13/2/11

Câu chuyện Văn Miếu hiện đại hay đỉnh của thói háo danh

Trà Đoá
Câu chuyện Văn Miếu hiện đại hay đỉnh của thói háo danh
 
Ở Hà Nội lâu lâu lại xuất hiện những “phát kiến” mới về văn hoá mang “tầm vóc thời đại”. Mới đây nhất là công trình làm phim về Lý Thái Tổ. Còn hiện nay là “Văn Miếu hiện đại”… Thật không hổ thẹn là trung tâm văn hoá của nước Việt.

Vâng, những công trình này nếu được thực hiện, ngoài chuyện tốn cả núi tiền, thì đều tạo ra rất nhiều “ảnh hưởng” trong đời sống văn hoá, chí ít cũng ở Hà Nội. Báo chí nhà nước và dư luận vỉa hè bàn tán xôn xao. Chưa làm nhưng ai cũng đã cảm nhận được hàng tá thứ rối rắm xung quanh nó. Người ta bàn tán chủ yếu về sự “cần thiết” của nó. Mà cần thiết quá đi chứ, tiến sĩ thì thời nào cũng như nhau (cũng đều là tiến sĩ cả!) mà sao ngày trước lại được dựng bia, còn thời nay thì không? Thời trước cái bọn hủ nho nội địa (vì văn bằng chủ yếu, nếu có, là do trong nước cấp) kia sao lại được vinh dự đến thế, còn thời nay hiện đại hơn, tri thức tràn trề (và văn bằng đa số lại do từ các trời Đông hoặc Tây cấp) lại chẳng được tôn vinh chút nào.

Nhưng có vài điều, thiết nghĩ, các vị tiến sĩ hiện đại đều rất rõ: là các vị tiến sĩ ngày trước học đến “lòi tròng con mắt”, nghe nói đi học chữ Nho không thôi đã mất đến ít nhất 20 năm. Phải nhớ không biết bao nhiêu là kinh thư, điển tích thuộc làu làu, văn chương thơ phú thì khỏi phải chê. Và đa số họ đều đạt đến cái cao nhất trong cái tri thức của thời đó. Hơn nữa, cái học thời trước là cái học đạo. Bởi vậy những nhà Nho nói chung đều là những kẻ có đạo đức và lòng tự trọng vững vàng của một kẻ trí thức đúng nghĩa. Thực tế cũng đã chứng minh hầu hết bọn họ khi “nhập thế” đều hữu ích cho xã hội. Và có một điều đặc biệt hơn, vì chọn lọc quá kỹ lưỡng nên tầng lớp này rất ít, ít đến mức có thể… có đủ bia đá để dựng.

Bây giờ thử nhìn lại cái đám tiến sĩ ngày nay xem sao (xin lỗi mấy vị tiến sĩ còn giữ được lòng tự trọng).

Có một thời người ta đồn rằng chỉ cần dắt con bò qua biên giới rồi dắt về là thành tiến sĩ ngay (dĩ nhiên là tiến sĩ cho con bò, chứ không phải cho người dắt). Hay có những câu chuyện thế này: có một ông nọ từ nhà quê lên Hà Nội khám bệnh. Khi ông đến một bệnh viện và xin gặp bác sĩ X. để khám, anh gác cổng nói rằng ở đây không có ai là bác sĩ cả, chỉ toàn là tiến sĩ thôi.

Có lẽ trong lịch sử phát triển của Việt Nam, chưa có thời nào mà tiến sĩ nhiều đến thế. Nó nhiều đến mức rẻ rúng. Trong các cơ quan nhà nước, người người đua nhau làm tiến sĩ, nhà nhà tự hào là tiến sĩ. Và mỗi khi có cơ hội, dù liên quan hay không liên quan đến nghành nghề, họ đều tranh thủ ghi rõ ràng cái học vị “TS” ngay bên dưới. Nó bát nháo và tầm thường đến mức không khỏi khiến người ta nghĩ rằng đó là một thứ hội chứng “hậu ngu dốt”. Đó là thứ phản xạ tâm lý của lòng tự ti. Bởi những kẻ chiếm ưu thế tuyệt đối trong xã hội mới đa số đều xuất thân từ tầng lớp thấp và đều ít học, thậm chí rất nhiều trong số ấy xuất thân từ các hạng lưu manh trong xã hội cũ, vì những điều này họ không khỏi cảm thấy bị tổn thương ghê gớm. Niềm tự hào của các chiến thắng quân sự, dù được nhai đi nhai lại, cũng không thể giúp họ khuây khoả được. Và cuối cùng, bằng cấp, học vị, học hàm hay các danh xưng mỹ miều ra đời như một liệu pháp tâm lý: giáo sư, nhà văn, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước,… và được ban phát một cách rộng rãi như một ân huệ của Đảng.

Nhưng nhiều ít đâu phải là vấn đề. Chuyện nằm ở chỗ: cái đám tiến sĩ này đang làm gì và họ có đóng góp được gì cho sự phát triển của xã hội hay không?

Khỏi cần thu thập thống kê gì cho mệt, vì các thống kê về “đóng góp” của tầng lớp này đã có sẵn. Ví dụ như số lượng các công trình khoa học đăng báo uy tín nước ngoài không đáng là bao nếu so với số lượng khổng lồ của học vị. Nhưng các tiến sĩ Việt Nam đâu có nghiên cứu khoa học, họ kiếm bằng tiến sĩ là để phục vụ cho con đường làm quan mà thôi. Có vẻ điều này giống với các tiến sĩ thời trước nhỉ. Cũng là học để làm quan, mà muốn làm quan lớn phải có tiến sĩ. Nhưng điều trớ trêu là thời phong kiến, người ta chỉ học một món, với một mục đích rõ ràng là để đi thi làm quan, và các kiến thức mà họ thu nhận được cũng đều dùng để “bình thiên hạ”. Còn thời nay, một ông tiến sĩ một nghành khoa học hẹp nào đó lại đi làm bộ trưởng mà chức năng chủ yếu là quản lý. Bởi vậy, khi kết thúc sự nghiệp của những vị này, những “thành tựu” trong cuộc đời họ chẳng liên quan gì đến cái học vị của họ cả. [1]

Nhưng nếu họ chẳng có đóng góp được gì thì cũng chưa phải là điều đáng lên án. Đằng này, họ đã tạo ra cả một “văn hoá tiến sĩ” gớm ghiếc lan tràn trong môi trường học thuật ở Việt Nam. Bởi đi đôi với học vị chỉ là sự bất tài háo danh nên cái đám này chạy chọt, mua bài, mua công trình, giả mạo tài liệu, ăn cắp công trình, chôm chỉa kiến thức…, ôi thôi biết làm sao nói cho hết. Đóng góp “to lớn” duy nhất của họ có lẽ là công ăn việc làm cho cái phố “mua bán luận văn” ở Hà Nội mà thôi.

Nhưng họ đâu đã chịu dừng lại ở đó. Những con người khi mất lòng tự trọng thì có chuyện gì mà chẳng làm, cho dù là xấu xa nhất.

Khi danh xưng “TS” đã trở nên rẻ tiền, thì cuộc đua của những kẻ háo danh lại tiến thêm một bước mới. Đó là danh xưng “viện sĩ hàn lâm” mà một thời rộ lên mạnh mẽ trong giới “trí thức” ở Hà Nội. Cái vụ này chỉ xẹp đi khi có người phát hiện ra rằng để làm một “viện sĩ hàn lâm” chỉ tốn vài trăm đô một năm mà thôi.

Có lẽ, đã đến lúc một cuộc đua mới xuất hiện. Trò háo danh chưa dễ gì kết thúc. Rồi mai mốt đây cả Hà Nội sẽ nhốn nháo cả lên để lo chạy chọt được khắc lên bia đá. Tôi đã tưởng tượng ra cảnh người ta huy động hàng đoàn xe cộ lên Trường Sơn để khai thác đá về làm bia…

Cũng như lòng tham vốn không đáy, cái háo danh kia cũng chẳng có đỉnh. Xã hội này vốn đã quặt quẹo, bệnh hoạn nhiều rồi nên nếu thêm cái trò kia vô nữa thì chắc cũng chẳng sao đâu…

© 2008 talawas

Phan Khôi - Người “thợ cày trên cánh đồng chữ”

Xuân Đỗ
Phan Khôi - Người “thợ cày trên cánh đồng chữ”
(121 năm ngày sinh Phan Khôi 06.10.1887)
 
Là kẻ hậu sinh, tôi biết Phan Khôi là một nhà Nho duy tân, một nhà Tây học uyên bác, một nhà văn hóa biết hội nhập, một “người phu chữ” thích làm giàu tiếng Việt, một người suốt đời đi tìm sự thật, thích tranh luận nhưng biết phục thiện. Nhìn lại các danh sĩ, danh nhân Quảng Nam mà đặc biệt là “tứ kiệt Quảng Nam” (Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp, Trần Cao Vân, Huỳnh Thúc Kháng), thì Phan Khôi có khuôn mặt đặc thù mang nhiều nét ưu tư khắc khổ. Sinh bất phùng thời trong một thời vận nước nhố nhăng, lại trải qua nhiều năm đi theo kháng chiến cứu nước, con người ông vừa mang chân dung của một thư ký hãng buôn cần mẫn, khiêm tốn, lấy nghề tay trái làm kế sinh nhai, vừa tiềm ẩn nét uy dũng của một kẻ sĩ khí tiết, nghèo không than, bại không nản, bị coi thường không giận, bị xử oan không oán, bị chèn ép không bi phẫn, sống an nhiên tự tại, quyết không khuất phục uy quyền, không đầu hàng trước cái ác, không về phe cái xấu, không thích chốn quan trường, chẳng bon chen nơi thị tứ, mà chỉ đem sở trường, sở học chăm làm cái gì đó làm di sản cho lớp hậu sinh. Từ cách nhìn này, tôi nghĩ thời gian cuối đời làm ông buồn nhất, buồn chẳng phải vì bị o ép, cách ly mà buồn vì không được viết, không được “cãi”, đàn em cùng chí hướng tứ tán, tù tội, bạn bè bạn văn xa lánh sợ liên lụy, thương cho người vợ già một đời gắn bó, chăm lo cho chồng, chia sẻ ưu tư chẳng kém gì bà vợ Tú Xương. Bà Tú Khôi là người đi sau linh cữu tiễn ông trong một ngày buồn trên đường phố Hà Nội với số người tham dự chưa quá mười, kể cả phu đòn (theo báo Văn nghệ thuật lại thời mở cửa). Nhưng ít ra Phan Khôi còn được an ủi hơn hai “lãnh tụ” một thời, cụ NĐD được chôn vội trong một trại binh, ông HCM muốn thiêu nhưng chưa được thiêu, lại chẳng được chôn. Nói cho ngay, về mặt chính trị Phan Khôi hình như không thuộc người của “phe” nào, mặc dù từng theo bước Phan Châu Trinh, một chí sĩ cùng quê. Cho nên nhiều nhà phê bình vẫn xếp ông là người không chịu bị ràng buộc, bởi duy vật hay duy tâm, bởi thế giới hữu hình hay vô hình, bởi quốc gia hay cộng sản. Nhưng trên hết, ông là người chỉ kính lẽ phải, chỉ chịu trách nhiệm với lẽ phải như ông thường khẳng định.

Là kẻ hậu sinh, tôi biết Phan Khôi khi thấy tên ông là chủ nhiệm của tờ Nhân văn, một giai phẩm văn chương nở muộn, chóng tàn nhưng để lại dư âm văn học gây nhiều xôn xao qua nhiều thế hệ người đọc. Lúc này tuổi đã già, nhưng tinh thần không già, từ kháng chiến về thành, dù bề bộn bao công chuyện, ông vẫn muốn khơi lên một làn gió mới cho văn học vốn bị đưa đi quá xa vào mục tiêu chính trị nhằm dùng văn học làm phương tiện phục vụ cho chế độ. Nhờ ông đứng ra chịu trách nhiệm, tờ báo đã qui tụ được nhiều tài năng trẻ, với những bài thơ đi vào huyền thoại, gieo vào lòng người cả hai bên bờ Bến Hải những xúc cảm khôn nguôi. Từ đó, học trò thế hệ tuổi tôi đã say mê những Hoàng Cầm, Hữu Loan, Văn Cao, Trần Dần, Phùng Cung, Phùng Quán... để khi quần chúng nhắc đến Nhân văn - Giai phẩm, tên tuổi Phan Khôi đã gắn liền với phong trào “Trăm hoa đua nở”, rộ lên vụ án văn học lớn nhất trong lịch sử cận đại, mà cả nửa thế kỷ sau, các nhà thơ tham gia bị vùi dập, tù tội mới được nhìn nhận, phục hồi công lao đóng góp cho văn học. Phan Khôi, với khí phách của kẻ sĩ, nhận hoàn toàn trách nhiệm trong vai chủ nhiệm, nhưng vẫn không cứu được các đàn em. Bản thân ông thoát cảnh tù nhưng chịu chung số phận như bao văn nhân, ký giả trong cảnh bị treo bút, gác kiếm, bị quản thúc, bao vây kinh tế cho đến khi âm thầm lìa đời. Ấy vậy mà thế giới biết đến tên ông lại chỉ qua sự kiện này. Trong cuốn tự điển bách khoa thế giới Encyclopaedia Britannica, mục từ Phan Khôi được ghi: “Phan Khôi, một nhà trí thức đầu đàn của Việt Nam đã khơi dậy phong trào ‘Trăm hoa đua nở’ nhằm cho phép các văn nhân học giả Việt Nam được phê bình chế độ cộng sản, nhưng do vậy mà ông bị ngược đãi cho đến cuối đời bởi Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Là kẻ hậu sinh, tôi biết Phan Khôi khi ông là dịch giả của bộ Kinh Thánh, từ đó đưa tôi vào lẽ thật, mà trong đó hai sách Thi thiênNhã ca được coi là tinh túy của toàn tập. Chỉ có tài văn thơ của ông kết hợp với kiến thức vừa thâm chữ Nho, vừa giỏi tiếng Pháp mới làm thăng hoa ý thơ trong Cựu ước, mang lại cảm hứng vô lường cho hàng triệu sinh linh khi hạt giống Tin lành nở rộ trên đất Việt, mà khởi đầu là đất Quảng Nam với những cửa khẩu Hội An, Đà Nẵng, những điểm tiếp thu các trào lưu văn hóa, tinh hoa thế giới, song hành giao lưu với các giá trị văn hóa, tín ngưỡng phương Đông. Có người nói lúc ra Hà Nội, chưa có việc làm nên ông dịch Kinh Thánh. Ông bảo dịch để học, không hiểu ông học dịch thuật hay học cái tinh túy của lẽ đạo, chỉ biết với lối dịch uyên bác và cách hành văn vừa trong sáng, bóng bảy, vừa mộc mạc, bình dân mang âm sắc quê ông, thì dù có ai hậu sinh được xếp vào bậc thầy cũng khó vượt qua. Kinh Thánh cũng được kể là một loại “Tân thư” mà nhờ hướng biển, người Nho sĩ duy tân xứ Quảng sớm có cơ hội tiếp thu và đem ra dịch để quảng bá rộng rãi cho nhiều người cùng đọc. Nhiều tín đồ ngoan đạo mang ơn ông về bản dịch tiếng Việt, nhờ nó mà họ được đọc, được học, được cảm nhận lời dạy của Đấng Cứu thế bằng ngôn ngữ mẹ, đưa ý văn, ý thơ, ẩn dụ, phép màu đi thẳng vào lòng người, nên trong số họ nhiều độc giả kể cả tôi đã cầu xin Đấng Chí tôn đưa ông vào nẻo thiên đàng dù ông là người ngoại đạo.

