6/8/10

MẢNH ĐẤT VỚI NIỀM VUI


Số báo ra ngày 22 tháng Mười một 1954: http://www.time.com/time/magazine/ar...806931,00.html

MẢNH ĐẤT VỚI NIỀM VUI KHIÊN CƯỠNG


Những người đàn ông với những chiếc loa dài đi dọc theo những đường phố Hà Nội. Lời hô hào của họ vang vọng vào trong những khung cửa sổ buông rèm. "Thưa đồng bào," họ ngân nga, "không gì diễn tả được niềm vui của đồng bào!"

Tại Hà Nội, những lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh được treo trên các cửa hàng và nhà kho, trên những túp lều và dinh thự, từ những chiếc xích lô chạy như bắn dọc theo những đại lộ vắng người. Chân dung của Malnkov, Mao và Hồ trông ra từ những quầy hàng rong. Ở những ngã tư chính là những cổng chiến thắng bằng tre, được trang hoàng với chim bồ câu hoà bình cắt bằng giấy và những khẩu hiệu tuyên bố "ĐỘC LẬP", "HOÀ BÌNH", "HỒ CHỦ TỊCH MUÔN NĂM." Không một cuộc biểu tình đối lập nào được cho phép tại Hà Nội đang vui mừng; không ai quên việc phải bộc lộ sự phấn khởi của mình, cũng chẳng ai dám lười biếng mà không chịu tham gia.

Hà Nội, thủ đô của mảnh đất mới Bắc Việt Đỏ, đã không còn bóng những kẻ ăn mày và trẻ đánh giày. Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa phát động một "phong trào đạo đức tốt," vì thế không còn gái điếm, không còn quán nhảy. Vào 3 giờ chiều mỗi ngày nhân dân cùng hát những bài ca yêu nước và tổ chức nhóm thảo luận. Mỗi tối họ ca múa trên đường phố dưới cái nhìn vô cảm của những người lính Việt Minh; điệu múa bắt đầu vào đúng 8 giờ, không bao giờ sớm hơn, và chấm dứt lúc 10 giờ, không bao giờ trễ hơn. Hai lần mỗi tuần tại Nhà hát Quốc gia Hà Nội, trước những khán giả gồm những người đàn ông mặc áo khoác nhàu nát và những nữ cán bộ tóc thắt bím, những "Đội Văn hoá" của quân đội Việt Minh biểu diễn những bài ca vè trong giai điệu ré lên từ những nhạc cụ. "Gạt đi những giòng nước mắt," họ cất giọng. "Kẻ thù đã không còn. Cả miền Bắc, miền Nam chúng ta đều là một nhà và không gì có thể chia rẽ chúng ta."

Tuyên Truyền & Kỷ Luật

Sau 70 năm thuộc địa của Pháp, người dân Hà Nội vui mừng thấy người Pháp rút lui. Một số cũng mừng rỡ vì Việt Minh về, và số còn lại ít nhất cũng chấp nhận việc này. Nhưng bên trong vẫn ẩn chứa nỗi lo lắng và sợ hãi về một bạo lực bất ngờ nào đó. Sẽ không còn sự tranh giành quyền lực chính trị - nhưng sáng nay một chủ tiệm vừa bảo tôi rằng ông phải trả 100% thuế trên những món hàng của mình. Sẽ không còn trộm cướp - một kẻ cướp vừa bị xử bắn ngay tại hiện trường, xác vẫn còn để đấy như một lời cảnh cáo.

Ở Hà Nội vẫn có một cảm giác đợi chờ mệnh lệnh ban xuống. Những người đàn ông với loa tay không ngừng tuyên truyền Tám Điều Dạy về Chính Trị của Hồ Chủ Tịch ("Những người tu hành phải thực hiện nghĩa vụ công dân"), Năm Điều Kỷ Luật của Hồ Chủ Tịch ("Báo chí phải hỗ trợ chính sách hoà bình"), và Mười Điều Kỷ Luật của Quân Đội Việt Minh ("Chiến sĩ không được trụy lạc"). Ngày nọ những người cầm loa đã ra lệnh cho dân Hà Nội vặn ngược đồng hồ lại một giờ để trùng với múi giờ của Bắc Kinh.

"Họ Theo Dõi Anh Đang Làm Gì"

12 triệu dân miền Bắc đã không để ý đến điều này, số phận của họ phản ánh thảm trạng và sự tuyệt vọng của châu Á. Họ sinh ra và lớn lên dưới chế độ thuộc địa của Pháp, chế độ này là nguyên nhân và chủ thể của gần 15 năm chiến tranh liên tục, giờ đây họ bị bắt buộc phải vui mừng một cách miễn cưỡng với đế chế Cộng sản.

"Việt Minh đã làm đúng," một trong hàng triệu cán bộ Việt Minh đã nói như thế, ông vừa đào thoát sang phương Tây. "Họ không hà hiếp phụ nữ. Họ không cướp bóc. Nếu hôm nay họ mượn một cốc nước, ngày mai họ sẽ hoàn trả. Nhưng họ sẽ theo dõi anh. Họ theo dõi anh liên tục. Họ theo dõi anh đang làm gì. Họ biết anh ăn gì, anh đã chi tiêu bao nhiêu cho thịt cá và rau cải, anh có người phục vụ hay không, hoặc anh có ý định ấy hay không."

"Từng chút một, bằng những phương pháp cẩn trọng, họ chỉnh sửa anh để anh sống một cuộc sống vô sản đúng nghĩa. Anh phải tập mặc quần áo xuềnh xoàng xám xịt như mọi người khác, và bắt buộc con cái của anh lao động. Nếu anh không tuân theo, họ sẽ tăng thuế của anh. Anh phải học tinh thần phấn khởi. Nếu anh không làm, họ sẽ thì thầm đồn đãi khắp làng rằng anh giàu có, rằng anh là phần tử phản động. Họ sẽ doạ đưa anh ra đấu tố. Họ sẽ cô lập anh: anh sẽ thấy hàng xóm không dám nói chuyện với mình. Nếu anh vẫn chưa quen được tinh thần phấn khởi, họ sẽ giao cho anh công việc để anh làm đến chết. Và những người Cộng sản không bao giờ nhận làm những điều ấy mà là nhân dân; luôn luôn trên danh nghĩa của nhân dân."

Đối Lập & Lật Lọng

Hiệp định Geneva vừa được ký kết chỉ vừa bốn tháng nhưng Việt Minh đã:
  • Áp đặt quyền lực vững chắc ở miền Bắc Việt Nam, nơi người dân lẽ ra phải được quyền quyết định tương lai của mình qua tự do bầu cử.
  • Tăng gấp đôi lực lương quân sự - một vi phạm nghiêm trọng đối với hiệp định Geneva - giờ đây nó đã vượt qua cả quân đội của Pakistan (dân số 76 triệu người) và được Moscow nhận định rằng có khả năng chiến đấu cao hơn bất cứ quân đội Cộng sản nào.
  • Xâm nhập lãnh thổ miền Nam Việt Nam (dân số 10,5 triệu), sâu rộng đến nỗi Việt Minh đã kiểm soát có hiệu quả 85% lãnh thổ và lấn đến ngưỡng cửa của Sài Gòn - nơi chính quyền Quốc gia của Bảo Đại đang hồi rệu rã. Việt Minh cũng đã đột nhập rất sâu vào Lào (dân số 1,1 triệu), quốc gia này trên lý thuyết đang được bảo vệ bởi Hiệp ước Phòng vệ Manila. Việt Minh đã ám sát 87 nhà lãnh đạo Quốc gia ở miền Nam Việt Nam và một Bộ trưởng Quốc phòng Lào.
Tại sao những việc này có thể xảy ra? Đông Dương là nơi những chủ nghĩa đối lập lớn của thế kỷ 20 gặp nhau, hợp tác và chống đối: chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa Cộng sản tác động lẫn nhau bằng bạo lực. Đôi khi những biến động lớn này đổ lên một con người mạnh mẽ hoặc là ông ta đã giành lấy một cơ hội sẵn có. Nhưng Đông Dương là nơi đã có một người đang sẵn sàng đợi chờ, một người đã trải qua 30 năm đầy giảo trá và quanh co để chuẩn bị cho mưu sự, luồn trốn lắt léo, đảo ngược thế cờ để cuối cùng toàn thắng. Đó là một con người lạ kỳ với đôi mắt sáng và căn bệnh lao với cái tên tự đặt Hồ Chí Minh.

Tiếng Sáo Mùa Thu & Nước dãi

"Anh đã gặp Hồ Chí Minh bao giờ chưa?" một người Việt chống Cộng được hỏi. "Ồ có," người Việt ấy trả lời một cách nhanh nhẩu không chủ ý. "Ông ta là một biểu tượng sống của một nhà cách mạng. Ông có một cuộc sống riêng hoàn hảo. Ông ăn mặc đơn giản. Ông ta rất thông minh. Ông nói được các tiếng Pháp, Nga, Anh, Hoa và Việt. Ông ta rất tài: khi trò chuyện với dân chúng ông luôn diễn đạt sao cho đứa trẻ tám tuổi cũng có thể hiểu được. Ông ta có một tính kiên nhẫn vô tận. Ông ta đã hy sinh cả đời mình cho cách mạng." Jawaharlal Nehru bổ sung thêm: "Vô cùng gần gũi và thân thiện... một con người liêm chính luôn mong muốn hoà bình." Và một người Mỹ từng hợp tác với Hồ chống Nhật trong Thế chiến thứ II, đã ca ngợi ông một cách vắn tắt: "Hồ là một người rất dễ mến." Hồ Chí Minh là một người gầy ốm (nặng 50 kg), dịu dàng và ăn nói chậm rãi, và thẳn thắng đầy thuyết phục. Ông là người luôn ngồi ở rìa ghế, tay xếp nhu mì trên đùi. "Phải làm một gương khổ hạnh và cần kiệm cho nhân dân," ông thường dạy dỗ các học trò của mình, và ông cần cù một cách đầy chủ ý dạo quanh làng xóm, với một cái túi khoác trên lưng. Hồ Chí Minh làm việc 16 đến 18 giờ mỗi ngày, thường là với một chiếc áo khoác phủ trên vai như là đang bị cúm lạnh kinh niên.

Hồ Chí Minh là một nhà thơ: Bổng nghe tiếng sáo thu lạnh lẽo như tiếng báo hiệu bên sườn đồi mờ sương.

Ông cho mình là một con người của thế giới: "Moscow rất anh hùng," Ông nhận xét một cách hóm hỉnh, "nhưng Paris lại là nơi để vui sống." Hồ Chí Minh có vẻ là một người tốt bụng, ông thường gọi những đồng sự của mình là "Chú" và họ gọi ông là "Bác Hồ". Nhưng dường như Bác Hồ lại thường cất riêng Tổ Yến - một loại thức ăn quí hiếm lấy từ nước dãi chim yến - trong phòng riêng của mình để không phải chia xẻ với mọi người; ông cũng giữ riêng gói thuốc lá hiệu Philip Morris một bên túi và chỉ mời mọi người loại thuốc lá nội hoá rẻ tiền.

Nhưng lại còn vấn đề giết chóc. Năm 1945 những người Cộng sản của Bác Hồ đã giết chết 5 nghìn người Việt Quốc gia. Vợ con của những người bị thanh trừng dắt nhau đến tìm ông để xin ông đoái hoài, nhưng Bác Hồ đã ra lệnh quân đội giải tán họ. Năm 1946 Hồ xoay sang những người Trotskyist. Một người lãnh đạo phái Trotskyist và là bạn cũ của ông đã gửi cho ông một bức điện tín xin ông khoan hồng; Bác Hồ đã trả lời riêng rằng ông không hề quen biết người ấy - và ông ta bị đem xử bắn thẳng thừng. Bên ngoài Bác Hồ đã giữ phong cách của một con người nhân hậu bằng cách khóc thương cái chết của bạn mình và cách chức viên sĩ quan chỉ huy đội hành quyết.

Nồi Niêu & Muỗng Đĩa

Hồ Chí Minh, một người Cộng sản thuần thành, là một người hai mang tàn nhẫn và lật lọng không ai bằng. Lúc chưa được chín tuổi, Hồ đã giúp cha mình mang mật thư chống Pháp ở Nghệ An, miền Trung Việt Nam.* Năm 1911 ông làm phụ việc trên một chiếc tàu Pháp rời Đông Dương để học hỏi phương pháp cách mạng ở nước ngoài và "trở về giúp đồng bào tôi." Lúc ấy ông vẫn chưa là một người theo chủ nghĩa Marx, nhưng đã bộc lộ bản chất độc đoán đầy khổ hạnh và cực đoan.

Trong ba năm (có lẽ người viết đã nhầm với 3 tháng - ND) làm việc trên biển, Hồ Chí Minh đọc rất nhiều - Tolstoy, Zola, Shakespeare, Marx - và theo lời kể thì hành trình của ông rất gian khổ. Ông bị say sóng. Có lần ông xuýt bị sóng cuốn khỏi tàu. Ông yếu đến nỗi không nhấc được những nồi đồng nấu súp, và chỉ lãnh được vỏn vẹn 10 Franc trong suốt chuyến đi dài 8 nghìn dặm đến Pháp. Tại Marseille ông đã cảm thấy bị xúc phạm khi những cô gái điếm có mặt trên tàu. "Tại sao người Pháp không khai hoá dân của họ," ông hỏi, "trước khi họ giả vờ khai hoá chúng tôi?"

Năm 1914 Hồ Chí Minh xuất hiện ở London, ông tham gia vào một tổ chức bí mật có tên "Công Nhân Hải Ngoại". Mặc dù sức khoẻ kém, ông đã xúc tuyết, xếp than và kiếm được chân giúp việc chuyên lau chùi muỗng đĩa tại tiệm ăn của Khách sạn Carlton ở London. Đầu bếp trứ danh Escoffier đang làm bếp trưởng của nhà hàng Carlton, và theo lời kể của con người Cộng sản huyền thoại thì, Escoffier đã có cảm tình với người thanh niên châu Á và gọi anh ta đến trò chuyện. "Dẹp hết những ý nghĩ cách mạng của anh đi," Escoffier đề nghị với Hồ, "và tôi sẽ dạy anh nghệ thuật nấu nướng." Hồ Chí Minh đã kiêu hãnh từ chối.

Ngày một tốt đẹp hơn
Một thời gian sau, tại Paris, người trai trẻ Hồ Chí Minh làm nghề phụ tá nhiếp ảnh tại một ngõ cụt phía sau khu Montmartre, chuyên môn về phóng đại ảnh ("Kỷ Niệm Sống Cho Bạn Bè Và Người Thân Của Bạn"). Mỗi sáng ông nấu cơm trong căn phòng khách sạn trống trải và đến trưa thì ông ăn độ nửa cái xúc xích hoặc một con cá; mỗi tối, như một trí thức điển trai và lịch lãm, ông lọt vào được những câu lạc bộ. Cùng với những học giả, nghệ sĩ và những vị Bộ trưởng tương lai, Hồ lắng nghe hoặc thảo luận những vấn đề thiên văn hoặc thôi miên; ông tranh luận với Coué, người sáng lập trường phái Tự lực (Couélism - ND) ("Ngày lại ngày tôi trở nên tốt đẹp hơn"); nhưng rốt cuộc, đa số những buổi tranh luận vẫn dẫn dắt về mối dằn vặt duy nhất của Hồ: Đông Dương. "Tôi là một nhà cách mạng," Hồ giải thích.

Ông hoạt động trong số 100 nghìn người Việt ở Paris, và tìm cách kêu gọi hỗ trợ cho công cuộc cải cách Đông Dương tại Hội nghị Hoà bình Versailes (Woodrow Wilson, rõ ràng là không muốn phiền lòng người Pháp, nên đã không hưởng ứng việc này).

Kiên định và chắc chắn Hồ chuyển hướng theo cánh tả. Ông chuộng những người Cộng sản hơn Xã hội vì "họ thật sự quan tâm đến vấn đề thuộc địa." Ông đã ngạc nhiên khi những người Cộng sản đã tham khảo ý kiến của ông. Vào mùa hè năm 1922 Hồ hăng hái tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Pháp, trong đó giải trình luận cương của họ về việc thành lập một "mặt trận cách mạng vững chắc" trên toàn thế giới. Hồ chỉ khiêm tốn đưa ra một kế hoạch khôn ngoan hơn và có thể áp dụng tốt tại Đông Dương. Hồ cho rằng 1) một cuộc cách mạng chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp trên danh nghĩa của chủ nghĩa quốc gia và một "chính thể dân chủ", sẽ được tiếp nối bởi 2) một cuộc cách mạng thứ hai chống lại chủ nghĩa quốc gia để tiến đến một nhà nước Xã hội Chủ nghĩa hoàn toàn.

Không bao lâu sau, Hồ đã biến mất khỏi Paris.

Một Đầu Óc Cởi Mở Đã Bị Mất.

Hồ Chí Minh đã bí mật đáp con tàu Sô Viết phủ đầy băng để đến Leningrad. "Anh đây rồi!" một phái viên Cộng sản chào đón ông, và trong suốt hai năm người Nga đã thưởng công cho ông một cách hậu hỉnh. Ở Leningrad họ đã cho ông mặc áo choàng lông, ăn thịt nướng và hút thuốc lá dài hai lóng tay. Ở Moscow họ mời Hồ, lúc ấy khoảng 30 tuổi, ngồi chung với Chủ tịch Đệ Tam Quốc tế. Để đáp lại, Hồ đã giúp người Nga thành lập trường "Đại học Lao động Đông phương," và áp dụng chương trình đào tạo theo phong cách Chu Ân Lai của Trung Quốc, xem nhân vật này như là một "nhà cách mạng chuyên nghiệp." Không còn gì nghi ngờ về lòng nhiệt tình của Hồ. "Đến một lúc nào đó người ta chấm dứt giai đoạn nghiên cứu và biến thành một con người của hành động," một người Mỹ quen biết Hồ mãi sau này giải thích. "Hồ là một người như thế. Ông đã đọc nhiều tư tưởng Pháp, Đức, Nga, và ông đã quyết định tư tưởng của mình là gì. Chủ nghĩa Cộng sản là sự chọn lựa của Hồ, và đầu óc cởi mở của ông đã không còn nữa."

Sau khi tốt nghiệp Moscow vào năm 1925, Hồ đã dấn thân vào một cuộc hành trình đầy lắt léo dài suốt 15 năm trong mạng lưới Cộng sản bí mật trên toàn thế giới. Với đầu cạo nhẵn, ông giả dạng là một vị sư Phật giáo ở Thái Lan; ông lại xuất hiện tại khu Latin ở Paris, giải thích cho hầu bàn nên làm thức ăn cho mình ra sao. Ở Quảng Đông ông làm việc cho Borodin, một điệp viên ngầm người Nga đang phá hoại Trung Quốc. Ở Singapore, Hồ tổ chức phân bộ Quốc tế Cộng sản của Đông nam Á. Và khi Quốc dân Đảng ở Đông Dương nổi dậy chống Pháp vào năm 1930, Hồ đã hành xử một cách lạnh lùng; mặc dù ông luôn đóng vai là một người Quốc gia, Hồ và những người Cộng sản của mình đã đứng yên để mặc cho những người Quốc gia bị tiêu diệt. "Lộ trình của tôi đã được vạch ra cẩn thận," Hồ Chí Minh từng thú nhận. "Anh không thể nào đi trệch hướng của mình phải không?"

Quân Áo Đen

Con người kiên nhẫn Hồ Chí Minh đã có được cơ hội của mình trong Thế chiến thứ II. Ba tháng sau khi người Đức chiếm đóng Paris, người Nhật cũng nắm quyền thống trị Đông Dương mà không bị chút đối kháng nào. Dưới mắt của người dân châu Á, việc chính phủ Vichy của Pháp đồng ý hợp tác với Nhật là một hành động nhục nhã. Với tính uyển chuyển và sáng tạo, Hồ đã dựng nên một "Mặt trận Thống nhất" bao gồm Cộng sản và Quốc gia chống đối cả người Pháp lẫn người Nhật. Hồ đặt tên cho tổ chức này là Việt Minh.

Trong những năm chiến tranh, Việt Minh đã tổ chức được một lực lượng du kích gồm 10 nghìn quân. Do chiến đấu rất tốt trong vùng rừng núi, họ được biết đến với cái tên "Quân Áo Đen." Và Hồ Chí Minh, hầu như không phải trả một giá nào, đã chiếm được một vị thế để từ đó có thể: 1) Hướng dẫn và kiềm chế những người Quốc gia, 2) Chiếm thanh thế trong nước như là tổ chức kháng Nhật duy nhất có hiệu lực ; 3) chiếm được cảm tình của Quốc Dân Đảng Trung Quốc và Hoa Kỳ vì ông đang giúp họ chống Nhật. "Tôi từng là một người Cộng sản," Hồ Chí Minh nhận định sau này, "Nhưng tôi đã không còn là con người ấy. Tôi là một thành viên của gia đình Việt Nam, không là gì khác."

Chủ Tịch Nước

Mùa thu 1945, sau khi Hiroshima và người Nhật sụp đổ, Hồ Chí Minh đã đi đến quyết định của đời mình. Bỏ ngoài tai mọi những cảnh báo liên tục của Moscow cách xa 4 nghìn dặm (Cộng sản Trung Quốc thì vẫn đang kẹt trong hang ổ của họ), Hồ nắm lấy quyền lực. "Tổng tấn công trên toàn mặt trận," Quân lệnh số 1 của Việt Minh tuyên bố, và quân đội áo đen của Hồ, đồng loạt xuất hiện từ rừng thẳm, đã tiếp quản sự đầu hàng của quân Nhật cùng vũ khí của họ. Một đại diện Pháp nhảy dù xuống để tái chiếm lại vùng thuộc địa, đã bị bắt sống không mảnh áo mặc. Nhưng chiến thắng của Hồ không hẳn là không có khó khăn.

Trong Ba Thoả thuận Lớn được ký kết tại Posdam, Quốc dân Đảng Trung Quốc đã tiếp quản Hà Nội và miền Bắc, người Anh (tức là người Pháp đi trên những chiếc tàu của Anh) đến để giải phóng Sài Gòn và miền Nam. Hồ đã phản đối. "Chân lý chính là bằng chứng của chúng ta," Hồ tuyên bố, tuyên bố nền độc lập của Việt Nam. Bắt đầu một sự lật lọng vĩ đại.

Hồ Chí Minh gửi một bộ bàn đèn thuốc phiện làm bằng vàng đến cho vị tư lệnh Quốc dân Đảng Trung Quốc và thuyết phục ông ta rằng Việt Minh là lực lượng hợp lý để canh chừng người Pháp. "Tôi yêu nước Pháp và binh lính Pháp. Chào mừng quí vị. Quí vị đều là những anh hùng," Hồ Chí Minh lại tuyên bố, và người Pháp đã cho rằng Hồ là một người hữu dụng để canh chừng Trung Quốc. "Người Mỹ là những người giải phóng của thế giới tự do," Hồ kêu gọi sự hậu thuẫn tinh thần của Hoa Kỳ, và các sĩ quan OSS đã tham gia những buổi tiệc tục với Việt Minh trong khi Hồ đối phó với những vấn đề nan giải hơn. Khó khăn nghiêm trọng thứ Nhất là thành phần Quốc gia trong hàng ngũ Việt Minh, thành phần này đang cảm thấy bất an. Từng người một, những lãnh đạo Quốc gia đều bị ám sát; Hồ lại công khai thương xót cho những hành động dã man này.

Khó khăn nghiêm trọng thứ Hai là người Pháp: họ đang có một quyết tâm mới, một sĩ diện dân tộc của Pháp nhằm xoá sạch mối nhục chiến tranh vừa qua và tái xuất hiện như một cường quốc. Vì thế, người Pháp đã rất cương quyết đối với Đông Dương: họ muốn giành lại nó. Với sự tàn nhẫn và thủ đoạn không kém Hồ, quân đội Pháp đã nhanh chóng kiểm soát miền Nam và Hà Nội cũng không thể cầm cự thêm bao lâu. Và Hồ bèn ngã giá: khi quân Pháp quay lại miền Bắc và quân Trung Quốc rút đi, Hồ đã đồng ý đưa nước "Việt Nam Dân chủ Cộng hoà" quay lại khối Liên hiệp Pháp. Người Pháp công nhận Hồ là Chủ tịch nước.

Khởi Chiến
Với đội quân danh dự và cờ phướng dàn chào, Hồ Chí Minh quay lại Paris để thương lượng chi tiết. Có bằng cớ rằng Hồ thật sự muốn có một thoả hiệp vào lúc này: Moscow đang muốn thiết lập quan hệ hữu nghị hậu chiến với Pháp, và Hồ, không có gì trong tay ngoài đội quân du kích, đang nằm trong vị thế lẻ loi nguy hiểm. Nhưng người Pháp ngày càng trở nên bướng bỉnh, và Hồ nhận thấy vị thế chinh phục của mình đang mờ nhạt dần. Hồ đã phạm phải sai lầm khi dựa trên hậu thuẫn của Cộng sản Pháp, điều này đã làm khó khăn thêm cho người Pháp trong việc thương lượng. Trong khi đó tại Đông Dương mối quan hệ Pháp - Việt Minh đang bị xấu đi: cả hai bên đang bị thiệt hại về sinh mạng.

Đến cuối năm 1946, nhiều sự kiện mang tính quyết định đã xảy ra, mở đường cho cuộc chiến. Cuộc thương thuyết ở Pháp bị thất bại và Hồ quay về lại Đông Dương. Đã cho một cuộc đụng độ bất ngờ và dữ dội tại Hải Phòng, nơi những đơn vị hải quân của Pháp cho rằng họ bị tấn công nên đã nã pháo vào thành phố. Hồ đã giảo hoạt chuẩn bị để khởi chiến. Vào ngày 15 tháng Chạp, ông chúc mừng tân Thủ tướng Pháp Leon Blum (một người bạn cũ thuộc phái Xã hội), và Bộ trưởng Nội vụ của Hồ đã bày tỏ một "mong muốn thực tâm trong việc hợp tác hữu nghị." Vào ngày 19 tháng Chạp Hồ ra lệnh cho quân đội Việt Minh bất ngờ tấn công quân Pháp và thường dân tại Hà Nội. "Chúng tôi sẵn sàng hy sinh 10 người để tiêu diệt một," Hồ, con người hiếu chiến, đã cảnh cáo người Pháp, "Cuối cùng các ông cũng sẽ bỏ cuộc mà thôi."

Trong suốt bảy năm cuộc chiến vẫn dẫm chân tại chỗ: người Pháp chiếm giữ các thành phố nhưng không thể chiếm lĩnh vùng rừng núi; Việt Minh kiểm soát vùng rừng nhưng lại không giành được thành phố. Cuộc cạnh tranh chính trị cũng không biến chuyển: người Pháp dựng lại Bảo Đại, một cựu hoàng bù nhìn của Nhật, dùng ông để khuyến khích tinh thần quốc gia của người Việt - nhưng họ đã chẳng đi đến đâu; Việt Minh cũng mất đi sự ủng hộ vì chính sách cưỡng bức lao động tàn bạo và những cuộc thanh trừng sâu rộng đối với các phần tử quốc gia. Nhưng đối với người dân Đông Dương, cuộc chiến là một nỗi khủng khiếp vô tận: khi chiến tranh chấm dứt đã có đến 2 triệu người Đông Dương không nhà. Sự chuẩn bị đầy kiên nhẫn của Hồ cuối cùng đã đem đến kết quả trong mùa xuân vừa qua, khi đã có hai cuộc tấn công nổi bật cách nhau 5 nghìn dặm: Với súng trường của Trung Quốc Đỏ và súng cối của Nga, họ đã đập tan khu phòng ngự kiên cố của Pháp tại Điện Biên Phủ; với Chu Ân Lai và Molotov, họ đã phá vỡ chính sách của phương Tây ở Geneva. Tháng vừa qua, một cảnh tượng đặc biệt chưa từng thấy trong khung cảnh lịch sử lâu đời đang mở ra của châu Á, những chiếc xe tăng của Pháp đã phải rút lui khỏi Hà Nội trước những người lính bộ binh Việt Minh mang giày vải.

"Chúng Ta Đang Chiến Thắng!" Với chiến thắng, vị thế của Hồ Chí Minh đã đạt thêm tầm cao mới tại châu Á. Những người quốc gia của nhiều nước khác, dù chống đối Chủ nghĩa Cộng sản, cũng không kềm chế được lòng tự hào đối với kỳ công của một quân đội bản xứ ở châu Á chống lại kẻ thống trị châu Âu ngày xưa. Những người Đông Dương đang khoanh tay ngồi đợi cũng đã không còn chờ đợi nữa. "Chúng ta đang chiến thắng! tại sao phải theo phe bại trận?" một phụ nữ Việt Minh hô hào thuyết phục binh lính người Việt đào ngũ. "Các người muốn con cháu nguyền rủa mình hay sao?"

Bên cạnh chiến thắng đầy phấn khích, Việt Minh còn đạt được:
  • Một đội quân chiến đấu ở địa hình rừng núi hiệu quả nhất tại Đông nam Á, đã được tuyên truyền vô cùng kỹ lưỡng đến nỗi mỗi trung đội đều có tổ đảng, và chính trị viên thảo luận chính trị với thương binh tại các bệnh viện.
  • Một vị tướng tài giỏi nhất Đông nam Á là Võ Nguyên Giáp, 42 tuổi, từng là sinh viên luật hàng đầu khi ông còn học tại Đại học Hà Nội, học viên của các trường quân sự Trung Quốc. Là một thành viên Cộng sản từ những năm cuối 30, đôi khi tính khí thất thường và cần được các quan chức của đảng theo dõi nhưng lòng căm thù người Pháp của ông thì luôn rõ ràng: người vợ đầu của ông bị vào tù vì đã gọi là cờ Tam Tài là "cờ của lũ chó", bà đã chết trong tù vì bệnh thương hàn.
  • Một tổ chức chính trị vững chắc. Hồ Chí Minh đã phá tan thành phần Quốc gia trong hàng ngũ Việt Minh, và ông là người lãnh đạo được tin tưởng trong Bộ Chính trị của Việt Minh.
  • Thành viên của đế chế Cộng sản và người hướng dẫn lão luyện. Sĩ quan và hàng tiếp viện của Trung Quốc Đỏ tràn ngập Hà Nội. Bảy trong số mười một người lãnh đạo hàng đầu của Việt Minh được đào tạo tại Moscow. Theo tài liệu đáng tin cậy nhất, Hồ Chí Minh được phép báo cáo trực tiếp với Moscow mà không phải qua Bắc Kinh.
Và Việt Minh, không như đối thủ phương Tây của mình, đã không hề có một mục đích mơ hồ. "Đảng nhìn nhận rằng cuộc cách mạng ở Việt Nam là một bộ phận của cuộc cách mạng thế giới do Liên Sô lãnh đạo," Việt Minh tuyên bố.

Đặc Quyền & Hiện Diện
Miền nam Việt Nam ngược lại vẫn còn năm trong khối Liên hiệp Pháp, đang bị thoái hoá và chia rẽ. Bảo Đại, vị Quốc trưởng đẫy đà, đang sống tại Pháp với những tình nhân và những chiếc xe hiệu Ferrari và Jaguar XK 120. Vị Thủ tướng của Bảo Đại ở Sài Gòn là Ngô Đình Diệm, 53 tuổi, là một người yêu nước thuần thành nhưng lại là một nhà lãnh đạo yếu kém, ông hầu như đang bị giam lỏng trong dinh thự của mình bởi những tướng tá người Việt đang muốn tự chiếm lấy quyền lực. Tại rất nhiều làng mạc nếu không có quân Việt Minh thâm nhập kiểm soát* thì cũng bị những giáo phái hoặc băng đảng chiếm giữ với quân đội riêng.

Người Pháp thực dân cũng góp phần vào sự hỗn loạn này. Một số vì muốn giữ lại những đặc quyền tại những vùng cao su trù mật ở miền Nam nên đang khuyến khích các tướng lĩnh người Việt âm mưu chống lại Diệm; những người Pháp khác lại muốn thay thế Diệm với Bửu Hội, 39 tuổi, một người cánh tả và chuyên gia về bệnh phong đã không sống tại Đông Dương trên 20 năm qua. Ở miền Bắc Cộng sản, một phái bộ Pháp gồm 20 người đang hy vọng giữ vững sự "Hiện diện của người Pháp" và để giao thương tại đất nước của Việt Minh; họ còn thảo luận về việc người Pháp sẽ giúp dựng lại tuyến đường hoả xa chiến lược và quan yếu từ Hà Nội đi Lạng Sơn đến vùng biên giới của Trung Quốc Đỏ.

Tại Sài Gòn, người Pháp đã trở nên thờ ơ. "Dĩ nhiên là đất nước này đã mất," một phóng viên người Pháp nói. Một số khác thì chua xót. "Bọn người này không hề biết ơn và thấu hiểu những gì chúng ta đã làm cho họ," Một phụ nữ Pháp ngồi trên sân thượng uống nước chanh nói. Đặc phái viên Pháp, tướng Paul Ely vẫn hết lòng làm việc với Hoa Kỳ để chấn chỉnh lại Nam Việt Nam, nhưng những người khác thì không. Một người Mỹ than phiền: "Họ đối xử với Đông Dương như một gã đàn ông Pháp đối xử với cô tình nhân mà mình không còn yêu thương nữa. Anh ta không cần nàng nữa, nhưng lại bực bội khi thấy người khác để ý đến."

Nút Nằm trong Lọ

Rõ ràng là Hoa Kỳ đã quan tâm quá chậm trễ. Vào những ngày cuối của Thế chiến Thứ II, Tổng thống Roosevelt đã lên án "quá khứ kinh hoàng" của chủ nghĩa thực dân Pháp, và Hoa Kỳ sau đấy đã đặt điều kiện rằng viện trợ của họ cho Pháp sẽ không được dùng vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Người Mỹ đã mất một thời gian lâu mới vỡ lẽ rằng người Pháp, dù mang những tội lỗi thực dân, đang chiến đấu chống lại một kẻ thù dù luôn mang danh nghĩa chống thuộc địa, thật ra lại là một người Cộng sản kiên quyết. Đến lúc ấy thì đã quá muộn. "Chúng ta lâm vào tình trạng của cái nút chai nằm trong lọ" Tổng thống Eisenhower nói. Về vấn đề Đông Dương, Phó Tổng thống Nixon nói, trong tiếng vọng ảm đạm của Điện Biên Phủ: "Để tránh việc Cộng sản lan rộng ở châu Á, chúng ta phải mạo hiểm và đưa quân vào, tôi cho rằng ngành hành pháp phải... làm việc này." Nhưng mặc dù Hoa Kỳ đã tiêu tốn khoảng 800 triệu đô-la một năm tại Đông Dương cho đến khi cuộc chiến chấm dứt, họ đã đứng ngoài việc phải cầm súng.

Giờ đây Hoa Kỳ lại nhúng tay vào. Tuần trước Tổng thống Eisenhower đã phái Tướng J.Lawton Collins, cựu Tư lệnh Lục quân, sang Nam Việt Nam để xem xét tình hình. "Joe Sấm sét" Collins đã lạc vào một nơi đầy rẫy những mưu mô, cay đắng và tuyệt vọng. Vai trò của ông thật khó khăn. Ông không thể tự ra lệnh mà chỉ có thể đề xuất, gây áp lực và thuyết phục. Các quan chức Hoa Kỳ ở đây muốn người Pháp rút phái bộ của họ ra khỏi Hà Nội và chấm dứt quan hệ với Hồ Chí Minh, muốn các tướng lĩnh để yên cho Diệm và hoàn toàn dẹp bỏ Bảo Đại. Chỉ có như vậy thì Diệm mới có thể giải quyết những khó khăn căn bản của Nam Việt Nam: nhanh chóng cải cách điền địa, củng cố quân đội và tái lập lòng tin.

Bản thân Hoa Kỳ cũng mang đầy hoài nghi: Lầu Năm góc không muốn bị sa lầy tại vùng đất châu Á này; Bộ Ngoại giao thì không sẵn sàng dùng uy thế của Hoa Kỳ để nhúng tay quá sâu vào Nam Việt Nam nếu mục tiêu đã không còn nữa. Theo điều kiện của hiệp ước Geneva, tất cả các cuộc bầu cử tại Việt Nam dự định sẽ tiến hành trong năm 1956, và người đắc cử sẽ nắm giữ toàn bộ đất nước. Cho đến hôm nay, người chiến thắng ấy là Hồ Chí Minh. Miền Bắc Cộng sản, dưới thể chế độc tài, sẽ dễ dàng chiếm đa số phiếu hơn một miền Nam đang đổ vỡ vì loạn lạc.

Những Người Dân trên Doi Cát

Tuần trước tại Hà Nội, trong dịp kỷ niệm 37 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh tuyên bố: "Ngày nay phương Đông chúng ta với hơn phân nửa dân số thế giới đang cùng Liên Sô tham gia cuộc chiến đấu... Đây là lực lượng vô cùng dũng mãnh và ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn." Nhưng chính từ miền Bắc Việt Nam, kể từ sau hội nghị Geneva, đã có khoảng 450 nghìn người Việt chạy trốn khỏi những khe hở trong khối đá tảng của chính quyền Việt Minh mới, từ bỏ chế độ độc tài trong sạch của Bác Hồ để tìm đến nền tự do của miền Nam hỗn loạn. Lý do của làn sóng người tị nạn này là Việt Minh đã tàn phá những phong tục và quan hệ của quá khứ, nhổ toẹt lên giá trị gia đình và tôn giáo.

Trên những chiếc bè thô sơ, thuyền tam bản hoặc những tàu chiến phương Tây, với những gì còn lại trong cuộc sống quí báu trước đây được gói trọn trong những bao vải, những người tị nạn tiến về phía nam - thừa hiểu rằng việc ra đi của họ cũng chính là bản án tử hình nếu bị Bác Hồ bắt được. Tuần trước đã có vài nghìn dân tị nạn vượt khỏi lãnh thổ của Cộng sản và bị kẹt tại những doi cát ngoài bờ biển Bắc Việt Nam. Trước mặt họ là biển cả. Phía sau họ là mảnh đất Cộng sản với niềm vui khiên cưỡng. Những người gan dạ và mạnh khoẻ hơn đã leo lên những chiếc thuyền mỏng manh để vượt 3 dặm ra khỏi hải phận, nơi có những mẫu hạm của Pháp đang đợi để kéo họ lên và đưa họ đến miền tự do. Nhưng những người còn lại thì có lẽ bị vắn số hơn. Việt Minh đã lạnh lùng cho biết rằng bất cứ chiếc tàu nào vượt qua lằn ranh 3 dặm để cứu những người tị nạn sẽ bị bắn. Trên miền đất châu Á của con người chiến thắng Hồ Chí Minh và anh cả Mao, vẫn còn hàng triệu người bị dạt trên những cồn cát hoang vắng: việc cứu vớt, nếu còn thời gian và lý do để cứu vớt những người châu Á chậm trễ này, sẽ cần đến sức mạnh, lòng nhân đạo và một ý chí sắt thép.

Chú thích

* Không thật sự rõ tên và tuổi thật của Hồ. Ông sinh ra là Nguyễn Tất Thành, hoặc Nguyễn Sinh Huy, hoặc Nguyễn Văn Thành vào năm 1890, 1892 hoặc 1894, là con trai của một vị quan địa phương nghèo nhưng học cao, cha ông bị mất việc vì chống lại người Pháp. Trong suốt 20 năm, Hồ được biết như Nguyễn Ái Quốc. Cái tên Hồ Chí Minh là tên cuối cùng trong hàng loạt bí danh; được dùng trong thời gian Thế chiến thứ II.

* Ở miền Nam, cho đến nay Việt Minh đã cố tình thực hiện hiệp định một cách đúng đắn; họ còn phô trương việc đưa hàng trăm quân của mình quay về miền Bắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét