2/5/11

Hà Nội động đất, tín hiệu cảnh báo này có làm rung động tình người không?


 
Lê Diễn Đức
 
 
Hà Nội "xuống đường" đêm ngày 24 tháng 3 năm 2011 - Ảnh: Việt Báo
 
Khoảng 9 giờ tối ngày 24 tháng 3 năm 2011, thủ đô Hà Nội bị động đất nhẹ, dưới 4 độ richter.
 
Nhiều ngày nay, từ khi có các cuộc cách mạng Hoa Nhài bên Bắc Phi, nhà cầm quyền Hà Nội chắc hẳn khó ngủ vì sợ nhân dân xuống đường làm cách mạng.
 
Sợ đến mức báo chí chính thống đưa tin về động đất nói bà con từ trên các nhà cao tầng chạy xuống đường, đăng rồi đã chỉnh sửa lại thành "xuống dưới đường", “xuống đất”… Nhiều tờ khác tìm sự yên thân, tự kiểm duyệt, cho biến luôn cả từ ngữ đó!
 
Ông bạn Trần Đông Đức trao đổi với tôi về bài viết tức thì sau khi có thông tin về động đất.
 
Bài viết có nội dung xúc động về tình đất, nghĩa trời, mang đậm màu sắc của lý trí cũng như nhân bản. Tác giả còn có những suy diễn thú vị và hợp lý.
 
Mới ngày hôm trước, ngày 23 tháng 3, chính quyền tung ra lực lượng an ninh chìm nổi chiếm đến một phần ba số người có mặt, theo dư luận trong nước, nhằm uy hiếp và ngăn cản không cho mọi người “xuống đường” dự lễ tang ông Trịnh Xuân Tùng, người bị Trung Tá công an Hà Nội Nguyễn Văn Ninh đánh dã man, tàn ác, đưa đến cái oan ức một tuần sau đó.
 
Cũng không thiếu bóng dáng công an chìm, nổi, trên khu vực quanh Toà án Hà Nội, trước cơn động đất trong ngày 24 tháng 3, là ngày dự kiến xử công khai tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, dù đã được hoãn tới ngày 4 tháng 4.
 
Chính quyền không cho mọi người “xuống đường” thì nghịch lý thay, ông trời bắt mọi người phải “xuống đường”!
 
Cứ cho là tôi suy diễn vớ vẩn hay ngớ ngẩn chăng nữa, cũng giống bạn Trần Đông Đức, tôi cho mình cái quyền cười đểu, và được nghĩ rằng, đây là cú quả báo ngoạn mục cho các nhà chức trách đang sống tại Ba Đình!
 
Nó còn là tín hiệu cảnh báo cho tình người của dân chúng Hà Nội, cho tất cả những ai vô cảm, bàng quan trước các bất công xã hội ngút trời đang diễn ra trong xã hội Việt Nam hiện nay.
 
Thật may mắn, động đất trong đêm 24 tháng 3 đã không gây ra thương vong hay thiệt hại gì đáng kể.
 
Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội bị động đất. Hà Nội, Sài Gòn và Vũng Tàu, theo các chuyên gia trong nước, đều nằm trong vùng cảnh báo đặc biệt, bởi có thể xảy ra động đất tới 5-7 độ richter. Nếu tâm địa chấn nằm ở giữa các thành phố, với mức này, có thể gây thiệt hại khủng khiếp, 30-40% nhà cửa, hoặc hơn thế, sẽ bị đổ sập hoàn toàn!
 
Hà Nội "xuống đường" do động đất, tháng 5 năm 2008 - Ảnh Dân Trí
 
Cho đến giờ phút này, cả phía nhà nước lẫn dân chúng đều không có sự chuẩn bị kỹ thuật an toàn nào trước thảm kịch động đất!
 
Chẳng ai lường trước được tai hoạ! Cũng chẳng ai đoán trước được số phận nghiệt ngã sẽ rơi vào mình lúc nào!
 
Cứ sống với sự vô cảm, với chủ nghĩa “makeno” (mặc kệ nó), chủ nghĩa “măm”, “xúc” (mammonism/chạy theo đồng tiền bất chấp đạo đức) và không chỉ vô cảm với chính trị, mà còn vô cảm ngay cả với người bị nạn quanh mình, thì một mai (nói dại) không may Hà Nội, Sài Gòn bị hoạn nạn, lúc ấy không biết ai sẽ giúp ta?
 
Không thể nào kể hết vô số ý kiến của người Việt, rộng khắp trong và ngoài nước, biểu lộ sự cảm phục trước tình người, tình đoàn kết cộng đồng, thái độ làm việc mẫn cán của các quan chức chính phủ Nhật Bản đối với dân chúng trong thảm họa động đất vừa qua.
 
Nhưng từ sự kiện này, trên các diễn đàn, rất nhiều người đã hoài nghi và thất vọng về con người Việt Nam trong thời buổi nhiễu nhương hôm nay. Dường như những đức tính truyền thống cao quý của dân tộc Việt, không thua kém gì người Nhật, đã bị đánh mất hoặc bị đánh tráo khái niệm.
 
Ôi! Những câu ngạn ngữ, ca dao dân gian như “tôn sư trọng đạo”, “lương y như từ mẫu”, “cô giáo như mẹ hiền”, “hàng xóm có nhau khi tối lửa tắt đèn”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, “khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”,... chỉ còn trong các câu chuyện cổ tích, hay phảng phất đâu đó của một thời xa vắng...
 
Trong trận lụt kỷ lục ở miền Bắc năm 2008, ngày 2 tháng 11 năm 2008, trả lời phỏng vấn tờ “Vietnamnet” về tình hình chống lũ, ông Pham Quang Nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam nói: “Tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm...”. Ông Nghị nói câu đó hai ngày sau khi dân chúng Hà Nội kêu trời về sự vắng mặt của nhà chức trách trong khi toàn dân thủ đô đang bơi lội trên khắp phố phường.
 
Thật khó quên cái ngày Hà Nội tô son trát phấn, cờ đỏ, đèn hoa giăng giăng khắp phố, khắp ngõ, pháo hoa nổ vang trời, tưng bừng và háo hức kỷ niệm Lễ Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.
 
Hôm ấy, ngày 1 tháng 10 năm 2010, đúng ngày quốc khánh nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, trên quảng trường Ba Đình, bên cạnh xác ướp của Hồ Chí Minh "vĩ đại", Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc diễn văn khai mạc dài mười mấy phút, không hề có một lời chia buồn với hàng chục ngàn đồng bào miền Trung đang đói khát, màn trời, chiếu nước và đến thời điểm ấy đã có mấy chục người thiệt mạng, không kể mất tích!
 
Không một lời nào!
 
Những người đứng ở vị trí quyền lực cao nhất của một nhà nước được rêu rao suốt mấy chục năm nay là “của dân, do dân và vì dân”, là “đấy tớ trung thành của nhân dân”, rằng Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân trao cho sứ mệnh lãnh đạo đất nước, bla bla…, mà lại có thể ăn nói trơ tráo và có thái độ vô tâm đến thế!
 
Không có gì quá đáng khi tôi kết luận rằng, đây là một chế độ mà trong đó những kẻ đại diện đã thể hiện sự kiêu căng, ngạo mạn nhất, vô tâm đến mức bất nhân, coi mạng dân như cỏ rác!
 
Tôi nhớ trong trận lụt lớn tháng 7 năm 1997 ở Ba Lan, Thủ tướng Ba Lan lúc bấy giờ là ông W. Cimoszewicz nói nông dân Ba Lan không có thói quen mua bảo hiểm tài sải nên bây giờ nhiều người trắng tay. Chỉ có thế thôi, mà bị báo chí truyền thông Ba Lan quần cho cho lên bờ xuống ruộng, đòi ông từ chức. Ông đã lên TV xin lỗi vì lời phát biểu không đúng lúc của mình, khi mà dân chúng đang hoảng loạn vì chết chóc và tổn thất. Trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 9 sau đó, đảng cầm quyền SLD của ông đã bị thất bại thảm hại, chỉ giành được 27% số phiếu. Hậu quả này sẽ còn đeo đuổi ông mãi, vì được gắn với tiểu sử của ông trên pl.Wikipedia.
 
Vào tháng 6/2010, Ba Lan cũng trải qua một trận lụt thế kỷ. Chính quyền Ba Lan đã huy động hết công suất lực lượng cảnh vệ, cảnh sát, quân đội, cùng các tổ chức thiện nguyện khắp đất nước giúp đỡ dân chúng trong và sau trận lụt.
 
Đang đúng kỳ nghỉ phép, Quốc hội Ba Lan triệu tập phiên họp bất thường, nhiều vị dân biểu đi nghỉ xa tắp bên Ấn Độ, Thái Lan, Brazil… tức tốc về nước để có đủ con số thông qua luật bổ sung ngân sách cứu trợ. Nhà nước Ba Lan tạm thời cấp không hoàn lại số tiền tương đương 2.000 đôla cho mỗi gia đình trong khu vực bị lụt và hứa sau khi tổng kết xong toàn bộ thiệt hại, chính phủ sẽ có kế hoạch dài hạn giải quyết tiếp hậu quả. Vậy mà, Hiệp hội “Cùng nhau phản kháng” của các sinh viên đã tốt nghiệp và đang theo học Khoa luật và Hành chính của Đại học Warszawa, vẫn đệ đơn tập thể lên tòa án kiện nhà nước Ba Lan ứng phó chậm hơn khả năng có thể, gây thiệt hại cho dân chúng.
 
Với người Việt, không chỉ chính quyền, dường như số đông cũng dửng dưng, vô cảm trước các cảnh bất công thường trực trong đời sống. Thậm chí thái độ này đã trở phổ biến, bình thường.
 
Thật khó tìm ra ngôn ngữ nào thích hợp thay cho sự nguyền rủa thậm tệ đối với một xã hội mà trong đó công an thường xuyên ngang nhiên đánh chết dân ngay giữa chốn công đường chỉ vì họ vi phạm luật giao thông; học sinh tỉnh bơ nhìn các bạn gái cấu xé nhau, hay thả chó bécgiê cắn nát người phụ nữ đến chết, trước con mắt lạnh lùng của người khác!...
 
Chị Chiến đã bị cho bécgiê cắn nát sau hàng rào này ngày 22 tháng 1/2010 - Ảnh: Tuổi Trẻ
 
Cho nên, nhìn không khí xung quanh lễ tang ông Trịnh Xuân Tùng ngày hôm qua, nhà văn Võ Thị Hảo, một người đang sống giữa lòng Hà Nội, đã phải nói lên sự xót xa, cay đắng và phẫn uất trước nhân tình thế thái, qua bài “Văn tế Dân Oan” (trích):
 
"Hỡi dòng người vô cảm!
Rùng rùng đi mê loạn
Đàn kiến khốn khổ quằn quại kiếm ăn
Câm lặng nhìn đồng bào mình chết
Dưới bàn tay bạo tàn"…
 
"Người người
Xin đừng vờ ngủ
Đừng giả điếc
Rồi đến lượt mình
Một ngày tức tưởi nhập dòng oan"…
 
Tôi cứ băn khoăn suy ngẫm.
 
Đời của bản thân mình coi như xong, chẳng có gì đáng nói. Nhưng may mắn làm sao, tất cả các con tôi đều không phải lớn lên và trưởng thành trong môi trường xã hội khủng khiếp ấy.
 
Nhưng còn hàng triệu, hàng chục triệu em thơ khác của đất nước mà số người sinh ra sau chiến tranh 1975 chiếm tới hai phần ba, không có điều kiện, cơ hội như các con tôi?
 
Lẽ nào mãi mãi chúng ta thản nhiên tự nhận mình hèn giữa đám đông? Cảm thấy mình hèn nhát, cam phận với văn hoá nô lệ và sợ hãi, thì im lặng đã là đáng trách, thế mà còn thản nhiên tự nhận, thì còn gì để nói!
 
- Vâng! Tôi không quan tâm đến chính trị!
 
- Vâng! Tôi không dây vào chính trị!
 
- Vâng! Chủ nghĩa “múc” và “rúc” muôn năm!
 
Nhưng đáng tiếc thay! Bạn có thể không quan tâm đến chính trị nhưng quan tâm đến chính trị lại là đạo đức; chính trị, oái oăm thay, lại là thứ tạo ra cái xã hội đang quấn trói lấy bạn, không buông tha bạn, từ miếng ăn, giấc ngủ, công việc, đến tương lai của bạn, của con cái bạn và cao hơn, cả tiền đồ, số phận của dân tộc!■
 
© 2011 Lê Diễn Đức

36 năm đất nước thống nhất, một tội danh bị đánh tráo, nỗi buồn riêng và chung


 
Lê Diễn Đức
 
 Dinh Độc Lập ngày 30 tháng Tư năm 1975 - Ảnh: Tư liệu
 
Suốt 36 năm qua, mỗi lần tới ngày 30 tháng 4 là mỗi lần tôi trở về với miền ký ức.
 
Tôi vốn không thích “bị” phỏng vấn và phỏng vấn có sự chuẩn bị trước, phải hẹn hò, chờ đợi. Thường hỏi về những sự kiện liên quan tới Ba Lan, bạn hữu của đài quốc tế Pháp RFI biết tính tôi vậy, nên khi gọi điện thoại cho tôi chỉ trao đổi ngắn gọn về chủ đề, giới hạn thời gian, rồi thực hiện ngay.
 
Năm 2007, anh Nguyễn Khanh của “Radio Free Asia” từ Washington DC gọi điện qua Ba Lan có nhã ý phỏng vấn nhân dịp 32 năm ngày thống nhất đất nước, tôi cũng đề nghị làm luôn. Khi trả lời rằng, ngày này 32 năm về trước tôi đang nằm ở nhà tù Hoả Lò, anh Khanh đã rất ngạc nhiên.
 
Về miền ký ức
 
Sau hơn một năm trời bị biệt giam, không được gia đình thăm viếng, chịu đói rét, ghẻ lở, cùng với các cuộc thẩm vấn liên miên, tôi nhận bản án 2 năm tù giam của Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội với tội danh là “Trốn ở lại nước ngoài”. Tôi bị an ninh cộng sản Ba Lan bắt giữ, giao nộp cho phía Việt Nam và bị áp tải về nước sau chuyến trốn qua Thuỵ Điển không thành, phải quay trở lại.
 
Ý thức phản kháng lại các đạo lý giáo điều, bất công, phi nhân bản của chế độ cộng sản và cuộc hành trình mạo hiểm đi tìm tự do của tôi đã xảy ra rất sớm, trước cả cái mốc lịch sử của cuộc “exodus” chưa từng có của người Việt sau 30 tháng 4 năm 1975.
 
Cũng muốn nói thêm để các bạn trẻ biết rằng, cho đến cuối thập niên 70, đầu 80 của thế kỷ trước, sinh viên Việt Nam từ miền Bắc du học ở các nước cộng sản (cũ) chạy sang các nước tư bản bị quy kết tội rất nghiêm trọng. Án phạt dành cho tôi có lẽ được giảm nhẹ sau khi Cục Chấp pháp Bộ Nội vụ kết luận tôi trốn qua Nam Tư, Thuỵ Điển chỉ vì muốn ở lại với người mình yêu, chứ không có hành động làm gián điệp hay phản bội tổ quốc.
 
Ít ai giờ đây tin rằng, ngay tại châu Âu, hồi đó chúng tôi bị cấm yêu, giữa sinh viên Việt Nam với nhau, chứ đừng sớ rớ tới người ngoại quốc.
 
Tuy nhiên, đến cả Adam và Eva trên Vườn Địa đàng còn quên lời răn của Thượng đế, không kìm nổi tò mò, dám ăn cả trái cấm, huống chi chúng tôi, những chàng trai, cô gái đang ở tuổi đôi mươi bằng xương bằng thịt nơi trần tục. Chúng tôi vẫn yêu nhau nhưng lén lút, kín đáo và khôn ngoan đối phó với những con mắt cú vọ sẵn sàng bẩm báo với trưởng đoàn lấy điểm. Người yêu của tôi là một cô gái Ba Lan xinh đẹp, tên Bozena, học khoa Pháp văn, cùng Wroslaw University.
 
Số sinh viên “vượt rào” bị phát hiện và đuổi về nước bấy giờ không ít. Hầu hết bị trả về địa phương, quay lại với “kiếp trâu cày chạy bữa đứt hơi”. Họ không thể ngẩng mặt lên làm một con người bình thường được nữa, vì bị hàng xóm, thậm chí gia đình, khinh thị, hắt hủi. Ở thành phố, tấm lý lịch đen tối không cho họ cơ hội tìm được việc làm tử tế nào ngoài lao động chân tay. Tôi biết T. người Thanh Hoá, học ở Warsaw Polytechnic, đã chết trên biển khi đi đánh cá, còn K. tôi gặp trong tù, người Quảng Bình, đã chết vì mìn nổ khi đi làm ruộng…
 
Tuy đã phải ngồi tù nhưng tôi gặp nhiều may mắn hơn. Sau 14 năm vật lộn, xoay xở và ma mãnh qua mặt chính quyền với nhiều trò có thể viết thành một cuốn tiểu thuyết bi hài, tôi đã quay trở lại Ba Lan, đúng lúc chế độ cộng sản Ba Lan sụp đổ và ở lại luôn cho đến nay. Tôi không bao giờ quên cảm nghĩ của mình khi máy bay của hãng Hàng không Liên Xô Aeroflot dứt khỏi đường băng sân bay Tân Sơn Nhất vươn lên bầu trời vào ngày 9 tháng 10 năm 1989: “Thế là ta đã chiến thắng!”.
 
Quy định cấm yêu được chấm dứt sau sự kiện Lê Vũ Anh, con gái (với bà vợ cả) của cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn, bất chấp can ngăn của Đại sứ quán, đã nhất quyết lấy chồng người Nga, gây nên làn sóng phản đối của sinh viên. Họ đòi hỏi quyền được bình đẳng. Một số đã viết thư tập thể bằng máu gửi lên Đại sứ quán Việt Nam. Nhờ “công” của con gái vị lãnh đạo cao nhất của Đảng mà chính sách được thay đổi! Sau này Lê Vũ Anh chết do băng huyết trong lúc sinh con, nhiều sinh viên thương cảm nói có lẽ nên đúc tượng đồng “Nữ thần Tình yêu” cho cô! Đúng thế, Lê Vũ Anh đã làm một cuộc cách mạng.
 
Vào một đêm không ngủ trong trại tạm giam ở ngoại thành Hà Nội (sau này tôi được biết có tên gọi là B15), tôi viết:
 
… Tiếng dế kêu thưa thớt, hoang sơ
Tiếng lá cây xào xạc gió khua
Tiếng ếch ngoài đồng sau cơn mưa
Tiếng gà gáy gọi trời trở sáng
Tiếng chó sủa làng bên vang vọng…
Chỉ thế thôi, chẳng có gì hơn
Bản nhạc trời khuya rầu rĩ lạ thường!
 
(…) Sự thật nơi nào trên khắp thế gian
Có bao giờ tình yêu trở thành tội lỗi
Khi đó đây những vành đai biên giới
Khép mọi con đường, giam cả lứa đôi?
 
Hoặc trước đó, trên những nẻo đường đi tìm mặt trời và sóng biển:
 
Từ trên cao, Bozena em ơi, hãy cùng anh nhìn xuống địa cầu
Thế giới dọc ngang những đường chia xẻ
Biên giới chẳng riêng là những ngọn núi, dòng sông hay hàng cọc bình thường
Bởi chính nơi đây, chân lý và tình yêu chẳng có phút giây nào khỏi bị đoạ đầy, cắn xé!
 
Cái xấu xa, chua chát của cuộc đời dạy anh bài học yêu em
Giúp anh trả lời thế nào là Tình yêu và Cuộc sống
Quên gông sắt, nhà tù lấy em làm hy vọng
Xây nên cuộc đời!
 
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một lần trong cuộc phỏng vấn của BBC đã từng nói rằng, trong ngày 30 tháng Tư năm 1975, có triệu người vui nhưng cũng có cả triệu người buồn. Tôi thuộc vế sau. Cả phòng giam hôm ấy huyên náo khi giám thị loan báo tin chiến thắng. Tôi cũng phải cười nói hoà vào đám đông, nhưng lòng quặn đau nghĩ tới viễn cảnh đen tối và cùng đường của mình. Hy vọng le lói của tôi sau khi ra tù sẽ tìm cách vào Nam vụt tắt!
 
Tội danh bị đanh tráo
 
36 năm trôi qua. Có thể là một nửa đời người. Việt Nam đã trải qua vô vàn biến động và thay đổi chóng mặt. Nhưng có một thứ bất biến: Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ độc quyền cai trị đất nước, vẫn cùng một triều đại phong kiến mới với những khuôn mặt của các ông Vua mới kế vị nhau.
 
Tôi đã nhiều lúc nghĩ đến tội danh “trốn ở lại nước ngoài” mà tôi đã phải chịu gánh chịu. Cũng một bộ máy ấy, cũng đảng cầm quyền ấy, tội danh này dưới lăng kính hôm nay sẽ được quan sát ra sao?
 
Không có Bộ Luật hình sự của CHXHCN Việt Nam trong tay, cũng chẳng ham muốn truy cập trên mạng để tìm hiểu, tôi cho rằng, tội danh “trốn ở lại nước ngoài” đã bị loại bỏ khỏi đời sống pháp lý của chế độ hiện hành. Bởi vì nếu có, nhà tù Việt Nam sẽ không thể nào xây kịp!
 
Hàng chục ngàn, nếu không nói tới con số hàng trăm ngàn, công nhân Việt Nam lao động trong khuôn khổ hợp tác kinh tế tại Nga, Bulgaria, Tiệp Khắc (cũ), Đông Đức (cũ) sau khi Bức tường Berlin sụp đổ đã không trở về nước mà ở lại mưu kế làm ăn hoặc xin tị nạn.
 
Tôi cũng là nhân chứng liên tiếp suốt hai thập niên qua trước dòng người Việt bay sang  Nga rồi khốn khổ vượt biên bất hợp pháp vào Ba Lan và các nước khác.
 
Hàng trăn ngàn công nhân được xuất khẩu lao động trong những năm gần đây, bị bóc lột thậm tệ, bị lừa gạt, bị bỏ rơi, không thể trở về nước vì món nợ đè lên vai, đã phải ở lại vật lộn với cuộc sống cơ cực, thậm chí phải hành nghề trộm cắp, đĩ điếm (như ở Malaysia)…
 
Rồi sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, gần cả triệu người miền Nam chấp nhận một sống hai chết, đã trốn chạy khỏi chế độ.
 
Nếu bị xử tù như tôi về tội “trốn ở lại nước ngoài”, chúng ta hình dung một bức tranh xã hội sẽ khủng khiếp như thế nào.
 
Ở đây, chúng ta thấy rằng, cùng một hành vi, ngày hôm trước được xem là có tội, ngày hôm sau mặc nhiên thành chuyện bình thường, thậm chí còn được nhà nước khuyến khích. Vậy thì, trong sự oan ức của tôi chỉ có thể được cắt nghĩa bằng hai cách. Thứ nhất, tôi thuộc những người “đầu thai nhầm thế kỷ”, giống như các văn nghệ sĩ trong phong trào Nhân văn Giai phẩm đã nói về mình. Thứ nhì, sự ấu trĩ và sai lầm của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đẩy vô vàn con người lương thiện xuống vực thẳm của bất hạnh và đau thương.
 
Dưới bàn tay cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam, rõ ràng các khái niệm đã được đánh tráo trơ trẽn và nhanh chóng. Giờ đây, lực lượng đông đảo những người “trốn ở lại nước ngoài” (như tôi) mỗi năm gửi về nước nhiều tỷ đôla, mang tiền về nước đầu tư, Nhà nước ra Nghị quyết 36 gọi họ là bộ phận không thể tách rời khỏi cộng đồng dân tộc, là “khúc ruột ngàn dặm”, có thể xênh xang “áo gấm về làng”:
 
“Ngày đi, Đảng gọi Việt gian
Ngày về thì Đảng chuyển sang Việt kiều
Chưa đi: phản động trăm chiều
Đi rồi thành khúc ruột yêu ngàn trùng!”
(Thơ dân gian)
 
Song song với các khái niệm bị đánh tráo, các tội danh cũng được phù phép biến hoá thêm cho kịp với hoàn cảnh mới, nhằm phục vụ mục đích đàn áp tự do.
 
Điều 88 của Bộ luật hình sự xác định tội “truyên truyền chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam”, được các luật gia và tổ chức quốc tế cho là rất mù mờ, có thể dẫn đến quy kết tuỳ tiện.
 
Tôi viết những dòng cảm xúc này sau khi vụ án xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trong ngày 4 tháng 4 vừa rồi đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước.
 
10 tài liệu mà Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội lấy cơ sở quy kết tội cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nếu đặt dưới ánh sáng của quyền phát biểu chính kiến và góp ý cho nhà nước được bảo hộ bởi Hiến pháp và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký và cam kết, thì Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ phải được xem là vô tội. Tiếng nói của anh khó nghe với chính quyền, nhưng thực ra anh chỉ nói thay những người cùng có ý nghĩ như anh nhưng chưa hoặc không dám nói ra (ý của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh).
 
Vậy mà Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã bị kết án nặng nề với 7 năm tù giam, 3 năm quản chế, trong “một phiên toà trơ trẽn”, “làm mất thể diện quốc gia”, thậm chí “lưu manh và ô nhục”.
 
Trước Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, rất nhiều nhà bất đồng chính kiến khác cũng đã chung một số phận.
 
Là một công dân có kiến thức tối thiểu về luật pháp, có lương tri, không ai không hiểu một thực tế phũ phàng: “Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!” (nhận định của bà Ngô Bá Thành, một luật sư nổi tiếng trước và sau năm 1975).
 
Là một công dân có trách nhiệm với xã hội, khao khát công lý và công bằng xã hội, không ai có thể mặc nhiên cúi đầu chấp nhận trò chơi luật pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Ở nước ta xử đúng cũng được, xử sai cũng được, xử hòa cũng được, xử thắng cũng được” (phát biểu trước Quốc hội của ông Trịnh Hồng Dương, Chánh án Tòa án tối cao, nhiệm kỳ 1997- 2002).
 
Lời kết
 
Ngang nhiên chà đạp lên cả luật pháp do chính mình thiết lập, lên các giá trị nhân đạo vẫn rao giảng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bất nhân khi ném hàng triệu sinh linh vào hố tử thần, vào bể khổ của ngục tù và sự đày ải tinh thần, cũng như vật chất kể từ Cải cách Ruộng đất cho đến ngày 30 tháng Tư năm 1975 và suốt 36 năm qua, chưa thấy có tín hiệu cải thiện nào.
 
Hả hê trên chiến thắng, ngông cuồng trên bạo lực, ngạo mạn trên sự giàu sang phú quý do tham nhũng mà có, những người cầm cán cân công lý của Đảng Cộng sản Việt Nam có lẽ chưa bao giờ nhận thức được sai lầm của các thế hệ tiền nhiệm chăng? Không những thế, họ còn tiếp tục mạnh tay hơn, tàn nhẫn hơn, đưa những người vô tội vào vòng lao lý hoặc cái chết tức tưởi bởi bàn tay của công an, đôi khi chỉ vì đi xe gắn máy quên đội mũ bảo hiểm!
 
Cho nên, dễ nhận ra rằng, tại sao sau 36 năm đất nước thống nhất, mọi thứ khẩu hiệu hô hào hoà hợp, hoà giải dân tộc, quên quá khứ, hướng tới tương lai của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không mang lại ý nghĩa thuyết phục nào. Người ta vẫn thấy đậm màu sắc giả dối phía sau sân khấu tuyên truyền sặc sỡ và ầm ĩ. Trong lòng người Việt muôn phương vẫn nặng trĩu những ký ức oán hờn, tủi hận. Vết thương lòng vẫn rỉ máu vì chưa bao giờ được giải toả hoặc đền bù, chí ít một lời xin lỗi thành tâm cũng không.
 
Mặc dù phải trải qua số phận nghiệt ngã của đất nước bị chia cắt và cuộc chiến huynh đệ tương tàn vì ý thức hệ, tôi cho rằng, những người con của đất Việt, trong hay ngoài nước, khắp ba miền, không có lý do gì lại không có thể cư xử với nhau trong tình nhân ái, bao dung, cao thượng vì sự phát triển của đất nước. Nhưng thái độ này chỉ có thể tồn tại và thể hiện trong một xã hội cởi mở, dân chủ, tự do, mọi người bình đẳng trước pháp luật và những quyền tự do cơ bản nhất của công dân được Hiến pháp thực sự che chở.
 
Một nhà nước tạo ra được môi trường như thế sẽ không cần phải tốn công sức kêu gọi tình đoàn kết dân tộc.■
 
© 2010 Lê Diễn Đức – RFA Blog
 

Đạo đức chuyên môn của giới an ninh sân bay


http://www.hanoiairportonline.com/images/hanoi43.jpg
Bài viết sau đây là của một anh bạn nhờ đăng. Chúng ta đã nghe nhiều về phong cách “phục vụ” của tiếp viên Air Dùi Cui, nhưng ít ai phản ảnh văn hóa của nhân viên hải quan và an ninh trong nhà ga. Bài viết sau đây của anh Hoài Ngọc kể lại một sự việc có thể nói là nhỏ, nhưng ý nghĩa thì không nhỏ chút nào: đó là thái độ của nhân viên hải quan đối với hành khách ở các phi trường. Cái gốc của vấn đề, theo tôi, là giáo dục và cái mà tiếng Anh gọi là professional ethics – tạm dịch là đạo đức chuyên môn. Theo tôi thấy giới hải quan và an ninh phi trường thiếu đạo đức chuyên môn, nên thái độ của họ có phần thô lỗ và thiếu lịch sự. Chỉ có một cách cải tiến tình hình: nên cho họ đi nước ngoài để học phong cách hải quan và an ninh của các nước văn minh. NVT


===



Đạo đức chuyên môn của giới an ninh sân bay


Hoài Ngọc

Cách đây mấy năm, sau chuyến công tác Hà Nội, tôi ra sân bay Nội Bài đáp chuyến bay trở lại Sài Gòn. Anh trai tôi một cựu chiến binh và mấy em, cháu nữa cùng đi tiễn tôi. Anh em chào tạm biệt nhau bên ngoài hàng rào chắn, tôi đi qua hàng rào, hướng đến quầy soát vé trước khi qua cổng kiểm tra an ninh con người, để vào phòng chờ lên máy bay … Sau quầy vé có một cô nhân viên đứng sẵn, bên cạnh là một lính biên phòng mặc sắc phục tươm tất, mày râu nhẵn nhụi, đứng nghiêng người tỳ khuỷu tay lên bàn quầy. Tôi bước tới trước mặt cô nhân viên, móc túi lấy vé đưa ra. Bỗng nghe anh lính biên phòng buông hai tiếng cụt ngủn, khô khan như một khẩu lệnh trong quân đội:

- Xếp hàng

Tôi sững lại, ngơ ngác nhìn quanh, không có khách nào xếp hàng, không có cái hàng rào tạo ra hành lang xếp hàng. Nghĩa là, không có dấu hiệu gì về một cái “hàng” cho khách đứng theo. Tôi cũng buông câu trả lời:

- Làm gì có hàng mà xếp !

Tay biên phòng gằn giọng, nhiệt độ giọng nói tăng lên:

- Hàng ở kia.

Và ngón tay gã lính chĩa xuống phía sau lưng tôi, trên mặt đất. Tôi quay người nhìn theo: một cái vạch sơn đỏ, sậm màu do bẩn bụi đất, mờ mờ vì nhiều giày dép chà xát, cách chỗ tôi đứng khoảng hai thước.
Anh trai tôi còn đứng bên kia hàng rào barrie, cách xa vài chục thước, vẻ nhấp nhổm, nôn nóng, lớn tiếng hỏi “Có chuyện gì thế ?”. Tôi giơ tay ra hiệu “không có chuyện gì” bởi vì ngại nói to những điều chẳng đáng nói, thực là vì tôi buồn quá.

Tôi thong thả lùi lại, đứng sau vạch sơn đỏ bẩn như quết trầu của bà già ngày xưa, lòng trĩu nặng buồn bã về thái độ trịch thượng, thô lỗ của một tên lính thời bình ở ngay sân bay thủ đô nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Tôi giận gã lính thì ít mà buồn nhiều vì sự cẩu thả trong việc giáo dục quân nhân của “Đảng ta”. Bất kỳ người lính nào bây giờ cũng thuộc lòng sáu chữ “Trung với Đảng, hiếu với dân” nhưng có mấy ai nhớ ba chữ đi sau “Hiếu với dân” ?! Đảng chỉ cần người lính thuộc lòng ba chữ đầu thôi.

Khi đã vào phòng chờ ra máy bay, tôi mới rút điện thoại nói chuyện với ông anh (lúc này hẳn đã rời khỏi Nội Bài quay về nhà). Tôi hờn mát mà nói: uổng công anh ném cả tuổi thanh xuân vào chiến trường B, K, nay trở về quê làm nông dân, khonah tay đứng nhìn mấy gã lính thời bình mặt non choẹt được Đảng cưng chiều, hỗn láo với cả nhũng người đáng tuổi cha chú, mà chẳng làm gì được nữa rồi.

Tôi làm nghề giáo dục nên rất nhạy cảm với vấn đề này. Ngành hàng không cần phải soạn kỹ tài liệu dạy dỗ nhân viên trong ngành, binh chủng biên phòng cũng phải biết dạy dỗ lính tráng những bài học đơn giản nhất về thái độ đối xử với nhân dân. Dễ lắm, có khó gì đâu ! Khó là, họ có đủ ý thức trách nhiệm về việc dạy dỗ người của họ hay không.

Thực ra tôi vốn ác cảm với các hãng “quốc doanh”, những lần khác tôi đều chọn Pacific Airlines, tiếc rằng hãng này luôn nằm ở thế “hạ phong”, khó đáp ứng yêu cầu hành khách, mọi ưu tiên E dùi-cui giành giữ hết rồi.

Trong một chuyến khác, tôi đi hãng máy bay South China từ Tân sơn nhất sang Quảng Châu, nhận thấy dàn tiếp viên Tàu cũng với những bộ mặt lạnh như tiền kẽm, như lời anh Nguyễn Văn Tuấn hóm hỉnh viết về tiếp viên của hãng E dùi cui VNA “chẳng bao giờ thấy nàng cười”. Tôi chưa được đi hãng hàng không Âu-Mỹ như GS Tuấn nên chả biết đâu mà so sánh. Thôi thì, tôi so sánh hai hãng mà tôi biết vậy. Có cái gì đó giống nhau giữa hai hãng hàng không XHCN láng giềng này? Mẫu số chung của nó là gì đây ?

Hình như trong hệ thống đạo đức ứng xử với hành khách của hai hãng hàng không này mắc cùng một lỗi hệ thống. Muốn chữa trị ắt phải trị lỗi hệ thống, nếu không thì cứ tốn công đi vá víu hoài những lỗi bộ phận như “vụ áp giải võ sư Lê Văn Khương” ở sân bay Đà Nẵng, cái sân bay từng được thiên hạ ghi nhớ cảnh một sĩ quan cảnh sát giao thông múa gươm giữa đường băng năm nào.

PHN

Văn hóa của E Dùi Cui


Nguyễn Văn Tuấn
Ai trong chúng ta từng có đôi ba dịp đi ra nước ngoài mà không trên một lần nảy ra trong đầu những sự so sánh rất khó nghĩ (đúng hơn là khó chịu) về cung cách ứng xử của tiếp viên các hãng hàng không các nước với tiếp viên VNA. Tôi đã đọc bài viết của Từ Sơn với nhiều tấm tắc về cách nói kiềm chế của anh khi kể lại những chuyện đối nghịch trái khoáy mà anh vừa là thượng khách lại vừa là kẻ được bố thí, từ một chuyến trở về trên mấy hãng hàng không liên vận, trong đó cái ấn tượng đang từ trên mây xanh rớt xuống sát mặt đất chính là chặng bay của VNA từ sân bay Charles de Gaulle đến sân bay Nội Bài. Bây giờ, đọc đến bài này của một người bạn khác, GS Nguyễn Văn Tuấn, tôi thật sự choáng váng, và lại buộc mình phải ngẫm nghĩ rất lâu. Nói cho cùng, cái gì gắn liền với chữ “độc” thì đều là tai hại cả - độc quyền, độc tôn, độc... không là một mình một chợ tung hoành, tha hồ làm mưa làm gió đối với nhân quần thì còn là gì nữa. Xin bạn đọc mỗi buổi sáng hãy cố gắng lượm lấy một ít tin tức xa gần trên báo chí; nếu là tin dữ quý bạn thử liên hệ xem tin đó có bắt nguồn từ chữ một chữ “độc” nào hay không?
Nguyễn Huệ Chi
clip_image002Đó là tên mà các bạn bên báo Diễn đàn (Paris) đặt cho Vietnam Airlines (VNA) sau vụ hành hung hành khách vừa qua. Tôi cũng có nhiều kinh nghiệm với VNA, ủng hộ VNA lâu dài. Nhưng đọc qua câu chuyện của huấn luyện viên Lê Minh Khương và những đe dọa của VNA cho anh vào “danh sách đen” thì tôi thấy cần phải xem lại lòng trung thành của mình.
Giới thương gia nước ngoài gọi VNA là Sorry Airlines.  Cái tên đó tôi nghe được trong phòng chờ chuyến bay đi Hà Nội, vì chuyến bay trễ gần 2 giờ đồng hồ, cô nhân viên liên tục cập nhật tình hình, nhưng cứ mỗi lần cập nhật như thế là mỗi lần xin lỗi.
  Thú thật, đã nghe qua quá nhiều lần xin lỗi (nhiều đến độ đếm không xuể) tôi không còn tin vào “lòng thành” của họ nữa.  Họ nghĩ chỉ một lời “xin lỗi” là xong.  Lời nói không mất tiền mua mà – ông bà mình vẫn dạy như thế.  Nhưng các hãng hàng không ngoại quốc xin lỗi khác với VNA: lời xin lỗi đi đôi với việc làm. Máy bay có sự cố, họ xin lỗi và đền bù cho hành khách. Có khi đền bù chỉ là một chai nước, một món ăn, nhưng cũng có khi là tiền. Họ bắt buộc hành khách phải nhận tiền đền bù. Thế mới biết lời xin lỗi của VNA không có ý nghĩa gì, chỉ là lời nói cuốn theo gió bay đi và mây khói, chẳng ai còn nhớ. Lời xin lỗi của VNA là nói cho có, và biết đâu chính người nói, chính lãnh đạo VNA cũng không tin vào lời xin lỗi của mình. Nhưng cái tên Sorry Airlines dù muốn hay không cũng gắn liền với VNA rồi.
Bây giờ thì VNA còn có thêm một cái tên vui khác: E Dùi Cui.  Cũng có thể gọi đó là hỗn danh.  Cái hỗn danh này được báo Diễn đàn (Paris) đặt cho, sau khi đọc báo về một hành khách bị hành hung. Vị hành khách đó là Lê minh Khương, một huấn luyện viên Tae Kwon Do, một võ sư.  Chúng ta hãy nghe lời kể của anh Khương, và để cho công bằng, tôi trích luôn giải thích của VNA (xem phía dưới). Chỉ cần đọc qua giọng văn của VNA là đã thấy bỏ chữ vào miệng người ta rồi.  Vụ việc chưa biết ra sao nhưng VNA đã viết “hành khách có hành vi gây mất trật tự”! Người đọc cần thông tin thật từ VNA, chứ đâu cần nhận định của VNA. Với một cách viết như thế, chúng ta không cần đọc tiếp làm gì, bởi vì chắc chắn VNA sẽ kết tội hành khách mà thôi. Trong trường hợp này, tôi thấy lời giải thích của anh Lê Minh Khương nghe có tình tiết hơn, đáng tin cậy hơn là giải thích theo kiểu áp đặt của VNA. Thật vậy, đã có ít nhất 3 người có địa vị trong xã hội sẵn sàng làm chứng cho những gì anh Khương giải thích. Nhưng giải thích của VNA thì thiếu những chi tiết bạo động của nhân viên an ninh. Nói theo tiếng Anh, kiểu giải trình của VNA là selective explanation – giải thích có lựa chọn.  Có lựa chọn có nghĩa là không khách quan.
Trong bảng thông cáo báo chí của E Dùi Cui tôi thấy có một thông tin đáng chú ý: đó là quan điểm “Khi đi máy bay, hành khách cần tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của Cơ trưởng và tiếp viên”.  Đọc câu này thì tôi hiểu hết văn hóa phục vụ của E Dùi Cui rồi. Đó là văn hóa mà tiếp viên là sếpkhách là những kẻ thuộc hạ. Chính vì quan điểm này mà tiếp viên VNA không xem việc phục vụ khách là ưu tiên trong công việc của họ; họ ưu tiên trong việc ra lệnh cho khách. Và, trong thực tế, tôi đã chứng kiến nhiều cách họ ra lệnh cho khách. Tôi có vài nhận xét về tiếp viên của VNA, ủa quên, E Dùi Cui như sau:
Tiếp viên E Dùi Cui hay tỏ thái độ khinh hành khách và ra lệnh. Tiêu biểu cho thái độ này là phục vụ trà và cà phê. Rất nhiều lần tôi chứng kiến các cụ già đưa tách cà phê ra để nhận trà từ tiếp viên, và được câu nói: cái kia kìa. Câu Cái kia kìa được nói như dằn giọng, nói lớn như để cảnh cáo hành khách bên cạnh. Có lần bay từ Hà Nội và Sài Gòn, một tiếp viên lên lớp một bà cụ chắc là gốc miền Nam khi bà cụ đưa sai tách cà phê để nhận trà: bác có phân biệt cái cốc và cái tách không? Cô tiếp viên lên cái giọng Bắc Kỳ rất chua, rất chói tai, đến nỗi tôi ngồi bên cạnh không giấu được bực mình và phải nhắc nhở cô ta rằng dân miền Nam không phân biệt cái cốc và cái tách chị à. Nếu bạn đọc đi hãng Singapore Airlines hay bất cứ một hãng nào trong vùng như Thai Airways, các bạn sẽ thấy tiếp viên trực tiếp giúp bà cụ, chứ không ra lệnh và làm tài khôn lên lớp như tiếp viên của E Dùi Cui.
Tiếp viên E Dùi Cui ít khi (hay không khi nào) giúp khách.  Không quá khó khăn để nhận ra điểm này. Thử chú ý khi hành khách lên máy bay (boarding), chúng ta sẽ thấy các tiếp viên E Dùi Cui đứng trơ ra đó, chẳng nói chẳng rằng gì với khách, hay có nói thì cũng lí nhí chẳng ai nghe. Khi thấy khách khó khăn trong việc sắp xếp hành lí thì tiếp viên không bao giờ giúp họ. Chẳng những không giúp mà còn… ra lệnh. Họ ra lệnh kiểu như anh ơi, chỗ này còn trống, anh để hành lí vào đó nhé. Tôi chưa bao giờ thấy tiếp viên đụng tay để nâng một cái xách tay cho người già. Chưa bao giờ thấy. Trong khi đó, thử lên Thai Airways, mới bước vào máy bay đã được chào welcome onboard, nụ cười tươi như hoa, khi thấy khách lúng túng là tiếp viên đến giúp ngay hay hỏi có cần giúp không, còn tiếp viên nam thì sẵn sàng giúp khách sắp xếp hành lí nặng, nữ giúp trẻ em thắt giây an toàn. Họ (các tiếp viên ngoại quốc) làm hết mình, làm đúng nhiệm vụ của họ. Còn tiếp viên E Dùi Cui thì hình như chỉ đứng làm cảnh. Mà, thật ra họ cũng chẳng làm cảnh gì vì sắc diện của họ cũng chỉ thường thường bậc trung, đánh phấn lỏe loẹt trông phát ớn, cứ như là thôn nữ thích trét phấn vậy.
Tiếp viên E Dùi Cui có xu hướng khinh người Việt. Tôi thấy tiếp viên E Dùi Cui rất ít cười với khách Việt Nam, nhưng khi tiếp khách nước ngoài thì họ cười rất tươi. Khách Việt yêu cầu gì thì bị chờ lâu hoặc bị lờ đi.  Khách nước ngoài, nhất là nói tiếng Anh một chút, là được phục vụ tận tình. Chính tôi đã từng làm “thí nghiệm”, trong chuyến đi tôi nói tiếng Anh (giả bộ không biết tiếng Việt) thì được phục vụ khá chu đáo, nhưng chuyến về tôi nói tiếng Việt thì bị phục vụ một cách hời hợt. Hời hợt đến nỗi họ không buồn tình đẩy cái xe thức ăn hỏi tôi ăn gì! Nói cho ngay hôm đó chỉ có 3 khách nên chắc họ cũng chán phục vụ chăng? Thái độ của tiếp viên E Dùi Cui rõ ràng là khôn nhà dại chợ. Mấy người nước ngoài, dù là người mà nhìn qua là biết loại gì, cũng được phục vụ tốt hơn hành khách VIP Việt. Mà, tiếng Anh của tiếp viên E Dùi Cui thì thuộc vào loại thấp nhất trong các hãng hàng không quốc tế. Họ nói có khi chẳng ai hiểu. Để ý họ phát âm chữ gentlemen xem thì biết họ líu lưỡi ra sao. Ấy thế mà thích khoe tiếng Anh với khách nước ngoài. Tại sao tiếp viên E Dùi Cui lại khinh người mình thế?
Nói chuyện tiếng Anh tôi nhớ đến một chuyện vui trong chuyến đi từ Sài Gòn về Rạch Giá vào năm ngoái. Trong nhóm hành khách lên xe bus để ra máy bay, có một nhóm thanh niên Việt ở Mĩ và Úc quần áo theo kiểu Tây ba lô, chắc là đi du lịch ở Phú Quốc, và một nhóm khách nước ngoài chắc là Đông Âu vì tiếng Anh lơ lớ của họ. Nhóm thanh niên Việt thì lớn lên ở ngoài nên họ nói tiếng Anh như là người Mĩ, người Úc, nhưng vì họ cố tập nói tiếng Việt nên làm nhiều người cười ngất. Thấy một anh chàng khách Tây nói gì đó với cô gái Việt, cô này quay sang đám bạn của cô ta và cười ré lên: hi mấy anh, cái thằng này nó hỏi mi [me] có biết nói tiếng Anh không, hí hí hí. Thế là cả đám cười ngất trong khi anh chàng Tây ngơ ngác chẳng hiểu họ cười cái gì.  Họ cười tiếng Anh của anh chàng Tây còn bồi như thế mà đã hỏi người khác là biết tiếng Anh không. Câu chuyện anh chàng Tây đó làm tôi nhớ đến tiếp viên E Dùi Cui.
Tiếp viên E Dùi Cui rất lười biếng. Điều này thì tôi đã nói từ lâu. Hãy xem qui trình “phục vụ” của đội ngũ tiếp viên E Dùi Cui: sau khi máy bay cất cánh, họ phát giấy lau mặt cho khách, sau đó là thức ăn, kế đến là nước / cà phê, và sau đó là… tán dóc. Chú ý giữa khâu thức ăn và cà phê / trà họ làm rất nhanh.  Ăn chưa hết đĩa thức ăn thì đã ra lệnh lấy cà phê hay trà rồi. Họ bất cần khách ăn hết hay chưa, lệnh là lệnh: trà hay cà phê. Kiểu như yes hay no, không có lựa chọn khác. Họ làm như thế để tiện lợi cho họ chứ không phải tiện cho hành khách. Tiện lợi cho họ là trong khi khách ăn uống thì họ về buồng của mình để tán dóc. Tôi đã nhiều lần không ăn (vì không thể nào ăn được thức ăn của E Dùi Cui) nên đi lang thang tìm hiểu xem họ làm gì, và phát hiện họ ngồi tán dóc với nhau. Có cô ăn mặc áo dài lịch sự như thế mà ngồi bệt xuống trông rất buồn cười và rất nông dân, có cô thì ngồi chồm hổm để lộ đủ thứ trông rất kì cục. Sau bữa ăn, tiếp viên E Dùi Cui càng thoải mái. Họ ra lệnh đóng cửa sổ, tắt đèn, và một lần nữa vào buồng để tán dóc. Phong cách “phục vụ” này rất khác với phong cách của các tiếp viên các hãng khác. Người ta lúc nào cũng luân phiên đi khắp nơi để xem hành khách có cần gì và giúp đỡ. Ngay cả khi khách ngủ, người ta cũng giúp cho khách ngủ ngon, chứ đâu phải như tiếp viên của E Dùi Cui. Đừng nghĩ rằng tiếp viên E Dùi Cui quan tâm đến an toàn cho khách. Đừng nghĩ rằng tiếp viên E Dùi Cui phục vụ khách.
Với những nhận xét trên, tôi không ngạc nhiên khi anh Lê Minh Khương bị ngược đãi bởi tiếp viên của E Dùi Cui.  Cho dù anh Khương có bức xúc và lớn tiếng thì E Dùi Cui cũng không nên dùng bạo lực (đến 20 nhân viên an ninh vũ khí trang bị tận răng) để hành hung khách. Người có văn hóa nên dùng lời lẽ để giải quyết chứ đâu phải hành xử như bọn lưu manh và vô giáo dục được. Điều đáng nói là vụ việc chưa ngã ngũ mà đã có quan chức đe dọa cho tên anh Khương vào danh sách đen không cho bay. Đây không chỉ là đe dọa, mà còn là cách hành xử cả vú lấp miệng em. Thật khó tưởng tượng cả một hệ thống được huy động chỉ để hành hung và khủng bố một cá nhân! Đó có phải là văn hóa của VNA?
VNA có khẩu hiệu rất hay: đem văn hóa Việt Nam đến thế giớibringing vietnamese culture to the world. Nhưng tôi e rằng họ cần phải làm nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa, để đem văn hóa của Việt Nam, thay vì đem văn hóa dùi cui, đến hành khách thế giới.
Lời giải thích của anh Lê Minh Khương
  Thông cáo báo chí của VNA
“Theo lịch trình, tôi cùng với bố tôi bay vào TP HCM để chữa bệnh cho một người. Do thời tiết xấu, máy bay không đáp xuống TP HCM được, phải quay về và hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng. Khi tôi  đến khoang V.I.P và hỏi cô tiếp viên có thể cho bố con tôi xuống Đà Nẵng được không thì cô ta bảo phải đi hỏi mặt đất. Theo yêu cầu của cô tiếp viên, tôi đưa cho cô ta cuống vé (boarding pass) rồi ngồi xuống chờ. Một lúc sau cô tiếp viên trở lại bảo tôi có thể xuống máy bay được và sẽ gọi mặt đất đón tôi.
Thế nhưng khi bố con tôi đã xách hành lý ra chuẩn bị xuống sân bay thì cô tiếp viên lại bảo không xuống được nữa vì chuẩn bị bay. Tôi cũng đồng ý cùng bố tôi trở lại chỗ ngồi và bảo cô tiếp viên cho xin lại cuống vé. Cô ta đi ra ngoài to tiếng với ai đó rồi quay lại bảo tôi là cuống vé đã bị mất rồi. Tôi đề nghị cô ta viết cho tôi mấy chữ để tôi còn về quyết toán với cơ quan vì tôi đi bằng kinh phí Nhà nước.
Sau đó chưa thấy cuống vé đâu thì tôi đã bị một đám người xông vào, thay vì hỏi nguyên nhân thế nào, họ đã có thái độ quá đáng, nạt nộ  rồi bẻ quặt tay, dí dùi cui điện vào cổ, thúc vào ngực, bịt mồm và đưa xuống máy bay. Vừa đánh đập, hành hung, các nhân viên an ninh này còn liên tục văng tục, chửi bậy. Bố tôi đã hơn 70 tuổi lên tiếng bênh con cũng bị họ bẻ quặt tay đưa xuống. Cam đoan tuyệt đối không xảy ra mâu thuẫn hay cự cãi gì cả. … Rất may, tôi là người luyện võ, chứ là người bình thường thì chết”.
 
Liên quan đến trường hợp hành khách có hành vi gây mất trật tự tại khoang hạng Thương gia trên chuyến bay VN1169 từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh ngày 18.4.2011, Vietnam Airlines thông báo cụ thể như sau:
Chuyến bay VN1169 (Boeing 777-200, số hiệu 141) cất cánh tại Hà Nội lúc 21h55 ngày 18.4.2011, dự kiến hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) lúc 23h45 cùng ngày. Tuy nhiên, do thời tiết xấu (mưa to), không đảm bảo điều kiện hạ cánh tại sân bay đến, Cơ trưởng chuyến bay đã chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng lúc 01h03 ngày 19.4.2011. Sau đó, điều kiện thời tiết tại TP Hồ Chí Minh đã tốt lên, đảm bảo an toàn khai thác, chuyến bay dự kiến xuất phát tiếp từ Đà Nẵng đi TP Hồ Chí Minh lúc 01h30 sáng ngày 19.4.2011. Do thời gian dừng ngắn, cơ trưởng Ivanov Krassimir quyết định để hành khách ngồi trên tàu bay trong khi chờ đợi.
Đến 01h43, tàu bay khởi hành. Sau khi máy bay đóng cửa, bắt đầu lăn bánh ra đường băng, khách Lê Minh Khương to tiếng trên khoang hạng Thương gia (C) yêu cầu trả lại thẻ lên tàu (boarding pass) đã đưa cho nhân viên mặt đất và không chịu trở về chỗ ngồi tại ghế 37K. Do máy bay đang lăn bánh, Tiếp viên trưởng đã mời khách trở về chỗ của mình ở khoang hạng Phổ thông (Y) và nói sẽ ghi nhận phản ánh của khách, báo Cơ trưởng để hỗ trợ và liên lạc với nhân viên mặt đất Đà Nẵng về việc khách phản ánh.
Tuy nhiên, khách Lê Minh Khương không trở về chỗ ngồi và có biểu hiện gây rối, tiếp tục la hét, không tuân thủ yêu cầu của phi hành đoàn. Sau nhiều lần thuyết phục mà không nhận được sự hợp tác của khách, Tiếp viên trưởng Trịnh Thị Hoa đã báo cáo cơ trưởng chuyến bay về sự việc.
Xét thấy việc khách không tuân thủ quy định an toàn, an ninh hàng không, có nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn chuyến bay và phi hành đoàn, Cơ trưởng đã quyết định cho tàu bay quay trở lại sân đỗ và liên hệ lực lượng an ninh tại sân bay Đà Nẵng đề nghị trợ giúp. Do khách Lê Minh Khương không chịu xuống máy bay, nhân viên an ninh đã áp giải khách xuống và bàn giao cho Cảng vụ hàng không Miền Trung giải quyết.
N.V.T.

Hàng không Việt Nam và sự thua cuộc trên chính sân nhà


Quý Thanh
Hôm qua, BVN đã đăng bài viết đặc sắc của Nguyễn Văn Tuấn “E Dùi Cui” để gián tiếp bày tỏ thái độ của mình trước hiện tượng phản cảm vừa xảy ra trên chuyến bay của Hãng hàng không Vietnam Airline.
Hôm nay đọc thêm bài viết xác đáng của Quý Thanh trên báo Công an nhân dân lại thấy chưa dừng được, đành phải cố sưu tầm thêm một bài khác nhằm giúp bạn đọc tạo một mối liên tưởng khi đọc bài này: thử đi tìm chân dung người bạn đồng minh của những kẻ được gọi là E Dùi Cui – tức là người làm chứng cho VNA đúng còn huấn luyện viên Lê Minh Khương sai – là tip người như thế nào. Và không phải đi tìm gián tiếp qua văn chượng mà bằng hình ảnh trực cảm.
Bauxite Việt Nam
Với khẩu hiệu của hãng "Đem văn hóa Việt Nam ra thế giới", không thể phủ nhận Vietnam Airlines đang đối mặt với một thất bại văn hóa ê chề trên chính đất nước của mình. Có lẽ hướng ra thế giới vẫn là một điều quá xa vời khi chính Vietnam Airlines đang tự tạo nên một hình ảnh tệ hại trong tâm trí mỗi khách hàng trong nước.
Bất kỳ ai vào trang web của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đều cảm thấy bị thu hút bởi dòng chữ "Bring Vietnamese culture to the world". Bằng khẩu hiệu này, Vietnam Airlines đã khẳng định sự gắn bó của mình với dân tộc cũng như sự trân trọng những nét tinh hoa trong nền văn hóa Việt. Đó là một cách tiếp cận đầy bản lĩnh và cũng hết sức tinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, chỉ một sự kiện xảy ra gần đây cũng có thể làm lung lay cả một khẩu hiệu của một Tổng công ty nhà nước. Đó là sự kiện ầm ĩ gắn liền với một HLV Taekwondo của Đội tuyển quốc gia, ông Lê Minh Khương.
Sự việc xảy ra ngày 19/4 trên chuyến bay VN1169 cất cánh tại Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh. Do xảy ra một sự việc không được giải quyết giữa Tiếp viên trưởng và ông Lê Minh Khương nên kết quả là an ninh sân bay áp giải ông Lê Minh Khương xuống sân bay. Những người chứng kiến sự việc bị chia rẽ thành hai luồng dư luận.
Một là ông Khương không làm gì đáng để an ninh sân bay sử dụng bạo lực để chế ngự. Hai là ông Khương có những biểu hiện thiếu kiềm chế. Ngay ngày hôm sau, Vietnam Airlines ra văn bản cho rằng phi hành đoàn chuyến bay VN1169 từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh ngày 18/4 đã xử lý tình huống theo đúng quy định an toàn hàng không và ông Khương có biểu hiện gây rối, tiếp tục la hét, không tuân thủ yêu cầu của phi hành đoàn. Một bộ phận lên tiếng ủng hộ ông Khương trong đó tiêu biểu có đạo diễn Trần Lực, ca sỹ Quang Hà.
Xét cho cùng đó là một sự việc hết sức đơn giản bởi nó xảy ra ở chỗ đông người và những người đi máy bay đều có thể xếp ở tầng lớp trung lưu trong xã hội. Tức là họ đều là người có học thức, có vốn văn hóa nhất định và biết cư xử đúng sai phải trái. Muốn tìm hiểu sự việc, hãy biết lắng nghe từ nhiều phía và thấu hiểu diễn biến của sự việc một cách khách quan, công bằng. Văn hóa Việt Nam có câu: "Một điều nhịn là chín điều lành". Trong kinh doanh thì cũng có một kim chỉ nam "Khách hàng là Thượng đế".
Thế nhưng nhìn vào cách cư xử của Vietnam Airlines chúng ta không thấy bất kỳ một mong muốn đối thoại nào. Biểu hiện của sự nhã nhặn, lịch thiệp cần có của một hãng hàng không và phương thức ứng xử thể hiện sự tôn trọng khách hàng dừng lại ở con số 0. Tất cả chỉ là căn cứ trên bản tường trình của chính những nhân viên Vietnam Airlines. Và từ những căn cứ ấy, Vietnam Airlines trích dẫn những cơ sở pháp lý bảo vệ cho hành động của mình.
Một trong những căn cứ có vẻ khách quan nhất là việc Vietnam Airlines đưa ra bản tường trình của khách hàng Eileen Tan. Bản tường trình dù sao cũng là của một bên thứ ba, của một người được cho là chứng kiến từ đầu đến cuối vụ việc. Thế nhưng nước cờ tưởng thuyết phục ấy bỗng trở nên phản tác dụng khi Eileen Tan là Giám đốc Điều hành của Công ty lữ hành Viking, một đối tác của Vietnam Airlines. Eileen Tan không thạo tiếng Việt. Thậm chí những phát ngôn của Eileen Tan theo như sự thuật lại ở mức thiếu văn hóa. Những hình ảnh thể hiện một cá tính khác lạ của người mang giới tính nữ này khiến người đọc không thể không nghiêng về phía ca sỹ Quang Hà.
Vietnam Airlines đã lao vào một cuộc tranh đấu thắng thua với chính khách hàng của mình. Cuộc chiến ấy tưởng chừng như lợi thế nghiêng hẳn về phía Vietnam Airlines. Pháp luật thì trao quyền quyết định cho Cơ trưởng của chuyến bay. Căn cứ để thực thi pháp luật thì đến từ tường trình của chính những nhân viên Việt Nam Airlines. Từ căn cứ này họ có thể cấm huấn luyện viên Lê Minh Khương bay. Việc cấm một chứ có cấm đến một trăm ông Lê Minh Khương cũng chẳng phải điều gì đáng quan ngại vì con số đó không thể ảnh hưởng đến thị trường mà Vietnam Airlines vẫn mang thế độc quyền.
Thế nhưng có một rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát của Vietnam Airlines. Đó là phản ứng của cộng đồng. Văn hóa Việt Nam có câu "Nhân nào thì quả đấy". Chưa thể kết luận về đúng sai của hai bên trong vụ việc nhưng cộng đồng đã tìm thấy ngay sự đồng cảm với huấn luyện viên Lê Minh Khương. Vì sao vậy?
Một người mẹ trẻ kể ngày 13/2/2011, gia đình bay  từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội trên chuyến bay VN782 (18h30). Lúc máy bay đang hạ cánh, cháu bé bị đau bụng và đã trót đi ngoài làm bẩn hết quần áo. Khi máy bay dừng tại Nội Bài, được sự đồng ý của tiếp viên hàng không cô đã thay tã và quần áo cho con trong toa lét của máy bay vì thời tiết bên ngoài rất lạnh nên sợ em bé bị cảm do quần áo ướt. Khi đó một chị tiếp viên hàng không đã đập cửa xông vào toa lét và lôi hai mẹ con cô khi đứa trẻ còn chưa kịp mặc quần áo. Người mẹ bảo với chị tiếp viên đó cho thêm 1 phút để mặc quần áo cho con, ngoài trời lạnh nếu ra ngoài em bé sẽ ốm. Nhưng chị ta đã quát, nguyên văn như sau: "Chị đi ra! Ốm hay không là việc của con chị, tôi không quan tâm!" và kéo rồi đẩy 2 mẹ con ra.
Một người khác kể trong một chuyến bay từ Nam ra Bắc với một người bạn gái thì người bạn gái mệt nên bị lạnh. Khi hỏi xin cô tiếp viên hàng không một cái chăn để đắp cho người bạn thì được trả lời rằng chăn đã hết. Trên mỗi chuyến bay chỉ được trang bị một số chăn nhất định. Phát hết thì dù có lạnh cũng phải chịu. Một chuyến bay dài khoảng 1 tiếng 45 phút. Ngồi im, chịu lạnh và không có lựa chọn nào khác. Chỉ cần một tấm chăn nhỏ cũng đủ để phủ lên một thương hiệu lớn.
Ngoài ra, chuyện chậm chuyến, hoãn chuyến hoặc thiếu tôn trọng khách hàng thì xảy ra như cơm bữa. Có lẽ vì thế, Vietnam Airlines còn có những biệt danh khác như Delay Airlines và Sorry Airlines. Tính thuyết phục của những nhận định này ngay lập tức được chứng minh một cách ngẫu nhiên. Chiều 23/4, nhiều hành khách báo tin chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội cất cánh buổi sáng nhưng đến chiều khách vẫn còn ở... sân bay Đà Nẵng do tổ bay phát hiện kính buồng lái bị nứt. Cơ trưởng chuyến bay đã quyết định hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Đà Nẵng. Toàn bộ hành khách và hành lý của chuyến bay đã phải chuyển xuống và chờ tại nhà ga sân bay Đà Nẵng.
Những lời ca thán dành cho Vietnam Airlines xuất hiện dày đặc trên các diễn đàn. Với sự đồng cảm của phần lớn xã hội, chuyện xảy ra với huấn luyện viên Lê Minh Khương không còn là chuyện cá nhân. Nó đã trở thành cái cớ cho tất cả mọi người bộc lộ những bức xúc của mình quanh chất lượng và thái độ phục vụ hành khách của Vietnam Airlines. Huấn luyện viên Lê Minh Khương đã trở thành một điểm nút của vấn đề. Qua đó Vietnam Airlines phải đối mặt với cả một cộng đồng và những bất bình được tích tụ trong một thời gian dài.
Khi sự việc đã bị đưa tới cao trào đó, dù sự phân xử có được thực hiện như thế nào đi nữa thì người thua cuộc vẫn là Vietnam Airlines. Nếu Vietnam Airlines sai thì sự việc thể hiện một cung cách làm việc theo kiểu "xe đò". Khách hàng từ vị trí của người được phục vụ trở thành những kẻ phải tuân lệnh và chấp nhận. Nếu Vietnam Airlines đúng thì khi đó việc trả lời cho câu hỏi Tại sao tôi đúng mà bị tẩy chay hẳn là chuyện đụng chạm tới những vấn đề bản chất trong nội tại tổ chức.
Rõ ràng ngay từ đầu, Vietnam Airlines đã áp đặt một cách ứng xử của bề trên. Đó là việc không chấp nhận khả năng thua cuộc của tổ chức. Do đó, việc đối thoại để tìm sự thật và cách giải quyết không được ưu tiên. Diễn biến của sự việc không khỏi khiến người đọc liên tưởng tới thói quen của một doanh nghiệp độc quyền. Tuy nhiên, sự độc quyền có thể áp đặt khách hàng sử dụng dịch vụ nhưng không thể tạo ra sự  gắn bó trong tình cảm. Đó mới là sự thua cuộc đau đớn nhất trên chính đất nước mà mình vẫn là số một.
Ở phương diện này, Vietnam Airlines đã không có thói quen và không dám đối diện với chính mình.
Trở lại với khẩu hiệu của hãng "Đem văn hóa Việt Nam ra thế giới", không thể phủ nhận Vietnam Airlines đang đối mặt với một thất bại văn hóa ê chề trên chính đất nước của mình. Có lẽ hướng ra thế giới vẫn là một điều quá xa vời khi chính Vietnam Airlines đang tự tạo nên một hình ảnh tệ hại trong tâm trí mỗi khách hàng trong nướcclip_image001
Q.T.
Nguồn: cand.com.vn
Phụ lục:
Chân dung của nhân chứng vụ "võ sư bị đánh" Eileen Tan
Tiến Lộc
(Phunutoday) Bà Eileen Tan là một nhân chứng người nước ngoài trên chuyến bay VN1169 (máy bay Boeing 777-200, số hiệu 141) của hãng hàng không Vietnam Airlines, từ Hà Nội vào TPHCM vào đêm 18/4.
Phóng viên đã liên lạc với anh Quang Cường và được anh xác nhận nhân vật trong ảnh chính là chân dung của bà Eileen Tan, người mà anh Cường đã "chạm mặt" trên chuyến VN1169. Chính bà là người đã giơ máy ảnh chụp cảnh ca sĩ Quang Hà đang đứng dàn xếp giữa anh Lê Minh Khương và tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines.
Cũng theo xác nhận của anh Quang Hà thì hiện tại bà Eileen là Giám đốc Công ty Viking Travel & Media, Công ty này bán vé cho tất cả các tuyến quốc nội và quốc tế trên toàn cầu; Tư vấn các chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không; Cung ứng các dịch vụ hàng không liên quan, đặt và giữ chỗ hành khách, giao vé tận nhà, nhanh chóng miễn phí… Văn phòng của Công ty Viking Travel & Media được đặt tại 79 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM.
Từ khi bà Eileen lên tiếng là người làm chứng cho nhân viên an ninh của hãng hàng không Vietnam Airlines xô xát với HLV trưởng Taekwondo Việt Nam Lê Minh Khương, bà đã đưa ra ý kiến hoàn toàn trái chiều với những nhân chứng: đạo diễn Trần Lực, anh em ca sĩ Quang Hà, Quang Cường.
Những ngày qua dư luận cũng xôn xao với lời chửi thậm tệ ca sĩ Quang Hà của bà Eileen Tan. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là cái tên còn thật sự bà là ai thì khó mà kiểm chứng được.
clip_image003

Phạm Quỳnh, “đi không bao giờ trở lại”

Về ngày “Ủy ban Khởi nghĩa Thuận Hóa mời Phạm Quỳnh ra làm việc” để rồi “đi không bao giờ trở lại”

Đại tá, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan
Chúng tôi đã đăng bài Góp phần tìm hiểu và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất tất nhiên” của Đại tá Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan, ký bút danh Sông Hương, và được đông đảo bạn đọc ở trong nước và cả ngoài nước nữa hoan nghênh, khen ngợi, truyền cho nhau đọc…
Kỳ này chúng tôi lại may mắn được Đại tá Tiến sĩ ưu ái gửi cho một bài mới, kết quả của quá trình làm việc nghiêm túc, đúng phong cách của nhà sử học chân chính, nhưng vẫn với bút pháp rất độc đáo của ông, lật đi lật lại vấn đề nhiều lần, dưới nhiều góc nhìn khác nhau, thể hiện sự tin tưởng vào lương tri và trình độ hiểu biết của bạn đọc.
Xin mời các bạn cùng thưởng thức để có thêm những suy nghĩ mới về một vấn đề xảy ra cách nay đã hơn 60 năm.
Phạm Tôn
Năm 1992 tôi là Trưởng ban Ban văn học Cổ cận đại Viện Văn học, đồng thời đang đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện. Vào khoảng tháng Hai năm ấy, vừa sau Tết âm lịch, tôi tính ra biết sắp đến 75 năm ngày ra đời Nam phong tạp chí (1-7 -1917 – 1-7-1992), bèn bàn với Viện trưởng Viện Văn học lúc bấy giờ là Phong Lê tổ chức một Hội thảo Khoa học trong phạm vi hẹp ở Ban văn học Cổ cận đại, mời các chuyên gia văn học Cận đại và những học giả có hiểu biết về Phạm Quỳnh và về Tạp chí Nam phong đến trao đổi với nhau một cách thực sự cầu thị về chỗ được và chỗ không được của tờ tạp chí này cùng những đóng góp của ông Chủ bút Phạm Quỳnh, giới hạn ở góc độ một nhà văn hóa. Phong Lê tán thành đề nghị của tôi.
Một mặt chúng tôi gửi thư mời đến nhiều học giả, được các anh Nguyễn Đình Chú, Trần Quốc Vượng, Vương Trí Nhàn, Phạm Xuân Nguyên... và các cụ Hoàng Đạo Thúy, Vương Hồng Sển... nhiệt tình hưởng ứng, ai cũng nhận lời viết bài cho hội thảo; mặt khác tôi đích thân đến gặp ông Hoàng Tùng, bấy giờ đã hưu trí, để xin ông tư vấn thêm. Ông Hoàng Tùng nghe có hội thảo Nam phong thì tỏ ý rất vui, ông nói với tôi: “Bác Hồ không bao giờ tán thành giết Phạm Quỳnh. Khi nhận được báo cáo đã giết cụ Phạm, Bác ngạc nhiên lặng đi, rồi giơ tay làm hai vạch chữ thập trên tờ báo cáo, tỏ ý không chấp nhận việc làm xốc nổi tả khuynh ấy”.
Tôi còn viết thư cho ông Nguyễn Văn Trung ở TP Hồ Chí Minh mời ông viết bài, có nói rõ: quan điểm đánh giá như thế nào là tùy ông chứ không áp đặt. Một thời gian ngắn sau tôi nhận được cuốn sách Trường hợp Phạm Quỳnh do ông gửi tặng, kèm theo lá thư của ông, báo tin không tham gia Hội thảo được vì quá bận.
Tôi và Phong Lê lại rủ nhau đến gặp gia đình Phạm Quỳnh là nhạc sĩ Phạm Tuyên và GS Bác sĩ Phạm Khuê trình bày mục đích yêu cầu của hội thảo và mời hai ông tham dự. Vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên hết sức hoan hỷ, nhận lời sẽ cho vẽ một pa-nô làm phông cho hội thảo, còn BS Phạm Khuê lúc đầu có hơi ngần ngại vì sợ sẽ không đến đâu cả, nhưng sau khi nghe tôi nói rõ đây là hội thảo về Nam phong tạp chí, mời những tiếng nói nhiều chiều tranh luận với nhau, cốt tìm ra chân lý, chứ không phải nhằm kỷ niệm học giả Phạm Quỳnh, bởi chưa đến lúc, mặc dầu thế nào cũng có ngày ấy, ông bèn đổi ngại làm vui và nhận lời đến nghe với tư cách con cháu trong gia đình.
Trong tháng Sáu, công việc chuẩn bị của chúng tôi đã tạm xong. Các tham luận gửi về đã tương đối phong phú. Anh chị em xếp đặt chương trình bài nào trước bài nào sau, chủ trương trong vòng một ngày mỗi người chỉ đọc chừng 20 phút, còn 20 phút nữa là dành cho trao đối ý kiến như các Hội thảo mà tôi thường tổ chức. Giấy mời cũng đã in.Tôi bèn đến nhà nhạc sĩ Phạm Tuyên xem lại tấm pa-nô, thấy kẻ chữ rất công phu, tiêu đề lớn ghi rõ: Hội thảo 75 năm Tạp chí Nam phong và học giả Phạm Quỳnh, ở dưới đề thêm Ban Văn học Cổ cận đại Viện Văn học chủ trì, thế là có thể yên tâm.
Vào khoảng giữa tháng Sáu, Viện Văn học có tổ chức một hội nghị mà đến nay tôi không còn nhớ là hội nghị gì nhưng có nhiều vị khách quan trọng được mời, trong đó có ông Tố Hữu. Tôi biết lúc này ông Tố Hữu đã thôi giữ chức Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng và Bí thư Trung ương Đảng lâu rồi, tuy vậy vẫn là một nhân vật danh dự trong nhiều cuộc họp, và mỗi lần nghe ông phát biểu – tuy khá hiếm hoi chứ không nhiều như trước – người ta vẫn nể xen với e dè. Có một nữ Giáo sư ở Khoa Văn Trường đại học Sư phạm cũng đến dự hội nghị, nhân nhìn thấy ông Tố Hữu và cũng nhân có tôi đang ngồi cạnh chị, chị bèn bảo: “Này, có ông Tố Hữu ở đây, anh tiếc gì mà không đến nói với ông ấy một tiếng cho phải phép; chả ông trước là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thuận Hóa, chuyện cái chết của Phạm Quỳnh chắc ông ấy phải rõ chứ!” Tôi nghe bùi tai bèn đi thẳng đến chỗ ông Tố Hữu đang ngồi ở bàn trên xin tranh thủ gặp ông vài phút, rồi khi ông vừa quay lại gật đầu là tôi nói ngay vào đề, rằng Ban văn học Cổ cận đại của Viện sẽ tổ chức một hội thảo hẹp nhân 75 năm Tạp chí Nam phong vào ngày 1-7 tới, nhân thể có lời mời ông đến dự cho vui. Ông vừa nghe, hai mắt nhướng lên, mặt vẫn không đổi sắc nhưng có vẻ trắng hơn, sau đâu chừng vài phút im lặng như ngẫm nghĩ, bèn nói, giọng vẫn chầm chậm rỉ rả: “À... à... Tạp chí Nam phong à? Chuyện này... theo mình thì có lẽ còn hơi vội...” Ông im một lát rồi nói tiếp: “Để chừng hai ba năm nữa hãy làm... sẽ thuận hơn”. Ông chỉ nói có thế và nhìn xoáy vào mắt tôi, nhắc rõ từng tiếng “E còn hơi vội đấy... để chừng vài năm nữa...” đến lần thứ hai. Tôi cũng nhìn lại ông như bày tỏ một sự ngạc nhiên nhưng không đáp lại, sau đó gật đầu chào ông rồi rút lui.
Sau buổi họp, tôi có trao đổi lại với Phong Lê. Chúng tôi cân nhắc, cho rằng mấy lời của ông Tố Hữu chỉ là một ý kiến để tham khảo. Vả chăng, cuộc hội thảo đã thu lại trong phạm vi một ban chuyên môn thì chỉ là thảo luận học thuật thông thường, như các buổi thảo luận khác mà Ban thường làm, chứ không phải là hội thảo khoa học nhằm truyền thông rộng rãi, bởi vậy ta cứ tiến hành. Tôi bèn cho phát giấy mời và báo cho nhạc sĩ Phạm Tuyên đúng sáng 1-7 đưa pa nô đến thật sớm.
Tối hôm 30 tháng Sáu, khác với thường lệ, tôi không về nhà mà nằm lại ở phòng làm việc tại tầng một cuối ngôi nhà lớn của Viện (chúng tôi đã được chia nhà từ mấy năm trước nhưng vẫn có thói quen nằm lại phòng làm việc mỗi khi có chuyện gì khẩn), để đọc lại bản Đề dẫn và soát lại các bài tham luận của mọi người gửi tới. Rất khuya, bỗng nghe từ phía Phòng Hành chính gần ngoài cổng Viện có tiếng reo của chuông điện thoại. Trong không khí yên tĩnh, tiếng chuông tuy xa nhưng nghe rất rõ. Như có linh tính, tôi bỏ giấy xuống và chạy vội ra hành lang. Khi đến nơi thì một người nào đó không hiểu vì sao có khóa đã kịp mở cửa vào Phòng Hành chính cầm ống nghe và báo lại với tôi: “Trên Tuyên giáo Trung ương báo xuống ngày mai hãy dừng hội thảo Nam phong lại đã”. Tôi chỉ biết đứng sững người. Một cái lệnh đến vào giữa khuya không sao kịp xoay trở. Tính toán giỏi quá chừng!
Hôm sau anh chị em trong Ban đến rất sớm, không cần nói người nào cũng hiểu ngay cơ sự trước bộ mặt ủ ê của tôi. Chúng tôi lại phải chầu chực trước cửa Viện tìm những lời khéo léo xin lỗi quý khách để mọi người thông cảm và yên tâm ra về.
Nguyễn Huệ Chi
clip_image002
Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945, Phạm Quỳnh “ở nhà”, không tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim. Mặc dù Chính phủ của ông Kim gồm phần lớn các Bộ trưởng là những người yêu nước, ghét Pháp, cũng không ưa Nhật (…)
clip_image003
Theo lời Phạm Quỳnh, ông muốn “nghỉ việc”, để chăm lo vào đường văn học. Tổng khởi nghĩa diễn ra ở Huế, ông vẫn bình tĩnh. Con cháu tham gia biểu tình, ông chẳng những không ngăn cản mà còn khuyến khích, bảo người nhà mua và may cở đỏ sao vàng cho con cháu đi biểu tình. Có lẽ ông cho mình là một người yêu Tổ quốc – theo cách của ông – đòi Pháp trả lại quyền cho vua Việt Nam – đấu tranh cho một nền quân chủ lập hiến hiện đại, v.v. Và cũng biết mình chưa nắm được tình hình diễn biến của thế sự, tin (cả tin) vào suy nghĩ của mình,
clip_image004
không lường được những gì sẽ xảy ra, chủ quan không chủ động tìm hiểu thông tin để tự bảo vệ.[1]
Ngày 23 tháng 8 năm 1945, hai sinh viên Trường Thanh niên Tiền tuyến – Huế là Đặng Văn Việt và Cao Pha[2] hạ cờ quẻ ly ở Kỳ đài Huế, kéo cờ đỏ sao vàng lên. Vào lúc 14 giờ, lá cờ rộng chừng 100 mét vuông ấy đã tung bay trên bờ sông Hương, trước núi Ngự Bình, trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu.
Ngày 23 ấy, nhân dân Thừa Thiên-Huế đã tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Cũng trong ngày 23, “Tôi (Phan Hàm sinh viên Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế - NVK chú) nhận lệnh, nghiên cứu thì được biết thêm là trong nhà Phạm Quỳnh cũng như nhà Ngô Đình Khôi đều có rất nhiều súng ống. Vì vậy buổi sáng hôm ấy, anh Hồ[3] và tôi phải cải trang đi trinh sát địa hình trước. Kết quả chỉ biết đích xác nhà (biệt thự Hoa Đường), sân, còn trong nhà không rõ. Đến trưa ông Phan Tử Lăng[4] trực tiếp chỉ thị cho tôi: đến trại Bảo An binh, ông ta sẽ phối thuộc cho hai Tiểu đội lính Bảo An (một Tiểu đội do tôi chỉ huy, một Tiểu đội do anh Việt chỉ huy) để giúp vào việc đi bắt hai tên Việt gian đầu sỏ này. Ông ta còn nói thêm: “Bắt được rồi đem về lao Thừa Phủ, rồi báo xuống sân vận động Huế người ta biết, mở màn cuộc mít tinh”.
“Mệnh lệnh rất ngắn mà chúng tôi mang theo chỉ thấy nói “Ủy ban Khởi nghĩa Thuận Hóa mời Phạm Quỳnh ra làm việc”. Tôi được trang bị một khẩu súng lục St.Etienne 6.35. Khi xe của tôi vòng vào sân, thấy Nguyễn Tiến Lãng trong nhà chạy ra. Lúc bấy giờ trên áo tôi đã có cái băng cờ đỏ sao vàng nên Lãng biết, toan chạy. Tôi đưa súng lên bắn thì kẹt đạn, nên bắt lên xe luôn. Anh Hồ lên lầu bước vào phòng Quỳnh đang chuẩn bị nghỉ trưa. Đưa giấy “mời” ra, ông ta thản nhiên đứng dậy mặc áo ra đi.
clip_image005
Phần cuối tập tư liệu 10 trang do chính tay Thiếu tướng Phan Hàm viết ngày 8/11/1993 và Tuyên huấn Tỉnh  ủy Thừa Thiên-Huế nhận chiều 14/11/1993. Có chữ ký trên tên do Thiếu tướng viết.
“Tôi lục soát khắp nhà (Chúng tôi nhấn mạnh - N.V.K) chẳng thấy súng đạn đâu cả ngoài khẩu súng săn cỡ 12 ly của con trai ông ta và ít đạn săn. Con trai của ông ta là Phạm Khuê cũng đi dự mít tinh, ở nhà chỉ còn hai cô con gái là học sinh Trường Khải Định trước đây” (…) “Đây là ý kiến tôi muốn đóng góp với những bản tổng kết quân sự, Đảng, chính quyền của tỉnh nhà”[5].
“Chúng tôi đưa những người bị bắt về lao Thừa Phủ, sau đó giao cho anh Nguyễn Trung Lập[6] đưa họ đi khỏi thành phố Huế để tránh sự dòm ngó của người ngoài[7].
Ngày 28 tháng 8, Pháp cho sáu tên nhảy dù xuống Hiền Sĩ. Mười ngày sau (6 hoặc 7 tháng 9) lại có một toán người Pháp khác đổ bộ vào Thuận An. Bọn nhảy dù xuống Hiền Sĩ, vừa xuống mặt đất đã hỏi thăm người địa phương “Phạm Quỳnh ở đâu? (nguyên văn tiếng Pháp: Où est Pham Quynh?)”
Trong khi đó, cũng ngày 23 “sáng, Hồ Chí Minh (rời Tân Trào từ ngày 22 để về Hà Nội) đi qua huyện Đa Phúc, Phú Yên (nay là Sóc Sơn, Hà Nội). Chiều, người qua sông Hồng ở bến Phúc Xá. Tối người đến nghỉ trong nhà ông Công Ngọc Kha ở làng Gạ (Phú Gia, huyện Từ Liêm)[8]”. Ngày 24 người nghỉ tại đây. “Sáng ngày 25, tại làng Gạ, Người nghe các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh từ nội thành ra báo cáo8. “Chiều, người đi ô tô vào Hà Nội, dừng ở số nhà 35 phố Hàng Cân, lên gác tầng hai nhà số 48 phố Hàng Ngang”8. Ngày 26, Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng. Ngày 27, Người họp với Ủy ban Dân tộc Giải phóng, “đề nghị thi hành chính sách đoàn kết rộng rãi, thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia bao gồm cả những đảng phái, những người có danh vọng”8
Ngày 28, Hồ Chí Minh đến làm việc tại nhà số 12 Ngô Quyền, dành thời gian soạn Tuyên ngôn độc lập. Được báo cáo là Trần Huy Liệu cùng phái đoàn đã vào Huế nhận ấn kiếm của Bảo Đại thoái vị, Bác nói với Hoàng Hữu Nam: “Chú tìm một người[9] thay chú vào Huế gặp Phạm Quỳnh đưa thư tôi mời cụ Phạm[10].
Trong đêm 23 tháng 8, Chính phủ cách mạng lâm thời đã điện đòi Bảo Đại thoái vị. Chiều 30 tháng 8, Bảo Đại nộp ấn, kiếm cho phái đoàn Chính phủ ta[11].
clip_image006
Trở lại ngày 27 tháng 8, khi họp Ủy ban Dân tộc Giải phóng tại Hà Nội, chưa  rõ là Chủ tịch Hồ Chí Minh có “đả động” gì đến Phạm Quỳnh không? Và Người có kịp căn dặn Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Huy Cận vào Huế tìm hiểu hoặc đến thăm Phạm Quỳnh?
Ngày 28, Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ. Ngày 30, Trần Huy Liệu – nếu có tìm gặp Phạm Quỳnh cũng không được. Vì, có thể là những người lãnh đạo Ủy ban Khởi nghĩa cho biết là “có dấu hiệu Pháp liên lạc với Phạm Quỳnh” hoặc là Phạm Quỳnh bị bắt và đã giải đi xa rồi… Trần Huy Liệu chắc là có báo tin về Hà Nội, nên ngày 30 tháng 8 (ngày tiếp nhận thoái vị của Bảo Đại), Hoàng Hữu Nam đã thưa với Bác: “Ông Phạm Quỳnh đã bị bắt”[12] thì Bác đã nói ngay “Bất tất nhiên”[13].
Ngày 31, Vũ Đình Huỳnh đưa các cô Phạm Thị Giá, Phạm Thị Thức đến gặp Hồ Chủ tịch, báo tin cha mình (Phạm Quỳnh) đã bị bắt.
Bảy ngày sau, tức mùng 6 hay 7 tháng 9 năm 1945[14], theo Phan Hàm, Võ Quang Hồ, sau khi Giải phóng quân Huế được thành lập vào ngày 1/9 thì có tin tàu Pháp xuất hiện ở cửa bể Thuận An[15]. Võ Quang Hồ cùng một số chiến sĩ có vũ khí đi thuyền áp mạn tàu Pháp, leo lên tàu Pháp đưa thư của ta cho chúng. “Xem xong thư, tên Pháp ôn tồn nói: Mời các ông lên bờ trước, tôi cho tàu nhổ neo sát vào bờ, rồi dùng ca nô lên bờ sau. Khi thuyền của Võ Quang Hồ, Đoàn Huyên15 cặp bờ thì tàu Pháp nhổ neo, giương buồm, hướng biển khơi mà chạy [16]. Có thể là “sau đó” Phạm Quỳnh bị bắn, nhưng bị bắn vào ngày nào?
Báo Quyết thắng, cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Việt minh Trung Bộ, số 11 ra ngày 9/12/1945, cho biết: “Cả ba tên Việt gian đại bợm (Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Huân) bị bắt ngay trong giờ cướp chính quyền, 2 giờ (chiều) ngày 23/8 và đã bị Ủy ban Khởi nghĩa kết án tử hình và đã thi hành ngay trong thời kỳ thiết quân luật”[17].
Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế bấy giờ là Tố Hữu. Vậy, ông Phan Tử Lăng nhận lệnh đi bắt Phạm Quỳnh hẳn không phải là do ông Tôn Quang Phiệt Chủ tịch Ủy ban Nhân dân hay ông Hoàng Anh – phụ trách chính trị đại diện Đảng bố trí trong chính quyền – ra lệnh, mà phải là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa.
Theo tư liệu nước ngoài, sau khi tàu chiến Pháp vào cửa Thuận An ngày 6 tháng 9, có lẽ Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa cho rằng “Pháp có thể tiếp tục tìm bắt liên lạc với Phạm Quỳnh (dù chỉ có một câu nói của nhóm nhảy dù “Phạm Quỳnh ở
clip_image007
đâu?”. Cũng không rõ bọn Pháp hỏi để nhờ Phạm Quỳnh làm “phiên dịch” hoặc “tôn” Phạm Quỳnh lên làm chức gì đó?) nên họ xử lý ngay.
Sau khi Phạm Quỳnh “lên xe đi” (và “không bao giờ trở về nữa”), ông vẫn tin “Cách mạng sẽ cho về”. Và lúc nhận viên đạn trước khi rời bỏ cuộc đời, sự nghiệp còn dở dang, ông vẫn tự cho mình là không có tội với Nước – có chăng là chưa thuận theo thời đại – ông vẫn không tin rằng “Cách mạng, những người Cộng sản Việt minh” lại xử bắn mình. Vì thế ông mới hét lên “Quân sát nhân!” (Quân giết người).
Theo Vũ Đình Huỳnh, khi ông Tôn Quang Phiệt ra Hà Nội gặp Bác và báo cáo “Cụ Phạm Quỳnh đã bị khử rồi” (nguyên văn). Bác nói: “Giết một học giả (chú ý: Bác không nói người mà nói học giả) như vậy thì nhân dân ta được gì? Cách mạng được lợi ích gì? Tôi đã từng gặp, từng giao tiếp với Cụ Phạm (chú ý: Bác dùng chữ Cụ) ở Pháp. Đó không phải là người xấu”[18].
Trở lại với thông báo của Việt minh Trung Bộ, ta có thể đặt các câu hỏi sau đây:
a) Tại sao đã xử bắn “Kết án tử hình” từ ngày 6 (7) tháng 9 năm 1945, mà mãi đến ngày 9 tháng 12 mới ra “thông báo”?
b) Bản án đã “thi hành ngay trong thời kỳ thiết quân luật”. Vậy “thời kỳ thiết quân luật” bắt đầu từ ngày nào đến ngày nào, trong phạm vi địa phương nào? Có được Chính phủ cho phép?
c) Ủy ban Khởi nghĩa “kết án tử hình”. Vậy bản án ấy số bao nhiêu? Ai là quan tòa? (Hoặc do thời kỳ cách mạng, bão táp, v.v. và v.v.)
d) Thông báo viết: “Phạm Quỳnh còn dựa vào thế lực Pháp (…) bóc lột vơ vét tài sản quốc dân…”. Vậy, khi khám nhà Phạm Quỳnh đã thu được được bao nhiêu “tài sản”, vàng bạc, v.v.? Có mâu thuẫn gì không với ý kiến của Thiếu tướng Phan Hàm: “Chẳng thấy dấu hiệu gì (chứng tỏ liên lạc với Pháp), cũng chẳng có tài sản gì…(ngoài khẩu súng săn)”? Và nếu thu được “tài sản” liệu có thống kê không, danh mục ai thu, ai giữ, gửi ai, cơ quan nào bảo vệ?
đ) Tờ thông báo này là một công văn của “Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương, Thừa Thiên-Huế gửi Tòa án Quân sự Thuận Hóa
Thông báo này có hai điểm cần xem xét:
1/ Cho đến ngày 9/12/1945, nghĩa là sau khi nước ta tuyên bố độc lập, có Chính phủ rồi, hệ thống chính quyền ở các địa phương là Ủy ban Nhân dân kỳ, tỉnh, huyện…liệu có phải chỉ riêng ở Thừa Thiên-Huế vẫn tồn tại Ủy ban Khởi nghĩa?
2/ Tòa án quân sự Thuận Hóa – sự thật đã có hay chưa? Ai là Chánh án?
Trong sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, 1993, trang 17 có viết: “Ngày 13 tháng 9, sắc lệnh số 33C quy định lập Tòa án Quân sự ở Bắc Bộ (Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình), ở Trung Bộ (Vinh, Huế, Quảng Ngãi…) Tòa án Quân sự sẽ xử tất cả những ai có hành động phương hại đến nền độc lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa… Những quyết nghị của Tòa án Quân sự sẽ đem thi hành ngay (không có quyền chống án –NVK chú) trừ trường hợp tử hình (Chúng tôi nhấn mạnh – NVK), cần có thời gian cho tội nhân xin ân giảm (chỉ có Chủ tịch nước mới có quyền ân giảm – NVK chú) nếu họ muốn và phải được ghi vào bản án. Nếu không, bản án (tử hình – NVK chú) thành vô giá trị”.
Xử Phạm Quỳnh trước khi có sắc lệnh lập Tòa án Quân sự, “cũng phải” thôi! Sau khi có sắc lệnh lập Tòa án Quân sự ngày 13/9/1945 rồi, tại sao đến ngày 9 tháng 12 cùng năm, Ủy ban Khởi nghĩa mới báo cáo lên tòa án – một việc đã làm cách đó hơn ba tháng? Với mục đích gì? Nhằm giải quyết việc gì?
Phải chăng đây là một “tờ trình” cho hợp lệ, khi Ủy ban Khởi nghĩa có thể không còn, thời gian “thiết quân luật” đã qua, việc “kết án tử hình đã thi hành ngay rồi”. Cũng cần nói thêm là khó có thể tránh…Tuy nhiên, nước nhà đã độc lập, đã có Chính phủ, chính quyền các cấp, người công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phải được hưởng quyền công dân (tự do báo chí, hội họp…không bị xâm phạm thư từ, tài sản, càng không được xâm phạm tính mệnh). Nhưng những người lãnh đạo ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, chịu trách nhiệm trước dân lại vô tình (hay hữu ý?) không biết (hay cậy quyền?) dựa vào uy tín của cách mạng, tự tiện quyết định mà không cần xin phép, không báo cáo…Họ chủ trương (có hay không?) làm một việc đã rồi. Khoan nói đến tầm nhìn hạn hẹp, ấu trĩ, mà cần xem xét sự việc này như là một “di căn” của “đấu tranh giai cấp” từ 1930 – 1931 còn sót lại, với “Trí-Phú-Địa-Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” của những “nhà cách mạng yêu nước” tinh thần cao nhưng lại giáo điều, tả khuynh “hủ Mác”[19].
Tạp chí Tri tân số 205 ra ngày 7/9/1945 (suýt soát ngày 6 (7) Phạm Quỳnh bị thủ tiêu) đăng bài Cuộc hội đàm giữa Cụ Hồ Chủ tịch với ba đại biểu Liên đoàn Văn hóa (Trương Tửu, Thượng Sĩ, Nguyễn Đức Quỳnh - NVK chú).
Trong buổi gặp ấy, Cụ Hồ có nói: “Trong Chính phủ lâm thời có cả vua, quan lại cũng có, địa chủ cũng có, nông dân cũng có, công nhân cũng có (chú ý: Bác không nói Việt minh – Cộng sản – Dân chủ – Quốc Dân đảng – NVK chú)… Lúc này bất cứ người nào miễn là có tài và đừng phản cách mạng thì có thể phụng sự quốc gia, Tổ quốc”[20].
Chắc chắn là vẫn còn những nhân chứng, chi tiết, sự kiện mà lịch sử chưa tiếp cận được, chưa khai thác được, hoặc chưa tìm ra, chưa công bố được nhiều vụ việc – trong đó có “vụ Phạm Quỳnh”.
Chúng ta có thể tự an ủi rằng: Bác Hồ đã “gặp” Phạm Quỳnh rồi mà vẫn “lỡ”[21]. “Gặp” ở tinh thần yêu nước, muốn làm gì đó để nước thoát khỏi ách nô lệ, mỗi người theo cách riêng của mình, “gặp” ở tri thức, “gặp” ở sự cống hiến cho Tổ quốc. Còn “lỡ” là “lỡ” không kháng chiến, kiến quốc, “lỡ” để mất đi “một học giả”… khi chính Cụ Hồ, Tổ quốc đang rất cần những “học giả” như thế…
Không phải là “bới lông tìm vết”. Mà khoa học lịch sử là phải công bằng, rõ ràng công, tội: Công bao nhiêu, tội bao nhiêu?.
Không thể “mờ mờ nhân ảnh”, để thế hệ này và cả các thế hệ mai sau cũng “mờ mờ” theo[22].
N.V.K.
[1] Xin nói rằng bộ phim Ngọn nến hoàng cung, dù là phim “tiểu thuyết lịch sử” (do Đạo diễn tuyên bố) nhưng đã “sáng tác” ra  quá nhiều chi tiết-sự kiện phi lịch sử – sai lệnh về cách ứng xử, nhân cách của các nhân vật trong phim.
[2] Đặng Văn Việt, năm 2009 vẫn còn sống, ở tuổi 90, là “đệ tứ quốc lộ đại vương”, vua đường số 4 những năm 1949-1950; Cao Pha, Thiếu tướng Cục Tình báo, đã mất.
[3] Võ Quang Hồ, Thiếu tướng, 120/6 đường Lê Văn Thọ, Phường 11, Quận Gò Vấp, TP HCM. Điện thoại số: 3996 7419
[4] Phan Tử Lăng bỏ nghề dạy học để đi học Võ bị Tông, cùng khóa với Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa sau này, được Chính phủ Trần Trọng Kim giao “Tổng chỉ huy lực lượng vũ trang của Chính phủ”, trực tiếp chỉ huy lực lượng Bảo An binh Trung Bộ, đồng thời là Hiệu trưởng Trường Thanh niên Tiền tuyến.
[5] Tư liệu viết tay 10 trang, Thiếu tướng Phan Hàm viết ngày 8/11/1993, Tuyên huấn Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế nhận chiều 14/11/1993
[6] Trung đoàn phó 84 – Quân khu V, liệt sĩ 1950. Địa chỉ gia đình: nhà 50 – đường 40 – phường Thảo Điền – Quận 2 – TP HCM. Điện thoại số:  3512 5778
[7] Theo bài Thiếu tướng Phan Hàm viết ngày 15/8/1995, ông đã mất năm 2004. Địa chỉ gia đình: số 9 đường Đống Đa, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM. Điện thoại số: 3844 7396
[8] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử tập II, 1930-1945, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, các trang 283, 284, 285….
[9] Theo hồi ký Trần Huy Liệu: “Nhớ là ngày 25/8/1945, phái đoàn Chính phủ lâm thời từ thủ đô Hà Nội ra đi bằng hai chiếc ô tô, có một Tiểu đội Giải phóng quân đi theo bảo vệ. Trong khi ấy bọn Pháp đã bắt đầu nhảy dù xuống Huế, tên Pháp vừa nhảy xuống đã hỏi ngay Bảo Đại, Phạm Quỳnh. Ta đã xử lý thích đáng ngay nhiều tên tay sai của Pháp như Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh” Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 18 (tháng 9 năm 1960).
[10] Tư liệu của nhà văn Sơn Tùng gửi Nhạc sĩ Phạm Tuyên, 12/2008. Trong lúc đó, Phạm Quỳnh đã bị bắt mà Chủ tịch nước vẫn chưa biết (không được báo cáo). Bác viết thư chứ không đánh điện, có thể là một cử chỉ coi trọng người hiền tài.
[11] Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, chủ biên Nguyễn Khánh Toàn, Lịch sử Việt Nam tập II, NXB Khoa học Xã hội, 1985, trang 340.
[12] Nhà văn Sơn Tùng thuật lại theo ý kiến của Vũ Đình Huỳnh, Bí thư của Bác hồi đó.
[13] Có nghĩa là “Không cần thế, có thể có cách khác”.
[14] Theo gia đình Phạm Quỳnh thì ông mất vào ngày 6/9/1945.
[15] Sách Trường Thanh niên Tiền tuyến - Huế, trang 242. Đoàn Huyên, Thiếu tướng đã mất năm 2004. Địa chỉ gia đình: 7 Đống Đa, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM. Điện thoại số: 3844 6322
[16] Trong hồi ký này không thấy Pháp có hỏi han gì về Phạm Quỳnh
[17] Lưu tại Thư viện Trung ương Hà Nội, ký hiệu T520, không rõ Ngô Đình Huân, con trai Ngô Đình Khôi, “Việt gian đại bợm” thế nào? Thông tin về con người này còn quá ít
[18] Tư liệu của nhà văn Sơn Tùng gửi nhạc sĩ Phạm Tuyên, ghi theo lời kể của ông Đào Nhật Vinh và Vũ Đình Huỳnh. Qua chữ khử mà Tôn Quang Phiệt dùng dễ nhận ra là ông Tôn Quang Phiệt cũng không đồng ý việc xử lý Phạm Quỳnh và cả cách (phương pháp) tiến hành vụ xử. Và dù ông Phiệt không đồng ý cũng chẳng làm được gì.
[19] Trong Cách mạng Tháng Tám, ở Trung Bộ, Nam Bộ từng xảy ra một số vụ “xử bắn”, “bắt giam” người trái phép rất đáng tiếc. Còn ở Bắc Bộ, nhiều quan Tổng đốc, Án sát… do “đoàn thể” quán triệt đường lối của Đảng nên đã may mắn được an toàn.
[20] Cuối năm 1945, sau khi Đảng ta tuyên bố tự giải tán, trong một lần trả lời các nhà báo, Bác nói: “Sau này tôi sẽ thành lập một đảng mới. Đảng ấy có tên gọi là Đảng Việt Nam. Chỉ có hai hạng người không được vào Đảng: phản quốc và tham ô”.
[21] Bài Đã gặp rồi mà vẫn lỡ đăng trên Nhà báo Huế, Xuân 2009.
[22] Một vị Tổng đốc Hà Đông, giàu tiền lắm ruộng, xây lăng to, không ít “thành tích”, chỉ viết có một cuốn sử mỏng, vậy mà cũng đã được công chúng ngày nay hoan nghênh. Tại sao đánh giá, xác định vai trò của Phạm Quỳnh – người có công lớn với văn hóa nước nhà, lại phức tạp, khó khăn đến thế? Liệu lịch sử còn công bằng không? Có thể còn kéo dài chế độ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chưa hề có môn lịch sử?
Nguồn: Pham Ton’s blog - Phamquynh.wordpress.com/