13/9/11

Một cái nhìn về giáo dục đại học Hà Lan và Việt Nam


“…Chỉ khi nào chúng ta có một hệ thống giáo dục công bằng, minh bạch thì chất lượng giáo dục của chúng ta mới được cải thiện…”

Một cái nhìn về giáo dục đại học Hà Lan và Việt Nam 
Hoàng Trung Nghĩa


...Với tư cách là một sinh viên đã hoàn thành chương trình đại học cả ở Việt Nam lẫn Hà Lan, tôi xin trình bày một cách ngắn gọn nhất những ưu điểm của hệ thống giáo dục Hà Lan, qua đó nêu ra một số điểm hệ thống giáo dục Việt Nam cần khắc phục...

Giáo dục đại học Hà Lan chú trọng vào phát triển khả năng tự học, sự tự tìm tòi, khám phá của sinh viên. Mỗi năm học được chia thành 5 “block” – mỗi block gồm 7 tuần học và 1 tuần thi. Trong 7 tuần ngắn ngủi đó, sinh viên phải biết cách tự quản lý quỹ thời gian của mình sao cho hợp lý. Bài giảng của giáo viên chỉ là sự giới thiệu môn học một cách cơ bản và tổng quát nhất, thông thường chỉ khoảng 2 tiết một tuần. Những bài giảng này được đưa lên trang web của trường một hai ngày trước buổi học để sinh viên có thể soạn bài trước ở nhà. Sau mỗi bài giảng, thường có một số lượng rất đông sinh viên xếp hàng để giáo viên giải đáp các thắc mắc. Nhiệm vụ của sinh viên là dựa vào bài giảng, đọc giáo trình và hệ thống hóa kiến thức cho riêng mình. Các trường đại học Hà Lan luôn chọn lựa những giáo trình hay nhất, cập nhật nhất, thường là từ các nhà xuất bản như Oxford, Harvard hay Routledge. Ngoài những môn bắt buộc, sinh viên được quyền chọn những môn mình yêu thích. Những môn học này luôn bám sát thực tế và có khả năng ứng dụng cao.

HoàngTrung Nghĩa
Đại Học Erasmus Rotterdam
Hà Lan
Lấy ví dụ môn thống kê: giáo viên không bao giờ yêu cầu sinh viên học từng công thức một vì họ biết bất kỳ một phần mềm thống kê nào cũng đã tích hợp những công thức đó. Trái lại, họ đòi hỏi sinh viên phải hiểu công thức đó được dùng trong những trường hợp nào, kết quả đầu ra từ phần mềm mang ý nghĩa gì và có hợp lý hay không. Sinh viên được cung cấp dữ liệu thực tế, khi là tình hình kinh doanh của các công ty, khi thì chỉ số cổ phiếu của một sàn giao dịch nào đó. Vì vậy, hầu hết sinh viên rất hào hứng với môn học của mình vì họ biết những kiến thức này là cần thiết cho nghề nghiệp tương lai của họ. Trong năm cuối đại học, các sinh viên phải chọn một “seminar” – được tổ chức như một hội thảo thực sự. Sinh viên được cung cấp tài liệu cần thiết, thông thường là các bài viết trên các tạp chí khoa học có uy tín. Tôi còn nhớ một trong những bài viết tôi được cung cấp là bài viết về cấu trúc của Modigliani (Nobel Kinh tế năm 1985) và Miller. Chúng tôi được yêu cầu đưa ra nhận định của mình về tính ứng dụng của lý thuyết trong thời điểm hiện tại, về những điểm chưa hợp lý trong bài viết. Mỗi tiết học, một sinh viên sẽ phải đóng vai “Chủ tịch hội nghị”– là người điều hành buổi hội thảo và cũng là người lắng nghe, phân tích và tổng hợp ý kiến của các thành viên tham dự. Đóng góp, phát biểu trong hội thảo là những chỉ tiêu quan trọng để giáo viên cho điểm các sinh viên. Để có đủ kiến thức, sinh viên phải tìm tòi và đọc rất nhiều. So với sinh viên châu Âu, sinh viên châu Á thường rất nhút nhát trong việc đưa ra ý kiến của mình, nhưng giáo viên luôn tìm cách khuyến khích để các sinh viên thụ động trở nên bạo dạn hơn. Mỗi tháng một lần, giáo viên sẽ gặp riêng từng sinh viên để trao đổi ý kiến về khóa học, đưa ra nhận xét về tình hình học tập của sinh viên đó và góp ý để sinh viên tham gia hội thảo tốt hơn. Do đó, hình thức học theo kiểu hội thảo này rất hiệu quả trong việc giúp sinh viên phát triển tư duy, nhận định, khả năng ngôn ngữ, giao tiếp và sự tự tin.

Hình thức học theo kiểu hội thảo
rất hiệu quả trong việc giúp sinh viên
phát triển tư duy, nhận định, khả năng ngôn ngữ,
giao tiếp và sự tự tin
Hầu như tất cả các khóa học đều có bài tập nhóm. Điểm được chấm cho toàn bài và cũng cho từng cá nhân. Vì vậy, sinh viên vừa phải nỗ lực cho phần bài viết của mình, vừa phải đóng góp để cho bài viết của đội mình tốt hơn. Bài tập nhóm thường rất thú vị và hấp dẫn. Chẳng hạn nhóm chúng tôi được yêu cầu thiết lập các mô hình kinh tế để định giá tài sản của Công ty Bưu chính TNT. Giáo viên hướng dẫn của chúng tôi – cũng như hầu hết các giáo viên khác của trường là giáo viên kiểu 4/1, nghĩa là 4 buổi trong tuần họ là nhân viên của một công ty nào đó và 1 buổi là giáo viên của trường. Chính giáo viên này cũng đang cùng các đồng nghiệp của mình thực hiện dự án định giá tài sản của TNT. Mỗi khi bế tắc, chúng tôi có thể viết email cho giáo viên và họ trả lời rất nhiệt tình. Cuối khóa học, chúng tôi phải trình bày kết quả định giá của mình trước đại diện của công ty TNT. Vì thế, tôi và các bạn tôi đều rất hào hứng và luôn cố gắng để hoàn thành bài tập của mình một cách tốt nhất. Một trong những bài tập khác mà tôi còn nhớ, đó là trò chơi giả lập đầu tư chứng khoán. Mỗi nhóm sẽ được cung cấp một số vốn nhất định để đầu tư sao cho rủi ro là thấp nhất và lợi nhuận là cao nhất. Bài tập này buộc chúng tôi phải biết cách phân tích rủi ro, cách tính lợi nhuận và dự đoán biến động của danh mục đầu tư của mình. Đó là một sự tìm tòi, khám phá đầy khó khăn nhưng bổ ích và thú vị.

Để tốt nghiệp, chúng tôi phải hoàn thành khóa luận tốt nghiệp – được bắt đầu bằng việc trình bày bằng văn bản ý tưởng của mình với giáo viên. Chỉ khi nào ý tưởng được kiểm chứng là khả thi và hữu dụng thì đề tài mới được thông qua. Mỗi sinh viên đều được cung cấp mật mã để tải số liệu và dữ liệu từ những nguồn phổ biến nhất trên thế giới như Thomson One Banker, Bloomberg, Zephyr… Sách trong thư viện vô cùng phong phú, thủ tục mượn sách rất đơn giản và dễ dàng. Mọi thông tin cần thiết về tài liệu đều được lưu trong cơ sở dữ liệu. Trong trường hợp tài liệu cần mượn không có trong trường, quản lý thư viện sẽ liên lạc với các trường khác để sinh viên có được tài liệu trong thời gian nhanh nhất. Sinh viên phải trình bày kế hoạch thực hiện đề tài của mình và giáo viên hướng dẫn có trách nhiệm giúp đỡ sinh viên bằng mọi cách để hoàn thành khóa luận của mình. Tất cả các bài tập hay luận văn của sinh viên đều được kiểm tra rất kỹ bằng phần mềm chống đạo văn của trường. Vì thế, không có chuyện sinh viên làm luận văn bằng cách xào lại hay cắt dán từ những những tài liệu có sẵn... Sau khi nộp luận văn, giáo viên hướng dẫn sẽ tự tìm một giáo viên khác để đọc và phản biện, sinh viên không được biết trước tên của giáo viên này. Do đó, việc sinh viên tặng quà hay đút tiền cho giáo viên là chuyện không bao giờ có.

Sau mỗi khóa học, sinh viên được yêu cầu đánh giá khóa học của mình, bao gồm cả việc đánh giá giáo viên. Thông tin về sinh viên đánh giá hoàn toàn được bảo mật. Các chỉ tiêu đánh giá thường là: Bạn có hài lòng về khóa học của mình? Khóa học này có thiết thực đối với bạn? Bạn đánh giá thế nào về giáo trình môn học? Bạn đánh giá thế nào về giáo viên?... Kết quả đánh giá của sinh viên sẽ được tổng hợp và công bố cho toàn thể sinh viên. Giáo viên nhận được nhiều đánh giá khả quan nhất của sinh viên sẽ được chọn là “Giáo viên của năm”. Việc này buộc các giáo viên luôn phải nỗ lực để khóa học của mình tốt hơn. Bên cạnh đó, điểm số của sinh viên được thông báo qua trang web của trường. Sinh viên có thể biết được tỉ lệ đậu hay trượt là bao nhiêu và mình đứng thứ mấy trong khóa học.

Trong khi đó, nhìn về giáo dục đại học Việt Nam, không khó để chúng ta trả lời vì sao chất lượng đầu ra của sinh viên nước ta còn thấp. Thứ nhất, giáo dục đại học Việt Nam không quá khác biệt với giáo dục phổ thông, nghĩa là còn nặng về việc dạy và học theo hình thức đọc, chép và học thuộc lòng. Thực trạng này dẫn đến việc học thụ động, không khuyến khích được sự tự tìm tòi, khám phá của sinh viên. Chính vì nặng về dạy học theo kiểu đọc – chép nên giáo dục đại học Việt Nam không có thời gian cho việc rèn luyện các kỹ năng khác của sinh viên. Sinh viên Việt Nam, dù đã tốt nghiệp, ra trường và đi làm, vẫn không đủ tự tin để phát biểu trước đám đông. Bên cạnh đó, giáo dục đại học Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến việc phát triển khả năng làm việc tập thể của sinh viên. Việc này giải thích tại sao sinh viên Việt Nam thường gặp khó khăn khi phải làm việc theo đội nhóm.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng giáo dục của Việt Nam còn yếu kém và giáo viên bị gò bó về nhiều mặt. Điển hình, khi tôi còn là sinh viên của trường Đại học Ngoại thương Tp.HCM, chúng tôi được học lập trình FoxPro của những năm 80 – vừa khó lại vừa lạc hậu và chẳng còn ai sử dụng. Giáo viên dạy môn đó nói với chúng tôi rằng anh không được đổi sang một lập trình khác do quy định của trường là vậy. Chúng tôi cảm thấy thời gian chúng tôi bỏ ra cho môn này là một sự lãng phí lớn. Hơn nữa, chúng tôi không khỏi ngán ngẩm khi biết đến kỳ thi, chúng tôi phải viết lập trình trên giấy.

Thứ ba, chất lượng giảng viên đại học Việt Nam không cao, vẫn còn tình trạng “cử nhân đào tạo cử nhân”. Có thể vì văn hóa, chúng ta ngại chuyện sinh viên đánh giá giáo viên, nhưng việc này rất bình thường ở những quốc gia khác. Có đánh giá, giáo viên mới biết chất lượng giảng dạy của mình thế nào và cố gắng hơn để đáp ứng yêu cầu của sinh viên.

Thứ tư, chuyện “xào” lại luận văn của sinh viên vẫn là căn bệnh nan y. Một khi không có cách ngăn chặn hiệu quả, chúng ta không thể nâng cao khả năng tư duy và nghiên cứu khoa học của sinh viên – và vì thế mục tiêu giáo dục của chúng ta bị thất bại. Trong khi đó, các phần mềm kiểm tra đạo văn đã được hầu hết các nước châu Âu, Mỹ và một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản ứng dụng.

Thứ năm, ngăn chặn việc “đi cửa sau” của sinh viên không phải là một việc khó. Chỉ cần chúng ta áp dụng mô hình của Hà Lan: sinh viên không được biết tên của giáo viên phản biện và giáo viên phản biện nắm vai trò quyết định trong việc đánh giá kết quả của sinh viên. Chỉ khi nào chúng ta có một hệ thống giáo dục công bằng, minh bạch thì chất lượng giáo dục của chúng ta mới được cải thiện.

Để kết thúc, tôi xin mượn lời của Sherwood Anderson – nhà văn người Mỹ: “Toàn bộ mục tiêu của giáo dục là để phát triển tư duy. Tư duy sẽ là thứ duy nhất phát huy hiệu quả” [1]. Rõ ràng, giáo dục đại học Việt Nam vẫn còn quá nhiều việc phải làm để mục tiêu này thành hiện thực.

Hoàng Trung Nghĩa
Nguồn: Báo Tia Sáng

Những cuộc cách mạng Trung Đông nhìn từ Trung Quốc (Perry Link)


“…Qua chứng thực những phong trào nhân dân bắt đầu tạo ra kết quả rõ ràng trong mấy tuần vừa qua, truyền thông xã hội và internet đã mở rộng tầm nhìn ngay cả đối với chính các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc…”


Những cuộc cách mạng Trung Đông
nhìn từ Trung Quốc

Perry Link

Nhà cầm quyền Trung Quốc đã làm những gì họ có thể làm để ngăn chặn tin tức về phong trào quyền lực nhân dân Ai Cập không lan truyền đến Trung Quốc? Tin tức về Ai Cập trên các phương tiện truyền thông quốc doanh Trung Quốc thường vắn tắt và trống rỗng. Vào ngày 6 tháng Hai, tức lúc cao điểm của các cuộc biểu tình, tờ Nhân Dân Nhật Báo thông báo cho độc giả biết “chính phủ Ai Cập đang cố gắng thực hiện những biện pháp khác nhau nhằm khôi phục trật tự xã hội”. Nhưng trên mạng Trung Quốc, tuy bị kiểm soát nghiêm ngặt nhưng vẫn khó mà bị bóp nghẹt, Mubarak bị mắng chưởi xối xả là “tên độc tài”, “côn đồ đốn mạt” vân vân. Cho nên, tuy những nhà kiểm duyệt Trung Quốc tuyên bố từ Mubarak (cùng với từ “Ai Cập” và các từ khác) là “nhạy cảm” và đã dựng tường lửa để xoá bất kỳ nội dung nào có từ này, những người Trung Quốc sử dụng mạng, trong trò mèo vờn chuột thường lệ, đã nghĩ ra những tên thay thế dí dỏm. Trong số các tên này có tên “Mẫu Tiểu Bình” và “Mẫu Cẩm Đào” (1) - nhờ sử dụng tên của chính các nhà độc tài Trung Quốc, để lách các nhà kiểm duyệt nhưng đồng thời cũng càng liều lĩnh hơn.

Cuộc nổi dậy Ai Cập là sự kiện nguy hiểm đối với tầng lớp cai trị Trung Quốc vì nó phá hoại một trong những lập luận ưa thích của họ. Đã từ lâu họ tuyên bố Trung Quốc có “những đặc trưng đặc biệt” (có nghĩa nhân dân Trung Quốc thích chế độ độc tài, ít nhất hiện nay) nên những đòi hỏi về dân chủ và nhân quyền ở Trung Quốc chỉ là những chiến thuật phá hoại của các lực lượng “chống Trung Quốc” xuất phát từ các nước Tây phương. Nhưng nếu lập luận ấy đúng, thì ta cần giải thích tại sao hàng triệu người dân Ai Cập chống lại Mubarak, người được Mỹ bảo bọc. Rõ ràng có điều gì đấy sâu sắc hơn thôi thúc nhân dân Ai Cập.


Tấm gương Tunisia gợi lên một câu hỏi liên quan cũng nguy hiểm không kém. Đối với tầng lớp cai trị Trung Quốc, Zine El Abidine Ben Ali, nhà độc tài bị lật đổ, đã thường đuợc xem là đi theo con đường của họ – cái gọi là “mô hình Trung Quốc” của sự phát triển kinh tế đi kèm với trấn áp chính trị – và đã đạt nhiều thành công trên con đường này, hay trong nhiều năm người ta đã tưởng như thế. Nhưng nhân dân Tunisia vẫn xuống đường lật đổ ông ta. Phải chăng người dân muốn điều gì đấy cao hơn mô hình Trung Quốc? Sao điều đó lại có thể xảy ra?

Trong những năm gần đây, chính các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc đã thừa nhận tự do, dân chủ, nhân quyền và nhân phẩm là “những giá trị phổ quát”: đây là một trong những tư tưởng cốt lõi trong Hiến chương 08, một tuyên ngôn cải cách mà chính quyền đã cố gắng rất nhiều để che giấu. Tầng lớp cai trị Trung Quốc đã phản bác qua tuyên bố “cái gọi là” những giá trị phổ quát chỉ là “những chiến thuật được Phương tây rao bán”. Sự đối đầu này đã tạo ra “cuộc tranh luận những giá trị phổ quát” trong giới trí thức Trung Quốc, nơi phe chính quyền, nhờ kiểm soát các phương tiện truyền thông, nên cho tới gần đây đã chống đỡ được. Nhưng khi những người trẻ tuổi ở Tunisia và Ai Cập (thuộc khắp mọi nơi!) cất tiếng ủng hộ những giá trị phổ quát, lời tuyên bố những giá trị này mang tính địa phương và bị áp đặt bởi Mỹ và các đồng minh Tây phương của Mỹ không đứng vững.

Các cuộc nổi dậy ở Tunisia và Ai Cập không thể nào xảy ra nếu không có Facebook và Twitter. Những người trẻ đã dùng những mạng xã hội này để liên lạc và tổ chức, và bộ máy đàn áp của chính quyền nước họ không tài nào theo kịp. Facebook chưa vào Trung Quốc ồ ạt, nhưng Twitter hầu như đã tạo ảnh hưởng rất lớn. Chẳng hạn, cuộc trao đổi ý kiến trực tiếp giữa đức Đạt Lai Lạt Ma và hàng ngàn công dân Trung Quốc được Vương Lực Hùng tổ chức hoàn toàn được thực hiện nhờ Twitter, và Twitter là phương tiện trao đổi ý kiến cá nhân được ưa chuộng trong giới những người muốn đi trước công an mạng một bước.

Nhưng kỹ thuật diệu kỳ chỉ là một lý do tại sao Lưu Hiểu Ba, người đoạt giải Nobel hoà bình của Trung Quốc, đã gọi Internet là “món quà Chúa ban cho Trung Quốc”. Càng quan trọng hơn đối với vương dân, hay “công dân mạng” Trung Quốc, là sự giải phóng tâm lý có được nhờ ở sự vô danh trên mạng. Suốt trong thời kỳ cộng sản, chế độ kiểm duyệt các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã chủ yếu được dựa trên sự tự kiểm duyệt do sợ hãi sinh ra. Sự thể hiện đa dạng và rất thành thực ta có thể nhận thấy trên mạng Trung Quốc ngày nay gần như được bày tỏ dưới những tên giả. Nhà cầm quyền đã cấm dùng tên giả, nhưng khi 400 triệu người vẫn cứ dùng, liệu họ có thể làm đươc gì?

Qua chứng thực những phong trào nhân dân bắt đầu tạo ra kết quả rõ ràng ở Cairo, Tunis, Bahrain và những nơi khác trong mấy tuần vừa qua, truyền thông xã hội và internet đã mở rộng tầm nhìn ngay cả đối với chính các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc, trong đó có những người đã phác thảo ra Hiến chương 08. Qua trò chuyện với họ trong mấy ngày gần đây, tôi biết họ cũng hơi ngạc nhiên khi thấy dân chủ nở rộ ở Bắc Phi. Thoạt đầu họ không hiểu rõ chuyện gì xảy ra. Từ trước đến nay, họ chủ yếu chỉ quen thuộc với các nhà bất đồng chính kiến Đông Âu của quá khứ như Adam Michnik và Vaclav Havel (Hiến chương Tiệp Khắc 77 của ông là nguồn khích lệ cho Hiến chương 08). Họ thấy những người Châu Âu này đấu tranh chống lại những đối thủ tương tự như đối thủ của họ -các chế độ độc tài cộng sản – và có cùng mục tiêu chung: cùng một nền dân chủ và nhân quyền mà người như Havel diễn đạt rất hay. Ngược lại, nhiều người Trung Quốc, đến ngay cả một số những nhà hoạt động dân chủ, đều đã được dạy rằng những người Châu Phi là “lạc hậu”; và kể từ khi “cuộc chiến tranh chống khủng bố” do Mỹ lãnh đạo, những nhà hoạt động dân chủ đôi lúc vội vàng tin vào chân dung tiêu cực về thế giới Hồi giáo do Mỹ đã vẽ lên. Tuy nhiên, khi suy nghĩ của họ vượt ra khỏi những rào cản định kiến này, những nhà hoạt động dân chủ này đã bắt đầu xem những nhà dân chủ Bắc Phi là những người đồng chí hướng. Một nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc thổ lộ với tôi: “Cho dù họ chọn con đường chúng tôi không chọn” – chẳng hạn nhà nước Hồi giáo - nếu họ thực hiện sự chọn lựa ấy một cách dân chủ, chúng tôi phải bảo vệ sự chọn lựa của họ”. Tuy nhiên, không có nhà hoạt động dân chủ nào mà tôi có dịp trò chuyện cảm thấy là thực tế khi kêu gọi xuống đường kiểu Ai Cập vào lúc này.

Thật khó biết những người Ai Cập nghĩ gì về Trung Quốc, dù về chính quyền ở Bắc Kinh hay về những người đã ủng hộ Hiến chương 08. Nhưng quả thật thú vị là một số biểu ngữ ở Quảng trường Tahrir – “Mubarak cút đi!” và “Nhân dân Ai Cập yêu cầu Mubarak từ chức” – được viết bằng tiếng Trung Quốc.

Liệu các chế độ độc tài trên thế giới có thể chặn đứng được dòng thác dân chủ Internet? Trong suốt năm ngày cao điểm của các cuộc biểu tình, người của Mubarak đã có thể cắt được Internet và, có lúc, cắt cả mạng lưới điện thoại di động. Đây là chiến thuật nhà cầm quyền Trung Quốc đã áp dụng -ở khu vực Tân Cương phía tây, sau các biến động ở đấy vào tháng Bảy năm 2009, chiến thuật này đã gây ra sự cắt mạng Internet gần như toàn bộ trong suốt 312 ngày. Năm ngoái Tiêu Cường, chuyên gia hàng đầu về mạng Internet Trung Quốc, tranh luận với một người có chức vụ cao trong tầng lớp cầm quyền ở Trung Quốc về “mối đe doạ của Internet đến sự ổn định”. Như thể trình ra lá bài chủ trong canh bạc, viên chức này có lúc nói: “Nếu cần, chúng tôi luôn luôn có thể cúp toàn bộ mạng”. Tiêu Cường cho biết khi nghe vậy ông cảm thấy bất ngờ ớn lạnh.

Nhưng liệu nhà cầm quyền Trung Quốc thực sự có thể làm chuyện như thế? Hàng năm họ chi có lẽ hàng chục tỉ nhân dân tệ để kiểm soát Internet; nguồn Trung Quốc chính thức đã hé lộ chính quyền chi hơn 500 tỉ nhân dân tệ (76 tỉ đô la) mỗi năm cho sự “duy trì ổn định ” trong nước. Song cắt toàn bộ mạng biết đâu vẫn còn khó khăn về mặt kỹ thuật. Và cho dù nó có khả thi chăng nữa, hiện nay rất nhiều người ở Trung Quốc phụ thuộc vào Internet – không những về bình luận chính trị mà còn về thông tin, thương mại, giải trí, và liên lạc – đến nỗi “cúp” mạng như vậy sẽ thật sự gây ra đảo lộn lớn, và hầu như không đưa đến “ổn định”.

Trong suốt thời gian kể từ khi Henry Kissinger đến Trung Quốc vào năm 1971 để khai thông quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cho đến nay, chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc luôn luôn bị hạn chế do không thể thấy rằng Trung Quốc thực ra rất khác xa và thường rất khác hẳn với tầng lớp cai trị nước này. Ngay cả vụ thảm sát kinh hoàng chế độ gây ra đối với chính những công dân của họ ở Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989 cũng chỉ tạo ra sự đoạn tuyệt một phần và thoáng qua với nguyên tắc cơ bản rằng “Trung Quốc” có nghĩa là sự lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc, thể thôi. Dù vậy, trong những tuần gần đây, có một số dấu hiệu chính quyền Obama đang thoát ra sự thiển cận nguy hiểm này và có thể cuối cùng sẵn sàng cho phép chính phủ Hoa Kỳ bỏ qua tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc để nói chuyện trực tiếp với nhân dân Trung Quốc, những người đứng mờ nhạt phía sau. Vào ngày 13 tháng Giêng, tổng thống Obama đích thân gặp gỡ năm nhà hoạt động dân chủ người Mỹ vốn trong nhiều năm qua đã thôi thúc Mỹ thực hiện điều này. Vào ngày 15 tháng Hai bộ trưởng ngoại giao Hilary Clinton đọc bài diễn văn về tự do Internet trong đó bà nói Hoa Kỳ quyết tâm giúp nhân dân ở Trung Quốc và ở khắp mọi nơi khác “vượt tường lửa, đi trước các nhà kiểm duyệt một bước”, và bằng nhiều cách khác nhau giúp họ tham gia vào mạng Internet tự do và rộng mở. Bà cho biết Hoa Kỳ trong năm nay có kế hoạch ban 25 triệu đô la cho những khoản tài trợ cạnh tranh dành cho “các nhà kỹ thuật và các nhà hoạt động dân chủ đi tiên phong trong nỗ lực đấu tranh chống lại sự trấn áp Internet”.

Người Mỹ nên nên tán thành động thái này. Về nguyên tắc đây là một sự thay đổi theo chiều hướng đúng. Nhưng chúng ta cần hỏi phải chăng số tiền như vậy là tương xứng. Làm sao 25 triệu đô la một năm sánh với vài trăm triệu đô la phí tổn mỗi ngày cho các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq? Và phương pháp nào -đấu tranh chống lại sự trấn áp Internet hay tham chiến- xem ra sẽ có thể thực sự mang lại dân chủ?
Perry Link
Nguồn: The New York Review of Book, ngày 17/02/2011
Trần Quốc Việt (danlambao) dịch

Vì sao ngửa tiền xin viện trợ, nhưng xài sang nhất thế giới? (Trần Minh Quân)


“… những đồng tiền lớn họ có trong tay, không phải từ lao động chân chính, mà từ những phi vụ làm ăn bất chính, hay do tham ô, hối lộ, ... nên họ mới xem nhẹ đồng tiền…”

Vì sao ngửa tiền xin viện trợ,
nhưng xài sang nhất thế giới?

Trần Minh Quân


Mọi người sẽ nghĩ gì khi Việt Nam chưa thuộc diện thoát nghèo, vẫn đang nhận viện trợ của thế giới mà lại mang tiếng chi bạo nhất thế giới? Đó là câu hỏi day dứt mà tác giả đặt ra trong bài viết dưới đây.

Trong mấy ngày qua, bài toán lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng vọt đang làm nóng các diễn đàn, đang thách thức các nhà kinh tế. Và bài bài toán chi tiêu, các phương án “thắt lưng buộc bụng” trong thời bão giá đã len lỏi vào tận hang cùng ngõ hẻm, là câu chuyện xôm tụ từ trong nhà ra đến ngoài phố, từ miền ngược đến miền xuôi, ... thì vẫn có một bộ phận người Việt Nam đang “vô tư” tiêu xài mà không hề suy tính thiệt hơn.

Thoạt nhìn thì những kết luận kiểu như “Người Việt Nam lạc quan nhất thế giới” hay “Người Việt Nam tiêu xài lạc quan nhất thế giới”, ... là những dấu hiệu đáng mừng vì khi xã hội tiêu xài lạc quan, sức mua tăng lên, chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam rất năng động, sản xuất hàng hóa đang phát triển. Nhiều người cũng tin rằng, đây sẽ là bước đà để Việt Nam theo kịp các nước có nền kinh tế phát triển cao trên thế giới.

Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ vấn đề thì hình như không phải như vậy, thậm chí hiện tượng này phản ánh một thực tế hoàn toàn ngược lại.

Đừng tự hào khi mang danh “xài sang nhất thế giới”

Trong khi Việt Nam vẫn đang thuộc diện nghèo với đa phần là nông dân, có thu nhập thấp. Kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài và các khoản viện trợ của các tổ chức tín dụng quốc tế thì cái danh “tiêu xài lạc quan nhất thế giới” thật không đáng để tự hào chút nào.


Nhiều nông dân bán đất được một cục tiền lớn,
không biết làm gì, tiêu xài vô tội vạ
như nội dung phim "Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa"
Thực tế thì trong những năm gần đây, kinh tế của người dân có phần khấm khá, thu nhập có phần tăng lên, do đó sức mua và chi tiêu cũng tăng theo. Thị trường bán lẻ của Việt Nam tăng mỗi năm 20% có nguyên nhân từ sự dồn nén của nhiều năm trước, khi đa phần người dân có đời sống hàng ngày quá thiếu thốn. Đồng thời con số này chỉ phản ánh được mức tiêu xài ở các thành phố lớn, còn những người ở vùng nông thôn vẫn còn đang vật lộn với cái ăn, cái mặc hàng ngày thì lấy tiền đâu ra để mua sắm?

Công bằng mà nói thì ở đâu đó trong xã hội vẫn có nhiều người nghèo nhưng họ chi tiêu rất thông thoáng. Những người này đa phần là những người không có công ăn việc làm nhưng lại sẵn có đất đai của tổ tiên, ông bà để lại. Hay những người trước giờ vốn nghèo nhưng do quá trình đô thị hóa, đất đai của họ vốn rẻ như ... bèo thì nay tự nhiên có giá do đầu tư, quy hoạch. Họ cầm một khoản lớn tiền đền bù, giải tỏa trong tay mà không biết làm gì cho hợp lý nên đa phần họ tìm cách mua sắm, tiêu xài một cách vô tội vạ đến khi hết thì thôi.

Ngoài ra, có lẽ có người viết đã quá lời khi cho rằng đa phần người Việt Nam hiện nay làm ra chỉ được 1 đồng mà tiêu xài đến 2 đồng hay 4 đồng. Điều này là không hoàn toàn chính xác.
Hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng hay trong cuộc sống xung quanh chúng ta vẫn còn rất nhiều những người mẹ, người cha đang tảo tần, dãi nắng dầm mưa, làm lụng vất vả kiếm tiền nuôi sống gia đình, nuôi con ăn học. Từng đồng tiền họ kiếm được là mồ hôi, là nước mắt, là sự nổ lực phấn đấu không ngừng của bản thân mà có nên họ rất quý trọng và tiết kiệm đồng tiền.

Điều này chỉ đúng đối với một bộ phận nhỏ những người không trực tiếp làm ra đồng tiền, những cậu ấm, cô chiêu, hay những người vì một lý do nào đó mà giàu nhanh, những đồng tiền lớn họ có trong tay không được tạo nên từ mồ hôi, nước mắt, không phải từ lao động chân chính, mà từ những phi vụ làm ăn bất chính, hay do tham ô, hối lộ, ... nên họ mới xem nhẹ đồng tiền.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng hay các tổ chức tín dụng cũng đâu dễ dãi cho vay đối với những người không có khả năng chi trả, không có vật dụng thế chấp. Thử hỏi họ lấy đâu ra tiền để mà chi tiêu vượt khả năng của mình?

Ai ăn bát phở 750.000 đồng?

Bỏ ra hàng chục triệu đồng trong một đêm
để nốc rượu ngoại là thú vui sành điệu
của các cô chiêu, cậu ấm
Vậy tại sao tuy số lượng những người “chi bạo” không chiếm đa số nhưng lại phản ánh được một thực tế gây phản cảm, thậm chí bị xem là một lối ứng xử trong xã hội hiện nay?
Điều này sẽ không khó để lý giải khi mà những người nghèo (đa số), thì đang cố gắng chắt chiu từng đồng bạc lẻ, từng hạt muối, hạt thóc, củ khoai, ... trong khi đó những người chi bạo (thiểu số) thì lại đang ra sức mua nào là siêu xe, siêu điện thoại, siêu laptop, ... hay chi cho những bữa ăn bạc triệu, thậm chí một số người chỉ với một bữa ăn sáng họ chi tới 750.000 đồng.
Điều này cho thấy rằng dù đa số người nghèo có tiết kiệm tới đâu thì cũng không thể bù đủ cho lượng tiền mà những người chi bạo đã bỏ ra.

Có người cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này chủ yếu từ giáo dục. Do thiếu giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội nên mới xảy ra cớ sự như ngày hôm nay. Điều này quả thật không sai.

Tuy nhiên có một nghịch lý phũ phàng đang diễn ra. Trong khi nhiều học sinh ở vùng miền núi các tỉnh miền trung đang phải bỏ học để lên rừng chặt đót về bán kiếm tiền phụ giúp gia đình thì vẫn còn đâu đó những học sinh con nhà khá giả nơi thành thị lại vùi đầu vào các trò chơi trực tuyến, game online, hay các cuộc chơi trác táng, thâu đêm suốt sáng, tiêu tiền như rác, như ném tiền qua cửa sổ, ... Vậy phải chăng học sinh ở thành phố không được giáo dục đầy đủ và tới nơi tới chốn như các em học sinh ở miền núi khó khăn?

Điều này cho thấy rằng nếu sống trong điều kiện khó khăn, thấy được sự vất vả của cha mẹ khi kiếm tiền thì con cái sẽ biết cách quý trọng đồng tiền. Ngược lại, những gia đình có cha mẹ kiếm tiền quá dễ, nhất là những đồng tiền không chân chính thì rất dễ dẫn đến sự nhìn nhận lệch lạc giá trị của đồng tiền, chi bạo ắt sẽ xảy ra.

Tự làm xấu mình trong con mắt bạn bè thế giới 

Hàng ngày vẫn còn rất nhiều những người mẹ, người cha đang tảo tần, dãi nắng dầm mưa, làm lụng vất vả kiếm tiền nuôi sống gia đình, nuôi con ăn học. Từng đồng tiền họ kiếm được là mồ hôi, là nước mắt, là sự nổ lực phấn đấu không ngừng của bản thân mà có nên họ rất quý trọng và tiết kiệm đồng tiền.

Trong xã hội hiện nay đang tồn tại một bộ phận không nhỏ người dân quá xem trọng hình thức và giá trị vật chất. Điều này rất dễ dẫn đến sự đua đòi, bắt chước, muốn thể hiện ta đây là kẻ “chịu chơi”, là thức thời. Nếu những người này sống trong điều kiện kinh tế gia đình khá giả, rất dễ trở thành những người chi bạo.

Tóm lại, chỉ có những người đang sở hữu những đồng tiền không phải do mình làm ra hay làm ra một cách không minh bạch mới dám xem nhẹ đồng tiền. Đa số những người còn lại, khi vẫn đang chật vật xoay xở với công cuộc mưu sinh hằng ngày, cuộc sống đang phải đối diện với những thiếu thốn thường nhật thì không thể và cũng không có để mà chi bạo.
Chi bạo sẽ không có gì đáng nói nếu là chi những đồng tiền do lao động chân chính của chính mình làm ra hay chi vào những việc có ích cho xã hội như làm từ thiện, giúp đỡ cho người nghèo, ...

Chỉ vì một số người chi bạo mà tạo nên một hiện tượng xã hội hay hình thành nên một lối ứng xử thì rất đáng bị lên án, cần được chấn chỉnh kịp thời. Nếu không sẽ tạo nên một đặc trưng ứng xử lệch lạc trong xã hội và quan trọng hơn, chúng ta sẽ tự làm xấu mình trong con mắt của bạn bè thế giới.

Mọi người sẽ nghĩ gì khi Việt Nam chưa thuộc diện thoát nghèo, vẫn đang nhận viện trợ của thế giới mà lại mang tiếng chi bạo nhất thế giới?

Trần Minh Quân
Nguồn: Báo Sài Gòn Tiếp Th

Khoa học về quyền lực của nhân dân (Nathan Schneider)


“… giới báo chí cũng còn một số vấn đề. Thí dụ như có đàn áp bằng vũ lực, hay một số người bị giết thì họ gọi là những cuộc biểu tình bạo lực. Nhưng đấy không phải là biểu tình bạo lực – đấy là chế độ bạo lực giết dân của mình…”

Khoa học về quyền lực của nhân dân:
một bài phỏng vấn với Gene Sharp

Nathan Schneider

Gene Sharp là nhà nghiên cứu về đấu tranh bạo động nổi tiếng nhất còn sống hiện nay. Ông có bằng tiến sĩ chính trị học của Oxford và đã từng dạy ở đại học tổng hợp Harvard và Massachusetts. Các tác phẩm The Politics of Nonviolent Action và Waging Nonviolent Struggle, cùng với rất nhiều cuốn sách bìa mềm và trước tác khác đã là nguồn động viên và hướng dẫn cho các phong trào quần chúng trên khắp thế giới suốt nhiều thập niên qua. Gần đây nhất, các tác phẩm của ông được coi là có ảnh hưởng rất lớn đến các cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập. Hiện ông vẫn đang cộng tác với Viện Albert Einstein.
Ông Gene Sharp trong văn phòng làm việc

Nathan SchneiderÝ nghĩ đầu tiên của ông khi được tin tổng thống Mubarak ở Ai Cập đã bị tước quyền?

Gene Sharp: Tôi nghĩ điều đó có thể xảy ra. Trong mấy năm vừa qua đã có quá nhiều quan niệm sai lầm về hành vi bất bạo động. Người ta thường nghĩ rằng như thế là quá yếu, rằng chỉ có vũ lực mới có thể lật đổ được những nhà độc tài mà thôi. Đây là một thí dụ nữa chứng tỏ rằng đấy là quan niệm không đúng. Nếu người dân có kỉ luật và dũng cảm thì họ có thể làm được chuyện đó.

Nathan SchneiderÔng có ngạc nhiên trước diễn biến của các sự kiện hay không? Có điều gì mới ở đây hay không?

Gene Sharp: Cái đầu tiên làm tôi ngạc nhiên là số người tham gia và sự lan rộng của nó – tự bản thân điều đó đã đáng ngạc nhiên rồi. Thứ hai, người dân Ai Cập nói rằng họ đã không còn sợ hãi nữa. Đấy là bước tiến mà Gandhi luôn luôn kêu gọi, và đấy là bước tiến mà tôi cho là rất đáng hi vọng. Nhưng đấy chính là điều đã diễn ra ở Ai Cập. Khi người dân không còn sợ chế độ áp bức nữa thì kẻ áp bức sẽ gặp rắc rối to. Thứ ba, người ta đã giữ vững kỉ luật bất bạo động. Chúng ta đã nghe thấy trên TV người ta nói rằng ở những khu vực gặp khó khăn và có thể bùng phát thành bạo động thì người dân đã đồng thanh hô lớn: “Hòa bình, hòa bình, hòa bình”. Đấy là điều rất đáng ngạc nhiên nữa.

Nathan SchneiderTheo ông, các tư tưởng của ông đã có ảnh hưởng như thế nào đối với những người tổ chức các vụ biểu tình phản đối ở Tunisia và Ai Cập?

Gene Sharp: Tôi cũng muốn biết lằm! Nhưng không được.

Nathan SchneiderÔng có liên hệ với những người tổ chức không?

Gene Sharp: Không.

Nathan SchneiderHay với những người có liên hệ với những người tổ chức?

Gene Sharp: Những năm trước có thể tôi đã gặp một người nào đó. Nhưng trực tiếp thì không.

Nathan SchneiderCách mạng ở Ai Cập và Tunisia là tự phát và bất ngờ hay là được hoạch định và tổ chức từ trước?

Gene Sharp: Một đồng nghiệp của tôi đang nghiên cứu trường hợp Tunisia cho nên tôi có nắm được một ít. Tất cả bắt đầu bằng hành động của một người dũng cảm, anh ta đã chết và đã thôi thúc những người khác đứng lên phản đối, sau đó phong trào phản đối càng mạnh thêm. Phong trào phản đối xuất phát từ những vùng nghèo khó và cuối cùng đã lan đến thủ đô mà không có kế hoạch nào cả và rõ ràng là không có kiến thức cụ thể về đấu tranh bất bạo động. Có khả năng là tình hình ở Ai Cập khác hẳn.

Nathan SchneiderÔng có ý kiến gì về lí do làm cho người dân Ai Cập lựa chọn phương pháp bất bạo động không? Ông nghĩ rằng đây là sự bắt buộc của hoàn cảnh hay là sự cam kết từ trước?

Gene Sharp: Đây chắc chắn là do sự bắt buộc. Nếu chế độ độc tài hay chế độ áp bức quá đáng có tất cả quân đội và vũ khí còn chị ở phe đối lập thì chiến đấu với họ trên lãnh thổ của họ, với vũ khí của họ là việc làm ngu xuẩn. Chị phải chọn cách khác. Nhưng không phải lúc nào người ta cũng làm như thế – đôi khi người ta cố gắng sử dụng bạo lực, điều đó thường dẫn đến thảm họa.

Nathan SchneiderÔng có lo lắng về những vụ bùng phát bạo lực do những người biểu tình gây ra, thí dụ như ném đá và đốt đồn công an không?

Gene Sharp: Có. Tôi nghĩ có nhiều ngộ nhận về những hòn đá đó – nói chung đấy vẫn là bất bạo động. Nhưng có khả năng là chúng sẽ biến thành những vụ bạo động lớn hơn và thế là thất bại hoặc làm cho người dân sợ hãi và trở thành thụ động vì những hòn đá của họ không thể phá sập được bức tường Jericho.

Nathan SchneiderÔng có nghĩ rắng các chính phủ khác ở Trung Đông như Bahrain, Yemen và Jordan sẽ có khả năng thích ứng với chiến thuật này và ngăn chặn không để cho nó có hiệu quả như vừa rồi hay không?

Gene Sharp: Họ sẽ cố, dĩ nhiên là như thế. Các chính phủ này sẽ tham khảo lẫn nhau, có thể là với Iran, Trung Quốc và những nước khác, nơi mà người ta không thích cách phản kháng như thế. Sẽ có sự trao đổi thông tin về cách thức tiêu trừ căn bệnh dễ lây làn này.

Nathan SchneiderCông nghệ internet có vai trò quan trọng như thế nào? Ông có cho rằng các phương tiện thông tin đại chúng đã gán cho nó ý nghĩa quá lớn hay không?

Gene Sharp: Đáng tiếc là tôi không biết nhiều về công nghệ, tôi nghiên cứu những vấn đề khác! Tất cả các bản tường trình đều nói rằng nó có vai trò quan trọng ở cả Tunisia lẫn Ai Cập. Nhưng vấn đề là không phải tự thân công nghệ, đấy chỉ là phương tiện thông tin thôi. Quan trọng là điều bạn thông báo. Đấy chính là cái mà công trình của tôi hướng tới.

Nathan SchneiderÔng đánh giá như thế nào về việc đưa tin về cách mạng trên các phương tiện truyền thông?

Gene Sharp: Có vẻ như truyền thông đóng vai trò cực kì to lớn. Nhưng giới báo chí cũng còn một số vấn đề. Thí dụ như có đàn áp bằng vũ lực, hay một số người bị giết thì họ gọi là những cuộc biểu tình bạo lực. Nhưng đấy không phải là biểu tình bạo lực – đấy là chế độ bạo lực giết dân của mình. Đôi khi họ còn gọi là bạo loạn trong khi thực ra đấy là những cuộc biểu tình bất bạo động và có kỉ luật. Thuật ngữ rất quan trọng.

Nathan SchneiderKhi xem các bản tin nhiều người đã ngạc nhiên trước hình ảnh người Hồi giáo và Thiên chúa giáo bảo vệ nhau khi họ cầu nguyện. Ông có nghĩ rằng tôn giáo là một tác nhân quan trọng không?

Gene Sharp: Theo tôi thấy thì không.

Nathan SchneiderVề mặt lịch sử, bất bạo động và chủ nghĩa hòa bình thường được gắn với các tôn giáo thí dụ đạo Jain hay “các nhà thờ hòa bình” Thiên chúa giáo.

Gene Sharp: Vâng, đúng thế.

Nathan SchneiderTôn giáo có phải là tác nhân quan trọng trong việc động viên các phong trào bất bạo động không hay các ý tưởng này đã vượt qua được cội nguồn tôn giáo của chúng?

Gene Sharp: Đây thậm chí không còn là vấn đề nữa. Chúng đã vượt qua các biên giới tôn giáo. Nếu người ta là thành phần của một nhóm tôn giáo nào đó và có tinh thần bất bạo động và không chống cự thì đấy là rất tốt. Nhưng chúng ta không nói rằng phải có tín ngưỡng nào đó thì họ mới làm như thế. Về mặt lịch sử, trong hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm đã không phải như thế rồi. Đấu tranh bất bạo động, theo tôi hiểu, không căn cứ vào đức tin của người dân. Mà căn cứ vào những việc họ làm.

Nathan SchneiderNhưng những khác biệt về văn hóa có làm cho một số xã hội có xu hướng bất bạo động hơn những xã hội khác hay không? Hay là các xã hội có khả năng như nhau, không phụ thuộc vào nền văn hóa của mình?

Gene Sharp: Tạm thời gác sang một bên vấn đề văn hóa, không phải tất cả đều có khả năng làm một việc gì đó. Nhưng khi tác phẩm Chính Sách Bất Bạo Động (The Politics of Nonviolent Action) của tôi được xuất bản lần đầu vào năm 1973, một nhà nhân chủng học nổi tiếng, bà Margaret Mead, đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng cuốn sách của tôi là hiện tượng liên văn hóa.

Nathan SchneiderCó những suy nghĩ rập khuôn cho rằng người Hồi giáo không thể làm như thế này, rằng họ chỉ có thể sử dụng bạo lực.

Gene Sharp: Cực kì nhảm nhí. Theo lời của Gandhi thì ở khu vực biên giới phía Tây-Bắc tỉnh British India, người Pashtuns theo Hồi giáo, nổi tiếng là những người rất thô bạo, nhưng lại trở thành những người lính dũng cảm hơn và có kỉ luật hơn là người theo đạo Hindu. Đây là một thí dụ cực kì quan trọng. Khi tác phẩm Từ chế độ toàn trị sang thể chế dân chủ của tôi được xuất bản ở Indonesia thì chính Abdurrahman Wahid, một lãnh tụ của người Hồi giáo và sau này là tổng thống Indonesia, đã viết lời giới thiệu cho nó.

Nathan SchneiderÔng có lo lắng về việc liệu những phe nhóm Hồi giáo Ai Cập có thể trở thành những đối tác tin cậy được trong việc tạo lập xã hội dân chủ hơn hay không?

Gene Sharp: Tôi không thật sự hiểu xã hội Ai Cập, kiến thức về người Hồi giáo Ai Cập thì còn ít hơn nữa. Nhưng tôi biết rằng tổ chức Huynh đệ Hồi giáo quan tâm đến cuộc đấu tranh bất bạo động, theo tôi biết thì cách đây mấy năm đây là tổ chức đầu tiên ở Ai Cập đưa tác phẩm Từ độc tài tới dân chủ lên website bằng tiếng Ai Cập của họ.

Nathan SchneiderCòn giới quân nhân, hiện họ đã nắm được chính quyền ở Ai Cập?

Gene Sharp: Lại xin nói rằng giá mà tôi biết giới quân nhân Ai Cập thì hay quá. Nhưng tôi không biết.

Nathan SchneiderNhưng xét về mặt lịch sử khi giới quân nhân nắm quyền thì họ có trở thành người bảo vệ tin cậy của cuộc cách mạng bất bạo động được không?

Gene Sharp: Chẳng có gì bảo đảm cả. Bao giờ cũng có nguy cơ là sau khi kiểm soát được chính phủ thì họ sẽ ở lại vì nghĩ rằng mình biết nhiều hơn những người khác. Đấy là lí do vì sao phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống đảo chính quân sự hay chính trị lại quan trọng đến như thế. Trên website của chúng tôi có một cuốn sách mỏng Chống Đảo Chính (The Anti-Coup) nói về cách thức ngăn chặn đảo chính và cách chống lại nếu nó đã xảy ra. Tôi hết sức đề nghị những người lo lắng về đảo chính quân sự hay đảo chính chính trị nghiên cứu và làm theo nó.

Nathan SchneiderÔng cho rằng những người ủng hộ dân chủ ở Trung Đông cần phải làm gì để bảo đảm rằng việc chuyển giao được thực hiện theo đúng lộ trình?

Gene Sharp: Bất kì ai trong hoàn cảnh này cũng phải mở to mắt ra và xác định được những tín hiệu chẳng lành – tức là xác định được những sự kiện không diễn tiến theo chiều hướng có lợi và góp phần bảo vệ nền dân chủ. Cần phải tính toán trước những việc cần làm khi điều đó xảy ra. Nhưng chúng ta không thể góp ý cụ thể hơn.

Nathan SchneiderTại sao ông lại không góp ý?

Gene Sharp: Chúng ta không biết rõ các xã hội đó, vì vậy mà góp ý của chúng ta có thể sai. Chúng ta chỉ có thể góp ý là cần phải suy nghĩ một cách kĩ lưỡng ngay từ trước. Trên website của chúng tôi còn một cuốn sách mỏng nữa, gọi là Tự Giải Phóng (Self-Liberation), hướng dẫn cho người ta lập kế hoạch cho chiến lược của mình. Họ phải nghiên cứu kĩ lưỡng xã hội của mình: Bản chất của chế độ? Nó mạnh ở chỗ nào và yếu ở chỗ nào? Phức tạp hơn là nói. Họ phải hiểu một cách thấu đáo cuộc đấu tranh bất bạo động, nếu không thì họ không thể lập kế hoạch một cách đúng đắn được. Và cuối cùng, họ phải biết cách tư duy chiến lược. Giống như các nhà chiến lược quân sự, họ phải lập kế hoạch tiến hành chiến dịch một cách kĩ lưỡng – không phải là kế hoạnh cho một trận đánh mà là cho cả chiến dịch. Thường là, người ta không biết tư duy chiến lược, nhưng họ cần phải học.

Nathan SchneiderCác tư tưởng đó đã lan truyền rộng rãi đến mức nào? Thí dụ như ở Ai Cập, khá đông người còn mù chữ.

Gene Sharp: Đôi khi người biết chữ lại là vấn đề vì họ có thể trở thành phương tiện truyền bá bất kì truyền đơn nào, còn người mù chữ thì không thể đọc được truyền đơn. An toàn hơn!

Nathan SchneiderNhưng ông có nghĩ rằng toàn xã hội phải nghiên cứu hành động bất bạo lực trước khi làm hay là chỉ cần một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo tinh thông là được? 

Gene Sharp: Về cơ bản là rất đơn giản: làm việc không nên làm hay là làm việc nên làm. Vấn đề không phải là ăn đòn của người ta mà là tính kiên cường của con người. Ai cũng có thể làm được điều đó. Không cần có bằng tiến sĩ hay bằng cấp tương tự như thế mới có thể tham gia. Nhưng nếu chị định lập kế hoạch chiến lược cho cả nước thì chị phải biết nhiều hơn nữa, chứ không chỉ nguyên tắc đơn giản này. Chúng tôi có những tác phẩm rất dài và rất chi tiết, được chú giải một cách kĩ lưỡng, lại có cả những cuốn chỉ mươi, mười lăm trang. Cần phải nói cho phù hợp với quyền lợi và học vấn của người nghe.

Nathan SchneiderCác cuộc cách mạng ở Ai Cập và Tunisia sẽ có đóng góp như thế nào vào lí thuyết và thực tiễn của đấu tranh bất bạo động?

Gene Sharp: Tôi không biết. Quả thật là không biết. Mọi thứ đều được truyền bá, nhất là trong thời đại công nghệ này. Nhưng tôi quả thực không biết. Chúng tôi không có người nghiên cứu tại chỗ. Đáng lẽ chúng tôi phải có các nhà nghiên cứu làm việc toàn thời gian trong thời gian này, nhưng đáng tiếc là chúng tôi không có tiền để làm chuyện đó. Chúng tôi không có nhiều tài trợ. Chúng tôi có thể lôi kéo được sự chú ý của toàn thế giới, nhưng chúng tôi chỉ làm được những nghiên cứu cơ bản, vì không có tiền. Người ta đồn rằng chúng tôi là CIA, nhưng những người đã đến thăm cơ sở của chúng tôi mà nghe được chuyện đó thì họ sẽ cười to – văn phòng của chúng tôi rất nghèo! Hiện tượng này cần được nghiên cứu một cách căn cơ hơn.

Nathan Schneider
Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: Blog PhamNguyenTruong
Bản gốc tiếng Anh

Bỗng dưng nhớ đến một người...


Bỗng dưng nhớ đến một người...
Tô Hải

“…Càng giận lũ ăn cắp, ăn cướp hiện đại, ăn cắp, ăn cướp có chỗ dựa, có bằng cấp, tớ bỗng dưng thấy “thương hại” (không dám thương suông đâu nhé!) cho người tử tù xưa. Giá mà ông ta sống giữa thời đại này…”
Trước hết mong các bạn gần xa đừng hiểu nhầm rằng lão già này chắc có dấu hiệu “gở chết” nên lại muốn “thú tội” yêu đương nhăng nhít gì thời quá khứ đây! Không phải!Tuyệt đối không phải! NGƯỜI đây là… giống đực! Ông ta không hề quen tớ, tớ cũng chưa hề gặp mặt nhưng ông ta khá “nổi tiếng” trong Quân Đội Nhân Dân anh hùng thời chống Pháp… Những chi tiết về cuộc đời và cái chết “dựa cột” của ông ta, tớ chỉ biết thêm nhờ sau này có cả một quá trình làm việc với… vợ ông ta, một ca sĩ Nghệ sĩ Nhân Dân, hơn tớ 4 tuổi (mất năm 1989), mà cái đám cưới linh đình, xa hoa, tốn kém, phớt lờ dư luận đã là chứng cớ duy nhất không thể chối cãi, đã được phổ biến công khai dẫn ông đến… Toà án binh để nhận một bản án tử hình đầu tiên và duy nhất dưới chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà! Các đồng ngũ, đồng khoá, đồng niên của tớ giờ này ai còn sống đã nhớ ra là ai rồi chứ? Vâng! Ông ta là Trần Dụ Châu, đại tá (chắc... “tự phong” vì những năm 49-50, chưa hề có phong quân hàm), Cục Trưởng Cục Quân Nhu Bộ Quốc Phòng, chồng của ca sĩ nổi tiếng đất Bắc mà tớ vừa nói trên!

Để viết đoạn mở đầu này, tớ đã phải lục soát lại bộ nhớ xem cái gì mình còn lưu giữ được và phải gọi điện gần chục cuộc gọi đường ngắn, đường dài cho những nhân chứng còn sống mà tớ quen để xác minh tài liệu... Kết quả cho thấy tóm tắt như sau:

1- Không có chứng cứ về tham ô, ăn cắp, ăn cướp tiền của nhân dân, không có con số tiền cụ thể, nhà đất, villa, toà ngang dãy dọc nào, không có mét vuông ruộng đất nào, và vợ mới cưới cũng nghèo "mạt rệp" cho đến tận cuối đời dù chẳng phải tịch thu, kê biên tài sản nào “do lợi dụng chức vụ, chức quyền mà có”;

2- Toà chỉ kết tội là “Đảng viên biến chất, ăn chơi sa đọa, tiêu tiền của công vào những việc cá nhân mà điển hình là cái đám cưới rềnh rang toàn của ngon, vật lạ, thuốc lá Mỹ, rượu Tây…Khách mời đủ loại, kể các quan chức cao cấp đến những nhân vật đi đi về về nội thành Hà-Nội như đi chợ (tổ chức “kinh tài”của Cục Quân Nhu lúc bấy giờ). Nói một cách khác,tội của ông ta,chủ yếu là tội ‘TRONG LÚC QUÂN DÂN TA ĐANG ĐÓI KHỔ THIẾU THỐN ĐỦ ĐƯỜNG THÌ MỘT SĨ QUAN CAO CẤP LẠI LẤY TIỀN CỦA NHÂN DÂN CHI TIÊU CHO ĐÁM CƯỚI MÌNH MỘT CÁCH XA HOA LÀM MẤT UY TÍN CỦA CÁCH MẠNG CỰC KỲ NGHIÊM TRỌNG… (một lời buộc tội công khai, trước cả ông chánh án Toà án binh, của nhà văn, đại biểu quốc hội Đoàn Phú Tứ, ngay tại bữa tiệc cưới linh đình khi ông được mời đến “dự khán”… và ngay tại chỗ, ông đã đập cốc rượu xuống bàn bỏ ra về… sau khi phẫn nộ buông ra câu nói trên... Và ít tháng sau thì… ông về… thẳng Hà Nội!);

3- Nội dung phiên toà xử ông ra sao rất ít người được biết, đựoc dự, luật sư nào đâu còn trong tự điển tiếng Việt! Báo chí thời ấy, kể cả luật pháp ai cũng mù mờ… Tất cả chỉ là... “nghe nói”, vậy mà chỉ nghe nói thôi về các tội của TDC, ai ai cũng thấy “Thật Đáng Đời”! Chỉ cần một chứng cớ duy nhất về cuộc sống ăn chơi sa đọa, tổ chức lễ cưới như "đám cưới một tên tư sản mại bản" giữa lúc toàn dân đang cố “cầm cự để tiến tới tổng phản công”, quân đội thì "kaki sợi đúp, mũ úp lồng gà”(vải dệt kiểu bao tải và mũ tự đan kiểu đan lồng gà có vải bọc ngoài) thì ai cũng nhận thấy vụ xử tử này là công minh hết mực rồi!

4- Sau nhiều chục năm trời, có nhiều dịp làm việc cùng ca sĩ Th.H., tôi đã được biết thêm nhiều chi tiết là: Tên tử tù TDC chẳng để lại cho bà được một xu nào, ngoài cái đồng hồ Wyler cũ kỹ và… cái tai tiếng là “vợ của một quan to” tham nhũng. Bà còn kể vanh vách về những cách sống “coi trời bằng vung” của ông chồng đã làm mọi người, kể cả bà, “phát khiếp”. Tuyệt đối không bao giờ bà dám nói một câu minh oan cho chồng. Thậm chí có lần nói chuyện với tôi và ông Nguyễn Đình Quý, Trưởng Phòng âm nhạc của tôi, về vụ án đó bà còn kết luận một cách hồn nhiên: “Mới đầu mình đâu có biết ông ấy “gan to” như vậy. Ông ấy cứ tưởng được Đảng bảo vệ, được nhiều đồng chí ủng hộ, nào ngờ… Thôi thì ít nhất ông ấy cũng làm cho khối kẻ muốn ăn cắp của công cũng phải giật mình!”

Chuyện vợ chồng của ông TDC và bà Th H, tớ chẳng bao giờ nghĩ tới, nhắc lại, kể cả những dịp làm việc với em trai bà, cháu ruột bà, nhất là từ khi tớ về hưu, xa lánh cõi trần ải trần ai!

Vậy mà, cả tuần nay, qua tin tức báo chí cũng như xem trên truyền hình, tớ bỗng nhớ tới cái tên ông và bà vợ đã làm ông đi tù rồi phải “dựa cột”. Lí do: Từ những lạc quan ban đầu về việc “có ai đó bật đèn xanh” nên báo chí liên tiếp đưa lên trang đầu những con số, những con người, những vụ việc mà Ban Kiểm Tra Trung Ương, Cơ quan kiểm toán nhà nước đã cho phép phanh phui trên báo chí, tớ mừng quá và còn viết trong bài hô hào họ hãy tiến lên, “đánh nhanh giải quyết gọn” kẻo bỏ lỡ cơ hội hoặc bị “phản công” lại thì lại khối anh tổng biên tập, nhà báo mất chức hoặc đi tù như chơi! Không những thế, tớ còn đào sâu vào các tổ chức, cơ quan hoặc cá nhân “có vấn đề” như vụ SCIC ,như vụ cướp đất, bán nông trường, tước quyền sở hữu đất bồi của nông dân để chia cho các gia đình quan chức ở Đồng Nai, Ninh Thuận, Đồng Tháp… mong dồn họ sớm đến con đường “dựa cột” như TDC thì hạnh phúc cho dân mình biết mấy! Nào ngờ lại chính tớ được tai nghe mắt thấy những lời “phản công” của bọn họ đã bắt đầu.

1) Vụ SCIC: Đích thân Bộ Trưởng Bộ Tài Chính kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị SCIC, chỉ trong một tuần đã hai lần “nói lại cho rõ” trên báo chí rằng thì là: Ông bị thủ tướng bắt buộc kiêm chức chủ tịch hội đồng quản trị mà ông rất không muốn, rằng thì là lương “chỉ có” 40 triệu, còn lại là tiền làm thêm, tiền ăn trưa, tiền điện thoại…Để lời giải trình thêm nặng kí, bà Bộ trưởng Kim Ngân còn bổ sung thêm cả tiền… trang phục! (SCIC không mặc đồng phục, vậy thì trang phục ở đây có thể hiểu là com lê, cà vạt, giày, tất, đồng hồ, kính râm, kính lão... các-táp, va-ly... có khi còn có cả nhẫn kim cương, chuỗi hạt ngọc của các quan chức nữ nữa chăng?) Để rồi bà kết luận rằng, so với "mặt bằng xã hội" hiện nay thì... không có gì là quá đáng. Không những thế, một số “thầy cãi” còn tung hoả mù lên một số “báo chí lề phải”một loạt thông tin về lương doanh nghiệp này, trường Đại Học khác còn cao gấp 2, gấp 3 lương SCIC ấy chứ! Vậy mà Ban kiểm toán đâu có khui ra? Đến nỗi thủ tướng, trong cuộc họp thường trực chính phủ đã phải xuống giọng như : “…Do việc điều chỉnh mô hình tổ chức hoạt động và quản lí của SCIC làm còn chậm nên chế độ tiền lương, tiền thưởng không có cơ chế riêng mà phải thực hiện theo cơ chế hiện hành như các doanh nghiệp nhà nước khác nên đã bộc lộ sự chưa phù hợp…, rôi thì... “thủ tướng giao Bộ lao động thương binh và xã hội chủ trì phối hợp với Bộ nội vụ, Bộ tài chính, căn cứ quy định hiện hành, phân tích, làm rõ tình hình hợp pháp và hợp lí của việc tính toán, xác định đơn giá tiền lương, kế hoạch và thực hiện năm 2008 của SCIC… từ đó rà soát chế độ tiền lương phải sớm trình chính phủ nghị định về" quản lí tiền lương và quản lí nhà nước” (Tuổi Trẻ ngày 16/1/2010).

Vậy là đã rõ: Sở dĩ có những đồng tiền “lương trên trời” này chẳng qua chỉ là do chưa có cơ chế về tiền lương cho những tổng công ti như SCIC mà thôi. Chuyện này tưởng to như con bò nhưng hoá ra… nhỏ như con kiến.

2) Vụ tên tiến sĩ Lê Dũng cướp đất của những tên “lâm tặc hoàn lương”: Tớ phải gọi tên này là “siêu địa tặc”(thay cho chữ “quan đất” của Tuổi Trẻ) vì hắn cả gan cướp tới 6400 m đất của những tên lâm tặc nay được Đảng giao cho đất để... hoàn lương, đổi đời. Nhân danh thường vụ tỉnh uỷ Đồng Nai, giám đốc một loạt các sở hết tài chính đến môi trường mà phỗng tay trên hoặc “mua khéo” lại của các lâm tặc này. Từ giã cái "phao câu gà" Ninh Thuận để về làm cái “đầu trâu nhỏ bé” thị xã La-Gi, nhưng hắn còn được giữ nguyên chức thường vụ tỉnh uỷ. Vụ việc chỉ được phanh phui khi hắn đã từ bỏ miếng “phao câu gà” và chẳng hiểu đã kiếm chác gì được ở cái đầu trâu lớn chưa? Vậy mà trên cương vi mới, hắn chỉ bị “đề nghị” với Trung Ương kỉ luật: cách chức tỉnh uỷ viên! Chẳng cần chờ kết luận thì ai cũng biết: Cái tên "tiến sĩ" này quả là “siêu” vì nó đã nắm được những "yểm huyệt" của các "ông trên" khi trao cho nó cái bằng “tiến sĩ siêu ăn cướp”. Tớ lại thấy “phe ta” bị “phe nó” bịt miệng, chặn đường mất rồi!Buồn thật!

3) Vụ Phạm Hạnh Thu- tổng cục trưởng tổng cục thuế và các vụ cướp đất "lặt vặt" khác: Với thành tích mua đi bán lại 28 lô đất tại dự án khu dân cư đường Đồng Khởi, thành phố Biên Hoà và giao cho vợ là Trần Thị Tuyết đứng tên, khi Thu còn làm cục trưởng cục Hải quan Đồng Nai, cũng như các vụ cướp đất cướp nhà, cướp bãi bồi của dân làm kinh doanh thuỷ sản... ở Vũng Tàu, Đồng Tháp, buôn đi bán lại đất ở Vũng Tàu... đều được kiểm điểm sơ qua và báo chí lại đồng loạt đưa tin các nhà cầm quyền địa phương đã “chỉ đạo trả lại đất, trả lại tiền cho dân”. Thậm chí, có trường hợp bà Trần Ngọc Anh, vợ chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp (trường hợp này có lẽ chồng chỉ đạo vợ?) và một số cán bộ được ưu ái cho “thuê đất sai quy định”, còn được đề nghị “hỗ trợ tiền đầu tư xây bờ bao, đào ao thả cá trong thời gian "lỡ" chiếm đất sai quy định”! Chẳng có một “mặt mốc” nào bị truy tố trước toà ngoài mấy lời tuyên bố như nhắn nhủ “trên tình đồng chí” rằng… “không nên để vợ con dính vào những chuyện đất đai mua đi bán lại dù mua bán có chi trả, có giấy tờ đàng hoàng, tránh ảnh hưởng đến uy tín của một cán bộ lãnh đạo (vụ ông Thu).

4) Vụ “thâm cung” 112: Sở dĩ gọi là “thâm cung” vì nó xảy ra ở ngay chính văn phòng thủ tướng mà báo chí cũng như cơ quan điều tra đã chỉ mặt đặt tên rõ ràng, thống kê con số tiền ăn cắp trắng trợn cụ thể của những tên chịu trách nhiệm công nghệ thông tin hoá bộ máy của nhà nước. Vụ này dính líu tới một loạt cán bộ cao cấp nằm ngay ở cơ quan tham mưu cho thủ tướng. Hầu hết đều là cán bộ cấp cục, vụ, thứ trưởng... lương cao (và điều kỳ lạ là một số đều mang họ là… Lương Cao (!) như Lương Cao Sơn, Lương Cao Phi, ... (Lương Cao gì gì nữa tớ không nhớ nổi)… và đều đã bị bắt giam để “điều tra làm rõ” hơn một năm trời... Tiền của chúng ăn chia với các công ti lên đến hàng chục tỉ và đều bị bắt tạm giam. Vậy mà, khi ra trước toà, tất cả bọn chúng đều phản cung, không chịu nhận tội! Không những thế, chúng còn "tố" lại cơ quan điều tra đã ép cung, mớm cung để được đổi lấy điều kiện được tạm tha (thì ra "bị bắt có thời hạn"!) chờ ngày ra toà. Thậm chí, Tuổi Trẻ Thứ Bảy 16/1/2010 còn chạy tít khá lớn “CÁC BỊ CÁO KHẲNG ĐỊNH LÀM ĐÚNG PHÁP LUẬT”.

Tớ buộc lòng lại phải đặt câu hỏi: Phải chăng phe tham nhũng đang phản công lại phe chống tham nhũng? Riêng tớ thì tự trách mình: lại một lần nữa, tớ đã biến mình thành một… “thằng con nít có râu” rồi! Quá dễ vui để rồi quá dễ buồn!

Và cứ thế, tớ bực với cái thói đời đảo điên, ngả nghiêng, đen bạc thì ít mà giận cho cái tính cả tin và hi vọng hão huyền của tớ "về một sự thay đổi lớn đã có dấu hiệu bắt đầu"…Đúng là vô duyên! Cực kỳ vô duyên!

Thế rồi, đêm nằm tức không ngủ được, tớ bất chợt nhớ tới một người. Người đó chính là Trần Dụ Châu, kẻ đã “lấy tiền nhà nước chi tiêu cho cá nhân”, đảng viên "biến chất" đến nỗi phải nhận án tử hình... mà "toàn dân đều phấn khởi đồng tình", cách đây nửa thế kỷ! Càng giận lũ ăn cắp, ăn cướp hiện đại, ăn cắp, ăn cướp có chỗ dựa, có bằng cấp, tớ bỗng dưng thấy “thương hại” (không dám thương suông đâu nhé!) cho người tử tù xưa. Giá mà ông ta sống giữa thời đại này, cùng lắm cũng chỉ là khiển trách, hoặc “thôi giữ chức”, hoặc “huỷ chức vụ” (!) (cụm từ mới nhất tớ mới đọc được trong vụ Jetstar Pacific) chứ đâu đến nỗi để sử sách lưu “xú danh” cho tới … vài đời con cháu sau này...

Liệu tớ có "để trái tim lên trên cái đầu" khi viết bài này không các bạn?

Tô Hải
Nguồn: blog Tô Hải, ngày 16/01/2010: Tuần ký 35

Bỗng dưng nhớ đến một người...


Bỗng dưng nhớ đến một người...
Tô Hải

“…Càng giận lũ ăn cắp, ăn cướp hiện đại, ăn cắp, ăn cướp có chỗ dựa, có bằng cấp, tớ bỗng dưng thấy “thương hại” (không dám thương suông đâu nhé!) cho người tử tù xưa. Giá mà ông ta sống giữa thời đại này…”
Trước hết mong các bạn gần xa đừng hiểu nhầm rằng lão già này chắc có dấu hiệu “gở chết” nên lại muốn “thú tội” yêu đương nhăng nhít gì thời quá khứ đây! Không phải!Tuyệt đối không phải! NGƯỜI đây là… giống đực! Ông ta không hề quen tớ, tớ cũng chưa hề gặp mặt nhưng ông ta khá “nổi tiếng” trong Quân Đội Nhân Dân anh hùng thời chống Pháp… Những chi tiết về cuộc đời và cái chết “dựa cột” của ông ta, tớ chỉ biết thêm nhờ sau này có cả một quá trình làm việc với… vợ ông ta, một ca sĩ Nghệ sĩ Nhân Dân, hơn tớ 4 tuổi (mất năm 1989), mà cái đám cưới linh đình, xa hoa, tốn kém, phớt lờ dư luận đã là chứng cớ duy nhất không thể chối cãi, đã được phổ biến công khai dẫn ông đến… Toà án binh để nhận một bản án tử hình đầu tiên và duy nhất dưới chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà! Các đồng ngũ, đồng khoá, đồng niên của tớ giờ này ai còn sống đã nhớ ra là ai rồi chứ? Vâng! Ông ta là Trần Dụ Châu, đại tá (chắc... “tự phong” vì những năm 49-50, chưa hề có phong quân hàm), Cục Trưởng Cục Quân Nhu Bộ Quốc Phòng, chồng của ca sĩ nổi tiếng đất Bắc mà tớ vừa nói trên!

Để viết đoạn mở đầu này, tớ đã phải lục soát lại bộ nhớ xem cái gì mình còn lưu giữ được và phải gọi điện gần chục cuộc gọi đường ngắn, đường dài cho những nhân chứng còn sống mà tớ quen để xác minh tài liệu... Kết quả cho thấy tóm tắt như sau:

1- Không có chứng cứ về tham ô, ăn cắp, ăn cướp tiền của nhân dân, không có con số tiền cụ thể, nhà đất, villa, toà ngang dãy dọc nào, không có mét vuông ruộng đất nào, và vợ mới cưới cũng nghèo "mạt rệp" cho đến tận cuối đời dù chẳng phải tịch thu, kê biên tài sản nào “do lợi dụng chức vụ, chức quyền mà có”;

2- Toà chỉ kết tội là “Đảng viên biến chất, ăn chơi sa đọa, tiêu tiền của công vào những việc cá nhân mà điển hình là cái đám cưới rềnh rang toàn của ngon, vật lạ, thuốc lá Mỹ, rượu Tây…Khách mời đủ loại, kể các quan chức cao cấp đến những nhân vật đi đi về về nội thành Hà-Nội như đi chợ (tổ chức “kinh tài”của Cục Quân Nhu lúc bấy giờ). Nói một cách khác,tội của ông ta,chủ yếu là tội ‘TRONG LÚC QUÂN DÂN TA ĐANG ĐÓI KHỔ THIẾU THỐN ĐỦ ĐƯỜNG THÌ MỘT SĨ QUAN CAO CẤP LẠI LẤY TIỀN CỦA NHÂN DÂN CHI TIÊU CHO ĐÁM CƯỚI MÌNH MỘT CÁCH XA HOA LÀM MẤT UY TÍN CỦA CÁCH MẠNG CỰC KỲ NGHIÊM TRỌNG… (một lời buộc tội công khai, trước cả ông chánh án Toà án binh, của nhà văn, đại biểu quốc hội Đoàn Phú Tứ, ngay tại bữa tiệc cưới linh đình khi ông được mời đến “dự khán”… và ngay tại chỗ, ông đã đập cốc rượu xuống bàn bỏ ra về… sau khi phẫn nộ buông ra câu nói trên... Và ít tháng sau thì… ông về… thẳng Hà Nội!);

3- Nội dung phiên toà xử ông ra sao rất ít người được biết, đựoc dự, luật sư nào đâu còn trong tự điển tiếng Việt! Báo chí thời ấy, kể cả luật pháp ai cũng mù mờ… Tất cả chỉ là... “nghe nói”, vậy mà chỉ nghe nói thôi về các tội của TDC, ai ai cũng thấy “Thật Đáng Đời”! Chỉ cần một chứng cớ duy nhất về cuộc sống ăn chơi sa đọa, tổ chức lễ cưới như "đám cưới một tên tư sản mại bản" giữa lúc toàn dân đang cố “cầm cự để tiến tới tổng phản công”, quân đội thì "kaki sợi đúp, mũ úp lồng gà”(vải dệt kiểu bao tải và mũ tự đan kiểu đan lồng gà có vải bọc ngoài) thì ai cũng nhận thấy vụ xử tử này là công minh hết mực rồi!

4- Sau nhiều chục năm trời, có nhiều dịp làm việc cùng ca sĩ Th.H., tôi đã được biết thêm nhiều chi tiết là: Tên tử tù TDC chẳng để lại cho bà được một xu nào, ngoài cái đồng hồ Wyler cũ kỹ và… cái tai tiếng là “vợ của một quan to” tham nhũng. Bà còn kể vanh vách về những cách sống “coi trời bằng vung” của ông chồng đã làm mọi người, kể cả bà, “phát khiếp”. Tuyệt đối không bao giờ bà dám nói một câu minh oan cho chồng. Thậm chí có lần nói chuyện với tôi và ông Nguyễn Đình Quý, Trưởng Phòng âm nhạc của tôi, về vụ án đó bà còn kết luận một cách hồn nhiên: “Mới đầu mình đâu có biết ông ấy “gan to” như vậy. Ông ấy cứ tưởng được Đảng bảo vệ, được nhiều đồng chí ủng hộ, nào ngờ… Thôi thì ít nhất ông ấy cũng làm cho khối kẻ muốn ăn cắp của công cũng phải giật mình!”

Chuyện vợ chồng của ông TDC và bà Th H, tớ chẳng bao giờ nghĩ tới, nhắc lại, kể cả những dịp làm việc với em trai bà, cháu ruột bà, nhất là từ khi tớ về hưu, xa lánh cõi trần ải trần ai!

Vậy mà, cả tuần nay, qua tin tức báo chí cũng như xem trên truyền hình, tớ bỗng nhớ tới cái tên ông và bà vợ đã làm ông đi tù rồi phải “dựa cột”. Lí do: Từ những lạc quan ban đầu về việc “có ai đó bật đèn xanh” nên báo chí liên tiếp đưa lên trang đầu những con số, những con người, những vụ việc mà Ban Kiểm Tra Trung Ương, Cơ quan kiểm toán nhà nước đã cho phép phanh phui trên báo chí, tớ mừng quá và còn viết trong bài hô hào họ hãy tiến lên, “đánh nhanh giải quyết gọn” kẻo bỏ lỡ cơ hội hoặc bị “phản công” lại thì lại khối anh tổng biên tập, nhà báo mất chức hoặc đi tù như chơi! Không những thế, tớ còn đào sâu vào các tổ chức, cơ quan hoặc cá nhân “có vấn đề” như vụ SCIC ,như vụ cướp đất, bán nông trường, tước quyền sở hữu đất bồi của nông dân để chia cho các gia đình quan chức ở Đồng Nai, Ninh Thuận, Đồng Tháp… mong dồn họ sớm đến con đường “dựa cột” như TDC thì hạnh phúc cho dân mình biết mấy! Nào ngờ lại chính tớ được tai nghe mắt thấy những lời “phản công” của bọn họ đã bắt đầu.

1) Vụ SCIC: Đích thân Bộ Trưởng Bộ Tài Chính kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị SCIC, chỉ trong một tuần đã hai lần “nói lại cho rõ” trên báo chí rằng thì là: Ông bị thủ tướng bắt buộc kiêm chức chủ tịch hội đồng quản trị mà ông rất không muốn, rằng thì là lương “chỉ có” 40 triệu, còn lại là tiền làm thêm, tiền ăn trưa, tiền điện thoại…Để lời giải trình thêm nặng kí, bà Bộ trưởng Kim Ngân còn bổ sung thêm cả tiền… trang phục! (SCIC không mặc đồng phục, vậy thì trang phục ở đây có thể hiểu là com lê, cà vạt, giày, tất, đồng hồ, kính râm, kính lão... các-táp, va-ly... có khi còn có cả nhẫn kim cương, chuỗi hạt ngọc của các quan chức nữ nữa chăng?) Để rồi bà kết luận rằng, so với "mặt bằng xã hội" hiện nay thì... không có gì là quá đáng. Không những thế, một số “thầy cãi” còn tung hoả mù lên một số “báo chí lề phải”một loạt thông tin về lương doanh nghiệp này, trường Đại Học khác còn cao gấp 2, gấp 3 lương SCIC ấy chứ! Vậy mà Ban kiểm toán đâu có khui ra? Đến nỗi thủ tướng, trong cuộc họp thường trực chính phủ đã phải xuống giọng như : “…Do việc điều chỉnh mô hình tổ chức hoạt động và quản lí của SCIC làm còn chậm nên chế độ tiền lương, tiền thưởng không có cơ chế riêng mà phải thực hiện theo cơ chế hiện hành như các doanh nghiệp nhà nước khác nên đã bộc lộ sự chưa phù hợp…, rôi thì... “thủ tướng giao Bộ lao động thương binh và xã hội chủ trì phối hợp với Bộ nội vụ, Bộ tài chính, căn cứ quy định hiện hành, phân tích, làm rõ tình hình hợp pháp và hợp lí của việc tính toán, xác định đơn giá tiền lương, kế hoạch và thực hiện năm 2008 của SCIC… từ đó rà soát chế độ tiền lương phải sớm trình chính phủ nghị định về" quản lí tiền lương và quản lí nhà nước” (Tuổi Trẻ ngày 16/1/2010).

Vậy là đã rõ: Sở dĩ có những đồng tiền “lương trên trời” này chẳng qua chỉ là do chưa có cơ chế về tiền lương cho những tổng công ti như SCIC mà thôi. Chuyện này tưởng to như con bò nhưng hoá ra… nhỏ như con kiến.

2) Vụ tên tiến sĩ Lê Dũng cướp đất của những tên “lâm tặc hoàn lương”: Tớ phải gọi tên này là “siêu địa tặc”(thay cho chữ “quan đất” của Tuổi Trẻ) vì hắn cả gan cướp tới 6400 m đất của những tên lâm tặc nay được Đảng giao cho đất để... hoàn lương, đổi đời. Nhân danh thường vụ tỉnh uỷ Đồng Nai, giám đốc một loạt các sở hết tài chính đến môi trường mà phỗng tay trên hoặc “mua khéo” lại của các lâm tặc này. Từ giã cái "phao câu gà" Ninh Thuận để về làm cái “đầu trâu nhỏ bé” thị xã La-Gi, nhưng hắn còn được giữ nguyên chức thường vụ tỉnh uỷ. Vụ việc chỉ được phanh phui khi hắn đã từ bỏ miếng “phao câu gà” và chẳng hiểu đã kiếm chác gì được ở cái đầu trâu lớn chưa? Vậy mà trên cương vi mới, hắn chỉ bị “đề nghị” với Trung Ương kỉ luật: cách chức tỉnh uỷ viên! Chẳng cần chờ kết luận thì ai cũng biết: Cái tên "tiến sĩ" này quả là “siêu” vì nó đã nắm được những "yểm huyệt" của các "ông trên" khi trao cho nó cái bằng “tiến sĩ siêu ăn cướp”. Tớ lại thấy “phe ta” bị “phe nó” bịt miệng, chặn đường mất rồi!Buồn thật!

3) Vụ Phạm Hạnh Thu- tổng cục trưởng tổng cục thuế và các vụ cướp đất "lặt vặt" khác: Với thành tích mua đi bán lại 28 lô đất tại dự án khu dân cư đường Đồng Khởi, thành phố Biên Hoà và giao cho vợ là Trần Thị Tuyết đứng tên, khi Thu còn làm cục trưởng cục Hải quan Đồng Nai, cũng như các vụ cướp đất cướp nhà, cướp bãi bồi của dân làm kinh doanh thuỷ sản... ở Vũng Tàu, Đồng Tháp, buôn đi bán lại đất ở Vũng Tàu... đều được kiểm điểm sơ qua và báo chí lại đồng loạt đưa tin các nhà cầm quyền địa phương đã “chỉ đạo trả lại đất, trả lại tiền cho dân”. Thậm chí, có trường hợp bà Trần Ngọc Anh, vợ chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp (trường hợp này có lẽ chồng chỉ đạo vợ?) và một số cán bộ được ưu ái cho “thuê đất sai quy định”, còn được đề nghị “hỗ trợ tiền đầu tư xây bờ bao, đào ao thả cá trong thời gian "lỡ" chiếm đất sai quy định”! Chẳng có một “mặt mốc” nào bị truy tố trước toà ngoài mấy lời tuyên bố như nhắn nhủ “trên tình đồng chí” rằng… “không nên để vợ con dính vào những chuyện đất đai mua đi bán lại dù mua bán có chi trả, có giấy tờ đàng hoàng, tránh ảnh hưởng đến uy tín của một cán bộ lãnh đạo (vụ ông Thu).

4) Vụ “thâm cung” 112: Sở dĩ gọi là “thâm cung” vì nó xảy ra ở ngay chính văn phòng thủ tướng mà báo chí cũng như cơ quan điều tra đã chỉ mặt đặt tên rõ ràng, thống kê con số tiền ăn cắp trắng trợn cụ thể của những tên chịu trách nhiệm công nghệ thông tin hoá bộ máy của nhà nước. Vụ này dính líu tới một loạt cán bộ cao cấp nằm ngay ở cơ quan tham mưu cho thủ tướng. Hầu hết đều là cán bộ cấp cục, vụ, thứ trưởng... lương cao (và điều kỳ lạ là một số đều mang họ là… Lương Cao (!) như Lương Cao Sơn, Lương Cao Phi, ... (Lương Cao gì gì nữa tớ không nhớ nổi)… và đều đã bị bắt giam để “điều tra làm rõ” hơn một năm trời... Tiền của chúng ăn chia với các công ti lên đến hàng chục tỉ và đều bị bắt tạm giam. Vậy mà, khi ra trước toà, tất cả bọn chúng đều phản cung, không chịu nhận tội! Không những thế, chúng còn "tố" lại cơ quan điều tra đã ép cung, mớm cung để được đổi lấy điều kiện được tạm tha (thì ra "bị bắt có thời hạn"!) chờ ngày ra toà. Thậm chí, Tuổi Trẻ Thứ Bảy 16/1/2010 còn chạy tít khá lớn “CÁC BỊ CÁO KHẲNG ĐỊNH LÀM ĐÚNG PHÁP LUẬT”.

Tớ buộc lòng lại phải đặt câu hỏi: Phải chăng phe tham nhũng đang phản công lại phe chống tham nhũng? Riêng tớ thì tự trách mình: lại một lần nữa, tớ đã biến mình thành một… “thằng con nít có râu” rồi! Quá dễ vui để rồi quá dễ buồn!

Và cứ thế, tớ bực với cái thói đời đảo điên, ngả nghiêng, đen bạc thì ít mà giận cho cái tính cả tin và hi vọng hão huyền của tớ "về một sự thay đổi lớn đã có dấu hiệu bắt đầu"…Đúng là vô duyên! Cực kỳ vô duyên!

Thế rồi, đêm nằm tức không ngủ được, tớ bất chợt nhớ tới một người. Người đó chính là Trần Dụ Châu, kẻ đã “lấy tiền nhà nước chi tiêu cho cá nhân”, đảng viên "biến chất" đến nỗi phải nhận án tử hình... mà "toàn dân đều phấn khởi đồng tình", cách đây nửa thế kỷ! Càng giận lũ ăn cắp, ăn cướp hiện đại, ăn cắp, ăn cướp có chỗ dựa, có bằng cấp, tớ bỗng dưng thấy “thương hại” (không dám thương suông đâu nhé!) cho người tử tù xưa. Giá mà ông ta sống giữa thời đại này, cùng lắm cũng chỉ là khiển trách, hoặc “thôi giữ chức”, hoặc “huỷ chức vụ” (!) (cụm từ mới nhất tớ mới đọc được trong vụ Jetstar Pacific) chứ đâu đến nỗi để sử sách lưu “xú danh” cho tới … vài đời con cháu sau này...

Liệu tớ có "để trái tim lên trên cái đầu" khi viết bài này không các bạn?
Tô Hải
Nguồn: blog Tô Hải, ngày 16/01/2010: Tuần ký 35

TRUYỆN NGẮN Giá trị của những câu hỏi

Tác giả: Anthony Robbins
Bọn chúng chẳng cần lý do gì cả. Chúng đến nhà anh chỉ vì anh là người gốc do thái.  Quân đức quốc xã xông vào nhà, lôi anh và cả gia đình anh đi. Ngay sau đó chúng lùa họ như bày gia súc và tống lên xe lửa rồi chở thẳng đến trại tập trung...chúng đã giết chết họ và chỉ mình anh còn sống.

Làm sao mà anh có thể sống nổi trước cảnh tượng hãi hùng phải nhìn thấy con mình nơi bộ quần áo của một đứa trẻ khác vì bây giờ con anh đã chết sau một cơn mưa đạn? Thế nhưng anh vẫn phải sống.

Một hôm anh nhìn cơn ác mộng chung quanh mình và phải đối diện với một sự thật hiển nhiên:  nếu anh còn ở đây thêm một ngày chắc chắn anh sẽ chết. Anh có một quyết định là phải thoát khỏi đây ngay lập tức! Anh không biết cách nào, anh chỉ biết mình phải trốn. Hàng tuần liền anh hỏi các bạn tù, "Làm sao chúng ta có thể thoát được nơi kinh hoàng này?" Anh hầu như luôn nhận được cùng một câu trả lời, "đừng dại dột", họ trả lời "không thể nào thoát nổi! hỏi như vậy dằn vặt tâm trí anh mà thôi. Cứ chịu khó làm việc và cầu nguyện cho mình được sống sót".  Nhưng anh không chấp nhận điều này - anh nhất định sẽ không chấp nhận như thế. Anh bị ám ảnh vì truyện trốn thoát và cho dù những câu hỏi của anh không có nghĩa gì, anh vẫn luôn luôn hỏi đi hỏi lại, "Làm sao tôi có thể trốn thoát? Phải có cách nào đó. Làm thế nào tôi có thể trốn thoát khỏi nơi này mà vẫn khoẻ, vẫn sống, ngay hôm nay?"

Có lời nói rằng bạn cứ xin thì sẽ được.  Và không hiểu vì sao hôm ấy anh đã nhận được câu trả lời.Có thể vì anh hỏi quá sức mãnh liệt, có thể là vì anh đã ý thức rõ "bây giờ chính là thời điểm". Cũng có thể là vì anh liên tục tập trung vào một tiêu điểm là câu trả lời cho câu hỏi của mình. Bất luận lý do gì, sức mạnh vĩ đại của tâm trí và tinh thần đã thức tỉnh nơi người đàn ông này.Câu trả lời đã đến với anh từ một nguồn gốc lạ thường: mùi lợm giọng của xác người đã thối rữa. Ở đó chỉ cách vài bước cách chỗ anh lao động, anh thấy một đống xác người đã bị xúc lên thùng xe tải - đàn ông,  đàn bà,  trẻ em, tất cả đã bị hít khí ngạt. Những chiếc răng vàng của họ đã bị gỡ ra, mọi đồ trang sức quí báu mà họ có, thậm trí quần áo họ mang trên người, đều bị lột sạch. Lúc đó thay vì hỏi, "Làm sao quân Đức quốc xã có thể ghê tởm, mất nhân tính đến thế? Làm sao thượng đế có thể làm một điều tàn ác đến thế? Tại sao thượng đế lại để truyện này xảy đến với tôi?" Stanislavsky Lech đã hỏi một câu hoàn toàn khác. Anh hỏi "Làm cách nào tôi có thể sử dụng điều này để trốn thoát?" Và ngay lập tức anh đã có câu trả lời.

Hoàng hôn đang sửa soạn kết thúc một ngày lao động, Lech chạy lại nấp sau chiếc xe tải. Chỉ trong nháy mắt anh đã lột bỏ hết quần áo và lẻn mình trần truồng vào đống xác chết mà không ai để ý. Anh giả bộ như đã chết, không một chút cử động cựa quật dù có lúc anh gần ngộp thở vì một số xác chết khác tiếp tục được đè lên người anh. Mùi hôi thối của thịt người rữa, những cái xác chết cứng đơ bao bọc anh tứ phía. Anh chờ đợi và chờ đợi, hi vọng không một ai để ý đến một người vẫn còn sống giữa đám xác chết này và hi vọng sớm muộn chiếc xe tải cũng sẽ chạy đi. Cuối cùng, anh nghe tiếng động cơ xe tải nổ. Anh cảm thấy chiếc xe rung lên. Và đúng lúc ấy anh cảm nghiệm được mối hy vọng của mình khi đang nằm im giữa đống xác chết. Rốt cuộc anh thấy xe dừng lại và rồi nó chút toàn bộ những thây ma xuống một chiếc hố rộng mênh mông bên ngoài trại. Lech cứ ở yên đó hàng giờ cho tới khi màn đêm buông xuống. Sau cùng anh ta cảm thấy chắc chắn không có ai ở đó, anh rúc ra khỏi núi thây người và chạy trần truồng suốt 25 dặm cho tới khi tìm được tự do.

Giữa Stanislavsky Lech và biết bao nhiêu người phải bỏ mạng ở trại tập trung, khác biệt ở chỗ nào? Tất nhiên có nhiều yếu tố nhưng một sự khác biệt quyết định chính là anh đã đặt một câu hỏi khác với những người kia. Anh đã hỏi một cách dai dẳng, hỏi và mong chờ có câu trả lời và trong tâm trí anh đã nảy sinh một giải pháp cứu sống anh. Những câu hỏi anh tự đặt ra hôm ấy ở Krakow đã khiến anh làm những quyết định chớp nhoáng ảnh hưởng trực tiếp tới số phận của anh. Nhưng trước khi anh nhận được câu trả lời, trước khi anh làm quyết định và trước khi có những hành động ấy, anh đã phải hỏi mình những câu hỏi đúng.

Tôi muốn nói cho bạn điều này, người ta khác nhau là ở sự khác biệt trong những câu hỏi mà người ta nêu ra một cách nhất quán. Khi người ta chán nản, lý do thường là vì họ cứ lặp đi lặp lại cùng một câu hỏi tiêu cực như, "Có ích gì? Cố gắng làm gì, rốt cuộc cũng chẳng thay đổi được gì. Trời sao lại là tôi cơ chứ?".

Nếu bạn hỏi một câu hỏi khủng khiếp, bạn sẽ nhận được câu trả lời khủng khiếp. Bộ não của bạn luôn sẵn sàng phục vụ bạn, nên bất kỳ bạn đưa ra một câu hỏi nào, nó chắc chắn sẽ có một câu trả lời. Vì thế nếu bạn hỏi, "Tại sao tôi không bao giờ thành công?" nó sẽ cho bạn câu trả lời đại khái như sau:  "Vì bạn ngốc nghếch lắm", hay vì bạn không đáng để làm điều gì đến nơi đến chốn".

Tôi cho bạn một ví dụ về những câu hỏi thông minh, đó là truyện về anh bạn W. Mitchell yêu quí của tôi. Bạn nghĩ làm sao anh ta có thể sống nổi với hai phần ba thân thể đã bị cháy mà vẫn còn cảm thấy yêu đời?...  Sau vụ tai nạn máy bay,  khi nằm trong bệnh viện và bị liệt từ chân trở xuống, anh đã gặp một phụ nữ thật hấp dẫn, một y tá tên là Annie. Mặt anh đã cháy đen hoàn toàn, thân thể liệt từ hông trở xuống,  thế mà anh đã có cam đảm hỏi:  "Tôi có cách nào làm quen với cô ấy không"? Các bạn anh trả lời, "Mày điên rồi, mày đang tự lừa dối mình". Nhưng một năm rưỡi sau,  anh và Annie đã thân quen nhau và nay hai người đã trở thành vợ chồng. Đó là kết quả của những câu hỏi mãnh liệt:  chúng đem lại cho chúng ta một nguồn năng lực không gì có thể thay thế:  những câu trả lời và những giải pháp ! "

" Điều quan trọng là đừng bao giờ ngưng đặt câu hỏi. Sự tò mò có tính hiện hữu của nó. Ta không thể nào không kinh ngạc khi chiêm ngắm những bí nhiệm của sự vĩnh cửu, của sự sống,  của cơ cấu lạ lùng của ta thực tại. Chỉ cần người ta lãnh hội một chút bí nhiệm này mỗi ngày thôi đã đủ. Đừng bao giờ để mất sự tò mò lành thánh". 

Đừng tiếc nuối những gì mà loài người đã loại bỏ đi!

         Hoàng Lại Giang
Vẫn biết bác Hoàng Lại Giang là một nhà văn nhưng nay mới biết bình luận về chính trị của bác thật sắc sảo.

Cóp từ anh Ba Sàm sang Dân Luận chẳng khác gì "chở củi về rừng" vì cả 2 đều rất nổi tiếng với hàng chục nghìn độc giả mỗi ngày. Nhưng bài viết này đáng được cóp sang mọi trang web, blog để đánh động không chỉ dư luận mà còn cả những người đang lèo lái đất nước này.
(Những người cộng sản Việt Nam nên đọc lại thật kỹ học thuyết Mác và Anghen)
Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc viết: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn nhất của đất nước …. Người ta sẽ không làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của họ”. Và trên tinh thần dân tộc ấy, năm 1945, sau khi giành lại chính quyền từ tay thực dân Pháp, ông đã đặt tên nước là Việt Nam – Dân chủ – Cộng hòa và sau đó vào năm 1951 ông thuyết phục những người cộng sản đổi tên Đảng là Lao Động. Tên nước và tên đảng cho đến giờ vẫn được nhân dân trân trọng và bảo vệ. Đấy chính là lòng dân. Thời nào cũng vậy, lòng dân là cái không mua được, dù bất cứ giá nào. Lịch sử đã chứng minh qua nghìn năm đô hộ giặc Tàu và trăm năm đô hộ giặc Tây. Lịch sử cũng đã chứng minh khi lòng dân không yên thì mọi thứ bạo lực chỉ là hành động cứu cấp cho một thứ quyền lực phi nhân tính, vết nhơ không bao giờ rửa sạch. Lịch sử vẫn còn đó một Tần Thủy Hoàng, một Nê rô, nhà thơ bạo chúa, ở thời hiện đại là Hitle, là Stalin, là Mao trạch Đông là Ponpot!
Những người Macxit là những người biết nắm qui luật, vận dụng qui luật, vận hành theo qui luật chứ không bao giờ bắt qui luật phải phục tùng ý chủ quan của con người. Và vì vậy, trước sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu chắc chắn những người macxit chân chính sẽ vận dụng qui luật để cắt nghĩa chứ không vì hụt hẫng khi cái ý thức hệ ban sơ, cái lý tưởng chất đầy tính ảo tưởng một thời ấu trĩ không còn nữa mà qui kết cho bất kỳ cá nhân nào là phản bội chủ nghĩa Mác – Lê. Một Khơrútxốp, một Goocbachốp … không thể làm được việc đó! Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội là do những người cộng sản tuy có khát vọng thay đổi xã hội, nhưng không chịu đọc Mác và Anghen, hoặc đọc lõm bõm, hiểu lõm bõm, hoặc chọn những điểm thích hợp từ những quan điểm cứng rắn của Stalin và Mao Trạch Đông, rồi dùng bạo lực buộc quy luật theo ý chủ quan để tự nó đi ngược lại sự tiến hóa của nhân loại, và coi đấy là kinh điển, là bất di bất dịch. Ngay cả Mác cũng chưa bao giờ khẳng định học thuyết của mình là hoàn toàn tương thích với mọi thời đại. Mác từng nói: “Chúng tôi không có ý định đoán định tương lai một cách giáo điều mà mong muốn dùng phương cách phê phán thế giới cũ, để tìm được thế giới mới. Việc kiến tạo và tuyên bố một lần và mãi mãi những giải đáp cho các vấn đề của mai sau không phải là việc của chúng tôi”. Ngay khi viết học thuyết về chủ nghĩa tư bản, qui luật giá trị thặng dư, qui luật phản ứng của giai cấp công nhân bị bóc lột…ở đầu thế kỷ 19 Mác và cả Anghen đều cho công trình của mình chỉ như một thứ dự báo. Nó chỉ phù hợp với thời điểm ấy, chứ không thể phù hợp với tất cả mọi thời điểm trước và sau nó.
Nhưng rất tiếc, một số nhà lãnh đạo Cộng sản thuộc địa, như Việt Nam, lại coi học thuyết Mác là bất di bất dịch, là kinh điển … ở mọi thời đại! Chính căn bệnh giáo điều xơ cứng của không ít nhà lãnh đạo Việt Nam ở thời hiện đại ấy đã dẫn dân tộc và đất nước vào thế giới của chủ nghĩa xã hội bạo lực và giả tưởng … Và vì vậy sự hụt hẫng khi chủ nghĩa xã hội Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là có thật. Nhưng những người Cộng sản chân chính khi dũng cảm nhìn vào sự thật như đại hội VI Việt Nam năm 1986, thì chắc chắn tìm ra lối thoát cho dân tộc, còn nếu khăng khăng níu kéo cái chủ nghĩa đã sụp đổ, hy vọng vá víu lại …thì chắc chắn sẽ bị quy luật đào thải. Tôi nghĩ không ai đọc kỹ học thuyết Mác – Anghen bằng người Đức, bằng các triết gia Đức, trí thức Đức. Không ai đọc Lênin, hiểu mọi hành động của Lênin và Stalin bằng nhân dân Nga, trí thức Nga. Câu hỏi đặt ra là tại sao chủ nghĩa xã hội sụp đổ, nhân dân Nga, nhân dân các nước Đông Âu trong đó có nhân dân Đông Đức, không một hối tiếc, nếu không nói ngược lại là sự vui mừng như được làm người trở lại.
Ai cũng biết, chính thể mới của các nước CNXH bị sụp đổ không loại đảng Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, vậy mà bao nhiêu lần bầu cử, không đảng Cộng sản nào giành được đa số phiếu để trở lại nắm chính quyền. Tôi nghĩ những nhà lãnh đạo Việt Nam nên nghiêm túc suy nghĩ kỹ càng điều này, để có quyết sách đưa đất nước bước vào hội nhập với cái thế và lực của chính mình hơn là câu nệ và nô lệ về ý thức hệ. Nô lệ về ý thức hệ mà đặt ý thức hệ trên quyền lợi dân tộc, thậm chí để mất cả đất và nước, biển và đảo, thì đấy là tội đồ, là bán nước! Vào thời ấy ( 1990), một số nhà lãnh đạo Việt Nam hoảng hốt lo sợ mất CNXH, đã quay ngoắt 180 độ với cuộc cách mạng đổi mới của chính mình hôm qua (1986), cúi đầu, tôn vinh kẻ thù truyền kiếp là Trung Quốc, đàn áp ngay cả với đồng chí mình còn trung thành với cuộc cách mạng đổi mới tư duy. Thậm chí có người còn bao che cho tội ác dã man của lãnh đạo Trung Quốc ngang nhiên "dạy cho Việt Nam một bài học" trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, nói rằng: «Song dù có bành trướng thế nào đi chăng nữa thì Trung Quốc vẫn là nước XHCN». Nhà lãnh đạo này rõ ràng đã đặt quyền lợi dân tộc, lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc xuống dưới ý thức hệ, và hậu quả là im lặng trước Hoàng Sa bị chúng đánh chiếm năm 1974 và năm 1988 chúng đánh chiếm 7 hòn đảo ở Trường Sa. Và bây giờ chúng ngang nghiên đưa tàu hải giám quấy phá ngay trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền của ta, cắt cáp của tàu thăm dò dầu khí của ta từ tháng 5 năm 2011. Nhân dân bức xúc, bày tỏ thái độ trước sự bành trướng của Trung quốc thì chính quyền tìm mọi cách ngăn chặn, thậm chí dùng cả bạo lực đối với người biểu tình. Bây giờ hãy còn quá sớm để quy đấy là tội bán nước, nhưng chắc chắn lịch sử rồi sẽ phán xét công minh, rạch ròi… Với người Việt Nam tội bán nước là tội không thể dung tha, bởi ở bên cạnh một đất nước to, gian manh và xảo quyệt luôn mưu dồ bành trướng, thì cái sự chống đỡ để giữ cho được từng tấc đất phải tính bằng xương máu của hết thế hệ này qua thế hệ khác. Người yêu nước không bao giờ đặt nhầm chỗ giữa ý thức hệ và độc lập toàn vẹn non sông!!! Ý thức hệ là tạm thời, là giai đoạn, còn chủ quyền toàn vẹn non sông là vĩnh cửu.
Hôm qua anh giúp tôi giải phóng dân tộc, anh là đồng chí chung chiến hào, nhân dân chúng tôi biết ơn anh, hôm nay anh cướp nước tôi, anh là kẻ thù của nhân dân tôi, chứ không thể là đồng chí được! Mọi sự cố tình nhầm lẫn đồng chí với kẻ thù là lừa bịp nhân dân, là mắc mưu kẻ thù của nhân dân! Lúc này không thể không xem xét lại ý niệm khái quát về ngữ nghĩa của hai từ đồng chí mà những người cộng sản đang dùng. Kẻ mưu đồ cướp nước ta, không thể là bạn của ta, càng không thể là đồng chí của ta.
Trở lại học thuyết Mac.Trước sau, loài người vẫn đánh giá cao học thuyết Mác, bởi tính kế thừa và phép biện chứng của nó. Nó chỉ cho nhân loại thấy con đường tất yếu mà bất kỳ chế độ nào cũng phải vượt qua. Càng về cuối đời Mác và Anghen đều điều chỉnh rất nhiều luận điểm trong học thuyết của mình cho phù hợp với qui luật, với xu thế tất yếu của lịch sử. Mặc dù vậy hai ông cũng chỉ dám mong mọi người coi công trình của hai ông như một đoán ước tương lai chứ đừng coi là một giá trị tuyệt đối. Sai lầm của nhiều người theo học thuyết Mác, trước hết là không đọc hết Mác trong từng giai đoạn của hai ông. Ngược lại, lại chọn Mác ở thời điểm hai ông ra Tuyên ngôn đảng Cộng sản, ra Tư bản luận (tập I), … một học thuyết lấy đấu tranh giai cấp làm cốt lõi, lấy bạo lực cách mạng đập tan xiềng xích bóc lột và thâu tóm quyền lợi về tay mình. Đến Lenin và đặc biệt là Stalin thì dùng chuyên chính vô sản để triệt tiêu những người khác chính kiến với mình, đưa công nông lên hàng lãnh đạo. Đấy là thời kỳ trí thức bị chà đạp, bị vô hiệu hóa, bị tiêu diệt nhiều nhất trong lịch sử nhân loại, không khác bao nhiêu so với thời Tần Thủy Hoàng. Đấy cũng là thời kỳ chủ nghĩa cộng sản coi chủ nghĩa tư bản là kẻ thù không đội trời chung. Thế giới phân cực thành hai phe, phe này quyết diệt phe kia và phe kia buộc phải chống lại, hình thành cuộc chiến tranh lạnh từ đây. Và từ đây, Việt Nam trở thành “tiền đồn” của phe xã hội chủ nghĩa. Từ đấy cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam nằm trong “ba dòng thác cách mạng”, nằm trong cái thế “đứng mũi chịu sào” của “tiền đồn” phe xã hội chủ nghĩa chống chủ nghĩa đế quốc, để cho Liên Xô và Trung quốc rảnh rang …lo xây dựng đất nước mình, mà ta thì phải mang ơn, mang nợ họ.
Hồi ấy, một Bí thư TW Đảng diễn thuyết ở nhà hát lớn Hà Nội về tiền đồn, về ba dòng thác cách mạng … tôi kiêu hãnh, tự hào … và “phổng mũi”. Nhưng năm tháng qua đi, nhìn lại dân mình, nước mình… sao thương quá! Bao xương máu đổ xuống! Bao người mẹ mất con, người vợ mất chồng. Có không ít người hôm nay vẫn chưa tìm được xác chồng con. Cuộc chia ly trong hận thù vẫn chưa hàn gắn nổi. Cuộc chia ly này nối cuộc chia ly kia. Bao triệu người bỏ nước ra đi bằng mọi giá – kể cả giá sinh mạng. Câu hỏi đặt ra, chưa thấy câu trả lời thỏa đáng: Vì sao đất nước hoàn toàn giải phóng, thống nhất, vậy mà dân vẫn đói, rách … và bỏ nước ra đi? Chỉ cần nhìn ra các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore…cũng thấy nhục, thấy đau quá rồi!
Một nhà lãnh đạo trong “tứ trụ triều đình” ở thập kỷ 80-90 tâm sự với tôi rằng: Chúng tôi phải chịu trách nhiệm về sự ra đi của bà con ở thời hậu chiến này. Họ không thấy lối ra – đặc biệt là lối ra cho con cháu họ – chứ không phải họ không yêu nước.
Đúng, đấy là thời kỳ đóng cửa cài then, thời kỳ hòa bình đen tối nhất trong lịch sử xây dựng. Con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Mác và ngay cả Lênin sau này đã bị lớp lãnh đạo theo Stalin và Mao bẻ cong bằng một thứ bạo lực mà đỉnh cao là Pônpốt, là Khơme Đỏ – một đồ đệ của chủ nghĩa Mao. Một thảm họa của loài người mà người hứng chịu là nhân dân Campuchia, nhân dân Việt Nam.
Biến một ảo tưởng «Thế giới đại đồng» thành hiện thực, những nhà lãnh đạo Cộng sản không dùng quyền lực mềm là sự thuyết phục, sự vận động mang tính đoàn kết truyền thống mà người ta dùng quyền lực cứng, đấy là “bạo lực cách mạng” của học thuyết Mác theo họ hiểu. Một thứ duy ý chí, bất chấp khoa học, qui luật, bất chấp truyền thống, đạo nghĩa.
… Tự do tư tưởng là một điều bình thường ở các nước phương Tây thì ở Việt Nam cho đến hôm nay tự do tư tưởng là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội, mặc dù chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ ngay trên quê hương của Mác và Lênin cùng một số nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa khác, trừ một vài nước ở phương Đông như Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam và Cu Ba ở châu Mỹ.
Khỏi nói Triều Tiên và Cu Ba vì ai cũng biết đấy là một loại xã hội đội lốt Mác – Lê, nhưng thực chất là xã hội phong kiến, cha truyền ngôi cho con, anh nhường ngôi cho em…Tôi nghĩ mình vẫn còn may mắn vì không phải là công dân của Triều Tiên và Cuba.
Còn Trung Quốc và Việt Nam. Về hình thức, đây là hai nước láng giềng có chung một thể chế chính trị là chủ nghĩa Mác – Lê – Mao. Nhưng tiềm ẩn bên trong mối quan hệ “16 chữ vàng” này là mâu thuẫn ngày càng gay gắt, không thể hóa giải ngay được. Càng có độ lùi thời gian, người dân Việt Nam càng thấy rõ âm mưu thâm hiểm của dân tộc đại Hán. Người dân bình thường cũng biết Trung Quốc đã từ bỏ chủ nghĩa Mác, nhưng vẫn giương ngọn cờ CNXH để bịp dân họ và bịp một số nhà lãnh đạo của Việt Nam hám quyền, hám chức, hám lợi.
Đi ngược dòng thời gian, từ năm 1945, lợi dụng thế “kẹt” của Việt Nam trước họa xâm lăng trở lại của Tàu Tưởng và thực dân Pháp, dưới danh nghĩa đồng minh, những nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đã giúp Việt Nam hết lòng. Bởi vì, cùng với Bắc Triều Tiên ở Đông Bắc Á, Việt Nam là khu đệm của họ ở Đông Nam châu Á. Đây là thời kỳ, người Tàu nhận ra trước tiên “môi hở răng lạnh”. Nhưng đây cũng là thời kỳ họ lợi dụng lòng tin của ta nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào khác. Cùng với Stalin, Mao buộc chủ tịch Hồ Chí Minh phải làm cải cách ruộng đất theo mô hình Hoa Nam. Chu Ân Lai buộc Phạm Văn Đồng phải ký hiệp định Giơnevơ theo dự kiến ban đầu của Chu – có thể được Mao phê chuẩn. Năm 1956 họ chính thức ép ta nhượng Đông Hoàng Sa cho họ. Năm 1957 họ thuyết phục ta xây dựng ga Đồng Đăng cách Ải Nam Quan gần 500m. Lúc đầu họ nói hết đường ray. Sau họ nói để 500m từ ga Đồng Đăng đến Ải Nam Quan làm khu đệm, tập kết vũ khí từ Nga, Trung Quốc và các nước XHCN anh em để Việt Nam tiếp tục cuộc chiến đấu giành độc lập hoàn toàn. Nhưng cũng chính họ, năm 1956 khuyên ta không nên đánh lớn, đánh qui mô ở miền Nam, không nên mở rộng chiến tranh …. Năm 1958, nhân sự kiện chiến hạm Mỹ xuất hiện ở eo biển Đài Loan, họ thương lượng với ta công nhận “… hải phận 12 hải lý” của họ. Trên tinh thần đồng chí, anh em, ta giúp họ giảm bớt áp lực từ phía Mỹ với một bức thư của Phạm Văn Đồng gởi Chu Ân Lai (Tổng lý) ký ngày 14 tháng 9 năm 1958. Đáng lẽ biết ơn ta thì hôm nay con cháu họ lại đem bức thư ấy ra làm cớ chiếm biển đảo của ta.
Năm 1958, họ chiếm Tây Hoàng Sa của ta, bị quân đội Việt Nam cộng hòa đánh và bắt giữ tàu ở Đà Nẵng.
Năm 1974, sau hiệp định Paris, Mỹ cam kết rút quân và không can thiệp vào Việt Nam, họ liền đánh chiếm Hoàng Sa của ta. Ta bại trận. Trên năm mươi chiến binh thuộc chính quyền Sài Gòn đã ngã xuống. Những người cách mạng im lặng! Đây là một thái độ phi văn hóa, phi truyền thống. Lịch sử không thể chấp nhận được! Những người Việt Nam đã ngã xuống vì tổ quốc Việt Nam, dù là người của bên nào cũng đáng được lịch sử vinh danh. Coi ý thức hệ cao hơn quyền lợi dân tộc là một sai lầm nguy hiểm, nếu không nói là tội lỗi! (Điều này được lặp lại ở những năm 90 của thế kỷ 20, như trên tôi đã nói).
Năm 1976, họ xúi Khơme Đỏ đánh phá biên giới Tây Nam của ta.
Năm 1979, họ đánh biên giới phía Bắc nước ta. Đây là cuộc chiến phi nghĩa đáng xấu hổ nhất thế kỷ 20 của họ, nhưng không hiểu sao báo chí ta lại "định hướng"… im lặng …cho đến hôm nay? Nhưng lịch sử thì không bao giờ ngừng trôi, nó sẽ chảy theo đúng dòng chảy của nó: Đó là Sự thật lịch sử.
Năm 1988, họ đánh chiếm một số đảo Trường Sa của ta, sáu mươi bốn chiến sĩ của ta đã ngã xuống ở biển Đông.
Lịch sử Việt – Trung ngoài sự giúp đỡ chí tình cho cuộc chiến giải phóng dân tộc của chúng ta do những nguyên nhân sâu xa từ quyền lợi dân tộc của họ như tôi đã trình bày ở trên, còn có một sự thật lịch sử khác nữa vẫn còn lưu khá đậm trên giấy trắng mực đen và đặc biệt trong nhân dân Việt Nam – hết thế hệ này qua thế hệ khác: Đó là tư tưởng đại Hán có lịch sử từ nghìn năm qua, đừng ai vội nghĩ dễ xóa nhòa, hoặc dùng ý chí chủ quan bắt mỗi người dân Việt Nam phải quên đi, để chỉ nghĩ tới “16 chữ vàng” hôm nay.
Lịch sử quan hệ Việt – Trung cho chúng ta những bài học thật sâu sắc:
- Không có sự giúp đỡ nào trong sáng, vô tư cả!
– Không thể có bốn phương vô sản đều là anh em!

Bây giờ thì tôi thấy chính trị gia người Anh Lord Palmaroton là đúng, khi ông nói: “Chúng ta không có thù vĩnh viễn cũng như bạn muôn đời. Chỉ có quyền lợi dân tộc là vĩnh viễn và muôn đời mà thôi”.
Tôi nghĩ cũng có không ít nhà lãnh đạo Việt Nam tâm huyết với vận mệnh đất nước, nhưng không có điều kiện đọc hết Mác – Anghen – Lênin.Vì vậy tốt nhất là mời những nhà trí thức thông hiểu nhiều ngoại ngữ đọc lại Mác – Lênin từ bản tiếng Đức và tiếng Nga. Mác là một nhà duy vật biện chứng. Chúng ta nên tìm hiểu cho kỹ bước đường phát triển tư tưởng của Mác từ khi Mác gia nhập Liên minh những người Cộng sản ở Bruxen – 1847 – viết “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” – 1848, cho đến khi qua đời năm 1883, nhà triết học này đã bao nhiêu lần phải đính chính mình, bao nhiêu lần phải điều chỉnh học thuyết của mình và bày tỏ những thái độ, những ứng xử khác nhau, thậm chí đối lập nhau … Từ chủ nghĩa xã hội bạo lực, Mác – Anghen chuyển qua chủ nghĩa xã hội dân chủ xuất phát từ nguyên nhân nào? Và bao giờ? Xã hội giữa hai thời kỳ ấy có những gì đặc biệt tác động đến tư tưởng hai ông? Vì sao ngày 17 tháng 11 năm 1852 Mác – Anghen giải tán “Đồng minh những người Cộng sản”, ủng hộ phong trào xã hội chủ nghĩa dân chủ – ôn hòa – của Lassall – một học trò của mình. Phải tìm câu trả lời về chuyển biến lớn lao này của Mác – Anghen trên con đường chính trị của mình từ thực tiễn xã hội châu Âu. Có phải giai đoạn đầu của phong trào công nhân độc lập Đức kết thúc từ năm 1852 sau cái án của Koren – một người Cộng sản Đức? Từ năm 1852 đến năm Lassall giương ngọn cờ chủ nghĩa xã hội dân chủ – ôn hòa, năm 1862, là mười năm. Và có phải chính Mác – Anghen đã thành lập Đảng dân chủ xã hội Đức – chính Đảng xã hội chủ nghĩa vào tháng tám năm 1869? Đây có phải là giai đoạn thứ hai của phong trào công nhân Đức – Giai đoạn xã hội chủ nghĩa dân chủ – ôn hòa?
Tôi nghĩ quá trình chuyển biến tư tưởng Mác và Anghen đều có trong toàn tập của hai ông. Và Lênin cũng vậy. Ông là một nhà Macxít biện chứng. Từ thực tiễn ông uốn nắn ngay lý luận của mình. ông nói: “Chúng ta buộc phải thừa nhận là toàn bộ quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã thay đổi về căn bản” (Lênin toàn tập. NXB Tiến Bộ tập 45 trang 428). Cũng như chính sách kinh tế mới – NEP – có trong toàn tập Lênin. Nhưng không hiểu vì sao không ai dám nói. Ngay một nhà lãnh đạo như Phạm Văn Đồng cũng phải chờ đến năm 2000 mới dám viết trên báo nhân dân. Vì sao? Một cách vận dụng Mác – Lênin như vậy đã nuôi dưỡng chủ nghĩa giáo điều cho nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam. Và hôm nay, chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ mang tính toàn cầu, người Việt Nam vẫn phải giữ nguyên cái “Chủ nghĩa xã hội bạo lực” mà Mác và Anghen đã phủ định từ năm 1868.
Đừng bao giờ nghĩ rằng nhân dân Việt Nam, trí thức Việt Nam im lặng trước một thể chế chính trị đã bị chính Mác và Anghen phủ định, bị cả nhân loại loại trừ sau bảy mươi năm thử nghiệm trên đất Nga, trên đất Đức và Đông Âu là đồng thuận với nhà nước. Tôi nghĩ đấy là một sự im lặng đáng sợ chứ không nên coi thường! Ai hiểu được nhân dân mình, người ấy chính là lãnh tụ của họ. Ai coi thường nhân dân, ai coi quyền lực là sức mạnh vô song, kẻ ấy sẽ không có gì ngoài những nguyền rủa của hôm nay và mai sau. Một Nero bạo chúa, một Tần Thủy Hoàng, một Stalin, một Mao Trạch Đông, một Ponpot …vẫn còn đó bản chất tàn bạo của nó. Lịch sử là vậy, không quên công ơn và nhớ rất rõ tội ác.
… Tổng thống Medvedev không thể im lặng được trước một số người còn sùng bái Stalin vì sự hiểu biết hạn hẹp do bưng bít thông tin, buộc lòng ông phải cho giải mã những điều được coi là tối mật của chủ nghĩa cộng sản. Ông nói: “Nếu hôm nay nhắm mắt trước tội ác này (Stalin ra lệnh giết hai mươi hai ngàn sĩ quan [binh sĩ?] Ba Lan năm 1940) thì trong tương lai những tội ác như vậy có thể lặp lại, muốn hay không, ở dạng này hay dạng khác, ở các nước khác nhau. Vì vậy mặc dù điều này diễn ra tuy gay gắt, những tội ác như vậy là không bao giờ hết thời hiệu. Những kẻ gây ra chúng sẽ phải chịu trách nhiệm bất kể đã mất cách đây bao nhiêu năm”.
Đúng, những kẽ gây ra tội ác với nhân dân phải chiụ trách nhiệm bất kể đã mất cách đây bao nhiêu lâu!
Đúng, người có văn hoá bao giờ cũng là người biết sợ sự thật lịch sử. Bởi đơn giản sự thật lịch sử hiện diện cùng thời gian hôm nay và cả mai sau: VINH QUANG và TỘI ÁC!
HLG
30-5-2011