26/9/10

VINASHIN 2

Bắt giữ cựu lãnh đạo Vinashin
BBC
Bộ Công an Việt Nam đã bắt giam và khởi tố ông Phạm Thanh Bình, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin).
Lý do được các trang tin Việt Nam đăng tải đồng loạt là ông Bình, 57 tuổi, bị cho là đã có "những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, khiến Tập đoàn [Vinashin] có nguy cơ phá sản".
VnExpress nói ông Bình bị khởi tố vì "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng".
Báo này trích Điều 165 của Bộ Luật hình sự về tội này theo đó người gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù tới 20 năm.
Hôm 13/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có quyết định đình chỉ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông Bình.
Trang web của chính phủ Việt Nam cũng đưa tin này và trong một diễn biến bất thường, Văn phòng Chính phủ có thông báo dài năm trang về Vinashin cùng ngày 4/8.
Cũng trong ngày Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã họp báo cùng một số quan chức cao cấp của các bộ để thông báo về "chủ trương" của Việt Nam đối với Vinashin.
Trang chinhphu.vn nói Vinashin sẽ được "cơ cấu toàn diện để làm nòng cốt của ngành đóng tàu biển".
Ông Nguyễn Sinh Hùng nói: "Đối với Vinashin tình hình vẫn trong tầm kiểm soát và trong khả năng giải quyết của chúng ta".
Trang web của Chính phủ Việt Nam cũng nói Hà Nội "kiên quyết không cấp vốn cho Tập đoàn để trả nợ" mà Vinashin sẽ phải bán, chuyển nhượng cổ phần của các dự án, các công ty con bên cạnh các phương án khác để thanh toán nợ nần.
Đánh phủ đầu?
Hôm 28/7 hãng tin AFP trích lời nhà Việt Nam học Carl Thayer từ Úc nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã "tấn công phủ đầu" bằng cách ra lệnh tái cơ cấu Vinashin sau khi ủng hộ việc thành lập các đại công ty theo mô hình Hàn Quốc.
Ông Dũng đã đặt mình vào thế đằng nào cũng thắng.
Giáo sư Việt Nam học Carl Thayer
"Ông Dũng đã đặt mình vào thế đằng nào cũng thắng," ông Thayer được trích lời nói.
Trong khi đó VnExpress nói Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trả lời họ tại họp báo rằng "Chính phủ sẽ xử lý nghiêm, đúng pháp luật với những lãnh đạo Vinashin có hành vi vi phạm pháp luật".
Cho tới nay mới chỉ có ông Bình là người bị xử lý trong vụ thua lỗ hàng tỷ đôla của Vinashin.
Lý do chính thức được đưa ra cho khoản lỗ khổng lồ này là khủng hoảng kinh tế thế giới kéo theo đình đốn trong ngành đóng tàu và năng lực quản trị yếu kém cũng như những báo cáo sai thực tế của Vinashin.
Thông báo của Văn phòng Chính phủ nói tính tới tháng 6/2010 Vinashin nợ 86.000 tỷ đồng trong khi vốn chỉ có khoảng 104.000 tỷ đồng, hàng ngàn công nhân đã mất việc do tình hình kinh doanh trì trệ của tập đoàn.
Những nguy cơ tiềm ẩn trong cách kinh doanh của Vinashin đã được cảnh báo từ năm 2006 và người ta cũng đặt câu hỏi về chuyện công ty này không được kiểm toán trong mấy năm gần đây.
'Ưu ái'
Nhiều chuyên gia kinh tế nói sự 'ưu ái' mà Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng dành cho Vinashin đã dẫn tới những khó khăn hiện nay của Tập đoàn.
Ông Lê Đăng Doanh nói Việt Nam chưa áp dụng kinh nghiệm giao chức kèm theo giao chỉ tiêu của Trung Quốc
Trước đó, Kinh tế gia Lê Dăng Doanh được AFP trích lời nói:
"Vinashin triển khai đầu tư tràn lan tới hàng trăm dự án. Có tới hàng trăm công ty con từ trại nuôi lợn Vinashin đến cửa hàng ô tô Vinashin trên đường Lê Duẩn (Hà Nội), hay resort ở gần Tam Đảo đều mang nhãn hiệu Vinashin".
"Mua tàu của Italy không qua giám định kỹ thuật, tàu về không thích hợp, càng làm ăn càng thua lỗ".
Ông Doanh nói Trung Quốc cũng có những mô hình doanh nghiệp như Việt Nam nhưng chưa có vụ thua lỗ trầm trọng nào như Vinashin.
Ông giải thích các giám đốc doanh nghiệp ở Trung Quốc khi nhận nhiệm vụ đều nhận kèm theo các "tiêu chí định lượng khắt khe" như tỷ suất lợi nhuận hàng năm, tỷ lệ tăng năng suất lao động, tỷ lệ đổi mới khoa học - công nghệ, tỷ lệ tăng lương cho công nhân...".
Tuy nhiên ông nói những điều này hiện chưa được áp dụng tại Việt Nam.
Nguồn: BBC

Liên tưởng

Phùng Nguyên

TP - Mấy ngày nay, hai sự kiện được dư luận quan tâm, ấy là Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam và ông Phạm Thanh Bình - người đưa “con tàu” Vinashin tới nguy cơ vỡ nợ, vừa bị bắt. Hội Nhà văn và Vinashin vốn chẳng dây mơ rễ má với nhau, nhưng mà lại gợi ra nhiều liên tưởng gần gũi.

Nhìn lại những năm qua, văn học lại thêm mùa vụ thất bát. Chẳng những vắng bóng những tác phẩm văn học “bắt mạch” được cuộc sống hôm nay, xứng tầm thời đại mà tiếng nói trực tiếp của nhà văn trước các vấn đề nóng bỏng của đất nước tỏ ra thưa thớt và yếu ớt.


Ngay cả trên diễn đàn Quốc hội, ông nghị đại diện cho Hội Nhà văn cũng rất ít khi lên tiếng. Như các tác phẩm văn học lặng đi trước những đòi hỏi bức xúc của thời đại. Các nhà văn có thể tranh nhau đăng đàn trong đại hội của họ nhưng nhiều người đã im lặng trước những hiện thực còn gây bức xúc đau lòng, trước những bất cập của cơ chế...

Vinashin là một điển hình cho sự bất cập, cho những mâu thuẫn của cơ chế quản lý kinh tế trên con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa. Nhưng không hề thấy hình tượng một “con tàu Vinashin” cùng với những nhân vật kiểu như Chủ tịch Phạm Thanh Bình trong các tác phẩm văn học.

Có thể nói, cả một mảng hiện thực về công cuộc phát triển kinh tế và sự quẫy đạp của bao nhiêu số phận muốn thoát khỏi nghèo hèn, khát vọng hóa rồng của một dân tộc không được thể hiện một cách sinh động trong các tác phẩm văn học hôm nay. Nhưng đâu đó, người ta lại đọc được những bài viết của một số nhà văn ca ngợi tâng bốc Vinashin khi Tập đoàn này đang có hàng núi tiền.

Không chỉ Vinashin đang vay khoản nợ khổng lồ không có khả năng hoàn trả, mà Hội Nhà văn cũng đang vay một “món nợ” lớn. Món nợ ấy là niềm tin và kỳ vọng của một dân tộc vào những thư ký trung thành của thời đại.

Hiện thực vĩ đại như hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã đi qua, thời bao cấp khốn khó đã đi qua, thời Đổi mới đang diễn ra, chất liệu sáng tác ngồn ngộn, mà sao văn chương thiếu vắng những tác phẩm xứng tầm có sức lay động và lan tỏa đến thế? Nợ của Vinashin có thể tính toán hoàn trả dần, nhưng nợ mà các nhà văn vay thì chưa ai dám chắc bao giờ trả được?

Vinashin đang tái cơ cấu, và Hội Nhà văn cũng phải tái cơ cấu. Tái cơ cấu làm sao để nhà văn chịu tập trung viết văn, đam mê viết văn, sống chết với nghiệp văn và coi những thứ như bầu bán hay cái chức trong Hội Nhà văn là thứ không đáng phải mất nhiều thời gian và tâm huyết đến thế. Có cảm giác chưa bao giờ nhà văn lại buông lơi đời sống và nhân dân như bây giờ. Và có vẻ như những ám ảnh nghệ thuật cũng rời xa họ.

Nếu nhà văn không có những ám ảnh của đời sống thôi thúc cầm bút, thì thật khó hy vọng vào những tác phẩm lớn.

Cũng là sự ám ảnh, biết đâu sự ám ảnh về hình ảnh một con tàu đắm khổng lồ sẽ giúp Vinashin trong lần tái cơ cấu này được thuận buồm xuôi gió. Dĩ nhiên, nếu vẫn còn tự trọng vì nỗi ám ảnh....

Nguồn: http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/Chuyen-Hom-Nay/509190/Lien-tuong.html

Vinashin ơi, hỡi Vinashin – Chả trách!

TS Phan Minh Ngọc
imageĐọc bài “Cựu chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình: “Do bung ra không đúng lúc...” ([1]) trên Pháp luật & Đời sống mà cứ phải than trời về cái đầu, cái tầm, cái trình độ tư duy của một ông Tổng và những chuyện xung quanh chúng, để rồi phải thốt lên rằng với những người như ông Tổng này, và cả những ai đằng sau ông ấy thì Vinashin không phá sản mới là lạ!
Trả lời câu hỏi của phóng viên, “nghĩ sao mà lại mua tàu Hoa Sen hơn ngàn tỷ rồi nay đắp chiếu?”, ông Bình đáp rằng: “Mua tàu Hoa Sen xuất phát từ chủ trương đầu tư một đội tàu biển cao tốc Bắc-Nam. Nếu đầu tư đường sắt cao tốc hoặc đường bộ Bắc-Nam thì phải mất hàng chục tỷ USD, thời gian mất hàng chục năm, khó đảm bảo an toàn khi bão lũ, tai nạn giao thông... Trong khi đó, đầu tư đội tàu chỉ hết khoảng 2 tỷ USD, hoàn thành trong vòng 3-5 năm và cần khoảng tám con tàu như Hoa Sen, 3-4 cảng, chi phí sẽ rẻ hơn vận chuyển trên bộ, không bị mưa lũ...”. Thật kỳ lạ khi ông đi so sánh vận tải thủy (thường để chở hàng hóa) với đường sắt cao tốc (chỉ chở được người), và cho rằng vận chuyển trên bộ sẽ chịu ảnh hưởng của mưa lũ, nhưng lại lờ đi chuyện vận tải đường biển sẽ bị ảnh hưởng của gió bão.
Ông còn kể ra những nguyên nhân làm cho chủ trương này phá sản: “Nhưng không may là mới chỉ mua một chiếc đã gặp thời điểm khủng hoảng, phía Trung Quốc đóng cửa khẩu, xe hàng trong nước chưa quen đi đường biển, mà chúng tôi chỉ chở xe lớn nên ít khách. Chạy thêm được một tháng thì thấy lỗ quá, phải dừng lại”. Trung Quốc chắc đã mở cửa khẩu lại (nếu quả thật có đóng) nhưng chắc ông Bình vẫn không thấy có khách từ Trung Quốc? “Xe hàng trong nước chưa quen đi đường biển” mà ông vẫn nhắm mắt cho mua tàu, chứng tỏ ông và bộ sậu của ông không hề làm, không hề có khái niệm gì về điều tra thị trường khi xây dựng một dự án kinh doanh nào đó. Cái việc “chỉ chở xe lớn nên ít khách” càng chứng tỏ nhận định này.
Khi được hỏi về phương hướng xử lý con tàu này, ông tự tin “Đã có hướng xử lý”. Đang phân vân không biết ông xử lý kiểu gì, thì ông nhấn mạnh “kiểu gì mình cũng phải phát triển. Mình chỉ cố chịu đựng thêm một thời gian nữa”. À, hóa ra là xử lý kiểu chịu đựng (tức cứ để nó nằm chịu lỗ ở đó), rồi tiếp tục mua thêm một vài con tàu cao tốc kiểu như vậy. Ông còn “tiết lộ” thêm: “Quan điểm của Chính phủ là vẫn phải phát triển đường cao tốc trên biển. Đến thời điểm nào thì do thị trường nhưng mình phải chuẩn bị trước”. Hóa ra chủ trương đầu tư mua tầu Hoa Sen và những con tàu tương tự không phải là do ông Bình nghĩ ra, mà ông chỉ là người thực hiện, nên chúng ta lâu nay vẫn chỉ trích sai người! Từ chi tiết này, có lẽ phải kêu gọi dư luận có cái nhìn nhân ái hơn với ông Bình, ít nhất trong chuyện mua tàu rồi để nằm chơi, vì ông Bình không phải là tội đồ duy nhất, và cũng không phải là người khởi xướng.
Nhưng nói gì thì nói, vẫn không thể không tức khi nghe ông chống chế với phóng viên khi bị vặn rằng liệu tàu Hoa Sen chỉ là một cái xà lan được hoán cải. Ông cho biết: “Sai hoàn toàn. Đây là một tàu khách hiện đại, tiện nghi như tàu du lịch khách sạn năm sao. Trên thế giới ít có tàu như vậy”. Câu này chỉ làm cho người ta thấy ông không những nói câu sau “đá” câu trước, khi bên trên ông đổ tại rằng tàu chỉ để chở xe (tải) lớn nên ít khách, mà còn thấy ông (và những người có trách nhiệm trên ông cho duyệt phương án mua tàu, nếu có) rất “chịu chơi” và “sáng tạo”. Tại sao không những là tàu chở khách, mà còn “hiện đại” mà ông lại mang ra để chở xe tải? Tại sao thế giới ít dùng (vì có ít tàu như vậy) mà ông lại “sáng tạo, đi tắt đón đầu”, bê về dùng để chở xe tải ở Việt Nam?
Khi biện minh cho vấn đề đầu tư dàn trải, ông chỉ nhận là “Dàn trải ở đây là dàn trải nhà máy đóng tàu chứ không phải ngành khác”, rồi lập luận “Khi trong tay tôi đã có cả mớ hợp đồng đóng tàu trị giá tới 17 tỷ USD mà tôi không đầu tư thì làm sao đáp ứng được nhu cầu của khách hàng”. Ông quả là có cái lối tư duy như của mấy tay tội phạm lừa đảo kinh tế, khi trong tay chỉ có chút tiền và năng lực chỉ có chút xíu nhưng bằng cách nào đó làm cho đối tác tin tưởng rằng ông là đại gia, có thể làm được những việc cực lớn, nên dễ dàng huy động được một lượng đặt hàng lên tới 17 tỷ USD đảm bảo đủ việc làm cho Tập đoàn cả vài năm trời. Cái gì xui khiến ông “có ít xít ra nhiều” và chạy theo con số để rồi phải ra sức mở rộng đầu tư như vậy? Có lẽ một trong những lý do là bầu sữa của Chính phủ tưởng vô tận trong mắt ông, minh chứng qua việc ông sẵn sàng “kể cả đề nghị Chính phủ hỗ trợ tiếp”.
Ông còn cố tình loanh quanh khi bào chữa rằng “Số tôi không gặp may. Ký xong hợp đồng thì xảy ra khủng hoảng kinh tế. Nhiều đối tác chấp nhận bỏ tiền cọc, hủy hợp đồng. Vốn liếng mình cũng bị kém đi, nhiều dự án không thực hiện được”. Ai cũng hiểu rằng khi đối tác chấp nhận bỏ tiền đặt cọc, hủy hợp đồng thì về nguyên tắc Vinashin chẳng bị thiệt hại gì, thậm chí còn có lợi, vì tiền đặt cọc và tiền thanh toán là để cho từng công đoạn hoàn thành sản phẩm, nên Vinashin cho dù có bị hủy hợp đồng thì cũng chỉ có một phần công việc phải bị dang dở, nhưng quan trọng hơn là phần việc đó vẫn đã được thanh toán hoặc có tiền đặt cọc đảm bảo.
Nực cười hơn nữa là chuyện ông cho biết tỷ số nợ trên vốn của Vinashin chỉ vào khoảng trên 4 lần (thực tế là trên 11 lần). Tôi không cho rằng ông cố tình nói sai vì chuyện này quá quan trọng và có thể dễ dàng kiểm chứng. Tôi tin rằng ông nghĩ tỷ số này đúng là như vậy. Vậy suy ra điều gì? Ông Bình là Tổng Giám đốc mà hoàn toàn mù tịt về tình hình tài chính của tổ chức của mình! Chắc vì thế mà ông cứ thỏa sức đầu tư, thỏa sức vay mượn, vì (chắc là) cho rằng nợ của Vinashin vẫn còn thấp chán, chẳng có gì đáng lo!
Tương tự vậy, ông phủ nhận ý kiến của phóng viên cho rằng nợ quá hạn của Vinashin đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ông chỉ biết đến mỗi khoản nợ 750 triệu đôla, nhưng lại cho rằng đây là nợ dài hạn, và Vinashin chắc chắn trả nợ được vì “Tới đây, các nhà máy đều đi vào sản xuất, làm ra rất nhiều tiền”. Thưa ông, cứ cho là các nhà máy ông đang đầu tư sẽ có đủ tiền để hoàn thành, đủ hoàn chỉnh để đi vào sản xuất được, nhưng xin hỏi ông một câu đơn giản là khách hàng ở đâu để ông trông mong người ta sẽ đặt hàng đóng tầu ở Vinashin và mang lại rất nhiều tiền cho Vinashin? Hay ông tin rằng những khách hàng đã hủy hợp đồng trước đây nay sẽ quay lại và ngành đóng tàu vẫn ở thời hoàng kim của nó khi các đơn đặt hàng dồn dập đến các nhà máy đóng tàu trên thế giới vượt quá công suất của họ mà nhờ đó Vinashin – với tư cách là kẻ sinh sau đẻ muộn, chẳng có tên tuổi và uy tín gì (xin đừng ảo tưởng ở chỗ này!) sẽ được hưởng “sái” lây? Và “tới đây... làm ra rất nhiều tiền” là thời điểm nào vậy? Hy vọng nó không phải là sau dăm năm nữa, “mưa lắm cũng phải nắng” như lối tư duy “giản dị” của ông. Mà lúc đó thì tiền trả lãi và vốn của Vinashin biến thành nợ quá hạn đã lên đến con số khổng lồ rồi, sao mà còn để ông tự tin rằng nợ quá hạn không đáng kể và chắc chắn sẽ trả được nợ?
Tóm lại, có lẽ phẩm chất duy nhất của ông Tổng Bình là liều và “giản dị”, “ngây thơ” trong tư duy và kiến thức quản lý, kinh doanh, lại được hậu thuẫn bởi một cái chống cực chắc, nên ông cứ thả sức tung hoành và chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi con tàu Vinashin được ông trực tiếp chèo lái cặp bến kết cục như hiện nay.
PMN

Sự phá sản của Vinashin đã được cảnh báo trước 5 năm (6 tuần trước khi có quyết định 104/TTG ngày 15/5/2006 thành lập Vinashin)

Nguyễn Trung Hiếu
Hà Nội, 8/8/2010
imageVinashin sập tiệm đang được dư luận toàn xã hội xôn xao. Để góp phần làm sáng tỏ vấn đề, chúng tôi xin trình làng:
Thư Ngỏ, tấu lên triều đình chính phủ ngày 05/4/2006 của ông Hoàng Nghĩa Thước, cảnh báo:
750 triệu đôla tiền bán trái phiếu chính phủ tại New-York Hoa Kỳ-2005 giao cho Vinashin đem đầu tư tràn lan, có nguy cơ bị thất thoát.
Thư dài 6 trang giấy A4 đã dẫn giải, phân tích sâu và kiến nghị Chính phủ dừng ngay việc giải ngân 750 triệu đôla cho Vinashin chưa quá muộn để cứu lấy số tiền trên khỏi bị phung phí.
Thư đã gửi đi bằng đường bưu điện 6 tuần trước khi Chính phủ ra quyết định 104/TTG ngày 15/5/2006 thành lập Vinashin, gửi tới: Thủ tướng Phan Văn Khải, phó thủ tướng Vũ Khoan, Nguyễn Tấn Dũng, Quốc Hội, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, Đài TNVN, báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Đại đoàn kết...
Nhưng tất cả đều im lặng, làm ngơ.
Năm (5) năm sau, Ngày 05/7/2010 ban K/T.T.W thông báo kỷ luật Phạm Thanh Bình, Bí thư, TGĐ, Chủ tịch HĐQT Vinashin.
Ngày 03/8/2010 Tổng giám đốc Vinashin Phạm Thanh Bình bị bắt.
Ngày 04/8/2010 Chính phủ họp báo công khai loan báo: Vinashin bên bờ vực phá sản, nếu không cứu tất cả sẽ biến thành sắt vụn (VNNet) với số nợ ngập đầu mất khả năng thanh toán 86.000 tỷ VNĐ (tương đương 4,5 tỷ USD), trong đó có hai khoản nợ nước ngoài: 750 triệu đôla của Mỹ phải trả cả lãi và vốn tới ngày đáo hạn 1/2016  1 tỷ 265 triệu đôla  600 triệu đôla vay của CREDIT SUISSE.
VINASHIN’S BANKRUPTCY WARNING Had been made Five years ago by: Hoang Nghia Thuoc sent to Vietnamese govt on April 05-2006, six weeks before Vinashin’s inauguration ceremony on May 15-2006.
Nguyen Trung Hieu Hanoi, august 8.2010
01236949942
The “Open letter” WARNING!
750 millions US$ govt bond that sold 2005 in New-York of the United-States, given Vinashin, a fresh-state-run-enterprise will be lost.
Six pages A4 letter described the real situation of the shipbuilding industry in Vietnam as well as in the Asia region and around the world, especially Vietnam, a fresh shipbuilding sector, poor technologies, experiences, expertises to make profits.
The huge plan (s); pre-feasibilities projects which launched by Vinashin were wrong, false and illusion.
The letter also analysed in depth the present and future perspective of Vietnam shipbuilding sector.
In Conclusion, the author “urged the govt to mull over the disbursement of 750 million $ to Vinashin” however, the right proposals were neglected and shelved!
Five years later on august 3-2010, CEO Pham Thanh Binh was arrested.
On august 4-2010, at a live-press in Hanoi Deputy P.M Nguyen Sinh Hung announced:
Vinashin, it’ll be right on the ragged edge of going Bankruptcy, if no rescue all of them will be scrapped! (VnNET).
Vinashin’s mountain debt over VND86.000bn (equivalent$ 4.5bu) in which including$ 750 million from US and 600millions from CREDIT SUISSE without having possibility to return debt.
Kèm theo đây là “bản gốc” “Thư ngỏ” của ông Hoàng Nghĩa Thước tấu lên triều đình ngày 05/4/2006.
clip_image002

clip_image004

clip_image006

 bvnpost   

Mổ xẻ “câu truyện” Vinashin: Đóng tàu để ra nước ngoài... sửa


Tư duy đóng tàu thời... chiến! 
Cuối năm 2004, tại một cuộc họp với lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn Vinashin tại Hà Nội, ông Phạm Thanh Bình đưa ra dự án đóng mới tàu Lash mẹ và hàng trăm sà lan Lash con để phục vụ việc chuyên chở hàng hóa trên tuyến biển Bắc Nam. Nhiều người phản đối, can ngăn vì việc dùng tàu Lash mẹ rồi thả các sà lan Lash con, dùng tàu kéo đưa vào bờ là phương án vận chuyển hàng hóa được dùng từ thời thế chiến II, chỉ phù hợp điều kiện thời chiến.
Thế nhưng, bỏ ngoài tai những cảnh báo, can ngăn, phương án tàu sà lan Lash Sông Gianh theo mô hình Lash mẹ Lash con vẫn được thực hiện. Người được giao đóng mới chính là Công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu khi đó do ông Trần Quang Vũ làm Tổng giám đốc. Con tàu được đóng xong và bàn giao cho Công ty vận tải viễn dương Vinashin ngày 10-2-2008 với giá xuất xưởng cao ngất trời: trên 400 tỷ đồng. Theo đánh giá của một số chuyên gia sành sỏi về tàu biển: giá trị thực của một con tàu như Lash Sông Gianh không quá 150 tỷ đồng.

Điều khôi hài hơn: tàu Lash Sông Gianh chỉ chạy thử 1 chuyến đầu tiên (và cũng là chuyến cuối cùng) chở than từ Quảng Ninh vào Sài Gòn. Tổng tiền thu được từ chuyến hàng này chưa tới 1,8 tỷ, nhưng tiền bỏ ra để chi phí phục vụ cho việc chở đã tới hơn 4 tỷ đồng (bao gồm tiền dầu, phí bảo đảm hàng hải, tàu lai, vật tư, phí tàu kéo lash con, lương thủy thủ, phí hoa tiêu...). Thời gian hoàn thành chuyến hàng đầu tiên này cũng đạt mức kỷ lục: gần 2 tháng. Từ đó đến nay, nó được đắp chiếu nằm tại Nhà Bè- Sài Gòn.
Theo các chuyên gia hàng đầu về hàng hải và môi giới tàu, phương án tối ưu nhất cho tàu Lash Sông Gianh hiện nay là: cưa bán sắt vụn. Giá sắt vụn cao nhất trên thị trường thế giới hiện 395 USD/tấn trọng lượng tàu. Với giá này, cưa bán Lash Sông Gianh thu được khoảng 50 tỷ đồng.
Dấu hỏi lớn về chiến lược phát triển nền công nghiệp đóng tàu Việt Nam 
Với chất lượng những con tàu đóng mới như của Vinashin, đóng xong chạy không ra tới đại dương, thì làm sao cạnh tranh nổi với các đối thủ đóng tàu của công nghệ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản?
Vì vậy, đã nảy sinh một câu hỏi lớn về chiến lược phát triển ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, qua nhà sản xuất Vinashin.
Bắt tạm giam Trần Quang Vũ và 3 quan chức tập đoàn Vinashin 
Ngày 3-9, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét nhà riêng, phòng làm việc và bắt tạm giam các ông: Trần Quang Vũ, nguyên Tổng giám đốc Vinashin; Trần Văn Liêm, nguyên Trưởng ban Kiểm soát tập đoàn Vinashin; Nguyễn Tuấn Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thép Cửu Long Vinashin kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên thép Cái Lân Vinashin; Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh (2 đơn vị thành viên của tập đoàn Vinashin).
Một vấn đề trước mắt sẽ khó gỡ ngay trong thời gian tới: Số tiền trên 104.000 tỷ đồng tổng... tài sản của Vinashin, chủ yếu là mua máy móc, trang thiết bị lạc hậu, được chỉ định thầu sẽ trở thành một đống sắt vụn sau năm 2010, nếu không có đầu ra cho sản phẩm.
Chất lượng những tàu đóng mới dán mác Vinashin đã ở mức báo động. Vậy như, qua khảo sát sơ bộ cho thấy: Vinashin tập trung quá nhiều vào lĩnh vực đóng mới, mà bỏ qua, xem nhẹ khâu sửa chữa tàu thủy. Tàu đóng mới  chất lượng kém, ế thừa tàu, không bán được. Trong khi gần 100% tàu tải trọng trên 2 vạn tấn phải sửa chữa, lên ụ tại nước ngoài. Cả nước hiện chỉ có một liên doanh Hyundai Vinashin là đơn vị có thể sửa chữa được tàu tải trọng lớn, nhưng lại dừng ở công nghệ bẩn (dùng xỉ đồng làm sạch vỏ tàu), gây ô nhiễm nên cũng đã phải ngừng hoạt động.
Trước thực tế tréo ngoe này, nhiều chuyên gia gợi mở: Phải chăng đã đến lúc Vinashin nên hạn chế đóng mới, tập trung chủ yếu vào khâu sửa chữa tàu biển với qui trình công nghệ làm sạch vỏ tàu bằng cát như ở Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Vẫn chưa thể thống kê đủ và hết những hậu quả nặng nề về kinh tế- xã hội do những con tàu Vinashin để lại. Tuy nhiên, các thống kê ban đầu cho thấy với hơn 4 tỷ USD thất thoát của Vinashin đã gấp 4 lần gói kích cầu của Chính phủ trong nỗ lực phục hồi kinh tế trong cơn khủng hoảng suy thoái vừa qua, gấp 3 lần tổng mức đầu tư cho chương trình xóa đói giảm nghèo cả nước.
TỔ PHÓNG VIÊN ĐIỀU TRA
Nguồn: Daidoanket

Khoản nào ra khoản đó

Nguyễn Vạn Phú
Liệu có thể ra lệnh cho các ngân hàng thương mại khoanh nợ, dãn nợ cho Vinashin được chăng?
Công việc đầu tiên mỗi khi bắt tay giải cứu một công ty lớn trên đường phá sản là khoanh gọn vụ việc để ngăn ngừa khả năng lây lan ra các doanh nghiệp khác.
Nhìn lại những vụ chính phủ các nước ra tay “tái cơ cấu” những doanh nghiệp khổng lồ bị lâm nguy của nước họ trong hai năm gần đây, có thể thấy một điểm chung là việc nhanh chóng thành lập một ủy ban đánh giá tình hình, vạch kế hoạch giải cứu, tính trọn gói chi phí, tìm nguồn tài chính (có thể phải thông qua quốc hội nước họ), và đưa ra lộ trình cùng kết quả kỳ vọng sẽ đạt được. Trong đó, quan trọng nhất là chi phí tính toán chính xác để vực dậy doanh nghiệp cũng như cách thu hồi lại những khoản tiền rót vào – bởi khi đụng đến ngân sách là đụng đến tiền đóng thuế của người dân.

Với Vinashin, Chính phủ đã có những bước đi tương tự nhưng phần chi phí giải cứu Vinashin không được tính toán chính xác, chỉ dựa vào những mệnh lệnh hành chính, có thể làm gánh nặng Vinashin chuyển thành gánh nặng của nhiều doanh nghiệp khác.
Trong các văn bản liên quan đến việc tái cơ cấu Vinashin, chỉ có một khoản tài chính cụ thể là “tạm ứng vốn điều lệ cấp bù cho Vinashin” nhưng đây chỉ là một khoản rất nhỏ so với những gánh nặng tài chính của tập đoàn này. Vốn điều lệ của Vinashin trước đây là 9.000 tỷ đồng, nay theo quyết định chuyển tập đoàn này thành công ty TNHH một thành viên thì vốn điều lệ được nâng lên thành 14.655 tỷ đồng. Trong khi đó Vinashin hiện đang có các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính lên đến 86.000 tỷ đồng.
Trong kết luận của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin, có đoạn: “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo, chỉ đạo việc rà soát, đối chiếu công nợ của Tập đoàn tại các ngân hàng thương mại; khoanh nợ, dãn nợ đến hết năm 2011 cho Tập đoàn, cân đối nguồn vốn để tiếp tục cho Tập đoàn vay vốn lưu động hoàn thành các hợp đồng đã ký kết, báo cáo Ban Chỉ đạo.”
Đây có lẽ cũng là một bước trước sau gì cũng phải làm nhưng chỉ có thể tiến hành sau khi bức tranh nợ nần của Vinashin đã được làm rõ. Nợ đến hạn của Vinashin trong năm nay và năm sau là bao nhiêu, điều kiện của các khoản vay đó như thế nào, có phải là vay theo chỉ định của Chính phủ hay vay thương mại, nếu vay thương mại thì trách nhiệm thẩm định các khoản vay của bản thân các ngân hàng là như thế nào?
Còn nhớ những năm chuẩn bị vào WTO, Việt Nam đã có những nỗ lực hạn chế yêu cầu các ngân hàng thương mại cho vay theo chỉ định và dần dần giao nhiệm vụ này cho các ngân hành chính sách, ngân hàng phát triển theo thông lệ quốc tế. Nay, về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước làm sao có quyền chỉ đạo các ngân hàng thương mại, nhất là ngân hàng thương mại quốc doanh nay đã cổ phần hóa, khoanh nợ, dãn nợ cho Vinashin.
Tất cả phải lượng định bằng tiền và, đáng tiếc phải nói thẳng, tiền này phải do từ ngân sách chi ra chứ không thể bắt ai khác gánh chịu. Chính vì thế mới có yêu cầu tính toán chính xác tổng khoản tiền phải bỏ ra để “tái cơ cấu” Vinashin và nếu cần trình ra Quốc hội để được thông qua một cách chính thức.
Trong tuần trước, báo chí đưa tin đậm về việc hãng đánh giá tín dụng Fitch Ratings công bố xếp hạng cho bốn ngân hàng trong nước. Ba trong bốn ngân hàng này được Fitch Ratings cho là có ảnh hưởng bởi những khoản vay đối với Vinashin. Loại thông tin “khoanh nợ, dãn nợ” nói trên không giúp gì cho các ngân hàng này cả mà lẽ ra nên sòng phẳng, nói rõ ai sẽ chịu trách nhiệm cho các khoản vay này để không chuyển khó khăn cho các ngân hàng hay doanh nghiệp khác.
Cũng tuần rồi, bốn cán bộ cao cấp của Vinashin bị bắt giữ, sai phạm của họ được cơ quan điều tra công bố rộng rãi. Dư luận hoan nghênh việc này và đòi hỏi những công bố cụ thể hơn nữa những sai phạm của Vinashin. Những, cũng theo tinh thần “việc gì ra việc nấy”, nên tách bạch hai chuyện: xử lý sai phạm tại Vinashin (phải làm mạnh và nghiêm khắc) và “tái cơ cấu” Vinashin (phải làm nhanh và chính xác). Trong chuyện tái cơ cấu, cũng nên tách bạch hai mảng: xử lý nợ thông qua một công ty nhận nợ và xây dựng một Vinashin mới như bài “Tái cơ cấu Vinashin: những vấn đề cụ thể” trên TBKTSG số ra tuần trước đã đề nghị.
Cập nhật: Trong bối cảnh đó, một trong những công việc được xem là quan trọng, được đưa vào ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lại là “giao Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) giúp Vinashin thiết lập mạng trực tuyến giữa Vinashin với các đơn vị thành viên chủ chốt để công tác điều hành của tập đoàn có hiệu quả, thường xuyên hơn”!
N. V. P.

Trả nợ cho Vinashin từ nguồn trái phiếu quốc tế

Thanh Trúc, phóng viên RFA



Chính phủ Việt Nam đang xét việc trích ba trăm triệu đô la từ nguồn trái phiếu quốc tế năm 2010 để thanh toán khoản nợ mà Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin đến lúc phải trả cho ngân hàng Natixis của Pháp.
Trái phiếu quốc tế của Việt Nam
Giáo sư Hà Tôn Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp Đào tạo, Giáo dục và Tư vấn Stella Management ở thành phố Hồ Chí Minh, từng nhiều lần góp ý về  nguyên nhân thất bại của Vinashin, kỳ này phân tích những điều hơn thiệt, lợi hại trong việc gánh trách nhiệm thanh toán nợ nần thay cho một tập đoàn công nghiệp mà chính phủ  muốn tái cấu trúc.
GS Hà Tôn Vinh: Ở Việt Nam thì trái phiếu quốc tế được phát hành năm đầu tiên là 2005, sau đó 2007 và bây giờ là 2010.
Trái phiếu chính phủ là công cụ Việt Nam dùng để vay nợ, dùng để kêu gọi vốn, huy động vốn. Trái phiếu đi theo một lãi suất cao thì cái tính hấp dẫn của nó càng cao. Một vài nước thì có lãi suất trái phiếu thấp hơn như là khoảng 5% hay 6%, Việt Nam thì trung bình khoảng 7%.

Sau khi bán thành công trái phiếu năm 2010 thì Việt Nam dùng tiền đó cho dự án ở Dung Quất, nhưng Dung Quất không thể nào dùng hết số tiền một tỷ đô, nên chính phủ dự kiến dùng số tiền còn lại để trả nợ cho ngân hàng Natixis của Pháp.
GS. Hà Tôn Vinh
Trong đợt bán đầu tiên tại New York, vì lãi suất Việt Nam cao nên rất nhiều nhà đầu tư đăng ký mua. Mặc dù chỉ bán khoảng 750 triệu đô tiền trái phiếu thôi nhưng mà những người đăng ký mua lên gấp năm gấp sáu.
Đầu 2010 thì chính phủ Việt Nam lại đưa ra một đợt trái phiếu quốc tế nữa vào khoảng một tỷ thì bán hết ngay tại những thị trường quốc tế, nhất là ở New York. Sau khi bán thành công trái phiếu năm 2010 thì Việt Nam dùng tiền đó cho dự án ở Dung Quất, nhưng Dung Quất không thể nào dùng hết số tiền một tỷ đô, nên chính phủ cũng như Vinashin dự kiến dùng số tiền còn lại để trả nợ cho các tập đoàn ngân hàng đã cho Vinashin vay trong thời gian qua, đặc biệt là ngân hàng Natixis của Pháp. Cái khoản vay đó là ba trăm triệu đô la đã đến ngày phải trả.
Giữ uy tín quốc gia
Thanh Trúc: Thưa giáo sư Hà Tôn Vinh, việc Vinashin đề nghị xin khoản trái phiếu quốc tế đó, để trả nợ khoản vay tại ngân hàng Natixis, là một tính toán có lợi, một tính toán mạo hiểm rủi ro hay một tính toán mà lợi bất cập hại?
GS Hà Tôn Vinh: Thứ nhất, việc chính phủ bảo lãnh cho Vinashin hay một số các tập đoàn khác vay tiền các tổ chức tín dụng, các tập đoàn ngân hàng hay là các quĩ, thì khi vay là phải trả. Nếu có sự bảo lãnh của chính phủ thì chính phủ phải trả vì đó là uy tín của chính phủ và uy tín của hệ thống tài chính Việt Nam.
Thứ hai, Vinashin là một tập đoàn nhà nước, mặc dù có thể không có sự bảo lãnh của chính phủ thì Vinashin cũng phải trả hay chính phủ cũng phải trả. Nếu số nợ một  tập đoàn vay mà không trả thì sẽ ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế, làm giảm cái gọi là mức độ tin tưởng vào thị trường và chính phủ. Cho nên trả không phải là vấn đề nữa mà đó là một nhiệm vụ, một nghĩa vụ, một là của chính phủ, hai là của tập đoàn vay nợ là Vinashin.
Nếu có sự bảo lãnh của chính phủ thì chính phủ phải trả vì đó là uy tín của chính phủ và uy tín của hệ thống tài chính Việt Nam.
GS. Hà Tôn Vinh
Điều thứ ba là nợ đó không phải là nợ lớn theo cái nghĩa là so sánh với toàn nền kinh tế. Cái nợ của Natixis khoảng ba trăm triệu thì nó nằm trong khả năng trả được của chính phủ. Hiện thời chính phủ đã bán được khoảng một tỷ đô la tiền trái  phiếu trên thị trường quốc tế vào đầu 2010, và như tôi vừa nói, vì dự án Dung Quất không dùng hết số tiền một tỷ, thì chính phủ dự kiến sẽ dùng số tiền còn lại đó để trả nợ cho Vinashin.
Trả như vậy có ích lợi gì cho Vinashin không? Trả nợ cho ngân hàng là trách nhiệm là nghĩa vụ của chính phủ và của Vinashin. Còn chuyện Vinashin có được dùng số tiền đó không thì tôi không nghĩ số ba trăm triệu đô mà chính phủ định dùng là chi vào cho Vinashin để tái cơ cấu. Cái đó là để trả cho một tập đoàn ngân hàng nước ngoài.

Theo tôi biết là chính phủ đã cam kết hay có quyết tâm duy trì và tái cấu trúc hoạt động của Vinashin. Chuyện đó có thành công, có đạt được ý muốn của chính phủ hay không thì còn phải chờ. Đó cũng là một rủi ro cho chính phủ cũng như cho nền kinh tế. Khi một nền kinh tế mà có một số những công ty hay tập đoàn hàng đầu bị khủng hoảng tài chính hay trên bờ phá sản thì vực tập đoàn đó dậy là cả một cam kết rất lớn về chính trị và kinh tế. Việc chính phủ quyết định dùng trái phiếu quốc tế để trả một phần nợ là một quyết tâm để cải tổ Vinashin.
Chính phủ đã chuyển giao rất nhiều hoạt động của Vinashin sang Tập đoàn Dầu khí và Tổng công ty Hàng hải, thì cũng phải chờ xem vấn đề đó có thành công hay không.
Cái rủi ro, theo ý tôi, khi dùng tiền đó để trả nợ thay cho Vinashin, có nghĩa những khoản nợ đó sẽ không được dùng vào những vấn đề phát triển kinh tế khác của xã hội hay của đất nước. Thực tế đó là sự thiệt hại. Vực một tập đoàn như Vinashin trở lại thì tôi không biết cái nhìn của các tổ chức quốc tế về Vinashin sẽ còn như xưa? Việc Vinashin sau này có đi ra vay vốn để hoạt động tôi không chắc đã thành công, chưa chắc các nhà đầu tư còn tin tưởng vào Vinashin. Cũng đã có một số đề nghị là nên cho Vinashin đóng cửa hay thay đổi tên.
Điểm yếu của Vinashin
Thanh Trúc: Tái cấu trúc Vinashin để cho nó hoạt động hữu hiệu thay vì để nó trở thành một gánh nặng, ngoài vấn đề tài chính ra thì phải chăng nhân lực và khả năng điều hành phải là vấn đề đáng quan tâm hàng đầu thưa ông?
GS Hà Tôn Vinh: Chính phủ đã tìm ra nguyên nhân sự thất bại của Vinashin. Một trong những lý do hàng đầu mà chính phủ nói rất nhiều là sự yếu kém của lãnh đạo Vinashin trong vấn đề quản lý, nhất là quản lý tài chính. Những công cụ để bảo vệ cho Vinashin đã không chặt chẽ. Lấy thí dụ những năm vừa qua chính phủ đã nhiều lần thanh tra Vinashin. Trong mười lần thanh tra thì đều một cách nào đó là không tìm ra, không xác định được căn bệnh của Vinashin.
Chỉ đến khi gần đây thôi, căn bệnh của Vinashin chính nó bùng phát, thì chúng ta mới biết không những là cái yếu kém của Vinashin mà ngay cả cái yếu kém của những cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước.
Đây là sự yếu kém của tất cả những tổ chức trong việc bảo đảm Vinashin hoạt động minh bạch trong tài chính và đúng theo qui định của chính phủ hay đúng theo cái tạm gọi là cơ chế thị trường.
Trong nền kinh tế thị trường thì chúng ta chưa đủ người đủ lực để quản lý những tập đoàn lớn. Nên chuyện Vinashin gặp thất bại hay gặp khó khăn vừa qua là điều đương nhiên và dễ hiểu.
GS. Hà Tôn Vinh
Trở lại một trong những yếu kém là vấn đề đào tạo. Đào tạo không phải một sớm một chiều, không thể nào tự nhiên mà đào tạo một vài con người mà đi vào Vinashin để có thể tái cấu trúc được. Nên tôi nghi ngờ và không mấy tin tưởng rằng việc tái cấu trúc trong thời gian ngắn sẽ thành công.
Tái cấu trúc Vinashin thì vấn đề đào tạo nhân lực tôi nghĩ còn rất là lâu dài. Chính vì thế, đẩy các họat động của các tập đoàn như Vinashin cho phát triển mạnh không có nghĩa là họ sẽ mạnh và sẽ phát triển theo ý của chính phủ. Nó vẫn phải dựa vào thứ nhất là yếu tố con người và nhất là đào tạo vấn đề quản lý tập đoàn. Trong nền kinh tế thị trường thì chúng ta chưa đủ người đủ lực để quản lý những tập đoàn lớn. Nên chuyện Vinashin gặp thất bại hay gặp khó khăn vừa qua là điều đương nhiên và dễ hiểu.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn giáo sư Hà Tôn Vinh.
T. T.

Tù mù chuyện trả nợ thay cho Vinashin

Phạm Huyền


(VNR500) - Tảng băng ngầm trong những món nợ “tư” đã bắt đầu “nổi” lên và có ít nhất 300 triệu USD nợ của riêng Vinashin đã biến thành “nợ công” của quốc gia.
Bức tranh nợ mù mịt
Việc Chính phủ phải trả nợ thay cho Vinashin đối với cả những khoản vay nằm ngoài bảo lãnh, có lẽ đó là bài học xương máu nhất cho câu chuyện kiểm soát “nợ ngầm”.
Ngày 15/9, Văn phòng Chính phủ ký công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng quyết định cho Vinashin khoản tiền 300 triệu USD để trả nợ. Thật tình cờ, đó cũng là hôm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội “mổ xẻ” về thực trạng nợ công của Việt Nam với các chuyên gia của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, của Ngân hàng Thế giới WB…
Chia sẻ với PV. Diễn đàn VNR500, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh băn khoăn: “Trong “bản khai” trước đây về tình hình vay mượn của Vinashin, chỉ thấy có nói 750 triệu USD vay từ trái phiếu Chính phủ, 600 triệu USD vay thương mại của ngân hàng Thuỵ Sĩ. Bây giờ, lại thấy thêm 300 triệu USD nữa cho Vinashin! Liệu, đó sẽ là khoản “nợ” cuối cùng, hay lâu lâu, lại xuất hiện thêm một khoản nữa? Vinashin chỉ là một trường hợp, còn các trường hợp khác thì sao?”

Bức tranh nợ của Vinashin đến nay xem ra vẫn mù mịt. Cũng phải nói thêm rằng, hai khoản nợ trên của Vinashin đến năm 2015-2016 mới đến thời kỳ đáo hạn. Trong khi, khoản 300 triệu USD này được Chính phủ bảo lãnh cho Vinashin là do áp lực đã đến kỳ phải trả!
Hồi tháng 2/2010, khi công bố kế hoạch sử dụng 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Chính phủ, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính hoàn toàn không nhắc tới Vinashin. Khi đó, ông Hà khẳng định, nguồn vốn này sẽ dành cho dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, một số dự án trọng điểm khác của Tổng công ty lắp máy Lilama, Tổng công ty Sông Đà…
Giờ đây, với quyết định trên của Chính phủ, Vinashin đã ăn “lẹm” vào “miếng bánh” vốn đầu tư của Tập đoàn khác. Và như tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói, “xét cho cùng, Chính phủ giao Bộ Tài chính đi lo trả nợ thì tiền chi trả cho Vinashin cũng là của người dân mà thôi.”
“Phải liệt kê mọi khoản nợ mà Chính phủ định trả thay ra!”, ông Doanh nhấn mạnh.
Có cùng quan điểm trên, ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nói: “Rõ ràng, chỉ đạo này chỉ là một trong những việc xử lý tái cơ cấu nợ cho Vinashin. Chỉ có điều, quá trình tái cơ cấu nợ đó phải làm sao cho minh bạch, là một chiến lược công khai, hiệu quả.”
“Chiến lược ấy phải để cho người dân cảm nhận được, vì sao Chính phủ phải trả nợ thay, trả bao nhiêu, trả như thế nào, và việc tái cơ cấu theo cách đó sẽ đảm bảo trong tương lai, Vinashin là một công ty làm ăn được!”, ông Thành nói.
Nợ tư hay “tảng băng chìm”
Từ năm 2005- 2010, dư nợ được Chính phủ bảo lãnh tăng qua các năm. Bình quân 5 năm qua tăng khoảng 40%/năm. Trong đó, nợ trong nước tăng khoảng 42%/năm, nợ nước ngoài tăng khoảng 38%/năm.
Tỷ lệ dư nợ được Chính phủ bảo lãnh so với GDP cũng tăng qua các năm, bình quân ở mức 7% GDP/năm, trong đó, bảo lãnh vay nợ trong nước ở mức 5% GDP/năm và bảo lãnh vay nợ nước ngòai ở mức 2% GDP/năm.
Khối lượng vay vốn nước ngoài được chính phủ bảo lãnh năm 2009 đã ở mức gần 4 tỷ USD, tăng gấp 4 lần mức 0,91 tỷ USD trong năm 2005. Tỷ trọng nợ nước ngoài trong tổng dư nợ của Chính phủ cũng tăng lên mức 14,27% năm 2009, gấp 2 lần mức 6,4% năm 2005.
Có mặt tại cuộc mổ xẻ nợ công của Ủy ban tài chính ngân sách Quốc hội hôm 15/9, không phải ngẫu nhiên mà chính TS. Võ Trí Thành đã “hàm ý” với các chuyên gia nước ngoài: “Nếu xảy ra khủng hoảng do nợ công rồi thì xử lý khủng hoảng thế nào với chi phí thấp nhất? Vì để giải quyết khủng hoảng, sẽ lại là câu chuyện liên quan đến chi tiêu của Nhà nước”.
Ông Thành dẫn chứng: “Năm 1997, nợ công của Việt Nam là tương đối an toàn, không rủi ro như bây giờ. Thế nhưng, vì vay nợ của tư nhân, khủng hoảng L/C trả chậm, cuối cùng Nhà nước đã phải đứng ra, trả tất cả các khoản ấy.
Thời kỳ đó, một loạt ngân hàng phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Đặc biệt, Nhà nước đã phải chi hàng trăm triệu USD để cứu Vietcombank. Đó là câu chuyện nợ tư và cuối cùng Chính phủ cũng chết dở vì phải lãnh thay hậu quả”.
Từ đầu năm đến nay, một loạt các Tập đoàn lớn của Việt Nam như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cũng “đua nhau” lên kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế lên tới hàng tỷ USD. Tất nhiên, các kế hoạch này đều có mục đích rõ ràng là đầu tư cho dự án trong điểm của ngành năng lượng.
Điều gì sẽ xảy ra nếu như Chính phủ không nắm được những khoản vay khổng lồ của các “con cưng” ấy? Như các chuyên gia quốc tế nói, dù cho Chính phủ không bảo lãnh nhưng khi các DN lớn gặp khó khăn, Chính phủ sẽ không thể bỏ lơ đi được.

Áp mức trần cho nợ có bảo lãnh của Chính phủ
Nhìn từ câu chuyện nợ nần của Vinashin, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh bày tỏ: “Nếu giờ  không có một thống kê đầy đủ nào về các khoản vay của các doanh nghiệp nhà nước, không biết có bao nhiêu khoản đến kỳ đáo hạn, thì rồi, gánh nợ công của Nhà nước sẽ tăng lên.”
Ông nhấn mạnh: “Chắc chắn, nếu thống kê đầy đủ, con số nợ công sẽ không phải là con số mà Bộ Tài chính đã báo cáo. Cho nên, cần có một quy chế nghiêm ngặt để doanh nghiệp nhà nước đi vay tiền nước ngoài.”
“Một gia đình mà con cái đi vay mượn lung tung cả, rồi cháu chắt cũng vay, vậy thì, ông bà, bố mẹ, trả thay mãi làm sao được”, tiến sĩ Doanh thẳng thắn.
Lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước cũng đồng tình với việc phải rà soát ngay, đánh giá lại thực trạng các khoản nợ của doanh nghiệp Nhà nuớc, đặc biệt là khoản vay nước ngoài.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, đề xuất: “Tiến tới, sẽ phải siết chặt các điều kiện bảo lãnh nợ của Chính phủ và có thể, phải nghiên cứu để đưa ra mức trần cụ thể cho việc này.”
“Ngoài ra, trong thu chi của Ngân sách Nhà nước, cũng cần nghiên cứu một tỷ lệ rủi ro nhất định liên quan khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh, cơ cấu vào Quĩ  tích luỹ trả nợ hàng năm. Việc này nhằm đảm bảo khả năng sẵn sàng trả nợ trong trường hợp Chính phủ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho doanh nghiệp”, ông nói thêm.
Quốc hội cần kiểm soát những khoản nợ lớn do Chính phủ bảo lãnh
“Vụ Tập đoàn Vinashin là một trong những bài học rất lớn cho việc bảo  lãnh nợ của Chính phủ.
Trước đây, Quốc hội Việt Nam chưa quan tâm lắm đối với đến vấn đề quản lý nợ công. Khi thông qua các kế hoạch ngân sách hàng năm, dự toán và chi tiêu, cũng chỉ chú ý vấn đề vay nợ của Chính phủ liên quan cân đối ngân sách, các vay nợ khác của Chính phủ thì chưa quan tâm.
Gần đây, đối với phát hành Trái phiếu của Chính phủ, Chính phủ mới có báo cáo và thông qua đối với Uỷ ban thường vụ Quốc hội, chứ không thông qua Quốc hội. Đặc biệt, đối với bảo lãnh của Chính phủ, gần như, Chính phủ tự quyết, tự làm, tự thực hiện chứ không thông qua Quốc hội cũng như không thông qua Thường vụ Quốc hội.
Vì thế, Quốc hội cần tăng cường quản lý chặt chẽ hơn vấn đề nợ công. Đặc biệt là bảo lãnh của Chính phủ, kể cả phát hành trái phiếu kể cả  trái phiếu trong nước, nước ngoài.
Việc Chính phủ bảo lãnh cho ai, như thế nào thì cần có một quy trình phải thông qua Quốc hội, chứ không để tình trạng này, Chính phủ cứ tự tung, tự tác được”.
(Ông Hoàng Thanh Phú, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - ngân sách của QH).
P. H.

“Gà ấp đà điểu”

Lê Thịnh
Câu chuyện “gà ấp đà điểu”
Có một chị gà mái, một hôm tung tăng dạo chơi, vô tình gặp được quả trứng đà điểu. Chị hì hục đưa quả trứng vừa to vừa nặng ấy về cái tổ bé nhỏ chật hẹp của mình, trong lòng mừng như mở hội vì nghĩ là mình sẽ ấp ra một đứa con thật to khỏe, nó sẽ bảo vệ mình. Các gia đình hàng xóm sẽ khen ngợi mình thật tài giỏi khi cho ra đời đứa con như vậy. Một cảm giác mới tuyệt làm sao. Chị nhắm mắt, nhún mình nhảy tót vào ổ. Cứ thế ấp trứng ngày qua ngày, nhưng cái trứng kia chẳng chịu nở trong khi chị vẫn cứ kiên trì ấp ủ, bỏ mặc đàn con ốm đói nheo nhóc, trôi dạt tứ phương. Một tháng, hai tháng rồi lại một năm hai năm, vỏ trứng kia dần chuyển sang sắc xanh mà vẫn chưa có động tĩnh gì bên trong.
Có người tốt bụng đi qua khuyên chị thôi đừng ấp nữa, hãy giữ sức mà lo cho đàn con. Nhưng lại cũng có người hàng xóm xấu bụng khuyên chị cứ tiếp tục công việc của chị, còn nhà cửa, đất đai và lũ con hãy để tôi “lo” hộ.

Câu chuyện Vinashin
Trở lại câu chuyện Vinashin. Có nhiều người đặt câu hỏi liệu có nên đánh đắm con thuyền thiếu sức sống kia đi, hay cố gắng tìm ra những phương án khả dĩ khác?
Đánh đắm con thuyền đó?
Dường như là không thể, vì đã lỡ phóng lao thì phải theo lao. Vả lại, dù đang vận hành một cách yếu ớt, nhưng trong lòng Vinashin vẫn còn tiềm tàng một nguồn vốn không nhỏ.
Những phương án có thể có lúc này là hoặc để cho một tập đoàn tư nhân mua lại rồi phát triển, hoặc tuyên bố phá sản, phủi tay hết nợ, khi thời cơ đến sẽ xây dưng lại.
Với phương án thứ nhất, liệu có ai dám mạo hiểm bỏ ra tiền tỉ để mua về một đống sắt vụn và một mớ những bất động sản mà giá trị giống như quả bong bóng đang xì hơi từng ngày? Một lý do không kém phần quan trọng là luật lệ lằng nhằng, chưa có một quy định cụ thể nào cho nhà đầu tư tư nhân tiếp cận mua lại tập đoàn nhà nước, quả là nhiều rủi ro cho nhà đầu tư một khi đã vướng vào. Hơn nữa là “sĩ diện” cũng không cho phép Chính phủ bán một tập đoàn nhà nước cho tư nhân vì tính “đúng đắn” của nền kinh tế theo định hướng XHCN.
Phương án thứ hai là phá sản, phủi tay hết nợ, rồi thời cơ đến thì xây dựng lại như cách mà nước Mỹ đã làm với một số tập đoàn trong thời kỳ suy thoái vừa qua. Nhưng luật pháp Việt Nam không phải như luật pháp Mỹ, thậm chí còn khó mà thi hành một cách suôn sẻ việc phá sản vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Hơn nữa, phần lớn nợ của Vinashin là nợ của Chính phủ khi phát hành trái phiếu. Một khi đã mang danh Chính phủ thì khó mà “phủi tay” được, cho dù có lấy bất cứ lý do gì.
Phương án này không xong, phương án kia cũng chẳng thành. Bỏ thì thương mà vương thì tội, con dại cái mang, thôi thì đành mang vậy. Nhưng liệu rằng “cái” có mang nổi không, khi mà còn đào sâu để tái cơ cấu thì còn khai quật được nhiều sai phạm. Con số 6 lãnh đạo cấp cao bị bắt cho tới lúc này chưa phản ánh được hết những tiêu cực, những bất cập vẫn đang còn tồn tại trong lòng Vinashin. Giả sử như mà bắt hết đi những thuyền trưởng thì lấy đâu ra người để tiếp tục lái con thuyền đó? Nhiều dự án, công trình còn đang ngổn ngang, chưa kể những đại lễ, hội nghị và hàng trăm thứ khác đang ký sinh vào đồng tiền ngân sách, rồi thêm những gánh nặng đại loại như là cơ cấu lại Vinashin.
Không biết rồi ngân sách sẽ thâm hụt bao nhiêu?
Chính phủ sẽ làm gì để bù lại khoản thâm hụt ấy?
Sẽ còn nhiều và rất nhiều những câu hỏi như vậy trong thời gian sắp tới đang chờ Chính phủ trả lời.
L. T.

Vụ Vinashin: Có nên vay mới để trả cũ?

Nguyễn Quang A
clip_image003

Nếu 300 triệu này là trong 600 triệu USD không có bảo lãnh, thì tại sao Chính phủ lại đi trả nợ hộ một doanh nghiệp? Ảnh TTGĐ

Lấy khoản vay mới để trả nợ cũ trong nhiều trường hợp là dấu hiệu nguy hiểm.
Mỗi khoản vay đều có mục đích. Sử dụng khoản vay sai mục đích là tối kỵ và những người cho vay đánh giá khách hàng rất xấu nếu làm vậy. Khi phải đi vay hay dùng các khoản vay mới để trả cho nợ cũ, thì thường đó là dấu hiệu nguy hiểm. 
Tất nhiên, nếu ai đó đồng ý cho vay với lãi suất thấp, thời hạn dài để cho khách hàng trả các khoản nợ cũ với lãi suất cao, thời hạn ngắn, thì đó là chuyện giúp đỡ quý giá (nếu để trả cho bên thứ ba) hay việc tái cơ cấu nợ bất đắc dĩ (nếu trả cho người cho vay).
Chính phủ vừa phải lấy 300 triệu USD tiền thu được từ phát hành trái phiếu quốc tế để trả nợ thay cho Vinashin.
Rất có thể chủ nợ, là người đang cầm trái phiếu, không ràng buộc (hay không thể vì trái phiếu đã đổi chủ vài lần trên thị trường) Chính phủ phải dùng vào mục đích gì, nhưng chắc chắn Chính phủ đã sử dụng khác với  mục đích ban đầu của mình.
Và các tổ chức tài chính quốc tế không thể không lưu ý đến điều đó, nên có thể các khoản vay sắp tới chắc chắn điều kiện sẽ ngặt nghèo hơn.

Trước đây cũng không thấy nhắc đến khoản nợ nước ngoài 300 triệu USD này của Vinashin. Nó có nằm trong 600 triệu USD mà Vinashin tự vay và không có bảo lãnh của Chính phủ hay không? Khoản 750 triệu Chính phủ cho vay lại từ phát hành trái phiếu đợt đầu chưa đến hạn, và chắc chắn Chính phủ phải trả (Vinashin chắc chắn chưa có khả năng trả vào 2015 khi khoản này đáo hạn).
Chính phủ cũng phải trả nếu đã bảo lãnh cho Vinashin. Nếu 300 triệu này là trong 600 triệu USD không có bảo lãnh, thì tại sao Chính phủ lại đi trả nợ hộ một doanh nghiệp? Nếu nó nằm ngoài 600 triệu Vinashin tự vay thì nó là khoản nào? Quốc hội có biết không? 
Chính cách vay hộ rồi lại trả hộ cho Vinashin và các tập đoàn khác là một cách làm cho  doanh nghiệp "hư" (giới chuyên môn gọi là khiến cho ràng buộc ngân sách của chúng trở nên mềm) và đó là một trong hai nguyên nhân chính làm cho chúng hoạt động không hiệu quả.
Người ta bàn nhiều về nợ công của ta vẫn trong ngưỡng an toàn. Bộ Tài chính nói nợ công của ta năm 2009 mới ở mức 52,6% GDP nhưng đó là chưa tính các khoản nợ của những đứa con hư mà Chính phủ  có thể phải trả.
Lấy khoản vay mới để trả nợ cũ trong nhiều trường hợp là dấu hiệu nguy hiểm.
N. Q. A
Nguồn: Bee.net