19/1/11

Tết Mậu Thân 1968 trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc

Tết Mậu Thân 1968 trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc
Nguyễn Quang Duy




Bản đồ các cuộc tấn công trong sự kiện Mậu Thân

Tết Mậu Thân 1968, quân đội cộng sản vi phạm ngưng bắn mở cuộc tổng tấn công thủ đô Sài Gòn và hầu hết các thành phố tỉnh lỵ tại miền Nam.
Trên bốn mươi năm qua, do thiếu tài liệu và phân tích, chúng ta không quan tâm lắm đến vai trò và chiến lược của nhà cầm quyền Bắc kinh trong biến cố lịch sử này. Chúng ta thường chỉ xem vai trò của họ là viện trợ quân trang, quân cụ, quân nhu cho cộng sản Việt Nam .

Bài viết này dựa trên những tài liệu nội bộ hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc được giải mật để chỉ ra vai trò chỉ đạo và chiến lược tòan cầu của những người cầm quyền Bắc Kinh trong trận tổng tấn công này. Tòan bộ các tài liệu từ phía trung quốc là biên bản các buổi họp bằng tiếng Trung Hoa, được dịch sang Anh ngữ và phổ biến trên mạng "Cold War International History Project" Woodrow Wilson International Center for Scholar. Tài liệu từ phía Việt Nam chủ yếu từ tập tài liệu Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua. Tập tài liệu này được nhà xuất bản Sự Thật cho phổ biến khi chiến tranh Việt -Trung bắt đầu năm 1979.
Từ những năm đầu 1950, khi hai đảng Cộng sản Việt – Trung chính thức lập quan hệ ngọai giao, Trung Quốc đã trực tiếp chỉ đạo và tham gia chiến tranh Việt Nam . Chỉnh quân, chỉnh huấn, cải cách ruộng đất, các chiến dịch quân sự đều được đặt dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của các cố vấn Trung Quốc và được huấn luyện bởi các chuyên gia Trung Quốc. Hiệp định Genève chia đôi đất nước đã được Chu Ân Lai trực tiếp đề ra và tiến hành.
Sau 1954, miền Bắc đã xẩy ra một cuộc tranh chấp giữa hai phe lãnh đạo. Phe theo Trung Quốc nắm đa số và luôn luôn thắng thế. Phe thân Liên Sô là thiểu số lại bị mang tiếng là thiếu tích cực thống nhất đất nước, không cổ vũ việc “giải phóng” miền Nam .

Hội nghị lần thứ 15 cuả Trung Ương tháng 1-1959, bí mật ra quyết định điều động bộ đội miền Bắc chuyển vũ khí vào Nam, để tiến hành võ trang thống nhất đất nước. Ngày 7-1-1959, Hồ chí Minh chính thức xác nhận: “Như vậy là ở Đông Nam Châu Á, chúng tôi đã đứng ở tiền đồn của mặt trận dân chủ và hoà bình toàn thế giới chống lại chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh.” (1)
Tháng 5-1963, Lưu Thiếu Kỳ đi thăm và đưa Bắc Việt đứng hẳn về phía Trung Quốc. Hồ chí Minh và Lưu Thiếu Kỳ đã ký một Tuyên Bố chung gọi “chủ nghĩa xét lại” và “cơ hội hữu khuynh” là đe dọa chính cho phong trào cộng sản quốc tế. Tháng 7-1963, Hồ chí Minh họp riêng với Chu Ân Lai và đã tuyên bố như sau: “Đừng nói là phải đánh 5 năm, 10 năm, dù có 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm cũng phải đánh, đánh cho đến khi thắng lợi hoàn toàn!”. (2) Câu tuyên bố trên chỉ nhái lại khẩu hiệu: “Đánh đế quốc, đánh, đánh, đánh, đánh cho đến thắng lợi” do Mao Trạch Đông đề ra.
Lệnh tấn công

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã phê phán chủ trương chung sống hòa bình và hội nghị kết thúc với nghị quyết đẩy mạnh công cuộc đấu tranh bằng vũ lực ở miền Nam. Sau Hội nghị Trung Ương lần thứ 9, nhóm do Lê Duẩn cầm đầu tăng cường phê phán “chủ nghĩa xét lại hiện đại” (ám chỉ chủ trương thi đua hòa bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau, mà Liên Sô, Khrushchev, cổ vũ). Tại hội trường Ba Đình, tháng 1-1964, trước các cán bộ cao và trung cấp học tập nghị quyết 9, Trường Chinh tuyên bố: “Đường lối đối nội và đối ngoại của Đảng ta và Nhà nước ta là thống nhất về cơ bản với đường lối đối ngoại và đối nội của Đảng Cộng Sản và nhà nước Trung Quốc.” (3)
Để tăng cường xâm nhập miền Nam , ngày 08-04-1965, Lê Duẩn sang Trung Quốc xin quân viện. Lê Duẩn lên tiếng:"Chúng tôi muốn một số phi công và thiện chí quân, ... và những người thiện nguyện khác, bao gồm những đơn vị xây dựng cầu cống, đường sá." (4) Lưu Thiếu Kỳ đáp lại "Đó chính là chính sách của chúng tôi, chúng tôi sẽ làm tốt nhất để đóng góp với các đồng chí." (5)
Tài liệu về phía Việt Nam cho biết: “…về nguyên tắc, đến tháng 6 năm 1965 phía Trung Quốc phải gửi phi công sang giúp Việt Nam . Nhưng ngày 16 tháng 7 năm 1965 Bộ Tổng tham mưu Quân giải phóng Trung Quốc đã báo cho Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam là phía Trung Quốc không thể gửi phi công sang Việt Nam được vì ‘thời cơ chưa thích hợp’ và ‘làm như vậy không ngăn cản được địch đẩy mạnh oanh tạc’. Trong một cuộc hội đàm với phía Việt Nam tháng 8 năm 1966 họ cũng nói: ‘Trung Quốc không đủ khả năng về không quân giúp bảo vệ Hà Nội’ ”. (6) Thay vào đó, Liên Sô đã gởi phi công sang chiến trường Việt Nam .
Tại Hà Nội, ngày 13-4-1965, Tao Zhu, bí thư Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc Nam phân bộ, báo cho Hồ chí Minh Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc và Mao đã giao trách nhiệm viện binh cho 4 tỉnh phía Nam . Để chắc chắn, ngày 16-05-1965, Hồ chí Minh đã sang Trung Quốc hội kiến Mao trạch Đông. Ông trình bày với Mao kế họach xây dựng hệ thống giao thông phía Bắc để tiếp nhận quân viện từ các quốc gia trong khối cộng sản qua biên giới Trung Quốc. Cùng với kế họach xây dựng đường mòn Hồ chí Minh để xâm nhập miền Nam . Ông nói với Mao: "Nếu chủ tịch Mao đồng ý Trung Quốc sẽ giúp, chúng tôi sẽ gởi người của chúng tôi vào Nam ." Mao trạch Đông trả lời:"Chúng tôi chấp nhận. Chúng tôi sẽ làm. Không có vấn đề gì cả." (7)

Ngày 23-3-1966, Lê Duẩn sang Trung Quốc bị Chu Ân Lai chất vấn về việc Việt Nam chính thức kêu gọi viện binh từ các quốc gia cộng sản khác, nhất là từ Sô Viết. Chuyến cầu viện này có lẽ đã thất bại, ba tuần sau Lê Duẩn lại phải sang Trung Quốc một lần nữa. Biên bản buổi họp ngày 13-4-1966, giữa Chu Ân Lai, Đặng tiểu Bình, Kang Shen, Lê Duẩn và Nguyễn Duy Trinh, được tường trình với nhiều dữ kiện lịch sử quan trọng.
Đặng tiểu Bình cho biết chỉ chưa đến một năm Trung Quốc đã gởi sang Việt Nam 130.000 quân để xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược, hằng chục ngàn quân chiến đấu hiện đang túc trực ở biên giới, đã có những thảo luận về việc Trung Quốc sẽ tham chiến nếu chiến tranh xảy ra. Lê Duẩn góp ý:" Bây giờ đã có hằng trăm ngàn quân Trung Quốc tại Việt Nam , nhưng chúng tôi nghĩ rằng nếu có chuyện nghiêm trọng xẩy ra, ở đó cần thiết 500.000 quân." (8) Phía Trung Quốc cũng miễn cưỡng chấp nhận để Việt Nam nhận viện binh từ các quốc gia cộng sản khác.

Trong cùng buổi họp, Chu Ân Lai tuyên bố dự định sẽ gởi chừng 4 đến 5 tóan nghiên cứu quân sự gồm chừng 100 người vào Nam Việt Nam để trực tiếp quan sát tình hình quân sự. Chu Ân Lai nhấn mạnh các toán này có thể sẽ đến tận ngọai ô Sài Gòn.

Tháng 6-1967, đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu thân. Ngày 4-7-1967, Võ Nguyên Giáp và Phạm văn Đồng đã sang Trung Quốc tường trình Bắc Kinh tình hình và chiến lược quân sự. Phạm văn Đồng đã báo cáo Chu ân Lai như sau: "Một số chiến lược đang được áp dụng trên chiến trường miền Nam theo lời đề nghị khi trước của các đồng chí. Việc này chứng tỏ chiến lược quân sự của chúng tôi, và của các đồng chí, là chính đáng, với tiến triển khả quan". (9)




"Lấy nông thôn bao vây thành thị" và "vũ trang tổng tấn công" là chiến lược do Mao Trạch Đông đề xướng. Chiến lược này được sử dụng như kim chỉ nam cho cuộc tổng tấn công Mậu Thân. Nhà cầm quyền Hà Nội còn tin rằng dân chúng miền Nam sẽ nổi dậy, quân đội Việt Nam Cộng Hòa sẽ chạy theo quân đội cộng sản, vì thế họ còn gọi là “cuộc tổng tiến công và nổi dậy”. Điều này đã không xảy ra, ngược lại quân và dân miền Nam đã anh dũng bẻ gẫy, đánh tan tòan bộ cuộc tấn công.

Trong buổi họp, ngày 4-7-1967, Chu ân Lai than thở, ông và các đồng chí của ông đều đã trên dưới bẩy mươi, và nhấn mạnh:"Mặc dù tôi đã già, tham vọng vẫn còn đó. Nếu chiến tranh ở miền Nam không chấm dứt vào năm tới, tôi sẽ thăm các đồng chí và tham quan." (10) Năm tới mà Chu ân Lai muốn nhấn mạnh là Mậu Thân 1968. Điều này cho thấy cả nhà cầm quyền Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều rất kỳ vọng vào chiến thắng quân sự trong cuộc tổng tấn công này.

Phạm văn Đồng cũng đã báo cho Chu ân Lai biết Liên Sô đề nghị Trung Quốc cho gia tăng số lượng quân viện Liên Sô chuyển sang Việt Nam qua ngõ Trung Quốc từ 10.000 lên 30.000 tấn mỗi tháng. Có thể, Liên Sô sẽ gởi một số đầu máy xe lửa sang Trung Quốc. Để sửa sọan cuộc tổng tấn công, riêng nửa năm 1967, Phạm văn Đồng cho biết Trung Quốc đã quyết định viện trợ Việt Nam 500.000 tấn lương thực.

Tài liệu từ phía Trung Quốc cho thấy Liên Sô đã không được báo cáo tường tận cuộc tổng tấn công này. Sau Tết Mậu Thân, Liên Sô đã chỉ trích nhà cầm quyền Hà nội và cho rằng quyết định tổng tấn công Mậu thân là một quyết định sai lầm.
Có thuyết cho rằng có bất đồng trong Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam về quyết định tổng tấn công. Tuy nhiên các tài liệu đã giải mật từ cả hai phía Trung Quốc lẫn Việt Nam đều không hổ trợ cho thuyết này.
Qua các tài liệu được giải mật từ phía Trung Quốc, chúng ta có thể thấy được vài lý do khiến Trung Quốc trực tiếp chỉ đạo và tham gia tổng tấn công:

(1) bành trướng ảnh hưởng khối cộng sản nói chung, Trung Quốc nói riêng;
(2) tranh giành ảnh hưởng với Liên Sô;
(3) thất bại xây dựng kinh tế, Trung Quốc cần lý do "giải phóng miền Nam Việt Nam" và " đế quốc Mỹ đe dọa tấn công Trung Quốc" để giải tỏa áp lực từ quần chúng và nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc;
(4) thất bại chiếm đóng Đài Loan, Trung Quốc sử dụng miền Nam như một thí điểm quân sự cho chiến lược vũ trang tổng tấn công và nổi dậy;
(5) bất ổn quân sự Nam Việt Nam bắt buộc quân đội Hoa Kỳ phải dồn nỗ lực giải quyết, do đó sẽ giải tỏa áp lực quân sự trực tiếp lên Trung Quốc;
(6) chiến thắng quân sự của cộng sản Việt Nam (nếu có) sẽ tạo uy tín cho các lãnh tụ Trung Quốc, nhất là trong giai đọan cách mạng văn hóa đang được rầm rộ phát động.

Tập tài Liệu “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” tuy không đề cập nhiều đến trận Mậu Thân, lại tố cáo: “Trong chiến lược toàn cầu của những người lãnh đạo Trung Quốc, nếu họ coi Liên Xô và Mỹ là những đối tượng chủ yếu cần phải chiến thắng, thì họ coi Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính để dễ bề đạt được lợi ích chiến lược của họ.” (11)

Theo tài liệu này Mao Trạch Đông còn khẳng định trong cuộc họp của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc, tháng 8 năm 1965:

“Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malayxia và Singapo…Một vùng như Đông nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản…xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy…Sau khi giành được Đông nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây…”. (12)

Tài liệu cũng tố cáo trong cuộc gặp giữa đại biểu bốn đảng cộng sản Việt nam, Trung Quốc, Nam Dương và Lào tại Quảng Đông tháng 9-1963, Chu Ân Lai nói: “Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên rất mong Đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông nam châu Á”. (13) Để mở con đường xuống Đông nam châu Á, tập tài liệu cho biết: “Như nhiều nhà chính trị và báo chí Tây Âu nhận định, Trung Quốc quyết tâm ‘đánh Liên Xô đến người Tây Âu cuối cùng’ cũng như Trung Quốc trước đây đã quyết tâm ‘đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng’ ”. (14)

Tập tài liệu còn cho biết (Trung Quốc): “Ngăn cản nhân dân Việt Nam thương lượng với Mỹ, khuyến khích Mỹ tăng cường ném bom miền bắc Việt Nam, đây chính là cái mà tướng Mỹ M. Taylơ gọi là quyết tâm của những người lãnh đạo Trung Quốc “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”, nhằm làm suy yếu Việt Nam, có lợi cho chính sách bành trướng của họ.” (15)

Nạn nhân của Mậu thân 1968 là hàng ngàn thường dân vô tội đã bị cộng sản chôn sống, giết chết hay gây thương tích bản thân. Là những chiến sỹ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh hay mang thương tích do quân đội cộng sản vi phạm ngưng bắn. Là tâm lý của hằng chục triệu người dân miền Nam khi phải chứng kiến tội ác của cộng sản Việt Nam.

Thế nhưng trong khi kế họach tổng tấn công Mậu Thân được sửa sọan ở Bắc Kinh và Hà Nội. Để "bảo đảm bí mật", các thành viên Mặt trận Giải Phóng Miền Nam, các lực lượng vũ trang Bắc Việt xâm nhập chỉ biết được khi tham gia cuộc tổng tấn công. Đa số cán binh cộng sản bị lường gạt đưa vào cuộc chiến mệnh danh "giải phóng miền Nam" và "nhân dân miền Nam" sẽ nổi dậy phối hợp với họ để giải phóng Miền Nam. Hậu quả của cuộc tổng tấn công là hằng trăm ngàn cán binh cộng sản tử trận, hằng trăm ngàn người còn mang thương tích từ thể xác lẫn tinh thần. Họ và gia đình cũng cần được kể là những nạn nhân của những người cầm quyền Bắc Kinh — Hà Nội trong chiến lược tòan cầu “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng” của Trung Quốc.

Một nhân vật được nhiều lần nhắc đến trong bài này, Phạm văn Đồng, ở cuối đời đã sám hối và nhắc nhở các đồng chí của ông như sau: “tất cả chúng ta vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm, vừa là công tố, vừa là quan tòa và cũng vừa là bị cáo.”
Mậu thân đã xảy ra 42 năm trước, nhưng trong nội tâm từng người Việt từ cả hai phía Quốc Gia hay Cộng Sản vẫn còn nhiều chia rẽ. Sự chia rẽ làm suy yếu nội lực dân tộc lại chính là thành quả lớn nhất mà những người cầm quyền Bắc Kinh gặt hái trong quá trình 60 năm chỉ đạo đảng Cộng sản Việt Nam. Mậu Thân nói riêng cuộc chiến Quốc Gia – Cộng Sản nói chung được đặt trong chiến lược tòan cầu của những người cầm quyền Bắc Kinh.

Ngày nay nhiều phần đất ông cha để đã sáp nhập lãnh thổ Trung Quốc. Hằng chục ngàn cây số vuông vịnh Bắc Bộ đã mất vào tay Trung Quốc. Hòang Sa, Trường Sa và Biển Đông đang bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng. Trung Quốc ảnh hưởng từ Trung ương đảng đến hạ tầng cơ sở, từ kinh tế đến chính trị văn hóa, từ tư tưởng đến hành động … Việt Nam được ví như một chư hầu, một bán thuộc địa, một tỉnh nhỏ nghèo của Trung Quốc. Sáu mươi năm chiến tranh hận thù chia rẽ đều nằm trong chiến lược tòan cầu của của những người cầm quyền Bắc Kinh.

Hy vọng xuân Canh Dần năm nay, chúng ta dành chút ít thời gian suy ngẫm sự thực quan hệ Việt – Trung để đồng hướng đến một Việt Nam tự do, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi 10/2/2010

(1) Hồ Chí Minh Toàn Tập, 1989, Tập 8, trang 258, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội.
(2) Hồ Chí Minh Toàn Tập, 1989, Tập 8, trang 457, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội.
(3) Nguyễn minh Cần, 2001, Đảng Cộng Sản Việt Nam Qua Những Biến Động Trong Phong Trào Quốc Tế Cộng Sản, trang 129, Tuổi Xanh xuất bản.
(4), (5), (7), (8), (9) và (10) Cold War International History Project, Woodrow Wilson International Center for Scholar
(6), (11), (12), (13), 14 và (15) Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, 1979, nhà xuất bản Sự Thật.



Bắc Giang hôm qua, Tunisia hôm nay: Bài học nhãn tiền!

Lê Diễn Đức


Tunisia ngày 15/01/2011 - Foto: AP

Bạo loạn trên đường phố, sự kiểm soát của quân đội, cảnh sát và các vụ bắt giữ hiện hữu khắp nơi. Thủ đô Tunis bị đặt trong tình trạng thiết quân luật. Từ ngày 11 tháng 1 tất cả các trường học bị đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.


Theo nhiều nguồn tin quốc tế khác nhau, đã có hơn 60 người bị chết. Còn Tổng thống Tunisia, ông Zin Al-Abidine Ben-Ali, sau khi giải tán chính phủ vẫn không làm dịu được tình hình, đã cao chạy xa bay sang Ả Rập Saudi.

Văn phòng hãng du lịch Thomas Cook đã quyết định di tản bốn ngàn người ra khỏi Tunisia.

Đó là hình ảnh hôm nay của Tunisia, một đất nước được xem là ổn định chính trị, người dân hiền hoà, nổi tiếng với những bãi tắm tuyệt vời của vùng biển Địa Trung Hải và dịch vụ du lịch hấp dẫn không thua kém các nước châu Âu quanh vùng như Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Hy Lạp…, nhưng giá cả hợp lý, đặc biệt được ưa chuộng bởi tầng lớp trung lưu.

Giành độc lập từ Pháp tới độc tài

Tunisia nằm ở Bắc châu Phi, có dân số hơn 10,3 triệu người và diện tích gần bằng một nửa Việt Nam, thu nhập đầu người tính theo mãi lực (PPP) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế năm 2010 là 9.448 USD (Việt Nam: 3.123 USD). Đối tác thương mại quan trọng nhất gồm Đức, Ý và Pháp.

Giành được độc lập từ thực dân Pháp vào năm 1956, Tunisia theo thể chế tổng thống-nghị viện và một đảng chiếm ưu thế nắm quyền. Tổng thống được chọn từ phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm.

Từ năm 1987, Ben-Ali lên nắm quyền Tổng thống sau khi thực hiện một cuộc đảo chính không đổ máu (cho rằng vì sức khoẻ yếu, Tổng thống Tunisia từ năm 1957, ông Habib Bourguiba, mất khả năng lãnh đạo) và giữ chức vụ này liên tiếp 5 nhiệm kỳ, với sự ủng hộ (theo nguồn chính thức của nhà nước) của cử tri là 99,6% (1999), 94,48% (2004) và 95% (năm 2009)!

Khi bắt đầu nhiệm kỳ, Ben-Ali đã có những cố gắng dân chủ hóa đất nước, trả tự do cho tù nhân chính trị, kể cả các phần tử cực đoan Hồi giáo. Kết quả là ông đã tạo ra một đảng đối lập Hồi giáo Nadh, phát triển nhanh và mạnh tại các trường đại học. Nhìn thấy hậu thuẫn của lực lượng Hồi giáo trong cuộc đảo chính năm 1991, chính phủ Tunisia sau đó đã tiến hành một loạt phiên toà xét xử các thành viên của Nadh.

Từ năm 1988 luật Tunisia ngăn cản hợp pháp hoá các đảng phái chính trị mà cương lĩnh hoạt động dựa trên nền tảng tôn giáo. Chính phủ cũng thắt chặt kiểm soát các tổ chức tôn giáo. Kể từ đó, chính sách cứng rắn với phe đối lập được áp dụng trong thời kỳ của tổng thống Habib Bourgiba quay lại. Báo chí, truyền thông không được phê phán chính phủ. Để gọi là thực hiện hứa hẹn bầu cử về một hệ thống đa đảng, các đảng đối lập của Tunisia được phân bổ một số ghế trong quốc hội, nhưng thực tế, ví dụ trong cuộc bầu cử (2004), không đảng nào giành được ghế, dù chỉ là một.

Cái gì tới phải tới

Tình trạng bất ổn ở Tunisia đã không làm mấy ai ngạc nhiên.

Duy trì chế độ chuyên chế (chỉ số dân chủ - Democracy Index – theo "The Economist" 2010, của Tunisia là 2,79/10 so với Việt Nam 2,94), Tunisia là một trong những quốc gia có chế độ kiểm duyệt thông tin thuộc vào hàng đầu thế giới, không có tự do ngôn luận, không được tự do hội họp. YouTube ở đây bị chặn hoàn toàn, còn mật khẩu vào các trang Facebook cá nhân bị chính phủ ngang nhiên dùng các biện pháp cướp đoạt.

Nhà cầm quyền nỗ lực quảng bá hình ảnh Tunisia như là một quốc gia ổn định chính trị, mến khách, được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan, nhằm mục đích tuyên truyền và lôi cuốn du khách. Tiếc thay, người ta có thể mãn nguyện với những ngày nghỉ tại các khu du lịch sang trọng, tiện nghi ven biển, nhưng chỉ cần đi sâu về phía Nam, nhất là vùng trung tâm, mọi thứ không còn màu sắc như thế nữa, nếu không nói là bi kịch. Người dân thiếu ăn và không có việc làm. Số phận của giới dân lao động bình thường đã không được chính phủ quan tâm đến.

Trong thất vọng, dân chúng mà chủ yếu là thanh niên, sinh viên của Tunisia đã nổi giận đứng lên biểu tình, đòi tổng thống mới. Giới trí thức, văn nghệ sĩ cũng vào cuộc với cuộc tuần hành hoà bình ủng hộ họ.

Chưa biết Tunisia sẽ ra sao trong thời gian trước mắt. Tất cả mọi thứ đã xảy ra dường như tự nhiên. Những người biểu tình hoàn toàn tự phát, không ai đứng ra tổ chức. Qua Facebook họ chuyển cho nhau các hình ảnh video về diễn biến các cuộc biểu tình và thông tin về các cuộc tiếp theo.

Báo chí hôm 15/1/2011, cho hay Chủ tịch quốc hội Tunisia Fouad Mebazaa, theo hiến pháp, tuyên bố tạm thời đảm nhiệm nhiệm vụ của tổng thống và công bố tiến hành bầu cử trong thời gian từ 45 đến 60 ngày. Ông cũng kêu gọi Thủ tướng Mohamed Gannushi lập nội các liên hiệp đoàn kết dân tộc.

Từ một việc làm bất cẩn  

Tất cả bắt đầu vào ngày 17 tháng 12 năm 2010.

Một thanh niên Tunisia, Mohsel Buterfif, 26 tuổi, đã quyết định tự thiêu trước trụ sở của chính phủ. Lý do? Ông bị cảnh sát tịch thu chiếc xe bán rau quả, nguồn thu nhập duy nhất để sinh nhai của gia đình anh.

Được đưa tới bệnh viện cứu chữa nhưng vì bị bỏng quá nặng, Mohsel Buterfif đã qua đời vào ngày 04 tháng 1 năm 2011. Có tới khoảng 5.000 người đã tới dự tang tiễn biệt anh.

Có vẻ như chớp được cơ hội, tang lễ lập tức trở thành thùng thuốc súng và sự bất bình của xã hội Tunisia bùng nổ, leo thang từ suốt ba tuần qua.

Hàng ngàn người đã biểu tình tại trung tâm thủ đô Tunis, đòi Tổng thống Ben-Ali (74 tuổi), người đã cầm quyền từ 23 năm nay, phải từ chức.

Dưới áp lực của các cuộc biểu tình, Tổng thống Ben-Ali đã giải tán chính phủ và tuyên bố tiến hành bầu cử sớm trong vòng sáu tháng, và cam kết ông sẽ không tái tranh cử và sẽ bãi nhiệm vào năm 2014. Ông đã gọi những người đeo mặt nạ trong các cuộc xung đột với cảnh sát là những tên khủng bố, những kẻ điên rồ không thể tha thứ.

Tuy nhiên, những người tham gia phản đối là không phải là những kẻ điên. Họ là thanh niên, sinh viên có trình độ văn hoá nhưng tuyệt vọng vì không tìm được việc làm hoặc không thể có khả năng mua một căn nhà. Chỉ số thất nghiệp của Tunisia là 13%, trong đó 26% là những người có bằng cấp đại học.

Những người biểu tình đã dùng các phương tiện ghi lại rất ấn tượng cảnh những người bị thương trong các vụ đụng với cảnh sát, nhằm thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế về những gì đang xảy ra ở Tunisia.

Rõ ràng, chỉ từ một hành vi bất cẩn, vô tâm của cảnh sát, người đại diện cho công quyền, đã có thể gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng, thậm chí đã làm sụp đổ cả một ngai vàng của nhà độc tài và thay đổi cả một chế độ hà khắc.


Bắc Giang ngày 25/07/2010 - Foto: OnTheNet

Trong thời gian vừa qua ở Việt Nam, trong rất nhiều sự vụ, thay vì xử phạt hợp tình, hợp lý trên nguyên tắc bảo vệ tài sản và tính mạng cho nhân dân, thì công an Việt Nam - tương tự như Tunisia - lại rất tắc trách, sử dụng bạo lực, gây chấn thương thân thể hoặc tử vong cho người vi phạm, cũng đã làm cho dân chúng nổi giận.

Điển hình nhất vào ngày 25/07/2010, cho rằng công an huyện Tân Yên đã tàn nhẫn đánh chết em Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi, chỉ vì em không đội mũ bảo hiểm, hàng ngàn người từ khắp các vùng lân cận đã kéo về trụ sở Uỷ ban tỉnh Bắc Giang, phá sập hàng rào, giật cờ và phản kháng, chống cự lại công an tới ổn định trật tự.

Sự lộng hành, cho phép mình đứng ngoài pháp luật, coi thường sinh mạng thường dân của lực lượng công an Việt Nam ngày càng tăng, sẽ không gì khác hơn là rót thêm dầu vào ngọn lửa bất bình, mất hết lòng tin vào chế độ của xã hội và đến một lúc nào đấy sẽ chín muồi, đủ sức nóng, có thể thiêu rụi cả chế độ.

Có rất nhiều yếu tố tương đồng đến đau đớn giữa hai chế độ độc tài của Việt Nam và Tunisia. Cho nên hiện tượng Bắc Giang hôm qua và thủ đô Tunisia hôm nay là bài học nhãn tiền.

© 2011 Lê Diễn Đức

Ổn định hay gây loạn trật tự xã hội ???

Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 115 (15-01-2011)
 
Ông François Mitterand, vị tổng thống hai nhiệm kỳ của nước Pháp (1981-1995) từng nói với quốc dân một câu để đời: “Chúng ta chấp nhận một xã hội ít nhiều mất ổn định (vì các cuộc đình công, biểu tình…) nhưng là một xã hội tự do”. Đây cũng là điều thường thấy trong các quốc gia dân chủ khắp thế giới. Nó khác xa với các chế độ độc tài đảng trị phát xít, quân phiệt, giáo phiệt và cộng sản. Các chính đảng và chế độ phi dân chủ này luôn sợ hãi các cuộc biểu tình tỏ thái độ, các cuộc đình công đòi quyền lợi của dân chúng, luôn nhân danh trật tự trị an, ổn định xã hội để đàn áp mọi tiếng nói đối kháng, hầu duy trì quyền lực lâu dài. Đặc biệt nhất là các chính đảng CS vốn hầu hết đã lên ngai thống trị bằng cướp chính quyền, sau đó bằng cướp nhân quyền, dân quyền và sản quyền của dân chúng.
            Tại Việt Nam đang xảy đại hội lần thứ 11 của một cái đảng luôn ngoác miệng tự xưng là của dân, do dân và vì dân !?! Thế nhưng, chính trong thời gian chuẩn bị cũng như hội họp này, đảng đã và càng dốc toàn lực để “ổn định trật tự xã hội” cách không giống ai trên thế giới, nghĩa là gia tăng kiểm soát, khống chế và đàn áp bằng bạo lực hành chánh lẫn bạo lực vũ khí mọi tập thể mà đảng cho là có tiềm năng gây nguy cho bản thân đảng, gây rối cho đại hội đảng. Có thể kể ra các hành vi và đối tượng được “ổn định” như sau:
            1- “Ổn định” các tôn giáo: Ngay từ thượng tuần tháng 12, người ta đã chứng kiến việc nhà cầm quyền ở Sài Gòn âm mưu xóa sổ Giáo hội Tin lành Mennonite bằng cách tàn phá hai cơ sở của họ tại Quận 2 vào ngày 14. Đây là một Giáo hội được bà con dân oan, quần chúng cùng khổ và đồng bào sắc tộc tìm đến nương tựa. Đến ngày 19-12, tập thể 500 tín đồ thuộc Giáo hội Phúc âm Toàn vẹn, Giáo hạt Thanh Hóa, đang khi sắp tổ chức lễ Giáng sinh tại huyện Đông Sơn, thì đã bị công an, dân quân… ngăn cản, chửi bới, đánh đập tàn nhẫn. Chiều cùng ngày, hàng ngàn tín đồ Tin lành thuộc Hội thánh Lời Sự Sống đã bị nhà cầm quyền ở Hà Nội đơn phương hủy hợp đồng thuê mướn Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình rồi dùng lực lượng công an hành hung, bắt bớ và giải tán cuộc tập họp thờ phượng hát ca mừng Giáng sinh của họ. Đến ngày 30-12, nhân kỷ niệm Đản sanh của Đức Huỳnh Giáo chủ, hàng trăm tín đồ Hòa Hảo tại An Giang đã bị cấm tập họp để cử hành đại lễ. Tới mồng 04-01-2011, tuy Giáo hội Công giáo được phép tổ chức Lễ bế mạc Năm thánh tại Trung tâm Thánh mẫu Toàn quốc La Vang, Quảng Trị, nhưng nhà cầm quyền đã khống chế cuộc tập họp vĩ đại (lên tới nửa triệu người) này bằng nhiều cách: buộc hạ danh hiệu Thánh địa, đến phát biểu tuyên truyền và “lên lớp”, ngăn cản tín đồ cầu nguyện công khai cho anh em bị bách hại…
            2- “Ổn định” quần chúng nhân dân: Sau khi Đơn tố cáo và đòi truy tố đảng CS về hai tội bán nước và phản quốc được nhiều công dân đưa ra ngày 21-12-2010 rồi Lời kêu gọi toàn dân tiến hành giải thể chế độ CS của Lm Nguyễn Văn Lý xuất hiện khoảng tuần sau đó, thủ tướng CS Nguyễn Tấn Dũng, chiều ngày 30-12-2010, liền gởi công điện hỏa tốc số 2402 đến các bộ Quốc phòng, Công an, Công thương, Tài chính, Thông tin-Truyền thông, Giao thông-Vận tải, Giáo dục-Đào tạo, đến các ủy ban nhân dân mọi tỉnh thành cùng nhiều cơ quan ban ngành khác, để chỉ thị  “tăng cường an ninh chính trị, an toàn xã hội nhằm bảo vệ đại hội Đảng…”. Ai cũng biết rằng công việc bảo vệ trật tự an toàn xã hội thuộc Bộ công an và UBND, chứ không thuộc trách nhiệm của Bộ quốc phòng và các Bộ khác như bộ Giáo dục-Đào tạo. Thế mà công điện 2042 đã yêu cầu quân đội lẫn các trường vào cuộc. Phải chăng từ đây quân đội, ngoài nhiệm vụ chống ngoại xâm (lâu nay rất lơ là), còn kiêm nhiệm vụ chống nhân dân (như trong vụ cướp đất tại Vụ Bản, Nam Định ngày 20-12)? Phải chăng các ban giám hiệu sẽ lại được “công an hóa” như trong các vụ biểu tình chống Trung Quốc của sinh viên học sinh năm 2007-2008 tại Sài Gòn và Hà Nội? Cụ thể, công tác “ổn định nhân dân” này chính là việc càn quét hàng trăm dân oan ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Hà Nội, để tống vào nhà tù mang mỹ danh “Trại bảo trợ xã hội” ở Đông Anh, chính là việc ngăn chặn và đàn áp nhiều cuộc biểu tình của quần chúng khắp nước kể từ đầu năm đến nay bằng nhiều kiểu cách có khi rất lạ lùng như cấm mặc áo trắng, buộc thi ngày Chúa nhật…
            3- “Ổn định” giới đối kháng: Dưới con mắt CS, tất cả những ai dù chỉ nói khác thôi, thì đã là đối kháng, là kẻ thù, dù là đồng đảng. Gần đây, CS đã gia tăng trấn áp các thành phần này. Trước hết, một công thần của đảng, ông Nguyễn Văn An, cựu chủ tịch Quốc hội, đã bị chính đồng chí của mình như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải… nguyền rủa mạnh mẽ qua nhiều lá thư gởi chóp bu đảng sau khi ông lên tiếng khuyến nghị đổi mới hệ thống chính trị. Tiếp đến, 22 nhà trí thức hàng đầu của chế độ và là đảng viên kỳ cựu, sau khi phê liệt dự thảo Cương lĩnh Đại hội trong cuộc hội thảo hôm 7-10-2010, đã bị Bộ Chính trị kết án là có “động cơ xấu”, “lợi dụng việc góp ý để hoạt động chống đối phá hoại”, cần “kiên quyết phê phán và dứt khoát bác bỏ”. Điều này, chính GS Đào Xuân Sâm, nguyên trưởng khoa quản lý kinh tế trường đảng Nguyễn Ái Quốc, hiện làm chuyên gia tư vấn cho Thủ tướng, đã chua chát cảm nhận ngay trong cuộc hội thảo ấy rồi: “Chúng ta nói đây là nói với nhau thôi chứ biết rằng những người biên tập, làm văn kiện không nghe đâu, mà có nghe cũng không sửa được. Biết cái đó cũng rất là đau, mà cũng phải nói. Cái thứ hai là chúng ta còn mất quyền nói to hơn nữa, nói với quốc dân. Không được lên tiếng với quốc dân. Cấm! Ban Bí thư cấm, Ban Tuyên huấn cũng ra thông tin cấm!”.
            Một hành vi “ổn định” giới đối kháng nữa chính là việc nhà cầm quyền sắp đem xử tòa Luật sư Cù Huy Hà Vũ và nhà dân chủ Vi Đức Hồi, hai tiếng nói bất khuất và mạnh mẽ suốt mấy năm qua; là việc sách nhiễu hay lùng bắt các nhà tranh đấu khác như bà Tạ Phong Tần, ông Nguyễn Ngọc Quang (nay đã phải sang Thái tỵ nạn), Lm Nguyễn Văn Lý (bị ngăn chặn gặp gỡ tùy viên Christian Marchant và dân biểu Luke Simpkins mới đây, cũng như bị phong tỏa trong thời gian đại hội và có lẽ suốt năm này); là đặt chốt canh gác nghiêm ngặt quanh nơi ở của tất cả các nhà đấu tranh dân chủ trong cả nước…
            Thành phần (có tiềm năng) đối kháng khác chính là báo chí lề trái và lề phải. Trong một tường trình đặc biệt ngày 15-01-2011, đài Tiếng nói Hoa Kỳ cho biết: “Cảnh sát ở VN đã bắt giữ nhiều blogger mấy tuần gần đây trong một chiến dịch đàn áp những người bất đồng chính kiến trước Đại hội Đảng. Theo ghi nhận của các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền và quyền tự do báo chí, với hàng chục nhà bất đồng chính kiến bị tống ngục, VN là nhà tù lớn thứ nhì thế giới của giới bất đồng chính kiến trên mạng, chỉ sau Trung Quốc”. Trước đó, hôm 13-1-2011, Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) của Hoa Kỳ đã ra một thông cáo bày tỏ mối quan ngại về việc Hà Nội, hôm 6-1-2011, vừa ban hành Nghị định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Nghị định này dự trù nhiều biện pháp xử phạt các nhà báo và blogger viết về những vấn đề được coi là nhạy cảm liên quan đến “an ninh quốc gia”! Do thủ tướng ký và sẽ có hiệu lực kể từ 25-2-2011, Nghị định ghi rõ là những nhà báo nào đăng các thông tin “không được phép” hoặc “không phù hợp với quyền lợi của nhân dân” có thể bị phạt đến 40 triệu đồng. Tất cả là “nhằm tăng cường sự kiểm soát của chính phủ lên các phương tiện truyền thông, vốn đã bị quy định rất chặt chẽ cùng bị trấn áp rất thường xuyên và dữ dội”
            4- “Ổn định” ngay trong lòng đảng: Đại hội đảng với gần 1.400 đại biểu chưa bắt đầu, thế mà ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên ban Chấp hành Trung ương đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, đã khẳng định trong một cuộc họp báo hôm 10-01 tại Hà Nội rằng: "VN không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng". Thứ đến, như mọi người đã biết từ lâu, thành phần lãnh đạo CS chóp bu, bất chấp góp ý, phân tích, phê phán của trong lẫn ngoài đảng, vẫn nhất quyết kiên định 4 điều: kiên định học thuyết Mác-Lê, kiên định chủ nghĩa xã hội, kiên định chế độ độc đảng và kiên định kinh tế quốc doanh như chủ đạo.
            Về nhân sự, hãng thông tấn AFP, hôm Chủ Nhật 09-01, dựa vào một nguồn tin nội bộ đảng, gián tiếp nói rằng cả Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang đều nhắm vào ghế tổng bí thư. Nhưng vì tranh nhau, nên hai ông đã thỏa hiệp đưa một kẻ khác là Nguyễn Phú Trọng, biệt danh “Trọng lú” và “Ông 4 kiên định” vào ngồi. Như vậy, Trương Tấn Sang có thể sẽ làm chủ tịch nước và Nguyễn Tấn Dũng vẫn làm thủ tướng chính phủ. Nguyễn Tấn Dũng đã phải đấu tranh kịch liệt trước những đả kích dữ dội về sự sụp đổ của “quả đấm thép” Vinashin, việc cho Tàu vào Tây Nguyên khai thác bauxite, việc chống tham nhũng thất bại… Do đó mà có màn hài kịch báo VnExpress, tên bồi bút mạt hạng, mới đây đã bình chọn Nguyễn Tấn Dũng như “Nhân vật năm 2010” vì “những ảnh hưởng to lớn và đóng góp quan trọng đối với đất nước”!?! Còn tay đầu óc ngông cuồng là Nguyễn Sinh Hùng, từng bị Quốc hội phản bác trong vụ Đường sắt cao tốc và tố cáo lừa gạt trong vụ Vinashin, nghe đâu sẽ giữ ghế Chủ tịch Quốc hội. Thế là sẽ tha hồ tác oai tác quái tại cơ chế “quyền lực cao nhất” (nhưng bù nhìn) này.
            Đó là tất cả toan tính “ổn định trật tự xã hội” của đảng CS trên mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Nhưng một biến cố thời sự là cuộc xuống đường lật đổ tổng thống độc tài Ben Ali của Tunisia do nhân dân thực hiện và đã thành công hôm 14-01 rồi, cho thấy rằng khi lòng người đã căm phẫn đến tột độ, thì mọi biện pháp “duy trì trật tự, ổn định xã hội” của cá nhân hay tập thể bạo chúa đều vô hiệu. Tổng thống Ben Ali vẫn chưa tham nhũng và độc tài bằng các lãnh đạo đảng Việt cộng, quốc gia Tunisia chưa lâm khủng hoảng và nguy hiểm bằng đất nước Việt Nam, thành ra sự nổi dậy của toàn dân chắc chắn sẽ tới và công lý sẽ nghiêm nhặt hơn đối với tập đoàn lãnh đạo Việt cộng vốn trị quốc chẳng cốt ở an dân mà cốt ở đàn áp.
            BAN BIÊN TẬP

Sự can đảm của đảng Cộng sản Việt Nam


Sự can đảm của đảng Cộng sản Việt Nam
Nguyễn Hưng Quốc

 
Đảng Cộng sản Việt Nam có rất nhiều điểm đáng bị chê trách, tuy nhiên, theo tôi, họ có một ưu điểm rất đáng khâm phục, ít nhất, với riêng tôi: sự can đảm. Trước, trong chiến tranh: họ can đảm. Can đảm khi đánh nhau với Pháp: từ thân phận một nô lệ, họ dám nổi dậy, bất chấp mọi hiểm nguy; và chỉ với những thứ vũ khí thật thô sơ, có khi chỉ là gậy gộc, họ dám chống lại kẻ thù mạnh hơn họ gấp trăm, thậm chí, gấp ngàn lần. Theo dõi những thước phim tài liệu về Điện Biên Phủ, tôi nghĩ, chúng ta không thể không khâm phục. Cố vấn Trung Quốc giúp đỡ ư? Ừ, nếu có, thì họ chỉ giúp được phần trí tuệ, chứ còn phần can đảm thì cũng vẫn thuộc về những con người hì hục khiêng súng, khiêng đạn qua bao nhiêu là đồi, núi, rừng, suối... từ ngày này sang ngày khác, và cuối cùng, đối diện với một đội quân được trang bị những thứ vũ khí cực kỳ tối tân.
Trong cuộc chiến thời 1954-75 cũng vậy. Tôi đọc được khá nhiều tài liệu diễn tả sự thán phục của một số lính Mỹ trước sự chịu đựng gần như ngoài sức tưởng tượng của bộ đội Bắc Việt. Trước khi quân Mỹ đổ bộ đến một nơi nào đó, máy bay đã thả bom cày nát mặt đất, ngỡ như không còn một gốc cây nào còn đứng vững, không một khoảnh đất nào còn nguyên vẹn, vậy mà, người ta vẫn phát hiện có một số du kích hay bộ đội nào đó còn ôm súng nằm yên chờ phục kích. Một số người Mỹ nói: Họ không thể nào hiểu nổi!
Bây giờ, bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21, những người cộng sản Việt Nam, nhất là hàng ngũ lãnh đạo, vẫn còn giữ được sự can đảm không ai có thể tưởng tượng được của họ: Họ không biết sợ gì cả. Tuyệt đối không sợ. Họ không hề sợ nói những điều nhảm nhí. Và họ cũng không hề sợ làm những điều có thể bị chê là ngu xuẩn. Họ không hề sợ.
Như, chẳng hạn, đầu tháng 10 năm 2009, để tạo cớ bắt nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, họ đã dàn dựng lên cảnh ẩu đả trước cửa nhà bà khiến cho một người đàn ông bị thương. Bằng chứng mà công an đưa ra là bức ảnh một người đàn ông máu me dầm dề từ tai xuống cổ, xuống cả chiếc áo trắng đang mặc. Với bằng chứng ấy, họ hy vọng có thể buộc Trần Khải Thanh Thủy tội cố ý đả thương người khác. Có điều, ngay sau đó, một số thành viên thuộc Diễn Đàn Xcafevn phát hiện: đó chỉ là bức ảnh ghép dựa trên một bức ảnh đã được chụp từ hơn bốn năm về trước! Khi sự giả dối của họ bị vạch trần, họ xí xóa bằng cách thả Trần Khải Thanh Thủy chăng? Không, họ vẫn đưa bà ra tòa và vẫn bắt bà bỏ tù. Tại sao ư? Thì tại họ cóc sợ cái gì cả. Kể cả sự thật. Vậy thôi.
Hay, gần đây, để bắt luật sư Cù Huy Hà Vũ, họ buộc ông tội ngủ với gái mại dâm. Té ra, không phải. Cô gái trong phòng của Cù Huy Hà Vũ là một luật sư đồng nghiệp. Cái cớ bắt người vì tội mua dâm, như thế, hóa thành vô duyên. Nhưng không sao, họ vẫn tiếp tục bắt giam Cù Huy Hà Vũ. Tại sao? Thì cũng vẫn tại họ cóc biết sợ cái gì cả. Kể cả liêm sỉ. Vậy thôi.
Nhưng không đâu sự can đảm của đảng Cộng sản, đúng hơn, của hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản, lại được thể hiện rõ cho bằng trong bản báo cáo chính trị được đọc trong đại hội đảng lần thứ 11 vừa mới diễn ra. Trong bản báo cáo ấy, họ nói toàn những điều ngược ngạo, trái với sự thật và trái với lịch sử; trái một cách hiển nhiên; trái đến độ không một kẻ có tâm trí bình thường nào dám nói; vậy mà họ vẫn nói.
Như, chẳng hạn, trong “Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trình Đại hội XI”, họ vẫn khẳng định chủ nghĩa tư bản, tuy vẫn “còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công”. Họ không dám nói, như mấy năm về trước, là chủ nghĩa tư bản “đang giãy chết” nhưng giọng của họ vẫn còn đầy răn đe: chính những “sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó [trong lòng chế độ tư bản] và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động các nước sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản.” Rồi họ dõng dạc tuyên bố: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.”
Rồi, trong “Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng”, họ lại “một lần nữa khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho dân tộc ta có độc lập, tự do thực sự, đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.”
Ở vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21 như hiện nay, sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở khắp nơi đã sụp đổ, sau khi đã có hàng ngàn tài liệu vạch trần những sai lầm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa và những bất cập trong tư tưởng chính trị của Marx và Lenin (chưa nói đến tư tưởng của Stalin và Mao Trạch Đông), mà vẫn còn viết được như vậy quả là một sự can đảm phi thường.
Chính những đảng viên kỳ cựu ở Việt Nam cũng thấy rõ điều đó. Trong cuộc hội thảo góp ý cho Văn kiện Đại hội đảng được Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia phối hợp với Hội khoa học kinh tế Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 10 năm 2010, nhiều người, ví dụ, ông Nguyễn Trung, cựu Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan và cựu thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, nói thẳng: “Viết về nhận định quốc tế – sai. Viết về nhận định các nước XHCN – cũng sai. Viết về nhận định tình hình trong nước – cũng sai.” Rồi ông thêm: “Tôi lấy ví dụ, các nước XHCN còn lại kiên định con đường XHCN, thế chúng ta theo Triều Tiên à, theo Bắc Triều Tiên à? Không được các đồng chí ạ! Viết về quốc tế sai, viết về đất nước sai giữa tình hình thế giới cũng sai chỗ ấy nên bỏ, nếu còn giữ lại thì nguy hiểm.” Hay, như Giáo sư Trần Phương, cựu Phó thủ tướng, nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại nhiều lần: nói như bản dự thảo là “nói bậy”, là “bịp thiên hạ”, là “nhắm mắt trước thực tế”, là “nói một đằng, làm một nẻo”, v.v...
Những lời phát biểu của Nguyễn Trung hay Việt Phương có gì mới mẻ không? Không. Chúng chỉ mới ở việc họ dám nói thẳng ra chứ về nội dung thì hầu như ai cũng biết cả. Chính bà Phạm Chi Lan, cựu thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, cũng trong cuộc hội thảo trên, công nhận điều đó.
Bà kể: khi về các địa phương, đề cập đến các dự thảo về chiến lược hay chính sách của Đại hội đảng, bà nghe rất nhiều người, trong đó có khá nhiều tỉnh ủy viên, hỏi: “Chị ơi, thế cái cậu viết cái này ra, cậu ấy tin cái này là thật à?” hay “đến bây giờ vẫn còn tin, vẫn còn để như thế này à?” Rồi bà lo lắng: “những người bên ngoài người ta sẽ hiểu như thế nào về mình” [khi mình cứ]  “nói những cái trật khấc hết cả, nói những cái nó lạc hậu, nó xa xôi, nó cũ kỹ như vậy”? Rồi bà đặt giả thuyết: “[M]ột là người ta đánh giá là mình dốt, là mình ngu muội đến bây giờ mà đi hiểu thế giới theo cái cách như thế, định hướng đường hướng phát triển của mình theo cái cách như thế. Hai là (…) cũng lại cho là mình giả dối nốt.” Cuối cùng, bà tự hỏi: “Thế thì bây giờ trong thế giới hiện nay người ta có muốn chơi với những người ngu muội hay không, người ta có muốn chơi với người giả dối hay không?”
Giới lãnh đạo có sợ những điều bà Phạm Chi Lan vừa nói không?
Chắc chắn là không. Bằng chứng: những điều mà bà Lan cho là “trật khấc”, “lạc hậu”, “xa xôi”, “cũ kỹ”, “dốt”, “ngu muội” hay “giả dối” hay những điều ông Nguyễn Trung cho là “sai”, ông Việt Phương cho là “nói bậy” hay là “bịp” ấy vẫn cứ xuất hiện một cách hùng hồn, dõng dạc trước Đại hội và cả thế giới.
Bởi thế, tôi mới nói là họ can đảm.
Can đảm bất chấp sự thật. Bất chấp thực tế. Bất chấp lịch sử. Bất chấp tất cả.
Miễn là còn được giữ quyền.
À, mà còn tiền nữa chứ.
Phải không?


Kỷ niệm Hoàng Sa, đọc lại Tuyên Cáo của chính phủ VNCH

TUYÊN CÁO CỦA BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO VIỆT NAM CỘNG HÒA VỀ NHỮNG HÀNH ĐỘNG GÂY HẤN CỦA TRUNG CỘNG TRONG KHU VỰC ĐẢO HOÀNG SA (NGÀY 19.1.1974)

Nguyên văn:

Sau khi mạo nhận ngày 11.1.1974 chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng - Sa và Trường-Sa của Việt Nam Cộng-Hòa, Trung cộng đã đưa Hải-quân tới khu vực Hoàng- Sa, và đổ bộ quân lính lên các đảo Cam -Tuyền, Quang -Hòa và Duy -Mộng.

Lực lượng Hải -quân Trung -Cộng gồm 11 chiến đỉnh thuộc nhiều loại và trọng lượng khác nhau, kể cả một tàu loại Komar có trang bị hỏa tiễn.

Để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền an ninh quốc gia trước cuộc xâm lăng quân sự này, các lực lượng Hải quân Việt-Nam Cộng-Hòa trấn đóng trong khu vực này đã ra lệnh cho bọn xâm nhập phải rời khỏi khu vực.

Thay vì tuân lệnh, các tàu Trung-Cộng, kể từ 18.1.1974, lại có những hành động khiêu khích như đâm thẳng vào các chiến đỉnh Việt-Nam.

Sáng ngày nay, 19.1.1974 hồi 10h20, một hộ-tống hạm Trung-Cộng thuộc loại Kronstadt đã khai hỏa bắn vào khu trục hạm “Trần Khánh Dư” mang số HQ-04 của Việt-Nam Cộng-Hòa. Để tự vệ, các chiến hạm Việt-Nam đã phản pháo và gây hư hại cho hộ tống hạm Trung Cộng. Cuộc giao tranh hiện còn tiếp diễn và đang gây thiệt hại về nhân mạng và vật chất cho cả đôi bên.

Các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm phạm trắng trợn vào lãnh thổ Việt-Nam Cộng-Hòa, và một lần nữa vạch trần chánh sách bành trướng đế quốc mà Trung Cộng liên tục theo đuổi, đã được biểu lộ qua cuộc thôn tính Tây Tạng, cuộc xâm lăng Đại Hàn và Ấn Độ trước kia.

Việc Trung Cộng ngày nay xâm phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng-Hòa không những chỉ đe dọa chủ quyền an ninh của Việt Nam Cộng Hòa mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn cố của Đông Nam Á và toàn thế giới.

Với tư cách một nước nhỏ bị một cường quốc vô cớ tấn công. Việt Nam Cộng Hòa kêu gọi toàn thể các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình trên thế giới hãy cương quyết lên án các hành vi chiến tranh thô bạo củaTrung Cộng nhằm vào một quốc gia độc lập và có chủ quyền để buộc Trung Cộng phải tức khắc chấm dứt các hành động nguy hiểm đó.

Làm ngơ để cho Trung Cộng tự do tiến hành cuộc xâm lấn trắng trợn này là khuyến khích kẻ gây hấn tiếp tục theo đuổi chánh sách bành trướng của chúng và sự kiện này đe dọa sự sống còn của những nước nhỏ đặc biệt là những nước ở Á Châu.

Trong suốt lịch sử, dân tộc Việt Nam đã đánh bại nhiều cuộc ngoại xâm. Ngày nay, Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa cũng nhất định bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia.

(Tài liệu ronéo của Bộ Ngoại Giao, Sài Gòn,
Số 015/BNG/ TTBC/ TT)



TUYÊN CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM CỘNG HÒA VỀ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA TRÊN NHỮNG ĐẢO Ở NGOÀI KHƠI BỜ BIỂN VIỆT NAM CỘNG HÒA

Nguyên văn:

Nghĩa vụ cao cả và cấp thiết của một chánh phủ là bảo vệ chủ quyền, độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ của quốc gia. Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết làm tròn nghĩa vụ này, bất luận những khó khăn trở ngại có thể gặp phải và bất chấp những sự phản đối không căn cứ dầu phát xuất từ đâu.

Trước việc Trung Cộng trắng trợn xâm chiếm bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa thấy cần phải tuyên cáo long trọng trước công luận thế giới cho bạn cũng như thù biết rõ rằng:

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy.

Chừng nào còn một hòn đảo thuộc lãnh thổ ấy của Việt Nam Cộng Hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình.

Kẻ xâm chiếm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi tình trạng căng thẳng có thể do đó mà có.

Trong dịp này, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng long trọng tái xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những hải đảonằm ở ngoài khơi bờ biển Trung Phần và bờ biển Nam Phần Việt Nam, từ trước tới nay vẫn được coi là một phần lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa căn cứ trên những dữ kiện địa lý, lịch sử, pháp lý và thực tại không chối cãi được.

Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trên những đảo ấy bằng mọi cách.

Trung thành với chánh sách hòa bình cố hữu của mình, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa sẵn sàng giải quyết bằng đường lối thương lượng những vụ tranh chấp quốc tế có thể xảy ra về những hải đảo ấy, nhưng nhất định không vì thế mà từ bỏ chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những phần đất này.

Làm tại Saigon, ngày 14 tháng 2 năm 1974

Ba Trang báo_Những mảnh đời khốn nạn

CẢNH MỘT:
Đại gia Hà Nội chi gần chục triệu ăn sáng
VNN – Thực phẩm “bẩn” len lỏi vào từng ngõ ngách, đe dọa sức khỏe, sinh mạng của người tiêu dùng. Trước thực trạng “đụng đâu cũng thấy chất độc”, một bộ phận những người có điều kiện kinh tế khá giả đã chịu chi những khoản tiền không nhỏ để ăn uống ở các nhà hàng sang trọng nhằm đổi lấy sự an toàn. Có những người thường xuyên ăn một bát phở có giá 750.000 đồng mỗi sáng sớm, đến cuối tuần lại dẫn cả gia đình đi ăn cùng. Ước tính số tiền chi cho một bữa sáng như vậy cũng hết gần chục triệu đồng.
Ăn một bát phở giá 750.000 đồng
Kể từ nửa năm trở lại đây, anh Thắng – chủ một công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Hà Nội – thường đến ăn món phở khá nổi tiếng tại nhà hàng của một khách sạn trên đường Láng Hạ.
Loại phở này có 6 loại khác nhau với nhiều mức giá khác và chênh nhau tương đối lớn, gồm: Phở bò Kobe gyu ‘5’ giá 750.000 đồng/bát; phở bò Kobe ‘M’ giá 500.000 đồng/bát. “Bình dân” hơn là phở bò Wagyu Úc giá 220.000 đồng/bát. “Bình dân” hơn nữa là phở bò Mỹ giá 125.000 đồng/bát. 2 loại có giá thấp nhất là phở bò Úc ‘S’ giá 85.000 đồng/bát và phở nạm bò Mỹ giá 70.000 đồng/bát.
Tổng Giám đốc kiêm chủ nhà hàng này cho biết, loại phở giá 500.000 đồng/bát và 750.000 đồng/bát xuất hiện khoảng hơn 1 năm trở lại đây. Đặc điểm của loại thịt bò dùng cho loại phở này là khi cho vào miệng, miếng thịt sẽ tan nhanh, rất mềm, rất giòn, đậm đà và giàu dinh dưỡng. Thay vì nhà hàng nhúng thịt bò trước, khi ăn bát phở này, khách hàng sẽ tự tay nhúng lấy.
Thay vì nhúng từ trước, khách hàng sẽ tự tay nhúng trực tiếp thịt bào để mọi chất bổ dưỡng đều đi vào bát phở. Giá cao nhất cho một bát phở này là 750.000 đồng.

Hiện nay, số thực khách lựa chọn loại phở đắt nhất này xuất hiện ngày càng nhiều (chính ông chủ nhà hàng này cũng không ngờ món này lại hút khách đến vậy). Song, sự lựa chọn phổ biến nhất vẫn là phở bò Mỹ giá 125.000 đồng/bát và phở bò Wagyu Úc giá 220.000 đồng/bát. Điểm đáng chú ý là trong số những thực khách sử dụng các món phở trên, có nhiều người vì nhu cầu cá nhân chứ không vì phải tiếp khách hay phải chiêu đãi đối tác, vv..

Nhiều người nghe mức giá dành cho một bát phở như trên tỏ ra khá giật mình. Có người còn hóm hỉnh “quy đổi” 1 bát phở bò Kobe gyu ‘5” giá 750.000 đồng ra thành tiền dùng để đi nhậu thì thấy: Khoản tiền 750.000 đồng có thể thoải mái cho một bữa nhậu 4 người với rượu và nhiều món ăn đa dạng!
Nhưng những người như anh Thắng lại không nghĩ vậy. Anh Thắng cho rằng, với tình hình vệ sinh thực phẩm gần như bị thả nổi hiện nay, nếu ăn uống ở những nhà hàng nhỏ lẻ, quán ăn ven đường, … không có hệ thống kiểm tra chất lượng và phát hiện độc chất thì anh không yên tâm.
Anh Thắng bày tỏ: “Tôi không nghĩ tôi đến đây vì thích chơi sang. Đơn giản là vì tôi có thể trả 750.000 đồng cho 1 bát phở mà tôi nghĩ là ngon, an toàn và tôi cảm thấy an tâm, thoải mái vì điều đó”.
Trung bình mỗi tuần anh Thắng đến nhà hàng này ăn phở 2-3 lần. Vào cuối tuần rảnh rỗi hoặc muốn xả stress, anh cũng thường đưa cả vợ, 2 con và ông bà nội ngoại đến ăn cùng, mỗi người có thể chọn loại phở theo sở thích riêng của mình.
“Tôi thấy kinh tế Việt Nam hiện nay phát triển mạnh và sản sinh ra một tầng lớp giàu có, tiền với họ không phải là vấn đề quá quan trọng. Là chủ nhà hàng này, thời gian gần đây tôi thường xuyên tiếp những gia đình 3 thế hệ đến ăn phở vào mỗi sáng cuối tuần. Cả tiền đồ uống, café, hóa đơn thanh toán cho mỗi lần ăn sáng cũng có thể là gần chục triệu đồng”, chủ nhà hàng cho biết.
Thậm chí, có những vị khách thân quen ăn thường xuyên ở đây đã trên 2 năm, ngày nào nhà hàng cũng phải giữ một chỗ đặc biệt cho vị khách này. Toàn nhà hàng có khoảng 150 chỗ ngồi, nhưng vào giờ cao điểm (7-9h sáng) đều hết sạch chỗ ngồi. Đến ngày cuối tuần, theo lời ông chủ, thì nhiều khách muốn vào ăn còn phải lái xe ô tô chạy nhiều vòng bên ngoài để tìm chỗ đậu xe vì sân nhà hàng đã chật kín xế hộp.
Càng giàu càng ăn sạch
Không chỉ ăn sáng, nhiều người giàu ở Hà Nội chọn ăn trưa hoặc ăn tối cũng ở những nơi sang trọng, đắt đỏ để đạt được cảm giác an tâm.
Bà Thùy Anh, phụ trách truyền thông của khách sạn M. cho biết, khách sạn có đặc thù là thường phục vụ ăn cho khách nước ngoài, khách tham gia hội nghị hội thảo nên đối tượng đến ăn vì nhu cầu cá nhân trước đây xuất hiện không thường xuyên. Nhưng hiện nay thì tình hình đã đổi khác.
“Dù không có một thống kê nào về việc có bao nhiêu người đến đây ăn vì nhu cầu ăn uống cá nhân thông thường nhưng đối tượng cá nhân, hộ gia đình đến đây ăn xuất hiện ngày càng nhiều”, bà Thùy Anh nói.
Để đáp ứng được xu hướng này của khách hàng, khách sạn M. đã đưa ra ngày càng nhiều món ăn thuần Việt hơn và đưa ra một số “gói” sản phẩm cho khách hàng lựa chọn.
“Cuối tuần chúng tôi có gói ăn sáng kèm ăn trưa cùng, kéo dài từ 9h sáng đến 2h chiều. Giá cho mỗi suất ăn của người lớn là 620.000 đồng, chưa để đồ uống và 10% VAT cùng các chi phí khác. Trên thực tế, rất nhiều người lựa chọn những suất ăn như thế này, số gia đình đi đến 6-7 người vào cuối tuần rất phổ biến và họ đến khá thường xuyên”, bà Thùy Anh nói.
Còn tại chuỗi nhà hàng “bình dân” hơn, một giám đốc Marketing cũng cho biết, lượng khách gia đình đến ăn tại đây cũng chiếm đến khoảng 40%. Những đối tượng đi ăn nhỏ lẻ đến rất thường xuyên.
Cẩm Quyên - VietNamnet.
CẢNH HAI:
Cụ ông gần 100 tuổi đạp xích lô cảm ơn độc giả VnExpress
“Tôi vô cùng xúc động và cảm ơn các nhà hảo tâm đã quan tâm, giúp đỡ đôi vợ chồng già trong lúc tuổi cao sức yếu. Đã lâu lắm rồi vợ chồng tôi chưa có nhiều tiền để ăn Tết như thế này”, cụ Đặng Huyền, nhân vật trong chùm ảnh "Cụ ông gần 100 tuổi đạp xích lô” tâm sự.
Ngay sau khi VnExpress.net đăng phóng sự ảnh về cụ Đặng Huyền ở thôn Lưu Khánh, xã Phú Dương (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), có rất nhiều độc giả trong và ngoài nước gọi điện đến tòa soạn ngỏ ý muốn được giúp đỡ cụ.
Cụ ông gần 100 tuổi đạp xích lô cảm ơn độc giả VnExpress
“Tôi vô cùng xúc động và cảm ơn các nhà hảo tâm đã quan tâm, giúp đỡ đôi vợ chồng già trong lúc tuổi cao sức yếu. Đã lâu lắm rồi vợ chồng tôi chưa có nhiều tiền để ăn Tết như thế này”, cụ Đặng Huyền, nhân vật trong chùm ảnh "Cụ ông gần 100 tuổi đạp xích lô” tâm sự.
Bạn đọc tại Thừa Thiên - Huế và các tỉnh lân cận đã đến tận nhà thăm hỏi, giúp đỡ vợ chồng cụ Huyền bằng nhiều cách như: tặng tiền mặt, mua cho cụ bộ bàn ghế, chiếc chăn ấm, điện thoại bàn…. với tổng giá trị hơn 20 triệu đồng.
Ngoài ra, một số bạn đọc muốn mở tài khoản để có thể chu cấp tiền thường xuyên cho cụ, nhưng do tuổi quá cao nên cụ Huyền cho biết không thể cầm thẻ đi rút tiền tại các trạm ATM được.
cu huyen
Một bạn đọc đã giúp cụ Huyền chiếc điện thoại bàn để mọi người tiện việc hỏi han vợ chồng cụ. Ảnh: Văn Nguyễn.
Ngày 17/1, trong căn nhà nhỏ của mình, cụ bà Trần Thị Lặc ngồi cạnh chồng cứ rưng rưng nước mắt, nói: “Nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm mà mùa đông năm nay hai vợ chồng tôi có áo ấm để mặc, có chăn ấm để đắp. Vợ chồng tôi mang ơn quý ân nhân nhiều lắm!”.
Còn cụ Huyền cho biết sẽ dùng số tiền bạn đọc VnExpress giúp đỡ để lo thuốc thang cho hai vợ chồng mỗi khi đau ốm và sắm sang ít đồ ăn Tết. “Tết năm nay tôi sẽ tìm cách liên lạc với đứa con trai xa xứ để gia đình có một cái Tết sum vầy vì vợ chồng tôi đã ở tuổi gần đất xa trời rồi”, cụ Huyền nói.
Cụ Đặng Huyền (người địa phương vẫn thường gọi là cụ Huần) năm nay 99 tuổi nhưng vẫn đạp xích lô. Hai năm trở lại đây, do sức khỏe yếu nên cụ Huyền không chở khách và hàng thường xuyên nữa nhưng mỗi khi có khách nhờ chở đồ nhẹ, cụ ông vẫn nhận lời cốt để có thêm tiền lo cho bữa cơm của hai vợ chồng già.
Bén duyên với nghề đạp xích lô từ khi 30 tuổi, đến nay cụ Huần đã có 69 năm làm nghề này. Con trai bỏ quê vào Nam làm ăn, hơn 30 năm nay mất liên lạc, cuộc sống gia đình cụ chỉ biết nhờ vào đồng công đạp xích lô ít ỏi và sự đùm bọc của làng xóm.
Văn Nguyễn - VNExpress.net.
Nguyễn Xuân Diện:
Hai trang báo. Hai cảnh đời. Cảnh nào cũng buồn. Cảnh một làm người ta buốt óc. Cảnh hai làm người ta ấm lòng. Giá mà người ở cảnh một biết đến người ở cảnh hai. Giá mà người ở cảnh hai không biết đến người ở cảnh một.
Không biết ông Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế có biết đến người ở cảnh hai.

CẢNH BA:
Chùm ảnh: Một thoáng biên cương xứ Nghệ trong giá rét
(Dân trí) - Quần áo tơi tả, co ro, nước mũi chảy dài như con đỉa bám lấy môi trên, miệng nhai ngấu nghiến nắm xôi nguội lạnh... Biên cương xứ Nghệ vẫn còn đó trẻ em lang thang giữa tiết trời lạnh cóng xé da, cắt thịt.
Những ngày đầu năm 2011, chúng tôi ngược rừng xứ Nghệ làm một chuyến công tác “cầu may” cho cái nghiệp làm báo. Biên cương xứ Nghệ những ngày đầu (đầu năm dương lịch) và cuối năm (cuối năm âm lịch) thời tiết lạnh cóng chân tay. Lạnh đến cắt da, cắt thịt khi phải hành xác trên con wave tàu cũ rích. Con ngựa sắt đưa chúng tôi đi từ bản làng này qua bản làng khác trên những con đường khúc khuỷu, quanh co... và chỉ đi bằng số 1 hoặc 2.
Rong ruổi trên những cung đường gian khổ, qua các bản làng nơi đâu chúng tôi cũng đều gặp hình ảnh các em nhỏ nơi biên cương xứ Nghệ đen sẹm, nhỏ thó như những cụ khoai lang vứt chõng chơ bên vệ đường hoặc hiên nhà. Hình ảnh các em đập vào mắt khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi giữa tiết trời nơi đây xuống thấp từ 7-10 độ C. Đến thời điểm này (ngày 14/1/2011) tại Nghệ An trời đã ấm lên. Tuy nhiên các nẻo đường, bản làng xa xôi nơi Miền tây xứ Nghệ vẫn còn lạnh đi đâu cũng bắt gặp hình ảnh con trẻ vui đùa trong giá rét... 
 
Những hình ảnh dưới đây sẽ làm nhiều người xót xa:
 
Không quần...
có áo cũng tả tơi...
dù cho trời lạnh...
thỏa thuê nô đùa

Nhem nhuốc trẻ em biên cương Kỳ Sơn




Cùng cặp lồng đến lớp.
 
Trẻ em Keng Đu ban ngày...
Và về đêm.