Ls. Trần Đình Triển
Trong thời gian vừa qua, dư luận Việt Nam đã rất bất bình trước việc những người biểu tình chống các hành động ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông bị bắt bớ, hăm dọa, thậm chí có trường hợp bị đánh đập.
Trả lời RFI Việt ngữ, luật sư Trần Đình Triển đã đưa ra những nhận xét trên khía cạnh pháp luật.
RFI: Kính chào luật sư Trần Đình Triển. Thưa ông, về mặt luật pháp thì ông nhận xét như thế nào về việc người dân xuống đường chống các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông vừa qua ?
Việc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông đang tạo nên một làn sóng dư luận rất bất bình của nhân dân Việt Nam. Sự bất bình đó có thể được thể hiện qua nhiều ý kiến khác nhau, bằng hành động khác nhau, với mong muốn bảo vệ độc lập chủ quyền và sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Người thì viết báo, một số đồng chí lão thành cách mạng thì làm văn bản kiến nghị đến các cấp. Có những người gửi tiền, quyên góp tiền để ủng hộ những anh em chiến sĩ ở Trường Sa, Hoàng Sa hay làm công tác trên biển. Và có những người thể hiện lòng yêu nước của mình bằng cách tụ tập để phản đối lại những hành động gây hấn của Trung Quốc.
Việc tụ tập đó tôi cho rằng cũng chưa hẳn đã là biểu tình, và cũng chưa hẳn đấy là hội họp. Mà đấy là việc thể hiện tấm lòng, một cách hoàn toàn tự phát. Nếu gọi là biểu tình hay hội họp thì phải có một cái tổ chức. Nhưng ở đây, với tấm lòng yêu nước của họ, họ tập trung ở Đại sứ quán hay Tổng lãnh sự Trung Quốc một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. Đây coi như là thể hiện một hành động mang tính cá nhân, nhưng vì nhiều người có tấm lòng giống nhau, cho nên gặp nhau tại một điểm. Và việc họ đi như vậy để họ thể hiện tấm lòng của mình, không một tổ chức nào, hay một ai đứng ra tổ chức cả. Cái quyền tự do đi lại, và quyền đưa ra chính kiến của công dân không có luật pháp nào cấm cả !
Và tất cả những điều đó, nếu cho rằng đó là hội họp hay biểu tình, thì cũng không có một điều gì là vi phạm pháp luật. Điều 69 của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 nói rất rõ. Đó là công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, và từ đó đến nay, từ năm 1992 đến bây giờ chưa có một cái luật cụ thể hóa vể biểu tình. Vì vậy người ta căn cứ vào Hiến pháp. Giả sử họ có biểu tình thì cái quyền đó của công dân đã được Hiến pháp, là đạo luật cơ bản, ghi nhận. Vậy thì họ đang làm một việc theo đúng pháp luật.
Động cơ, mục đích của họ ở đây là chống lại sự gây hấn của Trung Quốc, để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Điều đó được ghi nhận rất mạnh mẽ ở điều 77 Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trong đó nói rất rõ : Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và là quyền cao quý của công dân.
RFI: Thưa luật sư, đã có những trường hợp người biểu tình bị đối xử thô bạo, và theo chúng tôi được biết đã có trường hợp sinh viên bị đuổi học, thì như vậy có hợp pháp không ?
Đây là một việc mà chúng tôi cho rằng cần phải tôn vinh công lao của họ, cái ý thức bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của những người trong thời gian qua vừa qua phản đối cái việc gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, để bảo vệ vùng biển của Việt Nam. Cái việc họ đang làm được Hiến pháp cho rằng đấy là một nghĩa vụ thiêng liêng.
Vậy thì tại sao, trong những vụ vừa qua – tôi cũng rất đau lòng – một số người ở Thành phố Hồ Chí Minh hay ở Hà Nội, tập trung ở trước cổng của sứ quán, hay khu vực lân cận của Đại sứ quán Trung Quốc, hay Tổng lãnh sự tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thì sau đó họ bị một số nhà chức trách gọi lên trụ sở A trụ sở B, tôi không muốn nói cụ thể là cơ quan nào, bắt họ kê khai, rồi thậm chí kê khai cả vấn đề lý lịch. Có một số người thì bị đe dọa, thậm chí như một số thông tin đã đưa, họ còn bị đánh đập, bị bê, vác hoặc đẩy lên xe, đưa đi nơi khác. Và thậm chí có những sinh viên người ta thể hiện tấm lòng yêu nước của mình thì cũng đang bị đe dọa đuổi học.
Tôi cho rằng tất cả những việc làm đó là đang chống lại Hiến pháp ! Tổ quốc này rất cần, nhân dân rất cần những tấm lòng của họ. Tại sao lại hành xử với họ như vậy ?
Nếu Tổ quốc bị xâm lược thì ai sẽ tham gia vào lực lượng để mà chống lại kẻ thù ? Tôi nghĩ rằng kiểu hành xử đó, không những không đúng pháp luật, mà còn hết sức ấu trĩ ! Nó gây nên một phản ứng trong người dân, hoàn toàn bất lợi cho ý thức bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.
RFI: Ngoài cảnh sát mặc sắc phục còn có nhiều người mặc thường phục, mà theo dư luận thì chính những người này thường có thái độ thô bạo với người biểu tình. Thưa luật sư, theo quy định thì những người mặc thường phục có quyền bắt bớ, đánh đập người biểu tình không ?
Trước hết, theo quy định của pháp luật, những người thi hành công vụ phải có được cái quyết định, và cần phải được công bố trước mọi người là họ đang thi hành công vụ. Ví dụ những anh cảnh sát mặc quân phục của nhà nước trang bị cho họ, cái sắc phục đó chính là sự thể hiện rất rõ là họ đang làm nhiệm vụ.
Còn những người khác mặc thường phục mà không công bố với dân, mà đánh đập dân hay có những hành vi khác, thì về mặt pháp luật cần phải xử lý họ về cái tội gây rối trật tự công cộng. Hoặc nếu gây thương tích cho người khác thì phải xử lý bằng tội cố ý gây thương tích.
Còn nếu anh đã làm công vụ thì phải được công khai hóa là anh đang thực hiện công vụ, chứ không thể mạo danh. Mai đây những phần tử tội phạm khác cũng có thể lợi dụng như vậy. Nó cũng mặc áo quần thường phục, bảo rằng cũng đang làm nhiệm vụ, để gây nên tai họa cho dân, thì tính sao ?
Cái việc những người mặc thường phục để thực hiện nhiệm vụ không công bố với dân mình là ai, mà gây trở ngại, gây rối trật tự, hoặc gây thương tích cho những người khác, thì những người đó cần phải bị truy tố !
RFI: Chủ nhật 17/7 vừa rồi có trường hợp một người mặc thường phục đã đạp vào miệng một người biểu tình đang bị nắm tay chân khiêng lên xe, không tự vệ được. Theo luật sư thì những trường hợp như thế là phạm pháp ?
Cái điều đó tôi đã nói rất rõ. Tức là nếu họ làm công vụ, thì họ phải công bố họ là ai, cơ quan nào, và thi hành nhiệm vụ gì. Còn bây giờ họ mặc áo quần thường phục, để họ đánh một người đang làm những việc được Hiến pháp bảo vệ, thì những người đó cần phải được xử lý theo quy định của pháp luật.
Do đó người nào bị – tôi thì không biết cụ thể – nhưng người nào bị đánh đập như vậy, bị đạp vào miệng như vậy, họ có quyền làm đơn lên các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan nhà nước, để yêu cầu xử lý những kẻ đang mạo danh, hoặc là thực hiện không đúng nhiệm vụ của mình, gây tổn hại cho dân và gây nên những bất bình cho dân, thì cần phải xử lý nghiêm minh.
Nếu ở trong trường hợp đó, người nào bị hại đến với văn phòng tôi, tôi sẵn sàng làm miễn phí trong những sự việc như vậy.
RFI: Còn trường hợp sinh viên tham gia biểu tình bị đuổi học, được biết có một số trường đại học, cao đẳng đã gởi thông báo đến từng lớp yêu cầu không được đi biểu tình. Như vậy theo luật sư việc làm của các ban giám hiệu đó là không hợp pháp ?
Đó là điều đương nhiên. Đối với việc biểu tình thì tôi nhắc lại là, đã được quy định trong Hiến pháp ở điều 69. Cái thứ hai ở đây là động cơ, mục đích của họ. Họ đang thực hiện cái nghĩa vụ mà Hiến pháp cho là một nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý của công dân, đó là nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
Họ phản đối việc Trung Quốc đang cắt cáp biển của tàu Việt Nam, đang đánh đập công dân Việt Nam, đang xâm phạm từng tấc đất, thềm lục địa, rồi vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải vân vân… ở vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam. Những việc họ đang làm đó là đất nước này rất cần họ, cần những tấm lòng như vậy.
Cớ gì những nhà trường, nơi phải giáo dục tình yêu Tổ quốc, bảo vệ Tổ quốc cho thế hệ tương lai, lại làm những văn bản để cấm việc đó ? Vậy thì họ đang cấm lòng yêu nước !
Những học sinh nếu bị như vậy, họ có thể đến chỗ chúng tôi. Tôi sẵn sàng làm miễn phí cho những học sinh đó. Và tôi sẽ làm văn bản hỏi những cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước : Họ đang làm nghĩa vụ công dân, tại sao lại hành xử thế này ?
Và tôi đề nghị xử lý ngược lại. Đó là những người nào làm ra những văn bản đó để đuổi học sinh đang vì đất nước này, tôi đề nghị phải giải thích. Và nếu trái với Hiến pháp, thì cần phải xử lý những người ra những thông báo đó, và những người đang áp đảo những học sinh đó.
RFI: Khi làm công việc này luật sư có ngại gặp những khó khăn cho bản thân mình không ?
Tôi hoàn toàn không ngại bất cứ một việc gì. Trước hết, trong tấm lòng tôi và việc làm của tôi, vì thống nhất, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam, vì nhân dân Việt Nam, vì nhà nước Việt Nam mà tôi đang làm theo những lý tưởng, những đường lối của Đảng, thì tôi không có sợ bất cứ một thế lực nào cả !
RFI: RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn luật sư Trần Đình Triển ở Hà Nội đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của chúng tôi hôm nay.
Thụy My
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét