8/10/11

Xin nói chuyện tại Mỹ.

Xin có vài ý kiến:
Những thực trạng mà mọi người nhìn thấy đều có thực nhưng không nhất thiết là phổ biến đồng loạt.
Xin nói chuyện tại Mỹ.
Chọn xóm ở là điều căn bản khi người ta đi mua nhà, giá nhà có thể khác biệt rất nhiều lần ở những khu an ninh và khu ổ chuột. 3 chỉ tiêu để lựa nhà là: Location, Location và Location! Ở VN, nhà mặt tiền ở các quận sầm uất giá rất đắt vì mục đích thương mại, vừa buôn bán làm ăn, vừa ở. Ở Mỹ khu gia cư thường biệt lập khỏi khu thương mại. Nhà ở gần Cul de sac tức là đường cụt được ưa chuộng.
Các vùng tập trung dân da đen, khu người Mexico và thậm chí khu người Việt giá nhà từ rất thấp đến không cao. Thủ phạm hay nạn nhân các vụ cướp bóc, các tệ nạn xã hội hầu hết đều là đồng chủng vì ... "gà què ăn quẩn cối xay!". Loạng quạng vào nhà Mỹ trắng, tụi nó có súng, bắn mất mạng!
Khu da đen và khu Mễ trông dơ bẩn, nhà cửa không sửa sang, nhiều tệ nạn xã hội như xì ke, nghiện hút, băng đảng, trộm cắp, thanh toán nhau.... Người da trắng khá giả từ từ bán nhà dọn ra để tránh bớt chuyện bất an, cũng có thể là ngầm kỳ thị.
Vùng quận Cam, California, các thành phố như Garden Grove, Wesminster gần Little Saigòn rất được người Việt ưa chuộng. Những thành phố như Midway City, chủ nhà người Việt chiếm đa số. Có thể phỏng đoán nhà nào là của người Việt. Không ai bảo ai, hầu hết đều trồng những cây trái nhiệt đới. Ai cũng tận tình săn sóc khu vườn của mình, sửa sang lại nền nhà và bếp... Người Việt chăm chỉ, khéo tay, dần dần biến xóm nhà lá thành một khu vực dễ coi, khá tươm tất. Các học khu quanh đây dần dần được nâng cấp, các thủ khoa trung học đa phần là Việt nam (Các cháu gái chiếm đa số!). Từ đó giá nhà tăng lên hẳn dù giá nhiều nơi giảm mạnh nhưng khu vực tập trung người Việt giá nhà chỉ xuống chút đỉnh vì ai cũng muốn được gần các tiện nghi của cộng đồng. Khỏi nói giá khu thương mại, chủ phố ép giá tăng vọt, chi phí thuê tiệm làm nhiều người buôn bán làm ăn xính vính!
Những thành phố lân cận như Fountain Valley, Huntington Beach hay Orange, Irvine ... cũng được giới người Việt khá giả hơn lựa chọn vì hàng xóm tốt, học khu được đánh giá cao ... Đặc biệt là thành phố Irvine, được di dân khá giả Á châu như Đài Loan, Nhật, Đại Hàn, Việt Nam ưa chuộng. Trường đại học UCI toàn dân đầu đen, cạnh tranh rất găng, được xếp hạng cao trên toàn quốc.
Vụ giao hàng, hình như Bưu điện đòi ký nhận hay để lại giấy báo. Các công ty giao phát khác như UPS thì hay để trước nhà hay trong hộp thư. Ít khi mất, không ai biết là thùng hàng có chứa gì cho đến khi chủ nhân mở gói.
Đại khái nhà nào cũng có đủ tiện nghi như bếp ga hay điện, nước máy, có nhiều hơn 1 phòng ngủ hay cầu tiêu buồng tắm, có máy sưởi, máy lạnh và xe hơi... xem như tiện nghi căn bản.
Những người nghèo được cấp gia cư chỉ trả một phần tiền thuê nhà mà thôi. Các chung cư cũng tùy loại, khác biệt từ đắt đến rẻ, không đồng nhất tùy theo túi tiền và nhu cầu của ngườ thuê.
Trẻ em Mỹ nhặt rác vì được dạy dỗ về việc tái chế. Mỗi năm có khoảng hơn 80.000 người dân tình nguyện ra bãi biển thu nhặt rác rưởi trước mùa hè. Dân vùng bờ biển là dân nhà giàu, có khi đi cả ông bà lẫn con cháu.
Nhiều người trên thế giới muốn đến Mỹ sinh sống dù Mỹ cũng không hoàn hảo, không phải là thiên đàng nhưng tương đối tốt hơn nhiều nơi khác về mọi mặt tinh thần lẫn vật chất, cơ hội.... Tuy vậy đến Mỹ cư ngụ không phải muốn là được. Số Quota dành cho di dân được kiểm soát để không gây xáo trộn về mọi mặt.
Việt nam thì không yên bình, an ninh đâu! Bắt đầu đến phi trường Tân ơn Nhất là đã lo canh giữ cái túi tiền cẩn thận rồi, vụ móc túi có thể xảy ra từ nhân viên phi trường! Phát triển khá nhanh sau khi được vay nợ nhưng khá hổ lốn, tắc trách, từ người dân cho đến chính quyền. Văn hóa giành dật chen lấn rất phổ biến, giao thông thì kinh khủng hàng đầu trên thế giới, giới lái xe đáng được cấp chứng chỉ tài giỏi!
Nếu về VN mà chỉ sống như du khách loại lắm tiền thì có thể không thấy được thực trạng!

Nước Mỹ “quên” khóa cửa và thấy khóa bị phá ở Nội Bài

Đọc bài Cuộc sống bình yên chỉ còn trong cổ tích của tác giả Trần Minh Quân thấy có còm men của một "đồng trí" tự nhận là được tổ quốc giao phó cho sang các nước tư bẩn thối nát học tập bọn chúng để về xây dựng đất nước con người XHCN như Hồ Chí Minh. "Đồng trí" này rất cú vì trung bình mỗi năm ở Mỹ đương sự mất tới 3 cái xế độp dù đã khóa 1 bánh trước + 1 bánh sau + 1 yên xe = 2 cái khóa. Cũng nghe hơi nồi chõ đ/c này là tiến sĩ toán nên chứng minh được 1 + 1 = 3 chăng? Nhưng thôi, tự nhiên lọ mọ thấy bài này của nhà văn Nguyễn Quang Thiều đăng trên Vietnamnet bèn cóp sang đây cho cả nhà coi chơi. Báo lề phải đăng chứ không phải luận điệu thù địch đâu nhé "đồng trí" nhé. Hay là "đồng trí" ở Mỹ... Tho???
Những ngôi nhà ở Mỹ thường “quên” khóa cửa nhưng không thấy kẻ cắp, kẻ trộm lọt vào. Việt Nam thì khóa đủ các loại khóa vẫn bị bẻ khóa, cắt khóa. Khóa cửa nếu xét về mặt cơ học thì chỉ là hành động diễn ra trong mấy phút. Nhưng để đi đến việc không cần khóa cửa thì có lẽ người Việt Nam cũng phải mất 100 năm nữa mới có thể làm được.
Những người Mỹ không khóa cửa nhà bao giờ!
Đấy là câu nói như thốt lên của những người đã đến Mỹ. Chuyện người Mỹ không khóa cửa là chuyện xưa lắm rồi. Nhưng tôi vẫn muốn nói lại. Bởi câu chuyện người Mỹ không khóa cửa chứa đựng bao điều suy ngẫm khi tôi phải chứng kiến những gì ngược lại ở Việt Nam.
Ngày đầu tiên đến Mỹ, chúng tôi ở tạm trong ngôi nhà của một gia đình Mỹ đang đi nghỉ cuối tuần. Một người bạn của tôi lần đâu đến Mỹ đã không thể hiểu vì sao một ngôi nhà đẹp như thế, nhiều đồ đạc như thế mà không khóa cửa. Tôi đã giải thích nhưng người bạn ấy vẫn băn khoăn mãi đến gần hết chuyến đi. Trong cái đêm đầu tiên ấy, khi người bạn đi ngủ bèn mang theo cả chiếc túi sách đựng hộ chiếu và một ít tiền lên giường vì sợ đang đêm kẻ trộm mò vào nhà ăn cắp. Tôi hiểu tâm trạng ấy. Nỗi ám ảnh về những chuyện mất mát ở khách sạn hay trong chính nhà mình đã theo đuổi bạn tôi không rời.
Trong những ngày cuối cùng ở Mỹ, một người bạn nhờ con trai tôi mua giúp một cái ipad2 qua mạng. Một chiều đi chơi về, tôi thấy chiếc ipad2 được đóng gói cẩn thận để trên bậc cầu thang trước cửa nhà sát ngay vỉa hè khu phố. Cho dù đã bắt đầu hiểu một phần nào đó nước Mỹ nhưng bạn tôi vẫn rất bị "sốc". Chiếc Ipad2 được đóng gói để một nơi rất dễ nhìn thấy và chỉ cách lối đi bộ một hai bước chân mà thôi. Đấy là một khu phố vắng vẻ gần như nhà nào biết nhà ấy. Nếu ai đó muốn lấy cái ipad2 kia thì chẳng khó khăn gì, chỉ cần bước ba bước và nhặt lên. Tất cả quá dễ dàng và an toàn. Nhưng không ai lấy chiếc ipad2 đó. Không ai lấy bất kỳ những gì mà những người vận chuyển hàng hóa để trước cửa nhà của khách hàng. Người già đi qua không lấy. Người trẻ đi qua không lấy. Những người làm công việc vệ sinh môi trường đi qua cũng không lấy. Và có lẽ những người vô gia cư đi qua cũng không lấy.
Lối sống ấy không phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh sống nghèo khó hay thiếu thốn...Đó là lối sống của văn hóa, luật pháp và lòng tự trọng. Đương nhiên không phải tất cả những người Mỹ sống như vậy. Nhưng cách sống ấy là cách sống của đại đa số người Mỹ.
Xin đừng nghĩ là nước Mỹ giàu có nên chẳng ai muốn ăn cắp. Người Mỹ là người tiêu tiền một cách kỹ lưỡng và có kế hoạch nhất. Thực tế, người Mỹ vào siêu thị sẽ đứng khá lâu trước một mặt hàng giá 2 đô 99 xu và một mặt hàng giá 3 đô 10 xu. Khi đi ăn với bạn, họ trả không thừa một xu với số tiền họ phải trả. Mà khi đó, một cái ipad2 giá ở Mỹ khoảng 1.200 đô la.
Chúng ta từng đọc trên báo Việt Nam viết về những làn sóng khổng lồ người Mỹ ùa đến các siêu thị trong những ngày giảm giá và tai nạn chết người đã xẩy ra khi những khách hàng chen nhau vào siêu thị để mua hàng giảm giá. Một đô la có giá trị rất nhỏ với mức lương tháng trung bình của người Mỹ là hàng ngàn đô la. Nhưng tôi đã quan sát trong nhiều năm khi ở Mỹ cách tiêu một đô la của người Mỹ. Nhiều lúc, tôi có cảm giác họ đang tiêu những đồng một đô la như tiêu những đồng tiền cuối cùng của đời họ. Nói vậy để thấy họ quý từng đồng đô la như thế nào.
Ông cha ta có câu "đói cho sạch, rách cho thơm". Những tưởng đó là lối sống của người Việt Nam ngày nay. Nhưng câu nói của ông cha chúng ta đang bị vấy bẩn và làm lu mờ. Trong chuyến đi này, khi quá cảnh ở sân bay Narita, Tokyo, tôi đã phải mở cái thùng giấy của mình cho an ninh cửa khẩu Nhật khi họ soi thấy có một số bật lửa ga trong đó. Sau khi kiểm tra xong, họ đã tự tay dán băng dinh chiếc thùng giấy của tôi một cách cẩn thận như chính họ đang dán chiếc thùng của họ vậy.

DANLUAN0100080.jpg


Thành phố Boston - Mỹ

Thế nhưng, khi về đến Hà Nội, chiếc thùng giấy của tôi đã bị rạch và một số thứ trong thùng giấy đã biến mất. Cái vali có khóa ngầm cũng bị đập vỡ. Chiếc khóa kiểu như vậy không thể bị vỡ một cách vô tình như thế. Tôi không có chứng cứ để nói rằng những ai đó ở sân bay Nội Bài đã rạch thùng, đập khóa vali và ăn cắp đồ của tôi. Nhưng tôi tin thùng hàng của tôi đã bị rạch và khóa vali của tôi bị đập ở đó. Tôi không bao giờ tin những nhân viên làm việc ở sân bay Narita, Tokyo đã làm cái việc xấu xa đó.
Bởi ngay ở sân bay Narita, tôi đã chứng kiến nhân cách của người Nhật ngay trong chính thời gian mà người Nhật vừa trải qua đại thảm họa sóng thần. Tôi đã viết câu chuyện về nhân cách Nhật thông qua một người hầu bàn ở câu chuyện trước. Những thứ tôi mất tính ra không phải là một món tiền lớn. Nhưng hành động ăn cắp đã làm tôi nổi giận nhiều ngày. Mà không chỉ là tôi, không ít hàng khách Việt Nam và báo chí đã lên tiếng về những điều xấu xa tương tự mà họ là nạn nhân.
Đời sống của con người Việt Nam đã khác trước rất nhiều so với 10 năm trước và quá nhiều so với những năm tháng ngèo đói trước kia. Nhưng những hành động tham nhũng, tham ô, ăn cắp, lừa dối... của người Việt Nam hình như mỗi ngày một gia tăng. Mấy ngày trước, chúng tôi đi du lịch ở Nha Trang. Người hướng dẫn viên mỗi khi lên xe lại nhắc chúng tôi hãy cảnh giác cao độ nếu không muốn bị móc túi, nếu không muốn mua phải hàng giả. Anh cảnh báo chúng tôi rằng ngay cả mặt hàng yến sào đắt như vàng cũng dễ dàng bị làm giả.
Đời sống kinh tế của đất nước được cải thiện rất nhiều và với một tốc độ khá nhanh. Nhưng lòng tự trọng và lối sống văn hóa thì những người có quan tâm đều nhận thấy nó bị đánh mất đi nhanh hơn và lan truyền rộng hơn sự phát triển kinh tế nhiều lần. Nếu cứ đà này thì chỉ mươi năm nữa, những người yếu bóng vía ra đường sẽ chỉ thấy nhan nhản những kẻ ăn cắp và bọn lừa đảo.
Tại sao những năm tháng chiến tranh đầy thiếu thốn và hy sinh con người Việt Nam lại sống với lòng tự trọng cao như vậy mà bây giờ giàu có hơn thì lòng tự trọng ấy lại bị hoen ố quá nhiều? Tôi biết rằng câu hỏi của tôi quá ngây thơ nhưng tôi cứ phải hỏi. Mà đúng hơn đó không phải là một câu hỏi mà là một tiếng kêu đau đớn và lo sợ. Và những điều làm cho chúng ta đau đớn và lo sợ sinh ra từ nền giáo dục của chúng ta. Nền giáo dục ở đây xin đừng hiểu chỉ là nhà trường mà là cách quản lý và điều hành xã hội. Không có sự thật nào ngoài sự thật này.
Lần đầu tiên đến Mỹ cách đây 19 năm, tôi thực sự ngạc nhiên vì những ngôi nhà ở Mỹ không đóng khóa cửa. Trong mỗi ngôi nhà của họ có biết bao thứ đắt tiền. Nhưng không mấy ai lọt vào nhà người khác để lấy cắp. Có nhiều lý do. Nhưng lý do cơ bản nhất là ý thức làm người của họ cùng với sự trợ giúp cho ý thức sống ấy là luật pháp và cách quản lý xã hội. Còn ở đất nước chúng ta, nhiều ngôi nhà khóa ba tầng bảy lớp vần bị phá tan tành.
Khóa cửa nếu xét về mặt cơ học thì chỉ là hành động diễn ra trong mấy phút. Nhưng để đi đến việc không cần khóa cửa thì có lẽ người Việt Nam có ý thức về việc đó cũng phải mất 100 năm nữa mới có thể làm được. Khi tôi nói vậy, nhiều người thấy mệt mỏi rã rời vì nghĩ đến chặng đường dài đến tận...100 năm. Nhưng cho dù có phải đi đến 1000 năm thì chúng ta cũng phải đi chứ không còn cách nào khác.
Xích lô Hải Phòng gửi hôm Thứ Ba, 04/10/2011