25/2/11

Hàn Mặc Tử--10 bài thơ hay nhất

HÀN MẶC TỬ
(Nguyễn Trọng Trí, sinh 22 tháng 9, 1912 – mất 11 tháng 11, 1940)
 


1.Bẽn lẽn
Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi.
Trong khóm vi vu rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.
Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẻn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em.
2.Buồn ở đây
Rao rao gió thổi phương xa lại
Buồn đâu say ngấm áo xuân ai
Lay bay lời hát, ơ buồn lạ
E buồn trong mộng có đêm nay .
Nắng sao như nắng đời xưa ấy
Nắng vàng con mắt thấy duyên đâu
Muốn gởi thương về người cổ độ
Mà sao tình chẳng nói cho đau .
Chiều xưa khúc nhạc nóng ran lên
Không có ai đi để lỗi thuyền
Nguồn thơ ứa mãi hai hàng lệ
Tờ giấy hoa tiên cũng ướt mèm.
(Thượng Thanh Khí)
3.Biển hồn ta
Máu tim ta tuôn ra làm bể cả
Mà sóng lòng rồn rập như mây trôi
Sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ
Dâng cao lên, cao tột tới trên trời.
Ôi ta đã mửa ra từng búng huyết
Khi say sưa với lượn sóng triền miên
Khi nhận lấy trong thâm tâm cay nghiệt
Giọng hờn đau trăm vạn nỗi niềm riêng.
Ta muốn níu hồn ai đương hiển hiện
Trong lòng và đang tắm máu sông ta
Ta muốn vớt ai ra ngoài sóng điện
Để nhìn xem sắc mặt với làn da.
Ôi ngông cuồng! Ôi rồ dại, rồ dại!
Ta đi thuyền trên mặt nước lòng ta
Ôi ngông cuồng, ôi rồ dại, rồ dại
Ta cắm thuyền chính giữa vũng hồn ta.
4.Cửa sổ đêm khuya
Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương
Lạ cảnh buồn thêm nỗi vấn vương
Tha thướt liễu in hồ gợn bóng
Hững hờ mai thoảng gió đưa hương
Xa người nhớ cảnh tình lai láng
Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng
Qua lại yến ngàn dâu ủ lá
Hòa đàn sẵn có dế bên tường.
5.Đà Lạt Trăng Mờ
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu.
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ!
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ.
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nưới hò reo,
Để nghe tơ liễu rung trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu.
Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm.
Hư thực làm sao phân biệt được!
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.
Cả trời say nhuộm một màu trăng,
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng.
Không một tiếng gì nghe động chạm,
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng...
6.Đây Thôn Vĩ Dạ
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến Sông Trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhận không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà?
7.Đêm Không Ngủ
Non sông bốn mặt mơ màng
Thức chỉ mình ta dạ chẳng an.
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn.
Khóc giùm thân thế hoa rơi lệ
Buồn giúp công danh dế dạo đàn.
Trỗi dậy nôm na vài điệu cũ
Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn.
8.Đôi Ta
Mà anh hay em trong tim đều rạn
Đều chôn sâu hình ảnh một người mơ
Bây giờ đây quấn quít hiện bây giờ
Chỉ biết có đôi ta là đang sống
Đang cho nhau ngọt ngào và đang mộng
Cố làm lơ không biết đến thời gian
Đến bông hoa tàn tạ với trăng ngàn
Đến những tình duyên chung quanh thất vọng
Nhiều hành tinh tan đi vì đã lỏng
Ôi muôn năm! Giấc mộng đã đời chưa ?
Lúc ấy sóng triều rên rỉ chưa bưa
Cứ nhắm mắt, cứ yêu nhau như chết
Cứ sảng sốt, tê mê và rũ liệt
Đừng nghe chi âm hưởng địa cầu đang
Vỡ toang ra từng mảnh, cả không gian
Cả thời gian, từ tạo thiên lập địa
Đều trộn trạo, điều hòa và xí xóa
Thành hư không như tình ái đôi ta .
Trong im lìm, lẻ loi trong dãy động,
Cũng hình như, em hỡi, động Huyền Không
Mà đêm nghe tiếng khóc ở đáy lòng,
Ở trong phổi, trong tim, trong hồn nữa .
Em cố nghĩ ra một chiều vàng úa,
Lá trên cành cành héo hắt, gió ngừng ru:
"Một mối tình nức nở giữa âm u,
Một hồn đau rã lần theo hương khói,
Một bài thơ cháy tan trong nắng rọi,
Một lời run hoi hóp giữa không trung,
Cả niềm yêu, ý thơ, cả một vùng,
Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn",
Đấy là tất cả người anh tiêu tán,
Cùng trăng sao bàng bạc xứ Say Mơ
Cùng tình em tha thiết như văn thơ
Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế.
9.Em Lấy Chồng
Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi hết ước mơ
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng
Ngồi lên để thả cái hồn thơ.
10.Hồn Là Ai
Hồn là ai là ai? tôi không biết
Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi
Môi đầy hương tôi không dám ngậm cười
Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng
Tôi chết giả và no nê vô vạn
Cười như điên, sặc sụa cả mùi trăng
Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng
Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm
Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực
Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức
Rồi bay lên cho tới một hành tinh
Cùng ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình
Để gào thét một hơi cho rởn ốc
Cả thiên đường trần gian và địa ngục
Hồn là ai? là ai! tôi không hay
Dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay
Hồn mệt lả mà tôi thì chết giấc

Người Nhật giữ gìn bản sắc dân tộc như thế nào?

27.07.2009
Hồng Lê Thọ
Người Nhật giữ gìn bản sắc dân tộc như thế nào?
 Tại sao làn sóng hiện đại hóa và công nghiệp hoá ở Nhật Bản xảy ra dồn dập trong suốt 50 năm qua vẫn không làm mất đi những truyền thống trong sinh hoạt, tập quán lẫn văn hóa của con người đất nước mặt trời mọc. Đâu phải ở Nhật Bản  không có nhạc Jazz, Rap, Rock’n Roll hay những dàn nhạc giao hưởng cổ điển phương Tây tầm cở, phát triển khá cao trong khi đó nền âm nhạc dân tộc vẫn tồn tại song song không hề bị lấn át, đủ sức thu hút những người vốn yêu thích. Trong những nghệ nhân hoạt động bảo tồn loại tuồng cổ Kabuki hay “Nô” một loại hình ca múa cung đình ở Nhật Bản cũng đã có người được phong là “Hạt ngọc sống của Quốc Gia” (Nigen Kokuhô) được xã hội tôn kính không thua một nhà bác học. Lãnh vực ăn uống cũng thế, bên cạnh những Restaurant kiểu cách lịch sự theo bếp Tây là những cửa hàng ăn cổ kính không kém phần sang trọng, trang nhã kiểu Nhật Bản với khe suối róc rách, bình rượu sake ấm cúng và thức ăn trong một lối bày biện thật hài hòa giữa màu sắc và hình dáng, giữa thiên nhiên và kiểu cách khó tìm thấy.

Một bình hoa trang trí theo lối Hoa Đạo, lối uống trà từ tốn để tịnh tâm của Trà Đạo và những nét chữ Hán viết bằng Thư Đạo đã làm cho du khách (nhất là khách phương Tây) ngẩn ngơ, thích thú, cảm thấy buổi ăn là một dịp tận hưởng đầy tính văn hóa và nghệ thuật. Đó là chưa nói đến những cô gái phục vụ trong bộ kimono rực rỡ với giọng nói ngọt ngào làm tôn lên cái bầu không khí rất ư Đông Phương ấy. Nói khác đi, khi cần ứng xử hay bố trí hiện đại theo Tây phương thì người Nhật cố gắng làm rất “Tây”, đúng “qui lát” mà văn hóa đó đòi hỏi, nhưng khi trở lại với phong cách truyền thống thì họ càng trau chuốt đưa nền văn hóa với bản sắc của mình nổi bật không thua sút. Phải chăng  nền văn hóa dân tộc làm cho họ tự hào, hãnh diện, không hề mặc cảm tự ti. Điều đó chứng minh tại sao chúng ta ít thấy hiện tượng lai căng hay mất gốc trong xã hội Nhật Bản, trừ một vài trường hợp cá biệt trong lứa tuổi mới lớn.

Khi bước vào một căn nhà của người Nhật khá giả, bạn sẽ gặp ngay vườn cây kiểng với hồ sơn thủy có cá vàng, cá đỏ tung tăng, với các cây hoa anh đào hay bon sai xinh xắn. Vào nhà, chắc chắn bạn sẽ được mời cởi giày để bước lên chiếu (tatami) đưa vào phòng khách với những cánh cửa ô vuông nho nhỏ xinh xinh bằng gỗ dán giấy bồi trắng tinh (washi). Nhà càng sang bao nhiêu thì sự chưng bày lại gọn gàng và thanh lịch bấy nhiêu, một bát sứ cổ để ở góc, tấm liển viết một chữ Hán thật đẹp theo lối Thư Đạo trên tường thật trang trọng, một chiếc bàn đơn sơ nhưng là loại gỗ quí, hai ba cái gối để khách và chủ cùng ngồi xuống chiếu uống trà đàm luận thư thả khác với cảnh tất bật, vội vã chạy theo cuộc sống, làm việc công nghiệp mà bạn thường thấy trên màn ảnh. Tất nhiên vẫn có  người thích bày biện và sinh hoạt theo lối Tây phương (xa lông, đèn chùm) nhưng số đông càng lớn tuổi và càng có chức vị thì lại muốn trở về với cội nguồn hơn, đó là sự thanh tịnh và tao nhã như truyền thống từ nghìn xưa.

Thỉnh thoảng trên TV chúng tôi thường thấy Nhật Hoàng tiếp các vị lãnh tụ các nước đến thăm thì ấn tượng ban đầu đập vào mắt là nét đơn sơ của bày biện trong phòng khách, không rộn ràng ức chế, thể hiện tâm hồn và tính nghệ thuật của dân tộc Nhật Bản khác hẳn với phòng tiếp khách của cung điện Elysée (Pháp) hay Birmingham (Anh) nguy nga tráng lệ và sang trọng. Nét uy nghiêm mang tính Nhật Bản là sự điềm đạm, tao nhã và thanh thoát hơn là kèn trống, ngựa xe huyên náo mặc dù mỗi nước đều có đặc tính riêng, khó có thể so sánh hơn thua. Nguồn gốc về đạo lý cương thường của dân tộc Nhật Bản cũng bắt đầu từ Khổng, Nho Giáo của Trung Hoa và tác động của Đạo Phật nhưng đã được Nhật hóa trong tiến trình phát triển của lịch sử, điều kiện địa lý đặc thù và mang tính đặc sắc của xã hội làng xã nông nghiệp  rất khác với những nước chịu cùng ảnh hưởng (của triết lý Trung Hoa). Mặc dù đạo Phật đã phát triển hưng thịnh tại Nhật Bản trong nhiều thế kỷ (từ thế kỷ thứ 5) và có lúc ảnh hưởng đến quyền bính chính trị khá mạnh nhưng Thần Đạo (Shinto) vẫn là dòng chủ lưu tuy rằng cũng có lúc suy lúc nhược. Điều đó có thể thấy được rõ nét khi mỗi xóm làng nông thôn ngày trước đều có ít nhất là một ngôi Đền (Jinja - Thần Xã) riêng, có cấu trúc và nội dung khác hẳn với chùa chiền nguy nga gấp bội lần, rất đơn sơ nhưng đấy là nơi tập hợp các vị thanh niên, bô lão trong làng qua hình thức lễ hội (Matsuri) sau những ngày mùa gặt hái hay cuối năm. Ở Kyoto vẫn còn những kinh đô cũ với những con đường nhỏ hẹp, ngoằn nghèo, bên cạnh những chùa vàng (Kinkakuji), chùa Bạc (Ginkakuji) chùa Thanh Thủy (Kyomizu dera) nổi tiếng và rực rỡ thì cũng có những ngôi đền Shinto tuy không nhỏ nhưng hoàn toàn ngược lại. Chỉ có một chính điện trống trãi và hai cột đền sừng sửng (Torii) trang nghiêm. Đặc biệt, hàng năm vào mùa rằm tháng 8 (Obon-Vu Lan) hay ngày đầu năm các vị Thủ tướng, Bộ trưởng thành tự nguyện đến cúng vái ở đền Yasukuni (Shinto) để tỏ lòng tưởng nhớ đến tổ tiên, những người đã hi sinh trong chiến tranh(vì thế thường bị TQ, Triều tiên hay các nước bị Nhật bản xâm lược trước đây phản đối)  thể hiện sự trung thành đối với Thiên Hoàng. Tuy nhiên bản sắc độc đáo đó của người Nhật có lúc đã dẫn đến hiện tượng cực đoan, bài xích và độc tôn thể hiện trong thế chiến thứ 2 khi quân đội Nhật chiếm đóng ở các nước, đặc biệt là các chính sách đồng hoá ở Mãn Châu Quốc hay Triều Tiên trước đây để thống trị theo kiểu Phát xít.

50 năm đã trôi qua, môi trường hòa bình ỗn định để phát triển đã đưa xã hội Nhật Bản  lên hàng đầu thế giới, không bị tha hóa, những giá trị và tài sản văn hóa đã được tôn tạo không ngừng đánh dấu một thời kỳ phát triển rực rỡ. Bên cạnh đó nước Nhật ngày nay vẫn còn đứng trước ngưỡng của những thử thách mới, một vài dấu hiệu đáng lo ngại, làm cho mọi người điên đảo như vụ án đạo giáo Aum cuồng tín và thô bạo của đám thanh niên trí thức bất mãn, nạn trẻ em đua nhau “tự tử” hay bỏ học vì chán ngấy bạn bè, nhà trường hay nạn tiếp đãi ăn nhậu  giữa quan chức với nhau (kankan settai) trong cơ chế quản lý hành chính là những câu hỏi chưa có giải đáp.



Tokyo 12-1995

HLT.

Bài đã đăng trên báo Người Lao Động

Thác nước Detian - thiên đường chốn hạ giới

Thac nuoc Detian - thien duong chon ha gioi
Nằm ở thị trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, thác nước Detian (hay còn gọi là thác Đức Thiên) từng được biết đến là một trong 10 thác nước hùng vĩ nhất thế giới và cũng nằm trong danh sách những cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời nhất đất nước Trung Hoa.
Thác Detian nằm ngang biên giới hai nước Trung Việt, hình thành ba bậc, rộng hơn 100 mét, độ chênh lệch gần 50 mét, phong cảnh vô cùng tráng lệ. Mỗi mùa xuân - hạ - thu - đông, thác Detian lại có một dáng vẻ riêng.
Mùa xuân, hai bên bờ sông Quy Xuân hoa mộc miên (hoa gạo) nhuộm đỏ dòng thác trắng muốt. Mùa hè, tiếng thác nước ầm ầm, xối xả. Đến mùa thu, từng lớp từng lớp ruộng bậc thang bên thác nước ngả màu vàng ruộm, dòng nước trở nên trong vắt. Bước vào mùa đông thì mực nước ở thác hạ thấp, dòng nước phẳng lặng, yên ả.
Quỳnh Trang (Theo Sina)




Tất cả cảnh quan tuyệt vời của thác Bản Giốc nầy đã rơi vào tay kẻ lạ mất rồi !


http://www.baomoi.com/Thac-nuoc-Detian--thien-duong-chon-ha-gioi/137/5745990.epi

Bài nầy trên báo Lao Động(net) khg còn dấu vết, tất cả đã bị xóa sạch! Lại "Đèn lồng treo cao" rồi ! huhu...

anh Ba Sàm ghi lại:
Lại có một chuyện quái lạ! trên Lao động, khi  rạng sáng nay, độc giả H.L. của BS gởi email cho biết có một bài viết: Thác nước Detian – thiên đường chốn hạ giới, và bình như sau: Bài này đăng trên báo Lao Động, rất tiếc là người dịch đã không biết (hay quên?) đây chính là thác Bản Giốc.Thật đau khi nghe họ nói những câu như “... nằm trong danh sách những cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời nhất đất nước Trung Hoa”. Để ý là bài báo gốc trên báo Trung Quốc còn bịa ra rằng thác là “một trong 10 thác nước hùng vĩ nhất thế giới”, vì qui mô của thác thực ra không là gì so với rất nhiều thác nước trên thế giới.” Vậy thực hư ra sao, giờ mời bà con bấm vô đây tham khảo gần 87.000 hình ảnh liên quan tới thác Bản Giốc.
Còn đây là một đối chiếu nhỏ giữa 1 tấm ảnh trên bài của Lao động/Sina và một tấm ảnh trên trang du lịch VTL Travel của Việt Nam:
Bản Giốc
Detian
Và tấm bản đồ khu vực Bản Giốc, trong bài viết của Hàn Vĩnh Diệp, có địa danh “Thiên Đức” của Trung Quốc:

BS đã kịp liên lạc ngay với 2 độc giả thân thiết ở nước ngoài nhờ tìm gấp thông tin liên quan, và biết thêm:  + Quảng cáo du lịch của Trung Quốc về địa danh Thiên Đức-Detian Waterfall in Guangxi;  + Bài gốc: Paradise on earth: Detian Waterfalls in S China;  + Ảnh gốc: Paradise on earth: Detian Waterfalls in S China attract visitors;  + Trên Nhân dân Nhật báo: Paradise on earth: Detian Waterfalls in S China attract visitors;  + Quảng cáo trên trang CRI từ năm 2005: Detian Waterfall;  + Trên Wikipedia tiếng Anh, rõ ràng 2 tên này là của một cái thác: Detian – Ban Gioc Falls.
Xin nhường lời bình luận cho độc giả (ngay cuối phần điển “Tin” này, mục “Phản hồi/Comment”) về lối làm ăn của Lao động.
Còn BS thì phân vân không hiểu do những rối loạn trong nội bộ báo từ nhiều tháng qua, hay do có “các thế lực thù địch” chun vô nội bộ, mà dẫn đến chuyện nầy? Nhưng có thể so sánh nó với vụ trang điện tử của Đảng CSVN do ông Đào Duy Quát phụ trách nhắm mắt đưa lại tin của Trung Quốc, rồi bị độc giả là một nhà báo phát hiện, cho BS biết, BS vội la làng, dẫn đến cú kỷ luật nhẹ hều với ông Quát.