28/7/10

Suy nghĩ về phát triển đất nước: Thân phận công dân hạng hai

Thân phận công dân thế giới hạng hai

Cuối năm 2006, suy nghĩ về thân phận công dân thế hạng hai là phản ứng đầu tiên trong tôi sau khi được nghe đài báo loan tin nước ta đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tôi hiểu, như thế là với bước đi này nước ta đã trở thành thành viên đầy đủ trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Tôi cũng hiểu, như thế là nước ta chấp nhận một cuộc đua tranh mới không ngang tài ngang sức trên thị trường thế giới. Tôi càng thấm thía những thách thức nhiều mặt bên trong bên ngoài đến từ cái nghèo và sự lạc hậu của đất nước. Khi tôi viết những dòng chữ này, thị trường tài chính thế giới đang tụt dốc, hàng chục tỷ USD, Euro, Yên… đang được cấp tốc bơm vào để mong chặn đứng cơn suy thoái này… Nếu lại xảy ra trận tsunami tiền tệ tài chính thế giới, nền kinh tế nước ta sẽ đứng ở đâu? có tai qua nạn khỏi được như năm 1997 không?

Công dân thế giới hạng hai, đấy là cái cùm đang xích vào chân dân tộc Việt Nam ta sau khi giành được độc lập thống nhất đất nước năm 1975. Tên gọi của thân phận này dấy lên trong tôi hình ảnh cái triện sắt nung đỏ thời trung cổ xa xưa thường được đóng vào trán kẻ nô lệ - để phân biệt với những người không phải là nô lệ. Khác chăng, là thời nay cái triện sắt nung đỏ ấy vô hình!

Tôi quá nhạy cảm, hay tôi xúc phạm dân tộc mình, đất nước mình?

Công dân thế giới loại hai, còn có nghĩa là trên thế giới này có công dân thế giới loại một! Thế giới này còn lâu mới “phẳng”, và chí ít bị phân chia thành hai đẳng cấp như vậy.

Một quốc gia đóng vai trò công dân thế giới hạng hai trên thế giới, có nghĩa là trong cộng đồng quốc tế quốc gia này lép vế và phụ thuộc hay lệ thuộc vào thế giới bên ngoài trên nhiều phương diện, tiếng nói của nó ít được lắng nghe, vai trò của nó trong cộng đồng quốc tế thường mờ nhạt – vai trò “thứ dân” trong cái “làng” thế giới - mặc dầu về pháp lý nó là nước độc lập, có chủ quyền, bình đẳng với mọi quốc gia khác. Quốc gia công dân thế giới hạng hai quá thiếu thực lực về mọi mặt tinh thần, vật chất, chính trị và văn hoá… để thực hiện vị thế lẽ ra phải có của mình là một quốc gia bình đẳng với mọi quốc gia khác trên thế giới này.

Nói ngắn gọn: Công dân thế giới hạng hai đang là công dân thân phận của nhiều nước độc lập, có chủ quyền, nhưng nghèo và lạc hậu. Phần lớn đấy là những đang phát triển thuộc nhóm nước nghèo trên thế giới, trong đó có Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Xin hãy gạt bỏ mọi kỳ thị quốc gia hay chủng tộc, sắc tộc.., xin hãy gạt bỏ mọi thứ quan niệm nhiều hình dạng của chủ nghĩa xô-vanh nước lớn hay chủ nghĩa xô-vanh nước nhỏ, để nhìn thẳng vào cái nghèo và lạc hậu kéo dài đang đóng vào trán chúng ta cái triện sắt nung đỏ: Nói trời nói đất gì cũng được, các người vẫn chỉ là công dân hạng hai trên thế giới này mà thôi! Cuộc sống cũng cho thấy một khi lực bất tòng tâm thì lẽ phải còn mấy ý nghĩa trong cái thế giới còn không ít chuyện sát phạt này? Mới đây nhất là vụ kiện Dioxin của chúng ta.

Xin hãy cắn răng nén lại lòng tự hào dân tộc, xin hãy thẳng thắn nhìn lại mình với tất cả ý thức tự trọng, để thấm thía nỗi nhục của một nước nghèo, để trong thâm tâm biết quằn quại với cái hèn khiến ta không sao có thể bằng vai bằng vế với thiên hạ.

Đất nước bốn ngàn năm văn hiến, trong lịch sử cận đại đã đánh thắng hai đế quốc to, đã một thời được coi là lương tri của nhân loại, đã hơn 30 năm là quốc gia độc lập có chủ quyền, là thành viên đầy đủ của hầu hết mọi tổ chức quốc tế và khu vực trên thế giới…, thế nhưng ngày nay cái nghèo và hèn nặng trĩu trên vai cứ dí đất nước ta xuống hàng ngũ công dân hạng hai của thế giới. Trong khi đó vị thế của đất nước không thể nói là thấp.

Đó đây trên thế giới có thể có những có những đầu óc, những tấm lòng biết tôn trọng lẽ phải, không thừa nhận, thậm chí không dung tha sự phân loại hay phân biệt đối xử với nhau như vậy trong cộng đồng thế giới. Nhưng cay nghiệt thay, cuộc sống thực tế mọi mặt trong cộng đồng thế giới hình như không thèm đếm xỉa đến những đạo đức hay quan điểm tân tiến này. Hoặc lịch sự, hoặc che đậy, hoặc trắng trợn, cuộc sống trên thế giới cứ bám vào cái nghèo và hèn của nước ta để đối xử với nước ta như trên thực tế (de facto) như một loại thứ dân trong trật tự quốc tế!

Xin hãy đoạn tuyệt với mọi sự biện minh hay tự bào chữa! Xin hãy quên đi việc tự ru, uống thuốc ngủ bằng những bài hát về niềm tự hào “nhất thế giới…”. Xin dừng cái việc đem mình hôm nay ra so sánh với mình hôm qua! Không sự biện minh hay loại thuốc ngủ nào có thể xoá đi dấu vết cái nghèo hèn. Triện công dân thế giới hạng hai đang hằn đen trên trán chúng ta!

Hãy tự hỏi: Cái nhục vì mất nước hôm qua và sự cay đắng vì nghèo hèn hôm nay có khác nhau bao nhiêu không?

Quốc gia độc lập rồi, nhưng để cho nghèo hèn kéo dài mãi, nỗi nhục càng lớn!

Xin hãy tự nhìn lại chính mình.

Những chuyện “nhỏ” nhất:

Lúc này lúc khác nước ta đã có cái “chợ vợ” cho người nước ngoài, báo chí đã phải lên tiếng… Ai mà không thắt ruột!?

Trên đường phố N. ở Phnom Penh tôi đã gặp những em gái làm nghề bán hoa là người Việt. Khi chuyện trò các em không ngần ngại chia sẻ nỗi xót xa của mình về cái nghề mình đang làm, song lại một mực chối bỏ mình là người Việt vì quá đau lòng! Ngồi nghe, tim tôi thắt lại - vì thương cảm, vì trân trọng tấm lòng của các em: có thể chối bỏ mình, nhưng không nỡ làm thương tổn thể diện quốc gia! Trời đất, ai đếm được ở Phnom Penh có bao nhiêu phụ nữ Việt Nam trong hoàn cảnh như vậy!?

Trong khi gần như cả thế giới nhiều năm nay nhao vào bào chữa để cứu 5 y tá người Bulgari và 1 bác sỹ người Palestin bị nhà cầm quyền Lybie xử oan và kết án tử hình - do bị khép vào tội làm lây nhiễm bệnh HIV cho trẻ em; 6 người này đã được cứu thoát. Thế nhưng ở phía trời Biển Đông thế giới lại lặng thinh trước việc 9 ngư dân của ta bị giết tháng 1-2005. Chuyện ngư dân ta bị giết như thế lại tái diễn trong tháng 7 này. Lại một lần nữa ta cắn răng ngậm bồ hòn làm ngọt, cố tìm cách giải quyết theo con đường nội bộ, còn thế giới thì yên lặng! Đương nhiên trên thế giới này chuyện nào cũng có những “dích-dắc” riêng của nó, nhưng cũng là sinh mạng con người trên thế giới, sao lại có những cách đối xử khác nhau như vậy?

Khi đọc trên báo chí ta những ý kiến đanh thép lên án việc bắt cóc các con tin Hàn quốc ở Afghanistan, càng chia sẻ bao nhiêu sự phẫn nộ chính đáng này, trong lòng tôi càng xót xa về những ngư dân ta bị giết nói trên và bản thân mình càng thấy nhục vì sự im lặng của phía ta. Đành rằng phải tỉnh táo vì lợi ích đại cục của đất nước, không để chuyện bé xé ra to, không kích thích thù hằn giữa hai nước… Nhưng phải chăng vì yếu và hèn nên không thể làm cách nào khác có tư thế hơn? Có cách gì phòng ngừa hiệu quả hay chấm dứt hẳn sự lạm sát này trên biển không?

Ai có thể vô cảm khi hàng ngày đọc những tin tức lao động Việt Nam ở nước ngoài bị ngược đãi và tước mất nhân phẩm, nhất là các lao động nữ!? Thế nhưng, vì không còn đường nào khác, nhiều người vẫn bán hết của cải, thậm chí phải vay nợ chồng nợ chất, để tìm đường đi lao động nước ngoài, hằng mong có thể đổi đời… Sinh viên mới tốt nghiệp, người tài… hễ chỗ nào công ty nước ngoài trả lương cao là nhao nhao vào… - chính đáng thôi, nhưng nếu… Tôi chạnh lòng nhớ lại những bài học cũ: Người là vốn quý nhất…, lao động là giá trị cao quý của con người và không phải là hàng hóa… Tôi không kỳ thị việc đi làm thuê như vậy, lao động để kiếm sống là chính đáng, thậm chí là cần thiết trong khi trong nước thiếu việc làm. Thế nhưng… tôi đã thấy những tập đoàn lớn của Hàn Quốc đưa lao động của họ đi xây dựng những công trình họ thắng thầu ở nước ngoài, hầu hết là những lao động có kỹ thuật, chạnh lòng so sánh với người mình đi làm thuê xứ người… - thật một trời một vực! Tôi nghĩ đến mối nguy chất xám của đất nước không được tận dụng, bị chảy máu… Bao trùm lên nỗi lo này là câu hỏi: Cả nước sẽ tiêm nhiễm tư tưởng đi làm thuê? Tư duy kinh tế của chúng ta sẽ không thoát được tư tưởng làm thuê? Thế thì bao giờ và như thế nào để trở thành làm chủ?

Tôi xin lỗi trước và không dám vơ đũa cả nắm… Hàng chục năm qua tôi đã dự khá nhiều hội nghị khu vực và quốc tế trên các lĩnh vực khác nhau. Họ giáo sư, tiến sỹ, ta cũng giáo sư, tiến sỹ; họ cấp bậc này nọ, ta cũng không kém… Thế nhưng trong không ít những hội nghị như thế ta nghe là chính – nghe có hiểu hay không lại là chuyện khác; tại không ít hội nghị hễ không có phiên dịch thì các đại biểu ta thường không có tai và không có cả mồm... Phát huy vai trò và tiếng nói của nước ta ra sao đây? Thế còn hậu hội nghị là cái gì? Hơn thế nữa, phải chăng vì những lẽ này, năm này qua năm khác, hàng nghìn, hàng nghìn cán bộ, viên chức từ cấp xã trở lên đi họp, đi học, tập huấn, tham quan… khắp nơi trên thế giới mà cái lạc hậu trong nước vẫn kéo dài?
Vân vân…

Thế còn những chuyện không “nhỏ” thì sao?

Cũng là một trong những nước hấp dẫn mạnh mẽ đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) như ai.., tôi vào một xí nghiệp lắp ráp ô-tô ở nước ta, tôi đến thăm một xí nghiệp như thế ở Thái Lan… Có thể khái quát thế này: Ở nước ta là công nghệ loại 3 loại 4, ở Thái Lan là công nghệ loại hai. Thế thì cạnh tranh sao đây? Nói lên so sánh này, tôi bấm bụng cố quên đi những chuyện các nhà máy mía đường mini và các nhà mày xi-măng lò đứng đang trở thành những đống vụn đổ vỡ rải rác trên nước ta…

Tôi phát sốt phát rét trước những tin tức ào ào trên báo chí về công nghiệp đóng tầu biển mà nước ngoài đang cố thải ra và nước ta đang cố gắng biến nó trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn - với tất cả những ưu ái có thể được dành cho nó, trong khi đó khoảng 2/3 hàng xuất nhập khẩu của nước ta lại do các hãng vận tải hàng hải nước ngoài đảm nhiệm.

Tai tôi ù lên về những tin tức Tập đoàn khai thác than và khoáng sản nước ta sẽ đưa sản lượng than lên thêm nhiều triệu tấn nữa cho xuất khẩu – trong khi nước ta thiếu điện… Trong đầu tôi dấy lại giấc mơ hãi hùng năm nào về một Quảng Ninh đen… Trên thực tế Quảng Ninh đã xuất hiện nhiều vùng đen mới. Sắp tới còn bauxite làm alumin cho xuất khẩu, còn bột giấy, còn nhiều nguyên liệu và khoáng sản khác và sản phẩm dựa trên lao động cơ bắp, cũng cho xuất khẩu…

Cả một dải vùng duyên hải phong phú từ Móng Cái đến Cà Mau nhiều quốc gia mơ cũng không có được đang được khai thác nham nhở… Tôi chạnh lòng nghĩ đến các nước phát triển khai thác, làm giàu và làm đẹp vùng duyên hải của họ như thế nào – còn hơn cả tấc đất tấc vàng!

Trong khi đó, trên đất nước ta đã xuất hiện những con sông chết, những làng ung thư; ách tắc và tai nạn giao thông đang là ác mộng hàng ngày, nhiều nơi bắt đầu thiếu nước, đất đai ngày càng khan hiếm…Phát triển như vậy, nước ta sẽ thoát khỏi nguy cơ trở thành bãi thải công nghiệp trong tương lai? Mà như thế sẽ làm sao thoát khỏi thân phận công dân thế giới hạng hai?

Các nước ASEAN ý thức rất rõ về vai trò của tổ chức mình, rất muốn Việt Nam với vị thế quan trọng trong khu vực sẽ đóng góp hiệu quả hơn nữa vào việc tăng cường mọi mặt tổ chức này. Lợi ích sống còn của nước ta cũng cần một ASEAN mạnh. Về mặt chính trị, Việt Nam đã được lên chức “trung phong” trong đội tuyển ASEAN. Thế nhưng kinh tế còn yếu như thế, vẫn chưa bước ra được khỏi nhóm ASEAN 4 (Việt Nam, Lào, Campuchia, Mianma), làm sao nước ta có thể góp phần đáp ứng mong ước chung về một ASEAN mạnh?

Năm 2008 đến lượt nước ta sẽ là thành viên không thường trực 1 năm của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc. Thực hiện vai trò này ra sao đây với thực lực mọi mặt, ý chí và tầm nhìn như hiện tại của nước nhà?

Trên đại dương có kẻ ngang ngược nói thẳng vào mặt chúng ta: Lực lượng hải quân các người như vậy hãy cố giữ lấy hải phận 12 hải lý thôi! Sức mấy mà các người đòi hơn!.. Luật pháp quốc tế nào cho phép hành xử như vậy? Thế còn biết bao nhiêu chuyện hệ trọng khác về an ninh, về toàn vẹn lãnh thổ, về chủ quyền quốc gia…sẽ ra sao?

Đời sống thế giới ngày nay có vô vàn vấn đề, của khu vực, của toàn cầu. Trong cuộc sống này không chỉ có ăn cướp, chụp giựt, bố thí, đi xin.., mà còn có vay có trả, có cho có nhận - những xu thế tốt này đang ngày càng tăng theo với quá trình phát triển của toàn cầu hoá. Trên thế giới này có biết bao nhiêu chuyện riêng của từng nước, và chuyện chung của từng khu vực hay của cả nhân loại, ta không vì người, làm sao có thể mong đợi người vì ta?

Chỗ này chỗ khác trong tư duy vẫn còn những ý nghĩ bạc nhược và ích kỷ: Nước ta quá nghèo, sức ta có hạn, lo cho thân mình chưa xong, hơi sức đâu mà lo cho người!

Quy luật muôn đời là: Ta có vì người, thì người mới vì ta. Trong thế giới này, bạn bè hỗ trợ nhau ngày càng gia tăng, mới đỡ bị lẻ loi, đỡ bị ăn hiếp. Ta không dấn thân như thế, làm sao thoát khỏi thân phận hạng hai trong thế giới này? Thế nhưng lực yếu, chí mỏng, tầm nhìn quanh quẩn những chuyện của chính mình thì làm sao có thể dấn thân vì người để người cũng sẽ vì ta?

Các chuyến đi thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa nước ta trở thành đối tác chiến lược của nhiều nước. Một triển vọng lớn rộng mở cho tương lai của đất nước. Tầm nhìn, ý chí, trí và lực của nước ta rồi đây sẽ phải như thế nào, để nước ta đáp ứng thoả đáng sự hợp tác quan trọng có ý nghĩa sống còn này, chứ không để nó chỉ là một lời cam kết?

Vân vân… và vân vân…

Mỗi chúng ta, không phân biệt một ai trong toàn thể cộng đồng dân tộc ta, trừ ai tự đánh mất mình dù theo cách nào, chừng nào còn coi mình là người con của dân tộc này, đều phải nhìn nhận lại tất cả với tinh thần phê phán, để ngay từ bây giờ phấn đấu thoát khỏi thân phận công dân thế giới hạng hai – còn nghèo thì phấn đấu theo cách nghèo.

Ta đi một bước, thiên hạ cũng đi một bước

Phải, sau 22 năm đổi mới, thu nhập theo đầu người của nước ta tăng 4 lần, việc xoá và giảm đói nghèo được thế giới nêu gương. Báo chí thế giới không hiếm những dự báo về một “con hổ”, “con rồng” Việt Nam ở Đông Nam Á đang vươn vai ra khỏi giấc ngủ của mình… Tất cả đều là sự thật. Tất cả là những kỳ tích không phải một nước đang phát triển nào trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 có thể làm được. Báo chí và dư luận thế giới đánh giá cao sự ổn định mọi mặt, có ấn tượng sâu sắc về tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục đứng thứ hai thế giới của nước ta trong thập niên này... Thực tế đúng là như vậy. Đấy là niềm tự hào lớn của đất nước, là một trong những yếu tố quan trọng để các đối tác nước ngoài “chọn mặt gửi vàng”, ngày càng mở rộng quan hệ làm ăn với nước ta.

Nếu lấy mức tăng GDP theo đầu người, lấy kim ngạch buôn bán với bên ngoài và FDI làm thước đo, việt Nam là một nền kinh tế năng động trong khu vực với nhiều triển vọng hứa hẹn. Nhất là từ hai năm nay những tiến bộ nhiều mặt của đất nước đang có triển vọng mở ra những bước đột phá mới - đặc biệt là thị trường vốn đang phát triển mạnh, nền kinh tế đất nước đang đem đến cho thị trường ngày càng nhiều sản phẩm mới. Là người Việt Nam, mỗi chúng ta có lẽ hiểu sâu sắc hơn ai hết những gì đã phải trải qua để đạt được những thành tựu rất có ý nghĩa này. Một thời kỳ phát triển mới của đất nước đang hé mở…

Trong mỗi chiến thắng, trong mỗi thành tựu giành được thường ấp ủ những mầm mống của những vấn đề mới, của những thất bại mới. Đơn giản là chiến thắng nào, thành tựu nào cũng phải trả giá, cũng đặt ra những đòi hỏi mới, thách thức mới. Cuộc sống cũng cho thấy những vấn đề mới, những thách thức mới đến từ những chiến thắng, từ những thành tựu nếu không được xử lý, có thể trở thành những yếu tố dẫn đến thất bại mới bằng con đường ngắn nhất. Ví dụ nóng hổi là quản lý một nền kinh tế xuất khẩu tới 60 – 70% sản phẩm làm ra hàng năm như của nước ta hiện nay, FDI chiếm tới 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm.., hiển nhiên tình hình này đang đặt ra những vấn đề, những thách thức hoàn toàn khác so với thời nền kinh tế bao cấp khép kín. Muốn thắng nghèo nàn lạc hậu, phải thường xuyên nhìn thẳng vào những mầm mống nguy cơ mới này với tầm nhìn dài hạn. Nhất là không được mất cảnh giác, không được tự ru ngủ mình.

Tốc độ tăng trưởng GDP 7 – 8% liên tục trong nhiều năm là một trong những thế mạnh của đất nước. Thế nhưng đã đến lúc phải nhìn sâu vào những hẫng hụt, những mất cân đối nhiều mặt đang tích tụ lại trong quá trình tăng trưởng này – ví dụ: giữa tầm nhìn và chiến lược kinh tế đang thực thi, giữa yêu cầu phát triển và năng lực quản lý, giữa cầu và cung trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, giữa số lượng và chất lượng của toàn bộ nền kinh tế, trên hết cả là giữa những đòi hỏi và khả năng đáp ứng trong việc phát triển nguồn nhân lực… Sự tăng trưởng năng động hiện nay nếu không nâng cao được chất lượng tăng trưởng sẽ nói lên điều gì?

Dưới đây xin lẩy ra một số vấn đề săm soi vào những yếu kém, những tồn tại cần khắc phục trong quá trình phát triển đất nước.

Câu chuyện: Ta đi một bước, thiên hạ cũng đi một bước. Ta chạy một bước, thiên hạ cũng chạy một bước.

Đi và chạy cật lực như thế, năm 1986 – năm bắt đầu công cuộc đổi mới – thu nhập theo đầu người của ta kém Trung Quốc 200USD, kém Thái Lan 997 USD, kém Malaysia 1950 USD, kém Indonesia 550 USD, kém Philippines 440 USD, kém Hàn Quốc 6940 USD… Cũng so sánh như vậy, năm 2006 thu nhập của ta kém Trung Quốc 1100 USD, Thái lan 2140 USD, Malaysia 4520 USD, Indonesia 750 USD, Philippines 420 USD, Hàn Quốc 17.000 USD… (tham khảo thêm thống kê của IMF 2007). Nghĩa là ta càng chạy như hiện nay khoảng cách thu nhập so với những nước này càng rộng ra!

Một hình ảnh cụ thể: Khoảng cùng thời gian ta khởi công xây dựng nhà ga sân bay quốc tế Nội Bài, Thái Lan cũng tiến hành xây dựng sân bay mới Suvarnabhumi cho Bangkok (thay thế sân bay Donmuang cũ). Hai sân bay mới này có quá nhiều chỉ số, tôi thực sự không biết nên so sánh ta với bạn như thế nào, cứ tạm đo lường theo số lượng các cổng (gates) ra máy bay và những tiện ích khác của mỗi bên vậy. Nếu cho điểm nhà ga sân bay quốc tế Nội Bài mới của ta là 1 thì có lẽ phải cho điểm Suvarnabhumi là 10. Ngay so với Donmuang cũ, Nội Bài mới của ta cũng kém xa! Nghĩa là ta đi một bước, bạn cũng đi một bước, nhưng sự khác nhau cụ thể thật ớn lạnh! Còn hệ thống đường xá của Thái Lan, có lẽ phải hai ba mươi năm sau ta mới đuổi kịp bạn ở mức hôm nay – với điều kiện có quy hoạch tổng thế khoa học, làm công trình nào xong đứt đoạn công trình ấy, chứ không dang dở và kéo dài lê thê, gối đầu triền miên năm nay qua năm khác như đang diễn ra khắp nước ta.

Một so sánh nữa: Tập đoàn dầu khí Petro Vietnam và tập đoàn dầu khí Malaysia Petronas ra đời gần như cùng một thời điểm năm 1974, đều là tập đoàn của quốc gia. Thế nhưng từ giữa thập kỷ 1990 Petronas đã vươn ra đầu tư và khai thác nhiều nơi trên thế giới và trở thành một trong những tập đoàn kinh tế tổng hợp lớn nhất của Malaysia. Trong khi đó Petro Vietnam cho đến hôm nay vẫn chưa phải là nhà kinh doanh lớn nhất ngay trong vùng biển của mình, hầu như chưa vươn ra khỏi vùng biển nước mình, nhà máy lọc dầu Dung Quất 9 năm chưa hoàn thành… Tôi thực sự băn khoăn về giá thành, tính hiệu quả kinh tế và khả năng sinh lời của công trình này. Có thể giải thích công khai được không? Âu cũng là ta đi một bước, bạn đi một bước!

Báo chí thế giới gần đây nói nhiều về Campuchia hiện nay: Một nước mà người dân ở đây trước kia không biết gì hơn là mưa và ruộng lúa, thời Polpot đã xoá bỏ cả tiền tệ… Thế nhưng trong ngôn ngữ đời sống của họ hôm nay đã xuất hiện những từ ngữ mới: Chứng khoán, trái phiếu… FDI đang tăng vọt ở thị trường nước này. Đáng chú ý là hàng may mặc xuất khẩu của Campuchia đã cạnh tranh ngang ngửa với sản phẩm của Việt Nam trên thị trường thế giới cũng như ngay tại nước ta. Kinh tế Campuchia còn rất nhiều vấn đề - từ tham nhũng đến sự thiếu công khai minh bạch trong thực thi luật pháp như bất kỳ một nước đang phát triển nào ở thời kỳ ban đầu này. Tuy nhiên, điều khác với nhiều nước đang phát triển khác là sự ổn định ngày càng gia tăng, chính phủ quyết tâm vận dụng cơ chế kinh tế thị trường trong khung khổ của WTO, người tài được thu dụng và được đưa vào nhiều trọng trách trong cơ quan nhà nước, sự điều hành đất nước đang hướng về pháp quyền theo những điều kiện cụ thể của đất nước này.

    * Hàn thử biểu thứ nhất để đo sự phát triển của Campuchia hiện nay là: cho đến hết thập kỷ trước, kinh tế Campuchia chỉ tăng trưởng khoảng 5% năm hoặc thấp hơn, với lạm phát là 2 con số. Song từ 3 năm nay tăng trưởng GDP bình quân của Campuchia là 11,4% (cao hơn Việt Nam), với chỉ số lạm phát khoảng 5% (năm 2006 chỉ số này là 4,7% - IMF 2007).
    * Hàn thử biểu thứ hai để đo sự phát triển này là nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc đang rót vốn vào nhiều đề tài kinh tế quan trọng, thị trường chứng khoán đã xuất hiện, chính phủ Campuchia được đánh giá là chính phủ thân thiện với kinh doanh. Một nhà kinh tế Hàn Quốc nhận định: Sự hoang dã trong nền kinh tế Campuchia hiện nay không khác gì tình hình ở Hàn Quốc cách đây nửa thế kỷ, thế nhưng Campuchia đã đi tới một điểm… “…con chuột nhắt châu Á – bài báo này ví Campuchia như vậy - sẽ gầm lên!..”1

Rõ ràng ta đi một bước, Campuchia cũng đi một bước, song rồi đây ai biết mèo nào sẽ cắn mỉu nào?

Xin hãy đến thăm một xí nghiệp có FDI về ô-tô ở Trung Quốc…

Có thể nhận thấy ngay Trung Quốc cũng bắt đầu từ FDI, đã đi qua đủ những cung đoạn, từ lắp ráp, gia công, tham gia chế tác.., bây giờ là tiến lên tự chế tác, tự thiết kế, tự sản xuất và tự đặt ra thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình… Tự nhiên bạn sẽ hiểu ngay vì sao ô-tô Trung Quốc đã bắt đầu len được vào thị trường Mỹ và châu Âu! Tất cả những cung đoạn này Trung Quốc đã đi qua trong vòng 30 năm! Tất cả những cung đoạn này nói lên ý chí và nội dung phát huy nội lực – và hình như rất khác với nội dung phát huy nội lực của ta. Trung Quốc còn có nhiều sản phẩm công nghệ cao khác đã trải qua con đường như thế…

Tôi tự hỏi, tầm nhìn nào, luật pháp nào và chính sách nào đã đưa Trung Quốc lên con đường này với những bước đi bài bản và ngoạn mục trong khoảng thời gian ngắn như vậy?

Ta cũng đi trên con đường này 22 năm rồi – nghĩa là 2/3 thời gian con đường Trung Quốc đã đi, hiện nay ta đang ở đâu?

Xin nói thêm, theo báo chí nước ngoài, có tới 70 – 80% know how công nghệ thuộc loại hiện đại nhất của Trung Quốc - như công nghệ vũ trụ, hạt nhân, tin học… - là do những trí thức người Hoa học tập và sống ở nước ngoài làm ra hoặc đem về. Trung Quốc đã bắt đầu có bộ trưởng là người ngoài Đảng…

Trong vòng 3 thập kỷ, Trung Quốc từ một nền kinh tế khổng lồ lạc hậu trở thành công xưởng của cả thế giới, đang làm cho cả thế giới thán phục, kinh ngạc, sợ hãi.

Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với tất cả sức mạnh chính trị, quân sự trong thời gian không xa. không ít những dự báo về sự xuất hiện siêu cường Trung Quốc, trong khi ngọn cờ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung quốc cứ tiếp tục dâng cao. Cả thế giới – trước hết là các nước phát triển, đang lo lắng phải thay đổi như thế nào để thích nghi với thực tế này. Sự xuất hiện “công xưởng của thế giới” này được nhiều người đánh giá là sự kiện kinh tế quan trọng nhất trên thế giới kể từ cuộc cách mạng công nghiệp (bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII), vì nó đang biến đổi sâu sắc cấu trúc và quan hệ kinh tế thế giới hiện tại! Thực tế này khiến người ta nhớ lại một câu trong Tuyên ngôn Cộng sản, nhưng với một ý khác: Hàng hoá rẻ của Trung Quốc đang bắn thủng các dinh lũy của cấu trúc kinh tế thế giới hiện tại2.

Sát nách cái “công xưởng của thế giới”, nước ta nghĩ gì? Ta đi một bước, Trung Quốc cũng đi một bước là như thế đấy3.

Suy nghĩ về tuyên chiến với nghèo hèn

Có nhiều thứ để đổ tội một cách chính đáng cho cái nghèo hèn hiện nay nước ta đang phải mang vác trên vai. Nhưng “đổ tội” được như vậy ta sẽ mau trở nên giầu sang? Sẽ thanh thản hơn? Lương tâm sẽ đỡ cắn dứt hơn?.

Nghèo và lạc hậu, không phải là một bệnh, càng không phải là một số phận, mà là sản phẩm của một thực tế nhất định, bao gồm hai phần: khách quan và chủ quan. Điều quan trọng là trí tuệ, tầm nhìn, ý chí chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, tất cả cần được hun đúc thành sự đồng thuận của toàn dân tộc, kết tinh lại thành ý chính trị mãnh liệt của toàn dân tộc.

Nói một cách khác:

Chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, quyết thoát khỏi thân phận công dân hạng hai của thế giới phải là sự nghiệp và khát vọng của toàn dân tộc. Đặt ra được vấn đề như vậy, sẽ tìm ra con đường và sức mạnh đi tới mục tiêu.

Khát vọng này, ý chí chính trị này là yếu tố đầu tiên phải tạo ra trước khi bắt tay vào mọi việc khác - trước hết với ý nghĩa phải chiến thắng những yếu kém của chính bản mỗi con người chúng ta, phải chiến thắng những yếu kém của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ta. Chỉ có sự phấn đấu của bản thân, dứt khoát không đổ lỗi cho một hoàn cảnh hay nguyên nhân nào cả.

Hãy nhìn ra cả thế giới, có những quốc gia sống trong những điều kiện còn ngặt nghèo hơn nước ta, họ đi lên được và thoát khỏi thân phận công dân thế giới hạng hai. Nước ta - một dân tộc đang lên, tuổi trẻ chiếm quá nửa dân số - tại sao không?

Dưới đây xin nêu lên một số ý kiến bàn thêm về khía cạnh chủ quan.

Tầm nhìn

Sự ra đời của các “con hổ”, “con rồng” Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan đều bắt đầu từ tầm nhìn của những người lãnh đạo đương thời.

Sự nghiệp cải cách ở Trung Quốc và những gặt hái thành công cũng bắt đầu từ tầm nhìn của Đặng Tiểu Bình. Trước tình hình bế tắc hiện nay ở Iraq và nhiều vấn đề khác đang đặt ra đối với nước Mỹ, dư luận rộng rãi ở Mỹ đang bức xúc đặt ra vấn đề phải đổi mới đội ngũ lãnh đạo với tầm nhìn mới của nước họ.

Công cuộc đổi mới ở Việt Nam được dấy lên từ cuộc sống và cuối cùng trở thành đường lối của Đảng Cộng Sản Việt Nam, trước hết là nhờ đổi mới tư duy trong Đảng – nghĩa là cũng bắt đầu từ tầm nhìn. (Lùi xa chút nữa vào lịch sử: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập nhà nước cách mạng với chính thể dân chủ cộng hoà trước hết bắt nguồn từ tầm nhìn nắm lấy thời cơ và quyết định chính trị tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Tầm nhìn như thế ở tất cả các nước nói trên, kể cả nước ta, có đặc trưng chung là thừa nhận xu thế vận động khách quan của sự vật - ở đây là những vấn đề mang tính quy luật phát triển khách quan của một quốc gia, và nhận thức được sự gắn kết tất yếu giữa phát triển đất nước mình với xu thế phát triển chung của thế giới, phấn đấu cho nước mình trở thành một bộ phận năng động của kinh tế thế giới – đó cũng là cách khai thác tốt nhất mọi thuận lợi và đối phó chủ động nhất đối với mọi thách thức trong quá trình toàn cầu hoá.

Dựa vào thực tiễn của 20 năm đổi mới, có thể nói tầm nhìn như vậy đòi hỏi loại bỏ triệt để mọi duy ý chí dù màu sắc chính trị nào, và phải có ý chí sắt đá phát huy sức mạnh dân tộc và dân chủ. Có tầm nhìn trở thành ý chí chính trị như vậy, mới có những thứ khác. Mọi thành tựu đạt được của đổi mới khẳng định điều này, mọi thất bại trong đổi mới cũng cho thấy có nguyên nhân quan trọng là duy ý chí và kìm hãm phát huy sức mạnh dân tộc và dân chủ. Thực chất của công cuộc đổi mới ở nước ta trước hết là một quá trình tìm cách giải phóng và phát huy sức mạnh dân tộc, dân chủ.

Những điều vừa trình bày trên cho phép kết luận: Nhìn ra được xu thế vận động của sự vật, tìm ra được cách giải phóng mọi nguồn lực để làm chủ xu thế vận động này, đó chính là nội dung tầm nhìn cần phải có để thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu và để không phải chịu hèn.

Cái gì làm cho nước ta gần như trong một đêm từ nước thường xuyên thiếu đói phải nhập lương thực trở thành nước xuất khẩu lương thực có hạng trên thế giới?

Cái gì làm cho nền kinh tế tự cung tự cấp của nước ta ngày nay trở thành một nền kinh tế xuất khẩu tới 60% của cải làm ra hàng năm?

Cái gì trước hết, nếu không phải là tầm nhìn – xuất phát từ tư duy đã được đổi mới?

Cái gì trước hết đang gây ra những hẫng hụt, những ách tắc, những mất cân đối đang tồn tại trong nền kinh tế nước ta, cái gì cản trở việc khắc phục những yếu kém và tha hoá trong hệ thống chính trị và quản lý đất nước của ta, nếu trước hết không phải là tầm nhìn bất cập?
Như vậy, phải chăng có đủ lý lẽ để nói:

Cái trước hết có thể làm cho đất nước giàu mạnh là tầm nhìn đúng đắn trở thành một ý chí chính trị; cái kìm hãm lớn nhất sự phát triển của đất nước là tầm nhìn bất cập.

Thiết nghĩ vấn đề bức xúc nhất là cần mổ xẻ thấu đáo mọi khả năng giải phóng mọi nguồn lực làm đất nước giàu mạnh, bắt đầu sự nghiệp này từ mở rộng tầm nhìn. Vấn đề bức xúc khác là vạch ra để khắc phục mọi nhân tố kìm hãm phát triển đất nước có nguồn gốc từ tầm nhìn bất cập. Mọi giá trị tư tưởng, đạo đức phải được soi rọi và xác lập từ tầm nhìn mới này.

Lợi ích của sự nghiệp phát triển đất nước, lợi ích bảo vệ an ninh và ổn định của đất nước đang cấp thiết đòi hỏi huy động những bộ não kiệt xuất của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ta, trong nước cũng như ngoài nước - trước hết từ giới trí thức, giới doanh nhân, những người làm chính sách – đưa ra tầm nhìn làm thay đổi cuộc chạy đua “ta đi một bước, thiên hạ cũng đi một bước” như đã diễn ra trong hai mươi năm đổi mới đầu tiên của đất nước! Thời kỳ này sang trang rồi, phải hạn chế dần và tiến tới từ giã hẳn chạy đua bằng huy động lao động cơ bắp và tài nguyên thiên nhiên là chủ yếu (cũng có nghĩa là chạy đua bằng công nghệ thấp và bán môi trường tự nhiên là chủ yếu), để tìm một phương thức chạy đua mới – bằng cách xây dựng lợi thế so sánh mới trên cơ sở phát huy nguồn lực con người và khai thác hội nhập quốc tế.

Chuyển sang chạy đua bằng xác lập và phát huy lợi thế so sánh mới như vậy là một cuộc phấn đấu vô cùng gian khổ, quyết liệt và toàn diện, bởi vì phải xoá bỏ nhiều cái cũ, phải tạo ra nhiều cái mới - từ cách nghĩ, thể chế, chính sách, cơ chế, đến các điều kiện tinh thần, vật chất, kỹ thuật, văn hoá… – để phát huy được nguồn lực con người và khả năng sáng tạo của nó, để khai thác xu thế hội nhập.

Về nhiều mặt, tạo ra lợi thế so sánh mới như thế, đòi hỏi mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc chúng ta phải dấn thân vào một cuộc phấn đấu mới thay đổi và nâng cao chính bản thân mỗi chúng ta, không trừ một ai. Người có địa vị kinh tế, chính trị, xã hội, trình độ học vấn càng cao, trách nhiệm này của họ càng lớn; tất cả phải được thử thách, được tôi luyện, sàng lọc qua quá trình phấn đấu mới này. Muốn đưa đất nước ta đi lên, mỗi người chúng ta – không có một sự phân biệt nào - đều phải đem hết trí tuệ, nghị lực và lòng yêu nước mà phấn đấu như vậy và chấp nhận sự sàng lọc của cả nước – không thể gia giảm hay ăn bớt được đối với bất kỳ một ai.

Nếu muốn, cũng có thể gọi sự nghiêp đổi mới lợi thế so sánh như thế nhất thiết phải tiến hành, thực chất là một cuộc cách mạng toàn diện đời sống của đất nước và mỗi con người Việt Nam chúng ta, tất cả nhằm vào “hàm lượng trí tuệ cao hơn, hàm lượng công nghệ cao hơn, chất lượng tốt hơn” – và đấy chính là giá trị đạo đức cao nhất! Bắt đầu ngay từ những bước đi thấp nhất. Không bắt đầu ngay từ bây giờ, thì đợi đến bao giờ? Hay không bao giờ?

Xin hãy từ tầm nhìn này huy động mọi trí tuệ xác định lại tất cả.

Muốn sự nghiệp này là của toàn dân, đất nước này phải là của toàn dân
Phi Hoa

TRẬN CHIẾN LÃO SƠN

Cục phòng vệ Nhật Bản

Đại học Phòng vệ. 

Tài liệu nghiên cứu giảng dạy dành cho sinh viên sĩ quan của Tự vệ đội.

Nghiên cứu viên Nakamura Masanori.

  Trận chiến Lão Sơn

Trận chiến Lão Sơn được xem là trận chiến đẫm máu khốc liệt nhất trong vùng Á Châu gần đây. Cuộc chiến nổ ra tại một căn cứ quân sự của Việt nam tại điểm cao 1059 và điểm cao 1250 (722 phía VN) dọc theo biên giới Việt Trung mà phía Trung Quốc gọi là Lão Sơn và Giả Âm Sơn. Để chiếm được 2 cao điểm này Giải phóng quân Trung Quốc đã tạo ra một cuộc xung đột võ trang vớI quy mô lơn. Lịch sử quân sự Trung Quốc gọI cuộc chiến chiếm 2 điểm cao này là Chiến dịch Lưỡng Sơn.
Trận chiến Lão Sơn bắt đầu vào ngày 2 tháng năm 1984 khởI màn bằng trận tấn công tổng lực bằng pháo binh vào căn cứ quân sự của quân độI Việt nam.
Cuộc chiến chia thành 3 giai đoạn.giao tranh quân sự giữa quân độI 2 nước Việt nam và Trung Quốc
  Giai đoạn 1 : Từ ngày 2 tháng 4 đến ngày 15 tháng 4 năm 1984
  Giai đoạn 2 : Từ ngày 2 tháng 6 đến ngày 10 tháng 7 năm 1984
  Giai đoạn 3 : Từ ngày 12 tháng 7 đến ngày 14 tháng 7 năm 1984
Trận chiến kết thúc vào ngày 14 tháng 7 năm 1984 bằng một trận đánh cảm tử xáp lá cà (bạch binh chiến) của các binh sĩ Việt nam. Phía Trung Quốc đã phản công bằng pháo binh và hỏa lực mạnh để tử thủ Lão Sơn. Sau trận chiến này với số thương vong quá lớn , quân đội VN đã hoàn toàn bỏ cuộc, lãnh thổ Việt nam đã mất vùng núi Đất (Lão sơn) vào tay Trung Quốc từ đó. Sau hiệp định hoạch định biên giới Việt Trung thì 2 vùng núi này chính thức trở thành lãnh thổ của Trung Quốc. 
 Tương quan lực lượng tham chiến :
Phía Trung Quốc :
 Tướng chỉ huy : Dương Đắc Chí
 Chiến lực: Quân đoàn 14, quân đàon 11,quân đòan 1, tập đàon quân 67, tập đàon quân 27, tập đoàn quân 13.
 Số binh sĩ thương vong : Bất minh (có nguồn thông tin cho biết khoảng 939 binh sử tử trận)
Phía Việt nam :
 Tướng Chỉ huy: Tướng Văn Tiến Dũng
Chiến lực : Sư đoàn 313, sư đàn 316, sư đoàn 356 chính quy. Địa phương quân và dân binh.
 Số binh sĩ thương vong : Bất minh (theo nguồn tin Trung Quốc thì có 3700 binh sĩ Việt nam tử trận còn lại trên chiến trường , dự đoán binh sĩ tử trận khoảng 4000 binh sỉ, theo nguồn tin của phóng viên chiến trường của NHK được biết chính xác là trung đoàn 174 thuộc sư đòan 316 VN sau 10h giao tranh với sư đoàn 119 của Trung Quốc tại điểm cao 142, 149 thuộc khu vực Na lập vào ngày 12 tháng 7 năm 1984 phía VN bị tử thương 300 binh sĩ tại mặt trận  ).

1)      Quá trình đưa đến sự giao tranh
Trong suốt thời gian trước hoạch định biên giới Việt Trung thì Lão Sơn và Giả Âm Sơn được công nhận là lãnh thổ của Việt nam. Lão sơn với cao độ 1422.2mm so với mặt biển là một vị trí chiến lược quan trọng trong phối trí quân lực trong suốt lịch sử vệ quốc của người Việt nam. Từ đây có thể giám sát con đường huyết mạch nối từ Hà Giang của Việt nam sang Trung Quốc. Năm 1979 trên đường tiến quân sang đánh Việt nam tướng Dương Đắc Chí tư lệnh quân khu Côn Minh đã chiếm vùng này , sự tiến quân quá nhanh của Trung Quốc vào Việt nam đã khiến tướng Dương Đắc Chí khinh địch và đánh giá thấp tướng Võ Nguyên Giáp một thiên tài quân sự của Việt nam.Trong một công điện báo công với Đặng Tiểu Bình sau khi xâm nhập vào Việt nam mà không bị tổn thất nhiều tướng Dương Đắc Chí đã xin phép cho thêm một tuần nữa để tiến quân đến Hà Nội bắt sống toàn bộ ban lãnh đạo Việt nam. Phía Việt nam Tướng Võ Nguyên Giáp đã áp dụng nhuần nhuyễn chiến thuật Dụ địch vào sâu nội địa, Cắt đứt quân viện hậu cần, Tổng phản công, một chiến thuật trong kinh nghiệm vệ quốc hàng ngàn năm qua của người Việt nam đối với Trung Quốc, tướng Võ Nguyên Giáp với các lực lương khinh binh và địa phương quân đã phá hủy toàn bộ các tuyến quân viện hậu cần của Tướng Dương Đắc Chí khiến trên 500 chiến xe của Giải phóng quân Trung Quốc dưới quyền của tướng Dương Đắc Chí trở thành những cục sắt chết không hoạt động được trên chiến trường vì thiếu nhiên liệu và trở thành các điểm tác xạ của Địa phương quân VN. Trước tình thế tan rã toàn bộ các quân đoàn tiến chiếm Việt nam tướng Dương Đắc Chí buộc phải cấp tốc xin lệnh rút binh về nước. Trên đường rút binh của tướng Dương Đắc Chí , quân đội Trung Quốc đã bị tổn thất nặng nề bởi sự truy kích bằng pháo binh của quân đội Việt nam từ điểm cao 1059 này. Có một kỳ tích về hành quân mà đến thời điểm này các nhà phân tích về chiến lược quân sự cũng không hiểu bằng cách nào chỉ trong vòng một thời gian ngắn chưa đầy 1 ngày mà tướng Võ nguyên Giáp của Việt nam có thể phối trí một lực lượng pháo binh mạnh tại một căn cứ có địa hình hiểm trở để có thể truy kích tận diệt các binh đoàn của Trung quốc trên đường rút chạy khỏi VN, mặc dầu Đặng Tiểu Bình tuyên bố đã dạy xong cho VN một bài học nhưng trên thực tế thì có thể nói rằng gần như toàn bộ các quân đoàn của quân khu Côn minh dưới quyền tướng Dương Đắc Chí đã bị tổn thất nặng nề gần như hoàn toàn bị xóa sổ.
 Từ sự giáo huấn của lần đại bại năm 1979, Đặng Tiểu Bình đã phải đi đến quyết định cải cách lại quân đội theo hướng hiện đại hóa. Tướng Dương Đắc Chí được sự ủng hộ của Đặng Tiểu Bình đã nắm chức tổng tham mưu trưởng kiêm Ủy viên của Ủy ban có tên là Trung Cộng Trung ương Quân sự Ủy viên hội, để phục hận 5 năm về trước, kiểm soát không phận và uy hiếp tỉnh Hà Giang cũng như làm bàn đạp để tấn công bình định Việt nam nếu có xảy ra đồng thời để hồi phục lại uy tín của quân đội đã xuống đến tận đáy, tướng Dương Đắc Chí đã lên kế hoạch chiếm lĩnh 2 điểm cao của vùng núi Lưỡng Sơn này.

2)      Quá trình giao tranh
 Ngày 2 tháng 4 năm 1984 quân độI Trung Quốc bắt đầu pháo kích đạI quy mô vào điểm cao 1059 của Việt nam mở đầu cho trận giao tranh. Cuộc pháo kích kéo dài 26 ngày cho đến ngày 27 tháng 4 năm 1984
 Ngày 28 tháng 4 qua thông tin tình báo biết được phía VN đang chuẩn bị thay quân tại điểm cao này , vào lúc quân số của phía VN đồn trú ít nhất ở căn cứ 1059, tướng DƯơng Đắc Chí đã ra lệnh cho sư đoàn 40 và sư đoàn 49 thuộc quân đoàn 14 quân khu Côn Minh bắt đầu tấn công căn cứ hiểm yếu này. Mặc dầu với số quân áp đảo là 2 sư đoàn nhưng trước sự thiện chiến và quả cảm của lực lượng nhỏ quân đội Vn đóng tại đó, phía Trung Quốc đã chịu nhiều tổn thất nặng nề. Phải sau 18 ngày chiến đấu quân đội Trung Quốc mới chiếm lĩnh được một phần của Lão Sơn và Giả Âm Sơn vào ngày 15 tháng 5 năm 1984.

 Ngày 12 tháng 6 đến ngày 7 tháng 10 năm 1984 được xem là giai đoạn giao tranh thứ 2, quân đội VN đã cố gắng tổ chức tái chiếm lại Lão Sơn, trong giai đạon giao tranh này thương vong phía Việt nam không xác định được nhưng phía Trung Quốc thì 2 đại đội có nhiệm vụ tử thủ căn cứ này đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Phía Việt nam tạm thời chiếm lại Lão Sơn. Rút kinh nghiệm từ lần giao tranh này tướng Dương Đắc Chí đã cho sử dụng hỏa tiễn liên trang để đối kháng và sau đó dùng bộ binh tái chiếm căn cứ. Đối lại quân đội VN dùng súng cối và vũ khí hạng nhẹ, lưỡi lê với cách đánh cận chiến cảm tử bám sát vào quân đội Trung Quốc để đánh nhằm giảm nguy cơ thương vong vì hỏa tiễn đã gây thương vong khủng khiếp cho cả lực lượng hai bên. Tuy nhiên trước sự áp đảo về lực lượng và vũ khí của Trung Quốc phía Việt nam đã chịu thất bại trong nỗ lực phòng thủ căn cứ. Sau trận giao tranh này Trung Quốc chiếm được căn cứ trở lại.
 Giai đoạn 3 của cuộc giao tranh bắt đầu từ ngày 12 tháng 7 đến ngày 14 tháng 7. Được thông tin tình báo chính xác từ một sĩ quan cao cấp trong Cục quân báo Việt nam tướng Dương Đắc Chí đã nắm rõ toàn bộ kế hoạch hành quân tái chiếm căn cứ của VN. Bằng cách bố trí pháo binh mạnh và hõa tiễn đa liên trang tập trung vào các điểm quân đội Việt sẽ tập kết bên mạn sườn núi ở cao độ 500 và 800 quân đội Trung Quốc chỉ còn chờ đợi quân đội Việt nam bước vào cửa tử bằng trận địa bao vây bằng hỏa tiển và pháo. Phía Việt nam lần này với sự trợ giúp của các cố vấn quân sự Liên Xô và trực tiếp tướng Văn Tiến Dũng chỉ huy đã tổ chức nghi binh nhằm đánh lạc hướng theo dõi của tình báo Trung Quốc bằng cách chọn ra 6 trung đoàn từ các sư đoàn 313, sư đoàn 316, sư đòan 356.Kế hoạch hành quân có mật danh là " MB84, thu hồi lãnh thổ" Tuy nhiên điều cả tướng Văn Tiến Dũng và các cố vấn quân sự Liên Xô cũng không ngờ là họ đã bị bán đứng bởi một sĩ quan cao cấp phản bội. Ngày 12 tháng 7 năm 1984 , 6 trung đoàn quân Việt nam lần lượt tập kết vào các địa điểm đã được tướng Dương Đắc Chí đợi sẵn ở cao độ 500 và 800 bên dưới cao điểm 1059. 5 giờ sáng giờ Việt nam ngày 12 tháng 7 quân đội VN bắt đầu men theo triền núi để tổng công kích và trận pháo kích bao vây tận diệt của tướng Dương Đắc Chí cũng bắt đầu. Sau 17 tiếng đồng hồ pháo kích tập trung vào các điểm đã biết trước dựa theo kế hoạch hành quân mang tên MB84 của Việt nam, tướng Dương Đắc Chí hoàn toàn đại thắng. Quân đội VN buộc phãi rút lui với dự đóan khoảng 3700 thi thể binh sĩ bị bỏ lại trên đỉnh Lão Sơn.
 
3)      Ảnh hưởng về mặt quân sự
(Còn tiếp)

30 năm cuộc chiến Việt - Trung

Cuộc chiến Việt - Trung mở màn ngày 17.02.1979
Cuộc chiến Việt - Trung (tháng Hai - Ba 1979) đánh dấu điểm tệ hại nhất trong lịch sử quan hệ hiện đại hai nước.
Cuộc chiến bắt đầu ngày 17.02.1979 khi chừng 100.000 quân Giải phóng Nhân dân, có xe tăng và pháo binh hỗ trợ, vượt qua đường biên giới 1300 cây số.
'Dạy bài học'
Giao tranh ngắn ngủi nhưng đẫm máu kéo tới ngày 5.3.1979 khi Bắc Kinh loan báo rút quân. Phải tới ngày 16.3 thì việc triệt thoái mới hoàn tất. Nhưng cho tới mãi cuối thập niên 1980, Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên Việt Nam tại biên giới, và dọa dạy chọ người Việt bài học thứ hai.
Tháng Bảy 1978, khi Trung Quốc lần đầu nói rõ ý định dạy "Việt Nam một bài học", đó là để phản ứng lại sự đối xử của chính phủ Việt Nam với người Hoa.
Bắc Kinh cáo buộc Hà Nội ngược đãi Hoa kiều, xóa bỏ thỏa thuận năm 1955 theo đó không bắt Hoa kiều phải trở thành công dân Việt Nam. Đến ngày 11.7.1978, Trung Quốc đóng cửa biên giới Việt - Trung để kiểm soát dòng tị nạn vào Trung Quốc.
Nhưng lý do thực sự của chiến tranh lại liên quan mối quan hệ tay ba thay đổi giữa Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô, và sự xâm lấn Campuchia là điểm sôi chót.
Ngày 5.7.1979, trong vòng đàm phán giữa Bắc Kinh và Hà Nội, Trung Quốc bỏ qua vấn đề Hoa kiều và biên giới, mà đòi cuộc thương lượng "tiếp tục từ vấn đề then chốt - chống lại bá quyền".
Trung Quốc nói việc Việt Nam xâm lấn Campuchia là một phần kế hoạch thành lập Liên bang Đông Dương, đi theo "mưu đồ bá chủ thế giới" của Liên Xô. Ngay từ tháng Chín 1975, Trung Quốc đã ép Lê Duẩn từ bỏ quan hệ gần gũi với Liên Xô bằng việc ký tuyên bố chung chống bá quyền - nhưng Lê Duẩn từ chối.
Mỹ xa, đành chọn Liên Xô
Chúng ta biết Bắc Kinh bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc chiến Việt - Trung ngay từ tháng Tám 1978.
Ngày 3.11.1978, Hà Nội và Moscow ký hiệp ước hữu nghị Việt - Xô. Câu hỏi lớn cần đặt là vì sao Việt Nam chỉ ký nó vào lúc này cho dù đã có quan hệ gần với Moscow từ giữa thập niên 1960?
Cuộc chiến 1979 là đỉnh điểm của những căng thẳng và khác biệt đã bị tạm đè nén vì cuộc chiến Việt Nam
Câu trả lời đầy đủ đòi hỏi ta phải dựng lại những cố gắng bình thường hóa quan hệ với Mỹ của Việt Nam sau tháng Tư 1975, và đặt nó trong quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn này.
Còn câu trả lời ngắn gọn thì là đến tháng Mười 1978, rõ ràng sẽ không sớm có sự bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt. Washington đã chọn Trung Quốc thay vì Việt Nam. Việt Nam chỉ còn lá bài Liên Xô để chống lại cái mà họ xem là mối đe dọa phương Bắc.
Ngay cả ASEAN, tổ chức hợp tác chặt với Bắc Kinh trong suốt thập niên 1980 để buộc Việt Nam rút khỏi Campuchia, cũng thường xuyên thừa nhận rằng phải xem xét quan ngại an ninh của Việt Nam, và rằng tổ chức này không muốn đưa Việt Nam từ tay Liên Xô ngả sang làm vệ tinh Trung Quốc.
Đây là quan điểm được cả năm, và sau đó là sáu, nước ASEAN chia sẻ. Không nước nào vui vẻ với sự trừng phạt Việt Nam của Trung Quốc. Như đại diện của Singapore tại Liên Hiệp Quốc, Tommy Koh nói tại Liên Hiệp Quốc: "Lẽ ra Trung Quốc không nên tự mình quyết định luật lệ..."
Tiến trình bình thường hóa
Biên giới hai nước hiện nay là địa điểm
giao thương tấp nập
Sự sup sụp của Liên Xô và Chiến tranh Lạnh chấm dứt năm 1989-90 thúc đẩy Việt Nam và Trung Quốc xét lại quan hệ. Campuchia là trở ngại chính.
Ngay từ tháng Hai 1985, Lê Duẩn đã bày tỏ niềm tin rằng tình hữu nghị Việt - Trung sẽ phải được phục hồi. Sau đó, có tin nói Lê Đức Thọ thăm Paris, ngoài là để dự hội nghị đảng Cộng sản Pháp, nhưng cũng để bí mật gặp phía Trung Quốc.
Cuộc họp Việt - Trung lần đầu sau chín năm, ở cấp thứ trưởng, diễn ra tháng Giêng 1989. Vòng hai được tổ chức từ 8-10 tháng Năm 1989.
Nhưng sự khôi phục quan hệ còn phải chờ việc giải quyết mâu thuẫn Xô - Trung. Và điều này diễn ra trong tháng Năm 1989, khi Gorbachev lần đầu thăm Trung Quốc, gần ba năm sau diễn văn cột mốc của ông tại Vladivostok, trong đó ông bày tỏ ý định cải thiện quan hệ với Trung Quốc, niềm tin rằng tương lai Campuchia phải do người Campuchia định đoạt và cũng kêu gọi Việt - Trung bình thường hóa.
Không lâu sau hội nghị Xô - Trung, một cuộc họp bí mật diễn ra tại Thành Đô tháng Chín 1990.
Tháng Tám 1991, Lê Đức Anh, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng, có chuyến thăm không loan báo tới Trung Quốc. Lúc này, thế hệ lãnh đạo Việt Nam giữ vai trò chủ chốt thời Chiến tranh Lạnh, như Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, đã qua đời.
Chúng ta vẫn không biết những gì diễn ra trong các cuộc họp bí mật và không quá bí mật đó, nhưng rõ ràng trong giai đoạn này, đặc biệt là nửa cuối thập niên 1980, Việt Nam không đủ mạnh để dằng co với Trung Quốc, vì bị cô lập, kinh tế suy sụp và dần mất sự bảo trợ của Liên Xô, nước tan rã vào tháng 12.1991.
Tin Trung Quốc và Việt Nam sẽ bình thường quan hệ được chính thức loan báo tháng Chín 1991, khi Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm thăm Bắc Kinh.
Gần mà xa
Kể từ 1991, quan hệ Việt - Trung rõ ràng đã tăng tiến rất nhiều. Nhưng không có nghĩa là chỉ có màu hồng. Vấn đề tranh cãi nhất, chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, sẽ không thể giải quyết trong thời gian dài, nhưng tới nay, lãnh đạo hai nước đã bày tỏ ý chí chính trị không để vấn đề vượt quá kiểm soát.
Có hai quan điểm về quan hệ Việt - Trung. Một trường phái nói rằng quan hệ này chủ yếu được định hình bằng những ký ức lịch sử. Theo đó, cuộc chiến năm 1979 có thể xem là tất yếu và câu hỏi không phải là liệu nó có xảy ra lần nữa hay không, mà là khi nào?
Trường phái khác cho rằng mối quan hệ được định hình bởi những thế lực bên ngoài hoặc những tính toán địa chính trị. Theo quan điểm của tôi, cuộc chiến 1979 là đỉnh điểm của những căng thẳng và khác biệt đã bị tạm đè nén vì cuộc chiến Việt Nam, khi thế giới vẫn còn được hình dung như hai khối ý thức hệ.
Khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt và xuất hiện mẫu hình mới trong quan hệ Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ, những khác biệt tạm gác trước đây giờ lại xuất hiện.
Hình thù địa chính trị mới, cộng thêm thành kiến ngàn đời, đã làm bùng phát những nghi kỵ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cuộc chiến 1979 là ví dụ kinh điển khi những cái nhìn, hình thành từ kinh nghiệm quá khứ, có thể tạo ra hiểu nhầm và rồi làm những dự báo tự biến thành sự thật.
Ngay cả khi một số điều vẫn giữ nguyên, thì hệ thống quốc tế đã thay đổi đáng kể từ năm 1979 và còn tiếp tục chuyển động. Quan hệ Việt - Trung, giống như mọi mối quan hệ, vẫn còn là "công trình dang dở".
Về tác giả:Tiến sĩ Ang Cheng Guan hiện làm việc ở Viện Giáo dục Quốc gia Singapore sau thời gian làm người đứng đầu Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU). Ông là tác giả của nhiều sách về cuộc chiến Việt Nam, trong đó có Vietnamese Communist Relations with China and the Second Indo-China Conflict, 1956-1962 (1997), và Ending the Vietnam War: The Vietnamese Communists' Perspective (2004).

Xung đột 1979 là trách nhiệm của ai?

Tiến sĩ Hoàng Kim Phúc
Quân Trung Quốc đánh Lạng Sơn năm 1979
Quân Trung Quốc đánh Lạng Sơn năm 1979
Năm tôi lên chín, Trung Quốc tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Yếu tố chính trị trực tiếp nào đưa đến cuộc chiến năm 1979? Có phải là xu hướng "ly khai" của cộng đồng Hoa kiều phía Nam khi đòi giữ ngoại tịch và chối bỏ quốc tịch Việt Nam vào nửa cuối thập niên 70?
Hay là chính sách bài trừ tư bản mà cộng đồng Hoa kiều bị ảnh hưởng nhiều nhất? Hay đó là câu trả lời cho cuộc chiến của Việt Nam với Cambodia nhằm trừ khử Khme Đỏ, khi đó đang được Trung Quốc đỡ đầu?
Phải chăng Trung Quốc gây chiến để dằn mặt khi Việt Nam đang giao hảo chặt chẽ với Liên Xô và mở rộng ảnh hưởng tới Lào và Cambodia? Hay để Trung Quốc lấy điểm với Mỹ vì lúc đó chiến tranh lạnh vẫn đang căng thẳng?
Hay nó đơn thuần để giải quyết những xung đột nội bộ Trung Quốc để lại từ thời kì Tứ Nhân Bang ? Tất cả những khả năng trên các sử gia phương Tây cho tới nay vẫn chưa ai có số liệu thật đầy đủ và thuyết phục.
Vết thương khó lành
Nhưng cho dù với bất cứ lí do gì thì đây cũng là một cuộc chiến hết sức man rợ và vô nhân đạo, vì chưa đầy 30 ngày mà gần một trăm ngàn người (60-100 ngàn theo các số liệu khác nhau) của cả hai phía đã thương vong.
Chừng nào những ẩn số lịch sử về nguyên nhân cuộc chiến chưa được sáng tỏ trước cộng luận và lịch sử thế giới thì chừng đó nguy cơ để xảy ra những tranh chấp tương tự giữa Trung Quốc và các nước láng giềng còn có cơ hội tái diễn, đặc biệt khi nền chính trị tại quốc gia khổng lồ này còn dựa trên nền tảng độc tài toàn trị.
Mặc dù cuộc chiến đẫm máu chính thức diễn ra khá ngắn ngủi nhưng những đợt pháo kích dai dẳng dọc tuyến biên giới, kéo dài nhiều năm sau đó mới để lại những "vết thương" khó lành trong kí ức đương đại của dân chúng Việt Nam, đặc biệt là dân miền Bắc.
Làng tôi sống khi ấy gồm ba xóm, nay thuộc quận Ba Đình, vậy mà cũng có tới hai anh đi bộ đội bị pháo chết trên "chốt".
Từ "lên chốt" đã có lúc được nhiều thanh niên nhắc tới như "ác mộng". Dù mục tiêu chiến lược của việc tấn công Việt Nam vẫn còn nhiều uẩn khúc lịch sử nhưng về mặt nào đó Trung Quốc đã thành công trong việc gây nên một tâm lý lo lắng bất ổn, pha sự sợ hãi trong các thành phần dân chúng Việt Nam.
Điều Trung Quốc không lường hết là cuộc chiến 79 giống như một nhát cuốc tàn bạo, lật thẳng "tấm ván thiên" chôn nỗi căm thù sâu thẳm và âm ỷ của các dân tộc Việt với kẻ xâm lược ngàn năm từ phương Bắc.
Tuy nhiên điều Trung Quốc không lường hết là cuộc chiến 79 giống như một nhát cuốc tàn bạo, lật thẳng "tấm ván thiên" chôn nỗi căm thù sâu thẳm và âm ỷ của các dân tộc Việt với kẻ xâm lược ngàn năm từ phương Bắc.
Sự căm thù tưởng đã có lúc bị vùi lấp đi bởi "tấm tình đồng chí" môi hở răng lạnh, hay bởi những luận điệu tuyên truyền "Núi liền núi, sông liền sông" hữu hảo.
Xâm lăng 1979 đã đánh mạnh vào lòng tự hào của các dân tộc Việt, cái mà ở chừng mực nào đó đã giúp họ tồn tại anh dũng bên cạnh "đế quốc" Trung Hoa trong ngàn năm không bị đồng hóa, kể từ chiến thắng Bạch Đằng.
Mục đích Trung Quốc dạy cho Việt Nam một bài học bằng cuộc chiến 1979 có lẽ cũng man dại và phản tác dụng không khác gì việc trước đó quân đội Mỹ ném bom rải thảm nhằm đưa Hà Nội quay lại "thời kì đồ đá".
Về mặt lịch sử, chiến tranh 79 là một mũi tiêm chủng tái khởi động ý thức đề kháng mãnh liệt chống lại dã tâm tạo ảnh hưởng và "kiểm soát" của Trung Quốc với Việt Nam ở hiện tại và tương lai.
Với những kí ức và thông tin của riêng mình có được, tôi không hề nghĩ rằng cuộc chiến tranh 1979 chỉ dừng lại ở khẩu hiệu của Đặng là "dạy cho Việt Nam một bài học".
Cuộc chiến kéo dài
Cuộc chiến đã không thực sự kết thúc sau năm 1979. Hơn thế, nó là một tính toán lâu dài, thậm chí nó là một phần trong cả một chính sách lớn của Trung Quốc với Việt Nam mà hành động phát lộ đầu tiên là đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Mặc dù trước đó lính Trung Quốc đã lấn chiếm bằng cách di dời cột mốc biên giới khi giúp chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà làm đường.
Sự ngẫu nhiên của số phận và nghề nghiệp đã cho tôi thêm tư liệu và thông tin để nhìn nhận chi tiết mối quan hệ "vừa là đồng chí vừa là anh em" rất mai mỉa này.
Với quyết tâm tìm cho ra mối quan hệ của một số loài muỗi sốt rét chính ở Việt Nam và mối tương quan dẫn truyền của nó qua biên giới Việt-Trung, tôi đã đi hàng chục chuyến công tác tại dọc tuyến biên giới Việt Trung.
Ở nhiều nơi khi tôi đến, danh nghĩa là cuộc chiến đã qua 20 năm, ký ức về sự man rợ của cuộc chiến như vừa mới hôm qua. Lần đầu đến Hà Giang, ngồi cạnh bác lái già chạy xe Hà Giang-Vị Xuyên, ông kể. "Năm 79 nó sang, dân bên mình hoàn toàn bị bất ngờ, vì thế thiệt hại là vô kể.
''Nó rút đi đặt mìn giật sập bất cứ cái gì gọi là do tay con người tạo nên. Mìn nó còn gài lại vô số trong các khu dân cư, tỉnh lộ. Mà nào có yên, pháo nó còn "củng" sang đây liên tục tới năm 88-89.
''Thằng con tôi đi củi với hai thằng bé cùng lớp bị trúng mìn. Hai đứa chết, một đứa cụt hai chân, mù mắt". Phía Việt Nam đã hoàn toàn bị bất ngờ trong cuộc chiến 79.
''Khu vực "Hữu nghị Quan", dân các xã xung quanh kể lại là chiều hôm trước lính Tàu còn sang đá bóng với thanh niên địa phương và lính biên phòng Việt Nam. Tối hôm đó có chiếu bóng ngoài bãi, bọn lính Tàu còn sang chơi đầy, thế mà sáng hôm sau nó tấn công.''
Nhóm nghiên cứu của tôi đã "nằm" ở Cà Liểng, nơi có hẻm núi hẹp, độc đạo, mà xe tăng Trung Quốc đã vào Việt Nam ở ngả Cao Bằng. Một cô giáo bản, dân tộc Mèo "đen" sáng hôm đó chở ông bố xuống huyện khám bệnh.
Tự dưng thấy rất nhiều xe tăng với "bộ đội" ngồi trên ở phía sau tiến tới. Ông cụ giơ tay chào nhưng sau thấy xe tăng cứ tiến sát như muốn nghiến lên chiếc xe đạp, ông kêu ầm lên để các chú "bộ đội" nghe thấy.
Đột nhiên thằng ôn vật ngồi trên tháp pháo rút súng làm đánh đùng một cái vào đầu ông cụ.
Ông cụ lăn xuống chết tức khắc, cô con gái sợ quá quăng xe đạp lao vào rừng, chạy tắt xuống huyện đội. Lúc đó người ta mới ngã ngửa ra là Tàu đánh". Dân Thạch An, Cao Bằng mạnh ai nấy chạy, giạt hết lên núi.
Vào sâu trong rừng, người đồng bào sau đó tìm thấy những vạt rừng phủ kín quần áo, võng, bạt, vỏ đồ hộp và phân...của bọn lính sơn cước Tàu. Chúng đã ém quân từ khá lâu trước đó. Từ đỉnh núi đồng bào địa phương nhìn ngay xuống bản, thậm chí sân nhà mình. Nhiều người phải liều mạng lẻn về để lấy muối, lấy dao, quần áo...
Chiều đến họ thấy hàng chục thằng lính Tàu "vật nhau" với những chiếc xe đạp của dân bỏ lại.
Bọn lính này được tuyển mộ từ những vùng cực kì nghèo đói và lạc hậu của Hoa lục nên không biết ngay cả đi xe đạp.
Không ngạc nhiên rằng chúng hết sức tàn bạo và hung hãn. Đối với người dân tộc sống dọc các tỉnh biên giới phía Bắc, căn nhà và các vật dụng thiết thân như con dao, cái cối đá, ngọn đèn dầu là những vật vô cùng quí giá.
Nắm được tâm lí này, bọn lính Tàu được lệnh tàn phá mọi thứ dù là nhỏ nhất, trước khi rút đi.
Người dân các vùng từ Cao Bằng, Hà Giang, Lao Cai... đều kể cho tôi nghe những chi tiết khá tương tự rằng khi về lại nhà cũ, tất cả bị thiêu trụi. Những chiếc đèn dầu hỏa, vại dưa, chum nước, cối đá... đều bị đập vỡ, ngay cả những con dao bài giắt ở vách bếp cũng bị chặt vào nhau cho nát lưỡi dao, giếng nước bị sâp vì lựu đạn tống xuống.
Năm 1986, trong một chuyến thực tập hè ở Lương Sơn, Hòa Bình, tôi ở cùng những trung đoàn lính Việt nam đang tập đạn thật vì địa hình Lương Sơn tương tự Vị Xuyên, Hà Giang.
Sau một tháng họ sẽ đi Vị Xuyên. Những người lính trẻ âu lo vì những tin tức ác liệt từ Vị Xuyên và các điểm nóng khác vẫn truyền về trong suốt nhiều năm sau 1979.
Đầu năm 1988, Trung Quốc tấn công Trường Sa, 74 bộ đội Việt Nam đã bị thiệt mạng.
Năm 1995, theo anh bạn học làm kiểm dịch sinh vật, tôi lên cửa khẩu Chi Ma. Mặc dù hai nước lúc đó đã "bình thường hóa" và thông thương buôn bán nhưng những dãy đồi trùng điệp liền kề với cửa ải này vẫn dày đặc các trận địa mìn.
Xung đột lẻ tẻ trên đường biên vẫn liên tiếp xảy ra. Ban đêm, các cột mốc bị di dời vào đất Việt Nam như cơm bữa. Nhiều năm trở lại đây, trên biên giới bộ cột mốc vẫn bị di chuyển.
Trên biển, Trung Quốc nhiều lần dùng tàu chiến tấn công thuyền đánh cá và giết hại ngư dân Việt nam. Sự leo thang đã trắng trợn tới mức báo động khi Trung Quốc tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc huyện Tam Sa của Hải Nam cuối năm 2007, xua đuổi các công ty liên doanh thăm dò dầu khí ở vùng Nam Côn Sơn của Việt nam và vừa rồi quyết định đầu tư 29 tỷ đôla để khai thác dầu trong hải phận Việt Nam.
Tiền Việt Nam giả được in bằng những kỹ thuật tinh vi từ Trung Quốc, tràn ngập qua các ngả biên giới vào Việt Nam. In bạc giả là một loại tội phạm nghiêm trọng ở mọi quốc gia. Sản xuất tiền giả để tung vào quốc gia khác là vi phạm luật pháp và công ước quốc tế.
Chính quyền Trung Quốc hoàn toàn im lặng trước những hoạt động tội phạm quy mô lớn này. Rõ ràng sự tấn công Việt Nam bằng quân sự trên biển và đất liền, tấn công chính trị và ngoại giao, tấn công phá hoại kinh tế... kéo dài hàng chục năm sau cuộc chiến, qua nhiều đời Tổng bí thư của Trung Quốc ắt phải là mưu đồ làm cho nước láng giềng nhỏ bé phải "chảy máu" tới chết.
Người Mỹ từ lâu đã có trách nhiệm hỗ trợ rà gỡ bom mìn trong chiến tranh, sao tới nay người Trung Quốc vẫn tảng lờ những trận địa mìn nằm trên đất Việt?
Theo tính toán của Bộ Quốc Phòng Việt Nam, sẽ còn mất hàng chục năm nữa để giải phóng các trận địa mìn nằm trên đất Việt, dọc biên giới phía Bắc.
Những trái mìn Made in China đang nằm trên đất Việt chính là những bằng chứng hiển nhiên để mỗi người dân Việt nam có cơ hội để đánh giá sự thành thật, thiện chí theo phương châm "16 chữ vàng" từ phía nước láng giềng khổng lồ phía Bắc này.

Bắc Giang quật khởi

Chỉ một anh thanh niên bị đánh chết oan thôi, cả hàng vạn người đã đổ xô đến nhà cầm quyền đòi công lý, công bằng và giá máu, trong đó không ít người bộc lộ chính kiến và thái độ mà trước đây “có cho tiền” họ cũng chẳng dám, kể cả việc “làm quần chúng tự phát”.
Say men chiến thắng, đảng ta sau khi “cướp” được chính quyền về tay nhân dân, đã nhân  đó “giật” luôn chính quyền ấy từ tay nhân dân để xây dựng một tập đoàn thống trị đỏ với bản chất “cướp giật”, và phương châm: “Lấy dân làm gốc, lấy gốc làm thớt”.
Bởi đã “say”, mà say hơi bị lâu, nên đầu óc các bác ấy không được tỉnh táo cho lắm, cái nhìn cũng không chuẩn, không rõ ràng, cứ chao chao đảo đảo, nên thấy dân mình lại cứ tưởng là địch, thấy kẻ địch tưởng “anh hai”, thấy oan sai cho là gây rối, thấy công lý đinh ninh là phản động, thấy dân chủ nhân quyền là “cặn bã” của đế quốc, thấy tự do là “thế lực thù địch”, thấy sự thẳng thắn phê bình, góp ý là chống đối, thấy đòi công bằng là “gây rối trật tự”, thấy phản biện là chống chính quyền, coi sự tự vệ là “chống người thi hành công vụ”, gọi bạo hành là “nhắc nhở”, bắt giam người vô cớ là “làm việc”, bao vây kinh tế người ta là “theo dõi điều tra”, đánh chết người là siđa, nghiện hút…
Các bác chỉ thấy rõ cái ghế, dĩ nhiên là phải cao hơn tùy theo mức độ gian ác và hèn hạ của các bác, vững hơn tùy theo số xương và lượng máu của đồng bào mà các bác đã rất quảng đại hiến tế cho “lá cờ thiêng” và chỉ hau háu thấy rõ những xấp đôla có in hình mấy “tay trùm đế quốc”, chứ không phải thứ “vê anh nờ” đồng, có hình “cha già dân tộc”.
Nhà cháu vốn xuất thân từ nông thôn, được dạy tí chút về “chuyên chính vô sản” nên cứ thế mà tụng, dù chẳng biết nó là cái thứ gì, cứ ngỡ đó là quyền lực “nhân dân trao cho” để quét sạch những cái xấu, giữ gìn an ninh trật tự, binh vực người lành, chống lại kẻ ức hiếp, bảo vệ quốc gia, ngăn chặn ngoại xâm, giúp thôn xóm được bình an, nhà nhà được thanh thản hạnh phúc. Nhưng sau khi coi những hình ảnh video clip của các chú trong NVCL, từ vụ Bắc Giang mới xảy ra đến vụ bạo hành ngạo ngược của “thứ chuyên chính” mang tính chất côn đồ, thách thức lương tri và coi thường phẩm giá con người, khi đánh chết người dân ở Cồn Dầu, ở quận Hai Bà Trưng, ở Thanh Hóa, ở Nghệ An, ở Đồng Nai Xuân Lộc… thì nhà cháu mới thấy được cái “đỉnh cao trí tuệ” của đảng ta, cái “quang vinh muôn năm” của nhà nước ta, khi cho công an, công cụ đắc lực và hữu hiệu, có  những hành động “vì dân và cho dân” ấy, nhà cháu mới được khai thông kiến thức và được “tuệ nhãn” đấy ạ.
Mấy đứa bạn nhà cháu xem xong cãi nhau ỏm tỏi. Đứa theo duy tâm than: “Trời hỡi trời! Đã sinh xatan sao còn sinh đảng?”,  đứa theo chủ thuyết hiện sinh thì nói: “đảng tồn tại là cái ác tồn tại”, đứa theo triết lý nghi ngờ bảo: “đảng có ác thật vậy không? biết đâu đảng còn ác nữa!”, đứa theo Nho gia thì than: “Thế này thì Tuân tử (cho rằng nhân chi sơ tính bổn ác) ắt sẽ…bóp cổ Đức Khổng (cho rằng nhân chi sơ tính bổn thiện)và san bằng Văn miếu mất thôi”, thằng “bỏ thẻ đảng” cứ gật gù, cười nhạt nói: “Hồi sau sẽ rõ… còn nhiều… sẽ rõ”. Chẳng ai biết nó muốn nói gì. Riêng thằng được coi là “dân chủ” của nhóm nói: “Làm thế này thì chỉ nối giáo cho “giặc”. Đảng ta tự “bôi nhọ” mình, tự hại mình thôi”; Đứa cuối cùng chậm rãi nói: “Rồi sẽ lại thế thôi, chẳng giải quyết được gì. Lại “chìm xuồng” như bao vụ khác. Chống là…chết, hoặc cùng lắm, thí vài con chốt …là xong”.
Các chú ạ. Nhà cháu nghe mà phân vân quá. Nhưng nhà cháu nghĩ rằng “vụ Bắc Giang” và những “vụ” trước chẳng rơi vào quên lãng đâu. Chắc các chú cũng thấy. Chính vì xảy ra những sự “chuyên chính” một cách nhẫn tâm, tàn độc, vô lương tri của “công bộc nhân dân”, công cụ của đảng như vậy mà nhân dân đã “sáng mắt, sáng lòng”. Đàng khác, đừng tưởng nhân dân chỉ là những “con gà” trong sân, muốn giết con nào thì giết, nhưng hãy xem lại những video clip đó để thấy khí thế người dân sùng sục như thác vỡ bờ mà nhà cháu cứ ngỡ là xem lại những thước phim “lịch sử” của những ngày “tổng tiến quân nổi dậy, giải phóng đất nước” đấy.
Chỉ một anh thanh niên bị đánh chết oan thôi, cả hàng vạn người đã đổ xô đến nhà cầm quyền đòi công lý, công bằng và giá máu, trong đó không ít người bộc lộ chính kiến và thái độ mà trước đây “có cho tiền” họ cũng chẳng dám, kể cả việc “làm quần chúng tự phát”.
Không biết anh thanh niên áo đỏ bị bốn “công bộc” nhân dân khiêng đi đâu “chăm sóc”, nhưng nhà cháu nghĩ họ không dám “bứt dây đâu”, vì rừng “đang vặn mình” mà. Họ biết…mà. Nhà cháu thấy rằng “lửa công lý” đã được ném vào nhiều nơi trên đất nước, dù đó mới chỉ là những ngọn lửa nhỏ, nhưng …một lúc nào đó, một “cơn gió” nào đó thổi và làm “bùng” lên… một cảnh tượng chưa từng được chiêm ngưỡng… . Thôi nhà cháu không “nghĩ tưởng” thêm đâu… Hãy để cho việc đó thành “sự thật” với cái “thật hoành tráng” của nó.
Thắp thêm nén hương cho anh. Mong sẽ không còn ai phải chết thảm như vậy nữa, nhưng xin cho vong hồn anh yên lòng nơi chín suối, nơi chắc chắn không có “bác và đảng ta” ở đó đâu. Cái chết của anh không vô ích, nó là “giọt nước” đổ vào cái ly “bất công và bất nhân” của chế độ này, làm đầy thêm.. đầy thêm… cho đến khi vỡ òa tự do.
Ôi Mảnh đất Việt Nam thương yêu đang nghi ngút khói hương… một cơn gió nổi lên… làm bùng lên đám lửa cháy rụi sự độc ác gian tà.
Alivecho

Thêm một tội ác mang tên “Công an nhân dân”

Thêm một tội ác mang tên “Công an nhân dân”


Thêm một tội ác mang tên “Công an nhân dân”
Ngày 25/7/2010 tại thành phố Bắc Giang một thành phố cách Hà Nội khoảng 60 km về phía bắc náo động với một đám tang. Hàng vạn người đã đổ về các cơ quan công quyền Tỉnh Bắc Giang hộ tống một đoàn người mang theo tử thi một thanh niên 22 tuổi đi đòi công lý.
Hơn 700 tờ báo “lề phải” – niềm tự hào của “đảng ta” về tự do báo chí, tự do ngôn luận – im tịt cho đến giờ, chắc đang chờ đảng chỉ “lề phải” để báo chí biết cách đi vụ này như thế nào. Nhưng những thông tin trên mạng do các “nhà báo nhân dân” đã phản ánh kịp thời sự kiện để cả thế giới theo dõi.
Quần chúng tự phát không cần ngoặc kép
Ngày 26/7/2010, chúng tôi lên đường lên Thành phố Bắc Giang để tìm “sự thật “thực”” ở đây. Con đường tắc nghẽn cả mấy km dù là đường “cao tốc”. Nắng, nóng, bụi bặm… chúng tôi ghé vào một quán nước dưới bóng cây gạo cách Bắc Giang chừng 20 km.

Đường sá Bắc Giang nhan nhản khẩu hiệu "Học tập đạo đức Hồ Chí Minh"
Trong quán nước, mấy thanh niên đang hào hứng kể lại câu chuyện của ngày hôm qua, giọng người này chắc nịch:
-  Thằng này chắc cũng con nhà có cỡ thì gia đình mới dám đem được xác lên tận Bắc Giang, chứ nếu bình thường khó mà đưa qua được giới ranh của xã. Ở đây thì công an biết từ đầu nhưng không ngăn chặn được. Lẽ ra buộc nó phải đền tiền xong mới đưa về, đằng này lại đưa về ngay.
Một người buông điếu thuốc lào hút dở:
-  Ôi giời, người chết đi thì mất chứ đền tiền thì làm gì.Nó có đền cho 10 tỷ đồng thì cũng chẳng để làm gì, mạng người làm sao lấy lại được. Nghe nói nó bóp vào hầu con người ta và đá dập cả bọng đái nên mới chết nhanh thế, mà lại còn cắt luôn cả cái bọng đái trước khi gia đình vào đến nơi.
Một thanh niên khác tiếp lời:
-  Khốn nạn, công an bây giờ nó lộng hành, ai đời lại đánh con người ta chết ngay trong đồn công an rồi vô trách nhiệm, tôi mà có súng, tôi đòm hết mẹ bọn này đi, mạng phải đền mạng. Luật pháp cộng sản nó vậy, cứ bao che cho nhau, chứ nguyên tắc thì thủ tướng gây tội ác cũng phải ra tòa đền tội, huống chi thằng công an vô học mà lại cố bao che.
Uống vội chén nước, chúng tôi lên đường tới Bắc Giang.
Thành phố Bắc Giang hôm nay yên tĩnh, một sự yên tĩnh khác thường. Người ta có cảm giác sự yên tĩnh này như sự lặng im sau cơn bão. Cả thành phố vắng tanh bóng cảnh sát giao thông, một lực lượng luôn là nỗi sợ hãi của người dân với mệnh danh là “cướp ngày có giấy phép”.
Dù đang là ngày làm việc đầu tuần, nhưng công sở phía ngoài nhìn vào vắng lặng. Văn phòng UBND Tỉnh im lìm không một bóng người ngoài người gác cổng, nhìn không khí văn phòng đầu não một tỉnh im lặng, u ám đến rợn người. Các hàng rào sắt xung quanh khuôn viên đã được dựng lại, tuy các mũi mác nhọn chưa kịp hàn lại. Người dân cho biết, đêm qua, tỉnh phải huy động nhiều nhân công, máy móc khẩn trương hàn vá lại cả đêm chứ hôm qua dân đạp đổ hết chỉ còn trơ trọi lại mấy cột sắt mà thôi.
Trong mọi ngõ ngách, quán nước, vỉa hè, bàn làm việc, cơ quan công quyền cho đến cánh xe ôm… tất cả câu chuyện đều xoay quanh “ngày chủ nhật kinh hoàng” 25/7.
Những người dân cao tuổi nơi đây kể lại:
Hôm qua đúng là ngày chưa từng thấy trong cuộc đời chúng tôi ở cái tỉnh này, kể cả hồi theo Việt Minh cướp chính quyền cũng không có cảnh như vậy. Cả thành phố xuống đường, cả già trẻ, trai, gái, cán bộ, nhân dân… xuống đường với khí thế ban đầu là tò mò và sau đó là căm phẫn. Tất cả các tuyến phố tràn ngập người dân, công an đưa rào sắt, xe chặn các lối nhưng làn sóng người dân ùn ùn đổ đến đã xô đổ tất cả các rào sắt tạm, ít nhất có 4 xe con của cảnh sát chặn đường chiếc xe tang đã bị lật ngược. Hầu như cả Thành phố Bắc Giang và các xã lân cận không có ai ở nhà.
Nhân dân Bắc Giang trước cửa công quyền và súng đạn
Nhưng điều lạ nhất ngày hôm qua là dân chúng không hề tỏ ra sợ hãi như mọi khi, họ hò hét, cổ vũ những người anh dũng vì có người khi công an ném lựu đạn cay còn xông đến nhặt ném trả lại phía công an. Gạch, đá, chai lọ… và các thứ có thể dùng đã ầm ầm ném ra từ phía nhân dân về cảnh sát làm cảnh sát chạy như vịt, nhiều cảnh sát bị thương, chiều qua tôi đếm ít nhất có 8 tên vào viện.
Cũng ngày hôm qua, công an Bắc Giang thể hiện trước toàn thể dân chúng bản chất của mình để nhân dân hiểu thế nào là “Công an Nhân dân”. Chúng nó tàn bạo và hung hãn như côn đồ các anh chị ạ. Cứ 4 thằng túm tay một người kéo lê ngửa giữa đường bất chấp dân chửi bới, ném gạch đá theo. Mỗi thằng một cái gậy hung hăng lắm. Nhưng khi chúng nó bắn súng, nghe tiếng súng nổ, thì chính là lúc chúng nó kích động người dân, tất cả các xe vòi rông đưa đến đều bị nhân dân trèo lên trên vô hiệu hóa, đập vỡ kính và lái xe chạy bán sống bán chết thành ra chỗ cho bà con đứng xem công an biểu diễn, cũng từ những nơi xung quanh, gạch đá bay rào rào làm công an chạy tán loạn.
Cán bộ tỉnh bỏ trốn hết, cuối cùng đến tối thì phó chủ tịch mới phải ra mời gia đình vào tiếp và viết giấy hứa hẹn giải quyết thỏa đáng, họ mới đưa xác về chôn cất. Nhưng hứa thì hứa vậy thôi chứ chúng tôi biết chúng nó mà, chẳng đến đâu đâu các anh ạ.
Chúng tôi hỏi một người có vẻ hiểu biết tường tận vấn đề: “Vậy chắc là gia đình nạn nhân này đông họ hàng con cái lắm nên mới đi đông như vậy”? Người trung niên này nói lại: “Không, gia đình họ hành người này không đông, nhưng đám tang đẩy bằng xe tay đi bộ cả gần chục cây số lên đến Thành phố, đi đến đâu thì đoàn người gia nhập đi theo đến đấy thành ra cả Thành phố sôi động xuống đường. Dân người ta căm sẵn rồi mà anh, chúng nó đối xử với dân như thế nào thì dân người ta biết cả, hôm qua họ mới có dịp thể hiện. Rồi cũng đến ngày chúng nó gây tội ác phải đền tội thôi chứ lẽ nào chúng nó hành dân mãi được mà vẫn giở trò đạo đức đểu”.
Thì ra vậy, cái mà nhà nước hay đổ tội là “thế lực thù địch” xúi giục, chống phá sự lãnh đạo của đảng và nhà nước ta không ở đâu xa, ở ngay trong cách hành động và bản chất của công an, của cán bộ và trong lòng dân chúng.

Từ quê nạn nhân lên TP Bắc Giang gần 10 km, nạn nhân
đã được đẩy bộ qua con đường này
Một cái chết oan khuất và biểu hiện sự bao che
Rời TP Bắc Giang, chúng tôi đi theo quốc lộ 1A cũ về xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, quãng đường từ TP đến nhà nạn nhân khoảng chục cây số. Dọc đường, những tấm bảng đỏ choét treo hai bên cột điện vẫn nhan nhản những câu khẩu hiệu ngất trời “Chào mừng Đại hội Đảng các cấp”, “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” … không rõ chiều qua nằm trong xe tang, nạn nhân này có thấm nhuần được các câu khẩu hiệu này không?
Khi chúng tôi hỏi thăm đường một phụ nữ trong quán nước vắng ven đường, như được cơ hội, chị kể ào ào mọi chuyện của ngày hôm qua: “Chúng nó độc ác quá, con người ta mới có 22 tuổi đời vào công an vài tiếng thành ma. Hôm qua các anh chị không về đây mà xem cái sự lạ đời chưa từng có, nhân dân ai cũng nhiệt tình và đoàn kết đưa chú ấy đi đòi công lý. Chúng nó bắn đạn, lựu đạn cay và bắt đi mấy người, nhưng dưới này dân người ta cũng bắt được mấy thằng công an để đổi lại”.
Chuyện băt người và đổi chác không biết có thật không, nhưng nếu không có thật thì chắc đây cũng là sự tưởng tượng phong phú thể hiện nguyện vọng của người dân.

Được chỉ đường của chị hàng nước, chúng tôi đi theo con đường ngoắt ngoéo vào nhà nạn nhân. Gia đình nạn nhân ở thôn Ngư Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Gia đình nạn nhân, ông nội và anh trai nạn nhân
Khi chúng tôi đến, cả gia đình, họ hàng đang ngồi bên bàn nước, những người ở TP Bắc Giang đang đến thăm và thắp hương cho nạn nhân.
Tiếp chúng tôi, Nguyễn Văn Cường anh trai của nạn nhân đôi mắt đỏ hoe ngậm ngùi kể lại sự việc:
Em tôi tên là Nguyễn Văn Khương, 22 tuổi,  có bạn gái ở huyện Tân Yên cách đây hơn chục cây số. Chiều thứ 6 vừa qua, em tôi đến đó chơi và chở bạn gái đi mua đồ gì đó mà quên đội mũ bảo hiểm. Hai cảnh sát giao thông chặn em tôi lại và thò tay rút luôn chìa khóa.
Một cảnh sát lên xe của em tôi đi về Công an huyện cách đó mấy trăm mét, người còn lại chở em tôi, còn cô bạn gái em tôi thì phải đi bộ lẽo đẽo theo sau.
Đi được một đoạn, cô bạn nhận được điện thoại em tôi gọi rằng lên đón anh ở công an huyện. Khi cô bạn gái em tôi đi đến thì chỉ thấy xe máy đang dựng đó mà không thấy em tôi, gọi điện thoại thì không nhấc máy. Chờ một lúc thì cô ấy phải về đi làm ca vào 18h30.
Đến 20h gia đình tôi được công an huyện mời ra xã và thông báo là em tôi đã chết. Quá bàng hoàng chúng tôi đến bệnh viện thì được bệnh viện thông báo: “Khi đến nhập viện khoảng 18h20 thì bệnh nhân đã chết”. Gia đình chỉ được thông báo như vậy, chúng tôi hỏi thông tin về cái chết của em tôi nhưng không ai trả lời.

Một thanh niên tràn sức xuân đã nằm xuống, ánh mắt vẫn như đang ngơ ngác hỏi: Vì sao?

Đến đêm, khoảng 2 giờ sáng, công an Tỉnh Bắc Ninh xuống đem theo bộ phận mổ tử thi, nhưng mổ xong là họ về không có giấy tờ cũng như thông tin nào báo cho chúng tôi về cái chết của em tôi.
Chúng tôi đưa em về nhà khoảng 5 giờ sáng ngày thứ 7, sáng hôm đó chúng tôi làm đơn gửi các cấp và yêu cầu: Cho chúng tôi biết thông tin: Hai người đã bắt em tôi về công an huyện Tân Yên là ai? Hai người đã đưa em tôi đến bệnh viện là ai? Bác sỹ nào đã nhận em tôi vào viện? Nếu không có những thông tin đó, đến 15 giờ cùng ngày, chúng tôi sẽ kiến nghị lên cấp cao hơn.
Nhưng cả ngày hôm đó, không có bất cứ ai đến động tĩnh gì. Tối hôm đó, công an tỉnh Bắc Giang mới mời bố tôi ra xã để thông báo: “Theo yêu cầu của gia đình trong đơn khiếu nại lên cấp cao hơn, chúng tôi mời pháp y của Bộ về phẫu thuật lại tử thi”.
Vậy rồi họ lại mổ xẻ em tôi lần thứ 2 có sự chứng kiến của người trong gia đình tôi. Trong quá trình mổ tử thi, có một vết xước bên phải cổ họng, bên kia ba vết thâm nhưng pháp y ghi biên bản là “ba vết chàm” nên gia đình chúng tôi không đồng ý kýào biên bản vì em tôi không có vết chàm nào ở cổ. Chúng tôi cũng đề nghị cho chúng tôi biết về thông tin của em tôi, nhưng họ không hề trả lời và ra về.
Đến 12 giờ trưa chủ nhật, quá bức xúc vì em tôi đã chết đầy bí ẩn, oan khuất và nằm đó qua hai lần mổ tử thi mà những thông tin đơn giản nhất về cái chết cũng không được trả lời. Mặt khác, cơ quan công an là nơi giữ em tôi và bị chết nhưng không có bất cứ một lời thăm hỏi nào nên chúng tôi quyết định đẩy em tôi lên cơ quan Tỉnh để đòi công lý cho em đỡ tủi vì oan khuất quá lớn.
Chúng tôi đưa em đi bằng xe đòn đẩy tay, dọc đường bà con dân chúng cùng ủng hộ chúng tôi, dân chúng đổ vào quá đông rồi công an đã đến và sự việc như các anh đã biết và nghe nói mạng internet đã truyền đi khá nhiều.
Đến chập tối thì Phó Chủ tịch Tỉnh mới mời đại diện gia đình chúng tôi vào phòng tiếp dân, ông ta viết một tờ cam kết là “Sẽ tiến hành vụ việc thỏa đáng cho gia đình”.
Thế là chúng tôi đưa em về mai táng.
Như vậy, cho đến nay, phía gia đình vẫn đang mong manh trên con đường đi tìm công lý vì tất cả vẫn là cơ quan công an nắm đằng chuôi trong khi chính công an là nơi chịu trách nhiệm về cái chết này. Trong khi đó gia đình không được sự hỗ trợ nào từ cơ quan luật pháp cho đến nay.
Một mạng người đã ra đi oan uổng có yếu tố “Công an Nhân dân” luôn rêu rao là “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Mới đây,dư luận VN và quốc tế nhức nhối với cái chết của nạn nhân ở Công an Quận Hai Bà Trưng, rồi nạn nhân Cồn Dầu, vụ công an bắn thẳng vào trẻ em ở Tĩnh Hải, và giờ đây là ở Bắc Giang. Con số sẽ cứ dần tăng lên mãi theo đà “năm sau cao hơn năm trước” như mọi chính sách và lời kêu gọi của đảng và nhà nước.
Trong vòng một thời gian ngắn, những cái chết gắn liền với nhà tạm giữ, với tra tấn, nhục hình, với công an… liên tục xuất hiện và dần dần trở thành chuyện bình thường trong xã hội Việt Nam.
Ở những vụ án đó, hầu hết công lý là điều hết sức xa xỉ đối với nạn nhân và gia đình. Sự bao che của chế độ độc tài công an trị là nguyên nhân chính của tội ác này. Sự lộng hành của công an trong các lĩnh vực đời sống xã hội là một thảm trạng của xã hội Việt Nam. Những tầng lớp công an ngày càng được tuyển dụng càng nhiều từ những người ít được học hành, thiếu nhân tính, tri thức nhưng thừa sự man rợ sẽ dẫn xã hội Việt Nam đi từ vực sâu này sang vực thẳm khác. Vì với công an, đảng đã chỉ cho họ con đường sống: “Công an nhân dân chỉ biết còn đảng còn mình” – Một câu khẩu hiệu xứng đáng được ghi vào sách Guiness về ý nghĩa từ ngữ.
Thắp nén hương cho người thanh niên mới nằm xuống, nhìn khuôn mặt trẻ măng ở độ tuổi mới bước vào đời đang ôm mộng yêu đương sôi nổi, chúng tôi thấy quặn thắt trong lòng.
Ra về trên con đường đầy nắng cháy, nhưng hầu như không ai để ý vì một câu hỏi luôn day dứt chúng tôi: Biết bao giờ, xã hội Việt Nam mới thoát khỏi cảnh người dân sinh ra để “sợ hãi” và sinh mạng người dân được coi như cỏ rác khi giao vào tay một lũ người với cái tên mạo danh là “Công an Nhân dân”.
27/7/2010
Song Hà

Những vụ chết người bị nghi do công an gây ra

Những vụ chết người bị nghi do công an gây ra

Ảnh anh Nguyễn Văn Khương trên bàn thờ tại gia đình - ảnh do trang nuvuongcongly cung cấp
Có cáo buộc nói anh Khương bị vỡ bàng quang và có 
những vết bầm ở cổ
Năm ngày sau khi anh Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi, chết bất ngờ sau khi bị công an ở Bắc Giang bắt về đồn vì có vi phạm luật an toàn giao thông, hiện vẫn chưa có thông tin từ cơ quan pháp y trung ương về lý do cái chết.
Trong lúc đó hàng loạt vụ chết người trong khi bị công an giam giữ đã xảy ra trong một năm trở lại đây.
Chỉ từ đầu năm 2010 cho tới nay, báo chí Việt Nam đã đăng tải ít nhất năm vụ như vậy.
Các tựa đề phụ dưới đây là nguyên văn các tít báo theo bản đăng trên mạng của báo chí Việt Nam kèm theo địa điểm sự việc xảy ra.
Trong hầu hết các vụ này, phía công an đều bác bỏ chuyện họ có liên quan.
1. Một công dân tử vong sau khi rời trụ sở công an- Thái Nguyên
Báo Pháp luật Việt Nam hôm 26/7/2010 đưa tin anh Vũ Văn Hiền, 40 tuổi ở huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên đã được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch và đã tử vong sau hai ngày bị công an tạm giữ.
Lúc vào bệnh viện, bệnh nhân đang hôn mê, bầm tím nhiều ở mắt trái, chân tay trầy xước, có một vết rách lớn ở môi trên, trong tình trạng nguy kịch đến tính mạng.
Bác sĩ tiếp nhận anh Vũ Văn Hiền
Tờ báo dẫn lời thân nhân anh Hiền nói hôm 28/6 anh bị công an yêu cầu lên làm việc sau khi có đơn kiện anh đánh người gây thương tích.
Anh Hiền tử vong hôm 30/6 sau khi được công an đưa vào viện trong tình trạng như một bác sỹ nói: "lúc vào bệnh viện, bệnh nhân đang hôn mê, bầm tím nhiều ở mắt trái, chân tay trầy xước, có một vết rách lớn ở môi trên, trong tình trạng nguy kịch đến tính mạng."
2. Vụ chết khi tạm giam: Công an đưa 10 triệu cho gia đình nạn nhân- Quảng Nam
Báo Người Lao Động hôm 10/5/2010 đã đưa tin về vụ anh Võ Văn Khánh, sinh năm 1981, trú tại Đại Lộc, Quảng Nam chết tại đồn công an lúc 21h30 ngày 7/5. Kết luận của công an là anh Khánh tự tử bằng dây buộc giày.
Theo đơn của gia đình gửi báo này, anh Khánh tới công an huyện Điện Bàn để làm thủ tục xin lại xe máy bị tạm giữ do vi phạm giao thông lúc 14h ngày 7/5.
Người Lao Động viết:
"Đến 6 giờ 30 phút ngày 8-5, công an huyện Điện Bàn đưa xác anh Khánh về cho gia đình ở Điện An kèm theo một phong bì 10 triệu đồng.
"Khi gia đình khâm liệm, phát hiện thi thể anh Khánh không bình thường. Từ phần ngực xuống hai bên sườn có dấu giày in đậm và tím bầm nhiều chỗ. Do đó, gia đình không tin Khánh tự tử và yêu cầu giám định lại."
3. Trong khi bị công an tạm giữ: Nạn nhân chết do bị đánh vào đầu- Hà Nội
Báo Lao Động hôm 27/3 đưa tin về vụ anh Nguyễn Quốc Bảo tử vong vào rạng sáng ngày 22/1/2010 sau khi bị công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội 'mời lên làm việc' vào chiều ngày 21/1.
Báo này viết: "Theo biên bản giám định pháp y của Viện Pháp y Quân đội, nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho anh Bảo là chấn thương sọ não mức độ nặng do tác động của vật tày có giới hạn gây vỡ nền sọ."
Trong một  bài viết trước đó, Lao Động đưa tin về lúc ông Nguyễn Quang Phục, bố của anh Bảo tới nhận xác anh:
Toàn thân con ông có nhiều vết bầm tím, nhất là 2 cổ chân, 2 cổ tay tím ngắt, có những vết sây sát dài. Hai bên khoé miệng con ông có những vết bầm tím song song, mỗi bên dài khoảng 8cm.
"Nhìn thấy con trai nằm trong nhà xác BV Thanh Nhàn, ông Phục quá đau đớn, không cầm được nước mắt.
"Toàn thân con ông có nhiều vết bầm tím, nhất là 2 cổ chân, 2 cổ tay tím ngắt, có những vết sây sát dài. Hai bên khoé miệng con ông có những vết bầm tím song song, mỗi bên dài khoảng 8cm."
4. Uẩn khúc sau cái chết của nghi phạm tại công an Hà Đông
Trang tin VnExpress hôm 15/3/2010 đăng phóng sự dài về vụ anh Nguyễn Mạnh Hùng, 33 tuổi đã chết sau khi bị công an Hà Đông giam giữ vì bị nghi trộm đồ xe ô tô.
Báo này trích lời bố anh Hùng, ông Nguyễn Xuân Bình nói:
"Sau 11 ngày bị công an đưa đi con tôi trở thành cái xác khô, 10 đầu ngón tay bị sưng, tím đen; hai chân thâm tím..."
Một bác sỹ được trích lời nói về tình trạng của anh Hùng khi được đưa vào viện hôm 21/11/2009: "Chức năng sống của bệnh nhân không còn, tuy nhiên các bác sỹ vẫn tiến hành cấp cứu với tinh thần còn nước còn tát, song chúng tôi đành bó tay."
5. Hé lộ cái chết tức tưởi của một người tại UB xã- Hải Dương
VietnamNet hôm 11/3 cũng có phóng sự điều tra về vụ anh Đặng Trung Trịnh ở xã Tiên Động, Hải Dương chết chỉ vài tiếng sau khi bị công an "trói dây thừng mang đi" vì "giẫm lên gạch" và "đốt rơm" của một người trong xã hôm 28/11/2009.
Giải thích chính thức của chính quyền là "Anh Trịnh được mời lên xã làm việc, do anh Trịnh chưa tỉnh táo nên được đề nghị vào phòng thường trực để chờ.
"Vào thời điểm 17h10 phút, anh Đặng Văn Đáng công an xã vào và thấy anh Trịnh chết đã gọi điện cho trưởng công an xã là Phạm Văn Thanh và tiến hành hô hấp nhân tạo và cấp cứu.
"Lý do anh Đặng Trung Trịnh chết là do: “Xuất huyết mạch mạc treo ruột, chảy máu ổ bụng do xơ gan”.
Những vụ việc khác
Trong năm 2010 cũng xảy ra vụ cảnh sát bắn và làm chết hai người ở Nghi Sơn, Thanh Hóa, còn trong các năm 2009, 2008 và 2007, những thống kê chưa đầy đủ cũng cho thấy một số vụ người dân chết hoặc bị thương trong lúc bị công an giam giữ hoặc trong lúc công an thi hành công vụ.
Sau đây là một số tít báo kèm theo địa điểm và năm xảy ra.
Một nghi can hiếp dâm chết tại trụ sở công an - Bình Phước 12/2009
Nổ súng bắt cờ bạc, chết người bán hủ tiếu - TP Hồ Chí Minh 5/2009
Kẻ xả súng cướp 400 lượng vàng tự tử trong trại giam - TP Hồ Chí Minh 3/2009
Lại một người dân chết ở công an huyện - Thanh Hóa 8/2008
Bình Phước: Trưởng công an xã bắn mù mắt dân - Bình Phước 4/2008
Tiền Giang: Phó công an xã bắn chết người - Tiền Giang 2/2008
C14 nói gì về vụ bắt bạc làm chết 5 người ở Hà Tây? - Hà Tây 12/2007
Câu hỏi đặt ra
Sau vụ anh Nguyễn Quốc Bảo chết tại công an quận Hai Bà Trưng, thạc sĩ luật học Phạm Thanh Bình cũng đã có bài viết bày tỏ sự lo ngại trước một loạt cái chết "không bình thường" ở nhà tạm giam.
Ông Bình dẫn Bộ luật tố tụng hình sự và nói rằng "có ba trường hợp được bắt giữ người phạm tội là bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người trong trường hợp khẩn cấp và bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã".
Có ba trường hợp được bắt giữ người phạm tội là bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người trong trường hợp khẩn cấp và bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Ông cũng nhắc tới quy định của điều 85 của bộ luật này mà theo đó "người ra lệnh bắt, cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết.
"Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, cơ quan nhận người bị bắt phải thông báo ngay".
Luật sư Bình nói cơ quan công an đã sai khi không thông báo cho gia đình trong vụ bắt anh Bảo và cũng đặt câu hỏi về chuyện liệu "những người đánh anh Bảo hoặc liên quan đến việc đánh anh Bảo có thù hằn gì với cá nhân anh Bảo không?"
Nếu có, ông Bình nói, những người liên quan có thể bị xem xét trách nhiệm "theo điều 93 Bộ luật hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác theo điều 104".
Ông cũng nói ngay kể cả không có những tư thù cá nhân thì những công an gây ra cái chết của anh Bảo vẫn có thể phạm tội "dùng nhục hình theo quy định tại điều 298, trường hợp có tình tiết định khung tăng nặng là "phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng".
Vị thạc sĩ luật nói người bị kết án về tội dùng nhục hình trong trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 5-12 năm.