11/7/10

Con tàu Vinashin chìm và những nỗi kinh hoàng của dân tộc Việt Nam

Trực Ngôn
Con tàu Vinashin đang chìm xuống với món nợ 4,5 tỷ đô la! Những người nông dân đang cấy lúa bỗng quỵ xuống cánh đồng lầy lội, oi nóng đến ngạt thở khóc rống lên. Những công nhân trong các hầm mỏ úp mặt vào tầng vỉa nức nở. Nước mắt những ngư dân ngày đêm lênh đênh trên biển đánh bắt cá tuôn chảy. Những người thợ may xuất khẩu bị kim khâu đâm vào mười ngón tay chảy máu đầm đìa…

Ai đã bảo vệ sự suy đồi?
Chủ tịch tỉnh, một đảng viên… là một người đã từng mua dâm, đã từng đưa gái mại dâm về Hà Nội khi đi công tác và cùng nhau trên một chiếc giường. Chuyện một quan chức có lối sống như vậy thế giới đã từng có. Nhưng ở Việt Nam nỗi ê chề và nhục nhã này đối với người dân tăng gấp nghìn lần. Vì sao cùng một hành động có cùng bản chất mà ảnh hưởng và sự thất vọng ê chề của người dân lại gấp nhiều lần như thế???
Không! Tôi cương quyết không trả lời câu hỏi này. Không ít người được hỏi cũng không chịu trả lời câu hỏi này. Vì sao vậy? Vì trong họ đang mang một sự khinh bỉ vô tận với những kẻ luôn luôn rao rảng đạo đức và bắt người khác phải sống thế này, nói thế kia nhưng lại sống phi đạo đức nhất. Đôi khi vì khinh bỉ quá mà họ không thèm nói cho dù một câu hoặc không thể thốt lên lời.
Không chỉ ông Chủ tịch Hà Giang thấy nhục mà biết bao người dân thấy nhục và đắng cay. Vì sao vậy? Vì đó là nhân cách của một dân tộc. Một người Việt Nam vô danh sống ở nước ngoài cướp của giết người cũng làm cho dân tộc anh ta hổ nhục nói chi đến một lãnh đạo cao cấp…
Trong khi nỗi hổ nhục đang lan vào nhiều gia đình như một cơn bệnh dịch thì người dân lại phải đối mặt với một câu hỏi cho chính họ: vì sao những người biết được lối sống suy đồi của ông Chủ tịch Hà Giang như Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Minh Nhất và chắc là cả Tỉnh uỷ nữa mà lại chỉ yêu cầu một đảng viên, một cán bộ cao cấp như thế “nghiêm khắc rút kinh nghiệm” khi ông Chủ tịch mắc một lỗi nghiêm trọng đến nhường ấy?
Ha… ha… ha… Thiên hạ này đã chán cái trò rút kinh nghiệm trong quản lý cán bộ lắm rồi.
Làm thiệt hại tài sản của nhà nước: rút kinh nghiệm!
Kéo bè kéo cánh gây mất đoàn kết nội bộ: rút kinh nghiệm!
Tham ô tham nhũng: rút kinh nghiệm!
Mua quan bán chức: rút kinh nghiệm!
Bằng rởm, hồ sơ sửa chữa: rút kinh nghiệm!
“Đầy tớ” đấm dân: rút kinh nghiệm!
Và đến bây giờ Chủ tịch tỉnh “nuy” với gái mại dâm trên giường: rút kinh nghiệm!
Quản lý cán bộ bằng chính sách “rút kinh nghiệm” chính là thuốc khích thích làm tăng trưởng với một tốc độ kinh hoàng “sự hư hỏng” của cán bộ, đảng viên. Trong cái hành xử “rút kinh nghiệm” chứa đựng cả lợi ích của những người có trách nhiệm xử lý cán bộ cấp dưới (hoặc cả cấp trên) của mình. Đấy còn là sự bao che cho những hành vi suy đồi.
Và mới hôm qua thôi, dư luận lại được biết hai học học sinh bán dâm sau một thời gian “lùng nhùng” đầy bí ẩn bỗng chấp nhận không mời luật sư bào chữa. Vì sao vậy các em? Ai đã doạ nạt các em? Vì sao vậy các ngài? Những người nắm giữ luật pháp của đất nước?
Thưa các ngài rằng: người dân biết tỏng vì sao hai em học sinh kia đột nhiên lại không chấp nhận luật sư bào chữa trong khi gia đình họ cầu mong có luật sư bào chữa. Mà đúng lý, đúng lương tâm, người ta còn phải đấu tranh để hai em học sinh như con cháu mình có được luật sư bào chữa nếu chính các em và gia đình họ chối từ. Đấy mới là công lý, đấy mới là nhân tính.
Chỉ với những hành vi như thế, người dân đã biết bản chất sự việc là cái gì. Và khi biết điều đó, liệu người dân còn chút nào lòng tin vào sự công bằng nữa không? Than ôi, than ôi!!!
Chỉ mới mấy ngày thôi, những thông tin về vụ mua dâm học sinh trở lại giống như những cú đấm liên tiếp vào “gương mặt nhân bản” của người dân. Người dân đang phải chịu nạn tắc đường, chịu cảnh nóng như giặc lửa, chịu cảnh cắt điện đầy ngẫu hứng, chịu phí bệnh viện và giá thuốc cắt cổ…Thế mà người dân vẫn chịu đựng được. Nhưng liệu người dân có chịu đựng được những cú đấm vào tinh thần và lòng tự trọng của họ được không?
Nhưng xin thưa dân chúng đừng quá tuyệt vọng và đừng gục ngã. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc và đã có thái độ kiên quyết đối với vụ mua dâm học sinh ở Hà Giang. Sự thật sẽ phải được đưa ra ánh sáng cho dù có thể không là tất cả.

Vụ đắm tàu Titanic Việt Nam

Ai cũng biết rằng: sự tham ô, tham nhũng, hoang phí, vô trách nhiệm… ít khi xảy ra đối với một tập đoàn kinh tế tư nhân. Bởi mọi tài sản và sự sống còn của tập đoàn là tài sản và sự sống còn của những cá nhân chịu trách nhiệm tập đoàn đó.
Còn đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước hiện nay và như trước kia là các công trường, nhà máy, xí nghiệp… khi giao quyền quản lý cho cán bộ của mình thường đứng trước nguy cơ bị những cán bộ quản lý đó lợi dụng và vơ vét cho cá nhân mình. Bởi thế mà có không ít các tập đoàn kinh tế Nhà nước càng ngày càng suy kiệt nhưng các cá nhân là lãnh đạo những tập đoàn đó càng ngày càng béo tốt.
Vinashin – Tập đoàn kinh tế siêu hùng. Vinashin – Anh cả đỏ trong nền kinh tế đầu tàu Việt Nam… đã trở thành Titanic Việt Nam thế kỷ 21. Con tầu huyền thoại (hay hão huyền?) của nền kinh tế Việt Nam đang từ từ chìm xuống kéo theo số phận của hơn 80.000 tỷ đồng nợ nần.
Trong những ngày tháng này, cái tên Vinashin đang vang lên như một nỗi khiếp sợ với người dân. Những người nông dân đang cấy lúa bỗng quỵ xuống cánh đồng lầy lội và oi nóng đến ngạt thở và khóc rống lên, những công nhân trong các hầm mỏ úp mặt vào tầng vỉa nức nở tưởng không bao giờ dứt, nước mắt những ngư dân ngày đêm lênh đênh trên biển đánh bắt cá bắt đầu tuôn chảy làm nước biển dâng cao hơn, những người thợ may xuất khẩu bị kim khâu đâm vào mười ngón tay chảy máu đầm đìa…
Họ như chết đứng bởi họ biết rằng con cháu họ sẽ cấy lúa trồng khoai, đánh bắt từng con tôm con cá, may từng cái quần soọc, bán từng kg than..có thể trong hàng trăm năm nữa để mà góp phần trả nợ cho những cái tên như Vinashin.
Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) Phạm Thanh Bình đã trở thành một ông vua. Ông toàn quyền trong nhiều quyết định. Chỉ riêng việc bổ nhiệm con trai ông làm đủ thứ chức vụ khi mới 27 tuổi mà không cần xin ý kiến của tập thể lãnh đạo  hay Thường vụ Đảng uỷ tập đoàn thì chúng ta mới thấy sự lộng quyền thời nay của không ít cán bộ có quyền chức ghê gớm và ngang ngược như thế nào.
Ai đã cho ông cái quyền ấy? Khi mà ở nước ta, Chi uỷ, Đảng uỷ, Ban giám đốc hay ban Lãnh đạo của một cơ quan Nhà nước luôn luôn là một chỗ dựa vững chắc và cũng là người giám sát những cửa quyền, những độc quyền, những tư lợi…
Thế mà ông Phạm Thanh Bình cứ làm như ở chốn không người cho đến khi dư luận lên tiếng. Ai đã cho ông cái quyền lớn như vậy? Nếu không là một ai đó cụ thể thì chính Ban Giám đốc và Đảng uỷ nơi ông đang tuỳ tiện hơn cả mọi tự do quyết định đánh đắm con tàu kinh tế Titanic Việt Nam phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Một tờ báo viết: Theo thông báo của Uỷ ban Kiểm tra trung ương (UBKTTƯ), vi phạm của ông Phạm Thanh Bình đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật. Có thật đây là một thông báo chính xác không? Nếu đúng là thông báo của UBKT TƯ thì người dân lại bị hoang mang.
Vì sao lại hoang mang? Vì một người sai phạm như thế và có nguy cơ đốt 80.000 tỉ thành tro bụi sao lại dùng chữ “đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật”? Trong khi đó, phải dùng chữ “phải bị truy tố” mới đúng chứ. Một kẻ lừa đảo chiếm đoạt vốn của người khác mấy trăm triệu hay mấy tỉ còn bị truy tố huống hồ là 80.000 tỉ.
Hay bởi 80.000 tỉ này là tiền CHÙA đây? Mà việc tiêu tiền CHÙA cũng đã và đang là một dịch nạn ở Việt Nam từ lâu lắm rồi. Xin thưa số tiền đó có một phần tiền của cá nhân tôi đóng thuế đấy cho dù nó chỉ là một đồng.
Nhân dân xin những con “sâu” đừng bò lên cao nữa…

Con sâu mập Kim Cúc
Báo “Người Lao Động” ra ngày 5 tháng 7 viết:  Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tiền Giang đã có cuộc họp kiểm điểm việc Bí thư Tỉnh uỷ Trần Thị Kim Cúc bị tố cáo có nhiều sai phạm. Tại cuộc họp, nhiều cán bộ Thường vụ đã thống nhất 4/5 vấn đề tố cáo bà Cúc là có cơ sở.
Theo đó, bà Cúc đã bị tố cáo có chủ trương cho UBND tỉnh bán hết Công ty CP Du lịch Tiền Giang cho gia đình ông Hoàng Kiều; ưu ái nhà đầu tư ở KCN Tân Hương một cách kỳ lạ bằng cách “biếu” không cho Công ty Nhựt Thành Tân 77,5 tỉ đồng mà chưa thông qua HĐND tỉnh… Ngoài ra, bà Cúc còn có người con nuôi là cán bộ ngân hàng có hành vi giật nợ hàng tỉ đồng và có dấu hiệu vi phạm hình sự trong việc tham ô tài sản.
Nhiều người dân rất chân thành nhưng cũng rất ngờ nghệch và tội nghiệp mà tôi từng là một người trong số họ. Trước kia họ cứ băn khoăn không biết làm sao mà nhiều quan chức giàu có thế. Một thời nhân dân đã mạnh dạn công khai xin đồng chí Giám đốc này, đồng chí Chủ tịch kia, đồng chí Bí thư nọ… hãy mau mau cứu dân bằng cách dạy cho dân cách làm giàu. Vì chỉ sau một khoá tại vị, các đồng chí ấy có cơ man đất đai, nhà cửa, tiền bạc…
Người dân rất hoan nghênh tinh thần trách nhiệm và sự dũng cảm của Ban thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Tiền Giang bởi một lý do rất đơn giản. Đó là họ đã dám lên tiếng đấu tranh sự sai trái của một Bí thư. Nghĩa là họ đấu tranh với chính người lãnh đạo mình. Bởi người dân vẫn nghĩ lâu nay có cho vàng cho bạc thì cấp dưới cũng chẳng dám đấu tranh với cấp trên cho dù biết cấp trên sai phạm rõ ràng. Vì đấu tranh với cấp trên thì “tránh đâu” và cuộc đời sự nghiệp của không ít người đã từng đấu tranh phải chấm dứt một cách thê thảm từ khi còn trẻ.
Sự dũng cảm của một Tỉnh uỷ nói thực ra vui thì ít mà buồn thì nhiều vì hành động đáng lẽ bình thường lại trở nên hiếm hoi giữa thời buổi này. Nhưng dù thế nào thì cũng cho thấy có một sự chuyển biến dẫu chỉ bằng hạt cát trên sa mạc cát trong cuộc đấu tranh làm trong sạch cán bộ. Nhưng qua những vụ việc như của ông Chủ tịch Tô quyền to hơn cả những dãy núi Hà Giang và bà Bí thư Cúc uy lực rộng hơn cả vùng biển Tiền Giang.. mới thấy sự tha hoá của cán bộ đang bò ngược lên.
Trực Ngôn nói thế không biết có đúng không? Nhưng Trực Ngôn tôi dựa vào biểu đồ các quan chức của chúng ta phạm tội bị đưa ra công luận. Trước kia chỉ có chủ tịch xã, rồi đến chủ tịch huyện lộng hành, ức hiếp dân, tham ô tham nhũng… còn bây giờ đã đến cỡ Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh rồi. Nguy lớn rồi.
Dẫu vẫn biết đó chỉ là những con sâu BỰ bỏ rầu nồi canh nhưng nhân dân vẫn ngày đêm cầu xin những con sâu ấy đừng bò lên cao nữa và lên cao nữa…
Nó mà lên cao nữa thì… than ôi…

Một cảnh tượng đau lòng ở Hà Nội

Có một ngày ở Trường Mầm Non B, quận Tây Hồ, người ta đã phải chứng kiến một cảnh tượng thật đau lòng mà không hiểu được vì sao.
             Xếp hàng ở Trường Mầm Non - Ảnh: CAND
Đó là cảnh hàng trăm phụ huynh già có trẻ có cầm đơn xin học cho con cháu mình vọt lao lên phía trước như những vận động viên chạy 100 mét trên đường đua khi có súng hiệu.
Không. Sự ví von này thật nhạt nhẽo, thật vô tâm. Có lẽ phải ví hàng trăm phụ huynh như những con người đang nhoài về phía trước như những người đang bị sóng biển đánh chìm với hy vọng mong manh để bíu được mạn thuyền mong thoát chết.
Vậy những phụ huynh kia đang phải chống chọi với điều gì mà khủng khiếp vậy? Họ đang chống chọi với việc con cháu họ có nguy cơ bị loại khỏi danh sách nhập học.
Xin thưa, đấy chỉ là một trường mầm non chứ không phải là một trường đại học. Có lẽ vì chúng ta đã và đang mải mê nói và chắc còn mải mê nữa về những điều rất là to tát cho một tương lai xa xôi với một trí tưởng tượng ghê gớm trong khi đó chúng ta không xây đủ những trường mầm non tốt cho những đứa trẻ để những ông bà, những cha mẹ phải săn lùng và có lúc như là tranh cướp cho con cháu họ một chỗ trong cái lớp học kia.
Hình ảnh nhân văn của một quốc gia hay nói rộng hơn đó chính là những gì mà Chính quyền sở tại làm cho những đứa trẻ và những người già. Một quốc gia mà người lớn phải tranh giành lớp học cho con cháu mình và những đứa trẻ phải đu dây qua sông đi học thì là một quốc gia như thế nào khi quốc gia đó có thể để cho một ông Chủ tịch Hội đồng quản trị một tập đoàn dễ dàng tiêu huỷ đi cả 80.000 tỉ đồng?
Nhân cách của người lớn chúng ta trước cuộc sống hiện tại và tương lai của con cháu chúng ta là thế đấy.■