12/11/11

Vinashin chạy đằng trời không thoát!=Thằng dân đen chạy xuống đất cũng không thoát

Nguyễn Ngọc Già

Trong bài viết cảnh báo "Vinashin dám khiêu khích các chủ nợ?" (1) cách đây gần một năm về trước, tôi đã lên tiếng cùng với đề xuất của tác giả Nguyễn Vạn Phú và tác giả Giang Lê để cung cấp cho bạn đọc thêm một góc nhìn về kiến thức quản lý kinh tế rất kém của những người phải chịu trách nhiệm trực tiếp về Vinashin cùng thói gian manh, xảo trá, bội tín, chây ì của người Cộng sản. Tuy vậy những ý kiến thẳng thắn, thiện chí trong vụ Vinashin cũng bị bỏ ngoài tai như nhiều sự việc kinh tế bị đổ bể trầm trọng trong hàng chục năm qua. Nay, hung tin chủ nợ đã đệ đơn kiện chính thức được loan tải trong những ngày cuối năm 2011 - một năm kinh tế đen tối nhất trong 15 năm qua, đã quá đủ (cho những ai còn mê muội với chế độ CS) để kết luận người CSVN không bao giờ biết phục thiện, ăn năn... hay một cái gì đó thuộc về lương tri và đạo đức làm người. Không quá đáng khi tôi gọi họ là những tên lưu manh mạt hạng.
Thưa thật, tôi không định quay trở lại đề tài "Vinashin - sự ngu dốt & lưu manh tận cùng của CSVN" (xin lỗi Dân Luận và toàn bộ các độc giả, vì tôi quá ức cho tôi, cho người dân VN đang ở trong nước, bởi lẽ chắc chắn, những người dân cô đơn, trơ trọi, lẻ loi và yếu đuối tại đất nước bi thương này, sẽ tiếp tục đưa đầu ra gánh cái món nợ khốn nạn của bọn bất lương mang danh nghĩa "kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo"). Tôi sẽ nói ngay để mọi người nhận thấy, không dễ để Vinashin phá sản như bài viết mới đây của Giang Lê hay của Nicecowboy.
Kính mời mọi người cùng xem lại Nghị định 134/2005/NĐ - CP (2) quản lý vay và trả nợ nước ngoài như sau:
Điều 4. Nội dung và nguyên tắc quản l‎ý
1. Chính phủ thống nhất quản lý toàn diện nợ nước ngoài của quốc gia, từ việc huy động, tiếp nhận, phân bổ sử dụng, quản lý, theo dõi và giám sát bằng các công cụ sau:
a) Chiến lược nợ dài hạn, Chương trình quản lý nợ trung hạn và Kế hoạch hàng năm về vay, trả nợ nước ngoài của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Các chính sách, chế độ phù hợp và phân công trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định tại Quy chế này.
Xin nhấn mạnh, Chính phủ THỐNG NHẤT QUẢN LÝ TOÀN DIỆN NỢ NƯỚC NGOÀI CỦA QUỐC GIA. Vậy "Nợ nước ngoài của quốc gia là gì"? Xin thưa, tại khoản 8 điều 2 cho biết:
Nợ nước ngoài của quốc gia: là số dư của mọi nghĩa vụ nợ hiện hành (không bao gồm nghĩa vụ nợ dự phòng) về trả gốc và lãi tại một thời điểm của các khoản vay nước ngoài của Việt Nam.Nợ nước ngoài của quốc gia bao gồm nợ nước ngoài của khu vực công và nợ nước ngoài của khu vực tư nhân.
Thật không dễ như lời khuyên của:
- Tác giả Giang Lê: "Vinashin nên phá sản", hay
- Tác giả Nicecowboy cho rằng: Chính phủ không dính líu và chẳng chịu trách nhiệm trả nợ thay cho Vinashin, ảnh hưởng nếu có sẽ đánh vào tương lai của các doanh nghiệp khác khi phải chịu chi phí giá vốn cao hơn nhiều và sẽ vất vả để đi tìm nguồn vốn khi mà uy tín làm ăn của Việt Nam tụt dốc thảm hại sau "trận sóng thần Vinashin" và đó là bài học đau đớn nhưng đắt giá cho người CS tỉnh ngộ mà thay đổi cách làm ăn tùy tiện, tham lam, vô trách nhiệm với nhân dân.
Trước hết, cho đến nay điều quan trọng nhất: TỔNG NỢ THỰC & CƠ CẤU NỢ của Vinashin vẫn hoàn toàn trong vòng bí mật mà không một ai ngoại trừ những nhân vật quan trọng và dính trực tiếp vào Vinashin biết được. Cứ hình dung TỔNG NỢ & CƠ CẤU NỢ của Vinashin như một vòng tròn, trong đó khoản nợ mà Elliott VIN (Hà Lan) kiện chỉ chiếm một góc nào đó như BBC thông tin: "Được biết hồi tháng Sáu lúc đầu Elliott đã mời các chủ nợ khác để tham gia kế hoạch kiện Vinashin tại London nhưng sau đó đổi ý để đơn phương khởi kiện, một bước được xem là động thái không muốn chia tiền với các chủ nợ khác nếu thắng kiện theo phán quyết của tòa tại Anh". Theo đó, khả năng thắng kiện của Elliott rất lớn và chắc chắn họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng từng chân tơ kẽ tóc của vụ kiện.
Mặt khác, theo Nicecowboy, vì Chính phủ VN không có Thư Bảo Lãnh (Letter of Guaranty) mà chỉ có Thư Hậu Thuẫn (Letter of Comfort), thì cũng không thể nào né tránh trước Tòa án London về điều 4 NĐ 134/2005/NĐ - CP do tự soạn thảo và phê chuẩn. Chính phủ hợp pháp hẳn hòi CỦA VIỆT NAM không thể nào phủi tay trách nhiệm đối với Vinashin trước tòa London khi đã xác quyết như đinh đóng cột:
- Kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
Chính phủ thống nhất quản lý toàn diện nợ nước ngoài của quốc gia, từ việc huy động, tiếp nhận, phân bổ sử dụng, quản lý, theo dõi và giám sát.
Có lẽ Nicecowboy và Giang Lê phân tích dưới giác độ đang đứng trong nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, không phải "Kinh tế thị trường định hướng XHCN" của VN. Đã đến lúc chính người CSVN làm tanh bành té bẹ cái "định hướng quái quỷ", nói theo dân gian cái "định hướng XHCN" rõ là "người không ra người, ngợm không ra ngợm". Bạn đọc hãy xem thêm tại điều 28, 29 của Nghị định 134 mới thấy toàn bộ nghị định này chồng chéo, mâu thuẫn, điều này đá điều kia đầy dẫy trong nghị định, thế mà Phan Văn Khải vẫn ký và ban hành. Đối với Quốc tế phần nguyên tắc, quy định chung, giải thích thuật ngữ, từ ngữ là khung sườn tiên quyết cho luật lệ (kể cả các loại hợp đồng).
Điều càng nguy khốn, nếu nghe theo lời tư vấn (BBC dẫn lời) rằng: "Trở lại bài báo trên debtwire.com, bài này nhận định trong trường hợp Elliott kiện, Vinashin sẽ không có nhiều lựa chọn ngoài việc nộp đơn xin bảo hộ theo luật Việt Nam hoặc tìm kiếm sự công nhận từ tòa án quốc tế".
Bảo hộ theo Luật Việt Nam ư? Xin bảo hộ là một chuyện, tòa đồng ý hay không lại là chuyện phải xem xét, ngoài ra nếu tạm cho rằng được bảo hộ theo luật VN, thì một trong các viện dẫn theo luật VN sẽ là NĐ 134, đặc biệt không thể thoát khỏi Hiệp định thương mại WTO mà VN đã cam kết tuân thủ khi gia nhập vào tổ chức này, rằng: Những bộ luật nào của VN vênh so với Luật quốc tế thì áp dụng theo luật quốc tế.
"Tìm kiếm sự công nhận từ tòa án quốc tế" ư?. Càng chết, chết không chỉ từ cam kết tuân thủ luật quốc tế khi gia nhập vào WTO mà còn vì chúng ta nhớ lại, Việt kiều Hà Lan Trịnh Vĩnh Bình (lưu ý khi ông Bình kiện là lúc VN đang sửa soạn vào WTO, huống chi bây giờ) đã từng đệ đơn lên tòa quốc tế (3) và đã hầu như thắng kiện, nhưng sau đó phiên tòa hoãn lại vì CSVN đã dàn xếp bên lề để đền bù thỏa đáng cho ông Bình, lên đến con số nhiều triệu đô la (hơn nhiều lần số tiền mà ông bị CSVN cướp đoạt). Vụ việc chìm vào quên lãng cho đến nay, không hề có thông tin chính thức ông Bình đã nhận bao nhiêu tiền (thông tin bên lề gần cả trăm triệu Mỹ kim). Tất nhiên thông lệ quốc tế, khi hai bên dàn xếp được thì hủy kiện và phải giữ kín bí mật thỏa thuận vô thời hạn (hay có thời hạn nhiều chục năm sau mới được tiết lộ).
Sau nữa, dù có muốn, CSVN cũng không bao giờ dám để Vinashin phá sản theo trường hợp tốt nhất mà Giang Lê và Nicecowboy phân tích bởi lẽ:
- Khi Vinashin phá sản, đó chính là con cờ domino đầu tiên của hiệu ứng sụp đổ hàng loạt mà CSVN đang rất run sợ trước EVN, PVN, TKV, cho đến hàng loạt ngân hàng quốc doanh đang dính chùm trong nợ Vinashin nói riêng và nợ hầm bà lằng từ EVN, PVN, TKV... nói chung.
- Không chỉ Vinashin phá sản mà những nơi khác như Vinalines, PVN - những nơi tiếp nhận nợ theo cái gọi là "tái cơ cấu" vội vàng từ Vinashin cùng hơn 20 công ty có mặt với tư cách bị đơn trong đơn kiện sẽ sụp đổ hàng loạt. Điều nghiêm trọng không chỉ dừng lại ở đó nếu chúng ta nghĩ về vấn đề "xiết nợ". Các bất động sản của Vinashin, Vinalines, PVN, 20 công ty con rải rác trên toàn lãnh thổ VN là ĐẤT ĐAI mới quan trọng và còn có ý nghĩa (dù BĐS đang ở đáy của thị trường). Ai dám cam đoan những mảnh đất rải rác trên toàn cõi Việt Nam có thể lên đến hàng chục ngàn hecta (nếu đã nói thuộc về Vianshin và các doanh nghiệp khác) không bị phong tỏa để trừ nợ? Chắc hẳn chủ nợ chẳng thèm quan tâm đến đống sắt hoen rỉ?! (như tàu Hoa Sen chẳng hạn, dù nó được mua với giá nhiều triệu đô). Chính phủ xen vào được không khi đã ráo hoảnh tuyên bố phủi tay trước món nợ của Vinashin? Thử hỏi CP làm sao can ngăn quá trình tịch biên BĐS để trừ nợ???
- Một khi Chính phủ phủi tay món nợ, nghĩa là nợ của Vinashin và các doanh nghiệp khác thì tài sản cá nhân của hàng chục vị dính líu trong vụ án Vinashin có thoát không? Cứ tính sơ sơ mỗi vị có vài căn biệt thự ở SG, Hà Nội và kể cả tại Mỹ, Anh, Úc... Chưa kể các loại khác: cổ phiếu, đô la, kim loại quý, đá quý có thể đang ở đâu đó trong ngân hàng Thụy Sĩ chăng? Có thể ngày xưa, người ta xiết đến cái quần "xà lỏn", nhưng ngày nay chẳng ai "tàn ác" đến thế, có thể sẽ chừa lại cho mỗi vị một căn nhà để ở chứ không đến nỗi cạn tàu ráo máng như trong tác phẩm "Từ bỏ thế giới vàng" (4) nhân vật chính đã phải ra đi đúng nghĩa hai bàn tay trắng vì chẳng hiểu cái quái gì về kinh doanh mà ngạo mạn và ngu ngốc!
Còn nhiều hệ lụy thảm hại khác mà "bọn cướp ngày" sẽ không bao giờ dám để Vianshin phá sản và cũng chẳng bao giờ chúng dám phủi tay trước món nợ của Vinashin, ví dụ như Phạm Thanh Bình và hàng chục tên đang xộ khám uất ức, khi biết đồng bọn phủi tay trước nợ nần, hắn và bọn đang nằm khám sẽ tung hê toàn bộ các khoản ăn chia, lại quả, bôi trơn từ cấp cao nhất trong Bộ Chính trị, ngay cả Nguyễn Tấn Dũng (mà vụ in tiền polyner vẫn là nguy cơ đang rập rình làm bọn cướp ngày chưa chắc đã ăn ngon ngủ yên trong những ngày này). Tôi cam đoan không bao giờ chúng dám để cho Vinashin phá sản.
Ôi! Dân Việt, những con cừu tội nghiệp - chúng ta!!!
Cuối cùng, người dân trong nước sẽ vẫn phải trả nợ thay cho "bọn cướp ngày" bằng tiền thuế của từng người dân. Biết đâu, đây lại là thời cơ thuận lợi cho người dân vùng lên để:
"nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước"?
Nguyễn Ngọc Già

Chúng ta đang xẻ thịt Tổ Quốc mình để sống

Cách đây vài ba năm, báo chí đưa tin làm tôi giật mình: Đến năm 2012, Việt Nam phải nhập than đá! Thế mà đến năm 2011, nước ta đã phải nhập hàng nghìn tấn than đá từ nước ngoài. Ai cũng lo, ai cũng bức xúc. Ôi thuở ấu thơ tôi được các thầy dạy: ”Việt Nam ta rừng vàng biển bạc”. Bây giờ thì sắp cạn rồi sao? Nhìn lại đối mới từ năm 1986 đến nay, một thực trạng đau lòng đang diễn ra khắp nơi: Chúng ta đã khai thác, buôn bán tài nguyên quốc gia một cách ồ ạt, vô tội vạ. Dường như thu nhập GDP đất nước đều do buôn bán tài nguyên mà có, còn hàng hoá sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao chiếm tỷ lệ không đáng kể. Nghĩa là từ “đổi mới” đến nay, chúng ta đang sống nhờ bán tài nguyên, chứ chẳng làm được thương hiệu gì bền vững có tầm cỡ thế giới cả. Nhìn qua Hồng Kông, Ma Cao, Singapore, Nhật Bản… mà thương cho đất nước mình. Người ta chẳng có nhiều tài nguyên khoáng sản, sao người ta giàu thế. Còn mình bán tài nguyên mà ăn, rồi con cháu vài thế hệ sau ăn không khí à?
Tài nguyên quốc gia do mồ hôi xương máu bao đời giành được gồm: trời, đất, núi, nước, rừng, biển, khoáng sản và môi trường. Trong hoà bình xây dựng 30 năm nay, do ấu trĩ trong nhận thức và non kém về quản lý, chúng ta tiếp tục tàn phá tài nguyên dữ dội hơn, nặng nề hơn. Hình thế núi sông Việt Nam đang thấy đổi từng ngày, đang bị cày xới nham nhở!
20 năm qua có rất nhiều “phong trào” bán tài nguyên để “làm ngân sách” xảy ra rầm rộ. Như khai thác gỗ rừng để xuất khẩu ồ ạt. Quốc doanh khai thác xuất khẩu, “hợp tác xã” khác thác xuất khẩu, tư nhân núp bóng nhà nước khai thác, xuất khẩu… Gỗ cứ kìn kìn từ rừng miền Trung, rừng Tây Nguyên đổ về các cảng biển. Các đầu nậu gỗ, những người cấp phép khai thác gỗ, cấp quota xuất khẩu gỗ giàu lên từng ngày một. Đến khi “ngộ ra”, ban hành lệnh cấm, thì rừng đã bị “ “bán ăn” gần hết. Thế là lại phải “làm dự án” trồng 5 triệu hec-ta rừng gần chục năm nay vẫn không thành .
Hết rừng rồi thì bán đất rừng. Hơn 300.000 héc ta rừng đầu nguồn đã bị các tỉnh bán cho doanh nhân Trung Quốc khai thác 50 năm. Nghĩa là 50 năm năm , chúng muốn biến mảnh đất rừng đó thành căn cứ quân sự, lô cốt, hầm ngầm.v.v… là quyền của họ. Hết nước rồi non nước ơi !
Bán hết rừng đến bán khoáng sản dầu thô, than đá, cát, quặng ti-tan, quang a-pa-tít, quặng vàng… Nghe thông tin báo chí về việc xuất khẩu than lậu ở Quảng Ninh mà choáng váng. Trữ lượng than của ta ở Quảng Ninh có được bao lăm mà hô hào thành tích “khai thác và xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước”?; rồi quản lý yếu kém để cho hàng trăm công ty “ma” xuất khẩu than lậu một lúc hàng trăm tàu. Sao coi tài nguyên quốc gia “như vỏ hến” vậy?
Người bán gỗ, bán than, thì có kẻ lại bán núi, bán đất ruộng làm giàu. Xem ra bán núi bán đất dễ giàu có hơn. Trong những chuyến đi thực tế ở vùng Đông Bác hay Thanh Hóa, Ninh Bình…, tôi thấy nhiều ngọn núi bị san bằng trơ trọi, để khai thác đá sản xuất xi măng, đá xây dựng. Bây giờ tỉnh nào cũng hai ba nhà máy xi măng, hàng chục công trường khái thác đá hàng ngày ra sức san phá núi. Có tỉnh bán luôn cả ngọn núi cho nước ngoài làm xi măng, không chỉ bán phần dương mà còn bán cả phần âm tới 30 mét sâu, nghĩa là 50 năm sau, núi thành hồ! Hình sông thế núi Việt Nam ngàn đời hũng vĩ, bây giờ đang bị xẻ thịt nham nhở. Liệu con cháu tương lai sẽ sống như thế nào, có còn hình dung ra nước non Việt tươi đẹp xưa nữa không, khi mà quanh chúng núi non bị gậm nhấm, thân thể Tổ Quốc ghẻ lở, xác xơ? Tài nguyên của mình, nước ngoài đến khai thác rồi chế biến thành sản phẩm xuất khẩu của họ, trong lúc hình hài non sông bị xâm hại. “Bán núi” để ăn như thế có đau núi quá không?
“Bán đất” mới là cuộc tỉ thí với tương lai khủng khiếp nhất. Tỉnh nào cũng có vài ba Khu công nghiêp, nhưng chẳng làm ra sản phẩm xuất khẩu nào có thương hiệu cả vì máy móc lạc hậu, bán trong nước cũng chẳng ai mua. Tỉnh nào cũng có ba bốm sân golf. Rồi dự án mở rộng đô thị lên gấp đôi gấp ba, dự án khu biệt thư,… đang làm cho đất nông nghiệp, đất trồng lúa trong cả nước, đất trồng cây ăn trái ở Nam Bộ đang thu hẹp với tốc độ chóng mặt. mỗi năm có từ 73.000 - 120.000 ha đất nông nghiệp bị thu hồi, bịu chuyển đổi. Mở rộng đô thị thì đất ruộng thành đất thành phố, bán với giá cao hơn. Đua nhau mà ăn chia, lấn chiếm, đẩy nông dân ra khởi mảnh đất ngàn đời sinh sống của họ. Thế là khẩu hiệu của Cộng Sản “dân cày có ruộng” thành trò đùa lịch sử.
Vì mục tiêu tăng GDP, tăng thu ngân sách , các tỉnh đang thi nhau bán đất nông nghiệp một cách vô tội vạ . Mất đất, chỉ nông dân và nhà nước là thua thiệt. Ruộng mình đó, đất mình đó, bỗng nhiên bị mất trắng tay . Tiền đền bù giá bèo không đủ mua đất mới để xây nhà, nói chi đến làm ăn sinh sống
Hết bán rừng, than, ti-tan, đá, người ta con bán cả bo-xit Tây Nguyên, thứ mà cách đây mấy chục năm, khối Comicom (Khối kinh tế các nước XHCN) đã ngăn không cho khai thác, họ sợ làm hư hỏng môi trường và văn hóa Tây Nguyên. Nhưng bây giờ thì bất cần tương lai Tây Nguyên , bất cần hàng ngàn trí thức tâm huyết với đất nước kịch liệt phản đối, họ vẫn khai thác. Nhưng, bọn người được quyền đầu tư khai thác ấy lại là bọn giặc truyền kiếp phương Bắc ngàn đời của Dân tộc ta mới đau, mới lo chứ.Chúng thâm hiểm lắm, người ơi. Chúng mang hàng ngàn người (dân binh ?) vào Tây Nguyên, với kế hoạch làm chủ tây Nguyên của Việt nam. Các nhà chiến lược quân sự thường nói: ”Ai làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ Đông Dương”. Chao ôi, từ việc bán tài nguyên đến “bán nước” chỉ còn một khoảng cách mong manh như sợi chỉ!
Nước là loại tài nguyên quý giá cũng đang bị xâm hại nghiêm trọng. Hiện nay tất cả các con sông đều “đang chết dần” vì ô nhiễm do chất thải công nghiệp, bệnh viện chưa qua xử lý đều thải trực tiếp ra sông. Mạch nước ngầm đang xuống thấp chưa từng có do khai vô tội vạ. Rồi “phong trào” phát triển thuỷ điện tùm lum làm cho mực nước ở đồng bằng giảm xuống. Đến cả sông Hồng cũng cạn trơ đi bộ qua được. Có tỉnh làm đến hàng chục nhà máy thuỷ điện. Được điện thì mất lúa vì đất đai khô cằn không có nước tưới, bị sa mạc hoá không trồng lúa, trồng màu được. Muốn phát điện thì mực nước tích ở hồ phải cao hơn mực nước chết. Ví dụ Hồ thuỷ điện Hoà Bình bình thường mực nước cao 115 mét. Mực nước chết cao 80 mét. Nghĩa là để có điện, phải tích nước cao hơn 80 mét. Cái lượng “nước chết” cao 80 mét ấy chứa hàng tỷ mét khối không thể đổ về những cánh đồng lúa được, thì ruộng khô hạn là phải ! Mùa lũ, nhà máy điện xả lũ để bảo vệ đập, thế là không chỉ xóm làng mà cả xá cũng ngập chìm trong nước. Làm thủy điện vô tội vạ cũng là một cách “ăn tài nguyên nước” qua dự án đầu tư. Không “ăn” dự án thì các quan huyện, quan tỉnh, quan trung ương tiền đâu mà làm nhà lầu, mua xe hơi, sống cuộc sống giàu sang phú quý, cho con đi học các trường nổi tiêngs thế giới như Ha-vớt, Sóc-bon ?
Chúng tôi khẩn thiết đề nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương phải có một chiến lược khai thác tài nguyên lâu dài và chỉ đạo thực hiện thật quyết liệt mới mong không bắn đại bác vào tương lai. Chúng tôi đề nghị:
– Kiểm kê lại tài nguyên đất nước để có kế hoạch bảo vệ. Quy hoạch chi tiết ngay các vùng đất nông nghiệp lâu dài, vùng núi non hung vĩ, và cấm tiệt việc khai thác bừa bãi.
– Phải dừng ngay các dự án khai thác Bo-xít Tây Nguyên vì với sự án này, người Trung Quốc không cần bo-xít, cái mà họ cần là địa bàn Tây Nguyên, đó là điều mà nhiều trí thức lớn đã phân tích, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã có thư cảnh báo. Phải thu hồi các diện tích đất rừng bị bán cho nước ngoài, dù phải bồi thường hợp đồng, vì chúng đang đe dọa đến vận mạng, sự sống còn của đất nước.
- Hạn chế tối đa, kiểm tra chặt chẽ các dự án đầu tư FDI vào lĩnh vực khai thác tài nguyên (như xi măng, quặng ti tan, và các loại khoáng vật khác), khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao như công nghệ thông tin, sản xuất hàng tiêu dùng. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để làm giàu cho đất nước. Chúng ta phải hướng nền kinh tế theo cách làm của Nhật Bản, Singapor, Hồng Kong, những nước ít tài nguyên nhưng biết cách làm giàu bằng trí tuệ.
Ôi, giá mà tiếng kêu của tôi đến được tai những người đang cầm vận mệnh đất nước trong tay.
N.M

Để tưởng nhớ đến 2 người tài: Hữu Loan và Phạm Công Thiện

Ngày cuối tuần đọc báo mạng chợt gặp vài “cố nhân”. Tờ báo Nhịp cầu thế giới vừa giới thiệu bài viết về ngày giỗ của thi sĩ Hữu Loan, và có kèm theo hình của Văn Khoa. Bài viết nhắc đến những folklore cực kì thú vị về thi sĩ. Tôi phục ông thi sĩ này ... sát đất. Tôi nói cố nhân là vì người làm tờ NCTG và Văn Khoa đều là những người tôi từng quen biết cũng cả 15 năm qua. Tin thứ hai là triết gia Phạm Công Thiện qua đời. so với bản tin trên SGTT, bài báo trên Người Việt nói rõ hơn về thân thế và sự nghiệp Phạm Công Thiện, nên tôi lấy về đây để các bạn trẻ nào chưa nghe đến ông biết qua về một người trí thức rất đặc biệt. Từ những năm trước 1975 tôi ngưỡng mộ Phạm Công Thiện như là một đàn anh [tuổi trẻ +] tài cao. Mới độ 20 tuổi mà ông đã có sáng tác triết học. Thú thật, lúc đó tôi đọc tác phẩm của ông mà chẳng hiểu gì cả, phải nhờ đến các bạn hay chữ mới hiểu lõm bõm. Sau này tôi có một bộ sưu tập những tác phẩm phê bình văn học và triết học của ông.  Nay thấy ông ra đi nên ghi lại vài dòng để làm kỉ niệm. NVT

Nhân giỗ đầu thi sĩ Hữu Loan: NHÂN CÁCH CỦA MỘT KẺ SĨ
Giỗ đầu nhà thơ Hữu Loan đã được tổ chức tại quê nhà Nga Sơn - Thanh Hóa của ông vào ngày 2-2 năm Tân Mão, tức Chủ nhật 6-3-2011 trong phạm vi gia đình và một số thân hữu thân thiết của ông lúc sinh thời.
Có mặt trong buổi giỗ, kỹ sư Lê Văn Chính - một cây bút rất tâm huyết và quen thuộc với độc giả NCTG với bút danh Văn Khoa, đồng thời cũng là một doanh nhân có tinh thần dân tộc và yêu văn hóa, được biết đến với thương vụmua bản quyền bài thơ “Màu tím hoa sim” với giá 100 triệu đồng vào cuối năm 2004 - cho biết: ngôi mộ của cố thi sĩ đơn sơ và giản dị đến mức bất ngờ, có lẽ vì gia đình ông còn định cải táng cho ông.

Trong bữa trưa ngày Chủ nhật, mọi người đến dự giỗ đầu Hữu Loan đã có dịp nghe nhà văn Hoàng Tiến đọc bài viết mới nhất về Hữu Loan với những nhận xét và thông tin rất đặc sắc. Về mặt thi ca, Hoàng Tiến nhận xét Hữu Loan thuộc hàng các nhà thơ sáng tác không nhiều - vỏn vẹn cả đời mới in một tập thơ với dung lượng hơn chục bài thơ - nhưng một số tác phẩm được truyền tụng và đã trở thành bất tử, như “Màu tím hoa sim”, “Đèo Cả”, “Hoa lúa”…

Điều khiến Hữu Loan được đánh giá là một nhà thơ lớn là ở chỗ theo Hoàng Tiến, ông đã đáp ứng được hai tiêu chuẩn: một là có nội dung tư tưởng chứa đựng những cảm xúc thời đại, hai là có phương thức biểu cảm mới lạ. Hoàng Tiến chứng tỏ nhận xét ấy thông qua bài “Đèo Cả”, khởi đầu được tác giả viết bằng lục bát, rồi không ưng, bỏ đi và chuyển sang thể thơ xuống hàng và trên phương diện này, Hữu Loan đã có những cách tân rất sớm, từ năm 1946-1949 (trước Trần Dần nhiều năm).

Tuy nhiên, nhắc đến Hữu Loan, hậu thế nghĩ ngay đến một kẻ sĩ suốt đời giữ được cốt cách của bậc quân tử “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu sang không cám dỗ, nghèo khó chẳng chuyển lay, uy vũ không khuất phục). Hoàng Tiến nhắc lại: cố thi sĩ tự ví mình như cây gỗ vuông chành chạnh, không để cho ai đẽo gọt tròn trịa có thể lăn đi bất cứ chỗ nào.

Bài viết của Hoàng Tiến nhắc lại những mẩu chuyện thú vị khi Hữu Loan “tái xuất” trở ra Hà Nội sau gần 40 năm ở Nga Sơn làm ruộng và thồ đá nuôi con. Được biết, khi ra Hà Nội vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước, thi sĩ phải tá túc ở căn hầm là nhà ở của nhà thơ Tú Sót ở 64 Bà Triệu. Căn hầm chật chội luôn phải bật đèn vì thiếu ánh sáng, nhưng nườm nượp người qua lại vì rất nhiều người muốn biết mặt nhà thơ Hữu Loan.

Theo lời Hoàng Tiến, một buổi, trong bữa rượu lạc thanh bần, Hữu Loan bỗng hỏi: “Truyện Kiều” có thằng bán tơ thật không?”. Mọi người ngớ ra. Cái tai nạn của cuộc đời Kiều, khởi nguyên là ở thằng bán tơ: “Phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ” (câu 588). Rồi Hữu Loan hỏi tiếp: “Kiều lấy Từ Hải, hùng cứ một phương trời, có cảnh báo ân báo oán làm hả hê cuộc đời Kiều. Cảnh báo oán trừng phạt đầy đủ những người đã gây tai họa cho Kiều. Nhưng không thấy thằng bán tơ. Thế là sao?”.

Ngừng một lúc, nhấc chén rượu lên môi, rồi lại đặt xuống và sau một khoảng im lặng đủ để mọi người suy nghĩ, ông mới nhẹ nhàng lý giải: “Tôi bị cái họa Nhân văn – Giai phẩm, bị vu cho là phản động, lật đổ chính quyền, về Nga Sơn nằm dài, nhân đọc lại Kiều, mới thấy cụ Nguyễn Du nhà ta thánh thật. Thằng bán tơ là nhân vật bịa ra, nhân vật vu khống, không có thật, thì làm sao mang nó ra xét xử được. 

Cụ Nguyễn Du giả vờ quên thằng bán tơ là cụ cao tay lắm trong nghệ thuật bút pháp. Kẻ hậu sinh đọc “Truyện Kiều”, suy ngẫm để nhận ra điều ấy, là nhận ra cái xã hội thối nát “Truyện Kiều”, đến công lý cũng vin vào một lời khai vu vơ làm tan nát cả một đời Kiều. Cái xã hội thiếu nhân tính, thiếu tôn trọng con người, gây oan khuất cho những người lương thiện, đáng nguyền rủa biết bao! Cái thâm thúy của cụ Nguyễn Du là ở đấy!
”.

Một mẩu chuyện khác. Hữu Loan về quê làm ruộng, thồ đá bán. Phòng thương nghiệp và dân quân được lệnh xét hỏi. Họ bắt nhà thơ đổ hai sọt đá xuống và nói: “Ông không vào hợp tác. Làm ăn riêng lẻ, để phát triển con đường tư bản. Chúng tôi cấm”.

Nhà thơ đáp: “Chúng tôi bị quy Nhân văn – Giai phẩm, nghĩa là phần tử nguy hiểm hơn cả địa chủ, tư sản. Hợp tác các ông không cho tôi vào. Ở đời này có hai việc tôi không thể làm được. Một là đi ăn cắp, hai là đi làm cán bộ. Nay, tôi lao động, kiếm sống nuôi con, mà các ông cũng cấm. Từ cổ chí kim, tôi không thấy một nhà nước nào cấm người ta lao động cả. 

Còn các ông cấm, không cho tôi lao động, thì tôi chỉ còn một cách là đi ăn xin. Ngày mai tôi sẽ khoác bị chống gậy đi ăn xin, đề một tấm biển trước ngực: “Tú Loan, người ăn xin”. Các ông đừng bảo là tôi bôi xấu chế độ nhé
”. Nghe vậy, mấy “ông” thương nghiệp và dân quân quay ra bàn nhau một lúc, rồi rút lui.
Mẩu chuyện thứ ba khi cái họa Nhân văn – Giai phẩm đã lùi xa, nhiều người đến thăm hỏi Hữu Loan. Thấy ông ăn mặc mộc mạc, nhà cửa tuyềnh toàng, có người buột miệng hỏi: “Bấy lâu nay ông bận làm gì, mà không xây nhà cửa cho nó đàng hoàng, ở cho nó sướng cái thân”. Nhà thơ Hữu Loan đáp: “Tôi bận làm người”.

Nhà văn Hoàng Tiến kết luận: “Chúng tôi là lớp hậu sinh yêu thơ ông, quý mến ông, cảm thương những hoạn nạn mà ông đã trải, kính phục trước nhân cách khí khái, ngang tàng, mà chúng tôi thường nói với nhau: một nhân cách vuông chành chạnh!”.


Mộ phần giản dị đến không ngờ

Gia quyến nhà thơ


Ăn trưa và nghe nhà văn Hoàng Tiến đọc bài viết mới về Hữu Loan



Kỹ sư Lê Văn Chính - Văn Khoa bên bàn thờ Hữu Loan


Triết gia, thi sĩ Phạm Công Thiện qua đời
SGTT.VN - Triết gia, thi sĩ Phạm Công Thiện, sinh ngày 1.6.1941 tại Mỹ Tho, đã qua đời vào lúc 18h31 ngày 8.3.2011 tại thành phố Houston, bang Texas (Mỹ). Ngày 15.3.2011, tại chùa Già Lam (TP.HCM) sẽ tổ chức lễ cầu siêu cho ông.
Theo từ đển Wikipedia, trước 1970, ông giảng dạy tại đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn. Ông rời Việt Nam năm 1970, chuyển sang sống ở Israel, Đức, rồi sống lâu dài tại Pháp. Năm 1983, ông sang Hoa Kỳ, định cư ở Los Angeles và tiếp tục viết sách - phần lớn là nghiên cứu về đạo Phật.
Những tác phẩm của ông như Tiểu luận về Bồ Ðề Ðạt Ma, tổ sư Thiền Tông; Trên tất cả đỉnh cao là im lặng (NXB Văn Hóa Sài Gòn- 2009)… đã được xuất bản ở Việt Nam.


Giáo Sư Phạm Công Thiện qua đời, thọ 71 tuổi
Wednesday, March 09, 2011
HOUSTON, Texas (NV) -Nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, dịch giả, giáo sư, cư sĩ Phật giáo Phạm Công Thiện vừa qua đời ngày 8 tháng 3 năm 2011 tại Houston, Texas, thọ 71 tuổi, theo Cáo bạch ngày 9 tháng 3, 2011 của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ cũng như sự xác nhận của gia đình.
Theo lời một thành viên gia đình nói với một thân hữu, ông Phạm Công Thiện dường như biết trước thời điểm “sẽ đi,” và trong ngày cuối cùng của cuộc đời, ông dặn gia đình “không làm tang lễ rườm rà, chỉ hỏa thiêu.”
Chiều cùng ngày, vẫn theo lời gia đình, ông thấy “mệt dần, bắt đầu nhập định, và ra đi nhẹ nhàng.”
Ông tên thật là Phạm Công Thiện, thời trẻ còn có bút hiệu Hoàng Thu Uyên cho các tác phẩm dịch, sinh ngày 1 tháng 6 năm 1941 tại Mỹ Tho trong một gia đình Thiên Chúa giáo. Từ tuổi thiếu niên ông đã nổi tiếng thần đồng về ngôn ngữ, năm 15 tuổi đã đọc thông viết thạo năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, ngoài ra còn biết tiếng Sancrit và tiếng La Tinh.
Năm 1957, 16 tuổi, ông xuất bản cuốn tự điển Anh Ngữ Tinh Âm, nhưng từ vài năm trước đó cho đến khi rời Việt Nam vào năm 1970, ông đã cộng tác với các báo Bông Lúa, Phổ Thông, Bách Khoa, Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ. Từ những năm cuối thập niên 1950 ông đi dạy Anh ngữ tại một số trường tại Sài Gòn.
Ðầu năm 1964, ông chuyển ra Nha Trang sống để an dưỡng sau một cuộc “khủng hoảng tinh thần.” Tại đây ông quy y ở chùa Hải Ðức, lấy pháp danh Nguyên Tánh. Một thời gian sau ông lại về Sài Gòn.
Từ năm 1966-1968, ông là giám đốc soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả phân khoa viện Ðại Học Vạn Hạnh. Từ năm 1968-1970, giữ chức trưởng khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của viện. Tại đây ông cũng là sáng lập viên và chủ trương biên tập của tạp chí Tư Tưởng.
Ông rời Việt Nam từ năm 1970, chuyển sang sống ở Israel, Ðức, rồi sống lâu dài tại Pháp. Tại đây ông trút áo cà sa để lấy vợ và sau đó làm giáo sư Triết học Tây phương của viện Ðại Học Toulouse.
Năm 1983, ông sang Hoa Kỳ, định cư ở Los Angeles, giữ chức giáo sư viện Phật Giáo College of Buddhist Studies. Từ khoảng năm 2005, ông sang cư ngụ tại Houston, tiểu bang Texas cho đến ngày ông qua đời.
Giữa thập niên 1960, Giáo Sư Phạm Công Thiện bắt đầu nổi tiếng với các tác phẩm xuất bản tại Sài Gòn, mà cuốn đầu tiên gây chú ý nhiều cho giới văn nghệ và thanh niên sinh viên là Ý Thức Mới Trong Văn nghệ và Triết Học (1965), rồi đến Yên Lặng Hố Thẳm (1967), Hố Thẳm Của Tư Tưởng (1967), Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực (1967). Về tôn giáo có “Tiểu luận về Bồ Ðề Ðạt Ma, Tổ sư Thiền Tông” (1964), thơ thì có “Ngày sinh của rắn” (1967), các tác phẩm văn học thiên về tư tưởng: “Trời tháng Tư” (1966), “Bay đi những cơn mưa phùn” (1970). Tất cả các tác phẩm này đều do hai nhà An Tiêm và Lá Bối tại Sài Gòn ấn hành.
Tại hải ngoại ông đã xuất bản khoảng mười tác phẩm, hầu hết trong thập niên 1990, như Ði Cho Hết Một Ðêm Hoang Vu Trên Mặt Ðất (1988), Sự Chuyển Ðộng Toàn Diện Của Tâm Thức Trong Tư Tưởng Phật Giáo (1994), Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên (1995), Tinh Túy Trong Sáng Của Ðạo Lý Phật Giáo (1998), v.v...Ông cũng đóng góp nhiều cho báo chí, chẳng hạn viết cho tạp chí Thế Kỷ 21, nhật báo Người Việt. Có thể nói, tác phẩm cuối cùng của ông là bài viết cho Giai Phẩm Xuân Người Việt 2011.
Thượng Tọa Thích Viên Lý, viện chủ Chùa Ðiều Ngự, California, người từng nhiều năm cư ngụ cùng Phạm Công Thiện tại chùa Diệu Pháp, nói rằng cư sĩ Phạm Công Thiện đã “đóng góp rất lớn về mặt văn hóa đối với Việt Nam,” và luôn “mong Phật Giáo Việt Nam được xiển dương một cách đúng mức.”
Từ khi còn rất trẻ cho đến cuối đời, Phạm Công Thiện đã đóng góp rất nhiều cho văn hóa Việt Nam về các phương diện ngôn ngữ, thơ, văn và đặc biệt về tư tưởng triết học. Ðối với Phật Giáo ông cũng là người có công lớn với các công trình nghiên cứu Phật học, và đặc biệt, đã góp nhiều công sức xây dựng viện Ðại Học Phật Giáo Việt Nam đầu tiên Vạn Hạnh tại Sài Gòn từ năm 1966, trong đó có tập san Tư Tưởng là cơ quan phát huy tư tưởng Phật Giáo quan trọng nhất của Việt Nam trong thời cận đại.


Phạm Công Thiện: ‘Ðã đi mất hẳn đi rồi’
Viên Linh
Sinh hoạt văn hóa miền Nam, thu nhỏ vào lãnh vực Văn Học và Triết Học, và giới hạn từ 1963 trở đi, đã tưng bừng phát triển, như hải triều, như thác đổ, phá vỡ những oi nồng của một thời kỳ ung độc, đưa thế hệ hai mươi thuở đó và những thế hệ hai mươi khác của đất nước trở về với suối nguồn tư tưởng Ðông Phương, là công lao chung của một nhóm thanh niên trí thức đã xuất gia: Nhóm Vạn Hạnh.
Chưa bao giờ sinh viên học sinh miền Nam, vốn khắc khoải trước các vận động mở cửa nhìn ra thế giới, ù tai và nhức óc với những kinh điển siêu hình phương Tây, lại thấy được chân trời lồng lộng sáng lòa, hiển thế, thân ái, ai ngờ lại ở ngay ngưỡng cửa của ngôi nhà dân tộc mình. Hãy trở về Phương Ðông, hãy vực dậy Hồn Việt.
Hồi ấy, mạnh mẽ lên đường từ 65-66, Nhóm Trẻ Tuổi năm bảy người ấy xông xáo trong các tờ tạp chí văn hóa, nơi những nhà xuất bản tôn giáo, dưới mái các giảng đường cao đẳng, vui sống là làm việc, học và hành, tung ra bốn phương những hoa thơm cỏ lạ, những tác phẩm chan chứa tình yêu thương, yêu thương con người nhân loại, tràn đầy hy vọng và tin tưởng. Họ không phải một người. Họ là một toán, một đoàn, một đội. Thời ấy miền Nam đâu đâu cũng nói chuyện võ hiệp, như xa xưa nơi phương Bắc thời các tay tứ chiếng giang hồ tìm về Lương Sơn Bạc mưu chuyện đổi thay; họ tìm về Cao Ðẳng Phật Học và Vạn Hạnh dựng nền đắp móng. Không kể các bậc thầy đã xa như Ðức Nhuận, Thanh Kiểm, Thanh Từ,... hay kế tiếp như Minh Châu, Nguyễn Ðăng Thục, Tôn Thất Thiện, Trần Ngọc Ninh, Vũ Văn Mẫu,... Nhóm Trẻ là “Tây Ðộc” Phạm Công Thiện, “Ðông Tà” Tuệ Sỹ, Chơn Hạnh “Trung Thần Thông,” Chơn Pháp “Bắc Cái,” Nghi Lâm sư muội Trí Hải, và “Chu Bá Thông” Bùi Giáng, võ công tuyệt đỉnh nhưng không chịu hẳn một môn phái nào. Hôm qua, 8 tháng 3, 2011, Phạm Công Thiện đã ra đi.
Nói đến Phạm Công Thiện là nói đến tác phẩm “Ý thức mới trong văn nghệ và Triết học,” cuốn sách các sinh viên thường có trong tay, xuất bản năm 1965. Cũng phải nói đến cuốn luận văn quan trọng của Thiện, phê bình sách của Giáo Sư Nguyễn Văn Trung về Phật Giáo, và những cuốn khác như:
“Tiểu luận về Bồ Ðề Ðạt Ma, Tổ sư Thiền tông” 1964, “Im lặng hố thẳm, Phương pháp suy tư về Việt và Tính, con đường của Triết lý Việt Nam” 1967, “Hố thẳm của tư tưởng, Ðặt lại căn nguyên tư tưởng hôm nay” 1967; không kể truyện ngắn, hay những cuốn sách viết về Rilke, 1969, Miller, 1969,... Với những cuốn sách ấy, Thích Nguyên Tánh Phạm Công Thiện đã đóng góp công lao lớn trong sự xây dựng Phật Giáo Việt Nam.
Ðể đưa tiễn nhà thơ triết gia, không gì bằng nhắc đến một câu thơ của Goethe mà tác giả “Hố Thẳm” hay nhắc: “Trên Tất Cả Các Ðỉnh Cao, Là Bình Yên.” Mới năm kia, Phạm Công Thiện đã sửa lại hai chữ sau cùng, dùng để đặt nhan đề cho tập thơ cuối cùng của ông, do Hương Tích xuất bản: Trên Tất Cả Các Ðỉnh Cao Là Lặng Im.”
Ðã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Ðã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều
Chuyển hình trên đỉnh cô liêu
Lửa bay thành ngọn hồng điều mật ngôn
Ðại huyền biến ngưỡng triêu tôn
Tiền thân Tây Tạng nhập hồn chiêm bao
Án nga nga nẵng bạch hào
Một luồng sáng rực chiếu vào trái tim.
(Phạm Công Thiện, Ði, tr. 22, Trên tất cả...)
6 giờ 22, 9 tháng 3, 2011

Nhân ngày 30/4, đọc lại vài dữ liệu cũ

http://en.citizendium.org/images/thumb/0/0f/South_vietnam_ethnic_1972.jpg/180px-South_vietnam_ethnic_1972.jpgThấm thoát mà đã 36 năm. Tính từ ngày 30/4/1975. Nhân dịp đọc một cuốn sách cũ, tôi thấy có vài thông tin về kinh tế của miền nam Việt Nam trước 1975 cũng có ý nghĩa so sánh nào đó ...


Về thu nhập bình quần, theo số liệu kinh tế, GDP bình quân ở miền Nam vào thời trước 1975 là 150 USD.  Thu nhập này tuy chưa cao mấy thời đó, nhưng cao hơn ở các nước Thái Lan, Bangladesh, Ấn Độ, và Pakistan.  Ba mươi sáu năm sau, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng 1100 USD, thua xa Thái Lan (khoảng 4000 USD).

Về giáo dục đại chúng, theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, năm 1973, tỉ lệ dân số biết đọc, biết viết là 70%, rất cao so với các nước Á châu láng giềng hồi đó. Hiện nay, tỉ lệ dân số biết đọc và viết là 90%.  Ba mươi sáu năm, chỉ tăng 20%?

Hôm nọ, khi tôi viết rằng thời trước 1975, du học sinh Thái Lan sang đại học miền Nam học, còn bây giờ thì mình sang đó ... du học. Chẳng có gì xấu hổ. Người ta giỏi hơn mình thì mình học người ta.  Nhưng nói ra sự thật ấy làm tôi nao lòng và buồn về sử đổi đời. Có người từ miền Bắc hỏi tôi có bằng chứng gì giáo dục miền Nam tốt hơn bây giờ? Tôi nói chính tôi là sản phẩm của nền giáo dục thời trước 1975 đây.  Còn hàng vạn "sản phẩm" của nền giáo dục trước 1975 đang ở nước ngoài và họ cũng thành danh, thành tài. Đó là một bằng chứng của nền giáo dục trước kia.

Về trình độ của giới cầm quyền, 36 năm sau nước ta đã có 50% bộ trưởng có văn bằng tiến sĩ.  Thời trước 1975, tôi không có con số chính xác, nhưng chỉ nhớ số bộ trưởng có bằng tiến sĩ chỉ đếm đầu ngón tay.  Ngay cả ông Hoàng Đức Nhã với bằng thạc sĩ nhưng được giới báo chí và công chúng nể lắm rồi.  Nhưng theo Giáo sư Đặng Phong thì tuy họ học không cao, nhưng trình độ thật thì cao và đáng nể:  “Cần phải phân biệt rõ: nền chính trị thối nát (không phải tôi nói, mà người Mỹ và người trong giới chính trị Sài Gòn nói) với bộ máy kinh tế chuyên nghiệp. Những cấp cao nhất, tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng... phần lớn là dân võ biền, là lính sang làm chính trị như Thiệu, Kỳ, Khiêm ... Nói chung, họ không có mấy kinh nghiệm để điều hành một xã hội dân sự văn minh. Nhưng điều đặc biệt là cấp dưới của họ (bộ trưởng, tổng trưởng...) và các chuyên gia hàng đầu đều là những người có học vấn, kiến thức kinh tế - xã hội rất giỏi để vận hành khối lượng tiền, hàng cực lớn. Bằng chứng là Nam VN khi đó đã có hệ thống ngân hàng, hệ thống thuế, bảo hiểm ... trình độ quốc tế, hoạt động toàn cầu. Dân đã xài séc, các công cụ tín dụng, công sở xài máy tính IBM, tổ chức nền kinh tế đã sử dụng các phương tiện hiện đại, mà bây giờ chúng ta mới chập chững tiến vào.

Ngày xưa (thời VNCH) cũng có tham nhũng, nhưng hình như bản chất hơi khác với thời nay.  Ngày xưa, giới quan chức VNCH tham nhũng chủ yếu là ăn chận tiền tài trợ của Mĩ.  Thật ra, tham nhũng của VNCH là có lợi cho cách mạng, vì lợi dụng đó mà du kích mới có tiếp viện!  Tham nhũng thời VNCH theo Gs Đặng Phong là “một nguồn hậu cần quan trọng giúp chúng ta thành người chiến thắng”.  Còn ngày nay, cứ như báo chí phản ảnh thì quan chức ăn chận tiền của … dân.  Họ cũng ăn chận (hay ăn cắp?) tài nguyên đất nước.  Hình thức tham nhũng nào cũng nguy hiểm, nhưng ăn chận tiền dân và tài nguyên quốc gia thì đúng là nguy hiểm và […].  Giáo sư Đặng Phong nói: “Tham nhũng cũng là một cách ra đời tầng lớp hữu sản cho nên đạo lý kém hơn, chụp giật hơn, lưu manh hơn.

Ngày 30/4 thường được nhắc đến như là một “ngày chiến thắng”, “ngày giải phóng miền Nam”.  Đứng trên quan điểm kẻ thắng người thua, thì chắc cũng có lí do để gọi đó là ngày chiến thắng.  Nhưng thử hỏi với cả 4 triệu (?) người phải bỏ mạng trong cuộc chiến đó, cộng thêm hàng trăm ngàn bỏ mạng trên biển, và 3 triệu người lưu vong, thì chiến thắng đó có vẻ vang không?  Chẳng lẽ ăn mừng chiến thắng trên xác người?  Còn giải phóng thì có nghĩa là giải phóng từ nô lệ, gông cùm của bọn đế quốc, nhưng trong thực tế ngày xưa đâu có nô lệ, và bọn đế quốc Mĩ cũng đâu có gông cùm gì; chúng vẫn phát triển giáo dục tốt, hệ thống y tế tốt, kinh tế gia đình khá no ấm, học trò lễ phép, báo chí nói khá thoải mái (diễu cợt ông Thiệu, ông Kỳ liên miên).  Do đó, hai chữ “giải phóng” e rằng không thích hợp với thực tế của những con số vừa trình bày.

Hóa ra, thời trước 1975 cũng không đến nổi tệ, nếu không muốn nói là có nhiều khía cạnh tốt hơn hẳn ngày nay. Nhớ có lần bà con tôi là bộ độ tập kết vào tiếp quản miền Nam, các chú và cậu đem mấy con gà và vài lít gạo cho nhà tôi, vì tưởng tụi tôi đói khát lắm và nghèo lắm. Đến khi lên nhà, bà con tôi hết sức ngạc nhiên vì họ không ngờ tôi có xe Honda lại còn đeo đồng hồ 2 cửa sổ không người lái nữa chứ, còn gia đình tôi có độ 100 công đất và 3 chiếc máy cày!  Vài năm sau, tôi mất cái Honda, và lưu lạc xứ người, còn gia đình thì còn đúng 5 công đất. Ba mươi sáu năm mà vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào nghiêm chỉnh để trả lại sự thật cho lịch sử. Nhưng may thay, có nghiên cứu của Gs Đặng Phong đã để lại vài dữ liệu có ý nghĩa. Xin xem bài trả lời phỏng vấn dưới đây của Gs Đặng Phong để có cái nhìn khách quan hơn về thời trước 1975.

NVT

Việt Nam nợ nước ngoài bao nhiêu?

http://www.claireperry.org.uk/images/content/sterling-384.jpg
Phải nói ngay rằng bài này không có mục đích bàn về kinh tế, nhưng chỉ mượn bài viết của bác Vũ Thành Tự Anh để bàn về cách trình bày con số thống kê kinh tế và ý nghĩa của những con số đó.  Đọc bài của Tự Anh mấy lần, nhưng tôi không cách gì hiểu được bởi vì những con số trong đó cứ nhảy nhót tứ tung cả.
Giới kinh tế gia là bậc thầy của thống kê. Họ nói cái gì cũng có con số kèm theo.  Họ rất thích con số phần trăm.  Phần trăm tăng trưởng.  Phần trăm GDP.  Nhưng thú thật, nhiều khi đọc qua những con số quá lớn, tôi không có cảm giác gì cả.  Chẳng hạn như có con số nói rằng các doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam đang nợ 300,000 tỉ đồng (chỉ là ví dụ), thì làm sao tôi có thể hình dung ra qui mô đó lớn như thế nào.  Thành ra, phải qui ra con số phần trăm của GDP thì dễ hiểu hơn.  Hóa ra, con số tỉ trọng nợ trên GDP là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá nguy cơ một quốc gia sẽ vỡ nợ.  Do đó, con số của nhà kinh tế rất quan trọng, cần phải xem xét cho thật kĩ để hiểu vấn đề.
Theo báo chí thì Việt Nam là nước có nguy cơ cao bị vỡ nợ vì các doanh nghiệp thuộc Nhà nước quản lí thiếu nợ nhiều quá.  Một cách để biết qui mô thiếu nợ là thể hiện số tiền thiếu nợ nước ngoài như là một tỉ lệ của GDP. Tuy nhiên, đọc bài báo trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn thì tôi vẫn chẳng biết Việt Nam thiếu nợ bao nhiêu, vì cách trình bày con số quá rối rắm, và có khi không hợp lí.  Dưới đây là vài lí giải tại sao có những con số không hợp lí:
1.  Chúng ta thử đọc xem năm 2008, các doanh nghiệp Nhà nước nợ bao nhiêu.  Vào đầu, Tự Anh viết “[…] tính đến 31-12-2008, tổng dư nợ nội địa của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 287.000 tỉ đồng. Nếu tính cả nợ nước ngoài thì đến cuối 2008, tổng nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) xấp xỉ 23,9% GDP.”  Câu này thì tôi hiểu như sau: đến cuối năm 2008, số tiền mà các DNNN nợ chiếm xấp xỉ 24% GDP của Việt Nam.  Nhưng 24% là bao nhiêu USD?  Theo nguồn này thì GDP của Việt Nam năm 2008 là 84.98 tỉ USD.  Như vậy, tính đến cuối năm 2008 các DNNN nợ 20.31 tỉ USD.
2.  Bây giờ chúng ta xem qua con số của năm 2009.  Bài báo cho biết: “Trong năm 2009, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 1-11-2010 thì nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chưa tính Vinashin) là 813.435 tỉ đồng, tương đương với 49% GDP. Nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86.000 tỉ, thì nợ của khu vực DNNN đến cuối năm 2009 (không kể chín tập đoàn, tổng công ty chưa có số liệu) đã lên tới 54,2% GDP năm 2009.”
Tôi hiểu câu này như sau: đến cuối năm 2009, số tiền mà các tập đoàn DNNN nợ là 813,435 + 86,000 = 899,435 tỉ đồng, chiếm 54.2% GDP của Việt Nam.  Suy ra, GDP của Việt Nam trong năm 2009 là 1,659,474 tỉ đồng (hay khoảng 83 tỉ USD, tính theo 1 USD = 20,000 đồng), thấp hơn 2008 (84.98 tỉ USD)! Con số GDP [83 tỉ USD] này xem ra không hợp lí, bởi vì chúng ta biết rằng kinh tế Việt Nam tăng trưởng hàng năm từ 6 đến 8%. Thật vậy, theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mĩ GDP của VN năm 2009 là 92.6 tỉ USD. Con số có vẻ hợp lí hơn là 83 tỉ USD, vì nó thể hiện tăng 9% so với 2008. Nhưng chúng ta vẫn phải dè dặt vì con số này không xuất phát từ nguồn chính thức của Việt Nam.
Vấn đề do đó đặt ra là con số nợ là đúng hay con số GDP sai? Giả dụ như con số về nợ là đúng thì tính đến năm 2009, các doanh nghiệp Nhà nước nợ 44.97 tỉ USD.  Thử đặt vào một bảng số liệu để dễ hiểu:
2008
2009
Tỉ lệ tăng trưởng
GDP (tỉ USD)
84.98
92.60
9 %
Nợ của DNNN (tỉ USD)
20.31
44.97
122 %
Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm mà số tiền nợ của DNNN tăng hơn 2 lần. Có lẽ chính vì thế mà giới tài chính quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong 18 nước có nguy cơ vỡ nợ cao.
3.  Bài báo có kèm theo một biểu đồ để minh họa, nhưng cách trình bày dữ liệu thì rất rối rắm.  Trục tung của biểu đồ là phần trăm (tỉ trọng GDP).  Trục hoành là năm.  Mỗi bar có 2 phần: phần dưới thể hiện nợ của DNNN, và phần trên là “Nợ của chính phủ”. Con số nợ của DNNN trong năm 2008 và 2009 (23.9% và 54.2%) được đề cập trong bài viết. Nhưng con số nợ của Chính phủ (36.2% bà 44.7%) thì hoàn toàn không được đề cập trong bài viết! Trình bày con số trong biểu đồ mà không có diễn giải là một "đại kị" trong khoa học.


Tôi không hiểu được biểu đồ này nói lên điểm gì.  Con số 36.2% và 44.7% đề cập cụ thể đến cái gì?  Nếu cộng 2 con số nợ của DNNN và nợ của chính phủ lại thì năm 2009, tổng số nợ chiếm 98.9% GDP sao? Nợ đến mức đó thì vỡ nợ rồi!  Khó hiểu quá. 
Ngoài ra, đường nối giữa hai con số có nghĩa là gì?  Cần nói thêm rằng một qui ước chung trong khoa học là không ai dùng biểu đồ để thể hiện những con số đã đề cập trong văn bản cả, vì làm như thế là thừa.
Bài viết còn có một thông tin mà tôi không cách gì hiểu nổi.  Đó là đoạn “Nếu nhìn vào con số tuyệt đối, sau khi trừ đi các khoản nợ nước ngoài và với những tính toán thận trọng nhất thì trong năm 2009, khu vực DNNN chiếm không dưới 60% trong tổng tín dụng nợ nội địa tăng thêm của toàn nền kinh tế”.  Phần tô đậm là phần tôi không hiểu nổi.  “Tổng tín dụng nợ nội địa” là gì?  Chắc chắn phải có một cách viết để thường dân có thể hiểu, chứ đâu cần đến cái cụm từ dài như thế.  Ngoài ra, mới nói ở phía trên rằng trong năm 2009 nợ của các doanh nghiệp Nhà nước chiếm 54.2% tổng GDP, vậy mà đoạn này nói rằng “không dưới 60% tổng tín dụng nội địa tăng thêm của toàn nền kinh tế”.  Mẫu số của 60% là cái gì?
Nói tóm lại, một bài báo ngắn có nhiều ảnh hưởng, nhưng thông tin thì quá mù mờ.  Mù mờ là do cách trình bày và cách dùng những thuật ngữ kinh tế làm cho thông tin càng thêm khó hiểu.  Tuy nhiên, nói gì thì nói, Việt Nam nợ quá nhiều.  Chỉ riêng doanh nghiệp của Nhà nước mà đã nợ gần 45 tỉ USD, chưa biết doanh nghiệp tư nhân nợ bao nhiêu.  Điều đáng chú ý hay quan tâm hơn là chỉ trong vòng 12 tháng mà số nợ của DNNN tăng hơn 2 lần.  Có thể xem đó là khủng hoảng?

====

Cảnh báo nợ của doanh nghiệp nhà nước

Vũ Thành Tự Anh (*)
Thứ Tư,  9/3/2011, 22:36 (GMT+7)

(TBKTSG) - Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tính đến 31-12-2008, tổng dư nợ nội địa của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 287.000 tỉ đồng. Nếu tính cả nợ nước ngoài thì đến cuối 2008, tổng nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) xấp xỉ 23,9% GDP.
Trong năm 2009, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 1-11-2010 thì nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chưa tính Vinashin) là 813.435 tỉ đồng, tương đương với 49% GDP. Nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86.000 tỉ, thì nợ của khu vực DNNN đến cuối năm 2009 (không kể chín tập đoàn, tổng công ty chưa có số liệu) đã lên tới 54,2% GDP năm 2009.
Rõ ràng là nợ của cả DNNN và Chính phủ đều tăng rất nhanh trong một thời gian rất ngắn, trong đó mức tăng nợ của khu vực DNNN thật sự đáng lo ngại.
Nếu nhìn vào con số tuyệt đối, sau khi trừ đi các khoản nợ nước ngoài và với những tính toán thận trọng nhất thì trong năm 2009, khu vực DNNN chiếm không dưới 60% trong tổng tín dụng nợ nội địa tăng thêm của toàn nền kinh tế. Đây là bằng chứng cho thấy các DNNN là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình hỗ trợ lãi suất và kích cầu của Chính phủ năm 2009.

Việc nợ của DNNN và nợ của Chính phủ đang ở mức khá cao, đồng thời tăng rất nhanh đòi hỏi phải sớm có những biện pháp quản lý nợ công hiệu quả.
Nội dung quan trọng nhất trong quản lý nợ công là quản lý rủi ro. Đầu tiên là rủi ro thị trường - chủ yếu liên quan đến sự thăng giáng thất thường của thị trường. Với viễn cảnh phục hồi đầy bất trắc, cộng thêm sự lan tỏa khủng hoảng nợ trên thế giới, thị trường có thể không mặn mà với trái phiếu chính phủ, đặc biệt là đối với những quốc gia có mức tín nhiệm tín dụng thấp và triển vọng tiêu cực. Phương pháp chủ yếu để hạn chế rủi ro thị trường là đảm bảo sự linh hoạt về thời điểm, cấu trúc, và các điều khoản của việc phát hành nợ.
Thứ hai là rủi ro lãi suất. Rủi ro này chủ yếu xảy ra đối với các khoản nợ có lãi suất thả nổi hoặc không được phòng vệ. Vì tỷ lệ nợ chính phủ với lãi suất thả nổi của Việt Nam còn thấp nên rủi ro lãi suất không phải là điều lo ngại trước mắt. Tuy nhiên, vì Việt Nam đã trở thành một nước thu nhập trung bình nên tỷ trọng các khoản vay thương mại sẽ tăng. Vì lãi suất thương mại thường cao và biến động mạnh hơn lãi suất ưu đãi nên trước khi phát hành nợ, Chính phủ và các doanh nghiệp sẽ ngày càng phải cân nhắc nhiều hơn tới rủi ro lãi suất.
Thứ ba là rủi ro về dòng tiền. Cho đến nay, nợ ngắn hạn chiếm chưa tới 15% trong tổng nợ chính phủ của Việt Nam. Tuy nhiên, việc tỷ lệ nợ ngắn hạn trên dự trữ ngoại tệ đang tăng lên sẽ đòi hỏi Bộ Tài chính phải hết sức thận trọng trong hoạt động quản lý nợ của mình.
Thứ tư là rủi ro về tỷ giá. Hiện nay khoảng một phần ba nợ chính phủ của Việt Nam là bằng đồng yen, vì vậy nếu đồng yen vẫn tiếp tục xu thế lên giá như hiện nay thì gánh nặng nợ nần cũng gia tăng theo. Tương tự như vậy, với sức ép của Mỹ và EU, xu thế đồng nhân dân tệ tăng giá là khó tránh khỏi. Trong khi đó, tín dụng thương mại bằng nhân dân tệ, đặc biệt là trong các dự án cơ sở hạ tầng và công nghiệp nặng ở Việt Nam đang tăng lên một cách nhanh chóng. Chính phủ cũng như doanh nghiệp vì vậy cần rất thận trọng khi đi vay bằng nhân dân tệ.
Cuối cùng, rủi ro lớn nhất có lẽ nằm ở hoạt động... quản lý rủi ro nợ công! Cho đến nay, từ Bộ Tài chính cho đến các DNNN đều chưa coi trọng đúng mức việc phân tích, đánh giá, và có biện pháp hiệu quả nhằm hạn chế rủi ro khi phát hành nợ.
Cần lưu ý rằng vì nợ của DNNN và nợ của Chính phủ có tính chất và cấu trúc khác nhau nên cần có những biện pháp quản lý rủi ro thích hợp. Tuy nhiên, dù nợ ở cấp độ nào thì cũng phải tuân thủ một số nguyên lý cơ bản: không nên chấp nhận rủi ro khi không có biện pháp hữu hiệu để thấu hiểu và quản lý nó; không nên chấp nhận một mức độ rủi ro vượt quá một ngưỡng an toàn; và không nên chấp nhận rủi ro nếu không có một sự đền bù thỏa đáng.
Khi bỏ qua những nguyên lý hết sức giản dị nhưng cơ bản này, một doanh nghiệp có thể rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí mất khả năng trả nợ, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp khác cũng như toàn bộ nền kinh tế. Trường hợp Vinashin mới đây là một ví dụ điển hình. Tương tự như vậy, một nền kinh tế cần có chiến lược quản lý rủi ro nợ tốt để tránh đưa đất nước rơi vào gánh nặng nợ nần.

Thực trạng bi đát của Lưu Vực sông Mekong

Dẫn nhập: Từ năm 1995 khi thành lập, tổ chức Mekong River Commission đã không tạo dựng phát triển bền vữngcho lưu vực mà  lại dẫn các nuớc Mekong lâm  vào tình cảnh bế tắc tại hạ lưu. Trong 15 năm qua lưu vực suy thoái nhanh chóng và an tòan thực phẩm và nguồn nước của dân cư bị đe dọa liên tục vì thiên tai lẫn nhân tai. Bốn nướcMekong sẽ không bao giờ có thể có phát triển bền vững khi các biến đổi lớn nhất lại nằm ở thượng lưu mà MRC không biết rõ và không theo dõi. Lancang-Mekong là dòng sông quốc tế, cả sáu nước cần phải hợp tác trong một chương trình toàn lưu vực -Lancang-Mekong Intitiative- ngay trong năm nay để đạt một Lancang-Mekong Treaty mới kịp thời cứu vãn an tòan thực phẩm, bảo vệ nguồn nước, phát triển lưu vực và tránh gây thiệt hại cho dân cư lưu vực.

Thực trạng bi đát của Lưu Vực sông Mekong:
Phải cứu sông Cửu Long bằng Sáng kiến Lancang-Mekong
Phạm Phan Long
Hội Sinh Thái Việt
 
Hoàn cảnh bi đát
Lancang là thượng lưu (Upper Mekong Basin -UMB) và Mekong là hạ lưu (Lower Mekong Basin (LMB), hai đọan của một dòng sông quốc tế, là cùng một hệ sinh thái mà ngư sinh vật và phù sa di chuyển không cần sổ thông hành qua các biên giới chính trị do con người làm ra, nhưng các hồ thủy điện lại ngăn cản chu trình tự nhiên này.
Hiệp Định sông Mekong đã ký kết từ năm 1995 và Ủy Hội sông Mekong (Mekong River Commission-MRC) đã được thành lập bởi bốn nước hạ lưu: Việt Nam, Cam Bốt Lào và Thái Lan. MRC hoạt động dưới sứ mạng khuyến khích phát triển bền vững. Nhưng thực tế, từ năm 1995 đến nay, Mekong đã phát triển không bền vững bền mà hứng chịu hạn hán liên tiếp 8 mùa trong 15 năm qua; ngư sản đánh bắt được đã giảm dần trong khi nước mặn tiếp tục lấn sâu vào lục địa đe dọa vựa lúa và nông nghiệp Việt Nam. Những biến đổi này do cả nhân tai lẫn thiên tai và mỗi năm càng thêm khắc nghiệt. Hậu quả là môi trường và tài nguyên thiên nhiên lưu vực suy thoái nặng nề. MRC không có hành động thực tế chặn đứng sự suy thóai ấy, tuy có nghiên cứu và các kế họach quản trị hạn (Drought Management Plan -DMP) và lụt (Flood Management Plan -FMP), nhưng chỉ là mô hình lý thuyết, không thấy hành động thực tế như ngăn hạn hán, chống lụt lội, cản sạt lở, bảo vệ thiên nhiên, kế sinh nhai, an toàn nguồn nước và thực phẩm của dân cư lưu vực.

MRC nằm dưới sự chỉ đạo của cấp bộ trưởng các nước Mekong và giới hạn phạm vi  nghiên cứu trong vòng lãnh thổ chính trị của bốn nước thành viên, tức là chỉ ở hạ lưu và không nghiên cứu về tác động từ thượng lưu. Suốt hai thập niên qua, trên UMB tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (TQ) đã xây đập Mãn Loan (1993), Đại Chiếu Sơn (2001), Cảnh Hồng (2004). Đập Tiểu Loan (2010)  và sắp hòan tất Nọa Trác Độ năm 2014; vậy mà cho đến năm 2009, MRC đã không làm nghiên cứu đánh gía tác động môi trường (Strategic Environmental Assessment -SEA) cho một dự án Vân Nam nào. MRC cũng không phê bình TQ về việc thiếu nghiên cứu SEA đối với hạ lưu. MRC không chất vấn TQ về những hứa hẹn tốt lành của các đập Vân Nam cho hạ lưu mà dân cư Mekong chưa bao giờ được thấy.

Báo cáo chiến lược tác động môi trường SEA 2010

Mãi đến năm 2010, MRC mới có một tường trình đánh gía chiến lược môi trường (SEA) cho 12 đập thủy điện dự trù trên Mekong [1]. Ban đầu MRC đã không hề nhắc đến tác động của 8 đập UMB trên Vân Nam trong các bản tường trình SEA 2010 sơ bộ. Nhưng bất ngờ, trong ấn bản sau cùng, SEA 2010 đã báo cáo tác động không những của 12 đập LMB trên Mekong mà còn cộng cả 8 đập UMB trên Lancang. Đây là một công trình nghiên cứu công phu rất đáng trân trọng.Trong phạm vi bài này, bản tường trình này tạm viết gọn là SEA 2010.

SEA 2010 có ước tính các lợi ích, sự phân bố lợi ích và các tác động tích cực lẫn tiêu cực trên lưu vực và tại từng quốc gia trong lưu vực.
Lợi ích của thủy điện LMB là sẽ cung cấp 14,697 MW công suất mà Lào sẽ thụ hưởng 70% lợi ích kể cả thu họach thủy điện. Việt Nam và Thán Lan sẽ tiêu thụ 90% năng lượng thủy điện này. Nhưng ich lợi đó lại không cân xứng với những thiệt hại xã hội và môi trường. Kết luận quan trọng nhất của SEA 2010 là khuyến cáo các nước Mekong nên trì hoãn kế họach xây 12 con đập LMB trên Mekong trong 10 năm để làm thêm các nghiên cứu cần thiết khác.

Tác động thủy điện UMB thượng lưu so với hạ lưu LMB qua SEA 2010
Thể tích hồ chứa

Xét tất cả các dự án thủy điện đã có và đang dự tính xây chặn dòng chính trên toàn lưu vực Lancang-Mekong, thể tích 8 con đập quy ước (storage dam) của thượng lưu Lancang sẽ chiếm 78% thể tích tất cả các hồ chứa vì 12 con đập hạ lưu trên Mekong thuộc lọai đập không tạo hồ chứa (run-of-river) 22%.

Lancang Maintream Reservoirs

Reservoir
MAF
Storage
Storage/MAF


km3/yr
km3

1
Gongquiqiao*

0.51

2
Xiaowan
38.47
14.56
37.85%
3
Manwan
38.74
0.90
2.32%
4
Dachaoshan*

0.93

5
Nouzhadu
55.19
22.40
40.59%
6
Jinghong*

1.22

7
Galanba*

0.20

8
Mensong*

0.90



Subtotal UMB
41.12
78.08%
*Note: Data not stated  in SEA 2010 added by Viet Ecology Foundation
Mekong Mainstream Reservoirs

Reservoir
MAF
Storage
Storage/MAF


km3/yr
km3

1
Pak Beng
96.50
0.28
0.29%
2
Luang Prabang
100.00
0.80
0.80%
3
Xayabuti
124.80
0.37
0.30%
4
Pak Lay
130.70
0.39
0.30%
5
Sanakham
133.80
3.78
2.83%
6
Pak Chom
141.60
0.10
0.07%
7
Ban Koum
294.60
0.63
0.21%
8
Lat Sua
294.60
0.12
0.04%
9
Don Shahong
325.10
0.03
0.01%
10
Stung Treng
432.50
1.55
0.36%
11
Sambor
405.80
3.49
0.86%
12
Thakho





Subtotal LMB
11.54
21.92%

Sự chênh lệch tổng số thể tích các hồ chứa giữa Lancang (thực hiện gần xong) và Mekong (chưa thực hiện) là gần 350%  nên tỉ trọng tác động của UMB Vân Nam trên lưu vực rất nặng so với LMB hạ lưu.

Trọng tải phù sa theo SEA 2010 [1]
Theo SEA 2010, trọng tải phù sa năm 2000 từ Lancang vào Mekong chảy ra biển là 90 Mt/năm; 8 con đập Lancang trong 20 năm nữa sẽ ngăn cản 77% chỉ còn cho Mekong 20 Mt/năm. Tại Kratie sẽ có 168 tấn/năm nhưng 12 con đập Mekong sẽ ngăn cản 53% trọng tải này và chỉ cho 42 Mt/năm theo ra biển.
Thu hoạch ngư nghiệp theo SEA 2010 [1]
Theo tiên liệu của SEA 2010 các dự án thủy điện Lancang-Mekong từ năm 2015 đến 2030 sẽ làm Mekong mất đi từ 550.000 tấn đến 880.000 tấn cá họ có thể  đánh bắt được. SEA 2010 không nói rõ ra, nhưng bản đồ cho thấy LMB sẽ mất đi 400.000 tấn cá  trong khỏang  2000-2015 là vì các đập UMB Vân Nam. Tổng cộng nếu tính từ năm 2000 LMB sẽ vĩnh viễn mất đi khoảng 1.220.000 tấn cá hàng năm hơn 50% số thu họach năm 2000.
Đạo diễn Tom Fawthrop đã thực hiện phim tài liệu “Where have all the fish gone” và xem tranh chấp trên Lancang-Mekong là một “Trận chiến trên sông Mekong” giữa đầu tư khai thác thủy điện và dân cư lưu vực  (Battle over the Mekong) [2].
Những số liệu nêu trên chứng tỏ biến đổi trên thượng lưu UMB sẽ có ảnh hưởng quan trọng và sức tác động trực tiếp vào tình trạng bền vững của LMB hạ lưu. Mekong là nguồn sống của dân cư lưu vực nên kế họach phát triển cho Mekong bền vững được hay không sẽ phải lệ thuộc các tác động từ thượng lưu. Việc MRC giới hạn vùng nghiên cứu ở hạ lưu chẳng khác gì MRC đã tự bịt mắt mình và các chuyên gia của họ.
Tuy SEA 2010 đã sọan thảo rất công phu nhưng đã không làm rõ nét các tác động riêng của chuỗi đập UMB Vân Nam và không làm sáng tỏ kết luận quan trọng là phần lớn tác động là từ UMB thượng lưu xuống LMB hạ lưu.
Phải cứu Mekong thoát các tác động Lancang sắp đổ xuống
Mekong phải nằm dưới hai 8 con đập Vân Nam có tổng số thể tích 41 tỉ mét khối (Billion cubic meters-BCM) tương đương 72% lưu lượng trung bình hàng năm (Mean Annual Flow –MAF) Lancang cho Mekong [3] [4]. TQ đã tích lũy nước xong tại các hồ chứa Vân Nam từ năm 1995 tại 4 hồ thủy điện để hoạt động và TQ sẽ còn tích lũy nhiều hơn nữa tại các hồ tương lai. Cho đến nay, TQ chưa hề công bố lịch trình tích nước tại các hồ chứa cho hạ lưu biết để phòng nguy cơ cho họ.
Hai điều kiện rất quan trọng hạ lưu Mekong cần TQ bảo đảm khi xây dựng và điều hành các đập trên Lancang : (i) duy trì liên tục lưu lượng nước xả tối thiểu hàng tháng, đặc biệt trong mùa khô; và (ii) duy trì lượng nước xả lũ cần thiết để có thể giúp làm đầy hồ Tonle Sap trong mùa mưa.
Các chính phủ quốc gia hạ lưu và MRC không thể chấp nhận TQ giữ bí mật các họat động của họ trên Vân Nam khi các họat động này tác động trực tiếp đến sinh kế có từ ngàn đời của hàng chục triệu dân cư và đe dọa vựa lúa của hai dân tộc như thế. MRC càng không thể ngồi yên mà cần tìm mọi phương cách điều tra và theo dõi động thái TQ tại các hồ  chứa này. Rất tiếc, SEA 2010 đã không khuyến cáo MRC yêu cầu TQ trì hoãn chuỗi đập Vân Nam chậm lại một năm nào.
Hoa Kỳ đã nhận ra điều này này nên trong kế hoạch viện trợ Lower Mekong Initiative, Hoa kỳ sẽ cung cấp hệ thống điện toán “Forecast Mekong” để tiên liệu tác động của các hồ thủy điện trên Mekong và công bố kết quả rộng rãi trên internet cho công chúng và chuyên gia sử dụng [5]. Hệ thống Forecast Mekong sẽ giúp 65 triệu dân cư lưu vực có những thông tin mà TQ giữ vẫn giữ bí mật không cho ai biết và MRC vẫn chỉ thụ động đợi chờ.
MRC cần tự hỏi mình ngay bây giờ, tuy đã rất muộn, nếu TQ vẫn tiến hành hòan tất hết cả 8 con đập Vân Nam thì hạ lưu Mekong cần TQ điều hành hệ thống đó như thế nào để có thể tối thiểu hóa những thiệt hại ở hạ lưu hay ít nhất bảo đảm được những yêu cầu tối thiểu thường thấy trong việc điều hành các hồ chứa thủy điện. Điều bi đát là MRC cho đến nay chưa có những nghiên cứu để có thể xác định các yêu cầu tối thiểu này.
Qua cung cách cố vấn và lãnh đạo của MRC trong 15 năm nay, bốn nước Mekong không thể giao cho MRC sứ mạng cứu vãn tình thế lưu vực và cũng không thể quanh quẩn bàn tính với nhau ở hạ lưu khi đầu mối nguy cơ lớn của Lancang-Mekong lại nằm trên Vân Nam.
Trong tình cảnh này, MRC và TQ sẽ không giúp đỡ gì cho ĐBSCL tránh đi thất thoát, vậy ĐBSCL và Việt Nam đã có phương án gì giúp dân và đối phó với thượng lưu chưa?
Những hồ chứa lớn như Lancang trên thế giới thường phải cần 10 năm để chứa đầy nhưng xét theo lịch trình, cứ ba năm là TQ đã có thêm một đập mới họat động nên tác động xuống hạ lưu tăng lên gấp ba. Năm ngóai, mùa lũ đã không về ĐBSCL;  toàn lưu vực Lancang-Mekong bị hạn hán đúng lúc TQ hòan tất hồ Tiểu Loan để hoạt động;  chắc chắn TQ đã tích lũy nước tại Tiểu loan dù cho 2010 là năm khô hạn 50 năm kỷ lục. TQ đã cố trấn an hạ lưu, nhưng thực tế TQ đã cấm không cho ai đến gần các con đập Lancang và không cho ai kiểm chứng độc lập các tài liệu họ cung cấp. Năm ngoái, cá linh tại ĐBSCL đã khan hiếm đến nỗi thị trường tăng giá gấp 10 lần ngay trong mùa lũ mà đáng lý ra phải có rất nhiều và rẻ nhất. Sau đó, mực nước cuối lũ tăng lại do triều cường gây ra, không có việc TQ giúp tăng 40% lưu lượng nước xuống hạ lưu khi các hồ Vân Nam chưa đầy hết.
Trong năm 2011 đến 2014 TQ chắc chắn sẽ tích nước tại hồ chứa Nọa Trác Độ cho kịp hoạt động. TQ sẽ gây nguy khốn cho Mekong nhiều lần hơn trong những năm sắp tới.  BS Ngô Thế Vinh đã tiên đoán “flood pulse” hay nhịp tim của Tonle Sap và có thể thêm vào cả ĐBSCL sẽ cùng nhau ngừng đập [6].
Nỗi Cô Đơn của Đồng Bằng sông Cửu Long
TT Hun Sen đã bán linh hồn Cam Bốt cho TQ khai thác thủy điện và khóang sản ngay trên Cam Bốt. TT Hunsen không phản đối mà còn hứng thú bênh vực các dự án khai thác thủy điện trên Vân Nam lẫn Cam Bốt. Như thế Tonle Sap chấp nhận chờ chết. Lào là nước sẽ hưởng lợi nhiều nhất và chịu ảnh hưởng ít nhất từ thủy điện nên sẽ chống chế cho mình và TQ đến cùng. ĐBSCL của Việt nam sẽ phải bơi ngược dòng tìm lẽ sống tồn tại.
MRC cho đến nay đã không tự mình tìm hiểu cung cách sử dụng nguồn nước, cách tích lũy điều hành các hồ chứa, cách chuyển nước và số liệu khí tượng thủy văn trong vùng Vân Nam để MRC đánh gía hệ lụy từ TQ giáng xuống hạ lưu. MRC chưa bao giờ hỏi TQ tại sao TQ không xả nước giúp hạ lưu khi ĐBSCL kêu cứu hay ngăn nước giảm nhẹ bớt lũ khi Vientiane kêu cứu. Ngược lại, có khá nhiều lần MRC công khai bênh vực TQ.
Chính ông Jeremy Bird đã tỏ ra lạc quan khi TQ tuyên bố sẽ cung cấp cho Mekong các thông tin của họ [7]. Vậy mà, từ đó đến nay MRC vẫn không có giải thích nào việc mực nước thất thường và gián đọan thông tin. Các dữ kiện Vân Nam của TQ tới nay vẫn chưa xuất hiện trở lại. MRC có lẽ chẳng bận tâm mấy về sự gián đọan thông tin này từ TQ cũng như không bận tâm về thắc mắc của Hội Sinh Thái Việt (HSTV) .  MRC xem thường công luận và công bố trên website MRC như sau [8]:
“Không có ràng buộc hay trách nhiệm đặc biệt gì với công chúng”
Vào tháng 10, năm 2010, ĐBSCL không thấy lũ về, Hội Sinh Thái Việt (HSTV) phát hiện lưu lượng hạ xuống qúa bất thường tại Chiang Saen vào ngày 30 tháng 10, 2010 từ 4750 m3/giây xuống 2750 m3/giây trong bốn ngày theo dữ kiện trên website của MRC mà MRC đã không có giải thích nào. HSTV đã viết thư yêu cầu MRC giải thích nhưng không được MRC quan tâm trả lời [10].
Nguồn: MRC [11] [12]
ĐBSCL đã bị bỏ rơi quá lâu thành nạn nhân của tắc trách, thiển cận và yếu hèn; ĐBSCL không thể để sự sinh tồn của hàng chục triệu dân cư bị hủy diệt. ĐBSCL và chính quyền Việt Nam không thể trông đợi ai khác, mà ngay bây giờ cần điều chỉnh cung cách lãnh đạo của MRC. VN cần thuyết phục Cam Bốt và Lào dè dặt lại trước mối nguy hiểm tiềm ẩn sau những đồng tiền viện trợ và đầu tư ồ ạt của TQ vào Lào và Cam Bốt. Quan trọng hơn hết là VN cần liên kết chặt chẽ với Thái Lan để cùng phản đối 8 con đập Vân Nam và yêu cầu TQ tôn trọng sự sinh tồn của ĐBSCL, xác định quyền lợi cốt lõi của VN trên Langcang Mekong bằng tất cả những phương cách ngọai giao khôn khéo và quyết liệt nhất mà VN có thể làm.
Lancang-Mekong Initiative
Nguồn nước là tài nguyên thiên nhiên qúy báu nhất mà các dân tộc chung một dòng sông đòi đời sẽ cùng chia sẻ. Các dòng sông quốc tế chảy qua nhiều biên giới quốc gia thường trở thành nguồn gốc tranh chấp quyền lợi nước giữa các dân tộc. Trên thế giới có trên 300 dòng sông quốc tế và đã có trên 400 thỏa hiệp sông ngòi quốc tế. Âu Châu đã có các thỏa hiệp quốc tế từ 1815 nhờ họ sớm nhận thức tranh chấp không giải quyết và sẽ là bức tường ngăn cản tất cả những cơ hội hợp tác kinh tế và chính trị khác mà hậu quả  là thiệt thòi nặng nề chung cho tòan lưu vực.
Trở về với Lancang-Mekong, trước sự suy thoái thể hiện trước mắt trên lưu vực Lancang Mekong, sự vô hiệu của MRC và vô cảm của TQ, sự bất lực của hạ lưu và mối nghi ngờ TQ ở thượng lưu ngày càng sâu đậm, đã đến lúc phải tìm giải pháp toàn bộ cho lưu vực. HSTV trân trọng đề nghị lãnh tụ sáu nước Lancang Mekong cần họp lại tìm một đáp án quốc tế cho tòan lưu vực bằng Sáng kiến Lancang-Mekong (Lancang Mekong Initiative-(LMI). Chỉ có LMI có cả 6 nước lưu vực mới có thể cùng nhau đi đến một hiệp ước quốc tế Lancang-Mekong Treaty.
Lancang Mekong Intitative (LMI) không thể theo bước MRC vì MRC đã đi vào bế tắc, mất sự tin cậy và không thể hiện được tư cách độc lập và khoa học trong sáng. Tuy nhiên LMI không phải vì thế bắt đầu từ số không vì đã có sẵn những luật lệ sông ngòi quốc tế làm căn bản để thỏa hiệp.

Liên Hiệp Quốc đã thông qua bộ luật “ The United Nations Convention on the Law of the Non-Navigational Uses of International Water Courses” vào năm 1997.   Bộ luật Helsinki Rules (1996) và Berlin Rules (2004) đều đem nguyên tắc “không gây thiệt hại đáng kể cho các nước khác” (not to cause significant harm to other riparians) và nguyên tắc “sử dụng hợp lý và công bình” (reasonable and equitable utilization) để làm nền tảng thỏa hiệp giữa các dân tộc [13][14] [15].

Năm 2011 đến 2014 là thời gian và cơ hội cuối cùng cho Lancang-Mekong thực hiện LMI để còn kịp thời  bảo vệ và vãn hồi môi sinh đang thoi thóp ở hạ lưu. LMI là cơ hội lớn để TQ chủ động chung với các nước láng giềng vì chính quyền lợi và uy tín của TQ. Nếu TQ tham gia, tiềm năng thành công của LMI rất cao vì TQ có khả năng, phương tiện và uy tín trong khi các nước Mekong có thiện chí và nhu cầu cấp bách để hợp tác với TQ hơn bất cứ cường quốc thế giới nào khác vào lúc này.

HSTV yêu cầu các NGO quốc tế và các học gỉa quốc tế cũng như trí thức TQ và các dân tộc Mekong thúc đẩy các chính quyền tiến hành sáng kiến LMI như lộ trình hay con đường cái quan tốt nhất để cùng phát triển bền vững tòan lưu vực, để không để ai còn bị nghi ngờ ích kỷ thủ lợi một mình hay gây cho một phần dân cư nào phải gánh chịu thiệt hại nặng nề vì mình nữa.

Lịch sử sẽ không khoan dung nếu Lancang Mekong không có một hiệp ước quốc tế khi cơ hội hy vọng cuối cùng vẫn còn. Các dân tộc và chính phủ Lancang-Mekong hãy viết nên lịch sử dòng sông bằng một LMI và ký kết Lancang Mekong Treaty không phải sau 2014 mà ngay trong năm 2011.

Tài liệu tham khảo