MỸ THO 9-1 (TH) - Một ông thẩm phán đã bị “đương sự” đánh ngay tại tòa án để trừng phạt cái tội ông này đã dám có “quan hệ không lành mạnh” với vợ của một “đương sự”, tức người đi kiện hoặc bị kiện trong một vụ án mà ông là người có trách nhiệm phân xử.
Theo tin của báo Pháp Luật ở Sài Gòn hôm Thứ Năm, Thẩm Phán Nguyễn Thanh Triều đã bị ông Nguyễn Thanh Phong “xông đến đánh tới tấp vào mặt” sáng ngày 8 Tháng Giêng 2009 vừa qua khi “đang làm việc với hai đương sự tại tòa”.
Nguyễn Thanh Triều là thẩm phán của tòa án huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang, còn ông Nguyễn Thanh Phong là cư dân xã Bình Phục Nhứt cũng của huyện này.
Trong một vụ việc trước đây, Thẩm Phán Nguyễn Thanh Triều đã được sắp đặt xét xử một vụ án tranh tụng về đất đai giữa vợ chồng ông Nguyễn Thanh Phong (vợ là Cao Vũ Tường Linh) với một cặp vợ chồng khác.
Trong thời gian vụ việc phân xử tiến hành, Thẩm Phán Triều đã có quan hệ bất chính với bà vợ ông Phong và đã bị ông này bắt gặp quả tang. Ông Phong đi tố cáo với công an.
Theo bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam ông Triều đã thừa nhận sự quan hệ bất chính với bà Tường Linh với các cơ quan chức năng.
Hành vi trái đạo đức, trái qui tắc ứng xử, trái luật của một thẩm phán như vậy, đúng ra phải bị cách chức, đuổi ra khỏi ngành tư pháp và có thể bị truy tố, nhưng tin của Thông Tấn Xã Việt Nam nói Trần Ngọc Quan, chánh án hệ thống tòa án tỉnh Tiền Giang, trong phiên họp ngày 5 Tháng Giêng 2009 đã chỉ họp hội đồng kỷ luật và “quyết định hình thức kỷ luật khiển trách đối với Thẩm Phán Nguyễn Thanh Triều”.
Tức giận vì ông Triều chỉ bị cảnh cáo mà không bị một hình thức trừng phạt nào nặng hơn, ông Phong đã đến tòa án huyện Chợ Gạo đánh ông Triều cho hả.
Cách trừng phạt theo kiểu phủ bênh phủ huyện bênh huyện trong guồng máy nhà nước và đảng CSVN nói chung và ngành tư pháp CSVN nói riêng là chuyện rất bình thường.
Hồi Tháng Ba năm ngoái, nữ Chánh Án Nguyễn Lê Lan của tỉnh Bình Phước đi đánh ghen khi chồng (một quan chức cao cấp của tỉnh) ngồi uống rượu tại một quán karaoke đã đánh lỗ đầu và gây nhiều thương tật trên thân thể của một nữ tiếp viên. Bà Lan không những không bị truy tố về tội hành hung gây thương tật cho người khác, mà chỉ bị thuyên chuyển làm phó giám đốc Sở Tư Pháp của tỉnh này.
Rất nhiều chánh án, thẩm phán, phó chánh thẩm của nhiều tỉnh tại Việt Nam đã ăn hối lộ, bị bắt gặp quả tang, hoặc có bằng cớ với hình ảnh và lời vòi vĩnh chung chi. Nhưng không thấy có ai bị đưa ra tòa truy tố hình sự.
Tổ chức tham vấn đầu tư quốc tế PERC tại Hongkong phổ biến bản nghiên cứu hồi Tháng Chín 2008 xếp hệ thống tư pháp tại Việt Nam vào hàng áp chót tại Á Châu vì đủ mọi thứ khuyết tật.
Luật lệ tròng tréo không minh bạch, thẩm phán thì vừa thiếu vừa thiếu khả năng và đòi chung chi. Các bản án chính trị thì đều do Bộ Chính Trị định trước ở Hà Nội, thẩm phán chỉ ngồi xét xử chiếu lệ. Theo tổ chức PERC, nhiều quốc gia khác ở Á Châu tuy chính trị có chen lấn và hệ thống tư pháp nhưng cũng không đến nỗi quá lộ liễu và tồi tệ như ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét