12/10/10

Đại học mở LHQ

Mô hình đại học nào có thể giúp Việt Nam tăng tốc đào tạo chuyên gia? Mô hình nào thích nghi mà phẩm chất vẫn tốt? Hay là kết hợp giữa đại học mạng và đại học truyền thống? Hay chỉ đơn giản là đưa sinh viên du học? Đó là những câu hỏi cần được các nhà quyết định chính sách tại VN nghiên cứu.

Có một mô hình vừa xuất hiện toàn cầu trong tháng này: Liên Hiệp Quốc loan báo tổ chức một đại học trực tuyến, miễn phí. Bản tin nhan đề “UN Announces Launch of World's First Tuition-Free, Online University” là một bản thông cáo báo chí do cơ quan LHQ phổ biến. Bản tin đề ngày 19/05/2009, và đăng trên báo Tân Tây Lan www.scoop.co.nz ngày Thứ Năm 21/05/2009. Tin nàỳ cũng đăng ở UPI, ABC News, và nhiều thông tấn khác. Đây có thể là một mô hình giáo dục rẻ tiền, mà các nhà quyết định chính sách tại VN cần nghiên cứu để bắt chước, mô phỏng, hoặc áp dụng một phần, hoặc kết hợp với mô hình giáo dục đaị học truyền thống, hoặc có thể xin sử dụng các học trình và tài liệu giáo dục đã có sẵn của các đại học LHQ và tương tự. Bởi vì, không thể để kéo dài tình trạng sinh viên VN bỏ học ngang chỉ vì kẹt tiền học phí, và rồi như hiện nay, giáo dục đại học đã trở thành một đặc quyền của giai cấp cán bộ vì con em được hưởng chính sách ưu đãi giáo dục, hay của người có tiền vì gánh chịu nổi tiền học phí đại học, hay người ở các thành phố lớn vì con em đi học nhưng không phảỉ trả tiền phòng, tiền ăn… như các em vùng xa lên tỉnh học.

Tình hình cải tổ hệ giáo dục còn khẩn cấp hơn, vì học phí tại VN vẫn tăng liên tục. Bản tin VietnamNet ngày 21/05/2009, cho biết học phí ĐH tăng lên 255.000 đồng/tháng trong năm 2009 - có nghĩa là cao hơn một chút 1/3 tiền lương tháng của một công nhân lương tối thiểu, và nếu cộng thêm tiền phòng, tiền ăn, tiền xăng, tiền mua sách giaó khoa thì kể như là thê thảm. Thế là, sẽ hoang phí biết bao nhiêu bộ óc của tuổi trẻ Việt Nam, khi các em phải nửa đường bỏ học.

Bản tin LHQ cho biết, cơ quan UN Global Alliance for Information and Communication Technology and Development (GAID, Liên Minh Toàn Cầu LHQ vì Phát Triển và Kỹ Thuật Viễn Thông và Thông Tin) đã thiết lập ngôi trường tân lập có tên University of the People (Đại Học Nhân Dân) để cung cấp học vấn đaị học cho quần chúng.


Đại học Nhân dân

Nguồn: uopeople.org
Lễ công bố thành lập đaị học này thực hiện trong buổi họp báo tại bản doanh LHQ ở New York. Shai Reshef, người sáng lập đaị học này nói rằng đaị học mở cửa cho hàng trăm triệu người có thể ngồi nhà tự học với chi phí tối thiểu, vì chỉ cần nối mạng Internet, còn sách giaó khoa thì cũng đưa lên mạng miễn phí, phương pháp dạy thực hiện là qua mạng, và hỗ trợ giáo dục bằng cách bạn học giúp nhau (peer-to-peer teaching).


Reshef nói là chỉ mới mở ra có 2 tuần lễ, mà không có quảng cáo ầm ĩ gì hết, Đại Học này của LHQ đã có khoảng 200 sinh viên từ 52 quốc gia ghi danh học - điều kiện căn bản ghi danh là phải có bằng trung học và trình độ Anh Ngữ vừa đủ. Địa chỉ đại học này là: http://www.uopeople.org.

Bản tin cho biết, sinh viên sẽ được đưa vào mỗi lớp 20 người, sau đó sinh viên có vào xem các bải giảng hàng tuần, thảo luận chủ đề học với các bạn cùng lớp, và làm bài thi đều qua mạng Internet.

Đạị học mạng LHQ hiện có các giaó sư thiện nguyện, các sinh viên bậc hậu đạị học và các sinh viên từ các lớp khác có thể giúp sinh viên giảỉ đáp thắc mắc, với cố vấn và tham khảo.

Lệ phí duy nhất tính tiền với sinh viên là tiền ghi danh 15 tới 50 Mỹ Kim, tùy theo nơi sinh viên cư ngụ, và lệ phí thực hiện cho mỗi kỳ thi là từ 10 tới 100 Mỹ Kim.

LHQ cho biết, để Đại Học này có thể tự tồn tại, sẽ cần tới 15.000 sinh viên và 6 triệu Mỹ Kim, trong đó ông Reshef hiến tặng 1 triệu đô từ tiền túi của ông.

Thực ra, chuyện học qua mạng không có gì mới lạ, vì hiện đã có 200 đạị học Mỹ lên mạng, trong đó khoảng 100 trường vào chung mạng www.YouTube.com, một mạng mà bạn có thể vào tự học gần như đủ thứ, từ chuyện sửa chữa nhà cửa, cho tới học hát, học vẽ, học ảo thuật, và vân vân. Tuy nhiên, Đại Học LHQ với chương trình nghiêm túc như thế hẳn nhiên là sau những cuộc nghiên cứu, và được hỗ trợ từ nhiều học giả toàn cầu. Văn bằng của trường này, tất nhiên có giá trị ở những nơi cơ quan này có mặt hoặc có hoạt động. Như thế, đây cũng là mô hình mà VN cần nghiên cứu.

Có một suy nghĩ nữa, trong trường hợp Bộ Giáo Dục và Đào Tạo VN từ chối mở đại học mạng, vì sợ không kiểm soát nổi lý lịch những người muốn học cao, hay vì bất kỳ lý do gì khác, thiết tưởng các vị trí thức ở quê nhà nên mở ra một đại học Internet tư thục.

Hiện nay, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và hàng trăm trí thức đã ký tên vào bản Kiến Nghị xin ngăn cản dự án bauxite Tây Nguyên, bây giờ có thể thấy rằng hoàn toàn không có thể nào ngăn nổi dự án này. Có ký thêm 10 bản kiến nghị nữa cũng vô ích. Chính ở giây phút này, các vị trí thức nên chọn kế hoạch đầu tư lâu dài, một hướng đi của cụ Phan Chu Trinh: lấy giáo dục làm phương tiện cứu nguy đất nước.

Mở trường đạị học kiểu truyền thống thì chắc chắn là Đảng CSVN sẽ cấm, vì họ không muốn ai cạnh tranh cả. Thế nên, giải pháp Đại Học Internet không chỉ thích nghi cho Bộ Giáo Dục đang muốn tiết kiệm, mà còn thích hợp cho các vị trí thức muốn tìm một phương tiện chuyển biến hòa bình cho đất nước.

Đại học Internet của LHQ là một mô hình nghiêm túc, rất cần được nghiên cứu để áp dụng theo hoàn cảnh thích nghi ở VN.

Giáo dục thể chất bậc đại học ở Việt Nam

Trần Xuân Thủy

Tản mạn về Giáo dục thể chất bậc đại học ở Việt Nam

Chắc là chẳng mấy ai phản đối nếu tôi nói rằng chất lượng giáo dục bậc đại học ở nước ta hiện nay vẫn còn quá nhiều yếu kém, vẫn còn quá nhiều bất cập. Nhưng có một điều không phải ai cũng biết là để lấy được bằng đại học Việt Nam thì cũng chẳng dễ dàng chút nào. Mâu thuẫn quá chăng? Không hề!

Ở nước ta hiện nay, muốn trở thành một cử nhân bậc đại học, ngoài kiến thức chuyên môn, bạn cần hoàn thành vài chục học trình các môn chính trị Mác-Lênin, có chứng chỉ về Giáo dục quốc phòng (học quân sự) và chứng chỉ Giáo dục thể chất (học thể dục).

Giáo dục thể chất được đa số sinh viên xếp đầu danh sách các môn học “tử thần”, đáng sợ hơn bất kỳ môn học văn hóa khó nhằn nào khác. Có vài câu cửa miệng mà giới sinh viên hay bảo nhau là: “Chưa thi lại môn thể dục, chưa phải sinh viên Việt Nam!”, hay “Giáo dục thể chất còn đáng sợ hơn cả 70 câu triết Mác-Lênin”. Tiếng lóng trong giới sinh viên gọi việc nộp phí để thi lại là “ngu phí”. Có nhiều người thậm chí đã hoàn thành chương trình đào tạo chuyên ngành rồi, nhưng vẫn chưa nhận được bằng tốt nghiệp vì còn “nợ thể dục”, tức là vẫn chưa đủ điều kiện có được chứng chỉ Giáo dục thể chất.


Giáo dục thể chất kiểu Việt Nam

Mục đích của việc giáo dục thể chất là rèn luyện sức khỏe, phát triển thể lực, đặng tinh thần được thoải mái trong học tập nghiên cứu nói riêng và trong đời sống sinh hoạt thường nhật nói chung. Ngoài ra, nếu được tổ chức đào tạo một cách có hiệu quả, giáo dục thể chất trong học đường sẽ là nguồn cung cấp vận động viên có chất lượng cho thể thao chuyên nghiệp quốc gia. Có lẽ những người Việt Nam còn chút lòng tự trọng vẫn chưa hết hổ thẹn mỗi khi nhớ lại sự kiện Việt Nam giành giải nhất Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á 2006 (lần thứ 13 diễn ra tại Hà Nội) một cách tuyệt đối nhờ vào việc đem các vận động viên chuyên nghiệp ra thi đấu với vận động viên nghiệp dư là sinh viên của các nước bạn.

Cũng như ở Việt Nam, phần lớn các trường đại học trên thế giới đều xem giáo dục thể chất là điều bắt buộc, song song với đào tạo chuyên ngành. Tuy nhiên có một khác biệt núi cao vực sâu giữa là ở nước người, sinh viên có quyền chọn môn thể dục theo sở thích cá nhân, chọn khóa học phù hợp với thời gian biểu của mình; còn ở ta thì không!

Các môn thể thao – nếu được lựa chọn theo sở thích, phù hợp với năng lực và thể lực cá nhân người ta – thì sẽ trở thành niềm vui, thậm chí niềm đam mê của họ. Ngược lại, nó sẽ là sự chịu đựng, thậm chí là nỗi sợ hãi nếu sinh viên phải học những thứ mà họ không thích, hoặc phải học những thứ vượt quá khả năng sức lực của họ.

Tôi vẫn chưa quên cái cảm giác e ngại, ức chế đối với các môn Giáo dục thể chất khi còn học đại học trong nước. Học kỳ đầu tiên chúng tôi học chạy và nhảy cao. “Ừ thì không thích lắm nhưng thôi cũng đành vì chạy và nhảy cũng chẳng quá tệ, ít ra sau này có gì còn ù té quyền - tam thập lục kế tẩu vi thượng sách”, tôi đã tự an ủi mình như thế. Đến kỳ thứ hai thì tôi thực sự sợ hãi khi phải học môn xà kép. Muốn qua được môn này phải “trồng cây chuối” trên xà và lộn đầu lui tới mấy vòng. Xà rất cao, tôi lại thuộc dạng còi và yếu ( di chứng suy dinh dưỡng một thời bao cấp chuyên khoai sắn và bo bo). Nhiều người khỏe nhưng sơ sẩy là ngã gãy tay gãy cổ như chơi, nói gì thư sinh yếu ớt như tôi. May thay cuối cùng thầy giáo chấm tôi 5 điểm đủ qua, khỏi phải nộp ngu phí thi lại như nhiều bạn đồng học trong lớp. Có lẽ thầy đã châm chước vì tôi là sinh viên đi từ tỉnh lẻ, ăn nói tuy nhút nhát nhỏ nhẹ nhưng lễ phép và lịch sự chứ không kiểu phách lối cá mè một lứa như các bạn thành phố.

Tôi thích bóng đá, bóng bàn nhưng đáng tiếc là không chọn được các môn này. Ai cho mà chọn? Nghĩ thật buồn cười vì ở cái nước Việt Nam mình, những chuyện quốc gia đại sự như bầu cử Quốc hội lâu nay theo tinh thần “bầu là bầu nhiều khi không mà có, bầu là bầu nhiều khi có như không” đã đành, đến ngay cái sự cỏn con như học thể dục thể thao của mấy gã sinh viên cũng theo phương thức bị áp đặt, bị phân công nốt.

Đang học xà kép thì nghe các bạn trong lớp nói rằng, theo thông tin từ trên khoa Giáo dục thể chất, tới học kỳ tiếp theo, chúng tôi sẽ học bóng rổ. Suýt nữa thì tôi ngất xỉu khi nghe tin sét ngang tai đánh ấy. Bởi trước đó, ngay lần đầu tiên tò mò tập tọng chơi bóng rổ trong sân trường, tôi đã gặp tai nạn nhớ đời. Tôi yếu, lại thấp nên khi bị một cậu bạn cùng lớp khỏe như vâm húc cho một phát từ phía đằng sau thì không trụ nổi, đầu dúi xuống nền xi măng, máu me tòe loe. Kết quả là sau này dù đã qua tây du học, nền sân bãi làm bằng gỗ rất an toàn và có cả bảo hiểm đầu gối hẳn hoi, nhưng tôi vẫn không dám sờ đến quả bóng rổ. Cạch đến già!


Ở tây người ta dạy thể dục ra sao và ta có thể học gì ở họ?

Thật may mắn vì xong học kỳ thứ hai ở Việt Nam thì tôi được học bổng du học Đông Âu, thoát khỏi môn bóng rổ. Con nhà nghèo toàn đi Đông Âu, vì những suất xịn đi Nhật đi Úc nếu không rơi vào tay con em các thầy cô giáo trong trường thì cũng đến tay con cái các vị tai to mặt lớn trong chính quyền thành phố. Thành tích học tập, điểm chác mình cao mấy thì cũng bị họ loại khỏi vòng chiến đấu dễ như bỡn. Với các suất Nhật, Úc, người ta thường dán thông báo kề ngày hết hạn nộp đơn để mình trở tay không kịp. Mà ác một chổ là họ thường dán các thông báo về học bổng du học ở chổ khó ai nhìn thấy, ví dụ như dưới gầm cầu thang.

Trở lại với vấn đề Giáo dục thể chất. Lúc sang Đông Âu , giống như các sinh viên bản địa, tôi cũng phải học thể dục. Các môn học thể dục thể thao trong trường tôi cực kỳ phong phú và đầy đủ, từ võ thuật (karate, taekwondo, taichi, kick-boxing…) cho đến tập thể hình, bơi lội, bắn súng hơi, chạy, aerobics, leo tường, đấu kiếm, bóng bàn, bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền… Đại khái tôi nhớ không hết, nhưng có vài chục môn như vậy. Muốn chọn môn nào, thời gian vào lúc nào tùy ý thích mỗi người. Sinh viên có thể theo học một môn thể thao nhất định, hoặc cũng có thể “học hỗn hợp”. “Học hỗn hợp” có nghĩa là tuần này thích thì đi bắn súng hơi, tuần sau chuyển sang chơi bóng bàn, tuần sau nữa có thể đi bơi. Những người học theo hình thức hỗn hợp này sẽ được nhà trường phát cho một tấm thẻ nhỏ để cuối mỗi buổi học thì có thể thu thập chữ ký của người phụ trách, mỗi học kỳ họ cần thu thập được ít nhất 20 chữ ký như vậy. Tóm lại việc học thể dục thể thao hết sức thoải mái, đúng nghĩa “tôi thích thể thao”.

Đọc đến đây có lẽ bạn đọc sẽ thốt lên rằng: Ở tây thì mới có thế, sao lại đi so sánh với Việt Nam?

Nếu nghĩ vậy thì bạn đã nhầm.

Ban đầu tôi cũng hết sức ngạc nhiên khi thấy một trường đại học có tới hơn 8000 sinh viên nhưng khoa phụ trách Giáo dục thể chất của họ chỉ vỏn vẹn cỡ chục người. Những người này chủ yếu phụ trách việc quản lý, họ không đứng lớp giảng dạy.

Các lớp học thể dục thể thao phần lớn là do nhà trường hợp đồng với các tổ chức hay tư nhân bên ngoài. Tôi lấy hai ví dụ minh họa.

Ví dụ đầu tiên với lớp Karate hệ phái Kyokushin. Nhà trường giao kèo với câu lạc bộ Karate trong thành phố, sắp xếp giờ giấc và họ mượn phòng tập mở lớp dạy võ. Trong sự hợp tác này, cả ba bên bao gồm sinh viên, nhà trường và câu lạc bộ Karate, ai ai cũng có lợi. Sinh viên có thể tham gia vào lớp Karate mà không phải đóng một xu học phí nào. Nhà trường mở được lớp thể dục nhưng lại không tốn công đào tạo cũng như khỏi tốn tiền trả lương cho giáo viên. Câu lạc bộ Karate của thành phố nói riêng và liên đoàn Karate nói chung có cơ hội mở võ đường, thu nhận thêm võ sinh. Karate, Taekwondo lớn mạnh và phổ biến trên thế giới như ngày nay chính là nhờ chiến thuật “tấn công” vào học đường như kiểu trên.

Ví dụ thứ hai với môn bơi lội. Nhà trường ký hợp đồng với các hồ bơi trong thành phố. Sinh viên có thể đến các hồ bơi để được tha hồ tắm táp bơi lội. Sau khi xuất trình thẻ sinh viên, họ chỉ phải trả một khoản phí vào hồ bơi thấp hơn nhiều so với những ai không là sinh viên; phần bù còn lại sẽ do nhà trường trả cho các chủ hồ bơi. Trong sự hợp tác này, cả ba bên, sinh viên, nhà trường và chủ hồ bơi đều có lợi. Sinh viên có thể học bơi với mức phí ưu đãi. Nhà trường chỉ phải bỏ ra một khoản tiền ít hơn rất nhiều so với việc xây dựng hồ bơi, thuê mướn giáo viên phụ trách. Các chủ hồ bơi cũng được lợi nhờ bán được nhiều vé bơi hơn.

Những kinh nghiệm như trên hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam, nhất là trong điều kiện Bộ giáo dục và Đào tạo ngày càng trao nhiều quyền tự chủ hơn cho các trường đại học. Khoa Giáo dục thể chất của các trường đại học ở nước ta hoàn toàn có thể hợp tác đào tạo với các câu lạc bộ hay chủ doanh nghiệp địa phương liên quan đến thể dục thể thao, ví dụ như các câu lạc bộ Vovinam–Việt Võ Đạo hay Võ cổ truyền Bình Định, hoặc Karate, Taekwondo, Yoga, thể dục thể hình, hay các hồ bơi,…

Có như vậy, chất lượng Giáo dục thể chất mới được cải thiện. Sinh viên có nhiều chọn lựa hơn cho các môn thể thao mà mình yêu thích. Nhà trường tiết kiệm được chi phí xây dựng cơ sở vật chất, tiết kiệm được chi phí đào tạo và cũng tiết kiệm được khoản lương trả cho đông đảo các giáo viên phụ trách các môn thể dục thể thao. Ngoài ra, các câu lạc bộ hay các doanh nghiệp ở địa phương cũng tăng thêm được số thành viên tham gia hiệp hội hoặc tăng thêm được số lượng khách hàng mua dịch vụ của họ.


Đôi điều suy nghĩ, ngậm ngùi

Sang Đông Âu du học, tôi đăng ký tham gia vào lớp học Karate hệ phái Kyokushin. Với một gã thư sinh trói gà không chặt như tôi thì võ vẽ không là chuyện quá dễ dàng. Ban đầu tôi cũng chỉ định bụng học tí võ công cho vui cho biết, nhưng không ngờ dẫu mỗi tuần hai buổi luyện tập, thì một năm sau đó, thể lực sức khỏe và tinh thần tôi khá hơn hẳn, việc học hành bài vở vì thế mà càng thêm thuận lợi.

Có lần sư phụ tôi (là người tây) hỏi: Cậu là người Việt Nam, sao không học Vovinam–Việt Võ Đạo làm chi mà phải đi học học võ Nhật Bản? Tôi xem chương trình biểu diễn võ thuật của các môn phái phát trên kênh Eurosport thấy Vovinam–Việt Võ Đạo cũng hay lắm!

Tôi ngậm ngùi thưa rằng vì ở xung quanh đây không có câu lạc bộ Vovinam–Việt Võ Đạo nào, chứ nếu có thì tôi đã học võ nước tôi ngay từ đầu.

Nói là nói vậy thôi chứ nghĩ cùng buồn. Vì ở ngay Việt Nam mình, võ cổ truyền nói chung và Vovinam-Việt Võ Đạo thậm chí còn lép vế nếu so với các thứ võ thuật ngoại bang như Karate, Taekwondo. Không hiểu các đồng chí đảng viên đảng cộng sản ở nhà xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc kiểu gì mà những giá trị cổ truyền cha ông để lại hoặc đã hoàn toàn biến mất hoặc nếu còn thì cũng đang lâm vào tình trạng suy tàn sống dở chết dở. Nghe nói hát xẩm bây giờ chỉ còn duy nhất một nghệ nhân là bà cụ già hơn 90 tuổi gần đất xa trời. Ra nước ngoài mới hay, những thứ mà người ta biết về Việt Nam mình gần như gói gọn trong lòng dư âm một cuộc chiến. Song người tây phương đã không biết đó là bi kịch của dân tộc Việt Nam về những năm tháng huynh đệ tương tàn, khiến đến bây giờ người Việt vẫn còn chia rẽ.

Người ta vẫn thường nói đến mục tiêu rèn luyện bản thân: “Một trí tuệ minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”. Dẫu chất lượng Giáo dục thể chất có tốt mấy thì cũng vẫn chưa đủ. Để người trẻ Việt Nam thật sự là những “trí tuệ minh mẫn”, đảng cộng sản Việt Nam nên vì lợi ích dân tộc mà dừng ngay sự đốn mạt từ trước đến nay họ vẫn làm là nhồi những u mê, lỗi thời và bệnh hoạn của chủ nghĩa Mác-Lênin vào sọ não các thế hệ thanh niên – những chủ nhân tương lai của đất nước.

Gia tộc trị

Trần Khải


Gia tộc truyền hệ

Bắt đầu cuộc tranh ghế trong Đại Hội Đảng CSVN, các cán bộ lãnh đạo lại lên đồng để làm trò gia tộc truyền hệ...

Thấy rõ đầu tiên là phải triệu hồn ông Hồ Chí Minh về ban phước, nhưng lần này có vẻ như quá đà, không chỉ nói về tư tưởng Hồ Chí Minh, mà Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh lại triệu hồn cả Mác Lê Nin, khẳng định là phải theo chủ nghĩa xã hội tới cùng.

Báo Công An Nhân Dân trong bài viết nhan đề

“Xây dựng Ban Chấp hành Trung ương mạnh” đăng ngày 29-3-2010 đã viết:

“...Theo TTXVN, sáng 28/3, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã hoàn thành chương trình đề ra sau một tuần làm việc.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định... Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng xong về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội... Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

Đề cập về phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Tổng Bí thư nhấn mạnh: ...Để có Ban Chấp hành Trung ương mạnh, đòi hỏi công tác nhân sự Đại hội XI của Đảng phải làm sao đạt mục tiêu chung là lựa chọn, giới thiệu và bầu được những đồng chí thực sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh...”
(hết trích)

Như thế, sẽ không có hòa hợp hòa giảỉ với bất kỳ thành phần nào khác, kể cả trong nội bộ đảng, nếu có ai muốn đảng CSVN phải chuyển mình, phải tách rời hướng đi chủ nghĩa xã hội... Nghĩa là không có đối thoại với người ở ngoài cái gọi là hướng đi xã hộị chủ nghĩa.
Thí dụ, như Đỗ Xuân Thọ, người vừa phổ biến bản văn có tên là Thư Gửi Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN, trong đó ông tự giới thiệu:

“Tôi tên là Đỗ Xuân Thọ, đảng viên thuộc chi bộ viện chuyên ngành Cầu Hầm thuộc đảng bộ Viện Khoa học và Công nghệ GTVT. Sau hàng chục năm suy nghĩ, nghiền ngẫm về Dân Tộc, về Đảng tôi viết lá thư này cho ban chấp hành Trung ương Đảng để trình bầy ý kiến của tôi về việc xây dựng Đảng ta thật sự vững mạnh. Kính mong các đồng chí đọc, suy nghĩ và xem xét.

Theo tôi, cần loại bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng và thay vào đó là Chủ nghĩa Dân Tộc...

...Tuy nhiên, khi bắt tay vào xây dựng đất nước, CN Mác-Lênin đã bộc lộ các sai lầm ở cấp độ các tiên đề. Suốt trong thời bao cấp Đảng ta đã tiến hành xây dựng đất nước theo mô hình của CN Mác- Lênin một cách chính xác, không chê vào đâu được và chính vì thế nên đã kéo lùi lịch sử của dân tốc lại 20 năm! Đó là thời kỳ đen tối nhất của dân tộc... Tôi nghẹn lời không kể xiết những đau khổ mà những người dân đã phải trải qua...

...Cũng như vậy, thời bao cấp Đảng ta đã làm đúng CN Mác-Lênin mà đất nước vẫn lầm than; các nước XHCN khác cũng đã làm chính xác mô hình của CN Mác-Lênin mà đất nước vẫn khủng hoảng! Chúng ta cần dũng cảm chỉ ra rằng CN Mác-Lênin là sai!


Nguồn: photobucket.com
Nhận ra sai lầm đó Đảng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới... Đất nước bừng sáng... Công cuộc đổi mới thực chất là công cuộc mà trong đó chúng ta giám đánh đổ những tiên đề của CN Mác-Lênin như đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản với giai cấp địa chủ, tư sản v.v... Chính vì chúng ta đang “phản bội” lại CN Mác-Lênin mà đất nước mới được như bây giờ. Giai cấp tư sản, địa chủ không nhưng không bị tiêu diệt mà còn được tôn vinh như những người anh hùng, những người bằng tài năng của mình đã mang lại hàng triệu công ăn việc làm cho người lao động. Chính họ đóng thuế cho nhà nước nhiều nhất. Chính họ là nội lực của dân tộc. Ở đây quy luật giá trị thặng dư của Mác đã sai toét vì Mác chưa tính đến tiền được làm ra bằng tài năng, trí tuệ của nhà tư sản... Đảng viên cũng được khuyến khích “bóc lột” (mà thực chất là tổ chức, quản lý người lao động) để làm giầu cho bản thân và cho xã hội... Từ một đất nước đói ăn chúng ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới... Không thể kể xiết những thắng lợi to lớn của đất nước từ khi Đảng ta “phản bội” lại CN Mác-Lênin lãnh đạo dân tộc tiến hành công cuộc đổi mới...

Không chỉ phát triển kinh tế mà đời sống tinh thần của nhân dân ta cũng được Đảng ta lãnh đạo để “phản bội” lại CN Mác-Lênin, một chủ nghĩa vô thần, một chủ nghĩa cho rằng mình là duy vật triệt để nhất. (Thời bao cấp chúng ta đã phá tan các đền chùa... Trong nhà các đảng viên không có bàn thờ tổ tiên). Cuộc sống tinh thần của nhân dân đã trở về đúng quỹ đạo đó là cuộc sống tinh thần phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc. Những đền, miếu thờ những vị anh hùng dân tộc đã được khôi phục... các lễ hội tâm linh đã trở lại...

...Công cuộc đổi mới của Đảng ta lẽ ra sẽ đạt được những thành tựu còn to lớn hơn rất nhiều lần nếu như không có những đảng viên có chức, có quyền, có bằng Tiến sĩ (về CN Mác-Lênin), những người bảo thủ, kiên trì bảo vệ CN Mác-Lênin cản đường tiến lên của dân tộc. Họ vu cáo những người yêu nước nồng nàn chống lại Mác-Lênin là chống lại Đảng ta...


Đỗ Xuân Thọ phản bội Mác-Lenin nhưng trung thành với Đảng ông Hồ thành lập
Nguồn: tumblr.com
...tôi không ít lần bị các đồng chí công an quy là phản động, là bất mãn với chế độ, là công thần vì cậy bố là người có công nuôi các lãnh tụ như Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt... Mặc dù vậy tôi thề sẽ vẫn kiên trì thuyết phục và đấu tranh đến hơi thở cuối cùng để loại bỏ CN Mác-Lê nin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng ta và thay vào đó là CN Dân Tộc. Tôi tin tưởng rằng có 80% đảng viên trong Đảng ủng hộ tôi.”
(hết trích)

Bản văn ký tên ông Đỗ Xuân Thọ (sinh năm 1954, Tiến sĩ Cơ học ứng dụng, Nghiên cứu viên chính của Viện chuyên ngành Cầu - Hầm. - DCVOnline.net), gửi từ Hà Nội, đề ngày 16/03/2010.

Nhưng câu trả lời của Nông Đức Mạnh đã y hệt như người lên đồng, tuyên xưng đức tin vào bản Kinh Thánh Xã Hội Chủ Nghĩa Mác Lê Nin. Thế là hết đường đối thoại.

Nhưng thực tế, có thể thấy còn là một chế độ phân chia quyền lực, không chỉ là phe đảng mà còn là gia tộc.

Trong bàì viết nhan đề “Ai sẽ được bầu làm Tổng Bí thư ĐCSVN trong Đại hội XI” từ bút danh Hai xe ôm trên trang blog Phạm Viết Đào, có ghi nhận tình hình:

“...Một thông tin nữa là chuyến xuất ngoại sang Trung Quốc và Ôxtralia của ông Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Báo chí nước ngoài và Trung Quốc đưa tin nhưng không thấy Việt Nam đưa?

Về ông Trung tướng này con đường hoạn lộ của ông cũng hoạch phát như thân sinh của ông là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh...

...thông tin lan truyền trong cánh xe ôm: hình như ông Nguyễn Chí Thanh là con ông cả Khiêm, anh ruột ông Hồ Chí Minh...”(hết trích)

Như thế, thấy rõ là gia tộc truyền hệ. Trước giờ đã nghe rằng các lãnh đạo Nông Đức Mạnh là con ông Hồ, Nguyễn Sinh Hùng là thân tộc của Nguyễn Sinh Sắc, Hồ Đức Việt là bên cụ Hồ Sĩ Tạo... Bây giờ thêm Nguyễn Chí Vịnh.

Có phải như thế cũng là một kiểu vương triều xã hội chủ nghĩa? Hay, nói kiểu dị đoan, chỉ vì vùng đất của ông Hồ phát đế vương? Nếu thế, đâu có phải là xã hội chủ nghĩa...






  






Lời nhắn của người lính già

mythanh ghi

  (Tường thuật buổi nói chuyện và ra mắt sách của ông Võ Đại Tôn tại Little Saigon, California, ngày 12 tháng 6 năm 2010)

Những slide ảnh chiếu hình một cuộc họp báo, khá đông người, các phóng viên ngoại quốc với máy chụp hình quay phim nhưng người đàn ông có khuôn mặt gầy là nhân vật chính, đứng trong vị trí tội phạm ‒ Có khi có tiếng nói, có khi không. Những lời thật nghiêm trọng rõ ràng, “Vì đây là những lời về cuộc đời và sự nghiệp chính trị của tôi, rất quan trọng nên tôi xin các nhà báo và các thông dịch viên, hãy hết sức trung thực.”

Hình như ông lập lại hơn một lần như vậy. Và những lời tuyên ngôn như:

‒ “Tôi sẽ không phản bội bất cứ ai đã giúp đỡ, ủng hộ tôi.”

‒ “Tôi tiếp tục duy trì lập trường chính trị của tôi, để tranh đấu cho tự do và giải phóng dân tộc.”

‒ “Tôi đã sẵn sàng nhận bất cứ bản án nào mà chế độ CS dành cho tôi”

Đó là tiếng nói của người tù Võ Đại Tôn trong cuộc họp báo ngày 13/07/1982 tại Hà Nội. Khi coi xong đoạn phim, cử toạ được nghe thêm chuyện “sau hậu trường”:
 
“(…) tên chính uỷ lên ghé tai tôi bảo ‘Mày có câm ngay và đi xuống không!’ Phần tôi thì khấn nguyện trong đầu với người mẹ đã khuất là ‘Mẹ ơi, đợi con mấy phút nữa, con sẽ về với mẹ.’ Sau đó tất cả các nhà báo đều bị nhà cầm quyền CS thu giữ hết phim ảnh của cuộc họp báo.”

Chỉ có một nhà báo Nhật đã giấu được cuốn phim của mình, và thế giới tự do mới bùng nổ tin Võ Đại Tôn đã trở về và đang ở trong tù CS.

Sau đây là những lời kể chuyện tiếp theo của ông Võ Đại Tôn:

“Tôi đã bỏ vợ con, bỏ cuộc sống ở một nước tự do để trở về Việt Nam tìm cách thay đổi thể chế Cộng Sản, không phải là vì tôi muốn làm anh hùng. Tôi chỉ muốn là chiến hữu của quý vị.

“Tôi muốn kể về hai người chiến hữu của tôi. Đó là Thiếu uý Vũ Đình Khoa và Trung sĩ Nguyễn văn Lộc, hai người đã cùng bên cạnh tôi trên đường trở về kháng chiến.

“Khoa ở trại tị nạn đã có người yêu, có giấy nhập cảnh Pháp. Nhưng nghe tôi về lại Việt Nam kháng chiến, Khoa đã xé hộ chiếu Pháp và nói với người yêu “Anh phải theo thầy về cứu nước.” Khoa đã bị bắn chết bên dòng thác Champi, khi chúng tôi bị lọt vào ổ phục kích tại Lào. Câu cuối cùng Khoa thét với tôi trong làn mưa đạn “Thầy chạy đi! Con làm bia!”

“Tôi và Lộc bị bắt tại Lào sau đó, và bị giao giải về Việt Nam. Tới phi trường Gia Lâm, đói và rét suốt mấy ngày, đợi ở phi trường lạnh cóng. Khi tên sĩ quan Việt Cộng đưa cho chúng tôi ổ bánh mì, tôi phải nhắc hắn tay chân chúng tôi bị còng làm sao ăn được, hắn mới sực nhớ ra lệnh mở còng. Lộc tay chân mới được mở còng tê cóng cầm ổ bánh mì, lết đến bên tôi đưa cho tôi “Thầy ăn đi! Con còn trẻ chịu được. Thầy phải sống. […]”

“Tôi có đi thăm lại các trại tị nạn xưa, giờ không còn nữa. Tại Indonesia, một dân địa phương đã dẫn tôi băng đồng tới một nơi hoang vắng gần bờ biển. Nơi đó có một cái trang nhỏ (miếu thờ) và kể, trang này người dân đã lập ra để thờ, gọi là miếu Ba Cô. Ngày xưa có ba cô gái Việt Nam đã bị hải tặc hãm hiếp và thả trôi giạt vào bờ, vẫn còn sống. Nhưng ba cô vì quá nhục nhã, đã rủ nhau cùng treo cổ trên cây gần đó tự tử. Tôi nhìn vào, chỉ thấy nhang tàn khói lạnh. Không có gì cả! Tôi đã quỳ xuống khóc. Tôi nghĩ đến thân phận của người con gái Việt Nam. Bên kia bờ Thái Bình Dương là ngôi nhà nghỉ mát cực kỳ lộng lẫy của con gái Thủ tướng Việt Cộng Nguyễn Tấn Dũng, mổi năm chỉ ghé nghỉ vài lần. Bên đây bờ Thái Bình là cái trang hoang lạnh của ba người con gái Việt đi tìm tự do. Tại sao những người con gái này lại chịu số phận khắc nghiệt như vậy?


Hàng trên Võ Đại Tôn 1982 (Hà Nội); trở về sau 10 năm tù CS. Hàng dưới: vợ và con trai Võ Đại Tôn (Úc)
Nguồn: Vietbao.com
“Tại Moscow, năm đó tôi đi diễn thuyết trong một Đại hội Quốc tế Nhân Quyền, cô thông dịch viên cho tôi là một sinh viên Đại học Hà Nội du học. Sau năm ngày làm việc với tôi trong chân thông dịch, cho đến ngày chia tay ra phi trường thì cô chợt đến bên tôi nói “Bác ơi, con muốn nói chuyện riêng với Bác.” Tôi thật hổ thẹn vì lúc đó tôi đã nghĩ trong đầu là chắc cô này muốn xin mình giúp đỡ đi tị nạn, hay cô muốn xin tiền. Tôi thật rất hổ thẹn vì đã nghĩ như vậy. Khi tôi theo cô vào một góc riêng, cô kể: Con sinh ra và sống dưới chế độ CS. Bố con chết trên đường đi B. Con đã được kết nạp là đảng viên CS và được đi du học. Nhưng sau khi biết bác, làm việc với bác 5 ngày, con muốn xin bác một điều là, cho con ôm bác trước khi từ giã. Và cô ôm tôi nói “Bố ơi! Đừng bỏ con!” Cô chỉ muốn một lần nói, không xin tiền, không nhờ vả gì cả. Cô là một đảng viên CS, và tôi là một tên cựu tù phản động của chế độ CS.

“Một lần ở trên đường phố Singapore, tôi chợt thấy một đám các cô ăn mặc sặc sỡ, đáng tuổi con cháu tôi. Các cô đứng bên đường thấy tôi, ngoắc gọi : “Go! Go! Have fun!” Nhìn vào ánh mắt tôi cảm được các cô là người Việt Nam. Tiến đến gần tôi hỏi “Các con có phải là người Việt Nam không?” Các cô tròn mắt “Bác là người Việt Nam à?” Tôi bảo các cô ngồi xuống uống nước nói chuyện. Các cô nói “Không được đâu, nói chuyện má mì bắt phải trả tiền đấy.” Và tôi đã gọi hai cô vào một quán nước để hỏi chuyện. Một cô 18, một cô 19, hai cô kể quê ở Vĩnh Long, đi qua Singapore theo diện xuất khẩu lao động, nhưng từ khi qua đây thì làm nghề gọi khách như vầy. Và mỗi tháng có được 50 đô để gửi về cho má. Một cô nói “Chắc má con nhận được mừng lắm.” (Tôi có làm một bài thơ tựa đề này) Rồi sau đó tôi đã phải trả tiền, và nhìn các cô lên xe taxi của má mì chở đi với khách. Đó là hình ảnh phụ nữ Việt Nam tôi đã gặp ở Singapore.

“Ngày tôi ở trong tù ở Việt Nam, có một con bé 5 tuổi con của cai tù ‒ Gia đình cai ngục cũng ở cùng trong khu vực với tù ‒ Con bé thường tìm đến tôi mỗi ngày, đưa giấy nhờ tôi xếp hình chim cò cho nó. Đến khi nó lên 10 tuổi, tôi vẫn ở đó, nhưng nó đi qua không nhìn tôi nữa. Tôi gọi nó “Con ơi, con còn nhớ bác không?” Nó cúi mặt, lẩn đi, không nhìn lại. Cho đến khi nó thành một thiếu nữ 15 tuổi đi qua, tôi lại gọi “Con ơi, con còn nhớ bác không?” Nó quay lại, nhìn thẳng mặt tôi nói “Câm cha cái lỗ mồm lại! Thằng phản động!” Đó là đứa con gái nhỏ ngày xưa vẫn đến chơi bên tôi, nhờ tôi xếp hình, và sau 10 năm được giáo dục dưới chế độ CS, lớn lên chỉ mặt một ông già trọng tuổi, nói như vậy đó.

“Thầy chạy đi! Con làm bia.”

“Thầy ăn đi! Thầy phải sống!”

“Bố ơi! Đừng bỏ con!”

“Đó là những tiếng gọi đã nâng đỡ tôi, đã ở bên tôi giúp tôi chiến đấu. Chính những người bạn trẻ này là chiến hữu của tôi. VC đã giết mẹ tôi, đã chôn sống bà, nhưng chúng ta chiến đấu không phải để trả thù. Chúng ta chiến đấu để cho người Việt Nam không còn tủi nhục. Ngày xưa, trên con đường về nước, chúng tôi đã mơ ước khi đặt chân đến Tây Nguyên, vùng đất của Việt Nam, chúng tôi sẽ quỳ xuống hôn đất Mẹ và nói : Mẹ Việt Nam ơi! Chúng con vẫn còn đây!”


Võ Đại Tôn: người và tranh
Nguồn: MT
Đó là những gì tôi có thể viết lại từ những lời tâm sự của ông Võ Đại Tôn trong buổi thơ nhạc Hoàng Phong Linh với chủ đề “Mẹ Việt Nam ơi! Chúng con vẫn còn đây” tại nhà hàng Emerald Bay, Little Saigon, Orange County chiều ngày 12 tháng 6 năm 2010. Ông còn nói rất nhiều. Mỗi lời, mỗi chuyện của ông đâm suốt vào trái tim người nghe. Rằng ông không hề có ý làm anh hùng, rằng ông chỉ muốn là một chiến hữu của mọi người, rằng ông chỉ muốn là một viên gạch lót đường... Và hôm nay đã là một cụ già, tóc bạc trắng, ông vẫn đứng thẳng, cất to lời kêu gọi: “Không có miền Nam thua! Không có miền Bắc thắng! Chỉ có dân tộc Việt Nam đã thua. Và chúng ta phải chiến đấu để giành lại cho bằng được chiến thắng sau cùng. Các bạn trẻ! Tôi tình nguyện, hãy giẵm lên thân xác già này để giành lại tự do dân chủ cho quê hương.”

Tôi không nắm vững được thời gian qua bao lâu vì tôi hoàn toàn cuốn hút theo từng câu, từng chuyện ông nói. Đó đây trong khán giả, có tôi nữa, thỉnh thoảng không ngừng được phải chậm nước mắt. Biết bao lần nghe diễn thuyết, kể cả những bài giảng lễ chủ nhật, tôi biết được không ít người có tài hùng biện. Nhưng tôi chỉ nghe được hai người có tiếng nói phát xuất từ tim óc đi thẳng và thấm sâu vào tim óc người nghe như vậy là nhà thơ Nguyễn Chí Thiện (cũng hiện diện, ngồi cùng bàn danh dự) và hôm nay là chiến sĩ Võ Đại Tôn ‒ Rồng Nam, Phụng Bắc ‒ tuyệt đối không sai. Từ cách dãy bàn, nhìn hai mái đầu bac khả kính, tôi chợt thầm cầu nguyện cho hai vị sẽ được nhìn thấy một Việt Nam tự do như ý nguyện trong đời này của họ.
















Sẽ Cấm Lên Đồng?

Trần Khải

Đảng CSVN bắt đầu ra chỉ thị cấm lên đồng. Nhưng cũng dè dặt, vì không muốn xúc phạm tới một tập tục đã ăn sâu trong đời sống dân gian, Đảng CSVN mới biện hộ rằng chỉ cấm kiểu lên đồng phán truyền... Còn kiểu lên đồng không phán truyền thì vẫn OK.

Câu chuyện khá là lạ kỳ. Bởi vì người lên đồng, chưa chắc họ đã nhớ họ nói những gì, làm sao dặn họ là có lên đồng thì đừng phán truyền... Tại sao như thế? 
Có phải nhà nước lo sợ xúc phạm Trung Quốc nếu người lên đồng bỗng nhiên nói rằng Đức Thánh Trần giáng đồng và tuyên phán là phải chuẩn bị một trận Bạch Đằng Giang mới để chống quân Phương Bắc?

Hay có phải nhà nước lo sợ ông Hồ Chí Minh bỗng nhiên nhập đồng và nói rằng đừng cưỡng bức ông phải phơi xác trong phòng lạnh như thế, mà hãy thiêu xác như lời ông đã dặn trong di chúc?

Tuy nhiên, hãy suy nghĩ sâu thêm những ẩn họa trong quyết định cấm lên đồng này. Bởi vì lên đồng tại VN là một tập tục dân gian rất đậm hồn dân tộc, có phải chính phủ CSVN đang tinh vi xóa sổ một nét đậm đà hồn dân tộc trong khi vẫn tôn trọng các hình thức nhập đồng của các tín ngưỡng của người Hoa Kiều tạị VN? Bởi vì, chúng ta không thể nào tin rằng CSVN dám ra lệnh cấm các hoạt động nghi lễ tang-ki, một hình thức tương tự với lên đồng cuả VN, tại các đền thờ của người gốc Hoa tại VN.

Nhìn lại toàn vùng Châu Á, các hoạt động tín ngưỡng có thờ các vị thần khác nhau – thí dụ, tín ngưỡng lên đồng VN còn gọi là Đạo Mẫu, có thờ Đức Thánh Trần Hưng Đaọ và nhiều vị khác, trong khi tín ngưỡng lên đồng kiểu Trung Quốc thờ Ngài Quan Công, còn có danh hiệu là Quan Thánh Đế Quân, và Thiên Hậu Thánh Mẫu. Do vậy, tại VN những nơi đông người Hoa sẽ có nhiều Chùa Ông để thờ Ngài Quan Công, và nhiều Chùa Bà để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Nhưng lên đồng kiểu Trung Quốc tại VN không rình rang như ở Thái Lan và Singapore, nên người Việt ít để ý tới, dù là trong thâm tâm đại đa số người Việt vẫn dung thông tôn kính cả Ngài Quan Công và cả Đức Bà Thiên Hậu.

Như thế, tại sao Đảng CSVN đã nói cụ thể là cấm lên đồng kiểu VN, còn các hình thức lên đồng kiểu “nước lạ” thì sao? Có phải là trấn áp tín ngưỡng bản địa dân Việt, trong khi công nhận tín ngưỡng “nước lạ” thoải mái?

Nhưng thấy rõ là, chính phủ CSVN bắt đầu sợ có chuyện lên đồng phán truyền rồi.

Bản tin ngày 13/9/2010 có nhan đề “Cấm lên đồng: Khó vẫn phải làm” đăng trên báo Tiền Phong, ghi cuộc phỏng vấn Ông Lê Anh Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, trong đó giải thích về chuyện cấm lên đồng. Bản tin viết, trích:

“Theo ông Tuyến, năm 2006, tỉnh Hải Dương quy định cho lễ hội Kiếp Bạc, trong quá trình hầu đồng không được thực hiện hành vi phán truyền giả danh lời thánh, xiên lình, không lợi dụng liên hoan hầu thánh để tuyên truyền mê tín dị đoan, phục vụ lợi ích cá nhân và thu lợi bất chính.

“Quan điểm của chúng tôi là những tri thức văn hóa dân gian thì bảo tồn, phát huy. Mê tín thì phải ngăn chặn. Ở đây, cấm là cấm phần mê tín trong hầu đồng. Trong dân gian, hiện tượng này có thể được gọi theo nhiều cách, còn trong văn bản pháp luật, chúng tôi gọi là lên đồng phán truyền” - ông Tuyến nói...

...Cái mà chúng tôi muốn loại bỏ là lên đồng phán truyền, là nhân danh thần thánh, nhân danh linh hồn để phán xét...

... Không cấm các lễ lên đồng tại lễ hội mà chỉ cấm lên đồng có nội dung mê tín. Cái nào là lên đồng có nội dung mê tín, khi người ta xem, người ta sẽ xác định được. Mê tín là cái trái với tự nhiên, gây mê hoặc cho người khác. Còn lên đồng kia để thể hiện những tri thức về dân gian, họ múa hát, không gây hại cho xã hội thì không ai cấm...”
(hết trích)

Tuy nhiên, một câu hỏi căn bản là ngăn cấm như thế có phảỉ là vi phạm tự do tôn giáo hay không? Bởi vì giao tiếp với thế giới bên kia là chuyện của các tôn giáo. Nếu chỉ cho vào đền, vào phủ để múa hát thôi... thì đi xem văn nghệ hẳn là vui hơn, khỏỉ mệt nhọc. Còn chuyện giao tiếp với thế giới bên kia, lmà sao cấm được “người cõi trên” bỗng nhiên phán truyền?

Nói cho cùng, tôn giáó nào cũng có phán truyền cả. Riêng về chuyện lên đồng, hay giao tiếp với thế giới bên kia, đạọ nào cũng có một phần liên hệ. Bạn cứ vào trang www.google.com và gõ các chữ “spirit medium,” sẽ thấy ngay cả chuyện lên đồng cũng từng diễn ra tại Châu Âu, tại Hoa Kỳ, và tại rất nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, có một chi nhánh đạọ Tin Lành Ngũ Tuần (Pentecostal) tại một vài nước ở Châu Mỹ Latin nương tựa nhiều vào hình thức lên đồng, qua đó người được nhập đồng tự nhiên nói lên ngôn ngữ lạ... Thậm chí, một phần trong các bộ Kinh Cựu Ước, Kinh Koran cũng là dạng lên đồng phán truyền của các “người cõi trên” ban xuống...
Như thế, không riêng lên đồng chỉ có tại Việt Nam hay Châu Á. Nhưng Đạo Mẫu là độc đáó của VN, và thờ Đức Thánh Trần cũng là độc đáo của bản sắc dân tộc. Tại sao lại chỉ cấm bản sắc VN?

