21/12/10

Ham cầm quyền quên giữ nước (Phạm Trần)

“…Ngay cả khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã tự nó làm nhục chế độ khi trong thực tế người dân không có quyền gì cả …”

Ham cầm quyền quên giữ nước
Đã có nằm vùng của Bắc Kinh trong Đảng?

Phạm Trần


Trong 80 năm hiện diện trên đất Việt Nam, chưa bao giờ Đảng Cộng Sản phải lo giữ quyền lực bằng thời gian tổ chức Đại hội Đảng XI sắp diễn ra vào tháng 01 năm 2011, nhưng càng ham nắm quyền Đảng càng quên giữ nước để không rơi vào tay Trung Cộng.

Từ xưa đến nay Đảng CSVN thường rêu rao “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, nhưng thực tế dân chỉ có thể làm chủ được bản thân mình.

Hãy đọc bài viết của ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội, về vần đề này:
“Tư tưởng của Bác Hồ là tư tưởng lấy dân là gốc, dân là chủ. Đảng không thể đòi hỏi Mặt Trận (Tổ quốc), đòi hỏi dân phải thừa nhận quyền lãnh đạo của mình mà phải qua hoạt động thực tiễn, phải được Mặt Trận và nhân dân suy tôn, lựa chọn. Lựa chọn đây là lựa chọn cương lĩnh và người đứng đầu đất nước thông qua tổng tuyển cử”.

Dân suy tôn và lựa chọn bằng cách nào? Dân suy tôn và lựa chọn cương lĩnh phát triển của Đảng, lựa chọn người đứng đầu Đảng trở thành người đứng đầu đất nước thông qua tổng tuyển cử. Bây giờ cương lĩnh của Đảng chưa được dân lựa chọn, chưa được dân bỏ phiếu, người đứng đầu Đảng chưa sang ứng cử chức danh người đứng đầu đất nước. Dân chưa được lựa chọn như vậy cho nên dân chưa được làm chủ thật sự.

Nếu Đảng coi mình đương nhiên là lực lượng lãnh đạo thì chẳng khác gì nhà vua cha truyền con nối. Từ một nhà vua cá nhân thời quân chủ, nay trở thành một nhà vua tập thể thời cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Như vậy là Đảng chủ chứ không phải dân chủ.”
(Báo Tuần Việt Nam, 06/12/2010)

Tuy ông Nguyễn Văn An chưa đòi Đảng phải rút lui, nhưng nguyên việc đòi người đứng đầu đất nước phải được dân bầu lên mới là dân chủ cũng rất mới so với thời ông Nguyễn Văn An còn làm Chủ tịch Quốc hội từ ngày 27/06/2001 đến ngày 26/06/2006.

Nhưng nếu ông Nguyễn Văn An chỉ muốn dân chủ trong Đảng mà không đòi cho dân được quyền làm chủ đất nước, tự quyết định lấy thể chế chính trị cho mình và để nguyên Đảng lãnh đạo độc quyền như hiện nay thì cũng bằng không. Như vậy, phải chăng ông Nguyễn Văn An muốn cứu Đảng đang “tứ đầu thọ địch” từ ngay trong lòng chế độ thay vì từ các “thế lực thù địch” và “diễn biến hòa bình” của đế quốc như Đảng đang tuyên truyền và ra sức phản công trên mặt trận tư tưởng?

Đảng lãnh đạo là ai?

Đáng chú ý là bài viết của ông Nguyễn Văn An, coi như vượt ra ngoài vòng kiềm tỏa của Đảng, được phổ biến vào lúc có nhiều “chuyên viên tư tưởng, tuyên truyền” của Đảng và quân đội được sử dụng viết bài bảo vệ quyền lãnh đạo cho Đảng.

Chẳng hạn như ông Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch Sử Đảng đã viết bài “Bối cảnh xác lập vai trò và vị trí lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam” trên báo điện tử của đảng ngày 29/11/2010.

Ông Nguyễn Trọng Phúc viết:
“Đường lối đổi mới và Cương lĩnh 1991 của Đảng đã đưa sự nghiệp đổi mới - cuộc canh tân vĩ đại trong lịch sử dân tộc không ngừng phát triển, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa thể hiện trách nhiệm lớn lao trước dân tộc và lịch sử.

Vị trí và vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng xuất phát từ tính tổ chức, kỷ luật của Đảng ở tính tiên phong, gương mẫu, đạo đức cách mạng được rèn luyện ngay từ khi bước vào sự nghiệp cách mạng của cán bộ, đảng viên, ở sự gắn bó mật thiết với dân tộc và nhân dân”.
“Canh tân vĩ đại ở chỗ nào” trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011), gọi tắt là Cương lĩnh 1991 ra đời tại Đại hội đảng khóa VII đã đưa Đỗ Mười lên làm Tổng Bí thư Đảng?

Nếu ông Nguyễn Trọng Phúc còn nhớ thì khi ấy Tổng bí thư Đảng khóa VI là Nguyễn Văn Linh đã nói câu để đời “Đổi mới hay là chết” để mô tả hoàn cảnh sắp chết của Việt Nam vào năm 1986 khi Đảng phải quyết định bỏ mô hình kinh tế tập trung, bao cấp của Liên Sô để “đổi mới’, mở cửa cho ngọai quốc vào đầu tư làm kinh tế thị trường của tư bản để cứu Đảng khỏi tan vỡ.

Do đó, không ai có thể bị mê hoặc bởi những lời ông Nguyễn Trọng Phúc tự biên tự chế để khoe khoang như:
“Vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng vẫn không ngừng được củng cố, phát triển từ trong bản chất cách mạng, khoa học và tư tưởng, lý luận của Đảng, từ sự đúng đắn và không ngừng hoàn thiện Cương lĩnh, đường lối chính trị, từ sự không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, từ sự rèn luyện, không ngừng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vị trí lãnh đạo duy nhất của Đảng không bao giờ thay đổi vì ngoài lợi ích của giai cấp, dân tộc và nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác.”
Nhưng “giai cấp – dân tộc – nhân dân” nào đã ủy nhiệm cho Đảng lãnh đạo đất nước? Nếu Đảng tự cho rằng mình là đại biểu của “giai cấp công nhân và nhân dân lao động” là một ngụy biện vì cả hai giai cấp này đã, đang và sẽ tiếp tục bị Đảng bạc đãi và bóc lột đến tận xương tủy như đã thấy từ khi có bóng dáng Đảng trên đất nước. Do đó khi nghe ông Nguyễn Trọng Phúc nói Cương lĩnh đã phản ảnh quyết tâm “không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” thì chẳng ai tin, vì ông Nguyễn Trọng Phúc đã nói những điều ngược lại với nội dung của văn kiện này. Việc này đã được chứng minh trong các ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân sau 47 ngày bản Cương lĩnh được đem ra lấy ý kiến (kết thúc ngày 31/10/2010).

Nhiều người trong nước, kể cả một số trí thức hàng đầu và cựu lãnh đạo, đảng viên cao cấp đã chỉ trích Cương lĩnh vẫn giữ nguyên lối mòn tư duy bảo thủ, phản dân chủ, xưa cũ, chậm tiến, lạc hậu, mơ hồ, mị dân, không tưởng và là lực cản tiến bộ của dân tộc cần phải bỏ đi hay viết lại.

Dân chủ hay đảng chủ?

Để bênh vực cho chính sách độc tài ngụy trang trong “tập trung dân chủ”, anh Thiếu tá – Thạc Sỹ Trần Văn Huyên, Phòng Nhà trường, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị đã phét lác trong báo điện tử Đảng qua bài "Một số vấn đề về bản chất nguyên tắc tập trung dân chủ và đấu tranh với các quan điểm sai trái hiện nay".

Ông Trần Văn Huyên đã lý luận “tập trung dân chủ” như thế này:
“Tập trung trên cơ sở dân chủ, điều này làm cho tập trung khác biệt về bản chất so với chuyên chế, chuyên quyền. Nội dung của nguyên tắc chỉ rõ: Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Đó là tập trung. Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Nghị quyết là sự tập trung cao trí tuệ, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên. Để có sự chấp hành nghị quyết một cách nghiêm chỉnh, vô điều kiện, thì điều kiện tiên quyết là nghị quyết đó phải được xây dựng trên cơ sở dân chủ.”
(bài viết ngày 03/12/2010)

nhân dân Việt Nam
chưa hề có dân chủ,
dù chỉ một ngày kể từ khi
Đảng Cộng Sản nắm quyền
Đây là lập luận Đảng đang cổ võ cho điều được gọi là dân chủ phải có kỷ luật, không dân chủ bừa bãi để gây hỗn loạn xã hội, nhưng đồng thời cũng để chống đòi Đảng phải thi hành dân chủ thật sự bằng cách từ bỏ độc quyền lãnh đạo và chấp nhận đa nguyên đa đảng chính trị. Bởi lẽ thực tế đã chứng minh nhân dân Việt Nam chưa hề có dân chủ, dù chỉ một ngày kể từ khi Đảng Cộng Sản nắm quyền cai trị ở miền Bắc năm 1954 và sau 1975 trên cả nước. Thứ “dân chủ tập trung” đang được làm rùm beng trước thềm Đại hội Đảng XI là thứ dân chủ hạn chế chỉ diễn ra trong nội bộ đảng mà thôi. Dân không có quyền đòi dân chủ mà phải do Đảng ban cho ai thì người ấy được. Do đó chủ trương này đã bị bóc trần, bị chỉ trích là độc tài, mị dân bởi nhiều trí thức trong nước, kể cả một số đông cựu đảng viên và cựu lãnh đạo.

Để chống lại, Ban Tuyên Giáo và Báo Quân Đội Nhân Dân đã tung ra nhiều bài viết xuyên tạc và chụp mũ những người có lập trường đối lập với Đảng. Chẳng hạn như lập luận của ông Trần Văn Huyên:
“Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc vô cùng quan trọng đảm bảo sự sống còn của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Do vậy, các thế lực thù địch đã chống phá quyết liệt bằng những quan điểm sai trái về bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Về phương diện lý luận, đã có nhiều quan điểm hiểu không đúng hoặc cố tình xuyên tạc nội dung và bản chất của nguyên tắc này, thực chất là muốn xoá bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, làm suy yếu Đảng, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Lẽ dĩ nhiên, những quan điểm này không trực diện đòi xoá bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ mà núp dưới cái phương pháp “phân tích bản chất của nguyên tắc”, bằng lập luận lập lờ, lái nhận thức của mọi người đi đến chỗ từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ.”
Trước đó, ông Nguyễn Mạnh Hưởng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Viện Khoa Học Xã Hội Nhân Văn Quân Sự - Bộ Quốc Phòng cũng huyênh hoang trên Tạp chí Cộng Sản ngày 08/09/2010:
“Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng Sản Việt Nam luôn là đội tiền phong, lãnh tụ chính trị của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam, là người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Qua sự “sàng lọc” dữ dội của lịch sử những thập kỷ đầu thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã lựa chọn Đảng Cộng Sản Việt Nam là người dẫn dắt mình đi đến tương lai hạnh phúc.”
Người dân nào đã “lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam” để thay mình lãnh đạo đất nước, hay Đảng này đã cướp mất của dân từ cuộc “cách mạng” tháng 8/1945?

Ông Nguyễn Mạnh Hưởng còn cả gan nói rằng:
“Dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam, sự nghiệp cách mạng nước ta đã đem lại những quyền cơ bản nhất cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân lao động Việt Nam, nhân dân ta thực sự được làm chủ cuộc sống của mình, được sống cuộc đời “tự do, hạnh phúc”.
Ai đã làm chủ cuộc sống của dân thì người cộng sản biết rõ hơn ai hết nên điều được gọi là “tự do, hạnh phúc” cho đến nay, sau 64 năm “được” sống với chế độ (1954-2010), người dân mới thấy mình bị Đảng lừa, bị Đảng cho ăn nhiều bánh vẽ quá! Vậy mà ông Nguyễn Mạnh Hưởng vẫn có thể trâng tráo dẻo mép:
“Ở Việt Nam không thực hiện chế độ đa đảng không phải vì chúng ta bảo thủ, mất dân chủ như các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, mà đó là yêu cầu khách quan, là vì sự ổn định và phát triển của đất nước, vì sự phát triển của nền dân chủ và hạnh phúc của nhân dân, để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Rằng:
“Ở nước ta, thực hiện một đảng duy nhất lãnh đạo, mọi người dân đều có thể trực tiếp hay gián tiếp (thông qua người đại diện của mình) đề đạt nguyện vọng và đóng góp ý kiến cho các cơ quan công quyền. Các kênh bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng và hoạt động có hiệu quả. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trở thành quy chế, thiết chế dân chủ trong các tổ chức chính trị - xã hội, trong các hoạt động của xã hội; là phương châm hành động của người dân trong xây dựng hệ thống chính trị; là yêu cầu ứng xử của cán bộ trong tiếp xúc, quan hệ với dân và chăm lo đến dân. Nhân dân lao động là chủ thể mọi quyền lực; quyền lợi và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm, cống hiến và hưởng thụ luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Thực tế trên chưa phải là đầy đủ, nhưng đã cho thấy tính ưu việt của chế độ một đảng ở Việt Nam; không thể vì những khó khăn, phức tạp nào đó mà xuyên tạc bản chất chế độ dân chủ của nước ta, đòi thực hiện đa đảng, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Quả thật chỉ có những cái đầu mất óc mới có thể bù lu bù loa những “thành quả vĩ đại” của Đảng CSVN và tính ưu việt của chế độ như ông Nguyễn Mạnh Hưởng đã bịa ra. Ngay cả khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã tự nó làm nhục chế độ khi trong thực tế người dân không có quyền gì cả. Vì nếu người dân có quyền “kiểm tra” thì có lẽ Việt Nam không còn quốc nạn tham nhũng như hiện nay.

Đến phiên ông Trần Quang Nhiếp, Phó Giáo sư, Tiến sỹ cũng a-dua viết bài “Đảng với việc thay đổi lịch sử dân tộc" trên báo điện tử của Đảng ngày 15/11/2010 rằng: “Đảng thực sự là của dân, vì dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ”. Để biện hộ cho quan điểm này, ông Nhiếp nói rằng:
“Ngay trong máu lửa, Đảng ra đời là vì sự nghiệp giải phóng, cứu vớt nhân dân, Đảng thực sự được nhân dân tin, dân kỳ vọng là người cứu vớt, người đem lại hạnh phúc cho mình. Các thế hệ đảng viên, cán bộ của Đảng đã thật sự vì nhân dân mà hy sinh phấn đấu, không vì lợi ích cá nhân. Nhân dân tìm thấy ở Đảng là người dẫn dắt mình đi tới tương lai. Đồng thời Đảng ta đã là của dân, Đảng dựa vào nhân dân, tạo thành lực lượng cách mạng có sức mạnh vật chất và tinh thần vô tận, mạnh như thác lũ. Nhân dân che chở, bảo vệ, nuôi dưỡng Đảng trong mọi hoàn cảnh. Đảng đã thiết lập mối quan hệ máu thịt, quan hệ cá nước giữa Đảng với nhân dân. Đảng thực sự là của dân, Đảng không có mục đích tự thân.”
Nếu dân đã liên hệ “máu thịt” với Đảng như thế thì tại sao bây giờ đã có nhiều người quay lưng lại với Đảng. Điều này cũng đã được ông Trần Quang Nhiếp chứng minh khi viết rằng:
“Những thái độ trên đây khác hẳn với thái độ của những kẻ dụng ý xấu xa, tâm địa độc ác một cách có bài bản hòng xóa bỏ Đảng cộng sản Việt Nam. Chúng ra sức lôi kéo, làm chuyển biến nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân đi đến hoài nghi, từ bỏ Đảng. Bằng nhiều thủ đoạn kinh tế, chính trị, văn hóa… chúng làm cho cán bộ, đảng viên tự diễn biến mất lòng tin, phai nhạt lý tưởng. Chúng bơm to, thổi phồng những yếu kém, sai lầm, thiếu sót nhằm bôi nhọ, hạ uy tín của Đảng, bôi đen chế độ. Họ không những bác bỏ mọi công lao của Đảng suốt 80 năm qua, mà còn bịa đặt vu cáo trắng trợn cho Đảng về tội lỗi đối với dân tộc, đối với lịch sử. Chúng chia rẽ khối đoàn kết, kích động phái này, phái kia làm suy yếu Đảng… thực chất đây là những hành vi “đục nước, béo cò”, phá hoại Đảng, kích động tâm lý ly khai Đảng để mưu cầu mục tiêu đen tối của chúng.”

Đã có nằm vùng của Bắc Kinh?

Nhưng ông Trần Quang Nhiếp có biết tại sao bây giờ đã có những người thù ghét Đảng đến đỗi không cón muốn nhìn mặt Đảng nữa không? Tại vì Đảng bám víu quyền lợi thiển cận mà đã đẩy đất nước vào tay Bắc Kinh qua các dịch vụ hợp tác khai thác bauxite ở Tây Nguyên; cho thuê đất rừng trong thời hạn 50 năm ở ít nhất 10 tỉnh đầu nguồn có vị trị chiến lược quốc phòng; để cho hàng chục ngàn công nhân Tàu vào làm ăn ngay trong lãnh thổ Việt Nam qua các vụ trúng thầu xây dựng các nhà máy điện, xi-măng v.v. được Chính phủ Bắc Kinh bù đậy, che chở.

Đảng bám víu quyền lợi thiển cận
mà đã đẩy đất nước
vào tay Bắc Kinh
Hãy đọc bài viết của Tác giả Cầm Văn Kình trên báo Tuổi Trẻ ngày 28/03/2009: “Ngày 27-3, Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm về kích cầu trong xây dựng. Thực trạng lớn nhất được đưa ra tại buổi tọa đàm là rất nhiều dự án lớn đã triển khai nhưng hàng hóa VN không thể tiêu thụ được vì trúng thầu là các nhà thầu ngoại, chủ yếu là Trung Quốc” .

Chủ trương kích cầu xây dựng là đúng, nhưng ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - khẳng định các nhà thầu Việt Nam đang rất lo vì thực tế cho thấy các dự án lớn khi đem ra đấu thầu hầu như đều rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài. Ông Trần Ngọc Hùng cho biết các nhà thầu Trung Quốc đang thắng thầu rất nhiều công trình trọng điểm về điện, ximăng, hóa chất... “Đáng quan tâm là các nhà thầu Trung Quốc thường đem theo hàng ngàn công nhân và đem cả thiết bị của họ sang, trong khi những thiết bị đó VN hoàn toàn có thể sản xuất được”...

Vừa đi cùng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến thăm một công trình xây dựng nhiệt điện ở Quảng Ninh, ông Nguyễn Công Lục - Vụ trưởng Vụ Kinh Tế Ngành, Văn phòng Chính Phủ - công nhận “một công trình nhưng công nhân Trung Quốc sang tới hơn 2.000 người” . Trong khi đó, ông Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam - cho biết không chỉ một mà hơn 10 công trình xây dựng nhà máy xi-măng và nhiều dự án nhà máy điện lớn ở VN đều đang được các nhà thầu Trung Quốc thi công. Đặc trưng của nhà thầu Trung Quốc, theo ông Trần Văn Huynh, là họ không thuê nhân công Việt Nam mà đem người sang, có thể bằng cả đường du lịch rồi ở lại.

Ông Trần Văn Huynh nói “Một số loại vật liệu Trung Quốc được đem qua Thái Lan rồi vòng vào Việt Nam. Máy móc thiết bị không nhập riêng được thì họ lắp sẵn rồi đem cả sang. Tôi có thăm một nhà máy xi-măng do nhà thầu Trung Quốc làm, đến cái bệ xổm trong nhà vệ sinh họ cũng không dùng hàng Việt Nam mà mua hàng Trung Quốc”.

Ông Trần Hồng Mai - Viện phó Viện Kinh tế Xây dựng - góp thêm một thực trạng khi cho biết có thể các nhà thầu Trung Quốc nhận được nhiều hỗ trợ từ phía nước họ, kể cả chính sách thuế, nên giảm mạnh giá bỏ thầu. Vì vậy, họ thường nắm phần thắng khi đấu thầu. Nên các công trình lớn như Đạm Cà Mau, nhà máy điện ở Hải Phòng, khi xây dựng lúc nào cũng có hàng ngàn công nhân Trung Quốc...

Cùng lo ngại như ông Trần Văn Huynh “nếu các công trình lớn đều vào các nhà thầu ngoại sẽ dần triệt tiêu nội lực”, nhiều chuyên gia đề nghị nên có chính sách cụ thể để giúp các doanh nghiệp xây dựng trong nước. Ông Trần Văn Huynh phân tích: “Giá thầu rẻ nhưng chất lượng không cao chưa chắc đã là rẻ, không nên tư duy cứ giá thấp là trúng thầu”. Ông Trần Hồng Mai viện dẫn Luật đấu thầu đã quy định phải ưu tiên doanh nghiệp Việt Nam nhưng nhiều chủ đầu tư Việt Nam lại “quên” điều này. Ông Mai cho rằng Nhà nước cần có chính sách để “nhắc” các chủ đầu tư.

Ngoài ra Đảng và Nhà Nước cũng đã bị khuất phục trước đe dọa của Tàu ở Biển Đông, bất lực trước các vụ ngư dân Việt Nam bị Tàu bắt, đánh đập, đâm thuyền làm chết chìm dưới lòng biển.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang đã lên tiếng báo động từ trong nước hôm 01/12/2010:
“Có người cho rằng không chỉ có “Vũ Ngọc Nhạ” trong đầu não Đảng, Quốc hội mà nhan nhản đó đây những tình báo nước ngoài nằm tại các phường, xã của ta. (Chẳng thế mà hacker Tần Thủy Hoàng đâu từ Trung Quốc cũng tích cực tham gia đánh phá các trang web dân chủ tiếng Việt). Xin hãy tỉnh táo. Việc hệ trọng hàng đầu hiện nay là ngăn chặn nguy cơ chui vào rọ ngoại bang đã, để rồi mới còn có thể tiếp tục bàn luận với nhau về những con đường tối ưu tiến tới dân chủ hóa đất nước”.
Cũng nên biết Vũ Ngọc Nhạ, bí danh Hai Long là cán bộ tình báo chiến lược của Quân Đội Cộng Sản miền Bắc được gài vào Dinh Độc Lập từ thời Đệ I Việt Nam Cộng Hòa và chỉ bị phát giác trong cụm tình báo của cộng sản A.22 vào trung tuần tháng 07/1969 thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông Nhạ là một trong số 42 cán bộ tình báo nguy hiểm đã bị bắt cùng với Huỳnh Văn Trọng, Lê Hữu Thúy (tức Thắng), Vũ Hữu Ruật, Nguyễn Xuân Hòe, Nguyễn Xuân Đồng v.v. Vũ Ngọc Nhạ chết năm 2002 với quân hàm Thiếu tướng.

Như vậy thì có phải Đảng CSVN đã ham cầm quyền mà quên mất bổn phận giữ nước, hay trong số lãnh đạo Đảng và Chính phủ cũng đã có khối kẻ nằm vùng cho Trung Cộng như Vũ Ngọc Nhạ?
Phạm Trần
Tháng 12/2010

Tố Hữu: nhà thơ Tiên Bi (Vũ Thế Phan)

“… Mai sau dù có bao giờ…
Câu thơ thuở trước, đâu ngờ hôm nay
…”

Tố Hữu: nhà thơ Tiên Bi
Vũ Thế Phan

“Mai sau dù có bao giờ…
Câu thơ thuở trước, đâu ngờ hôm nay!” (1)


Mưỡu: Hơn nửa thế kỷ qua, khi nói tới Tố Hữu Nguyễn Kim Thành, báo chí, sách vở thường chỉ theo nhau nhắc đi nhắc lại mấy câu tuyệt tác của ông, đại loại “thương cha, thương mẹ, thương chồng…”, “Hoan hô Sta-lin…”, “Hoan hô Hồ Chí Minh…”. Theo tôi, tụng ca chỉ là một khía cạnh nho nhỏ trong nguồn thi hứng mênh mông của “nhà thơ lớn của dân tộc”.

Cụ Hoàng Văn Chí trong cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc nhận định về Tố Hữu như sau: “Tố Hữu là nhà văn xưa nay vẫn trung thành với Cộng sản”; “Tố Hữu là thần tượng của thi ca cộng sản Việt Nam cũng như Maïakovski ngày xưa là thần tượng của thi ca Liên Sô”; “lời thơ của ông rất hay…”.

Tài gieo vần chọn chữ của Tố Hữu thì không ai có thể phủ nhận được, nhưng nếu chịu khó trực tiếp đọc nguyên tác của Từ Ấy, Việt Bắc, Gió Lộng… chứ đừng nên đọc những sách ca Thơ Tố Hữu như của nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân – Hà Nội 1971; của nhà xuất bản Giáo Dục Giải Phóng – Hà Nội 1974; của Lê Đình Kỵ nhà xuất bản Đại Học và Trung Học Chuyên nghiệp – Hà Nội 1979… mà bị ảnh hưởng bởi cái gọi là “khen phò mã tốt áo”. Tôi đã đọc kỹ Tố Hữu như thế và đã phát hiện vài khía cạnh thú vị khác, nên có bài này.


I. Nhà thơ tiên tri


1. Ứng vào Thuyền nhân tị nạn… đảng



“Đường xa bao nỗi truân chuyên
Ngọn đèn đêm gió, con thuyền biển khơi.
Đèn vẫn tỏ, thuyền bơi tới trước,
Đảng ta đưa dân nước ta đi…”
(30 năm đời ta có đảng, Thơ Tố Hữu - Tác phẩm chọn lọc,
dùng trong nhà trường, trang 132 - nxb Giáo Dục Giải Phóng, 1974)


2. Ứng vào hiện tình đất nước



“Ta thấy nàng nghiêng mình rũ rượi
Gục đầu thổn thức trong bàn tay...
Bạn ơi, nguồn thảm sầu kia bởi
Số phận hay do chế độ này?”
(Vú Em, Thơ Tố Hữu, sđd trang 26)




II. Nhà thơ nâng bi


3. Ứng vào duyên tình Tàu-Việt (xưa và nay)

“Đường sang nước bạn chiều xuân,
Con tàu liên vận vui chân dặm trường.
Đồng-đăng đây, nọ Bình-tường,
Song song đôi mặt như gương với hình.
Bên ni biên giới là mình,
Bên kia biên giới cũng tình quê hương.”


Quân Đội Nhân Dân Việt Nam anh hùng
kỷ niệm 65 năm ngày thành lập
bằng hình quân đội Trung Quốc

Chào Trung-quốc, giang sơn hùng vĩ,
Quê Hồng-quân Vạn Lý Trường Chinh!
Hồn các anh xưa, những người chiến sĩ,
Đầu đỏ ngôi sao, không sợ thác ghềnh.
Từ Giang Tây lên Thiểm-Cam-Ninh,
Ăn tuyết nằm sương, mặt đầy máu bụi,
Lòng mạnh hơn sông, gan to hơn núi,
Vai làm thang, lưng làm cầu.
Rừng thẳm sông sâu,
Không thể gì ngăn được!
Ôi tiếng sáo Ly Quê thuở trước,
Hồng-quân đi đến đâu
"Sông phải rẽ nước,
Núi phải cúi đầu"
(a)
Các anh đi, lay động địa cầu.
Từ thuở ấy, nước tôi còn nô lệ,
Máu Xô-viết mới đầm đià đất Nghệ.
Tôi lớn lên, nhưng chưa được làm người,
Thèm một quê hương, một mảnh đất, khoảng trời.
Vời vợi Diên An, mộng mười sáu tuổi!

Từ ấy, đã biết bao đèo suối,
Chúng tôi đi, theo lối các anh đi,

Mười lăm năm trường kỳ kháng chiến,
Như các anh đã đi, đã đến,
Như các anh, giành biển, giành trời,
Hai ngọn cờ đỏ máu thơm tươi,
Chiến thắng ôm nhau, biên cương mở hội.
Hôm nay tôi đi từ Hà Nội,
Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Con tàu đưa tôi đến Trung-hoa:
Bốn hướng mênh mông, bao la trời đất,
Ồ tất cả của ta đây, sướng thật!




Bánh xe quay trong gió, bánh xe quay
Cuốn hồn ta như tỉnh như say,
Như lịch sử chạy nhanh trên đường thép
Đưa ta đến một ngày mai tuyệt đẹp.
Ôi buổi bình minh dày dọc đường
Mướt xanh bờ liễu, vút hàng dương,
Trắng phau nội cỏ cừu phơi tuyết,
Ngạt ngào đồng xanh mịn phấn hương.
Vui nhỉ tiếng cười quanh giếng máy,
Hoa đào đôi bím nở trong sương.
Làng hay phố đó, tường vôi mới,
Băng đá tan trên dòng Trường-giang...
Mặt trời lên, nắng chói lưng đồi,
Hết khổ rồi em nhỉ, Hỉ Nhi ơi!
Em mặc áo hoa, cúi đi hài ấm,
Em nói em cười má em đỏ thắm;
Em đẹp em thơm như quả táo đầu cành,
Phơi phới đời em cao vút như dương xanh.



Trung-quốc đó: Sức thanh xuân bừng dậy,
Có phải chăng xưa nàng tiên nữ ấy
Mấy nghìn năm đày đọa tháp Lôi-phong
Vươn mình lên rực rỡ dưới cờ hồng!
Trung-quốc đó: Bàn tay nào huyền diệu
Đã nắn lại cả dung nhan dáng điệu,

Mặt đồng khô xóa sạch những bờ ngăn,
Như mặt người tươi dần những đường nhăn,
Gót chân bước trên đường xanh nhún nhảy,
Như nhịp trống ương ca, như biển ngời sóng chạy!
Văn Thiên Tường ơi!
Nếu anh sống lại
Đến bến bờ Bột-hải
Thăm Sơn-hải-quan
Anh sẽ không còn khóc mãi
Nàng Mạnh Khương xưa mùa đông
Bơ vơ đi mang áo rét cho chồng
Đắp Trường Thành Vạn Lý (b)
Tôi đã gặp Mạnh Khương nhiều chị
Khắp công trường rộn rã như ong
Vui chồng vui vợ
Vai gánh vai gồng
Bạt núi khơi sông
Mùa đông không lạnh nữa
Tưng bừng đuốc lửa thâu đêm
Cướp thời gian thay búa thay liềm!
Ôi hai chữ Tự-do: Đôi hài vạn dặm,
Đôi cánh thần tiên bay lên xanh thẳm
Tôi đã trông, tôi đã thấy: Nơi đây
Hai mươi năm nhảy vọt một ngày
Sáu trăm triệu bàn tay: Một núi
Thép gang luyện từ bùn lầy, than bụi!
Quang vinh thay Đảng những con người
Cờ đỏ giương cao, đứng dậy làm trời
"Tia lửa nhỏ đốt cháy đồng cỏ rộng" (a)



Mao Trạch Đông!
Tôi đã thấy: Dáng người cao lồng lộng
Đẹp như một ngọn cờ Hồng
Trên mặt người, mặt đất mênh mông.


Video Clip: Làng Tàu trên đất Việt – Ngụ binh ư công (2)

Tôi đã thấy ngày xưa đâu đó
Một tia lửa nhỏ
Trong xóm nhỏ Tương-đàm (c)
Cháy lan dần, đỏ khắp Hồ Nam
Thành ngọn lửa hôm nay: Trung-quốc!
Soi sáng phương Đông, châu Phi, châu Úc,
Lửa dâng cao, lửa Cách Mạng Tháng Mười
Rát mặt loài lang nhung, ấm dạ loài người.

Video Clip: Ngư dân Việt Nam vái lạy hải quan Trung Quốc

Sáng thêm nữa, đời đời, ngọn lửa
Của Trung-hoa, của chúng ta, tất cả!
Của chúng ta, muôn ngọn lửa lên cao
Cho cả địa cầu thành một ngôi sao!
(Tố Hữu - Đường Sang Nước Bạn - tập Gió Lộng, Hà Nội 1961)


Chú thích của Tố Hữu:

(a) Mấy lời của Mao chủ tịch

(b) Chuyện ngày xưa có nàng Mạnh Khương mùa đông mang áo cho chồng đắp thành Vạn Lý, tìm không thấy chồng đâu, tuyệt vọng nhảy xuống biển Bột-hải mà chết. Nhà thơ Văn Thiên Tường thương thân nàng, làm mấy câu thơ còn ghi ở Sơn Hải Quan:

Tần hoàng an tại tại
Vạn lý trường thành trúc oán
Khương nữ vị vong gia
Thiên thu phiến thạch minh trinh.

Tố Hữu tạm dịch:

Vua Tần ngồi yên sao đành
Oán xây vạn lý trường thành
Khương nữ nàng ơi không chết
Nghìn thu bia đá chữ trinh!

(c) Tương-đàm: Quê hương Mao chủ tịch.

4. Sơ kết: Nghìn thu bia đá

Giuộc ông tôn ông là Vladimir Maïakovski nội hoá. Cả nước biết đến ông nhờ ông giàu thi hứng nâng và đỡ bề dưới của bề trên. Một hôm, ngồi ngâm lại bài thơ Đường Sang Nước Bạn của ông cho bề trên nghe. Chẳng hiểu vì vô tình hay cố ý, bề trên thí vãi ra một cái bũm. Maïa nội hoá nắc nỏm khen:

- Chà, chà ... cái rắm hôm ni răng mà thơm lọa rứa!

Bề trên sụ mặt, không vui:

- Tôi nghe nói, người ta ăn cao lương mỹ vị vào, có tiêu hoá thì mới tốt. Mà tiêu hoá đều theo lẽ rắm phải thối. Vậy mà bây giờ rắm tôi lại thơm, có phải là điều bất tường không?

Tức thời Maïa nội hóa cong bàn tay lại, vớt không khí một cái, đưa lên ngửi, xít xoa:

- Chu choa, bây chừ nó lại thúi rồi tề. Cái rắm của bề trên kể cũng hơn người, loạ hí!


Vào Đại lễ “Hai Ngàn Năm Thăng Long” (1010-3010) xuất hiện trên Con Đường Gốm Sứ 2:

Tố Hữu chàng ơi không chết,
Nghìn thu bia đá chữ Nịnh!
Vũ Thế Phan

Báo động: VNPT – Một VINASHIN thứ hai (Đình Văn)

“…bài học về sự phá sản Vinashin còn nóng hổi trước dư luận xã hội thì sự lộng quyền trong một số tập đoàn khác cũng có dấu hiệu tương tự như Vinashin mà cụ thể là ở Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam (VNPT) …”

Báo động: VNPT – Một VINASHIN thứ hai
Đình Văn


Trong cái cơ chế độc quyền lãnh đạo này, chính phủ còn loay hoay chưa biết cơ chế quản lý các tập đoàn kinh tế như thế nào cho ra ngô ra khoai, bài học về sự phá sản Vinashin còn nóng hổi trước dư luận xã hội thì sự lộng quyền trong một số tập đoàn khác cũng có dấu hiệu tương tự như Vinashin mà cụ thể là ở Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam (VNPT) là một điển hình.

Mặc dù qui mô về kinh tế đơn thuần thì số nợ của VNPT có thể chưa lớn bằng Vinashin nhưng về tính chất quan trọng và qui mô hoạt động và tính xã hội thì ở VNPT lớn hơn Vinashin nhiều. Nếu xảy ra bất kỳ sự cố nào ở VNPT thì mức độ ành hưởng sẽ khủng khiếp hơn nhiều.

VNPT
Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam
VNPT là tập đoàn kinh tế lớn, được chính phủ giao quản lý toàn bộ hạ tầng Bưu chính Viễn thông, kinh doanh và khai thác dịch vụ viễn thông chủ yếu trong xã hội. Mặc dù gần đây, với sự mở cửa cạnh tranh, đã có nhiều doanh nghiệp cùng kinh doanh lĩnh vực này nhưng VNPT vẫn là doanh nghiệp được ưu đãi và quản lý phần hạ tầng cơ bản nhất phục vụ đối nội, đối ngoại và an ninh thông tin quốc gia.

Với mô hình quản lý như hiện nay, sự lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước ở VNPT thật đáng báo động. Nhiều doanh nghiệp thuộc VNPT khi cổ phần hóa đã làm thất thoát tài sản nhà nước rất nhiều, đặc biệt việc ra đời nhiều công ty con kiểu các công ty cổ phần tương tự như Vinashin đã phổ biến mà hầu hết những công ty này không làm ăn hiệu quả như Công ty Tài chính Bưu điện, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện v.v.

Việc gần đây, với sự cạnh tranh khốc liệt, nhiều đơn vị thuộc VNPT luôn bị thua lỗ. Mặc dù vậy lãnh đạo tập đoàn không quan tâm xử lý mặc dù đã có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo những sai trái, tham nhũng xảy ra ở tập đoàn đã được gửi tới lãnh đạo tập đoàn nhưng xem ra đều bị “chìm xuồng”.

Điển hình là: Vụ thiếu trách nhiệm trong đầu tư thất thoát tài sản ở Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTIC) hàng trăm tỷ đồng. Một vụ khác là lãnh đạo công ty PTIC làm thất thoát tài sản hàng tỷ đồng phải bồi thường (ông Nguyễn Duy Bắc Việt – TGĐ kiêm Chủ tịch HĐQT). Việc giới thiệu đại diện vốn làm kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc là sai luật giống như Vinashin nhưng lãnh đạo tập đoàn vấn làm và vẫn bảo vệ mặc dù đã có cảnh báo – cũng vị lãnh đạo này lập hợp đồng khống rút tiền công quĩ nhiều trăm triệu đồng chi tiêu cá nhân đã được tố cáo mà tập đoàn không quan tâm giải quyết mà vẫn tiếp tục giao nhiệm vụ quản lý vốn nhà nước cho vị cán bộ này; Việc hình thành nhóm lợi ích với sự bao che của ông Vũ Tuấn Hùng – Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cùng nhóm lãnh đạo tập đoàn đã làm nhiều người dân bức xúc. Sau khi có đoàn thanh tra chính phủ về làm việc năm 2009, chính Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo phải giải quyết và qui rõ trách nhiệm nhưng tập đoàn vẫn làm ngơ. Dư luận trong VNPT đồn đoán rằng ông Vũ Tuấn Hùng – Tổng Giám đốc đang mải mê chạy chọt để kiếm một suất Ủy viên Trung ương Đảng nhiệm kỳ tới nên đang cần nhiều tiền để xử lý việc chạy chọt và các đơn vị phải gom tiền cho quan trên chạy chức. Việc này không rõ thực hư thế nào nhưng cũng đã làm nhiều cán bộ VNPT hết sức hoang mang. Báo chí cũng đã vào cuộc nhưng không ai quan tâm giải quyết.

Sau Vinashin liệu VNPT có phải là nơi tiếp theo rơi vào nguy kịch? Chúng ta hãy chờ xem Thủ tướng lắng nghe ý kiến người dân thế nào và xử lý tham nhũng ở các tập đoàn kinh tế nhà nước như thế nào? Chỉ biết tình hình đầu tư dàn trải, quản lý vốn nhà nước lỏng lẻo ở các đơn vị thuộc VNPT đặc biệt là các doanh nghiệp cổ phần đang gây nhiều hoang mang. Xin rung một tiếng chuông báo động.
Đình Văn
Hà Nội, 07/12/2010

Khi các nhà "chánh troẹ" hô hào nói lên sự thật thật... (Tô Hải)

“…Mối hằn thù dân tộc có cách gì xoá bỏ khi bên cướp toàn bộ tài sản ruộng đồng, nhà máy, xưởng thợ, nhà cửa lại cứ kênh kiệu, ban ơn cho “kẻ thua mình” bằng những nghị quyết sặc mùi giả dối và kiêu binh…”

Khi các nhà «chánh troẹ »
hô hào nói lên sự thật thật…

Tô Hải


Chưa hết bàng hoàng về những lời nói thẳng, nói thật của ông Nguyễn Văn An với những tuyên bố rất chi là… “Cù Huy Hà Vũ”, vạch trần cái lỗi hệ thống trong tổ chức Đảng và chính quyền, đặc biệt là vạch hẳn cái "nguyên nhân của mọi nguyên nhân" về tình hình mất dân chủ trầm trọng từ trên xuống dưới, từ trong Đảng ra ngoài. Ông mạnh dạn sử dụng những danh từ, tính từ như: Đảng là “đảng chủ” hoặc “ngày xưa vua và cha truyền cho con cháu, nay là…"vua tập thể" thời cộng hoà xã hội chủ nghĩa” v.v.

Một cảm giác nửa vui-nửa buồn tớ đã có ngay sau khi được nghe những gì ông Võ văn Kiệt tuyên bố khi trong tay đã thôi hết chức, hết quyền. Nhưng dù sao tớ cũng đành tặc lưỡi vì ít nhất là các vị ấy chẳng gì cũng là những "ông vua tập thể", một thời! Nay nhìn lại các vai diễn của mình thật nó oọc-giơ ra sao mà phản tỉnh... thì cũng nên hua ra họ để từ họ, có thêm những sự thật được phanh phui, những sự thật bị ém nhẹm, bị bóp méo mà... chẳng mấy ai không biết, thậm chí biết tường tận là đằng khác!

Đùng một phát, VTV1 ngày thứ Ba 14/12/2010 phát đi phát lại trong buổi thời sự 12g và 19g, cuộc gặp gỡ của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với Hội khoa học lịch sử Việt Nam. Riêng cái chuyện tiếp đón long trọng ở ngay phủ chủ tịch chứ không phải đến các hội nghị mà “lên diễn đàn chỉ đạo” đã làm tớ chú ý đặc biệt. Toàn bộ nội dung trao đổi với các nhà làm sử ra sao thì cán bộ biên tập VTV1 chỉ cho nghe trực tiếp có mấy điều mới lạ sau đây:

- Lịch sử là phải đúng sự thật;

- Lịch sử là phải trung thực, chính xác;

- Đối với những vấn đề trước đây công bố chưa chính xác thì khi đã có đầy đủ tư liệu cần có bước đi để “đính chính lại lịch sử”.


Tóm lại, lần đầu tiên tớ được tận tai nghe, tận mắt thấy người đứng đầu nhà nước đang tại chức đàng hoàng, công khai yêu cầu phải viết lịch sử một cách trung thực, chính xác và cần phải đính chính lại lịch sử.

Chẳng biết ông Nguyễn Minh Triết có quá đứng về lập trường các nhà sử học không mà hôm sau, khi đọc kỹ trên các trang báo in thì ông thông tấn xã Việt Nam đã tóm tắt một cách chung chung những gì ông Triết nói. Đặc biệt cái ý phản biện, đính chính lại lịch sử thì bị… kiểm duyệt bỏ!

Lần này là lần thứ 2 tớ bắt quả tang lời chủ tịch nước bị cắt cúp, đục, bỏ (lần trước là tuyên bố hùng hồn quyết giữ biển, giữ trời ở Bạch Long Vĩ)!

Cả tuần qua, trên mạng internet, một phong trào “nói thẳng nói thật, nói hết sự thật” với mục đích cung cấp cho các nhà làm sử, tài liệu, sự thật để “đính chính lại lịch sử”.

Riêng tớ, một nhân chứng lịch sử đã sống chỉ còn hơn một tháng nữa là 85 năm có lẻ. Tớ đã nguyện còn sống ngày nào, còn cung cấp những bằng chứng cụ thể để đính chính lại lịch sử lâu nay, vì quyền lợi của các nhóm đặc quyền họ đã cố tính giấu diếm, bóp méo, thậm chí dựng lên những trang lịch sử, những con người... ảo hoặc lờ tịt đi những anh hùng thứ thiệt nhằm mục đích chính trị nào đó.

Để làm được những việc này tuy không là nhà viết sử, tớ cũng phải cố gắng đi sâu, tìm hiểu một số vấn đề mà không ít lần bị những tên cơ hội chủ nghĩa đội cho những chiếc mũ “mất lập trường”, “thiếu đảng tính”. Cụ thể năm 1982 (83 gì đó không nhớ), tớ được ông Đặng Hoành Loan, viện trưởng viện âm nhạc mời đích danh tới 31 Nguyễn Thái Học Hà Nội để góp ý về bản Dự thảo lịch sử âm nhạc Việt Nam. Trước rất nhiều các cháu giáo sư tiến sĩ mới tốt nghiệp Liên Xô Liên Xiết về. Tớ đã thẳng thừng bác bỏ cách phân chia thời đại âm nhạc ra thành:

a) Âm nhạc thời kì nô lệ;

b) Âm nhạc thời kì có đảng.

Và tớ yêu cầu mời những nhạc sĩ như Doãn Mẫn, Nguyễn Văn Thương, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Văn Tý đến để nghe họ nói hơn là dựa vào những tư liệu đã có sẵn hoặc dựa vào TƯ LIỆU KINH ĐIỂN Mác-Lê mang từ nước ngoài về. Tớ cũng “ngang nhiên” công nhận nhà thờ và chế độ thực dân đã mang lại cho nền âm nhạc dân tộc Việt Nam những yếu tố khoa học như kí xướng âm để thay thế hồ, xừ, xang, cống, líu. Chính những bài thánh ca từ tiếng la tinh chuyển sang tiếng Việt, thậm chí có cả những bài hát mới sáng tác của các cha cố dạy cho con chiên mà tớ mang ra hát thử để khẳng định là: Tân nhạc bắt đầu từ… nhà thờ thiên chúa giáo chứ không phải bắt đầu bằng một bài hát được đăng báo đầu tiên của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Cái sự thật này xem chừng khó… nuốt mặc dầu cử toạ đều gật gù vỗ tay hoan hô. Cho đến bây giờ, sự hình thành của nền tân nhạc Việt Nam là do ai? Do đâu? Thì ngoài ý kiến “bạo phổi” của tớ ra là: Chẳng qua chỉ vì chán kiểu đặt lời cho bài Tây mà nhạc sĩ Việt Nam đã tự sáng tác ra theo tư tưởng và tình cảm Việt Nam trong một khuôn khổ hình thức âm nhạc phương Tây mà thôi!

Đấy, với một đề tài hạn hẹp về âm nhạc thôi mà “cải chính lịch sử” còn khó thế, huống hồ:

- Ai dám nói sự thật về cuộc Cách Mạng Tháng 8?

- Ai dám viết về chuyện cướp chính quyền trong tay Nhật- Pháp, về vua Bảo Đại trao ấn, trao kiếm cho chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà có gì mâu thuẫn với vụ cướp chính quyền nói trên?

- Vì sao các phó chủ tịch, bộ trưởng cùng cố vấn tối cao lại dần dần bỏ cái nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà mới thành lập này mà… ra đi?

- Sự thật là bởi cái gì mà 1 triệu rưỡi con người phải bỏ quê hương, bản quán, mồ mả, cha ông để vào miền Nam.

Cái gì đã làm cho hơn 3 triệu người
trở thành những kẻ mất Tổ Quốc?

- Cái gì đã làm cho hơn 3 triệu con người, sau 1975, trở thành những kẻ tha hương mất Tổ Quốc như dân Do thái? Những kẻ ở lại thì đi “cải tạo” mút mùa ở những nơi rừng thiêng nước độc?

- Mối hằn thù dân tộc có cách gì xoá bỏ khi bên cướp toàn bộ tài sản ruộng đồng, nhà máy, xưởng thợ, nhà cửa lại cứ kênh kiệu, ban ơn cho “kẻ thua mình” bằng những nghị quyết sặc mùi giả dối và kiêu binh?

Cũng cần phải nói tới những sự thật mà lịch sử khách quan, theo thời gian đã được chỉnh sửa một cách im lặng, không tuyên bố, không xin lỗi, dù chỉ là thay mặt người xưa! Đó là những sự thật cố tình giấu nhẹm, những sự thật nói ra “không có lợi”. Những sự thật dựng đứng, chẳng có bao giờ, những sự thật cả thế giới đều biết mà mọi cơ quan "báo chí truyền thông" đều cãi bây bẩy. Những sự thật đắng ngắt như bồ hòn mà vẫn phải nuốt vào rồi kêu là ngọt!

Gõ tới đây, tớ bỗng nhớ tới những con người ở Truông Bồn, ở Đồng Lộc, ở bờ Ta Lê, ở cua Chữ A ngày nay đã được dựng tượng, dựng đài. Nhưng bao giờ thì những con người đã hi sinh bảo vệ Hoàng Sa như Nguỵ Văn Thà… sẽ được vinh danh, những người chết trong cuộc chiến tranh “dạy cho Việt Nam một bài học”, ở Trường Sa năm 1979, bao giờ mới được công khai kỉ niệm? Những sự thật lịch sử rành rành này cũng cần sớm đưa ra ánh sáng.

Cũng cần bàn tay và khối óc, con tim của 4.000 nhà khoa học lịch sử, sau khi được lời chủ tịch nước, hãy lao vào tìm hiểu những sự thật về những nhân vật lịch sử và công bố cho nhân dân biết ai có công? Ai có tội? Ai phản bội? Ai đầu hàng? Chỉ tiếc rằng những nhân chứng sống để có thể đưa ra được những sự thật thì cứ “ra đi” dần dần.

Mới đây nhất, một nhân vật nắm nhiều “sự thật” nhất đã ra đi. Đó là giáo sư Trần Văn Giàu, người mà báo chí viết về tiểu sử của ông đã né tránh những giai đoạn ông học ở Liên Xô cũng với Tito và Thorez… Cũng như thời gian ông ở Pháp có quan hệ với Phan Văn Trường, Tạ Thu Thâu… trước cả Nguyễn Ái Quốc ra sao. Cũng chính vài câu tiết lộ của báo chí nhà nước mà nhiều người nhớ lại cái cảnh một ông xứ uỷ Nam kỳ đánh bộ đồ Tây, đi guốc gỗ ngất ngưởng trên đường Trần Hưng Đạo Hà Nội, bị vô hiệu hoá về chính trị bằng cách chuyển sang làm nghề thầy giáo và chỉ có làm nghề nghiên cứu lịch sử, khen thưởng về nghề dạy học, viết sách cho đến hơi thở cuối cùng. Riêng tớ, tuy chỉ là bậc đàn em nhưng có nhiều điều kiện thường gặp giáo sư Giàu, thời kì tớ còn công tác ở ban tuyên huấn Trung Ương cục thì tớ thấy:

- Ông có cả một núi tư liệu về lịch sử cận đại do bản thân ông trực tiếp tham gia;

- Ông từng là nạn nhân của những kẻ đại cơ hội nhưng lại bị ghép vào tội cơ hội;

- Ông rất tự kiêu (tự hào thì đúng hơn) về sự hiểu biết sâu rộng của mình trên nhiều lãnh vực nên phân tích tâm lí của bất cứ ai đều trúng phóc, ông còn là vua sáng tác những chuyện tiếu lâm thời hiện đại nói về sự ngu dốt và kiêu hãnh của nhiều nhân vật đã không ngại cách ly ông với mọi hoạt động chính trị để vô hiệu hoá tối đa uy tín của ông trong giới lãnh đạo gốc nam Bộ;

- Ông sẽ không bao giờ nhận được những vinh quang cuối đời như hôm nay nếu ông vẫn tiếp tục giữ lấy cái danh vị “giáo sư sử học về hưu” ở ngay mảnh đất đã muốn dìm ông xuống… ;

- Tớ thực sự vui mừng khi biết: Trong lần thăm Pháp cuối cùng, sau khi thống nhất đất nước, Giáo sư Giàu đã cho biết: Ông đã hoàn tất cuốn “Hồi Ký của đời mình” và đã gửi nó ở một nơi an toàn. Và nó sẽ được ra mắt trong một thời gian thích hợp”. Một kho sự thật thật sẽ được khui ra? Hay ngay từ bây giờ, người ta đã lo cho một “Gửi Mẹ và Quốc hội” cuả Bảy Trấn, một “Nhật Ký Rồng Rắn” của Trần Độ sẽ lần lượt ra đời mà cố tình “khoanh” ông trong cái phạm vi “Nhà nghiên cứu lịch sử"?

Hỡi các nhà làm khoa học lịch sử!
Được lời khuyến khích động viên của người đứng đầu Nhà Nước (dù ông Triết có còn ở lại hay ra đi sau vụ sắp xếp nhân sự mới), các vị hãy đi tìm nhiều sự thật, nhanh chóng, chính xác, dũng cảm trả lại cho lịch sử những SỰ THẬT THẬT, xắn tay đi vào cái việc “ĐÍNH CHÍNH LỊCH SỬ” BẰNG NHỮNG TƯ LIỆU KHÔNG THỂ TRANH CÃI!

Chỉ có sự thật thật mới đáng để các nhà sử học đáng bỏ công nghiên cứu.

Con cháu chúng ta đang mong chờ MỘT NGÀY KHÔNG XA MỌI SỰ THẬT LÂU NAY BỊ XOÁ BỎ, CHE GIẤU, XUYÊN TẠC, BÓP MÉO… SẼ ĐƯỢC CÔNG KHAI, ĐÀNG HOÀNG BƯỚC VÀO CÁC TRANG SỬ CHÍNH THỨC CỦA NƯỚC NHÀ.

Tô Hải
Nguồn: ToHai Blog
Phấn đấu ký số 29
Ghi chú: Blog này là của một nhân chứng lịch sử đã 62 năm sống trong lừa dối và đi lừa dối mọi người. Blog này chỉ có nói lên sự thât, sự thật và sự thật. Blog tôi dành cho những người trẻ, hãy đọc và suy nghĩ về những gì mình đang chứng kiến trong cuộc sống... không dành cho những kẻ HÈN, nghĩ một đằng làm một nẻo. Cấm những kẻ cơ hội, những tên "phản động với Tổ Quốc" tôi vào đây nói bậy!