4/5/12


Vụ Văn Giang: Quan chức nói có video giả

Cập nhật: 15:16 GMT - thứ tư, 2 tháng 5, 2012
Người dân Văn Giang đi bảo vệ đất hôm 20/4
Người dân Văn Giang không đồng ý bán đất theo giá chính quyền đưa ra
Quan chức Hưng Yên nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng có những video clip giả trong vụ Văn Giang dùng để 'bôi nhọ' chính quyền.
Cáo buộc này do ông Nguyễn Khắc Hào, Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên đưa ra trong hội nghị về việc giải quyết khiếu kiện và tiếp dân sáng thứ Tư 2/5, theo VietnamNet.
Tuy nhiên Bấmông Hào không đưa ra chi tiết về những video clip mà ông nói là giả.
Một trong những video xuất hiện trên YouTube mà BBC đã đăng dưới đây cho thấy cảnh hàng chục cảnh sát và những người mặc thường phục đeo băng đỏ đánh hội đồng một người dân tay không.
Đây cũng không phải là video duy nhất có cảnh người dân bị đánh.
Những hình ảnh về những vụ bạo lực trong cưỡng chế đã khiến một số quan chức bày tỏ sự bất bình trong đó có cựu ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Khoa Điềm.
Ông Điềm, người từng phụ trách văn hóa tư tưởng cho Đảng Cộng sản và đã về thăm Văn Giang, Bấmgửi thư cho nhà văn Nguyễn Quang Lập nói ông "quá nản" về vụ Văn Giang và kèm theo những dòng thơ ông viết khi về thăm vùng đất này hồi năm 2006:
Chúng ta vẫn bưng bát cơm trắng mỗi ngày
Thật đơn giản, hiển nhiên, như hơi thở
Không còn nhớ có bao giọt mồ hôi trên mặt ruộng
Bao nhiêu bùn, bao nhiêu khổ đau
Khi mồ hôi trở nên quá rẻ
Kẻ ranh ma trở nên quá giàu
'Phản động'
Trong báo cáo trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, quan chức Hưng Yên cũng cáo buộc có sự liên hệ giữa người nông dân với lực lượng chống chính quyền.
Ông Nguyễn Khắc Hào được dẫn lời nói:
"Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài."
Phó Chủ tịch Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào
"Những người lợi dụng dân chủ, móc nối với những phần tử tiêu cực, bất mãn, phản động trong nước và nước ngoài, cố tình chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, kìm hãm sự phát triển, thì nhất định phải có biện pháp xử lý kiên quyết.
"Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền."
Báo chí trong nước không đưa tin nhiều về vụ Văn Giang trong khi thông tấn xã Việt Nam lấy lại bài đăng trên cổng thông tin điện tử của tỉnh Hưng Yên.
Một số nhà bình luận nói với BBC lợi ích của một thiểu số đã được đặt lên trên lợi ích của người dân trong vụ Văn Giang.
Hiện ít nhất năm người vẫn bị giam giữ để điều tra về chống người thi hành công vụ trong vụ cưỡng chế hôm 24/4.

Văn Giang hậu cưỡng chế



Cập nhật: 13:36 GMT - thứ năm, 3 tháng 5, 2012
Người dân Văn Giang tìm lại hài cốt của người thân bị máy ủi đào lên trong đợt cưỡng chế hôm 24/4. Hình từ blog Xuân Diện
Một số người Văn Giang bị mất mồ mả trong vụ máy ủi san đất đai hôm 24/4
Nhà văn, nhà thơ và nhà biên kịch quê Văn Giang Nguyễn Thị Hồng Ngát vừa trở lại thăm quê, một tuần sau vụ cưỡng chế gây tranh cãi để giải phóng mặt bằng trong khuôn khổ dự án đô thị sinh thái.
Bà đã có bài viết về chuyến đi trên blog cá nhân với tựa đề 'Về lại Văn Giang'.
BBC xin đăng lại nguyên văn bài viết này với sự đồng ý của tác giả. Các tựa đề phụ do BBC đặt.
Sáng thứ 7 ( 28-4) nhân được nghỉ lễ 4 ngày, mình thấy sốt ruột phần vì nghe tin ông cụ thân sinh (96 tuổi) mệt, phần cũng muốn nhìn ECOPARK sau ngày 24-4 xem ntn, mình về lại Văn Giang.
Ngang qua ECOPARK mình đi chậm lại, nhìn quanh thấy không khí vắng vẻ dù lúc ấy khoảng 9-10h sáng. Phía xa- mình đếm được 5 ngôi nhà cao tầng bề thế dường như sắp xây xong. Trên mặt đường phía cống Xuân Quan bà con lại bày mía, rau củ quả ra bán... Bề ngoài, mọi sự lại trở về với cuộc sống thường nhật. Nhưng mình chắc rằng bên trong mỗi ngôi nhà ở đây câu chuyện giải tỏa ngày 24-4 hẳn vẫn còn được nhắc đến.
Về nhà ở Mễ Sở, hỏi các bà cô và mọi người có biết chuyện gì xảy ra ở Văn Giang hôm vừa rồi không. Không. Không biết gì cả. Ừ, các bà cô mình chỉ biết xem TV, không đọc báo, không nghe đài- giả như có nghe cũng chả thấy họ nói gì đến Văn Giang thì làm sao mà biết. Mình cũng không nói gì thêm.
Buồn.
Hỏi chuyện bí thư
Chiều, không đừng được nên bảo con cháu đèo lên nhà Bí thư Văn Giang ở ngay làng bên, trước là Phó Bí thư thời em trai mình còn tại vị. Chất vấn sao ngày 24 lại để như thế, như thế? Đáp " Vì đổi dự án lấy hạ tầng , người ta đã chi 1500 tỷ làm đường xá, nay đến lúc phải giải tỏa để trả đất cho người ta''v..v..(lời giải thích hoàn toàn khớp với thông tin Tỉnh công bố ). Và thêm : 1720 hộ đồng ý nhận đền bù từ những năm trước rồi, chỉ còn 166 hộ thôi. Bên cạnh sự đền bù (135.000đ/m chứ không phải 100.000đ) còn có nhiều chính sách hỗ trợ khác : cho mua căn hộ, cho con em đi học, đi lao động nước ngoài, bù tiền dỡ bỏ v..v. Mình hỏi Tỉnh có công bố những ưu đãi này ra với các báo lề phải không mà chả thấy báo nào viết? Có công bố. Họ có viết hay không cũng không biết nữa.
"Chị không biết chứ dân họ cũng ghê lắm, toàn ném chai xăng với gạch bẻ đôi, vỡ cả lá chắn, tóe cả máu tay công an đấy."
Bí thư Văn Giang
Mình bảo 135.000đ/m cũng vẫn quá rẻ. Đáp "Do Qui định của Chính phủ hồi đó như thế." Vậy thì cái qui định của Chính Phủ (không biết dựa vào đâu để ra con số 135.000đ/m kia) cũng là không thỏa đáng. Mình bảo thế. Mình băn khoăn rằng để giải tỏa mấy héc ta đất làm gì mà phải huy động lắm công an thế, trông ghê thế khiến ai nhìn vào cũng thấy nản, thấy đau lòng. Đáp: chị không biết chứ dân họ cũng ghê lắm, toàn ném chai xăng với gạch bẻ đôi, vỡ cả lá chắn, tóe cả máu tay công an đấy.
Ôi, phiá này thì bảo công an ghê , phiá kia bảo nhân dân cũng ghê.. .thế thì mình chả còn biết nói ntn. Nhưng nhìn chung, nhân dân có ghê gì đi chăng nữa thì mọi người vẫn đứng về phía họ. Bởi họ chẳng có gì ngoài mảnh đất mưu sinh. Giờ đất mất, lấy gì sinh sống? Dư luận thời nào thì cũng chỉ thương người nghèo, người bị thiệt thòi chứ chả ai thương người giàu bao giờ.
Hỏi thêm: năm 2003, dự án ECOPARK xuất phát điểm từ đâu ra? Từ TRÊN CHÍNH PHỦ. Chính phủ về thăm và gợi ý Văn Giang là nơi lý tưởng làm Khu đô thị sinh thái... Cả huyện Văn Giang quê mình rồi sẽ là Khu đô thị cấp 4. Từ Nông dân sẽ trở thành Thị dân! Ôi, Đó quả thật là giấc mơ lãng mạn!
Chuyện cựu bí thư
Nói thêm về ông em trai mình- (người từng làm Chủ tịch và Bí Thư Văn Giang -năm 2009 thì nghỉ hưu- NXD blog đưa tin) Nhà mình chỉ có mình và cậu ấy là 2 chị em ruột .
Sau khi phục viên từ binh chủng Hải quân, em mình làm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp và cứ thế, phấn đấu lên từ đó.
Cậu em mình chẳng quan tâm nhiều đến con đường làm VHNT của chị, chả biết chị viết gì và làm được gì. Ngược lại, mình cũng chẳng quan tâm lắm đến vị trí "quan huyện" của cậu ấy. Đó là một sự thực. Mỗi người mỗi việc chẳng mấy liên quan đến nhau và cũng chả giúp được gì cho nhau dù chị em rất thương quí nhau. Mình nhìn con đường trên mặt đê dọc huyện Văn Giang thấy rải nhựa rất đẹp qua các xã. Đoạn riêng ở thôn mình, xã mình thì nham nhở, lồi lõm đặc biệt đoạn qua làng mình đất vẫn lầm lên mưa xuống lầy lội rất bẩn. Chả biết trách ai bây giờ? Nếu có trách thì cũng muộn rồi. Quan nhất thời dân vạn đại. Lúc có tí quyền chức không lo được cho làng xã, cho người thân, lúc hết chức thì chỉ có...ngồi đó mà nhìn.
Mình cũng chả biết nói gì thêm qua vụ giải tỏa đất đai ở Văn Giang. Chỉ cầu mong sẽ không còn ở đâu phải "dàn quân" ra để cưỡng chế đất đai như ở Văn Giang quê mình nữa thôi.
Dù đúng sai phải trái gì đi nữa thì đây cũng là một nỗi buồn lớn.
Mùng 1-5-2012
Bài viết đã được đăng trên blog Bấmhongngatfilm.com.

Việt Nam: 'Lãnh đạo mới, nhân quyền cũ'



Cập nhật: 12:04 GMT - thứ tư, 2 tháng 5, 2012
Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trong chuyến thăm của ông Hague tới Việt Nam hồi tháng Tư năm 2012
Báo cáo nhân quyền khẳng định lại quan điểm của Bộ trưởng Ngoại giao Anh về nhân quyền ở Việt Nam
Bộ Ngoại giao Anh hôm 30/4 đã ra báo cáo dân chủ và nhân quyền thường niên trong đó phần về Việt Nam tái xác nhận lo ngại của Anh về tình trạng nhân quyền mà Bộ trưởng Ngoại giao Anh đưa ra sau chuyến thăm tới Việt Nam hôm 24-25/4.
Anh nói dàn lãnh đạo mới của Việt Nam kể từ sau Đại hội XI của Đảng Cộng sản hồi tháng 1/2011 đã không dẫn tới "sự tôn trọng nhiều hơn đối với các quyền chính trị và dân sự."
Trên thực tế Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được tái bổ nhiệm, ông Nguyễn Phú Trọng chuyển từ chức chủ tịch quốc hội sang tổng bí thư và thay ông là Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng.
Ông Trương Tấn Sang chuyển từ vị trí thường trực ban bí thư của Đảng Cộng sản sang nắm vị trí chủ tịch nước mang tính nghi lễ.
Trong chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Anh tới Việt Nam trong vòng gần hai thập niên, ông William Hague đã gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng như Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.
Sau chuyến thăm ông Hague Bấmnói với bbcvietnamese.com rằng Việt Nam là một trong những nước mà Anh "quan ngại về nhân quyền".
Ông nói: "Việt Nam có Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền và không có bầu cử theo lối bầu cử ở Anh. Tại Việt Nam không có tự do biểu đạt mà Anh được hưởng."
'Hạn chế truyền thông'
BấmBáo cáo nhân quyền mới nhất về Việt Nam của Bộ Ngoại giao Anh viết:
"Không có tiến bộ rõ rệt nào về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2011...
"Một số ngày càng nhiều các blogger và các nhà hoạt động hòa bình đã bị bắt và bỏ tù theo luật về an ninh quốc gia vì chỉ trích chính quyền trong khi các quy định mới được đưa ra để hạn chế truyền thông thêm nữa."
Anh nói bất chấp chuyện Việt Nam tiếp tục hạn chế truyền thông, London vẫn tiếp tục hỗ trợ những người làm trong ngành này, vẫn duy trì hoạt động của các tổ chức đào tạo và tổ chức phi chính phủ để "xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn cho các nhà báo địa phương."
Trong số các hoạt động hộ trợ truyền thông của Anh có dự án MediaPro nhằm xem xét lại chương trình đào tạo báo chí tại ba cơ sở đào tạo quan trọng và giúp Hội Nhà báo Việt Nam thảo ra bộ quy tắc ứng xử.
'Thách thức chính phủ'
Bộ Ngoại giao Anh cũng đề cập tới cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng Năm năm 2011 và nói hơn 90% số đại biểu được bầu là đảng viên.
Báo chí Việt Nam
Anh nói Việt Nam còn thắt chặt hơn nữa quản lý truyền thông
Mặc dù vậy báo cáo nhân quyền cũng nói: "Bất chấp việc thiếu độc lập khỏi đảng, Quốc hội đã cho thấy sự sẵn sàng ngày cang tăng trong việc thách thức chính phủ."
Hồi tháng Mười Hai năm 2011, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đã có Bấmchuyến thăm London và trở thành lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam tới Anh kể từ sau khi hai nước trở thành 'đối tác chiến lược' hồi năm 2010.
Anh tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ Quốc hội Việt Nam thông qua một loạt dự án trong đó có hội thảo về kỹ năng chất vấn tốt hơn cho đại biểu và phát triển trang web kết nối đại biểu với cử tri.
Báo cáo nhân quyền mới nhất của Anh nói họ sẽ tiếp tục hợp tác cũng như thúc ép Việt Nam cải thiện nhân quyền nhưng không có nhiều hy vọng trong vài năm tới đây.
"Trong ngắn hạn, không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình nhân quyền ở Việt Nam sẽ cải thiện.
"Đảng [Cộng sản] vẫn giữ vững quyền kiểm soát và sẽ không nới lỏng lập trường cứng rắn đối với tự do ngôn luận và bất cứ điều gì được xem là thách thức quyền lực của họ.
"Trong năm 2012, chúng tôi sẽ tiếp tục gây sức ép để chính quyền có cách tiếp cận bao dung hơn."
Bộ Ngoại giao Anh
"Trong năm 2012, chúng tôi sẽ tiếp tục gây sức ép để chính quyền có cách tiếp cận bao dung hơn.
"Khi làm như vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh mối liên hệ giữa sự phát triển kinh tế vĩ mô trong tương lai của Việt Nam và việc họ sẵn sàng khuyến khích tự do ngôn luận, thảo luận cởi mở, đổi mới và sáng tạo - tất cả những chất xúc tác quan trọng để phát triển một nền kinh tế công nghiệp phát triển và hiện đại."

Tiến sĩ Quân 'đã trở lại VN nhiều lần'



Ông Quân tại một diễn đàn thanh niên tại Sydney
Cơ hội thoát tội của ông Quân được nhìn nhận là 'rất thấp'
Đảng Việt Tân xác nhận thành viên của họ, ông Nguyễn Quốc Quân, đã từng trở lại Việt Nam nhiều lần kể từ năm 2008, sau khi đã bị án tù sáu tháng và bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Hôm 27/4, ông Quân bị công an Việt Nam bắt giữ với cáo buộc có âm mưu kích động biểu tình chống chính quyền nhân dịp kỷ niệm ngày 30/4.
Trả lời BBC, đảng Việt Tân, đặt trụ sở ở bang California, nói tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân đã "trở lại Việt Nam nhiều lần kể từ 2008 để cổ vũ thay đổi dân chủ phi bạo lực từ bên trong đất nước".
Đảng này nói sự kiên trì hoạt động "phản ánh sự dũng cảm và quyết tâm chống lại bất công" của tiến sĩ Quân.
Đã có một luồng dư luận từ người dân trong nước tỏ ra nghi ngờ về thực chất của đảng Việt Tân khi đã không ít người bị Việt Nam bắt và kết án vì là đảng viên hoặc có liên hệ với tổ chức này.
Tuy vậy, ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân của Việt Tân, nhấn mạnh: "Mặc dù không ai muốn bị bắt, các đảng viên của chúng tôi chấp nhận rủi ro."
"Trong trường hợp tiến sĩ Quân, Việt Tân sẽ tiếp tục vận động để ông được tự do vì ông không làm gì phi pháp. Chính quyền Hà Nội đã có những cáo buộc sai lạc với tiến sĩ Quân."
Công an Việt Nam đã loan báo bắt tạm giam thời hạn bốn tháng đối với ông Nguyễn Quốc Quân để điều tra về hành vi ‘khủng bố chống chính quyền nhân dân’ theo điều 84 Bộ luật hình sự của Việt Nam.
'Khủng bố'
Công an Việt Nam cho rằng ông Quân đang có kế hoạch kích động dân chúng biểu tình chống chính quyền nhân ngày 30/4.
Để làm rõ hơn khái niệm ‘khủng bố’ trong luật hình sự Việt Nam, BBC đã trao đổi với luật sư Lê Trần Luật, người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về chương an ninh quốc gia trong Bộ luật hình sự.
"Trong trường hợp tiến sĩ Quân, Việt Tân sẽ tiếp tục vận động để ông được tự do vì ông không làm gì phi pháp. "
Hoàng Tứ Duy, Việt Tân
Tuy nhiên, ông Luật không thể giải thích khái niệm khủng bố theo luật pháp Việt Nam. Ông cho đó là ‘câu hỏi khó’ vì ‘khủng bố là một khái niệm Bộ luật hình sự chưa bao giờ giải thích.’
“Riêng chương an ninh quốc gia có rất nhiều khái niệm không được giải thích rõ ràng,” ông nói, “Nói chính xác, chưa bao giờ Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, Tòa án tối cao giải thích các khái niệm trong chương này.”
Ông Luật kể lại một câu chuyện khi ông tìm hiểu về các tội danh trong chương an ninh quốc gia ông đã từng tìm đến một vị thẩm phán của Tòa án tối cao.
“Tôi hỏi rằng tại sao Quốc hội giải thích tất cả các điều luật trừ các điều luật về an ninh quốc gia,” ông kể, “Ông ấy trả lời nếu anh có đi tìm các sách giải thích về các khái niệm an ninh quốc gia thì không bao giờ có cái đó.”
“Đó là những tội danh bất khả xâm phạm chỉ có Đảng mới giải thích được,” luật sư Luật thuật lại lời vị thẩm phán, “Tòa án tối cao cũng không dám giải thích”.
Luật sư cho biết nếu ông là luật sư tranh cãi cho thân chủ bị buộc tội khủng bố thì chắc chắn ông sẽ yêu cầu Viện kiểm sát làm rõ như thế nào là khủng bố – điều mà ông cho rằng Viện kiểm sát không bao giờ giải thích được.
Ngoài ra, ông Luật tuyên bố có thêm hai lập luận để chứng minh ông Quân không phạm tội khủng bố.
Thứ nhất, chiếu theo khái niệm khủng bố thông thường thì hành động của ông Quân không phải là khủng bố vì nó ‘không đi kèm với bạo lực và đe dọa bạo lực’ mà chỉ là ‘hoạt động xã hội dân sự’ bình thường.
Ông cho rằng bằng chứng mà cơ quan điều tra đưa ra là các tài liệu về ‘hoạt động khủng bố’ trong máy tính của ông Quân cũng không thể khép ông này về tội khủng bố.
"Việt Tân là tổ chức chính danh ở nước ngoài. Chưa có bất kỳ Nhà nước nào đã tuyên bố Việt Tân là tổ chức khủng bố."
Luật sư Lê Trần Luật
“Tài liệu ở dạng trang giấy hoặc tín hiệu điện tử không đi kèm với thách thức bạo lực,” ông giải thích.
Thứ hai, theo ông Luật thì cũng ‘chưa có cơ sở nào để kết luật Việt Tân (đảng của ông Quân) là một tổ chức khủng bố.
“Việt Tân là tổ chức chính danh ở nước ngoài. Chưa có bất kỳ Nhà nước nào đã tuyên bố Việt Tân là tổ chức khủng bố,” ông nói.
“Bản thân Nhà nước Việt Nam cũng vậy. Họ chưa bao giờ liệt vào văn bản chính thức rằng Việt Tân là tổ chức khủng bố mà họ chỉ nói trên báo chí mang tính chất quy kết,” ông nói thêm.

Cơ hội rất thấp

Các đảng viên Việt Tân đã từng bị Việt Nam xét xử
Đảng Việt Tân bị chính quyền Việt Nam gọi là khủng bố dù họ tuyên bố bất bạo động
Tuy nhiên, trong một phiên tòa ở thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2008, ông Nguyễn Quốc Quân đã bị kết tội ‘khủng bố’ vì hành động tương tự. Khi đó, ông Quân đã từ Campuchia thâm nhập về Việt Nam phát tán truyền đơn kêu gọi lật đổ chế độ.
Khi được hỏi về phiên tòa này, luật sư Luật trả lời rằng ‘họ (tòa án thành phố Hồ Chí Minh) xử cảm tính theo ý đồ chính trị’.
“Tất cả các điều luật trong chương An ninh quốc gia rất mơ hồ và được tùy tiện sử dụng như vũ khí bảo vệ chế độ,” ông nói.
Ông cũng cho rằng không thể dựa vào việc Mặt trận Quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam, tiền thân của Đảng Việt Tân, từng chủ trương dùng các biện pháp vũ trang để lật đổ chủ quyền để kết luận Việt Tân là khủng bố, nhất là khi đảng này đã chuyển sang phương châm ‘bất bạo động’.
Bản thân ông Luật vào năm 2009 chứng kiến việc văn phòng của ông bị tước quyền sử dụng không thời hạn giấy đăng ký hoạt động sau những lần biện hộ cho các tù nhân chính trị.
Về cơ hội của ông Quân trong phiên tòa sắp tới, ông Luật nhìn nhận là ‘rất thấp’ một khi đã bị khép tội về an ninh quốc gia.
“Về lý thuyết pháp luật ông Quân còn rất nhiều cơ hội vì cho đến khi nào tòa án kết luận ông có tội thì mới hết hy vọng,” ông nói.
“Tuy nhiên hệ thống tư pháp của Việt Nam chỉ là cánh tay bảo vệ chế độ,” ông nói thêm.