Là kẻ hậu sinh, tôi biết ông là tác giả bài thơ “Tình già” mở đầu cho phong trào Thơ Mới, một bước đột phá cho phong cách thi ca thoát ra khỏi sáo mòn, ước lệ, làm giàu cho ngôn ngữ Việt. Chỉ với một bài thơ, ông đã được coi là nhà thơ có hạng, chỉ với “Tình già” mà phong cách thơ ông có sức thuyết phục sau những xao động, phản hồi, bình phẩm của dư luận, để rồi theo dấu chân ông, nhiều tài năng chớm nở, nhiều tác phẩm ra đời với lời thơ rành rọt, ý thơ trong sáng, vẫn óng ánh như sương mai trên lá, vẫn thơm mát như hương bưởi bên vườn, góp phần làm phong phú cho lãnh vực thi ca hậu bán thế kỷ hai mươi. Nhớ lại hồi còn trẻ khi đọc bài này, chưa thấy hay, vì mải mê những áng thơ tình lãng mạn tuổi học trò, nay tuổi đời nhìn lại, đọc thơ tình già tôi mới thấy hết cái thâm thúy và cách tân của nó.

Là kẻ hậu sinh, tôi biết Phan Khôi là “người-hay-cãi”, luôn tranh luận về nhiều đề tài thuộc nhiều lãnh vực, nhưng chẳng phải là chuyện bá vơ, mà toàn là chuyện giúp ích dân sinh, nâng cao dân trí, gây kinh động một thời trong thi giới văn đàn, trên sân chơi chính luận, lấy diễn đàn làm nơi biện chứng, lấy quần chúng làm giới trọng tài, lấy lương tâm làm thước đo thiện chí, từ đó nảy sinh nhiều tư tưởng, xu hướng mới lạ trong thi ca (Thơ Mới, thơ cũ), trong ngôn ngữ (Quốc học), trong luân lý (Truyện Kiều), trong lối sống (Nho giáo), trong thể chế (phong kiến), trong tâm linh (duy vật, duy tâm)... nhằm tìm ra sự thật, khẳng định cho cái phương thức “tranh cãi là mẹ của chân lý” (nếu dân gian có câu “Quảng Nam hay cãi” thì chữ cãi cần hiểu theo nghĩa này). Nhờ ông mở màn, ra quân đọ bút mà quần chúng mới được biết thêm tài năng hùng biện, kỹ xảo biện luận, thi tứ bậc thầy của những cao thủ như Trương Tửu, Phạm Quỳnh, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, những Ngô Tất Tố, Tản Đà, Trần Trọng Kim, Trần Huy Liệu...

Là kẻ hậu sinh, tôi biết Phan Khôi là nhà văn, sở trường về truyện ngắn và ký sự. Ông hay đưa cái “thâm” của các vị đồ Nho vào cốt truyện, đặc biệt khi cần đả phá các hủ tục hay thói lạm dụng quyền lực của kẻ cầm quyền. Thậm chí trong một ký sự, ông dám ví von loại cỏ đuôi chó vùng biên giới để đổi thành “hoa cụ Hồ” khi loại hoa này nở rộ trên vùng Pắc Bó, sau khi Bác về nước. Ngòi bút của ông mạnh đến nỗi chỉ vì một truyện ngắn “Ông Năm Chuột” mà tờ báo văn học mang tên Văn mới ra số đầu đã bị đóng cửa, vì qua nhân vật Năm Chuột ông đã động đến lông chân các vị sâu dân mọt nước! Nhưng nói đến văn chương chữ nghĩa thì Phan Khôi vẫn là quán quân trong lãnh vực sưu tầm, trong bảo tồn, làm giàu cho ngữ Việt. Chẳng vậy mà trong những năm kháng chiến tại núi rừng Việt Bắc, dù trong các điều kiện kham khổ, thiếu thốn, ông vẫn miệt mài làm công tác nghiên cứu về ngữ học Việt Nam để tác phẩm cuối cùng là quyển Việt ngữ nghiên cứu kịp ra đời khi đất nước đình chiến. Quả không ngoa khi có người gán cho ông danh hiệu, “thợ cày trên cánh đồng chữ”, mà kẻ hậu sinh viết bài này xin dùng để vinh danh ông vì ông đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng ngữ pháp Việt Nam nói riêng và ngôn ngữ Việt Nam nói chung. Người thợ cày Phan Khôi luôn gắn bó miệt mài với cánh đồng chữ, sới đất gieo trồng, kể cả lúc mưa sa gió táp, với hoài bão mang lại mùa gặt bội thu vì sự trong sáng của tiếng Việt.

© 2008 talawas

Một bóng ma đang ám ảnh Việt Nam

Trần Trung Đạo
Một bóng ma đang ám ảnh Việt Nam
(Sau khi đọc những bài viết xung quanh “Các Mác – Một tình yêu bao la” của nhiều tác giả trên talawas)
 
Thành thật mà nói, ngay trước 1975 ở miền Nam, tôi đã thích đọc các tác phẩm của Marx, Engels cũng như những tác phẩm phê bình họ, một phần vì thích tìm hiểu những hệ thống tư tưởng mới nhưng quan trọng hơn vì một nửa dân tộc tôi bên kia sông Bến Hải đang bị chi phối bởi hệ ý thức đó. Mỗi lần nhìn lên tấm bản đồ thế giới là tôi tự hỏi, chủ nghĩa Marx là gì mà chỉ trong một thời gian ngắn, gần một nửa dân số và một nửa đất đai trên thế giới đã rơi vào quỹ đạo kiểm soát của ý thức hệ này.

Thế nhưng, muốn là một chuyện mà có để đọc hay không là chuyện khác. Sách của Karl Marx không được dịch và phát hành công khai tại miền Nam. Các tác phẩm của Marx, Lenin bằng ngoại ngữ, nếu có cũng chỉ là tài liệu nghiên cứu riêng của các cơ quan chính quyền chuyên môn hay của các giáo sư đại học chứ không được bày bán ngoài công chúng. Có một cuốn sách của giáo sư Trần Văn Toàn, Tìm hiểu triết học Karl Max, nhưng dùng nhiều thuật ngữ triết học và quá khó hiểu so với trình độ học sinh trung học như tôi. Các sách giáo khoa cấp đại học đều trình bày rất tổng quát và dè dặt về chủ nghĩa Marx ngay cả trong khi phê bình ý thức hệ này. Tôi vẫn nhớ thầy Vũ Quốc Thông khi dạy môn Luật hiến pháp cho sinh viên năm thứ nhất chúng tôi, đã dùng chữ “chủ nghĩa tập sản” thay cho “chủ nghĩa cộng sản” và thầy Trần Văn Tuyên dạy môn Chính trị học quốc nội thì kể kinh nghiệm đấu tranh vừa chống thực dân vừa đương đầu với cộng sản của thầy cũng như các đảng phái quốc gia khác, nhiều hơn là phân tích chủ nghĩa Marx. Dù sao, những kinh nghiệm sống của các thầy và các tác phẩm của Hoàng Văn Chí, Nghiêm Xuân Hồng, Trần Văn Toàn và một số tác phẩm bằng tiếng Anh khác, đã cho tôi những hiểu biết căn bản về chế độ cộng sản, một chế độ độc tài tuyệt đối không chỉ trong chính trị mà trong tất cả các lãnh vực của đời sống xã hội, cai trị đất nước bằng các phương tiện sắt máu, xóa bỏ mọi quyền tư hữu, tiêu diệt không khoan nhượng các thành phần chống đối để cuối cùng đạt tới mục tiêu xây dựng một xã hội cộng sản trên phạm vi toàn thế giới.

Tôi bắt đầu thực sự đọc Marx sau 30 tháng 4 năm 1975 và tác phẩm đầu tiên là Tuyên ngôn đảng cộng sản. Cuốn sách khá mỏng, khoảng 100 trang, in chữ nhỏ trên giấy rất xấu, từ miền Bắc gởi vào. Ngôn ngữ trong tác phẩm đúng như tên gọi tuyên ngôn nên rất khẳng định, đanh thép, câu nào cũng mang tính khẩu hiệu và mệnh lệnh. Có lẽ ngoài các tác phẩm kinh điển tôn giáo, không có một tác phẩm nào có nhiều ảnh hưởng, về mọi phương diện, đối với loài người hơn là Tuyên ngôn đảng cộng sản. Tác phẩm được dịch ra gần như tất cả thứ tiếng trên thế giới. Đối với các đảng viên đảng cộng sản, hẳn nhiên Tuyên ngôn đảng cộng sản là cuốn sách gối đầu giường, nhưng những người muốn biết chủ nghĩa cộng sản, hay chống cộng sản cũng phải đọc tác phẩm này bởi lẽ không thể nói hiểu chủ nghĩa Marx mà không đọc Tuyên ngôn đảng cộng sản.

Những năm sau đó, tôi có dịp đọc khá nhiều tác phẩm trong tuyển tập Marx-Engels, các tác phẩm về nhà nước và cách mạng, Bút ký triết học của Lenin, phương pháp lý luận về mâu thuẫn của Mao và một phần Marx-Engels toàn tập được in trên giấy trắng đẹp bìa dày do Liên Xô tặng. Tôi có cơ hội đọc về chủ nghĩa cộng sản một cách nghiêm túc từ những người đã khai sinh ra nó, và qua đó, hiểu được thế nào là thời kỳ quá độ, chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp, giá trị thặng dư, quy luật lượng chất, các hình thái kinh tế, duy vật lịch sử, duy vật biện chứng, từ nhà nước chuyên chính của giai cấp vô sản đến nhà nước tự tiêu vong, bản chất của hàng hóa, lao động sống, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, bạo lực và cách mạng, làm theo năng lực hưởng theo lao động, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu và rất nhiều, rất nhiều khái niệm, định nghĩa khác mà tôi không có cơ hội đọc trước 1975.

Tôi còn nhớ trong một giờ triết học Marx-Lenin dành cho sinh viên từ các đại học Sài Gòn chuyển sang đại học kinh tế sau 1975, khi được sinh viên yêu cầu phác họa con đường phát triển xã hội để dẫn đến chế độ cộng sản hiện đại, cán bộ giảng dạy môn kinh tế chính trị vẽ trên bảng hình một chiến nón lá với những đường kim chỉ vòng quanh và mô tả tiến trình của xã hội, từ chế độ cộng sản nguyên thủy đến cộng sản hiện đại, đã, đang và sẽ diễn ra theo dạng vòng xoáy trôn ốc từ thấp đến cao và cao vô tận. Hình thái sản xuất cộng sản khoa học là hình thái cao nhất và cuối cùng của loài người. Thoạt nhìn hình vẽ, tôi có cảm tưởng đó là một ngọn núi cao đầy đá nhọn và dân tộc Việt Nam còm cõi đang từ chân núi bò lên đỉnh cao hút mắt. Xã hội cộng sản khoa học hiện đại trong lý luận của Marx sẽ gồm toàn những bậc Bồ tát tu luyện đến trình độ hoàn toàn tự giác và những bậc thánh nhân bác ái vị tha làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Dù có đến được cũng phải đổi bằng hy sinh gian khổ của bao nhiêu thế hệ Việt Nam, đừng nói chi chỉ là một xã hội được Marx phát họa từ việc quan sát các biến động của nền kinh tế Đức, một nền kinh tế mà theo Marx, mức độ xã hội hóa của nó cao đến mức được xem như là “đêm trước của cách mạng” vô sản. Thật ra, so với sự phát triển kinh tế toàn cầu ngày nay, “đại tư sản Đức” như Marx gọi, chỉ là giai đoạn đầu của kinh tế tư bản.

Con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản quả chẳng khác gì đường lên trời.

Nhận xét về chủ nghĩa Marx thì vô số. Một số người cho rằng học thuyết Marx bắt nguồn từ lý tưởng rất nhân đạo nhằm giải phóng con người ra khỏi các hình thức người bóc lột người để hướng tới một xã hội không giai cấp, ở đó con người thật sự làm chủ cá nhân và xã hội một cách tự giác, tiếc thay lý tưởng đó đã bị những tên độc tài lợi dụng.

Hẳn nhiên cũng rất nhiều tác phẩm phê bình quan điểm Marx, đặc biệt trong lãnh vực triết học và kinh tế học, cũng như các phương pháp luận ông đã dùng để giải thích thế giới.

Trong bài viết ngắn này, tôi không có ý định tóm tắt quan điểm ủng hộ hay phê bình Marx, vì đơn giản sẽ quá dài và quá nhiều. Tôi chỉ nhắc đến một điều không thể chối cãi, rằng học thuyết của Marx đã giúp cho Lenin, Stalin, Mao, Kim Nhật Thành, Pol Pot, Hồ Chí Minh, Nicolae Ceausescu, Erich Honecker v.v… những cơ sở lý luận, những phương tiện tư tưởng cần thiết để xây dựng các chế độ độc tài tàn bạo tại các quốc gia họ.

Người đời có thói quen kết án Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot đã gây ra tội ác tày trời đối với nhân dân Liên Xô, nhân dân Trung Quốc, dân tộc Khmer. Chuyện đó không có gì mới lạ. Tội ác của họ bỏ xa mức độ dã man được mô tả trong các tội trạng cấp đại hình. Tuy nhiên, làm thế nào một nông dân có gốc gác bình thường, nếu không muốn nói là hiền lành như Mao lại có thể trở thành sát nhân của mấy chục triệu dân Trung Quốc?

Khác với Mao nghèo nàn, Pol Pot là con của một điền chủ giàu có, được gởi sang Pháp ăn học, được bạn bè nhớ lại như một người nhã nhặn, lịch sự và được gọi là trí thức trong xã hội Khmer còn chậm tiến lúc bấy giờ, nhưng sau khi nắm chính quyền đã giết hai triệu dân Khmer bằng búa, dao và những cách giết người tàn bạo hơn cả trong thời Trung Cổ.

Không cần phải nghiên cứu tâm lý xã hội sâu xa và phức tạp, phần kết luận của Tuyên ngôn đảng cộng sản do Marx viết năm 1847, sẽ trả lời các thắc mắc nêu trên: “Họ (những người cộng sản) công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành. Mặc cho các giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc Cách mạng Cộng sản chủ nghĩa! Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới”.

Câu kết luận đó cũng xác nhận rằng tại Trung Quốc nếu không có Mao này thì rồi cũng có Mao khác, ở Liên Xô không có Stalin này thì rồi cũng có Stalin khác mà thôi, và Pol Pot ra lịnh giết người bằng búa không phải là một Pol Pot nhã nhặn, lịch sự mà bạn học còn nhớ, mà là một Pol Pot đã nghiên cứu tư tưởng Marx-Lenin trong thời gian học ở Pháp. Tôi có thể trích dẫn hàng trăm câu Marx cổ võ cho sự tiêu diệt không khoan nhượng bằng bạo lực các giai cấp đối nghịch với quyền lợi của giai cấp vô sản trong các tác phẩm khác của Marx. Nhưng trong điều kiện Internet ngày nay, việc làm đó có thể không còn cần thiết.

Bàn thêm về nhân đạo. Đối với chủ nghĩa Marx, tình yêu không điều kiện được nhấn mạnh trong kinh điển các tôn giáo chỉ là những lời lừa gạt, ru ngủ, là những giọt nước cá sấu của giai cấp tư sản. Tình yêu trong quan điểm Marx phải gắn liền với tình yêu giai cấp. Người cộng sản không thể có tình yêu sâu đậm dành cho giai cấp bị bóc lột nếu không có lòng căm thù sâu hơn đối với giai cấp bóc lột. Hành động giết người, vì thế, không chỉ thể hiện lòng căm thù giai cấp mà còn thể hiện tình yêu và lòng trung thành đối với giai cấp vô sản. Điều đó giải thích cho chúng ta hiểu tại sao Pol Pot không hề có một chút xót thương cho đồng bào cùng máu mủ của mình, cũng như theo ông Nguyễn Minh Cần, lúc đó là Thường vụ Thành ủy Hà Nội, viết trong bài “Xin đừng quên nửa thế kỷ trước”: “Trong suốt thời gian Cải cách ruộng đất, ông Hồ, với tư cách là Chủ tịch nước, chưa hề ký một lệnh ân xá nào cho một ai bị án tử hình.”

Nếu đồng ý với Ignazio Silone “Cách mạng giống như cây, phải được phán xét từ trái của nó”, thì ai cho rằng chủ nghĩa Marx là chủ nghĩa nhân đạo chẳng khác gì chỉ chê cái quả thối mà không trách cây hư.

Những con số và tài liệu được ghi lại trong tác phẩm dày 858 trang, The Black Book of Communism (Sách Đen về chủ nghĩa cộng sản) của sáu sử gia quốc tế, bản tiếng Anh do Harvard University Press phát hành tại Mỹ, cũng như trong nhiều tác phẩm phê bình chủ nghĩa Marx khác, cho chúng ta thấy rằng để nhận xét một hệ thống tư tưởng là nhân đạo hay phi nhân, không phải chỉ dựa vào những lời rao giảng, từ mục đích do những người sáng lập phác họa ra, mà từ những phương tiện mà ý thức hệ đó cổ võ và hậu quả do ý thức hệ đó gây ra.

Câu nói của Marx trong Tuyên ngôn đảng cộng sản: “Công nhân không có tổ quốc” một thời gây tranh luận giữa những người cho rằng người cộng sản là vô tổ quốc và những người cộng sản đang phát động các cuộc chiến tranh dưới chiêu bài “giải phóng dân tộc”. Dù họ có tổ quốc đi nữa thì tổ quốc cũng chỉ là bàn đạp, là đầu cầu chứ không phải là mục đích. Dân tộc không phải là một khái niệm chỉ những người cùng huyết thống, cùng chia sẻ một dòng của lịch sử và cùng nỗ lực cho một tương lai tươi đẹp cho các thế hệ con cháu mai sau, mà đơn giản chỉ là chính quyền như Marx viết trong Tuyên ngôn đảng cộng sản: “Vì giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình giành dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu.”

Từ khi Tuyên ngôn đảng cộng sản ra đời năm 1848 cho đến khi bức tường Bá Linh bị đập đổ vào 1989, khoảng gần 100 triệu người từ nhiều quốc gia đã bị giết.

Cả một hệ thống cai trị được xây dựng trên hệ tư tưởng của Marx, một thời tưởng như không có một hệ thống nào kiên cố hơn đã sụp đổ trong một thời gian ngắn. Quả thật như một chân lý hiển nhiên và đơn giản, không bạo lực nào có thể tồn tại mãi mãi.

Câu “bóng ma chủ nghĩa cộng sản” mà Marx đã dùng để thách thức quyền lực của các nhà nước tư sản giữa thế kỷ 19, đã trở thành bóng ma của quá khứ. Một trăm năm chục năm sau ngày công bố Tuyên ngôn đảng cộng sản, nơi yên nghỉ của Marx tại nghĩa địa High Gates ở ngọai ô London cũng đã nhiều lần được chọn để làm ngoại cảnh cho những cuốn phim ma. Nhắc đến mộ của Marx, tôi chợt nhớ, cách đây không lâu, tình cờ đọc một bản tin ngắn gởi đi từ Anh nhân ngày sinh nhật của Karl Marx, 5 tháng 5. Bản tin không nhằm tường thuật buổi lễ mừng sinh nhật của ông tổ cộng sản vốn thường được tổ chức tưng bừng tại các quốc gia cộng sản mà từ ông quản lý nghĩa địa High Gates, nơi có ngôi mộ của triết gia cộng sản này. Trong bản tin, người quản lý nghĩa địa High Gates than phiền rằng ông không có một ngân khoản nào để mướn người cắt cỏ hoang trong nghĩa trang rộng 36 mẫu. Bản tin cũng nhắc lại, trong sinh nhật đầu tiên sau khi Liên Xô tan rã, trên mộ của Marx chỉ có một vòng hoa rất đơn sơ của một nhóm đảng viên cộng sản Anh với hàng chữ viết trên mảnh vải vắt ngang: “Chúng tôi vẫn giữ vững niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản”. Nhưng rồi, những năm sau đó thì không còn ai đến nữa kể cả những người vừa thề thốt “Giữ vững niềm tin”. Từ sau khi Liên Xô và hệ thống cộng sản thế giới sụp đổ không còn ai buồn thăm viếng mộ Marx, và đương nhiên cũng không còn ai đóng góp tiền bạc để chăm sóc mộ Marx.

Thế nhưng, còn có một nơi, bóng ma theo nghĩa bóng mà Marx ám chỉ trong Tuyên ngôn đảng cộng sản lại là một bóng ma thật và còn đang ám ảnh trong nhiều lãnh vực của đời sống xã hội. Nơi đó là Việt Nam.

Những phó sản của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam còn đầy dẫy: cơ chế chính trị độc tài, nền kinh tế lạc hậu, xã hội sa đọa, đạo đức suy đồi, hiện tượng sùng bái cá nhân, thói quen suy tôn lãnh tụ, lừa dối nhân dân, bưng bít có chủ trương, đổ thừa có hệ thống.

Vì giới hạn của bài, tôi chỉ muốn nói đến một phó sản mà tôi cho là quan trọng nhất, đó là sự lừa dối nhân dân trên đất nước chúng ta. Tôi tin nếu một ngày những sự bưng bít và lừa dối nhân dân Việt Nam không còn nữa, các thế hệ Việt Nam được quyền sống như những con người tự do, không còn sợ hãi, thấy được sự thật thì độc tài, lạc hậu sẽ tức khắc bị loại bỏ.

Vì tác giả Đông La dùng tựa bài “Các Mác – Một tình yêu bao la”, dựa theo tên bài hát “Bác Hồ, Tình yêu bao la” của Thuận Yến nên tôi cũng dùng tựa bài hát “Bác Hồ, Tình yêu bao la” để phân tích vài điểm về tính lừa dối có chủ trương và hệ thống đang tồn tại tại Việt Nam.

Tôi biết rất đông người Việt trong nước vẫn còn tin rằng “Bác Hồ” của họ có một “tình yêu bao la” dành cho dân tộc Việt Nam, tương tự như Marx đã có một “tình yêu bao la” dành cho nhân lọai. Tin hay không tin là quyền của mỗi người, điều đó không có gì phải bàn, tuy nhiên tôi thắc mắc làm thế nào để biết ông Hồ có “tình yêu bao la” trong khi tất cả những gì đại đa số người Việt đang sùng bái ông Hồbiết về ông ta đều chỉ qua những dữ kiện, tài liệu do Đảng bào chế, gạn lọc và giảng dạy?

Bộ máy tuyên truyền của Đảng bắt 80 triệu người dân Việt, từ một em bé vừa tập nói cho đến cụ già đang mất dần trí nhớ, phải học thuộc, phải tin, phải lặp đi lặp lại những khẩu hiệu, những lời sùng bái, ca tụng ông Hồ cho đến khi chúng được ghi sâu vào ý thức của con người, trở thành một phần thiêng liêng trong đời sống đạo đức và tình cảm của con người.

Là con người, dù người Mông Cổ, người Anh hay người Ý, cũng đều có cha mẹ, ông bà, nội ngoại nhưng người Việt Nam khác với người Mông Cổ, người Anh, người Ý một điểm, ngoài các tôn ti trật tự trong gia đình mà ai cũng có, người Việt lại còn có thêm một “Bác” nữa. Tôi cam đoan nếu một đề thi tuyển đại học hỏi về “Tình yêu bao la” của ông Hồ, tất cả bài trả lời của học sinh trung học tại Việt Nam đều sẽ giống hệt nhau. Những tài liệu, những khám phá khác, dù chưa hẳn xấu, đều bị ngăn cấm xuất bản, tịch thu và tác giả của tài liệu đó bị trù dập đến nỗi không ngóc đầu lên được.

Một sinh viên năm đầu cũng biết phương pháp căn bản của mọi nghiên cứu khoa học là hoài nghi, đặt vấn đề, phản đề, đối chiếu, phân tích và tổng hợp. Nếu đồng ý như thế thì bao nhiêu người Việt Nam hiện nay, có quyền hoài nghi một cách công khai về cuộc đời và sự nghiệp của ông Hồ, có quyền so sánh những gì họ học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa với những công trình nghiên cứu độc lập khác, có quyền nói lên điều họ không đồng ý?

Trước ngày 25 tháng 12 năm 1989, ngày mà Nicolae Ceausescu và vợ là Ela Ceausescu bị chính quyền cách mạng quyết định đem ra xử bắn về tội diệt chủng, bỏ đói đến chết hàng ngàn trẻ em, tàn phá tài sản đất nước v.v…, tuyệt đại đa số nhân dân Romania vẫn tin ông ta chính là thiên tài của tất cả dân tộc vùng Trung và Đông Á (Genius of the Carpathians) và hẳn cũng có nhiều người dân Romania đã tin Nicolae Ceausescu có một “tình yêu bao la” sâu đậm dành cho dân tộc Romania như được mô tả trong bức hình vợ chồng Nicolae Ceausescu đứng giữa đám trẻ em bụ bẫm có đôi cánh thiên thần đang bay về phía bình minh cộng sản được trịnh trọng trưng bày trên khắp các công viên lớn.
Giống như Nicolae Ceausescu, hình ảnh Mao Trạch Đông vẫn còn được xem như một người có “tình yêu bao la” dành cho nhân dân Trung Quốc. Qua bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Mao biểu tượng cho đức tính khiêm cung, đơn giản, là tấm gương đạo đức xã hội chủ nghĩa mà hàng tỉ dân Trung Quốc phải soi. Những tấm ảnh của Mao chụp chung với đám nhi đồng choàng khăn đỏ, được trưng bày trong viện bảo tàng đều là hình ảnh của một nông dân chất phát, hiền hòa, luôn có một nụ cười nhân hậu. Nhưng qua hồi ký của bác sĩ Li Zhisui, bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông, Mao là một kẻ hoang dâm vô độ, làm tình không những với các cô gái trong các đoàn văn công quân đội mà còn mò mẫm ngay cả các cậu cận vệ trẻ tuổi đẹp trai phục vụ cho Mao: “Tình dục của Mao không chỉ thể hiện với nữ giới mà thôi. Những thanh niên phục vụ cho Mao cũng phải đẹp trai và mạnh khỏe và một trong những nhiệm vụ của họ là đấm bóp cho Mao hàng đêm như một cách giúp cho Mao dễ ngủ. Trong việc nắn bóp, Mao đòi hỏi cả háng của y cũng phải được nắn bóp. Vào năm 1960, một thanh niên phục vụ Mao không chịu làm công việc nầy và xin chuyển công tác. Trước khi đi y thổ lộ với tôi "Ðó là công việc của đàn bà chứ không phải đàn ông." Sau đó, tôi cũng đã chứng kiến một dịp khác xảy ra trên xe lửa vào năm 1964, trong lúc một nam phục dịch chuẩn bị chỗ ngủ cho Mao thì Mao vồ lấy anh thanh niên để mò mẫm và ráng kéo anh ta vào giường ngủ của y.” (The Private Life of Chairman Mao của Dr. Li Zhisui, trang 358-359).

Tưởng cần nhắc lại, bác sĩ Li là một bác sĩ chuyên nghiệp, vào Đảng Cộng sản sau khi lục địa Trung Quốc bị nhuộm đỏ, không quan tâm đến chính trị, được trọng vọng trong suốt thời kỳ Mao cai trị, không hề bị thất sủng, không bị bắt bớ, giam cầm hay hành hạ trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Trở lại với Việt Nam. Tôi đọc khá nhiều bài viết về “cách mạng tư duy” hay cổ võ cho “tinh thần Thánh Gióng” của nhiều người trong nước, đặc biệt những người trẻ đang sinh họat trong guồng máy của Đảng. Tuy nhiên cho đến nay, ngoại trừ các nhà phản kháng nằm ngoài hệ thống Đảng, chưa ai dám thách thức vai trò chủ đạo của Đảng Cộng sản trong tiến trình cách mạng tư duy đó. Trong lúc tôi thông cảm với các tác giả, những người vừa mang khát vọng phục hưng đất nước lại vừa khó có thể từ bỏ ân huệ bổng lộc của chế độ ban cho, tôi vẫn tin sự can đảm là đức tính cần phải có của một người trí thức.

Đặc tính của mọi cuộc cách mạng là triệt để và cách mạng tư duy cũng không thoát khỏi quy luật đó. Nếu không, đó chỉ là những cải cách nửa vời, vá víu, sáo rỗng. Chống tham nhũng không phải là một hình thức cách mạng tư duy vì tham nhũng sẽ không bao giờ bị tận diệt nếu các điều kiện tạo ra tham nhũng còn tồn tại. Làm thế nào để trong sạch hóa chính quyền khi các cơ quan nhà nước (hành pháp, lập pháp và tư pháp) không có sự phân quyền, độc lập và kiểm soát lẫn nhau? Làm thế nào để trong sạch hóa xã hội khi sinh mạng của hơn 80 triệu người tập trung trong tay của một nhóm vài chục người?

Trong lúc ở một phần lớn thế giới, chủ nghĩa cộng sản đã là bóng ma của quá khứ, học thuyết Marx chỉ còn trong thư viện nghiên cứu, hàng triệu học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn phải tụng một cách từ chương mỗi ngày những khái niệm, những định nghĩa, những giá trị đã lỗi thời. Con đường dân tộc đang đi, tuy không còn nghe tiếng bom rơi, đạn hú nhưng có nhiều tiếng xiềng xích khua vang, tiếng người rên siết. Đất nước Việt Nam tuy không còn những đại lộ kinh hoàng, những cánh đồng nhuộm máu, nhưng đã mọc lên thêm rất nhiều nhà tù và sân bắn, các thế hệ Việt Nam măng non của hai miền vẫn tiếp tục lớn lên trong hận thù và nghi kỵ lẫn nhau.

Cuộc chiến tranh bằng súng đạn gắn liền và phục vụ cho quyền lợi của các đế quốc Mỹ, Liên Xô, Trung Cộng trên quê hương Việt Nam đã chấm dứt hơn 30 năm, nhưng một cuộc chiến tranh mới, khó khăn, gian nan và làm tiêu mòn sinh lực dân tộc hơn nhiều cũng bắt đầu ngay từ hôm đó. Cuộc chiến mới không phải riêng của nhân dân miền Nam hay nhân dân miền Bắc, không phải riêng của người Việt trong nước hay người Việt hải ngọai, không phải của những người từng bị chế độ cầm tù hay những người một thời chiến đấu trong hàng ngũ Việt Minh. Cuộc chiến mới là của dân tộc Việt Nam chống lại ý thức hệ ngọai lai xâm lược.

Nhìn lại quá trình du nhập chủ nghĩa Marx vào Việt Nam, chúng ta sẽ thấy cuộc chiến đấu mới sẽ rất khó khăn, bởi vì kẻ thù của một người Việt Nam trong cuộc chiến mới không phải mắt xanh, mũi cao, da trắng, không phải ai xa lạ mà nhiều khi lại là quá khứ của chính người đó. Từ bỏ thói quen cà-phê, thuốc lá đã là khó đừng nói chi từ bỏ cả một phần đời đầy kỷ niệm có tất cả những đau thương và hạnh phúc, có vui và buồn, có những phút vinh quang và có cả những vết thương còn hằn sâu trên thân thể, không phải là chuyện dễ dàng.

Tôi thường nói vui với bạn bè, quyết định ẵm cô gái đẹp xuống ghe thì dễ nhưng để cô ta lại trên bờ bên kia và ra đi trong an nhiên tự tại mới là chuyện khó. Bao nhiêu người trong số hàng trăm ngàn người Việt chiến đấu trong hàng ngũ Việt Minh để giải phóng dân tộc trước 1954 thấy được sự khác nhau giữa chiếc ghe cộng sản giúp cho họ qua sông và chiếc ách cộng sản đã và đang nhiễm trùng sâu xa trong cổ họng của dân tộc mình. Rất ít. Và cho dù thấy được cũng chưa bao nhiêu người dám bỏ ra đi, đừng nói chi là chống lại. Có lẽ ngoại trừ ông Trần Xuân Bách, người duy nhất nhắc đến khái niệm dân chủ hóa, dù để cứu Đảng, trong khi ông còn là một Ủy viên Bộ Chính trị, hầu hết các nhà phản kháng thuộc thế hệ 1945 chỉ nói đến dân chủ tự do khi trong tay không còn một tấc sắt.

Nói như thế không có nghĩa là tôi không kính trọng các nhà phản kháng cao niên trong nước hiện nay. Tôi kính trọng họ vô cùng. Các chú các bác đã dám nói lên những điều mà ít ai dám nói. Yêu nước không bao giờ sớm và cũng chẳng bao giờ trễ. Nói lên một tiếng nói yêu nước, dù trong lúc tàn hơi, trong tuổi về già vẫn còn hơn những người khác, trẻ hơn, có học hơn mà chỉ chỉ biết ngậm miệng ăn tiền, nhắm mắt làm ngơ trước nỗi bất hạnh của dân tộc mình.

Cách đây năm tháng, tôi đến đại học Harvard để nghe cụ Hoàng Minh Chính nói chuyện. Ngồi nhìn cụ già 80 tuổi, mái tóc bạc phơ, thân thể ốm o, khuôn mặt xương xẩu, mang bịnh nặng trong người mà vẫn cố gióng lên khát vọng tự do dân chủ cho dân tộc mình, tôi rất xúc động và cũng tự cảm thấy hổ thẹn vì tôi còn trẻ hơn ông rất nhiều. Dù sao, tôi đã đến. Tôi đến không phải để nghe cụ Hoàng Minh Chính nói về Tuyên ngôn đảng cộng sản hay bàn về Phê phán cương lĩnh Gotha của Marx, mà đến để cám ơn cụ và qua cụ cám ơn những nhà phản kháng khác trong nước. Cụ có thể không làm mới hơn trong tôi những lý luận, kiến thức về chủ nghĩa Marx nhưng chắc chắn cụ đã làm ấm hơn trong lòng tôi niềm tin vào tương lai dân tộc.

Rồi mai đây nước non ngàn dặm, cát bụi vô thường, cụ Hoàng Minh Chính sẽ ra đi và tôi cũng sẽ ra đi nhưng có một điều tôi tin, dân tộc Việt Nam có những bô lão như cụ Hoàng Minh Chính, cụ Hà Sĩ Phu, bác sĩ Nguyễn Đan Quế và những người trẻ hơn như các anh Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình, Đỗ Nam Hải, dân tộc Việt sẽ sớm phục hưng.

Lịch sử Việt Nam như một dòng sông, bốn ngàn năm đã chảy qua bao nhiêu thăng trầm ghềng thác nhưng phải tiếp tục chảy, chảy cho ngày mai, chảy cho các thế hệ Việt Nam mới, được lớn lên trong thương yêu đoàn kết, dù phải vượt qua nhiều thác ghềng đang đợi chờ phía trước.

© 2006 talawas

Lừa dối là phương tiện duy nhất để tồn tại trong xã hội Cộng Sản.

Một ngày hè như thế này 29 năm trước, người anh cùng sở làm và cũng cùng quê Đà Nẵng ghé qua hỏi tôi có thích đi Côn Đảo một chuyến với anh. Không giống như khi được các anh chị khác rủ đi thăm miền bắc trong những lần họ nghỉ phép về thăm nhà mà tôi đã từ chối trước đây, Côn Đảo có một hấp lực cực mạnh khiến tôi gật đầu không chút gì ngần ngại. Chiếc ghe vượt biên anh đóng sắp hoàn tất và đã hứa dành cho tôi một chỗ. Nghĩ đến việc ra đi không hẹn ngày trở lại, thăm Côn Đảo là dịp hiếm hoi không thể bỏ qua. Côn Đảo là đất lịch sử của cách mạng Việt Nam, điểm hẹn của những tâm hồn yêu nước và cũng là nơi nhà cách mạng Phan Chu Trinh từng tả “Bốn mặt dày vò oai sóng gió / Một mình che chở tội non sông” trong bài thơ “Đập đá Côn Lôn” nổi tiếng của ông. Người anh cùng sở làm lo hết các phương tiện cần thiết, và như thế chúng tôi đi. Anh có vài việc phải đi, còn tôi chỉ đi theo cho biết chứ không làm gì cả.
Khi anh làm xong việc, thời gian còn lại anh em chúng tôi đi vài nơi trên đảo. Côn Đảo ngày chúng tôi đến còn rất hoang vắng. Những khu tù chính trị đã giải tán từ lâu. Tù chính trị mới không bị đưa ra đây mà vào Chí Hòa, Phan Đăng Lưu hay các trại tù miền Bắc. Các khu trại giam Côn Đảo đã trở thành một viện bảo tàng nhưng ít có người thăm. Bên cạnh những xà lim nơi các đảng viên Cộng sản cấp trung ương từng bị giam giữ, Côn Đảo còn có những khu nổi tiếng vì được báo chí phản chiến Mỹ và Việt khai thác tận tình như chuồng cọp, chuồng bò. Khu chuồng cọp được xây từ thời thực dân, cũ kỹ, kích thước rộng bằng những lớp học nối tiếp nhau. Đặc điểm của khu chuồng cọp là phòng giam không có mái che mà chỉ có những bờ tường dày và thanh sắt lớn. Chị coi sóc ở đây, vốn là một tù nhân Côn Đảo, cho biết trên bờ tường dựng sẵn nhiều thùng vôi bột, nếu tù nhân la ó, phản đối, trật tự tù sẽ đổ vôi xuống.
Trên đường ra về  chúng tôi đi theo chị coi sóc nhà tù đến nghĩa địa Hàng Dương. Nắng đã dịu nhiều. Mặt trời đang xuống dần bên kia đỉnh núi. Được gọi là Hàng Dương có lẽ vì chung quanh nghĩa địa có rất nhiều dương liễu. Nghĩa địa có nhiều khu. Mỗi khu có vài trăm ngôi mộ. Chị trịnh trọng giới thiệu một ngôi mộ mà chị gọi là rất linh thiêng: mộ chị Võ Thị Sáu. Tôi không biết gì nhiều về chị Sáu ngoài bản nhạc bắt đầu với “Mùa lêkima nở, ở quê tôi miền đất đỏ” và đọc đâu đó chuyện chị bị xử bắn khi còn trong tuổi vị thành niên. Tấm bia trên mộ chị Sáu hướng về phía biển và nỗi bật lên vì ngày đó đã được xây cao hơn các ngôi mộ khác. Phía sau mộ chị Sáu có một cây dương liễu cụt ngọn, cằn cỗi, trên tàn cây có những chồi xanh nhú lên. Việc một cây bị chặt ngọn nên sinh ra những nhánh non là chuyện bình thường nhưng qua lời giải thích của chị hướng dẫn thì đó là một điều kỳ diệu, một dấu chứng linh thiêng, điềm báo của một cái cũ tàn đi nhưng những cái mới ra đời. Ngay cả một cây dương liễu cũng được giải thích bằng lý luận và niềm tin Cộng Sản.
Anh tôi không thích cảnh nghĩa trang buồn tẻ nên đã đi dạo nơi khác. Cả chị hướng dẫn cũng đi ra ngoài. Tôi ngồi một mình nhìn mấy trăm ngôi mộ, có tên và không tên, được đắp và không được đắp, cao thấp không đều. Bên cạnh một số mộ có bia, tên tuổi và vừa được chỉnh trang, hẳn là của các đảng viên Cộng sản cao cấp, rất nhiều ngôi mộ không có ngay cả tấm thẻ gỗ ghi tên, cỏ mọc đầy sau nhiều năm chưa được một lần chăm sóc. Phần lớn các ngôi mộ trong nghĩa địa Hàng Dương là dấu tích tàn ác của thực dân Pháp. Thời Việt Nam Cộng hòa, chuyện ở tù Côn Đảo cho đến chết là chuyện hiếm hoi. Hầu hết tù chính trị chỉ ở một thời gian ngắn trước khi được đưa ra  Thạch Hản, Thiện Ngôn, Lộc Ninh, Bồng Sơn để trao trả về phía bên kia như đã ghi lại một cách chi tiết trong tác phẩm ký sự Tù binh và hòa bình của nhà văn Phan Nhật Nam.
Hôm qua, khi bắt đầu viết bài này tôi vào Google tìm mộ chị Võ Thị Sáu. Cây dương liễu đã chết và được thay vào đó bằng cây phượng đỏ. Ngôi mộ của chị cũng được xây bằng đá đen, cao hơn ngôi mộ cũ nhiều và không phải sơn màu vôi trắng như lần tôi đến. Nghĩa địa Hàng Dương bây giờ là một trung tâm du lịch, màu sắc lòe loẹt, không còn những mộ cỏ hoang vu, những con đường đất hẹp và những hàng dương cằn cỗi chung quanh. Tôi  không cảm thấy chút nào xúc động khi nhìn lại cảnh nghĩa địa Hàng Dương mà chỉ tội nghiệp cho các em học sinh đang sắp hàng vào xem các di tích được gọi là cách mạng ở Côn Đảo. Các em đi xem kịch mà tưởng mình đang tìm về lịch sử cha ông.
Một trong những đặc điểm của chế độ Cộng sản là lừa dối. Không phải chỉ Việt Nam mà mọi quốc gia Cộng sản đều như thế. Khi chế độ Cộng sản Đông Đức sụp đổ, báo chí khám phá trong cơ sở dữ liệu của cơ quan an ninh Stasi một hệ thống lừa dối có tầm vóc quy mô ngoài giới hạn đạo đức của con người. Việc nghi kỵ, lừa dối không chỉ ở nằm trong hệ thống đảng, các cơ quan nhà nước, mà cả trong mỗi gia đình ruột thịt, máu mủ thân yêu. Anh lừa dối em. Vợ lừa dối chồng. Cha mẹ lừa dối con cái. Cháu chắt lừa dối ông bà. Lừa dối là phương tiện duy nhất để tồn tại trong xã hội Cộng Sản.
Tại Việt Nam cũng thế. Vở kịch tuyên truyền mà Đảng đã đóng suốt mấy chục năm qua làm thui chột nhận thức của nhiều thế hệ Việt Nam. Từ chuyện Lê Văn Tám lấy thân mình làm đuốc đến chuyện Tôn Đức Thắng kéo cờ Cộng sản trên Hắc Hải đều là những chuyện hoang đường nhưng nghe riết cũng quen tai, nghe riết nên tin là chuyện thật.
Có một thời không ít người dân miền bắc còn tin rằng những khẩu CKC, AK47 của mấy chị dân quân đã từng bắn hạ những F-4 Fantom,  F-111 của Mỹ. Theo lời kể của cựu Trung Tướng Yevgeni Antonov, nguyên trưởng đoàn cố vấn quân sự của Liên Xô tại Việt Nam trong một bài báo trên tờ Pravda nhân dịp đánh dấu 30 năm cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, Liên Xô đã gởi nguyên một trung đoàn phòng không với đầy đủ vũ khí và trang bị sang Việt Nam tham chiến và 13 người lính phòng không Liên Xô đã chết trên đất bắc. Những chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, kể cả chiếc chiến đấu cơ F4 Fantom của Thượng Nghị Sĩ John McCain, cũng từ hỏa tiễn của các đơn vị Hồng quân Liên Xô chứ không phải từ “Bộ đội phòng không anh hùng”, nói chi là các chị dân quân núp bên bờ ruộng như trong mấy bức ảnh tuyên truyền của đảng.
Cũng theo lời kể của cựu thiếu tướng Liên Xô Yevgeni Antonov, chỉ huy lực lượng phòng không Liên Xô tại Việt Nam từ 1969 đến 1970, Việt Nam chỉ là một phòng thí nghiệm cho vũ khí Liên Xô. Họ muốn đích thân xử dụng vũ khí để chuẩn bị cho việc máy bay Mỹ và NATO oanh tạc vào nội địa Liên Xô trong trường hợp có chiến tranh giữa hai khối sau này. Cuộc chiến đã tàn, chế độ cũng đã tan, ngọn đèn đời sắp tắt, những người lính già Nga chẳng bị áp lực nào để phải nói dối, để tuyên truyền, để bảo vệ cho đảng, hay cho cả chính mình. Họ chỉ còn kỷ niệm, và kỷ niệm của tuổi về chiều thường thành thật, trong sáng như những ngày mới lớn.
Bên cạnh Liên-Xô, vào thời điểm 1967 ngoài hàng vạn tấn đạn dược, vũ khí, đã có 16 sư đoàn với 170 ngàn quân Trung Quốc tại miền Bắc Việt Nam để yểm trợ cho đảng Cộng sản Việt Nam nhưng đồng thời để bảo vệ vòng đai an ninh của Trung Quốc. Tội ác của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với dân tộc Việt Nam, từ các tư tưởng độc hại đến võ khí giết người, từ cải cách ruộng đất đến đến Hoàng Sa, Trường Sa, từ chiến tranh biên giới đến trận chiến Lão Sơn, không thể viết hết trong một bài, trong một cuốn sách mà phải xây dựng một trung tâm dữ kiện.
Máu đổ, thây rơi, nhà tan, cửa nát ở Hà Nội, Hải Phòng là điều có thật. Những mất mát đau thương vô cùng to lớn của đồng bào miền Bắc đã chịu đựng dưới đạn bom Mỹ là điều có thật. Căm thù, phẫn uất vì thế là những phản ứng tự nhiên. Tuy nhiên không phải chỉ vì đế quốc Mỹ đã đơn phương xâm lược Việt Nam như các thế hệ sinh viên học sinh đã và đang được dạy. Hơn ba mươi năm là một thời gian đủ dài để đồng bào miền bắc, các thế hệ trẻ miền bắc có gia đình chịu đựng đau thương bất hạnh trong chiến tranh, nhìn lại cuộc chiến một cách khách quan và so sánh với thực tế đất nước để qua đó biết rõ những ai và học thuyết nào chính là nguyên nhân của chiến tranh, độc tài và chậm tiến hôm nay.
Đảng Cộng sản có thể tùy thích tạo ra hàng trăm đảng viên cỡ Lê Văn Tám, Tôn Đức Thắng. Đó là chuyện nội bộ của đảng nhưng họ không có quyền biến Côn Đảo thành tài sản riêng của đảng, không có quyền mê hoặc của các thế hệ trẻ Việt Nam bằng các mẫu chuyện hoang đường kiểu Lê Văn Tám như bộ máy tuyên truyền Liên Xô đã từng tô điểm lên một cậu bé nhà nông Pavlik Morozov bất hiếu trước đây. Côn Đảo cũng không phải là đất hương hỏa của Marx, Lenin để lại cho đảng Cộng sản Việt Nam mà là đất thiêng của cách mạng Việt Nam nơi nhiều thế hệ đã lấy xương thịt mình làm phân bón cho mầm xanh tương lai dân tộc.
Trong nghĩa địa Hàng Dương, bên chiếc cầu đá phía bên phải dinh chúa đảo, trước những xà lim chật hẹp, một ngày không xa, các thế hệ Việt Nam sẽ đến đó, không phải để nghe kể công, nghe tuyên truyền mà đến để im lặng cúi đầu tưởng niệm các anh hùng dân tộc.
Họ là ai? Họ là những đảng viên Việt Nam Quang Phục Hội, Phong trào Đông Du, Phong trào Duy Tân, Tân Việt Cách mạng Đảng, Việt Nam Quốc dân Đảng, Đại Việt Quốc dân Đảng, Đại Việt Dân chính, Dân Xã Đảng, Đảng Lập hiến, Đại Việt Duy dân và nhiều tổ chức, phong trào không Cộng sản khác.
Họ là ai? Họ là tín đồ các tôn giáo, nhất là Cao Đài và Hòa Hảo, hai tôn giáo được ra đời tại miền Nam, có truyền thống kiên quyết chống cả thực dân lẫn Cộng sản.
Nếu họ đã từng là đảng viên Cộng sản thì sao? Không sao cả. Như tôi đã có dịp viết vài lần trên diễn đàn này, việc tham gia vào đảng Cộng sản của một số người Việt Nam, chủ yếu là để được tổ chức hóa nhằm mục đích hợp đồng chiến đấu, đạt đến chiến thắng dễ dàng hơn chứ không phải vì tin vào chủ nghĩa Cộng Sản. Ngày đó, vì điều kiện giao thông khó khăn, núi non cách trở, sự phát triển của các đảng phái chống thực dân ít nhiều bị giới hạn bởi các đặc tính địa phương, bà con giòng họ, hoàn cảnh trưởng thành. Nếu họ sinh ra ở Quảng Nam họ sẽ gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng, sinh ra ở Quảng Trị họ sẽ gia nhập Đại Việt, sinh ra ở Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang họ sẽ gia nhập Dân xã Đảng. Đó là trọng điểm của các đảng phái chống Pháp trong những thập niên đầu của thế kỷ 20. Ông bà chúng ta có súng dùng súng, có gậy dùng gậy, và trong nhiều trường hợp chỉ là những bàn tay không gầy yếu.
Những người Việt yêu nước thời đó chọn lựa đảng phái như chọn một chiếc phao để đưa dân tộc sang bờ độc lập. Những nông dân hiền hòa chất phát , nhưng công nhân đầu tắt mặt tối làm sao biết được con đường họ đi không dẫn đến độc lập, tự do, hạnh phúc mà dẫn đến nghèo nàn, lạc hậu, độc tài và làm sao biết được chiếc phao họ bám cũng là chiếc bẫy buộc chặt chẳng những cuộc đời họ mà còn gây hệ lụy cho cả dân tộc đến ngày nay.
Tôi tin, phần lớn những người yêu nước đã chết trong giấc mơ về một Việt Nam hòa bình, độc lập chứ không phải trong giấc mơ về một xã hội Cộng sản đại đồng. Người yêu nước bằng tình yêu trong sáng, không đánh thuê, đánh mướn cho một chủ nghĩa, một ý thức hệ ngoại lai vong bản hay cho một quyền lợi đế quốc nào sẽ không bao giờ chết, không bao giờ bị lãng quên. Lịch sử sẽ đánh giá, dân tộc sẽ ghi ơn họ một cách công bằng.
Tôi tin, cuộc chiến chống thực dân Pháp là cuộc chiến chính nghĩa. Đó là cuộc đấu tranh đầy gian khổ nhưng anh hùng của một dân tộc bị nô lệ đã đứng lên chống lại một thực dân tàn bạo. Trong suốt gần một thế kỷ trong bóng tối thực dân, hàng vạn đồng bào thuộc nhiều thế hệ Việt Nam đã bị bắt, tra tấn và đã hy sinh trên Côn Đảo. Ngoài một Nguyễn An Ninh để lại thịt xương, một Trần Cao Vân, một Phan Chu Trinh để lại những bài thơ viết bằng máu và mồ hôi trong những ngày đập đá, còn có hàng ngàn, hàng vạn đồng bào đã chết trong âm thầm, không để lại họ tên.
Nhưng cho dù họ có để lại đủ họ tên đi nữa,  các thế hệ Việt Nam sau 1975 cũng không có quyền biết đến họ, không có cơ hội để cám ơn họ, để thắp một nén hương, và phần mộ họ một mai có thể sẽ bị san bằng theo mưa nắng. Đảng Cộng sản không chỉ nhuộm đỏ miền Nam, nhuộm đỏ Việt Nam mà còn cố tình nhuộm đỏ cả lịch sử.
Côn Đảo ngày nay gắn liền với tên tuổi của các đảng viên Cộng sản trung ương Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Hà Huy Tập, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Lê Quang Vịnh v.v. Các em học sinh đang sắp hàng chờ vào xem những xà lim kia làm sao biết được, với số đảng viên vỏn vẹn 5 ngàn vào mùa thu 1945, đảng Cộng Sản, dù bị bỏ tù và chết gấp mười lần trong hai cuộc chiến, cũng không thể bằng với con số khoảng 200 ngàn người Việt Nam yêu nước đã từng ở tù Côn Đảo theo nhiều nguồn ước lượng.
Các em cũng không biết rằng hàng trăm lãnh tụ cách mạng không Cộng sản mà đức độ và tài năng bao trùm nhiều lãnh vực như Đức Huỳnh Giáo Chủ, Trương Tử Anh, Phạm Quỳnh, Khái Hưng, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Bùi Quang Chiêu, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Thế Nghiệp v.v., đã không ở tù hay chết ngoài Côn Đảo chỉ vì họ bị Cộng sản thủ tiêu ngay tại đất liền.
Khác với đảng Cộng sản được thành lập từ nước ngoài theo chỉ thị của quốc tế Cộng sản và nhiều đảng viên được đưa sang Trung Quốc, Liên Xô huấn luyện một cách bài bản nhằm thực hiện các mục tiêu ngắn hạn cũng như dài hạn của trung ương đảng đề ra, phần lớn đảng phái không Cộng sản đã sinh ra và lớn lên ngay trong lòng dân tộc với tất cả khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt. Họ không chỉ bị chết dưới lưỡi đao phong kiến, máy chém thực dân mà còn chết trong bàn tay của những người cùng máu mủ với mình.
Đọc lại diễn tiến của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, quá trình thành lập các đảng phái không Cộng sản và lắng nghe các nhà cách mạng trải lòng qua thơ văn đẫm đầy máu lệ, mới cảm thấy lòng yêu nước của thế hệ cha ông thật vô bờ bến.
Bằng hành trang duy nhất trên vai là lòng yêu nước, các nhà cách mạng không Cộng sản dấn thân vào con đường giải phóng dân tộc trên chuyến xe chạy bằng máu của chính mình.
Chiều mùa hè năm đó, lần đầu tiên trong đời tôi xúc động đứng im lặng trước anh linh của những anh hùng đã ngã xuống cho độc lập tự do thật sự của dân tộc. Xương thịt của những người đã hy sinh từ phong trào kháng thuế miền Trung, Hà Thành đầu độc, khởi nghĩa Duy Tân, Thái Nguyên, Yên Bái hẳn đã hòa tan vào lòng đất mẹ nhưng anh linh họ vẫn là ngọn đuốc soi sáng giấc mơ Việt Nam độc lập, tự chủ của dân tộc.
Như tôi có lần đã viết. Giấc của họ là giấc mơ của những người để lưng trần, tóc cắt ngắn, đóng khố che thân, dắt bầy con, vượt bao nhiêu núi rừng ghềnh thác trong cuộc nam tiến đầy gian nan nhưng vô cùng hiển hách, từ dọc bờ Dương Tử di dân xuống lưu vực sông Hồng cách đây gần 50 thế kỷ. Trong lúc bao nhiêu bộ tộc Bách Việt khác đã hoàn toàn bị tiêu diệt hay đồng hóa vào những tỉnh, những huyện như Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Phúc Kiến của Trung Quốc ngày nay, giòng giống Lạc Việt qua bao độ thăng trầm, vẫn tồn tại và trưởng thành như một nước Việt Nam.
Giấc mơ của họ là giấc mơ của những người đã tạo nên nền văn minh Việt Nam rất sớm. Nơi đó, từ nhiều thế kỷ trước Công nguyên, tổ tiên chúng ta đã biết trồng cây ăn trái, biết làm đồ gốm, biết đẽo đá thành những lưỡi cuốc nhọn, biết đắp đất ngăn bờ để đưa nước sông vào ruộng. Tổ tiên chúng ta đã biết xây dựng các cơ xấu xã hội, lấy thôn làng làm căn bản, lấy nông nghiệp làm nền tảng kinh tế, lấy tình nghĩa đồng bào làm sức mạnh, lấy nguồn gốc tổ tiên (một mẹ trăm con, chung cùng bọc trứng) làm nơi nương tựa tinh thần. Những hình ảnh thân thương quen thuộc của cây đa, bến nước, sân đình gắn liền trong tâm thức của mỗi người Việt Nam. Những chiếc trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lữ được chạm trổ tinh vi đánh dấu một thời đại vàng son trong tiến trình phát triển văn minh nhân loại. Chính tinh thần văn hóa Hòa Bình, Đông Sơn đã hun đúc thành sức mạnh dân tộc, để các thế kỷ sau đó, đủ sức đối kháng với sự xâm lăng thô bạo của các nguồn văn hóa mang ý đồ đồng hóa phát xuất từ phương Bắc.
Giấc mơ của họ là giấc mơ của một dân tộc hơn một ngàn năm trong bóng đêm nô lệ nhà Hán, nhà Ngô, nhà Đường, nhà Minh qua bốn lần bắc thuộc với bao nhiêu cực hình đày đọa, sáng xuống bể tìm ngọc châu, chiều lên non săn ngà voi, trầm hương, châu báu, dân tộc Việt vẫn bảo vệ được tính độc lập, vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt trong sáng và thuần nhất.
Đất nước chúng ta đã hơn một lần bị mất đi và giành lại được nhưng chúng ta hãnh diện nói lớn rằng dân tộc Việt Nam chưa bao giờ bị mất gốc. Hình ảnh những chiếc búa, những chiếc rìu, những mũi thương, mũi đao, mũi tên bằng đồng đào được ở vùng Trung Châu, Bắc Việt, ở sông Bạch Đằng, dọc Ải Nam Quan không chỉ là những cổ vật mà còn là chứng tích của bao nhiêu trận mạc, bao nhiêu cuộc chiến đấu, bao nhiêu máu xương và nước mắt của tổ tiên đã đổ xuống trước các cuộc xâm lăng của các triều đại Bắc phương khác.
Lịch sử bao giờ cũng mang tính kế tục nhưng trước hết là lịch sử của thời đại. Mỗi thế hệ có một trách nhiệm để hoàn thành những trách nhiệm mà lịch sử giao phó cho thời đại của họ nhưng dù không hoàn thành, ngọn đuốc lịch sử vẫn phải được chuyển sang bàn tay thế hệ khác. Giấc mơ về Việt Nam tự do, dân chủ và giàu mạnh dù sớm hay muộn sẽ phải thành hiện thực.
Thời gian gần đây, tôi có dịp đọc nhiều bài viết từ những tấm lòng đang băng khoăng vì đất nước. Phần lớn bắt đầu bằng nhóm chữ “chưa bao giờ …như hôm nay”. Chưa bao giờ con người Việt Nam bị khinh thường như hôm nay. Chưa bao giờ lãnh thổ Việt Nam bị chiếm đoạt trắng trợn như hôm nay. Chưa bao giờ chủ quyền đất nước bị đe dọa như hôm nay. Chưa bao giờ tài nguyên thiên nhiên bị thất thoát như hôm nay. Tất cả đều đúng cả. Tôi chỉ muốn thêm vào một “chưa bao giờ” nữa, đó là, chưa bao giờ ranh giới giữa dân tộc và phản dân tộc rõ ràng như hôm nay. Biên giới đó rõ ràng đến mức một người Việt Nam có thể chọn lựa đứng về phía chính nghĩa, phía dân tộc mà không phải lo lầm lỡ về sau.
Giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn một con đường riêng của họ. Con đường đảng chọn cũng rất rõ ràng: phát triển đất nước theo định hướng Trung Quốc và cùng lúc bằng mọi giá duy trì chế độ độc tài toàn trị tại Việt Nam.
Bộ chính trị trung ương đảng Cộng sản Việt Nam không phải là những người không biết suy nghĩ, không thấy đúng, thấy sai và thậm chí có rất nhiều cơ hội để sửa sai nhưng quyền lợi cá nhân, phe nhóm và đảng đã che khuất sự sống còn và tương lai đất nước.
Nhân dân Việt Nam chịu đựng quá nhiều rồi, nhượng bộ quá nhiều rồi, lùi bước quá nhiều rồi. Từ xâm lăng Hoàng Sa đến chiến tranh biên giới, các trận đánh khu vực Lão Sơn, lấn chiếm Trường Sa, bắn chết ngư dân Thanh Hóa và hôm nay Bauxite. Chỉ một thời gian ngắn thôi mà nhìn ra biển, nhìn lên núi, nhìn xuống phố, nhìn qua sông, đâu đâu cũng thấy hàng Trung Quốc, đất Trung Quốc, đảo Trung Quốc, người Trung Quốc, vài chục năm nữa đất nước sẽ ra sao?
Tại sao Trung Quốc không bắn thủng tàu, không ăn cướp tài sản, đất đai của Thái Lan, Philippines hay ngay cả của đàn em Bắc Hàn một cách công khai, lộ liễu như họ đã và đang làm đối với Việt Nam? Một người có ý thức nào cũng biết, đơn giản bởi vì giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc sống trong gan ruột của giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam những kẻ không còn một chọn lựa nào khác ngoài việc núp dưới chiếc dù Trung Quốc.
Như tôi có lần mách nước cho bà con ngư dân trong bài “Ai giết 9 ngư dân Thanh Hóa”, cách hay nhất để khỏi bị hải quân Trung Quốc bắn chết là khi tàu đánh cá vừa ra khỏi cửa biển thì xin các bác làm ơn hạ cái lá cờ gọi là “cờ tổ quốc” xuống dùm. Nếu phải treo thì treo đại một lá cờ Phi, cờ Thái Lan, cờ Nhật lên mũi tàu. Nói ra thì cho là phản động nhưng tin tôi đi, làm như thế bà con ngư dân mới hy vọng còn đường trở về với vợ con.
Thời điểm 1958, Pháp đã rút đi và Mỹ thì chưa đến mà Phạm Văn Đồng, còn có thể thay mặt cho 11 ủy viên bộ chính tri, hạ bút ký một văn kiện nhục nhã như thế thì với hoàn cảnh phe Cộng sản chỉ còn lại năm anh em trên một chiếc xe tang, trong đó có đến bốn em đang lâm cảnh hàn vi đói khát, thì chuyện gì mà họ không dám làm. Lê Khả Phiêu, trong giai đoạn tìm về chủ cũ năm 1991, cũng có thể đã ký những văn bản tương tự như văn bản của Phạm Văn Đồng, khác chăng, “đồng chí Phạm Văn Đồng bị lộ” và “đồng chí Lê Khả Phiêu chưa bị lộ” mà thôi.
Người Do Thái nguyền rủa Hitler, nhân loại kết án Hitler, nhưng nhân dân Đức trước khi có thái độ tương tự, họ phải biết trách các thế hệ Đức trong thập niên 30 của thế kỷ 20, bởi vì chính dân Đức thời đó bằng con đường bầu cử hợp pháp đã đồng ý đặt mình dưới sự lãnh đạo của Hitler và đảng Quốc Xã. Nhân dân Việt Nam chưa bao giờ bầu đảng Cộng sản để lãnh đạo nhưng chắc chắn cũng sẽ phải trả lời cho các thế hệ mai sau về thái độ thờ ơ, thỏa hiệp, yếu hèn của các thế hệ hôm nay trước tình trạng băng hoại đạo đức, lạc hậu kinh tế, thất thoát tài nguyên, mất mát lãnh thổ và suy yếu chủ quyền đất nước.

Thư giãn Chủ Nhật: Anh cả đỏ với những cú đấm

Nguyễn Triết
imageViệt Nam ta ngày nay có một môn phái mà đại đồ đệ tên là Quốc Doanh, biệt hiệu Anh Cả Đỏ (người ưa nói lái, gọi là đả cỏ), nghe cứ như dân giang hồ anh chị thuở xa xưa. Anh Cả Đỏ luyện những quả đấm được đặt tên rất ấn tượng, như kinh tế mũi nhọn, quả đấm thép, v.v.
Nhân dịp đầu năm, người viết tản mạn về một vài thế võ, cú đấm thượng thặng, nặng kí sau đây của Anh cả đỏ. Nếu ai học võ, đều biết có những thế đánh bằng tay gọi là quyền, hay dùng chân gọi là cước. Nôm na gọi là những cú đấm, cú đá hay chạy nhảy.
Quả đấm thép: Đó là môn lừng lẫy của Vinashin. Vì dùng toàn sắt, thép, que hàn để đóng tàu thủy nên được mang danh ấy. Chỉ trong vòng 5 năm luyện tập, cú đấm thép này đã đấm nát 4,4 tỉ đô la, hay 86.000 tỉ đồng Việt Nam! Có người nói nhiều hơn, nhưng thôi, cứ lấy 90.000 tỉ cho nó chẵn. Quả là cú đấm khủng khiếp. Không những làm bạt vía người dân trong nước, mà còn làm kinh hoảng cả thế giới khiến mấy anh Credit Suisse, và các ngân hàng ngoại quốc đều phải sợ… mất cả chì lẫn chài, vì không trả được nợ. Và quan chức lãnh đạo Vinashỉn trả lời “cù nhầy” rằng: nếu để Vinashỉn phá sản, thì Credit Suisse cũng chẳng được gì vì quả đấm thép không có thế chấp. Tuy nhiên Anh cả đỏ vẫn chưa thỏa mãn, anh còn tái cấu trúc, rèn luyện thêm. Chưa biết kết quả ra sao.
Để hình dung quả đấm thép cao siêu cỡ nào, ta giả thử có một xấp giấy bạc hoàn toàn là tiền $1 (một đồng Việt Nam) với độ dày là 0,1mm mỗi tờ. Như vậy, mười triệu đồng, tức là 10.000.000 tờ (10 lũy thừa 7), xấp tiền sẽ cao 1 km. Vậy ta xếp 90.000 tỉ (90.000 x 10 lũy thừa 9) chồng khít lên nhau, thì xấp giấy bạc đó có chiều cao tới 9.000.000 km (chín triệu cây số). Nếu khoảng cách giữa quả đất và mặt trăng là 300.000 km, thì xấp tiền này cao 30 lần khoảng cách ấy! Khiếp chưa?
Cú đấm than, còn gọi là KTV: Chuyên môn lùa than từ mỏ lên đem bán rẻ cái thứ đen ngòm này sang nước lạ. Cú đấm này cũng khá “nặng”. Mấy năm trước, nghe đâu đã đấm bay (lậu) vài chục triệu tấn qua biên giới phía bắc, và làm bốc hơi sơ sơ 80 (?) tỉ đồng. Quả đấm than cũng làm cho những mỏ than ở Quảng Ninh, Đông Triều, Hòn Gai, Cẩm Phả bị cạn kiệt. Sắp tới Anh cả đỏ sẽ phải nhập khẩu than (với giá đắt hơn), hoặc moi tiếp mỏ than ở đồng bằng sông Hồng để luyện quả đấm điện EVN. Đằng nào thì nhân dân ta cũng sẽ hồ hởi phấn khởi, hoặc phải chi thêm tiền cho giá điện hoặc dọn nhà đi nơi khác cho việc khai thác thủy điện.
Quả đấm điện EVN: mấy năm qua Anh cả đỏ luyện cú đấm này vẫn chưa tiến bộ, công lực còn yếu. Cứ đến mùa hè, anh lại nghỉ (cúp điện) và các khu công nghiệp khác cũng phải nghỉ theo, trong khi bà con nóng toát mồ hôi. Nhiệt điện không đủ, anh ta hợp tác với các địa phương phát huy thủy điện, với hàng ngàn tổ máy từ Nam ra Bắc trên các dòng sông. Thế nhưng mỗi lần xây một nhà máy thủy điện, thì hàng trăm hộ dân thượng nguồn phải đi chỗ khác, để anh giải phóng mặt bằng làm hồ chứa nước. Và hàng ngàn hộ ở hạ lưu chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu vào mùa khô. Nhưng đến mùa lũ thì hồ lại xả nước, lũ chồng lũ, “giải phóng” hàng ngàn nhà cửa ruộng vườn, gia súc, đường sá, cầu cống... và cả trăm người dân cũng đi chầu Hà Bá. Có thêm vài mega watt điện mà tổn hại như vậy có xứng đáng không? Cú đấm này cũng nói rằng đang nợ 24.000 tỉ đồng do kinh doanh lỗ. Theo kiểu tính trên, cọc tiền này cao cỡ 8 lần khoảng cách từ địa cầu tới mặt trăng.
Quả đấm dầu khí (Petro): Đừng tưởng dầu khí là nhẹ, quả đấm dầu khí khá nặng đấy. Anh cả đỏ bắt đầu luyện từ chín năm trước, được chi cho công lực dự trù là 1,5 tỉ USD. Sau nhiều sự cố, điều chỉnh đến nay lên đến hơn 3 tỉ đô mới đi vào sản xuất. Công lực này không biết là do “nội lực” hay phải mượn “ngoại lực”? May mà Việt Nam có mỏ dầu khí ngoài Biển Đông, bơm lên bán cho nước ngoài để kiếm “lực”. Chả hiểu góp vào ngân quỹ nhà nước được bao nhiêu, mà Anh cả đỏ định phát hành trái phiếu thêm một tỉ đôla nữa để giúp quả đấm dầu khí cho mạnh bằng cú đấm thép Vinashin. Nhưng cũng không may bị anh hàng xóm Bành trướng với khẩu hiệu “Thập lục kim tự”, và “Tứ hảo” chiếm mất một số túi dầu khí gần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, làm cho tiêu hao công lực của quả đấm dầu khí.
Quả đấm nhôm, còn gọi là luyện alumina: Quả đấm này Anh cả đỏ mới bắt đầu tập luyện, mặc cho thiên hạ can ngăn vì không những không có lợi cho bản thân Anh cả đỏ, mà còn gây họa cho người dân. Tuy nhiên Anh cả đỏ tuyên bố đấy là chủ trương lớn của môn phái và nhà nước. Theo những người hiểu biết thì có mấy điều bất lợi khi luyện quả đấm nhôm:
1/. Thiên (phi) thời: Ta chưa đủ nhân lực, tài (chính) lực, mà phải nhờ anh Bành trướng, một anh tham lam vô độ, giúp với kỹ thuật lạc hậu thì sẽ bị thiệt hại về kinh tế.
2/. Địa (vô) lợi: Nơi luyện cú đấm nhôm ở Tây Nguyên, nơi có độ cao 700m so với mặt nước biển. Núi đồi trùng điệp là nơi quan trọng về quốc phòng, thế mà ta lại mời những khách “lạ” vào phá rừng, di dân để khai thác bauxite.
3/. Nhân (bất) hòa: Ngay sau khi chưởng môn nhân phán rằng đây là “chủ trương lớn” thì mọi người, từ các vị tướng cho tới trí thức, văn nghệ sĩ và nhân dân khắp nước đều phản đối dự án này. Nếu nói lái chữ chủ trương thành chưởng tru (chưởng = lòng bàn tay, tru = giết sạch). Mà lại là đại chưởng tru, thì đồng bào từ Nam Trung bộ cho tới đồng bằng sông Cửu Long khó sống nếu sự cố bùn đỏ xảy ra. Tây Nguyên cũng là yếu điểm về quốc phòng, mà lại mang người “lạ” vào xây dựng khai thác. Thế có lạ không?
Thật ra, hàng triệu người “lạ” đã được miễn visa, được tự do vào Việt Nam, được gọi là “đội quân thứ 5”. Một ngày nào đó, khi cơm chẳng lành canh không ngọt, lại được học bài học nữa có lẽ nhân dân ta hết đường vượt biên lần thứ hai. Dù cho có đường sắt cao tốc tới tận mũi Cà Mau, cũng chỉ còn cách lao xuống biển.
Đường sắt cao tốc: Đây không phải là cú đấm, mà Anh cả đỏ tập chạy nhanh (khinh công), với số vốn đầu tư 56 tỉ USD, có thể nhiều hơn. Thôi, gọi tròn 60 tỉ, và với tỷ giá hiện nay 1 USD = 20.000$ VN, vậy là ta phải chi ra 1.200.000 tỉ đồng (một triệu hai trăm ngàn tỉ đồng VN)! Nếu xếp liền khít số tiền đó, ta có một xấp tiền dài 120.000.000km (bằng 4/5 đường đi đến mặt trời). Còn nếu trải dài trên đường xích đạo, ta có gần 300 vòng, quanh trái đất! Quả là dân ta chơi sang thật.
Đầu xuân tản mạn về vài “quả đấm” của Anh Cả Đỏ. Các bạn có biết thêm những cú đấm nào khác, xin nêu lên để mọi người cùng thưởng thức.
Kỷ niệm Đại Phá quân Thanh, 05 tháng giêng năm Tân Mão
N.T.

Cuba có gì lạ không em?

