năng làm việc người nông dân sẽ chỉ làm đủ sống qua ngày. Dân nghèo thì nước cũng nghèo.

Nhà nước giao đất cho nông dân và có quyền lấy lại đất bất cứ lúc nào. Quyền lấy lại đất lại bị các giới chức cầm quyền từ trung ương đến địa phương lạm dụng. Cũng như gia đình Đòan văn Vươn hằng triệu nông dân và gia đình đã, đang và sẽ lâm vào đường cùng. Trong khi đó giới chức cầm quyền càng ngày càng trở nên giàu có và quyền lực hơn.

Các phương cách thu hút vốn đầu tư hay phương cách phân chia vốn đầu tư quốc gia chủ yếu tập trung vào các thành phố các khu công nghệ càng làm cho nông thôn trở nên nghèo khó hơn. Người nông dân phải đóng thuế nhưng họ đóng thuế để phục vụ người giàu. Hậu quả là nông dân phải tha phương cầu thực hay sống nghèo đói tại quê nhà.
Một quốc gia mà phân cách giầu nghèo giữa thôn quê và thành thị càng ngày càng bị đào sâu thì dù giầu có cách mấy cũng không thể xem là một quốc gia phát triển. Đằng này Việt Nam lại là một nước nghèo và nông thôn Việt Nam ngày càng nghèo thêm.

Nói tóm lại cái nghèo của dân quê là do đảng Cộng sản tước bỏ tất cả các quyền mà tạo hóa đã ban cho con người. Muốn đất nước thóat khỏi cảnh nghèo vươn lên một Hiến Pháp mới phải gắn liền với làng xã Việt Nam, quyền của người nông dân phải được mang vào Hiến Pháp này.

Việt Nam Đất Nước của Làng Xã
Khi quân Nguyên xâm chiếm nước ta vua Trần cho vời các vị bô lão đại diện cho làng xã Việt Nam về kinh để xin ý kiến: Nên hòa hay nên chiến? Đây là bản sắc của dân tộc Việt Nam, là sự gắn bó dân chủ giữa trung ương và địa phương, là sự đòan kết giữa người cầm quyền chính danh và người dân từ khắp các thôn quê làng mạc.


Sự thất bại của chế độ cộng sản thúc đẩy chúng ta quay về tìm lại bản sắc dân tộc. Một trong những bản sắc nổi bật nhất chính là làng Việt truyền thống một tổ chức vô cùng đặc biệt. Trong bài viết mới đây tác giả Trần Trung Chính đã chỉ rõ làng là một tổ chức xã hội dân sự.
1. Mỗi làng đều có chợ, chùa, đình, văn từ văn chỉ, đền-miếu, công quán-điếm sở, giếng làng-ao làng, cổng làng, kho nghĩa sương, hệ thống đường làng, nghĩa trang làng và công điền-ruộng công. Nghĩa là mỗi làng đều có mọi phương tiện dịch vụ công cộng nhằm phục vụ cư dân trong làng trong xã.
2. Mỗi làng có pháp chế riêng (hệ thống hương ước), có tín ngưỡng của từng làng (thành hoàng làng)… Các hệ giá trị của làng được dân làng coi trọng như pháp luật nhà nước. 3. Người đứng đầu do các thành viên của làng bầu lên, được khởi đầu vào thời Lê đến thời Hậu Lê đã hoàn thiện và phổ biến áp dụng. Theo Đào Duy Anh việc quản trị hệ thống làng Việt Nam theo kiểu: “Công việc làng thường do dân làng bàn định, chứ nhà nước ít can thiệp đến, mà nhiều khi nhà nước có can thiệp cũng vô hiệu quả, cho nên ở nước ta có câu tục ngữ rằng: Phép vua thua lệ làng”.

Chính nhờ thế khi đất nước lâm nguy, khi quân Tầu xâm lược làng xã mới nối kết để giữ gìn từng tất đất do ông cha để lại.

Cuộc Cải Cách Ruộng Đất tại miền Bắc mục tiêu chính là đánh vào cơ cấu hạ tầng dân tộc để đặt lên một guồng máy trung ương tập quyền nhằm kiểm sóat địa phương. Guồng máy này đang trong thời kỳ phá sản và một thể chế tự do sớm muộn gì cũng sẽ đến với Việt Nam.

Từ đầu thế kỷ thứ 20 đến nay người Việt chuộng khuynh hướng hướng ngọai tìm cái hay của ngọai quốc. Điều này rất tốt nhưng cái hay của người ngòai thường khi lại không thích hợp với đất nước với dân tộc Việt Nam. Thể chế tự do chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Để phục hồi xây dựng lại đất nước chúng ta chỉ còn một con đường là quay về gìn giữ những giá trị mà ông cha ta để lại trong đó có giá trị dân chủ trong tổ chức làng xã đã nói bên trên.

Hiến Pháp Thụy Sĩ
Trả lời với các hội viên Lions International, Giáo sư Victoria Curzon-Price của Đại học Genève, cho biết nền kinh tế chánh trị Thụy sĩ hoàn toàn trái ngược các quốc gia láng giềng phần đông đang bị khủng khoảng và đình trệ là nhờ họ có một Hiến Pháp dân chủ đặc biệt đang hình thành bởi hai sức ép: sự cạnh tranh giữa các “tỉnh –canton” và “quyền sáng kiến”. Về quyền sáng kiến thì “… Những người dân cử đều dưới quyền kiểm soát của công dân. Bất cứ lúc nào, một nhóm công dân đều có thể đưa ra một ý kiến một sáng tạo. (100 000 chữ ký cho một sáng kiến cấp Liên bang) chống một đạo luật, đề nghị một đạo luật, có khi cả một dự án luật, miễn là đừng đi ngược với Hiến Pháp. Dĩ nhiên với một sức ép như vậy, các vị dân cử khó có thể đề nghị tăng thuế hay tăng tiền xài …”


Không riêng gì Thụy sĩ, tại các quốc gia dân chủ người lãnh đạo luôn muốn lắng nghe quan điểm của công dân. Ngày 24-2-2012, Quốc Hội Liên Bang Úc mời Cộng Đồng Người Việt Tự Do, Khối 8406, Ủy Ban Bảo Trợ Người Lao Động và Qũy Tù Nhân Lương Tâm xin ý kiến nhằm hòan chỉnh diễn trình Đối thọai Nhân quyền giữa chính quyền Úc và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Tổng thống Barack Obama cũng đã chính thức muốn tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ để lắng nghe chúng ta trình bày các quan tâm đến tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Cuộc gặp đã được thu xếp và sẽ diễn ra tại Tòa Bạch Ốc vào trưa Thứ Hai, mùng 5 tháng Ba sắp tới. Cuộc gặp dự trù kéo dài 3 giờ đồng hồ giữa các giới chức Tòa Bạch Ốc và khoảng 100 người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ

Thế nhưng Hiến Pháp Úc Hiến Pháp Hoa Kỳ lại không cho quyền người dân trực tiếp tham gia hình thành các chính sách quốc gia.

Hiến Pháp Gắn Liền Với Con Người Việt NamƯu điểm của Hiến Pháp Thụy Sĩ là ghi nhận quyền sáng kiến để người dân có thể trực tiếp đề ra những chính sách hầu tối đa lợi ích quốc gia. Quyền sáng kiến đã thích hợp với Thụy Sĩ sao lại không thích hợp với Việt Nam ?

Vì thế quyền sáng kiến nên được đưa vào Hiến Pháp Mới của Việt Nam. Nhưng thay vì chữ ký của người dân nên thay bằng chữ ký của một tỷ lệ làng xã Việt Nam, cả thôn quê lẫn thành thị. Nó sẽ giúp người dân nhất là người nông dân được trực tiếp tham gia vào việc hình thành các chính sách quốc gia. Nó sẽ giúp cân bằng quyền lực giữa trung ương và địa phương và tạo nên sự công bằng giữa các địa phương. Một Hiến Pháp với sự liên tục tham gia trực tiếp giữa làng xã và chính quyền Trung Ương sẽ giúp Việt Nam thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.

Lần tới để tưởng nhớ Ngày Đức Thầy Hùynh Phú Sổ thọ nạn người viết sẽ chia sẻ cùng bạn đọc tư tưởng tòan dân chính trị của Đức Thầy. Bạn đọc sẽ thấy được ý tưởng trong bài viết có thể thích hợp cho Việt Nam Thống Nhất từ Bắc xuống Nam. Mời bạn đón xem.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
22/2/2012.
Tài Liệu Tham Khảo
Nguyễn Quang Duy (10-2005), Hiến pháp đúng mực sẽ giúp người dân làm chủ,
www.bbc.co.ukNguyễn Quang Duy (2-2012), Viễn Tượng Việt Nam: Tự Do, Tri Thức Và Phát Triển.
Phan Văn Song (1-2012), Sự thành công của Thụy sĩ: Chánh trị hay Kinh tế?
Trần Trung Chính (2-2012), Tổ chức xã hội dân sự – một di sản của Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét