25/12/12
TỪ VỤ TIÊN LÃNG NGHĨ VỀ PHÁP LUẬT
Đặng Văn Sinh, theo BVN
Vụ cưỡng chế đầm tôm Đoàn Văn Vươn thực chất là một cuộc chiếm đoạt tài sản công dân có tổ chức của chính quyền địa phương. Nguyên nhân của cách hành xử mà tác giả Mạc Văn Trang gọi là “hệ thống chính trị Tiên Lãng và xã Vinh Quang là nhóm cố kết vì lợi ích cục bộ, có tính chất băng đảng xã hội đen!“, bắt nguồn từ sự bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, trong đó có Luật đất đai. Nói là bất cập bởi nó không được xây dựng theo quy luật phát triển của đời sống xã hội nên không vận hành theo những nguyên tắc phổ quát từ thực tiễn giao dịch dân sự, mà là bộ luật duy ý chí, xuất phát từ quan điểm sai lầm “sở hữu toàn dân”.
Một câu hỏi đặt ra là, các nhà lãnh đạo có nhìn ra sự bất hợp lý của hệ thống pháp luật hiện hành không? Xin thưa là có, thậm chí họ còn hiểu rất rõ, nhưng, nếu xét về mặt thực tiễn thì có vẻ như xã hội Việt Nam không vận hành theo luật pháp mà lại vận hành theo nghị quyết, nên việc tu chính hiến pháp và các bộ luật lúc này không cấp thiết bằng… ra nghị quyết.
Đã từ lâu mọi người phải thừa nhận là, có một thực tế không thể bác bỏ, quản lý nhà nước Việt Nam hiện tại gồm hai hệ thồng chồng chéo nhau. Hệ thống “Anh” là đảng và hệ thống “Em” là chính quyền. “Anh” có “Cương lĩnh” và “Nghị quyết”, còn “Em” thì có “Hiến pháp” và hệ thống “Luật”. Và bởi vì “Anh” tự coi mình là lãnh đạo toàn diện” đến mức chòi sang cả Hiến Pháp của chú em (Điều 4, Hiến pháp năm 1992), nên “Anh” đương nhiên là có quyền hơn “Em”. Từ đó suy ra, “Nghị quyết” “thiêng” hơn “luật”. Chả thế đã có những người nói toạc móng heo: “Quốc hội thật ra chỉ là cơ quan để “thể chế hóa” nghị quyết của Đảng”.
Với hệ thống chính trị rất khác thường trên, từ lâu, xã hội Việt Nam (còn lâu mới là dân sự) được điều hành bởi “Nghị quyết” chứ không phải là theo “Luật”, trong đó, Ban Tuyên Giáo – một cơ quan siêu quyền lực – được giao công việc chuyển tải, giải thích và phổ biến nghị quyết vào đời sống xã hội. Chính vì thế mới có việc Vũ Hồng Chuân, Trưởng Ban Tuyên Giáo huyện Tiên Lãng, “nhiều lần xuất hiện trước công chúng, nói bao điều dối trá như diễn kịch, không hề ngượng ngùng, xấu hổ. Đặc biệt Chuân còn đứng trước 300 đảng viên cốt cán của cả huyện để quán triệt rằng: việc cưỡng chế là đúng pháp luật, đúng trình tự, hợp lòng dân, Vươn và đồng bọn chống người thi hành công vụ có chủ định, là tội giết người… Các đảng viên và toàn hệ thống chính trị phải nói và làm theo chỉ đạo của Huyện ủy, không nghe luận điệu của các phần tử xấu có sự xúi giục, dàn dựng của các thế lực thù địch!...” Trong khi ấy, Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng, tại cuộc họp thông báo kết luận về vụ Tiên Lãng với thời lượng gần một tiếng, đã nhấn mạnh những sai phạm nghiêm trọng của Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng, Huyện ủy và UBND huyện Tiên Lãng trong việc cưỡng chế đầm tôm của gia đình nạn nhân Đoàn Văn Vươn. Cũng từ sự việc này, ông Đam còn nói đến tính bất khả thi của Luật Đất đai mà điển hình là, hiện nay, bộ luật này có đến 500 văn bản hướng dẫn thực hiện (còn gọi là văn bản dưới luật), trong đó có khá nhiều văn bản vênh nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau, hiểu theo cách nào cũng được. Việc này đối với các nước dân chủ thì bị xem là quái dị nhưng ở xứ ta, dân tộc Việt Nam “ra ngõ gặp anh hùng”, có “nền dân chủ XHCN tốt đẹp gấp triệu lần tư sản”, thì chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”, bởi lẽ Luật không quan trọng bằng “Nghị quyết”. Luật chỉ có tính tượng trưng để đối phó với “lực lượng thù địch” bên ngoài, còn Nghị quyết mới là linh hồn của nền dân chủ XHCN.
Cai trị đất nước bằng “Nghị quyết” có nghĩa là tính ổn định rất thời vụ. Các kế hoạch thường ngắn hạn và luôn có xu hướng tình thế. Hơn nữa, Nghị quyết không do nhân dân xây dựng trên tinh thần dân chủ có phản biện, mà chỉ là sản phẩm của một nhóm người, nên dễ xảy ra trục trặc một khi đưa vào cuộc sống. Nghị quyết được sản sinh ra bởi chủ nghĩa giáo điều nên cứng nhắc, không tương thích với cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Nghị quyết nhiều nhưng ra nghị quyết thì dễ, thực hiện nghị quyết mới khó, luôn dẫn đến tình trạng, khi sự cố xảy ra, cấp dưới chờ “ý kiến chỉ đạo” của cấp trên, cấp trên chờ cấp trên nữa, trong khi cuộc sống vận hành theo quy luật của nó, đến lúc hiểu ra mức độ nghiêm trọng thì sự việc đã vượt khỏi tầm kiểm soát
Tuy nhiên, cai trị bằng Nghị quyết lại có những điểm đặc biệt thuận lợi cho các nhà lãnh đạo mà một trong số đó là “lệnh miệng”. Chỉ cần một cú điện thoại của cấp trên là một vụ việc nổi cộm ở địa phương được dẹp êm. Lời nói gió bay, khi cần đối chứng có mà thánh tìm ra “chính danh thủ phạm”. Chưa hết, “Nghị quyết” thể hiện ý chí sáng suốt của tập thể lãnh đạo, chẳng ai phải chịu trách nhiệm cá nhân, nên hiển nhiên cũng không cần phải có văn hóa từ chức hoặc xin lỗi Quốc dân đồng bào. Tất cả đều được nhân danh tập thể, cùng lắm là “hạ cánh an toàn”, không bao giờ truy cứu trách nhiệm trong quá khứ cho dù thời gian làm “đầy tớ dân”, ông A hoặc bà B làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng.
Nhân danh tập thể, nhất là tập thể “Thường vụ”, không hiếm trường hợp, khi thấy cần thiết, người ta có thể ra ngay một nghị quyết về vấn đề “cấp bách” nào đó, nhằm hợp lý hóa một lô đất đẹp, giải tỏa một điểm dân cư hay cưỡng chiếm một khu nuôi trồng thủy sản đang ăn nên làm ra để “phân phối lại” cho những đối tượng trong cùng nhóm lợi ích. Vụ cưỡng chiếm đầm tôm Đoàn Văn Vươn chắc chắn Thường vụ Thành ủy Hải Phòng phải có một nghị quyết hay một lệnh miệng. Nếu không, Giám đốc Công an Đỗ Hữu Ca làm sao có thể mặc áo chống đạn, đích thân chỉ huy hàng trăm cảnh sát cơ động và quân đội “hiệp đồng tác chiến” bằng AK 47 cùng các loại vũ khí nóng. Sau khi bắt giữ và đập phá tan tành nhà người dân vô tội, bật đèn xanh cho bọn xã hội đen vét sạch thủy sản trong khu đầm, viên đại tá ác ôn còn huênh hoang truyên bố với các phóng viên báo “lề phải” là hợp đồng tác chiến rất đẹp, có thể viết sách, dựng thành phim!?. Thật là một kẻ bất lương. Hắn hưởng lương cao bổng hậu từ tiền thuế của nhân dân trong đó có Đoàn Văn Vươn mà lại mang thuộc hạ đi cướp đoạt tài sản của nhân dân rồi lại được Thường vụ chỉ định điều tra vụ việc thì thử hỏi trên đời này còn công lý hay không?
