5/10/10

Thư tuyệt mệnh của một kẻ tham nhũng

Dương Danh Dy


Văn Cường nguyên Giám đốc Sở Tư pháp, nguyên Phó Giám đốc Sở Công an thành phố Trùng Khánh do phạm tội tham ô (nhận hối lộ hơn 12 triệu NDT, không giải thích được số tài sản trị giá hơn 10 triệu NDT..) hủ hóa, bao che cho bọn mafia.. đã bị toà án thành phố này tuyên án tử hình ngày 7/7/2010. Trước khi chết hắn đã để lại bức thư, xin lược dịch giới thiệu.


"…Ta sống không nổi mấy ngày nữa đâu. Ta không ngờ lại bị phán tử hình, nhưng đã đến bước đó thì kháng cáo lên trên cũng chẳng có kết quả gì. Ta đây, cả cuộc đời làm công an, đã xử rất nhiều vụ án lớn, đã giết rất nhiều người, trước đây đã từng lo rằng sẽ có một ngày sẽ chết trong tay người nhà cua một số kẻ bị mình xử tử hình, không ngờ cuối cùng lại bị chết trong tay người của mình…Thế nhưng, ta đã nghĩ ra, những sự việc mà ta tham dự và biết được quá nhiều, nếu ta không chết sẽ có rất nhiều kẻ ăn không ngon ngủ không yên. Không giết ta, hậu hoạn lớn vô cùng, ta chết sẽ có lợi cho bọn chúng…Vì vậy có mấy câu muốn nói rõ trước khi đi xa."


Văn Cường (bên trái) trả lời phỏng vấn
 trước giờ thi hành án tử hình hôm 7-7
Nói ta tham ô bao nhiêu tiền, chơi bao nhiêu con gái. Ta không phủ nhận điều đó. Nhưng điều ta muốn nói là, điều đó đáng trách ta nhưng cũng không đáng trách ta, tất nhiên trách nhiệm của ta là lớn hơn. Bất kể là ai nếu đặt vào vị trí của ta đều sẽ tham ô nhiều như vậy, chơi gái nhiều như vậy, thậm chí còn nhiều hơn. Có một số nữ học sinh, ta không chơi thì người khác cũng sẽ chơi. Nói Văn Cường ta đây cưỡng hiếp, ta mà lại phải cưỡng hiếp à?…Ai chẳng biết cán bộ hiện nay nếu không tham ô, không háo sắc thì ai dám tin, dám trọng dụng anh? Dù anh làm việc có tốt đi nữa cũng chẳng có ích gì! Loại cán bộ giống như ta, trong cả nước nếu không nói là mấy triệu thì chí ít cũng phải tới mấy chục vạn người. Chỉ bêu xấu rồi giết một mình Văn Cường, thì giải quyết được cái gì?


Điều ta muốn nói nữa là, con đường ta đi từ một anh cảnh sát nhỏ bé tại huyện Ba rồi lên tới chức Phó Giám đốc Sở Công an một thành phố trực thuộc trung ương, không phải là chỉ bằng con đường tham ô… Đối với ta, trước tiên là công việc, sau mới đến tham ô… Ai cho ta cái quyền muốn làm gì thì làm ở Trùng Khánh? Nhiều người biết rõ một số việc ta đã làm nhưng lại giả bộ là không biết! Đã không muốn để ta sống thì ta sẽ nói hết mọi điều ra: ta tham không chỉ có số tiền đến thế! Vậy số còn lại đi đâu? Tất nhiên là đến nhà người ta, có việc ta nhờ người làm, có một số việc tự ta làm. Nhờ người khác làm ma` không có tiền, có được không? Những người lấy tiền của ta cũng như những người đưa tiền cho ta, hiện nay đang hướng dẫn quần chúng tham quan những chứng tích tham ô của ta. Ta không phủ nhận tính chân thực của các chứng tích đó, nhưng nếu các người tới nhà những kẻ đó xem xét sẽ thấy chút quà bẩn thỉu mà ta nhận, thật đáng thương.


Văn Cường ta cũng là người có học… Trước đây ở Trung Quốc, đã có rất nhiều người vỗ tay khen ngợi việc chặt đầu bọn tham nhũng. Thế nhưng sau những cái vỗ tay khoái chí đó mọi việc vẫn như cũ. Mấy trăm năm qua Trung Quốc có thay đổi không? Ta thấy chẳng thay đổi gì cả. Giết ta, chẳng qua là bịt được mồm một mình ta, nhưng liệu có bịt được nguồn gốc hủ bại không? Hôm qua trên đường phố Trùng Khánh có rất nhiều người đốt pháo. Ta không biết ba năm sau, liệu bọn họ lại có phải đốt pháo nữa hay không? Sợ rằng đến lúc đó những người đã bán đứng ta sẽ lại ca ngợi ta và dân chúng không rõ chân tướng lúc này sẽ thấy Văn Cường cũng có chỗ tốt đấy chứ. Khi ta làm Phó Giám đốc công an Trùng Khánh tỷ lệ phạm tội có cao nhưng so với mấy thành phố lớn khác, Trùng Khánh tốt hơn nhiều…


… Biến ta thành người như thế này là do chính xã hội, chính chế độ này. Ta nói như vậy không phải là muốn đẩy hết trách nhiệm cho người khác. Nếu như năm đó ta không rời huyện Ba, yên tâm làm một anh cảnh sát bình thường ở đó thì hôm nay ta không phải như thế này.Tham công danh lợi lộc là sai lầm lớn nhất đời ta. Sau khi ta chết, con cháu không lấy họ Văn nữa mà đổi thành họ khác, và con cháu các đời từ nay trở đi đừng theo nghiệp chính quyền, đừng làm quan, hãy xa lánh công danh lợi lộc.
Dương Danh Dy
(Lược dịch)

Chơi sang

Nguyễn Quang A

“…Một đất nước còn rất nghèo, còn nhập siêu quá nhiều, còn bao nhiêu người nghèo khổ và cần phải chắt chiu từng đồng mà để cho thói “chơi sang” đồ ngoại như vậy phát triển, thậm chí được ngấm ngầm khuyến khích…”
Mỗi khi có một đại gia mua máy bay, xe “khủng” hay du thuyền báo chí dồn dập đưa tin, mà chẳng thấy mấy lời cảnh báo. Một nước nghèo nhưng có tốc độ tăng trưởng xài sang vào loại cao trên thế giới!


Máy bay của đại gia HAGL
Du thuyền của đại gia VinaCapital

Kiểu “khai thác tin” này cũng là một cách câu bạn đọc của các báo. Một sự báo động cho nền báo chí... Và đằng sau tất cả điều này ẩn giấu những vấn đề xã hội nghiêm trọng.

Nhiều người nghĩ, họ có tiền, họ mua, họ xài đấy là quyền của họ. Và họ còn đóng thuế cho nhà nước khá nhiều. Thế là tốt chứ. Nghĩ thế không sai nhưng chưa đủ. Một đất nước còn rất nghèo, còn nhập siêu quá nhiều, còn bao nhiêu người nghèo khổ và cần phải chắt chiu từng đồng mà để cho thói “chơi sang” đồ ngoại như vậy phát triển, thậm chí được ngấm ngầm khuyến khích, thì làm sao mà giàu được?

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch, Tổng Giám đốc tập đoàn Phú Thái, bức xúc: “Tôi biết có doanh nghiệp rất khó khăn nhưng vẫn chơi Rolls-Royce, thậm chí bán chiếc xe đó đi là hết tài sản. Vì họ đi xe sang như thế mới ký được hợp đồng. Làm kinh tế ở ta vẫn đi theo sự hình thức như thế - đi Rolls-Royce để ký hợp đồng, đi Camry không ký được.

Tôi sang Hàn Quốc thấy ai cũng đi xe Hàn, thậm chí xe sang như Rolls-Royce còn bị coi là sự lạc lõng, xa xỉ, còn ta nghèo nhưng lại cứ thích xài sang”. 


Rolls-Royce ở Sài Gòn
Rolls-Royce ở Hà Nội


Chắc các doanh nhân như ông Đoàn không ký hợp đồng với gã chơi Rolls-Royce ấy, vì làm thế chắc có ngày sạt nghiệp. Giá như chủ doanh nghiệp nào cũng nghĩ được như ông Đoàn.

Cũng nên thận trọng với những kẻ phô trương tiêu xài hàng hiệu, đồ xa xỉ để chứng tỏ “đẳng cấp” của mình. Hiếm khi họ là những người tài năng, kiếm được đồng tiền một cách lương thiện. Đa phần họ là vợ con của các quan tham, hay những kẻ trục lợi.

Đó là sự chơi sang của các cá nhân. Sự “chơi sang” của Vinashin còn kinh khủng hơn nhiều.

Dư luận xã hội mà thờ ơ với cách xài sang của các “trọc phú”, Nhà nước không có chính sách hữu hiệu để khuyến khích tiết kiệm và hạn chế tiêu xài xa xỉ, báo chí không lên tiếng mà lại cố ý “khai thác” mọi khía cạnh “giật gân” để câu bạn đọc, thì thang giá trị méo mó đó ngày càng phát triển. Và đó cũng là một nguy cơ khiến Việt Nam nợ nần nhiều và đó hoàn toàn là lỗi của chính chúng ta. Tình trạng đó càng khoét sâu hố ngăn cách giàu nghèo và có thể gây căng thẳng xã hội.

Nguyễn Quang A

Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020

BCHTƯ - ĐCSVN

Ðại hội Ðảng lần thứ XI quyết định Chiến lược tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

I- TÌNH HÌNH ĐẤT NƯỚC VÀ BỐI CẢNH QUỐC TẾ

1. Tình hình đất nước

Trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, chúng ta đã tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những tác động tiêu cực của hai cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực và toàn cầu, đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng, đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Nhiều mục tiêu chủ yếu của Chiến lược 2001 - 2010 đã được thực hiện, đạt bước phát triển mới cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,2%/năm. Năm 2010 tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người đạt 1.200 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt thành tựu quan trọng trên nhiều mặt. Ðời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định và tăng thêm nguồn lực cho phát triển đất nước.

Diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi. Thế và lực của nước ta vững mạnh thêm nhiều; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Ðạt được những thành tựu nêu trên là nhờ phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc, năng động sáng tạo của toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng, sự quản lý điều hành có hiệu quả của Nhà nước.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn hạn chế. Tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội còn nhiều bất cập, một số mặt còn bức xúc. Môi trường ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng. Thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa được hình thành đầy đủ. Vẫn đang tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia.

Những hạn chế, yếu kém trên đây có phần do nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Tư duy phát triển kinh tế - xã hội và phương thức lãnh đạo của Ðảng chậm đổi mới, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển đất nước. Hệ thống pháp luật và quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế. Tổ chức thực hiện còn nhiều yếu kém, chưa tạo được chuyển biến mạnh trong việc giải quyết có hiệu quả những khâu đột phá, then chốt và những vấn đề xã hội bức xúc. Quyền làm chủ của nhân dân chưa được phát huy đầy đủ. Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm. Tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, chưa được đẩy lùi.

Từ thực tiễn phát triển đất nước và kết quả thực hiện Chiến lược 10 năm qua có thể rút ra các bài học chủ yếu:
Một là, phát huy dân chủ, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.

Hai là, đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng.

Ba là, bảo đảm độc lập tự chủ và chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước.

Bốn là, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân.
2. Bối cảnh quốc tế

Nước ta bước vào thời kỳ chiến lược mới trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường. Trong thập niên tới, hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn, nhưng xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh giành tài nguyên, lãnh thổ, nạn khủng bố có thể gia tăng cùng với những vấn đề toàn cầu khác như đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên... buộc các quốc gia phải có chính sách đối phó và phối hợp hành động.

Các nước ASEAN bước vào thời kỳ hợp tác mới theo Hiến chương ASEAN và xây dựng Cộng đồng dựa trên ba trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội; hợp tác với các đối tác tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu; mặt khác, ASEAN cũng đang phải đối phó với những thách thức.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động và đang hình thành nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng hơn. Tuy vậy, vẫn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, nhất là tranh giành ảnh hưởng, tranh chấp chủ quyền biển, đảo, tài nguyên...

Toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục phát triển về quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện với những tác động tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen rất phức tạp. Các công ty xuyên quốc gia có vai trò ngày càng lớn. Quá trình quốc tế hóa sản xuất và phân công lao động diễn ra ngày càng sâu rộng. Việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu đã trở thành yêu cầu đối với các nền kinh tế. Sự tùy thuộc lẫn nhau, hội nhập, cạnh tranh và hợp tác giữa các nước càng trở thành phổ biến. Kinh tế tri thức phát triển mạnh và do đó, con người và tri thức trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia.

Sau khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, thế giới sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới. Tương quan sức mạnh của các nền kinh tế và cục diện phát triển toàn cầu thay đổi với sự xuất hiện những liên kết mới. Vị thế của châu Á, nhất là Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới đang tăng lên. Quá trình tái cấu trúc các nền kinh tế và điều chỉnh các thể chế tài chính toàn cầu sẽ diễn ra mạnh mẽ, gắn với những bước tiến mới về khoa học, công nghệ và sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên. Mặt khác, khủng hoảng còn để lại hậu quả nặng nề, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy trở thành rào cản lớn cho thương mại quốc tế. Kinh tế thế giới tuy đã bắt đầu phục hồi nhưng đà tăng trưởng trong những năm đầu còn yếu, độ rủi ro và tính bất định còn rất lớn.

Tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế nêu trên tạo cho nước ta vị thế mới với những thuận lợi và cơ hội to lớn cùng những khó khăn và thách thức gay gắt trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trong thời kỳ chiến lược tới.

II- QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược

Phải phát triển bền vững về kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh kinh tế. Ðẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức. Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao không ngừng chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn đi cùng với bảo vệ và cải thiện môi trường. Nước ta có điều kiện phát triển nhanh và yêu cầu phát triển nhanh cũng đang đặt ra hết sức cấp thiết. Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Phải đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ để bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.

2. Ðổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh

Kiên trì và quyết liệt thực hiện đổi mới. Ðổi mới trong lĩnh vực chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ trong Ðảng và trong xã hội gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương để thúc đẩy đổi mới toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Coi việc thực hiện mục tiêu này là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá hiệu quả của quá trình đổi mới và phát triển.

3. Thực hành dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển

Phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các điều kiện để mọi người được phát triển toàn diện. Nâng cao năng lực và tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp để phát huy mạnh mẽ mọi khả năng sáng tạo và bảo đảm đồng thuận cao trong xã hội, tạo động lực phát triển đất nước. Phát huy lợi thế dân số và con người Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm lo lợi ích chính đáng và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mọi người dân, thực hiện công bằng xã hội.

4. Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Phải tháo gỡ mọi cản trở, tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Phát triển nhanh, hài hòa các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp. Phải tăng cường tiềm lực và nâng cao hiệu quả của kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển. Phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng mà nòng cốt là hợp tác xã. Khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh với sở hữu hỗn hợp mà chủ yếu là các doanh nghiệp cổ phần để loại hình kinh tế này trở thành phổ biến trong nền kinh tế, thúc đẩy xã hội hóa sản xuất kinh doanh và sở hữu. Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh, trở thành một động lực của nền kinh tế. Khuyến khích kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển theo quy hoạch.

Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh và ngày càng hiện đại các loại thị trường. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý và phân phối, bảo đảm công bằng lợi ích, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

5. Phải xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng

Phát huy nội lực và sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Phải không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế và sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và có hiệu quả.

Phát triển lực lượng doanh nghiệp trong nước với nhiều thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao để làm chủ thị trường trong nước, mở rộng thị trường ngoài nước, góp phần bảo đảm độc lập tự chủ của nền kinh tế. Trong hội nhập quốc tế, phải luôn chủ động thích ứng với những thay đổi của tình hình, bảo đảm hiệu quả và lợi ích quốc gia.

III- MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC VÀ KHÂU ĐỘT PHÁ

1. Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ, kỷ cương; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.

2. Mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường

a) Về kinh tế

Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp, hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Ðẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ gắn với các vùng kinh tế; thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường; tăng nhanh hàm lượng nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7 - 8%/năm. GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010. GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 - 3.200 USD.

Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Xây dựng cơ cấu kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại, hiệu quả. Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% trong GDP. Giá trị sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP. Giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Nông nghiệp có bước phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tỷ lệ lao động nông nghiệp khoảng 30% lao động xã hội.

Yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt ít nhất 35%; giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 2,5 - 3%/năm. Thực hành tiết kiệm trong sử dụng mọi nguồn lực.

Kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, với một số công trình hiện đại. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 45%. Số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%.

b) Về văn hóa, xã hội

Xây dựng xã hội đồng thuận, dân chủ, kỷ cương, công bằng, văn minh. Ðến năm 2020, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt nhóm trung bình cao của thế giới; tốc độ tăng dân số ổn định ở mức 1,1%; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi; đạt 9 bác sĩ và 26 giường bệnh trên một vạn dân(1), thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; lao động qua đào tạo đạt trên 70%, đào tạo nghề chiếm 55% tổng lao động xã hội; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2 - 3%/năm; phúc lợi, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cộng đồng được bảo đảm. Thu nhập thực tế của dân cư gấp khoảng 3,5 lần so với năm 2010; thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các vùng và nhóm dân cư. Xóa nhà ở đơn sơ, tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 70%, bình quân 25 m2 sàn xây dựng/người.

Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ðến năm 2020, có một số lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế đạt trình độ tiên tiến, hiện đại. Số sinh viên đạt 450 trên một vạn dân.

Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gia đình tiến bộ, hạnh phúc; con người phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật.

c) Về môi trường

Cải thiện chất lượng môi trường. Ðến năm 2020, đưa tỷ lệ che phủ rừng lên 45%. Hầu hết dân cư thành thị và nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh. 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh mới áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải; trên 80% các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn về môi trường. Các đô thị loại 4 trở lên và tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 95% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải nguy hại và 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn. Cải thiện và phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm nặng. Hạn chế tác hại của thiên tai. Chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng.

3. Các đột phá chiến lược

(1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính.

(2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân.

(3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

IV- ÐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN,
ÐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG, CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ

1. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ và hiện đại là tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tiếp tục đổi mới việc xây dựng và thực thi luật pháp bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Ðổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch và điều hành phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường, đồng thời thực hiện tốt chính sách xã hội. Thực hiện hệ thống cơ chế và chính sách phù hợp, đặc biệt là cơ chế, chính sách tài chính, tiền tệ nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của nền kinh tế.

Chính sách tài chính quốc gia phải động viên hợp lý, phân phối và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; phân phối các lợi ích ngày càng công bằng. Tiếp tục hoàn thiện chính sách và hệ thống thuế, cơ chế quản lý giá, pháp luật về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền trong kinh doanh, bảo vệ người tiêu dùng, các chính sách về thu nhập, tiền lương, tiền công. Thực hiện cân đối ngân sách tích cực, bảo đảm tỷ lệ tích lũy hợp lý cho đầu tư phát triển; phấn đấu giảm dần bội chi ngân sách. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước. Quản lý chặt chẽ việc vay và trả nợ nước ngoài; giữ mức nợ Chính phủ và nợ quốc gia trong giới hạn an toàn. Tăng cường vai trò giám sát ngân sách của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Chính sách tiền tệ phải chủ động và linh hoạt thúc đẩy tăng trưởng bền vững, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Hình thành đồng bộ khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng. Mở rộng các hình thức thanh toán qua ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt. Ðiều hành chính sách lãi suất, tỷ giá linh hoạt theo nguyên tắc thị trường. Ðổi mới chính sách quản lý ngoại hối, từng bước mở rộng phạm vi các giao dịch vốn, tiến tới xóa bỏ tình trạng sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam. Tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ. Kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa. Kiện toàn công tác thanh tra, giám sát hoạt động tài chính, tiền tệ.

Tôn trọng quyền tự do kinh doanh và bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước giữ vai trò chi phối; phân định rõ quyền sở hữu của Nhà nước và quyền kinh doanh của doanh nghiệp, hoàn thiện cơ chế quản lý vốn nhà nước trong các doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tập thể phát triển đa dạng, mở rộng quy mô; có cơ chế, chính sách hợp lý trợ giúp các tổ chức kinh tế hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ mới, tiếp cận vốn. Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh với sở hữu hỗn hợp, nhất là các doanh nghiệp cổ phần. Phát triển mạnh kinh tế tư nhân. Thu hút đầu tư nước ngoài có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường và tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước.

Thực hiện Chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp gắn với quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp. Hỗ trợ phát triển mạnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tạo điều kiện để hình thành các doanh nghiệp lớn, có sức cạnh tranh trên thị trường. Phát triển doanh nhân về số lượng và năng lực quản lý, có đạo đức và trách nhiệm xã hội. Tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Tạo lập đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường. Phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo hướng tự do hóa thương mại và đầu tư. Phát triển thị trường tài chính với cơ cấu hoàn chỉnh, quy mô tăng nhanh, phạm vi hoạt động mở rộng, vận hành an toàn, được quản lý và giám sát hiệu quả. Phát triển và kiểm soát có hiệu quả thị trường chứng khoán. Phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, bổ sung hoàn chỉnh luật pháp, chính sách về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển hóa đất đai thành nguồn lực quan trọng và có hiệu quả cho sự phát triển, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, của người giao lại quyền sử dụng đất và của nhà đầu tư. Khắc phục tình trạng sử dụng lãng phí và tham nhũng đất công. Phát triển thị trường lao động, khuyến khích các hình thức giao dịch việc làm. Phát triển nhanh thị trường khoa học, công nghệ; khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động khoa học và công nghệ theo cơ chế thị trường.

2. Phát triển mạnh công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, tạo nền tảng cho một nước công nghiệp

Cơ cấu lại sản xuất công nghiệp cả về ngành kinh tế kỹ thuật, vùng và giá trị mới. Tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm. Phát triển có chọn lọc công nghiệp chế biến, chế tác, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, khai khoáng, luyện kim, hóa chất, công nghiệp quốc phòng. Ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí, công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp dược... Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ. Chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, năng lượng sạch và vật liệu mới đi đôi với áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu. Từng bước phát triển công nghiệp sinh học và công nghiệp môi trường. Tiếp tục phát triển phù hợp các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm, nhóm sản phẩm tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn và hiệu quả cao; hoàn thành việc xây dựng các khu công nghệ cao và triển khai xây dựng một số khu nghiên cứu cải tiến kỹ thuật và đổi mới công nghệ. Thực hiện phân bố công nghiệp hợp lý trên toàn lãnh thổ để bảo đảm phát triển cân đối, hiệu quả giữa các vùng.

Phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Nhanh chóng tiếp cận và làm chủ các công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực công nghiệp xây lắp đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước và đấu thầu quốc tế. Phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu chất lượng cao.

3. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững

Khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới để phát triển sản xuất hàng hóa lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Tăng nhanh sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản, nâng cao thu nhập, đời sống nông dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với từng loại cây, con. Khuyến khích tập trung ruộng đất; phát triển gia trại, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng. Gắn kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, người chế biến và người tiêu thụ, giữa việc áp dụng kỹ thuật và công nghệ với tổ chức sản xuất, giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Ðổi mới cơ bản phương thức tổ chức kinh doanh nông sản, trước hết là kinh doanh lúa gạo; bảo đảm phân phối lợi ích hợp lý trong từng công đoạn từ sản xuất đến tiêu dùng. Phát triển hệ thống kho chứa nông sản, góp phần điều tiết cung cầu. Tiếp tục đổi mới, xây dựng mô hình tổ chức để phát triển kinh tế hợp tác phù hợp với cơ chế thị trường. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác đi đôi với việc bảo đảm lợi ích của người trồng lúa và địa phương trồng lúa. Bố trí lại cơ cấu cây trồng, mùa vụ và giống phù hợp với nhu cầu thị trường và giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Ðẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến, bảo quản; ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học để tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình sản xuất đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, tăng nhanh giá trị gia tăng trên một đơn vị đất canh tác. Hỗ trợ phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao. Ðẩy mạnh chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, bảo đảm chất lượng và an toàn dịch bệnh.

Phát triển lâm nghiệp bền vững. Quy hoạch rõ ràng và có chính sách phát triển phù hợp các loại rừng: rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng với chất lượng rừng được nâng cao. Nhà nước đầu tư và có chính sách đồng bộ để quản lý và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, đồng thời bảo đảm cho người nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng có cuộc sống ổn định. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng sản xuất; gắn trồng rừng nguyên liệu với công nghiệp chế biến ngay từ trong quy hoạch và dự án đầu tư; lấy nguồn thu từ rừng để phát triển rừng và làm giàu từ rừng.

Khai thác bền vững, có hiệu quả nguồn lợi hải sản, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường biển. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh, có giá trị cao; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng vùng nuôi; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng ngành thủy sản Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

4. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là các dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng lớn và có sức cạnh tranh

Phát triển khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn các khu vực sản xuất và cao hơn tốc độ tăng GDP.

Tập trung sức phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như: du lịch, hàng hải, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin, y tế. Hình thành một số trung tâm dịch vụ, du lịch có đẳng cấp khu vực. Mở rộng thị trường nội địa, phát triển mạnh thương mại trong nước; đa dạng hóa thị trường ngoài nước, khai thác có hiệu quả các thị trường có hiệp định mậu dịch tự do, thị trường tiềm năng, tăng nhanh xuất khẩu, giảm nhập siêu, phấn đấu cân bằng xuất nhập khẩu. Chủ động tham gia vào mạng phân phối toàn cầu, phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam. Ða dạng hóa sản phẩm và các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng để đạt đẳng cấp quốc tế. Hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, logistics và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác. Phát triển mạnh dịch vụ khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thông tin, thể thao, dịch vụ việc làm và an sinh xã hội.

5. Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông

Hình thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại là một đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tập trung rà soát và hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng trong cả nước và trong từng vùng, nhất là giao thông, thủy điện, thủy lợi, bảo đảm sử dụng tiết kiệm các nguồn lực và hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường.

Nhà nước tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc - Nam, một số cảng biển và cảng hàng không đạt đẳng cấp quốc tế, hạ tầng đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Bằng mọi hình thức đầu tư, khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia phát triển kết cấu hạ tầng. Từng bước hình thành đồng bộ trục giao thông Bắc - Nam, các trục hành lang Ðông - Tây bảo đảm liên kết các phương thức vận tải; xây dựng các tuyến đường bộ đối ngoại đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế.

Phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, chú trọng xây dựng và củng cố hệ thống đê biển, đê sông, các trạm bơm, các công trình ngăn mặn và xả lũ... Phát triển nhanh nguồn điện và hoàn chỉnh hệ thống lưới điện, đi đôi với sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, bảo đảm cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển. Hiện đại hóa ngành thông tin - truyền thông và hạ tầng công nghệ thông tin. Phát triển hệ thống cung cấp nước sạch và hợp vệ sinh cho đô thị, khu công nghiệp và dân cư nông thôn. Giải quyết cơ bản vấn đề thoát nước và xử lý nước thải ở các đô thị.

6. Phát triển hài hòa, bền vững các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và có cơ chế, chính sách phù hợp để các vùng trong cả nước cùng phát triển, phát huy lợi thế của từng vùng, tạo sự liên kết giữa các vùng. Thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực, tác động lan tỏa đến các vùng khác; đồng thời, tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các vùng biên giới, hải đảo, Tây Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc và phía tây các tỉnh miền Trung. Lựa chọn một số địa bàn có lợi thế vượt trội, nhất là ở ven biển để hình thành một số khu kinh tế làm đầu tàu phát triển. Việc thực hiện các định hướng phát triển phải gắn với các giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng để bảo đảm phát triển bền vững.

Vùng đồng bằng: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa lớn, đẩy mạnh thâm canh sản xuất lúa. Hiện đại hóa công nghiệp bảo quản chế biến. Phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Phát triển các khu công nghiệp, các cụm, nhóm sản phẩm công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao, tiết kiệm đất gắn với các đô thị lớn để hình thành các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có tầm cỡ khu vực, có vai trò dẫn dắt và tác động lan tỏa đến sự phát triển các vùng khác.

Vùng trung du miền núi: Phát triển mạnh sản xuất lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, trước hết là nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Bảo vệ và phát triển rừng. Khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, thủy điện và khoáng sản; xây dựng hồ chứa nước và phát triển thủy lợi nhỏ kết hợp thủy điện. Khuyến khích phát triển công nghiệp và dịch vụ có nhu cầu diện tích đất lớn. Phát triển giao thông nông thôn, bảo đảm đường ôtô tới các xã thông suốt bốn mùa và từng bước có đường ôtô đến thôn, bản. Ðẩy mạnh giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số. Ðổi mới căn bản tổ chức quản lý nông, lâm trường quốc doanh. Chú trọng phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội tại các khu vực biên giới, nhất là tại các cửa khẩu.

Vùng biển, ven biển và hải đảo: Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển. Phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tầu, xi măng, chế biến thủy sản chất lượng cao... Ðẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển, gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, dịch vụ nghề cá, dịch vụ dầu khí, vận tải... Phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, sông - biển; phát triển các đội tầu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tầu biển... Phát triển kinh tế đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo. Quy hoạch và phát triển có hiệu quả nghề muối, bảo đảm nhu cầu của đất nước và đời sống của diêm dân.

Phát triển đô thị: Ðổi mới cơ chế chính sách, nâng cao chất lượng và quản lý chặt chẽ quy hoạch phát triển đô thị. Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường gồm một số thành phố lớn, nhiều thành phố vừa và nhỏ liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng; chú trọng phát triển đô thị miền núi, phát triển mạnh các đô thị ven biển.

Phát huy vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, vai trò của các trung tâm trên từng vùng và địa phương; tập trung vào phát triển nguồn nhân lực, phổ biến thông tin, truyền bá kiến thức, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hình thành những cụm nhóm sản phẩm, tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh, hiệu quả cao trong sự gắn kết giữa sản xuất với thị trường từ trung tâm đến ngoại vi.

Có chính sách để phát triển mạnh nhà ở cho nhân dân, nhất là cho các đối tượng chính sách và người có thu nhập thấp.

Xây dựng nông thôn mới: Quy hoạch phát triển nông thôn gắn với phát triển đô thị và bố trí các điểm dân cư. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn; giữ gìn những nét đặc sắc của nông thôn Việt Nam. Ðẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi để khai thác mọi khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhiều lao động. Triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm.

Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách, chương trình nhà ở cho đồng bào vùng bão, lũ; bố trí hợp lý dân cư, bảo đảm an toàn ở những vùng ngập lũ, sạt lở núi, ven sông, ven biển.

Hình thành và phát triển các hành lang, vành đai kinh tế và các cực tăng trưởng có ý nghĩa đối với cả nước và liên kết trong khu vực: Tạo sự kết nối đồng bộ về hệ thống kết cấu hạ tầng để hình thành trục kinh tế Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Ðông - Tây, các hành lang kinh tế xuyên Á. Hình thành các cụm, nhóm sản phẩm công nghiệp, dịch vụ, kết nối các đô thị trung tâm dọc tuyến hành lang kinh tế. Xây dựng trung tâm hợp tác phát triển kinh tế lớn tại các cửa khẩu trên các hành lang kinh tế.

7. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế

Tạo bước phát triển mạnh mẽ về văn hóa, xã hội. Tăng đầu tư của Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội để phát triển văn hóa, xã hội. Hoàn thiện hệ thống chính sách, kết hợp chặt chẽ các mục tiêu, chính sách kinh tế với các mục tiêu, chính sách xã hội; thực hiện tốt tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội. Thực hiện có hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo theo chuẩn mới phù hợp với từng thời kỳ; đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức để bảo đảm giảm nghèo bền vững, nhất là tại các huyện nghèo nhất và các vùng đặc biệt khó khăn khác. Khuyến khích làm giàu theo pháp luật, tăng nhanh số hộ có thu nhập trung bình khá trở lên. Hạn chế phân hóa giàu nghèo.

Hoàn thiện hệ thống chính sách và cơ chế cung ứng dịch vụ công cộng thích ứng với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước không ngừng nâng cao mức bảo đảm các dịch vụ công cộng thiết yếu cho nhân dân.

Thực hiện tốt các chính sách về lao động, việc làm nhằm khuyến khích và phát huy cao nhất năng lực của người lao động để lập nghiệp, làm giàu. Bảo đảm quan hệ lao động hài hòa; cải thiện môi trường và điều kiện lao động. Ðẩy mạnh dạy nghề và tạo việc làm. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, ngày càng mở rộng và hiệu quả. Hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhất là ở nông thôn và vùng đô thị hóa. Phát triển mạnh và đa dạng hệ thống bảo hiểm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp... Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi và không ngừng nâng cao mức sống đối với người có công. Mở rộng các hình thức trợ giúp và cứu trợ xã hội, nhất là đối với các đối tượng khó khăn.

Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xử lý tốt mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là một động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tập trung xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; coi trọng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, văn hóa trong kinh doanh và văn hóa trong ứng xử. Chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, nhất là trong thế hệ trẻ. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc; thực hiện tốt bình đẳng giới, sự tiến bộ của phụ nữ; chăm sóc và bảo vệ quyền trẻ em. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân theo quy định của pháp luật. Khuyến khích tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, có sức lan tỏa lớn, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc. Xây dựng và nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Coi trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Nâng cao chất lượng hệ thống thông tin, báo chí, internet, xuất bản. Bảo đảm quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của nhân dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, thông tin, hình thành thị trường văn hóa lành mạnh. Kiên quyết chống các biểu hiện phi văn hóa, suy thoái đạo đức, lối sống. Ðẩy mạnh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; giảm tệ nạn ma túy, mại dâm; ngăn chặn có hiệu quả tai nạn giao thông. Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng xã, phường, khu phố, thôn, xóm đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, văn minh, lành mạnh.

8. Phát triển mạnh sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Tập trung phát triển mạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển nhanh hệ thống y tế; củng cố mạng lưới y tế cơ sở. Nâng cao năng lực của trạm y tế xã, hoàn thành xây dựng bệnh viện tuyến huyện, nâng cấp bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Xây dựng thêm một số bệnh viện chuyên khoa có trình độ cao tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số vùng. Xây dựng một số cơ sở khám chữa bệnh có tầm cỡ khu vực. Khuyến khích các thành phần kinh tế thành lập các cơ sở y tế chuyên khoa có chất lượng cao. Sớm khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn. Ðổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở y tế công lập theo hướng tự chủ, công khai, minh bạch. Bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế công bằng, hiệu quả và có chất lượng. Chuẩn hóa chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng

bệnh viện từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Ðổi mới và hoàn thiện đồng bộ các chính sách bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh và viện phí phù hợp, có lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Thực hiện tốt chính sách khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, người nghèo và trẻ em, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng chuyên môn, y đức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế. Phấn đấu đến năm 2020 tất cả các xã, phường có bác sĩ. Phát triển mạnh y tế dự phòng, không để xảy ra dịch bệnh lớn. Tiếp tục kiềm chế và giảm mạnh lây nhiễm HIV. Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng; nâng cao chất lượng và hiệu quả bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát triển nhanh công nghiệp dược và thiết bị y tế. Phát triển mạnh y học dân tộc kết hợp với y học hiện đại.

Xây dựng và thực hiện chiến lược quốc gia về nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam. Ðẩy mạnh phát triển thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Thực hiện tốt các chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm cân bằng giới tính hợp lý, nâng cao chất lượng dân số. Ðẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình và thể dục thể thao.

9. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện và phát triển nhanh giáo dục và đào tạo

Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh dài hạn, bảo đảm kinh tế - xã hội phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Ðặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học, công nghệ đầu đàn. Ðào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề. Thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội. Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức.

Phát triển giáo dục phải thực sự là quốc sách hàng đầu. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp. Ðổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt. Ðổi mới cơ chế tài chính; thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các bậc học. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội.

Mở rộng giáo dục mầm non, hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi. Thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở với chất lượng ngày càng cao. Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng dạy nghề và giáo dục chuyên nghiệp. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch và thực hiện quy hoạch mạng lưới trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, bảo đảm cơ chế tự chủ gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đào tạo. Tập trung đầu tư xây dựng một số trường, khoa, chuyên ngành mũi nhọn, chất lượng cao.

Ðổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp, bậc học. Tích cực chuẩn bị để từ sau năm 2015 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ. Nhà nước tăng đầu tư, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục. Phát triển nhanh và nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc. Ðẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; mở rộng các phương thức đào tạo từ xa và hệ thống các trung tâm học tập cộng đồng. Thực hiện tốt bình đẳng về cơ hội học tập và các chính sách xã hội trong giáo dục.

10. Phát triển khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững

Hướng trọng tâm hoạt động khoa học, công nghệ vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển theo chiều sâu góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ: nâng cao năng lực, đổi mới cơ chế quản lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ.

Tăng nhanh năng lực khoa học, công nghệ có trọng tâm, trọng điểm. Phát triển đồng bộ và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và nhân lực. Nhà nước tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia, các giải pháp khoa học, công nghệ cho các sản phẩm chủ lực, mũi nhọn, đồng thời huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển khoa học, công nghệ. Gắn các mục tiêu nhiệm vụ khoa học, công nghệ với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở từng cấp, ngành, địa phương và cơ sở.

Ðổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học, công nghệ. Phát huy vai trò, hiệu quả của các tổ chức khoa học công nghệ chủ lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng điểm. Phát triển mạnh thị trường khoa học, công nghệ. Ðổi mới căn bản cơ chế sử dụng kinh phí nhà nước và cơ chế xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ theo hướng lấy mục tiêu và hiệu quả ứng dụng là tiêu chuẩn hàng đầu; chuyển các đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Phát triển các doanh nghiệp khoa học - công nghệ, các quỹ đổi mới công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm. Xây dựng đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng nhân tài khoa học và công nghệ. Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì sự phát triển của đất nước.

Ðẩy mạnh nghiên cứu - triển khai, ứng dụng công nghệ; phát triển hợp lý, đồng bộ khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Khoa học xã hội làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, dự báo xu hướng phát triển, cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Hướng mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ gắn với yêu cầu phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm, gắn với đào tạo và sản xuất kinh doanh. Xây dựng và thực hiện chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, trước hết là đối với những ngành, lĩnh vực chủ lực, mũi nhọn; ưu tiên phát triển công nghệ cao; ứng dụng nhanh khoa học và công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp nông thôn; sử dụng hợp lý công nghệ dùng nhiều lao động. Nhanh chóng hình thành một số cơ sở nghiên cứu - ứng dụng mạnh, đủ sức tiếp thu, cải tiến công nghệ và sáng tạo công nghệ mới; gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh. Phát huy hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, làm chủ các công nghệ then chốt, mũi nhọn và đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quan tâm đúng mức nghiên cứu cơ bản có trọng điểm, theo yêu cầu phát triển của đất nước.

Chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực khoa học, công nghệ làm nền tảng cho phát triển kinh tế tri thức, như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ môi trường... Tập trung phát triển sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn trong một số ngành, lĩnh vực.

Hình thành hệ thống đánh giá kết quả, hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ. Thực hiện nghiêm túc các quy định về quyền sở hữu trí tuệ.

11. Bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gắn nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội. Ðổi mới cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ðưa nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng, vào các chương trình, dự án. Các dự án đầu tư xây dựng mới phải bảo đảm yêu cầu về môi trường. Thực hiện nghiêm ngặt lộ trình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Hoàn thiện hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường; xây dựng chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm. Khắc phục suy thoái, khôi phục và nâng cao chất lượng môi trường. Thực hiện tốt chương trình trồng rừng, ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng; tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên. Quản lý, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm môi trường và cân bằng sinh thái. Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; từng bước phát triển "năng lượng sạch", "sản xuất sạch", "tiêu dùng sạch".

Ðẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, đánh giá tác động để triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống thiên tai và chương trình quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng; tăng cường hợp tác quốc tế để phối hợp hành động và tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Ðẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

12. Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo đảm vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia cả ở đất liền, vùng trời, vùng biển, hải đảo trong mọi tình huống. Giữ vững hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Bố trí thế trận quốc phòng, an ninh phù hợp với tình hình mới. Gắn kết quốc phòng với an ninh. Kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn lãnh thổ, trong công tác quy hoạch, kế hoạch và các chương trình, dự án. Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, quan tâm đặc biệt đến các vùng, địa bàn trọng điểm. Mở rộng phương thức huy động nguồn lực xây dựng công nghiệp quốc phòng và nâng cao khả năng bảo đảm của công nghiệp quốc phòng. Lồng ghép các chương trình để xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng ở vùng biên giới, hải đảo. Xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vững mạnh toàn diện, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Ðảng, Nhà nước và nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội; làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, mọi ý đồ và hành động xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; không để bị động, bất ngờ.

Thực hiện tốt đường lối đối ngoại, tăng cường hợp tác quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định và tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài để phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, góp phần phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế. Phát huy vai trò và nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào phát triển đất nước.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh các nguồn vốn quốc tế; thu hút các nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao, công nghệ nguồn; mở rộng thị trường xuất khẩu.

V- NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
BẢO ÐẢM THỰC HIỆN THẮNG LỢI CHIẾN LƯỢC

1. Thực hiện tốt chức năng của Nhà nước, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường

Xây dựng đồng bộ, nâng cao chất lượng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện ngày càng tốt hơn an sinh và phúc lợi xã hội, bảo vệ và trợ giúp các đối tượng dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh kinh tế trong mọi tình huống.

Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và bằng các nguồn lực, các chính sách hướng các quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống kinh doanh vào những lĩnh vực và địa bàn cần thiết, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của sự phát triển.

Quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản quốc gia, thực hiện tốt chức năng chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Tổ chức cung ứng các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu mà khu vực kinh tế tư nhân chưa làm được hoặc không muốn làm; kiểm soát độc quyền và bảo vệ người tiêu dùng.

Phát triển mạnh nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh và thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại của Ðảng, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo lập môi trường ngày càng thuận lợi cho phát triển đất nước.

Nhà nước quản lý điều hành nền kinh tế bằng pháp luật, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường. Tăng cường công tác giám sát, đặc biệt là giám sát thị trường tài chính, chủ động điều tiết, giảm các tác động tiêu cực của thị trường, không phó mặc cho thị trường hoặc can thiệp không đúng, làm sai lệch các quan hệ thị trường.

2. Hoàn thiện bộ máy nhà nước, tạo bước chuyển mạnh về cải cách hành chính

Ðẩy mạnh cải cách lập pháp, tư pháp, đổi mới tư duy và quy trình xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật. Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện nguyên tắc phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Tập trung xây dựng hệ thống hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 trên tất cả các khâu: thể chế, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức và hiện đại hóa nền hành chính quốc gia đúng với vị trí là một trong các nội dung của đột phá chiến lược. Tiếp tục kiện toàn bộ máy của Chính phủ, nâng cao hiệu quả quản lý vĩ mô, nhất là chất lượng quy hoạch, xây dựng thể chế, năng lực dự báo và khả năng phản ứng chính sách trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức và chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương nhằm xác lập mô hình tổ chức phù hợp, bảo đảm phân định đúng chức năng, trách nhiệm, thẩm quyền, sát thực tế, hiệu lực, hiệu quả. Không tổ chức hội đồng nhân dân ở huyện, quận, phường.

Hoàn thiện cơ chế phân cấp, bảo đảm quản lý thống nhất về quy hoạch và những định hướng phát triển, đồng thời đề cao vai trò chủ động, tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực của từng cấp, từng ngành và cơ sở. Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính nhà nước và trong toàn xã hội.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất tốt, tận tụy phục vụ nhân dân, có tính chuyên nghiệp cao.

Ðặt yêu cầu cải cách thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng thể chế, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và tăng cường đối thoại giữa Nhà nước với doanh nghiệp và nhân dân; phát huy vai trò của các tổ chức và chuyên gia tư vấn độc lập trong việc xây dựng thể chế, chuẩn mực quốc gia về thủ tục hành chính; giảm mạnh các thủ tục hiện có. Công khai các chuẩn mực, các quy định hành chính để nhân dân giám sát việc thực hiện. Tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm của hoạt động công vụ. Ðẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành của hệ thống hành chính nhà nước các cấp.

3. Ðẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước. Hoàn thiện thể chế, luật pháp; nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ công chức; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch; tăng cường công tác giám sát, tạo cơ chế để nhân dân giám sát các công việc có liên quan đến ngân sách, tài sản của Nhà nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan chức năng; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí; từng bước cải cách cơ bản chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

4. Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước

Trong điều kiện Ðảng ta là đảng duy nhất cầm quyền và có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, phương thức lãnh đạo của Ðảng phải chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước.

Ðổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng, tăng cường dân chủ trong Ðảng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là nội dung quan trọng của đổi mới chính trị phải được tiến hành đồng bộ với đổi mới kinh tế. Coi trọng mở rộng dân chủ trực tiếp trong xây dựng Ðảng và xây dựng chính quyền, khắc phục tình trạng Ðảng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc bao biện làm thay chức năng, nhiệm vụ quản lý điều hành của chính quyền.

Tổng kết việc thực hiện thí điểm Ðại hội Ðảng các cấp bầu bí thư cấp ủy, nhân dân trực tiếp bầu người đứng đầu chính quyền cấp xã, nhất thể hóa hai chức danh bí thư cấp ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân để rút kinh nghiệm nhân rộng, góp phần đổi mới phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhất là dân chủ trực tiếp.

Hoàn thiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Ðảng và Nhà nước, nhất là về các chính sách kinh tế, xã hội, về quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển quan trọng. Quy định chế độ cung cấp thông tin và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trước nhân dân. Hoàn thiện và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và của mỗi người dân trong việc quản lý sinh hoạt và tổ chức đời sống cộng đồng theo quy định của pháp luật.

VI- TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC

Tổ chức thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở. Phải tập trung làm tốt các việc sau đây:

Các cấp ủy đảng, các đảng đoàn, ban cán sự đảng chỉ đạo quán triệt sâu sắc nội dung Chiến lược trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành và tăng cường sự lãnh đạo, tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong Chiến lược, đặc biệt là chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược.

Ðảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật và giám sát việc thực hiện Chiến lược.

Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch phát triển dài hạn cả về quy hoạch ngành, sản phẩm, vùng lãnh thổ và quy hoạch xây dựng, bảo đảm phát huy lợi thế và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước. Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm, các chương trình quốc gia, các chiến lược ngành, sản phẩm.

Xây dựng cơ chế và đưa vào nền nếp việc thường xuyên theo dõi, kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện và kịp thời điều chỉnh Chiến lược theo sát diễn biến của tình hình thực tế. Trong quá trình tổ chức thực hiện Chiến lược, khi xuất hiện những vấn đề cần đổi mới mà chưa có chủ trương, cơ chế, chính sách, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quyết định việc thực hiện làm thí điểm.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, xây dựng cơ chế để phát huy trí tuệ, lực lượng của nhân dân trong việc thực hiện và giám sát việc thực hiện Chiến lược.
Ban Chấp Hành Trung Ương
Đảng Cộng Sản Việt Nam

Đại lễ Ngàn Năm Thăng Long...

“…cực kỳ bi thảm khi tuổi trẻ Hà Nội phải sống trong thường trực “tự do hơi bị thiếu”. Và cực kỳ là quan ngại khi nghe người Hà Nội báo động rằng “Ta chợt hóa Trung Hoa!”…”

Trần Khải


Vậy là đại lễ đã bắt đầu. Mọi thứ đều sắp xếp cho tròn con số “một ngàn” đầy phong cách trình diễn. Có nhiều vui, tất nhiên, đại lễ là nhiều niềm vui, khi văn nghệ hát múa, khi biểu ngữ giăng đầy phố; nhưng cũng có nhiều nỗi lo về ảnh hưởng Trung Quốc, đặc biệt là khi những ngày khởi đầu đại lễ và bế mạc đaị lễ đểu là hai ngàỳ lễ lớn Trung Quốc. Những dàn nhạc hoà tấu nơi Hà Nội có làm im vắng nổi tiếng sóng quan ngại ở Biển Đông hay không? Khi hữu sự, lấy đạị lễ nào mà giữ được an ninh bờ cõi? Thật quan ngại vậy.

Báo Lao Động hôm Thứ Sáu 1-10-2010 trong bản tin “Khai mạc Đại lễ Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội” đã ghi nhận:

“...Sáng nay, 1.10, lễ khai mạc Đai lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội đã diễn ra trang trọng tại vườn hoa Lý Thái Tổ.

Thời tiết Hà Nội sáng nay đã ủng hộ cho những nỗ lực, cố gắng của người Hà Nội sau nhiều ngày ráo riết chuẩn bị cho đại lễ. Trên khắp các đường phố Hà Nội, cờ và hoa rực rỡ đón chào ngày khai mạc. Từ 6h sáng, nhiều người dân đã tập trung bên ngoài hàng rào để chờ đợi vào tham dự lễ khai mạc...”
Tất nhiên là có đầy đủ các cán bộ lãnh đạo, và cũng ghi rõ con số rất “ấn tượng” là “...ngoài ra, còn có 1.000 đại biểu tham dự lễ khai mạc.” Nghĩa là, 999 là hỏng, hay 1.001 cũng là hỏng.

Bản tin báo Lao Động ghi thêm rằng trong lễ khai mạc đạị lễ, UNESCO đã trao bằng công nhận khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới. Bản tin viết:

“...Bà Irina Bokova – Tổng Giám đốc Unesco và bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Hà Nội trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam đã trao bằng công nhận cho đại diện Việt Nam là ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội và ông Nguyễn Thanh Sơn – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam.

Phát biểu sau khi trao bằng di sản, bà Irina Bokova đã nói: “Hôm nay trái tim của chúng ta đã hoà cùng một nhịp đập. Và tôi tin rằng, các cụ Rùa cũng đang lắng nghe chúng ta từ Hồ Hoàn Kiếm – một biểu tượng quý giá về Hoà Bình của mọi người dân Việt Nam. Không có một kinh đô nào, một thủ đô nào trên thế giới có một bề dày lịch sử, văn hóa được lưu giữ một cách trọn vẹn như Hà Nội. Hà Nội xứng đáng cái nôi văn hóa không chỉ của Việt Nam mà là của cả châu Á. Trung tâm hoàng thành được công nhận là di sản là một vinh dự nhưng cũng mang đến trách nhiệm mới cho các bạn. Kể từ ngày hôm nay, các bạn có trách nhiệm gìn giữ quảng bá cho nhân loại. Không có biểu tượng nào về hoà bình lại hơn một di sản..."...”
Không biết người dịch có chuyển ngữ trung thực hay không, bởi vì câu nói của bà Bokova rằng không một thủ đô nào trên thế giới có bề dày lịch sử... như Hà Nội, và rằng Hà Nội xứng đáng là cái nôi văn hóa cả Châu Á... thì quả nhiên là khả vấn, và rất đụng chạm... Có thật là bà Bokova nói như thế không? Không thấy bản nguyên văn Anh ngữ... nhưng chúng ta có thể lắng nghe từ dư luận của người Hà Nội chung quanh, theo nhiều nguồn tin khác nhau.

Đài RFI trước đó một ngày kể:

“...Theo AFP, những cố gắng của chính quyền muốn nhân sự kiện này để khuếch trương thành tựu kinh tế và di sản văn hóa của mình đã làm cho không ít người dân bất bình, khi biết rằng ngân sách để chi cho đại lễ này lên tới 63 triệu đô la. Ông Trân Văn Lam, 65 tuổi, một viên chức về hưu nói với phóng viên của AFP rằng lẽ ra số tiền trên nên để đầu tư vào các cơ sở hạ tầng cho Hà Nội. Ông không cảm thấy hứng thú với bất kỳ một hoạt động nào của đại lễ nghìn năm này mà theo ông, «Cũng giống như những sự kiện khác, lễ hội nghìn năm chỉ mang mục đích tuyên truyền chính trị»...”
Đài RFA trước đó một ngày cũng ghi lời một nhà trí thức:
“...Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, từ Đà Lạt, cũng có ý kiến về phần nội dung quan trọng cần phải có của đại lễ Ngàn năm Thăng Long: "Việt Nam mềm yếu đến mức tổ chức lễ vinh danh xây dựng thủ đô của mình mà làm toàn những động tác để chiều lòng Trung Quốc; đó là một sự đầu hàng, quốc nhục không thể chịu được. Trong đợt này, do yếu kém đó nên nhân dân phản ứng; vậy các nhà trí thức, các nhà giáo dục nhân điều đó đem lại sức sống cho tuổi trẻ Việt Nam; đem bài học, hiện tượng trong đợt 1000 Năm Thăng Long này để nói rõ quan hệ Việt Nam-Trung Quốc ngày xưa ra sao, bây giờ thế nào; bồi dưỡng tinh thần yêu nước; tinh thần yêu môn lịch sử chứ không phải là một môn nhạt nhẽo, dối trá, vứt đi… Từ những điều không hay sẽ bật ra những điều tốt đẹp: nhân đó thế hệ trẻ nhớ lại lịch sử Việt Nam đáng học chứ không phải điều vô vị.”...”
Đài VOA trong bản tin “Hà Nội hoàn tất công tác chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long” hôm Thứ Tư 29-9-2010 kể:
“Bản tin hôm thứ Tư của hãng thông tấn Pháp trích lời một nữ nhân viên văn phòng 31 tuổi nói rằng bà không hề cảm thấy thích thú đối với bất kỳ hoạt động nào của lễ hội ngàn năm.

Một phụ nữ 44 tuổi hành nghề bác sĩ thì than phiền là Hà Nội vừa bẩn vừa hỗn loạn và rất ít du khách quay lại thành phố này sau chuyến thăm đầu tiên....”
Đặc biệt, giới trẻ Hà Nội nghĩ gì? Đàì VOA trong bài tường thuật nhan đề “Hà Nội: Bản sắc, nét đẹp - Còn và mất” ghi cuộc phỏng vấn do phóng viên Trà Mi thực hiện với 3 bạn trẻ đang sống ở Hà Nội, trong đó có cô Ly là người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Có câu vấn đáp như sau:
“...Trà Mi: Đó là những nét đặc trưng về văn hóa, còn về đời sống chính trị-kinh tế của Hà Nội khác với những vùng miền khác ra sao?

Ly: Vấn đề kinh tế chúng ta bàn sau. Còn vấn đề chính trị, em thấy đây là vấn đề rất “nhạy cảm” ở đây. Hà Nội là thủ đô nên các cơ quan đầu não của chính phủ, của nhà nước Việt Nam đều đặt hết ở đây. Cho nên, em cảm thấy không khí chính trị ở đây khác hơn những chỗ khác. Ví dụ như ở đây muốn mở mồm bàn tán về các vấn đề chính trị cũng không dám, sợ nói ra “tai vách mạch rừng”. Sinh viên bọn em không bao giờ dám bàn tán đến những việc như các cuộc biểu tình ở đại sứ quán (Trung Quốc về Hoàng Sa-Trường Sa). Vì đất nước mình chỉ có một đảng, nên có thể ở thủ đô này mang tính ca ngợi, tôn sùng thái quá. Mình cảm giác là vấn đề “tự do” ở đây hơi bị thiếu.

Trà Mi: Dân Hà Nội ở ngay thủ đô, trung tâm chính trị, mà không dám bàn về chính trị?

Ly: Không dám đâu chị ạ.

Hương: Thực tế bây giờ ở Hà Nội, mọi người đều sợ bị ảnh hưởng, sợ liệu mình nói ra có ai đấy nghe thấy rồi báo chính quyền biết không. Ai cũng sợ bị “ảnh hưởng”.

Trà Mi: Về kinh tế thì sao? Đời sống kinh tế của người dân Hà Nội so với những nơi khác thế nào?

Ly: Hà Nội là thủ đô, nó phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn nhiều so với những nơi như Hải Phòng quê em, hoặc các tỉnh khác. Mọi người đều nhận ra những thay đổi kinh tế. Các nhà cao tầng mọc lên, các công ty nước ngoài đầu tư vào rất nhiều để phát triển. Tuy nhiên, có một cái mà mãi không thấy đầu tư đó là cơ sở hạ tầng. Đường sá ở đây chẳng thay đổi gì. Vào Sài Gòn, em thấy dân Sài Gòn làm việc hết sức và hưởng theo đúng năng lực của mình. Ngoài Hà Nội thì không được như thế. Nếu nhà anh có chức, có quyền, có “cơ”, thì anh sẽ có một cuộc sống khác hẳn với thường dân. Em nhận thấy phân biệt giàu nghèo ngoài Hà Nội này rất rõ rệt, khác với Sài Gòn. Trong Sài Gòn, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Còn Hà Nội thì không, người giàu ngày càng giàu, người nghèo ngày càng nghèo hơn. Khoảng cách này ai cũng có thể nhận ra, nhưng không thấy các cấp lãnh đạo có biện pháp tăng trưởng kinh tế đồng đều, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo...”
Lời cô Ly nói rõ ràng nêu rõ những trái nghịch với lời của bà Bokova, Tổng Giám Đốc UNESCO... Trong khi bà Bokova nói Hà Nội là chiếc nôi văn hóa của Châu Á, thì cô Ly nói rằng Hà Nội nằm trong vòng kềm kẹp của công an, rằng dân Hà Nội sống trong bầu không khí bị khủng bố thường trực, rằng không ai dám nói gì về chính trị, rằng “tự do hơi bị thiếu,” rằng ai cũng sợ nói ra là có người nghe báo cho chính quyền ảnh hưởng... Còn về kinh tế, theo lời cô Ly, rằng Hà Nội là cung đình, nơi giai cấp vua chúa, quan lại phân chia quyền lực, lợi nhuận.

Như thế, đại lễ Ngàn Năm Thăng Long có ý nghĩa gì khi đảng CSVN đã làm biến chất thủ đô như thế?

Chưa hết, còn chất Tàu nữa chứ. Nhà bình luận Lê Diễn Đức, người có nhiều năm thời trẻ ở Hà Nội, trong bài viết nhan đề “Ta chợt hoá Trung Hoa!” đăng trên mạng Talawas.org hôm 1-10-2010 ghi lại:

“...Hôm nay tôi gọi điện thoại về Hà Nội hỏi thằng bạn dân Hà Nội một trăm phần trăm về Lễ hội Nghìn năm. Nó bảo đọc bài của Đỗ Hoàng Diệu trên talawas rồi còn hỏi làm quái gì nữa. Tao ở nhà! Rồi nó nói, mày có biết Hà Nội đầy gái điếm rẻ tiền và nói ngọng không, nói “nè nưỡi nếm nòng nợn nuộc” ấy, xài iphone, ăn mặc thời trang “Made in China”, màu sắc chói chang cả mắt, phô “hàng” đến khiêu khích! Phiên bản của Hà Nội hôm nay đấy! Tao có cảm tưởng Hà Nội đã hoàn toàn biến dạng, hiện thân không phải trong cô gái điếm nói ngọng thì cũng là một ả lên đồng điên điên, khùng khùng. Lai căng, lố bịch, hài hước. Ngày Lễ Nghìn năm hả? Gặp đúng cơ hội may mắn, có thêm mớ tiền, ả ta thả sức bôi son, trát phấn, xức nước hoa rởm và đeo đầy mình đủ thứ trang sức vô giá trị, vô văn hoá, đã lố bịch càng lố bịch thêm. Đấy là tao không thèm nói tới chuyện Lý Công Uẩn bị người ta cho quay quẩn thể nào mà hệt như hành hương từ Trung Nam Hải về Thăng Long! Bốn ngàn năm ta lại là ta thì vẫn còn tốt chán! Mày thấy không, chỉ sau vài thập niên ta chợt hoá Trung Hoa mới đau!…”
Tuyệt vời là Ngàn Năm Thăng Long khi UNESCO trao văn bản công nhận di tích lịch sử thế giới.

Nhưng cũng cực kỳ bi thảm khi tuổi trẻ Hà Nội phải sống trong thường trực “tự do hơi bị thiếu”.

Và cực kỳ là quan ngại khi nghe người Hà Nội báo động rằng “Ta chợt hóa Trung Hoa!”...

Mà như thế, chỉ mới có sau vài thập niên thôi... là bốn ngàn năm văn hoá độc đáo bản sắc Việt Nam đã bị Hán hoá...

Trần Khải

Hội chứng một ngàn

“… Nếu một người mà hành vi dối trá, tham lam, thô bỉ, vô văn hoá, ích kỷ, thiếu ý thức cộng đồng, nhưng chỉ việc cắm một lá cờ lên cái ống gang trước nhà, là được cấp chứng chỉ yêu nước, thì quá dễ đấy nhỉ? …” 

Võ Thị Hảo

Hà Nội đang làm đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long với các khoản chi phí khổng lồ, cùng hàng chục hoạt động rầm rộ.

Như thế là đã đến ngày kết thúc của cả một thời gian dài khoảng 8 năm chuẩn bị cho đại lễ một ngàn năm Thăng Long Hà Nội.

Một cuộc phát động lớn yêu cầu cả nước hướng tới kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long Hà Nội (TLHN) đã được khởi phát từ lâu nay.

Theo tư liệu mà báo chí công bố thì có tới 65 công trình thuộc về các lĩnh vực văn hoá xã hội, chính trị, lịch sử, giáo dục... được thực hiện để chào mừng đại lễ này.

Đại lễ mừng cụ Thủ đô

Khoảng 54 hoạt động chính dự kiến diễn ra trong 10 ngày đại lễ. Bắn pháo hoa trên 29 điểm. Khoảng 250 buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và khoảng 38 buổi của các đoàn ngoài nước...

Cuộc diễu binh lớn khoảng 30 ngàn người.

Cuộc múa hát của khoảng 10 vạn người và vô số cuộc khác. Các cuộc này, rất nhiều, rất lớn, rất tốn tiền, nhưng đều có nội dung na ná như nhau.

Đại loại là ca ngợi đảng, ca ngợi đất nước một cách rất hời hợt, ca ngợi TLHN, ca ngợi Lý Thái tổ sáng suốt dời đô về Thăng Long chứ không để ở Hoa Lư...

Đại loại là múa may quay cuồng na ná nhau. Thế nào cũng có hình tượng rồng rồi dải vải lượn rồi người nọ nâng người kia lên làm “hình tượng” trông rất sống sít...

Đại loại là để... ”cúng cụ”. Chắc chắn là không thể chệch định hướng. Mà cách gì cũng phải dính tới chữ “ngàn năm TLHN” để moi được tiền ngân sách. Càng hoành tráng càng được nhiều tiền.

Đồng nào lên rừng đồng nào xuống phố đồng nào vào túi ai thì là cái chuyện trời biết, dân biết, nhưng dân không được bàn mà dân cũng không được kiểm tra...

Là mừng tuổi cụ Thủ đô đấy. 

Đại lễ mừng cụ Thủ đô


Sắc màu trong và ngoài biên cương

Cả Hà Nội đi đâu cũng rồng. Lắm rồng quá thể. Ngoài những con rồng nhan nhản đâu đó, trên nhiều cửa ngõ vào phố còn thấy lắp những con rồng mỏng dính bằng đèn nhấp nháy của Trung quốc (TQ) treo lên lưng chừng giời, hai con châu đầu vào nhau, thi nhau khạc lửa đỏ loè như hù doạ..

Khắp Hà Nội đâu đâu cũng cờ hoa đỏ rực. Màu đỏ được giải thích chính thống là màu máu. Màu đó trông cũng đỏ rực giống như biển cờ hoa đại lễ đang diễn ra cùng ngày trên dải đất phương Bắc ngoài biên cương.

Đại lễ ngàn năm TLHN trùng ngày quốc khánh TQ. Họng súng chinh phạt và chiếc lưỡi bò từ đại lục thì vẫn lăm le ngoài biển đông kia!

Trang phục người Việt Nam thì 99% là mua giá rẻ từ người Trung Quốc rồi. Hoa quả VN cũng chủ yếu là của TQ. Hàng hoá cũng thế. Hội chợ xúc tiến thương mại mở ở các quận huyện cũng rất nhiều người TQ sang bán hàng TQ.

Trước cửa nhà tôi, có hội chợ thương mại, rất nhiều người TQ đứng bán hàng, thông thạo cả hai thứ tiếng. Có một nhóm người rao bán dao TQ. Vót gỗ như thái chuối. Anh ta hớn hở rao: « Dao đặc biệt đây! Đặc biệt đây! Chặt thịt, chặt xương trâu, xương bò, xương ma cà rồng, xương người... đây...”.

Sắc màu Trung quốc đang ngập tràn nước Việt. Theo nhận định của nhiều người thì chưa bao giờ văn hoá Việt Nam lại lệ thuộc văn hoá Trung quốc như bây giờ.

Từ cách trang phục lễ hội, từ phim ảnh trên truyền hình cho tới các lễ rước, các pho tượng, cách hành lễ, cách cấu trúc đền chùa... Ngay cả cách khấn vái người ruột thịt cũng vậy.

Đã thoát Bắc thuộc từng ấy năm rồi, khấn cho ông bà, ông vải tổ tiên mà rất nhiều người lại cứ phải khấn bằng chữ Hán, đốt sớ bằng chữ Hán, trong khi ông bà, ông vải một chữ Hán bẻ đôi không biết!

Kìa nhìn xem con cháu tâm sự những điều thiêng liêng thành kính trước bàn thờ tổ tiên, thổ lộ những ước mong với đấng sinh thành mà lại chọn cái ngôn ngữ đánh đố ông bà tổ tiên, khen chẳng biết chửi không hay, như vậy có khác gì là vừa nô lệ, vừa bất kính hay không?

Một ngàn lẻ một cái ăn theo

Dù thế nào thì đại lễ cũng đã và đang diễn ra. Tận mười ngày. Hà Nội đã tắc đường từ nhiều ngày trước. Khi tôi viết bài này, mây đen sầm sì và trời đang mưa.

Lại nghĩ đến chuyện có người toan quyết định bắn mây, đuổi mưa để thực hiện đại lễ không phải chạy mưa. May mà một quan chức Chính phủ đã tuyên bố là hoãn cuộc bắn mây này lại. Có mưa thì dời vào sân Mỹ Đình. Dù có tốn kém thì cũng còn đỡ tốn kém hơn món bắn mây!

Dù thế nào thì, theo số liệu công bố trên báo chí, ít nhất khoảng 94 ngàn tỉ đồng tiền thuế của dân VN – cái sắc dân vẫn đứng trong hàng những nước nghèo nhất trên thế giới - đã được chi ra cho đám rồng rắn và đại lễ, cho cái hội chứng "một ngàn lẻ một cái ăn theo" ấy.

Giả sử một phần trong số đó không phải là từ ngân sách, mà từ túi tiền cá nhân thì cũng vậy thôi, chung quy cũng từ ngân quỹ cộng đồng cả. Số tiền đó được chi để mừng TLHN ngàn năm tuổi.

Khoảng 1/10 tổng thu nhập quốc dân/năm đấy. Tám năm chuẩn bị với những cuộc phát động toàn quốc. Trên tượng đài thậm xấu xí ở gần bờ hồ Gươm có cái bảng điện tử đếm ngược thông báo từng ngày để giục giã mọi người.

Có vẻ trong mấy năm qua, không còn việc gì to tát đáng làm hơn kỷ niệm ngàn năm TLHN. Ít nhất đó là về mặt ấn tượng. Vì nó chiếm quá nhiều thời lượng trên các ngả phố, trên các phương tiện truyền thông và trên đầu lưỡi mọi người có quyền ăn, quyền nói.

Lão làng là giá trị?

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không ngừng tự hỏi: ngàn năm là gì nhỉ? Tại sao lại có đại lễ mừng một ngàn năm? Ngàn năm được mừng thì một năm, hay trăm năm cũng đáng mừng chứ. Vấn đề phải là mừng cái gì đã đạt được trong một ngàn năm đó chứ không phải chỉ là mừng tuổi. Lão làng là một khái niệm, không thể nhầm với một giá trị.

Ngày dời đô có quan trọng đến thế không? Nếu Lý Công Uẩn không dời đô, mà kinh đô vẫn ở Hoa Lư, hay ở một nơi khác, thì chẳng lẽ nó không có giá trị sao...?

Có thể tôi là kẻ lẩn thẩn. Thì phải hiểu đại lễ là lễ mừng thọ một cụ. Đấy là cụ Thủ đô.
Cả một đại lễ tốn kém gần trăm ngàn tỉ đồng ấy, trong thời buổi đất nước đói khó, mà chỉ để mừng tuổi cho một TLHN thôi sao?

Có rỗng không? Nếu chỉ để mừng tuổi? Như câu khẩu hiệu đã đề ra.

Xét về mặt bình đẳng khái niệm, thì một kinh đô ngàn năm tuổi và một năm tuổi khác nhau chỗ nào? Một ngàn năm tuổi có quyền tự hào. Còn một năm tuổi cần phải hổ nhục vì sự kém già hay sao?

Cái làm nên giá trị của một vật, một người, không phải số tuổi của nó. Mà chính là giá trị của nó. Ai cũng biết điều đó.

Theo lẽ công bằng mà nói, thì cái để tự hào không phải là tuổi, mà là chất lượng.

Một thành phố mới hình thành một năm nhưng ở đó có những công trình kiến trúc nghệ thuật thẩm mỹ đẹp, có giá trị trường tồn theo thời gian, chất lượng sống của công dân cao cả về vật chất và tinh thần, có dân chủ và tự do, thì thành phố ấy hoàn toàn có quyền tự hào hơn một thành phố có cả năm ngàn năm tuổi mà hoang tàn, bẩn thỉu nhếch nhác, bị xoá đi mọi di sản văn hoá, chất lượng sống thấp kém...

Vì thế, nếu chỉ vì số năm mà tự hào, chỉ mừng tuổi thôi, thì là tự hào về một khái niệm rỗng.

Nhân dân chỉ được, khi có cơ sở để mừng về chất lượng sống cao và văn hoá cao được gói trong ngàn năm tuổi ấy kia.

Nếu không, càng chi nhiều tiền chỉ để mừng tuổi, nhân dân càng mất.

Yêu nước? Không yêu nước?

Khắp nơi nơi là những biểu ngữ, khẩu hiệu đỏ chói đề: Mừng 1000 năm TLHN. Tại nhiều thôn xã phố phường, xã thôn có người đi hàn những cái ống cắm cờ trước cổng mỗi nhà, bằng một đoạn ống nước, không cần hỏi ý chủ nhà. Được giao tận tay một lá cờ và lời yêu cầu cắm, với một khoản tiền nộp để lấy cọc và cờ, ở cái nơi tôi biết, là 25 ngàn đồng.

Tôi cất lá cờ đi và tự hỏi: lẽ nào cứ cắm cờ là yêu nước. Thế cái người xả thân bắt cướp, không kịp cắm cờ là không yêu nước sao?

Lẽ nào cái cử chỉ yêu nước, nó vốn phải nằm trong trí tuệ, trong hành vi của mỗi người, thì lại chỉ cần cắm một lá cờ lên trước cổng là xong?

Nếu một người mà hành vi dối trá, tham lam, thô bỉ, vô văn hoá, ích kỷ, thiếu ý thức cộng đồng, nhưng chỉ việc cắm một lá cờ lên cái ống gang trước nhà, là được cấp chứng chỉ yêu nước, thì quá dễ đấy nhỉ?

Thế nên, cả nước ngập cờ trong những ngày lễ lạt, thế mà dân vẫn nghèo khó, tham nhũng dối trá ngập tràn và bao nhiêu tệ nạn xã hội khác. Sự thờ ơ ích kỷ và vờ vịt thống lĩnh số đông.
Nếu chúng ta yêu nước bằng trí tuệ và hành vi, không phải chỉ bằng cách đối phó và giả dối, thực trạng đất nước chắc chắn sẽ khá hơn thế này.

Cái khó nhất là hành vi và tâm thức. Không phải là chuyện vờ vịt để đối phó. Cứ vờ vịt mãi, người Việt thành nạn nhân và thành vô cảm rồi thành nô lệ. Chẳng ai cứu được.

Ai dám bảo không cắm cờ có nghĩa là không yêu nước?

Ta mạnh nhất thế giới

Tôi lại nhớ thời sau 1975, "thắng Mỹ", VN trong một thời gian dài đã công khai vỗ ngực: VN mạnh nhất thế giới.

Và thế là khởi đầu kỷ nguyên đói kém tụt hậu trong hoà bình, cho rằng bản thân ta là hoàn hảo, cho đến một ngày VN bên bờ nguy ngập, phải “đổi mới hay là chết”. Thời đó, vật vã lắm VN mới qua khỏi hội chứng “ta mạnh nhất thế giới”. Đổi mới đã cứu VN nhưng rồi đổi mới lại chững lại.
Bây giờ thì VN lại có hội chứng nhất thế giới. Từ những vật vặt vãnh như bánh chưng, chai lọ... cũng muốn nhất.

Chẳng ai muốn và đầu tư cho văn hoá và tinh thần để nhất thế giới cả. Hình ảnh quan chức hầu hết chỉ là lễ lạt, là khởi công, động thổ và răn dạy điều gì đó mà rất nhiều khi là nói một đằng làm một nẻo.

Quá hiếm hoi cái diễm phúc dân được thấy hình ảnh quan chức cầm quyển sách trên tay đọc. Nhà quan chức cũng không nêu gương những thú chơi tinh thần tao nhã đượm mùi trí tuệ thượng lưu mà tầng lớp cai trị xã hội tối thiểu phải có.

Thì thiên hạ cũng thế. Nhà giàu, có đầu tư thì đầu tư cho khởi công động thổ, mua quan bán tước, mua những kẽ hở, cho các cuộc thi hoa hậu, trăm ngàn kiểu gái ngon mắt... và cho... bóng đá. Còn thừa thời gian thì nói chuyện tục tĩu...

Thực ra bóng đá có những hấp dẫn, nhưng mặt trái của nó là ma túy của nhân dân, để quên đi những sự không được phép quên trên đời này. Vì nếu những cái đó mà quên, e rằng con người không hơn gì con... muỗi.

Và nhân đại lễ ngàn năm TLHN, bao nhiêu là cái một ngàn ăn theo. Nào một ngàn trang sách, một ngàn hương vị, một ngàn góc nhìn, một ngàn con rồng... một ngàn nhà báo cũng đến Hà Nội nhân đại lễ. Vậy là hình thành hội chứng "một ngàn" và để cung ứng cho nó là số tiền được vung tay chi...

Moi mắt rồng lấy ruby?

Quà cáp như thế, ngoài việc moi mắt rồng lấy hai viên ruby đi đánh nhẫn (đại loại thế), thì đại biểu cũng không nhận được một tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao.

Vậy là hội chứng "một ngàn"xuất hiện với một ngàn lẻ một sự ăn theo hội chứng "một ngàn". Để thực hiện nó, để nó xuống phố, thật mới thấy một ngàn lẻ một cái tài của người VN, đặc biệt là của một số người có quyền lực định đoạt cái gì đó dính dáng đến cộng đồng. 

Moi mắt rồng lấy rubi?

Ai đó thật có sáng kiến hãm hại hoặc khai tử nốt chứng tích văn hoá TLHN bằng cách sơn vàng lên mặt nhà phố cổ, cậy gạch lên lát lại những vỉa hè và Hồ Gươm... Cái sáng kiến này về mức độ hữu ích cũng xứng đáng là sự hoàn tất cái đuôi của chiến dịch trùng tu các đền chùa miếu mạo cổ và kết quả là... xoá vết tích văn hoá để chứng tỏ có ngàn năm TLHN...

Hào phóng và giàu có quá. 2.000 viên ngọc rubi tự nhiên được nhập từ châu Phi về để gắn mắt cho lũ rồng đúc, làm quà lưu niệm cho các đại biểu mừng đại lễ! Khoảng 1.000 con và chi phí khoảng 800 USD/con.
Nhiều người nước ngoài nói các bác VN nghèo gần đội sổ thế giới mà vung tay quà cáp hào phóng quá nhỉ! Mà quà như thế, ngoài việc moi mắt rồng lấy hai viên ruby đi đánh nhẫn (đại loại thế), thì đại biểu cũng không nhận được một tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao.

Dư luận đã đặt nhiều dấu hỏi về hiệu quả và cách thức chi tiền cho đại lễ (mong rằng dư luận chỉ đa nghi, ngờ oan cho một số người có trách nhiệm chứ các bác ấy trong sáng lắm và yêu nước lắm?).

Nhà giáo - nhân sĩ Phạm Toàn thốt lên: đây là một vụ tiêu tiền vô tội vạ. GS Tương Lai cảnh báo: hỡi công dân, văn hóa đang lâm nguy!

Có ai hỏi dân không?

Nếu đã chi tới 1/10 GDP cả nước để mừng tuổi cho một thành phố, dù đó là thủ đô, thì đã tạo ra một tiền lệ để các tỉnh thành huyện quận trong nước noi theo để có thể tổ chức vô vàn những đại lễ. Không đại lễ thì cũng là trung lễ và tiểu lễ và vô số cách moi tiền ngân sách.

Vì cái gì mà chẳng có tuổi. Đã mừng tuổi này thì phải mừng tuổi khác. Thiếu gì cách để chi tiền dân.
Có ai đó đã đưa ra một phát kiến quan trọng dành cho các bậc tham nhũng sử dụng làm tuyệt chiêu trong mấy năm gần đây: để xoá chứng tích tham nhũng, cách hay nhất là đổ vào... những “trận cười”..., đại loại như những cuộc lễ hội, múa may, tiệc tùng... xong lễ hội, mọi chứng tích “tan xác pháo”, chẳng bắt tội được ai. Để “gió cuốn đi”.

Rồi mà xem. Thành phố một năm tuổi cũng đáng mở đại lễ lắm chứ. Sao lại không đại lễ? Sao lại bất công thế? Làm như trên đời chỉ có mỗi Hà Nội là thành phố thôi hử? Nào, mỗi làng mỗi xã, mỗi địa phương, dù ít tuổi, nhiều tuổi, đều có giá trị của nó. Đừng nói ai hơn ai. Làm sao không mừng tuổi?

Lấy chứng lý gì để bác bỏ, nếu TPHCM cũng đề nghị tổ chức một đại lễ mừng "Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh" chừng ấy năm tuổi và phải chi khoảng 1/10 GDP hoặc hơn vì TP này đông dân hơn và đóng góp GDP lớn nhất trong cả nước?

Chi từng ấy tiền chỉ cho dịp đại lễ mừng tuổi một thành phố, sao mà nhẹ tênh vậy? Có “đầy tớ” nào trưng cầu ý kiến “chủ” không? Có ai hỏi ý kiến những người dân nghèo đói ở vùng sâu vùng xa?

Có ai hỏi ý kiến những trẻ em phải bỏ học vì nghèo? Có ai hỏi ý kiến rất nhiều người bị ốm đau không dám bén mảng đến cổng bệnh viện, chịu chết khổ sở ở nhà vì không có tiền chữa bệnh?
Có ai hỏi những bệnh nhân nặng phải nằm chen chúc lên nhau trong một chiếc giường và thiết bị y tế thiếu đủ thứ, còn bị y bác sĩ tha hồ ‘hành” để phải lót tay hòng sống sót?

Trong khi đất nước còn nghèo, và ngay cả ở một nước đã giàu, cũng rất khó chấp nhận việc vén tay áo chi khoảng một phần mười GDP chỉ cho một dịp đại lễ!

Nước mắt đã cạn

Có nhiều người đã cố gắng bỏ công sức cho một đại lễ tươm tất. Nhưng những người nghèo, những người bị oan khuất, đất mẹ Việt đang bị rút ruột, khóc đã lâu quá rồi.

Trong khi viết những dòng này, bóng của hàng ngàn dân Kontum gầy guộc phải đu dây qua sông Pôkô, cứ chao chát trước mặt tôi.

Dòng sông ấy nổi tiếng thời chiến tranh ở miền Nam, nơi có những đồng bào ngày đêm bớt miếng ăn liều mạng sống nuôi giấu cán bộ, đưa đò qua sông, góp phần làm nên "thắng Mỹ" và để nhiều cán bộ có được vị trí ngày hôm nay. 

Đu dây như khỉ như vượn qua sông
để kiếm miếng ăn mà thôi
Họ vốn chẳng phải diễn viên xiếc. Xưa liều mạng sống để giúp cán bộ. Nay liều mạng sống vì chẳng có cầu. Đu dây như khỉ như vượn qua sông để đi học, để kiếm miếng ăn mà thôi.
Và những cô gái VN đang xếp hàng trước cửa một số trung tâm môi giới hôn nhân hoặc đợi được bán hoặc bị lừa bán ra nước ngoài thì sao? Chút nữa, họ sẽ gần như bị lột truồng ra trước các ông bà mối và những kẻ chọn lựa. Nhiều trai tráng VN cũng thế chấp nhà cửa, vay lãi nặng để được đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài.

Họ có thể làm nô lệ, bị đánh đập, bị bỏ đói hoặc không được trả lương. Họ có thể nhận lấy những ông chồng tâm thần đui què mẻ sứt. Cũng không loại trừ một số người và trẻ em người mất tích sau những cuộc xuất khẩu cho những lò mổ chuyên buôn bán phủ tạng người.

Gái điếm Việt rẻ. Giá người Việt xuất khẩu rẻ. Mà danh dự người Việt cũng chưa thấy đắt... Thế thôi.

Với phần lớn dân số VN, nếu có thêm một ít tiền đầu tư cho cuộc sống đỡ khốn khổ, nếu tăng cường việc làm và phúc lợi xã hội từ những việc tiết kiệm các khoản chi lãng phí, chắc chắn đời sẽ đổi khác...

Tất cả những hình ảnh đó chao qua chao lại trước mắt tôi, nhoà cái màu đỏ rực của đại lễ này.

Có nhiều người đã cố gắng bỏ công sức cho một đại lễ tươm tất. Nhưng những người nghèo, những người bị oan khuất, đất mẹ Việt đang bị rút ruột, khóc đã lâu quá rồi. Hình như đã cạn nước mắt.

Nhưng khóc là vẫn khóc. Không thể vì đại lễ mà hết khóc. Không thể cạn nước mắt mà hết khóc. Người ta bảo, hết nước mắt thì khóc ra máu đấy. Đừng vì đại lễ mà quên!

Võ Thị Hảo