Ngy Thanh – Quí vị định đi thăm Cuba?
Gần mở cửa rồi”, các nguồn tin thoát ra từ Tòa Bạch Ốc cho biết thế.
Vào trung tuần tháng 8/2010, chính phủ Obama lại làm thêm một bước nữa để nới lỏng lệnh cấm du lịch tới quốc gia Cộng sản chỉ nằm cách mũi biển Key West của tiểu bang Florida 100 dặm. Tin nầy đối với công dân các nước khác trên thế giới, như Mexico và Canada, là chuyện nhỏ. Nhưng là chuyện tầy đình đối với người dân Mỹ, và cả với 10 triều tổng thống Mỹ từ Kennedy qua Johnson, Nixon, Ford, Carter, Reagan, Bush Bố, Clinton, Bush Con, cho tới Obama. Chuyện tráo trở của một chính quyền Cộng sản, chuyện chết và sống trên đường vượt biên, là những chuyện không lạ gì với người Việt xa xứ chúng ta. Nhân bản tin liên quan đến việc trốn đi và đến thăm đất nước Cuba, xin nhắc lại một chút chuyện cũ về bộ mặt của những con người Mác-xít.
Chuyện từ nửa thế kỷ trước
Có nhiều điều chú em Cuba không học được từ đàn anh Việt Nam: đảng Cộng sản và chính quyền Hà Nội đánh cho người lính Mỹ cuối cùng rời đất nước Việt Nam vào 30/04/1975, nhưng chỉ tới ngày 16/03/1977 đã mở toang cửa rước Leonard Woodcock, đặc sứ của tổng thống Jimmy Carter tới thủ đô để cầu cạnh bang giao.
Người Cuba không nhanh tay lẹ mắt và vô liêm sĩ nhanh được như thế. Ngày tết dương lịch năm 1959, Fidel Castro cầm đầu một cuộc cách mạng, lật đổ chế độ cai trị của nhà độc tài Fulgencio Batista, để áp đặt một chế độ mới theo chủ nghĩa Cộng sản, vừa hà khắc hơn, vừa sắt máu hơn. Từ đó đến nay, bang giao với Hoa Kỳ ngày càng xuống cấp một cách tệ hại, cho đến sau khi “thánh sống” Fidel phải chuyển giao quyền bính sang cho ông em ruột Rául, thế giới mới thấy một chút ánh sáng hy vọng le lói ở cuối đường hầm.
Trước bình minh ngày 17/4/1961, chưa tròn ba tháng sau khi tổng thống Kennedy nhậm chức, một cuộc xâm nhập của người Cuba lưu vong do CIA tổ chức nhắm vào Vịnh Con Heo để lật đổ Fidel Castro. Có hai rối rắm: thứ nhất, người Mỹ dùng chữ Vịnh Con Heo (Bay of Pigs) để dịch sai chữ Bahía de Cochinos, và thứ nhì, cuộc đổ bộ thất bại. Bahía de Cochinos là tên một cái vịnh nối dài đầm lầy Zapata về phía nam trên bờ biển Cuba, nhưng người Cuba sống trong nước gọi cuộc xâm nhập nầy là Playa Girón, tên một bãi biển trong vịnh, còn chữ Cochinos tuy cũng có nghĩa là những con heo, nhưng ở đây là tên một loài cá, do đó Bahía de CochinosVịnh Cá Cochinos. Cuộc hành quân kéo dài ba ngày đã làm phía Cuba thiệt mạng 176 binh sĩ cộng với 4.000 người bị thương. Phía Trung đoàn 2056 của phe lưu vong tổn thất 114 người bị giết tại trận, với 1.202 người bị bắt làm tù binh; trong số tù binh nầy có 9 người chết ngạt trong xe bít bùng khi đang được chuyển về khám đường trung ương ở thủ đô Havana.
Vào ngày thứ ba của biến cố khi súng còn nổ, chính phủ Cuba mang ra hành quyết 7 người Cuba cùng lúc với hai thường dân Mỹ được CIA trả công là Angus McNair và Howard Anderson tại tỉnh Pinar del Rio, sau phiên tòa chớp nhoáng kéo dài 2 ngày. Qua hôm sau 20/04, đến lượt Humberto Marin bị xử bắn cùng loạt với Rogelio Corzo, Rafael Hanscom, Eufemio Fernandez, Arturo Tellaheche và Manuel Miyar. Nhóm nầy bị bắt ngày 18/03 trước đó khi xâm nhập Cuba với 14 tấn chất nổ.
Từ khi ngừng tiếng súng cho đến tháng 10/1961, hàng trăm vụ hành quyết nữa lần lượt xẩy ra tại các nhà tù khác nhau. Thủ lãnh cuộc xâm nhập như Antonio Diaz Pou và Raimundo Lopez, cũng như các sinh viên trong nước hoạt động bí mật như Virgilio Campaneria, Alberto Tapia Ruano và các thường dân chống nhà nước khác đều bị xử bắn như nhau, sau đề nghị của Fidel Castro bị thất bại trong vụ điều đình đổi tù binh của Trung đoàn 2056 lấy 500 đầu máy kéo nông nghiệp loại lớn trị giá 28 triệu đô ở thời giá hiện hành. Ngày 29/03/1962, tất cả 1.179 tù nhân còn lại được xử án tập thể, sau đó mỗi người lãnh một bản án 30 năm khổ sai. Nhưng bốn ngày trước lễ Giáng Sinh năm ấy, Fidel Castro trong tư cách thủ tướng đã ký một thỏa ước với luật sư James Donovan đại diện phía Mỹ, để đổi 1.113 tù nhân lấy một số thuốc men, thực phẩm trị giá 53 triệu đô. Khi chuyến tàu African Pilot mang theo khoảng 1 ngàn thân nhân của những người “phản động” được phép cùng rời Cuba tới cập bến Miami, Florida hôm 29/12, đích thân tổng thống Kennedy bay tới Sân vận động Sun Life chủ tọa lễ đón mừng.
Nhưng mối hiềm khích giữa Havana và Washington không khép lại ở đó, vì còn một nước thứ ba. Đối với Liên Xô, sự thất bại của Kennedy trong vụ xâm nhập vừa kể đi kèm với tiến bộ của phe Cộng sản ở Lào và Bá Linh đã làm Nikita Khrushchev thấy đã đến lúc ông có thể chiếu bí vị tổng thống trẻ trung của Mỹ trên canh bạc lớn của thế giới. Tháng 2/1962, Khrushchev báo cho Bộ Chính Trị Trung Ương biết kế hoạch mật của ông nhằm lắp đặt các giàn hỏa tiễn tầm xa mang đầu đạn nguyên tử trên lãnh thổ Cuba hướng mũi về lãnh thổ Mỹ, một bước leo thang quân sự của đàn anh mà Fidel Castro đắc thắng, nhằm ngăn chặn các vụ xâm nhập trong tương lai từ phía Hoa Kỳ. Bí mật đặt hỏa tiễn ngay cạnh sườn Mỹ trước khi bị phát hiện, thủ tướng Liên Xô cả tin rằng ngay sau khi biết tỏng vụ việc, Kennedy cũng chùn tay khi phải chạm trán với Liên Xô, nên đã bật đèn xanh cho các thương thuyền viễn dương chở khí cụ và 42.000 chuyên gia quân sự tới những vị trí giàn phóng mà chuyên gia xây dựng Cuba đang gấp rút hoàn thành.
Giữa tháng 10/1962, máy bay thám thính U-2 Mỹ chụp ảnh được các giàn phi đạn Liên Xô trên đất Cuba có thể bắn vào bất cứ thành phố nào trên 48 tiểu bang thuộc lục địa Hoa Kỳ trong vòng vài phút. Lập tức, tổng thống ra lệnh phong tỏa hải phận Cuba, và các phi vụ U-2 được tiếp nối đều đặn hơn. Kennedy gọi ngay cho Khrushchev với những từ ngữ khó có thể hiểu lầm: triệt thoái các giàn hỏa tiễn và nhân viên giàn phóng, hoặc là đối đầu quân sự. Ngồi xoa cằm trong Điện Cẩm Linh, Khrushchev biết là mình đang gặp phải một thứ Kennedy kiến lửa, chứ không là một nhân vật Kennedy yếu đuối như phim ảnh mô tả. Ngoài ra, Liên xô cách Mỹ nửa trái địa cầu, trong khi Cuba chỉ cách bờ biển Mỹ hơn một trăm rưỡi cây số: lợi thế nghiêng về phía Mỹ. Cả thế giới nín thở, sốt vó. Ngày 27/10, khi cuộc khủng hoảng lên tới tột đỉnh, đại sứ Xô Viết Anatoly Dobrynin bí mật tới Bộ Tư Pháp gặp Tổng chưởng lý Robert Kennedy 3 lần liên tiếp trong khi tổng thống Mỹ chuẩn bị chọn một trong hai quyết định, hoặc ném bom các giàn hỏa tiễn ở Cuba hoặc cho quân lực Mỹ đổ bộ Cuba toàn diện – cả hai điều có giá trị ngang nhau vì điều nào cũng đưa tới chiến tranh nguyên tử. Khrushchev đồng ý rút dù, nhưng với điều kiện: Mỹ phải hứa không bao giờ đỡ đầu các cuộc đổ bộ lên Cuba nữa, và rút các đầu đạn Jupiter của Mỹ trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ hướng mũi vào Liên Xô. Ngày 20/11/1962, Kennedy hủy bỏ lệnh phong tỏa hải phận Cuba, nhưng tới 8/02/1963, ông đã ban hành lệnh hạn chế du lịch Cuba, và ngày 8/07 cùng năm, Lệnh Kiểm tra Tài sản Cuba được áp dụng nhằm niêm phong trương mục của Cuba tại các ngân hàng Mỹ. Tiếp theo, luật cấm chi dùng đồng Mỹ kim tại Cuba lẽ ra được gia hạn từng sáu tháng một đã bị bỏ qua vào ngày 19/03/1977 dưới thời tổng thống Jimmy Carter nên sau đó luật nầy mặc nhiên vô hiệu hóa, tới khi tổng thống Ronald Reagan tái lập việc cấm vận thương mãi vào ngày 19/04/1982. Luật hiện hành không cấm công dân Mỹ du hành qua Cuba, nhưng việc chi dùng đồng Mỹ Kim hay nhận quà cáp từ Cuba về vẫn là phạm pháp. Dù sao, một số công dân Mỹ vẫn lén lút tới Cuba qua một nước trung gian. Tới Cuba, họ tránh dùng thẻ tín dụng hay không để hộ chiếu mang dấu chiếu khán nhập cảnh xuất cảnh Cuba để trở thành bằng chứng phạm luật. Tuy nhiên, đường đi chơi khó – không khó vì ngăn sông cách biển, mà khó vì khi trở lại Mỹ, du khách có thể bị chất vấn bởi nhân viên Bộ Nội An, những người được huấn luyện và trả lương để phát hiện những ai cố tình ngồi lên luật lệ Hoa Kỳ. Cho đến nay, chưa có công dân Mỹ nào bị truy tố vì tội du lịch tới Cuba cả, nhưng họ có thể bị bắt vì nói dối với nhân viên di trú và hải quan cửa khẩu về chuyến đi hay về chuyển vận hàng hóa bất hợp pháp (đôi ba điếu xì-gà về làm quà cho ông nhạc ở nhà hay ông xếp ở sở). Cứ hình dung bạn vừa xuống máy bay, bước tới hàng rào hải quan để vào lại Mỹ:
Nhân viên Hải quan: Quý vị đã liệt kê đầy đủ những nước mà quý vị đã viếng thăm trong thời gian ra khỏi Hoa Kỳ vừa qua chưa?
Hành khách: Vâng, đầy đủ rồi.
HQ: Quý vị chắc là đã không ghé thăm Cuba?
HK: Không, không. Tôi không hề ghé thăm Cuba.
HQ: Vậy sao? Đây là cơ hội chót cho quý vị – có cái gì đó làm quý vị đổi ý và muốn thật thà khai báo?
HK: Không. Tôi không hề ghé thăm Cuba.
HQ: Vậy xin quý vị vui lòng giải thích tại sao hộ chiếu quý vị mang hai con dấu nhập cảnh Cancun nhưng không có dấu nhập và xuất của bất cứ nước thứ ba nào xen kẽ. Không lẽ nhân viên di trú Mexico đóng thừa một con dấu?
HK: Dạ, thưưưưưa…
Cuộc hải vận 1980 và tên phản động Hector Sanyustiz
Từ 5 thập niên nay, Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm vận du lịch và buôn bán với Cuba, cũng như cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Washington và Havana, đồng thời áp dụng chính sách đặc biệt để chấp nhận người tị nạn Cuba. Chính sách di trú nầy đã được thử lửa bởi hai biến cố di cư lớn vào năm 1980 và 1994.
Cho đến nay, sách báo thế giới đều chọn 1/04/1980 là ngày khởi động cuộc di cư vĩ đại kéo dài từ 15/04 đến 31/10/1980 của lịch sử Cuba mang tên Cuộc Hải Vận Mariel, nhưng không mấy ai biết số phận của “tên đầu sỏ” đã gây căng thẳng trong bang giao quốc tế giữa ba quốc gia Cuba, Hoa Kỳ và Peru, làm thay đổi cung tử vi của trên 125 ngàn người từ nhà tù vĩ đại Cuba (kéo theo 25.000 người khác từ Haiti) đến được bến bờ tự do ở Florida, và làm nổ bùng biến cố lịch sử di cư trên địa cầu. Trong âm thầm, con người ấy suốt 18 năm đã sống kín tiếng, khuất lấp để tìm cách thích nghi vào xã hội Mỹ, trong khi vất vả kiếm sống và nuôi một đứa con trai. Mãi cho đến khi xuất viện sau một ca mổ tim và phải nương náu nhà cô em gái, mảng đời của nhân vật Hector Sanyustiz vẫn là một bí mật. Ông nói với nữ ký giả Fabiola Santiago của tờ Miami Herald, “Tôi chẳng muốn hé miệng cho bất cứ ai về những gì tôi đã làm gần 20 năm trước, cũng như lang thang mọi nơi để rêu rao rằng mình là một người hùng”. Phải tới tháng 9 năm 1998, Sanyustiz mới chịu hé miệng vì ông nghĩ thời gian đã trôi qua đủ lâu để ông nghĩ chính quyền Cuba sẽ không trù dập bà con thân thích của ông còn kẹt lại bên nhà, sau khi một người con riêng của vợ ông có mặt trên cùng chuyến xe đò sau đó ở lại Cuba đã bị đi tù tròn 36 tháng. Vào hoàn cảnh khó khăn và tuyệt vọng trong thời gian chờ hồi phục sau ca mổ, cha đẻ của Cuộc Hải Vận Mariel mới chịu tiết lộ về những gì thực sự xẩy ra ở Havana hôm đầu tháng 4/1980, với hy vọng chuyện đời của ông lọt vào mắt của một nhà làm phim nào đó, để ông có chút thu nhập qua cơn túng ngặt, thay vì đành ôm bí mật theo xuống đáy mồ.
Bấy giờ, với khao khát bỏ nước ra đi, anh chàng tài xế thất nghiệp Sanyustiz ngày ngày để mắt theo dõi sinh hoạt của các khu vực quanh các sứ quán nước ngoài suốt cả năm trường. Sau cùng, anh rút ra kết luận rằng sứ quán Peru là ngon ăn nhất. Để triển khai phương án đào thoát, anh kéo thêm ba người bạn khác nữa: Francisco Diaz Molina, tài xế xe đò tuyến số 79 có lộ trình chạy ngang sứ quán Peru trên Đại lộ số Năm; cô Maria Antonia Martinez, người có căn nhà mà cả bọn dùng làm nơi họp hội, bàn mưu tính kế; và người bạn nối khố Radames Gomez.
Ba hôm trước giờ ra tay, Sanyustiz bị một tai nạn lưu thông tưởng đã vào nhà xác. Sau khi đưa vợ tới chỗ làm ở tiệm pizza, anh đang ngồi trên xe gắn máy của mình thì bị một chiếc xe đò lao tới, hất văng anh bay xuống gầm một chiếc xe tải đang đỗ gần đó. Trong khi mọi người la toáng lên kinh hãi, thì anh lồm cồm đứng dậy, phủi bụi trên áo quần, và nói “Tôi không sao”. Các phóng viên của báo Verde Olivo chụp ảnh anh đăng kèm bản tin nói anh sống sót sau tai nạn một cách kỳ diệu. Ba hôm sau, họ đăng ảnh anh lại lần nữa, nhưng với cái tin về anh trong tư thế một tên phản động: con người thoát chết diệu kỳ là tên khốn kiếp. Chiều ngày 1/04, Sanyustiz cầm lái chiếc xe đò số 5054 của Diaz Molina, làm như là lơ xe đang học việc. Sau đó Molina điện thoại về hảng, báo cáo với các xếp rằng một trong các vỏ xe của anh đã nổ banh một cách thảm hại, nên anh phải cho hết hành khách xuống, và đang trên đường đánh xe về hảng để sửa chữa. Anh nói dối. Thật ra, anh đánh xe không đi đón bốn người: Gomez, cô Maria với thằng con 12 tuổi tên Lazaro Vega, và thằng con riêng của vợ Sanyustiz tên Arturo Quevedo, 18 tuổi. Trước khi dấn thân, Diaz Molina lấy ra bức tượng Nữ Vương Bác Ái, và yêu cầu mọi người cùng cầu xin bình an và lần lượt hôn kính tượng Nữ Thánh bổn mệnh của đất nước Cuba.
Khi xe đến cách sứ quán Peru 5 dặm, Diaz Molina giao tay lái cho Sanyustiz. Gomez ngồi ngay sau lưng Sanyustiz, Diaz Molina ngồi ở bậc cấp lên xuống, và mọi người còn lại nằm bẹp dí xuống sàn xe. Tới sát sứ quán, Sanyustiz quẹo xe thật gắt, đánh bật cái thùng xe vào hàng rào. Nhưng anh đã quẹo quá sớm, và đó không phải là cổng chính. Khi biết mình lầm, anh cho xe lùi vài mét, rồi sang số, lao thẳng vào cổng. Lính an ninh Cuba canh gác bên ngoài sứ quán đã nhả đạn như mưa vào xe. Hai viên đạn ghim vào người Sanyustiz, một viên vào đùi trái, một viên vào mông bên phải; riêng Gomez bị trúng đạn vào lưng và vào đầu. Nhưng đạn cũng gây tử thương cho một lính canh của Bộ Nội Vụ.
Lọt vào bên trong vòng rào sứ quán, cả bọn bỗng ở trên lãnh thổ Peru, và không còn bị bắt. Cả bọn 6 người xin được tị nạn chính trị, và viên chức ngoại giao đang xử lý thường vụ sứ quán, luật sư Ernesto Pinto-Bazurco đã thay mặt chính phủ Peru chuẩn thuận tức thì. Sanyustiz và Gomez được nhân viên sứ quán đưa tới Quân Y Viện Carlos J. Finlay để cấp cứu, bốn người còn lại tạm trú trong sứ quán. Chính phủ Cuba đòi giải giao bọn tội phạm để được xét xử vì đã làm thiệt mạng một lính gác, Peru từ chối. Tức giận, Fidel Castro ra lệnh rút hết nhân viên an ninh, thôi không bảo vệ sứ quán Peru nữa. Nghe được tin nầy, dân thủ đô bắt đầu tràn vào sứ quán, tới thứ Bảy, con số lên quá 300. Qua khỏi nửa đêm lễ Phục Sinh, con số tăng gấp ba, và cuối ngày Chủ Nhật ấy, có hơn 10.000 bên trong sân vườn tòa đại sứ bé tí, tất cả xin được hưởng quy chế tị nạn. Để ứng phó với tình hình, Fidel Castro thông báo sẽ mở cửa hải cảng Mariel cho bất cứ ai muốn ra đi. Đáp lại, người Cuba lưu vong ở Florida thuê mướn bất cứ ghe tàu nào có thể sử dụng được, nhắm hướng Havana trực chỉ, để cứu người thân. Vào lúc chiến dịch di cư lên đến tột đỉnh, mỗi ngày trong hải cảng Mariel có không dưới 300 thuyền bè nhỏ lớn thả neo chờ khách, trong khi ngoài khơi còn khoảng 200 chiếc khác lần lượt chờ đến phiên mình vào kiếm mối. Trong nước, công an Cuba giả dạng thường dân biểu tình trên đường phố, rồi liệng trứng thối và đá vào những người xuống cảng để ra đi. Báo chí thủ đô chạy tít đỏ thật lớn miệt thị Sanyustiz và cả đám trên chiếc xe đò đào tẩu: “Tống khứ chúng nó ra khỏi nước, chỉ trừ các tên phản động. Bọn nầy sẽ không bao giờ được ra đi!” Một số mật vụ khác mặc thường phục tới bệnh viện treo những biểu ngữ hô hào “Paredon! Paredon!” (Xử bắn chúng nó!).
Ngạc nhiên đến với Sanyustiz thật đột ngột khi sứ quán Peru cho anh biết hai chính phủ thỏa thuận cho anh ra đi, với duy nhất một điều kiện: im lặng, không được nói với bất cứ ai về mình. Cho rằng đấy chỉ là cái bẫy của bọn Cộng sản, Sanyustiz bằng lòng ra đi, nhưng chỉ với vợ và đứa con trai lên 5. Đêm 16/05 mưa gió bão bùng, Sanyustiz cùng thân nhân được nhân viên sứ quán Peru hộ tống tới cảng Mariel và cho lên chiếc tàu đánh tôm Gulf Star, riêng cậu con riêng của vợ Sanyustiz bị bắt khi rời sứ quán, giả dạng như một người tị nạn bình thường khác, xuống cảng Mariel tìm đường thoát thân.
Để cho dân ra đi trong biến cố nầy, Fidel xả xì được gánh nặng thiếu ăn, lại đỡ nuôi phạm nhân đầu trộm đuôi cướp. Ông tuyên bố: “Họ muốn rước, thì chúng ta cho đi. Chúng ta đã tống khứ thành phần uế tạp từ nhà vệ sinh Cuba qua Mỹ”. Nếu suốt đời cai trị của Fidel là một chuỗi dài những lời nói dối, thì đây là lần hiếm hoi Fidel nói thật. Ông đã mở cửa nhà tù, và làm thủ tục để xuất cảng tội phạm sang Mỹ. Sau khi chiến dịch Cuộc Hải Vận Mariel kết thúc, chính phủ Mỹ đã sàng lọc ra được và giam giữ khoảng 900 tội phạm Cuba, mặc dù vẫn cấp quy chế thường trú nhân cho họ. Một số không nhỏ từ đám nầy sau khi được phóng thích, đã nhanh chóng trở lại trại giam vì những vụ mưu sát, cố sát hay chuyển vận ma túy, và trộm vặt. Sau khi mãn tù hình sự, những “thành phần uế tạp từ nhà vệ sinh” nầy, theo luật, bị tước đoạt quy chế thường trú, nhưng Castro từ chối nhận họ lại mặc dù đã có một thỏa thuận giữa ông với chính phủ Bill Clinton.
Về mặt pháp lý Hoa Kỳ, cuộc Hải Vận Mariel là bất hợp pháp. Thoạt đầu, chính phủ liên bang dửng dưng, án binh bất động, nên tổng thống Jimmy Carter phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh Hải quân Mỹ cũng như Lực lượng Phòng vệ Duyên hải phải cứu giúp những ghe tàu nào lâm nguy trên sóng nước. Tính đến cuối tháng 5/1980, khoảng 1 ngàn tàu thuyền gặp trục trặc đã được tiếp cứu, có chiếc được kéo vào bờ, và điều đáng kể là trong đợt di cư ồ ạt với 130 ngàn người nầy, chỉ có 30 người tị nạn thiệt mạng trên đường tìm tự do. Không có nhiệm vụ khi thuyền nhân còn lênh đênh trên mặt nước, nhưng khi họ đã tới bờ Florida, là bổn phận của chính quyền. Khi con số thuyền nhân đã lên tới 100.000 người chen chúc trong các trại tạm cư ở Florida, quân đội đã không vận họ từ Key West tới Căn cứ Không quân Elgin ở giáp ranh Alabama, và lập nhiều thành phố lều bạt khác nữa ở Wisconsin, Pennsylvania và Arkansas để nuôi sống họ.
Chính sách “Chân ướt – Chân ráo 1994”
Từ nhiều thập niên trước, Cuba hoàn toàn dựa vào “bình dưỡng khí Xô Viết” để thoi thóp sống. Khối Xô Viết mua đường của Cuba, và cung cấp cho Cuba xăng dầu, một phần nhỏ để dùng trong nước, phần còn lại bán ra thị trường tự do của thế giới để khỏi khai tử chế độ. Trong phiên họp của đàng Cộng sản Cuba vào tháng 12/1975, Fidel Castro nhìn nhận: “Nếu không có viện trợ rộng rãi, ổn định của nhân dân các nước Xô Viết, đất nước chúng ta không thể sống còn được trong cuộc đấu tranh căm go với chủ nghĩa đế quốc”. Khi Xô Viết vỡ ra từng mảng năm 1991, bản thân quốc gia Cuba nằm cách nửa trái địa cầu vẫn bị một cái tát kinh tế làm xây xẩm mặt mày, khi bị cắt bầu sữa “6 tỉ đô la bao cấp mỗi năm”, phải sống nhờ vào ba mạch máu chính yếu: nông nghiệp (thuốc lá, đường, cam chanh), hầm mỏ (nickel), và du lịch.
Năm 1994, Castro bỗng dưng tuyên bố một chính sách di cư thả cửa, và nói rõ sẽ không chặn bắt bất cứ ai muốn rời quê hương. Chụp lấy cơ hội, 30.000 dân Cuba xuống thuyền vượt biên, bằng tàu, bằng thuyền, bằng ghe thủ công, bằng bè tự chế, bằng bất cứ cái gì có thể nổi trên sóng. Cái không giống với Cuộc Hải Vận Mariel 14 năm trước là lần nầy thuyền nhân không được chính phủ Mỹ đón rước, ngược lại, họ bị ngăn chận, cản trở ngay ngoài hải phận quốc tế, rồi bị bắt và chở về Vịnh Guantanamo, phần đuôi phía đông nam đảo quốc thuộc chủ quyền Mỹ, chiếu theo Hòa ước Hoa Kỳ – Cuba do tổng thống Tomás Estrada Palma ký với tổng thống Theodore Roosevelt ngày 17/02/1903. Năm kế tiếp, hai chính phủ đạt được một thỏa ước, theo đó mỗi năm có 20.000 người được xổ số và lô trúng là được nhập cư và định cư ở Hoa Kỳ, ngược lại, Cuba nhận về lại những ai bị bắt khi còn trên mặt nước. Tất cả công dân Cuba bị chặn bắt sẽ được nhân viên Sở Di Trú phỏng vấn ngay khi mới bước lên tàu của Lực lượng Phòng vệ Duyên Hải; nếu xét thấy họ thuộc diện đối tượng sẽ bị nhà nước Cuba hành hạ sau khi trả về, thì họ được mang về Vịnh Guantanamo để điều tra thêm. Bên cạnh đó, phía Mỹ nhận thêm 30.000 người trong số bị bắt giải về Vịnh Guantanamo được nhập cư Mỹ. để tránh lặp lại một vụ Hải Vận Mariel thứ nhì, chính phủ Clinton áp dụng luật “Chân ướt – Chân ráo”: thuyền nhân Cuba bị bắt trên mặt nước sẽ bị giao trả về Cuba, những ai đặt chân lên được lãnh thổ Hoa kỳ mặc nhiên được hưởng quyền tị nạn. Chính phủ ông Bush Con và Obama đã tiếp tục áp dụng chính sách nầy, nhưng tới 2003, ông Bush ngừng các cuộc thương thuyết với giới chức Cuba về chính sách di trú, cho tới năm 2009, ông Obama lại cho người phó hội, nhưng chỉ với mục đích là theo dõi tiến trình thi hành con số 20 ngàn giấy phép nhập cảnh hàng năm, hơn là thay đổi hay cải thiện thỏa ước ấy.
Chính sách “Chân ướt – Chân ráo” hẳn không tránh khỏi những câu chuyện đầy nước mắt. Ví dụ hồi tháng 8/2004, một phụ nữ Cuba tuổi khoảng 25 sau khi lập thủ tục với hảng DHL để gởi một thùng hàng lớn từ Cuba sang Mỹ, đã trốn vào bên trong thùng. Chi phối bởi lệnh cấm vận, hàng hóa từ Cuba vào Mỹ phải được phép đặc biệt của chính phủ Mỹ, các hàng hóa khác phải qua một nước thứ ba. Thùng hàng mang theo người phụ nữ được hảng vận tải DHL tiếp chuyển từ phi trường Nassau, ở quần đảo Bahamas, và chuyến bay kéo dài từ 45 đến 50 phút, trước khi đáp xuống Miami, Florida. Khi tàu lên cao, cơ nguy thiếu dưỡng khí và bị lạnh và áp suất lớn rất nguy hiểm cho tính mạng, nhưng người phụ nữ trẻ thà chết còn hơn sống suốt đời dưới ách Cộng sản. Theo đúng luật di trú mới, thiếu nữ bị phát hiện chỉ sau khi đặt chân lên đất liền của Mỹ, nên chị được công nhận quyền tị nạn.
Một chuyện khác nữa xảy ra vào ngày 5/01/2006, khi Lực lượng Phòng vệ Duyên hải phát hiện một đám 15 thuyền nhân Cuba trong đó có 4 phụ nữ và 2 trẻ em đang đeo bám đống vỡ vụn của hàng cột Cầu Bảy Dặm nằm ở các hòn đảo tột cùng của mũi biển Florida, gọi là Florida Keys (chùm tiểu đảo Florida). Ngày 2 tháng 9 năm 1935, trận đại cuồng phong “lễ Lao Động” đổ bộ vào chùm đảo với sức gió giật 295 km/giờ đã tạo sóng thần cao 7 mét, cuốn đi mất tích hơn 400 cựu quân nhân Thế Chiến Thứ Nhất đang làm công nhân đường sắt nối các đảo nhỏ và nhiều cao ốc, nhà cửa. Vào thời ấy, chiếc cầu dài 35.862 feet (6.79 dặm) nầy vắt mình trên hàng cột ngút ngàn là một trong những cây cầu dài nhất thế giới, đã bị cuồng phong tàn phá, chỉ còn sót lại một đoạn dài 2.2 dặm nối vào đất liền, nay cấm xe cộ lưu thômg, chỉ dành cho người đi câu. Vì toán thuyền nhân bị bắt gặp ở phần chân cầu phía ngoài khơi, không được nối thông với đất liền, nên Lực lượng Phòng vệ Duyên hải lý luận rằng nhóm người tị nạn chưa đặt bước chân lên lục địa Hoa Kỳ, vì thế chân họ kể như “ướt”, thành thử họ phải bị trả về cho Fidel Castro. Phản ứng trước quyết định của LLPVDH và cảnh sát Di trú Mỹ, Ramon Saul Sanchez cầm đầu một cuộc tuyệt thực, kéo dài 11 ngày, nhưng cả nhóm vẫn cứ bị trục xuất. Sau đó, thân nhân nhóm nầy đã kiện chính phủ. Quan tòa Federico Moreno phán quyết rằng chính phủ Mỹ đã hành động vô lý, khi cho rằng vị trí mà họ đổ bộ lên là một hòn đảo không còn thông thương với đất liền bằng đường bộ vì cầu đã sụp 71 năm về trước, nên không còn là lãnh thổ Mỹ. Ngày 15/12/2006, 14 người nầy lại đặt chân xuống Mỹ ở địa điểm cách chỗ mà họ đổ bộ lần trước chẳng bao xa, với chiếu khán nhập cư trong tay, chỉ trừ một người bị từ chối vì có tiền án.
Còn một kiểu thuyền nhân khác, chân không ướt, nhưng vẫn kể như ướt: những người vượt biển bằng xe hơi. Kể từ ngày “bác Fidel vĩ đại” lên nắm chính quyền, người dân Cuba đã tìm đủ mọi cách để bỏ phiếu bằng chân. Họ đã dùng ruột xe, dùng bè, dùng thuyền câu đánh cắp, dùng máy bay và ván trượt sóng cũng như dùng vỏ tủ lạnh, bồn tắm để cao chạy xa bay khỏi nhân vật mà đài Hà Nội gọi là “đồng chí Phi-đen Cat-xi tờ-rô”. Kể từ ngày 16/07/2003, dân Cuba đã có một phát minh đáo để: dùng xe tải hạng nhẹ để rẻ sóng ra khơi tìm tự do.
Câu chuyện nầy có thật 100%. 12 người Cuba đã lấy một chiếc truck hiệu Chevy đời 1951 sơn màu vàng sáng chói với giàn bánh còn nguyên tại chỗ, buộc chắc hai mạn sườn xe vào các thùng nhiên liệu trống cỡ 250 lít và một cánh quạt gắn vào trục quay của máy xe, với tài xế ngồi vào ghế lái, thế là cả bọn rẻ sóng lái về phía Florida. Chiếc xe tải chòng chành trên ngọn sóng với tốc độ 8 dặm/giờ đã bị máy bay tuần tiểu của Mỹ bắt gặp ở khoảng 40 dặm phía nam chùm đảo Key West, sau khi họ đã vượt gần một nửa khoảng cách giữa Hoa Kỳ và Cuba. Chiếc xe hi hữu đã bị nhận chìm vì không đủ an toàn để hải hành ngoài biển cả mông mênh, còn cả toán đã được đưa vào bờ và sau đó bị giao trả về Havana vì bị xếp vào diện “Chân ướt”. Chiếc xe tang vật bị chôn vùi xuống đáy đại dương, nhưng Phòng vệ Duyên hải Mỹ không nhận chìm được ý nghĩ vượt biển bằng xe. Ngày 4/02/2004, Lực lượng Phòng vệ Duyên hải lại bắt gặp một xe hơi Buick đời 1959 sơn màu xanh lá cây chở 11 người, trong đó có 4 người đã từng vượt biên thất bại hơn một lần trước đó. Nhóm nầy đã chắt chiu 4 ngàn Mỹ kim để cải biến chiếc xe thành bè nổi. Tại quê nhà, thân nhân của “nhóm xe Buick” kêu gọi chính phủ Hoa kỳ thương xót, đừng trục xuất chồng con họ về nước. Nhưng luật là luật: họ đã bị bắt giữ trong tình trạng ướt chân.
Nhưng có lẽ câu chuyện làm thế giới bàng hoàng, là số phận của thằng bé Elián González. Ngày 21/9/1999, bé Elián theo mẹ và 12 người khác lên một thuyền nhôm nhỏ với cái máy không ra gì để vượt biên. Bị bão, máy hỏng, thuyền lật úp, mẹ của em đã chết đuối cùng với 12 người trong chuyến, nhưng bản thân Elián sống sót với 2 người khác, bồng bềnh trên mặt nước bằng cái ruột xe hơi đến khi được hai ngư phủ bắt gặp, và trao lại cho Phòng vệ Duyên hải. Ngược với luật “chân ướt chân ráo”, Sở Di trú Mỹ bằng lòng trao thằng bé 6 tuổi cho ông nội bác tên Lazaro Gonzales ở Florida bảo dưỡng, nhưng bố em là Juan Miguel González Quintana từ Cuba tuyên bố rằng con ông vượt biên với mẹ mà không có phép bố, nên ông nương theo sự hẩu thuẩn và tuyên truyền chống Mỹ của chính phủ, để đòi Mỹ trả con. Ngày 21/01/2000, hai bà nội ngoại của thằng bé là Mariela Quintana và Raquel Rodríguez từ Cuba bay sang Mỹ để gặp cháu mình lần đầu, và hội kiến Bộ trưởng Tư Pháp Janet Reno. Bà nầy sau đó ra lệnh ngày phải trả thằng bé lại cho bố không thể chậm hơn 13/04/2000, nhưng lệnh không thể thi hành, vì giằng co giữa cảnh sát với dân Florida. Trước bình minh ngày 22/04, tám lính biệt kích được 130 nhân viên của Sở Di Trú hỗ trợ, đã đột kích vào nhà thân nhân chú bé, xịt hơi cay và bắt giữ thằng bé đang ẩn trốn trong tủ quần áo. Bốn tiếng đồng hồ sau, bé Elián gặp bố tại Căn cứ Không quân Andrews ở Maryland, để được chính phủ Mỹ đưa về Havana bằng một phi tuần phản lực 2 chiếc, miễn phí. Về nước, Elian được phát một cái khăn quàng đỏ, và được chụp ảnh ngồi bên cạnh Fidel Castro. Mẹ nó đã chết để đánh đổi tự do và cơ hội học hành cho con. Bố nó vì đảng và nhà nước, đã đòi con mình về nơi mà hàng trăm ngàn người liều chết ra đi. Tới ngày 7 tháng 12 năm nay, Elian Gonzales sẽ trở thành một người trưởng thành, sẽ có quyền cầm thẻ cử tri đi bầu cử, và có quyền phê phán về bố mẹ mình, lẫn lãnh tụ Fidel vĩ đại.
NgyThanh - gửi Danlambao