Nạn nhũng nhiễu của cảnh sát giao thông --Mầm mống gây phản kháng diện rộng
Nạn nhũng nhiễu của cảnh sát giao thông --Mầm mống gây phản kháng diện rộng
Người quan sát
Hai hình ảnh ở Nghệ Tĩnh
Nghệ Tĩnh là một địa danh lịch sử từng nổi tiếng với Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh vào những năm 1930. Cùng nằm trong dải đất hẹp cằn cỗi của miền Trung, nhưng con người nơi đây lại hàm chứa hai tố chất rất đặc thù: truyền thống học vấn và hành động phản kháng quyết liệt.
Từ năm 2007-2008, người ta đã nghe nói đến chuyện người dân Nghệ An dùng luật rừng để đối đãi với những kẻ bắt trộm chó. Vào thời gian đó, sau làn sóng di cư của nhiều người nghèo vào khu vực phía Nam tìm kế sinh nhai, cũng đã nổi lên hoạt động của bọn săn trộm chó mèo. Đa phần kẻ trộm là người bản địa, quỷ quyệt và liều lĩnh – một loại giặc dã trong bối cảnh xã hội thoái trào kỷ cương.
Nhiều gia đình đã tức uất khi bị bọn chúng cướp chó giữa ban ngày ban mặt. Nhiều lá đơn thưa đã được người dân gửi đến công an và chính quyền địa phương, nhưng cách giải quyết chỉ là ậm ừ cho qua chuyện. Sau chuỗi ngày chịu đựng rồi hết hy vọng vào sự giúp đỡ của chính quyền, người dân đã tự phát tổ chức các nhóm phòng chống kẻ trộm.
Một vài vụ việc bắt giữ kẻ trộm chó được phát lộ. Ban đầu người dân còn giải kẻ trộm đến công an. Nhưng khi thấy thái độ thờ ơ của cảnh sát ngay cả đối với chuyện “mỡ dâng tận miệng mèo”, họ liền nổi công phẫn. Từ đó, cứ mỗi khi bắt được kẻ trộm chó, người dân lại lập tức hành hung, đốt xe của bọn chúng. Có trường hợp những kẻ trộm chó đã bị đánh hội đồng đến chết. Điều oái oăm là chỉ đến khi đó, ngành cảnh sát mới vào cuộc, tìm bắt những người hành hung kẻ trộm và đem ra tòa, thực thi pháp luật với họ.
Một hình ảnh khác - cũng là việc đốt xe - đã xảy ra mà “nạn nhân” chính là cảnh sát. Vào năm 2010, vùng đất Hà Tĩnh giáp với Nghệ An đã chứng kiến một vụ đốt xe bán tải của cảnh sát giao thông (CSGT) tại huyện Kỳ Anh. Nguyên nhân phát xuất từ cái chết của một thanh niên lái xe máy trên đường khi trốn chạy khỏi sự truy đuổi của CSGT. Tất nhiên vụ việc đốt xe cảnh sát này được quy vào tội “gây rối trật tự công cộng” và “chống người thi hành công vụ” – hai lý lẽ muôn thuở mà ngành công an thường viện ra để đối phó với những mầm mống biến loạn trong xã hội.
Đến tháng 4//2011, cũng tại huyện Kỳ Anh lại xảy ra một vụ phản ứng của người dân đối với chính quyền địa phương, nhưng tính chất quyết liệt hơn hẳn. Vụ việc bắt nguồn từ chuyện một doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đài Loan có tên là Formosa, được sự bảo trợ của nhiều cấp từ trung ương đến địa phương, đã tiến hành dự án cảng nước sâu mà do đó làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên lẫn môi trường sinh sống của người dân địa phương.
Sau nhiều lần đơn thư khiếu nại của người dân địa phương không được giải quyết thỏa đáng, khi Formosa sử dụng thủ thuật dùng chính quyền và cảnh sát để dập tắt làn sóng phản đối của người dân và do đó có thể giải phóng mặt bằng thi công, hàng trăm giáo dân xã Kỳ Lợi đã bất ngờ bắt giữ 5 cán bộ và nhân viên công an – những người đang “thi hành công vụ” tại hiện trường. Sự việc hy hữu này xảy ra một cách có tổ chức và nghiêm cẩn theo đúng tác phong hành xử của tín đồ Công giáo, mà chỉ được giải quyết tạm ổn thỏa sau khi việc chính quyền thương lượng với giáo dân đã thất bại, khiến cho các quan chức chính quyền phải dựa vào sự can thiệp của Tòa giáo phận Vinh để thả người – một chuyện tréo ngoe đến khó tin. Sau đó, những nhân viên công an được giáo dân thả và cũng chẳng có giáo dân nào bị quy vào tội “chống người thi hành công vụ”.
Quýt làm cam chịu
Tất cả những công dân Việt Nam có nhận thức từ mức trung bình kém trở lên đều thấy rõ là CSGT, cùng với ngành có “truyền thống” như hải quan, thuế vụ luôn được xem là đối tượng thường xuyên chịu sự chỉ trích, bức xúc và oán giận của người dân. Vì sao? Lý do thật đơn giản: trong nhiều năm qua CSGT đã trở thành lực lượng công quyền nổi bật về hình ảnh tiêu cực. Vô số vụ việc “làm luật”, chặn xe đòi hối lộ xảy ra như cơm bữa tại rất nhiều địa phương, đến mức ngành này được người dân ví như “hung thần”. Đường bộ “ăn” theo đường bộ, đường thủy “ăn” theo đường thủy, và người ta đồ rằng nếu được phép thì các cục, phòng CSGT cũng sẵn lòng thành lập bộ phận CSGT đường không để chặn bắt máy bay.
Không chỉ có thế, đó còn là ngành lộng quyền và lộng hành nhất, dựa vào màu áo sắc phục – một lợi thế mà nếu cần thiết thì họ có thể quy cho người vi phạm không chỉ tội danh “chống người thi hành công vụ” mà còn cả những ý thức đối kháng về chính trị. Vụ việc viên trung tá Nguyễn Văn Ninh thuộc CSGT Hà Nội đánh chết một người đi đường là ông Trịnh Xuân Tùng có lẽ là minh họa tiêu biểu và thống thiết nhất cho sự lộng hành trên.
Thế nhưng trong một thời gian quá lâu, ngành CSGT đã luôn được dung túng từ cấp trên của nó – Bộ Công an và các sở công an địa phương. Thảng hoặc, khi dư luận đã quá công phẫn về chuyện “làm luật” trắng trợn nổi lên như nạn cướp ngày ở nhiều địa phương, Bộ Công an mới tổ chức hoạt động thanh tra, cũng tuyên bố sẽ dùng nhân viên công an hóa trang để khám phá những vụ nhân viên công an không hóa trang đòi hối lộ.
Nhưng giống như một kịch bản đã được dàn dựng, sau đó tất cả lại rơi vào im lặng. Đã không có những vụ xử lý nghiêm minh nào đối với những “con sâu”, càng hiếm diễn ra việc thông tin công khai cho dư luận biết về việc xử lý nội bộ đối với nhân viên cảnh sát vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Trong khi đó, thỉnh thoảng người ta vẫn đọc thấy trên mặt báo về cảnh sát này cảnh sát kia đã từ chối nhận hối lộ - như một hành động anh hùng được vinh danh. Nhưng có lẽ chúng ta đều tin rằng đó chỉ là những trường hợp hãn hữu – một tỷ lệ nhỏ nhoi còn lại trong màu áo vàng của ngành CSGT. Đó là “những người Mohican cuối cùng” muốn đem lại một chút gì đó cải thiện bộ mặt của ngành cảnh sát, nhưng lại lực bất tòng tâm bởi xung quanh họ là cả một ê kip khổng lồ lấy việc bám víu vào chuyện ăn hối lộ của người dân để làm cớ sinh tồn.
Công tâm mà xét, không phải CSGT nào cũng tiêu cực, cũng không nên đánh đồng CSGT với khối cảnh sát nói chung. Trong ngành công an, có một thực tế là mức “thu nhập” của khối cảnh sát thường cao hơn hẳn so với khối an ninh và khối xây dựng lực lượng. Sở dĩ tồn tại “hố đen phân cực giàu nghèo” như thế là do cảnh sát thường có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với người dân và các doanh nghiệp nên cũng dễ phát sinh môi trường “ký sinh” hơn. Trong khi đó, nhân viên công an ở các khối khác vẫn phải chịu đồng lương ba cọc ba đồng, lại càng khốn đốn trong thời buổi lạm phát dồn dập cùng giá cả hàng hóa đồng loạt phi mã. Đặc biệt là nhân viên an ninh ở các bộ phận đặc thù hơn như tình báo, phản gián đều bị hạn hẹp đáng kể trong tiếp cận với cộng đồng doanh nghiệp, nên có thể xem đây là những bộ phận trong sạch nhất trong ngành công an.
Thế nhưng sự khó nghĩ và khó biểu cảm của nhân viên khối an ninh là chính họ phải chịu thêm sức ép từ sự phản cảm của người dân, được tạo ra do chính những đồng nghiệp CSGT của họ. Đã có không ít vụ việc lộn xộn được khơi mào bởi CSGT, nhưng người giải quyết lại thuộc khối an ninh (vì vụ việc có “dấu hiệu xách động” hay “dấu hiệu chính trị”). Dù biết là có những đồng nghiệp cảnh sát đã vì tư lợi mà đẩy vụ việc đến mức vượt quá kiểm soát, nhưng nhân viên an ninh vẫn phải làm mọi việc để khỏa lấp đi những vết chàm trong ngành.
Hiệu ứng lây lan
Trong thực tế, không nhiều người dân phân biệt rạch ròi sự khác biệt về chức năng và “điều kiện thu nhập” của các khối trong ngành công an. Vì thế, cứ nhìn vào hành vi của CSGT, họ lại như nhìn thấy toàn bộ khuôn mặt của ngành công an, từ đó làm lây lan không khí bức bối, oán giận, thậm chí là thù địch của một số người dân đối với ngành này.
Mà ngành công an lại đại diện cho chính quyền, là một sắc mặt của chính quyền. Thế nên với những gì mà những “ông trời con” CSGT đang thể hiện, toàn bộ ngành công an đã phải lây chịu và đến lượt chính quyền cũng phải nhận hậu quả gián tiếp. Nhưng biết làm sao được, quýt làm cam chịu, đó chính là hậu quả tất yếu sinh ra từ việc quản lý không nghiêm, hay nói như văn phong nội bộ chính quyền là “yếu kém trong thái độ tự phê bình”. Đó cũng là lý do tại sao sự phản ứng của người dân diễn ra không chỉ đối với CSGT mà còn chĩa vào lực lượng cảnh sát 113.
Gần đây nhất là những vụ việc phản ứng đối với lực lượng cảnh sát 113 ở Phan Thiết và Cà Mau. Tại Phan Thiết, nguồn cơn cũng phát xuất từ CSGT đánh người đi đường, dẫn đến việc nhiều người dân phẫn nộ, tập hợp với nhau để phản ứng. Tiếp đó, cảnh sát 113 được huy động đến và đã đưa đầu chịu báng khi bị người dân ném đá. Còn tại Cà Mau, mặc dù vụ việc không có nguyên do từ cảnh sát mà do thái độ tắc trách của bác sĩ đã dẫn đến cái chết của một cô gái, nhưng cách thức giải quyết thiếu khéo léo của cảnh sát cũng làm cho đám đông trở nên thiếu kềm chế và trở nên hung hãn hơn.
Một “đặc thù” khác mà chúng ta có thể nhận thấy là hoạt động phản ứng, phản kháng đối với CSGT diễn ra tập trung ở miền Bắc và miền Trung hơn là miền Nam. Hiện tượng này được giải thích bởi hai lý do chính: CSGT ở miền Bắc (tiêu biểu là một số tỉnh như Bắc Giang, Bắc Kạn, Nghệ An, Hà Tĩnh…) “làm luật” thẳng thừng, trắng trợn, hoặc giới tài xế còn gọi là “dã man” hơn CSGT ở phía Nam; mặt khác truyền thống và khí chất người Bắc và người Trung cũng thường biểu hiện phản ứng quyết liệt hơn là người Nam.
Từ đầu năm 2011 đến nay, không hiếm trường hợp giới tài xế phản ứng khá mạnh trước hành vi nhũng nhiễu của CSGT. Có người vì quá sợ nên đã làm liều, kéo lê CSGT trên đường. Có người mắng chửi CSGT. Có người còn tông xe mình vào xe cảnh sát và vào cả nhân viên CSGT. Hoặc chuyện tưởng đùa mà thật là có những cô gái đã cả gan tát vào mặt CSGT. Về cái tát này, đương nhiên đó không phải là một cách ứng xử văn hóa, dù chủ thể của nó có vi phạm hay không vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên hành vi đó cũng phản ánh thái độ vừa bất bình vừa coi thường ngành cảnh sát đã lên đến mức có thể tạo ra những phản ứng hoàn toàn thiếu kềm chế - một sự đáp trả theo lẽ tự nhiên đối với hành vi nhân viên an ninh đạp vào mặt người biểu tình chống Trung Quốc.
Nếu sự thiếu kềm chế và tự phát đó rơi vào trường hợp số đông người và tạo hiệu ứng lây lan thì phản ứng sẽ diễn ra theo diện rộng và trầm trọng hơn về hậu quả.
Mầm ung thư tự hoại
Những trường hợp phản ứng với CSGT ở Việt Nam thật ra không khác mấy với hiện tình ở Trung Quốc. Từ khá nhiều năm nay, việc xe cộ của CSGT bị đốt cháy cũng đã trở nên khá bình thường ở quốc gia này. Gần đây nhất, ở thành phố An Thuận, tỉnh Quý Châu, người dân đã giận dữ đốt cháy một chiếc xe của lực lượng quản lý thị trường khi phát hiện thi thể của một người bán dạo mà trước đó người này đã bị nhân viên quản lý thị trường đánh đập. Vào những tháng đầu năm 2011, cuộc cách mạng hoa nhài nổ ra ở vùng Bắc Phi cũng phát sinh từ một lý do “cỏn con”: cảnh sát Tuynidi giữ xe hàng của một người bán hoa quả dạo và còn tát vào mặt anh ta, khiến người này phẫn uất đến mức tự thiêu. Vụ “khủng bố” vào tháng 7/2011 tại Tân Cương cũng minh chứng cho lòng phẫn uất của người Duy Ngô Nhĩ khi họ đã trực tiếp tấn công và còn giết chết cả cảnh sát người Hán.
Trường hợp Tuynidi cho thấy vấn đề cá nhân hoàn toàn có thể dẫn đến hiệu ứng đám đông, mà chính sự nhũng nhiễu hoặc thái độ hành xử thiếu văn hóa, trái luật pháp của cảnh sát là tác nhân dẫn đến hiệu ứng đó. Với Việt Nam cũng vậy, giờ đây đã có quá nhiều CSGT lún sâu vào vòng xoáy tội lỗi, đang trở nên một thứ mà dân chúng phải ví như “cướp ngày”. Những cảnh sát này lại hàng ngày đại diện cho pháp luật và nhà nước, còn với bất cứ việc gì vượt quá tầm kiểm soát của họ thì họ lập tức mang chính quyền và cơ quan luật pháp ra để áp chế, bất chấp phản ứng của dư luận và công luận.
Nhưng hiện tượng xã hội học lại càng trở nên thâm sâu khi phản ứng xã hội có khuynh hướng bị coi nhẹ. Thái độ lộng quyền và lộng hành của CSGT đang khiến người dân hình dung ra hình ảnh một nhóm kiêu binh – bao gồm CSGT và cả ngành cảnh sát – từ lâu nay đã chuyển từ nhiệm vụ bảo vệ trị an sang mục đích lợi dụng tình trạng xáo trộn của xã hội để trục lợi.
Hiển nhiên, cái cách hành xử công tư mập mờ như thế càng làm cho dân chúng oán ghét, càng làm cường độ thù địch của người dân đối với CSGT và ngành cảnh sát tăng vọt.
Muốn làm dịu bớt cơn phẫn nộ của dân chúng, chính quyền chỉ có một cách duy nhất là tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoạt động của lực lượng CSGT và nghiêm trị những cảnh sát nhũng nhiễu. Tuy nhiên lại chẳng có mấy hy vọng cho quyết tâm này, bởi cho đến nay, trước nhiều lời than van, kêu gào của người dân lẫn đại biểu Quốc hội, Bộ Công an và các cấp chính quyền vẫn giữ im lặng gần như tuyệt đối, còn tình trạng nhũng nhiễu trên nhiều tuyến đường bộ, đường thủy vẫn lũ lượt diễn ra. Tình trạng đó càng có cơ phát triển mạnh mẽ khi báo chí – một lực lượng dân luận đã từng góp phần hạn chế được phần nào nạn nhũng nhiễu của CSGT – mấy năm nay lại bị cơ quan tư tưởng văn hóa soi xét, chặn đầu chặn đuôi đến mức chẳng còn mấy nhà báo nhiệt tâm và dám viết những bài phanh phui sự thật trắng – đen.
Cứ xét từ bối cảnh trên, có thể thấy cái mầm mống gây phản ứng xã hội kia sẽ vẫn còn nguyên đó. Cái mầm đó lại đang tạo ra sự tự hoại ngay trong cơ thể chính quyền – một căn bệnh ung thư kéo dài và khó bề cứu chữa.
(bản gốc của tác giả)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét