6/5/12

Ôi, dân tộc tôi sao khốn khổ thế!


Đi, gặp và nghe nói

Le Nguyen (Danlambao) -
Trên chuyến bay đường dài xuyên lục địa, rất tình cờ tôi được xếp ngồi bên một phụ nữ người Á Đông. Trong đầu có ý nghĩ cô là người Việt Nam nhưng với bản tính dè dặt vốn có, tôi không mở lời gợi chuyện làm quen vì trên các đường bay quốc tế trong thời gian hiện tại, có thật nhiều người tóc đen đi làm ăn lẫn đi du lịch nước ngoài. Trong khối người đó không ít "đại gia" với các quan chức nhà nước đi công tác lẫn đi "du hí" nước ngoài. Lẽ khác, tôi muốn giữ khoảng cách và nguồn gốc Việt Nam để thuận lợi trong việc quan sát, nghe thấy, ghi nhận cảm nghĩ của người Việt trong nước lúc di chuyển và chờ đợi ở các trạm chuyển tiếp trong các phi trường quốc tế.

Quả đúng như tôi tiên đoán, người phụ nữ ngồi bên cạnh đúng là người Việt Nam, cô đã chủ động hỏi tôi có phải là người Việt Nam không? Rồi từ thái độ dửng dưng lúc ban đầu, qua trò chuyện chúng tôi dần thân thiện với nhau lúc nào không hay. 

Có thể nói cô chiếm được cảm tình của tôi bởi những điều cô nói về cô có thể tin được. Cô là một doanh nhân thành đạt bằng chính sự chăm chỉ, cần cù lao động của cả gia đình cô. Sự thành đạt của cô hiện tại có nhiều may mắn, nó khởi đi từ chiếc xe cũ đưa rước khách nước ngoài của chồng cô, một người đàn ông hiền lành, chân thật đã tạo được sự tin tưởng của một doanh nhân Hàn Quốc đến Việt Nam tìm cơ hội làm ăn thời mở cửa, và sau đó nhiều doanh nhân khác qua sự giới thiệu về chồng cô của ông này như là một địa chỉ đáng tin cậy nên các doanh nhân Hàn Quốc đến sau đều tìm đến thuê mướn chồng cô đưa rước, đi đến trong lẫn ngoài thành phố Saigon đã bị đổi tên, giúp đại gia đình cô có cuộc sống ổn định so với số đông người dân Saigon còn lại thời đó. 

Đến khi cơ sở sản xuất của các doanh nhân Hàn Quốc đưa vào hoạt động, các thành viên trong gia đình cô lần lượt được nhận vào làm việc trong các cơ sở này. Một lần nữa do sự cần cù chăm chỉ, tận tụy tận tâm với công việc được giao phó, rồi nghề dạy nghề cô được đưa vào những vị trí cao hơn và trách nhiệm nhiều hơn. Cuối cùng cơ hội đến với gia đình cô, khi các ông chủ Hàn Quốc tín nhiệm giao khoán sản phẩm cho gia đình cô tự thuê mướn người, tự tổ chức điều hành công việc độc lập, không xen vào các quyết định thuộc công việc "nội bộ" của gia đình cô. Từ đó gia đình cô vươn lên có của ăn của để và sự thành đạt như ngày hôm nay, theo cô tưởng chừng như không thể tin được nhưng lại là sự thật. 

Câu chuyện cô doanh nhân thành đạt qua tài năng trí tuệ trong cuộc hành trình tìm kiếm thịnh vượng bằng chính đôi chân của chính mình, tôi được nghe trên chuyến bay dài xuyên lục địa, nếu câu chuyện chỉ có thế thì không có gì đặc biệt, đáng để kể ra ở đây. 

Điểm đặc biệt ở cô không chỉ biết làm giàu lo cho bản thân và gia đình, cô còn biết phẫn uất với bất công xã hội do các luật lệ kỳ quái của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa gây ra cho những người dân lao động nghèo sống chung quanh cô. Có nhiều điều cô nói với giọng bức xúc như vẫn còn văng vẳng bên tai tôi: "Tại sao bắt phạt người đội mũ bảo hiểm không đủ tiêu chuẩn khi tham gia giao thông mà không bắt người bán, người sản xuất?... Tại sao lại đòi phạt người dân lấy lãi ngân hàng cao hơn mức nhà nước qui định mà không bắt các ông ngân hàng trả lãi cao ngoài văn bản để lôi kéo khách hàng?..." 

Có lẽ bức bối dồn nén lâu ngày như quả bóng căng cứng không có dịp xả ra nên giọng nói của cô càng lúc càng thêm gay gắt, cô làm như chính tôi đại diện của nhà nước cộng sản Việt Nam không bằng: "Thử hỏi người dân lao động đầu tắt mặt tối chạy ăn từng bửa, bao nhiêu người biết cái mũ bảo hiểm nào tiêu chuẩn, cái nào không đủ tiêu chuẩn?... Là doanh nhân gởi tiền vô ngân hàng, anh muốn có được lãi cao hay lãi thấp?... Luật lệ gì như con nít làm luật!" 

Câu chuyện của cô doanh nhân mà tôi gặp trên chuyến bay xuyên lục địa chưa kết thúc nhưng tạm dừng lại ở đây, bởi trong chuyến đi dài ngày này, tôi còn gặp ba "đại gia" trong nước do thân nhân của một trong ba đại gia này sống ở nước ngoài giới thiệu. Một gia đình đại gia có nhiều quán ăn, nhà hàng ở thành phố Sàigon, đang xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp một trăm năm mươi căn hộ ở Mũi Né, Phan Thiết trên mãnh đất rộng nhiều mẫu tây, có con du học và có bất động sản ở nước ngoài. Một bà đại gia khác làm chủ bệnh viện tư cùng một số nhà cửa ở nơi đắc địa nhất Việt Nam là quận nhất Saigon và cũng có con du học thành tài trở về quản trị bệnh viện tư của bà. Bà đại gia còn lại làm chủ khu nghỉ dưỡng cho thuê kim làm chủ trang trại hoa tiếng tăm, cung cấp chính cho lễ hội hoa Đà Lạt cùng nhiều lễ hội của nhà nước lẫn tư nhân, khắp cả nước. 

Ở đây tôi không đi xa cũng như không đi sâu vào các thông tin ít ỏi có được mà chỉ có vài nhận định chung về ba đại gia này. Cả ba đại gia có điểm chung là ở nơi công cộng rất kín tiếng, nếu cần phải nói thì chỉ nói những câu đại loại chung chung như: "Đất nước còn nhiều khó khăn... nhà nước đang cổ phần hóa các công ty quốc doanh..." Những điều họ nói không khác mấy với những gì tôi được nghe mấy chục năm nay trên các phương tiện truyền thông của đảng, nhà nước cộng sản Việt Nam. Thế nhưng ở nơi riêng tư, chỉ có tôi và riêng rẽ từng đại gia một thì nội dung cuộc nói chuyện có khác, có phần tích cực dễ thông cảm, đáng tin hơn tuy lời nói, cách diễn đạt của cả ba đại gia có khác nhưng có cùng một ý chính: "Làm ăn ở Việt Nam phải quan hệ với quan chức nhà nước mới làm ăn được... cái gì kiếm được mình chuyển ra ngoài... còn làm ăn được thì làm, không được nữa thì chạy... nhà nước này tham ô từ trên xuống dưới, kể cả cấp thấp nhất là phường, khóm... họ làm từng dự án riêng lẻ để xóa dấu vết tiêu cực... sớm muộn nó phải sụp thôi!..." 

Có thể nói trong chuyến đi dài ngày xuyên lục địa, tôi đã gặp và nghe tâm tư rời rạc không đầu không đuôi của những người giàu mới nổi trong nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, từ cô doanh nhân đến các đại gia. Tất cả họ bày tỏ thái độ đối với nhà nước cộng sản khác nhau, người thì bảo "làm luật như con nít" kẻ thì nói "tham ô từ trên xuống dưới, sớm muộn nó phải sụp thôi!" 

Theo tôi, họ là thiểu số may mắn trong số đông kém may mắn trong nước hiện nay nên họ không có nhu cầu dựng chuyện "nói xấu" hoặc mang lòng thù hận như "ngụy quân, ngụy quyền; bọn phản động lưu vong; các thế lực thù địch nước ngoài..." có âm mưu tuyên truyền chống phá chế độ như nhà nước thường rêu rao, họ chỉ bày tỏ cảm nghĩ thật của mình đối với nhà nước cộng sản này, một nhà nước làm luật như con nít, một nhà nước tham ô từ trên xuống dưới, sớm muộn phải sụp thôi!... 

Tất cả những người này đều không có "nợ máu" với nhân dân như những người phải gạt nước mắt bỏ nước ra đi vào những ngày, tháng của năm 1975 thế kỷ trước. Thế nhưng tại sao trong tư tưởng của họ có ý nghĩ bỏ nước ra đi, có toan tính tháo chạy khỏi thiên đường cộng sản Việt Nam nơi họ sinh ra lớn lên với nhiều kỷ niệm "xã hội chủ nghĩa" gắn bó cả đời người, nơi mà những kẻ giàu tiền lắm bạc như họ lên xe xuống ngựa có kẻ hầu người hạ như ông hoàng bà chúa hơn hẳn các người giàu ở các xứ tư bản giãy chết. Thế thì tại sao... tại sao họ lại toan tính bỏ nước ra đi, còn là một câu hỏi khá nhức nhói cho ai còn lải nhải chế độ ta ưu việt, tốt đẹp vạn lần hơn...? 

Những tâm tình riêng tư của người Việt Nam cùng dòng máu đỏ da vàng mà tôi gặp và nghe họ nói trong chuyến đi dài ngày, khiến cho lòng tôi len nhẹ một niềm đau lẫn dậy sóng vui buồn lẫn lộn. Vui vì trong tất bật mưu sinh nhiều may mắn họ vẫn còn thấy được, phân biệt được tốt xấu, hay dở của một chính quyền làm luật như con nít, một chính quyền tham ô từ trên xuống dưới sớm muộn phải sụp thôi! Buồn vì nhiều người tài giỏi, lương thiện cứ toan tính bỏ nước ra đi thì lấy ai đấu tranh chống xấu ác, chậm tiến lạc hậu cho đất nước tốt đẹp hơn, cho tương lai Việt Nam sánh vai các nước tiên tiến và theo kịp thời đại? 

Tuy thế, tôi rất thông cảm cho sự chọn lựa hướng đi có phần tiêu cực bởi họ trưởng thành trong khuôn khổ xã hội chủ nghĩa, được dạy "vô gia đình, vô tôn giáo, vô tổ quốc" nên trong họ không còn một tổ quốc để chết sống, để đi về, để "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh" cũng như họ được dạy yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, nên chi khi nhận thấy chủ nghĩa xã hội hiển hiện trần trụi “xương trắng với da khô, với lúc nhúc giòi bọ” không có gì đáng để yêu, thậm chí là đáng ghét nên họ sẵn sàng ngoảnh mặt dứt áo ra đi không luyến tiếc, không có gì để trách họ, có trách có giận chăng là những kẻ đã gây nên hậu quả này. 

Hôm nay khi ngồi trước bàn phiếm ghi lại những cảm nghĩ rời rạc không ăn nhập gì với nhau nhưng rất thật của những người đồng bào tôi đã gặp, nghe họ tâm tình trong chuyến đi xuyên châu lục nhiều ngày và trong tôi vẫn còn in đậm nét nhiều hình ảnh không hư cấu, ngụy tạo của những người đồng bào không hẹn mà gặp trên xứ lạ quê người. Ôi, dân tộc tôi sao khốn khổ thế! Đất nước tôi gần bốn mươi năm được người ta hả hê gọi là thống nhất, chế độ của nước tôi được người ta ra rả ca ngợi tốt đẹp vạn lần hơn... thế mà sao đến hôm nay hơn nửa thế kỷ, kể từ ngày cộng sản cướp được Miền Bắc Việt Nam xây dựng xã hội chủ nghĩa vẫn còn có rất nhiều người toan tính bỏ nước ra đi. Tôi biết, đồng bào tôi biết còn rất nhiều người có ý định “tháo chạy” không chỉ có những người tôi đi, gặp và nghe nói mà có cả giòng tộc của những kẻ đang nắm giữ quyền lực, độc quyền lãnh đạo đất nước Việt Nam thu gom vơ vét, buôn quan bán chức, bán cả giang sơn của tổ tiên nghìn đời để lại! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét