Chết dưới tay Trung Quốc, Chương VI – Chết bởi những doanh nghiệp Hoa Kỳ phản bội: Khi màu xanh đô la che phủ màu cờ Hoa Kỳ
Peter Navarro and Greg Autry
Nhóm Lê Minh Thịnh dịch
General Electric có kế hoạch đổ hơn 2 tỷ đô la vào Trung Quốc từ nay đến 2012. Tập đoàn này tiếp tục chuyển các nhà máy từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc và tạo ra hơn 1.000 việc làm mới… Tháng vừa rồi, GE đã quyết định đóng cửa nhà máy bóng đèn tại Virginia và chuyển 200 việc làm đó đến Trung Quốc.
Nhóm Lê Minh Thịnh dịch
Kính thưa quý vị, chào các bạn,
Chúng tôi xin gửi đến quý vị Chương 6 của quyển sách Chết dưới tay Trung Quốc với tiêu đề “Chết bởi những doanh nghiệp Hoa Kỳ phản bội: Khi màu xanh đô-la che phủ màu cờ Hoa kỳ”.
Chương 6 quyển Chết dưới tay Trung Quốc cho thấy mục tiêu tối hậu của các tổng giám đốc doanh nghiệp là giảm chi phí và tăng lợi nhuận của công ty, bất kể có tổn hại đến kinh tế quốc dân, và họ sẽ bất kể danh dự để chìa tay xin trợ cấp chính phủ khi công ty bị thất bại. Không riêng gì tại Hoa Kỳ, một công ty khai mỏ thành lập tại Canada năm 2011 - có chủ đầu tư từ Trung Quốc - đã mang công nhân Trung Quốc sang làm việc, gọi là tạm thời, nhưng tài liệu cho thấy họ có thể ở lại 14 năm, đủ để một thế hệ Trung Quốc ra đời. [Công nhân Trung Quốc làm việc tạm thời ở mỏ than ở British Columbia có thể ở lại 14 năm: theo tài liệu toà án (Temporary Chinese workers at B.C. mine to be here 14 years: documents ) edmontonjournal.com].
Kính chúc quý vị một mùa Giáng sinh vui vẻ, an lành, và năm mới 2013 dồi dào sức khoẻ và thịnh vượng.
Kính thư,
TS. Lê Minh Thịnh, Giám đốc Điều hành phụ trách Ban Thông tin
Cộng đồng Người Việt Quốc gia vùng Montréal
|
- London’s Daily Mail
Không có danh dự trong thâm tâm kẻ cắp – và không có lòng yêu nước trong các công ty Hoa Kỳ. Đó là thông điệp rất rõ ràng mà các công ty như General Electric, Caterpillar, và Evergreen Solar đang chuyển đến người dân Hoa Kỳ ngày nay, bằng hành động đóng cửa các nhà máy cũ kỹ tại Hoa Kỳ và khai trương các nhà máy mới tinh, hiện đại nhất tại vùng đất của Rồng. Bằng cách tháo chạy qua Trung Quốc, những con chuột lemmings (*) phản bội này không những đẩy đất nước của họ xuống vực thẳm mà còn ký vào bản án tử hình trong tương lai của chính công ty họ. Trước kia đâu có vậy.
Đầu thế kỷ này, khi Trung Quốc mới gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO **) và bắt đầu dùng thủ đoạn con buôn tấn công vào nền sản xuất Hoa Kỳ, các tổng giám đốc doanh nghiệp Hoa Kỳ đã kề vai sát cánh cùng công nhân phản đối mạnh mẽ các thủ đoạn thương mại bất chính của Trung Quốc. Tuy nhiên, những lời cảnh cáo nghiêm trọng đó của liên minh chủ thợ doanh nghiệp đã rơi vào các lỗ tai điếc của các người trong Tòa Bạch Ốc dưới thời ông Bush, là những người có tư tưởng cứng nhắc không phân biệt được sự khác biệt nghiêm trọng giữa mậu dịch tự do có lợi cho tất cả và mậu dịch bất chính chỉ có lợi cho Trung Quốc.
Bây giờ, một thập niên sau, liên minh chủ thợ doanh nghiệp Hoa Kỳ đã chịu cùng số phận chẳng khác gì những người đấu tranh vì dân chủ đã bỏ mình trên quảng trường Thiên An Môn. Trong bài toán chính trị mới, với mỗi việc làm mới của người Mỹ và mỗi nhà máy mới được chuyển sang Trung Quốc, những tổ chức được gọi là “tổ chức Hoa Kỳ” như Bàn tròn Doanh nghiệp, Hiệp hội Quốc gia các Nhà sản xuất, và Phòng Thương mại Hoa Kỳ cũng biến từ các nhà phê bình trung kiên thành những kẻ biện hộ ngoan ngoãn cho một nước Trung Quốc con buôn và bảo hộ mặc sức làm gì thì làm với kinh tế Hoa Kỳ và công nhân Hoa Kỳ.
Điều trớ trêu tột độ trong sự phản bội của các doanh nghiệp Hoa Kỳ là: trong quá trình tiếp tay Trung Quốc tàn phá nền sản xuất Hoa Kỳ, phần lớn các doanh nghiệp phản bội này cũng đang tàn phá tương lai của chính công ty mình. Họ đang làm như vậy bằng cách dâng hiến cho Trung Quốc không chỉ những kỹ thuật hiện tại mà còn cả khả năng sáng tạo ra kỹ thuật mới.
Để hiểu lý do tại sao lại như vậy, tại sao nhiều tổng giám đốc doanh nghiệp Hoa Kỳ sẵn lòng để cho sự tôn thờ đồng đô la xanh che phủ màu cờ đỏ trắng xanh của Hoa Kỳ, trước hết chúng ta phải hiểu và phân tích “Ba đợt chuyển dịch ra nước ngoài”, đặc điểm của cuộc di tản hàng triệu việc làm từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc.
Đợt thứ nhất: Chế độ lao động nô dịch Trung Quốc bắt đầu
Đợt chuyển dịch ra nước ngoài đầu tiên từ từ bắt đầu ngay sau khi Đảng Cộng sản mở cửa “Thiên đường nhân công” của Trung Quốc cho Tây phương vào năm 1978. Nó được gọi là “Cải cách theo thị trường”, thực ra là hủy bỏ các phúc lợi về y tế và hưu trí cũng như quyền về an toàn lao động và thù lao tương xứng của công nhân. Điều mỉa mai là trong khi đó cuộc cải cách vẫn không giải phóng nền kinh tế Trung Quốc ra khỏi sự thống trị của các công ty quốc doanh và chế độ kế hoạch tập trung của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà trong vài thập niên, các công ty Tây phương như Mattel, Reebok, và Schwinn bắt đầu sản xuất ra ngày càng nhiều các sản phẩm giá trị thấp, tốn nhiều công sức như đồ chơi, giày thể thao, xe đạp – bằng nhân công rẻ của Trung Quốc.
Chính trong đợt chuyển dịch này, mô hình lao động nô dịch phổ biến ở Trung Quốc ngày nay đã được hoàn thiện. Trong các công xưởng, các nam nữ thanh niên trẻ (và không ít trẻ em) mới từ nông thôn ra, ký các hợp đồng ràng buộc khắt khe mà họ không đủ trình độ để hiểu. Họ chen chúc làm việc trong các xưởng máy đông nghẹt, nóng, và dơ bẩn, từ 12 đến 16 tiếng một ngày. Họ ăn và ngủ trong các khu ký túc xá chật chội thường có cửa sổ song sắt hoặc vây bởi hàng rào trong khu vực công ty. Nếu họ cố trốn thoát, họ sẽ bị đánh đập. Nếu họ định tổ chức đình công, họ cũng sẽ bị đánh đập và sau đó bị sa thải.
Chính những người nô lệ lao động thời kỳ hiện đại, làm việc chỉ với 40 xu 1 giờ, đã tạo ra các đồ chơi cho trẻ em chúng ta chơi, đúc đế giày để chúng ta chạy, và may áo để chúng ta mặc. Một sự thật đau lòng trong chuỗi dây xích trói chặt những người nhân công này vào “Thế giới Dickens (***) kiểu Trung Quốc”, là nhiều người vẫn thấy hạnh phúc hơn trong hoàn cảnh nghiệt ngã đó, bởi vì dù các công xưởng của Rồng có tồi tệ đến đâu nhưng vẫn còn hơn cuộc sống của người nông dân Trung Quốc.
Đợt thứ hai: Nếu không thắng được họ, thì theo họ
Đợt thứ hai bắt đầu ngay khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới năm 2001 và bắt đầu tấn công trực diện vào nền sản xuất Hoa Kỳ bằng “Vũ khí hủy diệt việc làm” như trợ cấp xuất cảng bất hợp pháp và thao túng tiền tệ. Bị bao vây bởi các nhà máy Trung Quốc, ngày càng nhiều giám đốc doanh nghiệp Hoa Kỳ nhận ra rằng: nếu tận dụng mạng lưới trợ cấp bất hợp pháp tinh vi cho hàng xuất cảng của Trung quốc, họ có thể sản xuất giá rẻ hơn tại Trung Quốc so với tại Hoa Kỳ, và nếu họ không làm thì các đối thủ của họ chắc chắn sẽ làm. Nhận thấy như vậy, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã chạy theo khẩu hiệu “Nếu không thắng được họ, thì theo họ”. Thế là đợt chuyển dịch thứ hai liền trở thành sóng thần tsunami.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là trong đợt thứ hai này, mục tiêu đầu tiên của các nhà kinh doanh Hoa Kỳ không phải là để bán hàng cho 1,3 tỷ người đang đói hàng tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc mà là để xuất cảng ra khắp thế giới – trong đó có bán ngược lại cho Hoa Kỳ. Cũng cần phải nói rõ là các tổng giám đốc điều hành Hoa Kỳ tin rằng cái mà họ lợi dụng được trong đợt chuyển dịch này không chỉ là nhân công rẻ mạt; ngoài Trung Quốc, các nước như Bangladesh, Campuchia và Việt Nam cũng có nhiều lao động rẻ. Cái điều mà họ thấy thực sự cám dỗ là những thủ đoạn thương mại bất chính, các quy định lỏng lẻo về môi trường và an toàn lao động, và chế độ trợ cấp xuất cảng giả tạo. Nếu chính phủ Hoa Kỳ không trừng phạt các thủ đoạn thương mại bất chính của Trung Quốc (chính quyền của Bush cũng làm một chút trong lãnh vực này), thì ít ra là các cổ đông, tổng giám đốc điều hành của các công ty này vẫn thấy có lợi (dù không lợi cho công nhân) khi chuyển nền sản xuất của họ sang Trung Quốc.
Đợt thứ ba: Ảo tưởng lớn về 1,3 tỷ người tiêu dùng
Đợt thứ ba và là đợt nguy hiểm nhất trong việc chuyển dịch ra nước ngoài của Hoa Kỳ hiện đang tiếp diễn. Nó được thúc đẩy một phần bởi nhân công rẻ trong đợt thứ nhất và một phần về lợi thế kiểu con buôn tại Trung Quốc trong đợt thứ hai. Nhưng động lực thúc đẩy quan trọng hơn nhiều trong đợt thứ ba là các tổng giám đốc điều hành doanh nghiệp Hoa Kỳ có ảo tưởng rất lớn là họ sẽ có cơ hội tiếp cận với một thị trường gồm 1,3 tỷ người tiêu dùng đang cư ngụ tại nước đông dân nhất thế giới này. Đợt này nguy hiểm nhất bởi vì nó bị mê hoặc bởi ảo tưởng là phần lớn người tiêu dùng Trung Quốc có đủ khả năng mua sắm để thúc đẩy thị trường – trong khi thực tế có rất nhiều người nghèo đói. Đợt chuyển dịch nguy hiểm cũng đòi hỏi các doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn bán hàng vào Trung Quốc phải chấp nhận ba điều khoản bảo hộ trong chính sách “sáng tạo bản địa” của Trung Quốc.
Điều kiện bảo hộ thứ nhất đòi hỏi sở hữu thiểu số: các công ty Hoa Kỳ phải liên doanh với đối tác Trung Quốc và sở hữu không quá 49% doanh nghiệp. Rõ ràng là, điều khoản này làm cho công ty Hoa Kỳ mất quyền kiểm soát doanh nghiệp. Sau đó là, điều kiện này cho phép đối tác sở hữu phần lớn (thường là các công ty quốc doanh của Trung quốc) quyền được tiếp cận với tất cả các thông tin của liên doanh, bao gồm các bí mật nghề nghiệp.
Điều khoản bảo hộ thứ hai là một trong những vi phạm trắng trợn của Trung Quốc về quy định tự do mậu dịch; điều khoản này là bắt buộc chuyển giao kỹ thuật. Có nghĩa là muốn gia nhập thị trường [TQ], các công ty Hoa Kỳ bắt buộc phải giao nộp sở hữu trí tuệ cho các đối tác Trung Quốc. Hiệu quả thực của điều khoản này là tạo sự thuận tiện cho việc phổ biến nhiều kỹ thuật khác nhau không chỉ trực tiếp đến các đối tác Trung Quốc mà còn tới chính phủ Trung Quốc và các đối thủ Trung Quốc tiềm tàng khác. Với việc đầu hàng chấp nhận điều kiện này, trong thực tế, các công ty Tây phương đã tự tạo ra các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc chỉ trong nháy mắt.
Điều kiện bảo hộ thứ ba phối hợp nhuần nhuyễn thủ đoạn con buôn và bảo hộ của điều khoản thứ hai với việc cưỡng bách chuyển giao kỹ thuật. Nó cũng là cưỡng bách xuất cảng các cơ sở nghiên cứu và phát triển của Tây phương sang Trung Quốc – thêm một vi phạm nghiêm trọng nữa về quy định tự do mậu dịch của WTO. Đây là nhát đâm tàn nhẫn nhất, chẳng khác gì bán hạt giống bắp của Hoa Kỳ. Như tất cả các nhà kinh tế nói, chính nghiên cứu và phát triển làm nẩy sinh ra các sáng kiến kỹ thuật cần cho việc tạo ra việc làm mới. Nếu nghiên cứu và phát triển đó và sáng kiến đó xảy ra trên đất Trung Quốc mà không phải tại Hoa Kỳ, thì nước nào sẽ được miếng to, ngon nhất trong cái bánh tạo ra việc làm mới?
Đến đây đã quá rõ tại sao công ty Hoa Kỳ nào đầu hàng chịu nhận ba điều kiện bảo hộ của chính sách "sáng tạo bản địa" thì bảo đảm là sẽ hủy hoại chính họ. Bởi vì một khi mà công ty Hoa Kỳ giao quyền tự quản, kỹ thuật hiện tại, và khả năng phát triển kỹ thuật tương lai, thì chỉ còn là vấn đề thời gian khi các công ty Trung Quốc nuốt trọn kỹ thuật đó và sử dụng nó để quay lại cạnh tranh với công ty Hoa Kỳ - không chỉ ngay chính trên đất Trung Quốc mà còn trên thị trường toàn cầu. Bằng cách này, các công ty Hoa Kỳ trả giá đắt mới thấy rõ là sự hấp dẫn của 1,3 tỷ người tiêu dùng Trung Quốc chỉ là ảo tưởng như điệu hát mê hoặc của loài nữ thủy quái chứ không phải là những đồng đô la thực sự. Cũng bằng cách này, "doanh nghiệp phản bội đồng lõa với sát thủ” lại biến thành "doanh nghiệp tự sát".
Câu chuyện về hai quốc gia và bốn công ty
Để nhận diện các nhân vật điển hình, ta hãy xem các hoạt động của bốn tập đoàn lớn tại Trung Quốc và Tổng giám đốc Điều hành của họ. Westinghouse, kẻ nghờ nghệch nhất; General Electric, kẻ tâm thần nhất; Caterpillar, công cụ tuyên truyền cho sự cám dỗ của chủ nghĩa con buôn Trung Quốc; và Evergreen Solar, từng là niềm “Hy vọng xanh vĩ đại” của chính quyền Obama và bây giờ là dấu chấm than (!) đánh dấu sự thất bại của các chính khách Hoa kỳ trong việc bảo vệ cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta trước sự xâm lược của Trung Quốc.
Ảo tưởng phân hạch hạt nhân của Westinghouse
Trong giai đoạn đầu, Westinghouse Electric đã chuyển giao hơn 75.000 tài liệu cho khách hàng Trung Quốc theo cam kết về việc chuyển giao kỹ thuật với hy vọng là giữ được chỗ đứng trong thị trường năng lượng hạt nhân phát triển nhanh nhất này… Jack Allen, Chủ tịch Westinghouse tại châu Á [nói] công ty “không có được sự bảo đảm nào” về vai trò của mình tại Trung Quốc khi bốn lò phản ứng [hạt nhân] AP 1000 hoàn thành.
- Financial Times
Giống như Frodo (****) không thể chống lại sự cám dỗ của chiếc nhẫn chết người, Westinghouse rõ ràng là không thể cưỡng lại được sự cám dỗ của thị trường điện hạt nhân Trung Quốc. Cái đó thì ai cũng biết: thị trường hạt nhân Trung Quốc là thị trường lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới, với 23 lò phản ứng đang được xây dựng và có kế hoạch xây dựng 100 hoặc nhiều hơn nữa. Nhưng trong khi cố gắng để chiếm thị phần đáng kể trong cái thị trường phát triển đó về làm phần thưởng to lớn cho Westinghouse, cách tệ hại nhất để giành giật được mối hàng chính là cách mà Tổng giám đốc Jack Allen đã làm: chuyển tất cả cho Trung Quốc những gì cần để có thể xây dựng các lò phản ứng mà không cần đến sự trợ giúp của Westinghouse.
Điều mỉa mai và khôi hài hơn là trên trang mạng của công ty, Westinghouse Nuclear đã khoe rằng “gần 50% các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động trên thế giới… đều dựa vào kỹ thuật của Westinghouse”. Quả thực là một công ty của Candide (*****)! Bây giờ quý vị đã chuyển hơn 75.000 tài liệu đến Trung Quốc, thì lẽ dĩ nhiên là gần 50% hoặc hơn thế nữa các lò phản ứng hạt nhân ở Trung Quốc chắc chắn dựa trên kỹ thuật Westinghouse; nhưng đó chỉ là ăn cắp kỹ thuật của Westinghouse.
Sự ngây thơ của Westinghouse lại còn đáng ngạc nhiên hơn nữa bởi vì, tuy là công ty của Hoa Kỳ, nhưng thực tế là do công ty Toshiba của Nhật Bản quản lý. Và rất nhiều công ty Nhật Bản đã bị lụn bại bởi các điều kiện cưỡng bách chuyển giao kỹ thuật và khả năng đáng kinh ngạc của các nhà sản xuất Trung Quốc đã ‘xào nấu’ lại kỹ thuật nước ngoài để biến mình thành các đối thủ cạnh tranh nặng ký. Tờ The Wall Street Journal đã viết một cách mỉa mai như sau về vụ tập đoàn các giám đốc Nhật Bản và châu Âu tự bắn vào đầu mình như thế nào:
Khi các công ty Nhật Bản và châu Âu, đi tiên phong trong việc xây dựng đường sắt cao tốc, đồng ý sản xuất toa tàu cho Trung Quốc, họ tưởng là đã vào được một thị trường mới đang phát triển tột bực, sẽ có được những hợp đồng đáng giá hàng tỷ đô la và được tiếng là đã thiết lập hệ thống đường sắt cao tốc vĩ đại nhất trong lịch sử. Nhưng họ không lường được là, chỉ trong vài năm, họ đã phải cạnh tranh với các công ty Trung Quốc lục địa đã tiếp thu kỹ thuật của họ và dùng ngay các kỹ thuật đó quay lại cạnh tranh với họ.
Mãnh Hổ (#) cúi đầu thuần phục Hồng Long
Bây giờ hãy xem hai mẩu tin gần đây. Đặt chúng cạnh nhau cho ta thấy chiến lược toàn cầu của Caterpillar ngắn gọn như sau: đóng cửa nhà máy tại Hoa Kỳ và mở cửa nhà máy tại Trung Quốc.
Hôm thứ Ba, Caterpillar đã công bố kế hoạch sa thải hơn 2.400 công nhân tại năm nhà máy tại Illinois, Indiana, và Georgia khi công ty sản xuất thiết bị hạng nặng này tiếp tục cắt giảm chi phí do nền kinh tế thế giới suy giảm… Vì tình hình suy sụp, Caterpillar trong tháng giêng đã công bố sẽ cắt giảm 20.000 việc làm.
- Huffington Post
Trong suốt ba thập niên qua, Caterpillar đã phát triển từ một văn phòng bán hàng tại Bắc Kinh thành công ty có mặt mọi nơi trong nước như ngày nay – bao gồm mười một cơ sở sản xuất, ba trung tâm nghiên cứu và phát triển, chín văn phòng, và hai trung tâm tiếp vận và kho linh kiện.
- Jiming Zhu, Phó Chủ tịch, Caterpillar
Chiến lược của mãnh hổ Caterpillar, và các công ty tương tự, đã bị dòng chảy ngược mạnh của các thủ đoạn thương mại bất chính cuốn ra khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ. Để thấy sức hút hiểm độc của dòng chảy ngược này, hãy xem quyết định của công ty sản xuất máy xúc cỡ nhỏ bán vào thị trường Trung Quốc ở Ngô Giang, tỉnh Giang Tô, thay vì ở Peoria, tiểu bang Illinois. Caterpillar chọn đất và công nhân Trung Quốc bởi vì nếu sản xuất máy xúc cỡ nhỏ trong nội địa Hoa Kỳ và nhập cảng sang Trung Quốc, họ sẽ phải đối mặt với mức thuế bảo hộ cao tới 30%.
Nhưng không phải chỉ có thế. Mãnh hổ sẽ còn đối mặt với một mức thuế kiểu con buôn dưới dạng định giá đồng nhân dân tệ ở mức khoảng 40% thấp hơn so với tỷ giá thực. Chỉ hai thủ đoạn “đóng cửa đi ăn mày” này – quan thuế và thuế chủ nghĩa con buôn – cũng đủ làm cho nhiều công ty Hoa Kỳ không thể tính đến việc sản xuất ở Hoa Kỳ rồi xuất cảng sang Trung Quốc.
Điều đau lòng nhất trong quyết định di chuyển này là Caterpillar không chỉ là biểu tượng của kỹ nghệ Hoa Kỳ mà còn là nguồn chính tạo ra việc làm và thu nhập cho các tiểu bang miền trung tây Hoa Kỳ trong hơn một thế kỷ qua. Quả thực việc “đại xuất cảng sản xuất” này ngưng trình diễn ngay tại Peoria chính là một bi kịch của Hoa Kỳ.
Và bây giờ đây là mẩu tin đáng cười hết cỡ: Ngay cả khi Caterpillar đã sẵn sàng tạo ra nhiều việc làm tại Trung Quốc để sản xuất máy xúc cỡ nhỏ và đẩy hàng ngàn người Mỹ vào danh sách thất nghiệp, công ty này đã giơ cả hai tay ra nhận trợ cấp từ chương trình kích thích tài chính của chính quyền Obama. Thế có "lộn ruột" không chứ!
Evergreen Solar chuyển Tương lai Năng lượng của chúng ta đi để lấy mấy thỏi bạc
Nếu chúng ta không thể đánh bại Trung Quốc và không thể thuyết phục chính phủ Hoa Kỳ hiểu chúng ta đang gặp khó khăn như thế nào thì tốt hơn hết là hãy theo họ. Đó là điều Evergreen Solar đã quyết định làm: di chuyển nhà máy sản xuất và lắp ráp pin năng lượng mặt trời tại Devens, Massachusetts sang Vũ Hán, Trung Quốc.
- Manufacturing & Technology News
Hãng Evergreen Solar là hãng sản xuất ra một số tấm pin năng lượng mặt trời có hiệu suất cao nhất thế giới. Nếu chúng ta tin Tổng thống Barack Obama, thì chắc chắn là các công ty như Evergreen Solar phải được coi là nguồn tạo ra việc làm mới tốt nhất của Hoa Kỳ. Trong thời đại suy giảm nguồn cung cấp dầu mỏ và sự hâm nóng toàn cầu, chẳng phải ngành "công nghiệp xanh" là một trong những ngành tạo ra tăng trưởng việc làm mạnh nhất hay sao?
Tuy nhiên, nếu chúng ta tin vào ông Rick Feldt – Tổng giám đốc Evergreen – thì công ty của ông ta đã làm hết sức có thể để thuyết phục chính quyền Obama giúp Evergreen giữ lại các dây chuyền sản xuất tại Massachussets. Ông Feldt đã làm đến mức phải đến Washington để năn nỉ các công chức cao cấp như Bộ trưởng Năng lượng Steven Chu và Bộ trưởng Thương mại Gary Locke làm gì đó chống lại các biện pháp trợ cấp phi pháp mà chính phủ Trung Quốc đang đổ vào kỹ nghệ năng lượng mặt trời của họ. Nhưng những lời năn nỉ của Evergreen chỉ rơi vào các lỗ tai điếc.
Vì vậy, khi chính phủ Trung Quốc đề nghị cấp cho Evergreen các khoản vay lãi suất thấp cho 65% của chi phí xây dựng nhà máy mới tại Trung Quốc thay vì tại Massachusetts, Tổng giám đốc Evergreen tin rằng ông đã không có sự lựa chọn khác hơn là nhận 30 thỏi bạc (##) của Trung Quốc và chuyển dây chuyền sản xuất của công ty ra nước ngoài. Ông Feldt bực tức nói, "Hoa Kỳ vẫn tiếp tục kêu gọi việc giữ việc làm. Đi nghe thông điệp liên bang và thấy Tổng thống nói, 'Tôi muốn giữ lại việc làm tại Hoa Kỳ'. Nói thật là dễ, nhưng phải làm gì để thực hiện chứ." Đúng như vậy, thưa ông Feldt, nhưng Hoa Kỳ chắc chắn sẽ tiếc nuối các nhà máy mới của ông đang chuyển sang Trung Quốc.
Thực vậy, Hoa Kỳ, và đặc biệt là tiểu bang Massachusetts, sẽ mất nhà máy tại Hoa Kỳ cùng với 800 công nhân đã từng làm việc trong đó. Vì ngay sau khi hứa hẹn duy trì nhà máy ở Massachusetts, Evergreen công bố sẽ đóng cửa nhà máy ở tiểu bang này. Và đó chính là nhà máy hiện đại xây dựng năm 2007, mà người nộp thuế tiểu bang Massachusetts đã bỏ ra 52 triệu đô la để hỗ trợ. Còn thêm một điều nhục nhã nữa: Evergreen cũng sẽ buộc người nộp thuế Hoa Kỳ trả tiền cho việc đóng cửa bằng cách khai trị giá bất động sản giảm đi (write-down) 340 triệu đô-la trong bảng kết toán tài chánh của công ty. Sự thực là như vậy chứ không phải là bịa đặt nói xấu.
General Electric: Bạn có thích thưởng thức cái luận điệu dối trá đó không?
Một kiểu làm ăn đang phát triển. Một công ty [nước ngoài] nhượng quyền sở hữu trí tuệ cho một công ty quốc doanh Trung Quốc, và sau đó tất cả bị ép bật ra rìa của thị trường nội địa Trung Quốc và đối mặt với một đối thủ cạnh tranh mới. Không có gì là ngẫu nhiên hoặc là trường hợp các công ty quốc doanh quá tích cực và làm quá lố. Trung Quốc muốn chuyển đổi từ công xưởng của thế giới sang một nền kinh tế tiên tiến, và đang sử dụng sức mạnh thị trường của mình để đi tắt bằng cách "xơi" sở hữu trí tuệ của người khác.
— John Gapper, Financial Times
Khi chiếu đèn pha rọi thẳng vào những công ty Hoa Kỳ phản bội, cũng cần trở lại chính công ty đã mở đầu chương này: General Electric. Ít nhất là về mặt ngoài, vũ điệu GE cùng với Rồng không bị chê là canh bạc tệ. GE hiện có hơn 15.000 công nhân (chủ yếu là người Hoa) tại hơn 50 địa điểm ở Trung Quốc, và mỗi năm, nó góp phần tạo ra doanh thu ngày càng tăng từ các hoạt động của mình ở Trung Quốc. Tuy nhiên, GE tiếp tục chịu thiếu hụt doanh thu so với mấy cái hũ vàng mà sự mở rộng ở Trung Quốc đáng ra phải đem lại cho công ty.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn với GE là hành vi kỳ cục của Tổng giám đốc Điều hành Jeffrey Immelt. Một mặt, Immelt buộc tội chủ nghĩa bảo hộ của Trung Quốc đã đi quá trớn qua phát biểu: "Tôi thực sự lo lắng về Trung Quốc. Tôi không tin rằng cuối cùng họ muốn bất cứ ai trong chúng ta thắng lợi, hoặc bất cứ ai trong chúng ta thành công".
Mặt khác, Immelt lại cố gắng làm cho mình giống hệt như Thống chế Pétain của nước Pháp đầu hàng, đã dâng nộp một cách đáng kinh ngạc một loạt các mảng lớn kỹ thuật mới cho Trung Quốc, để đổi lấy những gì Immelt coi như là điều vinh dự và đặc quyền được kinh doanh trong nước Cộng hòa Nhân dân. Điển hình là một trong những thứ đáng lo ngại nhất mà Immelt dâng hiến, là GE chuyển giao toàn bộ phần nghiệp vụ kinh doanh về hệ thống hướng dẫn không lưu toàn cầu của mình chỉ để có thể tham gia vào sản xuất một loại máy bay chở khách của Trung Quốc. GE cũng đã bàn giao những phần quan trọng của kỹ thuật công nghiệp quan trọng khác như đầu máy xe lửa, năng lượng gió và các thiết bị chống ô nhiễm môi trường.
Điều này thiển cận ngoài mức tưởng tượng, như John Gapper của tờ Financial Times đã khẳng định trước đây, bởi vì khi các công ty Trung Quốc am tường được kỹ thuật hiện tại và kỹ thuật đang phát triển của GE được thực hiện tại các phòng nghiên cứu phát triển đặt trên đất Trung Quốc, GE sẽ bị "đẩy ra rìa" ở thị trường Trung Quốc và thậm chí phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt hơn của Trung Quốc trên thị trường quốc tế.
Bài toán chính trị chia để trị
Thay mặt các tổ chức và thành viên ký dưới đây, chúng tôi viết thư này để phản đối mạnh mẽ điều khoản cải cách tiền tệ của Đạo luật Mậu dịch Công bằng HR 2378.
- Thư gửi cho Quốc hội của 36 công ty và tập đoàn
Không chỉ các nhà sản xuất sản xuất như Caterpillar, General Electric và Westinghouse đã phản bội Hoa Kỳ. Như trích đoạn trong thư gửi đến Quốc hội Hoa Kỳ ở trên cho thấy, nhiều công ty khác của Hoa Kỳ và các ngành công nghiệp được hưởng lợi ngắn hạn từ mối quan hệ ký sinh giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ đã đổi lập trường trong cuộc tranh luận về Trung Quốc. Thực vậy, mỗi khi chủ đề cải cách thương mại với Trung Quốc được đưa ra, các công ty này đều lộ chân tướng.
Chỉ cần xem các hiệp hội nông nghiệp có thế lực như Hiệp hội Đậu nành Hoa Kỳ, Viện Thịt Hoa Kỳ, Hiệp hội Tinh chế Bắp, và Hội đồng Xuất cảng Gà Vịt và Trứng Hoa Kỳ – họ thường xuyên phản đối các cải cách thương mại mang tính xây dựng với Trung Quốc bởi vì họ lo sợ [Trung Quốc] đánh thuế trả đũa. Sợ như vậy có thể xem là chính đáng, nhưng không thể chấp nhận việc họ vận động chính trị cho những điều gây tổn hại đáng kể đến lợi ích rộng hơn của Hoa Kỳ và các công nhân khi Hoa Kỳ đang cố gắng đương đầu với một trong những tình huống kinh tế khó xử tồi tệ nhất mà đất nước này đã từng phải đối mặt.
Phần quan trọng thứ hai của liên minh ủng hộ Trung Quốc "chia để trị" ngay trên đất Hoa Kỳ bao gồm các hội bán lẻ như Hiệp hội May và Giày Hoa Kỳ, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, và Hiệp hội Sản xuất đồ thể thao. Họ lo ngại giá cả sẽ tăng và gây thiệt hại nặng cho lợi nhuận của họ nếu Trung Quốc phải thực hiện các bước như nâng giá đồng tiền và loại bỏ trợ cấp xuất cảng phi pháp của mình. Những điều các nhóm này không hiểu và nhiều công dân Hoa Kỳ vẫn chưa am tường là: cơn lũ hàng hóa giá rẻ giả tạo của Trung Quốc mà hiện đang đẩy Hoa Kỳ ra khỏi thị trường mới chỉ là khoản đặt cọc để chuốc lấy nạn thất nghiệp hiện tại và tương lai của đất nước này. Hơn nữa, nhiều người Mỹ thất nghiệp hơn có nghĩa là sức mua của người tiêu dùng giảm và ít doanh thu hơn cho các nhà bán lẻ Hoa Kỳ trong dài hạn.
Và đây là một nhóm vận động hành lang rất đáng ngại: Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải. Nhóm này gần đây được biết là đã vận động hành lang chống lại các quy định quan trọng trong một dự luật về Trung Quốc. Dự luật này đề nghị tăng cường quyền được bảo vệ an toàn của công nhân Trung Quốc, và do đó cho người lao động Hoa Kỳ một cơ hội tốt hơn để cạnh tranh.
Tất cả các nhóm kinh doanh Hoa Kỳ và tổng giám đốc công ty hiện nay đang làm ăn với Trung Quốc cần phải đọc những câu thơ sau đây phỏng theo bài thơ nổi tiếng của John Donne: Không có doanh nghiệp Hoa Kỳ nào là một hòn đảo riêng của họ; mỗi doanh nghiệp là một phần của đất nước này, một phần của nền kinh tế rộng hơn. Nếu một việc làm bị xóa đi bởi chủ nghĩa con buôn Trung Quốc thì chính Hoa Kỳ sẽ nhỏ đi một ít... Do đó đừng bao giờ hỏi “Chuông gọi hồn ai (###)”. Chuông gọi hồn anh đấy!
Các chú thích:
(*) Lemmings: chuột nhắt sống trong vùng băng tuyết trong vùng Bắc cực.
(**) Chúng tôi dùng chữ Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) thay vì thương mại, vì mậu dịch bao gồm nhiều hoạt động khác ngoài mua bán. Ngay cả Nhật Bản cũng dùng chữ mậu dịch trong cụm từ WTO.
(***) “Dickesian world” cuộc sống cơ cực của dân lao động tại nước Anh trong thế kỷ 19 được mô tả trong các tiểu thuyết của Charles Dickens.
(****) Frodo Baggins là nhân vật trong phim nổi tiếng “Lord of the Rings” được đạo diễn bởi Peter Jackson, ra mắt năm 2001.
(*****) Candide, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết “Candide” của Voltaire, được mô tả là một người ngây thơ, khờ khạo, cả tin.
*
(#) Caterpillar (còn gọi là CAT): công ty lớn nhất thế giới sản xuất thiết bị xây cất, khai thác hầm mỏ, các động cơ diesel và động cơ khí đốt tự nhiên. Big CAT cũng còn được dùng với nghĩa là “con hổ”. Nguyên tác "The Big Cat Kowtows to the Red Dragon".
(##) Theo Kinh Tân ước, Judas Iscariot đã nhận 30 thỏi bạc để bán đứng chúa Giê-su.
(###) For whom the bell tolls: câu thơ cuối cùng trong bài thơ của John Donne. Đã được Ernest Hemingway dùng làm tựa cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “For Whom the Bell Tolls”. Donne nhắc nhở là mỗi người chúng ta là một phần của nhân loại và khi một người đồng loại ra đi thì tiếng chuông tiễn đưa không phải chỉ cho một người mà cho một phần của nhân loại.
Hết Chương VI
P.N. & G.A.
Chú dẫn:
Death by China hay Chết dưới tay Trung Quốc được viết bởi Giáo sư Kinh tế và Chính sách Công cộng tại Đại học California, Irvine, Peter Navarro và đồng sự Greg Autry. Quyển sách dày 320 trang, thống kê một cách cặn kẽ những chiêu thức kinh tế, xã hội, chính trị, và quân sự của Trung Quốc đã làm mất đi hàng triệu việc làm của Hoa Kỳ cùng với 5 hiểm họa quân sự mà Hoa Kỳ và thế giới tự do phải đối đầu trong những thập niên tới. GS Navarro cũng phản biện mạnh mẽ những ý kiến của Thomas Friedman về thuyết “Thế giới phẳng”. Ông cho rằng thế giới quả thật sự phẳng chỉ khi các quốc gia cùng tuân thủ một luật lệ chung. Trung Quốc hoàn toàn không thuộc vào trường hợp đó.
Nhóm dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét