Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ công bố trong một ngày rất gần đây một danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt được đưa ra hàng năm về các vi phạm đến tự do tôn giáo. Sự đàn áp mới đây của chế độ Hà Nội đối với một cộng đồng Phật tử ở Việt Nam cho thấy nhà nước độc tài này cần phải được đưa trở lại danh sách những chế độ vi phạm quyền tự do tôn giáo.
Nhóm Phật tử được đề cập đến là môn sinh của nhà sư Thích Nhất Hạnh, một thiền sư Phật giáo đang sống ở Pháp Quốc và rất nổi tiếng ở bên ngoài Việt Nam. Chế độ Hà Nội trong suốt cả năm nay đang cố tìm cách đóng cửa tu viện Bát Nhã của nhóm Phật tử trên, thuộc miền cao nguyên Trung phần. Cuối cùng, vào cuối Tháng Chín, nhà cầm quyền Hà Nội đã phải dùng đến kế sách bạo động để xua đuổi 350 tăng ni ra khỏi tu viện sau khi đã cắt điện cúp nước không có kết quả. Những tăng ni này hiện đang tạm trú trong một ngôi chùa gần đó nhưng chính quyền có thể sẽ không cấp cho họ giấy phép tạm trú ở địa chỉ mới này, trong trường hợp đó họ có thể sẽ bị buộc phải trở về quê quán.
Chế độ Hà Nội vẫn cho rằng sự kiện Bát Nhã chỉ là chuyện nội bộ của tôn giáo. Nhưng nhiều tài liệu của nhà nước được tiết lộ ra cho thấy nhà nước đã dòm ngó đến tu viện này ít nhất cả một năm nay, phần lớn là vì cái mà họ cho là các hành vi "chính trị" của ông Nhất Hạnh. Điều đó có lẽ muốn ám chỉ đến việc nhà sư này đã công khai lên tiếng kêu gọi cho Đức Đạt Lại Lạt Ma được trở về Tây Tạng —lời kêu gọi này chắc chắn là đã làm cho những người bạn của Hà Nội là Bắc Kinh phải nổi giận. Thiền sư Nhất Hạnh cũng tiết lộ một kiến nghị 10 điểm với nhà nước Việt Nam vào năm 2007 về việc cải thiện tự do tôn giáo, bao gồm một đề nghị hãy giải tán bộ phận công an tôn giáo.
Trong khi đó, thì của những điều giáo huấn mộc mạc của ông càng trở nên rất phổ biến. Nhất Hạnh là một nhà thuyết pháp hàng đầu rất có sức thu hút hiện đang thuyết giảng một hình thức Phật giáo cấp tiến. Từng nhóm hàng trăm người Việt Nam thường xuyên đổ về tu viện trong những dịp lễ đặc biệt để cầu nguyện cùng với các chư tăng.
Việc Hà Nội xem tất cả những sự kiện này như một mối đe doạ đến quyền cai trị độc đảng của cộng sản là chuyện có thể đoán trước và là một lệ thường. Chế độ đã từ lâu thường sách nhiễu các tổ chức tôn giáo không chấp nhận sự kiểm soát hoàn toàn của Ðảng, cho dù đó là người Thượng theo đạo Tin Lành ở vùng cao nguyên, hoặc các Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) chỉ muốn tu hành theo tín ngưỡng của họ, hay các giáo dân Công giáo phản đối nhà nước tịch thu đất đai của giáo hội. Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, một cơ quan độc lập với Tòa Bạch Ốc đã đăng tải một nghiên cứu rất chi tiết về các vụ xúc phạm tôn giáo này trên trang nhà của họ.
Nhưng trường hợp Bát Nhã vẫn nổi bật hơn hết. Chuyến viếng thăm về Việt Nam của thiền sư Nhất Hạnh sau 39 năm lưu vong được rêu rao như một tiến bộ về tự do tôn giáo, cũng như trong thực tế là ông ta được cho phép thành lập Tu viện Bát Nhã. Lúc đầu thì ông tuân thủ theo các luật lệ của nhà nước, rất nhẹ nhàng trong các tuyên bố ngoài công chúng để tránh không làm phật lòng Hà Nội. Thậm chí ông còn cố gắng thực hiện một cuộc hoà giải giữa giáo hội Phật giáo quốc doanh và GHPGVNTN. Nhưng cuối cùng thì nhà cầm quyền cũng đàn áp các môn sinh của ông như thường.
Ðây là điều để cho Hoa Kỳ phải ghi nhớ khi quyết định liệu có nên nêu đích danh Việt Nam là một quốc gia cần quan tâm đặc biệt hay không. Chế độ Hà Nội đã bị liệt kê vào danh sách đó từ năm 2004 đến năm 2006, và sau đó được tháo bỏ như một điều khích lệ vì đã có những tự do tuy còn giới hạn. Việt Nam vẫn là quốc gia duy nhất đã thay đổi luật pháp của mình một cách rõ ràng để được tháo gỡ ra khỏi danh sách trên. Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các tổ chức tôn giáo được đăng ký, huỷ bỏ một số chính sách quá đáng như ép buộc các tín đồ phải từ bỏ tín ngưỡng của họ, đồng thời cải thiện quan hệ của họ với Tòa thánh Vatican.
Trường hợp điển hình của Bát Nhã phơi bày ra cho thấy cái khuynh hướng thường hay tái phạm của Hà Nội như thế nào, nếu họ không bị bắt buộc phải đi theo những bước tiến bộ khả quan trước đây. Bây giờ là lúc tốt nhất để siết chặt lại áp lực ngoại giao.
Phan Lưu Quỳnh phỏng dịch theo "A Crackdown of Particular Concern", Wall Street Journal 21/10/09
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét