6/8/10

Đồng minh với Hoa Kỳ là chính sách bảo vệ độc lập dân tộc

Không có gì quý hơn độc lập tự do. Không thể có thân thiện và bình đẳng, nếu chỉ cầu cạnh, xin xỏ và vay nợ. Nhất là với một thái độ luôn luôn trịch thượng, ngạo mạn, một lối tư duy “thiên triều”, thì chỉ có sức mạnh toàn diện, một nền kinh tế độc lập mới tìm được sự tôn trọng và quan hệ bình đẳng. Một nước nhỏ, nghèo tài nguyên như Việt Nam, không thể theo đuổi chính sách “dàn hàng ngang”, cái gì thiên hạ có, mình cũng có, cái gì thiên hạ làm, mình cũng làm.

Với hơn 250 triệu lao động nông thôn đói khổ đang chầu chực kiếm việc trên ngoại vi các thành phố công nghiệp và với một chính sách “chiếm thế thượng phong” bằng mọi giá, Việt Nam không thể chạy đua với Trung Quốc. Hãy mua lại của Trung Quốc mọi thứ cần, và không cần sản xuất. Hãy khôn khéo biến Trung Quốc thành công xưởng làm thuê. Trung Quốc làm nghìn thứ, Việt Nam chỉ nên làm một thứ. Nhưng cái Việt Nam làm, thế giới và Trung Quốc không thể làm tốt hơn và rẻ hơn. Ấn Độ bây giờ mới sản xuất ô tô, nhưng với giá thành mà mọi nền kinh tế trên Địa cầu không thể làm được. Thứ sản phẩm đó sẽ đem lại thương hiệu quốc gia, đem lại độc lập và sự tôn trọng của nhân loại. Nhật Bản, Nam Hàn, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Luxembourg, Singapore…độc lập và bình đẳng với mọi thứ “nước lớn” là như vậy, mỗi nước chỉ có một vài thứ, nhưng là thứ mà không nước nào có. “mềm nắn, rắn buông”. Người Việt Nam không sợ, vì vậy, đảng cộng sản không được phép run sợ.

Đồng minh với Hoa Kỳ là chính sách bảo vệ độc lập dân tộc. Còn một Trung Quốc độc đảng, thế giới không thể tránh được cuộc chạy đua quyền lực bá chủ và chiếm đoạt lợi ích. Trong cuộc chạy đua này, các nước nhỏ, và trước hết là các nước giáp biên phía Nam là mục tiêu chính sách “quyền lực mềm” của Trung Quốc. Bằng viện trợ kinh tế, bằng tăng cường đầu tư trực tiếp kèm theo cuộc di dân ồ ạt, Trung Quốc âm thầm thực hiện tham vọng bành trướng và Trung Hoa hóa. Trung Quốc đã kiểm soát Mianmar, trở thành nhà nước bảo hộ của Campuchia, biến Thái Lan thành đồng minh và lấn át nhà nước Lào. Để kiểm soát toàn bộ tuyến giao thông biển từ Ấn Độ Dương tới eo biển Malacca, Trung Quốc thèm khát sáp nhập Mianmar, Lào, Campuchia và Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc, như đã từng làm với Tây Tạng và Tân Cương. Việt Nam là trở ngại duy nhất cho ý đồ đó. Đã có một kịch bản chiến tranh 35 ngày dành cho Việt Nam của một tác giả vô danh nhưng chính quyền sơ suất cho xuất bản.

Việt Nam không có con đường nào khác, hoặc chính thức và công khai nhận sự bảo hộ về quân sự của Mỹ, hoặc chấp nhận thành một tỉnh của Trung Quốc, tiêu tiền Trung Quốc, nói tiếng Trung Hoa, xóa tên Việt Nam trên bản đồ thế giới. Phong trào “không liên kết” đã tự tan vỡ, vì trái quy luật. Bản thân những người “không liên kết” đã là một liên kết, nhưng lại là một liên kết của những nước thường là nghèo và yếu nhất.

“Làm bạn với tất cả”, nhưng có những kẻ không bao giờ chấp nhận coi ta như bạn. Sói có bao giờ là bạn cừu, dù cho cừu năn nỉ cầu xin. Cũng có người không chấp nhận ta là bạn chỉ vì ta đồng thời là bạn của những kẻ không phải là bạn. Trong mọi loại quan hệ, không thể thủ lợi một phía. Đối với những người không thật tâm, chỉ có lời lẽ lịch sự và những cái bắt tay hờ hững. Loại chính sách “làm bạn với tất cả” này biến tất cả thành “không ai là bạn”.

Lịch sử đã cho thấy, nếu không có Mỹ, Nhật Bản đã bị chủ nghĩa phục thù Đại Hán nuốt chửng từ lâu. Không có Hoa Kỳ, Nam Hàn đã bị Bắc Triều Tiên và Trung Quốc xóa sổ. Không có Mỹ, Đài Loan đã nhập trở lại Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông. Và nếu không có Mỹ, biển Đông đã thành biển Trung Hoa từ lâu rồi. Không một nước nào, dù nhỏ, bị mất nước, mất độc lập, mất văn hóa riêng chỉ vì là đồng minh của Mỹ. Ngược lại, đồng minh với Hoa Kỳ đồng nghĩa với văn minh dân chủ và phồn thịnh.

Không một ai vào lúc này đảm bảo cân bằng và an ninh cho biển Đông ngoài Hoa Kỳ. Đường ranh giới “lưỡi bò” sẽ âm thầm và mặc nhiên được thừa nhận. Liên kết giữa Việt Nam, Malaisie, Indonesie và Philippine là một liên kết khó khăn, trong khi trong khối ASEAN, Thái Lan, Mianmar và Campuchia sẽ nói ngày càng giống giọng Trung Quốc.

Phan Son

NAM VIỆT NAM: DƯỚI LẰN ĐẠN


Số báo ra ngày 04 tháng Tám, 1961: http://www.time.com/time/magazine/ar...895489,00.html

NAM VIỆT NAM: DƯỚI LẰN ĐẠN


Trong bài phát biểu về cuộc khủng hoảng tại Berlin, Tổng thống John F. Kennedy đã bỏ thời gian để nhắc với cử toạ rằng phương Tây cũng đang đối phó với mối đe doạ của Cộng sản không kém phần nguy hiểm ở một nơi cách xa 5 nghìn dặm của phía bên kia địa cầu - Đông nam Á, nơi mà theo lời ông là "biên giới không được giữ kín, kẻ thù thì khó thấy, và hiểm hoạ Cộng sản thì không có vẻ hiển nhiên lắm đối với những người dân nghèo khổ."

Hằng đêm những toán du kích Cộng sản mặc đồ bà ba đen hoặc vải khaki bạc màu lội trong những đám lầy của vùng châu thổ sông Mekong hoặc bí mật ẩn hiện trên những đường rừng Nam Việt Nam, theo đuổi những nhiệm vụ sát nhân của họ. Tuần trước trên con đường dẫn đến Ban Mê Thuột, một toán quân ẩn trong bóng tối khi hai vị Dân Biểu đi đến chiếc xe Jeep. Theo hiệu lệnh của tên chỉ huy, chúng đã dùng những khẩu súng trường cổ lỗ, gậy và kiếm để tấn công với những tiếng kêu gào khủng khiếp. Vài giây sau, hai người dân biểu đã chết, và cuộc chiến đấu khốc liệt nhằm ngăn cản Cộng sản thắng thế ở Nam Việt Nam lại có thêm hai nạn nhân.

Bẩy mìn & Cầu

Đây là một cuộc chiến tồi tệ và khó giữ, được tiến hành với tất cả những mánh khoé trong sổ tay chiến tranh du kích, và không phải chúng đều mang đến chết chóc. Băng đảng cải trang thành những toán nhân viên phun thuốc diệt muỗi vào những ngôi làng và nhân danh chính phủ để tịch thu nông cụ; đôi khi họ xé bỏ căn cước của những nông dân để gây khó khăn trong công việc hành chính địa phương; Cộng sản còn phá hoại chương trình thống kê quốc gia bằng cách đánh tráo danh sách giả mạo tại một số vùng. Việt Cộng, gọi tắt của Việt Nam Cộng Sản, đang có mặt ở mọi nơi: quẳng lựu đạn vào những làng mạc hiu quạnh tại miền nam, gieo rắc hỗn loạn dọc theo những ranh giới của những bộ lạc tại những vùng rừng rậm ở cao nguyên phía bắc Trung kỳ. Vào ban ngày, ở Sài Gòn, một thành phố 2 triệu dân thì tạm yên ổn. Nhưng không ai dám đặt chân ra ngoại thành khi đêm về.

Được Cộng sản ở Bắc Việt Nam cung cấp vật dụng và nhân sự, tuồn qua ngã Lào bằng con đường mòn Hồ Chí Minh, cuộc chiến tranh tàn phá này đã tiếp diễn trong vòng bảy năm qua. Mục tiêu của nó là tiêu diệt vị Tổng thống mập mạp và ương bướng Ngô Đình Diệm, 60 tuổi, người đang điều hành chiến tranh, chính phủ cũng như bất cứ mọi việc khác ở Nam Việt Nam, đằng sau chiếc bàn khổng lồ của ông trong Dinh Độc Lập quét vôi vàng ở Sài Gòn. Tổng thống Diệm đã chống Cộng sản trên đất nước mình từ trước Thế chiến Thứ II. Khi chiến tranh chấm dứt, ông đã bị họ bắt giữ; anh của ông bị họ xử bắn. Ông đã cản đường của họ từ đấy đến giờ.

Ông biết rất rõ rằng cuộc chiến tranh du kích hiện tại có thế sẽ xấu hơn trước khi trở nên sáng sủa hơn. Không như Berlin, nơi cho đến nay cuộc khủng hoảng chỉ xảy ra bằng lời nói, Nam Việt Nam là đấu trường của cuộc đối đầu Đông - Tây trong đó có vô số người thiệt mạng. Một cuộc chiến vô cùng tàn bạo. Chỉ từ tháng Giêng đến nay, con số tử vong của hai bên đã lên đến 2 nghìn rưỡi người - gần gấp ba lần tổng số tử vong trong toàn bộ 11 tháng chiến tranh ở Lào.

Với những tan rã của những vị trí của phương Tây tại Lào, hầu hết những khu vực dọc theo biên giới Nam Việt Nam hiện đang do quân Pathet Lào chiếm giữ, và đường mòn Hồ Chí Minh đã trở thành một đại lộ mở rộng mà Cộng sản đang dùng để tăng viện vào đất nước đang bị phong toả của Diệm. Cộng sản đã ra sức mở rộng căn cứ và còn xây dựng cả sân bay ở bắc Lào để tăng cường cuộc chiến chống lại Nam Việt Nam với lực lượng 150 nghìn quân.

Những quyết định

Đối diện với thử thách Cộng sản, Hoa Kỳ đã đưa ra một quyết định quan trọng: Nam Việt Nam cần được bảo vệ bằng mọi giá. Trong khi cả châu Á đang theo dõi, Hoa Kỳ, do vụng về và thiếu chuẩn bị, thiếu một lực lượng chiến đấu đáng tin cậy ở địa phương, đã bỏ mặc Lào cho định mệnh trong mùa xuân vừa qua. Nam Việt Nam đã được Hoa Kỳ bảo trợ ngay từ đầu với một chính phủ kiên quyết chống Cộng và những người lính sẵn sàng chiến đấu. Nếu Hoa Kỳ không thể hoặc không muốn cứu Nam Việt Nam khỏi cuộc tấn công của Cộng sản thì không một quốc gia châu Á nào có thể cảm thấy an toàn khi đặt niềm tin vào Hoa Kỳ nữa - và sự sụp đổ của Đông nam Á thì chỉ còn là vấn đề thời gian.

Một khi đã quyết định rằng phải dứt khoát về vấn đề Nam Việt Nam, chính quyền Kennedy đã ra tay mạnh mẽ. Phó Tổng thống Lyndon Johnson đã được phái đến Sài Gòn để trấn an Tổng thống Ngô Đình Diệm rằng mặc dù Hoa Kỳ rút quân ở Lào, họ vẫn có thể trông cậy được trong việc giúp đỡ Nam Việt Nam bảo vệ nền tự do của mình. Tại Washington, một cơ quan đặc biệt về Việt Nam của Bộ Ngoại giao được thành lập.Tuần qua một hội đồng do Kinh tế gia Eugene Staley từ Học viện Nghiên cứu Stanford dẫn đầu, vừa trở về sau một chuyến nghiên cứu dài bốn tuần ở Nam Việt Nam, đã đệ trình lên Tổng thống Kennedy một bản báo cáo bí mật dày cộp trong ấy chứa đựng những đề xuất đầy chi tiết những gì cần làm để gia cố và chống đỡ Việt Nam trước cuộc chiến sắp đến. Những đề nghị cấp bách nhất là cung cấp ngân sách để tăng cường lực quân số Nam Việt Nam lên thêm 20 nghìn người. Nhìn chung, bản báo cáo cho thấy Hoa Kỳ phải cam kết vào một chương trình đầy đủ nhất từ trước đến nay về cải cách kinh tế và xã hội.

Phơi trần cả hai

Tình hình đang rất nghiêm trọng. Sự sụp đổ ở Lào đã phơi trần thêm hai quốc gia khác trước mối đe doạ của Cộng sản đang ở vùng biên giới - Thái Lan và Cambodia. Cả hai đang theo dõi sát sao tiến trình của Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam.

Thái Lan, vùng đất với những dòng kênh xanh, những ngôi đền thếp vàng và những cây trạng nguyên cao hàng chục mét, là nơi đặt trung tâm của SEATO (Southeast Asia Treaty Organization - Tổ chức Hiệp ước Phòng thủ Đông Nam Á - ND). Mặc dù người Thái là một dân tộc hiền từ và thường không kiên quyết đấu tranh chống kẻ thù trực diện (họ đã đầu hàng người Nhật một cách nhanh chóng đến thảm hại trong Thế chiến Thứ II, sau đó liền đổi hướng và sẵn sàng tuyên chiến với Hoa Kỳ), lãnh đạo họ là vị Thống chế cứng rắn Sarit Thanarat, người đã xây dựng một quân đội hùng mạnh lên đến 100 nghìn từ 550 triệu đô-la viện trợ của Mỹ. Là một kẻ độc tài nổi tiếng, Sari đã biến đất nước trở nên giàu có, không gặp những chống đối đáng kể trong nước, và đã hoàn toàn kiềm chế thành phần Cộng sản nhỏ bé trong nước.

Ở Cambodia, Hoàng tử Norodom Sihanouk theo đường lối trung lập đã kiếm lợi bằng cách nhận viện trợ từ cả hai phía trong chiến tranh lạnh, kể cả 300 triệu từ Hoa Kỳ. Nhưng ông cũng lo lắng trước mối đe doạ của Cộng sản. "Để giữ mối giao hoà với những người bạn Cộng sản, chúng tôi muốn có một biên cương chung với họ," ông phát biểu gần đây. Từ khi phương Tây vắng mặt ở Lào, ông trở nên vô cùng bi quan. "Tôi đang cố gắng không để Cambodia bị Cộng sản hoá," ông đã nói vào tuần trước. Nhiệm vụ của Hoa Kỳ là chứng tỏ cho Sihanouk thấy rằng có thể kiềm chân được Chủ nghĩa Cộng sản.

Nhà lãnh đạo

Để thật sự dấn thân vào việc bảo vệ Nam Việt Nam, Hoa Kỳ cũng phải cam kết ủng hộ Tổng thống Diệm, người từ lâu đã có chung biên giới với Cộng sản, chưa bao giờ nhầm lẫn họ với bạn bè, và cho rằng có thể cầm chân họ được.

Ông đã có những thành công đầy ấn tượng. Từ chiếc bàn trong Dinh Độc Lập to lớn với vôi vàng, ông đã chiến đấu chống Cộng sản 16 giờ mỗi ngày trong suốt bảy năm qua. Trong thời gian ấy, ông đã xây dựng một đất nước từ đống đổ nát của cuộc chiến Đông Dương. Những người chỉ trích ông cho rằng ông sẽ thất bại trong vòng sáu tháng sau khi nhậm chức vào năm 1954. Thay vì thế, ông và đất nước đã sống sót và lớn mạnh. Xuất khẩu gạo tăng gấp bốn lần và ngân khố dự trữ tăng cao chưa từng thấy. Công lao của Diệm nằm trong sự thành công của chương trình cải cách điền địa, giảm thuế tô cho nông dân, sự bùng nổ của nền công nghiệp nhẹ; với sự trợ giúp của gần 2 tỉ đô-la viện trợ của Hoa Kỳ, ông đã xây dựng được một mạng lưới giao thông, những công trình dẫn thuỷ nhập điền, những nhà máy điện và đường hoả xa.

Nhưng Ngô Đình Diệm không phải là một con người dân chủ trong bản chất; ông vẫn giữ khoảng cách xa rời dân chúng theo phong cách của một vị quan phong kiến luôn theo những thủ tục Khổng giáo như một ông hoàng có ơn trên dẫn dắt. "Một người nắm quyền tối cao cần phải có sự tôn trọng thiêng liêng. Ông ta là người trung gian giữa người dân và Thượng đế khi ông ta phụng sự quốc gia." ông từng viết như thế. Một kẻ độc thân nghiện thuốc lá nặng, ông làm việc theo phong cách riêng của mình, chỉ nghe theo lời cố vấn của vài phụ tá và gia đình rất thân cận của ông; cố vấn gần gũi nhất của ông là người em với văn phòng riêng trong dinh. Báo cáo của tất cả các bộ đều phải qua sự kiểm soát của văn phòng Diệm; không tư lệnh tiểu đoàn nào dám tự động hành quân nếu không có sự chấp thuận của chính ông; thực tế là cho đến gần đây, không hộ chiếu Việt Nam nào được phát hành nếu không có chữ ký của chính Tổng thống.

Diệm là một người thích nói nhiều, ông có thể thôi miên khách với bốn năm giờ độc thoại. Vừa qua có một vị khách đến vào lúc 4 giờ chiều và đã đứng dậy đi về vào lúc 8 giờ tối, kiếu từ rằng phải dự buổi ăn tối. "Gọi họ và bảo họ là anh sẽ đến trễ," Diệm bảo, và tiếp tục nói thêm hai giờ nữa. Ông ăn sáng với canh thịt, cơm và dưa chua. "Tôi không phải là một kẻ quyền quí. Tôi ăn như một nông dân," ông nói.

Diệm vận hành dưới một hiến pháp dân chủ và cũng tổ chức bầu cử; nhưng chúng luôn bị quản lý kỹ lưỡng. Khi một nhân vật đối lập mạnh mẽ với ông ứng cử vào Quốc hội và thắng cử, ông ta đã bị từ chối chức vụ này vì lý do là ông đã "thất hứa" trong chiến dịch vận động. Những người chỉ trích ông đã cay đắng đặt tên cho chính thể của ông là "Diemocracy" - một dân chủ chỉ có tiếng, không có miếng. Diệm chỉ phớt tỉnh. Hoa Kỳ đã rất quan tâm đối với sự cứng nhắc của ông trong một quốc gia không ổn định và đã thúc hối việc thay đổi chính sách. Nhưng Diệm là một người bướng bỉnh, và Hoa Kỳ thì e sợ bị mang tiếng là "can thiệp vào công việc nội bộ."

Quần lụa

Nằm cong như một con tôm dọc theo bán đảo Đông Dương, Nam Việt Nam được bao phủ bởi 900 dặm bờ biển của biển Nam Hải, Trung Quốc. Đằng sau những đồi cát ở phía bắc là là những đồng bằng chạy dài đến vùng cao nguyên nơi có khoảng 300 nghìn người Mọi đang sống trong những túp lều và lặn lội trong rừng thẳm để tìm giống bạch tượng, biểu trưng cho sự may mắn. Ở miền nam là những nông dân An Nam cần cù, khom người dưới những chiếc nón lá trong vành đai của đầm lầy châu thổ sông Mekong để trồng lúa, đây là nguồn lương thực chủ yếu và nguồn xuất khẩu quan trọng của Nam Việt Nam. Đất đai của vùng châu thổ này được xem là mầu mỡ nhất thế giới, có thể còn sản xuất được nhiều lương thực hơn nữa nếu đầu tư thêm giao thông và kỹ thuật canh nông tiên tiến. Tiềm năng lương thực to lớn này cũng là nguyên nhân làm Hồ Chí Minh và những người Bắc Việt Nam muốn lấn chiếm miền nam về phía biển.

Gần bờ biển phía nam là thành phố cảng Sài Gòn với những hẻm phố ồn ào, đông đúc và đầy các cửa tiệm, những đại lộ kiểu Pháp rộng lớn phủ bóng cây tràn đầy những thiếu nữ dễ thương và yếu đuối, trông như một loài bướm xinh đẹp trong những tà áo dài phất phới, được cắt cao hai bên hông để lộ ra chiếc quần lụa mỏng. Những nhà xuất khẩu giàu có của Sài Gòn buôn bán gạo, cao su, trà, quế và dừa khô từ những đồn điền ở vùng nông thôn đang tràn ngập những bến cảng.

Việt Nam từ lâu đã là một thỏi nam châm của những kẻ chinh phục. Đầu tiên là Trung Quốc, họ đã tiến về phía nam vào thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên và thống trị nó trong vòng một nghìn năm, đặt tên là An Nam, bắt họ phải cống nạp ngọc trai, đá hiếm, ngà voi và gỗ quí cho Hoàng đế. Một cách tài tình, người An Nam đã học hỏi những gì tốt nhất từ Trung Quốc - văn học cổ Trung Quốc, đạo đức Khổng giáo, và Phật giáo Bắc tông. Nhưng họ đã kiên cường đấu tranh để giành lại nền độc lập.

Trong lịch sử, phụ nữ đã từng lãnh đạo những cuộc khởi nghĩa hào hùng. Vào năm 40 sau Công Nguyên, Trưng Trắc, khi chồng bà bị viên Thái thú Trung Quốc chém đầu, đã tập hợp một đội quân 80 nghìn người tấn công các doanh trại của viên thái thú và thành lập vương quốc riêng và đã tồn tại được hai năm. Một trong những thủ lĩnh của Trưng Trắc là một phụ nữ dũng cảm, bà tham trận khi đã có thai được chín tháng, sinh con tại chiến trường, rồi tiếp tục chỉ huy binh lính tổ chức một cuộc tấn công cuối cùng vào quân Trung Quốc. Khi người Trung Hoa rút quân vào năm 939, quân đội An Nam lại trở thành những kẻ xâm lược. Trong suốt hơn một nghìn năm, quân đội An Nam đã xâm lấn hai nước láng giềng là Cambodia và Lào. (Vua Lào là Savang Vatthana vẫn cho việc tấn công nước mình không phải là do Cộng sản mà chỉ là một hình thức xâm lược mới của người An Nam hiếu chiến.)

Vị quan làm ruộng

Nhưng những chiến binh An Nam đã không phải là đối thủ của người Pháp, họ đã đến đây vào giữa thế kỷ 19 để xây đường bộ và đường hoả xa xuyên qua rừng rậm, đưa giống cây cao su vào và mở mang vùng trồng lúa để gây lợi nhuận cho Paris. Nhưng những kẻ xâm lược đã gặp phải đối kháng. Ngay từ năm 1912 đã có một tổ chức quốc gia chống Pháp tên Việt Nam Quang Phục Hội hoạt động tại Quảng Châu.

Ngô Đình Diệm đã trưởng thành trong bầu không khí đối kháng âm ỉ như thế. Cha của ông là Ngô Đình Khả, một vị quan có học vấn, dòng họ ông đã được các tu sĩ cải đạo Công giáo từ thế kỷ 17. Ông được gọi vào cung để làm cố vấn triều đình Huế ở trung phần Việt Nam của vua Thành Thái, nhưng đã nổi giận từ chức khi người Pháp liên tục can thiệp vào công việc triều chính, đã quyết định phế truất vị vua này. Hết tiền ("chúng tôi đã không có tiền để đóng học phí", Diệm nhớ lại), Khả trở thành một nông dân, vay tiền để mướn lại một số ruộng của hàng xóm, những người này đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy một vị quan và gia đình làm việc bên cạnh họ trên những cánh đồng.

Truyền đơn trong bụi rơm

Ban đầu, Diệm thật sự muốn trở thành tu sĩ. Nhưng tấm gương học giả của cha ông đã khuyến khích ông theo học tại một trường hành chính địa phương của người Pháp ở Huế (ông đã tốt nghiệp hạng nhất trong số 20 học sinh), rồi tham gia vào công việc của chính quyền với chức Tri huyện.

Tại Trung Quốc, vào những năm 20, một người Việt Cộng sản trẻ tên Hồ Chí Minh đã thành lập tổ chức Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, ông đã gửi phái viên và tài liệu tuyên truyền về phía nam để khuấy động từ trong quốc nội. Lúc ấy Diệm đã là một người quốc gia thuần thành, nhưng ông đã sốc vì những kêu gọi cực đoan đầy bạo lực. Ông đã hăng hái bắt giữ những người Cộng sản địa phương, thu thập tài liệu để viết một cuốn sách chống Cộng dày 15 trang và phân phát trong vùng. Được thăng tiến một cách nhanh chóng để trở thành tỉnh trưởng khi mới vừa 28, Diệm tìm cách làm việc với người Pháp với hy vọng có thể cảnh tỉnh họ về mối đe doạ của Cộng sản; nhưng họ đã không nghe những cảnh báo cũng như những kêu gọi nâng cao đời sống và tự do cho nông dân của Diệm.

"Không được cãi"

Người Pháp chỉ quan tâm đến việc nắm giữ quyền lực. Khi Diệm được mời làm Thượng thư Bộ Lại, ông đòi hỏi người Pháp phải bảo đảm và đồng ý với tiếng nói của người quốc gia trong chính sách mới mà họ hứa hẹn. "Anh là một nhân vật bướng bỉnh," họ bảo ông. "Cứ nhận việc và đừng tranh cãi nhiều lời."

Và rõ ràng là nền lập pháp "dân chủ" do người Pháp vẽ ra đã cho thấy nó chỉ là một một tổ chức bù nhìn bị điều khiển bở viên chủ tịch người Pháp. Ngô Đình Diệm từ chức, và người Pháp đã giận dữ gán cho ông cái mác cách mạng, tước bỏ mọi danh hiệu học vấn và chính quyền cua ông. "Lấy đi," Diệm đáp trả. "Tôi không cần chúng. Chúng không quan trọng."

Đấy là vào năm 1933. Trong khoảng một thập niên sau đấy, Diệm đã tránh xa chính trị, chủ yếu chỉ đọc sách và nghiên cứu tại nhà của mình ở Huế. Đấy là thời điểm quyết định của một tinh thần cách mạng đang nhanh chóng nung nấu. Cùng lúc với việc xây dựng đất nước này, người Pháp cũng đã rút bòn từng xu lợi nhuận; những người thợ làm muối phải bán sản phẩm của mình cho một chủ độc quyền người Pháp, người này xoay sang bán lại cho người Việt với giá cao hơn; mỗi ngôi làng bị bắt buộc phải mua rượu gạo với một giá nhất định từ nhà sản xuất người Pháp; về vấn đề đổi mới và tự do, họ chẳng có một tí gì. "Tôi đã thấy mối hiểm hoạ từ Cộng sản," Diệm nói. "Chúng ta phải cải cách dân chủ, nếu không thì rõ ràng là Cộng sản đã thắng từ dạo ấy."

Giết nhầm

Khi Thế chiến Thứ II xảy ra, Ngô Đình Diệm đã không ủng hộ cả ba lực lượng đang tranh giành quyền kiểm soát đất nước - Nhật, Pháp và Cộng sản Hồ Chí Minh, mặc dù họ đều tìm cách kêu gọi ông hợp tác. Khi chiến tranh kết thúc, nhân viên của Hồ đà bắt Diệm và đem giam ông ở vùng núi phía bắc. Và họ còn thẳng tay bắn chết người anh của Diệm là Khôi, một vị tỉnh trưởng chống Cộng. Vài tháng sau, Hồ đích thân mời Diệm đến và yêu cầu ông giữ một chân trong chính quyền quốc gia mà Hồ vừa dựng lên để chống lại việc quay lại của chính quyền thuộc địa Pháp. "Tại sao ông giết anh tôi?" Diệm hỏi. "Đấy là một nhầm lẫn," Hồ trả lời. "Cả nước đang lộn xộn. Không thể làm gì khác." Diệm đã giận dữ xoay người bỏ đi.

Thình lình Diệm lại bắt đầu nhúng tay vào chính trị. Sau khi Cộng sản và Pháp bắt đầu cuộc chiến Đông Dương vào năm 1946, ông đã thành lập một phong trào chống lại cả hai; nhưng đã không được kết quả gì khả quan. Người Pháp từng đề nghị ông ra đứng đầu một chính phủ lâm thời, nhưng họ đã rút lời khi ông đòi hỏi quyền tự quyết của Việt Nam. Cuối cùng, giữa cuộc chiến đẫm máu, Ngô Đình Diệm và người anh Ngô Đình Thục, một linh mục Công giáo, cùng nhau khăn gói đi vòng thế giới. Khi đến Hoa Kỳ, Diệm tạm dừng chân để nghỉ và suy gẫm tại Tiểu Chủng viện Maryknoll ở Lakewood, New Jersey. Trong thời gian ở đây, ông liên tục đến Washington để kêu gọi các Nghị viên và quan chức Chính phủ vì nền độc lập của Việt Nam. "Người Pháp đang chiến đấu chống Cộng sản," ông nhấn mạnh, "nhưng họ cũng đang chống lại nhân dân."

Vài người bạn

Nhưng Hoa Kỳ đã không thể bỏ rơi đồng minh người Pháp giữa cuộc chiến. Thất vọng, Ngô Đình Diệm sang Bỉ và sống một cuộc sống ảm đạm của một tu sĩ dòng Benedict tại Bruges.

Rồi thảm hoạ Điện Biên Phủ xảy đến. Thình lình người Pháp bại trận bỗng mong muốn hoà bình - và hết sức tìm kiếm một "nhân vật độc lập" để có thể tập hợp những người Việt dân chủ và hòng cứu vãn được chút gì trong mớ hỗn độn. Lúc ấy Diệm đã từ Bruges dời về Paris, đang ở trong một khách sạn và bắt đầu mặc cả với Bảo Đại, vị hoàng đế bù nhìn trẻ tuổi đang hưởng thụ tại vùng Riviera. Cuối cùng chính quyền của Thủ tướng Joseph Laniel đã cho phép Bảo Đại chấp thuận đòi hỏi căn bản nhất của Diệm: một nền độc lập cho Việt Nam.

Chỉ vài ngày sau Diệm đã về Sài Gòn để thành lập nội các dưới sự chấp thuận của Pháp. Đây không phải là một công việc dễ dàng. Diệm đã rời khỏi đất nước trong bốn năm, hầu như đã trở thành một kẻ vô danh trong đa số người dân trong nước. Có lẽ tổng số những người trong nước ủng hộ của ông đã có mặt tại phi trường Sài Gòn khi ông bước khỏi máy bay là: năm trăm thân hữu, những linh mục Công giáo, những hào mục và đồng nghiệp cũ trong chính quyền thuộc địa Pháp.

Mảnh đất bị chiến tranh tàn phá mà Diệm thừa hưởng khó có thể được gọi là một quốc gia. Hai tuần sau khi ông được đặt lên làm Thủ tướng, Việt Nam đã bị cắt làm đôi trên bàn thương lượng Geneva bởi những người Pháp mệt mỏi và nản chí, họ đã đồng ý trao miền bắc với những khoáng sản sắt và than đá cho Cộng sản. Chỉ để lại cho Diệm với nửa phía nam lẻ loi. Nền kinh tế đang trong tình trạng tả tơi, và hầu như lập tức những con đường từ phía bắc đã chật cứng những làn sóng dân tị nạn với tổng số lên đến 880 nghìn trong vòng một năm. Để đối phó với những khó khăn này, Diệm lại không có một hệ thống dân sự rõ ràng, không thể tin tưởng vào một đội quân trung thành vì vị tư lệnh vốn do người Pháp đào tạo. Tướng Nguyễn Văn Hinh, vốn đã tị hiềm với ông, luôn tìm cách để chiếm lấy chính quyền cho riêng mình. Băng đảng nổi tiếng Bình Xuyên đang hoạt động ngay bên trong lực lượng cảnh sát quốc gia, đã mua chuộc sự "nhượng bộ" của Hoàng đế Bù nhìn Bảo Đại với giá 1 triệu đô-la. Bên trên những khó khăn này còn có hai giáo phái Cao Đài và Hoà Hảo đang kiểm soát phần lớn vùng thôn quê, chống lại chính quyền Diệm và củng cố quyền lực của họ với quân đội riêng được trang bị đầy đủ.

Tiêu diệt băng đảng

Trong cơn khủng hoảng này, Diệm đã không được người Pháp giúp đỡ gì, cảnh giác trước sự độc lập của ông, họ đã bí mật hậu thuẫn Bình Xuyên và mong có ngày sẽ đưa Bảo Đại dễ bảo quay lại cầm quyền. Nhưng Hoa Kỳ đã hoàn toàn ủng hộ Diệm. Đặc phái viên của Hoa Kỳ là Tướng J. Lawton Collins đã dùng tàu chiến của Hạm đội Bảy để giúp vận chuyển những người tị nạn đói khổ, và nói rõ với Tướng Hinh rằng Hoa Kỳ sẽ ngưng viện trợ cho bất cứ quân đội nào chống đối Thủ tướng. Diệm tước bớt quyền lực của Hinh bằng cách ve vãn những sĩ quan dưới quyền, và khi thời điểm đến, Hinh đã buộc phải sang sống lưu vong ở Pháp.

Với quân đội đứng sau, cuối cùng Diệm đã có thể trừng phạt Bình Xuyên và các giáo phái. Quyền lực của Bình Xuyên bị đập tan khi Diệm đóng cửa những tiệm hút, sòng bài và nhà chứa vốn là nguồn thu nhập của họ, sau đó dùng quân đội để đánh tan những băng đảng. Để đánh đổ Cao Đài và Hoà Hảo, Diệm đưa quân đội vào với mệnh lệnh bắn bỏ; đạn đã bay trong thành phố Sài Gòn và vùng đầm lầy châu thổ trước khi những người cầm đầu giáo phái chùn bước.

Người em với phòng cách âm

Vẫn còn một việc cần giải quyết. Diệm đã quyết định truất phế Hoàng đế Bảo Đại, người trên danh nghĩa vẫn giữ chức vụ Quốc trưởng. Vào tháng 10 1955, Diệm đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc này. Kết quả là Diệm được 5.722.000 phiếu và Bảo Đại được 63.000 phiếu. Nền Cộng hoà Nam Việt Nam được thành lập, và Thủ tướng Ngô Đình Diệm trở thành vị Tổng thống đầu tiên.

15 tháng đầu cầm quyền là thời gian hoàn hảo nhất của Diệm. Ông đã sống sót qua bao thăng trầm. Ông đã lấy đất chia cho nông dân nghèo; ông tăng cường sản lượng lúa và khuyến khích phát triển ngành tiểu công nghiệp.

Nhưng những năm tháng chiến đấu đối phó với những âm mưu và phản bội đã biến ông trở thành một người cẩn thận và đa nghi hơn bao giờ. Luôn là một người cứng nhắc và xa rời, ông hầu như không gần gũi với dân chúng, luôn giam mình trong tư dinh. Ngay cả những người từng mến mộ ông cũng phải than phiền về ảnh hưởng của người em 51 tuổi là Ngô Đình Nhu. Từ căn phòng cách âm trong dinh Độc Lập, Nhu điều hành tổ chức chính trị của mình là Đảng Cần Lao, gồm khoảng 70 nghìn thành viên nòng cốt, được lệnh theo dõi dân chúng. Cũng có than phiền về người vợ của Nhu, một phụ nữ bình quyền xinh đẹp, năng động, người đang có cuộc chiến riêng của mình trong vai trò Dân biểu Quốc gia. Bà đã làm nhiều người khó chịu khi thúc đẩy việc hợp pháp hoá "Bộ luật Gia đình" của mình, trong đấy cấm đoán việc ly dị nếu không có sắc lệnh của tổng thống và biến tội ngoại tình là một tội danh đáng bỏ tù.

Một người em khác là Ngô Đình Cẩn, một người đàn ông thấp bé khoảng 40 tuổi, đang cai quản miền trung Việt Nam ở Huế, quê hương của gia đình. Cẩn có riêng một hệ thống công an mật, kiểm soát tất cả những viên tỉnh trưởng trong vùng. Nổi tiếng là người sở hữu rất nhiều đất đai, Cẩn rất giàu có, ông đã đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng ngôi thánh đường mới tại Huế, nơi anh của ông là Ngô Đình Thục đang là Tổng Giám mục.

Đảo chính bằng điện thoại

Bất đồng đã dấy lên trong tầng lớp sĩ quan quân đội vì đường lối lãnh đạo độc đoán của Diệm cũng như việc ông không chịu tiến hành cải cách dân chủ. Và chẳng ai hài lòng với chiều hướng của cuộc chiến chống Cộng hiện tại. Mùa thu năm ngoái Việt Cộng đã mở một chiến dịch mới, tăng cường việc giết chóc lên đến khoảng 800 người mỗi tháng. Nhiều binh lính buộc tội Diệm đã bổ nhiệm những sĩ quan chỉ huy với mục đích chính trị, không cho phép ngay cả một đại đội di chuyển nếu không có lệnh của ông. Dọc theo đại lộ Catinat ở Sài Gòn, những quán cà phê vỉa hè ồn ào với những tin đồn về một cuộc đảo chính hoặc ám sát.

Vào một buổi sáng sớm tháng Mười một, ba tiểu đoàn nhảy dù tinh nhuệ đã lên xe rời khỏi doanh trại đến bao vây phủ tổng thống và đã nổ súng vào những người lính bảo vệ đang hoàn toàn bị bất ngờ. Những người nổi loạn không có ý định truất phế Diệm, họ chỉ muốn ông cam kết giải tán nội các, thành lập một chính phủ quân sự lâm thời, bảo đảm tự do báo chí và tăng cường công cuộc chống Cộng. Diệm đã đồng ý với tất cả các điều khoản trên sau khi mặc cả qua điện thoại với những người cầm đầu phe nổi loạn ở bên ngoài. Nhưng khi những đơn vị trung thành với ông tiến vào để giải tán vòng vây thì Diệm đã thẳng thừng chối bỏ những hứa hẹn cải cách của mình, ông khịt mũi, "Chẳng có gì ...chỉ là vài tên phiêu lưu." Ông tuyên bố trên đài Phát thanh Sài Gòn: "Chính quyền sẽ tiếp tục phục vụ quốc gia."

Diệm có học được bài học nào sau hiểm hoạ vừa qua? Mối lo ngại hiện tại của các viên chức Hoa Kỳ là binh lính có thể nổi loạn lần nữa - với mục tiêu lớn hơn. "Quân đội đã mất trinh," một chính trị gia kì cựu nói. "Lần sau sẽ dễ dàng hơn."

Nhưng mối quan ngại lớn hơn nữa là tầng lớp nông dân. Sau bao nhiêu năm cố gắng, Diệm vẫn chưa thuyết phục được những người nông dân ngả về phía chính quyền. Có đến một phần tư các làng mạc đang nằm trong tay du kích Cộng sản, và đa phần là do tự nguyện hơn là bị ép buộc. Thực tế là hàng trăm nghìn người dân Nam Việt Nam, ngây thơ và thất học, đã cho rằng quân nổi loạn không phải là Cộng sản mà chỉ là sự tiếp nối của phong trào quốc gia kháng chiến chống Pháp ban đầu. Đối với những nông dân này thì "Bác Hồ" vẫn là một anh hùng, và dưới ảnh hưởng của việc tuyên truyền của Cộng sản, họ tin rằng Hoa Kỳ chỉ đơn giản thay thế vị trí thống trị của Pháp ngày xưa. Và những quan chức địa phương luôn luôn được Diệm bổ nhiệm dựa trên lòng trung thành hơn là khả năng của họ, và rất thường xuyên họ lợi dụng chức vụ của mình để moi nặn tiền của nông dân, tống giam thương gia địa phương với lý do tình nghi thân Cộng để vòi tiền chuộc. Vì thế mỗi khi Việt Cộng ám sát một số quan chức địa phương, dân chúng thường ca ngợi họ như những người giải phóng.

Một khởi đầu mới

Trong quá khứ Diệm đã từng ngoan cố không nghe theo lời góp ý của Hoa Kỳ trong việc đối phó với những đồng bào của mình. Nhưng bài học ở Lào và sự kêu gọi mới đây của chính quyền Hoa Kỳ dường như đã làm ông thay đổi. Mọi đề xuất trong báo cáo của Stanley đều đã được ông phê chuẩn trước.

Về mặt quân sự, kế hoạch mạnh mẽ của Hoa Kỳ đã theo đúng như Diệm mong muốn. Toán chuyên trách của Kennedy dẫn đầu bởi Sterling J. Cottrell, 47 tuổi, một viên chức thâm niên của Bộ Ngoại giao và là một người "cứng rắn" trong vấn đề Đông nam Á, ông muốn Hoa Kỳ phải mạnh tay hơn ở Lào. Cottrell sẵn sàng dùng những biện pháp cứng rắn, phi chính thống để chặn đứng Cộng sản, ông hợp tác chặt chẽ với Thiếu tướng Edward Lansdale, chuyên viên về chiến tranh du kích của Lầu Năm góc, người đã từng giúp tổng thống Magsaysay đập tan người Huk ở Philippines và cố vấn Ngô Đình Diệm trong việc đối phó với băng đảng Bình Xuyên.

Trong kế hoạch mới này, lực lượng Tự Vệ, những binh sĩ vùng quê đang phải dùng gậy gộc và súng trường sẽ được trang bị vũ khí hiện đại. Sẽ tăng gấp đôi quân số Dân Vệ, một lực lượng vũ trang hỗ trợ cảnh sát. Về sau, lực lượng Dân Vệ sẽ được đào tạo để đảm đương những công tác tự vệ thường nhật, hiện đang là gánh nặng của quân đội. Hoa Kỳ cũng muốn tăng quân số quân đội từ 150 nghìn lên 170 nghìn người, được huấn luyện kỹ những kỹ thuật hoạt động bí mật trong rừng mà Việt Cộng đang sử dụng.

Những cố vấn quân sự Hoa Kỳ đã đào tạo khoảng 6.500 quân địa phương về những kỹ thuật Biệt kích, dùng để đối phó lại chiến thuật du kích. Ở Nha Trang đã có tám đại đội Biệt kích đang học cách thức leo núi, đu dây, bí mật di chuyển trong rừng, tiêu diệt kẻ thù chớp nhoáng. Đường mòn Hồ Chí Minh giờ đã lộ ra là một con đường hai chiều để Nam Việt Nam tiến về phía bắc, và Biệt kích quân đã đột nhập vào Bắc Việt Nam để dùng chiến thuật gậy ông đập lưng ông với Hồ.

Binh lính Việt Nam cũng học những bài học về tâm lý chiến: không được giết hại gia súc hoặc hãm hiếp phụ nữ; vấn đề quân đội thiếu kỷ cương đang bị người dân than phiền nhiều nhất đến chính phủ. Để nhấn mạnh điểm này, các huấn luyện viên đã không ngần ngại trích dẫn lời của Mao Trạch Đông về chiến tranh du kích: "Chúng ta là cá trong nước, và nước là nhân dân." Để kết nối những thôn xóm, làm họ có ít nhiều tiếp xúc với chính quyền Sài Gòn, người dân được trang bị điện đài để có thể nhanh chóng báo cáo đến chỉ huy sở mỗi khi Việt Cộng tấn công. Tổ chức Đoàn Thanh Niên ngày một lớn mạnh của Diệm được huấn luyện sử dụng điện đài, có nhiệm vụ của một mạng lưới tình báo trong toàn quốc.

Hoa Kỳ cũng đã thúc đẩy kế hoạch xây ấp chiến lược của Diệm. Trong kế hoạch này, những gia đình nông dân riêng rẽ từ những vùng ngoại tuyến nguy hiểm sẽ được thu gom lại để sống trong những khu dân sinh đặc biệt để có thể bảo vệ họ tốt hơn. Năm ngoái Diệm đã hoàn tất 26 ấp chiến lược, nhưng đã không gặt hái được gì ngoài sự phản kháng khi những nhân viên quá tích cực của Diệm đã kéo nông dân ra khỏi ruộng lúa đang trong mùa thu hoạch, cưỡng bức họ phải xây những khu dân sinh mới. Góp phần vào sự phẩn uất của dân chúng là những ấp chiến lược mà họ bị bắt buộc phải xây lại không đủ chỗ để ở. Nhưng Staley đã kết luận rằng về cơ bản thì ý định này thì tốt, ông hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ chu cấp kinh phí để xây dựng ít nhất 100 ngôi làng như thế trong vòng một năm tới.

Song song với những kế hoạch quân sự và tự vệ, Hoa Kỳ mong muốn đào tạo nhiều hơn nữa số nhân viên hành chính người Việt, cho họ quyền được hoạt động độc lập mà không phải bị trói buộc bởi những hạch hỏi từ Sài Gòn. Để giáo dục những dân làng thất học về mối đe doạ của Cộng sản, những đội chiếu bóng lưu động sẽ toả về các vùng quê và những tuyên truyền viên sẽ liên tục về thăm các thị trấn. Trên phương diện lâu dài, những nỗ lực mới sẽ được thực hiện để gia tăng sản lượng gạo, khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào các ngành kỹ nghệ.

Đã hơi trễ trong việc cứu vãn Đông nam Á và đẩy Cộng sản về lại biên giới của họ. Nhưng với sự nhẫn nại, lòng kiên quyết và sự hợp tác của nhân vật chống Cộng lâu năm trong ngôi biệt thự quét vôi vàng, Hoa Kỳ hy vọng rằng việc này không quá trễ. "Chúng ta thuộc về thế giới tự do," Tổng thống Diệm nói, "chúng ta phải hành động. Nếu không thì tham gia thế giới tự do để làm gì?"

NGƯỜI ĐÀN ÔNG BỊ PHONG TOẢ


Số báo ra ngày 04 tháng Tư, 1955: http://www.time.com/time/magazine/ar...866120,00.html

NGƯỜI ĐÀN ÔNG BỊ PHONG TOẢ


Người đàn ông bị phong toả đang ngồi bên trong Dinh Độc lập. Vóc người nhỏ và chắc, nước da sẫm, chung quanh ông bày biện vài món đồ tuỳ thân - một cây thánh giá bằng gỗ, một bức ảnh Mẹ Đồng trinh, một máy chiếu hình, một ống nhổ cầu kỳ, và cuốn sách như Công lý Xã hội và Tư tưởng của Gandhi. Nằm trên chiếc bàn cổ lỗ trước mặt ông là tờ tối hậu thư, thẳng thừng đe doạ đòi lật đổ chính quyền Nam Việt Nam. Một đoàn người đủ dạng đang đi ra đi vào dinh thự hàng giờ để đối phó với cuộc khủng hoảng - ba anh em của người đàn ông này, một đang vận áo giám mục Công giáo; người em dâu xinh đẹp và có đầu óc chính trị; những nhà ngoại giao và viên chức quân sự Hoa Kỳ mặc thường phục; những vị bộ trưởng còn đang ngái ngủ vì vừa bị đánh thức để hội ý về tình trạng khẩn cấp.

Bức tối hậu thư được gửi bởi những người cầm đầu ba giáo phái-chính trị* ở miền Nam Việt Nam, một tổ chức hỗn hợp bao gồm những kẻ cuồng tín, những lãnh chúa phong kiến, những tên du côn mặc quân phục và những tên chúa tể giang hồ được dẫn đầu một cách lỏng lẻo bởi một vị tướng đầy tham vọng có sở thích nuôi cá sấu. Những giáo phái này đều có quân đội riêng với quân số tổng cộng khoảng 40 nghìn người. Bị mất dần những trợ cấp và đặc quyền được thoả thuận trước đây với thực dân Pháp, những kẻ cầm đầu giáo phái trở nên rất nguy hiểm. "Tái tổ chức chính phủ của ông trong vòng năm ngày," bức tối hậu thư viết. "Thay thế nó với một chính quyền phù hợp." Người đàn ông ngồi tại chiếc bàn giận dữ và khó chịu. "Trong khi chúng ta phải dính dáng đến những thứ ngu xuẩn như thế này," ông cáu bẳn, "chúng ta lại đang chống một khối đá tảng."

Nhưng những người cố vấn - kể cả những cố vấn người Mỹ - đã cảnh báo ông nên hành động chậm rãi. Ngài vẫn còn quá yếu để chống lại, họ khuyên ông. Mời chúng vào thương lượng để mua thời gian. Lời khuyên đã được nghe theo. Trong khi binh lính và xe thiết giáp di chuyển qua những đường phố căng thẳng của Sài Gòn, cái chính quyền non nớt của một đất nước Nam Việt Nam non nớt đã luồn lách và ngã giá để tránh khỏi nội chiến và dẹp yên những giáo phái.

Cộng sản & Bức lịch

Người đàn ông phải làm công việc ấy là Thủ tướng Ngô Đình Diệm, một người quốc gia vô cùng sùng đạo, đang gánh lấy công việc tệ hại và đầy thử thách là lãnh đạo 10,5 triệu người dân Nam Việt ra khỏi hố thẳm Cộng sản để có được đất nước với chủ quyền độc lập mà họ đã tìm kiếm từ lâu. Không ai trên vùng đất châu Á đầy nguy hiểm này lại phải đối diện với nhiều cản trở trên bước đường tái lập trật tự và công lý như thế. Những giáo phái đang kiểm soát một phần ba khu vực phía nam của đất nước, đang đe doạ không những quyền lực mà cả tính mệnh của ông. Số dân tị nạn từ phía nửa Cộng sản của Việt Nam giờ đã lên quá 500 nghìn người và vẫn còn đang đổ về phía nam với nhịp độ khoảng 10 người mỗi tuần, họ đang cần lương thực, nhà cửa và việc làm. Việc thiếu kinh nghiệm của ông lẫn các phụ tá đã gây khó khăn trong việc tìm người tài, ý kiến hay cũng như khó khăn trong việc đưa ra quyết định. ("Cái chính phủ này," một trong những viên chức Hoa Kỳ đang nôn nóng giúp đỡ đã nói, "đang được kết lại bằng băng keo, vài sợi dây nhợ và bột hồ.") Người Pháp, đang tìm mọi cách thức và thủ đoạn để giữ vững ảnh hưởng cũng như quyền lợi trên mảnh đất mà họ đã bóc lột bảy thập niên qua, đã cản trở ông với những thủ thuật đầy xảo quyệt của chủ nghĩa thực dân.

Nhưng trên tất cả, kẻ thù của Diệm chính là liên minh giữa Cộng sản và bức lịch (ám chỉ thời gian - ND). Không có một tổ chức chính trị riêng, bộ máy hành chính không chuyên nghiệp và một quân đội vẫn đang trong thời gian đào tạo, vị Thủ tướng Nam Việt Nam đang gánh trách nhiệm xây dựng một chính phủ và một ảnh hưởng đủ lớn để lấn át sức mạnh và khả năng của chính quyền Cộng sản Hồ Chí Minh ở Bắc Việt Nam. Theo hiệp ước Geneva, đất nước bị chia ra làm hai phần, Nam Việt Nam chỉ có 15 tháng để chuẩn bị tranh cử toàn quốc với chính quyền Cộng sản Hồ Chí Minh, người thắng sẽ được toàn bộ.

Về con số lẫn về chính trị, Việt Nam tự do đã không có tí cơ hội trong cuộc đọ sức này và với dân số miền Nam chắc chắn ít hơn của Hồ, nó sẽ không bao giờ có được. Trừ phi Cộng sản đồng ý mở cửa cho miền Bắc được tự do vận động bầu cử, cuộc đọ sức có thể không bao giờ thực hiện được.

Vấn đề tồn tại của Nam Việt Nam sẽ còn đòi hỏi cấp bách hơn. Gần sáu tháng trước, những nhà ngoại giao phương Tây đã thông báo một cách bi quan rằng Nam Việt Nam là một mục tiêu chắc chắn bị mất. Một cuộc thăm dò nhanh ở khu vực nông thôn đã cho thấy rằng chính quyền quốc gia của Diện sẽ chỉ được không hơn một phần tư các làng mạc ủng hộ. Số còn lại nghiêng về Cộng sản, hoặc ít nhất là chống lại chính thể vô danh và chưa được thử thách của Sài Gòn. Nhưng đến tuần vừa qua, bài ca bỏ cuộc đã lắng đi và đã có nhiều người không còn phụ hoạ nó nữa. Một thống kê mới cho thấy những người quốc gia của Thủ tướng Ngô Đình Diệm đang thắng thế, và hiện đang chiếm tỉ lệ 50-50 so với Cộng sản trong suy nghĩ của người dân miền Nam Việt Nam. Họ vẫn đang chiếm dần ưu thế.

Tiến độ dù chậm chạp nhưng rõ ràng là nhận thấy được. Nó gần như là một chiến thắng cá nhân của Diệm, một người Quốc gia độc đoán. Nó cũng cho thấy sự ủng hộ dè dặt trong quyết định của Hoa Kỳ, kẻ đã tự nguyện thừa hưởng sự hổn loạn do người Pháp để lại và là người đã cam kết bảo vệ những gì còn lại của Đông Dương. Dù Washington không lựa chọn ông nhưng họ đã đầu tư hy vọng, chuyên gia, và khoảng 400 triệu đô-la mỗi năm vào Nam Việt Nam. Hoa Kỳ tin chắc rằng Ngô Đình Diệm, một nhân vật dù không hoàn hảo nhưng phù hợp nhất để dẫn dắt người Việt đến một nền độc lập thật sự.

Không có chỗ cho cả hai

Thoạt nhìn Ngô Đình Diệm là một người không chắc chắn lắm trong cuộc chiến đấu chống lại Hồ Chí Minh, một con người gầy gò, mưu mô từng làm nghề phụ bếp và là một người Cộng sản thuần thành nhưng đã rất khéo léo đến nỗi đa số mọi người ở châu Á vẫn tin rằng ông ta thật sự chỉ là một người Việt Nam yêu nước. Sự nghiệp của Diệm đa phần được xây trên những quyết định tiêu cực. Ông là một nhà quản trị tài giỏi hiếm có, và ông đã nhận định về chính trị là: "những thủ đoạn tài tình nhằm phản bội, đàn áp và chia rẽ nhân dân." Đối với những kẻ thành thạo hơn trong cuộc chơi, ông chỉ được đánh giá ở mức trung bình.

Nhưng với Việt Nam, nơi đã kinh tởm chủ nghĩa thực dân và những tội ác của nó, đang nản lòng trong việc tìm kiếm tự do, tính liêm chính của một nhà lãnh đạo thì còn quan trọng hơn khả năng của ông ta. Hồ đã
xây nên sự ủng hộ rộng khắp không chỉ bằng xảo trá và học thuyết Cộng sản, mà còn với tính liêm khiết và lòng căm thù không lay chuyển đối với chế độ thực dân Pháp. Ngô Đình Diệm cũng đem vào trận chiến với tính liêm khiết còn cao hơn thế và một lý lịch suốt đời chống sự thống trị và ảnh hưởng của người Pháp. Tư lệnh của Hồ là Tướng Võ Nguyên Giáp trước đây đã nhận định rằng: "Một là Hồ Chí Minh. Một là Ngô Đình Diệm. Không có chỗ cho cả hai trên đất nước này."

Khổ hạnh & Bắp cải nhồi thịt

Diệm là một người chắc đậm (cao 1,54 mét, nặng 65kg), trông trẻ hơn tuổi 54, với mái tóc đen dày và thói quen mặc đồ vét Tây bằng vải sakin. Mắt ông nhìn xa xăm dưới đôi mí mặt nặng nề. Ông là một người cô đơn, không quen bộc lộ, thường để mọi người đưa ra đề tài rồi mới buột miệng một cách tình cờ vu vơ, không cảm xúc. Ông là một người với những tương phản. Như một nhà tu hành và sống nội tâm, mê thích Gandhi, những vị thánh Công giáo và sách (ông có một thư viện riêng với 10 nghìn cuốn sách), từ lâu ông đã thề nguyện sống đời khổ hạnh; ông rất ngượng nghịu khi gặp phụ nữ đến nỗi phụ tá của ông không có nữ giới, và ông đã từng treo một tấm biển CẤM ĐÀN BÀ bên ngoài văn phòng. Nhưng Diệm cũng ăn nhiều một cách không dấu diếm với những món ăn như bắp cải nhồi thịt, và đôi khi tại những buổi khánh tiệc ông sử dụng đũa như một người phàm phu, đưa cả bát lên miệng và trút vào. Ông thích đi săn (vịt và hổ). Ông có thể nổi nóng bất thình lình. Nếu gặp người mà ông không thích, đôi khi ông phun nước miếng bay ngang phòng và càu nhàu, "đồ bẩn thỉu!"

Dù Diệm từng sinh ra trong một mái nhà tranh bên trong khuôn viên của cha ông ở gần Huế (nơi người mẹ già yếu 87 tuổi của ông vẫn sống sau bức bình phong để phòng ngừa ma quỷ), ông lại thuộc tầng lớp thượng lưu, và ông luôn thành tâm khi nói đến "người dân yếu thế".

Ông rất tự hào về nòi giống Việt Nam của mình: "Đất nước chúng tôi là một đất nước của những chân lý, một đất nước lâu đời, một đất nước được dựng bởi những làng xóm. Việt Nam là một cấu thể vững chắc..." và ông không muốn thay đổi nó, nhưng: "Đôi khi tôi nghĩ rằng châu Á thì quá dè dặt, ăn nói lại quá mềm mỏng. Chúng ta cần phải học cách ăn nói cứng cựa như người Mỹ để được việc hơn." Rất ít khi Diệm nặng lời với những người Việt theo Cộng sản vì ông hy vọng sẽ cải hoá được họ; ông cố tình chống lại phong cách lươn lẹo của Hồ Chí Minh bằng cách giữ đạo đức mình trong sạch. Và ông cũng nhận rõ rằng không thể đùa với những người Cộng sản. "Khi săn hổ, ta cần chắc chắn là giết chết nó," ông từng nói. "Một con hổ bị thương sẽ trở thành một kẻ ăn thịt người..."

Móng tay & Nông dân

Ngô Đình Diệm xuất thân từ dòng họ đã từng bảo vệ Việt Nam chống lại Trung Quốc hàng nghìn năm. Vào thế kỷ 17, dòng họ Ngô Đình cải đạo sang Công giáo và đã giữ vững tín ngưỡng của mình với một cái giá đẫm máu: trong năm 1870, hơn 100 người của họ Ngô Đình đã bị bao vây và thiêu sống trong nhà thờ của họ. (Hiện tại Việt Nam với đa phần theo đạo Phật, có khoảng 2 triệu người Công giáo.)

Cha của Ngô Đình Diệm, một trong những người còn sống sót trong dòng họ, là một vị quan đầu triều ngày xưa, chuyên mặc áo thụng bằng lụa và để móng tay dài cả tấc. Một trong những công việc của ông là chỉ huy những hoạn quan hậu cung của triều đình. Nhưng cha của Diệm, tên Ngô Đình Khả, cũng là một trong những nhà giáo tiên phong của Việt Nam và chín người con của ông cũng đã thụ hưởng được nhiều từ đấy. Vào 6 giờ mỗi sáng, ông đã bắt bọn trẻ đi lễ; ông còn dạy thêm người con thứ ba là Diệm trong khu vườn hồng của gia đình. Ông bắt Diệm làm ruộng cùng những người nông dân. "Một người phải hiểu biết cuộc sống nông dân," Khả giải thích.

Tính cần cù

Diệm sống rất khắc khổ, ông cầu nguyện khoảng hai giờ mỗi ngày, thức dậy vào 5 giờ sáng để học bài, hay nổi cơn thịnh nộ khi bị các anh chị em quấy nhiễu. Năm lên sáu ông nhận được phần thưởng "siêng năng" đầu tiên ở trường. "Mỗi khi lũ lụt," một trong những anh em của ông nhớ lại, "cha bắt chúng tôi phải ở nhà. Tất cả chúng tôi đều thích thú, riêng Diệm thì trốn nhà đi dọc theo ven đê để đến trường như thường lệ." Khi về đến nhà, Diệm chấp nhận đánh đòn vì đã trái lời cha.

Năm 15 tuổi, Diệm đưa ra quyết định tiêu cực đầu tiên: bắt đầu theo học để trở thành tu sĩ, sau vài tuần lễ ông lại quyết định không theo đuổi con đường này nữa. Vào tuổi 17 ông lại có quyết định thứ hai: không sang Pháp để du học. "Những người như chúng tôi sau khi sang Pháp đều trở về với một mớ hỗn hợp," một người anh khác nói, "nhưng Diệm là một người Việt Nam thuần chất." Năm 20 tuổi Diệm tốt nghiệp hạng nhất trường hành chính của người Pháp tại Hà Nội, không bao lâu ông trở thành tri huyện, trông coi 225 ngôi làng.

Con đường thẳng

Trong thời gian Hồ Chí Minh vẫn còn xây dựng tổ chức bí mật của mình, Diệm từng đọc những truyền đơn và sách báo Cộng sản, ông đã tự đề ra chiến lược đối phó: ông bắt những thành viên của Hồ rồi "cải tạo" họ. Diệm thường đưa những người Cộng sản cao ngạo đi diễu hành với quần áo tả tơi và bảo dân chúng rằng: "Chúng bảo rằng chúng đấu tranh cho dân nghèo... Vậy hãy để chúng ăn mặc như thế."

Tinh thần cương quyết chống Pháp của Diệm cũng đã làm ông thích hợp hơn trong vai trò của người lãnh đạo đầu tiên của những người Việt tự do. Năm 1929, lúc ông 28 tuổi, ông trở thành tỉnh trưởng; năm 32 tuổi ông trở thành Bộ trưởng Nội vụ của chính quyền bù nhìn Pháp. Ba tháng sau ông đã đòi hỏi thêm quyền tự quyết. Người Pháp từ chối và ông đã từ chức.

Diệm trải qua 7 năm thụ động chống đối việc người Pháp bóc lột đất nước ông. Trong khi giúp đỡ phát triển nguồn tài nguyên và đem những kho tàng văn hoá đến Đông Dương, người Pháp đã không bỏ qua cơ hội kiếm lợi. Những người sản xuất muối bị bắt buộc phải bán cho người Pháp để họ quay sang bán lại cho người Việt với giá cao hơn. Dựa trên mật độ dân, mỗi làng có tiêu chuẩn mua rượu nhất định từ những nguồn cung cấp của người Pháp. "Tôi đã thấy mối hoạ Cộng sản," Ngô Đình Diệm nói, "và tôi thấy được họ có thể lợi dụng tình trạng bất công này. Chúng ta phải cách tân dân chủ, nếu không thì rõ ràng Cộng sản đã thắng ngay từ thời ấy."

Ba lần cự tuyệt

Trong thời kỳ Thế chiến Thứ II và sau đó, Nhật, Pháp và Cộng sản Hồ Chí Minh đã đối chọi lẫn nhau để giành lấy Đông Dương (xem số báo ngày 22 tháng 11); cả ba phía đều muốn sự hậu thuẫn từ phe Quốc gia của Diệm nhưng ông đã từ chối cả vì không ai trong họ đại diện cho "một nền độc lập thật sự."

Năm 1945, quân đội Cộng sản của Hồ đã tấn công dòng họ Ngô Đình, chiếm giữ dinh thự tại Huế và đốt sạch 10,000 cuốn sách của ông. Những người Cộng sản đã bắt giam Diệm, họ bắt được người anh lớn của Diệm là Ngô Đình Khôi và chôn sống ông ta. Nhưng chỉ bốn tháng sau Hồ Chí Minh lại quyết định rằng ông cần sự hậu thuẫn của những người quốc gia thuần thành, đã triệu Diệm ra khỏi tù. "Hãy đến sống cùng tôi tại Phủ Chủ tịch," Hồ đề nghị.

Diệm: Ông đã giết anh tôi. Ông là một tên tội phạm.

Hồ: Tôi hoàn toàn không biết gì về chuyện của anh ông... Ông đang giận dữ. Hãy ở lại với tôi. Chúng ta phải hợp tác để chống người Pháp.

Diệm: Tôi không nghĩ là ông đã hiểu được tôi là ai. Hãy nhìn thẳng vào mặt tôi đây. Xem tôi có sợ hãi không?

Hồ: Không.

Diệm: Tốt. Thế thì tôi đi đây.

Hồ bèn trả tự do cho Diệm.

Tình huống khó xử của Washington

Vào tháng 12 năm 1946, khi Hồ và người Pháp tham gia vào cuộc chiến Đông Dương, Diệm tuyên bố chống lại cả hai. Vào tháng 4 1947 ông đã khởi xướng một phong trào chính trị tích cực, một lực lượng thứ ba bất bạo động có tên là "Mặt trận Liên hiệp Quốc gia." Người Pháp đã thẳng thừng cấm đoán. Ba năm sau Ngô Đình Diệm tìm kiếm đồng minh bên ngoài để giúp đỡ cho nền độc lập của Việt Nam và ông đã sang châu Âu và Hoa Kỳ. Trong gần hai năm (1951-53) ông đã sống tại Tiểu chủng viện Maryknoll ở thành phố Lakewood, New Jersey, ông thường đi Washington để kêu gọi những quan chức Bộ Ngoại giao và các Nghị sĩ đừng nên ủng hộ chính sách thuộc địa của người Pháp. "Người Pháp đang chống lại Cộng sản," Diệm lý luận, "nhưng họ cũng chống lại nhân dân."

Có lẽ trong nhận thức của người Mỹ, họ đã nên lắng nghe lời khuyên của Diệm. Nhưng khó khăn của Hoa Kỳ là người Pháp đang nắm quyền tại Đông Dương. Giao tranh vẫn đang xảy ra, và vấn đề chủ yếu vẫn là việc cứu mảnh đất này ra khỏi vòng xoáy của Cộng sản. Trong khi chiến lược này đang hướng về điểm đỉnh, Ngô Đình Diệm buồn rầu và thất vọng, ông đã tìm đến sống và đợi chờ trong một căn phòng kín của một tu viện tại Bỉ. "Chúng ta phải tiếp tục đi tìm Nước Chúa và công lý của Ngài," Diệm viết thư về nhà, "những việc khác sẽ tự khắc đến."

Cơn Đại hồng thuỷ

Rồi xảy ra việc Điện Biên Phủ sụp đổ. Trong thời gian của cuộc giao tranh đầy quyết định này, Diệm nhận thấy rằng cơ hội phục vụ của ông đã đến. Ông rời bỏ tu viện và đến sống tại một căn gác xép ở Paris. Người Pháp phần vì đang cần một nhân vật để trút bỏ cái thảm hoạ trên, đã mời Diệm nhận chức thủ tướng Việt Nam, với lời hứa chấp nhận nền độc lập quốc gia. Vào ngày 15 tháng 6 1954, Ngô Đình Diệm nhận lĩnh chức vụ này và quay về lại Sài Gòn. "Chúng tôi không biết mình sẽ đến đâu," một phụ tá của ông nói trong hoàn cảnh phức tạp, "nhưng thuyền trưởng thì vững tay và con thuyền của chúng tôi cũng sạch sẽ."

Quá khứ quốc gia thuần tuý của Diệm ban đầu đã không đưa vị Thủ tướng đi được xa. Thủ tướng Pháp Mendes đang cổ vũ cho những "nhượng bộ... nhượng bộ lớn" để chấm dứt cuộc chiến, và ông đã nhượng bộ tại hội nghị Geneva. "Chúng tôi chẳng được tham khảo ý kiến," Bộ trưởng Ngoại giao của Diệm là Trần Văn Đỗ than phiền. Tại Sài Gòn, Diệm nhận ra rằng ông không thể dựa trên một tiểu đoàn lính người Việt duy nhất; ngân khố của ông không còn đồng nào; 85% vùng nông thôn không thể liên lạc được. Hàng trăm nghìn người tị nạn đang đổ về từ miền Bắc, tìm đến một nền tự do dù còn hỗn loạn, và họ cần được giúp đỡ.

Khủng hoảng đầu tiên của Diệm đến từ những căn cứ của Tướng Nguyễn Văn Hinh, một vị tư lệnh quân đội ưa khoa trương và thân Pháp. Tướng Hinh đang tìm cách lấn chiếm quyền lực bằng cách đẩy dần 200 nghìn quân của ông vào một cuộc binh biến không đổ máu. Diệm không nao núng nhưng với những gì trong tay ông không thể đối đầu với Hinh. Nhưng qua ảnh hưởng của Hoa Kỳ, cuối cùng ông đã thắng. "Tôi chỉ cần nhấc điện thoại," tướng Hinh nói, "và cuộc đảo chính sẽ xảy ra. Nhưng họ bảo tôi rằng nếu điều này xảy ra, người Mỹ sẽ cắt toàn bộ tiền viện trợ."

Đứng dậy sau thảm hoạ

Chiến thắng của Diệm đã đẩy Tướng Hinh đi lưu vong và những người quốc gia tiến tới. Những người từng khoanh tay đứng nhìn xem bên nào thắng thế giờ đây đang ngả về phía Thủ tướng. Viện trợ và cố vấn của Hoa Kỳ bắt đầu đưa vào. Trong bốn tháng tới:
  • Tiến hành chiến dịch được nhiều ủng hộ nhằm tấn công tham nhũng và tội phạm, đóng cửa các sòng bài và bắt giữ những viên chức làm giàu bằng việc hối lộ.
  • Soạn thảo hệ thống lập pháp quốc gia - cơ quan dân chủ đầu tiên của đất nước - và trong vấn đề cải cách điền địa, sẽ giảm thuế tô thường niên của tá điền từ 50% xuống còn 15%.
  • Tái tổ chức quân đội của Hinh để họ quản lý những quận huyện mà Cộng sản đã rút đi sau hiệp định Geneva. Hoa Kỳ sẽ chịu trách nhiệm huấn luyện họ.
  • Thay thế người Pháp trong việc quản lý tiền tệ và đưa Nam Việt Nam vào thị trường thương mại quốc tế.

Chưa từng bao giờ gần gũi với dân chúng, Diệm đã thực hiện một cuộc du hành thăm viếng ở miền trung Việt Nam và đã nhận được sự đón chào làm ngạc nhiên cả những cố vấn của ông. "Ngô Đình Diệm muôn năm!" dân chúng reo hò. "Tôi đã từng chứng kiến những cuộc biểu tình tự phát trên toàn châu Á." một người Mỹ quan sát cuộc biểu tình nói, "nhưng lần này thì khác hẳn... Năm mươi nghìn người vượt qua cánh đồng chạy đến bên ông, tay vẫy những chiếc nón lá, như một cảnh tháo chạy trong cuốn tiểu thuyết Những Khu Mỏ của Vua Solomon."

Dù có vẻ tích cực nhưng những thành quả của Diệm cũng rất nhỏ bé so với những việc cần phải thực hiện trong vấn đề thiết lập trật tự và luật pháp cũng như xây dựng niềm tin của công chúng. Là người có đầu óc bướng bỉnh và tiêu cực, Diệm đã làm cho một số người không an lòng khi ông cứ tiếp tục thu mình và khuynh hướng hay nghe theo những lời cố vấn của ba người anh em của ông, Giám mục Ngô Đình Thục, Ngô Đình Luyện và Ngô Đình Nhu hơn là những người trong Nội các. Việc ông miễn cưỡng trong việc uỷ quyền đã biến ông thành một kẻ lập dị chuyên phí thời gian trong những việc vụn vặt. Ví dụ: Vừa qua ông đã tự thân đứng ra quản lý thủ tục cấp hộ chiếu ra vào nước cũng như việc xem xét những đơn xin đổi ngoại hối. Nhưng những viên chức quân sự, ngoại giao và chuyên gia kỹ thuật của Hoa Kỳ dù nhìn nhận những yếu điểm này của ông, cũng không vì thế mà suy giảm lòng tin rằng Diệm là niềm hy vọng sáng giá nhất của Việt Nam. "Sau những nghi ngờ về Thủ tướng Diệm," một viên chức cao cấp của Hoa Kỳ nói, "tôi cho rằng chúng đã được giải quyết theo chiều hướng có lợi cho ông ta và ông xứng đáng được hậu thuẩn toàn diện."

"Họ không nói dối"

Một phong tục của người châu Á là nếu bạn cứu sống một ai đó, bạn sẽ có trách nhiệm đối với số phận của người ấy. Hoa Kỳ đang gánh vác cả hai trách nhiệm ấy trong cùng một sứ mạng tại Nam Việt Nam. Bên cạnh hàng triệu đô-la và thanh thế của mình, Washington cũng đã đầu tư trí tuệ của 1 nghìn người Mỹ vào đất nước này, với cựu tư lệnh Lục quân, Tướng J. Lawton Collins là phái viên tối cao. Trong số họ còn có: về cải cách điền địa có Wolf Ladejinsky, một chuyên viên nổi tiếng của Bộ Nông nghiệp, người đã từng tham gia việc cải cách điền địa tại Nhật sau Thế chiến; để lèo lái chống lại Cộng sản có Đại tá Edward Lansdale, một sĩ quan từng đóng vai trò hữu ích trong việc thắng cử của Tổng thống Philippines Ramon Magsaysay, đến nỗi người Phi sau cuộc bầu cử đã gọi ông là "Tướng Landslide."

Người Mỹ nhận thấy Thủ tướng Diệm ngày càng chịu tiếp thu những ý kiến cố vấn, và không hề là một người bù nhìn. Ông không muốn bị thúc hối hoặc vội vàng. Gần đây khi Joe Collins đề nghị nên đưa Tướng Vỹ làm tư lệnh quân đội, Diệm nhất định dùng người của mình là Tướng Tỵ. "Đôi khi ông Collins dùng những ngôn ngữ nặng nề." Diệm tâm sự. Nhưng Collins cũng than phiền tương tự. "Đưa những chuyên viên của ông ra và bắt họ làm việc," ông từng hối thúc vị Thủ tướng, và Diệm sau này đã cho biết: "Ông Collins nói thì dễ. Ông ấy có chuyên viên. Chúng tôi thì không." Nhưng từ những giây phút đối chọi căng thẳng họ đã có một mối quan hệ mà qua đó cho thấy nhiều tiến độ và hứa hẹn. Thủ tướng Diệm cảm phục người Mỹ vì "họ không nói dối."

Một trong những thử thách quan trọng nhất trong mối quan hệ này là ngày 20 tháng 7 đến, khi dân chúng hai miền Nam Bắc Việt Nam phải giải quyết những điều khoản của các cuộc bầu cử 1956, theo hiệp định Geneva. Dù Hồ đã tăng gấn đôi quân đội, một vi phạm của hiệp định Geneva - và đang thiết lập một lực lượng không quân nhưng ông đã tự tin một cách công khai rằng ông không phải dùng đến chúng để chiếm miền Nam Việt Nam.

Những lá phiếu bị ép buộc
Lá phiếu của 12 triệu dân miền Bắc của Hồ, bị ép buộc bởi kẻ độc tài, sẽ vượt xa lá phiếu tự do nhưng chia rẽ của 10 triệu người dân miền Nam. Nhưng hiệp ước Geneva cũng đưa ra điều kiện là bầu cử phải được "tự do" và bằng "phiếu kín." Vào ngày 20 tháng 7, nếu họ cảm thấy đủ mạnh để hất cẳng Hồ Chí Minh, những người quốc gia đang được Hoa Kỳ hậu thuẫn có thế làm được việc này bằng cách trì hoãn các cuộc bầu cử, hoặc huỷ bỏ chúng hoàn toàn ngoại trừ chúng được bảo đảm chắc chắn rằng 1) các địa điểm bầu phải được giám sát minh bạch và 2) những người quốc gia được quyền vận động bầu cử ở miền bắc và tìm cách lấy bớt phiếu của Hồ.

Nếu sách lược này thắng thế, Hoa Kỳ và Nam Việt Nam sẽ phải hướng đến một giải pháp chia rẻ của hai Việt Nam - một Việt Nam Cộng sản mạnh mẽ, hùng hổ được Moscow và Bắc Kinh nuôi dưỡng; và một Việt Nam yếu kém và chia rẽ nhưng tự do đang sẽ cần những cam kết và giúp đỡ của Hoa Kỳ trong một thời gian.

Cắt tóc & Gà

Một trong những sự thật đáng buồn của Nam Việt Nam là không phải mọi người đều mong muốn một chính thể phi Cộng sản với những hy vọng không đạt được hơn là một chính thể Đỏ tự tin với nền ổn định đầy hấp dẫn. Đối với Thủ tướng Diệm thì đây là một vỏ ốc cứng rắn khó đập vỡ được. Tuần trước, tại một ngôi làng tiêu biểu của miền nam một số người dân đã cho thấy trở ngại này.

"Khi người Pháp thả bom làng mạc, trường học và đẩy chúng tôi vào rừng, Cộng sản là bạn của chúng tôi." Những người Cộng sản ấy giờ được thay thế bởi binh lính và viên chức quốc gia non trẻ của Thủ tướng Diệm. Những người dân đã nghĩ gì về họ? Người thợ cắt tóc trẻ địa phương trả lời: ban đầu anh ta không tin tưởng họ lắm, nhưng đã bắt đầu cảm thấy rằng họ là những người tốt và có thể tin tưởng. Cuộc sống có khá hơn không sau khi Cộng sản rút đi? Có vài điều, người thợ cắt tóc trả lời. "Hoà bình." Và người ta có thể đi lại (Cộng sản bắt buộc phải có giấy phép đi lại ngay cả chỉ đi đến phố chợ gần đấy), thuốc men của người Mỹ, và anh ta kiếm sống khá hơn.

Những người Cộng sản, anh ta tiếp tục, đã bắt anh phải cắt theo một chỉ tiêu nhất định mỗi ngày, không cần biết khách hàng trả tiền hay không. Những người quốc gia cho phép anh ta lấy tiền công đúng mức, và anh ta rất vui vì việc này. Nhưng mặt khác thì có vấn đề về giá gà. Dưới quyền Cộng sản, giá một con gà chỉ thấp bằng nửa giá hiện tại. "Người ta không thể để mua gà thường xuyên nữa."

Hiện tại, người thợ cắt tóc nói, anh muốn Cộng sản quay lại; họ là bạn của anh. Nhưng anh ta cũng sẵn sàng đợi xem những người quốc gia có thể làm được những gì. Điều quan trọng nhất là người dân mong muốn hoà bình, anh ta nói.

Đây chính là cuộc đấu tranh trọng yếu của lòng quyết tâm của người Nam Việt Nam. Với thời gian và sự khéo léo, phe tự do có thể hy vọng thắng thế. "Nếu dân chúng được bảo đảm rằng Cộng sản sẽ không quay lại nữa," một cụ già cho biết, "thì dân chúng sẽ xoay sang chống lại họ. Nhưng làm sao chúng tôi có thể biết chắc được?" Câu trả lời vượt xa hơn người đàn ông đang bị phong toả tại Dinh Độc Lập ở Sài Gòn. "Nhân dân Việt Nam có ý chí," vị đại sứ của Ngô Đình Diệm tại Washington nói, "nếu như người Mỹ có sức mạnh."

Chú thích

* Hai tổ chức nhận mình là tôn giáo, một tổ chức nhận mình là chính trị.

Cao Đài là một hỗn hợp của Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo với giáo chủ và hồng y riêng, và một đại bản doanh tương tự như Vatican cách 55 dặm phía tây bắc Sài Gòn. Đạo Cao Đài còn bao gồm những vị thánh như Clemenceau, Victor Hugo và Joan of Arc và đang đợi phong thánh sau khi chết là Sir Winston Churchill. Giáo chủ Phạm Công Tắc là một cựu nhân viên thuế quan của Sài Gòn.

Hoà Hảo là một giáo phái của những Phật tử ly khai chuyên chú trọng vào việc cầu nguyện và kiêng chay. Người sáng lập giáo phái này là Huỳnh Phú Sổ, nổi lên nhờ tài chữa bệnh, theo truyện kể là sau khi ông bị đưa vào bệnh viện tâm thần, đã cảm hoá vị bác sĩ chữa bệnh cho mình.

Bình Xuyên là một tổ chức thổ phỉ chuyên mặc quân phục màu vàng, họ kiểm soát các nhà chứa và cảnh sát Sài Gòn dưới sự dàn xếp khéo léo của vị quốc trưởng vắng mặt là Bảo Đại. Thủ lĩnh của họ là Tướng Lê Văn Viễn, từng là một kẻ cướp đường sông.

MẢNH ĐẤT VỚI NIỀM VUI


Số báo ra ngày 22 tháng Mười một 1954: http://www.time.com/time/magazine/ar...806931,00.html

MẢNH ĐẤT VỚI NIỀM VUI KHIÊN CƯỠNG


Những người đàn ông với những chiếc loa dài đi dọc theo những đường phố Hà Nội. Lời hô hào của họ vang vọng vào trong những khung cửa sổ buông rèm. "Thưa đồng bào," họ ngân nga, "không gì diễn tả được niềm vui của đồng bào!"

Tại Hà Nội, những lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh được treo trên các cửa hàng và nhà kho, trên những túp lều và dinh thự, từ những chiếc xích lô chạy như bắn dọc theo những đại lộ vắng người. Chân dung của Malnkov, Mao và Hồ trông ra từ những quầy hàng rong. Ở những ngã tư chính là những cổng chiến thắng bằng tre, được trang hoàng với chim bồ câu hoà bình cắt bằng giấy và những khẩu hiệu tuyên bố "ĐỘC LẬP", "HOÀ BÌNH", "HỒ CHỦ TỊCH MUÔN NĂM." Không một cuộc biểu tình đối lập nào được cho phép tại Hà Nội đang vui mừng; không ai quên việc phải bộc lộ sự phấn khởi của mình, cũng chẳng ai dám lười biếng mà không chịu tham gia.

Hà Nội, thủ đô của mảnh đất mới Bắc Việt Đỏ, đã không còn bóng những kẻ ăn mày và trẻ đánh giày. Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa phát động một "phong trào đạo đức tốt," vì thế không còn gái điếm, không còn quán nhảy. Vào 3 giờ chiều mỗi ngày nhân dân cùng hát những bài ca yêu nước và tổ chức nhóm thảo luận. Mỗi tối họ ca múa trên đường phố dưới cái nhìn vô cảm của những người lính Việt Minh; điệu múa bắt đầu vào đúng 8 giờ, không bao giờ sớm hơn, và chấm dứt lúc 10 giờ, không bao giờ trễ hơn. Hai lần mỗi tuần tại Nhà hát Quốc gia Hà Nội, trước những khán giả gồm những người đàn ông mặc áo khoác nhàu nát và những nữ cán bộ tóc thắt bím, những "Đội Văn hoá" của quân đội Việt Minh biểu diễn những bài ca vè trong giai điệu ré lên từ những nhạc cụ. "Gạt đi những giòng nước mắt," họ cất giọng. "Kẻ thù đã không còn. Cả miền Bắc, miền Nam chúng ta đều là một nhà và không gì có thể chia rẽ chúng ta."

Tuyên Truyền & Kỷ Luật

Sau 70 năm thuộc địa của Pháp, người dân Hà Nội vui mừng thấy người Pháp rút lui. Một số cũng mừng rỡ vì Việt Minh về, và số còn lại ít nhất cũng chấp nhận việc này. Nhưng bên trong vẫn ẩn chứa nỗi lo lắng và sợ hãi về một bạo lực bất ngờ nào đó. Sẽ không còn sự tranh giành quyền lực chính trị - nhưng sáng nay một chủ tiệm vừa bảo tôi rằng ông phải trả 100% thuế trên những món hàng của mình. Sẽ không còn trộm cướp - một kẻ cướp vừa bị xử bắn ngay tại hiện trường, xác vẫn còn để đấy như một lời cảnh cáo.

Ở Hà Nội vẫn có một cảm giác đợi chờ mệnh lệnh ban xuống. Những người đàn ông với loa tay không ngừng tuyên truyền Tám Điều Dạy về Chính Trị của Hồ Chủ Tịch ("Những người tu hành phải thực hiện nghĩa vụ công dân"), Năm Điều Kỷ Luật của Hồ Chủ Tịch ("Báo chí phải hỗ trợ chính sách hoà bình"), và Mười Điều Kỷ Luật của Quân Đội Việt Minh ("Chiến sĩ không được trụy lạc"). Ngày nọ những người cầm loa đã ra lệnh cho dân Hà Nội vặn ngược đồng hồ lại một giờ để trùng với múi giờ của Bắc Kinh.

"Họ Theo Dõi Anh Đang Làm Gì"

12 triệu dân miền Bắc đã không để ý đến điều này, số phận của họ phản ánh thảm trạng và sự tuyệt vọng của châu Á. Họ sinh ra và lớn lên dưới chế độ thuộc địa của Pháp, chế độ này là nguyên nhân và chủ thể của gần 15 năm chiến tranh liên tục, giờ đây họ bị bắt buộc phải vui mừng một cách miễn cưỡng với đế chế Cộng sản.

"Việt Minh đã làm đúng," một trong hàng triệu cán bộ Việt Minh đã nói như thế, ông vừa đào thoát sang phương Tây. "Họ không hà hiếp phụ nữ. Họ không cướp bóc. Nếu hôm nay họ mượn một cốc nước, ngày mai họ sẽ hoàn trả. Nhưng họ sẽ theo dõi anh. Họ theo dõi anh liên tục. Họ theo dõi anh đang làm gì. Họ biết anh ăn gì, anh đã chi tiêu bao nhiêu cho thịt cá và rau cải, anh có người phục vụ hay không, hoặc anh có ý định ấy hay không."

"Từng chút một, bằng những phương pháp cẩn trọng, họ chỉnh sửa anh để anh sống một cuộc sống vô sản đúng nghĩa. Anh phải tập mặc quần áo xuềnh xoàng xám xịt như mọi người khác, và bắt buộc con cái của anh lao động. Nếu anh không tuân theo, họ sẽ tăng thuế của anh. Anh phải học tinh thần phấn khởi. Nếu anh không làm, họ sẽ thì thầm đồn đãi khắp làng rằng anh giàu có, rằng anh là phần tử phản động. Họ sẽ doạ đưa anh ra đấu tố. Họ sẽ cô lập anh: anh sẽ thấy hàng xóm không dám nói chuyện với mình. Nếu anh vẫn chưa quen được tinh thần phấn khởi, họ sẽ giao cho anh công việc để anh làm đến chết. Và những người Cộng sản không bao giờ nhận làm những điều ấy mà là nhân dân; luôn luôn trên danh nghĩa của nhân dân."

Đối Lập & Lật Lọng

Hiệp định Geneva vừa được ký kết chỉ vừa bốn tháng nhưng Việt Minh đã:
  • Áp đặt quyền lực vững chắc ở miền Bắc Việt Nam, nơi người dân lẽ ra phải được quyền quyết định tương lai của mình qua tự do bầu cử.
  • Tăng gấp đôi lực lương quân sự - một vi phạm nghiêm trọng đối với hiệp định Geneva - giờ đây nó đã vượt qua cả quân đội của Pakistan (dân số 76 triệu người) và được Moscow nhận định rằng có khả năng chiến đấu cao hơn bất cứ quân đội Cộng sản nào.
  • Xâm nhập lãnh thổ miền Nam Việt Nam (dân số 10,5 triệu), sâu rộng đến nỗi Việt Minh đã kiểm soát có hiệu quả 85% lãnh thổ và lấn đến ngưỡng cửa của Sài Gòn - nơi chính quyền Quốc gia của Bảo Đại đang hồi rệu rã. Việt Minh cũng đã đột nhập rất sâu vào Lào (dân số 1,1 triệu), quốc gia này trên lý thuyết đang được bảo vệ bởi Hiệp ước Phòng vệ Manila. Việt Minh đã ám sát 87 nhà lãnh đạo Quốc gia ở miền Nam Việt Nam và một Bộ trưởng Quốc phòng Lào.
Tại sao những việc này có thể xảy ra? Đông Dương là nơi những chủ nghĩa đối lập lớn của thế kỷ 20 gặp nhau, hợp tác và chống đối: chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa Cộng sản tác động lẫn nhau bằng bạo lực. Đôi khi những biến động lớn này đổ lên một con người mạnh mẽ hoặc là ông ta đã giành lấy một cơ hội sẵn có. Nhưng Đông Dương là nơi đã có một người đang sẵn sàng đợi chờ, một người đã trải qua 30 năm đầy giảo trá và quanh co để chuẩn bị cho mưu sự, luồn trốn lắt léo, đảo ngược thế cờ để cuối cùng toàn thắng. Đó là một con người lạ kỳ với đôi mắt sáng và căn bệnh lao với cái tên tự đặt Hồ Chí Minh.

Tiếng Sáo Mùa Thu & Nước dãi

"Anh đã gặp Hồ Chí Minh bao giờ chưa?" một người Việt chống Cộng được hỏi. "Ồ có," người Việt ấy trả lời một cách nhanh nhẩu không chủ ý. "Ông ta là một biểu tượng sống của một nhà cách mạng. Ông có một cuộc sống riêng hoàn hảo. Ông ăn mặc đơn giản. Ông ta rất thông minh. Ông nói được các tiếng Pháp, Nga, Anh, Hoa và Việt. Ông ta rất tài: khi trò chuyện với dân chúng ông luôn diễn đạt sao cho đứa trẻ tám tuổi cũng có thể hiểu được. Ông ta có một tính kiên nhẫn vô tận. Ông ta đã hy sinh cả đời mình cho cách mạng." Jawaharlal Nehru bổ sung thêm: "Vô cùng gần gũi và thân thiện... một con người liêm chính luôn mong muốn hoà bình." Và một người Mỹ từng hợp tác với Hồ chống Nhật trong Thế chiến thứ II, đã ca ngợi ông một cách vắn tắt: "Hồ là một người rất dễ mến." Hồ Chí Minh là một người gầy ốm (nặng 50 kg), dịu dàng và ăn nói chậm rãi, và thẳn thắng đầy thuyết phục. Ông là người luôn ngồi ở rìa ghế, tay xếp nhu mì trên đùi. "Phải làm một gương khổ hạnh và cần kiệm cho nhân dân," ông thường dạy dỗ các học trò của mình, và ông cần cù một cách đầy chủ ý dạo quanh làng xóm, với một cái túi khoác trên lưng. Hồ Chí Minh làm việc 16 đến 18 giờ mỗi ngày, thường là với một chiếc áo khoác phủ trên vai như là đang bị cúm lạnh kinh niên.

Hồ Chí Minh là một nhà thơ: Bổng nghe tiếng sáo thu lạnh lẽo như tiếng báo hiệu bên sườn đồi mờ sương.

Ông cho mình là một con người của thế giới: "Moscow rất anh hùng," Ông nhận xét một cách hóm hỉnh, "nhưng Paris lại là nơi để vui sống." Hồ Chí Minh có vẻ là một người tốt bụng, ông thường gọi những đồng sự của mình là "Chú" và họ gọi ông là "Bác Hồ". Nhưng dường như Bác Hồ lại thường cất riêng Tổ Yến - một loại thức ăn quí hiếm lấy từ nước dãi chim yến - trong phòng riêng của mình để không phải chia xẻ với mọi người; ông cũng giữ riêng gói thuốc lá hiệu Philip Morris một bên túi và chỉ mời mọi người loại thuốc lá nội hoá rẻ tiền.

Nhưng lại còn vấn đề giết chóc. Năm 1945 những người Cộng sản của Bác Hồ đã giết chết 5 nghìn người Việt Quốc gia. Vợ con của những người bị thanh trừng dắt nhau đến tìm ông để xin ông đoái hoài, nhưng Bác Hồ đã ra lệnh quân đội giải tán họ. Năm 1946 Hồ xoay sang những người Trotskyist. Một người lãnh đạo phái Trotskyist và là bạn cũ của ông đã gửi cho ông một bức điện tín xin ông khoan hồng; Bác Hồ đã trả lời riêng rằng ông không hề quen biết người ấy - và ông ta bị đem xử bắn thẳng thừng. Bên ngoài Bác Hồ đã giữ phong cách của một con người nhân hậu bằng cách khóc thương cái chết của bạn mình và cách chức viên sĩ quan chỉ huy đội hành quyết.

Nồi Niêu & Muỗng Đĩa

Hồ Chí Minh, một người Cộng sản thuần thành, là một người hai mang tàn nhẫn và lật lọng không ai bằng. Lúc chưa được chín tuổi, Hồ đã giúp cha mình mang mật thư chống Pháp ở Nghệ An, miền Trung Việt Nam.* Năm 1911 ông làm phụ việc trên một chiếc tàu Pháp rời Đông Dương để học hỏi phương pháp cách mạng ở nước ngoài và "trở về giúp đồng bào tôi." Lúc ấy ông vẫn chưa là một người theo chủ nghĩa Marx, nhưng đã bộc lộ bản chất độc đoán đầy khổ hạnh và cực đoan.

Trong ba năm (có lẽ người viết đã nhầm với 3 tháng - ND) làm việc trên biển, Hồ Chí Minh đọc rất nhiều - Tolstoy, Zola, Shakespeare, Marx - và theo lời kể thì hành trình của ông rất gian khổ. Ông bị say sóng. Có lần ông xuýt bị sóng cuốn khỏi tàu. Ông yếu đến nỗi không nhấc được những nồi đồng nấu súp, và chỉ lãnh được vỏn vẹn 10 Franc trong suốt chuyến đi dài 8 nghìn dặm đến Pháp. Tại Marseille ông đã cảm thấy bị xúc phạm khi những cô gái điếm có mặt trên tàu. "Tại sao người Pháp không khai hoá dân của họ," ông hỏi, "trước khi họ giả vờ khai hoá chúng tôi?"

Năm 1914 Hồ Chí Minh xuất hiện ở London, ông tham gia vào một tổ chức bí mật có tên "Công Nhân Hải Ngoại". Mặc dù sức khoẻ kém, ông đã xúc tuyết, xếp than và kiếm được chân giúp việc chuyên lau chùi muỗng đĩa tại tiệm ăn của Khách sạn Carlton ở London. Đầu bếp trứ danh Escoffier đang làm bếp trưởng của nhà hàng Carlton, và theo lời kể của con người Cộng sản huyền thoại thì, Escoffier đã có cảm tình với người thanh niên châu Á và gọi anh ta đến trò chuyện. "Dẹp hết những ý nghĩ cách mạng của anh đi," Escoffier đề nghị với Hồ, "và tôi sẽ dạy anh nghệ thuật nấu nướng." Hồ Chí Minh đã kiêu hãnh từ chối.

Ngày một tốt đẹp hơn
Một thời gian sau, tại Paris, người trai trẻ Hồ Chí Minh làm nghề phụ tá nhiếp ảnh tại một ngõ cụt phía sau khu Montmartre, chuyên môn về phóng đại ảnh ("Kỷ Niệm Sống Cho Bạn Bè Và Người Thân Của Bạn"). Mỗi sáng ông nấu cơm trong căn phòng khách sạn trống trải và đến trưa thì ông ăn độ nửa cái xúc xích hoặc một con cá; mỗi tối, như một trí thức điển trai và lịch lãm, ông lọt vào được những câu lạc bộ. Cùng với những học giả, nghệ sĩ và những vị Bộ trưởng tương lai, Hồ lắng nghe hoặc thảo luận những vấn đề thiên văn hoặc thôi miên; ông tranh luận với Coué, người sáng lập trường phái Tự lực (Couélism - ND) ("Ngày lại ngày tôi trở nên tốt đẹp hơn"); nhưng rốt cuộc, đa số những buổi tranh luận vẫn dẫn dắt về mối dằn vặt duy nhất của Hồ: Đông Dương. "Tôi là một nhà cách mạng," Hồ giải thích.

Ông hoạt động trong số 100 nghìn người Việt ở Paris, và tìm cách kêu gọi hỗ trợ cho công cuộc cải cách Đông Dương tại Hội nghị Hoà bình Versailes (Woodrow Wilson, rõ ràng là không muốn phiền lòng người Pháp, nên đã không hưởng ứng việc này).

Kiên định và chắc chắn Hồ chuyển hướng theo cánh tả. Ông chuộng những người Cộng sản hơn Xã hội vì "họ thật sự quan tâm đến vấn đề thuộc địa." Ông đã ngạc nhiên khi những người Cộng sản đã tham khảo ý kiến của ông. Vào mùa hè năm 1922 Hồ hăng hái tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Pháp, trong đó giải trình luận cương của họ về việc thành lập một "mặt trận cách mạng vững chắc" trên toàn thế giới. Hồ chỉ khiêm tốn đưa ra một kế hoạch khôn ngoan hơn và có thể áp dụng tốt tại Đông Dương. Hồ cho rằng 1) một cuộc cách mạng chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp trên danh nghĩa của chủ nghĩa quốc gia và một "chính thể dân chủ", sẽ được tiếp nối bởi 2) một cuộc cách mạng thứ hai chống lại chủ nghĩa quốc gia để tiến đến một nhà nước Xã hội Chủ nghĩa hoàn toàn.

Không bao lâu sau, Hồ đã biến mất khỏi Paris.

Một Đầu Óc Cởi Mở Đã Bị Mất.

Hồ Chí Minh đã bí mật đáp con tàu Sô Viết phủ đầy băng để đến Leningrad. "Anh đây rồi!" một phái viên Cộng sản chào đón ông, và trong suốt hai năm người Nga đã thưởng công cho ông một cách hậu hỉnh. Ở Leningrad họ đã cho ông mặc áo choàng lông, ăn thịt nướng và hút thuốc lá dài hai lóng tay. Ở Moscow họ mời Hồ, lúc ấy khoảng 30 tuổi, ngồi chung với Chủ tịch Đệ Tam Quốc tế. Để đáp lại, Hồ đã giúp người Nga thành lập trường "Đại học Lao động Đông phương," và áp dụng chương trình đào tạo theo phong cách Chu Ân Lai của Trung Quốc, xem nhân vật này như là một "nhà cách mạng chuyên nghiệp." Không còn gì nghi ngờ về lòng nhiệt tình của Hồ. "Đến một lúc nào đó người ta chấm dứt giai đoạn nghiên cứu và biến thành một con người của hành động," một người Mỹ quen biết Hồ mãi sau này giải thích. "Hồ là một người như thế. Ông đã đọc nhiều tư tưởng Pháp, Đức, Nga, và ông đã quyết định tư tưởng của mình là gì. Chủ nghĩa Cộng sản là sự chọn lựa của Hồ, và đầu óc cởi mở của ông đã không còn nữa."

Sau khi tốt nghiệp Moscow vào năm 1925, Hồ đã dấn thân vào một cuộc hành trình đầy lắt léo dài suốt 15 năm trong mạng lưới Cộng sản bí mật trên toàn thế giới. Với đầu cạo nhẵn, ông giả dạng là một vị sư Phật giáo ở Thái Lan; ông lại xuất hiện tại khu Latin ở Paris, giải thích cho hầu bàn nên làm thức ăn cho mình ra sao. Ở Quảng Đông ông làm việc cho Borodin, một điệp viên ngầm người Nga đang phá hoại Trung Quốc. Ở Singapore, Hồ tổ chức phân bộ Quốc tế Cộng sản của Đông nam Á. Và khi Quốc dân Đảng ở Đông Dương nổi dậy chống Pháp vào năm 1930, Hồ đã hành xử một cách lạnh lùng; mặc dù ông luôn đóng vai là một người Quốc gia, Hồ và những người Cộng sản của mình đã đứng yên để mặc cho những người Quốc gia bị tiêu diệt. "Lộ trình của tôi đã được vạch ra cẩn thận," Hồ Chí Minh từng thú nhận. "Anh không thể nào đi trệch hướng của mình phải không?"

Quân Áo Đen

Con người kiên nhẫn Hồ Chí Minh đã có được cơ hội của mình trong Thế chiến thứ II. Ba tháng sau khi người Đức chiếm đóng Paris, người Nhật cũng nắm quyền thống trị Đông Dương mà không bị chút đối kháng nào. Dưới mắt của người dân châu Á, việc chính phủ Vichy của Pháp đồng ý hợp tác với Nhật là một hành động nhục nhã. Với tính uyển chuyển và sáng tạo, Hồ đã dựng nên một "Mặt trận Thống nhất" bao gồm Cộng sản và Quốc gia chống đối cả người Pháp lẫn người Nhật. Hồ đặt tên cho tổ chức này là Việt Minh.

Trong những năm chiến tranh, Việt Minh đã tổ chức được một lực lượng du kích gồm 10 nghìn quân. Do chiến đấu rất tốt trong vùng rừng núi, họ được biết đến với cái tên "Quân Áo Đen." Và Hồ Chí Minh, hầu như không phải trả một giá nào, đã chiếm được một vị thế để từ đó có thể: 1) Hướng dẫn và kiềm chế những người Quốc gia, 2) Chiếm thanh thế trong nước như là tổ chức kháng Nhật duy nhất có hiệu lực ; 3) chiếm được cảm tình của Quốc Dân Đảng Trung Quốc và Hoa Kỳ vì ông đang giúp họ chống Nhật. "Tôi từng là một người Cộng sản," Hồ Chí Minh nhận định sau này, "Nhưng tôi đã không còn là con người ấy. Tôi là một thành viên của gia đình Việt Nam, không là gì khác."

Chủ Tịch Nước

Mùa thu 1945, sau khi Hiroshima và người Nhật sụp đổ, Hồ Chí Minh đã đi đến quyết định của đời mình. Bỏ ngoài tai mọi những cảnh báo liên tục của Moscow cách xa 4 nghìn dặm (Cộng sản Trung Quốc thì vẫn đang kẹt trong hang ổ của họ), Hồ nắm lấy quyền lực. "Tổng tấn công trên toàn mặt trận," Quân lệnh số 1 của Việt Minh tuyên bố, và quân đội áo đen của Hồ, đồng loạt xuất hiện từ rừng thẳm, đã tiếp quản sự đầu hàng của quân Nhật cùng vũ khí của họ. Một đại diện Pháp nhảy dù xuống để tái chiếm lại vùng thuộc địa, đã bị bắt sống không mảnh áo mặc. Nhưng chiến thắng của Hồ không hẳn là không có khó khăn.

Trong Ba Thoả thuận Lớn được ký kết tại Posdam, Quốc dân Đảng Trung Quốc đã tiếp quản Hà Nội và miền Bắc, người Anh (tức là người Pháp đi trên những chiếc tàu của Anh) đến để giải phóng Sài Gòn và miền Nam. Hồ đã phản đối. "Chân lý chính là bằng chứng của chúng ta," Hồ tuyên bố, tuyên bố nền độc lập của Việt Nam. Bắt đầu một sự lật lọng vĩ đại.

Hồ Chí Minh gửi một bộ bàn đèn thuốc phiện làm bằng vàng đến cho vị tư lệnh Quốc dân Đảng Trung Quốc và thuyết phục ông ta rằng Việt Minh là lực lượng hợp lý để canh chừng người Pháp. "Tôi yêu nước Pháp và binh lính Pháp. Chào mừng quí vị. Quí vị đều là những anh hùng," Hồ Chí Minh lại tuyên bố, và người Pháp đã cho rằng Hồ là một người hữu dụng để canh chừng Trung Quốc. "Người Mỹ là những người giải phóng của thế giới tự do," Hồ kêu gọi sự hậu thuẫn tinh thần của Hoa Kỳ, và các sĩ quan OSS đã tham gia những buổi tiệc tục với Việt Minh trong khi Hồ đối phó với những vấn đề nan giải hơn. Khó khăn nghiêm trọng thứ Nhất là thành phần Quốc gia trong hàng ngũ Việt Minh, thành phần này đang cảm thấy bất an. Từng người một, những lãnh đạo Quốc gia đều bị ám sát; Hồ lại công khai thương xót cho những hành động dã man này.

Khó khăn nghiêm trọng thứ Hai là người Pháp: họ đang có một quyết tâm mới, một sĩ diện dân tộc của Pháp nhằm xoá sạch mối nhục chiến tranh vừa qua và tái xuất hiện như một cường quốc. Vì thế, người Pháp đã rất cương quyết đối với Đông Dương: họ muốn giành lại nó. Với sự tàn nhẫn và thủ đoạn không kém Hồ, quân đội Pháp đã nhanh chóng kiểm soát miền Nam và Hà Nội cũng không thể cầm cự thêm bao lâu. Và Hồ bèn ngã giá: khi quân Pháp quay lại miền Bắc và quân Trung Quốc rút đi, Hồ đã đồng ý đưa nước "Việt Nam Dân chủ Cộng hoà" quay lại khối Liên hiệp Pháp. Người Pháp công nhận Hồ là Chủ tịch nước.

Khởi Chiến
Với đội quân danh dự và cờ phướng dàn chào, Hồ Chí Minh quay lại Paris để thương lượng chi tiết. Có bằng cớ rằng Hồ thật sự muốn có một thoả hiệp vào lúc này: Moscow đang muốn thiết lập quan hệ hữu nghị hậu chiến với Pháp, và Hồ, không có gì trong tay ngoài đội quân du kích, đang nằm trong vị thế lẻ loi nguy hiểm. Nhưng người Pháp ngày càng trở nên bướng bỉnh, và Hồ nhận thấy vị thế chinh phục của mình đang mờ nhạt dần. Hồ đã phạm phải sai lầm khi dựa trên hậu thuẫn của Cộng sản Pháp, điều này đã làm khó khăn thêm cho người Pháp trong việc thương lượng. Trong khi đó tại Đông Dương mối quan hệ Pháp - Việt Minh đang bị xấu đi: cả hai bên đang bị thiệt hại về sinh mạng.

Đến cuối năm 1946, nhiều sự kiện mang tính quyết định đã xảy ra, mở đường cho cuộc chiến. Cuộc thương thuyết ở Pháp bị thất bại và Hồ quay về lại Đông Dương. Đã cho một cuộc đụng độ bất ngờ và dữ dội tại Hải Phòng, nơi những đơn vị hải quân của Pháp cho rằng họ bị tấn công nên đã nã pháo vào thành phố. Hồ đã giảo hoạt chuẩn bị để khởi chiến. Vào ngày 15 tháng Chạp, ông chúc mừng tân Thủ tướng Pháp Leon Blum (một người bạn cũ thuộc phái Xã hội), và Bộ trưởng Nội vụ của Hồ đã bày tỏ một "mong muốn thực tâm trong việc hợp tác hữu nghị." Vào ngày 19 tháng Chạp Hồ ra lệnh cho quân đội Việt Minh bất ngờ tấn công quân Pháp và thường dân tại Hà Nội. "Chúng tôi sẵn sàng hy sinh 10 người để tiêu diệt một," Hồ, con người hiếu chiến, đã cảnh cáo người Pháp, "Cuối cùng các ông cũng sẽ bỏ cuộc mà thôi."

Trong suốt bảy năm cuộc chiến vẫn dẫm chân tại chỗ: người Pháp chiếm giữ các thành phố nhưng không thể chiếm lĩnh vùng rừng núi; Việt Minh kiểm soát vùng rừng nhưng lại không giành được thành phố. Cuộc cạnh tranh chính trị cũng không biến chuyển: người Pháp dựng lại Bảo Đại, một cựu hoàng bù nhìn của Nhật, dùng ông để khuyến khích tinh thần quốc gia của người Việt - nhưng họ đã chẳng đi đến đâu; Việt Minh cũng mất đi sự ủng hộ vì chính sách cưỡng bức lao động tàn bạo và những cuộc thanh trừng sâu rộng đối với các phần tử quốc gia. Nhưng đối với người dân Đông Dương, cuộc chiến là một nỗi khủng khiếp vô tận: khi chiến tranh chấm dứt đã có đến 2 triệu người Đông Dương không nhà. Sự chuẩn bị đầy kiên nhẫn của Hồ cuối cùng đã đem đến kết quả trong mùa xuân vừa qua, khi đã có hai cuộc tấn công nổi bật cách nhau 5 nghìn dặm: Với súng trường của Trung Quốc Đỏ và súng cối của Nga, họ đã đập tan khu phòng ngự kiên cố của Pháp tại Điện Biên Phủ; với Chu Ân Lai và Molotov, họ đã phá vỡ chính sách của phương Tây ở Geneva. Tháng vừa qua, một cảnh tượng đặc biệt chưa từng thấy trong khung cảnh lịch sử lâu đời đang mở ra của châu Á, những chiếc xe tăng của Pháp đã phải rút lui khỏi Hà Nội trước những người lính bộ binh Việt Minh mang giày vải.

"Chúng Ta Đang Chiến Thắng!" Với chiến thắng, vị thế của Hồ Chí Minh đã đạt thêm tầm cao mới tại châu Á. Những người quốc gia của nhiều nước khác, dù chống đối Chủ nghĩa Cộng sản, cũng không kềm chế được lòng tự hào đối với kỳ công của một quân đội bản xứ ở châu Á chống lại kẻ thống trị châu Âu ngày xưa. Những người Đông Dương đang khoanh tay ngồi đợi cũng đã không còn chờ đợi nữa. "Chúng ta đang chiến thắng! tại sao phải theo phe bại trận?" một phụ nữ Việt Minh hô hào thuyết phục binh lính người Việt đào ngũ. "Các người muốn con cháu nguyền rủa mình hay sao?"

Bên cạnh chiến thắng đầy phấn khích, Việt Minh còn đạt được:
  • Một đội quân chiến đấu ở địa hình rừng núi hiệu quả nhất tại Đông nam Á, đã được tuyên truyền vô cùng kỹ lưỡng đến nỗi mỗi trung đội đều có tổ đảng, và chính trị viên thảo luận chính trị với thương binh tại các bệnh viện.
  • Một vị tướng tài giỏi nhất Đông nam Á là Võ Nguyên Giáp, 42 tuổi, từng là sinh viên luật hàng đầu khi ông còn học tại Đại học Hà Nội, học viên của các trường quân sự Trung Quốc. Là một thành viên Cộng sản từ những năm cuối 30, đôi khi tính khí thất thường và cần được các quan chức của đảng theo dõi nhưng lòng căm thù người Pháp của ông thì luôn rõ ràng: người vợ đầu của ông bị vào tù vì đã gọi là cờ Tam Tài là "cờ của lũ chó", bà đã chết trong tù vì bệnh thương hàn.
  • Một tổ chức chính trị vững chắc. Hồ Chí Minh đã phá tan thành phần Quốc gia trong hàng ngũ Việt Minh, và ông là người lãnh đạo được tin tưởng trong Bộ Chính trị của Việt Minh.
  • Thành viên của đế chế Cộng sản và người hướng dẫn lão luyện. Sĩ quan và hàng tiếp viện của Trung Quốc Đỏ tràn ngập Hà Nội. Bảy trong số mười một người lãnh đạo hàng đầu của Việt Minh được đào tạo tại Moscow. Theo tài liệu đáng tin cậy nhất, Hồ Chí Minh được phép báo cáo trực tiếp với Moscow mà không phải qua Bắc Kinh.
Và Việt Minh, không như đối thủ phương Tây của mình, đã không hề có một mục đích mơ hồ. "Đảng nhìn nhận rằng cuộc cách mạng ở Việt Nam là một bộ phận của cuộc cách mạng thế giới do Liên Sô lãnh đạo," Việt Minh tuyên bố.

Đặc Quyền & Hiện Diện
Miền nam Việt Nam ngược lại vẫn còn năm trong khối Liên hiệp Pháp, đang bị thoái hoá và chia rẽ. Bảo Đại, vị Quốc trưởng đẫy đà, đang sống tại Pháp với những tình nhân và những chiếc xe hiệu Ferrari và Jaguar XK 120. Vị Thủ tướng của Bảo Đại ở Sài Gòn là Ngô Đình Diệm, 53 tuổi, là một người yêu nước thuần thành nhưng lại là một nhà lãnh đạo yếu kém, ông hầu như đang bị giam lỏng trong dinh thự của mình bởi những tướng tá người Việt đang muốn tự chiếm lấy quyền lực. Tại rất nhiều làng mạc nếu không có quân Việt Minh thâm nhập kiểm soát* thì cũng bị những giáo phái hoặc băng đảng chiếm giữ với quân đội riêng.

Người Pháp thực dân cũng góp phần vào sự hỗn loạn này. Một số vì muốn giữ lại những đặc quyền tại những vùng cao su trù mật ở miền Nam nên đang khuyến khích các tướng lĩnh người Việt âm mưu chống lại Diệm; những người Pháp khác lại muốn thay thế Diệm với Bửu Hội, 39 tuổi, một người cánh tả và chuyên gia về bệnh phong đã không sống tại Đông Dương trên 20 năm qua. Ở miền Bắc Cộng sản, một phái bộ Pháp gồm 20 người đang hy vọng giữ vững sự "Hiện diện của người Pháp" và để giao thương tại đất nước của Việt Minh; họ còn thảo luận về việc người Pháp sẽ giúp dựng lại tuyến đường hoả xa chiến lược và quan yếu từ Hà Nội đi Lạng Sơn đến vùng biên giới của Trung Quốc Đỏ.

Tại Sài Gòn, người Pháp đã trở nên thờ ơ. "Dĩ nhiên là đất nước này đã mất," một phóng viên người Pháp nói. Một số khác thì chua xót. "Bọn người này không hề biết ơn và thấu hiểu những gì chúng ta đã làm cho họ," Một phụ nữ Pháp ngồi trên sân thượng uống nước chanh nói. Đặc phái viên Pháp, tướng Paul Ely vẫn hết lòng làm việc với Hoa Kỳ để chấn chỉnh lại Nam Việt Nam, nhưng những người khác thì không. Một người Mỹ than phiền: "Họ đối xử với Đông Dương như một gã đàn ông Pháp đối xử với cô tình nhân mà mình không còn yêu thương nữa. Anh ta không cần nàng nữa, nhưng lại bực bội khi thấy người khác để ý đến."

Nút Nằm trong Lọ

Rõ ràng là Hoa Kỳ đã quan tâm quá chậm trễ. Vào những ngày cuối của Thế chiến Thứ II, Tổng thống Roosevelt đã lên án "quá khứ kinh hoàng" của chủ nghĩa thực dân Pháp, và Hoa Kỳ sau đấy đã đặt điều kiện rằng viện trợ của họ cho Pháp sẽ không được dùng vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Người Mỹ đã mất một thời gian lâu mới vỡ lẽ rằng người Pháp, dù mang những tội lỗi thực dân, đang chiến đấu chống lại một kẻ thù dù luôn mang danh nghĩa chống thuộc địa, thật ra lại là một người Cộng sản kiên quyết. Đến lúc ấy thì đã quá muộn. "Chúng ta lâm vào tình trạng của cái nút chai nằm trong lọ" Tổng thống Eisenhower nói. Về vấn đề Đông Dương, Phó Tổng thống Nixon nói, trong tiếng vọng ảm đạm của Điện Biên Phủ: "Để tránh việc Cộng sản lan rộng ở châu Á, chúng ta phải mạo hiểm và đưa quân vào, tôi cho rằng ngành hành pháp phải... làm việc này." Nhưng mặc dù Hoa Kỳ đã tiêu tốn khoảng 800 triệu đô-la một năm tại Đông Dương cho đến khi cuộc chiến chấm dứt, họ đã đứng ngoài việc phải cầm súng.

Giờ đây Hoa Kỳ lại nhúng tay vào. Tuần trước Tổng thống Eisenhower đã phái Tướng J.Lawton Collins, cựu Tư lệnh Lục quân, sang Nam Việt Nam để xem xét tình hình. "Joe Sấm sét" Collins đã lạc vào một nơi đầy rẫy những mưu mô, cay đắng và tuyệt vọng. Vai trò của ông thật khó khăn. Ông không thể tự ra lệnh mà chỉ có thể đề xuất, gây áp lực và thuyết phục. Các quan chức Hoa Kỳ ở đây muốn người Pháp rút phái bộ của họ ra khỏi Hà Nội và chấm dứt quan hệ với Hồ Chí Minh, muốn các tướng lĩnh để yên cho Diệm và hoàn toàn dẹp bỏ Bảo Đại. Chỉ có như vậy thì Diệm mới có thể giải quyết những khó khăn căn bản của Nam Việt Nam: nhanh chóng cải cách điền địa, củng cố quân đội và tái lập lòng tin.

Bản thân Hoa Kỳ cũng mang đầy hoài nghi: Lầu Năm góc không muốn bị sa lầy tại vùng đất châu Á này; Bộ Ngoại giao thì không sẵn sàng dùng uy thế của Hoa Kỳ để nhúng tay quá sâu vào Nam Việt Nam nếu mục tiêu đã không còn nữa. Theo điều kiện của hiệp ước Geneva, tất cả các cuộc bầu cử tại Việt Nam dự định sẽ tiến hành trong năm 1956, và người đắc cử sẽ nắm giữ toàn bộ đất nước. Cho đến hôm nay, người chiến thắng ấy là Hồ Chí Minh. Miền Bắc Cộng sản, dưới thể chế độc tài, sẽ dễ dàng chiếm đa số phiếu hơn một miền Nam đang đổ vỡ vì loạn lạc.

Những Người Dân trên Doi Cát

Tuần trước tại Hà Nội, trong dịp kỷ niệm 37 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh tuyên bố: "Ngày nay phương Đông chúng ta với hơn phân nửa dân số thế giới đang cùng Liên Sô tham gia cuộc chiến đấu... Đây là lực lượng vô cùng dũng mãnh và ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn." Nhưng chính từ miền Bắc Việt Nam, kể từ sau hội nghị Geneva, đã có khoảng 450 nghìn người Việt chạy trốn khỏi những khe hở trong khối đá tảng của chính quyền Việt Minh mới, từ bỏ chế độ độc tài trong sạch của Bác Hồ để tìm đến nền tự do của miền Nam hỗn loạn. Lý do của làn sóng người tị nạn này là Việt Minh đã tàn phá những phong tục và quan hệ của quá khứ, nhổ toẹt lên giá trị gia đình và tôn giáo.

Trên những chiếc bè thô sơ, thuyền tam bản hoặc những tàu chiến phương Tây, với những gì còn lại trong cuộc sống quí báu trước đây được gói trọn trong những bao vải, những người tị nạn tiến về phía nam - thừa hiểu rằng việc ra đi của họ cũng chính là bản án tử hình nếu bị Bác Hồ bắt được. Tuần trước đã có vài nghìn dân tị nạn vượt khỏi lãnh thổ của Cộng sản và bị kẹt tại những doi cát ngoài bờ biển Bắc Việt Nam. Trước mặt họ là biển cả. Phía sau họ là mảnh đất Cộng sản với niềm vui khiên cưỡng. Những người gan dạ và mạnh khoẻ hơn đã leo lên những chiếc thuyền mỏng manh để vượt 3 dặm ra khỏi hải phận, nơi có những mẫu hạm của Pháp đang đợi để kéo họ lên và đưa họ đến miền tự do. Nhưng những người còn lại thì có lẽ bị vắn số hơn. Việt Minh đã lạnh lùng cho biết rằng bất cứ chiếc tàu nào vượt qua lằn ranh 3 dặm để cứu những người tị nạn sẽ bị bắn. Trên miền đất châu Á của con người chiến thắng Hồ Chí Minh và anh cả Mao, vẫn còn hàng triệu người bị dạt trên những cồn cát hoang vắng: việc cứu vớt, nếu còn thời gian và lý do để cứu vớt những người châu Á chậm trễ này, sẽ cần đến sức mạnh, lòng nhân đạo và một ý chí sắt thép.

Chú thích

* Không thật sự rõ tên và tuổi thật của Hồ. Ông sinh ra là Nguyễn Tất Thành, hoặc Nguyễn Sinh Huy, hoặc Nguyễn Văn Thành vào năm 1890, 1892 hoặc 1894, là con trai của một vị quan địa phương nghèo nhưng học cao, cha ông bị mất việc vì chống lại người Pháp. Trong suốt 20 năm, Hồ được biết như Nguyễn Ái Quốc. Cái tên Hồ Chí Minh là tên cuối cùng trong hàng loạt bí danh; được dùng trong thời gian Thế chiến thứ II.

* Ở miền Nam, cho đến nay Việt Minh đã cố tình thực hiện hiệp định một cách đúng đắn; họ còn phô trương việc đưa hàng trăm quân của mình quay về miền Bắc.