Một bài viết nhan đề “Quy định lên đồng ‘phán truyền’ hơn cả lên đồng?” của tác giả Khánh Linh, đăng hôm 16/09/2010 trên báo Tuần Việt Nam, đã nói thêm một số chi tiết, trích:


“Nghị định 75 có "quy định nếu tổ chức hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng 3.000.000 đồng". Nếu không có sự "nói lại cho rõ" ý của Vụ trưởng Pháp chế Lê Anh Tuyến (Bộ VH - TT - DL), dư luận dễ hiểu mệnh đề trên theo nghĩa, cứ tổ chức hoạt động lên đồng là bị phạt tiền.

Nhưng theo giải thích của Vụ trưởng thì hóa ra chỉ lên đồng có tính chất mê tín dị đoan mới bị cấm và phạt tiền, ngoài phạt tiền còn bị tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm, tịch thu sung công quỹ số tiền thu bất chính.

Nghĩa là trên thực tế có 2 loại lên đồng: Lên đồng không mang tính mê tín dị đoan, loại này được phép tồn tại và ứng vào điểm tự do tín ngưỡng của luật pháp đã quy định và lên đồng có tính chất mê tín dị đoan, loại này không được phép tồn tại và nếu phát hiện thì bị xử phạt theo nghị định 75.

Xem ra tư duy có vẻ logic, vấn đề là làm sao phân biệt được đâu là lên đồng không mê tín dị đoạn và đâu là lên đồng mê tín dị đoan?

Nếu người ra quy định còn không rõ thì những người thi hành nghị định sẽ cãi chày cãi cối dẫn đến nhập nhèm thì sao?”
(hết trích)

Tới đây, chúng ta nên đưa ra thêm một số câu hỏi. Rằng lên đồng kiểu Tây, Tàu, Anh, Nhật, Mỹ Latin... có phảỉ là mê tín dị đoan không?

Và thế nào là mê tín dị đoan? Có phải là không có tính khoa học, mới là mê tín dị đoan?
Như thế, nếu có ai tin rằng ông Hồ Chí Minh còn zin, chưa từng có vợ.... có phảỉ là mê tín dị đoan hay không? Và khi cứ vài năm, lại tổ chức Đạị Hội Đảng, lấy Bộ Kinh Thánh Tư Tưởng Ông Hồ ra trích dẫn, và thay nhau đứng trước ống kính TV mà nói rằng Bác đã phán truyền thế naỳ, hay Bác đã phán truyền thế kia... có phải cũng là một dạng lên đồng phán truyền kiểu mới hay không?

Có một điều dễ gây kinh hoảng đối với việc lên đồng. Đó là hiện tượng xiên lình.
Trong mục từ “Lên đồng” được ghi trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, có giảỉ thích:


“Lên đồng hay còn gọi là hầu đồng, hầu bóng, đồng bóng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian (dòng Saman giáo) của nhiều dân tộc, trong đó có tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Về bản chất, đây là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các tín đồ Saman giáo (ông đồng, bà đồng). Người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập vào đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ.

Ở Việt Nam, lên đồng là nghi thức không thể thiếu trong các thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Được gọi là Thanh Đồng)... Về hình thức, nghi thức lên đồng hầu về Hội Đồng Thánh Trần mang tính saman nặng hơn khi lên đồng hầu về Tứ Phủ bởi hầu về Hội Đồng Thánh Trần có các hành động trực tiếp lên thể xác Thanh Đồng (người ở ngoài nhìn đôi khi thấy sợ)như đi trên than hồng, xiên lình(dùng thanh sắt sắc nhọn đâm xuyên qua hai má và xuyên qua quả cau trong miệng thanh đồng), ăn lửa, lên đai (1 hình thức thắt cổ, có người được gọi là sát căn, có khi lên 3 đai)...”
(hết trích)

Tuy nhiên, hiện tượng xiên lình rầm rộ nhất lại ở Thái Lan, nơi có các cộng đồng Hoa Kiều, và đã được chính phủ Thái sử dụng làm điểm thu hút du khách.

Bản tin nhan đề “Lễ hội xiên lình lớn nhất thế giới” đăng ngày 12/11/2004 trên báo CAND viết:




Xiên lình, tập tục "nước lạ"
Nguồn: vietnamnet.vn

“Lễ hội thu hút rất đông người hành nghề xiếc điêu luyện bằng việc đâm những vật bằng sắt qua mặt, qua người mà không chảy máu.

Lễ hội được tổ chức vào cuối tháng 10/2004 tại Phuket, tập trung những tín đồ đạo Phật và những người lập nên kỷ lục thế giới về môn xâu vật sắt vào người. Năm nay, lễ hội có sự tham gia của đội xiên lình Shrine of Jui Tui đến từ Trung Quốc. Họ trình diễn những màn đâm dao vào mặt, lấy cán ô đâm vào má, xâu khung xe đạp vào người...

Theo lời kể của các già làng ở Phuket (Thái Lan), lễ hội ăn chay này kéo dài 9 ngày và thường diễn ra vào cuối tháng 9 hoặc cuối tháng 10. Lễ hội này khởi nguồn mang tên Taoist Lent, lấy tên từ việc kiêng ăn thịt của người Trung Quốc.

Lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1825, lễ hội đã thu hút được sự quan tâm của dân chúng ở thị trấn Ta Reua, quận Thalang và Get-Hoe, quận Kathu. Khi những người thợ mỏ Trung Quốc di cư tới vùng công nghiệp Kathu, lễ hội này mới bắt đầu khởi sắc.”
(hết trích)

Lễ hội lên đồng kiểu TQ tại Thái Lan nêu trên đã được đàì truyền hình Úc Châu quay phim tài liệu, trong đó có một đoạn trích đã đưa lên trang: http://www.youtube.com/watch?v=gAHr1OAKaWY và ghi là “Produced by ABC Australia.” Hình ảnh xiên lình rùng rợn, bạn đọc yếu bóng vía không nên xem. Trong khi đó, lên đồng ở VN hiền hơn rất nhiều, và cũng không nghe ai nói là Bác Hồ đã từng nhập đồng để phán truyền (hay đã có, và đã bị công an bắt... thì chưa rõ) những chuyện gì đó.

Như thế, nói là lên đồng, nhiều nước khác cũng có. Nói là phán truyền, nhiều nước khác cũng có. Tại sao chỉ riêng CSVN cấm lên đồng kiểu VN, mà không dám cấm lên đồng kiểu “nước lạ”?
Như thế, cấm lên đồng kiểu VN, có phải là dọn đường cho lên đồng kiểu “nước lạ” sẽ hùng mạnh hơn, phát triển hơn?