21/7/10

Mở lại hồ sơ vụ án Nhân Văn Giai Phẩm (phần 1)

2007-09-10
Ngày này đúng 50 năm trước, Bán nguyệt san Nhân Văn số 1 ra mắt tại thủ đô Hà nội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, mở đầu cho giai đoạn hai của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
Hình bìa cuốn Giai phẩm Mùa Thu. Trích sách Trăm Hoa Đua Nở trên 
Đất Bắc.
Hình bìa cuốn Giai phẩm Mùa Thu. Trích sách Trăm Hoa Đua Nở trên Đất Bắc.
Tấm lòng muốn đổi mới, đòi trả văn nghệ lại cho văn nghệ sĩ của những người chủ trương đã chuyển hoá thành sự náo nức của người dân thành thị đón chào một luồng gíó mới đầy hứng khởi, và khơi dậy niềm khát khao dân chủ tự do nơi không ít thành phần trí thức.
Phong trào bùng phát mạnh mẽ, nhưng chỉ sau ba tháng đã bị dập tắt và phong trào Nhân Văn Giai Phẩm trở thành vụ án Nhân Văn Giai Phẩm bởi tất cả những ai liên hệ sau đó đều chìm vào cơn ác mộng đoạ đầy suốt mấy chục năm. Ban Việt ngữ nhân dịp này mở lại bộ hồ sơ đầy oan khuất này bằng một loạt 10 bài do Nguyễn An thực hiện. Mời quý thính giả nghe bài thứ nhất do Thy Nga trình bày.

Một kỷ lục

Báo Nhân văn và các ấn bản Giai Phẩm có mặt tại miền Bắc Việt nam, lúc bấy giờ là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đúng 50 năm trước.
Nhân Văn là một bán nguyệt san xuất bản tại Hà nội, và sống vỏn vẹn chưa đến ba tháng với năm số báo, tính từ số 1 ra ngày 15 tháng 9 năm 1956 và số sáu chưa in xong thì báo bị đóng cửa ngày 15 tháng chạp cùng năm.
Trước đó, vào tháng hai năm 1956, đã xuất hiện Giai Phẩm Mùa Xuân, nhưng ấn bản này bị tịch thu ngay. Cuối tháng tám, xuất hiện Giai Phẩm mùa Thu, 10 ngày sau tái bản Giai Phẩm Mùa Xuân, rồi cuối tháng 10, lại có Giai phẩm Mùa Thu tập 2. Qua tháng 11 thì có Giai Phẩm Mùa Thu tập 3 và đến tháng 12 là Giai Phẩm Mùa Đông.
Phải nói thêm một tờ báo nữa xuất hiện đồng thời với Giai phẩm Mùa Thu tập 2, nhưng do giới sinh viên đại học thực hiện, và chỉ ra được đúng một số duy nhất, là tờ Đất Mới, và môt tờ báo khác cũng nương theo phong trào Nhân Văn Giai Phẩm mà mạnh dạn ăn nói là tờ Trăm Hoa của nhà thơ Nguyễn Binh.
Tính theo thời gian, thì tuổi thọ của Nhân Văn Giai Phẩm chưa đầy một năm. Nói chính xác là chỉ có hơn 10 tháng, kể từ lúc xuất hiện Giai Phẩm Mùa Xuân cho đến lúc báo Nhân Văn bị đóng cửa. Tính theo số ấn phẩm, thì chỉ có 10, gồm 5 Giai Phẩm và 5 số báo Nhân Văn.
Tuy nhiên, Nhân Văn Giai Phẩm đã ghi lại những kỷ lục mà cho đến nay, với 61 năm lịch sử của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chưa có một diễn biến nào vượt qua được. Riêng nhà văn Hoàng Tiến trong bài viết gần cuối thế kỷ 20 đã gọi đây là một “vụ án văn học, có thể nói là kinh thiên động địa, chưa bao giờ xẩy ra ở Việt Nam với tầm vóc quy mô như thế.”

Tác động mạnh mẽ đến xã hội

Nhân Văn Giai Phẩm thường được nói đến như một phong trào, nhưng nếu coi đó là một phong trào, thì phải nói là thiếu tổ chức, thiếu lãnh đạo, và thiếu cả phương tiện.
Mặc dù thế, Nhân Văn Giai Phẩm đã tác động mạnh mẽ đến xã hội đến nỗi ngày đầu tiên phát hành báo Nhân Văn tại Hà nội đã là một ngày hội của quần chúng, như lời nhà thơ Lê Đạt, một trong những người chủ trương kể lại, trong cụôc phỏng vấn do nhà nghiên cứu Thụy Khuê thực hiện tại Paris năm 1999 cho tạp chí Văn học của đài RFI như sau:
"Ðời tôi thì chưa bao giờ tôi thấy một tờ báo mà được hoan nghênh như thế. Tức là khi số 1 Nhân Văn, từ nhà in Xuân Thu ra đến Nhà Hát Lớn, vào khoảng độ gần 2 cây số, thì có khi người bán báo phải đi đi về về đến 10 lần để lấy báo tại vì hết ngay và người ta chen ra đường người ta mua, thậm chí người ta đưa tiền ra mà không ai lấy tiền trả lại cả!
Lúc đó tôi đứng đấy tôi nhìn thì tôi mới thấy Lenin nói rất đúng là "cách mạng là ngày hội của quần chúng", không biết ngày hội nó có kéo dài nhiều không nhưng đúng là ngày hội của quần chúng thật, tức là: không thể đi được! Bản thân tôi, tôi cũng không đi được. Cứ ra là người ta lấy hết báo, lại vào lại và cứ liên tục như thế mà chẳng quảng cáo gì cả. Số báo Nhân Văn ấy thì sau khi nó ra rồi mà đi đâu tôi cũng thấy người ta nhắc lại mấy câu thơ của tôi, tức là:

                                                "Đem bục công an đặt giữa trái tim người
                                                 Bắt tình cảm ngược xuôi theo đúng luật đi đường nhà nước.”


Nhất là sinh viên thì ủng hộ rất nhiều. Tờ báo Nhân Văn lập tức phải in lại, in lại sau có một hai ngày gì đó."

Bị tiêu diệt, đầy đoạ.

Đáp lại, nhà nước Cộng sản tại miền Bắc thời bấy giờ đã huy động toàn bộ lực lượng để đối phó, nói thẳng ra là để tiêu diệt. Người trực tiếp đứng ra thực hiện chiến dịch này là nhà thơ Tố Hữu, lúc ấy là trưởng ban Tuyên Huấn trung ương của đảng. Không có ai bị lãnh án tử hình theo nghĩa là đem ra pháp trường bắn, nhưng tất cả những ai liên quan đến Nhân Văn Giai Phẩm đều bị đầy đọa. Đầy đoạ nhiều ít tuỳ theo mức độ liên quan.
Người liên quan nhiều thì bị đầy đọa nhiều, ít thì bị đầy đọa ít. Nhiều có nghĩa là bị đưa ra toà kết án tù, bị khóa sổ sáng tác, bị gạt ra ngoài lề mọi sinh họat văn học nghệ thuật và bị bao vây kinh tế - nghĩa là đói, còn ít thì bị đưa đi lao động cải tạo, gọi là để xâm nhập thực tế, rồi cho sống lay lất, và cũng bị gạt ra khỏi sinh họat văn học nghệ thuật, còn nếu chỉ đụng đến nhưng thật nhẹ, như là từng đọc qua một hai bài, từng phát biểu một ý kiến không tích cực chống, thì lý lịch cũng bị coi là có tì vết và ảnh huởng suốt đời.
Số người nằm trong trường hợp này không phải là ít, nhưng không rõ là bao nhiêu. Mời quý thính giả nghe nhà thơ Lê Đạt nói về chuyện này như sau, cũng trong một cụôc phỏng vấn do nhà nghiên cứu Thuỵ Khuê thực hiện năm 1999:
"Không thể đếm xuể được tại vì những người người ta ủng hộ như là sinh viên đều là những phần tử ưu tú cả, hay là những cán bộ (thì) người ta cũng khao khát một nền dân chủ, nghĩa là chỉ cần có một tờ Nhân Văn, đọc một tờ Nhân Văn hay là gửi tiền đến Nhân Văn thì sau khi Nhân Văn bị đánh rồi thì người đó coi như bị vào sổ đen hết. Có thể là anh phải chuyển công tác, có thể anh phải đi lao động, tôi đã gặp rất nhiều sinh viên, những cô sinh viên trẻ phải đi lao động rất lâu năm vì đã đọc Nhân Văn, thì cái số người ấy tôi không đếm xuể được.
Chính bây giờ tôi cũng tự hỏi đấy: "Không biết là mình đối với họ mình có tội gì không?" Lẽ dĩ nhiên là trong một cuộc đấu tranh cho cái mới thì chúng ta mỗi người phải chịu một ít. Nhưng họ, đúng là họ không có ý thức gì cả, họ chỉ ham muốn, ham muốn thì không có gì sai lầm cả. Đọc một tờ báo, gửi một cái viện trợ... mà sau này nó kéo, có khi nó kéo cả một đời họ, mà tôi không đếm xuể được.
Mà ở Việt Nam thì không có gì nó rõ ràng cả. Cái chữ nó rất "neutre" rồi mà lại rất gay go, người ta gọi là liên quan. Liên quan là dính líu đấy thôi. Nhưng mà anh đã liên quan là anh gay go lắm. Liên quan với Nhân Văn, liên quan với địa chủ, liên quan với tư sản... thì tất cả những người này cũng là một thứ liên quan mới; liên quan với Nhân Văn là khổ lắm, nhất là lớp sinh viên trẻ, đi lao động, đi cải tạo, khổ lắm.  Mà có phải chỉ Hà Nội đâu, ở những các nơi, các tỉnh đều có người ủng hộ cả, thì những người đó mình không bao giờ biết thân phận họ cả."

Một vụ án kỳ quặc

Vì có người bị tù tội, bị trừng phạt, nên Nhân Văn Giai Phẩm còn là một vụ án. Chỉ có trên dưới một chục người bị lãnh án, và không một ai bị nêu tội danh là Nhân Văn Giai Phẩm, cả mặc dù ai cũng biết đó là lý do đích thực.
Còn lại hầu hết không bị tuyên án chính thức, không bị bỏ tù, nhưng bị đưa đi lao động cải tạo tại các công nông trường. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sau này nhớ lại, trong cuộc chuyện trò với một phái viên của RFA:
"Năm 1958, cụ thể là như thế. Chúng tôi 5 người phải đi thực tế ở Điện Biên Phủ lâu dài. Thế thì 5 người đó là những ai? Thứ nhất là Nguyễn Huy Tưởng, bí thư đảng đoàn Hội Nhà Văn. Thứ hai là Hùynh văn Đứng phụ trách về Hội Mỹ Thuật, là đại biểu quốc hội. Thứ ba là nhà văn Nguyễn Tuân, phó chủ tịch Hội Nhà Văn. Thứ tư là Văn Cao.
Thứ năm là tôi. Thế thì khi đưa chúng tôi lên giưới thiệu cho ông Chu Huy Mân, Quân Khu Trưởng Quân Khu Tây-Bắc, thì ông Chu Huy Mân rất niềm nở và rất điệu, mở thư của Trung Ương ra cho chúng tôi xem, thì trong ấy vẻn vẹn có mấy câu thôi: Đây là năm người lãnh đạo có vấn đề, mong anh hết sức quan tâm. Ký tên: Lành (tức là ông Tố Hữu).
Thế thôi! Thế là do đó cho nên chúng tôi được chăm sóc mọi điều. Thế thì chuyến đi đó, nó là một chuyến đi lịch sử là vì trong văn nghệ chúng tôi không bao giờ đi lâu như thế, nhưng vì chúng tôi là "5 người lãnh đạo có vấn đề", thì vấn đề gì, anh hiểu rồi."
Ngoài ra, họ đều bị kết án tử hình tinh thần. Đối với những người trực tiếp liên quan, thì tác phẩm của họ không được xuất hiện với công chúng 30 năm, 40 năm, tức là suốt thời gian mà sức sáng tạo mạnh mẽ nhất, và có thể đóng góp nhiều nhất cho đời sống, cho xã hội. Khi họ được phục hồi trở lại, thì hầu hết sức khỏe đã tàn tạ và có những người tinh thần đã suy sụp.
Nhà văn Hoàng Tiến 40 năm sau vụ án phát biểu: “Vụ án này thật là kỳ quái trong văn học sử Việt Nam, tức là bắt đi lao động cải tạo. Ngoài lao động cải tạo, thì những sáng tác phẩm của mình không được đâu sử dụng, tức là các báo, các tạp chí, các nhà xuất bản không đâu chịu in cho các ông Nhân Văn Giai Phẩm cả.
Kéo dài hàng 30 năm trời. Không có cái vụ án nào mà kỳ quặc đến như thế. Đấy là cái nỗi oan khuất mà nhiều anh em văn nghệ sĩ trong giai đoạn ấy, tiếp quản Hà nội xong thì đến cái vụ Nhân Văn Giai Phẩm ấy thì không thể nào quên được.”

Trả văn nghệ lại cho văn nghệ sĩ

Điều mà những người tham gia Nhân Văn Giai Phẩm mong muốn và đạo đạt lên Đảng Cộng Sản Việt Nam ngay từ đầu chỉ là trả văn nghệ lại cho văn nghệ sĩ. Họ đạo đạt một cách rất nhẹ nhàng, lịch sự, có rào trước đón sau và luôn luôn xác nhận sự lãnh đạo của đảng, nhưng đáp lại, đảng đã quyết tâm tiêu diệt không chỉ Nhân Văn Giai Phẩm, mà cả những gì được gọi là “nọc độc của Nhân Văn Giai Phẩm” nữa.
Không chỉ đánh tờ báo lúc nó đang sống, mà vài năm sau vẫn còn đánh. Không phải chỉ đánh bằng các biện pháp hành chính và cô lập, mà còn vận dụng tất cả mọi thế lực xã hội, từ các văn nghệ sĩ đến công nhân để dồn những ai dám chân thành góp ý, hay dám đồng tình với sự góp ý ấy vào chân tường. Còn yêu cầu được nêu ra từ 50 năm trước, thì nay, 50 năm sau vẫn chưa giải quyết, và những ai thẳng thắn góp ý xây dựng thì vẫn bị trù dập, mặc dù không toàn diện và triệt để như trước kia.
Đó chính là lý do khiến ban Việt ngữ chúng tôi mở lại hồ sơ này, hồ sơ của những vấn đề cũ mà vẫn mới, của những người ôm mối oan khuất trong suốt mấy chục năm trời. Có những người đã chết, có những người đã suy sụp hoàn toàn, nhưng cũng có những người còn đang sống những năm tháng cuối cùng của cụôc đời, và cần một trái tim thanh thản để về với vĩnh cửu. Họ xứng đáng được như vậy, bởi họ đã hành động theo lương tri.
Loạt bài này sẽ kéo dài 10 kỳ, mở đầu là phần bối cảnh với cụôc phỏng vấn nhà nghiên cứu sử Trần Gia Phụng, sau đó là diễn tiến vụ án qua lời kể của ông Nguyễn Minh Cần, khi đó là phó chủ tịch uỷ ban hành chánh Hà nội và cũng là chủ nhiệm báo Thủ Đô, của các vị chủ chốt trong Nhân Văn Giai Phẩm bao gồm nhà thơ Lê Đạt, ông Nguyễn Hữu Đang, nhà thơ Hoàng Cầm, cũng như qua tài liệu “ Trăm Hoa đua nở trên đất Bắc của cụ Hoàng Văn Chí,”
Chúng tôi cũng sẽ có phát biểu của một số văn nghệ sĩ mà chính bản thân, hay bằng hữu có liên hệ với phong trào như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ Tô Vũ, nhạc sĩ Văn Cao, qua người con trai của ông là ông Văn Thao.
Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin trước hết cảm ơn các quý vị đã tích cực giúp đỡ trong việc mở lại bộ hồ sơ này, đặc biệt là nhà nghiên cứu, nhà báo Thuỵ Khuê của đài RFI tại Paris, Pháp quốc. Chúng tôi cũng mong mỏi nhận được ý kiến đóng góp, bổ sung từ quý vị và các bạn nghe đài, nhất là những người mà Nhân Văn là một cơn ác mộng. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org

Theo dòng câu chuyện:

- Phỏng vấn ông Trần Gia Phụng về vụ án Nhân Văn Giai Phẩm (phần 2)

'Không thể bưng bít thông tin'

Ông Sầm Đức Xương tại tòa
Vụ 'mua dâm nữ sinh' thu hút sự chú ý của
dư luận
Vụ án 'mua dâm nữ sinh' ở tỉnh Hà Giang đang thu hút sự chú ý của dư luận, nhất là sau khi có các tình tiết mới liên quan các quan chức hàng đầu của tỉnh này.
Hồi đầu tháng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản đề nghị cách chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô vì "thiếu gương mẫu trong sinh hoạt".
Ông Nguyễn Trường Tô hồi tháng Hai đã bị cáo buộc mua dâm vị thành niên thông qua môi giới của cựu hiệu trưởng Sầm Đức Xương.
Khi kết luận của Ủy ban Kiểm tra TW được đưa ra, các báo trong nước đồng loạt đưa tin.
Thế nhưng theo luật sư đại diện cho một trong các nữ sinh, đã có chỉ thị từ người đứng đầu Ban Tuyên giáo TW Tô Huy Rứa yêu cầu báo chí ngừng đưa tin về vụ này.
Luật sư Trần Đình Triển với tư cách Trưởng Văn phòng Luật Vì dân đã ký văn bản ngày 11/07/2010 gửi ông Tô Huy Rứa yêu cầu trả lời về việc mà ông gọi là "vi phạm điều lệ của Đảng và pháp luật của Nhà nước" này; đồng thời nói sẽ khởi kiện ông Rứa "nếu sự việc trên là có thật".
Đài BBC đã nói chuyện với luật sư Triển về văn bản này:
LS Trần Đình Triển: Thông tin chúng tôi có được là lệnh đó đã được đưa ra tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo TW vào thứ Ba tuần trước, và trong một tuần nay, không có báo chí nào nhắc đến vụ này nữa cả.
Tôi cho rằng những vụ án như thế này phải được giải quyết tận gốc, triệt để, phải quét bằng sạch thì mới có hiệu quả.
Thêm nữa, ông Tô Huy Rứa là người Triết học Mác Lê-nin, chuyên chính vô sản, thì khi giải quyết mọi việc cũng phải chuyên chính, giải quyết đến cùng.
Khi sự việc đang lên, đang được giải quyết tốt đẹp, có sự đóng góp của Đảng là quyết định của Ủy ban Kiểm tra TW, thì tự nhiên ông Tô Huy Rứa lại dội cả khối nước đá vào khí thế đó.
Chúng ta không thể làm như vậy được. Trước dân, trước Đảng thì phải thành thật, không thể chỉ nói hay mà làm ngược. Tôi cũng là đảng viên, và với tư cách người đảng viên vì dân, tôi sẽ đấu tranh đến cùng.
BBC: Thưa ông đã nhận được phản hồi nào từ ông Tô Huy Rứa chưa ạ?
LS Trần Đình Triển: Cả bản thân tôi và văn phòng chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ ông Tô Huy Rứa hay văn phòng Ban Tuyên giáo TW.
BBC: Nếu quả thật các báo ngừng tiếng về vụ này thì công việc bảo vệ công lý chắc sẽ gặp khó khăn, thưa luật sư?
LS Trần Đình Triển: Nói lại quá trình, thì vụ này xảy ra từ hồi khai giảng năm ngoái 2009. Khi đó báo chí cũng rộ lên đưa tin được vài ba số, ba-bốn ngày.
Khi đó báo chí cũng chỉ nói về sự bê tha của một thầy hiệu trưởng thôi, chứ chưa biết được các chi tiết khác phía sau vụ án. Thế nhưng cũng ngay lập tức họ đã bị ngăn cấm.
Chính cái ngăn cấm đó đã dẫn tới việc báo chí không vào cuộc được, luật sư cũng bị khống chế tiếp cận vụ án.
Cuối cùng là các nạn nhân chỉ được nhận bản cung do công an làm và ký vào, tới khi có cáo trạng thì Viện Kiểm sát vào buộc các cháu đọc thuộc cáo trạng và ra tòa nói theo cáo trạng.
Bưng bít thông tin khiến cơ quan tố tụng gây ra hàng loạt sai phạm, họ nói dối với Đảng, với pháp luật, coi thường pháp luật.
Tới phiên phúc thẩm, tôi là luật sư, cùng với các cơ quan ngôn luận đã đưa ra ánh sáng được vụ án này.
Đã thành tính quy luật: báo chí là quyền lực xã hội. Nếu phản ánh trung thực khách quan sự thật, thì đó là điều tích cực. Còn nếu bóp méo sự thật, hay che dấu nó thì đó là điều xấu.
BBC: Văn bản của Văn phòng Luật Vì dân hết sức mạnh mẽ, và đã viết sẽ khởi kiện ông Tô Huy Rứa. Ông sẽ thực hiện theo quy trình nào ạ?
LS Trần Đình Triển: Theo luật, ông Tô Huy Rứa phải trả lời văn bản của chúng tôi. Nếu ông không trả lời, thì chúng tôi cũng có quyền khởi kiện. Đã nói thì phải làm.
Chúng tôi có các chứng cứ cho thấy ông Rứa đã chỉ thị báo chí như vậy.
Tất nhiên tôi biết, trong hoàn cảnh này, làm công việc trên không dễ.
Có những người đồng tình, nhưng cũng có người nói tôi bất bình thường. Họ bảo đáng ra tôi nên im lặng.
Thế nhưng tôi nghĩ rằng nếu ai cũng im lặng, thì đó thực sự là một nguy cơ.

Suy nghĩ tản mạn về ngày 30 tháng 4

Ba mươi lăm năm trước, vào ngày 30-4, cuộc chiến tranh nóng Bắc - Nam kéo dài 10 năm (1965-1975) chấm dứt. Hàng trăm ngàn người Việt Nam bỏ nước ra đi. Sĩ quan, công chức cao cấp của chế độ miền Nam đi tù, tạo nên cảnh ly tán trong gia đình và xã hội.
Đó là hậu quả của chiến tranh mà lịch sử nước nào cũng có lần phải trải qua. Nếu hôm nay, sau 35 năm hòa bình, chính quyền cộng sản đã thành công xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh, bên trong có nội lực bảo vệ quốc gia, bên ngoài được sự kính nể của thế giới thì có lẽ những người Việt không may (hay may mắn tùy theo quan niệm mỗi người) sống xa quê hương sẽ chấp nhận cơn đau của lịch sử, yên tâm xây dựng tương lai cho con cháu ở nước ngoài, và lòng cùng hướng về quê hương đất nước.
Không may, Việt Nam hôm nay không được như vậy. Xã hội xuống cấp trong mọi lĩnh vực từ y tế, giáo dục đến đạo đức, dân tình ly tán, và sự vẹn toàn lãnh thổ đang bị đe dọa. Với biển rộng, sông dài, núi non hùng vĩ, đất đai thiên nhiên phong phú và con người không thua kém Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, Mã Lai… mà sau 35 hòa bình chúng ta không làm được như các nước đó đã làm thì hiển nhiên người cộng sản Việt Nam đã thất bại trong công cuộc xây dựng đất nước phú cường như mục tiêu “độc lập, tự do, hạnh phúc” họ nêu ra từ những ngày đầu của cuộc đấu tranh giành độc lập.
Về phía người quốc gia không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản rời bỏ quê hương thì sau 35 năm sống trong môi trường tự do dân chủ, thành công cá nhân thì có nhưng thành công tập thể thì không. Hơn 3 triệu người Việt sống ở hải ngoại chưa xây đựng được sức mạnh cộng đồng có khả năng ảnh hưởng đến thái độ và chính sách của người cầm quyền trong nước.
Như vậy sự bế tắc của đất nước Việt Nam hôm nay không phải chỉ do người cộng sản bất tài hay người quốc gia bất trí mà có thể còn do những lý do khác sâu xa hơn.
Sự bế tắc của đất nước Việt Nam hôm nay không phải chỉ do người cộng sản bất tài hay người quốc gia bất trí mà có thể còn do những lý do khác sâu xa hơn
Trần Bình Nam
Người ta thường nói đến hậu quả của cuộc chiến tranh 9 năm giành độc lập (1945-1954) và tiếp theo là cuộc chiến tranh Bắc – Nam quá dài và quá đẫm máu như một trong những lý do chính. Nhưng chiến tranh Triều Tiên 1950 -1953 cũng khốc liệt và sự tàn phá trong trận Thế giới Chiến tranh II cũng đã để lại một nước Nhật hoang tàn. Thế nhưng sau vài chục năm Nam Hàn và Nhật Bản đã có thể hồi sinh.
Vì vậy cần tìm nguyên nhân của vấn nạn Việt Nam hôm nay trong chính con người Việt Nam chứ không nên đi tìm đâu xa xôi trong “chủ nghĩa”, trong “chiến tranh lạnh” hay trong thế kẹt “nước lớn, nước nhỏ”
Về con người chúng ta có nhiều khuyết điểm hơn là ưu điểm.
Khuyết điểm này do dòng giống hay là hậu quả của một nền giáo dục thiếu căn bản quá lâu qua nhiều thế kỷ ? Câu trả lời xin dành cho các nhà nghiên cứu.
Một điều chúng ta có thể khẳng định rằng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc thông minh, cần cù, chịu thương chịu khó. Rất tiếc hình như nhiều người Việt Nam chỉ biết đầu tư sự thông minh và tính cần cù cho cá nhân chứ không đầu tư cho tương lai của đất nước.
Do đó chúng ta thiếu người lãnh đạo có tầm vóc. Chúng ta có tinh thần vọng ngoại và ít tin tưởng vào chính mình. Chúng ta chạy theo những cái đang lên và coi thường những thế lực đang xuống. Nói đơn giản chúng ta không có cái nhìn xa, và do đó chúng ta không có chính sách.
Vào đầu thế kỷ 20, trước sự du nhập của văn hóa phương Tây và sự lu mờ của nước Trung Hoa phương Bắc người trí thức Việt Nam chúng ta chỉ biết cóp nhặt văn hóa châu Âu vô điều kiện và chúng ta coi thường người Tàu đang lép vế trước sức mạnh cơ khí Tây phương. Chúng ta quên phức sự thật là văn hóa Trung Quốc đã yên vị lâu đời trong đầu mỗi người Việt. Và chỉ chờ thời điểm (như hôm nay) là họ nắm cổ toàn bộ vận mạng của nước Việt Nam.
Lãnh đạo quân sự và chính trị của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam có nhiều khuyết điểm đưa đến thất bại, nhưng chưa chắc quyết định chiến lược can thiệp của người Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam là một quyết định sai lầm. Nhưng phía miền Nam chúng ta – vì thiếu người tài, vì thiếu chí - đã không lợi dụng cơ hội để xây dựng một miền Nam tự túc về kinh tế và đặt một nền móng cho sự canh tân đất nước. Cho nên khi người Mỹ nhận ra rằng miền Nam không phải là một đồng minh có bản lãnh, họ đi tìm một sách lược khác và bỏ rơi chúng ta một cách tàn nhẫn
Miền Bắc Việt Nam cũng không khá gì hơn. Hà Nội chạy theo một lý thuyết kinh tế lỗi thời làm thui chột kinh tế miền Bắc, và trước áp lực của Liên bang Xô viết dồn mọi tiềm năng nhân lực cho cuộc chiến bành trướng chủ nghĩa mà họ nhất định phải thắng “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn!”
Miền Bắc toàn thắng. Việt Nam thống nhất trong điêu tàn. Và khi người đồng minh Liên bang Xô Viết sụp đổ không đủ sức viện trợ kinh tế như Hà Nội chờ đợi, Việt Nam chỉ còn một con đường là lệ thuộc vào Trung Quốc.
Và loay hoay, sau 35 năm hòa bình, Việt Nam lại rơi vào một hoàn cảnh của những ngày đầu của cuộc chiến tranh lạnh: lần này kẹt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Bài học gì người Việt Nam cần rút ra hôm nay, đứng trước thế kỷ 21 mới bắt đầu được một thập niên và hứa hẹn nhiều biến chuyển quan trọng có thể quyết định sự mất hay còn của Việt Nam trên bản đồ thế giới?
Việt Nam nằm ngay trên chiến trường nhỏ là chiến trường Đông Nam Á và nếu không khôn khéo rút bài học cũ chúng ta lại sẽ biến thành một thứ tiền đồn.
Trần Bình Nam
Biến chuyển lớn nhất của thế kỷ 21 là quyết tâm trở thành siêu cường của Trung Quốc và cuộc đụng độ khó tránh khỏi giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Biến chuyển này sẽ chi phối mọi sinh hoạt chính trị và kinh tế trên toàn thế giới trong thế kỷ này.
Việt Nam nằm ngay trên chiến trường nhỏ là chiến trường Đông Nam Á và nếu không khôn khéo rút bài học cũ chúng ta lại sẽ biến thành một thứ tiền đồn.
Quan sát tình hình Á châu và Đông Nam Á ai cũng đồng ý rằng Việt Nam đang bị Trung Quốc đe dọa bởi một chương trình xâm thực có bài bản và Việt Nam đang rơi vào đôi cánh tay thủ đoạn của Trung Quốc.
Chính sách nào để Việt Nam tồn tại như một quốc gia độc lập? Trong thế kỷ trước mắt Việt Nam không có con đường nào khác hơn là liên kết với các quốc gia trong vùng chủ yếu là Ấn Độ, Nhật Bản và khối Asean, nhưng quan trọng hơn hết là một chính sách ngoại giao khéo léo đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cả hai khối thế lực này đều cần Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc so kiếm thư hùng của thế kỷ.
Nhưng muốn có một chính sách, Việt Nam cần hai điều kiện. Thứ nhất là khả năng tự lực trong khung cảnh mới của thế giới. Tự lực đây không phải là chỉ có đầy đủ cái ăn và cái mặc mà phải có tiềm năng kỹ nghệ và sản xuất.
Thứ hai là một lớp người lãnh đạo có “tâm” và có “chí” qua sự đào tạo những con người Việt Nam. Cần sửa đổi hệ thống giáo dục, trước hết từ cấp Sơ học cho đến cấp Trung Học hướng về những khái niệm yêu người, yêu đất nước, biết quý trọng những giá trị Việt Nam, những ý niệm sơ đẳng phổ cập về dân chủ, đạo đức và tự do tín ngưỡng, quan hệ giữa tôn giáo và dân tộc. Và nền giáo dục này cần được làm gương bởi lãnh đạo các cấp. Cấp đại học cần hướng về giáo dục thực tế, liên kết chặt chẽ sinh hoạt đại học với các cơ sở sản xuất lớn để khuyến khích sáng kiến khoa học kỹ thuật và khả năng phát minh. Chính sách của Việt Nam là sẵn sàng làm Thợ để sẽ làm Thầy, và sự chuyển nhượng khoa học kỹ thuật qua các cơ sở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam phải là một chính sách quốc gia.
Sau 35 năm hòa bình, Việt Nam chưa hoàn hồn vì cơn bão của thế kỷ 20, thì nay lại đang đứng trước sự đe dọa của một cơn bão khác hứa hẹn có sức tàn phá hơn.
Nhưng không phải chúng ta không có con đường thoát hiểm. Nếu chúng ta biết học bài học tự cường của nước Nhật, biết học bài học đùm bọc yêu thương nhau trong tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng” của nước Đức, và trên hết – người cầm quyền - biết huy động nội lực dân tộc qua một chương trình chấn hưng văn hóa có nội dung tôn trọng dân chủ và nhân quyền.
Ông Trần Bình Nam là cựu sĩ quan hải quân, dân biểu VNCH pháp nhiệm 1971-1975 đại diện thị xã Nha Trang. Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của ông.

Một vài câu hỏi về Tướng Giáp

Phạm Cao Dương
Gửi cho BBCVietnamese.com từ California

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có vai trò 
lớn trong lịch sử Việt Nam
Tướng Giáp sinh năm 1911, năm nay 99 tuổi. Ông đã vượt xa tuổi cổ lai hy và sẽ đạt tuổi một trăm trong vòng một năm nữa, hay đã đạt rồi tùy theo cách tính tuổi ta hay tuổi tây, một tuổi rất hiếm người thường có thể đạt được.
Mục tiêu chính của tôi là nhân dịp này nhận định rõ hơn về vai trò và sự đóng góp vô cùng quan trọng của Võ Nguyên Giáp trong lịch sử Việt Nam thời giữa thế kỷ trước.
Đặc biệt là trong sự thiết lập và củng cố chính quyền Cộng Sản Việt Nam, trong những năm đầu của chính quyền này cũng như vai trò của ông trong việc diệt trừ các đảng phái đối lập và việc đưa đất nước và dân tộc Việt Nam đến cuộc chiến tranh kéo dài cả ba chục năm trời với hàng triệu người thương vong.
Tôi không đề cập ở đây tới sự nghiệp quân sự của Võ Nguyên Giáp như một danh tướng của Cộng Sản Việt Nam, mà còn là của thế giới, một đề tài đã được quá nhiều người, Việt Nam cũng như ngoại quốc viết, đồng thời chính ông cũng đã viết dù là tự tay hay qua các thuộc cấp.
Sự nghiệp quân sự này đã che lấp những công lao khác mà ông đã đóng góp cho Đảng Cộng Sản Việt Nam trong những năm bốn mươi của lịch sử đảng này.
Do đó, tôi sẽ chú trọng vào những năm đầu của thời kỳ cầm quyền của ông với tư cách là Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ trong Chính Phủ Lâm Thời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Hồ Chí Minh.
Và sau đó là Chủ Tịch Quân Sự Ủy Viên Hội trong Chính Phủ Liên Hiệp Quốc Gia với Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch và Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ Tịch sau đó là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng trong Chính Phủ Cải Tổ tháng 11 năm 1946.
Đây là khoảng thời gian ít được người ta chú ý nhưng vô cùng quan trọng vì nó tương xứng với thời kỳ đầu của chế độ Cộng Sản ở Việt Nam trước và sau khi Việt Minh cướp được chính quyền.
Trong thời gian này Võ Nguyên Giáp đã đóng vai trò then chốt trong nhiều sinh hoạt khác nhau, từ chính trị, hành chánh đến an ninh, quân sự và luôn cả ngoại giao.
Không có ông, Việt Minh khó có thể giữ được chính quyền sau ngày 19 tháng 8 năm 1945 và không có ông chưa chắc cuộc chiến Đông Dương Lần Thứ Nhất đã xảy ra.

Tên tuổi tướng Giáp gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ

'Những cuộn dây thừng'
Trước hết là thời gian trước khi Việt Minh cướp chính quyền, theo ngôn ngữ của người Việt Quốc Gia, hay trước ngày khởi nghĩa, theo ngôn ngữ của người Cộng Sản.
Võ Nguyên Giáp là người đã xây dựng nên những đội tự vệ ở các xã miền núi hay những đội võ trang tuyên truyền đầu tiên của Việt Minh sau đó.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao lại võ trang? Võ trang để chống Nhật hay chống Pháp hay võ trang để khủng bố tinh thần của những người Việt Nam, đối tượng chính của công tác tuyên truyền, để bắt buộc họ phải theo Việt Minh, nếu không thì sẽ bị bắt trói và “beng đầu”?
Mục tiêu thứ ba đã được nhiều người coi là chính vì chuyện dọa dẫm, ám sát, bắt cóc, thủ tiêu… đã xảy ra rất nhiều và đã được Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ, người được coi là đã thay thế Khâm Sai Phan Kế Toại ngày Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội, nói tới như là một trong những nguyên nhân của sự thành công của Việt Minh trong biến cố 19 tháng 8 năm 1945.
Nó cũng được Nguyễn Tường Bách kể lại trong hồi ký của ông này qua lời đe dọa mà Dương Đức Hiền thuộc Đảng Đân Chủ nói với ông Bách và nhà văn Khái Hưng.
Điều này phù hợp với những gì Tướng Giáp viết trong hồi ký của ông, trong đó ông nói tới “những cuộn dây thừng” mà mỗi đội viên tự vệ bắt buộc phải có để “bắt Việt gian”.
Phải chăng chính sách khủng bố ở Việt Nam bằng cách gán cho nạn nhân hai tiếng Việt gian và sau này là phản động, đã bắt đầu ngay từ những năm này và Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên thực hiện theo những kinh nghiệm của Nga hay của Tàu qua những cuốn sách nhỏ in li-tô mà tác giả hay dịch giả là Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và chính Võ Nguyên Giáp?
Điều nên nhớ là sau này, trong những năm đầu của Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam, thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, chủ trương thủ tiêu, ám sát lại được những người Cộng Sản tiếp tục thực hiện hướng vào những người đứng đầu các xã ấp với hơn 800 viên chức bị sát hại trong năm 1957.
Sau đó chỉ riêng trong năm 1961, con số này đã tăng lên tới trên 4.000. Sau nông thôn là các thành thị và ngay ở thủ đô Sai Gòn và Tết Mậu Thân ở Huế.
“Sát nhất nhân vạn nhân cụ” tới một mức nào đó đã được Việt Minh áp dụng để cướp chính quyền năm 1945 vì nó đã làm tê liệt rồi tan rã guồng máy hành chính và an ninh của chính phủ Bảo Đại-Trần Trọng Kim ở khắp nơi trong nước, đồng thời giúp cho Việt Minh dùng đám đông học hành kém cỏi và tính tình nông nổi để diệt trừ đối lập.
'Thiếu minh bạch'
Cũng thuộc giai đoạn khởi đầu cho sự nghiệp của Tướng Giáp này, gia thế của ông cũng như những chi tiết liên hệ tới ông hồi ông còn đi học, kể cả việc ông học luật ở Hà Nội, đối với một người bình thường là những gì thân yêu luôn luôn được tưởng nhớ hay nhắc đến, đã bị ông ít khi hay hầu như tránh né không đề cập.
Một thí dụ điển hình là ông đã học tới đâu ở trường luật. Các tác giả viết về ông đã nói khác nhau. Người nói ông đã đậu tiến sĩ kinh tế, người nói ông đậu cử nhân luật năm 1937, rồi tiến sĩ năm 1938, người nói ông chưa học xong cử nhân, người nói ông mới học xong năm thứ hai, sau đó thi chứng chỉ luật hành chính để sửa soạn ra làm tri huyện nhưng bị rớt.
Và vì mộng làm quan của ông không thành nên ông đã dứt khoát, quyết định từ bỏ tất cả theo Cộng Sản qua đại diện của đảng này là Hoàng Văn Thụ để cùng với Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc vào năm 1940, mở đầu một giai đoạn mới trong đời mình.
Cũng nên để ý là trong thời gian ở Hà Nội này, Võ Nguyên Giáp chưa có một nghề chuyên môn và một việc làm nhất định. Việc dạy ở trường Thăng Long của ông chỉ là tạm thời và bán thời gian.
Ông đã phải nương nhờ rất nhiều vào Đặng Thai Mai, kể cả ở nhà ông này để sống qua ngày. Trong hoàn cảnh như vậy, chuyện ông học luật rồi lựa thi luật hành chính để ra làm tri huyện có lý do của nó và nếu ông đậu thì cuộc đời của ông đã đổi khác và lịch sử Việt Nam cũng đã có thể đổi khác.
Người ta sẽ có một ông Huyện Giáp vô danh của đầu thập niên 1940 thay vì một Bộ Trưởng Nội Vụ Võ Nguyên Giáp trong Chính Phủ Lâm Thời Hồ Chí Minh hay một Đại Tướng Võ Nguyên Giáp về sau này, y hệt trường hợp của Hồ Chí Minh khi ông này làm đơn xin vô học trường Thuộc Địa của Pháp non ba chục năm trước, năm 1911.
Điều nên biết thêm là, theo một vài tác giả, sinh viên Võ Nguyên Giáp thích môn kinh tế học và không thích luật hành chính. Sau này các thầy dạy hay giám khảo về kinh tế học của ông như Grégoire Khérian, Gaeton Pirou… đều cho biết là ông rất xuất sắc về môn này.
Phải chăng lối ăn mặc này, cộng thêm với những căn bản giáo dục đại học và cuộc sống trí thức, tiểu tư sản bên cạnh sự thành công quá lớn của ông đã khiến cho ông bị những thành phần lãnh đạo khác không ưa và đã cản bước tiến của ông trong vai trò lãnh đạo Đảng Cộng Sản.
Tuy nhiên, khác với nhiều người khác, đặc biệt là Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, luôn luôn ăn mặc chỉnh tề, lúc nào cũng sơ-mi trắng, cổ thắt ca-vát, mình mặc veston và quần mầu nhạt, đầu đội mũ dạ, chân đi giầy… như một công chức cao cấp, kể cả khi ở chiến khu, lúc gặp các sĩ quan Mỹ của cơ quan OSS, bên cạnh Hồ Chí Minh mặc quần soọc, áo sơ-mi nhầu nát, chân đi dép có quai.
Lối ăn mặc này đã được những người ngoại quốc gặp ông chú ý và miêu tả và đã được ông giữ rất lâu về sau này, ít ra là cho đến khi ông được phong quân hàm đại tướng.
Sau bộ đồ Tây là bộ quân phục đại tướng, buổi đầu là kaki màu cứt ngựa của bộ đội và cuối cùng là lễ phục màu trắng, thật trắng là thẳng nếp với đầy đủ phù hiệu và huy chương mỗi khi xuất hiện hay in trên bìa sách, kể cả khi chỉ là để được phỏng vấn.
Phải chăng lối ăn mặc này, cộng thêm với những căn bản giáo dục đại học và cuộc sống trí thức, tiểu tư sản bên cạnh sự thành công quá lớn của ông đã khiến cho ông bị những thành phần lãnh đạo khác không ưa và đã cản bước tiến của ông trong vai trò lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam, dù cho ông là người có khả năng nhất và ngay từ đầu đã đóng góp nhiều nhất cho đảng này.
Phải chăng cũng vì vậy mà ông đã ít khi, nếu không nói là không bao giờ đề cập tới thời còn đi học của ông, chưa kể tới mối liên hệ giữa ông và Louis Marty, trùm mật thám Pháp.
Người này đã đỡ đầu ông và giúp ông hoàn tất bằng tú tài I, rồi vô Trung Học Albert Sarraut để lấy nốt bằng tú tài Tây II, thay vì học trường bảo hộ và đỗ tú tài bản xứ, rồi vào trường Luật như đa số các thanh niên Việt Nam khác.
'Diệt trừ đối lập'
Sau ngày 19 tháng 8 năm 1945, Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ trong Chính Phủ Lâm Thời do Việt Minh thành lập với Hồ Chí Minh làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng ngoại giao.
Ở địa vị này ông đã giúp chính quyền mới củng cố được vị thế của mình từ trung ương đế địa phương bằng cách qui tất cả về một mối, vào lúc từ Hồ Chí Minh đến các bộ trưởng và các nhà lãnh đạo Cộng Sản khác mới chân ướt chân ráo về Hà Nội, sau khi cướp được chính quyền trong tình trạng tất cả đều “chưa quen với kỹ thuật hành chính”, theo nhận định của chính Hồ Chí Minh.
Võ Nguyên Giáp, với kiến thức của một giáo sư sử - địa được học từ các cuộc cách mạng khác nhau trên thế giới trước đó, nhất là Cách mạng Pháp, về luật hành chính mà ông học được ở trường luật để ra làm tri huyện, với trí thông minh, lòng cương quyết và nhiệt thành đến độ tàn bạo của ông, đã hoàn thành được trách nhiệm của mình.
Một trách nhiệm không phải chỉ là của một bộ trưởng bộ nội vụ mà là của một phó thủ tướng đặc nhiệm nhiều bộ khác nhau, chưa kể vai trò ngoại giao với người Mỹ, nguời Pháp và luôn cả các tướng Tàu, một cách toàn hảo.
Dưới sự điều động của ông và của hai cộng sự viên thân cận nhất của ông là Hoàng Minh Giám và Hoàng Hữu Nam, hệ thống hành chính thời quân chủ cũ với các tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát, tri phủ, tri huyện, chánh phó tổng, lý trưởng, xã trưởng… đã chính thức bị bãi bỏ.
Chúng được thay thế bằng các ủy ban hành chính, ủy ban nhân dân, sau đó uỷ ban hành chính, kháng chiến với các chủ tịch, các tỉnh ủy, huyện ủy, xã ủy v.v…
Biến cố 19 tháng 8 hay Việt Minh Cướp Chính Quyền, mà nhiều người thận trọng không muốn gọi là Cách mạng sau ngày 2 tháng 9 đã chấm dứt và một cuộc cách mạng đã thực sự bắt đầu, qua sự bãi bỏ và thay thế trong tổ chức và trong mọi sinh hoạt thuộc phạm vi hành chính này.
Tất cả đã không còn đảo ngược được nữa, kể cả về sau trong các vùng Quốc Gia dưới thời Quốc Trưởng Bảo Đại hay ở miền Nam dưới chế độ Cộng Hòa.
Hệ thống quan lại với guồng máy vận hành và lối sống của thời quân chủ của nó mà nhiều người đã sai lầm gọi là thời phong kiến cho phù hợp với luận thuyết về lịch sử của chủ nghĩa Mác-xít, đã hoàn toàn trở thành của quá khứ.
Tuy nhiên, sự thay thế hệ thống hành chính cũ bằng một hệ thống hành chính mới qua tổ chức kể trên chưa đủ. Nó cần phải có một nguồn nhân sự mới có đủ khả năng về kiến thức, về tư cách và đạo đức đi kèm.
Nguồn nhân sự này hoàn toàn không có hay không đủ nhất là ở cấp cơ bản để thay thế cho các tri phủ, tri huyện và các tổng lý thời xưa ở các địa phương.
'Hỗn quân, hỗn quan'
Lợi dụng lúc hỗn quân, hỗn quan người ta đã tìm cách để trả tư thù, sách nhiễu của cải, tiền bạc, cướp vợ, cướp con của nhau, vu nhau là Việt gian để giết hại bằng cách này hay cách khác v.v...
Điều này đã xảy ra rất nhiều đến độ Hồ Chí Minh, trong Thư gửi cho Ủy Ban Nhân Dân các Kỳ, Tỉnh, Huyện và Làng đề ngày 17 tháng 10 năm 1945, phải nêu ra sáu điều sai phạm trầm trọng mà các cán bộ Việt Minh đã phạm phải nhằm sửa sai.
Đó là trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ và kiêu ngạo trong đó trái phép được ghi lên đầu và được chỉ rõ là “vì tư thù, tư oán mà bắt bớ và tịch thu tài sản của dân làm cho dân oán than”.
Câu hỏi được đặt ra là có bao nhiêu người đã bị hàm oan và chết oan trong thời gian mấy tháng sau ngày 19 tháng 8 và trong thời gian chiến tranh sau này ngoài những nhân vật tên tuổi như Phạm Quỳnh, cha con Ngô Đình Khôi, Tạ Thu Thâu, Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ của Phật Giáo Hòa Hảo…?
Chỉ cần trước đó nạn nhân đã từng làm việc cho Tây, cho Nhật, làm quan lại hay tổng lý cho Chánh Phủ Nam Triều và có người tố cáo là đủ để bị bắt và bị mang đi mất tích hay bị giết một cách dễ dàng.
Lẽ tất nhiên sau một cuộc cách mạng rất khó cho những người mới lên cầm quyền làm chủ được hoàn toàn tình hình an ninh ở trong nước.
Hoàn cảnh của người Cộng Sản Việt Nam từ sau ngày 19 tháng 8 năm 1945 và kéo dài cho đến ít ra là ngày 19 tháng 12 năm 1946 còn khó khăn gấp bội vì ngoài những khó khăn về kinh tế, tài chánh… họ còn phải đối phó các đảng phái Quốc Gia đối lập, với các đồng minh.
Đặc biệt họ phải đối phỏ với sự hiện diện của trên 180.000 quân đội Tàu của Tưởng Giới Thạch với chủ trương ủng hộ Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội chống lại Việt Minh đang cầm quyền và quân Pháp theo chân quân Anh trở lại xứ Nam Kỳ và sau đó tiến ra Bắc.
'Mười người chết chín'
Vô cùng phức tạp nhưng vấn đề không phải chỉ đơn giản có thế vì dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, chủ trương của Việt Minh không phải chỉ là để chia sẻ hay cướp chính quyền mà là để xây dựng một xã hội khác mà họ cho là tốt đẹp hơn dù cho mười người chết chín, như lời của đại diện Việt Minh nói với Thủ Tướng Trần Trọng Kim trong một cuộc gặp gỡ không lâu trước ngày 19 tháng 8.
Võ Nguyên Giáp qua vai trò Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ lúc đầu và Chủ Tịch Quân Sự Ủy Viên Hội rồi sau Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng, về sau đã đóng vai trò then chốt trong việc tiêu diệt các thành phần đối lập, những “thù trong, giặc ngoài” và giữ vững chế độ.
Từ rất sớm, Bộ Trưởng Nội Vụ Võ Nguyên Giáp, trước khi các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội từ Trung Quốc trở về và một cách hoàn toàn hợp pháp với những phương tiện do người Pháp để lại, đã cho bắt rất đông những đảng viên Quốc Dân Đảng từ trước vẫn hoạt động ở trong nước.
Những người này đa số là những giáo viên tiểu học, những thừa phái, lục sự, những nhân sĩ địa phương, những tổng lý…, hay những người có ảnh hưởng lớn ở các địa phương, nói cách khác là những thành phần được cho là nguy hiểm vì có thực lực và trực tiếp đe dọa sự tồn vong của chế độ mới, giam họ ở các ty liêm phóng tại các tỉnh hay thủ tiêu họ.
Chiến dịch này nhằm triệt hạ các hạ tầng cơ sở của các đảng khác và những người không bị giết đã bị giam giữ cho mãi đến khi có chính phủ liên hiệp mới được thả…
Ngay tại Hà Nội và giữa Đại Học Xá Đông Dương, Chủ Tịch Sinh Viên Đại Học này là Phan Thanh Hòa cũng đã bị bắt cùng với một sinh viên khác là Đặng Vũ Trứ mang đi mất tích với tin đồn là sau đó hai ông đã bị đưa sang một căn nhà ở Gia Lâm và bị ném lựu đạn giết chết.
Công tác diệt trừ đối lập này đã đạt tới cao điểm của nó vào tháng 7 năm 1946, sau khi quân đội Trung Hoa Quốc Gia của Tưởng Giới Thạch rút khỏi Việt Nam và trong thời gian Hồ Chí Minh sang Pháp.


Vị trí của Hồ Chí Minh thời gian sau 1945 
còn có nhiều bí ẩn
Tất cả các trụ sở chính của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Hà Nội đã bị công an bao vây, lục soát, đặc biệt là trụ sở ở đường Ôn Như Hầu. Tại những nơi đó tất cả các đảng viên của đảng này đã bị bắt và mang đi mất tích.
Tên tuổi của nhiều người sau này đã được ghi rõ. Riêng ở trụ sở Ôn Như Hầu, Võ Nguyên Giáp không những đã đích thân có mặt mà còn đưa cả Xử Lý Thường Vụ chủ tịch kiêm Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Huỳnh Thúc Kháng đến chứng kiến.
Câu hỏi được đặt ra là vào thời điểm này Chính Phủ Liên Hiệp vẫn còn và Võ Nguyên Giáp không còn là bộ trưởng bộ nội vụ nữa, vậy với tư cách gì ông đã đến hiện trường rồi lại còn mang theo cả Huỳnh Thúc Kháng nữa?
Sự kiện này, kèm theo với nhiều dữ kiện khác như thời điểm xảy ra biến cố, với sự vắng mặt của Hồ Chí Minh, với lệnh thi hành đến từ Thường Vụ Đảng Cộng Sản thay vì từ Bộ Nội Vụ mà chính Huỳnh Thúc Kháng, giữ chức Bộ Trưởng bộ này, mãi đến khi được Võ Nguyên Giáp dẫn đến hiện trường sau khi mọi chuyện đã xảy ra, mới được biết.
Những gì sau đó được trưng bày cho dân chúng vào xem cũng như những lời buộc tội… cho thấy những gì Tướng Giáp ghi trong hồi ký của ông có nhiều điều không ổn nếu không nói là quá sơ đẳng so với trình độ học vấn của ông.
Đó là chưa cần nói tới những bằng chứng được phía người Việt Quốc Gia đưa ra để bác bỏ hai công điện của Lãnh Sự Mỹ James L. O’Sullivan gửi Bộ Ngoại Giao Mỹ đề ngày 01 và 26 tháng 7 năm 1946.
Tức là chỉ hơn mười ngày sau đó, với nội dung về sự kiện quân đội của ông Giáp càn quét các căn cứ của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở miền đỉnh châu thổ Sông Hồng, đặc biệt ở vùng Việt Trì và tất nhiên ở Hà Nội.
Con số những nạn nhân của đợt càn quét này được ước lượng lên tới 15 ngàn người.
'Nhà Ngoại Giao'
Như đã đề cập, trong chính phủ lâm thời của Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh là Chủ Tịch và kiêm nhiệm Bộ Ngoại Giao, Võ Nguyên Giáp là Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ. Nhưng trong những ngày đầu Tướng Giáp đã làm luôn công việc ngoại giao.
Ông đã đóng vai trò chính yếu trong việc đón tiếp các nhân vật quan trọng của các nước trong đó có Archimedes Patti của phái bộ OSS Mỹ ở Trung Quốc, Jean Sainteny và Đại Tướng Leclerc của Pháp v.v... với tư cách là một bộ trưởng trong chính phủ và đại diện cho Chủ Tịch Hồ Chí Minh trước khi những nhân vật này chính thức được Hồ Chí Minh tiếp kiến, thay vì các công chức cao cấp khác của Bộ Ngoại Giao dưới quyền trực tiếp của ông Hồ ở bộ này theo thủ tục thông thường.
Sau này trong việc điều đình với người Pháp ở Hải Phòng, Hà Nội hay Đà Lạt, ông cũng đóng vai trò chủ chốt với sự trợ giúp của Hoàng Minh Giám và Hoàng Hữu Nam.
Điều này dễ hiểu vì ngoài hai người bạn thân thiết này của ông, những người làm ở Bộ Ngoại Giao thời đó đều có gốc là những công chức cao cấp thời Pháp, giỏi tiếng Pháp hay có thể cả tiếng Anh, quen tiếp xúc với người Pháp nhưng không được tin cậy và không phải là đảng viên Cộng Sản.
Còn những đảng viên cao cấp khác của đảng này như Trường Chinh, Trần Huy Liệu, ngay cả Phạm Văn Đồng… không hội đủ những điều kiện cần thiết mà Võ Nguyên Giáp có.
Tướng Giáp trong những cuộc gặp gỡ này đã tỏ ra rất thông thạo tiếng Pháp, tự tin và có khả năng thuyết phục được các đối phương của mình. Điển hình là cuộc tiếp xúc đầu tiên với Sainteny có sự hiện diện của Patti và được Patti kể lại.
Riêng về cách trình diễn bề ngoài, cách ăn mặc với cái mũ phớt đặc biệt của ông đã gây ấn tượng cho đối thủ của ông không ít, bên cạnh một bộ mặt ít khi mỉm cười của ông.
Cũng trong buổi gặp Sainteny này, theo Patti, Võ Nguyên Giáp đã đến bằng một công xa đen bóng, có vệ sĩ mặc quân phục đeo tiểu liên Sten xuống mở cửa và một vệ sĩ khác nghiêm chào. Chiếc công xa này được biết là của Toàn Quyền Đông Dương cũ.
Câu hỏi đặt ra là với những khả năng và kinh nghiệm mới đạt được thêm như vậy, tại sao Võ Nguyên Giáp đã không lãnh hay không được cử hướng dẫn phái đoàn Việt Nam đi dự Hội Nghị Fontainebleau mà thay vì lại là ông Phạm Văn Đồng.
Ông Đồng cho đến thời điểm đó vẫn còn là một nhân vật vô danh đối với các giới chức ngoại quốc ở Hà Nội thời bấy giờ và chưa có chút kinh nghiệm đàm phán nào, còn về khả năng cá nhân thì thua Tướng Giáp.
'Gây ra chiến tranh?'
Câu hỏi "liệu Võ Nguyên Giáp có phải là người đã gây ra chiến tranh Việt - Pháp" được đặt ra vì trong những ngày tháng cuối cùng trước khi cuộc chiến bùng nổ, Hồ Chí Minh đi Pháp, không có mặt ở nhà.
Sau đó khi về nước ông lại bị đau ốm (?) theo lời Sainteny, nằm một chỗ. Võ Nguyên Giáp đã đóng vai trò chính yếu, quyết định tất cả, Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ Tịch, chỉ là để ký giấy tờ.
Trong việc giao thiệp với người Pháp, tướng Giáp, với Hoàng Minh Giám và Hoàng Hữu Nam phụ giúp đã làm và quyết định mọi việc.
Câu hỏi "liệu Võ Nguyên Giáp có phải là người đã gây ra chiến tranh Việt - Pháp" được đặt ra vì trong những ngày tháng cuối cùng trước khi cuộc chiến bùng nổ, Hồ Chí Minh đi Pháp, không có mặt ở nhà.
Đây là một dịp rất tốt để ông từng bước thực hiện giấc mơ làm một Nã Phá Luân của Á Châu và cũng là lý do tại sao ông đã chọn ở lại Việt Nam thay vì đi Pháp làm 'phó hội'.
Những gì ông thực hiện gồm có diệt trừ đối lập, đặc biệt là Việt Nam Quốc Dân Đảng như đã nói ở trên, phát triển quân đội và các lực lượng tự vệ, củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức của Việt Minh ở những vùng từ trước chưa kiểm soát được.
Đặc biệt ở Nam Kỳ, còn thực hiện tuyên truyền tố cáo người Pháp gây chiến để xách động quần chúng và sửa soạn chiến tranh bằng cách cho đục tường nhà nọ thông với nhà kia, đặt chướng ngại vật trên các đường chính để ngăn quân Pháp…
Những hành động này cho người ta thấy sự vi phạm các thoả hiệp đã ký không phải chỉ đơn phương đến từ phía người Pháp.
Riêng ở Hà Nội, Sainteny với những con số được liệt kê, đã phản đối những hành động của tự vệ hướng vào các thường dân Pháp khiến cho họ và luôn cả quân nhân Pháp luôn luôn bị đe dọa và cô lập mà chính quyền Việt Nam không những mặc kệ mà còn khuyến khích.
Riêng ở Nam Kỳ, mặc dầu cho tới thời điểm này vẫn còn là thuộc địa của Pháp và đương nhiên là vẫn do người Pháp quản trị và chịu trách nhiệm, sự vi phạm cũng xảy ra một cách trầm trọng.
Theo chính Tướng Giáp, ở đây “lực lượng vũ trang của ta (Việt Minh) phát triển rất nhanh ”và “ngày 13 tháng Chín, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành sắc lệnh số 182 cải tổ Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam để lãnh đạo cuộc kháng chiến tại Nam bộ.
Hơn một tuần sau, ngày 22 tháng Chín, Ủy ban kháng chiến lâm thời miền Nam Việt Nam tuyên bố thành lập và là chính quyền hợp pháp duy nhất tại miền Nam Việt Nam.
Những quyết định này xuất xứ từ Hà Nội với những nhân vật cầm đầu, điển hình là Tướng Nguyễn Bình, gốc từ Hà Nội hay từ miền Trung mới vào không thể nói là không vi phạm chủ quyền của người Pháp ở Nam Kỳ nhưng Tướng Giáp vẫn làm.
'Tham vọng chủ chiến'
Đó là một chiến thuật mà sau này người Cộng Sản luôn luôn áp dụng, chiến thuật giành dân chiếm đấtvừa đánh vừa đàm, không cần phải chờ mọi chuyện được ngã ngũ.
Khi Hồ Chí Minh về tới Hà Nội và Sainteny muốn gặp nhưng được cho biết ông Hồ bị bệnh. Sainteny phải chờ, đến khi được đến thăm thì thấy Hồ Chí Minh nằm trên giường có Hoàng Minh Giám và Hoàng Hữu Nam túc trực bên cạnh.
Hai người này đã không bị Hồ Chí Minh yêu cầu ra khỏi phòng như thường lệ và câu chuyện chỉ là bình thường giữa hai người bạn cũ. Tại sao vậy? Có phải là họ Hồ đã bị phe của Giáp bao vây không cho nói những gì họ không muốn ông nói?
Nếu như vậy, thì có phải Hồ Chí Minh lúc đó không muốn hay chưa muốn chiến tranh trong khi Võ Nguyên Giáp và phe nhóm của ông đang ở một tình thế vô cùng thuận lợi có thể giúp ông đạt được mong ước của mình, bỏ qua sẽ không bao giờ có được.
Cũng cần phải nói thêm là trong thời gian này Sainteny có nhận được một văn thư của Hồ Chí Minh gửi Quốc Hội và Chính Phủ Pháp đề ngày 11 tháng 12 tức 8 ngày trước ngày nổ súng, nhưng không mang chữ ký của họ Hồ.
Thư bị Sainteny trả lại và phải nhiều ngày sau mới có chữ ký. Tại sao lại có chuyện lạ như vậy? Không lẽ một văn thư của Chủ Tịch Chính Phủ lại có thể được gửi đi một cách cẩu thả như vậy sao?
Sainteny cho là có một cái gì bí mật bao quanh tình trạng “vị Chủ Tịch của nưóc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.”
Nghi ngờ cũng phải vì Sainteny là người biết rõ những nỗ lực cuối cùng của Hồ Chí Minh khi ông này lưu lại Paris và làm tất cả để ký cho được Tạm ước 14 tháng 9, không lẽ để không làm gì.
Cũng theo Sainteny, phe chủ chiến của Việt Nam đã phải hành động gấp vì Chính Phủ mới của Pháp do Léon Blum làm Thủ Tướng đã quyết định cử Marius Moutet, lúc đó đã là Bộ Trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại sang Đông Dương và tin này đã làm tình hình biến chuyển mạnh hơn.
Lý do là phe chủ chiến e ngại một cuộc điều đình mới sẽ được thực hiện nên phải ra tay trước. Tất nhiên đây chỉ là một giả thuyết nhưng nếu nhìn qua tham vọng cá nhân của Võ Nguyên Giáp, đây phải là một yếu tố người ta cần phải xét tới, cũng như khi người ta xét tới mối liên hệ riêng tư giữa Hồ Chí Minh và Bảo Đại.
Quan hệ Võ - Hồ
Ngoài những lý do chính trị, Hồ Chí Minh khi đưa Bảo Đại từ Huế ra Hà Nội làm Cố vấn Tối Cao rất có thể là để phòng ngừa vị vua cũ này có thể bị những phần tử quá khích ở địa phương làm bậy.
Cũng vậy, lời nhắn của họ Hồ gửi cho Bảo Đại mà ông này nhận được ở phi trường lúc sắp sửa lên phi cơ từ Trung Hoa về nước, biết đâu cũng có một mục đích tương tự và lần này những phần tử quá khích không còn là địa phương nữa mà ở ngay Hà Nội và Hồ Chí Minh là người hiểu rõ hơn ai hết.
Điều quan trọng là sự thực nằm ở đâu, Hồ Chí Minh ngay từ cuối năm 1946 này có còn có đủ uy thế như người ta thường nghĩ hay không hay đã bắt đầu ở thế yếu và đã bị những phụ tá trẻ của ông lấn át.
Đó là những câu hỏi cần được đặt ra, đồng thời người ta cũng không nên quên rằng Hồ Chí Minh là một người rất khôn ngoan, nhiều thủ đoạn, giỏi tính toán, biết phải làm gì theo từng giai đoạn và dày kinh nghiệm. Đại Tướng Võ Nguyên Giáp có thể biết và trả lời một phần.
'Đáng tiếc!'
Với tư cách là Chủ Tịch Danh Dự của Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, đồng thời ở tuối 100 của ông, ông có thể nói ra cho mọi người được biết.
Tiếc rằng mọi chuyện đã quá trễ. Sức khoẻ của ông vào lúc tôi viết xong bài này, theo tôi được biết, chắc chắn không cho phép.
Một đồng nghiệp trong Hội Sử Học, đồng thời cũng là một sử gia đã viết nhiều tác phẩm, Giáo Sư Trần Văn Giàu, cũng đã nhiều lần được người ta trực tiếp đề nghị hay gợi ý cho hay sự thật về những gì ông Giàu đã làm ở Miền Nam, nhất là về sự mất tích của Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ của Đạo Hòa Hảo.
Nhưng Giáo Sư Giàu đã từ chối, lấy cớ mọi chuyện đã qua rồi, theo như một giáo sư đại học Việt Nam ở Pháp có dịp gặp ông. Thật vô cùng đáng tiếc! Nó cũng đáng tiếc như câu trả lời của Tướng Giáp cho câu hỏi của một phóng viên đài truyền hình Mỹ năm 1995.
Khi đó phóng viên đặt vấn đề: 20 năm sau khi Cuộc Chiến Ba Mươi Năm đã chấm dứt, mà bây giờ người ta vẫn có thể phối kiểm được, là qua hai cuộc chiến vừa qua có từ 3 triệu rưỡi đến 4 triệu người chết, ông (Tướng Giáp) có hối tiếc hay không?
Tướng Giáp vẫn trong bộ quân phục cố hữu đã trả lời bằng tiếng Pháp là “Không chút nào! Tôi không hối tiếc chút nào!”
Quả là đáng tiếc!
Bài viết phản ánh quan điểm và cách hành văn riêng của tác giả. Ông Phạm Cao Dương lấy bằng tiến sĩ sử học ở Đại học Paris, và dạy ở nhiều đại học tại Sài Gòn trước 1975. Sau khi sang Mỹ, ông dạy về lịch sử, ngôn ngữ Việt Nam ở một số trường tại Nam California trước khi về hưu.