25/12/12
Chiến tranh vỉa hè
Khi ban hành nghị quyết “cấm nhập cư”, gây tranh cãi, các vị đại biểu HĐND TP Đà Nẵng đã nói về việc nhập cư ảnh hưởng đến “chất lượng sống” cho cư dân Đà Nẵng. Cụ thể, đến 3 lĩnh vực: Giáo dục, Y tế và, tất nhiên, giao thông. “Quốc nạn” ùn tắc tại Hà Nội và TP HCM dường như đang khiến Đà Nẵng rùng mình.
Hà Nội bắt đầu chiến dịch “thu hồi bãi đỗ xe vỉa hè”. Chính phủ cũng đã yêu cầu TP HCM không sử dụnglòng đường vỉa hè làm bãi đỗ, trông giữ xe. Và hôm qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng có văn bản đề xuất quy định “Phải chứng minh có nơi gửi xe (mới được) đăng ký ô tô cá nhân”. Đề xuất này xuất phát từ thực tế mà không cần phải là Bộ trưởng Bộ GTVT cũng có thể nhìn thấy: Ùn tắc một phần do lượng ô tô cá nhân tăng quá nhanh và nhiều chiếc phải “chiếm dụng” lòng đường vỉa hè làm bãi đỗ.
Như vậy là cùng với việc đổi giờ làm, khuyến khích đi xe bus, dẹp xe dù bến cóc, tăng lệ phí trước bạ, tăng giá trông giữ ô tô, xe máy…ngành giao thông đang cho thấy quyết tâm dẹp “quốc nạn” ùn tắc và tai nạn.
Ai cũng biết, việc lấn chiếm lòng đường vỉa hè là một trong những nguyên nhân gây ra ùn tắc. Nhưng nếu cấm thật, “xoá trắng” thật, thì cũng không thể không trả lời câu hỏi: Nếu không cho đỗ trên vỉa hè, cấm luôn đỗ dưới lòng đường thì hàng vạn ô tô, xe máy của dân sẽ để đâu?
Câu hỏi này đã được đặt ra từ cách đây 5 năm, khi công luận ta thán việc Hoàn Kiếm cho phép trông giữ xe dưới lòng đường. Bấy giờ, Hoàn Kiếm có tới 395 bãi trông giữ xe trên vỉa hè và dưới lòng đường. Câu trả lời bấy giờ là dù với số “bãi cóc” kỷ lục như vậy nhưng ở giữa Thủ đô, vẫn thường xuyên xảy ra việc “phá giá” phí gửi xe, thậm chí “xin-cho” để được gửi xe với giá phá giá.
Còn nhớ trong một hội nghị ở Thủ đô, Phó Bí thư Quận uỷ Hoàn Kiếm Lê Thị Minh Nguyệt đã cho rằng các toà cao ốc chính là thủ phạm gây quá tải cho hạ tầng thủ đô. Bà Nguyệt nêu ví dụ tòa nhà EVN cao 29 và 33 tầng tại phố Cửa Bắc, chỉ có 2 tầng hầm, thậm chí không đủ chỗ đỗ xe cho chỉ nhân viên tòa nhà. Trong khi đó, trách nhiệm về điểm đỗ xe lại bị đẩy cho chính quyền. Đây không đơn thuần là một trường hợp cá biệt, mà chính là một biểu hiện của căn bệnh đô thị nguy hiểm, thường được gọi, nhẹ nhàng đến độ khiến người ta chả buồn quan tâm: Thiếu tầm nhìn trong quy hoạch.
Có thể dùng một con số khác để chứng minh: Tính từ vành đai 2 vào Trung tâm TP, hiện có 176 dự án cao ốc, nhưng những toà nhà này chỉ đáp ứng tối đa 30% nhu cầu đỗ xe. 70% khác đỗ ở đâu nếu không phải là lòng đường, vỉa hè?
Chính Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng có lần than thở: Toàn thành phố Hà Nội hiện có gần 3,8 triệu xe máy, hơn 37 vạn ôtô. Trong khi “Với diện tích mặt đường ở 8 quận nội thành là 5,447 ngàn m2, tổng chiều dài 382 km, quy đổi 4 xe máy bằng 1 ôtô, thì mỗi ôtô ở Thủ đô chỉ được “cựa” trong 9 – 11m2”. (Con số này ở TP.HCM là 13, Đà Nẵng là 17).
Trong khi đó, giao thông tĩnh ở Thủ đô chỉ đáp ứng 10% nhu cầu. Và trong 10% này chỉ có 8 bãi đỗ xe chính quy. 131 điểm đỗ xe khác thực chất cũng là ăn gian của người đi bộ. Thậm chí hơn 50% trong số chúng đang “khai thác” lòng đường làm điểm đỗ.
Với việc “xoá trắng” bãi đỗ lòng đường vỉa hè như ý định của Bộ GTVT, sẽ tức khắc xảy ra tình trạng náo loạn còn hơn chiến tranh khi 90% trong số 3,8 triệu xe máy và 37 vạn ô tô phải chạy dài dài trên đường vì không còn chỗ đỗ.
Đối với một nhà nước pháp quyền, việc thực thi pháp luật, một cách nghiêm minh, phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng không thể cứ thực thi là thực thi. Không thể thực thi một cách bất chấp.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị TƯ lần 4 vừa khai mạc hôm 26-12, TBT Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra vấn đề xây dựng đề án “Xây Dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ”, cụ thể hoá một trong ba khâu chiến lược đã được ĐH Đảng XI thông qua.
Nhưng trong khi chờ TƯ họp bàn và quyết định, trong khi chờ nghị quyết đi vào cuộc sống, người dân, song song với quyền sở hữu, phải ít nhất có được quyền đỗ xe cái đã.
Câu trả lời cho các lệnh cấm không thể chỉ bưng tai cho đó là việc của dân.
Theo blog ĐT
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét