21/2/14

Nhà văn có mặt tại Hà Giang giai đoạn 1984-1985

-Tại Hà Giang vào cuối những năm 80:Không rõ bên nào chủ động trước nhưng 2 đơn vị lính của phía Trung Quốc và Việt Nam tại điểm chốt tiền tiêu đã thỏa thuận ngầm với nhau là thôi không bắn nhau nữa. Hai bên đã chán cảnh bắn nhau, chém giết nhau…

- Một nhịp cầu hữu nghị tình cờ được xây lên:Từ chỗ hai bên căng thẳng rình bắn nhau từng giây từng phút, lính 2 trạm chốt này đêm đêm đã bí mặt gặp nhau, giao lưu nhảy múa, hát hò và tặng thuốc lá, thuốc lào và nhu yếu phẩm cho nhau ?
Phạm Viết Đào.
P.V.Đ:Thưa anh, được biết anh là một trong số ít những nhà văn có mặt tại Hà Giang giai đoạn 1984-1985; hồi đó anh có mặt ở Hà Giang với nhiệm vụ gì vậy?
NV Đào Thắng: Hồi đó tôi tham gia đoàn làm phim tài liệu của Xưởng phim quân đội có mặt tại Hà Giang để ghi lại những ảnh của của mặt trận này. Tôi với tư cách là biên kịch, anh Nguyễn Đức Giảng là đạo diễn, anh Lê Hợi là quay phim. Chúng tôi có mặt tại Hà Giang từ tháng 4/1984…
P.V.Đ: Có nghĩa là anh có biết và quay được hình ảnh của trận đánh ác liệt xảy ra ngày 12/7/1984?
NVĐT: Chúng tôi có biết và ghi lại được một số hình ảnh. Hình ảnh đó sau này được sử dụng trong các bộ phim như: Đồng Văn tháng 5/1984, phim được Giải nhất của Bộ Quốc phóng trong năm; Thị xã yên tĩnh-Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam; Giữ đất giải của Bộ Quốc phòng; Nhịp sống mặt trận…
Tôi nhớ hồi đó khi Đoàn làm phim được điều động lên tham gia mặt trận này, có một vị Tùy viên văn hóa Liên Xô lúc đó đề nghị theo Đoàn làm phim và ông ta đã cùng chúng tôi lên tận Hà Giang để chứng kiến những gì xảy ra tại chiến tuyến này. Hồi đó có chuyên gia quân sự Liên Xô tham gia chiến tuyến này. Phiên dịch cho vị Tùy viên văn hóa này là dịch giả Thái Hà, người dịch Những người thích đùa và một thời gian phụ trách Tạp chí Văn học nước ngoài.
Vị Tùy viên văn hóa này còn đòi theo chúng tôi lên tận chốt nhưng chúng tôi không đồng ý vì nguy hiểm; ông ta đã sửng cồ lên với chúng tôi, chán không được đi theo Đoàn làm phim, ông ta đã mượn rượu để mắng chúng tôi.Còn chúng tôi, Đoàn làm phim thì theo các chiến sĩ lên tận chốt để quay lại những hình ảnh sinh hoạt, chiến đấu của bộ đội ta, có những cảnh chúng tôi đặt máy quay chỉ cách vị trí H1 của địch có mấy chục mét…
PVĐ: Từng chứng kiến những trận đánh ác liệt chiến tuyến Thanh Thủy Hà Giang, hiện anh còn lưu giữ được những ký ức gì về những trận đánh ác liệt ở đây?
NVĐT: Cách đây 2 năm, tôi và Nhà thơ Hữu Thỉnh có đến thăm Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông có nhắc chúng tôi là Hội Nhà văn nên tổ chức viết về cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung, nếu không viết, hậu thế sẽ không nhớ tới các sự kiện lịch sử này. Ông cho biết, phía Trung Quốc người ta đã viết và xuất bản nhiều, chính ông đã được đọc một số quyển sách do phía Trung Quốc viết theo cách nhìn nhận và đánh giá của họ.Ông đã đưa vấn đề này ra trao đổi với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong các dịp làm việc với họ; họ đã thanh minh rằng những quyển sách này viết ra không do sự chỉ đạo của lãnh đạo trung ương; do các địa phương tự ý xuất bản…
P.V.Đ: Thế Nhà văn có ý định sẽ một lúc nào đó viết lại những điều mắt thấy tai nghe về những trận đánh ác liệt tại chiến tuyến Hà Giang ?
NVĐT: Tôi đang trăn trở điều này, trong cuốn tiểu thuyết Dòng sông mía, ( Giải nhất về tiểu thuyết của Hội Nhà văn ) tôi đã đưa một số chi tiết của cuộc chiến ác liệt tại Hà Giang vào trong tác phẩm của mình. Đó là chi tiết, người mẹ tắm rửa cho thi hài của đứa con là liệt sĩ Các được đưa từ mặt trận trở về, thi thể của anh đã có dòi…Đó là chi tiết hoàn toàn có thật mà chính mắt tôi đã chứng kiến tại mặt trận Hà Giang…
P.V.Đ: Anh có thể kể thêm về các chi tiết về cuộc chiến ở mặt trận này mà anh còn bị ám ảnh nhất?
NVĐT: Điều tôi ám ảnh nhất đó là hình ảnh và những kỷ niệm về Đại tá Trần Tất Thanh, vị Sư trưởng của Sư đoàn 31 bộ binh, Sư đoàn có tên là Tà Xanh; ông là người đã trực tiếp chỉ huy những trận đánh làm thay đổi cục diện chiến trường tại chiến tuyến Vị Xuyên Hà Giang…
Như anh biết, sau chiến dịch phản công đánh chiếm lại cao điểm 1509 ngày 12/7/1985 , bên ta tung ra 6 trung đoàn của các 4 sư đoàn thiện chiến, áp dụng chiến thuật biển người của Trung Quốc bị thất bại và thương vong lớn. Tướng Hoàng Đan trước khi xuất binh đã đến tận các trung đoàn úy lạo quân sĩ: Các đồng chí chuẩn bị thật nhiều giây thừng để tóm bắt thật nhiều bọn bành trướng mang về đây lĩnh thưởng ? Phải làm cho Trung Quốc biết thế nào là sức mạnh Việt Nam.
Cuộc phản công thất bại và chúng ta không những không giành lại được 1509 mà còn mất thêm một số cao điểm. Trước tình thế đó, Bộ Quốc phòng đã thay tướng, điều Tướng Nguyễn Hữu An, một chiến tướng tài danh, từng chỉ huy một trung đoàn đánh Điện Biên Phủ năm xưa lên chỉ huy mặt trận. Sư đoàn 31 là sư đoàn bộ bộ binh của Đại tá Trần Tất Thanh đang đóng quân bên Lào được điều về để nhận nhiệm vụ tại chiến trường khốc liệt này ? Đại tá Trần Tất Thanh có kể cho tôi một chi tiết cảm động: Khi Sư đoàn Tà Xanh rút khỏi Lào để bổ sung cho chiến tuyến Hà Giang, nhiều bà con Lào đã lưu luyến  đi theo bộ đội Việt Nam 3 ngày để tiễn chân và bày tỏ tình cảm quý mến.
Khi Sư đoàn 31 được điều lên Hà Giang, chính BBC đã đưa tin ngay: Con hổ Tà Xanh của đại tá Trần Tất Thanh sắp lến chiến trường Vị Xuyên; hãy coi sẽ bị gãy răng ở chiến trường toàn đá này...Kết cục Con hổ Tà Xanh không bị gãy răng mà đã làm cho quân Trung Quốc liểng xiểng.
Khi Tướng Nguyễn Hữu An và Sư đoàn 31 Tà Xanh được điều động về Hà Giang đã tạo nên những thay đổi về cục diện chiến trường. Chúng ta đã đẩy lùi và chiếm lại một số cao điểm bị Trung Quốc chiếm giữ. Tôi không nhớ chi tiết các cao điểm nào nhưng Đoàn làm phim đã lên tới Cao điểm H2, H3, là cao điểm đối địch với cao điểm H1, là cao điểm bị Trung Quốc chiếm.
Tướng Nguyễn Hữu An và Sư đoàn Tà Xanh dưới quyền chỉ huy của Đại tá Trần Tất Thanh đã thay đổi cách đánh, dùng bộ đội đặc công áp dụng chiến thuật đánh công kiên của trận Điện Biên Phủ khi xưa, đánh nhỏ đánh chắc để tránh thương vong do phi pháp của địch rất mạnh gây cho ta.
Sư trưởng Trần Tất Thanh, một vị chỉ huy quả cảm và rất được lòng binh sĩ vì ông rất hiểu tâm lý binh sĩ. Việc đầu tiên của ông là bắt thay đổi toàn bộ tên gọi một số vị trí được bộ ta đặt tên trước đó tỷ như: Suối cô hồn, Cối xay thịt, Thung lũng tử thần, Cửa tử…yêu cầu bộ đội gọi tên thành những tên mới, ví như: Ngã ba kiên cường, Cao điểm anh hùng, Suối tương lai…
Khi đưa bộ đội lên, ông bố trị bộ đội thành tổ 3 người lên đào phá đá thành những hàm ếch sâu trong lòng đá để làm nơi ẩn nấp, đào xây dựng các chiến hào trên vách đá để đi lại hạn chế phi pháo địch…Đồng thời ông lệnh cho quân sĩ giữ nghiêm quân kỷ, không để bộ đội để tóc dài. Vì ở ngoài mặt trận có 2 việc lính ta rất kiêng: cắt tóc và trả lời phóng vấn báo chí, đoàn làm phim; nhiều lính sau khi cắt tóc, hay gặp báo chi hay bị tử thương…Sư trưởng Trần Tất Thanh đã buộc lính thay đổi hủ tục đó.
Bộ đội giữ chốt phải nói là vô cùng gian khổ vì phải phá đá ra để làm hầm không chỉ để trú ẩn trong đó mà cả nơi ăn nghỉ đã đành, phải chịu đựng biết bao thiếu thốn…Bộ đội nằm trong hầm đá ngủ nhiều ngày nên thường bị bệnh cứng khớp, vì ngủ trực tiếp trên sàn đá nên mất nhiệt. Trời Hà Giang mùa dông có khí xuống tới 4 độ. Nhiều bệnh binh được khiêng ra từ chốt người cứ bị co quắp không duối ra được kể cả khi khiêng tới bệnh viện. Sư trưởng đã tìm cách chuyển gỗ, ván lên để kể làm giường cho quân sĩ. Rồi thì đã lên chốt rồi, chuyện tắm rửa là một việc làm kỳ công vì trên cao làm gì có nước. Hôm đoàn làm phim lên chúng tôi đã chứng kiến một tiểu đoàn trưởng 3 tháng canh chốt được bố trí thay phiên trở về tuyến sau để được tắm. Anh biết bộ đội giữ chốt tắm như thế nào không? Lính chiến trường gọi là tắm khô, không tắm bằng nước mà tắm bằng cồn… Lấy cồn tẩm bông lau người, sĩ quan cấp tiểu đoàn phải 3  tháng mới tắm 1 lần, không biết lính thì được mấy lần.
Sư trưởng Trần Tất Thanh kể cho tôi một trận chiến đấu vô cùng oai hùng và cảm động, một trận đánh mà ông đã mất quá nhiều nước mắt. Phía Trung Quốc đã sử dụng pháo giã ác liệt vào trận địa phòng ngự của ta suốt từ 6 giờ đến 10 giờ đêm; pháo, cối của chúng cứ giã liên tục đạn nố chớp chớp liên hồi y như trong các trận đánh của các trò chơi điện tử bây giờ. Đứng tuyến sau nhìn thấy cảnh quân mình oằn lưng chịu đòn pháo địch nước mắt ông tràn trề. Thế nhưng khi pháo giặc im. chùng xua bộ binh địch lao lên đánh chiếm trận địa phòng ngự của ta thì lại súng của quân ta chớp lóe rền vang từ trong các hầm cố thủ và quân địch lại bị đẩy lui. Nhìn cảnh đó ông lại nước mắt lưng tròng vì sung sướng: vừa thương quân sĩ vừa cảm phục tinh thần ngoan cường chịu đựng bảo vệ trận địa…
Có thể nói sau trận 12/7/1984 quân ta và quân địch không tổ chức những trận đánh lớn cấp trung đoàn mà luôn giằng co nhau những trận đánh trên từng ngọn đồi điểm chốt. Chúng tôi đã vác máy quay lên tận cao điểm H2 để hướng ống kính máy quay lên cao điểm H1 là cao điểm lính Trung Quốc chiếm giữ. Bộ đội đã cản không cho chúng tôi lên vì rất nguy hiểm, chúng tôi vẫn lên vì chúng tôi cũng từng là lính chống Mỹ nên có đủ kinh nghiệm tránh đạn của địch.
Tôi còn nhớ khi Đoàn làm phim tập kết vào cái hang lớn gọi là Hang Mán, phải qua một chiếc cầu bắc bằng cây; khi qua đoạn suối này phải chạy thật nhanh, nếu chạy không nhanh thì sẽ ăn đạn cối của Trung Quốc. Thành ra khi đi quan đoạn suối này giống như trẻ con chơi trò ú tim. Chuẩn bị từng người một từ bên này nhanh chóng lao qua bên kia. Khi chúng tôi lao qua được vào trong hang thì pháo cối dồn dập nổ, chỉ chậm vài giây là coi xong. Vào đến trong hang lính mới phổ biến kinh nghiệm cho chúng tôi: Các chú nếu muốn tránh bị phi pháo địch bắn thì phải mặc áo bỏ ngoài quần và đừng mặc áo sĩ quan. Nếu lính Trung Quốc nhìn thấy mặc áo quần sĩ quan thì chúng nổ súng ngay. Còn áo để ngoài quần là quy ước ngầm hiểu đó là lính hậu cần.Khi thấy lính để áo ngoài quần thì cả ta cũng không bắn lính Trung Quốc và lính Trung Quốc cũng không bắn ta. Tóm lại đó là một sự thỏa thuận ngầm kỳ ngôi ở nơi cửa tử.
Còn lên đến điểm cao H2 thì có thể nghe rõ bước chân di chuyển của lính Trung Quốc ở điểm cao H1 bên này nghe rõ tiếng trò chuyện của phía bên kia…
P.V.Đ: Thế lên đến H2, các anh có quan sát được gì không?
NVĐT: Có một chuyện thú vị này bây giờ tôi tiết lộ với anh, chính từ điểm cao H2, này một nhịp cầu “ đình chiến “ được thiết lập, mà những nhịp cầu này lại do chính những người lính xây cất lên.
Hồi đó cả một chiến trường dài trên chục km bộ đội ta mệnh danh là Lò Vôi thế kỷ vì núi toàn đá vôi. Do pháo cối của hai bên bắn nhiều nên lửa đạn đã biến cả những giải đá xanh dài trở nên trắng xóa vì đá bị biến thành vôi. Nghĩa là hai bên cứ đánh nhau ác liệt giằng co không ai chịu thua ai đến một thời điểm thì chính người lính Trung Quốc thấy chán và vô nghĩa. Không rõ bên nào chủ động trước nhưng 2 đơn vị lính của phía Trung Quốc và Việt Nam tại điểm chốt tiền tiêu đã thỏa thuận ngầm với nhau là thôi không bắn nhau nữa. Vì như thế vô nghĩa. Phía chúng ta vì bao vệ biên cương của tổ quốc nên chấp nhận hy sinh là có ỹ nghĩa còn phía Trung Quốc người lính ngộ ra họ là công cụ vô nghĩa và độc ác của nhà cầm quyền.
Từ chỗ hai bên căng thẳng rình bắn nhau, lính 2 trạm chốt này đêm đêm đã bí mặt gặp nhau, giao lưu nhảy múa, hát hò và tặng thuốc lá, thuốc lào và nhu yếu phẩm cho nhau. Phía quân ta tặng quân Trung Quôc thuốc lào, còn lính Trung Quốc tặng ta thuốc lá Đại Thiền Môn, bánh kẹo thậm chí cả bia rượu. Việc này phía ta đã nhanh chóng báo cáo về cho Tổng cục chính trị những diến biến bất thường của chiến trường Hà Giang. Để có bằng chứng chắc chắn, Tổng Cục chính trị đã bố trí để anh Việt, sau này về công tác ở Bảo tàng quân đội mang máy ảnh, máy ghi âm để bí mật ghi lại cảnh gặp gỡ giao lưu giữa lính ta và lính Trung Quốc trên cao điểm H 1, H 2 để mang về báo cáo với Bộ Quốc phòng. Nghe nói sau vụ này, Tướng Võ Nguyên Giáp đã sang Trung Quốc để điều đình để 2 bên thôi không đánh nhau nữa vì lãnh đạo có muốn đánh quân cũng đã chán rồi ?
Tóm lại những điều tôi đã chứng kiến tại Hà Giang còn nhiều chuyện bi tráng lắm?
P.V.Đ: Thế từ sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ, anh có quay lại thăm Hà Giang lần nào không ?
NVĐT: Có năm 2008, tôi có trở lại cao điểm H1, H 2 này, phía ta thì bỏ lại chiến trường xưa cỏ mọc um tùm, còn Cao điểm H1 Trung Quốc vẫn giữ, thậm chí còn gia cố chắc chắn thêm và có lính canh giữ.
P.V.Đ: Thế còn những chiến binh năm xưa, về vị Sư trưởng Trần Tất Thanh, ông ta có được phong anh hùng không ?
NVĐT: Sư trưởng Trần Tất Thanh sau được phong Trung tướng và đảm nhận trọng trách Tư lệnh Quân khu 2; đáng tiếc ông đã bị hy sinh trong một tại nạn máy thảm khốc tại Lào vào ngày 25/5/1998; cùng chịu tai nạn với ông là Đoàn tướng lĩnh cấp cao gồm 20 sĩ quan trong đó có Tổng tham mưu trưởng, Trung tướng Đào Trọng Lịch, 5 vị Đại tá cấp Cục, Vụ…Trong tại nạn này có một vị may mắn thoát nạn đó là Tư lệnh quân khu 4, ông có danh sách trong Đoàn nhưng ông ở lại không đi nên thoát. Ông này sau đó cũng lại bị tử nạn trong vụ tai nạn may bay ở Hòn Mê. 
Điều bí ẩn xót xa là: những người bị tử nạn trong đó nhiều sĩ quan từng là chiến binh chống bành trướng Trung Quốc ngoan cường, từ Tham mưu trưởng Đào Trọng Lịch, ông đang ngấp nghé vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến Tướng Trần Tất Thanh ? Còn tôi là người chứng kiến những trận đánh Hà Giang thì thấy phần lớn những đơn vị tham gia những trận ác chiến đều là lính Thanh Nghệ? Chả nhẽ vì thế mà Tư lệnh Quân khu IV bị oan gia vì hăng hái mộ nhiều quân đánh Trung Quốc?
P.V.Đ. Hội Nhà văn đang tổ chức Đại hội, được biết, nhà văn Đào Thắng được rất nhiều hội viên đề cử vào Ban chấp hành; riêng chủ Blog này cũng sẽ giành 1 phiếu bỏ cho anh và mong muốn vận đông các nhà văn, nhất là những người yêu mến trang Blog này sẽ bỏ phiếu ủng hộ nhà văn Đào Thắng. Xin hỏi, nếu anh được bầu vào Ban chấp hành, anh sẽ tích cực tham gia mảng công tác nào của Hội?
NVĐT: Vốn xuất thân là người lính và bao nhiêu năm đau đáu với các vấn đề tài chiến tranh và số phận của người lính, ví người lính gắn với số phận của dân tộc. Nếu được bầu vào Ban chấp hành, tôi sẽ tham gia Ban sáng tác của Hội để làm sao thúc đẩy, lôi kéo các nhà văn đầu tư cho mảng đề tài chiến tranh cách mạng, nhất là cuộc chiến tranh biên giới phía bắc hiện đang còn là mảng trắng.
Lịch sử từng ghi danh những Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Lý Thướng Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản, Lê Lợi, Trẫn Nguyên hãn, Nguyễn Trãi, Quang Trung .v.v. những danh nhân mà nếu không có họ không có giang sơn xã tắc của chúng ta bây giờ.
Mảng đề tài chiến tranh nhất là cuộc chiến tranh biên giới phía bắc bị bỏ quên lâu lắm rồi, nhất thiết phải viết, phải trả lại sự thật cho lịch sử đau thương và bi tráng của dân tộc…Tôi nghĩ đó là một việc rất lớn và Ban chấp hành Hội Nhà văn kỳ này nên tích cực bắt tay vào nhiệm vụ khó khăn này.
P.V.Đ: Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Đào Thắng và chúc anh thành công.
P.V.Đ
TRÍCH NGANG MỘT VÀI NÉT TIỂU SỬ VĂN CHƯƠNG CỦA NHÀ VĂN ĐÀO THẮNG:
-Sinh năm 1946, vào bộ đội từ 9/1965 trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Khu 4, Mặt trận đường 9, Quảng Trị, Trung Lào;
- Học viên Trường viết văn Nguyễn Du khóa 1;
- 2002 là Chánh văn phòng Hội Nhà văn VN hiện nay là chuyên viên Ban sáng tác Hội Nhà văn VN.
Tác phẩm đã xuất bản:
-Điểm cao thành phố-Tiểu thuyết năm 1982; Nước mắt -Tiểu thuyết 1991; Dòng sông mía-Tiểu thuyết 2004, tái bản 2004, 2005,2006; Đất xanh –Tiểu thuyết 2006; Dọc miền trung-Tiểu thuyết 208; Xứ sở Long- Tiểu thuyết 2010…
Các giải thưởng đã được nhận:
-Giải thưởng văn học đề tài Quốc phòng an ninh Hội Nhà văn Việt Nam 1991-1993; Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng ( 1989-1994 ) với tiểu thuyết Nước mắt; Giải thưởng Điện ảnh 5 năm Bộ Quốc phòng với các bộ phim: Thị xã yên tĩnh ( 1989 ), Nhịp sống mặt trận ( 1989 ), Chào nhé Apsara ( 1987 ); Giải A cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 2 của Hội Nhà văn Việt Nam ( 2003-2005 ) với tiểu thuyết Dòng sông mía…

Nguyễn văn Tuấn-- Con số và phát biểu của bộ trưởng

Nguyễn văn Tuấn-- Con số và phát biểu của bộ trưởng


Con số và phát biểu của bộ trưởng

Hôm qua, đọc bài “Một bộ máy 'ngốn' 77 sân vận động Mỹ Đình” tôi rất ngạc nhiên về con số ngân sách dành cho xoá đói giảm nghèo lên đến 120,000 tỉ đồng (tức 5.5 tỉ USD), và trong số này chỉ có 36% là thật sự đến tay người nghèo, và >63% dành cho “hành chính, sự nghiệp”. Nói cách khác cứ 1 đồng đến tay người nghèo thì 10 đồng chi cho hành chính, sự nghiệp. (Tác giả bài báo không ghi đường link gốc, nhưng tôi cũng tìm ra một cách dễ dàng).

Nhưng hôm nay thì có thông tin mới: theo một bạn am hiểu ngân sách VN, tổng dự chi cho xóa đói giảm nghèo năm 2014 là 6,242 tỉ đồng (tức ~ 300 triệu USD). Con số 300 triệu USD này xem ra có lí hơn con số 5.5 tỉ USD. Như vậy có lẽ nhà báo hiểu lầm đâu đó.

Nhưng tôi nghĩ vấn đề không phải nhà báo hiểu lầm, mà chính là bà bộ trưởng nói không rõ. Bài báo trên website đảng cộng sản trích lời bà bộ trưởng rằng “... từ năm 2011- 2013 nguồn lực dành cho hộ nghèo tăng lên khoảng 120 nghìn tỷ đồng/năm” (1). Câu này được nhà báo diễn giải thành “Quỹ xóa đói giảm nghèo của VN trong giai đoạn 2011-2013 đạt mức 120 nghìn tỷ đồng/năm (khoảng 5,5 tỷ USD)”. Như vậy, chữ “nguồn lực” được diễn giải là “quĩ”. Có lẽ đó chính là hiểu lầm.

Nói nhà báo hiểu lầm cũng được, nhưng tôi lại nghĩ chính bà bộ trưởng phát biểu không rõ ràng. Tại sao không định nghĩa hay giải thích chữ “nguồn lực” là gì? Nguồn lực bao gồm những gì? Mà có giải thích thì thú thật tôi nghĩ người dân cũng chẳng cần biết (vì đó là chuyện của “các anh”). Người dân cần biết rất đơn giản: bao nhiêu tiền đã chi cho những người dân nghèo, hay tính trung bình mỗi hộ nghèo nhận được bao nhiêu tiền?

Trên mặt báo, tôi thấy có rất nhiều cách viết không rõ ràng về con số phần trăm, nhiều đến nỗi chỉ biết lắc đầu bó tay. Trong trường hợp này thì lời nói rất rõ ràng về con số tuyệt đối, nhưng chữ “nguồn lực” thì lại mù mờ. Writing is thinking – suy nghĩ mù mờ thì phát biểu cũng mù mờ.

(1) Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=10045&cn_id=615620

14/3/13


Vì sao Hội đồng Giám mục góp ý Hiến pháp?

Cập nhật: 10:40 GMT - thứ hai, 4 tháng 3, 2013
Hình minh họa
Hội đồng Giám mục Việt Nam nói phải 'xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính trị nào'
Trong Bản nhận định và góp ý gửi tới Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hôm 01/03, Hội đồng Giám mục Việt Nam không chỉ bày tỏ bất đồng với Điều 4 mà còn mạnh dạn nêu lên những mâu thuẫn, bất hợp lý trong cơ cấu chính trị tại Việt Nam và những hậu quả mà những mâu thuẫn, phi lý ấy mang đến cho người dân và đất nước.
Có thể nói từ trước tới nay chưa bao giờ các Giám mục Việt Nam thẳng thắn, công khai và mạnh dạn lên tiếng như vậy.
Điểm ‘tử huyệt’ của chế độ
Bản nhận định, góp ý của các Giám mục Việt Nam đã nêu rõ rằng “trong Hiến pháp không nên và không thể khẳng định một cách tiên thiên sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phái chính trị nào, vì chủ thể của quyền bính chính trị chính là nhân dân”.
Và vì vậy, cần “xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính trị nào, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, do dân bầu ra và là đại diện đích thực của nhân dân, chứ không phải là công cụ của một đảng cầm quyền nào”.
Với những nhận định rõ ràng và dứt khoát như vậy, một cách gián tiếp Hội đồng Giám mục muốn loại bỏ Điều 4 khỏi Hiến Pháp dù trước đó năm ngày, Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cho rằng những ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 là suy thoái đạo đức, lối sống.
Ngoài việc dám thẳng thắn điểm vào ‘tử huyệt’ của đảng Cộng sản, Bản nhận định và góp ý của các Giám mục còn nêu lên nhiều mâu thuẫn, phi lý trong cơ cấu chính trị ở Việt Nam và những mâu thuẫn, bất hợp lý ấy được thể hiện ngay trong nội dung của Hiến pháp.
Theo nhận định của HĐGM, chính những mâu thuẫn và phi lý ấy là “lý do lớn, dẫn đến tình trạng trì trệ và chậm tiến của Việt Nam về nhiều mặt. Các Giám mục kêu gọi phải có những thay đổi căn bản về “quyền con người”, “quyền làm chủ của nhân dân”, và về việc “thi hành quyền bính chính trị”, trong lần sửa đổi Hiến pháp lần này.
Tiếng nói chính thức, mạnh mẽ
Có thể nói đây cũng là lần đầu tiên các Vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo Việt Nam công khai và mạnh mẽ lên tiếng về một việc hệ trọng của đất nước, dân tộc như vậy.
"Một cách gián tiếp Hội đồng Giám mục muốn loại bỏ Điều 4 khỏi Hiến Pháp dù trước đó năm ngày, Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cho rằng những ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 là suy thoái."
Vào năm 2002, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có Thư ngỏ gửi lãnh đạo các cơ quan lập pháp của Nhà nước Việt Nam. Trong Thư ngỏ đó các Giám mục Việt Nam đã nhận định rằng để “xây dựng và phát triển một xã hội nhân bản, một xã hội không làm què quặt và hủy hoại con người”, cần phải “xóa giảm những khuyết tật hiện hữu của xã hội”, như “cơ chế xin-cho” và “phát huy những giá trị nhân bản làm cho con người ngày càng trở nên người hơn, sống xứng với phẩm giá của mình hơn”.
Đó lần đầu tiên kể từ năm 1975, Giáo hội Công giáo mới công khai và mạnh dạn nêu những vấn nạn trong xã hội, đặc biệt là cơ chế xin-cho. Tuy vậy, so với những điều được nêu trong Bản nhận định, góp ý lần này, thì nội dung Thư ngỏ đó nhẹ nhàng hơn nhiều.
Trong thời gian qua có một vài Giám mục như Đức cha Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Vinh, ký vào các kiến nghị của các nhân sỹ, trí thức về các vấn đề liên quan đến tình hình đất nước. Mới đây, Đức cha Nguyễn Chí Linh, Giám mục Thanh Hóa và Đức cha Ngô Quang Kiệt, nguyên Tổng Giám mục Hà Nội, cũng ký vào ‘Kiến nghị 72’.
Vào tháng 5 năm 2012, Ủy Ban Công lý và Hòa bình thuộc HĐGM đưa ra một bản “Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay”, trong đó đề cập đến một số vấn đề nhức nhối, hệ trọng liên quan đến nền kinh tế Việt Nam, luật đất đai, môi trường xã hội, chủ quyền quốc gia, pháp luật, sinh thái, vai trò của trí thức, giáo dục y tế và tự do tôn giáo.
Sáu tháng sau đó cũng Ủy ban này đã có “Bản phúc trình về tình hình công lý, hòa bình và nhân quyền trong xã hội Việt Nam hiện nay”, trong đó nêu rõ những tệ nạn đang xảy ra tại Việt Nam. Sau vụ xử các thanh niên Công giáo và Tin Lành tại Nghệ An mới đây, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh cũng đã lên tiếng “phản đối bản án phi pháp và bất công”.
Nhưng có thế nói dù rất thẳng thắn, mạnh dạn, những tiếng nói, nhận định hay phúc trình ấy được làm tương đối đơn lẻ, ở cấp thấp và mang tính nội bộ. Chẳng hạn, Bản phúc trình của Ủy ban Công lý không được gửi cho lãnh đạo hay cơ quan nào của Việt Nam mà gửi cho các Giám mục trong HĐGM Việt Nam.
Còn Bản nhận định và góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này được Đức cha Nguyễn Văn Nhơn và Đức cha Hoàng Văn Đạt – Chủ tịch và Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam – nhân danh HĐGM VN gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Tại sao vào thời điểm này?
Giáo hội đưa ra những nhận định, góp ý như vậy lúc này vì cũng như bao người dân, nhân sỹ, trí thức khác, từ lâu giáo dân, linh mục, tu sỹ và các giám mục Việt Nam thấy rõ những bất cập, phi lý ở Việt Nam và cảm thấy đã đến lúc phải chính thức lên tiếng.
"Sau vụ xử các thanh niên Công giáo và Tin Lành tại Nghệ An mới đây, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh cũng đã lên tiếng “phản đối bản án phi pháp và bất công”."
Chẳng hạn, Bản phúc trình của Ủy ban Công lý và Hòa bình đã nêu cụ thể bảy vấn nạn – nếu không muốn nói là tệ nạn – đang xảy ra tại Việt Nam, trong đó tình trạng “xử án bất công”, “dùng bạo lực để giải quyết các tranh chấp dân sự” hay “tham nhũng thành quốc nạn”.
Có thể nói những nhận định, góp ý của Hội đồng Giám mục lần này là kết quả của những ưu tư, lo lắng mà các Giám mục đã có từ trước.
Một yếu tố quan trọng khác làm các Giám mục Việt Nam lên tiếng đó là các Ngài ý thức rằng việc sửa đổi Hiến pháp lần này là một việc hệ trọng và cũng là một cơ hội có một không hai giúp Việt Nam có những thay đổi quan trọng để qua đó đất nước thực sự tiến tới tự do, dân chủ, giàu mạnh.
Ngoài ra, trong thời gian vừa qua người dân cũng như nhiều nhân sỹ, trí thức đã mạnh dạn lên tiếng góp ý và muốn có những thay đổi căn bản, quan trọng trong việc sửa đổi Hiến pháp lần này.
Và vì “không hề thờ ơ với tình hình đất nước” và muốn “góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng một đất nước phát triển vững bền, dân chủ và nhân ái” như hai Bạn nhận định của Ủy ban Công lý và Hòa bình nêu rõ, Giáo hội không thể im lặng trước sự kiện quan trọng như vậy.
Chọn đồng hành với Dân tộc
Một điểm đáng lưu ý nữa là Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng gửi bản nhận định và góp ý đó đến “nhân dân cả nước”.
Và trong phần kết luận, các Giám mục đã nêu rõ mục đính chính của những nhận định, góp ý ấy là muốn “góp phần xây dựng Hiến pháp cho hợp lý và hợp lòng dân”, cũng như “ước mong mọi người dân Việt Nam tích cực góp phần vào việc điều chỉnh Hiến pháp, phục vụ sự phát triển toàn diện và bền vững của dân tộc Việt Nam”.
Có thể nói, qua những nhận định và góp ý ấy, HĐGM Việt Nam muốn chính thức và rõ ràng bày tỏ rằng Giáo hội luôn đồng hành với người dân, với Dân tộc Việt Nam, luôn đứng về phía người dân và với tư cách công dân của mình muốn góp tiếng nói, góp phần của mình để qua đó những quyền căn bản của người dân được tôn trọng, dân tộc Việt Nam được phát triển toàn diện, bền vững.
Cũng nên nhắc lại rằng năm 1980, các Giám mục Việt Nam đã ra một Thư chung kêu gọi con cái mình “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” hay “đồng hành với dân tộc”. Văn kiện này được xem như bản định hướng cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam sau biến cố 1975.
Nhưng kể từ đó, cụm từ “đồng hành với dân tộc” luôn được chính quyền Việt Nam dùng và thường được diễn giải theo hướng có lợi cho mình. Theo cách diễn giải đó, có lúc dân tộc được đồng hóa với đảng, với chế độ. Và như vậy, đồng hành với dân tộc cũng có nghĩa là đồng hành với đảng, với chế độ, hay ít ra không được đi ngược với đường lối, chủ trương, chính sách của đảng.
Qua Bản nhận định và góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này và với việc yêu cầu “xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính trị nào” trong Hiến pháp, Giáo hội muốn có một Hiến pháp thực sự là ‘của dân, do dân và vì dân’, chứ không phải một Hiến pháp của, do hay vì bất cứ một đảng phái chính trị nào.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một trí thức Công giáo hiện làm nghiên cứu tại Viện Global Policy, London.

Tổ quốc cao hơn Nhà nước và Chế độ


Tổ quốc, có thể hiểu là đất nước do tổ tiên để lại, chỉ nơi sinh thành tổ tiên dân tộc ta; sinh thành tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mỗi con người.
Tổ quốc Việt nam là cội nguồn chung của mọi người Việt nam từ hàng ngàn năm nay. Vì thế, dĩ nhiên Tổ quốc không thể mang một ý thức hệ tư tưởng nào cả.
Tên Tổ quốc chỉ giản dị cho biết đó là Tổ quốc của dân tộc nào, ai có nguồn cội từ đâu. Trong quá trình Toàn cầu hóa, Nhà nước có thể mất đi, nhưng Tổ quốc sẽ vẫn luôn tồn tại.

Cộng đồng công dân

Mỗi một dân tộc đều cố gắng giữ gìn Tổ quốc như một đặc điểm nhận dạng trong cộng đồng công dân của Thế giới tương lai.
Theo một cách sử dụng khác, tổ quốc còn được dùng để chỉ nơi xuất phát, xuất hiện, là cội nguồn của một cái gì đó. Chẳng hạn, Liên Xô trước đây có thể được gọi là tổ quốc của chủ nghĩa xã hội Xô Viết.
Chủ nghĩa xã hội - cả về lý thuyết lẫn thực tế - vốn không hình thành trên đất nước Việt nam.
Vì vậy nước ta cũng không thể được vinh dự mang tên tổ quốc Việt nam Xã hội Chủ nghĩa.
"Việt nam có nghĩa vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền; đó cũng chính là cam kết của Việt nam để được kết nạp vào WTO"
Trước đây, vẫn có quan niệm trái ngược và vì vậy cũng khác biệt kiến thức về Nhà nước giữa một bên là các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa (XHCN) cũ và các nước có Nhà nước pháp quyền.
Tuy nhiên, kể từ khi trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO, Việt nam có nghĩa vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền; đó cũng chính là cam kết của VN để được kết nạp vào WTO.
Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, về mặt lý luận, trước hết dựa vào lý thuyết ba thành tố. Theo đó, Nhà nước là một hình thái tổ chức xã hội gồm ba thành tố là lãnh thổ, dân tộc và quyền lực tối cao.
Ba thành tố này là những điều kiện cần và đủ làm nên một Nhà nước. Bản chất Nhà nước vì thế không thể mang tính giai cấp, không mang ý thức hệ tư tưởng. Nó là trung tính.
Trong một Nhà nước pháp quyền, mọi thành viên của Nhà nước (cá nhân, tổ chức, các cơ quan công quyền và Nhà nước) đều bình đẳng trước pháp luật.
Nguyên tắc cơ bản nhất này sẽ hoàn toàn mất giá trị khi Nhà nước được xác định là Nhà nước của (hay ưu tiên) một ý thức hệ nào đó, hoặc là Nhà nước không phải của mọi người mà là của (hay ưu đãi) một thành phần, một nhóm nào đó trong xã hội.
Pháp luật là một khái niệm tổng quát chung và trừu tượng. Người ta khó mà bình đẳng theo những tiêu chí trừu tượng.

Không nên nhầm lẫn

Hiến pháp chính là tập hợp một cách hệ thống những nguyên tắc, chuẩn mực căn bản nhất, khái quát nhất để xác định cụ thể Pháp luật mà tất cả thành viên trong một Nhà nước đều thượng tôn phải được hiểu như thế nào. Hiến pháp, vì thế, phải phân biệt rõ ràng Tổ quốc, Nhà nước, Chế độ.
Nhà nước phải là một thực thể chung của tất cả thành viên sống trong một lãnh thổ xác định.
Trong chúng ta, có người theo đạo Phật, người theo đạo Thiên Chúa, có người theo đạo Hồi, người khác theo đạo Hòa hảo, người này theo chủ nghĩa Cộng sản, người kia theo chủ nghĩa Tự do...
Một Nhà nước là của chung vì vậy cũng không thể là Nhà nước của một ý thức hệ hay là sự ưu đãi của một nhóm người, một giai cấp.
Đức có Tòa án Hiến pháp độc lập với chính quyền
Phù hợp với lý luận về Nhà nước và ý nghĩa thực tế của nó, theo truyền thống, tên Nhà nước của đa số quốc gia là thành viên WTO (nghĩa là các nước đã hoặc đang xây dựng Nhà nước pháp quyền theo chuẩn mực của WTO) đều chỉ gồm tên gọi quốc gia và các bổ ngữ (nếu có) làm rõ hơn:
- Về ai là người sử dụng quyền lực Nhà nước, chẳng hạn: Cộng hòa (Republic. vốn từ tiếng La tinh cổ "res publica" nghĩa là việc của chung) như nước Cộng hòa Pháp, hay đối lập với nó là Vương quốc (việc nước là của vua), như Vương quốc Anh.
Cũng có thể nói thêm về nguyên tắc căn bản sử dụng quyền lực là nguyên tắc dân chủ như "Cộng hòa dân chủ“ và:
- Về hình thức tổ chức một Nhà nước như một đơn vị hành chính tập quyền duy nhất hay liên bang, chẳng hạn nước Cộng hòa Liên bang Đức.
Người ta cũng thường nhầm lẫn Nhà nước với Chế độ và đồng hóa chúng thành một.
Chế độ là toàn bộ cấu trúc, hệ thống tổ chức (trong Nhà nước) để thực hiện quyền lực Nhà nước theo những hình thức và phương pháp cụ thể của người cầm quyền nhằm đạt mục tiêu xác định của người mình.
Chế độ, vì vậy, có thể mang bản chất giai cấp, mang tính ý thức hệ tư tưởng.
Tổ quốc Việt nam có từ hàng ngàn năm nay.
Nhà nước Việt nam xuất hiện kể từ khi vua Hùng dựng nước.
Chế độ xã hội chủ nghĩa có từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. Như vậy, để phù hợp với lý luận, với ý nghĩa thực tế và với truyền thống dân tộc và quốc tế, cần sửa Hiến pháp 1992, lấy lại tên nước là nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa.
Bài thể hiện quan điểm riêng của Tiến sỹ Nguyễn Văn Nam, Đại học Humboldt, CH LB Đức, người hiện hành nghề luật ở Sài Gòn.

15/2/13


Đi tìm nét đẹp văn hóa ứng xử


Mộ "khóc"!

Tác giả: KỲ DUYÊN

Trên võ đài mang tên Cuộc đời này, người sống, người đã khuất vẫn đang buồn bã và đau đớn theo dõi trận đấu giữa hai võ sĩ mang tên: Đạo lý và kim tiền.
Ai đó đã gọi thời đại này là thời đại kim tiền.
Thật ra, kim tiền khiến ai cũng phải mơ ước, từ nhà nghèo đến tỷ phú, có tôi, có anh, có chị, chúng ta, chúng tôi... Thuở xưa, kim tiền từng lên ngôi với bài đồng dao "bất hủ": Tiền là tiên là phật/ Là sức bật tuổi trẻ/ Là sức khỏe tuổi già/ Làm đà cho danh vọng/ Làm lọng của nịnh thần/ Làm cán cân công lý/ Tiền là...hết ý.
Nhưng khi kim tiền... "dấn thân" vào xã hội thì nó ngày càng hiện lên với tất cả cái ma quái, ngạo mạn và tàn nhẫn. Nó khiến con người ta vô cảm trước đạo lý. Biến tình yêu thành tàn độc. Chỉ vì lợi ích của nó- kim tiền.
Mộ cổ quật lên...
Câu chuyện mới xảy ra cách đây không lâu, tại tỉnh Quảng Nam, khiến người dân khối phố 8, phường An Sơn (TP Tam Kỳ, Quảng Ngãi) hết sức phẫn nộ: Đó là việc một nhóm người, mạo danh giấy tờ chính quyền ký, bới tung một ngôi mộ cổ được xác định gần 300 năm tuổi tại đây.
Nghi ngờ động cơ và việc làm vô nhân tính này, người dân báo cơ quan chức năng. Việc đào mộ cổ đã hoàn tất ở một ngôi, không rõ những gì trong ngôi mộ này đã được mang đi. Chỉ ngôi còn lại may mắn, thoát khỏi số phận.
Những dòng chữ cổ của ngôi mộ 300 tuổi. Ảnh Dân Trí.
Điều không bình thường là bà Nguyễn Thị Thắm, một trong số những người tham gia đào trộm ngôi mộ cổ khai nhận, được thuê với giá 35 triệu của một người họ Hoàng ở Huế, và có cả một giấy phép do ông Nguyễn Thọ Pha, Phó Chủ tịch UBND phường An Sơn cấp.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Người Lao động ngày 7/3/2012, ông Pha khẳng định phường không cấp giấy cho ai đào hai ngôi mộ cổ này. Vậy đâu là thực, hư?
Nhưng chắc chắn chuyện này là thực: ông Trương Đình Cang, Chủ tịch UBND phường An Sơn, TP Tam Kỳ, Quảng Nam thừa nhận- khi bà Nguyễn Thị Thắm đến xin phép "bằng miệng" việc di dời mộ phần, ông đã đồng ý mà không biết chính xác phần mộ nằm chỗ nào?
Ôi chao, liệu đó có phải là một cách làm việc tùy tiện, cẩu thả, vô trách nhiệm và quan liêu không? Hay vì còn lý do gì? Vì mộ phần đó nằm trong địa bàn ông quản lý cơ mà.
Sự tham lam, vô cảm lại gặp thói quan liêu, tùy tiện, và "dễ dãi vô lý" chắc chắn đó là mảnh đất mầu mỡ cho tội ác.
Và tội ác đã diễn ra, dù không có người chết. Nhưng tội xâm phạm mồ mả, mà đây là mộ cổ, theo Điều 186/Bộ Luật Hình sự quy định, thì vẫn là tội ác.
Điều không bình thường nữa, tiếng là đào mộ, bốc cốt, nhưng sau khi đã đào tung mộ, nhóm người này lấy những vật gì đó dưới mộ rồi vội vã bỏ đi, để lại những mảng xương vương vãi. Bốc cốt, mà vất lại xương, thì nên hiểu động cơ đào mộ cổ là gì đây?
Hiện tượng đào mộ cổ, trộm cổ vật không phải hiếm. Tại Trung Quốc, mới đây, cảnh sát TP Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) phát hiện một vụ đào mộ cổ độc đáo. Ngôi mộ cổ được phán đoán của giới quý tộc triều đại nhà Đông Chu, đã được xếp hạng di sản văn hóa.
Bất ngờ nhất, cảnh sát phát hiện, bọn trộm đã đào một đường hầm tinh vi hình chữ L, dài 700 mét chạy thẳng đến khu mộ. Trước đó, bên trên, chúng ngụy trang thuê nhà để làm dưa cải thảo muối. Khi vụ việc vỡ lở, đồ vật trong ngôi mộ cổ đã "lìa trần". Nghề chơi lắm công phu, thì nghề... trộm quả cũng lắm công phu.
Còn ở Tam Kỳ, điều người dân ở đây bất an nhất là cái kết không biết "có hậu" không? Vì vụ đào trộm mộ cổ đã được chuyển lên Công an TP.Tam Kỳ xử lý theo pháp luật. Nhưng cầm đầu nhóm tội phạm- bà Nguyễn Thị Thắm lại là... người thân của ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Trưởng Công an TP.Tam Kỳ kiêm Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP này.
Rõ là bà Thắm đang ta về ta tắm ao ta
Thế nên, nói như truyện cổ Tam Quốc Chí, mọi việc, xin để hồi sau sẽ rõ.
Mộ "kim"... lấp xuống?
Chuyện mộ cổ hồi kết chưa biết ra sao, mới đây, dư luận xã hội lại sững sờ, rồi ồn lên vì chuyện mới xảy ra tại "Hà Nội: Hàng trăm ngôi mộ bị vùi lấp trong đêm" ở khu dân cư Tứ Kỳ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Thủ phạm vụ này là Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế CT Việt Nam.
Có lẽ, dư âm của vụ việc 30 ngôi mộ bị vùi lấp trong bùn thải chỉ trong một đêm, tại nghĩa trang Đồng Chưa, phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội) bởi hơn 600m³ bùn thải từ các công trình xây dựng chưa tan, nên sự phẫn nộ trước tin này, khỏi phải nói. Hàng trăm bài báo, trang mạng lên án.
Cũng hiếm có vụ việc nào mà thông tin nọ "choảng" thông tin kia, rối mù như canh hẹ. Nếu hôm trước, hàng trăm ngôi mộ bị chôn. Thì hôm sau là tin chỉ có... một ngôi. Nếu hôm trước là 90 ngôi mộ mất tích, hôm sau đã lên 100. Nếu hôm trước là tin chôn mộ, thì hôm sau là tin không hề có.
Người đọc vừa căng thẳng theo dõi, vừa không hiểu ra ngô ra khoai. Rõ là báo chí thời ...kim tiền cũng có khác! Trăm tin đua nở. Trăm bài đua tiếng!
Nhưng dư luận xã hội có quyền đặt câu hỏi: Vì sao việc làm sai trái của Công ty CT diễn ra ngay trước mắt mà chính quyền phường không có phản ứng gì? Và đâu là sự thật?
Những ngôi mộ bị vùi trong đất cát?
Hỏi ra mới biết, công ty này đã năm lần bị phường lập biên bản do chưa giải phóng mặt bằng, đã san ủi mở một tuyến đường chạy từ ngoài tiến sâu vào trong, gần nghĩa trang. Nhưng phạt thì phạt, san lấp cứ san lấp. Hậu quả, dân chịu. 262 ngôi mộ của dân bị bùn, nước tràn ngập mộ, chỉ còn "nhìn thấy mỗi cái que cắm đánh dấu" gây tâm lý phẫn nộ.
Phải chăng, coi thường những quy định của pháp luật là "chuyện thường ngày" của Công ty CT? Phải chăng phường không đủ sức mạnh? Hay cũng còn bởi lý do khác?
Một việc nằm trong thẩm quyền của một phường, thuộc tầm chỉ đạo của quận mà đến mức, Thành ủy, UBND TP Hà Nội phải "nhảy vào", thì cũng nên xem lại cả năng lực và uy lực của cấp quản lý chính quyền cơ sở.
Được biết, mới đây, Công ty CT ngỏ lời xin lỗi 77 hộ dân có mộ nằm trong khu vực dự án.
Chủ tịch phường Hoàng Liệt cũng xin lỗi dân vì "thiếu trách nhiệm để xảy ra việc làm sai trái của chủ đầu tư". Biết xin lỗi dân là tốt. Nhưng sẽ tốt hơn, giá như ông Chủ tịch phường không thừa sự quan liêu và tâm lý thiếu "nhạy cảm" của người lãnh đạo trước nỗi đau của dân.
Hai cái xin lỗi cộng lại, liệu có ra được một cái sửa lỗi đầy đủ? Mọi việc, xin để hồi sau sẽ rõ!
Mộ "khóc"?
Cuộc sống có người tốt, người xấu. Có việc thiện, việc ác. Thế nhưng, có hai câu chuyện thuộc phạm trù "cái Ác" gần đây đã khiến xã hội sốc nặng. Vì nó nằm ngoài sức tưởng tượng về...đàn bà, đến mức người ta phải "tôn vinh" hai vụ án khủng khiếp này là kỳ án. Nó chính là sự suy đồi của đạo lý.
Chắc chắn, hai vụ án này sẽ được các nhà chuyên môn đưa vào giáo trình của Luật Hình sự, giáo trình Pháp y, và những nhà tâm lý học sẽ còn phải tốn giấy mực "giải mã" về tâm lý con người nói chung, đàn bà nói riêng, vì tính chất dã man và bi thảm của nó.
Đau đớn thay, đối tượng mà hai người đàn bà này "ra tay" lại là người chồng từng yêu thương nhất mực, từng đầu gối tay ấp với họ. Tình yêu, tự lúc nào đã biến thành sự tàn độc?
Đó là vụ bà Trần Thúy Liễu "đốt" chồng- nhà báo Hoàng Hùng, và bà Dư Kim Liên giết chồng- trung tá công an Trần Luân Chuyên, bằng cách tiêm và cho uống thuốc độc, thuốc sâu đến chết.
Nếu câu chuyện của bà Trần Thúy Liễu "đốt" chồng ngày càng sáng tỏ, bởi trước đó có quá nhiều nghi vấn, ẩn khuất, thì vụ bà Dư Kim Liên, ngành chức năng dễ dàng phát hiện.
Bà Dư Kim Liên không biết có nghiện đọc Thủy Hử, có nghiền ngẫm cách giết chồng của ả Phan Kim Liên với ông chồng Võ Đại, vì người tình Tây Môn Khánh không?
Chỉ biết cách giết chồng của Phan Kim Liên trong sách cổ xa xưa còn thua xa về ý chí và cả thủ đoạn, mẹo mực của Dư Kim Liên thời hiện đại.
Không chỉ pha thuốc độc vào sữa cho chồng uống, rồi tiêm thuốc độc, bà ta còn đổ cả chai thuốc trừ sâu cho chồng chết hẳn. Ghê gớm hơn, còn soạn cả kịch bản  "giả điên" hòng đánh lừa cơ quan chức năng.
Chao ơi là... lá gan đàn bà. Là đạo nghĩa vợ chồng!
Nhưng Trần Thúy Liễn và Dư Kim Liên giống nhau ở một điểm, họ đều có một "người tình" ma quái, quyến rũ họ không sức nào cản nổi, đưa họ trượt dài vào con đường mê muội, trượt dài vào tội ác- đó là cờ bạc!
Dù bà Trần Thúy Liễu còn có một người tình bằng xương bằng thịt, người "chia ngọt sẻ bùi" cùng bà trong những canh bạc ở Campuchia. Và giờ đây, khi bà bị bắt, thì người tình này đòi người tình Trần Thúy Liễu 150 triệu đồng.
Tiền bạc đã khiến anh đi đường anh, ả đi đường ả! Sự bạc bẽo lại được trả bằng sự... bạc bẽo? Tình ơi cay đắng bao nhiêu là tình
Cái gì sẽ biện minh và cứu rỗi cho tội ác man rợ của hai người đàn bà, vốn được coi là chân yếu tay mềm?
Người ta nói, chết là hết. Nhưng với nhà báo Hoàng Hùng, và ông Trần Luân Chuyên, ngay cả khi chết đi rồi, họ vẫn không nhắm nổi mắt.
Bởi trên võ đài mang tên Cuộc đời này, người sống, người đã khuất vẫn đang buồn bã và đau đớn theo dõi trận đấu giữa hai võ sĩ mang tên: Đạo lý và Kim tiền.
Võ sĩ Đạo lý gầy guộc, xanh xao. Võ sĩ Kim tiền tráng kiện, ngạo mạn.
Huỵch! Võ sĩ Đạo lý, trong nháy mắt đã bị sóng soài-  knock out trước cú ra đòn của võ sĩ Kim tiền. Liệu có gượng dậy được không, Đạo lý ơi?
Cả đấu trường như chết lặng đi. Chỉ thấy cánh tay Kim tiền giơ cao. Gương mặt dương dương đắc chí. Thật là vàng, và thật là... chói lóa
Ở đâu đó, dưới đất cát, những nấm mộ đang "khóc"
Và nước mắt người đời, chảy ngược vào trong!