4/11/11

Hai bức tranh hầu như trái ngược của ÐCSVN

   http://http://www.tudoimoi.org/Aff_mot_bai.php?param=35
Trích lược Bút ký - Tiểu luận của Trung Tướng Trần Độ: Ðảng Cộng Sản và Dân Chủ ở Việt Nam
20/11/2001 Tác giả : Trung Tướng Trần Độ


(những tiểu đề là của Ban biên tập)
nguyên bản:
Ðảng Cộng Sản và Dân Chủ ở Việt Nam



xem thêm:
Nguyên Chủ tịch Quốc hội bàn về phương thức cầm quyền của Đảng
Cựu Chủ tịch Quốc hội: Ba vấn đề cốt lõi khi sửa Hiến pháp
Sau bầu cử, những điều cần nói đi nói lại.
Phải nhìn thẳng vào sự thật


Hai bức tranh hầu như trái ngược của ÐCSVN


Ai đã sống từ những năm 20-30 của thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 đều có thể nhìn thấy và chứng kiến 2 tình trạng, 2 bức tranh hầu như trái ngược của ÐCSVN.

Ðầu thế kỷ 20 cho đến năm 1945, Ðảng Cộng sản có mấy nghìn Ðảng viên mà thực dân Pháp và Phong kiến triều Nguyễn rất hoảng hốt lồng lộn. Cả một hệ thống nhà tù. Từ Hỏa Lò, Sơn La. Lao Bảo, Kon Tum, Ban Mê Thuột đến Khám lớn, Côn Ðảo…, đều đầy ắp tù Cộng sản. Thế mà cuộc Cách mạng tháng 8/1945 đã thành công. Sau đó thì ở 3 Kỳ chỗ nào cũng là người mới ở nhà tù ra làm nòng cốt: Bắc Kỳ thì tù từ Hoả Lò, Son La; Trung Kỳ thì tù từ nhà tù Lao Bảo, Kom Tum, Ban Mê Thuột; ở Nam Kỳ thì tù từ nhà tù Khám lớn, Côn Ðảo.
Suốt trong kháng chiến chống Pháp, ở khắp nơi những người Cộng sản làm cán bộ Quân đội và Chính quyền và sống ở trong dân, đều ăn, ở như dân và đều nổi bật lên về tính gương mẫu, về chịu đựng gian khổ và hy sinh tính mệnh. Chỗ nào dân cũng mong đợi, ngưỡng mộ và yêu mến các "cán bộ" cộng sản, chia cơm, xẻ áo, và lấy cả tính mệnh mình để che chở, bảo vệ cho những cán bộ Cộng sản.

Và bây giờ, đầu thế kỷ 21 thì tình trạng và bức tranh là: Ðảng Cộng sản là một đảng cầm quyền lãnh đạo bao trùm cả Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước. Những vị trí quan trọng của Bộ máy Nhà nước: Chủ tịch, phó Chủ tịch, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Giám đốc và phó Giám đốc Sở, Ty, Hội trưởng, Uỷ viên chấp hành các Hội quần chúng đều phải là Ðảng viên: Ðảng viên có sẵn để Ðảng chọn xếp vào các vị trí hoặc chưa là Ðảng viên thì phải phấn đấu vào Ðảng, rồi mới hòng đuợc bổ nhiệm chức nọ, chức kia, từ ở phuờng, xã lên đến huyện, tỉnh và đến cấp Trung ương, toàn quốc.

Ở Việt Nam đã có dân chủ hay không ?


trando_logo
Tôi xin trả lời khẳng định ở Việt Nam đã từng có dân chủ, và có dân chủ một cách tốt đẹp, đáng tự hào. Ðó là những năm tháng sau cách mạng tháng 8/1945. Ðảng Cộng sản có Hồ Chí Minh đứng đầu đã kêu gọi và lãnh đạo nhân dân tổng khởi nghĩa, đập tan một nhà nước phong kiến tay sai, nô lệ, lập nên một Nhà nước Dân chủ Cộng hoà, đập tan lũ vua quan và quan lại thực dân, lập nên Chính phủ Cộng hoà lâm thời và sau đó lập tức tổ chức cho dân bầu cử (với một chế độ tự do thực sự) có những người ứng cử mà đa số không phải là đảng viên Ðảng cộng sản.
Tôi đã trực tiếp tham gia một cuộc vận động bầu cử mà một ứng cử viên nhận là giai cấp công nhân, lên diễn thuyết với một cái mỏ-lết to tuớng đút ở túi ngực.
Tôi lại đuợc tham gia với một nhóm trí thức (gồm bác si, giáo viên, công chức cũ) mở tiệc ăn mừng một số bạn trúng cử, sau đó rủ nhau đi hát cô đầu để mừng thắng lợi. Không khí thật hồn nhiên và hồ hởi.
Quốc hội lần ấy, có rất ít đảng viên Cộng sản là đại biểu và đều là những người hoạt động duới sự dìu dắt lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quốc hội ấy về sau lại thêm 70 đại biểu không bầu, thuộc các Ðảng phái khác (đối lập). Vậy thì Quốc hội khoá I ấy là Quốc hội đa nguyên, đa Ðảng. Nhưng cũng Quốc hội ấy lập nên Chính phủ Cộng hoà Dân chủ, mà đa số cũng không là Ðảng viên Cộng sản, cũng Quốc hội ấy thông qua Hiến pháp 1946 là một Hiến pháp dân chủ nhất mà tất cả những Hiến pháp sau này đều không theo kịp.

Nước Việt Nam bây giờ có dân chủ không?


Thật khó mà nói rằng nước Việt Nam bây giờ là nước dân chủ. Tuy rằng giới lãnh đạo và giới tuyên truyền vẫn lớn tiếng coi Việt Nam là nước dân chủ, chỉ có khuyết điểm là "hoi" kém dân chủ. Nhưng tôi thì khẳng định rằng: Nước Việt Nam hiện nay ít nhất là nước không dân chủ tuy vẫn mang nhãn hiệu cộng hoà.

Nhà nước và xã hội Việt Nam hiện nay có những đặc điểm gì?

1. Chỉ có một Ðảng là Ðảng Cộng sản và Ðảng Cộng sản dẹp bỏ hết các Ðảng (Ðảng xã hội, Ðảng dân chủ) đã có duới thời Hồ Chí Minh, Ðảng Cộng sản thực hiện chế độ độc Ðảng.
Tuy Hiến pháp năm 1992 có ghi: Tự do lập hội nhưng có người gửi giấy lập Ðảng khác thì bị đuổi việc và đe doạ quản chế, Công an thường xuyên thăm hỏi nhiều lần, cuộc sống bị hăm dọa nhũng nhiễu, bị theo dõi gắt gao, bị khủng bố tinh thần và tâm lý hết sức căng thẳng.
Lại có người cũng mới làm đon xin lập Hội chống tham nhũng thì tất cả những người có liên quan (độ 20 người) đều bị bắt lên Công an thẩm vấn, hành tội và bị gán cho là lập Hội trái phép! Có nhiều người bị khám nhà và tịch thu phương tiện…
Thế mà có ai nói Chế độ ở Việt Nam là chế độ độc Ðảng thì lại bị người ta oán giận và bị Công an chú ý. Ðã là chế độ Ðộc Ðảng thì hiển nhiên là một chế độ độc tài, độc đoán, độc quyền ngược lại với chế độ dân chủ. Không thể nói nước Việt Nam ta có dân chủ đuợc!

2. Ðã độc Ðảng mà Ðảng lại thực hiện một chế độ lãnh đạo tuyệt đối toàn diện và triệt để. Thế là hai lần không dân chủ. Ðó là một sự thật hiển nhiên, cho dù bộ máy tư tưởng, tuyên truyền của chế độ có hùng mạnh gấp trăm lần cũng không che lấp đuợc sự thật này và lừa bịp đuợc một ai. Nhiều người gọi chế độ này là chế độ Toàn trị, Ðảng trị, độc tài toàn trị, thậm chí có người còn gọi đó là chế độ Công an trị, mật vụ trị, quân phiệt trị. Riêng tôi, tôi cũng cho là thế và nói thế.

Biểu hiện của chế độ này thì có nhiều, tôi chỉ lược qua như sau:

1- Ðảng bao trùm và xâm nhập vào tất cả các tổ chức Nhà nước và các tổ chức xã hội lớn nhỏ, tạo nên một chế độ Nhà nước quan liêu hoàn toàn tách rời đời sống nhân dân, đời sống xã hội. Muốn làm quan thì phải là đảng viên, có là đảng viên thì mới đuợc làm quan. Từ xã , phuờng, cho đến Chính phủ, Bộ, Thứ trưởng, Cục, Vụ trưởng. Thậm chí cho đến trưởng, phó phòng, ban Ðảng cũng còn phấn đấu để tất cả là đảng viên.
Các tổ xã hội thì, tổ chức nào có Chủ tịch và ban chấp hành là Ðảng viên mới đuợc công nhận và hoạt động.
Hội chống tham nhũng không do Ðảng đề xuớng và bố trí Ðảng viên, thì bị coi là âm mưu, bị cấm đoán và Công an làm khó dễ, bắt bớ.
Hội cựu chiến binh là Hội gồm những người gần Ðảng nhất, gồm những nòng cốt của Ðảng mà khi ra đời cũng khó khăn chật vật. Ðó là vì Ðảng chưa bố trí đuợc người tin cậy để chủ trì. Những người đề xuớng đều là đảng viên nhưng có đôi chút ý kiến độc lập, vì vậy Ðảng làm khó dễ. Ðảng bố trí bằng đuợc người ngoan ngoãn, dễ bảo, phục tùng tuyệt đối mình thì lúc đó Hội mới đuợc công nhận và hoạt động.
2- Ðảng hoàn toàn và trắng trợn chuyên chính về tư tưởng văn hoá, bất chấp cả Hiến pháp, Ðảng chỉ đạo Quốc hội ra luật báo chí, xuất bản khác hẳn tinh thần Hiến pháp, thu xếp bằng đuợc uỷ viên Bộ chính trị, phụ trách công tác tư tưởng văn hoá, bố trí, nắm chặt và khống chế các giám đốc Nhà xuất bản, các tổng biên tập báo chí, buộc những người này phải ngoan ngoãn tuân theo hệ thống tư tưởng văn hoá và Công an văn hoá.
Về điều này tôi là nạn nhân trực tiếp. Tôi có các hồi ký, bút ký trong đó tôi có nêu lên đuợc đôi phần (chỉ đôi phần thôi) sự thật. Bản thảo đã đuợc đưa cho một nhà xuất bản. Nhà xuất bản ấy đã biên tập nhưng không dám in vì Nhà xuất bản phải thăm dò ý kiến của Công an và tư tưởng. Có Nhà xuất bản khác có những biên tập viên rất thích, nhung giám đốc mới bị khiển trách và nhắc nhở, nên cũng đành ngậm đấy "còn chờ thời cơ". Không khí ngôn luận ngạt thở. Giới trí thức và văn nghệ si (trừ một số tư duy quá cũ) đều ngán ngẩm và giấu biến ý kiến độc lập của mình. Bất cứ ai có chút ý kiến độc lập đều phải dấm dúi lén lút. Nhưng sự dấm dúi lén lút này đang ngày càng lan rộng và đe doạ sự bùng nổ mãnh liệt.
3- Cách lãnh đạo theo nguyên lý Ðảng là bao trùm và cao hơn hết. Quốc hội phải họp sau Trung uong, Chính phủ chỉ làm việc hợp pháp hóa các chủ trương của Ðảng. Ðảng lãnh đạo và cai trị bằng Nghị quyết. Cho nên dư luận nước ngoài họ nói rằng Quốc hội và Chính phủ Việt Nam chỉ là "con dấu" dùng để đóng vào các Nghị quyết và văn kiện của Ðảng đã soạn thảo sẵn, kể cũng không ngoa.
4- Không chịu nhận thức sâu sắc sự biến chuyển thế giới mới. Ðặc biệt là sau sự biến thế giới XHCN sụp đổ tan hoang. Thế giới không còn 2 phe, các dân tộc phải sống chung, nhất là không nhận thức đuợc sâu sắc yêu cầu xoá bỏ hận thù huớng tới tương lai mà vẫn còn thấy nhiều kẻ thù như cũ, chỗ nào cũng thấy âm mưu đế quốc và âm mưu Mỹ Nguỵ, không thực tâm đại đoàn kết, nhấn mạnh cái gọi là "âm mưu diễn biến hoà bình" của một kẻ địch nào đó mà không thấy rằng đang có một sự diễn biến ngay trong Ðảng và trong nhân dân.

Chế độ độc đoán Toàn trị có rất nhiều cái dở. Việc này cả thế giới đều biết đã nói và lên án. Bản thân Ðảng cũng không dám nhận là mình thực hành sự toàn trị, nhưng sửa thì không chịu sửa. Do thực hiện toàn trị mà sức mình thì đuối cho nên Ðảng cứ phải tập trung nỗ lực vào sự củng cố và tăng cuờng sự lãnh đạo của Ðảng. Không cho một cá nhân hay một nhóm nào len vào đuợc. Và sự nỗ lực này thì nhằm đối tuợng vào đâu?
Ngày xưa Ðảng lãnh đạo cùng nhân dân tập trung vào kẻ địch ngoại xâm và tay sai. Ngày nay Ðảng lại phải tập trung vào đối tượng là nhân dân và nhất là những người trung thực muốn nói lên sự thật, những người có đầu óc tiến bộ muốn đóng góp ý kiến của mình với người lãnh đạo quốc gia để đất nước có sự chuyển biến tích cực thực sự. Ðảng càng ngày càng phải trốn tránh sự thực và bóp méo sự thật. Muốn hay không muốn, để củng cố, tăng cuờng mình, Ðảng phải lừa bịp nhân dân, dối trá nhân dân, hăm doạ nhân dân. Vì nhân dân là người nắm sự thật và biết rất rõ sự thật.

Ði tìm đuờng ra


Như thế là nói bao quát thì ta có 2 bức tranh trái ngược.

A. Từ những năm 1940, 1950…1975 ta có một Ðảng Cộng sản chiến đấu ở trong dân, thực sự của dân và chịu gian khổ hy sinh vì dân. Do đó, có một xã hội với chế độ cộng hoà dân chủ, một nhà nước đoàn kết rộng rãi.

B. Còn hiện nay, ta đang có nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa, với một nhà nước do Ðảng cộng sản lãnh đạo, nắm chặt trong tay, sai khiến nhà nước với một chế độ Ðộc Ðảng và toàn trị. Một xã hội không có dân chủ, phát triển chậm, đang tụt hậu so với các nước trong vùng và so với thế giới. Ðảng cộng sản không che dấu điều này mà công khai phê phán tình trạng mất dân chủ và tham nhũng, công khai kêu gọi củng cố lãnh đạo độc quyền của mình và gạt bỏ mọi ý kiến khác, cho những ý kiến đó là chống đối cần phải trừng phạt. Nên Ðảng và Nhà nước đã huy động một bộ máy tuyên truyền vi đại làm việc này, huy động và sử dụng toàn bộ bộ máy nhân danh bảo vệ luật pháp (Toà án, Viện kiểm sát, Công an) vào việc đàn áp này.
Ta có một xã hội đang phát triển chậm và không có dân chủ. Ða số người dân sống trong lo sợ, lo sợ bộ máy nhà nước, lo sợ lẫn nhau, lo sợ thông tin đại chúng.
Phát triển chậm và mất dân chủ là 2 đặc điểm của xã hội hiện nay, mà các nhà lãnh đạo nhiều khi đã chính thức và công khai phát biểu. Vậy mà ý kiến chính thức của nhà nước (bao gồm cả Ðảng) cho rằng cần khắc phục tình trạng xã hội bằng cách tăng cuờng và củng cố thể chế hiện tại. Ðó là điều vô lý và nhất định là không đuợc. Như thế chỉ có đi vào ngõ cụt và làm cho tình hình ngày càng phức tạp mà hậu quả không luờng đuợc. Vậy phải tìm đuờng khác.

Con đuờng đó phải có 2 yếu tố:

1. Phải phát triển nhanh.
2. Phải dân chủ hoá xã hội.

Có dân chủ, thì về kinh tế, dân đuợc tự do làm ăn, tự do đua tranh và cạnh tranh kinh tế, mới có điều kiện phát triển nhanh. Về chính trị, xã hội phải thực hiện dân chủ mới chống được tham nhũng vì toàn dân tích cực tham gia. Có tự do ngôn luận (tự do báo chí, xuất bản, tự do phát biểu ý kiến, tự do tư tưởng ...) mới thu hút mọi người dân nhất là trí thức, lão thành, cựu chiến binh cao cấp nô nức phát biểu ý kiến. Những ý kiến đó cần được tôn trọng, thu thập và sử dụng những ý kiến đó mới vạch trần và phê phán mọi thiếu sót, bất hợp lý trong chủ trương chính sách, vạch trần mọi khiếm khuyết trong việc quản lý xã hội của nhà nước. Có thực sự bầu cử ứng cử tự do, dân mới tích cực tìm đuợc người xứng đáng đại biểu của mình vào các cương vị trong bộ máy nhà nước. Như thế nhà nước mới vững mạnh xã hội mới lành mạnh.

Qua trình bày trên, rõ ràng con đuờng đi ra phải là con đuờng có tính cơ bản toàn cục và toàn diện, chứ không phải là sự khắc phục các mặt cụ thể vụn vặt ở chỗ này chỗ khác. Con đuờng đi ra là con đuờng đau đớn nó đụng đến những nơi hiểm yếu nhất của cơ thể. Nó phải chữa từ gốc của vấn đề. Ðó là vấn đề thể chế chính trị. Nó đau đớn lắm. Nhưng như cổ nhân nói "Thuốc đắng mới dã tật". Việc này chỉ có tự Ðảng cộng sản làm, nghĩa là Ðảng phải tự đổi mới mà Ðảng đứng ra làm, thì Ðảng sẽ vẻ vang hơn, công lao Ðảng to lớn hon; Ðảng hiện nay sẽ xứng đáng với Ðảng tiền bối.
Ðó là Ðảng Cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ độc Ðảng, toàn trị, khôi phục vai trò, vị trí vốn có của Quốc hội, Chính phủ. Phải thực hiện đúng Hiến Pháp tức là sửa chữa các đạo luật chưa đúng tinh thần Hiến pháp. Ðó là phải có những đạo luật ban bố quyền tự do lập hội, lập Ðảng, luật tự do ngôn luận, luật báo chí, xuất bản. Sửa chữa các luật bầu cử, ứng cử tự do, từ bỏ quyền quyết định của cơ quan tổ chức Ðảng, từ bỏ "hiệp thuong" do Mặt trận Tổ quốc các cấp dàn xếp mà thực chất là sự gò ép, chỉ đạo hoàn toàn của Ðảng đứng đằng sau ...
Làm bằng ấy việc là Ðảng tự cải cách và đổi mới và là sự đổi mới thực sự chứ không phải Ðảng kêu gọi mọi người đổi mới, còn mình Ðảng thì cứ y nguyên.
Các nhà "luỡi gỗ" đừng vội kêu lên như thế là hạ thấp vai trò lãnh đạo của Ðảng cộng sản, là thay thế vai trò của Ðảng cộng sản. Thực tế là nâng cao vai trò lãnh đạo của Ðảng đấy. Vì nâng cao vai trò là ở chỗ có những chủ trương đúng và hay, chứ không phải là nhiều cờ quạt, khẩu hiệu loè loẹt, nhiều tung hô, nhiều muôn năm vạn tuế. Ðảng mà chủ trương đổi mới như trên thì Đảng tỏ ra thực sự tài tình và không còn sợ ai làm giảm sút uy tín nữa cả .
Trên thực tế lịch sử thì truớc đây và bây giờ, chưa ai có thể thay thế đuợc Ðảng Cộng sản. Chỉ trừ khi Ðảng tự mình hạ thấp bằng mình những cái dốt và cái kém làm xã hội ngày càng nhiễu nhưong, dân mất tin tưởng ngày càng lớn thì chính Ðảng là người tự hạ bệ và dân cũng sẽ giúp hạ bệ Ðảng nhanh hơn, gọn hơn.

Nói khác đi là để có con đuờng thoát khỏi tình hình rối ren phức tạp của đất nước hiện nay thì chỉ có con đuờng thực sự dân chủ hoá, tức là thực sự thực hiện dân chủ đúng như Hồ Chí Minh đã chọn lựa, thì mới làm cho toàn dân phấn khởi yên vui, phấn khởi huy động đuợc trí tuệ toàn dân để khắc phục mọi trở ngại mà đưa đất nước phát triển nhanh, ứng phó sáng suốt mọi quan hệ đối ngoại phức tạp và tế nhị hiện nay. Không nên chỉ bằng lòng với việc thêm chữ dân chủ vào khẩu hiệu chiến lược mà mọi việc vẫn y nguyên. Cần phải đả phá, đấu tranh thật mạnh với một ý kiến sai lầm là cứ "dân chủ mở rộng thì dân sẽ làm loạn". Ðó mới chính là luận điệu phản động, cực kỳ phản động.

Con đuờng ra đã rõ ràng.


Cần dân chủ hoá đất nước mà trong công cuộc này vai trò Ðảng cộng sản là quyết định. Hãy nên:

1. Từ bỏ thể chế độc Ðảng, toàn trị chấp nhận thể chế đa nguyên: Quá trình dân chủ của thời đại dân chủ, truớc sau cũng phải đi tới đa nguyên. Chế độ độc Ðảng hiện nay đã quá lạc hậu.

2. Thực hiện thật sự mấy quyền dân chủ cơ bản: Tự do bầu cử, ứng cử. Tự do báo chí, xuất bản và ấn loát. Tự do lập hội, lập Ðảng và tự do hội họp.

3. Thực hiện thật sự quên quá khứ: Xoá bỏ hận thù, đoàn kết rộng rãi nhân dân Việt Nam trong nước ngoài nước, xoá bỏ triệt để thành kiến phân biệt địch ta: Nguỵ và Chính, người trong nước và tay sai đế quốc nước ngoài. Thực hiện hoà hợp và hoà giải dân tộc, đoàn kết mọi người Việt Nam yêu tổ quốc và thiết tha với sự nghiệp tái thiết đất nước tới hùng cuờng và dân chủ tiến bộ. Trong khi chỉ cần giữ sự cảnh giác đúng mức.

4. Thực hiện chính xác và thực thà: Những phương châm đối ngoại đã có "Việt Nam muốn làm bạn với mọi người", "Ðộc lập đa phương, đa dạng ...". Tôi nhấn mạnh chính xác và thực thà là muốn trừ bỏ cái tư duy địch - ta trong đầu óc nhiều người. Tôi muốn nhấn mạnh rằng phải đổi mới tư duy, ta chỉ nên cảnh giác với những kẻ địch thật, còn đừng có tưởng tuợng lắm thứ kẻ địch, thậm chí muốn tìm cả địch còn trong trứng để bóp chết, như thế đất nước khó yên bình. Kẻ địch có thật của ta bây giờ có không? Có! Ðó là tình trạng mất dân chủ và sự tham nhũng; hãy dùng các thủ đoạn cảnh giác đối với 2 kẻ thù tham nhũng và phản dân chủ.

Viết xong ngày 20 tháng 11 năm 2001 tại Hà Nội
Trần Ðộ     

Bài học Gaddafi: Không thể dùng tiền mua nhân phẩm và quyền sống của đồng loại

Tác giả : Doãn Mạnh Dũng


Xem thêm:
Suy nghĩ lúc hoàng hôn: độc tài Gaddafi đã chấm dứt


1/9/1969 Trung úy Gaddafi thực hiện cuộc đảo chính chế độ quân chủ Vua Idris và xây dựng nước Gia-ma-hi-ri-a A-rập Li-bi nhân dân Xã hội chủ nghĩa Vĩ đại, gọi tắt là Libi.
Từ một nước nghèo đói, Libi đã trở thành một quốc gia giàu có. Dân số 6.173.579 người (2008). Thu nhập bình quân đầu người 13.100 USD/năm (2007). Tuổi thọ trung bình với nam 71 tuổi, nữ 76 tuổi (theo khảo sát của Liên Hiệp Quốc).
Đó là một quốc gia có mức sống mà nhiều nước trên thế giới thèm khát. Sự giàu có từ nguồn tài nguyên dầu lửa của Li bi đã làm chàng trai Gaddafi ngộ nhận về vị trí của cá nhân trong cộng đồng loài người. Dù rằng những năm Gaddafi nắm quyền hành, thế giới vẫn còn chia hai cực Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa, nhưng nền văn minh của loài người vẫn theo quy luật ngày càng tiến bộ.

Tổ chức sản xuất có xu thế ngày càng rõ theo quy luật liên kết và phụ thuộc lẫn nhau. Con người ngày càng yêu con người hơn. Con người ngày càng được tôn trọng không chỉ quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, phẩm giá và cả tính cách riêng chính đáng của từng cá nhân. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, những luận thuyết cực đoan đã làm mê hoặc lãnh tụ Gaddafi, vì vậy ông đã hậu thuẫn các hành động khủng bố. Gaddafi đã gieo mầm độc từ những năm cuối thập niên 1980.
Năm 1988, chuyến bay 103 của hãng Hàng không Pan Am (Mỹ) bị đánh bom rơi xuống làng Lốc-cơ-bi ở Xcốt-len, khiến 259 người trên máy bay và 11 người trên mặt đất thiệt mạng. Chính quyền Lybia chấp nhận bồi thường 2,7 tỷ USD.
Năm 1989 chiếc máy bay DC-10 của hãng Hàng không UTA (Pháp) bị đánh bom trên bầu trời Ni-giê khiến 170 người thiệt mạng. Chính quyền Lybia phải bồi thường 170 triệu USD.
Mặt dầu số tiền bồi thường trên là rất lớn so với các tai nạn máy bay khác. Nhưng loài người khác với con vật là không chỉ cần miếng ăn mà rất cần quyền được sống, quyền được làm người.
Cái mầm độc do Gaddafi gieo ra cho cả thế giới tuy đã ẩn sâu nhưng vẫn sống và luôn chờ ngày trả lại cho chính Gaddafi.
Về đối nội, gia đình Gaddafi đã sử dụng quyền lực của nhà cầm quyền để chiếm các nguồn sinh ra lợi nhuận trong kinh doanh, trong chia chác các tài nguyên của đất nước. Tiền thu từ tham nhũng không từ lao động nên được sử dụng thiếu trách nhiệm với con người. Theo báo New York Times, Seif al. Islam el. Gaddafi, con trai của Gaddafi đã trả cho ca sĩ Mariah Carey 1 triệu Mỹ kim chỉ để hát 4 bài hát mà y thích trong một buổi tiệc ở đảo St. Bart ở vùng Nam Mỹ.
Sự khác biệt về thu nhập quá lớn cùng với sự phung phí khi sử dụng đồng tiền đã gây ra sự chống đối trong nước. Để giải quyết mâu thuẫn nội bộ, thay vì đối thoại và minh bạch với nhân dân khi dùng đồng tiền thuế của đất nước thì chính quyền Libi dùng bàn tay sắt. Những người phản đối trong nước bị đẩy vào tù. Hơn 1.000 tù nhân mà người ta tố cáo đã bị sát hại bởi lực lượng an ninh tại nhà tù Abu Salim ở Tripoli hồi năm 1996.
Trừ nhóm lợi ích gắn liền với chế độ Gaddafi, dưới họng súng, người dân buộc phải bầu Gaddafi. Nhờ vậy Gaddafi được ca ngợi như biểu tượng của những người cùng khổ và bị áp bức.
Nhưng mâu thuẫn nội bộ trong nước chỉ chờ có cơ hội để bùng lên. Vì sự đàn áp khốc liệt của chế độ Gaddafi, nên không thể hình thành các nhóm đối lập. Libi đã đưa ra một tiền lệ hiếm. Với một quốc gia độc tài, dù lực lượng nổi dậy không thủ lĩnh nhưng vẫn có cơ hội thành công vì họ không đơn độc, cả loài người văn minh bên họ.
Một chính quyền dựa vào vũ khí và quyền lực để kinh doanh, tham nhũng nhằm duy trì lợi ích nhóm, không vì phẩm giá và quyền sống của người khác, không vì lợi ích của cộng đồng thì chính quyền đó đã tự gieo mầm hủy diệt.
Lãng tránh đối thoại, đàn áp các ý kiến khác biệt là chất kích thích giúp mầm độc phát triển nhanh hơn. Theo thời gian, nền văn minh càng phát triển, mầm độc càng lộ diện nhanh và cái kết bi thương của Gaddafi là không tránh khỏi. Tất cả chỉ chờ cơ hội để “cái gì của Sezar thì trả lại cho Sezar”.
Vấn đề hậu Gaddafi là một bài toán lớn. Trước hết Libi cần một Hiến pháp tiến bộ vì lợi ích thật sự, chính đáng và lâu dài cho mọi tầng lớp nhân dân Libi. Những người có công và bị thương trong chiến tranh cần được xã hội trân trọng chăm sóc. Nếu Hiến pháp được thảo ra vì lợi ích của những người soạn thảo ra nó hay vì lợi ích của những nguời có công với cuộc cách mạng Libi thì chắc chắn xã hội Libi sẽ không thể tránh khỏi vòng xoáy bạo lực trong tương lai.
Số phận nghiệt ngã của Gaddafi là bài học lịch sử cho xã hội văn minh của nhân loại!


Doãn Mạnh Dũng   

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

Tôi là kẻ cả tin, đang nghèo rớt mùng tơi, buôn thúng bán bưng kiếm sống qua ngày, bị đuổi lên đuổi xuống khi lạc vào các con đường lớn du lịch của Thành phố mang tên Bác chỉ vì kiếm sống, nên khi nghe anh bạn Tàu Lạ cho 16 chữ vàng thì mừng ơi là mừng. Cơm đang kiếm từng hột mà nay ngửi thấy vàng ai lại không mừng.
Cứ theo cái Tam giác kinh tế (thời trước 75 tôi là giáo sư kinh tế tư bản nên không được dùng lại) mà tôi học được, khi trên có nhiều vàng thì chí ít dưới cũng được hưởng vài
Đến nay, nghèo vẫn rớt mùng tơi mà chờ vàng cũng rớt mùng tơi. Có thấy gì đâu !
Ngẫm lại câu hát của Trịnh Công Sơn: "Em ra đi nơi này vẫn thế" mà thấy tiếc ơi là tiếc. Phải chi sau 75 tôi bớt cả tin đi một chút để vượt biên thì bây giờ chắc không phải vẫn thế đâu. Ba chục năm qua nơi này cứ vẫn thế. Riêng tôi vẫn cứ rớt mồng tơi như thế !

Tàu Lạ còn cho thêm "Bốn tốt". Lúc đó tôi cũng còn cả tin. Bây giờ mới hiểu ra rằng Tàu Lạ là đồ đểu:
Nó nói về cờ tướng!
Bốn con tốt của Tàu Lạ ở chóp bu hiện nay đang lãnh đạo thì tôi có nghe nhưng nói ra đi tù bỏ mẹ. Nên thôi.

Đành phải theo Trịnh Công Sơn mà vui ké: "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" vì nói gì thì nói, cái đất nước này 50 năm sau cũng sẽ "nơi này vẫn thế".

Hương Thanh, 15-6-11 Khánh Hòa

Ai lên Bản Giốc mà xem

Chuyện dân gian: Ngày xưa có một ông thần hoàng cho một nông dân thuê đất. Trong giao kèo, ông thần hoàng, đến mùa, đòi lấy hết những gì nằm trên mặt đất. Từ hạt lúa đến rơm rạ.
Anh nông dân đồng ý. Mùa này anh nhất định trồng khoai lang, cả ruộng xanh tốt.
Đến mùa theo ước hẹn, anh nông dân lấy hết củ khoai, chỉ để lại cho ông thần hoàng toàn lá là lá.
Ông thần hoàng bấm bụng ra đi và hẹn thay đổi giao kèo mùa sau.

Chuyện đương đại thác Bản Giốc: Anh Tàu và anh Việt thương lượng về thác Bản Giốc ở vùng biên giới Việt-Trung.
Anh Tàu cho anh Việt lấy phần trên là thượng nguồn còn mình chỉ khiêm nhường lấy phần dưới là hạ nguồn.
Anh Việt hí hửng rằng mình lấy được phần trên, anh Tàu chỉ lấy phần dưới.
Phen này anh Việt nhất định trồng cà pháo, để cho anh Tàu ăn rễ.

Hạ nguồn là nơi tàu bè du lịch đi lại ngắm thác Bản Giốc bây giờ thuộc Tàu, ai muốn đi ngắm thác phải xin phép Tàu và trả lệ phí cho Tàu.
Còn anh Việt ở thượng nguồn chả bao giờ thấy thác, không cẩn thận còn có thể rớt xuống thác mà chết!
Thế là qua hiệp ước với Tàu về biên giới, tiếng rằng thác Bản Giốc được chia đôi, anh Việt mất toi cả chì lẫn chài.
Anh Việt bấm bụng ra đi, Anh Tàu không cho phép đổi giao kèo.

Ai lên Bản Giốc mà xem
Chính quyền bán cả cái rèm của dân


Thằng Cuội, 19/7/11 Cao Bằng

Bệnh lở mồm, long móng, lỗ tai xanh.

 Bệnh lở mồm, long móng, lỗ tai xanh.

Giám đốc Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia là ngon lành lắm, Học viện là trí óc của Đảng nhằm gíáo dục những nhà lãnh đạo tương lai.

Nhưng hãy nghe ông Giám đốc Tạ Ngọc Tấn và thằng Cuội phát ngôn:

Giám đốc Tạ Ngọc Tấn: "Yêu nước như kiểu ấy không bằng phá nước!!!
Lịch sử cả ngàn năm Bắc thuộc, dù ta có đánh thắng nhiều cuộc xâm lăng từ phía Bắc nhưng ông cha ta đã rất khôn ngoan luôn coi trọng việc hòa hiếu, nào là thần phục, chịu sắc phong vương, nào là triều cống đủ thứ…
Huống chi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ta với Trung Quốc như môi với răng. Bản thân tôi (đ/c Tấn) vào bộ đội chống Mỹ thì
từ đầu đến chân toàn là vũ khí trang bị của Trung Quốc, đến cả quân trang, mũ cối, dép râu đến lương khô cũng là của Trung Quốc!!!".


Thằng Cuội: Không ngờ với những trang bị đến tận răng của Tàu đã thay đổi bộ óc của ông Giám đốc Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia.
Ông quên mất tổ tiên đã trang bị cho ông một đất nước hình cong chữ S, kéo dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, ngon lành hơn những dép râu, mũ cối, lương khô mà ông đã ăn phải bả.
Tổ tiên ta có triều cống Tàu là khi đã đá đ.. Tàu ra khỏi đất nước. Còn ông dạy cho thế hệ lãnh đạo tương lai chưa đánh đã triều cống.

Đây có phải là ông phát ngôn chủ trương của Bộ chính trị chăng. Nếu là phải thời Bộ chính trị đang bị bệnh lở mồm long móng đó làng nước ơi!


Giám đốc Tạ Ngọc Tấn: "Trong tranh chấp biên giới trên đất liền, thực ra ta có mất gì đâu? Tôi đã trực tiếp lên Bản Giốc, theo đường phân thủy, ta có 2 phần, Trung Quốc được 3 phần,
thì ở bãi giữa sông Bắc Luôn (Lào Cai) ta được 3 phần, Trung Quốc chỉ có 2!!"


Thằng Cuội: Ới ới cái ông gì ơi, ở Bản Giốc, Tàu nó lấy hết những gì là hữu ích, nó chỉ để lại cho ông cái đũng quần.
Một thí dụ dễ hiểu cho ông hơn nhé: chia người đẹp, Tàu nó lấy từ đầu xuống gối, nó để cho ông từ đầu gối xuống chân.
Chia chiếc chiếu rách Tàu nó cho ông hai phần ba, nó chỉ lấy một phần ba.
Ông chỉ có ngoa mồm với dân ta là giỏi!
Bớ làng nước ơi, ông Giám đốc Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia đang bị bệnh lở mồm long móng.


Giám đốc Tạ Ngọc Tấn: "Tranh chấp làm gì? Ta cứ gây hấn với Trung Quốc thì được cái gì?".
"… Mất một chút nào đó để tránh được chiến tranh, giữ gìn bảo vệ được hòa bình thì….
Lúc này giữ gìn bảo vệ được hòa bình là chủ trương nhất quán vì lợi ích cơ bản, toàn bộ và lâu dài của ta!!!


À ra thế! Chỉ mất chút xíu Hoàng Sa, Trường Sa!
Nghe đến đây thì thằng Cuội tôi tự nhiên bị bệnh lỗ tai xanh. Không còn nghe gì được nữa.
Thằng Cuội tôi cảm thấy phục những đảng viên nghe theo lời Đảng từ bấy lâu nay mà vẫn chưa nhiễm bệnh lỗ tai xanh.


Thằng Cuội, Cao Bằng 10/09/2011           

Định nghĩa từ “Nhân dân” và một bài luận văn của học trò

Thằng Cuội, Cao bằng
Cô giáo: Các em hãy triển khai một đoạn chính bài luận văn của Đại tá Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang đăng trên báo QĐND ngày 23/10/11:
“Lời nói đầu của bản Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (do Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 9-11-1946)đã xác định rõ danh từ “nhân dân” là những người dân “đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa.”
Nếu cấn thiết, các em có thể hỏi bố mẹ.
Dưới đây là bài luận văn của một trò được điểm 10:
- Em không đọc Hiến pháp nên không biết từ “Nhân dân” được định nghĩa như thế nào. Tuy nhiên theo em, câu nói trên có 3 vế: “đã giành lại chủ quyền cho đất nước”, “tự do cho nhân dân”, “lập ra nền dân chủ cộng hòa”.
Nếu nhân dân phải hội đủ cả 3 vé thì hiện nay “Nhân dân” là không còn ai cả. Vé “tự do cho nhân dân” chưa có ai làm được vì dân vẫn còn phải nhập hộ khẩu.
Nếu “Nhân dân” chỉ cần một hoặc hai vé “đã giành lại chủ quyền cho đất nước”, “lập ra nền dân chủ cộng hòa” thì hiện nay chỉ còn lại rất ít người gọi là lão thành cách mạng. Trong số đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Như vậy “Nhân dân” của nước ta đã trên 80/90/100 tuổi và quá già cả rồi.
Gia đình em thì khỏi nói, không thể nào lọt vào “Nhân dân” được. Một vé còn không có nói gì tới hai, ba.
- Em hỏi bố, bố em nói: Thằng này láo. Hiến pháp 46 đâu có chỗ nào định nghĩa như thế. Nó phịa ra đấy. Nó nghe lịnh ai để loại hết mọi người ra khỏi “Nhân dân” thì bảo.
Cô giáo cho điểm 10 với lời phê: Gia đình cô cũng như gia đình em. Nếu định nghĩa từ “Nhân dân” như thế thì phải xuống mồ lôi các cụ dậy.”
Thằng Cuội, Cao Bằng
02/11/2011
http://www.tudoimoi.org/Tieude_chuyennhudua.php

Tính chính đáng từ bên trên và xã hội dân sự – Sự thay đổi văn hoá – chính trị ở Đông Âu

Giuseppe Di Palma
Lâm Yến dịch
Tại sao chủ nghĩa cộng sản lại sụp đổ ở Đông Âu? Vai trò của các xã hội Đông Âu trong sự sụp đổ này là gì? Tiểu luận này nhằm trả lời hai câu hỏi đó, và đặc biệt tập trung vào tìm câu trả lời cho cách hành xử độc đáo của các chế độ cộng sản khi họ cố gắng tìm cách lý giải tính chính đáng của họ bằng “tính chính đáng từ bên trên.” Đông Âu đã hứng chịu sự khủng hoảng tập thể về niềm tin, hậu quả của tình trạng ruồng bỏ cả về ý thức hệ lẫn vật chất của Liên Xô. Bài viết này lập luận rằng đã có một xã hội dân sự dưới dạng nào đó tồn tại ở Đông Âu, không phải chỉ là sự chống đối lén lút theo nghĩa thường, mà là một hình ảnh đậm nét về sự tồn tại và văn hoá, đối ngược lại với hệ thống duy nhất bá chủ của cộng sản. Thực tế này cần được nhìn nhận thích đáng trong bất cứ phân tích nào về khả năng xuất hiện của xã hội dân sự Đông Âu trước và sau chuyển đổi.
Lucian Pye, trong một bài phát biểu trước Hiệp hội Khoa học Chính trị Hoa Kỳ, đã miêu tả cuộc khủng hoảng tập thể của chủ nghĩa cộng sản như sau:
“Đang có những hiện tượng gây ngạc nhiên, nhưng đằng sau chúng là những lực lượng lịch sử đang vận động và tạo ra những khủng hoảng mọi mặt cho các thể chế độc tài… Ở khắp nơi trên thế giới, nền thống trị độc tài đã thất bại trong việc hiện thực hoá lời hứa về tính hiệu quả cần thiết [trong quản lý xã hội]“. [1]
Phân tích của Pye rất hấp dẫn. Nó làm sống lại lý thuyết hiện đại hoá đã từng bị quên lãng. Nó gợi ý rằng cái chết của các nền độc tài hiện đại, đầu tiên ở phương Tây và giờ đây đến lượt phương Đông, đã được thúc đẩy bởi các nhu cầu của những chuyển đổi kinh tế – xã hội sâu rộng hơn, và thường mang tính toàn cầu. Những nhu cầu này đòi hỏi sự hội tụ đến các mô hình đa nguyên phương Tây.
Tôi muốn lập luận phản bác lại rằng một sự hội tụ như thế hiếm khi là mục tiêu của các chế độ độc tài, và cũng rất hiếm khi các chế độ này đạt được điều đó, ngay cả khi họ ý thức được sự lạc hậu về kinh tế-xã hội của mình. [2] Đặc biệt là mặc cho sự lạc hậu đã quá rõ ràng, sự khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu không phải là một sự hội tụ hợp lý mà là sự phân kỳ mang tính cách ly và ngoan cố. Với những gì nó thể hiện về các “lớp” toàn trị xưa cũ của mình, và thực ra, với tất cả những giảng nghĩa học thuật khác nhau về bản chất của các chế độ cộng sản, chủ nghĩa cộng sản trưởng thành (mature communism) cuối cùng chỉ dựa trên một lý thuyết không có cơ sở về lịch sử, theo đó sự hội tụ hoặc sẽ diễn ra trên các nền tảng của chính chủ nghĩa cộng sản, hoặc sẽ không bao giờ diễn ra cả. Lý thuyết về lịch sử này – vốn không được nhiều người chấp nhận – cấu thành cốt lõi vĩnh cửu trong lập luận của chủ nghĩa cộng sản về tính chính đáng của họ. Nhưng một khi ngay cả đàn anh Liên Xô cũng không thể phủ nhận các thiệt hại do việc duy trì sự lạc hậu gây ra, thì [tới khi đó] chủ nghĩa cộng sản sẽ không thể tránh khỏi cuộc khủng hoảng về niềm tin. Lực lượng cộng sản sẽ không còn “đủ khả năng để không cần phải học” [3] .
Khi chủ nghĩa cộng sản đánh mất niềm tin, sự phản kháng của xã hội đối với các biện luận giáo điều và thiếu cơ sở lịch sử của nó đã bẻ lái cuộc chuyển đổi ở Đông Âu sang hướng trở thành cuộc cách mạng công dân thực sự, [4] được nhấn mạnh bởi cuộc động viên vĩ đại các bản sắc và ước vọng dân sự. Mức độ hiện đại hoá đạt được ở các xã hội Đông Âu dưới chủ nghĩa cộng sản không đủ để giải thích những hiện tượng ấy. Cuộc động viên đã vượt quá các kịch bản thông thường xảy ra trong những sự tan rã gần đây của các nền độc tài phương Tây (thường là hiện đại hơn những xã hội cộng sản ở Đông Âu). Một lý do giải thích sự khác biệt [giữa hai bên] là các nền độc tài phương Tây, khác với các xã hội cộng sản, hiếm khi có ý định phủ nhận triệt để tư cách công dân (citizenship) tới mức một nguyên tắc. Vì thế, việc dành lại tư cách công dân của những người Đông Âu là một hoạt động chính trị tinh tế. Xét về mặt lịch sử, vì sự xuất hiện của một không gian công tối quan trọng đã từ lâu bị cản trở ở Đông Âu, ngay cả trước khi có sự áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên vùng đất này, người ta có thể đặt câu hỏi rằng liệu hoạt động chính trị này tự nó có tầm quan trọng lịch sử-thế giới không. [5]
Để mở đầu, xin có một vài tuyên bố phủ nhận [disclaimers]. Mặc dù được viết theo lối khẳng định luận, đây là một tiểu luận mang tính khai phá, một đề đạt cho một lịch trình nghiên cứu. Trước tiên, bằng chứng cho luận điểm rằng chủ nghĩa cộng sản Đông Âu tìm cách tự chính đáng hoá bản thân họ từ bên trên, cũng như bằng chứng cho luận điểm rằng việc mất lòng tin đã dẫn tới sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu khó lòng có thể giải trình tường minh trong khuôn khổ một bài báo nghiên cứu. Bài báo này cũng, và không cần phải ân hận rằng đã, là một tiểu luận về những điểm tương đồng -điều đó không có nghĩa là nó phủ nhận những khác biệt quan trọng giữa các quốc gia, cả trong bản chất của chủ nghĩa cộng sản ở từng nước cũng như nền tảng tiền cộng sản ở mỗi nơi và trong chuỗi diễn biến nối tiếp liên quan đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản. Thực ra, các khác biệt đặc biệt nổi bật khi phân biệt giữa các quốc gia Trung-Đông [Âu] và Đông Âu thực sự, đấy là chưa kể [các khác biệt] giữa một bên là tất cả các nước này và bên kia là Liên Xô, và trong việc viễn đoán tương lai của từng nước. Tuy vậy, có những tương đồng cơ bản đóng vai trò quyết định để nhìn ra cái gì là độc đáo trong cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản Đông Âu, trong tương quan với, thí dụ như, khủng hoảng của các nền độc tài ở Nam Âu và Mỹ Latinh. [6] Điểm chung của các chế độ cộng sản là các quan hệ về vật chất và tư tưởng ràng buộc họ (các vệ tinh) với đàn anh Liên Xô: vì thế [nó giải thích tại sao] trong một thời gian dài họ không có khả năng rũ bỏ tập hợp các đức tin và mẫu hành vi (vốn được bảo đảm tuân thủ một cách đầy nghệ thuật và ngày càng trở lên cổ lỗ); [nó cũng giải thích tại sao] niềm tin của họ nhanh chóng rơi xuống vực thẳm khi mà sự ban phúc và điểm tựa từ Liên Xô không còn nữa, bất kể họ đã đi được bao xa trên con đường tự cải tổ. Adam Przeworski nói về hiệu ứng domino: việc dỡ bỏ cái đập nước Liên Xô đã giải phóng nguồn nước và sức mạnh dòng chảy đã lần lượt cuốn trôi đi hết chế độ này đến chế độ khác. [7]
Các lý thuyết về sự thay đổi của cộng sản
Chủ nghĩa toàn trị là định nghĩa đúng đắn nhất về cốt lõi của nền cai trị cộng sản được thực thi dưới thời Stalin ở cả Liên Xô và Đông Âu. Thuật ngữ này không phản ánh thành công lắm hiện thực cộng sản dưới thời Khrushchev hoặc trong giai đoạn bình thường hoá (normalization) của Brezhnevite. Tuy nhiên, vứt bỏ cái nhãn hiệu này không nhất thiết làm tăng khả năng của chúng ta trong việc giải thích sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu (chứ đừng nói đến ở Liên Xô). Các thuật ngữ khác [như chủ nghĩa hậu toàn trị (post-totalitarianism), chủ nghĩa chuyên chế hậu toàn trị (post-totalitarian authoritarianism), chủ nghĩa toàn trị thất bại (failed totalitarianism), chủ nghĩa toàn trị sau cách mạng (postrevolutionary totalitarianism), chủ nghĩa chuyên chế phúc lợi (welfare authoritarianism), chủ nghĩa truyền thống mới (neo-traditionalism)], những thuật ngữ được sử dụng từ những năm 1960 nhằm miêu tả động thái của các thay đổi của chủ nghĩa cộng sản hậu Stalinist, cũng có rất ít tác dụng trong việc dự báo sự sụp đổ của cộng sản và động thái đặc biệt của nó.
Trước khi sự phân rã của hệ thống cộng sản trở thành tin nóng hổi đăng trên trang nhất [của hệ thống báo chí] toàn cầu, rất ít (nếu không muốn nói là không có) trong số những học trò xét lại của chủ nghĩa cộng sản tin vào điều đó. Đúng vậy, họ tỏ ra lúng túng khi Jeane Kirkpatrick tuyên bố rằng các nền độc tài kiểu tây Phương có thể được cách tân hoặc thậm chí được xoá bỏ, nhưng các nền toàn trị cộng sản thì không. [8] Nhưng Kirkpatrick là một kẻ xiên xẹo lắm điều và bại hoại về chính trị- có lẽ điều này giải thích tại sao bà ta lại không ngó ngàng gì đến những tiến bộ đạt được trong nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản, cũng như sự khinh bỉ mà người ta dành cho các tuyên bố của bà. Mặc cho những lời phỉ báng, Samuel Huntington năm 1984 vẫn còn viết trong một nghiên cứu học thuật về triển vọng dân chủ toàn cầu rằng “khả năng có các tiến triển dân chủ ở Đông Âu là gần như bằng không.” [9] Không phải là một kẻ phá rối mà được coi là một học trò xuất sắc về độc tài và toàn trị, Juan Linz năm 1984 cũng viết một đề xuất về sự khác biệt giữa các nền chuyên chính toàn trị và độc tài rằng “tiêu chí cơ bản là khả năng có thể chuyển đổi hoặc đảo ngược của chế độ.” [10]
Vậy thì cái gì vẫn còn trục trặc trong các lý thuyết về sự thay đổi của cộng sản? Liệu chúng đã mô tả chính xác các thay đổi chưa? Nếu rồi, thì những thay đổi như thế liệu có thể làm sáng tỏ sự tan rã cuối cùng hay không?
Cách hiểu của các nhà xét lại về những thay đổi diễn ra dưới sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản có thể được chia ra làm hai loại: Loại thứ nhất là hậu duệ của lý thuyết về hiện đại hoá hoặc hội tụ. Lý thuyết này chỉ ra động lực chính của các thay đổi trong động thái của các tiến bộ vật chất và hệ thống công nghiệp toàn cầu. Tiềm năng toàn cầu về hiện đại hoá, hướng đến sự hội tụ tới các mô hình đa nguyên phương Tây, được tóm tắt lại gần đây nhất trong bài nói chuyện của Lucian Pye:
“Các lý thuyết gia đầu tiên về hiện đại hoá và phát triển chính trị (political development) đã xác định những yếu tố chính đều là các biến số quyết định. Điểm mà chúng ta đã sai trong những năm 1950 và 1960 là đánh giá thấp tầm quan trọng mà những yếu tố này có thể tích luỹ trong các thập kỷ tiếp theo, và mức độ mà theo đó chúng sẽ trở thành một một bộ phận của các hệ thống toàn cầu được đan kết chặt chẽ với nhau. Lý thuyết hiện đại hoá dự đoán rằng tất cả những diễn biến như phát triển kinh tế, sự lan truyền của khoa học và công nghệ, sự gia tốc và lan rộng của thông tin và sự thiết lập các hệ thống giáo dục sẽ cùng đóng góp vào sự thay đổi chính trị. Ở đây chúng ta không thể ghi lại tất cả những con đường mà các yếu tố này đã tác động để rồi đem lại cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa chuyên chế, nhưng chúng ta có thể vắn tắt nhắc lại mức độ [thiếu sót của] chúng ta khi ban đầu đã không đánh giá đúng quy mô ảnh hưởng mà các yếu tố này có thể đạt tới”. [11]
Tuy vậy, một thời gian dài trước khi Pye nói ra những câu này, các nhà nghiên cứu về Soviet đã dành sự chú ý đáng kể đến các đòi hỏi phải hiện đại hoá. Với một số người, chủ nghĩa cộng sản thời kỳ đầu -tập trung vào khủng bố, học thuyết và động viên bắt buộc (coerced mobilization)- là cái xa lạ với hiện đại hoá, hoặc ít ra là cái ngăn trở hiện đại hoá. [12] Với một số người khác, chính những yếu tố này có chức năng gia tốc quá trình hiện đại hoá khỏi sự lạc hậu. [13] Dù thế nào thì trong mắt cả hai, nhu cầu phải hiện đại hoá (hoặc tiếp tục hiện đại hoá) sẽ hiển hiện trong giai đoạn chủ nghĩa cộng sản trưởng thành. Vì thế có thể giả định rằng đã có sự thay đổi về chất trong thời kỳ sau Stalin: rời xa chủ thuyết phản năng suất (counterproductive chiliasm) vốn đã không còn cần thiết và hướng tới một trật tự hiện đại hoá tách biệt hơn, dễ dự đoán hơn và có trách nhiệm hơn; một trật tự đem lại thời đại của các nhà kỹ trị và các chủ thể duy lý.
Tuy nhiên, liệu các nhu cầu cần phải hiện đại hoá có phải là những yếu tố đủ để gây ra sự sụp đổ của hệ thống cộng sản hay không? Và chính xác thì theo cách nào? Mặc cho các chi phí khách quan khi phủ nhận nó, cái thực sự ấn tượng trong cuộc sụp đổ hiện nay [của hệ thống cộng sản] không phải là sự thúc bách của các đòi hỏi [của hiện đại hoá], mà ngược lại chính là việc thiếu khả năng thay thế về cơ bản các chủ nghĩa xã hội “thực sự sống động”. [14] Vì thế, sự đình trệ và nghèo đói (tương đối và tuyệt đối) -chứ không phải việc tháo bỏ gông xiềng cho phát triển- là cái đứng đằng sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.
Về điểm này, cách hiểu thứ hai-được Andrew Janos gọi một cách sắc sảo là chủ nghĩa thoái hoá (devolutionist)-mạnh hơn các lý thuyết hiện đại hoá. [15] Lấy cảm hứng từ lý thuyết của Weber về thường lệ hoá (routinization), [lý thuyết] thoái hoá lập luận rằng sự xung đột là không thể tránh khỏi giữa các cảm hứng hạnh phúc vĩnh cửu chiliastic aspirations) của phong trào toàn trị và địa vị cũng như các quan tâm thực dụng của các thành viên phong trào này-những người bị buộc phải thực hiện các mục tiêu của nó. Xung đột này có thể tồn tại lâu dài mà không được giải quyết, [16] nhưng cuối cùng thì các viên chức quan liêu và những người bình thường hoá (normalizers) của chế độ cũng sẽ thắng. Vì nếu thiếu vắng sự bảo đảm về các nhiệm vụ và vai trò, các mục tiêu hạnh phúc vĩnh cửu của phong trào sẽ nhấn chìm chế độ trong hỗn loạn.
Các lý thuyết về thoái hoá tốt hơn các lý thuyết về hiện đại hoá ở chỗ chúng chỉ ra được các cội rễ đầu tiên của cuộc phân huỷ hiện nay do -thay vì tập trung vào động thái toàn cầu của các tiến bộ vật chất- chúng tập trung vào cốt lõi chính trị của hệ thống cộng sản: một hệ thống trở nên ít đe doạ hơn, và có vẻ ít gò bó hơn sau thời Stalin nhưng vẫn đe doạ hơn và gò bó hơn rất nhiều so với bất cứ nơi nào khác trong thế giới công nghiệp, và vì thế, vẫn phải dựa nhiều vào đàn áp, giám sát, hoặc tạo ra các xung lực thay đổi. Và bằng cách nhấn mạnh rằng [quá trình] bình thường hoá được dẫn dắt bởi sự quan tâm đến địa vị của vô số giới chức hành chính, các lý thuyết thoái hoá giải thích lý do và bản chất sự khác biệt giữa bình thường hoá và hiện đại hoá. Chúng đưa ra một mô tả đầy thuyết phục về sự tụt dốc của cộng sản tới [trạng thái] đình trệ “tân-truyền thống”- một trạng thái không phản ứng gì với các kích thích toàn cầu. [17] Tuy thế, tân-truyền thống cũng biểu hiện cho một giai cấp chính trị già giặn, được biệt đãi, và tồn tại khắp nơi, một giai cấp không chịu trách nhiệm về hành vi của nó, cũng không bị ràng buộc bởi hợp đồng và thành tích làm việc. Vậy thì làm thế nào mà một giai cấp được phòng thủ kiên cố như giai cấp xuất hiện ở Liên Xô và các nước vệ tinh của nó dưới thời Brezhnev lại dịch chuyển từ chỗ an toàn đến chỗ khủng hoảng leo thang? Đây là câu hỏi mà các lý thuyết về thoái hoá không trả lời được đầy đủ.
Bây giờ là lúc nhìn nhận sự thay đổi của cộng sản từ một góc độ khác về tính chính đáng của hệ thống. Có 3 điểm lợi khi tập trung vào tính chính đáng (đặc biệt là vào việc các tuyên bố mà tính chính đáng của hệ thống phải dựa vào đã bị ảnh hưởng như thế nào bởi [quá trình] bình thường hoá cộng sản). Đầu tiên, sự tập trung [vào tính chính đáng] này cho biết làm thế nào mà niềm tin vào tính chính đáng chuẩn tắc -một đặc điểm trung tâm của các chế độ cộng sản- thường dẫn các chế độ này tới chỗ mắc kẹt nguy hiểm trong việc phủ nhận các hiện thực trong nước và toàn cầu vốn đang ngày càng trở nên đòi hỏi hơn. [18] Thứ hai, nó cho biết để phản ứng lại với sự phủ nhận hiện thực của cộng sản, xã hội dân sự đã xuất hiện và trở thành trung tâm trong các cuộc chuyển đổi của cộng sản như thế nào, và vì sao người ta phải nói về các cuộc cách mạng tư cách công dân. Thứ ba, việc tập trung vào tính chính đáng nêu bật lên tầm quan trọng của diễn ngôn chính trị (political discourse) trong việc dẫn dắt sự thực hiện quyền lực cộng sản, trong đóng góp vào thất bại đáng khinh bỉ của họ, và trong việc định hình các [hoạt động] tự vệ của xã hội chống lại họ.
Tính chính đáng từ bên trên
Xin làm rõ ngay từ đầu rằng cách nhìn của Đông Âu về tính chính đáng phải là một phiên bản giới hạn của cách nhìn của Liên Xô. Vì thế, các điểm bình luận tiếp theo đây sẽ quan trọng đối với kẻ bá chủ không kém gì với các vệ tinh của nó.
Người ta có thể bị lôi cuốn vào khuynh hướng phủ nhận tất cả các nghiên cứu về tính chính đáng và coi chúng là giả tạo và không hiệu quả. Trên thực tế, sự kết hợp giữa các yếu tố chuẩn tắc và vật chất đã tồn tại từ lâu đã làm xói mòn sự ủng hộ của quần chúng đối với chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt là ở Đông Âu. Hơn nữa, các chế độ, đặc biệt là các chế độ lạm dụng sự đàn áp, có thể bảo lưu [được quyền lãnh đạo của mình] trong một thời gian dài mà không cần sự ủng hộ thực sự của quần chúng. Tuy nhiên, việc không được sự ủng hộ của công chúng không nhất thiết phản ánh việc không có tính chính đáng. Phương trình khái niệm này đúng, ít ra là một phần, [19] khi dân chúng có chủ quyền là lực lượng có vai trò xác minh và ban phát tính chính đáng, như trong hệ thống hiến pháp dân chủ hoặc tự do. Khi dân chúng có chủ quyền, sự ủng hộ của họ cấu thành nhân tố quyết định của tính chính đáng. Điều này đúng bất kể tiêu chí ban phát tính chính đáng được xác định như thế nào. Quyền cai trị của thiểu số, vì thế, bị quy định bởi đa số còn lại.
Tuy nhiên, sự khẳng định về tính chính đáng có thể được xác nhận bởi một nguồn chủ quyền khác hẳn: ví dụ trong giai đoạn đầu của lịch sử hiện đại, chúng có thể được xác nhận bởi chính những kẻ cai trị. [20] Gợi ý ở đây là nguyên tắc tự-chính đáng hoá, hay như cách Maria Marcus gọi là “tính chính đáng từ bên trên” cũng tồn tại trong các chế độ cộng sản. [21] Và khi những kẻ cai trị tin rằng quyền cai trị của họ không cần sự chứng thực của công chúng, thì hai hậu quả sẽ xảy ra. (1) Những ai không nhận thức được quyền thống trị của kẻ cai trị sẽ không vì thế mà nghi ngờ kẻ cai trị, thay vào đó, họ tự nghi ngờ mình. Và (2) Nếu cuối cùng nổ ra một cuộc khủng hoảng tính chính đáng- tức là, nếu kẻ cai trị mất niềm tin vào quyền cai trị của mình- thì sẽ rất khó để dập tắt được cuộc khủng hoảng này. Một chế độ “đạo đức” có thể tồn tại mà không cần sự ủng hộ rộng rãi; nhưng nó khó có thể tồn tại mà không còn tin vào đạo đức của chính mình. [22] Vì đến lúc đó, nó không còn can đảm để [tiếp tục] thống trị bất kể công luận thông qua các biện pháp bí mật và xảo quyệt – nếu những biện pháp này là cần thiết.
Vị trí trung tâm mà các chế độ cộng sản đặt cho tính chính đáng từ bên trên không chỉ đơn thuần là thiếu tin tưởng-và về mặt luật pháp không thừa nhận-xã hội dân sự; các nền chuyên chế phương Tây cũng có những đặc điểm này. Tuy nhiên, nhu cầu tin vào quyền được lãnh đạo của mình không thiết yếu đến như vậy trong các chế độ này so với trong chế độ cộng sản. Sự nhấn mạnh đến tính chính đáng từ bên trên là độc đáo mang tính tiên đề trong trường hợp các chế độ cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản, như tôi đã viết trong một nghiên cứu so sánh các cuộc chuyển đổi ở Tây và Đông,
“không phải là một công việc dọn dẹp tạm bợ, một ngoại lệ của chế độ với một kế hoạch do chính mình áp đặt nhằm xếp xắp lại ngôi nhà dân chủ đang hoặc đã đổ vỡ, giống như nhiều chế độ chuyên chế khác muốn tự giới thiệu/ nguỵ trang/bào chữa. Tham vọng ban đầu của chủ nghĩa cộng sản là đem lại một sự thay thế về xã hội và chính trị, không chỉ trong nước, mà trên tất cả, là nền dân chủ đầy đủ (liberal democracy) cho toàn cầu”. [23]
Tham vọng này không ngay lập tức được thoả mãn bởi Cách mạng Nga hoặc hệ thống các nhà nước cộng sản được thiết lập sau Thế chiến II. Thay vào đó, với sự ra đời của hệ thống này, các tham vọng và mục tiêu vẫn còn nằm trong viễn cảnh xa xôi, và nhu cầu chứng thực trở nên trung tâm hơn bao giờ hết. Sự thể hiện và các thành tựu của một [nhà nước] và sau đó là sự tồn tại lâu dài của các nhà nước cộng sản phải được đo lường bởi những mục tiêu này.
So sánh với các nhiệm vụ thế tục hơn và liên tiếp nhau của các chế độ toàn trị phương Tây, vốn nhiều lắm là tập trung vào “bắt kịp” các nước tiến bộ hơn chứ không phải lật đổ trật tự quốc tế của họ, [24] các mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản quốc tế đòi hỏi sự thống nhất phi thường về mục tiêu, cũng như sự phối kết hợp không thể lung lay cả trong và giữa các nhà nước cộng sản. Trên hết, chúng đòi hỏi (và được nuôi dưỡng bởi) một học thuyết có khả năng giải thích hiện thực và thực ra phải dẫn dắt và tổ chức lại [hiện thực] trong cách tưởng tượng riêng của nó: thậm chí phát minh lại nó, nếu các hiện thực tỏ ra cứng đầu. Vì thế, sẽ là không đủ nếu chỉ bịt miệng xã hội dân sự và kiềm chế không cho nó phát triển. Mà thay vào đó, với tư cách là một nguồn cung cấp các viễn cảnh thay thế về hiện thực-thường mang tính chia rẽ và tự cao-xã hội phải được tuyển mộ vào chân lý. Nói cách khác, chính khái niệm xã hội dân sự-với tư cách là một nhân tố thiết yếu-không những chỉ đơn giản là phiền toái mà chính xác hơn là xa lạ với cách nhìn cộng sản.
Vì thế, ngay từ đầu, có 4 đặc điểm đánh dấu tính chính đáng cộng sản từ bên trên:
Tính chính đáng của quyền cai trị được xem xét dưới ánh sáng của các mục tiêu hàm ý rằng tính chính đáng của các bộ máy cộng sản quan liêu phải được xem xét dưới ánh sáng của các nhiệm vụ (thường là quân sự) và vì thế mang tính khái niệm, chứ không phải dưới ánh sáng của các thủ tục. Các nhiệm vụ và “chiến lược” (chinh phục các đỉnh cao mới hay tiêu diệt các thể lực đen tối) thay thế các khung luật pháp với tư cách là ngôn ngữ của nhà nước. Chính khái niệm luật pháp trở nên đồng nghĩa với khái niệm các biện pháp hành chính mang tính công cụ (instrumental administrative measures), [25] đặc trưng trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa độc đoán hiện đại. Khái niệm của Weber về tính chính đáng liên quan đến mệnh lệnh (Herrschaft) khá thích hợp trong trường hợp này. [26]
Không giống như một ông hoàng độc đoán, các bộ máy quan liêu kiểu Soviet (đặc biệt là bộ máy Đảng) đòi hỏi quyền lãnh đạo vì các nhiệm vụ mà họ thực hiện được dẫn dắt bởi chân lý tối cao. Họ đòi độc quyền trong diễn giải chính trị. Vì thế, chân lý của họ không thể bị hiện thực chứng minh là sai, các mệnh lệnh của họ luôn phải đúng, và nhiệm vụ của họ không bao giờ thất bại bởi các khiếm khuyết của chính họ. Nói một cách chặt chẽ thì, những kết quả tồi không phản ánh các mục tiêu. Karl Deutsch định nghĩa quyền lực là “đặc quyền đầu ra trên đầu vào, khả năng nói mà không cần nghe,… khả năng không cần phải học.” [27] Quyền lực cộng sản giống như vậy. Nó tuyên bố không thể sai về mặt nhận thức.
Việc xác thực chân lý không cần đến dân chúng. Ngược lại, “chân lý” muốn quần chúng học tập và phổ biến nó, và trở thành bằng chứng [tô điểm] cho nó. Sự thụ động, chứ đừng nói gì đến phản kháng, sẽ không làm được gì. Mihajlo Mihajlov khi đề cập đến việc này đã nói về “phi tự do chủ động” trong đó “cá nhân bị ép phải chủ động ủng hộ việc nô lệ hoá bản thân họ” [28] bằng việc tham gia vào các cuộc động viên của cộng sản. Cách nhìn này giải thích thái độ phỉ báng của Walter Ulbricht đối với các công nhân Ðông Ðức sau cuộc nổi dậy ở Berlin năm 1953: bằng việc nổi loạn, giai cấp lao động đã chứng tỏ mình không còn xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng. [29]
Khi tính chính đáng đến từ bên trên, mối quan hệ vận động quyết định không phải là quan hệ giữa những người cai trị với công chúng, mà là giữa những người cai trị với đội ngũ nhân viên hành chính của Weber-mà theo cách nói của người cộng sản là các cán bộ [30] . Cuối cùng thì thử thách chính liên quan đến việc chuyển từ các mục tiêu đã được định sẵn tới các nhiệm vụ phải vạch ra và thực hiện. Khi chủ nghĩa hạnh phúc vĩnh cửu được hoá thân trong nhà nước, sự cấu kết giữa các thế lực cầm quyền, bắt rễ trong một học thuyết bất khả nghi vấn, trở nên thiết yếu cho việc kéo dài sự nhẫn nại. Các nhà nước chuyên chế phương Tây có thể bảo vệ quyền lãnh đạo của họ dựa trên các liên minh tiện nghi giữa các nhóm xã hội và các thể chế có khả năng tự phân tách. Chủ nghĩa cộng sản thì không thế.
Bốn đặc điểm đó hợp thành một dạng như bộ mã gen di truyền của bản sắc cộng sản. Qua năm tháng, chủ nghĩa cộng sản đã thích nghi. Nó đã trải qua quá trình thoái hoá và phàm tục hoá (philistinization). Tuy nhiên, cái bản sắc ban đầu hình thành trên thuyết chính thống về sự tuyệt mỹ mang tính di truyền của chủ nghĩa cộng sản là cái khó bị lay chuyển. Nghịch lý thay, chính sự bám chặt một cách mù loà này lại là yếu tố quan trọng đẩy chủ nghĩa cộng sản từ chỗ tự tin về nhận thức tới chỗ thất bại về nhận thức. [31]
Quyền lãnh đạo của cộng sản phải đối mặt với ba thách thức. Thách thức thứ nhất đã cũ: nó đến từ bên trong hệ thống cai trị, cái đã tỏ ra không cố kết bền chắc được như các mục tiêu nghìn năm đòi hỏi. Thách thức thứ hai gần đây hơn và đến từ xã hội, cái đã tỏ ra không chịu phụ thuộc nhiều như người ta đòi hỏi. Thách thức thứ ba và cũng là cuối cùng là tính bền vững và toàn cầu: cuối cùng thì kẻ thù của trật tự toàn cầu được hứa hẹn đã tỏ ra không dễ bị tiêu diệt. Mỗi thách thức phản ánh một mặt khác nhau của hiện thực không tuân theo sự diễn giải của cộng sản, và mỗi thách thức đó đều có khả năng làm xói mòn bản sắc cộng sản. Nhưng chỉ riêng thách thức cuối cùng, bằng việc hội tụ với 2 cái còn lại, mới chứng tỏ có vai trò quyết định. Chừng nào chưa có sự hội tụ đó, và chưa qua giai đoạn bình thường hoá, thì chủ nghĩa cộng sản vẫn còn ngoan cố tiếp tục phủ nhận hiện thực.

Điểm chung giữa Gaddafi và Hà Nội

AFP photo
Người dân ở thành phố Benghazi đốt tấm áp phích đại tá Moamer Kadhafi vào ngày 02 tháng 3 năm 2011.


Thanh Quang, phóng viên RFA
2011-11-02
Thi hào Rabindranath Tagore có 2 câu thơ mô tả – và có lẽ nhằm lưu ý nhân thế đừng quên – rằng cuộc đời này chỉ là “cõi tạm”: “Tôi để lại chìa khoá ngôi nhà tôi đó Ngổn ngang qua tạm cuộc đời!”
http://www.rfa.org/vietnamese/manuallyupload/audio-player/player.swf

Thông điệp từ Lybia

Và vầng thơ ấy đã đậm nét trong tâm khảm của nhà báo kỳ cựu Lê Phú Khải như ông “Tâm sự cùng vong hồn Gaddafi” qua nhiều mạng nhật ký, khi tác giả nhìn hình ảnh nhà độc tài “chó điên bên bờ Địa Trung Hải” của xứ Libya chết thảm không đủ vải che thân, ‘bao nhiêu vàng bạc châu báu, bao nhiêu tỷ đô la không mang theo được”, “không thể đem đi hết những gì ông ta đã cướp bóc của nhân dân”.
Theo tác giả thì cái chết thê thảm và nhục nhã của Gaddafi từng “nhất hô bá ứng” hơn 4 thập niên đó chỉ là một phần của thông điệp “Cách mạng Hoa Lài” đang trên đà lan tỏa mạnh mẽ, và nhất là nhân loại “quyết không đi ngược chiều lịch sử”:
“Loài người đã đi một chặng đường hơn 2000 năm để có văn minh và nhân quyền. Loài người quyết không đi ngược chiều của lịch sử. Đó là thông điệp từ Lybia ở đầu thế kỷ 21 này. Những người cầm quyền ở các quốc gia độc tài lo ngại cho số phận của mình nên la lên rằng, người ta đã “xâm phạm chủ quyền” của một quốc gia độc lập!
Họ quên mất rằng chính họ đã ký vào Tuyên ngôn Nhân quyền của thế giới. Họ quên mất rằng hiến pháp 1792 của cách mạng Pháp 1789, một cuộc cách mạng được Marx gọi là “đầu tàu của lịch sử ”, đã nêu rõ: “Quyền nổi dậy của nhân dân”, một khi kẻ cầm quyền phản bội những gì đã cam kết với nhân dân…”
Nhân biến cố Lybia, blogger Hiệu Minh lưu ý rằng trước Gadhafi là Hosni Mubarak của Ai Cập, trước Mubarak là Saddam Hussein của Iraq, trước Saddam là phe Taliban từng cầm quyền vô cùng độc đoán ở Afghanistan, trước Taliban là nhà độc tài Slobodan Milosevic của Serbia , rồi Liên Xô và các xứ đàn em Đông Âu, tất cả đều lần lượt ra đi và không bao giờ trở lại. Và “những quốc gia đã trải qua cuộc cách mạng mầu hay không mầu thì chẳng ai muốn trở lại ngày xưa” cả.

Bài học cho VN

Trong mấy ngày nay, nhiều mạng nhật ký cũng phổ biến bài tưạ đề “Thư Gaddafi gởi Ba Dũng” của tác giả bút danh “Hồn ma Gadhafi” viết từ “một vùng sa mạc hoang vu trên đất nước Libya” rằng:
“Cuối cùng tôi xin nhắn gởi lại một câu để ngài suy ngẫm, có thực hiện hay không thì tùy ngài: Quyền lực, đồng tiền, ma mãnh và độc ác cũng không bảo vệ được những thể chế chính trị độc tài, những con người độc tài mà chúng chỉ nuôi dưỡng cái ác để rồi chính cái ác sẽ tiêu diệt cái ác. Cũng như câu nói trong kinh Phật:

000_Hkg5241371-250.jpg
Một cảnh bắt bớ người dân do biểu tình chống TQ ở Hà Nội. AFP photo
“Ác giả, ác báo”, trong kinh Thánh: “kẻ nào dùng gươm ắt sẽ chết vì gươm”.
Khi “Hương Lài” phát xuất từ Tunisia khiến nhà độc tài Ben Ali chạy trốn sang Ả Rập Saudi lan tỏa tới Ai Cập làm sụp đổ chính thể chuyên chế Hosni Mubarak và rồi lan nhanh tới Libya, thì Gaddafi – ‘vua của các vì vua” như 1 hội nghị Phi Châu khen tặng – cảnh cáo sẽ dốc toàn lực quân đội, kể cả không quân, chiến xa, để cho những người dân biểu tình chống ông ta phải “tắm máu”.
 

Và “con chó điên bên bờ Điạ Trung Hải’ ấy đã giữ lời khi cuộc biểu tình ôn hoà thoạt đầu ở Libya dần trở thành cuộc kháng chiến võ trang, mở đường cho cuộc nội chiến đẫm máu ở xứ Bắc Phi này trong 8 tháng khiến mấy chục ngàn người thiệt mạng, mà đoạn kết là cái chết nhục nhã và bi thảm của Gaddafi.
Theo nhận xét của blogger Hoàng Trường qua bài “Gaddafi: Lại một cái chết không cần thiết”, tác giả phân tích rằng chính cách ứng phó “hoang tưởng, ngoan cố, tàn bạo quyết liệt” của Gaddafi trước trận “cuồng phong cách mạng” phát xuất từ Tunisia khiến ông ta – và người thân – lãnh một kết thúc bi thảm. Vẫn theo tác giả thì dù nhóm nhà độc tài thứ nhất khôn khéo hơn biết nới lỏng ách thống trị kềm kẹp khắc nghiệt, tôn trọng một số quyền của người dân và thực hiện ít nhiều cải cách, hay nhóm độc tài thứ hai – như Gaddafi – quyết liệt trấn áp người dân tới giờ phút cuối, thì “hai khuynh hướng đó đều gặp nhau ở một điểm, đó là sự thắng thế của nhân dân trước những chế độ độc tài”.
Như vậy, “điểm gặp nhau” đó có liên quan gì tới VN không, nơi mà trong thời gian qua, giới cầm quyền dùng công an đàn áp mạnh mẽ – và đổ máu – những người biểu tình chống TQ xâm lược, những nhà bất đồng chính kiến ưu tư cho sự tồn vong của quê hương, dân tộc, những dân oan lâm cảnh lang thang vô định, những người dân bị chết oan uổng về tay công an…
Tác giả Hoàng Trường nhận xét:
“Nhìn về Việt Nam, người ta tự hỏi liệu những người lãnh đạo đảng Cộng sản VN hiện nay có rút tiả được bài học nào hay không từ cái chết của Gaddafi. Liệu họ có biết kịp thời thức tỉnh, hay chỉ biết dựa vào tay nghề duy nhất là bạo lực như Gaddafi đã làm? Điều người ta có thể thấy được là, từ những lệnh miệng của ban Tuyên Giáo Trung Ương cho báo chí trong việc đăng tải các tin tức về cuộc nội chiến ở Libya mấy tháng trước đây “để tránh tạo khó khăn trong quan hệ ngoại giao”, cho đến việc Hà Nội phản ứng rất chậm trễ về cái chết của Gaddafi, dù đó là một tin nóng bỏng trên thế giới, cho đến quan điểm rất chung chung và có ý bài xích sự can dự của các nước thuộc khối NATO, được đài Tiếng Nói VN đưa ra sau đó.
Liệu những người lãnh đạo đảng Cộng sản VN hiện nay có biết kịp thời thức tỉnh, hay chỉ biết dựa vào tay nghề duy nhất là bạo lực như Gaddafi đã làm?
Tác giả Hoàng Trường
Tất cả thể hiện sự “tiếc thương” của Hà Nội đối với một chế độ cũng mang danh xưng “Xã Hội Chủ Nghĩa” ở Libya. Nhưng cũng chính bài bản tuyên truyền đó cho thấy sự lo ngại của các lãnh tụ Hà Nội về sự can thiệp của thế giới khi bàn tay của một chế độ dính quá nhiều máu. Hơn thế nữa, từng cá nhân trong giới lãnh đạo thượng tầng và từng quan chức công an cao cấp tại Việt Nam hiện nay chắc chắn đang suy tính cho mình khi nhìn thấy cái chết bầm dập của Gaddafi.”
Về “sự lo ngại của các lãnh tụ Hà Nội” như vừa nói, nhà báo Nguyễn Minh Cần từ Mascơva nhận xét:

“Riêng các nước có chế độc độc tài như TQ, VN, thì chúng ta thấy TQ có phản ứng khôn khéo hơn, nhưng vẫn không che giấu được sự sợ hãi. Riêng VN thì tỏ ra chậm chạp, hầu như không muốn lên tiếng. Điều này chứng tỏ rằng những người lãnh đạo VN run sợ trước cái chết của Gaddafi, và thấy rằng nếu không thay đổi thì tương lai của mình cũng sẽ có một kết thúc như vậy.”
Nhưng, theo blogger Hoàng Trường, thì rõ ràng là việc bỏ trốn ra nước ngoài sau khi chế độ độc tài sụp đổ không còn là một giải pháp trong bối cảnh thế giới hiện nay. Vì vậy, chọn lựa duy nhất là tiếp tục ở lại trong nước. Tuy nhiên, sự an toàn của họ khi ở lại quê hương cũng có điều kiện: Đó là mức tội ác của họ đối với nhân dân.
Và tác giả cũng không quên lưu ý rằng “hai thập niên vừa qua đã cung cấp nhiều bài học cụ thể và quý giá về sự sụp đổ của những chế độ độc tài”.

Đừng coi thường dân

Nhân chuyện Libya có thể có liên hệ ra sao tới VN, Đại Lão Hòa Thượng Thích Quang Độ, Tăng Thống GHPGVNTN khi lên tiếng mới đây với Đài ACTD  cũng lưu ý nhà cầm quyền VN đừng coi thường người dân, và hãy trông cái gương ở Trung Đông và Bắc Phi:

000_Hkg5049235-250.jpg
Công an trấn áp người dân trong một cuộc biểu tình ở Hà Nội. AFP photo
“Tình trạng Libya mới đây thôi, dân tộc Libya chịu khổ, bị áp bức đoạ dày dưới sự thống trị của Gaddafi tới 42 năm trời. Họ đã nói nhiều mà nhà nước không đếm xỉa tới. Cho đến cùng thì họ không nói bằng lời nưã mà họ xuống đường. Cho nên tôi nói với các nhà lãnh đạo VN là phải coi chừng, đừng coi thường người dân. Dân hiền thì rất hiền, nhưng khi đã nổi cơn giận lên thì không có gì cản nổi. Cái chết họ không sợ thì còn sợ gì ? Súng đạn họ cũng không sợ nưã. Cứ trông gương ở Tunisia, Ai Cập và Libya.”
 

Biến cố Libya – với cái chết thảm nhục của Gaddafi – khiến Blogger Nguyễn Đình Đông không khỏi liên tưởng đến quê hương VN và nêu lên câu hỏi rằng “ Khi nào thì VN sẽ là Libya thứ hai?”
“Tôi còn buồn hơn, và cũng có hận ông nữa, vì đã có thời người của chúng tôi hay lấy ông ra học tập, nhất là chuyện ngồi lâu. Tất nhiên, chuyện ngồi lâu trên thế giới chẳng riêng gì ông, ngay cả ông Putin, một ngôi sao nước Nga cũng đang định “ngồi lâu”, khiến cho các quan chức nước tôi được dịp“đấy, nhìn Putin kìa!”. Nhưng tôi giận ông là vì chuyện khác. Ông là người sống lâu, ông thừa biết kết cục nào dành cho mình nhưng ông không muốn ra đi êm thấm, sợ bị cười, bị nhục. Vâng, ông cứ việc. Thế nhưng tại sao trong lúc gần chết rồi, ông lại muốn lôi chúng tôi vào chuyện của ông?
Chúng tôi đã khốn khổ khốn nạn với những “người bạn cùng chiến hào” của ông rồi. Vậy mà hồi tháng Ba, ông còn tuyên bố: Libya sẽ là một Việt Nam thứ hai ! Thế thì chết chúng tôi rồi còn gì ? Ông hô lên như thế, bên chúng tôi người ta đáp lễ, lên tiếng ca ngợi ông, bênh vực ông, ví dụ tờ báo dầu mỡ của ông Nguyễn Như Phong. Hôm nay, Báo Đất Việt vẫn : ‘Gaddafi anh hùng đến lúc chết’! Thậm chí có cái comment kia hồi tháng 8 : Tinh thần Gaddafi bất diệt! Vậy thì, cũng cám ơn ông, cái chết của ông làm nhiều kẻ ngu muội bên chúng tôi, và cả tôi, tỉnh ngộ. Giờ thì, học tập cách nói của ông, bên tôi người ta hỏi nhau: Khi nào thì Việt Nam sẽ là Libya thứ hai ?”
Cho nên tôi nói với các nhà lãnh đạo VN là phải coi chừng, đừng coi thường người dân. Dân hiền thì rất hiền, nhưng khi đã nổi cơn giận lên thì không có gì cản nổi.
Hòa Thượng Thích Quang Độ
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh lên tiếng chia tay với bạn mạng bằng bài blog cảm động tựa đề “Lời cuối chân thành” cũng không quên lưu ý rằng “Bài học Gaddafi cho thấy, thế giới ở thời đại liên lập không để anh được tự do bắt bớ, đàn áp và bắn giết nhân dân tùy thích. Dân tộc nào bị áp bức quá rồi đến lúc cũng phải vùng dậy. 70 năm như Liên Xô, 50 năm như Đông Âu hay 42 năm như Gaddafi rồi cũng sụp đổ. Chính vì vậy mà tôi hy vọng rằng giấc mơ của tôi không mãi mãi chỉ là giấc mơ”.
Trong bối cảnh như vậy, có lẽ những người lãnh đạo VN, nếu thức thời, cần phải lắng nghe tiếng nói của những nhà dân chủ, những người yêu nước vốn đang ra sức bày tỏ nguyện vọng, ý chí của mình là muốn có một chế độ tự do, dân chủ và nhân quyền, muốn có 1 chế độ mà trong đó xã hội dân sự phải được tôn trọng, đất nước hướng tới con đường văn minh, và nhất là tạo điều kiện cho sự đoàn kết toàn dân để đối phó với nguy cơ mất nước, vì TQ tiếp tục mạnh mẽ hơn bao giờ hết mộng bành trướng bá quyền, qua đó, VN là nạn nhân trước tiên
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/any-meeting-point-of-gdf-n-hn-tq-11022011135627.html

Lời trăn trối quan trọng nhất của Hưng Đạo Vương - Tạ Dzu

Tạ Dzu
Thời gian gần đây, mối quan hệ giữa hai nước Việt-Trung đã trở thành tin thời sự hàng đầu, lôi kéo quan tâm của cả nước và của toàn dân trong ngoài VN.
Nhân sự kiện đó, chúng ta hãy cùng học lại những bài học lịch sử cha ông trong mối tương quan trên, tiêu biểu là dưới triều Trần với những danh tướng lẫy lừng, từng oanh liệt chiến thắng sự xâm lăng ba lần của giặc bắc phương.
Đời Vua Trần Anh Tông (1293-1314) Đức Trần Hưng Đạo xin về trí sĩ ở Vạn Kiếp. Vua Anh Tông thấy ngài bệnh nặng sắp mất liền ngự giá đến thăm. Nhà vua đã cẩn thận xin ý kiến của Hưng Đạo Vương về cách thế đối phó với giặc phương bắc, mới hỏi rằng: “Thượng phụ một mai khuất núi, phỏng có quân bắc lại sang thì làm thế nào?”
Hưng Đạo Vương tâu rằng: “Nước ta thuở xưa, Triệu Võ Vương dựng nghiệp, Hán đế đem binh đến đánh, Võ Vương sai dân đốt sạch đồng áng, không để lương thảo cho giặc chiếm được, rồi đem đại quân sang châu Khâm, châu Liêm đánh quận Tràng Sa, dùng đoản binh mà đánh được, đó là một thời. Đến đời Đinh, Lê, nhiều người hiền lương giúp đỡ, bấy giờ nước Nam đang cường, vua tôi đồng lòng, bụng dân phấn chấn; mà bên Tàu đang lúc suy nhược, cho nên ta đắp thành Bình Lỗ (thuộc Thái Nguyên) phá được quân nhà Tống, đó là một thời. Đến đời nhà Lý, quân Tống sang xâm, Lý đế sai Lý Thường Kiệt đánh mặt Khâm, Liêm, dồn đến Mai Lĩnh, quân hùng, tướng dũng, đó là có thể đánh được. Kế đến bản triều, giặc Nguyên kéo đến vây bọc bốn mặt, may được vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước đấu sức lại mà đánh, mới bắt được tướng kia, cũng là lòng trời giúp ta mới được thế.
Đại để, kẻ kia cậy có tràng trận, mà ta thì cậy có đoản binh; lấy đoản chống nhau với tràng, phép dùng binh thường vẫn phải thế. Còn như khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm, như gió, như lửa, thế ấy lại dễ chống. Nếu nó dùng cách dần dà, như tằm ăn lá, thong thả mà không ham của dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới khó trị, thì ta nên kén dùng tướng giỏi, liệu xem quyền biến, ví như đánh cờ, phải tùy cơ mà ứng biến, dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà, thì mới có thể đánh được. Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả.” (1)
Xem như vậy, khi giặc mạnh kéo đến ầm ầm như vũ bão thì lại dễ chống. Ngược lại, nếu giặc thong thả tà tà, làm như chẳng có gì xảy ra như tằm ăn dâu, thế ấy mới khó chống. Đức Thánh Trần đã vấn kế nhà vua rằng phải biết dùng tướng giỏi, điều binh như đánh cờ mà tùy cơ ứng biến, đồng thời khi dùng binh thì vua tôi phải trên dưới một lòng như cha con một nhà.
Đọc lại những lời cố vấn của một danh tướng đã từng ba lần anh dũng chiến thắng quân Nguyên, chúng ta phải hốt hoảng lo sợ cho tương lai VN trong tình thế hiện tại do Đảng CSVN cầm quyền.
Đối sách của Trung Cộng hiện nay với VN chính là điều mà Hưng Đạo Vương lo ngại: chúng dùng chính sách dần dà, như tằm ăn lá, mới khó trị.
Những gì Tàu Cộng thực hiện trong 10 năm qua cho thấy rõ điều đó. Nay thì ép buộc CSVN ký kết hiệp ước đất liền và biển khơi mà phần thiệt thòi nặng nề về phía VN, còn chiếm thêm một số đảo; mai lại đòi khai thác bôxít Tây Nguyên; mốt thì hối lộ quan chức nhà nước để được trúng những gói thầu quan trọng liên quan tới an ninh tổ quốc. Mới đây nhất, đã mướn được một số rồi mà vẫn còn đòi ký tiếp nhiều hợp đồng thuê những diện tích lớn lao rừng đầu nguồn thuộc những tỉnh biên giới với Trung Cộng.
Ngài đã đưa ra những phương cách đối phó. Điều kiện thứ nhất là: phải biết dùng tướng giỏi và có tài ứng biến như khi chơi cờ.
Lâu nay, VN không có chiến tranh kể từ năm 1988, đã thua và để mất một số đảo trong quần đảo Trường Sa khiến chúng ta không thể biết các ông tướng cs sẽ ứng phó ra sao khi có chiến tranh. Những tranh chấp ở thượng tầng lãnh đạo, giới quân sự cũng chìm ẩn hoặc bị tổng cục T-2 chỉ đạo bộ quốc phòng nắm chắc, hoặc chưa được nhân vật nào thuộc phe đổi mới thân Tây phương yểm trợ nên chưa có tiếng nói nào được nêu ra trong những đấu đá ấy.
Chúng ta chỉ thấy các lão tướng có uy tín trong quân đội trước nay lên tiếng, tiêu biểu là ông Võ Nguyên Giáp về những vụ như tổng cục T2, T4, Sáu Sứ, bôxít… Nhưng dường như những tiếng kêu gào thảm thiết của ông chỉ rơi vào khoảng không ghê rợn mà đảng và chính quyền hoàn toàn để ngoài tai, khác hẳn thái độ trân trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến Hưng Đạo Vương của Vua Trần Anh Tông.
Gần đây nhất, trong lá thư đề ngày 21 tháng 1 năm 2010, hai lão tướng khác của Quân đội Nhân dân là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã mạnh mẽ phản đối nhà cầm quyền CSVN “đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 305, 3534 nghìn ha, trong đó Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn ha, 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới”.
Hai ông cho rằng chỉ vì hám lợi nhất thời trước sự việc cho mướn rừng đầu nguồn dài hạn sẽ gây hiểm họa cực lớn tới an ninh quốc gia. Hai tướng lý luận rằng “Họ đã thuê được thì họ có quyền chặt phá vô tội vạ. Rừng đầu nguồn bị chặt phá thì nguồn thủy lợi sẽ không còn nguồn nước, các nhà máy thủy điện sẽ thiếu nước không còn tác dụng, lũ lụt, lũ quét sẽ rất khủng khiếp…”
“Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước. Còn các nước mua rừng của ta là cố tình phá hoại nước ta và gieo tai họa cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo. Nếu chúng ta không có  biện pháp hữu hiệu, họ có thể đưa người của họ vào khai phá, trồng trọt, làm nhà cửa trong 50 năm, sinh con đẻ cái, sẽ thành những “làng Đài Loan”,  “làng Hồng Kông”, “làng Trung Quốc.” Thế là vô tình chúng ta mất đi một phần lãnh thổ và còn nguy hiểm cho quốc phòng.” (2)
Không hiểu rồi đây tiếng nói của các vị có lòng với đất nước này sẽ bị rơi vào quên lãng như của Tướng Giáp hay không?
Những góp ý của hai lão tướng yêu nước nói trên sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tư duy các cấp lãnh đạo trong quân đội. Họ sẽ nhận thấy rằng Đảng CSVN hành động hoàn toàn chỉ vì quyền lợi của đảng mà không phải vì tổ quốc, vì nhân dân, có thể khiến họ sẽ không còn trung thành với đảng nữa. Những mệnh lệnh để chống lại “kẻ lạ”, nếu có, sẽ không được chấp hành nghiêm chỉnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.
Đó là sự nguy hiểm trong ý thứ hai của Hưng Đạo Vương về đối sách với Trung Quốc: dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà mới có thể đánh được.
Đức Thánh Trần dạy bảo dân ta những điều đó cũng là do ngài đã học hỏi kinh nghiệm cha ông trong huyền sử nước nhà. Những gì Đảng CSVN đang hành xử từ thời HCM rước chủ thuyết ngoại lai vào rất giống với bài học An Dương Vương ngàn xưa.
“An Dương Vương đã xa rời nếp sống muôn dân, chỉ trông cậy vào người ngoài (thần Kim quy) nên ông phải xây thành chống giặc mà trước kia các vua Hùng không cần làm việc đó. Ông còn bước thêm một sai lầm nghiêm trọng nữa là đem nàng tiên Mỵ Châu, biểu tượng của tinh thần dân tộc gả cho Trọng Thủy, con của kẻ thùTriệu Đà.
Trọng Thủy đang là một kẻ xâm lăng khiến An Dương Vương phải xây thành, xin nỏ để chống cự bỗng ngang nhiên tung hoành tận thâm cung của Loa Thành, còn trở thành người đầu gối tay ấp của nàng tiên Mỵ Châu!” (3)
Từ chỗ sai lầm tin vào chủ thuyết ngoại lai, đảng cs bước tới giai đoạn rước giặc vào nhà. Nàng Mỵ Châu, biểu tượng cho hồn Việt đã chấp nhận và ôm ấp giặc. Hơn thế nữa, nàng còn yêu chiều Trọng Thủy đến nỗi đưa cả nỏ thần, vũ khí giữ nước cuối cùng cho Trọng Thủy coi rồi bị lừa bịp đánh tráo, y như nhà nước hiện thời đang cho kẻ lạ khai thác bôxít Tây Nguyên, cho mướn rừng đầu nguồn dài hạn và cho trúng những vụ thầu quan trọng liên quan đến nền an ninh quốc gia.
Đảng CSVN – hình ảnh của Mỵ Châu – đã coi ý giặc hơn sự an toàn của dân nước. Nàng yêu quý giặc hơn đồng bào hơn quê hương, đã đàn áp sinh viên biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng, bỏ tù các nhà dân chủ và trí thức yêu nước, bịt miệng toàn dân, còn theo ý giặc trao luôn cả nỏ thần vùng đất Tây Nguyên giữ nước, đổi lấy 4 tốt và 16 chữ thánh hiền vàng ngọc thiên triều đỏ ban cho. Chúng lại quên mình vì giặc, bỏ mặc ngư dân tự trang bị đối phó còn dâng đất đai biển đảo, sẵn sàng chết cho kẻ thù để được mãi mãi thống trị nhân dân. Khôn khéo của đảng cs là đây!
Theo Đức Thánh Trần, tướng lãnh phải quyền biến như khi chơi cờ. Với cái nhìn ngày nay, phải hiểu đó là đường lối ngoại giao khôn khéo, biết dựa vào sức dân, vào văn hóa dân tộc, vào trí tuệ toàn dân mà đưa ra các biện pháp hữu hiệu hầu đối phó với chính sách nhẹ nhàng như tằm ăn dâu của Trung Quốc.
CSVN đã quên bẵng những bài học lịch sử cơ bản đó.
Nếu biết dựa vào sức dân và trí tuệ của nhân dân họ đã phải đưa những hiệp ước về đất liền và phân chia vịnh bắc bộ, về khai thác bôxít, thương thảo những hợp đồng quan trọng, hoặc cho thuê rừng đầu nguồn dài hạn… ra quốc hội bàn thảo, dù chỉ là chiếu lệ để toàn dân góp ý.
Đằng này tuyệt nhiên không mà lén lén lút lút ký bừa. Nhân dân quan tâm thắc mắc thì ỡm ờ, trả lời nhăng cuội cho qua.
Đó có phải là thái độ khôn ngoan hay không? Có vì quyền lợi đất nước hay không?
Cả hai điều kiện đầu CSVN hiện đang hoàn toàn thiếu vắng. Nhưng điều kiện thứ ba quan trọng hơn hết, có nó mới có hai điều trên, là, “cách ấy phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả.”
Thế nào là khoan sức cho dân?
Thời xưa là bớt sưu cao thuế nặng, bớt đàn áp dân chúng, bớt ép buộc muôn dân phải bỏ công bỏ của phục dịch vua quan. Ngày nay là không đục khoét của công, phong bì bôi trơn hợp đồng, là tham nhũng hối lộ, quan liêu xu phụ; rồi còn cướp nhà cướp đất, biến quần chúng thành dân oan hoặc bắt đóng những thứ thuế có tên mà kế hoạch không bao giờ được thực hiện; hay đàn áp tôn giáo và những tiếng nói đối lập, bóp họng quần chúng với thông tin một chiều.
Tất cả những điều ấy đã mạnh mẽ tố cáo rằng đảng và nhà nước chỉ nắm được ngọn, bao gồm những đảng viên trung thành và các tổ chức ngoại vi ăn chia với nhau, chứ hoàn toàn không hề có kế sâu rễ bền gốc nhằm bắt được nhịp sống của đáy tầng quốc dân như lời dạy của Đức Thánh Trần.
Làm thế nào để bám rễ vào dân nhằm tạo gốc to và vững chắc, được nhân dân hết lòng ủng hộ mà phát triển và bảo vệ đất nước?
Chẳng có gì khó hiểu, cứ việc thực thi “ý trời” thì sẽ được trời giúp. Làm sao biết được đâu là ý trời? Cũng chẳng có gì là bí hiểm. Ý trời chính là ý dân!
Hiện nay nhân dân đang trông chờ điều gì?
Một cách tổng quan, đó là tự do, dân chủ và nhân quyền như bao công dân, bao tổ chức yêu nước đã thiết tha kêu gào từ lâu. Nhiều người phải chấp nhận tù đày cho những lời kêu gọi thống thiết đó. Nhưng nó đã hoàn toàn chìm vào hố sâu tĩnh lặng ghê rợn của cường quyền bạo lực nhà nước.
Muốn hiểu được ý dân, hãy bắt đầu bằng việc biết lắng nghe tiếng dân, hoà vào đời sống nhân dân hầu không rời xa dân nữa. Nghe tiếng lòng quốc dân là sao? Là phải để quốc dân nói. Muốn nghe mà bịt mồm bịt miệng người ta thì ai nói cho mình nghe? Muốn nghe mà không cho giơ tay phát biểu ý kiến, lại đe dọa rình rập bắt bớ thì ai còn thiện chí phát biểu? Nghe rồi, phải kiên quyết thực hiện ý dân, tức là nắm được mệnh trời.
Mệnh trời ai nắm, kẻ ấy sẽ được muôn dân theo về với mình.
Lời trăn trối quan trọng nhất vào lúc cuối đời của một danh tướng ba lần đại phá quân Nguyên, kết tinh từ máu xương quân dân Đại Việt, có được Đảng CSVN chú ý lắng nghe hay không?
© Tạ Dzu