Hơn thế nữa, nếu không có sự bảo kê của “nhóm lợi ích” Hải Phòng, thì làm sao, sau khi đã có văn bản kết luận của Thủ tướng, bọn “công an” đầu trâu mặt ngựa xã Vinh Quang dám ngang nhiên nhổ cờ Tổ quốc, đập phá căn lều của vợ con ông Đoàn Văn Vươn, bàn thờ và di ảnh bị quẳng xuống đầm. Trong khi ấy, trước 500 cán bộ trung cao cấp tại CLB Bạch Đằng, ông Nguyễn Văn Thành thông báo tình hình thời sự của Vụ Tiên Lãng ngược lại với kết luận của Thủ tướng: “Báo chí nói sai, ghép ảnh chỗ khác chứ đâu có chuyện xe ủi nhà ông Vươn, không ca ngượi công an-bộ đội, có biểu hiện bôi nhọ. Có bậc lão thành nói không chuẩn. Ông Vươn xây nhà không có trong quy hoạch – trốn nợ thuế – không có tí công tích gì – trong khi đó Tiên Lãng tạo mọi thuận lợi cho anh Vươn. Đã gây dư luận phủ nhận công lao quá khứ của huyện Tiên Lãng, nhân dân cả nước chỉ tập trung vào vụ này để ngưng trệ sản xuất…”. Trước thái độ đổi trắng thay đen của ngài Ủy viên Trung ương Đảng, một thương binh cụt tay, nguyên là cán bộ Ban Tuyên huấn Thành ủy Hải Phòng nghỉ hưu, đã không thể nén được bức xúc, nhảy lên diễn đàn, chỉ mặt Bí thư Thành ủy nói như hét: Đề nghị Bộ Chính trị cách chức Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành. Cả hội trường vỗ tay ủng hộ.
Cũng bởi quản lý nhà nước bằng nghị quyết nên mới làm nảy sinh các nhóm lợi ích. Những nhóm này cố kết với nhau dưới những dạng thức khá tinh vi, dẫn đến tình trạng cát cứ, trong đó mỗi quan chức cao cấp giống như một “sứ quân” thời hiện đại. Mỗi “sứ quân” thao túng một vùng lãnh thổ, tha hồ làm mưa làm gió, tự đặt ra “luật”, bưng bít thông tin, lừa dối chính quyền trung ương, làm biến dạng bản chất của vụ việc. Hiện tượng “trên bảo dưới không nghe” đang là nguy cơ tiềm ẩn cho sự rạn vỡ của hệ thống chính trị. Không phải “các thế lực thù địch” đang âm mưu “diễn biến hòa bình” mà chính là các nhóm lợi ích siêu quyền lực, coi luật pháp chỉ là trò đùa, núp dưới bóng các nghị quyết, thao túng mọi hoạt động xã hội để trục lợi, đẩy người dân lương thiện đến bước đường cùng phải vùng lên bảo vệ quyền lợi của mình.
Trường hợp Đoàn Văn Vươn có thể xem là hồi chuông muộn cảnh báo cho các nhà quản lý quốc gia.
Đ. V. S.
___
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét