6/8/10

NGƯỜI ĐÀN ÔNG BỊ PHONG TOẢ


Số báo ra ngày 04 tháng Tư, 1955: http://www.time.com/time/magazine/ar...866120,00.html

NGƯỜI ĐÀN ÔNG BỊ PHONG TOẢ


Người đàn ông bị phong toả đang ngồi bên trong Dinh Độc lập. Vóc người nhỏ và chắc, nước da sẫm, chung quanh ông bày biện vài món đồ tuỳ thân - một cây thánh giá bằng gỗ, một bức ảnh Mẹ Đồng trinh, một máy chiếu hình, một ống nhổ cầu kỳ, và cuốn sách như Công lý Xã hội và Tư tưởng của Gandhi. Nằm trên chiếc bàn cổ lỗ trước mặt ông là tờ tối hậu thư, thẳng thừng đe doạ đòi lật đổ chính quyền Nam Việt Nam. Một đoàn người đủ dạng đang đi ra đi vào dinh thự hàng giờ để đối phó với cuộc khủng hoảng - ba anh em của người đàn ông này, một đang vận áo giám mục Công giáo; người em dâu xinh đẹp và có đầu óc chính trị; những nhà ngoại giao và viên chức quân sự Hoa Kỳ mặc thường phục; những vị bộ trưởng còn đang ngái ngủ vì vừa bị đánh thức để hội ý về tình trạng khẩn cấp.

Bức tối hậu thư được gửi bởi những người cầm đầu ba giáo phái-chính trị* ở miền Nam Việt Nam, một tổ chức hỗn hợp bao gồm những kẻ cuồng tín, những lãnh chúa phong kiến, những tên du côn mặc quân phục và những tên chúa tể giang hồ được dẫn đầu một cách lỏng lẻo bởi một vị tướng đầy tham vọng có sở thích nuôi cá sấu. Những giáo phái này đều có quân đội riêng với quân số tổng cộng khoảng 40 nghìn người. Bị mất dần những trợ cấp và đặc quyền được thoả thuận trước đây với thực dân Pháp, những kẻ cầm đầu giáo phái trở nên rất nguy hiểm. "Tái tổ chức chính phủ của ông trong vòng năm ngày," bức tối hậu thư viết. "Thay thế nó với một chính quyền phù hợp." Người đàn ông ngồi tại chiếc bàn giận dữ và khó chịu. "Trong khi chúng ta phải dính dáng đến những thứ ngu xuẩn như thế này," ông cáu bẳn, "chúng ta lại đang chống một khối đá tảng."

Nhưng những người cố vấn - kể cả những cố vấn người Mỹ - đã cảnh báo ông nên hành động chậm rãi. Ngài vẫn còn quá yếu để chống lại, họ khuyên ông. Mời chúng vào thương lượng để mua thời gian. Lời khuyên đã được nghe theo. Trong khi binh lính và xe thiết giáp di chuyển qua những đường phố căng thẳng của Sài Gòn, cái chính quyền non nớt của một đất nước Nam Việt Nam non nớt đã luồn lách và ngã giá để tránh khỏi nội chiến và dẹp yên những giáo phái.

Cộng sản & Bức lịch

Người đàn ông phải làm công việc ấy là Thủ tướng Ngô Đình Diệm, một người quốc gia vô cùng sùng đạo, đang gánh lấy công việc tệ hại và đầy thử thách là lãnh đạo 10,5 triệu người dân Nam Việt ra khỏi hố thẳm Cộng sản để có được đất nước với chủ quyền độc lập mà họ đã tìm kiếm từ lâu. Không ai trên vùng đất châu Á đầy nguy hiểm này lại phải đối diện với nhiều cản trở trên bước đường tái lập trật tự và công lý như thế. Những giáo phái đang kiểm soát một phần ba khu vực phía nam của đất nước, đang đe doạ không những quyền lực mà cả tính mệnh của ông. Số dân tị nạn từ phía nửa Cộng sản của Việt Nam giờ đã lên quá 500 nghìn người và vẫn còn đang đổ về phía nam với nhịp độ khoảng 10 người mỗi tuần, họ đang cần lương thực, nhà cửa và việc làm. Việc thiếu kinh nghiệm của ông lẫn các phụ tá đã gây khó khăn trong việc tìm người tài, ý kiến hay cũng như khó khăn trong việc đưa ra quyết định. ("Cái chính phủ này," một trong những viên chức Hoa Kỳ đang nôn nóng giúp đỡ đã nói, "đang được kết lại bằng băng keo, vài sợi dây nhợ và bột hồ.") Người Pháp, đang tìm mọi cách thức và thủ đoạn để giữ vững ảnh hưởng cũng như quyền lợi trên mảnh đất mà họ đã bóc lột bảy thập niên qua, đã cản trở ông với những thủ thuật đầy xảo quyệt của chủ nghĩa thực dân.

Nhưng trên tất cả, kẻ thù của Diệm chính là liên minh giữa Cộng sản và bức lịch (ám chỉ thời gian - ND). Không có một tổ chức chính trị riêng, bộ máy hành chính không chuyên nghiệp và một quân đội vẫn đang trong thời gian đào tạo, vị Thủ tướng Nam Việt Nam đang gánh trách nhiệm xây dựng một chính phủ và một ảnh hưởng đủ lớn để lấn át sức mạnh và khả năng của chính quyền Cộng sản Hồ Chí Minh ở Bắc Việt Nam. Theo hiệp ước Geneva, đất nước bị chia ra làm hai phần, Nam Việt Nam chỉ có 15 tháng để chuẩn bị tranh cử toàn quốc với chính quyền Cộng sản Hồ Chí Minh, người thắng sẽ được toàn bộ.

Về con số lẫn về chính trị, Việt Nam tự do đã không có tí cơ hội trong cuộc đọ sức này và với dân số miền Nam chắc chắn ít hơn của Hồ, nó sẽ không bao giờ có được. Trừ phi Cộng sản đồng ý mở cửa cho miền Bắc được tự do vận động bầu cử, cuộc đọ sức có thể không bao giờ thực hiện được.

Vấn đề tồn tại của Nam Việt Nam sẽ còn đòi hỏi cấp bách hơn. Gần sáu tháng trước, những nhà ngoại giao phương Tây đã thông báo một cách bi quan rằng Nam Việt Nam là một mục tiêu chắc chắn bị mất. Một cuộc thăm dò nhanh ở khu vực nông thôn đã cho thấy rằng chính quyền quốc gia của Diện sẽ chỉ được không hơn một phần tư các làng mạc ủng hộ. Số còn lại nghiêng về Cộng sản, hoặc ít nhất là chống lại chính thể vô danh và chưa được thử thách của Sài Gòn. Nhưng đến tuần vừa qua, bài ca bỏ cuộc đã lắng đi và đã có nhiều người không còn phụ hoạ nó nữa. Một thống kê mới cho thấy những người quốc gia của Thủ tướng Ngô Đình Diệm đang thắng thế, và hiện đang chiếm tỉ lệ 50-50 so với Cộng sản trong suy nghĩ của người dân miền Nam Việt Nam. Họ vẫn đang chiếm dần ưu thế.

Tiến độ dù chậm chạp nhưng rõ ràng là nhận thấy được. Nó gần như là một chiến thắng cá nhân của Diệm, một người Quốc gia độc đoán. Nó cũng cho thấy sự ủng hộ dè dặt trong quyết định của Hoa Kỳ, kẻ đã tự nguyện thừa hưởng sự hổn loạn do người Pháp để lại và là người đã cam kết bảo vệ những gì còn lại của Đông Dương. Dù Washington không lựa chọn ông nhưng họ đã đầu tư hy vọng, chuyên gia, và khoảng 400 triệu đô-la mỗi năm vào Nam Việt Nam. Hoa Kỳ tin chắc rằng Ngô Đình Diệm, một nhân vật dù không hoàn hảo nhưng phù hợp nhất để dẫn dắt người Việt đến một nền độc lập thật sự.

Không có chỗ cho cả hai

Thoạt nhìn Ngô Đình Diệm là một người không chắc chắn lắm trong cuộc chiến đấu chống lại Hồ Chí Minh, một con người gầy gò, mưu mô từng làm nghề phụ bếp và là một người Cộng sản thuần thành nhưng đã rất khéo léo đến nỗi đa số mọi người ở châu Á vẫn tin rằng ông ta thật sự chỉ là một người Việt Nam yêu nước. Sự nghiệp của Diệm đa phần được xây trên những quyết định tiêu cực. Ông là một nhà quản trị tài giỏi hiếm có, và ông đã nhận định về chính trị là: "những thủ đoạn tài tình nhằm phản bội, đàn áp và chia rẽ nhân dân." Đối với những kẻ thành thạo hơn trong cuộc chơi, ông chỉ được đánh giá ở mức trung bình.

Nhưng với Việt Nam, nơi đã kinh tởm chủ nghĩa thực dân và những tội ác của nó, đang nản lòng trong việc tìm kiếm tự do, tính liêm chính của một nhà lãnh đạo thì còn quan trọng hơn khả năng của ông ta. Hồ đã
xây nên sự ủng hộ rộng khắp không chỉ bằng xảo trá và học thuyết Cộng sản, mà còn với tính liêm khiết và lòng căm thù không lay chuyển đối với chế độ thực dân Pháp. Ngô Đình Diệm cũng đem vào trận chiến với tính liêm khiết còn cao hơn thế và một lý lịch suốt đời chống sự thống trị và ảnh hưởng của người Pháp. Tư lệnh của Hồ là Tướng Võ Nguyên Giáp trước đây đã nhận định rằng: "Một là Hồ Chí Minh. Một là Ngô Đình Diệm. Không có chỗ cho cả hai trên đất nước này."

Khổ hạnh & Bắp cải nhồi thịt

Diệm là một người chắc đậm (cao 1,54 mét, nặng 65kg), trông trẻ hơn tuổi 54, với mái tóc đen dày và thói quen mặc đồ vét Tây bằng vải sakin. Mắt ông nhìn xa xăm dưới đôi mí mặt nặng nề. Ông là một người cô đơn, không quen bộc lộ, thường để mọi người đưa ra đề tài rồi mới buột miệng một cách tình cờ vu vơ, không cảm xúc. Ông là một người với những tương phản. Như một nhà tu hành và sống nội tâm, mê thích Gandhi, những vị thánh Công giáo và sách (ông có một thư viện riêng với 10 nghìn cuốn sách), từ lâu ông đã thề nguyện sống đời khổ hạnh; ông rất ngượng nghịu khi gặp phụ nữ đến nỗi phụ tá của ông không có nữ giới, và ông đã từng treo một tấm biển CẤM ĐÀN BÀ bên ngoài văn phòng. Nhưng Diệm cũng ăn nhiều một cách không dấu diếm với những món ăn như bắp cải nhồi thịt, và đôi khi tại những buổi khánh tiệc ông sử dụng đũa như một người phàm phu, đưa cả bát lên miệng và trút vào. Ông thích đi săn (vịt và hổ). Ông có thể nổi nóng bất thình lình. Nếu gặp người mà ông không thích, đôi khi ông phun nước miếng bay ngang phòng và càu nhàu, "đồ bẩn thỉu!"

Dù Diệm từng sinh ra trong một mái nhà tranh bên trong khuôn viên của cha ông ở gần Huế (nơi người mẹ già yếu 87 tuổi của ông vẫn sống sau bức bình phong để phòng ngừa ma quỷ), ông lại thuộc tầng lớp thượng lưu, và ông luôn thành tâm khi nói đến "người dân yếu thế".

Ông rất tự hào về nòi giống Việt Nam của mình: "Đất nước chúng tôi là một đất nước của những chân lý, một đất nước lâu đời, một đất nước được dựng bởi những làng xóm. Việt Nam là một cấu thể vững chắc..." và ông không muốn thay đổi nó, nhưng: "Đôi khi tôi nghĩ rằng châu Á thì quá dè dặt, ăn nói lại quá mềm mỏng. Chúng ta cần phải học cách ăn nói cứng cựa như người Mỹ để được việc hơn." Rất ít khi Diệm nặng lời với những người Việt theo Cộng sản vì ông hy vọng sẽ cải hoá được họ; ông cố tình chống lại phong cách lươn lẹo của Hồ Chí Minh bằng cách giữ đạo đức mình trong sạch. Và ông cũng nhận rõ rằng không thể đùa với những người Cộng sản. "Khi săn hổ, ta cần chắc chắn là giết chết nó," ông từng nói. "Một con hổ bị thương sẽ trở thành một kẻ ăn thịt người..."

Móng tay & Nông dân

Ngô Đình Diệm xuất thân từ dòng họ đã từng bảo vệ Việt Nam chống lại Trung Quốc hàng nghìn năm. Vào thế kỷ 17, dòng họ Ngô Đình cải đạo sang Công giáo và đã giữ vững tín ngưỡng của mình với một cái giá đẫm máu: trong năm 1870, hơn 100 người của họ Ngô Đình đã bị bao vây và thiêu sống trong nhà thờ của họ. (Hiện tại Việt Nam với đa phần theo đạo Phật, có khoảng 2 triệu người Công giáo.)

Cha của Ngô Đình Diệm, một trong những người còn sống sót trong dòng họ, là một vị quan đầu triều ngày xưa, chuyên mặc áo thụng bằng lụa và để móng tay dài cả tấc. Một trong những công việc của ông là chỉ huy những hoạn quan hậu cung của triều đình. Nhưng cha của Diệm, tên Ngô Đình Khả, cũng là một trong những nhà giáo tiên phong của Việt Nam và chín người con của ông cũng đã thụ hưởng được nhiều từ đấy. Vào 6 giờ mỗi sáng, ông đã bắt bọn trẻ đi lễ; ông còn dạy thêm người con thứ ba là Diệm trong khu vườn hồng của gia đình. Ông bắt Diệm làm ruộng cùng những người nông dân. "Một người phải hiểu biết cuộc sống nông dân," Khả giải thích.

Tính cần cù

Diệm sống rất khắc khổ, ông cầu nguyện khoảng hai giờ mỗi ngày, thức dậy vào 5 giờ sáng để học bài, hay nổi cơn thịnh nộ khi bị các anh chị em quấy nhiễu. Năm lên sáu ông nhận được phần thưởng "siêng năng" đầu tiên ở trường. "Mỗi khi lũ lụt," một trong những anh em của ông nhớ lại, "cha bắt chúng tôi phải ở nhà. Tất cả chúng tôi đều thích thú, riêng Diệm thì trốn nhà đi dọc theo ven đê để đến trường như thường lệ." Khi về đến nhà, Diệm chấp nhận đánh đòn vì đã trái lời cha.

Năm 15 tuổi, Diệm đưa ra quyết định tiêu cực đầu tiên: bắt đầu theo học để trở thành tu sĩ, sau vài tuần lễ ông lại quyết định không theo đuổi con đường này nữa. Vào tuổi 17 ông lại có quyết định thứ hai: không sang Pháp để du học. "Những người như chúng tôi sau khi sang Pháp đều trở về với một mớ hỗn hợp," một người anh khác nói, "nhưng Diệm là một người Việt Nam thuần chất." Năm 20 tuổi Diệm tốt nghiệp hạng nhất trường hành chính của người Pháp tại Hà Nội, không bao lâu ông trở thành tri huyện, trông coi 225 ngôi làng.

Con đường thẳng

Trong thời gian Hồ Chí Minh vẫn còn xây dựng tổ chức bí mật của mình, Diệm từng đọc những truyền đơn và sách báo Cộng sản, ông đã tự đề ra chiến lược đối phó: ông bắt những thành viên của Hồ rồi "cải tạo" họ. Diệm thường đưa những người Cộng sản cao ngạo đi diễu hành với quần áo tả tơi và bảo dân chúng rằng: "Chúng bảo rằng chúng đấu tranh cho dân nghèo... Vậy hãy để chúng ăn mặc như thế."

Tinh thần cương quyết chống Pháp của Diệm cũng đã làm ông thích hợp hơn trong vai trò của người lãnh đạo đầu tiên của những người Việt tự do. Năm 1929, lúc ông 28 tuổi, ông trở thành tỉnh trưởng; năm 32 tuổi ông trở thành Bộ trưởng Nội vụ của chính quyền bù nhìn Pháp. Ba tháng sau ông đã đòi hỏi thêm quyền tự quyết. Người Pháp từ chối và ông đã từ chức.

Diệm trải qua 7 năm thụ động chống đối việc người Pháp bóc lột đất nước ông. Trong khi giúp đỡ phát triển nguồn tài nguyên và đem những kho tàng văn hoá đến Đông Dương, người Pháp đã không bỏ qua cơ hội kiếm lợi. Những người sản xuất muối bị bắt buộc phải bán cho người Pháp để họ quay sang bán lại cho người Việt với giá cao hơn. Dựa trên mật độ dân, mỗi làng có tiêu chuẩn mua rượu nhất định từ những nguồn cung cấp của người Pháp. "Tôi đã thấy mối hoạ Cộng sản," Ngô Đình Diệm nói, "và tôi thấy được họ có thể lợi dụng tình trạng bất công này. Chúng ta phải cách tân dân chủ, nếu không thì rõ ràng Cộng sản đã thắng ngay từ thời ấy."

Ba lần cự tuyệt

Trong thời kỳ Thế chiến Thứ II và sau đó, Nhật, Pháp và Cộng sản Hồ Chí Minh đã đối chọi lẫn nhau để giành lấy Đông Dương (xem số báo ngày 22 tháng 11); cả ba phía đều muốn sự hậu thuẫn từ phe Quốc gia của Diệm nhưng ông đã từ chối cả vì không ai trong họ đại diện cho "một nền độc lập thật sự."

Năm 1945, quân đội Cộng sản của Hồ đã tấn công dòng họ Ngô Đình, chiếm giữ dinh thự tại Huế và đốt sạch 10,000 cuốn sách của ông. Những người Cộng sản đã bắt giam Diệm, họ bắt được người anh lớn của Diệm là Ngô Đình Khôi và chôn sống ông ta. Nhưng chỉ bốn tháng sau Hồ Chí Minh lại quyết định rằng ông cần sự hậu thuẫn của những người quốc gia thuần thành, đã triệu Diệm ra khỏi tù. "Hãy đến sống cùng tôi tại Phủ Chủ tịch," Hồ đề nghị.

Diệm: Ông đã giết anh tôi. Ông là một tên tội phạm.

Hồ: Tôi hoàn toàn không biết gì về chuyện của anh ông... Ông đang giận dữ. Hãy ở lại với tôi. Chúng ta phải hợp tác để chống người Pháp.

Diệm: Tôi không nghĩ là ông đã hiểu được tôi là ai. Hãy nhìn thẳng vào mặt tôi đây. Xem tôi có sợ hãi không?

Hồ: Không.

Diệm: Tốt. Thế thì tôi đi đây.

Hồ bèn trả tự do cho Diệm.

Tình huống khó xử của Washington

Vào tháng 12 năm 1946, khi Hồ và người Pháp tham gia vào cuộc chiến Đông Dương, Diệm tuyên bố chống lại cả hai. Vào tháng 4 1947 ông đã khởi xướng một phong trào chính trị tích cực, một lực lượng thứ ba bất bạo động có tên là "Mặt trận Liên hiệp Quốc gia." Người Pháp đã thẳng thừng cấm đoán. Ba năm sau Ngô Đình Diệm tìm kiếm đồng minh bên ngoài để giúp đỡ cho nền độc lập của Việt Nam và ông đã sang châu Âu và Hoa Kỳ. Trong gần hai năm (1951-53) ông đã sống tại Tiểu chủng viện Maryknoll ở thành phố Lakewood, New Jersey, ông thường đi Washington để kêu gọi những quan chức Bộ Ngoại giao và các Nghị sĩ đừng nên ủng hộ chính sách thuộc địa của người Pháp. "Người Pháp đang chống lại Cộng sản," Diệm lý luận, "nhưng họ cũng chống lại nhân dân."

Có lẽ trong nhận thức của người Mỹ, họ đã nên lắng nghe lời khuyên của Diệm. Nhưng khó khăn của Hoa Kỳ là người Pháp đang nắm quyền tại Đông Dương. Giao tranh vẫn đang xảy ra, và vấn đề chủ yếu vẫn là việc cứu mảnh đất này ra khỏi vòng xoáy của Cộng sản. Trong khi chiến lược này đang hướng về điểm đỉnh, Ngô Đình Diệm buồn rầu và thất vọng, ông đã tìm đến sống và đợi chờ trong một căn phòng kín của một tu viện tại Bỉ. "Chúng ta phải tiếp tục đi tìm Nước Chúa và công lý của Ngài," Diệm viết thư về nhà, "những việc khác sẽ tự khắc đến."

Cơn Đại hồng thuỷ

Rồi xảy ra việc Điện Biên Phủ sụp đổ. Trong thời gian của cuộc giao tranh đầy quyết định này, Diệm nhận thấy rằng cơ hội phục vụ của ông đã đến. Ông rời bỏ tu viện và đến sống tại một căn gác xép ở Paris. Người Pháp phần vì đang cần một nhân vật để trút bỏ cái thảm hoạ trên, đã mời Diệm nhận chức thủ tướng Việt Nam, với lời hứa chấp nhận nền độc lập quốc gia. Vào ngày 15 tháng 6 1954, Ngô Đình Diệm nhận lĩnh chức vụ này và quay về lại Sài Gòn. "Chúng tôi không biết mình sẽ đến đâu," một phụ tá của ông nói trong hoàn cảnh phức tạp, "nhưng thuyền trưởng thì vững tay và con thuyền của chúng tôi cũng sạch sẽ."

Quá khứ quốc gia thuần tuý của Diệm ban đầu đã không đưa vị Thủ tướng đi được xa. Thủ tướng Pháp Mendes đang cổ vũ cho những "nhượng bộ... nhượng bộ lớn" để chấm dứt cuộc chiến, và ông đã nhượng bộ tại hội nghị Geneva. "Chúng tôi chẳng được tham khảo ý kiến," Bộ trưởng Ngoại giao của Diệm là Trần Văn Đỗ than phiền. Tại Sài Gòn, Diệm nhận ra rằng ông không thể dựa trên một tiểu đoàn lính người Việt duy nhất; ngân khố của ông không còn đồng nào; 85% vùng nông thôn không thể liên lạc được. Hàng trăm nghìn người tị nạn đang đổ về từ miền Bắc, tìm đến một nền tự do dù còn hỗn loạn, và họ cần được giúp đỡ.

Khủng hoảng đầu tiên của Diệm đến từ những căn cứ của Tướng Nguyễn Văn Hinh, một vị tư lệnh quân đội ưa khoa trương và thân Pháp. Tướng Hinh đang tìm cách lấn chiếm quyền lực bằng cách đẩy dần 200 nghìn quân của ông vào một cuộc binh biến không đổ máu. Diệm không nao núng nhưng với những gì trong tay ông không thể đối đầu với Hinh. Nhưng qua ảnh hưởng của Hoa Kỳ, cuối cùng ông đã thắng. "Tôi chỉ cần nhấc điện thoại," tướng Hinh nói, "và cuộc đảo chính sẽ xảy ra. Nhưng họ bảo tôi rằng nếu điều này xảy ra, người Mỹ sẽ cắt toàn bộ tiền viện trợ."

Đứng dậy sau thảm hoạ

Chiến thắng của Diệm đã đẩy Tướng Hinh đi lưu vong và những người quốc gia tiến tới. Những người từng khoanh tay đứng nhìn xem bên nào thắng thế giờ đây đang ngả về phía Thủ tướng. Viện trợ và cố vấn của Hoa Kỳ bắt đầu đưa vào. Trong bốn tháng tới:
  • Tiến hành chiến dịch được nhiều ủng hộ nhằm tấn công tham nhũng và tội phạm, đóng cửa các sòng bài và bắt giữ những viên chức làm giàu bằng việc hối lộ.
  • Soạn thảo hệ thống lập pháp quốc gia - cơ quan dân chủ đầu tiên của đất nước - và trong vấn đề cải cách điền địa, sẽ giảm thuế tô thường niên của tá điền từ 50% xuống còn 15%.
  • Tái tổ chức quân đội của Hinh để họ quản lý những quận huyện mà Cộng sản đã rút đi sau hiệp định Geneva. Hoa Kỳ sẽ chịu trách nhiệm huấn luyện họ.
  • Thay thế người Pháp trong việc quản lý tiền tệ và đưa Nam Việt Nam vào thị trường thương mại quốc tế.

Chưa từng bao giờ gần gũi với dân chúng, Diệm đã thực hiện một cuộc du hành thăm viếng ở miền trung Việt Nam và đã nhận được sự đón chào làm ngạc nhiên cả những cố vấn của ông. "Ngô Đình Diệm muôn năm!" dân chúng reo hò. "Tôi đã từng chứng kiến những cuộc biểu tình tự phát trên toàn châu Á." một người Mỹ quan sát cuộc biểu tình nói, "nhưng lần này thì khác hẳn... Năm mươi nghìn người vượt qua cánh đồng chạy đến bên ông, tay vẫy những chiếc nón lá, như một cảnh tháo chạy trong cuốn tiểu thuyết Những Khu Mỏ của Vua Solomon."

Dù có vẻ tích cực nhưng những thành quả của Diệm cũng rất nhỏ bé so với những việc cần phải thực hiện trong vấn đề thiết lập trật tự và luật pháp cũng như xây dựng niềm tin của công chúng. Là người có đầu óc bướng bỉnh và tiêu cực, Diệm đã làm cho một số người không an lòng khi ông cứ tiếp tục thu mình và khuynh hướng hay nghe theo những lời cố vấn của ba người anh em của ông, Giám mục Ngô Đình Thục, Ngô Đình Luyện và Ngô Đình Nhu hơn là những người trong Nội các. Việc ông miễn cưỡng trong việc uỷ quyền đã biến ông thành một kẻ lập dị chuyên phí thời gian trong những việc vụn vặt. Ví dụ: Vừa qua ông đã tự thân đứng ra quản lý thủ tục cấp hộ chiếu ra vào nước cũng như việc xem xét những đơn xin đổi ngoại hối. Nhưng những viên chức quân sự, ngoại giao và chuyên gia kỹ thuật của Hoa Kỳ dù nhìn nhận những yếu điểm này của ông, cũng không vì thế mà suy giảm lòng tin rằng Diệm là niềm hy vọng sáng giá nhất của Việt Nam. "Sau những nghi ngờ về Thủ tướng Diệm," một viên chức cao cấp của Hoa Kỳ nói, "tôi cho rằng chúng đã được giải quyết theo chiều hướng có lợi cho ông ta và ông xứng đáng được hậu thuẩn toàn diện."

"Họ không nói dối"

Một phong tục của người châu Á là nếu bạn cứu sống một ai đó, bạn sẽ có trách nhiệm đối với số phận của người ấy. Hoa Kỳ đang gánh vác cả hai trách nhiệm ấy trong cùng một sứ mạng tại Nam Việt Nam. Bên cạnh hàng triệu đô-la và thanh thế của mình, Washington cũng đã đầu tư trí tuệ của 1 nghìn người Mỹ vào đất nước này, với cựu tư lệnh Lục quân, Tướng J. Lawton Collins là phái viên tối cao. Trong số họ còn có: về cải cách điền địa có Wolf Ladejinsky, một chuyên viên nổi tiếng của Bộ Nông nghiệp, người đã từng tham gia việc cải cách điền địa tại Nhật sau Thế chiến; để lèo lái chống lại Cộng sản có Đại tá Edward Lansdale, một sĩ quan từng đóng vai trò hữu ích trong việc thắng cử của Tổng thống Philippines Ramon Magsaysay, đến nỗi người Phi sau cuộc bầu cử đã gọi ông là "Tướng Landslide."

Người Mỹ nhận thấy Thủ tướng Diệm ngày càng chịu tiếp thu những ý kiến cố vấn, và không hề là một người bù nhìn. Ông không muốn bị thúc hối hoặc vội vàng. Gần đây khi Joe Collins đề nghị nên đưa Tướng Vỹ làm tư lệnh quân đội, Diệm nhất định dùng người của mình là Tướng Tỵ. "Đôi khi ông Collins dùng những ngôn ngữ nặng nề." Diệm tâm sự. Nhưng Collins cũng than phiền tương tự. "Đưa những chuyên viên của ông ra và bắt họ làm việc," ông từng hối thúc vị Thủ tướng, và Diệm sau này đã cho biết: "Ông Collins nói thì dễ. Ông ấy có chuyên viên. Chúng tôi thì không." Nhưng từ những giây phút đối chọi căng thẳng họ đã có một mối quan hệ mà qua đó cho thấy nhiều tiến độ và hứa hẹn. Thủ tướng Diệm cảm phục người Mỹ vì "họ không nói dối."

Một trong những thử thách quan trọng nhất trong mối quan hệ này là ngày 20 tháng 7 đến, khi dân chúng hai miền Nam Bắc Việt Nam phải giải quyết những điều khoản của các cuộc bầu cử 1956, theo hiệp định Geneva. Dù Hồ đã tăng gấn đôi quân đội, một vi phạm của hiệp định Geneva - và đang thiết lập một lực lượng không quân nhưng ông đã tự tin một cách công khai rằng ông không phải dùng đến chúng để chiếm miền Nam Việt Nam.

Những lá phiếu bị ép buộc
Lá phiếu của 12 triệu dân miền Bắc của Hồ, bị ép buộc bởi kẻ độc tài, sẽ vượt xa lá phiếu tự do nhưng chia rẽ của 10 triệu người dân miền Nam. Nhưng hiệp ước Geneva cũng đưa ra điều kiện là bầu cử phải được "tự do" và bằng "phiếu kín." Vào ngày 20 tháng 7, nếu họ cảm thấy đủ mạnh để hất cẳng Hồ Chí Minh, những người quốc gia đang được Hoa Kỳ hậu thuẫn có thế làm được việc này bằng cách trì hoãn các cuộc bầu cử, hoặc huỷ bỏ chúng hoàn toàn ngoại trừ chúng được bảo đảm chắc chắn rằng 1) các địa điểm bầu phải được giám sát minh bạch và 2) những người quốc gia được quyền vận động bầu cử ở miền bắc và tìm cách lấy bớt phiếu của Hồ.

Nếu sách lược này thắng thế, Hoa Kỳ và Nam Việt Nam sẽ phải hướng đến một giải pháp chia rẻ của hai Việt Nam - một Việt Nam Cộng sản mạnh mẽ, hùng hổ được Moscow và Bắc Kinh nuôi dưỡng; và một Việt Nam yếu kém và chia rẽ nhưng tự do đang sẽ cần những cam kết và giúp đỡ của Hoa Kỳ trong một thời gian.

Cắt tóc & Gà

Một trong những sự thật đáng buồn của Nam Việt Nam là không phải mọi người đều mong muốn một chính thể phi Cộng sản với những hy vọng không đạt được hơn là một chính thể Đỏ tự tin với nền ổn định đầy hấp dẫn. Đối với Thủ tướng Diệm thì đây là một vỏ ốc cứng rắn khó đập vỡ được. Tuần trước, tại một ngôi làng tiêu biểu của miền nam một số người dân đã cho thấy trở ngại này.

"Khi người Pháp thả bom làng mạc, trường học và đẩy chúng tôi vào rừng, Cộng sản là bạn của chúng tôi." Những người Cộng sản ấy giờ được thay thế bởi binh lính và viên chức quốc gia non trẻ của Thủ tướng Diệm. Những người dân đã nghĩ gì về họ? Người thợ cắt tóc trẻ địa phương trả lời: ban đầu anh ta không tin tưởng họ lắm, nhưng đã bắt đầu cảm thấy rằng họ là những người tốt và có thể tin tưởng. Cuộc sống có khá hơn không sau khi Cộng sản rút đi? Có vài điều, người thợ cắt tóc trả lời. "Hoà bình." Và người ta có thể đi lại (Cộng sản bắt buộc phải có giấy phép đi lại ngay cả chỉ đi đến phố chợ gần đấy), thuốc men của người Mỹ, và anh ta kiếm sống khá hơn.

Những người Cộng sản, anh ta tiếp tục, đã bắt anh phải cắt theo một chỉ tiêu nhất định mỗi ngày, không cần biết khách hàng trả tiền hay không. Những người quốc gia cho phép anh ta lấy tiền công đúng mức, và anh ta rất vui vì việc này. Nhưng mặt khác thì có vấn đề về giá gà. Dưới quyền Cộng sản, giá một con gà chỉ thấp bằng nửa giá hiện tại. "Người ta không thể để mua gà thường xuyên nữa."

Hiện tại, người thợ cắt tóc nói, anh muốn Cộng sản quay lại; họ là bạn của anh. Nhưng anh ta cũng sẵn sàng đợi xem những người quốc gia có thể làm được những gì. Điều quan trọng nhất là người dân mong muốn hoà bình, anh ta nói.

Đây chính là cuộc đấu tranh trọng yếu của lòng quyết tâm của người Nam Việt Nam. Với thời gian và sự khéo léo, phe tự do có thể hy vọng thắng thế. "Nếu dân chúng được bảo đảm rằng Cộng sản sẽ không quay lại nữa," một cụ già cho biết, "thì dân chúng sẽ xoay sang chống lại họ. Nhưng làm sao chúng tôi có thể biết chắc được?" Câu trả lời vượt xa hơn người đàn ông đang bị phong toả tại Dinh Độc Lập ở Sài Gòn. "Nhân dân Việt Nam có ý chí," vị đại sứ của Ngô Đình Diệm tại Washington nói, "nếu như người Mỹ có sức mạnh."

Chú thích

* Hai tổ chức nhận mình là tôn giáo, một tổ chức nhận mình là chính trị.

Cao Đài là một hỗn hợp của Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo với giáo chủ và hồng y riêng, và một đại bản doanh tương tự như Vatican cách 55 dặm phía tây bắc Sài Gòn. Đạo Cao Đài còn bao gồm những vị thánh như Clemenceau, Victor Hugo và Joan of Arc và đang đợi phong thánh sau khi chết là Sir Winston Churchill. Giáo chủ Phạm Công Tắc là một cựu nhân viên thuế quan của Sài Gòn.

Hoà Hảo là một giáo phái của những Phật tử ly khai chuyên chú trọng vào việc cầu nguyện và kiêng chay. Người sáng lập giáo phái này là Huỳnh Phú Sổ, nổi lên nhờ tài chữa bệnh, theo truyện kể là sau khi ông bị đưa vào bệnh viện tâm thần, đã cảm hoá vị bác sĩ chữa bệnh cho mình.

Bình Xuyên là một tổ chức thổ phỉ chuyên mặc quân phục màu vàng, họ kiểm soát các nhà chứa và cảnh sát Sài Gòn dưới sự dàn xếp khéo léo của vị quốc trưởng vắng mặt là Bảo Đại. Thủ lĩnh của họ là Tướng Lê Văn Viễn, từng là một kẻ cướp đường sông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét