21/5/10

Vì sao giáo dục đụng đâu… dở đó?

Văn Như Cương
“Thật hết sức sửng sốt… Chuyện “ngăn sông cấm chợ” một thời đã làm khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa thì nay lại xuất hiện trong giáo dục – ngăn thầy ở nơi này không được dạy học sinh giỏi nơi kia, cấm trò giỏi ở miền núi không được học thầy miền xuôi. Nghĩa là nghiêm cấm việc “tầm sư học đạo” …
“Người viết bài này xin có vài ý kiến, vừa là nhận xét, vừa là đề nghị.
1) Việc đổi mới giáo dục nên bắt đầu bằng việc đổi mới mới tư duy, và cách quản lý giáo dục, trước hết ở cấp Bộ.
2) Muốn vậy phải cải tổ bộ máy hành chính và chuyên môn ngay trong cơ quan đầu não của Bộ GD và ĐT. Cần giảm bớt những người không có năng lực, chỉ ngồi ở bàn máy tính, không sâu sát thực tế, cần tăng cường những người có nghiệp vụ tinh thông, có tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
3) Không nên thay đổi xoành xoạch các chủ trương dầu là nhỏ, tránh tình trạng vừa thực hiện mới một lần rồi bỏ, thậm chí chưa thực hiện lần nào…”
GS Văn Như Cương
Người ta có quyền đặt câu hỏi: Các chủ trương do chính cán bộ quản lý các cấp Bộ xây dựng, và được người có thẩm quyền cao nhất Bộ GD và ĐT, ký duyệt ban hành. Vậy, tại sao các chủ trương này đụng đâu… dở đó?
Từ chuyện nhỏ cấm “tầm sư học đạo”…
Tôi xin bắt đầu từ câu chuyện nhỏ sau đây.
Ngày 29/12/2009 tôi đọc trên Vietnamnet bản tin “Không được mời thầy nơi khác về ‘luyện’ học sinh giỏi”. Tôi tò mò đọc tiếp thì mới hay là Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa hướng dẫn tổ chức kỳ chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2010, theo đó Bộ “đặc biệt lưu ý các địa phương trong kỳ thi năm nay  không được mời các thầy, cô giáo ở nơi khác về tập huấn cho đội tuyển học sinh giỏi của mình dưới bất kỳ hình thức nào“.
Tôi lấy làm lạ và cố tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện. Thì ra lệnh “cấm mời thầy nơi khác…” không phải là mới. Nó đã được ban hành từ năm 2007, nhưng có lẽ các địa phương không tuân theo nên năm nay Bộ phải nhắc lại.
Thật hết sức sửng sốt… Chuyện “ngăn sông cấm chợ” một thời đã làm khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa thì nay lại xuất hiện trong giáo dục – ngăn thầy ở nơi này không được dạy học sinh giỏi nơi kia, cấm trò giỏi ở miền núi không được học thầy miền xuôi. Nghĩa là nghiêm cấm việc “tầm sư học đạo” …
clip_image001[1]
Có lẽ không cần bình luận gì thêm ngoài một câu ngắn gọn: Đó là một mệnh lệnh hết sức điên khùng và dốt nát…
May thay, ngày 27/02/2010 lại cũng trên Vietnamnet có tin lệnh cấm nói trên được bãi bỏ. Mặc dầu vậy, dư âm của sự kiện đó, cùng nhiều sự kiện tương tự, đã làm cho tôi suy nghĩ về một số khía cạnh khác nhau.
Thứ nhất, ai là người đã đưa ra “ý tưởng” cần phải ra một cái lệnh cấm như thế? Cố nhiên đó phải là một (hoặc một nhóm) quan chức của Bộ GD và ĐT, và chắc chắn đó là người có tư duy hết sức lệch lạc và cổ lỗ đến mức “bệnh hoạn”, mặc dầu anh ta bét ra cũng phải có cái bằng Cử nhân. Nếu tôi là người có quyền ở Bộ, tôi sẽ không ngần ngại cho anh ta thôi việc ngay lập tức.
Thứ hai, cái ý tưởng quái đản ấy đã được thảo luận, trao đổi và đi đến thống nhất trong một tập thể như thế nào? Chắc chắn rằng đa số trong tập thể đó đã tán thành hoặc thậm chí hoan nghênh nhiệt liệt cái “sáng kiến”  ấy. Thế thì hóa ra những người đó hoặc là vô trách nhiệm, hoặc là tư duy cũng cùng loại như “nhà sáng kiến” đó mà thôi.
Thứ ba, ai là người đã ký và cho công bố cái lệnh cấm?  Phải chăng vì người có thẩm quyền đọc và ký lệnh đó, chỉ đọc qua loa và vì đang nghĩ về chuyện khác nên ký xoẹt một cái là xong? Hay cũng là người rất tâm đắc về cái lệnh mới này. Hay phải chăng, vì lâu rồi trong việc thi học sinh giỏi chưa thấy gì đổi mới, nên ông ta sốt sắng ký và ra lệnh công bố ngay?… Trong bất kỳ trường hợp nào, ông ta cũng là nhà quản lý giáo dục… tồi.
…đến chuyện lớn về… tư duy giáo dục và quản lý GD
Tôi đã bắt đầu từ một câu chuyện nhỏ… Tuy nhiên, điều mà tôi rất lo lắng là số lượng các “câu chuyện nhỏ” như vậy lại không nhỏ tí nào. Thử liệt kê những chuyện gần đây.
+ Cấm các trường ĐH tư thục mở các ngành đào tạo: Sư phạm, Luật, Báo chí.
Đó là một điều khoản trong dự thảo, công bố ngày 23/2/2010, về điều kiện mở ngành đào tạo ở các trường ĐH, CĐ. Quy định này ngay lập tức gặp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận. Ban đầu các nhà quản lý ở Bộ giải thích, nói cấm là không đúng, quy chế chỉ nói “không được mở” mà thôi, mà thực tế là chưa có trường nào xin mở (?). Sau thấy không ổn lắm, Bộ lại nói rằng đã công bố nhầm, thay vì công bố bản chính thì lại công bố bản nháp (!).
+ Dự thảo “Quy chế quản lý công dân Việt Nam đang học ở nước ngoài”.
Đây chỉ mới là dự thảo, tung ra để lắng nghe góp ý, nhưng đã gặp phải sự phê phán cực kỳ gay gắt. Phân tích dự thảo, nhiều người đi đến nhận định rằng đội ngũ các nhà soạn thảo dự án đó có trình độ  rất yếu kém, không am hiểu nghề nghiệp, không nắm chắc các văn bản luật pháp, không có kiến thức thực tế, không am hiểu tình hình… Nếu quả đúng như vậy thì thật đáng buồn, và là cái họa lâu dài cho việc quản lý giáo dục.
+ Môn Ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc.
Từ trước đến nay thi tốt nghiệp THPT có 6 môn, trong đó có 3 môn cố định (tức là năm nào cũng thi): Toán, Văn, Ngoại ngữ. Ba môn còn lại thì thay đổi theo từng năm, tức không bắt buộc năm nào cũng thi.
“Đùng” một cái, đầu năm nay, khi công bố các điểm mới về thi tốt nghiệp, Bộ đã đặt môn Ngoại ngữ ra ngoài các môn cố định. Như vậy môn cố định chỉ còn Toán và Văn, môn Ngoại ngữ thì có thể thi cũng có thể không, tùy theo từng năm.
Dư luận lại một phen sửng sốt vì sự đổi mới này đi ngược với chủ trương tăng cường học ngoại ngữ của học sinh, sinh viên. Thậm chí Bộ đang nghiên cứu dự án học ngoại ngữ ở bậc phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12.
May thay, lại “đoàng” một cái, Bộ lại tuyên bố các môn thi vẫn theo quy định cũ trước đây. Thế là cái mới này xóa bỏ không thương tiếc cái mới ngay trước đó, để trở thành cái như…cũ!
Trở lại như cũ là đúng là hợp lý. Chỉ có điều không hiểu tại sao Bộ lại “sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng” nhanh như chong chóng vậy?
+ Phần tự chọn trong các đề thi.
Năm ngoái, theo quy định thì trừ môn ngoại ngữ, các đề thi của các môn còn lại gồm hai phần: Phần bắt buộc và phần tự chọn. Phần tự chọn gồm hai đề, một đề theo chương trình chuẩn, một đề theo chương trình nâng cao.  Học sinh học theo chương trình nào thì phải “chọn” đúng đề của chương trình đó. Cái cấu trúc lôi thôi phức tạp ấy đã bị nhiều nhà giáo lên tiếng phản đối.
Người ta đặt ra các câu hỏi: – Tại sao phải có tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông? -Tại sao môn Ngoại ngữ lại không có phần tự chọn? – Làm thế nào phát hiện ra thí sinh chọn không đúng phần tự chọn?
Nhưng, như thường lệ, Bộ cứ làm, và ngay trong kỳ thi năm ngoái, luật “chọn đúng”  đã bị bãi bỏ ngay trong khi chấm thi, nghĩa là ai muốn chọn đề nào thì làm đề đó, miễn là không làm cả hai.
Sang năm nay, Bộ vẫn giữ nguyên cấu trúc tự chọn, chỉ thay đổi ở chỗ, cho học sinh tự chọn phần tự chọn theo đúng nghĩa của “tự chọn”! Tôi thật tình không thể hiểu nổi tại sao các quan chức ở Bộ cứ làm rắc rối thêm vấn đề, làm cho sự việc đang đơn giản lại trở thành rất phức tạp như vậy? Hay đó mới là… đổi mới?clip_image002
+ Giảm từ 9.000 xuống còn 600.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái Bộ tung ra một lực lượng hùng hậu chưa từng thấy của thanh tra ủy quyền – 9000 người, gồm các giảng viên ĐH, CĐ. Ý định của Bộ muốn quyết tâm làm một kỳ thi nghiêm túc nhất, để trên cơ sở đó năm 2010 sẽ thực hiện dự án mà người ta quen gọi là thi “2 trong 1″ (nhập làm một hai kỳ thi tốt nghiệp và thi tuyển vào ĐH, CĐ).
Những giáo viên có kinh nghiệm cho rằng việc tăng cường thanh tra ủy quyền như vậy không phải là biện pháp hiệu quả để chống tiêu cực trong thi cử. Nếu hội đồng coi thi không nghiêm thì bao nhiêu thanh tra cũng chẳng thấm vào đâu!
Rồi không biết vì lý do gì, năm nay Bộ “sửa chữa sai lầm” bằng cách giảm mạnh số thanh tra ủy quyền đi 15 lần, chỉ còn 600 vị mà thôi. Tuy nhiên ông Phó Chánh Thanh tra của Bộ lại giải thích một cách khéo léo rằng: “Qua 3 năm thực hiện cuộc vận động “2 không”, công tác thi cử đã đi vào ổn định nên lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ cắm chốt tại các hội đồng coi thi không còn thực sự cần thiết nữa và gây lãng phí”.
Người nghe dễ dàng đưa ra hai câu hỏi khó trả lời: – Liệu việc giảm mạnh số thanh tra ủy quyền có làm cho việc thi cử trở nên tiêu cực như trước hay không? – Nếu quả thật việc thi cử đã ổn định, nền nếp, tại sao năm 2010 Bộ vẫn tổ chức hai kỳ thi như cũ mà không thực hiện “2 trong 1″ như đã báo trước?
Vì sao, vì sao và… vì sao?
Quả thật, nếu cứ làm công tác liệt kê các chủ trương, e quá dài dòng.
Nhưng người ta có quyền đặt câu hỏi: Các chủ trương do chính cán bộ quản lý các cấp Bộ xây dựng, và được người có thẩm quyền cao nhất Bộ GD và ĐT, ký duyệt ban hành. Vậy, tại sao các chủ trương này đụng đâu… dở đó?
Người viết bài này xin có vài ý kiến, vừa là nhận xét, vừa là đề nghị.
1) Việc đổi mới giáo dục nên bắt đầu bằng việc đổi mới mới tư duy, và cách quản lý giáo dục, trước hết ở cấp Bộ.
2) Muốn vậy phải cải tổ bộ máy hành chính và chuyên môn ngay trong cơ quan đầu não của Bộ GD và ĐT. Cần giảm bớt những người không có năng lực, chỉ ngồi ở bàn máy tính, không sâu sát thực tế, cần tăng cường những người có nghiệp vụ tinh thông, có tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
3) Không nên thay đổi xoành xoạch các chủ trương dầu là nhỏ, tránh tình trạng vừa thực hiện mới một lần rồi bỏ, thậm chí chưa thực hiện lần nào.
4) Đã hứa thì phải làm cho bằng được, bởi vậy đừng hứa trước những điều không dễ thực hiện. Chẳng hạn hứa rằng đến năm 2010 giáo viên có thể sống bằng lương, trong lúc đó lại bỏ việc phụ cấp chấm bài quá tiêu chuẩn…
5) Cần lắng nghe và hiểu rõ các ý kiến phản biện. Chẳng hạn vấn đề thi “2 trong 1″, vấn đề chọn nhà giáo được học sinh yêu quý, vấn đề lương giáo viên…

Tin tặc ở Việt nam: Không khảo mà xưng

Nhật Hiên, thông tín viên RFA
Trong tuần qua, dư luận trên các diễn đàn “lề trái” và cộng đồng bloggers được dịp nóng lên trước thông tin Trung tướng công an Vũ Hải Triều, Tổng cục phó Tổng cục an ninh, đã tự hào khoe thành tích: “Trong mấy tháng qua, bộ phận kỹ thuật của “ta” đã phá sập 300 báo mạng và blog cá nhân xấu”.

Ông Trương Tấn Sang – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo "Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của các cơ quan báo chí năm 2010” ngày 5.5.2010. Photo courtesy of baodongnai.com.vn
Tướng công an thừa nhận
Lời tuyên bố này của ông Vũ Hải Triều được đưa ra trong bài nói chuyện tại “Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của các cơ quan báo chí năm 2010” ngày 5.5.2010, mà theo tường thuật của báo chí trong nước, là một hội nghị báo chí rất hoành tráng, dưới sự chủ trì của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam, trước sự tham gia và chứng kiến của hàng trăm nhà báo, Tổng biên tập, Phó tổng biên tập, đại diện cho “178 báo và 528 tạp chí, 67 đài phát thanh – truyền hình, 21 báo điện tử, 160 trang điện tử của các cơ quan báo in và hàng ngàn trang tin điện tử, trên 17.000 nhà báo được cấp thẻ”.
Mặc dù có hàng trăm nhà báo tham gia, không một tờ báo nào đưa tin về việc này, nhưng một trong số họ đã gửi một bức thư ra hải ngoại. Bức thư được đăng trên trang diễn đàn và ngay lập tức nhiều trang mạng khác đã đăng lại. Trong thư, sau khi nhắc lại nguyên văn câu nói trên của ông Vũ Hải Triều, tác giả N.S.P viết: “Như vậy là các anh Huệ Chi, Phạm Toàn, Huy Đức khỏi thắc mắc, mất công đi tìm bọn “du côn mạng” nào đã cướp hộp thư điện tử (Huệ Chi, Huy Đức) và phá sập các mạng Bauxite, blog Osin, Dòng Chúa Cứu Thế, X-cafe, Dân luận, Talawas… cũng chẳng phải chứng minh rằng các cuộc đánh phá đều xuất phát từ những “thuê bao” của Viettel (Công ty viễn thông của Quân đội) nữa nhé.
“Trong mấy tháng qua, bộ phận kỹ thuật của “ta” đã phá sập 300 báo mạng và blog cá nhân xấu”.
Ô. Vũ Hải Triều
Lời khoe khoang thành tích của ông Triều thực ra cũng là một lời thú nhận chua cay: thay đổi một loạt Tổng biên tập, huýt còi cấm báo chí nhà nước ra khỏi “lề phải” không đủ, bắt một loạt nhà báo mạng tự do, không đủ, dựng tường lửa để ngăn chặn người trong nước truy nạp những nguồn tin “trái tai” Ban tuyên giáo và Bộ 4T không đủ, bây giờ người ra phải dùng đến phương pháp “cướp ngày” trên mạng. Có điều ông Triều quên rằng ông đã thú nhận mình vi phạm pháp luật quốc tế trước mấy trăm chứng nhân”.
Cáo buộc của Google
Điều này khiến mọi người nhớ lại sự kiện trong tháng 3 vừa qua, khi hai tập đoàn truyền thông hàng đầu trên thế giới là Google và McAfee lên tiếng cáo buộc Chính phủ Việt Nam có liên hệ với “tin tặc chính trị”. Bộ an ninh mạng của tập đoàn Google cho hay đã phát hiện ra chiến dịch tấn công các trang web nhạy cảm chính trị bằng tiếng Việt, nhất là các trang chứa thông tin phản đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên của chính quyền.
Còn hãng McAfee thì cho biết, trong quá trình điều tra, nghiên cứu cùng với Google, họ đã phát hiện ra cách thức tấn công của tin tặc cũng như địa chỉ IP của các máy chủ nằm tại Việt Nam và họ cho rằng tin tặc có thể có mục đích chính trị và có thể có liên hệ với Chính phủ CHXNCN Việt Nam.
Trước những cáo buộc được đưa ra từ những tập đoàn truyền thông lớn và đầy uy tín như Google và McAfee, người Việt trong và ngoài nước còn nhớ rõ phải mấy ngày sau, nhà nước Việt Nam mới lên tiếng thông qua phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga với các nhà báo: “Đây là những ý kiến không có cơ sở” đồng thời cho biết: “Luật pháp Việt Nam có những quy định cụ thể về chống virus máy tính, phần mềm gây hại và bảo đảm an toàn, bí mật thông tin.” Chỉ có vậy.
- Việt Nam hiện có 24 triệu người sử dụng Internet.
- 41 triệu 700 ngàn người sử dụng điện thoại.
- Số người sử dụng điện thoại di động là 37 triệu 700 ngàn
Bức xúc trước sự việc, tác giả Trình Phụng Nguyên đã viết bài “Cáo buộc của Google và McAfee về vụ “Hack” trên mạng là vấn đề quốc thể” đăng trên trang bauxite Việt Nam, trong đó tác giả cho rằng lời tố cáo này “không còn gói gọn trong một cá nhân, một tổ chức hay một Chính phủ nữa, mà nó liên quan đến QUỐC THỂ của một dân tộc, dân tộc Việt Nam”, do vậy sự phủ nhận một cách đơn giản của nhà nước Việt Nam chỉ chứng tỏ “một đối đáp xuề xòa và hoàn toàn thiếu trách nhiệm”.
Và tác giả “khẩn thiết đề nghị và yêu cầu Chính phủ Việt Nam” phải “Lập thủ tục pháp lý kiện tụng đến cùng”. Mục đích:
1. Lấy lại danh dự cho dân tộc Việt Nam ở đây đang bị lăng mạ.
2. Xác định và trả lời với công luận trong và ngoài nước cũng như trước Quốc tế về hành vi này là không phải từ phía Chính phủ Việt Nam.
VIETNAM-LIFESTYLE-INTERNET-WI-FI
Lướt web bằng laptop trong tiệm cà phê wifi ở TPHCM đã trở nên thông dụng từ năm 2004. AFP PHOTO/HOANG DINH NAM
Lời đề nghị và yêu cầu này chẳng hề nhận được sự phản hồi nào từ phía Nhà nước Việt Nam. Thực tế, như tác giả Hoàng Linh Vương trong bài “Thế giới chán ghét, dân tình phẩy tay” đăng trên trang talawas đã viết: “Khi vụ khủng bố trên mạng bùng nổ, chỉ cần một chút suy luận, thêm một chút xíu kinh nghiệm, mọi người (trong đó có tôi) đều có thể luận ra rằng NCQVN (Nhà Cầm Quyền Việt Nam) chủ mưu. Tuy nhiên đây đã chỉ là sự phỏng đoán thiếu tang chứng.
Đến ngày 30.03.2010, hai Công ty Google và McAfee (USA) chính thức hóa vụ việc, cáo buộc NCQVN đứng sau những hành vi này, nhằm mục đích chính trị. Hiển nhiên là vi phạm Công ước Quốc tế”.
Trước sự nghiêm trọng của vấn đề, Nhà nước Việt Nam như đã thấy, chỉ còn mỗi một nước là đánh bài “lờ”.
Các trang mạng “lề trái” vẫn tiếp tục bị đánh phá dữ dội như Danchimviet, Talawas, Bauxite, X-Cafe, Thongluan, Danluan, Dòng chúa Cứu thế v.v. và hàng loạt trang blog cá nhân cũng bị đánh sập. Thậm chí dư luận còn đặt câu hỏi về sự “rút lui êm ả” gần đây của trang anhbasam.com, một trang web độc lập chỉ chuyên điểm tin, bài trên các báo, phải chăng cũng là từ một sức ép nào đó?
Bằng chứng của một sự phá hoại rất rõ ràng, như tác giả Nguyễn Văn Huy đã nêu lên trong bài “Tin tặc: một dịch bệnh cần phải loại trừ” đăng trên trang thông luận: “Có trang bị mất hẳn tên miền (domain name), có trang bị xóa hết nội dung và thay vào đó bằng những bài ca ngợi Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, có trang chỉ còn hình thức nhưng nội dung là báo Nhân dân điện tử của Đảng Cộng sản, có trang bị khóa hẳn cổng vào khiến chủ nhà đích thực không mở ra được.
Điều làm nhiều người ngạc nhiên là ngay sau đó một loạt bài viết được phổ biến rộng rãi trên mạng lên án và chụp mũ là cộng sản những trang nhà đối lập với chế độ độc tài cộng sản trong nước, có bài còn chụp những trang nhà đã bị sửa đổi nội dung của phe đối lập để bôi nhọ uy tín những người chủ trương.
Càng ngạc nhiên hơn là có rất nhiều góp ý ở phần cuối bài, lên án những trang nhà bị đánh phá. Rõ ràng đang có một chiến dịch qui mô đánh phá những tiếng nói đối lập với chính quyền cộng sản”.
Khi vụ khủng bố trên mạng bùng nổ, chỉ cần một chút suy luận, thêm một chút xíu kinh nghiệm, mọi người đều có thể luận ra rằng Nhà cầm quyền Việt Nam chủ mưu.
Tác giả Hoàng Linh Vương
Tác giả Nguyễn Văn Huy cũng chỉ ra ai đứng đằng sau những vụ đánh phá này, đó là Tổng Công ty viễn thông quân đội Viettel, đặt dưới quyền quản trị của Tổng cục 2, tức Tổng cục Tình báo quốc phòng.
Trong khi đó, nhờ nắm vững kỹ thuật tin học, các trang mạng “lề trái” hầu hết đã phục hồi sau khi bị đánh phá, không những thế, còn khám phá và vạch mặt chỉ tên tin tặc là ai. Trang web Dòng chúa cứu thế đã công khai đưa IP của những hackers đã hits gần 500.000 lần vào địa chỉ www.dcctvn.net chỉ nội trong buổi chiểu ngày 26.4.2010. Trang Thông luận cũng có thư gửi tin tặc công khai những dữ liệu thông tin của những kẻ đánh phá. Cả hai trang web này đều cảnh báo tin tặc rằng họ chỉ gửi thư thân tình lần này, còn lần sau họ sẽ hành động mạnh mẽ hơn.
“Điếc không sợ súng”
Dù đã có những cảnh báo như vậy, có vẻ như phản ứng nhẹ nhàng của các trang mạng “lề trái” không đủ làm cho những kẻ tội phạm phải chùn tay, trong khi các nạn nhân lại có cả một lợi thế từ sự lên tiếng của hai tập đoàn truyền thông Google và McAfee. Nói như tác giả Hoàng Linh Vương: “Việc cáo buộc này sẽ không vô lý dừng ở đây nếu các tổ chức hoạt động cho dân chủ và nhân quyền, các tổ chức truyền thông “lề trái” biết khai thác tình huống, tác động đưa vụ việc ra được trước công luận quốc tế, tạo tình huống để hai Công ty Google và McAfee phải công khai hồ sơ.
Thêm một hướng nữa là chính những trang web từng bị đánh sập như Bauxite Việt Nam, talawas, X-cafe, Dân Luận… và một số blog bị thiệt hại khác có thể đồng thuận lập bản án làm đơn kiện trước quốc tế, đòi thủ phạm bồi thường mà tang chứng đang nằm sẵn trên bàn giấy của Google và McAfee. Thực chất việc bồi thường ở đây có thể chỉ là phụ, nhưng công khai được bộ mặt thật của NCQVN trước dư luận quốc tế mới là quan trọng”.
Nay thì với sự việc “không ai khảo mà tự xưng” của Trung tướng công an Vũ Hải Triều, các trang web và blog từng bị đánh lại có thêm một bằng chứng bằng vàng nữa.
Phản ứng trước lời tuyên bố của ông Vũ Hải Triều, tác giả Nguyễn Nhân Dân viết trong bài “Thì ra công an là tin tặc” đăng trên trang Tiền vệ: “Thế là công an Việt Nam đã vô tình vả vào mồm Bộ Ngoại giao Việt Nam một phát đẹp mắt.
EN0652C-LIFESTYLE-VIETNAM-INTERNET-BLOGS

Biểu đồ tỉ lệ sử dụng Internet ở Vietnam. AFP photo
Thế mới biết cái văn hóa đạo đức của những người cầm quyền của nước CHXHCN Việt Nam. Khi cần chối tội, thì họ chối phăng, chối biến, cho rằng mọi lời cáo buộc có bằng chứng khoa học đều chỉ “là những ý kiến không có cơ sở.” Đến khi cần khoe thành tích, thì họ lại khoe tuốt luốt tất cả những âm mưu và hành động của họ mà họ vừa gân cổ chối biến.
Cái dạng văn hóa đạo đức này có lẽ chỉ có đám xã hội đen mới có thể hiểu được. Mà đúng là xã hội đen, vì công an tự hào chính mình là tin tặc!”
Luật sư Cù Huy Hà Vũ thì gửi một bức thư ngỏ đến ông Vũ Hải Triều nói lên sự phẫn nộ của mình trước sự việc: “Thực tình khi mới đọc tin này, tôi vô cùng kinh tởm ông vì chỉ có loại dã man mới có hành vi phản văn minh đến như thế và hơn thế nữa, tôi coi ông là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng vì đã ngang nhiên hủy diệt Quyền Tự do Ngôn luận, Quyền Tự do Báo chí, Quyền được Thông tin của công dân được quy định tại Điều 69 Hiến pháp Việt Nam, thậm chí là tội phạm quốc tế nếu máy chủ của báo mạng và blog cá nhân nằm ở nước ngoài.”
Tác giả yêu cầu: “ông cho tôi biết thông tin đã đăng trên Bauxite Việt Nam và các báo mạng nói trên là đúng hay sai sự thật” .
Và: “Sau một tuần kể từ hôm nay mà tôi không nhận được thư trả lời của ông, điều này đồng nghĩa với việc ông công nhận thông tin “Trung tướng Vũ Hải Triều, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục An ninh – Bộ Công an tuyên bố đã chỉ đạo bộ phận kỹ thuật phá sập 300 báo mạng và blog cá nhân xấu là đúng sự thật!”
Giống như lá thư của tác giả Trình Phụng Nguyên gửi cho Chính phủ về cáo buộc của Google trước đây đã đặt nhà cầm quyền Việt Nam vào “thế kẹt”, lá thư gửi ông Tổng cục phó Tổng cục an ninh của luật sư Cù Huy Hà Vũ chắc chắn cũng làm cho ông Trung tướng này “khó bề ăn nói”, và chỉ có nước đánh bài “lờ” như nhà cầm quyền Việt Nam đã ứng xử trong vụ Google vậy.
Tin tặc là một sản phẩm bệnh hoạn được các chế độ độc tài dùng để trói tay, bịt mắt, cấm dân chúng bước vào xa lộ thông tin. Phải mạnh dạn tố cáo trước dư luận thế giới những hành vi để hèn của một chế độ không xứng đáng.
Tác giả Nguyễn Văn Huy
Vấn đề là Nhà nước Việt Nam từ xưa đến nay vẫn quen ứng xử theo kiểu luật rừng, coi thường mọi công ước, luật pháp quốc tế, và họ sẽ còn tiếp tục như vậy khi chưa bị trừng phạt. Trong cuộc chiến này, các trang báo đối lập với Nhà nước Việt Nam, đại diện cho những tiếng nói yêu tự do, dân chủ của đông đảo người dân Việt Nam hoàn toàn có lẽ phải, có lợi thế, và được sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới.
Bởi vì, như nhà báo Ngô Nhân Dụng trong bài “Nguyễn Huệ Chi, McAfee và Google” đã khẳng định: “Loài người đã tiến đến thế kỷ này, mọi người đều công nhận quyền được trao đổi thông tin, quyền được biết sự thật là một quyền thiêng liêng của mỗi con người. Ðó cũng là một động lực cần thiết giúp xã hội phát triển về kinh tế và văn hóa. Ngăn chặn quyền tự do đó, phá phách không cho người dân được thi hành những quyền đó, là phản tiến bộ, là chống lại cả loài người”.
Tác giả Nguyễn Văn Huy cũng viết: “tin tặc là một loại dịch bệnh cần phải loại trừ ra khỏi mọi sinh hoạt bình thường của loài người. Đây là một sản phẩm bệnh hoạn được các chế độ độc tài dùng để trói tay, bịt mắt, cấm dân chúng bước vào xa lộ thông tin. Phải mạnh dạn tố cáo trước dư luận thế giới những hành vi để hèn của một chế độ không xứng đáng”.
Phải chăng chỉ khi bị đưa ra trước công luận quốc tế, bị thế giới tẩy chay, thì lúc đó những kẻ phạm tội mới biết sợ?
NH
Nguồn: RFA, 19-05-2010

Những dự án kỳ vĩ: Tầm nhìn quá xa làm ta lóa mắt

clip_image002
Trần Huy Ánh
"Ngân sách hiện nay không còn tích lũy. Những năm trước còn dự trữ một ít nhưng vài ba năm nay phải đi vay cho đầu tư xây dựng cơ bản. Làm điện hạt nhân, xây đường cao tốc đều phải vay, quy hoạch Hà Nội cũng đi vay" – Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn.
Chuyện ở xa
Có một bạn trẻ Việt kiều tại Nauy biết chúng tôi sắp "qua bển" đã ngỏ ý nhờ mua giúp bộ bát đĩa sứ. Chẳng nề hà, trong mỗi va li quần áo thêm chục cái bát đĩa nhỏ to, kể ra thì cũng hơi nặng. Sang tới nơi, mới biết ở đó đồ sứ bán bày la liệt ở các siêu thị. Hóa ra nhận làm cửu vạn hơn vạn cây số là để giúp bạn tiết kiệm vài trăm USD.
Nauy là quốc gia có GDP cao nhất nhì thế giới (gần 50.000 USD/người). Chỉ tính riêng quỹ  Dầu mỏ đã gần 200 tỷ USD (gấp 2 lần tổng GDP của VN) – Cả nước họ trưng cầu dân ý và thống nhất coi đó là tiền để dành cho tương lai, không được đưa vào tiêu dùng trong nước. Cuộc sống cả xã hội  rất đầy đủ nhưng của cải phân phối chi li. Cảnh ông chủ công ty vừa ăn trưa vừa ngồi họp, nhân viên làm việc tất bật, trẻ con nhặt cả bao tải vỏ chai nhựa để đưa vào máy ép nhận lại 1 curon/1 chai là bình thường. Cảm động nhất là có thanh niên mù ngày nào cũng gặp cần mẫn kéo Arcoordeon trên cầu và hôm nào cũng thấy bà cụ già chống nạng khó nhọc leo đến tận nơi tự tay bỏ giỏ vài đồng. Anh bạn Việt kiều lương khá cao, quy ra tiền Việt  gần trăm triệu đồng nhưng nhà cửa, đồ đạc, ô tô mua trả góp. Mới lấy vợ, con nhỏ, các khoản thuế… chi tiêu chặt chẽ từng xu.

Chuyện ở gần
Tháng 4/2008, nghe tin bà con Tây Hà Nội bán đất xây nhà, mua xe ầm ầm cũng thấy lo lo vì  thu nhập bình quân dẫu không nghèo, so với Nauy ta mới chỉ bằng 2%. Tháng 5/2010 lại rộ lên đợt mua bán đất rầm rĩ. Có nơi đền bù dự án đô thị cho 300 hộ nông dân lên tới 800 tỷ VNĐ… Không rõ là con số thống kê giàu nghèo liệu có đáng tin.

Dân giàu nước giàu thì còn gì vui hơn, nhưng nếu chưa giàu thì chuyện lập Quy hoạch giao thông cần cân nhắc nên dùng loại hình giao thông nào cho phù hợp. Ảnh minh họa: buckup
Trong bối cảnh thu Ngân sách TP khoảng 4 tỷ USD (72.000 tỷ VND) Quy hoạch Hà Nội đang được soạn thảo với dự kiến chỉ riêng khung kỹ thuật  hạ tầng trong 20 năm tới cần 30 tỷ USD, nếu đầu tư đô thị còn lớn hơn nhiều lần. Hàng ngày nghe tin lễ hội nơi nơi, xe hơi hàng khủng mới nhập, có người đã tậu máy bay riêng, hoa hậu toàn cầu tụ họp, đô thị hàng triệu mét sàn khởi công với khung cảnh hoa nở cây xanh thảm cỏ. Ở vùng quê người dân có tiền tỷ xây nhà mua một lúc mấy xe máy… Vậy thì dân ta giàu hay nghèo, nước ta đã giàu có chưa?
Dân giàu nước giàu thì còn gì vui hơn, nhưng nếu chưa giàu thì chuyện lập Quy hoạch giao thông cần cân nhắc nên dùng loại hình giao thông nào cho phù hợp và con đường nào nên làm trước để hỗ trợ sản xuất thay vì để trơn bánh ô tô chạy đến các căn hộ chia lô xây trên đất ruộng.
Ví dụ như mạng đường từ trung tâm TP Hà Nội  ra phía Tây để nối các đô thị có 1/5 dân số,  không cần nhiều trục giao thông lớn, chỉ đường Láng Hòa Lạc là đủ: Tổ chức tuyến xe buýt nhanh (RBT) thay vì làm đường sắt trên cao hay metro: vừa tốn tiền đầu tư và giá vé sẽ rất cao – không hợp với đa số người sử dụng giao thông công cộng còn nghèo.
Loại bỏ toàn bộ các trục đường Bắc Nam. Tây Thăng Long hay Đỗ Xá Quan Sơn: các con đường này xuyên qua Hành lang Xanh để nối các đô thị kinh doanh BĐS, tạo nguy cơ phá nát Hành lang Xanh. Chỉ cần nâng cấp đường sẵn có trên mái đê sông Đáy, sông Tích: vừa củng cố thủy lợi vừa an toàn do nền cao tránh được trũng ngập. Các đường vượt qua Hành lang Xanh cần đưa lên cao để đảm bảo thoát nước và triệt thoát đô thị bám đường  tự phát. Tăng cường vận tải thủy và đường sắt thường vận tải hàng hóa, chở khách rẻ tiền sẽ giảm 50-70% chi phí đầu tư giao thông ở phía Tây TP.
Giao thông nội đô với 8 tuyến chỉ cần ưu tiên 2 tuyến chính với đường sắt trên cao hay xe buýt nhanh -RBT,  nối Trung tâm TP với sân bay Nội Bài và đường sắt trên cao  Yên Viên – Ngọc Hồi (tuyến 1). Các tuyến Metro chỉ nên đầu tư sau khi cân đối được nguồn tài chính từ khai thác các trung tâm thương mại ngầm, bãi đỗ xe ngầm với các ga ngầm. Mặt khác cần kết hợp  thoát nước hay các trục đường cáp, tuynel kỹ thuật. Kết hợp đường trên cao với không gian phía dưới làm gara hay các dịch vụ sẽ huy động vốn xã hội. Khả năng giảm 50-70%  chi phí đầu tư giao thông nội đô TP.
Thông một con lộ mở cơ hội cho 6 tỉnh thành:
Các cụ xưa đã nói "lộ thông thì tài thông". Để tăng tính cạnh tranh thì phải hạ giá thành, chi phí vận chuyển phải thấp. Vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu thấp nhất tất yếu là đường biển. Biểu đồ dưới đây cho thấy 2 cảng biển quan trọng và Cảng Hải Phòng chiếm tỷ trọng vận chuyển không kém cảng Sài Gòn là bao nhiêu. Cảng Hải Phòng ngày càng có vị trí quan trọng khi Thủ tướng cho phép nghiên cứu dự án sân bay quốc tế: tương lai phát triển kinh tế Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng gắn bó chặt chẽ với cảng Hải Phòng.
Thế kỷ XIX , đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng  bằng đường thuỷ đi hết 7-8 ngày , đầu thế kỷ XX đường sắt đi hết 1 ngày sau đó giảm dần còn 4 giờ, đầu thế kỷ XXI đường bộ hết 2-2,5 giờ, đường sắt vẫn vậy và ngày càng tụt hậu. Mỗi ngày có hàng trăm ô tô chở container rầm rập trên đường trong khi lèo tèo vài chuyến tầu hỏa vắng khách. Nhiều diễn đàn tranh luận nên mở rộng đường sắt từ 1m lên 1,45m và tốt nhất là những toa tàu sang trọng lao trên đường cao tốc như những viên đạn với giá hàng tỷ USD.
Vốn ngành đường sắt đã hào phóng chi hàng triệu USD cho mỗi đầu tàu Diesel cực mạnh từ lâu rồi, nay chỉ cần vài trăm triệu USD nâng cấp hơn 100 km đường sắt, làm mới hệ thống tín hiệu, lập hành lang bảo vệ tuyến. Quan trọng nhất là ga chuyển đổi 2 đầu từ đường sắt sang đường bộ để chuyển container đến kho bãi các chủ hàng nhỏ lẻ. Thế là hàng trăm khu công nghiệp, nhà máy, khu đô thị bám đường QL 5,3,18… hạ thấp giá thành vận chuyển hàng hóa, tài lộc sẽ thi nhau tới, ngành đường sắt đường bộ cũng theo đà mà khấm khá theo. Các ông chủ sản xuất cứ bám theo hành lang này đảm bảo hàng trăm năm vượng thế làm ăn. Điều đó góp phần giảm áp lực giao thông trung tâm và Tây Hà Nội khoảng 60-80%.
Tuyến đường sắt Bắc – Nam dài 1.570 km, tốc độ 300 km/h. Tổng mức đầu tư 55 tỷ USD, bình quân là 35,6 triệu USD /km.Giai đoạn 2020 đưa vào vào khai thác đoạn từ Hà Nội – Vinh và đoạn Nha Trang – TPHCM. Giai đoạn đến 2030 xây dựng đưa vào khai thác đoạn Vinh – Đà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035. Đây thực sự thể hiện tầm nhìn rất xa của các nhà chiến lược giao thông. Chỉ e là tầm nhìn quá xa nên bỏ quên  những lợi ích vặt vãnh ngay trước mắt, nên nhân đây giới thiệu vài so sánh tham khảo. Nhất là các tổ chức tài chính quốc tế khuyến cáo: tỷ trọng đầu tư an toàn cho hạ tầng GT/GDP vào khoảng 7% là an toàn (Trung Quốc và Thái Lan 7-8%). Việt Nam  năm 2000-2006 đầu tư hạ tầng GT là 8,4-10,7% . Nếu có các dự án lớn, tỷ trọng sẽ tăng vọt.
THA
* Tài liệu tham khảo trên internet do Hanoidata ST&BT