25/12/12

Cô giáo chửi học trò: đạo đức tồi hay phút lỡ lời?

Đang tâm tư chuyện góp ý kiến cho các văn kiện ĐH Đảng, việc ở tầm quốc gia đại sự, mà bàn đến bất cứ chuyện gì khác, đều dễ có cảm giác khập khiễng. Nhưng câu chuyện cô giáo dạy tiếng Anh "chửi" một học sinh lớp 11 chuyên Lý của trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) trong giờ học được ghi âm rồi tung lên mạng, đã và đang tạo ra nhiều phản ứng trong xã hội. Người phê phán và đánh giá đạo đức của cô giáo rất nhiều, rằng đã là giáo viên thì không bao giờ được phép chửi mắng học sinh, dù học sinh có hỗn láo đến mức nào đi nữa. Cũng đúng! Người trách cứ học sinh không lễ phép, không tôn trọng thầy cô cũng không ít, và rằng đã là học sinh thì cô giáo có như thế nào cũng không được có những hành vi vô lễ. Cũng không sai.
Chỉ có điều, kẻ ngoài cuộc, dù có nghe trọn vẹn file ghi âm đó, cũng không thể biết được bản chất cũng như tâm trạng thật sự của những người trong cuộc. Liệu cô giáo đó thật sự là người "tồi tệ", hay hành động của cô hoàn toàn là sự bột phát, cả chục năm mới diễn ra một lần? Cũng tương tự với bạn học sinh đã có thái độ bị đánh giá là "khiêu khích" ấy. Để đánh giá chính xác một hành vi, không thể chỉ nhìn riêng vào hành vi ấy, mà phải đánh giá cả con người. Nếu bản chất của họ xấu xa thì cần lên án mạnh mẽ, phải nhận sự "trừng phạt" đích đáng của pháp luật. Còn nếu đó chỉ là hành vi bột phát của những người tử tế bỗng có lúc hành xử tồi tệ, thì hành vi ấy rất cần được ứng xử với thái độ khoan dung. Dường như những người nặng lời phê phán cả cô giáo và học sinh, đã mặc nhiên xem cả cô giáo và học sinh ấy đều là những người xấu, mà quên mất rằng dù người tốt hay xấu cũng khó tránh khỏi những sai lầm, người tốt chỉ là người ít có hành vi xấu hơn mà thôi, thậm chí những người xấu mà có nỗ lực để trở nên tốt hơn thì rất cần được khích lệ, cổ vũ.
Nhưng nhìn từ góc khác, có thể thấy việc dư luận đưa ra rất nhiều đánh giá "nặng lời" với cả hai nhân vật cô giáo và học sinh, là bởi trong họ đang ẩn chứa quá nhiều bức xúc với thực trạng của giáo dục, sẵn bức xúc nên khi có chuyện thì tranh thủ "xả ngay". Hình ảnh của các thầy, cô giáo trong mắt xã hội không còn là những con người chuẩn mực về đạo đức và kiến thức, thậm chí chuyện các phụ huynh, học sinh bình luận về thầy cô giáo với những lời lẽ không tôn trọng đã là chuyện thường ngày ở huyện. Ngược lại, chuyện học sinh hư, học sinh hỗn láo cũng không phải chuyện hiếm. Thế nên dư luận rất dễ "quy chụp" luôn khi nghe file ghi âm (hoặc chẳng cần nghe file, mà chỉ cần nghe mọi người kể lại) rằng trường hợp này đích thị phải là một học sinh hư và một cô giáo không ra gì. Thế là tha hồ mà phê phán với thái độ phản ứng với cái xấu, như thể phản ứng đó sẽ khiến mình tốt hơn lên, mình chắc chắn là một học sinh rất ngoan, một cô giáo rất tử tế.
Học sinh trường Trần Phú: 'Chỉ định ghi âm để đổi giáo viên', Ảnh Audition English
Nỗi sợ hãi mang tên "ghi âm"
Thêm một điều cần bàn là cách xử lý có phần "lạ lùng" của Sở GD - ĐT Hải Phòng, khi thông báo "sẽ sớm ra văn bản yêu cầu các trường trong toàn ngành thực hiện điều lệ trường phổ thông, theo đó không cho phép HS sử dụng điện thoại, máy ghi âm, ghi hình trong giờ học". Đành rằng, việc tung ghi âm lên mạng là không nên, bởi sẽ dẫn đến những đánh giá không chính xác về dư luận với các nhân vật trong cuộc, trong khi có nhiều cách hành xử nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Theo giải thích của học sinh trường Trần Phú (đăng tải trên VietNamNet) thì "Một vài em lớp 11 chuyên lý chỉ muốn ghi âm lại những gì cô đọc sai, để rồi làm đơn yêu cầu đổi giáo viên". Từ một dự định rất nhẹ nhàng, rất đúng mực, nhưng "trời xui đất khiến" lại đúng hôm học sinh và cô giáo cư xử không đúng mực, dĩ nhiên cả hai không bao giờ ngờ lại có người đang bật băng ghi âm, càng không ngờ đến một ngày băng ghi âm ấy được đưa lên mạng, dẫn đến những hệ lụy buồn cho một lớp chuyên trong một trường chuyên.
Nhưng chỉ vì một câu chuyện không may, mà cấm đoán hoàn toàn việc sử dụng điện thoại, máy ghi âm, ghi hình trong lớp học, liệu có hợp lý? Không lẽ học sinh không được quyền ghi âm giờ giảng của giáo viên để phục vụ công việc học tập? Nếu đã cấm học sinh ghi âm, ghi hình trong lớp học, liệu có cấm nhân viên ghi âm các cuộc trò chuyện với sếp, đề phòng một ngày đẹp trời, bỗng nhiên lại có một tình huống "dở khóc dở cười" của một công ty nào đó, khi hình ảnh sếp nổi cáu mắng mỏ nhân viên với những lời lẽ không thật vừa tai bị tung lên mạng? Hay có khi cũng phải cấm luôn phóng viên ghi âm, ghi hình, phòng trường hợp lỡ mà người được phỏng vấn nổi cáu, có những lời lẽ không đàng hoàng? cứ suy luận kiểu đó thì không biết còn phải cấm ghi âm, ghi hình trong những trường hợp nào nữa?
Chi bằng, cứ công khai khuyến khích việc ghi âm ghi hình, có khi lại khiến thầy cô và học sinh phải ứng xử với nhau đàng hoàng hơn, sếp và nhân viên cũng tử tế với nhau hơn, người với người trong xã hội sẽ cẩn thận hơn với hành vi ứng xử của chính mình! Nghĩ xa hơn một tý, có một nơi rất cần khuyến khích việc ghi âm ghi hình, đó là những nơi có liên quan đến thủ tục hành chính, để hạn chế bớt những nhũng nhiễu, những phiền hà mà người dân phải gánh chịu khi có việc cần đến cơ quan công quyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét