20/2/11

Giáo dục đại học Việt Nam và Thái Lan

Thứ bảy, 11 Tháng 12 2010 00:23
http://www.intrafish.no/multimedia/archive/00031/Vietnam_Thailand_boo_31997m.jpgCó dạo, các nhà hoạch định chính sách giáo dục Việt Nam xem xét nhiều mô hình đại học trên thế giới để tham khảo và đi đến cải cách giáo dục. Một trong những nước được nhiều chú ý là Thái Lan, bởi vì thành tựu giáo dục đại học của Thái Lan có thể nói là đáng khen ngợi. Chỉ trong vòng 50 năm phát triển, Thái Lan đã có một hệ thống giáo dục đại học tương đối hoàn chỉnh. Một số đại học Thái Lan đã trở thành những trung tâm giáo dục có uy tín ở Á châu, với nhiều sinh viên nước ngoài đến học. Ngay cả các quĩ học bổng quốc tế tuyển sinh Việt Nam cũng có khi gửi sinh viên sang Thái Lan học. Ngày nay, một số đại học lớn của Thái Lan thậm chí còn vươn ra xa thu hút sinh viên từ Việt Nam và các nước trong vùng! Do đó, tìm hiểu hệ thống đại học Thái Lan cũng có thể cung cấp cho chúng ta một vài thông tin có ích.

Nhân đọc một tài liệu về hệ thống giáo dục đại học của Thái Lan, tôi thấy vài con số thú vị, và tóm lược trong bảng dưới đây. Tôi đặt những con số này bên cạnh Việt Nam để chúng ta có vài nét “phác họa” chung cho 2 hệ thống giáo dục và nhận ra một số khác biệt đáng chú ý.
Số đại học của Việt Nam trong niên học 2007-2008 là 160 trường, còn Thái Lan là 112 trường. Tính trung bình, cứ 536 ngàn dân chúng ta có một đại học, còn bên Thái Lan, con số này là 569 ngàn dân. Trong số 160 trường đại học Việt Nam, 120 trường (chiếm 75%) là công lập, trong khi đó, tỉ lệ trường công lập của Thái Lan là 78/112 (70%).
Hệ thống giáo dục đại học của Thái Lan có thể chia làm 4 nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm các đại học công lập dưới sự quản lí của Bộ Đại học. Nhóm thứ hai bao gồm các đại học tư nhân cũng chịu sự quản lí của Bộ Đại học. Thật ra, nói là Bộ Đại học quản lí, nhưng trong thực tế thì các đại học này đều tự chủ, và bộ chỉ quản lí định hướng và chính sách chung chứ không can thiệp vào chính sách tuyển sinh hay quản lí của đại học. Nhóm thứ ba là những học viện và trường cao đẳng do các bộ khác (như bộ giáo dục, bộ y tế, bộ quốc phòng) quản lí. Nhóm thứ tư là những viện chuyên ngành của các đoàn thể quốc gia hay tổ chức quốc tế (như Viện công nghệ Á châu – Asian Institute of Technology), Đại học Phật giáo Mahamongkut, Đại học Phật giáo Mahachulalongkorn, v.v…
Vài con số về giáo dục đại học của Việt Nam và Thái Lan
Chỉ tiêu
Việt Nam (2007-2008)
Thái Lan
(2007-2008)
Dân số
85,789,000
63,724,000

Số trường đại học
160
112
Số trường đại học công lập
120
78
Số trường đại học dân lập
40
34



Số sinh viên
1,180,547
2,032,461
Sinh viên trong các trường công
1,037,115
1,084,016
Sinh viên trong các trường dân lập
143,432
948,445

Số sinh viên tốt nghiệp
152,272
334,103
Công lập
?
143,762
Dân lập
?
190.341

Số giảng viên
38,217
59,562
Công lập
34,947
45,429
Dân lập
3,270
14,133

Trình độ giảng viên
Tiến sĩ
5,643
14,099
Cao học
15,421
35,783
“Chuyên khoa”
314
!?
Cử nhân
16,654
9,486

Giáo sư
303
?
Phó giáo sư
1,805
?

Số bài báo khoa học trên các tập san quốc tế (năm 2009)
959
4527
Số liệu của Việt Nam có thể download từ trang nhà của Bộ GDĐT. Số liệu của Thái Lan trích từ tài liệu “Higher education in Thailand” của Ủy ban Giáo dục Đại học Thái Lan, năm 2007-2008.
Tuy Việt Nam có nhiều đại học hơn, nhưng số sinh viên thì ít hơn Thái Lan. Trong niên học 2007-2008, Việt Nam có 1.18 triệu sinh viên, chỉ bằng 58% số sinh viên của Thái Lan (2.03 triệu). Số sinh viên tính trên dân số của Việt Nam cũng thấp hơn Thái Lan. Ở Việt Nam, cứ 1000 dân có 14 sinh viên. Còn ở Thái Lan, tính trung bình có 32 sinh viên trên 1000 dân.
Tính trung bình, mỗi đại học công lập Việt Nam có 8643 sinh viên, nhỏ hơn so với đại học công của Thái Lan (có ~14,000 sinh viên). Đại học dân lập Việt Nam thường nhỏ, với số sinh viên trung bình là ~3600, còn Thái Lan con số này là ~28,000.
Trong niên học 2007-2008, có 152,272 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đại học. Con số này bằng khoảng 46% số sinh viên Thái Lan tốt nghiệp.
Tuy Việt Nam có nhiều đại học, nhưng số giảng viên thì ít hơn Thái Lan. Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm 2007-2008, có 38,217 giảng viên trong 160 đại học. Trong cùng niên học, Thái Lan có gần 60,000 giảng viên. Tính trung bình, mỗi đại học Việt Nam có 239 giảng viên, chỉ bẳng 45% của Thái Lan (trung bình có 532 giảng viên cho mỗi đại học). Đáng chú ý là số giảng viên cho mỗi đại học tư ở Việt Nam chỉ 82 người, trong khi đó con số này ở Thái Lan là 416 người.
Tuy nhiên, số sinh viên trên mỗi giảng viên giữa 2 nước không khác nhau nhiều. Ở đại học Việt Nam, cứ 31 sinh viên thì có 1 giảng viên (con số này ở đại học dân lập là 44). Ở đại học Thái Lan, con số sinh viên cho mỗi giảng viên là 34 (và đại học tư là 67).
Về trình độ học vấn của giảng viên, có sự khác biệt khá lớn giữa 2 nước. Trong số 38,217 giảng viên đại học ở Việt Nam, khoảng 15% có bằng tiến sĩ, 40% thạc sĩ, và 44% cử nhân. Ở Thái Lan, trong số 59,562 giảng viên, số có bằng tiến sĩ là 24%, thạc sĩ 60%, và cử nhân 16% (Biểu đồ 1).



Biểu đồ 1. Phân phối trình độ giảng viên đại học ở Việt Nam (màu xanh) và Thái Lan (màu tím)

Về năng suất khoa học, Việt Nam cũng thấp hơn Thái Lan. Số bài báo khoa học được công bố trên các tập san quốc tế năm 2009 của Việt Nam là 959 bài, chỉ bằng 21% số bài của Thái Lan (4527 bài). Chẳng những Việt Nam có số bài báo ít hơn, mà tỉ lệ tăng trưởng cũng thấp hơn Thái Lan. So với năm 2005, con số bài báo khoa học từ Thái Lan tăng gần gấp 2 lần, trong khi đó Việt Nam chỉ tăng khoảng 75%.
Nói tóm lại, các dữ liệu thực tế trên đây cho thấy hệ thống giáo dục đại học Việt Nam kém hơn hẳn Thái Lan. Thật vậy, Việt Nam có nhiều trường đại học hơn, nhưng về cơ cấu giảng viên và đầu ra khoa học, thì rất kém so với Thái Lan. Chỉ có 15% giảng viên đại học Việt Nam có bằng tiến sĩ, thấp hơn Thái Lan gần 10%. Ở các nước tiên tiến, khoảng 65-70% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Nói chung, đại học Việt Nam vẫn chủ yếu là cử nhân dạy cử nhân.
Một điều đáng ngạc nhiên là trong số 38,217 giảng viên đại học ở Việt Nam, chỉ có 2108 người có chức danh giáo sư (303 người) và phó giáo sư (1805). Nói cách khác, số giáo sư và phó giáo sư chỉ chiếm khoảng 5% tổng số giảng viên! Không có con số giáo sư và phó giáo sư ở Thái Lan, nên không thể so sánh cụ thể, tuy nhiên tôi đoán rằng con số của Thái Lan cao hơn so với Việt Nam. Cần nhắc lại rằng Việt Nam đã phong hàm giáo sư và phó giáo sư cho khoảng 8,300 người. Những con số trên cho thấy trong số 8300 người, chỉ có 1 phần 4 là giảng viên đại học, phần 75% còn lại có lẽ là làm quan chức!
Những con số này còn cho thấy sau 50 năm xây dựng hệ thống đại học, Thái Lan cũng chỉ có khoảng 25% là tiến sĩ (và chỉ 14000 tiến sĩ), trong khi đó Việt Nam có tham vọng đào tạo 23,000 tiến sĩ trong vòng … 10 năm! Dữ liệu này một lần nữa cho thấy tính khả thi của dự án 2 vạn tiến sĩ là một dấu hỏi lớn.
Hơn 30 năm trước, các đại học ở miền Nam Việt Nam là những trung tâm đào tạo sinh viên có uy tín trong vùng Đông Nam Á và Á châu nói chung. Thuở đó, có sinh viên từ Đông Nam Á, kể cả Thái Lan, sang Sài Gòn du học. Ngày nay, trong khi một số đại học Thái Lan đang trên đường trở thành “đẳng cấp quốc tế” và thậm chí sang Việt Nam chiêu sinh, còn các đại học Việt Nam thì đang loay hoay tìm kiếm một mô hình phát triển và mong muốn có tên trong danh sách “top 200”. Những dữ liệu mang tính so sánh trên đây cho thấy nếu không có một sự bức phá trong cải cách giáo dục đại học, giấc mơ “đẳng cấp quốc tế” của chúng ta vẫn chỉ là một giấc mơ lãng mạn.

Đại học miền Nam trước 1975: hồi tưởng và nhận định

Chủ nhật, 13 Tháng 2 2011 15:00
Xin trân trọng giới thiệu một bài viết đặc sắc của Gs Lê Xuân Khoa về nền giáo dục đại học ở miền Nam trước 1975. Đây là bài viết sẽ xuất hiện trong Kỉ yếu Humboldt do Ts Nguyễn Xuân Xanh biên soạn. Giáo sư Lê Xuân Khoa là một "chứng nhân" của nền giáo dục đại học trước 1975, vì ông từng giữ những chức vụ quan trọng như giáo sư triết học phương Đông tại ĐH Văn khoa Sài Gòn, thứ trưởng Bộ Giáo dục (1965) và phó viện trưởng (như phó hiệu trưởng đại học ngày nay) của Viện Đại học Sài Gòn (1974-1975). Ông định cư ở Mĩ năm 1975, trở thành giáo sư thỉnh giảng tại trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế thuộc Ðại học Johns Hopkins. Nay thì ông đã nghỉ hưu. Tôi từng có cơ duyên gặp ông ở Mĩ. Đó là một người đàn anh rất đáng kính, dù ở xa nhà nhưng lúc nào cũng đau đáu nghĩ về quê nhà. Ông là tác giả cuốn sách "Việt Nam 1945-1995, Tập I" rất có giá trị, và tác giả của nhiều tiểu luận đáng chú ý. Ông còn có nhiều hoạt động cộng đồng và thiện nguyện trong cũng như ngoài nước. Mời các bạn theo dõi bài viết của ông và những nhận xét của tôi trong một chuyến về quê gần đây. NVT

Đại học miền Nam trước 1975
Hồi tưởng và Nhận định

Lê Xuân Khoa
Khi được một thành viên trong Ban chủ biên Kỷ yếu Humboldt 200, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, mời viết một bài về Đại học Miền Nam cho tập Kỷ yếu đánh dấu 200 năm Đại học Humboldt, tôi rất vui vì có cơ hội tham gia vào một công trình có ý nghĩa của một tập hợp trí thức trong và ngoài nước quan tâm đến sứ mệnh giáo dục Đại học ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi đã rất ngần ngại nhận lời, không chỉ vì tôi đã rời xa ngành giáo dục Việt Nam trên 35 năm mà còn lo ngại ký ức của tôi không còn nhớ nhiều về tổ chức và hoạch định chính sách cho nền giáo dục Đại học Miền Nam trước 1975. Quả thật, ngoài 15 năm giảng dạy một môn học rất xa thực tế là “Triết học Upanishad” và “Thiền học Việt Nam” ở Đại học Sài-gòn (sau này có dạy thêm “Văn minh Việt Nam” ở Đại học Đà-lạt,) tôi chỉ tham gia vào bộ phận điều hành ở Bộ Giáo dục, Viện Đại học Vạn Hạnh và Viện Đại học Sài-gòn trong những thời gian rất ngắn, từ năm tháng tới một năm. Tôi cũng ít có dịp hợp tác trực tiếp với những nhà lãnh đạo Đại học, trừ bốn người là cố Giáo sư Nguyễn Quang Trình (ĐH Sài-gòn), cố Linh mục Nguyễn Văn Lập (ĐH Đà-lạt), Thượng Tọa Thích Minh Châu (ĐH Vạn Hạnh) và cố Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy (ĐH Sài-gòn). Nhưng tôi đã được TS Nguyễn Xuân Xanh thuyết phục khi anh nhắc nhở rằng một bài viết về Đại học miền Nam của một “người trong cuộc”, dù ít dù nhiều cũng là điều không thể thiếu trong tập kỷ yếu Humboldt 200, trong đó có phần lịch sử Đại học Việt Nam từ thời cổ, triết lý và quá trình phát triển của nó trong 30 năm chiến tranh (1945-1975) và 35 năm sau thống nhất, đặc biệt là những vấn đề của hiện tại và nhu cầu “đổi mới để nhanh chóng vươn lên với thế giới”.

Vì đã có nhiều tác giả viết về lịch sử, triết lý và hệ thống tổ chức của nền giáo dục miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) từ Tiểu học tới Đại học, tôi thấy không cần thiết phải mô tả lại hệ thống giáo dục này. Tôi sẽ chỉ trình bày một số nhận xét và kinh nghiệm riêng của tôi về chính sách và điều kiện sinh hoạt Đại học trong khung cảnh chung của nền giáo dục ở miền Nam trước 1975, sau khi đã kiểm lại một số dữ kiện với hai bạn đồng nghiệp cũ là Giáo sư Nguyễn Thế Anh và Giáo sư Lê Thanh Minh Châu, cả hai đều từng giữ chức vụ Viện trưởng Viện Đại học Huế. Tuyệt nhiên đây không phải là một bài nghiên cứu hay luận thuyết mà chỉ là một bài ghi nhận một số sự kiện đáng được lưu ý trong lịch sử ngắn ngủi 20 năm của nền giáo dục đại học ở miền Nam, từ ngày đất nước chia đôi đến ngày thống nhất. Do sự suy giảm của trí nhớ, tôi có thể đã bỏ sót hay không nhớ đích xác một số sự kiện diễn ra trên dưới 50 năm về trước.

Từ trung ương tập quyền đến tự trị đại học

Nói đến giáo dục Đại học hiện đại không thể không nói đến quyền tự trị của Đại học. Đó là xu thế chung của đại học ở các nước dân chủ như một điều kiện sine qua non cho sự phát triển của con người và xã hội. Điều 10 trong Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa năm 1967 ghi rõ: “Nền giáo dục Đại học được tự trị”. Điều này phản ánh tinh thần khai phóng trong triết lý giáo dục miền Nam được xác định trong Đại hội giáo dục lần thứ nhất năm 1958, với ba nguyên tắc căn bản là “nhân bản, dân tộc, khai phóng”. Đại hội này được tổ chức với sự tham gia của đại diện giáo chức các cấp trên toàn quốc cùng một số trí thức độc lập bên cạnh các đại diện của Bộ Giáo dục. Mọi quyết định của hội nghị đều là kết quả của những cuộc thảo luận và biểu quyết hoàn toàn tự do không có bất cứ sự can thiệp nào của chính quyền. Tinh thần khai phóng ở Đại học được thể hiện rõ rệt nhất trong việc tiếp thu những kiến thức khoa học tiến bộ và những giá trị văn hóa nhân bản của thế giới nhằm hiện đại hóa đất nước và phát triển toàn diện con người. Điểm này sẽ được đề cập chi tiết hơn ở một đề mục dưới đây.

Thật ra cho đến năm 1975 Đại học miền Nam vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt tình trạng chuyển tiếp từ truyền thống trí thức hàn lâm của Đại học Pháp sang truyền thống thực dụng của Đại học Mỹ. Năm 1955, trước khi Pháp hoàn tất việc chuyển giao tất cả các cơ sở công quyền cho Việt Nam, hai nước đã ký kết một bản thỏa hiệp có hiệu lực mười năm về hợp tác và trao đổi văn hóa. Lý do là chính phủ Pháp muốn duy trì sự hiện diện và ảnh hưởng của văn hóa Pháp ở Việt Nam trong lâu dài, trong khi chính phủ mới ở miền Nam cũng cần phát triển giáo dục từ một nền tảng đã có sẵn, nhất là vì các nhà lãnh đạo chính quyền và trí thức đại học đều được đào tạo bởi nền giáo dục Pháp. Trong mười năm đó, chính phủ Pháp cấp học bổng cho nhiều giáo sư trung học sang Pháp tu nghiệp ngắn hạn hay tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ. Nhưng dần dần ảnh hưởng Pháp mờ nhạt đi kể từ khi Việt Nam bắt đầu gửi công chức và sinh viên sang Hoa Kỳ, Úc, Tân-Tây-Lan và các nước khác vào những năm cuối thập kỷ 1950.

Truyền thống giáo dục cổ điển của Đại học Pháp bắt nguồn từ bản Hiến Pháp năm 1791 (hai năm sau Cách Mạng 1789) xác định vai trò của quốc gia trong giáo dục, bảo đảm mọi công dân có cơ hội đồng đều về giáo dục ở mọi cấp và mọi ngành. Những nghị định năm 1806 và 1808 dưới thời Napoléon I đặt toàn thể hệ thống giáo dục từ tiểu học tới đại học dưới sự điều hành và kiểm soát của Bộ Quốc gia Giáo dục. Chính sách trung ương hóa nền giáo dục toàn quốc có mục đích kiện toàn nền thống nhất của quốc gia và tinh thần đoàn kết trong nhân dân Pháp. Định chế toàn quốc ấy đã tồn tại cho đến tận ngày nay, nhưng qua nhiều lần cải cách, chức phận điều hành và kiểm soát của Bộ Giáo dục đã được nới lỏng để con người được phát triển đầy đủ và tự do hơn. Đặc biệt ở cấp Đại học, sự kiểm soát không nhắm vào các hoạt động hàn lâm mà chú trọng đến sự hợp lệ trong các thủ tục điều hành ngân sách và nhân viên.

Chịu ảnh hưởng truyền thống cổ điển của Pháp, giáo dục đại học ở miền Nam không được tự trị về cả ba phương diện ngân sách, nhân viên và học vụ. Quả thật các Viện Đại học Sài-gòn, Huế, Cần Thơ, Đại học Bách Khoa Thủ Đức, các trường Cao đẳng và Đại học Cộng đồng của chính phủ đều được đặt dưới quyền điều hành của Bộ Giáo Dục. Các quyết định quan trọng như tuyển dụng hay thăng ngạch trật của giáo sư, mua sắm vật liệu hay chi phí xây dựng đều phải trình cho Bộ trưởng duyệt ký. Riêng chức vụ Viện trưởng là do Tổng thống bổ nhiệm, nhưng dưới thời Đệ nhị Cộng hoà thì việc bổ nhiệm Viện trưởng phải được Quốc hội thông qua sau một buổi điều trần về đường lối và tổ chức Đại học. Tiếp theo đó, Thủ tướng bổ nhiệm các Phó Viện trưởng theo đề nghị của Viện trưởng nhưng không cần phải thông qua Quốc hội. Chữ ký của Viện trưởng trên các văn bằng Đại học luôn luôn theo sau dòng chữ “Thừa ủy nhiệm Bộ trưởng Giáo dục”. Các khoản viện trợ từ bên ngoài cho phảt triển Đại học cũng phải qua ngân sách của Bộ Giáo dục ngoại trừ dưới hình thức hiện vật như sách vở, dụng cụ, máy móc, hay giáo sư thỉnh giảng (visiting professors) không do chính phủ Việt Nam trả lương. Nguồn viện trợ thường là các chương trình ngoại viện của các chính phủ Pháp, Mỹ, Úc, Tân-Tây-Lan . . . Về học vụ, mặc dù nội dung chương trình giảng dạy thuộc thẩm quyền của Đại học, việc tổ chức các phân khoa, thi cử và văn bằng cùng với mọi sáng kiến thay đổi hay dự án mới đều phải được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục. Tóm lại, Bộ Giáo Dục giữ vai trò điều hợp tổng quát các đại học để thống nhất về mặt triết lý giáo dục, quản trị nhân viên và tài chánh (trừ Học Viện Quốc Gia Hành Chánh huấn luyện công chức là trực thuộc phủ Tổng Thống).[1]

Công bằng mà nói thì truyền thống đại học của Pháp không hẳn là một di sản xấu khiến cho đại học Việt Nam bị yếu kém về phẩm chất, như nhận xét của hai tác giả Thomas Vallely và Ben Wilkinson trong bản phúc trình của Đại học Harvard năm 2009. Nhận xét này đã bị Giáo sư Tạ Văn Tài phản bác rất đúng khi ông trả lời cuộc phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, nhấn mạnh rằng những giáo sư đại học Việt Nam do Pháp đào tạo đều là những trí thức ưu tú không thua kém gì những đồng nghiệp người Pháp hay ngoại quốc khác. Họ đã xây dựng vững chắc nền đại học miền Nam từ 1954 và hầu hết sinh viên của họ khi ra nước ngoài đi làm hay học lấy bằng cấp cao hơn cũng đều là những nhân tài xuất sắc.[2] Có bậc thày không chỉ có công đào tạo ít nhất là hai thế hệ sinh viên mà còn là tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp. Chẳng hạn, Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, người có công gây dựng Đại học Văn Khoa từ những ngày đầu ở Hà Nội vào năm 1949-1950; bên Y khoa không mấy ai không biết đến Giáo sư Phạm Biểu Tâm là một vị thày thuốc điển hình của truyền thống Hippocrate.

Giáo sư Phạm Biểu Tâm đang tiếp chuyện với sinh viên Y khoa về việc ông bị bắt trong biến cố 1963

Ở miền Nam, khi ghi trong Hiến pháp năm 1967 là “Nền giáo dục Đại học được tự trị,” các nhà làm chính sách giáo dục đã xác nhận sự cần thiết phải hội nhập với thế giới dân chủ, nhất là theo mô hình của Mỹ. Nhưng việc trao cho đại học quyền tự trị, nhất là về quản trị nhân viên và sử dụng ngân sách, từ những định chế lâu đời như Bộ Giáo dục, Tổng Nha Công vụ và Tổng Nha Ngân sách đòi hỏi những sự thay đổi hay điều chỉnh thích hợp về luật lệ và thủ tục, do đó cần phải có thời gian thực hiện theo một tiến trình chuyển tiếp.
Trụ sở Viện Đại Học Sài Gòn cạnh bên Hồ con rùa (góc đường Duy Tân - Trần Quý Cáp). Trước 1975, các trường ĐH công lập như Luật khoa, Văn khoa, Kiến trúc, Dược khoa và Y khoa v.v... đều là các Phân khoa thuộc Viện ĐH Sài Gòn. (Hình ảnh và ghi chú trích từ "flickrer" manhhai)

Dù sao trong tiến trình tự trị hóa, Đại học miền Nam đã được hưởng nhiều ưu đãi. Các đề nghị của Hội đồng đại học về nhân viên hay ngân sách thường được chính phủ chấp thuận mau chóng ngoại trừ những quyết định thật quan trọng. Do sự tín nhiệm sẵn có đối với lãnh đạo đại học, sự chấp thuận của chính phủ được căn cứ vào sự hợp lệ về hành chánh và khả năng ngân sách hơn là xét về nhu cầu và giá trị của đề nghị. Về mặt học vụ, sự chấp thuận của Bộ Giáo dục lại càng có tính hình thức hơn nữa vì không khi nào Bộ ra chỉ thị hay can thiệp vào việc ấn định nội dung các môn học, thể lệ thi cử và chấm thi, các công tác nghiên cứu và giảng dạy, miễn là không trái ngược với ba nguyên tắc căn bản là nhân bản, dân tộc và khai phóng. Chính sách uyển chuyển này đối với lãnh đạo đại học đưa đến thái độ mặc nhiên chấp thuận cho đại học thử nghiệm sáng kiến mới để rốt cuộc chính thức công nhận kết quả của thử nghiệm. Một thí dụ: khoảng giữa năm 1965, tôi được biệt phái từ Đại học Văn khoa Sài-gòn sang Viện Đại học Vạn Hạnh trong một năm để giúp tổ chức và soạn thảo chương trình cử nhân cho Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn. Sau khi hội ý với Thượng Tọa Viện trưởng Thích Minh Châu và được sự đồng ý của Thượng Tọa, tôi bắt đầu soạn thảo các môn học theo hệ thống tín chỉ (credits) thay thế cho các chứng chỉ cử nhân nhưng vẫn duy trì chế độ niên khóa. Tôi trở về Đại học Sài-gòn khi xong công việc và được biết dự án cải cách dung hòa cũ-mới này sau đó được Hội đồng Viện hoàn chỉnh và lần lượt áp dụng vào các Phân khoa khác. Điều đáng chú ý là khi Viện ĐH Vạn Hạnh trình dự án này lên Bộ Giáo dục xin ý kiến, Bộ không chính thức chấp thuận hay bác bỏ, nhưng các văn bằng cử nhân của Đại học Vạn Hạnh đều được Bộ công nhận. Những buổi lễ phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên luôn luôn có sự hiện diện của Bộ trưởng Giáo dục. Từ đầu thập kỷ 1970, hệ thống tín chỉ chính thức được áp dụng ở các Đại học Cộng đồng và Đại học Bách khoa Thủ đức của chính phủ.

http://www.nguyenhuynhmai.com/images/upload/Article/2009/8/14/633858072758210000.gif
Một buổi lễ tốt nghiệp của Viện Đại học Vạn Hạnh trước năm 1975. Trong ảnh Viện trưởng, HT Thích Minh Châu đang đọc thuyết văn

Sự nảy nở các đại học cộng đồng (hay đại học sơ cấp hai năm) từ 1971 đáp ứng nhu cầu thực tế về nhân lực của địa phương và thể hiện tinh thần dân chủ vì có sự tham gia trực tiếp về tài chính và quản lý của địa phương đó. Sự thành lập Đại học Bách Khoa Thủ Đức năm 1973 được phỏng theo mô hình California Polytechnic State University đích thực là một đại học đa khoa, không chỉ gồm những phân khoa thiên về nghiên cứu mà bao gồm cả các ngành thực tiễn như nông nghiệp, kỹ thuật cơ khí, điện tử . . . là những ngành cần thiết cho nền kinh tế tại Đô thành và các tỉnh lân cận. Một đặc điểm trong chương trình đại học cộng đồng hồi đó là chương trình giáo dục bổ túc dành cho những sinh viên do hoàn cảnh chiến tranh nên thiếu căn bản vững chắc để theo các lớp đại học. Chương trình này cũng nhắm vào những quân nhân giải ngũ, nhất là khi đất nước hòa bình, cần được cập nhật và bổ túc kiến thức sau một thời gian bị gián đoạn việc học. Như vậy, việc cải cách giáo dục đại học theo xu hướng thực dụng và dân chủ hóa đã thật sự bắt đầu từ năm 1971.

Tự do học thuật và phát triển con người

Mặc dù một phái đoàn của Đại học Michigan đã đến Sài-gòn từ năm 1954 để giúp cải tổ chương trình đào tạo cán bộ ở Học viện Quốc gia Hành chánh, ảnh hưởng giáo dục đại học Mỹ chỉ bắt đầu ba bốn năm sau và đến những năm đầu thập kỷ 1970 mới có sự tăng tốc trong tiến trình đổi mới, với sự nâng cấp một số trường Cao đẳng Chuyên nghiệp, sự ra đời của một loạt Đại học Cộng đồng và của trường Đại học Bách Khoa Thủ Đức. Thế hệ trí thức theo truyền thống cũ của Pháp cũng ý thức được nhu cầu đổi mới và lợi ích của tự trị đại học trong công cuộc phát triển xứ sở nên cũng sẵn sàng chuyển hướng theo triết lý giáo dục của Mỹ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực dân chủ hóa và thực tiễn hóa giáo dục đại học không có đủ thời gian thành tựu khi chế độ Cộng Hòa ở miền Nam sụp đổ năm 1975.

Tự trị học vụ trong qui chế tự trị đại học thường bị lẫn lộn với một chức năng liên hệ là tự do nghiên cứu và giảng dạy nay đã trở thành một truyền thống đại học ở các nước dân chủ. Đến đây, cần phải nhắc đến triết lý giáo dục của Đại học Humboldt nhấn mạnh vào sứ mệnh của trí thức đại học là phát triển toàn diện con người bằng khoa học và văn hóa, và điều kiện của phát triển là tự do nghiên cứu, sáng tạo và giảng dạy. Phát triển con người bằng khoa học là tinh thần khai phóng, phát triển con người bằng văn hóa là tinh thần nhân bản. Đó là hai nguyên tắc chính yếu đã được đưa vào triết lý giáo dục các cấp ở miền Nam cùng với nguyên tắc thứ ba là tinh thần dân tộc, theo thứ tự “nhân bản, dân tộc, khai phóng,” phù hợp với nhu cầu và sứ mệnh của một quốc gia đang mở mang muốn vươn lên và hội nhập thành công trong cộng đồng thế giới.

Giáo dục nhân bản lấy con người làm cứu cánh nên chú trọng vào việc xây dựng đạo làm người, phát triển mầm mống tốt ở con người, phục vụ nhân sinh để tiến đến một xã hội hoàn thiện, đúng như đã được định nghĩa trong sách Đại học của Nho giáo (Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện). Đạo Nho có những giáo điều phong kiến lỗi thời nhưng những nguyên tố để đào tạo mẫu người lý tưởng như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín đều có giá trị phổ quát và vĩnh viễn. Người “quân tử” hay “kẻ sĩ” thời phong kiến khác với người “trí thức” thời dân chủ về trách nhiệm cụ thể, nhưng hoàn toàn giống nhau về tư cách đạo đức và tinh thần trách nhiệm. Giáo dục dân tộc nhằm bồi dưỡng tinh thần hiếu hòa nhưng nhiệt tình yêu nước của giống nòi Hồng Lạc qua hơn hai nghìn năm lịch sử, bảo tồn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Tinh thần dân tộc được thể hiện ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng Ba 1945 và trao trả độc lập cho chính quyền Bảo Đại/Trần Trọng Kim: nền giáo dục Việt Nam lập tức được Việt hóa với chương trình Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Giáo dục khai phóng tiếp thu những tri thức khoa học, kỹ thuật và tinh hoa văn hóa của các nước Tây phương một cách không định kiến. Rút kinh nghiệm mất nước vì chính sách tự cô lập với thế giới của vua chúa nhà Nguyễn, giáo dục khai phóng cũng du nhập những tư tưởng mới về triết học và chính trị, chuẩn bị cho học sinh sau khi tốt nghiệp tiểu học hay trung học có điều kiện trở thành những công dân hữu ích cho xã hội.

Tinh thần khai phóng được thể hiện đầy đủ nhất ở Đại học qua sự thành lập các trường đại học mới, bổ sung tính chất nghiên cứu hàn lâm bằng khuynh hướng thực dụng để gia tăng khả năng phát triển kinh tế và công nghệ hóa miền Nam. Trong hai năm đầu, miền Nam mở thêm hai đại học, một công là Đại học Huế và một tư là Đại học Đà-lạt, cùng thành lập trong năm 1957; từ 1964 đến 1972 có thêm một đại học công là Đại học Cần Thơ (1966) và năm đại học tư là ĐH Vạn Hạnh (1964), ĐH Phương Nam (1967), ĐH Hòa Hảo (1970), ĐH Cao Đài (1971) và ĐH Minh Đức (1972). Sự gia tăng con số đại học tư—tổng cộng sáu đại học tư đều do bốn tôn giáo chính ở Việt Nam thành lập—cho thấy một đặc tính dân chủ ở miền Nam, mặc dù sự phát triển tự do này có vẻ biểu hiện nhu cầu xác lập vai trò và ảnh hưởng của mỗi tôn giáo trong xã hội hơn là nhu cầu thật sự về giáo dục đại học. Một đặc điểm khác của tinh thần khai phóng là quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo và giảng dạy của các giáo sư. Các chứng chỉ, văn bằng và các môn học vẫn phải được Bộ Giáo dục duyệt y, nhưng nội dung các môn học và phương pháp giảng dạy đều do mỗi giáo sư tự ý quyết định.

Đáng tiếc là do tình hình chiến tranh, các hoạt động tự do học thuật này không phát triển được đến mức độ cao như mong đợi. Quả thật các giáo sư Đại học miền Nam được tự do nghiên cứu và giảng dạy, nhưng họ lại thiếu điều kiện để phát huy khả năng của họ. Trước hết là sự thừa kế truyền thống đại học cũ của Pháp từ thời Đại học Đông Dương. Trong những năm đầu chuyển tiếp từ 1954, Đại học Sài-gòn còn giảng dạy bằng tiếng Pháp ở các Phân khoa, trừ trường Văn Khoa, Cao đẳng Sư Phạm. (Ở trường Luật, nhờ những nỗ lực đặc biệt của GS Khoa trưởng Vũ Quốc Thúc và các đồng nghiệp của ông như Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Cao Hách, việc giảng dạy bằng tiếng Việt đã thực hiện được từ niên khóa 1955-56.)[3] Ngay cả khi đã hoàn toàn Việt hóa, Đại học miền Nam vẫn theo mô hình cũ của Pháp về tổ chức học theo năm và thói quen giảng bài hay phát bài cho sinh viên học thuộc lòng, trừ một số bộ môn khoa học như Toán và Vật lý. Giáo sư ít có những công trình nghiên cứu riêng, giữ nguyên bài giảng hàng năm hoặc chỉ thêm bớt đôi chút, không hoặc ít hướng dẫn cho sinh viên đọc sách tham khảo và thảo luận trong lớp học. Điểm bài thi cuối năm cao hay thấp phần lớn là tùy theo mức độ thuộc bài của sinh viên. Cho đến những năm cuối thập kỷ 1960, truyền thống cũ mới bắt đầu được thay đổi do sự trở về nước của một số giáo sư sau thời gian du học hay tu nghiệp ở những quốc gia ngoài hệ thống của Pháp như Anh, Đức, Úc, Tân-Tây-Lan, Nhật và Hoa Kỳ. Thật vậy, số người đậu tiến sĩ ở những nước này về Việt Nam dạy học gia tăng từ những năm giữa thập kỷ 1960, nhưng trách nhiệm lãnh đạo về học vụ vẫn ở trong tay thế hệ chịu ảnh hưởng của Pháp, vừa có thâm niên vừa chiếm đa số. Hệ thống giáo dục Đại học vì thế vẫn còn khá bảo thủ. Sự kéo dài tình trạng chuyển tiếp được thấy rõ ở Đại học Y khoa vào những năm cuối cùng: thành phần giảng huấn gồm các giáo sư Việt, Pháp và Mỹ, nhưng một số giáo sư người Việt khi giảng dạy vẫn pha lẫn tiếng Pháp và các bài giảng được viết bằng Pháp văn, đem đánh máy và in ronéo cho sinh viên học thuộc lòng để làm bài thi cuối năm.

Tập tin:SaigonUniversityCollegeofPedagogy.jpg
Trường Sư phạm, thuộc Viện ĐH Sài gòn

Trong thời gian chuyển đổi từ ảnh hưởng của Pháp sang ảnh hưởng của Mỹ, một số giáo sư do Pháp đào tạo được đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ và khi về nước đã cập nhật kiến thức và phương pháp mới vào việc giảng dạy. Mâu thuẫn giữa hai khuynh hướng mới và cũ tan biến mau chóng ngay cả ở Y, Dược khoa và sinh viên rất thích thú được hướng dẫn tra cứu thêm những sách báo y học và khoa học của Mỹ. Bên Luật khoa, các giáo sư trẻ mới du học về đưa ngay vào học trình một số môn mới trong hệ thống đại học Mỹ như kinh toán học, thống kê, phương pháp các khoa học xã hội, chính trị, bang giao quốc tế. Từ nay, thay vì chỉ ghi chép bài giảng của thày và học thuộc lòng để cuối năm sẽ viết ra y hệt (cours magistral), sinh viên đã có dịp áp dụng các phương pháp tự tìm kiếm tài liệu nghiên cứu, do đó tập được thói quen tự học suốt đời, và có dịp tranh luận trong lớp để huấn luyện óc phê bình, sáng tạo. Bên Văn Khoa thì bất kể là giáo sư xuất thân từ đại học Pháp hay Mỹ, đều “trăm hoa đua nở”, tự do giới thiệu và phê bình các hệ tư tưởng triết học, các khuynh hướng văn học, nghệ thuật, tức là rất sát với trào lưu quốc tế. Thí dụ, hồi đó triết học hiện sinh (existentialisme) của Kierkegaard, Heidegger, Sartre và Merleau-Ponty được thảo luận sôi nổi nhất, và những tiểu thuyết hiện sinh của Albert Camus hay Simone de Beauvoir là những tác phẩm thời thượng. Lại có giáo sư không ngần ngại lập ra trường phái mới như Giáo sư Linh mục Kim Định viết cả ngàn trang sách về tư tưởng “Việt Nho”. Các giáo sư trong Tạp chí Đại học thì nghiên cứu và phê phán không thiếu vấn đề gì, từ triết học, văn học đến chính trị. `Đại học Văn Khoa còn có một sồ giáo sư là Thượng Tọa và Linh Mục, như TT Thích Mãn Giác, TT Thích Quảng Liên, LM Trần Thái Đỉnh, LM Hoàng Sĩ Quý. Nói chung, dù xuất thân từ bất cứ đại học nào và thuộc khuynh hướng nào, các giáo sư văn khoa và các ngành khoa học nhân văn đều áp dụng phương châm giáo dục của Kant là “không chỉ giảng dạy cho sinh viên các tư tưởng mà dạy cho họ biết tư tưởng.”

Một câu chuyện đáng ghi nhớ về tự do tư tưởng của trí thức Đại học miền Nam là vào năm 1965, ngay sau khi chính phủ quân nhân cầm đầu bởi Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ được thành lập. Khi đó, Giáo sư Nguyễn Văn Bông, Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, giao trách nhiệm đọc bài khai giảng niên khóa toàn trường cho Giáo sư Tạ Văn Tài, một trí thức trẻ mới ở Mỹ về, xác nhận rằng ông có quyền tự do phát biểu. Giáo sư Tài đã trình bày tóm lược bản luận án tiến sĩ của ông ở Mỹ về vai trò của quân đội tại các nước Đông Nam Á, phân tích ưu khuyết điểm của chế độ quân nhân ở những nước láng giềng như Thái Lan, Miến Điện, Indonesia, nhấn mạnh đến quyết định sáng suốt của một số chính quyền quân đội đã mau mắn trao trả quyền lực cho nhân dân qua bầu cử, tránh được những cuộc đấu tranh chính trị gây đau thương chia rẽ trong cộng đồng dân tộc và kìm hãm sự phát triển của đất nước. Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ cử Đại tá Dương Hồng Tuân đến tham dự và lấy bài giảng về làm tờ trình cho Hội Đồng Quân Lực. Sau đó, Tổng Thư ký Hội đồng Quân lực là Trung tướng Phạm Xuân Chiểu nhận trách nhiệm nghiên cứu bản luận án của Giáo sư Tài nhưng không thấy công bố kết quả hay phản ứng của Hội Đồng Quân Lực như thế nào.

Ngoài truyền thống bảo thủ của Pháp, một lý do quan trọng khác làm chậm sự phát triển đại học là tình hình kinh tế thời chiến và nạn thiếu giáo sư so với tỉ lệ gia tăng của sinh viên và số đại học được mở thêm khiến nhiều giáo sư phải nhận dạy ở nhiều trường, có khi còn kiêm nhiệm chức vụ khác nữa. Mỗi lần đi dạy xa như từ Sài-gòn ra Huế hay Đà-lạt hay Cần Thơ, giáo sư cần phải ở lại địa phương trung bình hai, ba ngày. Công việc nghiên cứu chuyên môn lại càng bị hạn chế, sáng kiến và phương pháp giảng dạy mới cũng không được phổ biến khi những người có hiểu biết và đầu óc đổi mới lại chính là những người được giao phó thêm chức vụ mà công việc hàng ngày thường chiếm nhiều thì giờ hơn là dạy học. Riêng cá nhân tôi, trước khi được bổ nhiệm Phó Viện trưởng Đại học Sài-gòn đặc trách nghiên cứu và phát triển năm 1974, tôi đã kiêm nhiệm hai chức vụ trong khu vực tư là Giám đốc Nhà Xuất bản Hiện Đại do Hội Việt-Mỹ bảo trợ và Phó Tổng Giám đốc của Mandarin Garment Co., một công ty hợp tác đầu tư Việt Nam-Hong Kong-Tây Đức, trong khi vẫn giảng dạy ở Đại học Văn Khoa. Dự án cải cách và phát triển Đại học Sài-gòn của tôi bị đình trệ vì phải huy động giáo sư và sinh viên tham gia công tác cứu trợ khẩn cấp đồng bào di tản vì chiến tranh từ các tỉnh miền Trung.

Nhà Xuất bản Hiện Đại là một dự án văn hóa có những đóng góp không nhỏ cho những hoạt động tự do, khai phóng của Đại học. Vì sự gia tăng cường độ của chiến tranh, công cuộc phát triển Đại học gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc gửi sinh viên đi du học nước ngoài. Bộ Giáo dục và Viện Đại học đã phải mời một số giáo sư ngoại quốc tới giảng dạy nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu. Khi làm Đổng lý Văn phòng tại Bộ Văn hóa Giáo dục năm 1965, tôi đã có dự án du nhập trí tuệ bằng việc mời giáo sư nước ngoài và dịch sách nghiên cứu để giải quyết nạn thiếu giáo sư và mở rộng kiến thức của sinh viên. Khi nói chuyện với các cơ quan viện trợ văn hóa nước ngoài, khẩu hiệu “We want to bring the brain in” của tôi có sức thuyết phục nhưng chưa kịp làm được gì thì chính quyền dân sự Phan Huy Quát đã phải ra đi. Năm 1971, cùng với sự nở rộ của các đại học tư và đại học cộng đồng kiểu Mỹ, tôi có cơ hội quan hệ với Hội đồng Quản trị Hội Việt-Mỹ và đề nghị chương trình dịch tài liệu giáo khoa của Mỹ cho giáo sư và sinh viên đại học Việt Nam bên cạnh chương trình phổ biến kiến thức phổ thông về văn học, khoa học và nghệ thuật mà Hội Việt-Mỹ đang thực hiện. Dự án được chấp thuận, Hội Việt-Mỹ phụ trách điều đình với các nhà xuất bản ở Mỹ về quyền được dịch sách và NXB Hiện Đại ra đời với sự hợp tác của nhiều giáo sư và học giả có uy tín cho đến những ngày cuối tháng Tư 1975.

Trong bốn năm hoạt động, NXB Hiện Đại đã hoàn thành được 45 tác phẩm trong đó 30 cuốn là sách nghiên cứu về kinh tế, chính trị, khoa học, kỹ thuật. Điển hình là : Căn bản Chính trị của Phát triển Kinh tế của Robert T. Holt và John E. Turner, Vũ Quốc Thúc dịch; Sự Biến đổi của Quốc tế Công pháp của W. Friedman, Tạ Văn Tài dịch; Chính trị và Bang giao Quốc tế của Hans J. Morgenthau, một nhóm chuyên viên dịch, Nguyễn Mạnh Hùng chủ biên; Thế Quân bình Thế giới và Tương lai của Á châu của Robert Scalapino và William Griffith, Phạm Thiên Hùng dịch; Á châu và các Đại cường của Robert A. Scalapino, Nhóm Toàn Hưng dịch; Văn minh Dân chủ của Leslie Lipson, Vũ Trọng Cảnh dịch; Nguyên tắc Quản trị: Phân tích các Chức vụ Quản trị của Harold Koontz và Cyril O’Donnell, Trần Lương Ngọc và Cung Thúc Tiến dịch; Xã hội học của Joseph Fichter, Trần Văn Đĩnh dịch; Khía cạnh Kinh tế của Phát triển Nông nghiệp của John W. Mellor, Nguyễn Đăng Hải dịch; Năng lượng và Thế giới Ngày mai của Hal Hellman, Ngô Đình Long dịch; Ký giả Chuyên nghiệp của John Hohenberg, Lê Thái Bằng và Lê Đình Điểu dịch. Đáng chú ý là bộ Kinh tế học của Paul Samuelson, người được giải Nobel Kinh tế năm 1970, Cung Thúc Tiến, Nguyễn Minh Hải và Trần Lương Ngọc dịch, Nguyễn Cao Hách hiệu đính, mới in xong tập I (700 trang) khoảng giữa tháng Tư 1975, chưa kịp bán. Năm 1990, khi tôi và phái đoàn SEARAC gặp cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch ở New York để vận động việc định cư cựu tù nhân cải tạo ở Mỹ, nhân dịp đề cập đến kế họach đổi mới của Nhà nước, ông Thạch báo tin vui là bộ sách của Samuelson đang được dịch sang tiếng Việt. Tôi kể lại chuyện năm 1975 NXB Hiện Đại để lại hai nghìn bản dịch cuốn sách này còn thơm mùi giấy mới và nói thêm: “Chắc lúc đó các anh đã cho đốt hết rồi.” Ông Thạch trả lời bằng một nụ cuời xòa.
Ngoài chương trình dịch sách của các tác giả người Mỹ, NXB Hiện Đại cũng xuất bản sách dịch từ Pháp văn và sách viết bằng tiếng Việt của tác giả người Việt. Cuốn sách tiếng Pháp làm sôi nổi dư luận thế giới hồi đó là cuốn Ni Marx, Ni Jesus của triết gia Pháp nổi tiếng Jean-François Revel được Nguyễn Khắc Nhân dịch sang tiếng Việt là Không theo Marx, không theo Jesus. Ba cuốn sách viết bằng tiếng Việt do Hiện Đại xuất bản là Từ điển Quản trị và Hành chánh của Bùi Quang Khánh và Vũ Quốc Thông, William Faulkner: Cuộc đời và Tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ và Nguyễn Văn Nha, và Đặc khảo về Dân nhạc ở Việt Nam của Phạm Duy.

Tại mỗi phân khoa đại học, các giáo sư cũng đưa những công trình nghiên cứu chuyên môn của mình vào những ấn phẩm của phân khoa, như Y Dược có tạp chí Acta Medica Vietnamica, trường Luật có Luật học Kinh tế Tạp chí, Học Viện Quốc gia Hành chánh có Tập san Nghiên cứu Hành chánh, Văn Khoa Sài-gòn có tập san Nghiên cứu Sử Địa, Đại học Huế có tạp chí Đại Học do một nhóm giáo sư phụ trách với sự hợp tác của nhiều giáo sư ở Sài-gòn. Về bên Khoa học, tôi chỉ nhớ có cuốn sách nổi tiếng được ngoại quốc biết đến nhiều là cuốn Cây Cỏ Miền Nam của GS Phạm Hoàng Hộ. Tôi không thể kể ra hết danh tính của những giáo sư đã có công đóng góp vào sự nghiệp phát triển đại học miền Nam, nhưng có thể khẳng định một cách tổng quát là những người trong ban giảng huấn đại học ở mọi cấp bậc đều được đào tạo theo hệ chính quy, trong nước hay ngoại quốc, có khả năng và tư cách nghề nghiệp xứng đáng được tôn trọng. Họ là một lực lượng trí thức Tây học đông đảo chưa từng có trong lịch sử đất nước, có đầy đủ tinh thần và phẩm chất của người trí thức ở các nước phát triển, không thua kém về trình độ so với các nước trong khu vực, có tư duy độc lập, có thái độ rất dấn thân và tâm huyết cho sự nghiệp phát triển nước nhà. Nếu có điều kiện tiếp tục phát triển hoà bình, chắc chắn họ sẽ tạo nên sự thăng hoa cho đất nước, như giới trí thức, khoa học gia đã từng làm cho nước Đức thế kỷ 19.

Ngoài sự nghiệp giáo dục đào tạo, giới trí thức đại học hồi đó cũng thấy rõ nhu cầu phát triển xã hội trong thời chiến đồng thời với công cuộc chuẩn bị tái thiết đất nước trong thời bình. Bởi vậy mặc dù ít thì giờ cho những công trình nghiên cứu lâu dài, một số trí thức vẫn đóng góp ý kiến với những nhà làm chính sách bằng những bài luận thuyết về những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trí thức đại học chưa nghĩ đến việc thành lập “think tank” như ở Mỹ nhưng đã tụ họp với nhau trên các diễn đàn độc lập có những tiếng nói đáng kể như tạp chí Quê Hương do GS Nguyễn Cao Hách và đồng sự chủ trương, Văn Hóa Á châu (thêm ấn bản tiếng Anh Asian Culture) của Hội Nghiên cứu Liên lạc Văn hóa Á châu, Thế kỷ Hai mươi do GS Nguyễn Khắc Hoạch chủ nhiệm, và Phát triển Xã hội (thêm ấn bản tiếng Anh Social Development) do tôi và một số đồng nghiệp phụ trách. Ngay cả những tạp chí của chính quyền như Pháp lý Tập san của Bộ Tư pháp, Tập san Quốc phòng của Bộ Quốc Phòng cũng có sự tham gia của nhiều giáo sư đại học và trí thức độc lập. Cũng cần nhắc đến bản Phúc trình Thúc-Lilienthal của “Nhóm Nghiên cứu Kế hoạch Hậu chiến” là kết quả hợp tác giữa trí thức đại học Việt Nam và các chuyên gia về chính sách của Hoa Kỳ.

Kết luận

Đại học miền Nam chỉ tồn tại có hai mươi năm trong đó mười năm đầu còn chịu ảnh hưởng Pháp khá sâu đậm do thỏa hiệp hợp tác văn hóa Việt-Pháp năm 1955. Chỉ từ 1965 Đại học miền Nam mới có cơ hội tiếp cận với tinh thần thực dụng và chế độ tự trị đại học của Mỹ và tìm cách áp dụng vào hệ thống đại học Việt Nam. Tuy nhiên, ngay từ những năm còn theo truyền thống cũ của Pháp, Đại học miền Nam đã được hưởng nhiều sự dễ dãi của Bộ Giáo dục về các thủ tục hành chánh, tài chánh, nhất là về học vụ. Các giáo sư được tự do nghiên cứu và giảng dạy mặc dù còn thiếu nhiều điều kiện giúp cho việc phát triển tiềm năng. Mười năm sau (1965-1975) vẫn được coi như thời kỳ chuyển tiếp vì khuynh hướng thực dụng và những thay đổi theo mô hình đại học Mỹ chỉ có cơ hội nảy nở từ những năm đầu thập kỷ 1970.

Sự gia tăng cường độ của chiến tranh kéo theo tình trạng bất ổn về xã hội và khó khăn về kinh tế đã hạn chế rất nhiều khả năng nghiên cứu, cập nhật kiến thức và phương pháp giảng dạy của các giáo sư. Nhiều người đậu tiến sĩ ở ngoại quốc chưa muốn trở về nước giảng dạy vì bất mãn với chính quyền miền Nam. Nạn thiếu giáo sư càng trầm trọng trước sự gia tăng số sinh viên và số truờng đại học mới mở khiến cho những giáo sư giỏi phải đi dạy ở nhiều trường hoặc đảm nhận thêm công việc khác. Trong những điều kiện hạn chế và khó khăn như thế, Đại học Việt Nam vẫn cố gắng phát triển, nâng cấp những trường cao đẳng chuyên nghiệp, mở thêm các đại học cộng đồng và đại học bách khoa, áp dụng hệ thống tín chỉ . . . Môi trường đại học đích thực là một môi trường tự do của hoạt động trí thức. Nhiều giáo sư, dù bận dạy nhiều trường hay có việc làm thêm, vẫn cố gắng đóng góp ý kiến qua những diễn đàn trí thức về những vấn đề quan tâm chung. Tiếc rằng vào thời điểm những năm đầu thập kỷ 1970, chưa có ai nghĩ đến việc thành lập “think tank” để tư vấn cho những nhà làm chính sách, có lẽ khái niệm về những cơ quan nghiên cứu tư vấn kiểu Mỹ này còn khá xa lạ đối với Việt Nam.

Tôi không muốn so sánh Đại học miền Nam trong 20 năm chiến tranh trước 1975 với nền Đại học Việt Nam hiện nay, sau 35 năm đất nước hòa bình và thống nhất. Nhưng tôi thành thật nghĩ rằng nếu hiệp định Paris 1973 giữa bốn phe tham chiến được thi hành nghiêm chỉnh, thực hiện những đìều khoản đã thỏa thuận về “hòa giải và hòa hợp dân tộc” (chương IV, điều 10, 11 và 12)[4] thì miền Nam Việt Nam dưới một chính quyền mới sau cuộc tổng tuyển cử đã có triển vọng giàu mạnh không thua kém Nam Hàn, và Đại học miền Nam cũng đã đạt được “đẳng cấp quốc tế.” Kết quả này cũng chắc chắn đã diễn ra, dù chậm trễ hơn nhiều năm sau khi đất nước thống nhất, nếu đường lối đổỉ mới thật sự của những nhà lãnh đạo có tầm nhìn như Nguyễn Cơ Thạch hay Võ Văn Kiệt không bị trở ngại trên bước đường thực hiện.

Cũng may là ở Việt Nam ngày nay vẫn còn có những trí thức không quên theo đuổi lý tưởng của người làm thày cao hơn người làm quan (tiến vi quan, đạt vi sư), nhất là không quên sứ mạng “lương sư hưng quốc”. Họ đã không ngừng tuyên dương và cố gắng phát huy truyền thống đại học Humboldt, trong đó tự do nghiên cứu và giảng dạy là điều kiện thiết yếu để đào tạo con người và phát triển xã hội. Các nhà lãnh đạo Nhà nước cũng đã nhấn mạnh đến sự cần thiết xây dựng đại học “đẳng cấp quốc tế”, đang tiếp cận với các nền giáo dục phát triển phương Tây, đặc biệt nền giáo dục đại học Hoa Kỳ, nhưng đến bao giờ thì mới thật sự tạo điều kiện cho việc thực hiện mục tiêu này? Thời gian không chờ đợi trên vũ đài thế giới.
Irvine, California
Tháng Mười, 2010

Tham khảo

  1. Wikipedia, tiếng Việt, “Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa”.
  2. Nguyễn Hữu Phước, Contemporary Educational Philosophies in Vietnam,1954-1974, luận án tiến sĩ tại University of Southern California, 1974.
Đỗ Bá Khê, “Phát triển Đại học miền Nam trước 1975”, trang 152-157, trong Giáo dục ở miền Nam tự do trước 1975 , Nguyễn Thanh Liêm chủ biên, Lê Văn Duyệt Foundation xuất bản, Santa Ana, California, 2006.


[1] Điều này khác với mô hình các đại học ở Liên Xô mà Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã áp dụng cho đến những năm gần đây: Đại học ngành nào thuộc Bộ ngành đó, thí dụ Y khoa thuộc Bộ Y tế, Luật khoa thuộc Bộ Tư pháp. Từ 1994 các khoa mới được tập trung thành Đại học Quốc gia. Sau 30.4.1975, trường Luật và trường Quốc gia Hành chánh bị bãi bỏ, nhưng dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì được tái lập, có lẽ vì chính quyền mới đã nhận ra vai trò đóng góp vào nền pháp trị của trường Luật ở miền Nam. Trong khi đó, kiến thức và kinh nghiệm của ban giảng huấn Học viện Quốc gia Hành chánh cũng cần thiết cho việc cải tổ hành chánh. Một số giáo sư chế độ cũ được mời giảng dạy và làm tư vấn về hành chánh cho Thủ tướng.
[2] Đài Á châu Tự do phỏng vấn GS Tạ Văn Tài ngày 19.10.2009, đăng lại trong Đặc San Luật Khoa 2010 của Câu Lạc Bộ Luật Khoa Việt Nam, Houston, Texas.
[3] Về điểm này, phải kể đến sự đóng góp quan trọng của GS Vũ Văn Mẫu, soạn giả tập Từ Điển Pháp-Việt: Pháp, Chính, Kinh, Tài, Xã Hội.
[4] Thí dụ: Chương IV, Điều 11 ghi rằng: “Ngay sau khi ngưng chiến, hai bên miền Nam sẽ: (1) thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc, chấm dứt hận thù, cấm đoán mọi hành động trả thù và kỳ thị đối với các cá nhân và đoàn thể đã hợp tác với bên này hay bên kia; (2) bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm việc, quyền tư hữu, và quyền tự do kinh doanh.”
(Các hình ảnh trong bài viết là do tôi đưa thêm để minh họa. NVT)

Ăn chay như là một trị liệu

Thứ sáu, 14 Tháng 5 2010 19:57
Ăn chay đang trở thành một trào lưu trên thế giới, nhất là trong giới trí thức và chuyên gia. Ở các nước phương Tây, theo một thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 5% dân số Anh và Mĩ cho biết họ ăn chay trường hay ăn chay thường xuyên. Ở nước ta, tuy chưa có số liệu chính thức, nhưng sự có mặt của các nhà hàng và quán ăn chay cùng lượng thực khách đông đảo cho thấy số người ăn chay đang tăng dần trong thời gian gần đây.

Danh từ “ăn chay” đối với người Việt chúng ta là chế độ ăn uống không có đạm động vật, nhưng với người phương Tây, có đến 3 nhóm ăn chay. Nhóm thứ nhất là ovo-lacto gồm rau, đậu, hạt, trứng và bơ sũa. Nhóm thứ hai là lacto cũng có chế độ ăn uống như nhóm ovo-lacto, nhưng không ăn trứng. Nhóm thứ ba là vegan, hoàn toàn không ăn đạm động vật, có lẽ là nhóm gần như “ăn chay” theo cách của người Việt hay các tu sĩ Phật giáo đại thừa.

Thời gian gần đây, qua báo chí phương Tây, một số người bày tỏ quan tâm đến sức khỏe của người ăn chay, vì họ cho rằng ăn chay có thể bất lợi cho sức khỏe của xương. Tuy nhiên, bằng chứng khoa học cho thấy ăn chay không có ảnh hưởng tiêu cực đến xương; ngược lại, ăn nhiều chất đạm động vật có thể là yếu tố nguy cơ của loãng xương và gãy xương.

Sức khỏe của xương có lẽ phản ảnh chính xác nhất qua mật độ chất khoáng trong xương (viết tắt là MĐX) và tần số gãy xương trong một quần thể. Nhiều nghiên cứu lâm sàng và dịch tễ học trên thế giới cho thấy MĐX ở người ăn chay tương đương với MĐX ở người ăn mặn. Một nghiên cứu do các bác sĩ thuộc trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh năm ngoái cũng cho thấy không có sự khác biệt nào về MĐX giữa người ăn chay và ăn mặn.

Gãy cổ xương đùi là một hệ quả nguy hiểm nhất của loãng xương, vì bệnh nhân gặp nhiều biến chứng, thậm chí sau khi bị gãy xương. Khoảng 15-20% bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nam, tử vong sau 12 tháng gãy cổ xương đùi. Nguy cơ gãy cổ xương đùi ở người ăn chay hoặc thấp hơn so với người ăn mặn. Thật vậy, một phân tích trên 34 nước trên thế giới cho thấy những nước có lượng tiêu thụ đạm động vật nhiều cũng là những nước có tỉ lệ gãy cổ xương đùi (hệ quả nguy hiểm nhất của loãng xương) so với những nước có lượng tiêu thụ đạm thấp.

Đứng trên phương diện sinh học, ảnh hưởng tiêu cực của đạm động vật đến xương là điều có thể hiểu được. Sức khỏe của xương tùy thuộc vào sự cân bằng giữa acid và base. Tất cả các thức ăn phải được chuyển hóa qua thận dưới dạng acid hoặc base. Khi ăn nhiều chất đạm động vật, cơ thể hấp thu nhiều acid hơn base. Tăng hàm lượng acid cũng có nghĩa là máu và các mô trong cơ thể trở nên “chua” hơn, và để dung hòa tình trạng này, hệ thống nội tiết phải huy động calcium để đóng vai trò chất base. Vì phần lớn calcium xuất phát từ xương, cho nên khi cơ thể huy động calcium cũng có nghĩa là giảm chất khoáng trong xương, dẫn đến hệ quả giảm sức mạnh của xương, và làm cho xương dễ bị gãy.

Rất nhiều nghiên cứu khoa học trong 20 năm qua đều cho thấy ăn chay có lợi cho sức khỏe, vì giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến “hiện đại hóa” như tim mạch, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, và ung thư. Chế độ ăn chay, do sử dụng nhiều rau quả, thường hàm chứa ít chất béo và cholesterol hơn chế độ ăn mặn. Chất béo và cholesterol là hai yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư. Do đó, có nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy người ăn chay ít mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư hơn những người ăn mặn. Trong một nghiên cứu trên 47.000 người Mĩ, nhóm ăn chay có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn nhóm ăn mặn khoảng 20%. Ăn chay và ăn nhiều rau quả còn giảm nguy cơ tai biến mạch máu não đến 22%. Ngoài ra, ăn chay còn giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, ruột, và phổi so với chế độ ăn mặn.

Một nghiên cứu khác trên 26.000 người Mĩ cho thấy người ăn chay có tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường thấp hơn người ăn mặn khoảng 25%. Vì chế độ ăn chay có chỉ số glycemic thấp, nên ăn chay còn được xem là một liệu pháp điều trị bệnh đái tháo đường. Trong một nghiên cứu lâm sàng trên 652 bệnh nhân đái tháo đường, các bác sĩ cho bệnh nhân ăn uống có rất thấp hàm lượng chất béo (dưới 10% năng lượng, tức như ăn chay), và họ ghi nhận rằng ở những bệnh nhân được điều trị bằng insulin, 40% không cần đến insulin nữa; trong số bệnh nhân điều trị do chỉ số glycemic thấp, 71% không cần tiếp tục điều trị. Trong cùng thời gian, nồng độ đường trong máu giảm 24%, cholesterol giảm 30%. Ảnh hưởng của chế độ ăn chay đến các chỉ số lâm sàng liên quan đến bệnh đái tháo đường tương đương với ảnh hưởng của các thuốc thông dụng trên thị trường. Vì ăn chay chẳng tốn kém gì nhiều, nên hiệu quả kinh tế của ăn chay có phần cao hơn so với một số thuốc điều trị bệnh đái tháo đường.

Trong một nghiên cứu quan trọng về ảnh hưởng của ăn chay đến bệnh viêm thấp khớp, các nhà nghiên cứu Na Uy chia bệnh nhân thành 2 nhóm: nhóm ăn chay và nhóm ăn mặn. Sau 12 tháng theo dõi, bệnh trạng nhóm ăn chay giảm rõ rệt, trong khi nhóm ăn mặn không có thay đổi đáng kể. Dù cơ chế ảnh hưởng của ăn chay đến bệnh viêm thấp khớp chưa được hiểu rõ, nhưng có thể lí giải rằng vì chế độ ăn chay hạn chế năng lượng, đạm và một số chất khoáng có chức năng ức chế hệ thống miễn dịch, và ức chế hệ thống miễn dịch là một phương án điều trị các bệnh tự miễn, nên ăn chay có thể đem lại lợi ích cho bệnh nhân viêm thấp khớp.

Nói tóm lại, bằng chứng khoa học cho thấy ăn chay có lợi cho sức khỏe. Thật ra, người ăn chay tính trung bình có tuổi thọ cao hơn người ăn mặn. Các nghiên cứu mới nhất gợi ý rằng ăn chay còn có thể là một phương án thực tế để điều trị bệnh đái tháo đường và viêm khớp xương.

Trong vài năm gần đây, tỉ lệ béo phì trong dân số nước ta càng ngày càng tăng. Theo nghiên cứu dịch tễ học, tại Thành phố Hồ Chí Minh, cứ 3 người tuổi trên 40 thì có 1 người béo phì. Tỉ lệ này tương đương với tỉ lệ ở Mĩ và các nước Âu châu! Béo phì là một yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường và tim mạch. Một xu hướng và cũng là một nghịch lí đáng quan tâm là ở các nước Âu Mĩ, bệnh đái tháo đường thấy ở những người lao động có thu nhập thấp, thì ở nước ta bệnh này tập trung ở những người giàu có hay với thu nhập cao. Xu hướng “Tây hóa” (như ăn uống với nhiều chất đạm động vật) có thể là một yếu tố đóng góp vào tình trạng đáng ngại này. Đã đến lúc chúng ta quay về với chế độ ăn uống truyền thống (với gạo, rau quả) hơn là nhiều chất đạm động vật.


NVT

Kinh tế Trung Quốc vượt Nhật chỉ là “hư danh”?

Lý An Minh, một sinh viên Trung Quốc đang học ở Tokyo cho hay, “tôi không nghĩ Nhật Bản đang suy yếu, mà chỉ đứng nguyên ở chỗ cũ, nên khi so với tốc độ tăng trưởng rất nhanh của Trung Quốc, người ta có cảm giác Nhật Bản đang lùi”.
Tác giả: Hồng Ngọc
Nhật Bản có thực sự thua Trung Quốc?Nhiều nhà phân tích thẳng thắn cho rằng, bước nhảy trong bảng xếp hạng kinh tế thế giới của Trung Quốc vẫn chỉ là hư danh
Hôm qua (14/2) là một ngày quan trọng đối với kinh tế thế giới. Sự đổi ngôi giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã trở thành sự kiện nóng xuất hiện trên hầu hết các báo tài chính kinh tế lớn.
Sự xì hơi của bong bóng trên thị trường chứng khoán và địa ốc của Nhật Bản trong thập niên 1990 đã khiến kinh tế Nhật Bản suy yếu và giậm chân tại chỗ. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc liên tục vượt lên, đầu tư nước ngoài tăng mạnh.
“Nếu kinh tế Nhật Bản tăng trưởng hơn 1% mỗi năm trong suốt hai thập niên qua, thì chúng ta vẫn có thể dẫn trước Trung Quốc thêm 20 năm nữa”, Takatoshi Ito, giáo sư Viện kinh tế thuộc trường đại học Tokyo, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, cho hay.
Thực tế, cái giá như đó đã không hề xảy ra. Suốt 20 năm qua, kinh tế Nhật rơi vào tình trạng đình trệ. Cùng với đó, ảnh hưởng kinh tế của nước này trên trường quốc tế cũng suy giảm liên tục, dù giữ ngôi vị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ trong phần lớn thời gian của bốn thập kỷ qua.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc chính thức được thừa nhận đã qua mặt Nhật Bản vào ngày hôm qua, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo đánh giá của giới phân tích quốc tế, vẫn chỉ là con số tượng trưng, không nói lên được điều gì.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu xét về GDP theo đầu người, dân chúng Nhật Bản vẫn là những người giàu nhất nhì trên thế giới. Số liệu cũng cho thấy, khoảng 100 triệu người Trung Quốc gần tương đương dân số Nhật sống dưới mức hai USD một người một ngày.
Ông Robin Li, Giám đốc điều hành của công ty sở hữu công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc nhận định: “Có một thực tế rõ ràng cho thấy, Trung Quốc vẫn chưa thể tạo ra những doanh nghiệp với sức ảnh hưởng thật sự lên toàn thế giới như Toyota hay Sony để tương xứng với vị trí thứ 2 của nền kinh tế”.
Do đó, nhiều nhà phân tích thẳng thắn cho rằng, bước nhảy trong bảng xếp hạng kinh tế thế giới của Trung Quốc vẫn chỉ là hư danh.
Thêm vào đó, sự thành công của Nhật Bản vẫn được coi là một hình mẫu của phần đông các quốc gia trong thế giới phát triển, và được ca tụng như một phép thần kỳ sau Thế chiến thứ hai.
“Nhìn từ viễn cảnh của phương Tây, Nhật Bản là một nền kinh tế đang suy yếu với những vấn đề nhân khẩu học nghiêm trọng, nhưng cái nhìn của Nhật Bản rất khác với phần còn lại của châu Á”, Sherman Abe, giáo sư chiến lược kinh tế quốc tế thuộc Viện Chiến lược hợp tác quốc tế, trường Đại học Hitotsubashi nói với tờ WSJ.
Vào những năm 1980, các sản phẩm của Nhật Bản như điện tử và ôtô đã thu hút nhu cầu sử dụng toàn cầu. Trong thời kỳ hoàng kim này, kinh tế Nhật Bản đạt mức tăng trưởng hơn 7% mỗi năm.
“Nhật Bản vẫn được coi là ví dụ sáng lạn về sự thành công, khi bạn tới các quốc gia như Myanmar, Ấn Độ và Việt Nam”, giáo sư Abe nói thêm.
Quan điểm của các chuyên gia phân tích đã nhận được sự đồng tình của chính các sinh viên Trung Quốc đang du học ở Nhật Bản. Những sinh viên này cho rằng, thang giá trị GDP vốn chẳng mang lại khoảnh khắc chiến thắng với Trung Quốc, cũng không hề tạo cảm giác giai đoạn tồi tệ đối với Nhật Bản.
“Cho dù Nhật Bản xuống vị trí số 3 và Trung Quốc vượt lên số 2, tôi vẫn cho rằng, GDP không phải là đích tới. GDP chỉ là một công cụ đánh giá mức độ phát triển kinh tế mà thôi”, Tạ Chí Hải, sinh viên 28 tuổi đang học trường Waseda ở Tokyo cho hay.
“Thước đo chuẩn mực”, theo anh Hải, “là liệu mọi người có cảm thấy cuộc sống dễ chịu hay không. Ở Nhật Bản, tôi có thể cảm nhận được điều đó”. Anh Hải khẳng định, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn chỉ bằng 1/10 của Nhật Bản.
Tờ WSJ bình luận, việc Trung Quốc đang tăng trưởng bùng nổ là không thể phủ nhận. Các thành phố ngày được mở rộng và hiện đại hóa, sức mạnh chính trị của Trung Quốc đang tăng lên rất nhanh, nhưng ngược lại nước này cũng đối mặt với vô số vấn đề phải lấp khoảng trống, như tình trạng đói nghèo ở nông thôn, nạn ô nhiễm môi trường, thiếu hạ tầng cơ sở ở nhiều vùng…
Lý An Minh, một sinh viên Trung Quốc đang học ở Tokyo cho hay, “tôi không nghĩ Nhật Bản đang suy yếu, mà chỉ đứng nguyên ở chỗ cũ, nên khi so với tốc độ tăng trưởng rất nhanh của Trung Quốc, người ta có cảm giác Nhật Bản đang lùi”.
“Nhưng Nhật Bản vẫn có nhiều điểm mạnh như công nghệ, và Trung Quốc không dễ san lấp khoảng trống này”, anh nói thêm.
Đó chính là lý do vì sao sinh viên Trung Quốc tiếp tục đổ xô sang Nhật Bản du học. Sinh viên Trung Quốc hiện chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các du học sinh nước ngoài ở Nhật Bản. Năm 2010, có hơn 86.000 sinh viên đến từ Trung Quốc, tăng 9% so với năm trước đó.
(Nguồn: VnEconomy)

Những sự kiện hot nhất năm con Hổ

Clip CSHS mặc quần áo bắt gái mại dâm cởi truồng. Thầy Hiệu phó đưa nữ sinh vào nhà nghỉ. Sự xuất hiện, kèm ngay sau đó "tai nạn nghề nghiệp" của người mẫu babe 12 tuổi Lê Hoàng Bảo Chân...là một trong số những sự kiện hot nhất năm con Hổ
Uyên Linh Idol
Trong hai năm qua Idol phiên bản Việt Nam luôn nằm ở lằn ranh mong manh giữa nhố nhăng và kệch cỡm, giữa hét, và gào, giữa chương trình xiếc khỉ và một show TV. Có lẽ không ít người thừa quyết tâm để trao cho chương trình “hài” này một trái cóc xanh, hoặc bỗng nhiên cười ha hả, cười đến rớt răng- khi xem những màn uốn éo, gào rú, lắc lư, và nhất là những đoạn “thiếu thoại thừa cãi” giữa Ban “bánh khảo” và thí sinh được post dày đặc trên Youtube. Nhưng năm nay, lần đầu tiên VN Idol lấn át hoàn toàn Sao mai điểm hẹn. Lần đầu tiên khán giả say sưa thưởng thức các thí sinh- ca sĩ hát. Lần đầu tiên có màn rượt đuổi kịch tính giữa 2 ngôi sao sáng nhất. Lần đầu tiên, sự lựa chọn của khán giả và Ban bánh khảo gặp nhau. Người ta nói nhiều đến công nghệ PR khi ngay cả vụ “hiểu lầm” giữa “Nàng Siu bé bỏng” và chàng ca sĩ nửa mùa Sơn Lâm cũng được làm rùm beng trên báo chí, khi mà chuyện chửi thề của “Nam ca sĩ” Đức Anh cũng thu hút cả trăm bài báo, vạn lời bàn ra tán vào. Nhưng mấu chốt làm nên thành công của VN Idol 2010 chính là cặp đôi Văn Mai Hương, nhí nhảnh như con cá cảnh- với giọng ca không thua kém bao nhiêu so với Britney Spear và tất nhiên, là Uyên Linh, diva sáng nhất trên sân khấu 2010 với giọng ca hút hồn và sự lột xác “vịt- thiên nga” thần kỳ. Có một “lão nhà báo đa tình- Nguyễn Thế Thịnh” từng chết mê chết mệt vẻ sexy của Uyên Linh như sau: “Sexy không phải vì ăn mặc hở hang mà cô ấy sexy trong từng thớ thịt, trong từng động tác, cái…nhăn mũi của cô ấy cũng rất sexy. Sexy sang trọng kiểu con gái mặc áo dài VN”.
Hot babe girl
Hot girl thời bao cấp, chỉ đơn giản là một cô bán hàng, thời đó có cái tên mỹ miều và “có mùi thịt cá” là "Mậu dịch viên". Hình ảnh phổ biến là các cô mặc tạp dề trắng, quăng bát phở, cân thịt cho bàn dân thiên hạ như quăng bó mạ, và tất nhiên, mặt phải lạnh như kem. Nhà văn Nguyễn Quang Lập hồi tưởng: "Ua chầu! Mậu dịch viên thường mặt mày không đến nỗi, đa số sạch nước cản. Cũng có cô xấu, xấu mấy thì xấu, dù ngang tầm Thị Nở cũng không đến lượt mình”.
Bấy giờ, nhu cầu “cái đẹp” có lẽ được chi phối bởi cái dạ dày. Nhưng giờ yếu tố làm thoả mãn thị dâm đã tiến lên vài bậc. Gương mặt xinh tươi đôi khi cũng chỉ là một phần. Cái chính phải là “vòng một siêu khủng”. Khủng rồi phải khoe, phải cho nó lấp ló, phải nhảy tưng tưng, đại ý là phải thuộc về trào lưu dang tay dạng chân chứ không phải cái gì cũng gói hết cả lại như thời bao cấp. Năm rồi, tiếp nối phát ngôn bất hủ của nữ văn sĩ Lê Kiều Như- diễn viên đóng vai xác chết khoả thân trong “Chuông reo là bắn” (cái gì là “Từ khi tôi cởi người ta mới biết đến tôi) là la liệt các loại thời trang mà “tảng thịt sống” Lady Gaga phải gọi bằng cố nội về độ lộ hàng: Thời trang báo, thời trang lưới, thời trang trong suốt. Cứ đà này có lẽ năm 2011 các hot girl sẽ chơi kiểu cổ áo với khuy quần cài chung một cúc. Nhưng hot nhất trong chủ đề hot girl năm nay phải kể đến scandal babe girl 12 tuổi- tất nhiên là Lê Hoàng Bảo Chân- lộ nguyên cặp bàn toạ. Tiếp nối quả dáng “cả ngực lẫn mông đều tấn công triệt để” của hot girl Thuỷ top là hằng hà sa số những hot girl khác lần lượt trình làng. Nhưng rõ ràng, với sự xuất hiện của Lê Hoàng Bảo Chân, các teen girl có nguy cơ về hưu ngay trong năm 2011
Hot girl thời nay, bất quá cũng chỉ hơn đời chữ dám.
Từ thiện kiểu vịt giời
Có người gọi là từ thiện ảo, có người nói đó là cú đánh lương tâm. Đêm hội Hoa hậu trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung đã từng được đăng ký kỷ lục VN với việc “hơn 90 hoa hậu thế giới và doanh nhân cùng có mặt để chung tay làm từ thiện”. Rồi thì "Được phát sóng trên nhiều kênh truyền hình trong nước mà còn trên các kênh quốc tế như NBC, Star World...Rồi Ban tổ chức hân hoan thông báo kết quả thu được là 74 tỷ đồng. Và cuối cùng: Số tiền đấu giá chỉ là những... con vịt giời. Các số điện thoại được gọi đến, và ngay những người chườm mặt trước trực tiếp trước ống kính truyền hình mặc cả mua bán các hiện vật hầu hết đều là... ảo. Báo chí có lẽ chỉ thiếu nước văng tục quanh câu chuyện làm thương hiệu của một vài DN, những kẻ "mặc áo giấy" mà lương tâm không đắt hơn 50 ngàn cho một cái sim rác- trên sự nghèo đói của đồng bào.
Có người đã nói rất đúng, rằng: Danh nghĩa đưa ra càng cao cả, sự thật càng tăng phần mai mỉa.
Mạ thủ
Mặc dù tiếp tục là nhân vật hot của năm 2010, tuy nhiên, thầy hiệu trưởng Sầm Đức Xương đang có nguy cơ tụt hạng khi giới kỹ sư tâm hồn tiếp tục xuất hiện những con sâu lạ.
Tháng 3, rành rành trên Net hình ảnh một "cô giáo" thò tay cấu "chỗ kín" của nam sinh.
Tháng 9, một clip 18 phút được tung lên mạng mạ lị không thương tiếc chữ lễ trong nhà trường. Trong 18 phút đó, một cô giáo Trường chuyên Trần Phú (TP Hải Phòng) đã chửi như hát hay, đã xỉ vả như súng liên thanh một học sinh trong lớp. Chỉ sau đó không lâu, lại một clip 1 phút 25 giây khác xuất hiện. Cũng lại chuyện cô giáo mắng nhiếc, rủa xả học sinh, cũng lại Hải Phòng dù một quan chức giáo dục của Thành Phố này đã ra lệnh "cấm không cho học sinh ghi âm trong lớp học". Xưa, ngoài chiến trường có những người lính chỉ chuyên nghề...chửi mắng, gọi là mạ thủ. Nay, với những mạ thủ đứng trên bục cao này, nhiều khi câu khẩu hiệu treo cổng trường phải đổi thành "tiền binh, hậu lễ".
Và tháng 10, xứ Kinh Bắc tái xuất hiện lời tố cáo "Thầy hiệu phó gạ tình nữ sinh".
Xen giữa các tháng là liên tục các vụ "học sinh hôn nhau điên dại trong lớp", "nữ sinh đánh bài cởi áo lộ hàng khủng", "Nữ sinh bị lột áo đánh hội đồng"...Câu hỏi vì sao liên tục được đưa ra. Và câu trả lời khả dĩ nhất cho sự "băng huyết đạo đức nhà trường" này, là tại những cái... điện thoại thế hệ mới, là tại youtube, là tại Internet.
Clip bắt gái mãi dâm
Hôm 2-12, tại TP HCM, Yahoo đã công bố Bảng Tổng Kết năm 2010, tổng hợp những xu hướng nổi bật, những câu chuyện hấp dẫn và chủ đề nóng hổi nhất của năm 2010 dựa trên hàng tỉ tìm kiếm của người dùng trên toàn thế giới qua mạng Yahoo. Ở Việt Nam, chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất là 1- GS Ngô Bảo Châu....Hồ Ngọc Hà (tìm kiếm nhiều thứ 4) và ngay sau đó là cái tên Nguyễn Đức Nghĩa (nhiều thứ 5). Đặt ba cái tên này cạnh nhau thật khiếm nhã, thấy mà ngại. Tuy nhiên, gây xúc động nhất trong năm lại là cái tên khác, câu chuyện khác. Không phải là vụ bảo mẫu "tắm bạo hành" bé gái hai tuổi- cũng không phải là vụ "Tắm truồng bên hồ Gươm làm cụ rùa lác mắt", sự kiện gây xúc động nhất là "Clip bắt gái mãi dâm". Khi clip, mô tả cảnh các chiến sĩ cảnh sát hình sự, mặc quần áo- áp dụng các biện pháp nghiệp vụ với hai cô gái, không mặc quần áo- được đưa lên mạng, chúng đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây ra sự bàng hoàng, phẫn nộ trong dư luận. Các cô gái mại dâm khi bị bắt có được cái quyền tối thiểu là mặc quần áo hay không? Công an có được quay phim chụp ảnh khi làm nhiệm vụ (bắt tệ nạn) hay không đã trở thành những chủ đề gây tranh cãi.
Thượng tá Nguyễn Quốc Tiến, Trưởng Công an thị xã Cẩm Phả cho rằng: "Về nguyên tắc, khi bắt quả tang mại dâm thì không được quay phim". Phó Thanh tra Bộ Công an Nguyễn Duy Hòa lại cho rằng: "Về nguyên tắc, trong quá trình làm việc, công an được phép thu thập tài liệu, chứng cứ". Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động thương binh và xã hội, ông Nguyễn Văn Minh thì bảo: "Việc bắt giữ mua bán dâm là vấn đề tế nhị nên nếu bắt quả tang cần cho mặc quần áo vào rồi mới lập biên bản. Việc chụp ảnh, quay phim họ trong tình trạng như vậy là không được phép".
Nói gì thì nói, nhân phẩm là từ không có trong từ điển của ít nhất nhóm cảnh sát hình sự này. Câu hỏi đặt ra là ai, trong số những cảnh sát hình sự mặc quần áo, và hai cô gái mại dâm- không được mặc quần áo- sẽ phải đi phục hồi nhân phẩm? Có lẽ không quá khó để trả lời.

Báo chí thời buông rèm

 http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=5123
Sáng nay, giở Tuổi trẻ ra đọc, mình mới biết đã mắng oan một bạn cùng phòng. Bảo đi làm tin phiên họp thứ 38 của Ủy ban thường vụ QH, người này cứ nhem nhẻm cãi: Cấm báo anh ơi. Mình bảo: Cấm là cấm thế đéo nào, chuẩn bị cho bầu cử thì có gì mà cấm. Lại bảo: Ai? ở đâu quy định thường vụ QH họp là bí mật mà bảo cấm. Hóa ra, Tuổi trẻ cũng đăng lại tin của TTX thật.
Giở lại thông cáo báo chí Chương trình phiên họp, từ 14 đến 19-2 thì thấy các cơ quan thông tấn báo chí không tham dự về những vấn đề sau: 1- Ngày khai mạc phiên họp. Mà ngày khai mạc không cho tham dự có nghĩa là về nguyên tắc sẽ không biết được nội dung của kỳ họp. 2- Chiều ngày 14, buổi cho ý kiến về việc chuẩn bị Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chánh án. 3- Chiều ngày 15, buổi cho ý kiến về việc chuẩn bị Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước. 4- Sáng ngày 16, buổi cho ý kiến về việc chuẩn bị Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 5- Chiều ngày 17, buổi cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XII của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. 6- Chiều ngày 18, từ 15 giờ 30 phút, đây là quãng Thường vụ nghe Chính phủ báo cáo về việc Tập đoàn dầu khí Việt Nam sử dụng ngân sách nhà nước năm 2011. 7- Chiều ngày 19, buổi cho ý kiến một số vấn đề về công tác chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XIII.
6 ngày họp, 7 buổi cấm lai vãng.
Những nội dung thì tham dự như bình thường.
Thảo nào bạn cùng phòng bảo: Kỳ này xin nghỉ, vì chả có gì. Mình bảo: Ừ nghỉ, nhưng không phải là vì không có gì đâu đấy nhé.
Bây giờ, làm báo nhiều khi cũng sướng. Cái gì tế nhị cứ TTXVN mà phang, tội đâu “thằng TTX” nó chịu. Nhưng đến cỡ Tuổi trẻ cũng lấy lại TTX thì mình nghĩ các báo khác cần quái gì đăng lại, tốn tiền bạn đọc, có lẽ lần sau chỉ cần đưa rằng “Tin họp thường vụ QH mời bạn đọc tìm đọc trên TTX”, tất nhiên có cả trên Vê tê vê, trên báo Nhân Dân nữa (Cái này được gọi là bộ tam tam thì phải). Mình có cậu bạn, tên Huy Boom, từ độ chuyển sang TTX đâm ra lại khó gặp. Thật tình cờ và thật bất ngờ, 8h sáng nay mình gọi điện xin gặp, cậu chàng cáu nhặng lên, chắc gắt ngủ. Khỉ thật, không biết làm ở TTX rồi thì bao lâu nữa hình dáng của nó chuyển từ thuôn thuôn hình cái bơm xe ra thành tròn tròn như cái bát tô. Mình nghĩ làm TTX sướng thật. Đương nhiên được mời đi họp, đương nhiên được đưa tin, đương nhiên định hướng cho các cơ quan chuyên tưởng mình có cái quyền thứ tư to tướng là định hướng dư luận.
Chuyện này làm mình nhớ lại anh Minh Tuấn, giờ đã bỏ báo, làm giáo sư ngôn ngữ ở Tokio. Hồi xưa, có lần mình nhớ anh Minh Tuấn mắng như hát hay giữa chiếu chèo ĐĐK rằng: Chi bộ họp quái gì mà cứ lén la lén lút, cứ phải buông rèm. Nghe nói họp chi bộ ở đâu cũng phang nhau kinh lắm- cái đó gọi là phê và tự phê thì phải- nhưng đến lúc rèm kéo lên, ai nấy thảy đều tươi tỉnh. Hỏi: Có gì không? Đáp: Không.
Nhưng cái gì cũng buông rèm thì biết lấy gì mà viết. Dù là viết kiểu bị buồng rèm! Đấy, chiều nay Thường trực Chính phủ họp với các Tổng 90-91, các “đầu tàu của nền kinh tế” đấy. Mình gọi cho một cậu bạn bên VPCP, bảo: Có cách nào cho anh vào nghe với. Nó bảo: Ông ở trên mây à. Bàn toàn chuyện lớn cả đấy. Ối chao, hóa ra Chính phủ họp triển khai nhiệm vụ với các “đầu tàu” cũng lại là chuyện buông rèm, cũng lại là những thông tin chỉ có bộ tam tam được vào ngồi nghe và định hướng lại cho các cơ quan định hướng dư luận. Đành bảo: Hay chiều cho anh cái bóc băng, chứ không lẽ lại mời bạn đọc mai tìm báo Nhân Dân?!

Khi chiến tranh biên giới 1979 không địch nổi đám cưới Đan Lê

bởi Da Vàng
Sự kiện đám cưới của Đan Lê được báo chí khai thác triệt để. 

Có một thực tế hết sức “phũ phàng” là trong vài ngày qua, cái ngày mà 32 năm về trước đã diễn ra cuộc chiến đẫm máu của quan và dân Việt Nam chống lại quân xâm lược phương bắc, đã thực sự không địch nỗi sự kiện đám cưới lần thứ hai của người đẹp thời tiết Đan Lê.
Trong khi hàng trăm tờ báo chính thống không có một dòng nào về sự kiện oai hùng và cũng rất tan thương của dân tộc thì ngày hôm qua 16/02/2011 hàng loạt báo lại khai thác triệt để đám cưới của Đan Lê. Lướt nhìn qua một vài tờ báo, ta sẽ thấy những cái tít ấn tượng được giật lên, như Tiết lộ ảnh cưới Đan Lê – Khải Anh, Những bức ảnh đầu tiên về đám cưới Đan Lê – Khải Anh, Đan Lê – Khải Anh lặng lẽ tổ chức đám cưới, Đan Lê khóc trong đám cưới với Khải Anh, … thậm chí những chuyện như Vợ chồng Đan Lê chưa ra ở riêng cũng không được các báo bỏ qua.
Sự kiện chiến tranh biên giới chỉ được giới blogger và các trang báo nước ngoài nhắc tới.
Khi không nói hay không được nói đến một sự kiện lịch quan trọng trong của đất nước mà lại quá tốn giấy mực cho sự kiện Đan Lê không biết các nhà báo hay các báo có suy nghĩ gì không? Có cảm thấy hổ thẹn với lương tâm, với nghề nghiệp mình không? Chẳng lễ sự kiện Đan Lê đám cưới lại quan trọng đến thế sao?, …
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, dù biết rằng khi hỏi sẽ khiến không ít người thực sự đau lòng. Đau lòng cho những người con của tổ quốc đã ngã xuống khi xưa, đau vì những người làm báo hôm nay. Rất đau.
Nhưng sẽ không có gì bất ngờ khi mới đây, trên blog của mình, nhà báo Đào Tuấn cũng có nêu lên một thực tế khác, đó là bài viết Báo chí thời buông rèm. Theo Đào Tuấn thì báo chí thời nay đang bị cấm cửa ở những cuộc họp quan trọng. Chỉ có bộ ba báo được phép tham dự là Báo Nhân Dân, VTV, TTXVN mà thôi.
Phải chăng báo chí đang bị “tắc đường”? Khi nào có tín hiệu “đèn xanh” mới được viết, ngay cả những chuyện đáng viết? Và phải chăng những chuyện đại loại như Đan Lê thì cứ thoải mái mà khai thác, vì Đan Lê thì có ảnh hưởng gì đến ai, đúng không?
Ngẫm nghĩ mà buồn cho một thời kỳ quá “thảm hại” của báo chí. Khi mà Chiến tranh biên giới 1979 không địch nổi đám cưới Đan Lê thì thực sự chẳng biết nói gì hơn là buông tiếng thở dài ngao ngán.
Sự đời phũ phàng là vậy. Trong khi có người đang rầu cho báo chí VN thì chắc chắn cũng sẽ có người cười thầm và tâm đắc: Đan Lê muôn năm!
  • Da Vàng

ÂM MƯU ĐÁNH TRÁO NGÔN NGỮ CỦA BỌN NGUỴ DANH CHỦ NGHĨA

VẤN ĐỀ TÙ CHÍNH TRỊ VÀ SỰ CẦN THIẾT LỘT TRẦN ÂM MƯU ĐÁNH TRÁO NGÔN NGỮ CỦA BỌN NGUỴ DANH CHỦ NGHĨA - Cung Trầm Tưởng

Cung Trầm Tưởng
Tặng Đỗ Ngọc Uyển và các bạn tù chính trị trọng chính danh khác

Vấn đề tù chính trị có một tầm vóc lịch sử: khoảng một triệu người miền Nam, gồm các quân dân cán chính và những người đi tìm tự do, đã bị cộng sản bắt giam, bỏ tù lâu ngày và đối xử thật tàn nhẫn. Quy mô và cường độ này đã khiến nó trở thành một vấn đề nhạy cảm, dễ lay động lòng người quốc gia mà lương tâm chưa chai đá. Trong lúc tuyệt đại đa số người Việt hải ngoại đều cảm thấy se lòng khi được nhắc nhở đến nó, thì một số ít không phải là tù chính trị đã nắm lấy và khai thác nó để đánh bóng tên tuổi và tạo sự nghiệp chính trị cho bản thân hơn là để giúp những người họ nói là muốn giúp. Họ có đứng ra tổ chức rầm rộ một cuộc họp mặt của một số gia đình tù chính trị nhằm tạo cho những người này cơ hội công khai vinh danh những ân nhân của mình.

Vở kịch diễn ra xoàng xĩnh, cường điệu, không thiếu những pha lố bịch. Với các diễn viên vỗ ngực rêu rao hết năm này qua năm khác rằng, nếu không có sự can thiệp ráo riết, kiên trì và hữu hiệu của họ với chính phủ Hoa Kì, thì đã không có sự ra đi tỵ nạn tại Mỹ của hàng trăm ngàn người tù chính trị và gia đình của những người này!!??

Dưới tác động của một thứ lên đồng tập thể, thể loại văn chương thậm xưng đã được sử dụng vô tội vạ. Có một ông trong một phút bốc hốt đã mượn dã sử Tầu để vật hoá bà trưởng ban tổ chức thành một “bát cơm phiếu mẫu”, tức nôm na là bát cơm của một bà mẹ giặt giũ quần áo, nhưng ở đây phải được hiểu không là bùa hộ mạng của nghề giặt mà là biểu tượng của một công ơn trời biển người thọ ơn phải ghi lòng tạc dạ và đền đáp suốt đời. Một ông khác trong một phút sảng ngôn đã đẩy sự cung kính lên tới mức siêu hình tôn giáo bằng ảo hóa bà ta thành một “bà tiên nhiệm mầu chan chứa lòng bác ái!!??” Thiển nghĩ cách tụng xưng này chỉ nên dành cho những bậc á thánh như Phật Bà Quan Âm hay Đức Mẹ Maria.

Vẫn với cái tâm lý trịch thượng của thứ “ma cũ bắt nạt ma mới”, nhóm người ấy không hiểu rằng, sau những ngày tháng đầu bỡ ngỡ nơi đất khách quê người, người tù chính trị đã sớm lấy lại được lòng tự tin và đã tỏ ra có một khả năng hội nhập vào nếp sống mới rất cao, khiến người dân bản địa phải trọng nể. Ngoài ra, với một mối hoài nghi có được từ một thực trạng không thiếu những kẻ đầu cơ chính trị giả nhân giả nghĩa, người tù chính trị đã tỏ ra sáng suốt hơn và do đó đã phát hiện được một số hạt sạn trong bát cơm phiếu mẫu người ta đưa cho mình. Ý người viết muốn nói: đó là những kẻ trước kia đã thủ lợi chiến tranh, nay lại muốn hưởng cổ tức hoà bình (peace dividend) trên sự thống khổ của đồng bào đang quằn quại dưới gót sắt của một chế độ tham tàn chưa từng thấy trong lịch sử của đất nước.

Phải chăng thái độ huênh hoang, tự cao tự đại của nhóm người trên xuất phát từ việc họ chủ quan cho rằng, dưới tác động của tuổi tác và một hậu chấn thương gây nên bởi nhiều năm tù đày khắc nghiệt, người tù chính trị chỉ muốn an phận thủ thường và do đó sẽ im lặng để cho họ mượn danh nghĩa mình để múa gậy vườn hoang, hoặc nếu có phản ứng thì sẽ chỉ phản ứng một cách yếu ớt hay chiếu lệ thôi.

Có lẽ đó là lý do tại sao họ đã tỏ ra sửng sốt và lung túng trước những phản ứng bất ngờ, mạnh mẽ, sắc bén và chững chạc từ phía người tù chính trị.

Thật ra, vì trân quý tình đoàn kết giữa những người đồng hương với nhau, người tù chính trị chỉ muốn sống khiêm nhường, hoà thuận với mọi người, kể cả những người đã coi thường mình, miễn là sự coi thường này đừng vượt ngưỡng cho phép của một xử thế coi tha nhân là một nhân cách phải được tôn trọng. Tiếc rằng những người ấy đã không nhận ra được lằn ranh tinh tế này - một điều kiện cần cho một tương quan xã hội cân đối, hài hoà và văn minh - nên người tù chính trị mới phải lên tiếng.

Ở một thời buổi khi những sinh hoạt quy mô của cộng đồng người Việt hải ngoại, kể cả các sinh hoạt thuộc lãnh vực bất vụ lợi như tôn giáo, cứu trợ nhân đạo và thờ phụng hương linh các tử sĩ đã vì nước hi sinh, thường hay bị lũng đoạn bởi những ý đồ chính trị không lành mạnh như hiện nay, hoài nghi chính trị là một đức tính cần thiết để tránh rơi vào những bẫy giăng trên đường đi tìm sự thật. Với hoài nghi này, người viết cảm thấy thắc mắc về việc một số người có ăn học và biết suy nghĩ đã hơn một lần gọi người tù chính trị là H.O., một mật ngữ của cộng sản. Khi ăn nói như vậy, quý vị có hiểu được cái ý đồ khuất tất núp sau mật ngữ này không?

H.O. thực ra chỉ là cách đánh số thứ tự (H 01, H 02…) trong danh sách xuất cảnh đi Mỹ của những người tù chính trị do cộng sản thiết lập chứ không phải là chữ viết tắt của cái chúng tung tin là Humanitarian Operation nhằm che đậy chân tướng việc làm của chúng. Nếu H.O. được hiểu theo nghĩa này, thì hoá ra sự đi Mỹ của những người tù chính trị và gia đình họ là do chính sách nhân đạo của cộng sản hay sao! Thực ra đây chỉ đơn giản là một nhượng bộ chính trị quan trọng của chúng để được bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và được Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận kinh tế đang làm cho chúng sống dở chết dở. Đây mới là nguyên nhân cốt tủy của cái gọi là Humanitarian Operation, một đánh lận con đen nhằm tạo một ấn tượng giả: một chiêu bài ngôn ngữ không hơn không kém.

Với thắc mắc về việc từ ngữ H.O. bị thâm dụng bởi những người có ăn học và biết suy nghĩ ấy, người viết xin đặt ra một câu hỏi: họ ăn nói như vậy do thói quen hay có chủ ý?. Muốn trả lời chính xác câu hỏi này, ta phải biết được lập trường chính trị thực sự của đối tượng. Việc làm này không dễ bởi vì những người làm điều khuất tất thường khéo che giấu hành tung của họ. Tuy nhiên, đây trước hết là một vấn đề gọi tên, nên ta có thể dựa vào ngôn ngữ học để tìm hiểu nó.

Thoạt đầu, ta thấy có một hiện tượng ngôn ngữ là thời gian lịch đại và tần số sử dụng bào mòn con chữ và làm nó biến thể. Hãy lấy từ ngữ H.O. làm một dẫn chứng điển hình. Việc nó bị lặp đi lặp lại năm này sang năm khác với một tần số cao đã biến nó từ là tiếng lóng của một hội kín - ở đây là Sở Ngoại Vụ của công an cộng sản - thành một từ chính quy được sử dụng rộng rãi, thường xuyên và công khai trên các diễn đàn truyền thông và trong các buổi sinh hoạt của cộng đồng hải ngoại. Đó là nhận xét chung chung. Muốn biết được động cơ thực sự của thâm dụng này ta phải đặt nó vào bối cảnh của khí hậu chính trị hiện thời, một khí hậu không lành mạnh.

Ở trong một môi trường như vậy, nó khó mà không là một thâm dụng có ý xấu. Nói rõ hơn, nó khó mà không là một đích ngắm của cộng sản muốn dùng những hư chiêu ngôn ngữ để tạo ấn tượng giả và qua đó tha hoá người sử dụng, dựa trên một quy luật của tuyên truyền học: tần số tạo thành thói quen, và thói quen lâu ngày hoá thành bản tính. Hãy lấy một thí dụ: sau khi nhiều lần buột miệng nói ra vì thói quen từ ngữ H.O. chẳng hạn - được thiên hạ phiên âm thành Hát Ô hay Ếch Ô - người nói đã vô hình trung bị điều kiện hoá bởi tuyên truyền của cộng sản. Nói cách khác, họ đã tự nguyện một cách không tự nguyện tham gia vào trò chơi chữ bẩn thỉu của chúng. Họ đã tự biến mình thành một cái loa vô giác cho chúng: một sự vong thân thảm hại.

Ngoài ra, trong lãnh vực tâm lý quần chúng, cộng sản đã tỏ ra lãnh hội được bài học của Adolf Hitler, một tổ sư của khoa tuyên truyền hiện đại: Người dân thường sẵn sàng bị đánh lừa bởi những lời nói dối lớn hơn là bởi những lời nói dối nhỏ. Bởi chính họ thường hay nói những lời dối trá nhỏ … nhưng lại cảm thấy xấu hổ khi phải dùng những lời dối trá lớn. Đầu óc họ không bao giờ nghĩ đến việc tạo ra những điều giả dối vĩ đại (colossal untruths) và không tin rằng những người khác lại có thể trâng tráo bóp méo sự thật một cách đê tiện như vậy.”

Gọi bọn chủ trương đánh tráo ngôn ngữ bằng gán cho sự vật một cái tên không phải của nó, một cái tên bị xâm thực bởi những tà ý chính trị, gọi bọn này là bọn ngụy danh chủ nghĩa. Trong từ vựng của chúng, người tù chính trị là một vô thể được khoác cho cái lốt tù cải tạo; và, tù cải tạo là tên gọi bóng bẩy của một thành phần bị coi là cặn bã của xã hội: người tù hình sự. Nói theo ngôn ngữ hình tượng, tù cải tạo là cái tốt mã, còn tù hình sự là con dẻ cùi, một loài chim phải ăn phân chó để tồn tại. Cái khốn nạn của ngôn ngữ cộng sản là như thế đó. Ở cuối vận động thoái hoá ngữ nghĩa này là sự ra đời của một định nghĩa quái gở - sự bẻ vặn ngôn ngữ - phản ánh một quan niệm pháp lí quái gở: người tù chính trị là một người tù hình sự không có án. Cách chơi chữ bằng thủ pháp đối lập này ẩn dụ một tương lai vô định, không biết bao giờ người tù chính trị mới được trả tự do để được về đoàn tụ với gia đình họ, cái phao cứu cuối cùng của đời họ.

Bây giờ ta hãy gấp quyển từ điển lại và bước vào hiện thực đời sống. Với tội danh lấp lửng không minh văn trên và với một chính sách đối xử dựa trên quan điểm trả thù giai cấp chĩa vào họ, người tù chính trị trên thực tế đã phải hứng chịu một hình phạt nặng hơn gấp đôi sự hình phạt đối với người tù hình sự. Bởi vì ngoài hình phạt thể xác, họ còn là đối tượng của một tra tấn tinh thần với liên miên những buổi gọi là học tập và kiểm thảo chính trị mà thực chất chỉ là cái cớ để đàn hặc, nhục mạ gay gắt, quất điếng tim gan và làm chảy máu nhân cách họ. Hậu quả tổng hợp của trận đòn não cân này và nỗi lo sợ triền miên trước một tương lai mờ mịt gây nên bởi cái tội danh lấp lửng trên đã làm cho một số không ít người tù chính trị bị mất trí hoặc tự tử vì tuyệt vọng. Cần phải ghi thêm vào bản liệt kê u ám này một hình thức khủng bố tinh thần khác ác liệt hơn gấp bội: những cuộc thẩm vấn gắt gao, căng thẳng của công an chấp pháp, tức bộ phận hỏi cung chuyên nghiệp, với hậu quả là làm cho người tù chính trị bị mất ngủ thường xuyên, tăng huyết áp và héo tàn thân thể. Trong trường hợp đối tượng bị xếp vào loại tình báo chiến lược bị nghi là trước kia đã nhờ vào kế hoạch cài người mà biết được đường đi nước bước của chúng, chúng bèn sử dụng biện pháp tối hậu: khai thác xong thì thủ tiêu.

Để có một ý niệm về mức độ tội ác của cộng sản, ta hãy nghe lời kể của một chứng nhân trở về từ cõi chết. Theo anh ta, tỷ số sống sót tại trại Cổng Trời, một trại chuyên giam tù chính trị, là cứ mỗi một trăm người vào thì chỉ có mười người ra. Tỷ số kinh dị này dẫn ta trở về một chỉ tiêu kinh dị khác của bộ công an cộng sản đặt ra cho nghiệp đoàn giết người của nó: thà giết lầm mười người còn hơn để lọt một tên phản động. Vẫn lại con số 10 hắc ám đó. Con số bùa chú của bọn đồ tể đỏ, viết bằng máu đỏ của hàng trăm ngàn người tù chính trị đã bị chúng thủ tiêu mất tích.

Xin xem bài viết có giá trị về vấn đề này của Đỗ Ngọc Uyển có tựa đề “Tội Ác Thủ Tiêu Mất Tích 165.000 Quân Dân Cán Chính VNCH” hiện còn được lưu trữ trên một số Websites toàn cầu. (http://teolangthang.blogspot.com/2010/01/toi-ac-thu-tieu-mat-tich-165000-quan.html)

Dĩ nhiên thời gian mang đến đổi thay. Nhưng, cơ bản, những Ba Khe, Tân Lập, Thanh Cầm, Thanh Phong, Nghệ Tĩnh, Gia Trung, you name it, vẫn chỉ là sự tái bản với dăm ba hiệu đính của những Cổng Trời, Sơn La, Thanh Liệt, Đầm Đùn, Lý Bá Sơ trước kia. Bởi vì trại tập trung là hệ luận tất yếu của logic chuyên chế vô sản toàn trị lấy trấn áp chính trị và thủ tiêu đối lập làm tiền đề để tồn tại.

Ta hãy trở lại với việc làm của bọn nguỵ danh chủ nghĩa. Chúng là đội quân du kích trên mặt trận chữ nghĩa của cộng sản. Để tiến hành âm mưu đánh lén nhằm trục lợi chính trị này, chúng chọn những khoảng xám của không gian ngôn ngữ làm đất dụng võ. Nghề ruột của chúng là đẻ ra một thứ hạ ngôn ngữ (sublanguage), ngôn ngữ địa đạo, ngôn ngữ chữ chi, ngôn ngữ chập chờn, ngôn ngữ bóng gió, ngôn ngữ ngụy trang, ngôn ngữ thò lò sáu mặt, ngôn ngữ ba que xỏ lá. Ngôn ngữ chợ đen của một băng đảng đỏ buôn lậu chữ nghĩa đã trên sáu chục năm rồi. Một ngôn ngữ tật nguyền, ngọng nghịu, làm thâm môi méo miệng bầy quỷ biện ngoắt ngoéo.

Tiếng súng đã tắt từ lâu. Nhưng chiến tranh văn hoá vẫn còn tiếp diễn. Thu nhỏ lại, đây là một ngữ chiến giữa người quân tử trọng chính danh và tên tiểu nhân nngụy danh chủ nghĩa. Trận chiến giữa công khai minh bạch ngoài ánh sáng và khuất tất lập lờ trong bóng tối này chỉ chấm dứt với sự sụp đổ của cộng sản và sự lên ngôi của một chế độ tự do, dân chủ, nhân bản vàtrọng chính danh. Tự do tư tưởng, tự do diễn đạt, tự do sáng tạo chỉ có thể đơm hoa kết trái nếu được gieo trồng và vun xới trên mảnh đất của một xã hội mở. Ở đây những hư chiêu ngôn ngữ sẽ bị nhổ đi như những cỏ dại để nhường chỗ cho những con chữ trung thực, những con chữ-sự vật, những con chữ gọi đúng tên sự vật. Gọi người tù chính trị là người tù chính trị chứ không là cái gì khác. Một người viết văn có ý thức, tự trọng và trọng chính danh hiểu rằng đây là đạo đức tự thân của ngôn ngữ học.

Minnesota, tháng 4 năm 2010
Cung Trầm Tưởng